Ba tháng qua, Thọ làm việc rất vui vẻ, dễ chịu. Chàng không hiểu tại sao Thúy, Lại và thầy giáo cũ chàng lại cho nghề dạy học là chán nản. Chàng thấy học trò chăm học, hiểu lời chàng dạy, chàng rất vui lòng. Một đôi khi cũng gặp vài sự trái ý, như học trò vô phép hoặc lười biếng, nhưng chàng cũng quên ngay được. Chàng thường nghĩ: "Lúc mình đi học, có lẽ còn tệ hơn họ..." Rồi chàng lại nhớ đến hồi còn ở trường, ông Đốc trường Sư phạm ba lần chúc chàng một câu mà bây giờ chàng mới hiểu hết cái nghĩa thâm thúy của nó.
Lần thứ nhất, đang giờ tập thể thao, ông đội tây dạy võ đối với một người bạn của Thọ không được ngọt ngào lắm. Thọ phải phân trần về thái độ ấy. Lẽ tất nhiên là ông Đội nói với ông Đốc, ông Đốc gọi Thọ. Sau một hồi giảng cho Thọ hiểu rằng: thầy giáo uốn nắn cho học trò không phải là bạc đãi họ, ông Đốc kết luận: "Tôi mong rằng sau này học trò anh nó sẽ đối với anh như anh đã đối với ông Đội".
Lần thứ hai, một ngày chủ nhật giời mưa, Thọ phải ở lại trong trường. Thọ đương giảng bài cho một người bạn, bỗng một ông giám thị bảo Thọ nói chuyện, biên phạt. Thọ cãi lẽ. Ông giám thị thưa với ông Đốc là Thọ bướng. Ông Đốc lại chúc Thọ: "Tôi chỉ sợ về sau học trò anh nó sẽ xử với anh cũng như anh đã xử với ông giám thị".
Lần thứ ba, câu chuyện dài hơn và đáng nhớ hơn. Thọ phải ra trường Thực hành dạy thay một ông giáo nghỉ phép một tuần lễ. Đối với một "thầy giáo tạm thời", học trò thường không được lễ phép như đối với thầy giáo họ: họ thường nói chuyện và làm rầm trong lớp. Bất đắc dĩ, Thọ phải bắt ba đứa ra quỳ ngoài cửa lớp, vì chàng đã dùng hết cách: khuyên, mắng, phạt đứng, phạt viết.
Ông giáo dạy lớp bên chạy sang, dõng dạc đuổi ba đứa học trò ấy về chỗ. Cho là có tổn hại đến thể diện của mình, Thọ lại bắt ba đứa ra quỳ và xin ông giáo kia đừng can thiệp đến một cách kẻ cả như thế; việc Thọ làm, Thọ chịu trách nhiệm.
Lần này, đang giờ học, ông Đốc gọi Thọ hỏi đầu đuôi câu chuyện. Thọ nói rành mạch:
"Thưa ông tôi phải cử ra dạy thay một ông giáo nghỉ phép ở trường Hàng Than. Chẳng nói ông cũng thừa rõ: học trò nó không nể tôi cho lắm, chỉ vì một lẽ rất giản dị là tôi không phải thầy giáo chính thức của họ. Bởi vậy chúng nó thường nói chuyện rầm lên, rất trở ngại cho sự giảng dạy. Hết lời khuyên răn không ăn thua tôi phải bắt ba đứa ra quỳ ngoài cửa lớp. Nếu ông giáo ở bên cạnh là người lịch thiệp, ông gọi tôi ra cửa nói nhỏ cho tôi như thế là trái phép, khuyên tôi nên cho chúng nó về chỗ, tôi sẽ cảm phục ông ấy, coi ông ấy như người anh cả, và tha ngay ba đứa học trò. Nhưng tiếc thay ông ấy lại không lịch thiệp. Ông ấy ở trong lớp chạy ra hầm hầm quát: "Cho ba đứa kia về chỗ". Thưa ông như thế phỏng đối với học trò, tôi còn ra thế nào? Liệu trong lớp có thể im được không hay lại rầm hơn trước? Vậy tôi phải giữ thể diện của tôi trước mặt học trò...."
Ông Đốc mỉm cười: "Anh nghĩ đến thể diện của anh, nhưng anh quên rằng anh chỉ cần đến thể diện ấy trong một tuần lễ, nghĩa là trong khi anh ra dạy thay ở trường Hàng Than thôi, còn ông giáo bên cạnh, ông ấy còn dạy ở đấy lâu, có lẽ đến lúc về hưu, sao anh không nghĩ đến thể diện của ông ta?..."
Rồi ông lại kết luận: "Tôi ước ao rằng: sau này học trò anh nó sẽ coi anh như anh đã coi ông giáo ấy".
Giờ Thọ mới rõ rằng ông Đốc trường Sư phạm là người thạo đời. Còn gì có thể làm cho một ông giáo phải bực mình hơn là thấy học trò mình vô lễ với mình. Nhưng mỗi khi có ai làm điều gì nhầm lỗi, Thọ nén được lòng ngay. Chàng mừng rằng nghề dạy học đã luyện cho chàng thành một người ôn hòa, biết suy nghĩ, có đủ nghị lực nén nổi các cuồng vọng của mình. Cái tính nóng nẩy sôi nổi của Thọ xưa kia bớt dần, rồi mất hẳn.
Nhưng Thọ sẵn lòng dung thứ các điều nhầm lỗi của học trò, không phải là chàng để mặc họ muốn làm gì thì làm đâu. Không, chàng hiểu rõ chức của chàng lắm. Không những chàng phải mở mang trí tuệ cho học trò, chàng còn phải dạy cho họ, trở nên người có đức hạnh, hiểu biết điều hay. Nếu đức dục không tiến thì trí dục vị tất đã có lợi.
Thọ khéo tùy cơ hội, khéo theo tính từng người mà khuyên, răn, phạt, khéo dùng lời nói ngọt ngào mà dắt học trò vào con đường chính. Chàng nhận thấy sự ngọt ngào có công hiệu hơn sự trừng phạt.
Trong một lớp học, ta thấy đủ nết hay tật xấu của các hạng người. Học trò, có cậu ưa nịnh, có cậu thích lời nói thẳng, có cậu cả thẹn, có cậu mặt trơ. Ton hót, giảo quyệt, gian trá tinh quái thực thà, cẩn thận, ngu đần, dễ tin, còn thiếu nết gì học trò không có nữa. Ta phải hiểu rõ tâm tính từng người để lựa lời dạy bảo. Đối với một học trò cả thẹn và một cậu mặt trơ, ta không thể dùng cùng lời nói, cũng như ta không thể dùng cùng lời nói với người ưa nịnh và người thẳng tính được. ấy cả khoa tâm lý ở đấy, và cả khoa sư phạm cũng ở đấy. Biết lựa tính học trò, họ sẽ vui lòng học tập, mà ông thầy mới mến nghề mình.
Một ông giáo không những phải khéo, lại còn phải giỏi đủ các khoa, từ pháp văn, quốc văn, luân lý, sử ký... vân vân, cho đến bài tập viết, tập vẽ.
Thọ nhận thấy điều ấy một hôm tình cờ giở đến một quyển vở cũ để trong tủ sách. Trên một trang giấy có dòng chữ mực đỏ của ông giáo đề: "Anh phải viết cho cẩn thận..." mà chữ của ông giáo ấy lại nguệch ngoạc hết chỗ nói. Đối với học trò, không thể thực hành câu: "Tôi bảo sao làm vậy, chớ bắt chước những việc tôi làm" được.