ĐƯỜNG VÀO CÕI THIỀN
Vừa đến đảo quốc Phù Tang, tôi đã có dịp họp mặt với một số đồng nghiệp người Nhật ở Tokyo. Chúng tôi cùng ngồi uống trà trong nhà hàng nằm ở tầng năm của một khách sạn.
Thình lình có tiếng ầm vọng đến, tôi cảm thấy nền nhà dưới hơi dâng lên, rồi càng lúc càng nghe rung chuyển mạnh kèm theo tiếng kèn kẹt răng rắc và tiếng đồ đạc đổ vỡ náo động. Cơn hoảng loạn bùng lên, nhiều người hành khách, hầu hết là người Âu, túa ra hành lang chạy nháo nhào xuống cầu thang hoặc đâm bổ vào thang máy. A! Động đất! Chắc mọi người vẫn còn nhớ cảnh động đất khủng khiếp cách nay mới vài năm. Tôi cũng nhổm dậy chực lao ra cửa, nhưng sực nhớ anh bạn đồng nghiệp trò chuyện nảy giờ, tôi định giục anh ta chạy nhanh lên. Khi quay nhìn lại, tôi ngạc nhiên thây anh đanh ngồi tĩnh lặng, hai tay chắp vào nhau, mắt hơi nhắm, như thể việc xảy ra chẳng can hệ gì đến anh. Trông thì chẳng phải là người do dự phân vân hoặc chưa định ý, mà có vẻ như người không hấp tấp vội vàng đang làm việc gì đó hoặc không làm gì hết một cách hoàn toàn tự nhiên đến độ tôi đứng khứng lại rồi ngồi xuống trân trối nhìn anh, mà lòng chẳng hề thắc mắc tại sao mình làm như thế và có nên ở lại hay không. Tôi bị chết sửng mà không biết do đâu, như thể chẳng có gì xảy đến với tôi. Khi cơn động đất đã qua - nghe nói nó kéo dài khá lâu, anh bạn lại tiếp tục đúng vào chỗ đã bỏ dở lúc nảy và không hề phí một lời về biến cố vừa xảy ra, còn tôi thì hoàn toàn không thể nào chú ý được và có lẽ đã đối đáp ngu ngơ. Nỗi khiếp sợ vẫn còn, tay chân tôi lạnh toát và lòng tôi cứ phân vân tự hỏi: "Cái gì đã ngăn không cho mình chạy đi" Tại sao không theo sự thúc đẩy của bản năng?", nhưng tôi không tìm được câu trả lời thỏa mãn.
Vài ngày sau khi biết được anh bạn đó là người tu Thiền, tôi suy ghĩ chắc anh ta đã đặt mình vào một trạng thái định tâm cực độ nên đã trở thành "không thể lay chuyển".
Dù trước đó đã đọc sách và nghe đôi điều về Thiền, tôi cũng chỉ có những ý niệm hết sức mơ hồ về đề tài này, nhưng do được chứng kiến cảnh gây xúc động mạnh kể trên, niềm hy vọng bước vào Thiền, từng làm tôi dễ dàng sang Nhật, đã biến thành nỗi khát khao khởi sự không chần chờ thêm nữa. Tôi lưu tâm nhiều hơn đến khía cạnh huyền bí của Thiền với con đường dẫn người ta vượt qua cả trạng thái "không lay chuyển", chứ không phải đức tính điềm nhiên "không lay chuyển" của anh bạn dù gây ấn tượng mạnh, đã ám ảnh tôi như là một mục tiêu cần tới, vì có nhiều phương pháp khác cũng giúp đạt điều này mà không cần phải đến Nhật Bản.
Trong khi đó, tôi được biết không dễ gì đi sâu vào Thiền, vì Thiền không có lý thuyết, không có giáo điều. Người ta khuyên tôi nên quay sang một trong các môn nghệ thuật chịu ảnh hưởng mạnh mẽ đến Thiền, và nhờ đó mà tiếp xúc với Thiền bằng con đường lượn vòng chậm rãi. Tôi đã làm theo lời khuyên này và sẽ kể lại quá trình học tập trong phần "Võ Đạo phương Đông" hay "Thiền trong nghệ thuật bắn cung".
|