Để hiểu được tất cả việc trên một cách sâu hơn, chúng ta nên tham khảo những tác phẩm của các Thiền sư Phật Giáo mà chúng ta không thiếu. Thí dụ như Thiền sư D. T. Suzuki trong tác phẩm Essays in Zen Buddhism (Thiền Luận) đã chứng minh được văn hóa Nhật Bản và Thiền có liên hệ mật thiết với nhau, và cho thấy các bộ môn nghệ thuật Nhật Bản, thái độ tinh thần của giới hiệp sĩ (samurai)), cách sống của người Nhật, đạo đức, thẩm mỹ học và cho đến một mức độ nào đó trong đời sống tri thức của người Nhật đều có những đặc tính bắt nguồn từ cái nền Thiền này; bởi vậy những ai không quen thuộc với Thiền thì khó mà hiểu đúng các đặc tính đó.
Tác phẩm cực kỳ quan trọng của Thiền sư Suzuki cùng các nghiên cứu về Nhật Bản của những học giả khác đã khêu gợi được sự quan tâm rộng rãi. Nhìn chung, người ta chấp nhận Thiền tông Phật Giáo phát sinh ở Ấn Độ và sau khi trải qua những biến đổi sâu sắc đã phát triển tròn đầy ở Trung Hoa, rồi được Nhật Bản thu dụng và vun bồi thành một truyền thống còn sinh động mãi đến ngày nay. Truyền thống đó tạo ra những cách sống bất ngờ mà nếu chúng ta thông hiểu được thì đó là điều đáng mừng.
Mặc dù đã có những chuyên viên Thiền hết lòng diễn giảng, những người quen với nếp sống và suy nghĩ của phương Tây khi bước vào Thiền cũng chỉ thấy phần cốt tủy một cách sơ sài, không đầy đủ. Chỉ mới đi được vài bước, người ta đã vấp phải những chướng ngại khó vượt qua. Được bao bọc trong lớp màn huyền bí khó lòng xuyên thấy. Thiền là một câu đố lạ lùng nhất mà cách sống tinh thần phương Đông đã nêu ra cho những người như thế, câu đố tuy hiểm hóc nhưng lại hấp dẫn không thể nào cưỡng được.
Nguyên do của cái cảm giác bực bội vì không thể thấu hiểu này một phần nào đó trong kiểu trình bày Thiền mà chúng ta có từ trước đến nay. Tất nhiên không có một người biết điều nào mà lại mong muốn các Thiền sư bày tỏ nhiều hơn và nói bóng gió về những kinh nghiệm đã giải thoát và chuyển hóa họ, hoặc muốn họ cố gắng mô tả cái "Chân lý" khó tưởng và khó nói nên lời mà họ đang sống trong đó. Xét theo quan điểm này, Thiền có vẻ như là một môn phái quán tưởng hoàn toàn huyền bí mà nếu không trực tiếp bước vào những chứng ngộ tâm linh, người ta cứ vẫn phải ở bên ngoài và đi loanh quanh lẫn quẫn mãi. Đây là quy luật mà mọi môn phái tâm linh đích thực đều phải tuân theo và không miễn trừ cho ai cả, và dù người ta có nhờ vào vô số kinh điển được xem là thiêng liêng đi nữa cũng không thể nào cải lại quy luật đó được. Vả lại, kinh điển có đặc tính chung chỉ là tiết lộ ý nghĩa hóa sinh cho những ai tỏ ra mình xứng đáng có được những chứng ngộ sinh tử và do đó, có thể rút ra từ các kinh điển này sự xác nhận những gì mà chính mình đã có và đang là của riêng mình. Trái lại, đối với người không trải qua những chứng ngộ, kinh điển lại lặng yên câm nín vì người như vậy không thể nào đọc được ý tưởng giữa hai hàng chữ: tâm trí y chắc chắn sẽ bị hút vào cảnh mê loạn tâm linh dù có nghiên cứu kinh điển một cách thận trọng và hoàn toàn vô tư đi nữa. Giống như mọi môn phái tâm linh khác. Thiền chỉ có thể được hiểu bởi người quyết tâm tu hành tức là người không hề có ý định dùng biện pháp trả giá để đạt được những gì mà chính sự chứng ngộ huyền vi cũng không cho phép có.
Tuy nhiên, cách sống của người đã được thanh tẩy bởi "ngọn lửa chân lý" và đã chuyển hóa nhờ Thiền lại là một chứng cớ hết sức rõ ràng nên không thể thoát được sự chú ý của người khác.
Như vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có người cảm thấy mình bị một ái lực tâm linh huyền bí cuốn hút và mong muốn tìm một con đường dẫn đến cái sức mạnh vô danh có thể tạo ra những chuyển biến huyền diệu như thế lại mong các Thiền sư ít ra cũng chỉ cho con đường dẫn đến mục đích; còn người tò mò muốn biết cho vui thì không có quyền đòi hỏi điều gì.
Không một người luyện đạo hay tu Thiền nào mới bắt đầu đã là cái người mình có thể trở thành khi tu hành viên mãn, mà phải chiến thắng và vượt qua biết bao trở ngại trước khi chứng ngộ chân lý. Thường trên đường đi, người tu bị dằn vặt bởi cảm giác buồn phiền là mình đang đeo đuổi một điều khó đạt ... Tuy nhiên, đến một ngày nào đó, cái khó đạt lại trở thành đạt được và tự phô ra rõ ràng. Vậy chẳng lẽ chúng ta không hy vọng một sự mô tả cẩn thận về con đường dài đằng đẳng khó khăn này sẽ cho phép ít ra một điều là thử hỏi có nên dấn thân vào đó hay không?
Những lời một tả đường đi như vậy cùng những bến trạm của nó hầu như thiếu hẳn trong các tác phẩm Thiền đã có. Đây một phần là do các Thiền sư rất tối kỵ hình thức giảng dạy cách sống hạnh phúc bằng lý thuyết suông. Theo kinh nghiệm bản thân, các vị biết rằng không ai có thể đeo đuổi được con đường này nếu không có được sự hướng dẫn trực tiếp hoặc sự giúp đỡ tận tâm của một bậc thầy tài đức, còn một điều nữa không kém phần quan trọng là người tu tập cứ phải trải qua trải lại những lần chứng nghiệm, những lần chinh phục, những lần chuyển hóa tâm linh chừng nào mà những sự việc này còn là "của mình" cho đến khi mọi thứ "của mình" đều được dứt bỏ. Chỉ có theo cách này, người tu tập mới tới được cái gốc nền của mọi chứng ngộ tức là cái "chân lý bao dung tất cả" (đại viên dung) và nhờ đó mà bừng tỉnh thấy được một đời sống không còn là của riêng mình hằng ngày nữa. Đến tầng bậc này, người tu tập vẫn sống nhưng cái đang sống không còn là chính anh ta.
|