LUYỆN CÔNG THẬP ĐÀM
Nói về thời gian và trình độ luyện tập vũ công thì ba năm coi như tiểu thành, năm năm coi như trung thành, mười năm thì có thể đạt tới mức đại thành. Nhưng sau mười năm gian khổ chuyên luyện, cũng chưa thể nói là việc luyện tập đã kết thúc, bởi vì võ thuật vô biên có bỏ mấy chục năm chuyên luyện cũng chưa thể thấy đâu là bờ bến. May ra thì chỉ tinh luyện được một môn, nếu tham bác luyện tập các môn khác thì dù có tận dụng tinh lực của cả một đời cũng khó lòng biết hết.
Thiếu Lâm tự ngày xưa, sau khi luyện lập để có được cơ sở công phu về một môn, thì môn đồ tạm coi là kết thúc, nhưng sau đó thì mỗi sáng sớm chỉ vận động gân cốt, đi vài ba đường quyền, để hàm dưỡng công phu đã có. Đây cũng là cách tiếp tục luyện tập chứ nếu cứ tập luyện mãi theo lối cũ thì càng tập chỉ càng thêm chậm chạp, vì lúc đó kình đã nhập cốt, gân cũng cứng ra, sự khéo léo nhanh nhẹn chẳng những mất dần đi mà có khi còn tổn thương tới khí huyết nữa.
Ngày nay chúng ta luyện tập quyền thuật, phải biết tới điều đó. Nếu sau này khi tuổi đã cao mà thấy khí huyết ngày một suy thì hãy nghĩ rằng mìnhl có thể bị nội thương. Khí huyết suy mà bệnh tật thường xảy tới, thì tức là lúc niên thiếu đã luyện tập quá độ.
Nhưng nếu hàng ngày không lo trau giồi thì sở học ngày càng mất mát, quên dần đi. Cho nên hãy theo phương pháp của Thiếu Lâm tự trước kia, mỗi ngày dượt vài ba đường quyền để giữ sự dẻo dai, củng cố sở học. Theo các bậc tiền bối của Thiếu Lâm tự thì sau ba mươi năm ôn tập như vậy có ngừng lại cũng không quên, vì thời gian ôn tập đã đầy đủ.
Hoặc giả có người muốn rõ hơn về vấn đề này, thì sự giải thích cũng không khó. Người luyện võ cũng như kẻ rèn dao. Dao chưa thành hình thì phải dùng lửa hồng mà nung, lấy búa nặng mà rèn. Lúc sắp thành hình thì chỉ dùng lửa nhỏ, dùng búa nhẹ. Đến khi dao thành thì nhẹ nhàng mà mài cho sắc. Dao đã sắc thì phải cất đi, chưa hề nghe nói dao sắc rồi mà cứ mài mãi bao giờ, vì như thế, chỉ làm cho dao mất sự sắc bén đã có mà thôi. Cho nên với người đã thành công về một môn võ nghệ, cái lý cũng tương tự như thế.
Tuy nhiên, khi đã thành còng thì phải chú ý tới sự dưỡng khí, tư tưởng tình cảm chẳng nên bồng bột phát lộ, tuổi đã cao nhưng vẫn cung kính khiêm nhường ngay cả với đàn hậu bối. Đầu óc nuôi dưỡng những ý tưởng tốt lành thì hiểu được lẽ sinh diệt. Đi đứng nằm ngồi, ý tồn lại ở cả đan điền. Lúc rảnh rỗi thì nghiên cứu thêm lý thuyết quyền thuật cho sở học được tinh thâm, tim thầy hay bạn tốt mà trao đổi học hỏi, như thế công phu ngày càng thâm hậu, sức tiến có thể vô cùng.
Lão Tử nói rằng kẻ khéo giấu thì coi như là không có gì, mà người quân tử biết nhiều, dung mạo coi như kẻ ngu. Lời nói đó quả là quy tắc cho việc luyện võ. Theo được lời đó mà luyện tập, thì tới khi ngộ địch, chẳng những trong lòng không hề sợ sệt, mà còn đủ khả năng đánh bại kẻ địch bằng cả công phu và cả tâm cả ý.
|