Không phải bằng ý chí thoát tục quyết liệt mà người ta có thể thỏa mãn được yêu cầu đóng cửa các giác quan, mà bằng sự sẵn sàng thối lui không kháng cự, nhưng muốn làm được hành động không động này bằng trực giác, thì cái tâm phải được chốt giữ bên trong, và muốn chốt giữ bên trong thì phải tập trung vào việc thở. Sự tập trung này được thực hiện một cách có ý thức và tận tụy theo kiểu rập khuôn: hít vào cũng như thở ra được lập đi lập lại riêng biệt từng cái với sự chú tâm hết sức. Không cần tập lâu mới thấy kết quả. Càng tập trung vào việc thở, các kích thích từ bên ngoài vào càng mờ nhạt đi, chúng lắng xuống thành một âm thanh rì rào mơ hồ mà thoạt đầu còn nghe được đôi chút, nhưng dần về sau chúng chẳng còn gây ra nhiều phiền nhiễu vì chỉ như tiếng biển khơi vọng lại từ xa; và một khi đã quen thuộc thì không còn nghe biết gì nữa. Tập lâu ngày, người ta sẽ trở nên miễn nhiễm với những kích thích mạnh hơn, và đồng thời thoát khỏi chúng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Dù ở tư thế đứng, ngồi, hoặc nằm, muốn làm cơ thể buông lỏng, chỉ cần chú tâm là được; và lúc đó nếu tập trung vào việc thở, người ta sẽ cảm thấy mình được biệt lập trong những lớp cách âm vô nhiễm. Người ta sẽ chỉ còn cảm biết một điều duy nhất đó là mình đang thở, và muốn thoát khỏi sự cảm biết đó cũng chẳng cần làm gì thêm nữa, vì việc thở sẽ tự chậm lại, càng lúc càng bớt vận dụng hơi thở cho đến khi chỉ còn đều đều thoảng nhẹ, và cuối cùng trở nên lặng lẽ không tỏ chút gì cho người ta cảm biết.
Khốn thay, trạng thái an lạc trầm lắng vô tư vô lự này không kéo dài lâu, vì có nguy cơ bị phá hoại từ trong. Thình lình như thể tuôn ra từ hư không, những tâm trạng, tình cảm, ước muốn, lo âu và cả một loạt ý tưởng nổi lên loạn xạ, không kềm chế được; những thứ đến từ nơi xa xôi và kỳ cục nhất, ít có liên hệ với những sự vật mà người ta ý thức được thì càng bám bám chặt; dường như chúng muốn trả thù cái ý thức đã dùng sự tập trung để đụng chạm đến những lãnh vực mà bình thường nó không bao giờ tới được. Cách duy nhất để làm rối loạn này mất tác dụng là tiếp tục hít thở đúng phép một cách lặng lẽ điềm nhiên, tiếp xúc thân thiện với tất cả những gì hiện ra, làm quen với chúng và ôn hòa nhìn chúng cho tới khi mệt chán vì xem. Bằng cách này, người ta dần dần đi đến một trạng thái đê mê giống như trạng thái lơ mơ trước khi thiếp ngủ, và để mình trôi tuột vào trạng thái này là điều hiểm nguy cần tránh. Muốn ngăn mình dừng lại thì cần phải có một nổ lực tập trung đặc biệt tương tự giật mình tỉnh ngủ mà một ng phải thức suốt đêm tự tạo cho mình khi biết mạng sống của mình tùy thuộc vào sự nhạy bén của các giác quan. Nếu đã nổ lực được một lần thì những lần sau dứt khoát phải được. Nhờ đó, tâm hồn tự nhiên đi vào một trạng thái rung động có thể được khuyếch đại thành một cảm giác mà thường chỉ có trong những giấc mơ đặc biệt, trong niềm thanh thoát tuyệt vời và trong nỗi hân hoan tin chắc mình có thể tùy ý vận dụng khí lực ở bất cứ nơi đâu, dồn tụ hoặc xả bỏ một cách đúng đắn.
Trong trạng thái này, người ta không nghĩ đến, không suy tính, không đeo đuổi, không mong cầu, không ước muốn một điều gì nhất định, không nhắm theo một chiều hướng riêng biệt nào và cảm thấy mình có thể thực hiện cả điều khả thi (có thể làm được) lẫn điều bất khả thi (không thể làm được) với một sức mạnh kiên định, không gì lay chuyển; đây là cái trạng thái hoàn toàn không chủ đích, không vị ngã, mà Sư phụ gọi là "có tinh thần". Thực sự thì nó tràn đầy linh trí nên còn được gọi là trạng thái "tâm linh thông" (nhạy cảm, nhanh trí) điều này có nghĩa tinh thần hay tâm có ở khắp nơi nhờ chẳng hề gắn bó với một nơi riêng biệt nào cả, và sở dĩ nó giữ được tính linh thông là vì có ứng đối với sự vật này hay sự vật nọ, nó cũng chẳng vướng mắc vào đó. Nếu để vướng mắc bất cứ cái gì, nó cũng mất ngay tính linh hoạt vốn có. Giống như cái ao có nước đổ vào đầy ắp và nước cứ chực tràn ra, cái tâm này có thể hoạt động với một sức lực không hề cạn kiệt vì được thông lưu, và mở ra đón nhận mọi thứ vì vốn trống không. Đây chính là trạng thái nguyên sơ có biểu tượng là một vòng tròn trống không nhưng không hề vô nghĩa đối với ai đã lọt vào trong đó.
Chính do tràn trề cái tâm linh thông này, và không bị một động cơ thầm kín nào quấy nhiễu, người nghệ sĩ, đã thoát được mọi ràng buộc vương vấn, cảm thấy phải thực hiện ngay cái nghệ thuật của mình, nhưng muốn có trạng thái hoàn toàn quên mình trong tiến trình sáng tạo, thì việc thực hành nghệ thuật phải có con đường đã khai thông sẵn trước, vì trong con mê mãi nếu đụng phải một tình huống nào đó mà mình không thuận ứng được bằng bản năng, thì chắc hẳn trước tiên người ta phải giải quyết chuyện này bằng ý thức, và như vậy lại bước vào các mối quan hệ hữu ý mà mình đã thoát ra. Lúc đó, người nghệ sĩ sẽ như người vừa thức dậy xem xét các chương trình sinh hoạt trong ngày, mà không phải là người đã tỉnh thức (giác ngộ) đang sống và làm việc với tâm trạng nguyên sơ. Người như thế không thể cảm thấy mọi thành phần của tiến trình sáng tạo đều diễn ra thoải mái như đang chơi do sự tác động của một năng lực thượng thừa; người đó cũng chẳng hề biết được làm thế nào mà đà rung động của sự việc lại truyền sang cho mình một cách say sưa trong khi mình cũng chỉ là một rung động và làm thế nào mà mọi việc mình thực hiện đều hoàn thành trước khi mình nhận biết.
|