Chương 14
Thành phố Charleston nơi đã tạo ra Eleanor Butler và đã lôi cuốn Rhett sau nhiều thập niên tha phương cầu thực, là một trong những thành phố cổ nhất châu Mỹ, nằm chen mình trên một bán đảo tam giác giữa hai con sông lớn có nước triều lên xuống, và đổ vào một vùng lưu vực rộng lớn trông ra Đại Tây Dương.
Được xây dựng năm 1682, ngay từ những ngày đầu tiên, thành phố đã được có cái vẻ lững lờ lãng mạn và cái tính ham mê sắc dục là những điều rất xa lạ với cuộc sống náo nhiệt và với đức hy sinh của phái Thanh giáo tiêu biểu cho những kiều dân New England. Gió nhẹ mang vị mặn của biển lắc lay những khóm cây cọ dừa và cành nho, quanh năm hoa nở toả hương thơm khắp vùng. Đất đen nhánh màu mỡ, không một hạt sỏi, lưỡi cày cắt vào cứ ngọt lịm, sông nước đầy đặc những cá, của, tôm, rùa bạc, sò, còn rừng thì lúc nhúc thú. Đất nầy đón mời con người đến khai thác mọi tài nguyên.
Những con tàu, từ khắp năm châu, đến thả neo trong cảng mang đi lúa gạo của những đồn điền bạt ngàn bên sông và đem đến những vật phẩm xa xỉ cho sự vui chơi và sự tô điểm của đám dân cư bé nhỏ ở một thành phố giàu nhất châu Mỹ.
May mắn trưởng thành vào Thế kỷ ánh sáng, Charleston đã đổ tiền của ra để săn tìm cái đẹp và trí thức. Hoà hợp với khí hậu, với sự hào phóng của thiên nhiên, nó cũng sử dụng sự giàu có của nó cho thú vui thanh sắc. Mỗi nhà đều có đầu bếp riêng, phòng khiêu vũ, mỗi phu nhân đều mặc gấm vóc của Pháp và đeo ngọc trai của Ấn Độ. Giới trí thức đua tài với giới âm nhạc và múa, các trường khoa học đua tài với trường dạy đánh kiếm. Sự tinh tế tinh thần và chủ nghĩa hoan lạc hài hoà với nhau tạo ra một nền văn hoá mang nét thanh cao tuyệt vời ở đó sự xa hoa tột cùng được tiết chế bằng kỷ cương nghiêm ngặt của trí tuệ và giáo dục.
Người dân Charleston trang trí nhà cửa bằng đủ mọi màu sắc của cầu vồng và tô điểm bằng những hàng hiên, ở đó gió biển thoảng đưa mùi hoa hồng mơn trớn.
Mỗi nhà đều có quả địa cầu và kính viễn vọng trong một căn phòng tường vách đầy ắp sách tiếng nước ngoài.Vào giữa ngày, người ta dùng bữa ăn sáu món, bát đĩa bằng bạc bóng loáng di sản của nhiều thế hệ. Câu chuyện là nước xốt cho món ăn, còn sự hóm hỉnh là gia vị ưa thích nhất.
Đó là cái thế giới mà Scarlett O Hara - hoa khôi thời trẻ của một quận nông nghiệp đất đai gồ ghề và đỏ thẫm, cách biên giới phía Bắc Géorgie không xa - đang lao đầu vào chinh phục với vũ khí duy nhất là nghị lực, là tính ương ngạch quyết liệt với một nhu cầu thành công có tính sống còn. Nàng lại bước vào đời vào thời điểm tồi tệ nhất.
Hơn một thế kỷ, Charleston đã nổi tiếng về lòng hiếu khách. Những cuộc tiếp tân với cả trăm khách mời không phải là điều khác thường, mà nửa số khách mời, nam nữ chủ nhân chỉ biết qua thư giới thiệu. Vào tuần lễ đua ngựa, đỉnh cao của mùa vui chơi, các chủ ngựa thường từ Anh, Pháp, Ireland, Tây Ban Nha kéo đến đây từ nhiều tháng trước với ngựa của mình để cho chúng làm quen với khí hậu. Khách đóng đô tại nhà những đối thủ Charleston của họ, và ngựa khách, ngựa chủ nay mai là địch thủ cùng ở chung một chuồng. Đúng là một thành phố phóng khoáng và cởi mở.
Cho đến khi chiến tranh xảy ra. Chuyện phải đến đã đến khi những phát đại bác đầu tíên của cuộc nội chiến nã vào pháo đài Sumter, cảng Charleston. So với bất kỳ nơi đâu Charleston là biểu tượng cho miền Nam huyền bí và diệu kỳ nơi những tràng tóc tiên lủng lẳng trên những cành mộc lan thơm ngát. Đối với người dân Charleston cũng là thế!
Còn đây là đối với miền Bắc "Thành phố Charleston kiêu hãnh và ngạo mạn", các báo ở New York và Boston lập mãi cái điệp khúc ấy. Các sĩ quan của Liên bang đã quyết định tiêu diệt cái thành phố cổ đầy hoa và đủ màu ấy. Bọn họ bắt đầu bao vây đường vào cảng, rồi các khẩu đội pháo đặt trên những hòn đảo kế cận nã đạn vào những đường phố nhỏ và nhà cửa. Cuộc vây hãm kéo dài gần sáu trăm ngày đêm. Cuối cùng quân của tướng Sherman kéo đến, đốt trụi các đồn điền gần những dòng nước. Khi đại binh của Liên bang tiến vào thành phố để chiếm lấy lợi phẩm nầy, thì chỉ là cảnh đổ vỡ hoang tàn. Cỏ dại mọc đầy trên đường phố, khuất lấp những mảnh vườn của những ngôi nhà không cửa, lỗ chỗ vết đạn và mái đổ sụp. Quân lính cũng phải đối phó với dân cư bị tàn sát, song đã trở nên kiêu hãnh và ngạo mạn như ở miền Bắc người ta thường nói.
Khách lạ không ai còn thấy Charleston niềm nở nữa.
Mọi người lợp qua quýt lại mái nhà và lắp lại cửa sổ rồi đóng cửa im lìm. Giửa họ với nhau, họ lại làm sống lại những tập quán vui vẻ rất thân thiết với họ. Họ gặp nhau để khiêu vũ trong những phòng khách trống rỗng vì bị cướp phá và nâng cốc chúc mừng miền Nam với những cái tách vỡ hàn lại chỉ đựng nước lã. Những cuộc vui như vậy được gọi là "lễ hội của sự đói kém". Đã qua rồi thời mà người ta uống rượu Champagne của Pháp trong những cái cốc pha lê, song vẫn còn đó những con người đã sinh ra từ Charleston. Họ đã mất tất cả những gì họ có, nhưng không ai có thể cướp đi của họ gần hai thế kỷ truyền thơng và lối sống mà ai nấy đều quen thuộc. Điều ấy không kẻ nào có thể cướp mất được.
Chiến tranh đã kết thúc, nhưng họ không bại trận.
Không bao giờ xảy ra điều ấy, cho dù bọn Yankee khốn khiếp có làm gì đi nữa. Chẳng biết bao giờ họ không còn sát cánh bên nhau… và đặt những kẻ xa lạ ngoài cái xã hội khép kín của họ.
Thời kỳ chiếm đóng và những xúc phạm nặng nề của giai đoạn tái thiết đã thử thách họ, song họ vẫn vững vàng. Lần lượt các bang của Hợp bang gia nhập vào Liên bang, và người sở tại lại được quyền cai trị. Nhưng đối với miền Nam Caroline thì không. Và nhất là Charleston. Hơn chín năm sau khi cuộc chiến tranh đã kết thúc, những người lính có vũ trang vẫn tiếp tục tuần tra trên những đường phố cũ để bao đảm lệnh giới nghiêm. Chế độ quân quản thường xuyên thay đổi được áp dụng trên mọi mặt của cuộc sống, từ giá giấy đến các thủ tục xin kết hôn, thậm chí đến cả giấy phép xin mai táng. Charleston càng lúc càng có vẻ thảm thương song quyết tâm gìn giữ lối sống xưa ngày càng mạnh mẽ. Người ta lại tổ chức các hội nhảy của những kẻ độc thân. Một thế hệ mới ra đời, lấp vào chỗ trống do những cuộc tàn sát ở Bull Run, Antietam và Chancellorsville gây ra. Sau những giờ làm việc như một nhân viên văn phòng hoặc công nhân, những người chủ đồn điền cũ lại đáp tàu hoặc đi bộ đến ngoại ô thành phố để xây dựng lại trường đua hình bầu dục, dài khoảng hai dặm, vốn đã làm nên vinh quang cho Charleston, và để trồng trên nền đất đã thấm máu quanh đó một bãi cỏ mà hạt giống đã được mua bằng số tiền thắt lưng buộc bụng của các bà vợ goá.
Lần hồi, qua từng biểu tượng một, những cư dân của Charleston đã hồi sinh lại cho họ chính những tinh hoa của cái thế giới đã mất và xiết bao yêu mến. Nhưng trong thế giới ấy vẫn không có chỗ cho bất cứ ai từ ngoài đến.
Chương 15
Buổi tối đầu tiên ở gia đình Butler, Pansy không khỏi ngạc nhiên về cách sai bảo của Scarlett lúc cô gỡ móc coóc-sê của nàng.
- Lấy bộ quần áo màu xanh cô mặc sáng nay và chải kỹ. Sau đó gỡ hết những trang sức, kể cả các nút vàng, thay vào đó bằng những nút đen thường.
- Thế em tìm những nút đen ấy ở đâu, thưa bà Scarlett?
- Đừng làm cô điên vì những câu hỏi ngớ ngẩn của em. Đi mà hỏi cô hầu phòng của bà Butler - Cô ấy tên gì nhỉ? À, phải rồi, Celie. Sáng ngày mai 5 giờ nhớ đánh thức cô dậy.
- Năm giờ à?
- Em có điếc không đấy! Em hiểu cô nói gì chứ. Bây giờ thì làm nhanh lên. Cô muốn bộ áo này sẵn sàng khi cô thức dậy.
Scarlett thả mình trong tấm nệm lông vũ và gối lông tơ của chiếc giường rộng. Nàng vừa trải qua một ngày đầy sự kiện và xúc động. Gặp Eleanor Butler, đi mua sắm, dự cuộc họp lạ lùng về Cư xá hợp bang, rồi trông thấy Rhett đột nhiên xuất hiện với bộ đồ trà bằng bạc…
Nàng quàng tay qua quãng trống bên cạnh mình. Nàng những muốn chàng nằm ở đó. Nhưng có lẽ tốt hơn nên đợi vài ngày nữa đến lúc mọi người ở Charleston thật sự chấp nhận nàng. Và Ross, cái thằng khốn nạn ấy! Nàng không muốn nghĩ về hắn, cả những điều kinh khủng hắn nói và làm. Eleanor đã cấm cửa hắn, và còn lâu nàng mới trông thấy mặt hắn - Nàng mong sẽ chẳng bao giờ gặp lại hắn. Nàng lại nghĩ sang chuyện khác. Nàng nghĩ về Eleanor, người yêu quý nàng, người sẽ giúp nàng chinh phục lại Rhett mà không hề hay biết.
Eleanor mô tả chợ như là nơi mọi người gặp gỡ nhau và nghe ngóng mọi thứ tin tức. Ngày mai Scarlett sẽ đi chợ. Nàng thấy không cần thiết phải đi chợ quá sớm, vào 6 giờ sáng. Nhưng đành phải vậy. Phải thế là vì Charleston, nàng mơ màng nghĩ, trong lúc chìm dần vào giấc ngủ, là một thành phố thật sôi động, và mình yêu thích điều đó. Nàng chưa kịp ngáp dài thì đã ngủ say rồi.
Chợ đúng là nơi lý tưởng nhất cho Scarlett bắt đầu cuộc sống quý tộc ở Charleston. Nó kết tinh ra bề ngoài, dưới mắt mọi người, cái bản chất tinh tuý nhất của thành phố. Từ khi thành lập, chợ là nơi dân chúng đến mua thức ăn hàng ngày, các bà nội trợ - hiếm khi có nam giới đi chọn mua thực phẩm, trao cho cô hầu hay anh đánh xe bỏ vào một cái giỏ mang trên tay. Trước chiến tranh, người bán thường là số nô lệ ở đồn điền các ông chủ. Nay phần đông họ vẫn làm việc ở nơi cũ như trước chiến tranh, nhưng họ là người tự do, còn thúng hàng thì có người theo hầu đội và được trả công. Người hầu cũng thường là những người lúc trước, và cũng đội thúng như trước. Cái chính là ở Charleston, tập quán cũ không hề thay đổi.
Tập quán là nền tảng của xã hội, là giấy khai sinh cho người dân Charleston, là di sản vô giá mà không một tên "kẻ cướp" nào, một tên lính nào có thể cướp đi được ở chợ, điều đó lại càng trở nên hiển nhiên. Chợ là nơi công cộng, người xứ khác có thể đến đó mua bán.
Nhưng họ sẽ thất vọng. Họ sẽ không bao giờ bắt gặp ánh mắt của người đàn bà bán rau và của người đàn ông bán của. Người da đen ở Charleston cũng hãnh diện là dân thành phố hệt như người da trắng. Khi người lạ đi khuất, cả chợ cười ầm lên. Chợ này chỉ dành cho dân Charleston mà thôi.
Scarlett so vai cho cổ áo cao lên một chút. Dù nàng cố gắng mấy, gió lạnh cứ lùa vào cổ nàng như một ngón tay buốt giá, làm nàng rùng mình. Nàng có cảm giác mắt cay xè và đôi giầy nặng như chì. Năm khu nhà thì dài bao nhiêu dặm? Nàng không nhìn thấy gì cả. Nhưng cột đèn đường chỉ tạo thành một quầng sáng mờ mờ giữa sương mù xám xịt và ma quái của buổi bình minh còn chìm trong bóng tối.
Sao bà Eleanor lại có thể hoạt bát như vậy nhỉ? Bà nói chuyện như không hề cảm thấy lạnh, như thời tiết không hề tăm tối thế nầy. Vài tia sáng le lói phía trước. Scarlett lảo đảo tiến về phía ánh sáng ấy, hy vọng tránh được gió. Mùi gì thoảng đến đấy nhỉ? Nàng hít hít không khí… Mùi cà phê đây mà. Có thể tỉnh lại được rồi. Nàng bước vội theo chân bà Butler, chỉ mong sao đến đó thật nhanh.
Như một ốc đảo của ánh sáng và hơi ấm, của màu sắc và sức sống trong bình minh mù sương, khu chợ giống như một cửa hàng bách hoá. Những ngọn đuốc to cháy rực trên những trụ gạch đỡ lấy vòm cổng cao mở ra các ngõ chung quanh chiếu sáng những tấm tạp dề, những chiếc khăn phula quấn cổ của các cô da đen tươi cười, làm rực rỡ món hàng bày bán trong những chiếc thúng nhiều cỡ, nhiều hình dáng, hoặc trên những chiếc bàn dài sơn xanh. Đông lắm, người ta đi hết sạp nầy đến sạp khác, nói chuyện với người mua, người bán, trả giá theo thói quen và khơi rộ lên những tràng cười vui nhộn.
- Một tách cà phê nhé, Scarlett?
- Thưa mẹ, vâng.
Eleanor Butler đi trước Scarlett, đến nhập vào một đám phụ nữ. Họ đang cầm trên tay găng vớ tinh tươm, những chiếc tách bằng sắt tây bốc khói, uống từng ngụm nhỏ và nói cười với nhau quên cả tiếng ồn ào quanh mình.
- Chào bà Eleanor… Eleanor, bà có khỏe không? Đứng tránh ra Mildred, nhường chỗ cho bà Eleanor… Ô, Eleanor, bà có biết Kerrison đem bán những đôi tất len thuần chất không? Mai họ mới thông báo điều đó trên báo. Bà đi đến đấy với Alice và tôi chứ? Chúng tôi sẽ đi tới đó hôm nay sau bữa trưa… Ô, bà Eleanor, chúng tôi đang nói chuyện về con gái nhà Lavinia đây. Cô ấy đã mất đứa bé tối qua. Bà Lavinia đau khổ lắm. Bà có thể tin rằng chị bếp có thể pha cho cô ấy một chai rượu chát ướp lạnh tuyệt diệu? Không ai làm được như chị ấy. Mary có một chai "Boóc đô" và tôi thì cung cấp đường.
- Chào bà Butler, tôi đã thấy bà đến rồi, cà phê của bà đã pha xong.
- Chị vui lòng thêm một tách nữa cho con dâu tôi, Sukie. Thưa các bà, tôi xin hân hạnh giới thiệu với các bà: vợ của Rhett, cháu Scarlett.
Các câu chuyện trò liền ngừng bặt, và mọi cặp mắt đổ dồn về phía Scarlett.
Nàng mỉm cười và cúi đầu chào. Nàng nhìn nhóm các bà ấy với vẻ e ngại; câu chuyện của Ross chắc đã được đồn khắp thành phố. Đáng lẽ ta không nên đến đây, ta không thể chịu nổi ý nghĩ ấy. Nàng nghiến chặt hàm răng và một cảm giác chua chát ngấm ngầm xâm chiếm nàng. Nàng chờ đợi một cái gì tồi tệ hơn, và những tình cảm đố kỵ xưa kia của nàng đối với giới quý tộc Charleston lại trỗi dậy.
Nhưng nàng vẫn mỉm cười và nghiêng mình trước mỗi người phụ nữ mà Eleanor giới thiệu với nàng… Vâng, tôi rất yêu mến Charleston. Vâng thưa bà, tôi là cháu gái của Pauline Smith… Không, thưa bà, tôi chưa đi thăm viện bảo tàng, tôi mới đến đây chiều hôm qua… Vâng thưa bà, tôi thấy chợ vui quá… Từ Atlanta - đúng ra là từ quận Clayton; gia đình tôi có một đồn điền trồng bông ở đó… Ô, vâng thưa bà, khí hậu rất dễ chịu, những ngày nắng ấm của mùa đông… Không, thưa bà, tôi nhớ tôi không gặp cháu của bà khi anh ấy ở Valdosta, vùng đó xa Atlanta… Vâng thưa bà, tôi rất thích chơi bài Whist… Ôi, rất cảm ơn, tôi thèm một tách cà phê quá đi mất…
Làm xong nhiệm vụ, nàng cúi mặt vào tách cà phê. Bà Eleanor có bộ óc phán đoán chẳng hơn gì chim sáo đá, nàng tự nhủ, bất kính… Làm sao bà ấy có thể quẳng mình vào giữa đám người này nhỉ? Chắc có lẽ bà ấy tưởng mình có trí nhớ vĩ đại của loài voi chắc. Bao nhiêu là tên, mình lẫn lộn hết. Và họ nhìn ta như nhìn một con voi thật sự; hoặc một con gì ở vườn thú ấy. Chắc họ biết câu chuyện của Ross kể lại, ta chắc là họ biết rồi. Bà Eleanor thì có thể để cho bọn họ giễu cợt bà, nhưng ta thì không. Mấy mụ già lắm điều! Nàng nghiến răng trên miệng tách.
Nàng không để lộ ra điều làm nàng xúc động, cả khi nàng tối tăm mặt mũi muốn bật khóc. Nhưng đôi má nàng đỏ ửng.
Khi nàng uống xong tách cà phê, bà Butler cầm cái tách trả lại người hầu đang tíu tít công việc, cùng với tách của bà.
- Cho tôi xin lại tiền thừa, Sukie ạ, bà vừa nói vừa đưa tờ năm đô la.
Bằng động tác nhanh gọn, Sukie nhúng tách vào một xô nước màu nâu nhạt, quậy vài cái rồi đặt lên bàn, chùi tay vào tạp dề, cầm tờ giấy bạc nhét vào cái túi da đã rạn đeo ở thắt lưng, và rút từ đó ra một tờ đô la, không cần nhìn.
- Tiền dư của bà đây, thưa bà Butler, tôi hy vọng là bà thích cà phê chúng tôi chứ ạ?
Scarlett không hiểu nổi. Hai đô la một tách cà phê! Với hai đô la người ta có thể mua một đôi giày tuyệt đẹp ở phố Hoàng gia.
- Tôi thích lắm, Sukie ạ, kể cả nhịn ăn để trả tiền cà phê. Cô có khi nào xấu hổ vì đã móc túi bà con không đấy!
Sukie cười hở cả hàm răng trắng.
- Không, thưa bà, không bao giờ! Cô ta vừa nói vừa uốn éo làm trò. Tôi xin thề có trời đất rằng không có nỗi ân hận nào quấy rầy giấc ngủ tôi cả.
Những người khách cười phá lên. Mỗi bà trong số họ đã đều nhiều phen nói chuyện như thế với Sukie rồi.
Eleanor nhìn quanh cho đến lúc nhận ra Celie và cái giỏ cô ta mang theo.
- Lại đây con, bà nói với Scarlett, hôm nay chúng ta có một danh sách mua hàng dài đấy. Phải nhanh lên kẻo họ bán hết.
Scarlett theo sau bà Butler đến đầu chợ, ở đó hàng dãy bàn chực gãy đổ dưới sức nặng của những cái chậu lớn chứa đầy tôm, cá tanh tưởi. Scarlett nhăn mũi ghê tởm đưa mắt nhìn mấy cái chậu. Nàng tưởng mình đã biết nhiều thứ cá. Có rất nhiều thứ cá nheo có ria và ngạnh đáng sợ nầy ở vùng sông nước Tara. Phải ăn thứ cá đó khi chẳng còn gì để ăn nữa. Nhưng ai đó có thể mua những con cá gớm ghiếc kia làm nàng kinh ngạc. Vậy mà không ít bà bỏ găng, thò tay vào chậu. Ôi! Lạy Chúa! Eleanor chắc sẽ giới thiệu nàng với mỗi bà. Nàng chuẩn bị nụ cười.
Một bà người nhỏ nhắn, tóc bạc cầm một con cá to trắng bạc trong thau đưa lên đúng ngay tầm mũi.
- Bà xem con cá bơn nầy thế nào, bà Eleanor? Tôi muốn nấu món cá tráp xác đầu cừu, nhưng chưa có, và tôi không đợi được. Tôi không hiểu sao tàu đánh cá lại không về đúng giờ nhỉ? Và họ cũng không thể nói rằng không có gió để căng buồm, gió muốn thổi bay cả mũ tôi sáng nay đây này!
- Tôi thì thích món cá bơn bà Minnie ạ, chỉ có cái là cho nhiều nước xốt vào. Xin bà cho phép tôi giới thiệu với bà, vợ của Rhett, Scarlett… Scarlett con, đây là bà Wentworth.
- Chào Scarlett. Cô xem con cá bơn nầy có ngon không?
Thấy tởm lợm nhưng nàng vẫn nói nhỏ:
- Tôi ấy à, tôi vẫn dành mối quan tâm đặc biệt đối với cá bơn, thưa bà.
Nàng hy vọng những bà bạn của bà Eleanor đừng hỏi nàng về ý nghĩa của câu nói đó. Khốn khổ! Nàng thậm chí không biết cá bơn là cái gì nữa, huống chi là biết có ngon hay không ngon. Trong một tiếng đồng hồ sau đó, Scarlett làm quen với hơn hai mươi bà và khoảng một tá loại cá khác nhau. Người ta thuyết giảng chi tiết với nàng về các sản phẩm của biển. Bà Butler mua tám con của ở năm hàng khác nhau.
- Mẹ nghĩ rằng con sẽ cho mẹ là quá tỉ mỉ, bà nói và cảm thấy thật sung sướng trong việc mua bán, nhưng món xúp cua sẽ không ngon nếu nấu với cua đực. Con cái mới có mùi thơm đặc biệt. Nhưng mùa này nó lại càng khó tìm. Nhưng tìm được cũng bỏ, mẹ nghĩ vậy.
Scarlett bất cần cua giống cái hay đực. Thấy chúng còn sống nàng hoảng kinh: chúng bò lổm ngổm trong chậu, giương càng lên, phát ra tiếng kẹt kẹt khi trèo lên lưng nhau cố leo lên thành chậu thoát thân. Và bây giờ nàng nghe trong giỏ của Celie, lũ cua cựa quậy trong bao giấy gói.
Tôm tép thì còn tệ hơn. Chúng đều chết cả. Nhưng chúng đều có những con mắt ghê người như những hòn than đen cắm trên cây que, râu dài, và mình đầy gai, nàng không thể nghĩ rằng nàng có thể ăn được thứ đó, và hơn nữa càng chẳng thấy thích thú gì.
Sò huyết thì không làm nàng chán ngán: nó chỉ có vẻ như những hòn đá bẩn. Nhưng khi bà Butler cầm con dao quắm trên bàn chẻ đôi một con, Scarlett muốn nôn mửa. Nó giống như một bãi đờm lềnh bềnh trên chậu nước rửa bát.
Sau các loại hải sản, đến quầy thịt thì nàng thấy dễ chịu hơn, dù đám ruồi bâu trên mấy tờ báo lót thịt cũng làm nàng ghê tởm. Nàng cũng cố mỉm cười với một chú bé da đen đang đuổi ruồi bằng cái quạt trông có vẻ bằng rơm bện, hình quả tim. Khi nàng đến dãy bán chim cỏ mềm, nàng mới tạm thở được và nghĩ đến việc mua lông chim về trang trí mũ.
- Lông chim gì, con thân yêu? Bà Butler hỏi. Lông chim trĩ à? Sẽ có ngay cho con thôi.
Bà trả giá như một nhà nghề với một chị bán hàng có nước da đen bóng, và ngã giá một xu để chọn một nắm lông, và tóm lấy chim rứt ngay.
- Bà Eleanor làm gì thế nhỉ? Một tiếng nói nghe vang lên sát bên Scarlett.
Scarlett quay lại và thấy gương mặt xấu xí của bà Sally Brewton.
- Chào bà Brewton.
- Chào cô Scarlett. Sao bà Eleanor lại mua cái phần không ăn được của con chim thế? Bà ấy đã khám phá ra cách nấu lông chim à? Tôi có rất nhiều nệm mà bây giờ tôi chưa dùng đến đấy.
Scarlett đỏ mặt, cắt nghĩa cho bà lý do nàng muốn có lông trĩ. Có lẽ ở Charleston, chỉ có những cô "làm đỏm" mới mang lông chim trên mũ…
- Ý kiến hay đấy! Bà Sally kêu lên với vẻ phấn chấn thật sự. Tôi có một cái mũ nữ kỵ sĩ cũ mà băng màu và túm lông có thể làm mới lại. Nếu tôi tìm thấy nó. Đã lâu rồi tôi không đội nó nữa. Cô có cỡi ngựa không cô Scarlett?
- Đã nghỉ từ nhiều năm nay.
- Từ… trước chiến tranh. Tôi biết rồi. Cũng như tôi. Đối với tôi đó là một thiếu thốn kinh khủng.
- Bà còn thiếu cái gì, bà Sally? Bà Butler hỏi khi theo kịp họ và đưa bó lông chim cho Celie. Lấy sợi dây buộc nó lại, và coi chừng đừng để nó nhàu nát đấy… Xin lỗi, bà cười và nói tiếp. Tôi sẽ không kịp mua xúc xích của bà Brewton mất. Ơn Chúa, được gặp bà, bà Sally ạ.
Bà bước đi rất nhanh, Celie bám theo sau.
Bà Saily cười trước vẻ ngạc nhiên của Scarlett:
- Đừng hoảng, bà ấy không điên đâu. Loại hàng tốt nhất thế giới chỉ đến thứ bảy mới có, và rất sớm, vì người ta dành nhau. Kẻ làm ra nó là một tên nô lệ cũ của tôi. Anh ta tên là Lucullus. Khi được tự do, anh ta thêm chữ Brewton vào tên mình. Hầu như tất cả nô lệ đều làm như vậy, và cô sẽ tìm thấy ở đây tất cả tên họ giới quý tộc của Charleston. Cũng có hàng tá tên Lincoln, tất nhiên. Đi với tôi một lát, cô Scarlett. Tôi cần mua ít rau quả. Bà Eleanor sẽ tìm thấy chúng ta thôi.
Bà Sally dừng lại trước cái bàn đầy giỏ đựng hành.
- Lila đi đâu mất rồi? Ờ, mày đấy à. Cô Scarlett ạ, cô có tin không khi tôi nói rằng con bé mảnh mai này cai quản hết ngôi nhà của tôi, giống như vua Ivan le Terrible (Ivan le Terrible (Ivan hung bạo), vua nước Nga, từng đâm chết cả con trai của mình) ấy? Này, Lila, đây là bà Butler, vợ ông Rhett.
Cô hầu trẻ xinh đẹp nhanh nhẩu cúi chào.
- Cần nhiều hành lắm ạ, thưa bà Sally, cô nói, để cho vào cây actiso mà cháu ngâm giấm.
- Cô có nghe thấy không, cô Scarlett? Nó cứ tưởng tôi đã già khú rồi. Tôi thừa biết là cần nhiều rồi. Bà Sally cầm chiếc túi giấy màu nâu trên bàn và bắt đầu chọn.
Scarlett hốt hoảng. Bất giác nàng đưa tay chận miệng túi.
- Xin lỗi bà Brewton, hành hung không tốt đâu.
- Không tốt à? Sao lại không tốt được nhỉ? Nó không thối, cũng chẳng mọc mầm.
- Nó được nhổ quá sớm, Scarlett cắt nghĩa. Bề ngoài nó có vẻ tốt, nhưng nó không có mùi vị gì cả. Tôi biết vì trước đây tôi cũng lầm lẫn như thế. Hồi tôi phải chăm sóc đất nhà, tôi đã trồng hành. Vì không theo nghề trồng t**, tôi đã đào hết luống lên khi thấy lá nó úa vàng, vì tôi sợ nó thối ra rồi chết. Hành đẹp như trong tranh vậy, và tôi thì tôi lại tự kiêu với cái bụng ếch của mình, vì bao lần tôi trồng trước đó, càng thảm hại hơn. Chúng tôi ăn luộc, trộn nước xốt thành ra-gu để giả mùi thịt sóc, thịt hải ly… Nhưng hành không có chút mùi vị gì. Sau đó tôi xới đất trồng thứ khác thì gặp một củ tươi sót lại. Củ đó mới đúng là củ hành. Tức thì phải có thời gian nó mới có đúng mùi vị. Tôi chỉ cho bà thế nào là một củ hành tốt.
Scarlett xem xét bằng mắt, bằng tay, bằng mũi mấy cái giỏ đặt trên bàn, y như một chuyên gia.
- Đây, cái nầy mới đáng gọi là hành tây, thưa bà, nàng nói và hất cằm lên vẻ khiêu khích.
Các bà có thể cho ta là đồ nhà quê cũng được, nàng thầm nghĩ, nhưng ta không hề biết xấu hổ khi phải bẩn bàn tay nếu điều đó là cần. Các bà Charleston ơi, các bà cứ tưởng mình cái gì cũng nhất cả, chẳng đúng đâu.
- Cảm ơn, bà Sally nói, mắt ra chiều nghĩ ngợi. Cám ơn cô nhiều lắm. Tôi đã không phải với cô, Scarlett. Tôi không bao giờ nghĩ rằng một người phụ nữ đẹp như cô lại giỏi như vậy. Cô có trồng thứ gì khác nữa không? Tôi sẽ rất mừng nếu cô chỉ cho tôi cách chọn loại cần tây.
Scarlett liếc nhìn gương mặt của bà Sally. Thấy bà thật tình, nàng đáp:
- Cần tây đối với tôi là thứ quá xa xỉ. Tôi phải nuôi cỡ một tá miệng ăn. Tôi biết những gì cần biết về khoai từ, cà rốt, khoai tây và các loại cải. Và cả bông vải nữa.
Nàng chẳng cần làm ra vẻ khoác lác. Nàng có thể đánh cuộc rằng không một phu nhân nào ở Charleston đã từng đổ mồ hôi dưới nắng để thu hoạch bông vải cả.
- Chắc cô đã phải làm việc cật lực, bà Sally Brewton nói, làn mắt biểu lộ sự kính trọng sâu xa.
- Phải làm để có cái ăn… May thay, tất cả đã lùi về dĩ vãng rồi. Scarlett nói thêm với nụ cười, vì bà Sally Brewton làm nàng thoải mái. Tuy vậy, tôi đã thành chuyên viên về rễ cây. Một hôm, Rhett nói với tôi rằng anh ấy thường thấy nhiều người từ chối uống rượu vang, nhưng tôi lại là người duy nhất trả món cà rốt lại cho nhà bếp. Mà lại ở nhà hàng sang trọng nhất của New Orléans đấy, và có bao giờ một việc như vậy lại không gây cãi cọ.
- Hình như tôi có biết nhà hạng đó, bà Sally vừa nói vừa phá lên cười, nầy, có phải đó là nơi mà người hầu bàn cứ mải miết sửa chiếc khăn lau trên cánh tay và khinh khỉnh nhìn khách không?
- Khăn lau của anh ta tụt khỏi tay, Scarlett vừa kể vừa cười sặc sụa, và rơi vào cái chảo đồng đang rán món tráng miệng.
- Thế khăn có cháy không?
Scarlett gật đầu trước vẻ vui nhộn của bà Sally.
- Lạy Chúa! Tôi sẵn sàng đổi cả gia tài để được chứng kiến cảnh ấy?
- Bà nói gì thế, bà Eleanor chen vào. Tôi cũng cần được cười một chút chứ. Bà Brewton chỉ còn hai cân xúc xích, mà bà đã hứa bán cho Minnie Wentworth rồi.
- Scarlett sẽ thuật lại cho bà, - bà Sally vừa nói vừa cười tiếp- Cô gái trẻ này thật tuyệt, Eleanor ạ! Tôi đi đây - bà ta để tay lên giỏ hành mà Scarlett đã chỉ cho mình và nói với người bán: tôi lấy giỏ nầy. Vâng, lấy trọn cả giỏ. Bỏ giùm mớ hành vào túi vải và giao cho Lila nhé. Con trai chị thế nào rồi, nó vẫn còn ho đấy à?
Trước khi bị cuốn vào việc bàn cãi về thuốc trị ho, bà Sally quay sang Scarlett, nhìn thẳng vào mắt nàng.
- Tôi mong từ nay cô sẽ gọi tôi là "Sally" và đến chơi nhà tôi Scarlett ạ. Tôi tiếp khách ngày thứ tư đầu tháng, vào buổi chiều.
Scarlett vừa tự nâng mình lên đỉnh cao của cái xã hội tôn ti trật tự và khép kín ở Charleston mà nàng không tự biết. Những cánh cửa chỉ mới hé mở vì xã giao đối với cô con dâu bà Eleanor Butler, thì nay sẽ mở toang cho người được bà Sally Brewton bảo vệ.
Bà Eleanor Butler vui lòng nghe lời khuyên của Scarlett khi chọn khoai tây và cà rốt. Sau đó bà mua ngũ cốc, bắp, bột và gạo. Cuối cùng là bơ, nước sữa, sữa và trứng. Cái giỏ của Celie đầy tràn.
- Chắc phải đổ trở ra để xếp lại, bà Butler càu nhàu.
- Con mang phụ một phần cho, Scarlett đề nghị.
Nàng bồn chồn muốn về để khỏi gặp những bè bạn khác của bà Butler. Hai mẹ con thường phải dừng lại nên việc mua rau và kem phải mất hơn một giờ. Scarlett chú ý nhớ mặt những người phụ nữ bán hàng, sắp tới nàng sẽ có việc với họ. Bà mẹ chồng của nàng rất lịch sự, và Scarlett chắc chắn nàng sẽ mua được giá rẻ. Vui thật khi đã xem xét đủ khu chợ, nàng sẽ đề nghị được phụ trách mua một phần số hàng cần mua. Nhưng dứt khoát là không mua cá, những con vật đó làm nàng phát ốm.
Ít ra nàng cũng đã nghĩ như thế cho đến giờ ăn. Bữa ăn trưa đúng là một phát hiện. Xúp củ cải là thứ canh mỡ màng với nhiều mùi vị chen lẫn làm nàng ngạc nhiên. Nàng chưa nếm món ăn nào ngon mà tinh tế như vậy bao giờ, trừ phi ở hàng ăn New Orléans. Tất nhiên nàng nhớ lại Rhett đã biết rất nhiều món ăn mà chàng thường đặt cho hai người.
Scarlett ăn thêm bát xúp thứ hai, húp đến tận giọt cuối cùng, rồi phấn khởi ăn cho kỳ hết bữa ăn thịnh soạn, kể cả món tráng miệng, một chiếc bánh gatô giòn tan phết kem có hạt hạnh nhân và trái cây mà bà Butler gọi là bánh kem mứt nướng.
Xế hôm ấy, lần đầu tiên Scarlett bị khó tiêu. Không phải vì nàng ăn quá nhiều. Mà vì các bà Eulalie và Pauline đến làm rối loạn việc tiêu hoá của nàng.
- Các dì đi thăm Carreen - vừa vào bà Pauline đã nói ngay - và các dì bàn nhau rằng chắc Scarlett muốn cùng đi. Các dì xin lỗi đã đến quá sớm. Các dì không nghĩ là cháu còn đang dùng bữa.
Bà mím môi lộ vẻ không bằng lòng vì bữa ăn quá dài còn bà Eulalie thì thở dài nhè nhẹ tỏ ý thèm thuồng.
Carreen! Scarlett không muốn thăm Carreen. Nhưng làm sao nói được, các dì sẽ công kích ngay.
- Cháu rất thích đi cùng các dì, nàng nũng nịu. Nhưng cháu cảm thấy không được khỏe. Cháu định tìm một cái khăn ướt đắp lên trán và nằm nghỉ. Các dì biết đó là gì rồi… nàng vừa nói vửa nhìn xuống.
Đấy! Xin các bà nghĩ giùm là tôi có bệnh phụ nữ. Các bà sẽ thận trọng và lịch sự không đặt câu hỏi.
Nàng đã đoán đúng. Các bà dì nhanh chóng cáo biệt. Scarlett tiễn ra tận cửa, từng bước cẩn thận làm như trong bụng nàng có gì bất ổn.
Bà Eulalie vỗ vai thân mật và hôn nàng.
- Bây giờ cháu nằm nghỉ đi, bà nói. Scarlett khe khẽ gật đầu. Sáng mai 9 giờ rưỡi, ghé qua chỗ hai dì để đi lễ nhé. Nhà hai dì chỉ cách Sainte - Marie nửa giờ rồi đi bộ thôi.
Scarlett đứng sững, kinh ngạc. Chuyện đi lễ Chúa có bao giờ nàng nghĩ đến đâu.
Và ngay lúc ấy một cơn đau thật sự nhói lên làm nàng gập cả người lại. Cả buổi chiều, nàng nằm trên giường, coóc-sê gỡ ra, túi chườm nước nóng áp lên bụng. Cơn đau vì ăn không tiêu đối với nàng lần nầy là lần đầu nên nàng thấy sợ hãi, nhưng nỗi sợ hãi lớn hơn ám ảnh về Chúa.
Ellen O Hara là một người rất sùng đạo Thiên Chúa và bà làm mọi việc có thể được để tôn giáo thấm sâu vào cuộc sống ở Tara. Có cầu nguyện buổi tối, tụng từng sóc kinh, lần từng tràng hạt, liên miên. Bà Ellen luôn nhắc nhở các con gái về trách nhiệm và bổn phận con chiên. Nỗi cô đơn của cuộc sống giam hãm ở đồn điền là niềm đau khổ nặng lòng bà Ellen, bà không thể không trông cậy vào niềm an ủi của nhà thờ. Bà dụng ý chia sẻ niềm an ủi ấy cho gia đình nhưng không để lộ ra. Những lời giáo huấn kiên trì của mẹ nàng đã có kết quả, và khi Scarlett và các em gái của nàng bước vào tuổi mười hai, nhùng tín điều của đạo Cơ đốc đã ăn sâu trong họ.
Và bây giờ, Scarlett chợt thấy lương tâm giầy vò vì cảm giác tội lội, bởi đã nhiều năm nàng chểnh mảng nhiệm vụ tín ngưỡng. Trên thiên đàng, mẹ nàng hẳn phải khóc. Ôi, sao những bà chị của mẹ nàng lại đều sống ở Charleston? Ở Atlanta, chẳng ai mong chờ nàng đi lễ nhà thờ bao giờ. Bà Butler sẽ chẳng làm phiền nàng vì chuyện đó, hoặc tệ hơn, bà chỉ kéo nàng đến nhà thờ Tôn giáo mà thôi. Một viễn cảnh ít đáng sợ hơn. Scarlett luôn có ấn tượng mơ hồ là Chúa không hề quan tâm đến việc gì đang diễn ra ở những nhà thờ Tin Lành. Nhưng Chúa sẽ biết, vào lúc mà nàng đặt chân đến nhà thờ Sainte - Marie, Chúa sẽ biết rằng nàng là một kẻ mang trọng tội, không chịu đi xưng tội bao giờ… bao giờ. Nàng cũng không còn nhớ lần cuối cùng là lúc nào nữa. Nàng không thể làm lễ thánh thể, và mọi người sẽ biết là tại sao - nàng tưởng tượng những thiên thần vô hình mà Ellen kể cho nàng nghe thời thơ ấu. Tất cả đều cau mày, nghiêm khắc. Scarlett kéo chăn trùm lên đầu.
Nàng không hiểu rằng những ý nghĩ về tôn giáo của mình đã bị những chuyện dị đoan làm hoen ố. Nàng chỉ biết như thế là mình sợ hãi khốn khổ, và điên lên vì cảm thấy bị mắc bẫy. Làm sao bây giờ?
Nàng nhớ lại gương mặt thanh thản của mẹ, ửng sáng dưới ngọn nến, khi mẹ nói với những người thân trong gia đình và với nô bộc trong nhà rằng Chúa đặc biệt thương con chiên đi lạc, nhưng điều đó không đem lại mối yên tâm đáng kể cho nàng. Nàng vẫn chưa tìm ra cách nào để khỏi đi lễ.
Nhưng như thế là không nên! Vào lúc mọi chuyện bắt đầu tốt đẹp như thế! Bà Butler đã nói với nàng là bà Sallly Brewton tổ chức những cuộc chơi bài Whist rất thích thú, và chắc chắn nàng sẽ được mời dự.
Last edited by quykiemtu; 20-12-2008 at 05:01 PM.
|