Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ bây giờ là đôi “anh em hoạn nạn”. Cả hai đều không ngờ là sự trở về của thái hậu lại đưa đến tình trạng gay cấn thế này. Hai người không chỉ lo cho bản thân mà còn phải nghĩ đến tự ái của Tử Vy và Yến Tử. Có rất nhiều việc biết mà không thể nói ra. Yến Tử là người năng động, nóng nảy còn Tử Vy thì quá nhạy cảm. Vì vậy đều không thể cho họ biết đề nghị của thái hậu. Chỉ còn cách là tìm cơ hội xoay chuyển tình thế, lẳng lặng mà làm.
Vĩnh Kỳ suy nghĩ chọn giải pháp để Yến Tử học chữ. Sửa đổi cách nói năng của Yến Tử. Ba tháng! Chỉ có ba tháng không hiểu có hoán chuyển được không? Riêng về Nhĩ Khang thì chẳng biết phải làm gì hơn, là cầu nguyện mong trời đất nhỏ lòng thương mà giúp đỡ.
o0o
Hôm ấy, hai người đến Thấu Phương Trai, Vĩnh Kỳ ném quyển sách thành ngữ lên bàn, cố ý làm ra vẻ bình thường nói:
- Nào! Yến Tử đến đây. Lâu quá rồi không có dịp học thành ngữ, mình ôn lại để không quên nhé.
Yến Tử đứng bật dậy.
- Thôi đi! Thôi đi! Tôi không học mấy thứ này đâu, chán chết đi đấy, những thứ này chẳng ích lợi gì cho tôi cả, thà là đi học võ học kiếm còn hơn. Mấy miếng đòn hôm trước sư phụ dạy, đến nay tôi còn chưa luyện được nữa là...
Nói rồi là chụp kiếm định chạy ra sân, Vĩnh Kỳ vội chạy theo giữ lại.
- Không học thành ngữ thì học thơ Ðường cũng được. Hôm trước anh dạy bài “xuân miên bất giác hiểu” có thuộc chưa, đọc xem nào.
Yến Tử nhướng mày.
- Có khó gì đâu “xuân miên bất giác hiểu, xứ xứ văn đề điểu, dạ lai phong vũ thanh, hoa lạc tri đa thiểu.” (giấc xuân không biết sáng, đây đó tiếng chim ca, đêm đến trời mưa gió làm rơi mấy đóa hoa).
Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang, Tử Vy đều vỗ tay mừng rỡ.
Yến Tử đắc ý nói:
- Nói thật với các anh, đọc thơ Ðường thì cũng nào có gì ghê gớm đâu, chỉ giống như hát thôi.
Vĩnh Kỳ nói:
- Vậy thì lần trước anh dạy em bài “tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả” (trước không thấy người xưa, sau chẳng thấy người đến) em còn nhớ không? Đọc xem nào?
Yến Tử nghe nói, giật mình.
- “Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giã” đấy ư?
- Ồ, bài của Trần Tử Ngang đấy mà.
Yến Tử lẩm bẩm.
- Trần Tử Ngang... Trần Tử Ngang... anh chàng này thật kỳ cục.
- Tại sao lại kỳ cục?
- Phía trước không thấy người, phía sau cũng không thấy người. Thì rõ chốn ấy hoang dã rồi, đâu có gì vui mà nán lại, không bỏ đi cho phức, còn bày đặt làm thơ nữa.
- Ðừng có lý luận nhăng cuội,
Và Vĩnh Kỳ đọc ngay.
- “Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả,
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thể hạ.”
(Ngoảnh lại trước người xưa vắng vẻ,
Trông về sau quạnh quẻ người sau
Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan).
Yến Tử như nhớ sực ra, rồi bình luận.
- Ồ, anh này rõ là hay khóc tệ. Tôi nhớ ra rồi “thể hạ” tức là nước mắt nước mũi chảy xuống. “lai giả” ý chỉ người sẽ đến. Anh chàng Trần Tử Ngang này điên đấy, Trước không thấy người xưa, sau cũng không thấy người đến, là khóc òa? Có phải là kỳ cục không? Mấy tay thi sĩ rõ là ở không sinh tật, mới viết những giòng chữ này. Tôi thật không hiểu, làm gì có ai nhịn được người đời xưa? Cũng nào có ai bết được người sắp ra đời? Vậy mà cũng khóc, khóc một cách ngon lành như vậy.
Mọi người Yến Tử “bình luận” mà ngẩn ngơ. Nhĩ Khang cười nói:
- Cũng phải công nhận là Yến Tử nhận định cũng có lý đó chứ?
Yến Tử nghe vậy càng hăng.
- Còn nữa, ngay cái bài “xuân miên bất giác hiểu” kia cũng có vấn đề.
Tử Vy hỏi:
- Vấn đề ở chồ nào?
- Ngủ đến tận sáng trắng rồi, chim kêu inh ỏi vẫn không dậy. Tối mưa gió ồn ào vẫn nằm đó. Còn hỏi hoa rụng hết bao nhiêu cánh rồi. Một người như vậy, chắc là mù nên chỉ nghe mà không nhìn thấy? Trời sáng trắng cũng không biết, chẳng những mù mà còn liệt hoặc điên điên!
Mọi người nhìn nhau, hết ý kiến với nhận xét của Yến Tử, trong khi cô nàng định bước ra sân, để luyện kiếm. Vĩnh Kỳ chận lại:
- Khôing cần biết cô nghĩ gì. Nhưng những bài thơ Ðường này, ai ai cũng đọc, ai cũng biết. Vì vậy cô cũng phải biết. Hay là thế này, hãy nghĩ là đọc giùm tôi vậy?
Yến Tử nhìn Vĩnh Kỳ:
- Vậy anh cũng luyện kiếm vì tôi nhé?
- Thì em đọc cho anh nghe một bài thơ Ðường, anh sẽ luyện với em.
Yến Tử bực dọc.
- Thơ Ðường, thơ muối gì, tôi đều không thích đọc cả. Chuyện đó như cực hình, tôi chẳng ưa đâu.
Vĩnh Kỳ cố nhẫn nại.
- Có nhiều chuyện không phải là vì chúng ta thích hay không thích mới làm. Em chớ xem đó là gánh nặng, là sẽ thấy bình thường ngay. Em phải biết trách nhiệm chứ?
Yến Tử nhìn Vĩnh Kỳ, đột ngột đổ quạu, giậm chận nói:
- Cái gì mà trách nhiệm? Tại sao tôi phải có trách nhiệm đó. Anh nghĩ sao vậy? Tối ngày hết bắt tôi đọc thơ đến học thành ngữ. Hay là anh chê tôi dốt? Ít học? không xứng đáng với anh? Tôi đã bảo anh rồi, tôi mà có học hàng đống thứ đi nữa thì tôi vẫn là Yến Tử, chứ đâu biến thành phụng hoàng đâu? Vì vậy tôi không thích đọc thơ, cũng không thích học thành ngữ. Nếu anh mà cứ ép tôi mãi, tôi sẽ ghét anh đấy.
Vĩnh Kỳ đã bực mình từ lâu. Bây giờ không nhẫn nhịn được nữa, trước cách nói năng của Yến Tử nên giận dữ hét:
- Tại sao em không nghĩ đến cảnh khó xử của tôi chứ? Ít ra em cũng phải nghĩ đến tôi một chút. Suốt ngày em cứ nghĩ đến chuyện chơi chứ không chịu học. Làm như bổn phận tôi là phải cùng em chơi, cùng em quậy. Tôi đã hết lời năn nỉ, muốn em vì tôi mà thay đổi một chút. Ðể tránh bị người ta dòm ngó, em lại không chịu hợp tác. Nếu em nghĩ đến tôi một chút, đứng ở vị trí tôi mà suy nghĩ, thì hẳn em sẽ hiểu. Tôi là a ca cơ mà? Tôi có vị trí, có bối cảnh riêng của mình. Nếu em muốn bước vào gia đình tôi, vào cuộc đời tôi, thì em phải chịu khó một chút, chứ chỉ nghĩ đển mình không thì rõ là ích kỷ quá!
Vĩnh Kỳ vừa dứt lời, Yến Tử đã hét theo:
- Anh nói gì? Tôi chẳng hiểu gì cả. Có phải là anh chê tôi dốt nát phải không? Tôi biết mà, anh là a ca, thân thế cao, còn thân phận tôi thấp hèn. Anh khỏi phải nhắc nhở, nhưng tôi hỏi anh, làm a ca có gì là ngon? Tôi đâu có dựa hơi anh? Đâu có cần anh. Nếu anh thấy tôi không xứng thì cứ chia tay. Dù gì chúng mình cũng chưa làm lễ thành hôn cơ mà?
Càng nói Yến Tử càng tức, càng lớn tiếng:
- Anh khi dể tôi, anh khinh rẻ tôi. Sao không nghĩ ngược lại, cái bà Hoàng ngạc nương của anh đó, tối ngày cứ tìm cách nhốt tôi. Hỏi một gia đình như vậy. Có đáng để tôi trân trọng không. Tôi sợ phát khiếp đi thì có!
Nhĩ Khang bước tới can hai người ra,
- Ngũ a ca, Yến Tử! Hai người làm sao vậy? Cá tính của Yến Tử thế nào Ngũ a ca chẳng biết sao? Có chuyện gì thủng thẳng mà nói, sao lại cãi nhau. Người ngoài họ tìm cách chia rẽ thì phải càng đoàn kết hơn chứ?
Tử Vy cũng kéo Yến Tử về phía mình.
- Có gì đâu? Chẳng qua Ngũ a ca muốn chị học thành ngữ tất cả đều tốt đẹp cho chị. Chị không hiểu còn cãi nhau với anh ấy, vậy có phải là quá đáng không?
Vĩnh Kỳ còn giận nên quay qua nói:
- Tôi chỉ muốn tốt cho cô ấy, vậy mà không biết. Người hiểu biết đâu có hành động như vậy? Phải nghĩ dến tôi một chút chứ?
Yến Tử giằng tay Tử Vy đến trước mặt Vĩnh Kỳ.
- Ðúng rồi! Tôi là người không hiểu biết, tôi là đứa ngu đần được chưa? Anh tưởng là tôi không bực ư? Mỗi ngày cứ đem những thứ mà tôi không nhớ ra vặn vẹo tôi, làm tôi bực gần chết.
Rồi như cầm lòng không đặng. Yến Tử mếu máo nói:
- Tôi mà sống với anh, chắc tôi phải biến thành một người khác. Tôi phải “mở miệng ra là nói văn chương” vậy thì tại sao anh không chọn người ăn nói văn vẻ? Tại sao lại chọn tôi? Tôi thấy tịnh như xứng với anh lắm đấy, anh chọn Tịnh Nhi đi!
Vĩnh Kỳ giận dữ.
- Nói vậy nghe được à? Con người kỳ cục quá!
- Sao lại không? Anh mới là kỳ cục, kỳ cục hơn ai tất cả.
Nhĩ Khang và Tử Vy hoảng lên cố sức can gián, Nhĩ Khang nói:
- Ngũ a ca này! Anh hãy nhịn một chút đi, Bình tĩnh mới không sai lầm!
Tử Vy thì vỗ Yến Tử.
- Ðừng khóc nữa! Đừng khóc Yến Tử. Chị mà khóc Ngũ a ca cũng nào có vui, Thuờng khi chị chỉ bệnh có một chút là Ngũ a ca đã quýnh lên. Chị khóc, anh ấy khổ lắm đấy!
Yến Tử càng khóc to hơn.
- Anh ấy mà đau khổ ư? Đúng rồi, đau khổ vì chẳng biết làm cánh nào để bứt tôi ra được!
Vĩnh Kỳ nghe vậy bỏ đi, vừa đi vừa nói:
- Ðược rồi! Được rồi! Coi như tôi ngu muội mới quen biết người như cô đi, tôi điên mà.
Yến Tử nghe vậy hét lớn:
- Vâng, anh là thằng ngu, là thằng điên, vì vậy anh mới quen tôi, anh đi đi! Ðừng có đến đây tìm tôi nữa!
Yến Tử nói xong cũng ném kiếm bỏ chạy về phòng.
Tử Vy và Nhĩ Khang nhìn nhau, rồi một người đuổi theo Vĩnh Kỳ, một người chạy vào phòng ngủ tìm Yến Tử.
o0o
Khi đến Cảnh dương cung, Nhĩ Khang trách Vĩnh Kỳ.
- Lần trước tôi với Tử Vy có chuyện không vui chính anh đã khuyên tôi đủ thứ. Thế mà tại sao lần này, xảy ra cho chính mình, anh lại không bình tĩnh. Ðể sự việc lại rắc rối lên như vậy? Đúng ra có nhiều điều anh không nên nói.
- Tại sao có điều tôi không nên nói? – Vĩnh Kỳ vẫn còn hậm hực.
- Chyện này tôi đã cố nén lâu rồi, đúng ra phải nói từ lâu. Cậu không thấy đó sao? Thái độ như vậy làm sao có thể chịu được? Không chịu học hành! Lần trước mấy câu thành ngữ đọc trật vuột cả. Lần này đến thơ Ðường cũng chẳng gắng mà đọc cho đúng, lại còn lý luận này nọ. Nếu cô ấy mà biết nghĩ đến tôi thì đâu có làm chuyện như vậy?
- Thành thật mà nói, chúng ta cũng cần phải thông cảm cho cô ấy. Có lúc tôi thấy mình đã nghĩ oan cho cô ta.
- Nghĩ oan ở chỗ nào?
- Chẳng hạn chuyện bắt Yến Tử học. Chuyện đó ngoài khả năng của cô ta. Cái đáng yêu, dễ thương của Yến Tử là sự chất phác, quê mùa. Anh yêu Yến Tử hẳn cũng là vì yêu cái chơn chất đó. Vì vậy, Yến Tử nói đúng, nếu bây giờ ta mà “cải tạo” cô ấy tức là không còn Yến Tử nữa. Làm vậy có phải là hoài công không?
Vĩnh Kỳ nghe có vẻ nghĩ ngợi, nhưng lại nói:
- Nhưng cậu cũng biết, chỉ chuyện tôi yếu cô ấy không chưa đủ cơ mà.
- Vâng, đó là nổi khổ tâm của anh, nhưng cũng là nỗi khổ tâm của Yến Tử. Bị lão phật gia ghét bỏ đã là một áp lực. Anh đúng ra phải an ủi, đằng này lại gây sức ép thêm, bằng cách bắt học. Ban nãy Yến Tử đã nói thật, cô ấy chẳng có trí nhớ. Vì vậy ngoài chuyện nghĩ đến mình bị mọi người ghét bỏ ra, còn có cái mặc cảm tự ti. Bởi anh rõ là không muốn Yến Tử là Yến Tử nữa, mà anh muốn có một Yến Tử tiểu thơ đài các?
- Tôi nào có ý đó?
- Anh không biểu hiện ra, nhưng từ thái độ là vậy. Vì anh đã nói anh đã uổng công vun đấp tình cảm, anh là thằng ngu... những câu nói đó cho thấy anh khinh khi cô ấy. Tiếc rẻ vì mình đã quen một cô gái vô học, thông tục. Nhưng anh quên là sự chơn chất vô tư của Yến Tử là một vốn quý. Mấy tiểu thơ khuê các làm sao có được? Giọng điệu của anh chẳng khác lão phật gia chút nào...
- Tôi không hề khinh cô ấy.
- Nhưng điều đó Yến Tử nào có nghe thấy! Cô ta chỉ thấy anh gặp là la hét. Anh cứ đem cái thế gia của mình ra, nào là a ca, là người có danh vọng. Vì danh vọng của anh, cô ấy phải thế này thế nọ mới xứng đáng là một vương phi. Bằng không thì chẳng xứng.
- Tôi đâu có nói vậy đâu?
- Nhưng những điều anh nói đã khiến người khác hiểu như thế!
Vĩnh Kỳ cảm thấy rối rắm. Những lý luận của Khang rõ là làm Vĩnh Kỳ bế tắt. Nhĩ Khang lại ướm lời.
- Nếu tôi là anh, nãy giờ tôi đã đi nhanh đến Thấu Phương Trai xin lỗi cô nàng.
Vĩnh Kỳ lớn tiếng.
- Cái gì? Xin lỗi ư? Ai lại làm chuyện kỳ cục vậy? Trong chuyện này đâu phải chỉ một mình tôi có lỗi? Cô ấy cũng có vậy? Cô ấy là đàn bà phải xin lỗi tôi trước chứ. Ðàn ông con trai ai lại xuống nước kỳ vậy?
- Chúng ta mặc dù là nam tử hán đại trượng phu, nhưng trước mặt bọn tiểu nữ tử lại khó mà cao ngạo được. Tốt nhất anh đừng sa vào vết chân trước đó của Tôi. Ðể Tử Vy say lúy túy, rồi đưa đến tai họa nữa. Rốt cuộc rồi lại hối không kịp.
Vĩnh Kỳ vẫn cương quyết.
- Tôi không khiếp nhược như cậu đâu!
- Thôi được, anh ngon hơn tôi. Vậy thì sau này đừng có hối hận nhé? kinh nghiệm bản thân tôi thì càng cứng sẽ càng sai đấy.
Nói rồi, làm bộ thở dài.
- Bình thường Yến Tử cũng làm ra vẻ cứng cỏi vô cùng. Vậy mà mới một chút đó cũng đã bù lu bù loa không hiểu cô nàng bây giờ thế nào nữa. Anh không quan lại Thấu Phương Trai, không biết chuyện gì đã xảy ra!
Nói xong đứng dậy bỏ về, Vĩnh Kỳ nhìn theo Nhĩ Khang rồi buông mình xuống ghế, mà lòng đầy giằng co.
o0o
Nhĩ Khang khuyên Vĩnh Kỳ không được, thì Tử Vy cũng nào có khuyên bảo được gì Yến Tử. Vì bản chất người nào cũng ngang ngạnh đâu ai chịu khuất phục ai?
Mãi đến tối, Yến Tử đợi mãi chẳng thấy Vĩnh Kỳ đến, cơn giận càng cao hơn. Cô nàng bỏ cả cơm tối, cứ đi lại mãi trong phòng, mặc cho bao tử cồn cào.
Ðến khuya Kim Tỏa hâm nóng thức ăn lại, mang đến bên Yến Tử cười nói:
- Chị Yến Tử, đừng có giận mà. Em làm thức ăn rất ngon hâm nóng lại cho chị nè. Có cả món chè tráng miệng hột sen ngân nhĩ nữa, chị uống đi cho hạ hỏa. Giận làm gì, chỉ làm tổn hại chân khí của mình thôi. Ăn đi!
Yến Tử khoát tay:
- Tôi không ăn đâu chết là cùng chớ gì!
Kim Tỏa đặt món ăn lên bàn bước tới:
- Xin hãy nghĩ đến nô tài một chút đi. Tôi đã bỏ công đến nhà bếp nấu thức ăn đặt biệt này cho chị. Có há cảo, bánh bao, gà rô ti nè. Còn nóng đó, ăn đi! Ăn đi!
Yến Tử giậm chân.
- Ðã bảo không ăn là không mà. Anh ta là cái gì mà lên mặt vậy? Định đem cái chức danh a ca ra dọa ta ư? Ta thật xui xẻo mới đụng phải người như vậy. Lần truớc Hoàng a ma tát ta một bạt tay, đã nói với anh ấy, nếu thương ta thật tình thì cùng ta bỏ đi đi, bỏ cái chức danh a ca. Vậy mà anh ấy không chịu bắt ta phải chịu cực khổ trong cái hoàng cung này còn đòi cải tạo ta. Ta làm sao không nổi giận, anh ấy tưởng mình có giá lắm ư? Anh ta coi trọng cái chức danh a ca hơn cả tình yêu của ta nữa!
Tử Vy bước tới vỗ về.
- Chị nói oan cho Ngũ a ca hãy nghĩ lại chuyện anh ấy cướp ngục, cứu chúng ta xem thế nào? Lúc đó chẳng phải là mọi người đã có ý định bỏ trốn cả không? Anh ấy đâu phải là hạng người say mê phú quý? Vì chị mà Ngũ a ca đã hy sinh biết bao thứ? Từ ngày lão phật gia về, Ngũ a ca đã phải chịu biết bao là áp lực. Dù gì thái hậu cũng là bà nội ruột của Ngũ a ca, đâu ai lại có thể không biết đến ông bà mình. Chị hãy đứng ở lập trường của Ngũ a ca mà nghĩ lại đi!
Yến Tử càng giận.
- Lập trường của anh ấy? Hừ chẳng lẽ anh kỳ chỉ quan tâm đến lập trường của mình, còn lập trường của tôi thì sao? Tại sao lại thiên vị như vậy? Nói cái gì ra cũng ép tôi phải thế này thế nọ nhưng tôi thà là...
Yến Tử nói đến đó chợt nghĩ ra được thành ngữ tiếp.
- Tôi thà là “sĩ khả sát bất khả nhục” (kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục) anh ấy muốn có cô ấy. Còn tôi đánh chết cũng không thể biến ra người như vậy được.
Tử Vy cố nhịn cười nói:
- Ngũ a ca nào có muốn chị biến thành người vậy đâu? Nếu chị mà biến ra mẫu người như thế, thì chắc có lẽ Ngũ a ca là người cuốn gói bỏ chạy trước đấy.
Rồi Tử Vy nói thêm:
- Thật ra thì anh ấy rất yêu quý chị, rất thích chị.
Yến Tử trừng mắt.
- Ngươi đừng có biện hộ cho anh Kỳ, đừng có nói tốt anh ta được không?
Tử Vy vội nói:
- Thôi được! Thôi đươc! Tôi sẽ không nói hộ ai cả, tôi sẽ nói là anh Vĩnh Kỳ rõ là kỳ cục, không biết thế nào là tình cảm. Không biết thương hương tiếc ngọc, thôi thì mặc kệ anh ấy vậy. Ðừng nhắc đến con người bạt bẽo kia làm gì? Thôi! Bây giờ thì chị ăn được rồi chứ?
Tử Vy bứng chén chè hột sen sang.
- Ðừng để chết đói! Tội gì mà phải nhịn đói? Nào ăn với tôi đi nào?
- Tôi bảo không ăn là không ăn mà.
Yến Tử đẩy tay, chén chè rơi xuống đất vỡ tan.
o0o
Kết quả, qua ngày hôm sau, Yến Tử bỏ hoàng cung ra đi.
Trời vừa tờ mờ sáng, là Yến Tử cải trang thành thường dân mang túi nhỏ, đựng quần áo và tiền bạc rồi bỏ ra ngoài cung.
Ra đến cổng thành, đám thị vệ chận lại, nhưng khi nhìn ra là Yến Tử, bọn họ lập tức đứng nghiêm.
- Hoàn Châu cát cát kiết tường!
Yến Tử ra lệnh.
- Vậy sao còn chần chừ gì không mở cửa thành cho ra đi ra?
Ðám thị vệ ngập ngừng.
- Cát cát muốn đi ra ư? Chưa có lệnh mở.
Yến Tử vỗ vỗ lên chiếc túi.
- Lệnh phi nương nương muốn ta mang cái túi này ra cho một người ngoài cung, ta phải giao gấp cho người ta.
Thị vệ nhìn ra ngoài.
- Người ta đứng ở ngoài chờ ư?
Yến Tử thừa cơ đá thị vệ rồi phóng người ra ngoài nói:
- Ta có đặc lệnh của hoàng thượng, có thể ra khỏi hoàng cung bất cứ lúc nào. Lệnh phi nương nương cũng có việc muốn ta làm ngay, nếu ai ngăn chặn làm chậm trễ, ta sẽ mét lại hoàng thượng lúc đó sẽ tai họa đấy.
Yến Tử phi thân thật nhanh, bỏ mặc bọn thị vệ ngẩn ngơ phía sau. Khi đã đi xa được một đoạn đường mới quay đầu nhìn lại hoàng cung, lòng đầy xúc cảm.
- Hoàng cung, Ngũ a ca, Hoàng a ma, Tử Vy ta đi đây nhé! Ta đi và sẽ không bao giờ quay lại nữa, đừng chờ!
Minh Nguyệt có bổn phận phục vụ Yến Tử sáng sớm bước qua phòng mới hay là Yến Tử không còn trên giường, chăn nệm xếp tươm tất. Quần áo giày dép cung đình còn nguyên. Cạnh gối có để lại một phong thư.
Nhìn thấy phong thư, Minh Nguyệt mới giật mình, biết là có chuyện rồi, vội vã cầm thư sang gặp Tử Vy.
Tử Vy mở ra xem, chỉ thấy vẻ một con chim én bay ra khỏi hoàng cung. Phía dưới viết thêm mấy chữ nguệch ngoạc “trước không thấy cổ nhân, hậu không thấy người đến, người mà không nhìn thấy nữa đó chính là Yến Tử.”
Tử Vy hoảng hốt gọi:
- Tiểu dặng tử, Tiểu Trác Tử!
Tiểu Đặng Tử, Tiểu Trác Tử vội vã chạy vào.
- Các ngươi có thấy Yến Tử đâu không? Có ai thấy?
Tiểu Đặng vội nói:
- Chúng tôi vừa đến Thần Võ môn hỏi, ở đấy bảo là lúc trời còn chưa sáng, đã thấy cát cát cải trang làm dân thường nói là phải ra ngoài để lo việc cho lệnh phi nương nương nên đã xông ra cổng thành đi mất. Bây giờ thị vệ đang định bẩm báo cho hoàng thượng biết sự việc đấy.
Tử Vy nghe vậy giật mình, hối Tiểu Đặng Tử:
- Tiểu Đặng Tử, ngươi nhanh nhanh chạy sang Cảnh Dương cung nói cho Ngũ a ca biết đi, còn Tiểu Trác ngươi tìm lại nhà Phước đại gia, nhờ người đến ngay Thần Võ môn để chận họ lại, không để chuyện làm kinh động Hoàng a ma, sau đó nói với Ngũ a ca và phúc đại gia đến ngay đây, để bàn cách ứng phó.
- Vâng!
Và chỉ một lúc sau là Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang hớt hải chạy dến. Vừa gặp Tử Vy đã hỏi
- Cô ấy để thơ gì lại? Đâu đưa ra cho tôi xem nào?
Tử Vy giao thư cho Vĩnh Kỳ:
- Các anh có chận bọn thị vệ lại không? Chuyện này mà để hoàng thượng biết là không tốt. Yến Tử lại gây chuyện không hay, mong là quỷ thần giúp đỡ, để bọn mình tìm được cô ấy về.
Nhĩ Khang nói:
- Tôi đã dặn dò bọn thì vệ rồi, bọn nó cũng đang sợ té khói đây. Vì để cho cát cát ra ngoài, mà không lệnh là điều cấm. Nghe nói bọn mình tìm cách giải quyết được, họ mới thở phào nhẹ nhõm.
Rồi giật lấy thơ trên tay Vĩnh Kỳ liếc qua, Nhĩ Khang giậm chân nói:
- Ðấy thấy chưa? Tôi đã nói với anh rồi, mà chuyện này đừng có nhì nhằng mà anh lại không nghe, cứ tự ái! Trong khi Yến Tử là con người dễ bị kích động, làm việc đâu có suy nghĩ như mình. Giờ thế nào? Anh thấy sao?
Vĩnh Kỳ còn bối rối nói:
- Xin lỗi, tất cả tại tôi cả. Sơ xuất quá, nhưng tôi làm sao biết, là cô ấy lại có thể hành động như vậy. Nếu biết tôi nào để Yến Tử học thành ngữ, học thơ Ðường làm chi?
Kim Tỏa đứng gần thấy vậy nói:
- Thôi đừng có chậm trễ nữa, mau mau đi tìm Yến Tử về đi. Tôi nghĩ chắc chị ấy cũng không đi đâu xa đâu hẳn là đến Hội Tân Lầu thôi. Chị ấy chỉ quen Liễu Thanh, Liễu Hồng, gặp chuyện không vui, hẳn là đến đây để kể lễ. Ðó là chưa nói ở đó còn có sư phụ chị ấy nữa.
Nhĩ Khang nói:
- Ðúng, chúng ta nên đến Hội Tân Lầu ngay! Ngũ a ca có đến đó liệu mà năn nỉ đấy, bọn này không biết đâu.
Tử Vy nói:
- Tôi cùng đi với các anh nhé?
- Cô đi cùng thì sẽ gặp rắc rối, vì hôm nay đâu phải là ngày được xuất cung?
- Nhưng nếu tôi không cùng đi, thì bảo đảm với các anh là sẽ không tìm ra được Yến Tử. Mà tìm được, chưa hẳn cô ấy lại đồng ý về.
Vĩnh Kỳ gật đầu.
- Ðúng! Đúng! Tử Vy, cô phải cùng đi với chúng tôi. Cái cô nàng Yến Tử đó không dễ dỗ ngọt đâu.
Nhĩ Khang nói:
- Vậy thì không chậm trễ nhanh lên, chúng ta còn phải đến gặp lệnh phi nương nương trước, năn nỉ người. Nhưng đừng nói là Yến Tử cãi nhau với Ngũ a ca mà bỏ đi, chỉ nên nói là Tử Vy muốn đi thăm mẹ tôi thôi.
Rồi Nhĩ Khang quay sang dặn dò Kim Tỏa
- Kim Tỏa ngươi ở lại trong cung, nếu rủi mà hoàng thượng hay lão phật gia đến, thì ngươi nói hai cô cát cát đến nhà Phước đại nhân. Tuyệt đối không được tiết lộ chút nào về chuyện Yến Tử bỏ đi nghe không?
- Tôi biết và sẽ ở lại nhà chờ tin tức!
Tử Vy gật đầu, rồi mọi người vội bước ra cửa.
o0o
Nửa giờ sau, mọi người đã có mặt ở Hội Tân Lầu.
Liễu Thanh, Liễu Hồng, Mông Đan nghe qua thẩy đều kinh ngạc.
- Yến Tử bỏ đi mất rồi? Làm gì có thể như vậy được? Nếu ra đã đến đây rồi? Sao không? Từ bữa trừ tà đến giờ bọn này nào gặp cô ấy đâu?
Liễu Thanh nói, trong khi Liễu Hồng lại nghi ngờ.
- Làm sao các người biết là Yến Tử bỏ ra ngoài này. Bản tính cô ấy hay pha trò, coi chừng trốn ở một nơi nào đó rồi giả vờ phao tin. Các người có tìm hết trong cung chưa?
Vĩnh Kỳ quá bối rối, nên nắm lấy ngực áo Liễu Thanh nói:
- Liễu Thanh, bọn mình đều là bạn bè thân thiết của nhau cả mà, đừng vì muốn giúp Yến Tử trốn mà dối chúng tôi. Tôi biết cô ấy chẳng có nơi nào đến cả, nếu chẳng có các người giúp sức. Hãy nói ra đi!
Liễu Thanh đẩy tay Vĩnh Kỳ ra nói:
- Tôi lừa gạt các người làm gì? Yến Tử không có đến đây thì nói là không có đến, nếu không tin các người cứ hỏi Mông Đan đi.
Mông Đan nói:
- Cô ấy thật không có đến đây, mà cô ta bỏ đi từ lúc nào chứ? Các người phải bình tĩnh suy nghĩ, xem Yến Tử có thể đến nơi nào? rồi chia nhau mà tìm đi!
Tử Vy nghe vậy tin ngay, nói với Vĩnh Kỳ.
- Tôi nghĩ, Yến Tử đã bất bình từ lâu, nên bỏ trốn thật sự đấy. Và không muốn chúng ta tìm được, nên chẳng đến Hội Tân Lầu. Cô ả muốn từ bỏ hết tất cả bạn bè mà.
Nhĩ Khang nhận định.
- Nếu vậy thì tình hình có vẻ nghiêm trọng đấy, vì Yến Tử biết võ, lại biết kiếm tiền, có thể tự lập. Biết đầu giờ này đã bỏ Bắc Kinh này, đi ngao du giang hồ khắp nơi rồi?
Vĩnh Kỳ nghe vậy giật mình.
- Võ công Yến Tử đâu có thể gọi là võ được? Nếu có đánh lộn với ai chưa chắc bảo vệ được mình. Bản tính cô ta lại không biết trời cao đất dày là gì cả. Một mình đi giang hồ, e là sẽ gặp dữ nhiều hơn là lành. Vậy thì nguy thật.
Mọi người nhìn Vĩnh Kỳ thông cảm, Nhĩ Khang an ủi.
- Ðừng lo quá, chúng ta ở đây đông người, lập tức chia ra tứ phía tìm. Trước hết là lục sạo hết hang cùng ngõ hẻm ở thành Bắc Kinh này xem sao?
- Ðúng, bây giờ ta chia ra. Nhĩ Khang và Tử Vy một toán. Số còn lại mỗi người phụ trách một con đường. Chỉ cần một tiếng đồng hồ là sẽ có kết quả ngay!
o0o
Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang chia nhau đi. Họ đâu có ngờ là Yến Tử khi rời khỏi hoàng cung ra ngoài, cũng không biết là sẽ đi về đâu. Cứ quảy chiếc túi trên vai. Rồi theo dòng người ngược xuôi hết con đường này đến con người khác. Yến Tử nghĩ: Tử Vy và Nhĩ Khang chắc chắn là sẽ đến Hội Tân Lầu tìm ta, trong khi ta đã cương quyết bỏ đi rồi, sao lại cho họ tìm được. Bây giờ ta cũng không còn là “Hoàn Châu cát cát” nữa. Từ đây ta sẽ sống thực với ta. Ta là Yến Tử, không quan hệ một chút nào với Hoàn Châu cát cát. Ta sẽ đi tìm việc làm để sống nhưng giờ ta đi đâu đây?
Yến Tử nhìn quanh không biết nên đi đâu. Ði một lúc chợt dừng chân trước một cái quán có vẻ là quán nước. Thấy có rất nhiều người tới lui. Yến Tử nhìn lên bảng thấy đề mấy chữ “Du Hiên Kỳ xã” Yến Tử nhìn mãi mà không biết ý nó nói gì, suy nghĩ mấy chữ này lạ quá, nhưng chữ “kỳ xã” có chữ kỳ tức là cờ... Ờ, đúng rồi ở đây người đánh cờ mình cũng thích đánh cờ, vậy thì vào xem.
Thế là Yến Tử đi vào Kỳ xã. Chỉ thấy trong đó có nhiều chiếc bàn, nhiều người vây quanh. Vừa đánh cờ vừa uống trà. Yến Tử tuy đánh cờ dở nhưng lại rất mê cờ, nên bước tới một bàn tò mò nhìn.
Trong kỳ xã lúc đó chỉ toàn là đàn ông, nên sự xuất hiện của Yến Tử gây nhiều chú ý.
Yến Tử thấy ông già bên cạnh đi một nước cờ, vẫn tật cố hữu không ngăn được nói:
- Ý! Đừng đi nước có đó, đi nước cờ này này!
Nói là thò tay xuống bàn cờ, kéo cờ đi.
Hai ông gia đang đánh cờ nhìn lên, ông lão bị Yến Tử đi cờ chau mày.
- Cô ở đâu mà xuất hiện nơi này? Làm ơn đứng xem đừng có chỉ chỏ.
Hai ông lão lại tiếp tục đánh cờ. Yến Tử đứng xem một lúc lại không ngăn được.
- Sai rồi, sai rồi. Phải giữ con trên lại, đi con dưới đây này.
Ông lão sa sầm nét mặt.
- Ðã bảo, xem cờ không được nói cơ mà?
Yến Tử nói:
- Tôi biết xem cờ không nói mới là chân quân tử, nhưng tôi không làm được điều đó.
Ngay lúc đó một gã trung niên khoảng bốn mươi tay cầm quạt phe phẩy đi tới, nhìn Yến Tử rồi nói:
- Tôi là chủ quán cờ này. Còn cô ở đâu lại đây? Nơi này không tiếp khách nữ!
Yến Tử chau mày:
- Không tiếp khách nữ ư? Sao có chuyện kỳ cục vậy? Cửa quán các người mở rộng như vậy, không phải là ai cũng vào được à?
- Vâng.
- Thế thì tôi cũng vào đây đánh cờ, sao lại không tiếp.
Ông chủ quán họ Ðỗ cười khinh khỉnh.
- Cô muốn đến đánh cờ ư? Cô có biết là đánh cờ phải trà tiền cờ, tiền trà, cô có tiền không?
- Bao nhiêu tiền một ly trà?
- Một đồng một ly.
Yến Tử móc trong túi ra một lạng bạc, đặt mạnh lên bàn hỏi:
- Lạng bạc này trị giá bao nhiêu? Có đủ trả tiền cờ hay không?
Lão họ Ðỗ thấy vậy giật mình vội nói:
- Đủ, đủ chứ! Bây giờ cô muốn đánh cờ với ai đây?
Yến Tử đưa mắt nhìn quanh, rồi nói:
- Thôi đánh với ông vậy.
Ông chủ quán cười.
- Cô muốn đánh với tôi ư? Cô biết tôi thuộc cao thủ cờ không? Thôi chọn người khác vậy!
Rồi chỉ một gã mặt choắt nói:
- Thằng đó là đệ tử tôi đấy, cô đánh với nó thử xem.
Yến Tử thấy bị tự ái xúc phạm nên nói:
- Tôi chỉ muốn đánh cờ với ông thôi.
- Muốn đánh cờ với tôi phải đặt cược. Không cá cược tôi không đánh.
Yến Tử nói:
- Ðặt cược ư? Cũng được! Khá lâu rồi ta không được đánh bạc, bữa nay làm một bữa xem!
Ông Ðỗ với ánh mắt xảo quyệt, cười nhẹ.
- Có nghĩa là nếu tôi thua, tôi sẽ chung tiền cho cô và ngược lại, cô thua phải đưa tiền cho tôi đấy.
Yến Tử hỏi:
- Cược bao nhiêu đây?
Lão Ðỗ cầm lượng bạc của Yến Tử lên.
- Thì cược cái lượng bạc này vậy.
- Ðược.
Hai người ngồi vào bàn, lão Ðỗ nói với tiểu nhị...
- Tiểu nhị, hãy pha một bình trà ngon nhé.
Rồi đưa tay nói với Yến Tử.
- Nào mời cô đi trước đi.
Yến Tử hiên ngang đi ngay một con. Ðám đông đứng chung quanh xì xào. Lão Ðỗ không vội đi ngay, hỏi:
- Gọi tiểu thư là gì đây?
- Là Tiểu Yến Tử!
Vừa nói vừa nhìn vào bàn cờ. Lão Ðỗ đã tiến quân đi được mấy bước đã chiếu bí Yến Tử, Yến Tử không chịu rút cờ lại nói:
- Ồ chơi xấu quá, ông gài bẫy tôi ư? Không được đâu, tôi đi lại nước cờ này.
Yến Tử không thực hiện được ý định. Cây quạt trên tay của lão Ðỗ phớt qua. Yến Tử như bị điện giật, vội rút tay lại. Lão Đỗ nói:
- Ðánh cờ ăn tiền thì đã chọn cờ, đi rồi không được hồi!
Yến Tử ngạc nhiên nhìn lão Ðỗ. Cái con người này lạ thật, trời lạnh thế này mà lại phe phẩy cây quạt trên tay. Hay là hắn biết võ công?
Yến Tử cứ suy nghĩ thì lão Ðỗ đã thọc xe xuống ăn mất một con mã của Yến Tử. Yến Tử kêu lên:
- Ồ! Thế này thì không được! Ông lợi dụng lúc tôi không để ý hưởng thế thượng phong, vậy là chơi không đẹp.
Lão Đỗ cười.
- Thôi không nói nhiều. Bàn cờ này cô thua đứt rồi!
- Tôi thua à? Yến Tử nhìn xuống bàn cờ đành chấp nhận. Thôi được rồi, ta chơi ván khác vậy.
Lão Đỗ cười:
- Chơi ván khác ư? Cá cược bao nhiêu đây?
Yến Tử lấy nguyên một nén bạc, liệng lên bàn hùng hồn nói:
- Nếu ông mà đánh thắng ba bàn liên tiếp thì thỏi bạc này sẽ hoàn toàn thuộc về ông.
Lão Đỗ cười híp mắt.
- Tôi chỉ cần thua cô một bàn là chung ngay một nén bạc cho cô.
- Chắc nhé!
- Vâng.
Thế là ván cờ lập lại. Nhưng chỉ đi được có mấy bước. Yến Tử lại thua. Bàn thứ hai lại thua nữa, đến thứ ba cũng tương tự. Lão Đỗ chắp tay lại ra vẻ sảng khoái:
- Vậy là nén bạc này của tôi rồi nhé.
Yến Tử thua đổ mồ hôi hột, tức khí móc thêm một nén bạc thứ hai ra.
- Ðánh lại! Đánh lại!
Nhưng cuối cùng Yến Tử lại thua tiếp cuối cùng lão Đỗ đã thấy đủ, đứng dậy.
- Thôi nghỉ không chơi nữa đâu!
Nhưng Yến Tử nào chịu thua, đứng chận ngang.
- Ông thắng rồi bỏ đi ư? Thế này đâu có được?
Lão Ðỗ làm bộ nói:
- Ðánh thế này chán quá. Một bàn một thỏi đi.
- Được!
Yến Tử nói rồi thò tay xuống cạnh định kiếm túi đãy của mình lấy bạc đánh. Không ngờ chiếc túi trống rỗng. Yến Tử giật mình hét lên:
- Ai lấy cắp của tôi rồi?
Ðám đông đứng quanh chỉ nhìn nhau lắc đầu. Lão Đỗ từ tốn nói:
- Mất bạc ư? Ờ! Ở giữa nơi đông người thế này cô phải cẩn thận chứ? Này hãy nhìn lên vách tường nhà tôi xem. Tôi có treo tấm bảng “coi chừng móc túi” nữa cơ mà?
Yến Tử cờ bạc thua, bây giờ mất sạch hết tiền, lại nghe tay chủ quán nói vậy, nên đổ quạu làm dữ.
- Ông nói vậy sao được. Ðồ đạc để trong quán ông thì ông phải có trách nhiệm chứ? Cửa tiệm này là gì? Ăn cướp à? Hãy đem tiền trả hết lại cho ta!
Lão Ðỗ vỗ mạnh một cái lên bàn hét:
- Cô ăn nói đứng đắn cho một chút? Ở thành phố Bắc Kinh này có ai dám nói Ðỗ đại gia là làm chuyện mờ ám đâu? Ngươi là đứa bụi đời phương nào, chẳng tìm hiểu rõ ta là ai, lại dám lớn lối như vậy? Nếu biết điều thì mau về nhà lấy tiền khác ra đây, cờ bạc tiếp.
Nói xong anh ta phẩy quạt một cái sức gió của cái phẩy đẩy cả vạt áo Yến Tử lên tận mắt. Ông ta còn vận nội công, nói như lệnh vỗ.
- Tiểu Nhị! Tiễn khách!
Yến Tử đâu có chịu thua, hét một tiếng, đạp đổ chiếc bàn truớc mặt. Bình trà, tách trà đổ bể tùm lum. Những người đứng quanh vội vã né tránh.
- Cái cửa tiệm ăn cướp này. Dám trộm cả tiền của bà ư? Vậy là quá lắm. Bọn bây muốn chết mới đụng đến bà!
Vừa nói vừa đạp đổ tất cả những chiếc bàn còn lại. Lão Ðỗ giận, xòe quạt ra bước tới, quơ tay sang định chụp lấy Yến Tử. Yến Tử hét:
- Rõ là ngươi biết võ công nữa ư? Biết võ công mà làm chuyện ám muội vậy là không tốt, muốn bắt giữ ta, cứ bắt đi!
Yến Tử vừa nói vừa phi thân, nhảy từ nơi này sang nơi khác. Nhảy đến đâu bàn ghế gãy đổ đến đó, chủ quán họ Ðỗ tức quá gầm lên đuổi theo. Khách thấy đánh nhau sợ mang họa, vội bỏ chạy ra ngoài cả.
Lão Đỗ nào chỉ có một mình còn mấy tay tiếp sức nữa. Trong khi Yến Tử vừa đánh mấy chiêu với chủ quán đã biết mình không phải đối thủ của hắn ngay. Nhưng đã lỡ giao đấu, không lùi được nữa, đành húc đầu vô mà đánh.
Một cây quạt đã đánh trúng vai Yến Tử cảm thấy đau buốt, hét lên. Một cây quạt thứ hai lại bay đến, Yến Tử biết muốn thoát chết chỉ có nước chạy, nên xông về phía cửa. Nhưng trước cửa đã có mấy tay giữ cửa. Lão chủ quán chỉ cần phi thân tới, gõ nhẹ quạt lên đầu, là mắt Yến Tử tối sầm lại. Không còn biết gì nữa.
Ðến lúc một thùng nước lạnh dội lên đầu. Yến Tử mới giật mình tỉnh lại. Vừa mở mắt ra đã nhìn thấy chủ quán với đôi mắt cú vọ đứng trước mặt. Cạnh đó là một mụ mập ù, có lẽ là vợ ông ta. Họ đang ngắm nghía đánh giá nàng. Yến Tử bực tức định phản kháng, mới hay là tay chân đã bị trói chặt, cục cựa cũng không được. Nơi Yến Tử nằm là một hốc kẹt vừa tối vừa ẩm. Ðúng ra là một hốc bếp, vì Yến Tử nhìn thấy có rất nhiều ống lò quanh mình đang nấu, gần đó còn có một số công nhân nữa. Yến Tử vùng vẫy, vùng vẫy mãi không được, tức quá buông tiếng chửi.
- Tại sao lại trói ta thế này? Bộ các người muốn chết ư? Các ngươi biết ta là ai không?
Lão Ðỗ bình thản.
- Sao lại không biết, ban nãy ngươi xưng danh rồi, Tiểu Yến Tử chớ ai.
- Mà các ngươi biết Yến Tử là ai không?
Yến Tử muốn nói mình là “Hoàn Châu cát cát” nhưng rồi nghĩ lại. “thật đáng xấu hổ chẳng ra thể thống gì. Có túi tiền cũng để người ta cuỗm mất quần áo cũng không còn. Còn để người ta trói quẳng nơi nhà bếp như vầy thì có gì đáng hãnh diện mà còn nêu danh Hoàn Châu cát cát nữa chứ?
Nghĩ vậy nên Yến Tử xuống nước.
- Ông chủ này! Ông trói tôi ở đây định làm gì vậy? Đưa ra quan xử ư?
Lão Đỗ nói:
- Chuyện này là chuyện nhỏ mà cần gì đưa đến quan. Ngươi đập phá quán ta, đuổi khách ta, muốn phá chuyện làm ăn của ta, thì ta phải bắt ngươi trừ nợ.
Cái mụ chủ quán thì đưa bàn tay dính đầy mở ra sờ sờ lên mặt Yến Tử.
- Tôi thấy cái khuôn mặt bầu bĩnh này cũng có giá. Bán nó cho Kỹ viện, ít ra cũng được mấy lượng vàng, đủ để đền thiệt hại mà quán đã gánh chịu. Ông bảo tiểu nhị đến “Hạnh Hoa lầu” mời bà chủ Trương đến đây.
Vừa nói bà ta vừa đưa tay sờ đến đôi môi Yến Tử. Không ngờ Yến Tử nào chịu yên, nên thoát cái đã quay qua ngoạm lấy tay mụ.
- Ối da! Cái con a đầu này!
Vừa nói mụ vừa kê chân lên đạp cho Yến Tử một cái đau điếng. Lão chủ nhìn Yến Tử với ánh mắt thèm thuồng, nhưng cũng lên tiếng dọa.
- Này ta nói cho mà biết, liệu mà giữ thân, bằng không e là sẽ bị thịt nát xương ta rõ khổ đấy.
Yến Tử tỉnh bơ.
- Nhưng mà ông chủ Đỗ này, ông cột tôi chặt thế này, mà còn định bán tôi vào nhà thổ nữa, thì ông nghĩ đi, nào có lợi gì cho ông? Đến lúc đó, tới nơi tôi sẽ đập phát tan mọi thứ, rồi trút tội là ông sai tôi làm như vậy, thì có phải ông vỡ nợ không?
Ông chủ Ðỗ trừng mắt.
- Vậy theo ngươi, ta phải làm sao chứ?
- Ông thả tôi ra, tôi về nhà lấy tiền đền cho ông là xong, ông muốn bao nhiêu chẳng được.
- Nhưng mà nhà ngươi ở đâu? Đường nào chứ?
- Nếu tôi mà nói ra, e là ông sẽ giật mình!
- Thì ngươi cứ nói ra thử xem.
- Tôi... tôi... không thể nói được.
Lão Ðỗ dắc ý:
- Ta đã biết là ngươi chẳng dám nói ra mà. Cái mửng này, ngươi mang vàng bạc trên người này, biết võ này, lại không dám nói ra chỗ ở, thì có nghĩa ngươi là kẻ trộm. Ðã trộm tiền của một nhà giàu nào đó rồi trốn ra đây.
Một tia sáng lóe ra trong đầu Yến Tử, hay là nói ra Hội Tân Lầu, để Liễu Thanh, Liễu Hồng, đến cứu? Nhưng lại nghĩ làm vậy tệ quá. Chẳng có vẻ là anh hùng, nên yên lặng chẳng nói năng gì chỉ nói:
- Ngươi đừng tò mò tìm hiểu lai lịch ta. Vì nếu ta mà nói thật ngươi cũng không tin ta đâu. Ta chỉ cảnh cáo ngươi, nếu ngươi không thả ra ra, thì sẽ có nhiều người đến đây tìm, lúc đó đừng bảo sao lại xui xẻo. Ngươi có thể bị chặt đầu, tru di cửu tộc, tứ mã phân thây đấy.
- Ghê gớm vậy ư? Ta không hề sợ đâu, để họ đến đây tìm ta đi nào.
Lão chủ tiệm nói, Yến Tử suy nghĩ, nghĩ tới nghĩ lui cuối cùng nói:
- Thôi thì thế này vậy. Chẳng qua ta chỉ đập bể đồ đạc trong quán ông. Thôi thì để ta làm công trừ nợ vậy?
Rồi hạ thấp giọng, Yến Tử làm ra vẻ đáng thương nói:
- Ông đoán cũng gần đúng. Tôi là đứa không cha không mẹ, làm a đầu cho một nhà giàu. Nhưng chủ nhân ở đó cứ ức hiếp, đánh đập, nên chỉ còn nước là bỏ trốn... Tôi nói cho ông biết, tôi cũng biết làm nhiều thứ lắm. Chẳng hạn như rửa chén, nấu cơm, gánh nước, chẻ củi... Tóm lại, bây giờ tôi chẳng còn chỗ nào để dung thân nữa. Tôi ở đợ trừ tiền, ông thấy thế nào?
Ông chủ chưa trà lời thì bà chủ đã lên tiếng:
- Không được! Ta không thể mướn một con a đầu như ngươi, nhìn vóc dáng ngươi, e là sẽ mang họa.
Ông chủ Ðỗ thì nói:
- Sợ cởi trói cho ngươi, ngươi lại quậy phá tiếp!
Yến Tử lắc đầu:
- Không, không đâu! Võ công ông chủ cao cường như vậy, thử sức một lần là tôi đã biết rồi, làm sao dám hành động ngu ngốc. Tôi rất nể ông, ông vừa đánh cờ giỏi này, võ công cao này... ông như một tiền bối. Tôi mà ở đây làm công cho ông sẽ được học đánh cờ, học thêm võ nghệ nữa. Vậy ông cho tôi ở lại đi, tôi có thể bưng trà cho khách, làm a đầu nè... đều được hết!
Ông chủ họ Ðỗ nghe Yến Tử nói vậy có vẻ xiêu lòng nói:
- Ðược! Ta sẽ cởi trói cho ngươi, nhưng nếu ngươi mà còn lộn xộn. Ta sẽ bóp cổ ngươi chết, rồi ném xuống đống rác đấy.
Yến Tử gật đầu. Ông chủ Ðỗ lấy dao cắt dây trói cho Yến Tử. Yến Tử được tự do, vươn tay vươn chân nói:
- Ðược rồi, tôi sẽ làm công cho ông, công việc tôi làm gì đây?
Bà chủ ra lệnh:
- Ði đốt lò đi!
- Vâng!
Yến Tử ứng ngay, rồi bước tới đống củi nơi góc, ôm nguyên một bó củi đến trước ống lò, cẩn thận cho từng thanh củi vào lò. Hai vợ chồng ông chủ quán đứng gần đó quan sát. Lửa trong lò đã cháy dỏ rực. Ðột nhiên Yến Tử nhặt một thanh củi cháy đỏ ném vào mặt ông chủ quán. Nhưng ông chủ quán lại hành động nhanh hơn, né kịp. Yến Tử thừa cơ phóng ra cửa. Lần này bà chủ ra tay, một cú đấm từ sau phóng tới, Yến Tử lại nếm mùi thất bại.
o0o
Nhĩ Khang, Tử Vy, Vĩnh Kỳ, Mông Đan, Liễu Thanh, Liễu Hồng chia nhau ra lục hết các ngõ ngách ở thành Bắc Kinh. Vĩnh Kỳ thậm chí đã đi ngang qua cả “Du Hiên Kỳ xã” mà không biết Yến Tử đang lâm nạn trong đấy. Mọi người đã thấm mệt, trời đã sụp tối, tất cả tụ họp lại Hội Tân Quán mà vẫn không tìm được tông tích Yến Tử đâu. Vĩnh Kỳ nôn nóng hỏi:
- Bây giờ phải làm sao đây? Cô ấy là gái, một thân một mình như vầy nguy hiểm quá. Tôi phải đi tìm lại, mới được.
Liễu Thanh kéo Vĩnh Kỳ lại nói:
- Anh phải bình tĩnh một chút nào, cứ cắm đầu đi tìm chẳng lợi ích gì cả. Tôi quen biết Yến Tử đã lâu, cô ấy mạng to lắm. Theo tôi cô ấy sẽ không việc gì đâu. Với cái cá tánh ngang ngạnh của cô ấy, nếu không thích làm cát cát nữa, thì chúng ta rất khó mà tìm được. Biết đâu giờ này Yến Tử đã ở một nơi rất xa, rất xa rồi?
Tử Vy nói:
- Đó là điều bọn này lo nhất!
Vĩnh Kỳ đấm mạnh tay lên bàn nói:
- Làm sao có thể như vậy được? Nếu có chuyện cãi vã với tôi nữa. Thì cũng phải nghĩ đến Tử Vy chứ? Nghĩ đến những người cùng hội cùng thuyền chứ? Khôeng biết là bỏ đi như vậy làm bạn bè phải khổ, phải hoảng loạn lên ư? Còn nữa, tồi ta phải ăn nói làm sao với Hoàng a ma? Với lão phật gia đây? Ở trong hoàng cung mà biết được sẽ gây họa cho biết bao nhiều người, tại sao cô ấy không nghĩ, mà cứ muốn làm gì thì làm một cách vô tình vậy?
Liễu Hồng nói:
- Bất luận thế nào, mọi người cần phải có cái gì bỏ bụng trước. Ðể tôi bảo nhà bếp làm một vài thức ăn mang lên. Ði suốt cả ngày vừa mệt vừa đóm phải bồi dưỡng chứ không lại bệnh, nhất là Tử Vy vừa mới khỏi.
Nhĩ Khang nắm lây tay Tử Vy:
- Em khỏe chứ? Ðúng ra để em ở nhà tốt hơn.
Tử Vy buồn buồn:
- Em chỉ lo cho Yến Tử thôi. Không hiểu sao mà ngay cả em cô ấy cũng có thể từ bỏ được. Vậy mà còn nói có phước cùng hưởng, có họa cùng chia gì? Tìm gặp cô ấy lần này là em phải tính sổ mới được!
Mông Đan cũng chen vào:
- Hay là cô ấy đã quay về hoàng cung. Mọi người cứ túa ra đây tìm mà chẳng ai liên lạc được với trong cung. Tôi nghĩ Yến Tử là con người nhiệt tình, lại có nghĩa khí. Giận thì bỏ đi nhưng hết giận là quay về ngay. Biết sự việc nghiêm trọng nên làm sao bỏ đi luôn được.
Vĩnh Kỳ bật dậy.
- Mông Đan nói đúng, thôi chúng ta quay về vậy.
Liễu Hồng nói:
- Làm gì gấp gáp thế, ăn cái gì đi đã?
Nhĩ Khang nói:
- Thôi khỏi cần. Vĩnh Kỳ đang nóng lòng như lửa đốt thế này làm sao ăn. Thôi để chúng tôi về vậy!
Rồi Nhĩ Khang quay qua nhìn Tử Vy tiếp.
- Chẳng biết trong cung rồi chuyện gì xảy ra, họ mà biết sự vắng mặt của bọn ta thì khổ? Bọn thị vệ chẳng biết có trình báo hay không nữa?
Mọi người đều cảm thấy cần phải quay về cung ngay, để dò xem tình hình trong cung thế nào. Nhĩ Khang ra đến cửa còn quay lại dặn dò.
- Các người để ý giùm. Yến Tử có khi cả ngày trời không nơi trú ngụ lại sẽ quay về đây, nếu cô ấy có ở đây, thì bằng mọi giá phải giữ cô ấy lại, đừng để đi mất. Mai bọn này sẽ quay ra đây lại.
Liễu Hồng nói:
- Biết rồi! sáng mai, Mông Đan và Liễu Thanh sẽ tiếp tục đi tìm, còn tôi sẽ túc trực ở nhà.
Thế là tất cả quay về Thấu Phương Trai.
o0o
Kim Tỏa vừa trông thấy mọi người quay về vội hỏi:
- Tìm thấy chưa? Tìm thấy chưa?
Cả bọn nghe hỏi sa sầm nét mặt. Vĩnh Kỳ nói:
- Nói thế có nghĩa là cô ấy không hề quay về?
- Dạ chưa. Trước giờ cơm tối, lệnh phi nương nương có đến đây hỏi tiểu thơ đến nhà phúc đại nhân về chưa, con chỉ nói là chưa về, chớ đâu có dám hó hé điều gì.
Tử Vy hỏi:
- Như vậy thì trong cung chưa ai phát hiện ra sự mất tích của Yến Tử. Thế còn đám thị vệ? Bên lão phật gia có nghĩ ngờ gì không? Cả hoàng hậu nương nương nữa?
Kim Tỏa đáp:
- Không biết! Không nghe động tịnh gì cả, tôi túc trực ở Thấu Phương Trai theo sự dặn dò của tiểu thơ, chờ đợi căng thẳng quá trời.
Nhĩ Khang thở ra:
- Ðã đi hết cả Bắc Kinh rồi mà vẫn không tìm ra.
Ðúng lúc đó, Hàm Hương sang lo lắng:
- Sao để chuyện như vậy xảy ra chứ? Ngũ a ca hai người chỉ vì chuyện cãi nhau mà để Yến Tử bỏ đi ư? Sao không nhịn cô ấy một chút?
Vĩnh Kỳ ngồi ôm lấy đầu nói:
- Nếu quay ngược thời gian lại được, tôi đã nhịn cô ấy cùng Yến Tử luyện kiếm, đánh cờ, làm bất cứ điều gì cô ta muốn. Tôi nào biết Yến Tử lại có thể bỏ đi như vậy đâu? Thật quá đáng!
Tử Vy thở ra, mệt mõi ngồi xuống. Nhĩ Khang bảo Minh Nguyệt, Thể Hà.
- Các người hãy xuống nhà bếp làm món gì nhẹ nhẹ mang lên, mọi người đều mệt cả rồi, lại chưa có một hạt cơm vào bụng, phải ăn cái gì cho lại sức mới suy nghĩ được chứ.
- Vâng!
Thế là Thể Hà, Minh Nguyệt xuống nhà bếp.
Hàm Hương thấy vậy an ủi mọi người.
- Thôi đừng có hoảng lên như vậy, phải bình tĩnh, tôi nghĩ Yến Tử rồi sẽ quay về. Cô ấy không thể sống thiếu các bạn được đâu, các người có thấy đúng không? Tính khí cô ta lúc nào cũng vui nhộn. Sợ cô đơn, mà không có bạn bè làm sao sống nổi? Vì vậy tôi nghĩ mai là cô ấy sẽ quay về. Ðiều quan trọng hiện nay là làm sao ém nhẹm được chuyện này càng lâu càng tốt.
Nhĩ Khang gật đầu.
- Hàm Hương nói đúng đấy. Chúng ta phải bàn tính xem nếu hoàng thượng xuất hiện bất ngờ thì phải giải thích sao? Rồi lão phật gia hoàng hậu nữa. Nhất là hoàng hậu, bà ta có mặt, e là khó giải thích được.
Vĩnh Kỳ chau mày thở ra.
- Lão phật gia chỉ cho tôi hạn kỳ ba tháng. Hôm này là ngày đầu tiên, Yến Tử đã không thay đổi mà lại biến mất, nếu lão phật gia mà biết chuyện này thì có lẽ chẳng còn hy vọng gì nữa.
Tử Vy nghe vậy giật mình.
- Cái gì mà lão phật gia gia hạn ba tháng? Ba tháng để làm gì chứ?
Nhĩ Khang thở dài, biết là không thể giấu Tử Vy được nữa nên nói
- Lão phật gia ra hạn ba tháng đế Yến Tử có thể lột xác, không còn những cái mà bà gọi là thói hư tật xấu, nếu không được sẽ hủy bỏ cuộc chỉ hôn. Vì vậy Ngũ a ca mới quýnh quáng lên, bắt Yến Tử phải học!
Tử Vy bây giờ mói hiểu ra.
Vĩnh Kỳ bước đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, nói:
- Có lẽ tôi sẽ mất Yến Tử vĩnh viễn. Cuộc sống từ đây về, nếu không có cô ấy sẽ ra sao?
Vĩnh Kỳ tựa đầu lên cửa, buồn bã:
- Mà cũng không biết tại sao lại có người ngang ngạnh như vậy không hiểu biết, thông cảm gì cả. Tàn nhẫn dùng biện pháp trốn đó để hành hạ tôi chứ?
Rồi như không dằn lòng được, Vĩnh Kỳ hét lớn:
- Yến Tử! quay về đây ngay!
Hành động của Vĩnh Kỳ làm Tử Vy và Nhĩ Khang hoảng hốt.
- Ồ! Ê! Anh làm gì mà kỳ cục vậy?
- Ngũ a ca! anh hãy bình tĩnh một chút đi, làm thế mọi người đều nghe thấy thì sao?
Ðang lúc đó, bên ngoài có tiếng của Tiểu Đặng Tử.
- Hoàng thượng giá lâm!
Mọi người hoảng hốt nhìn nhau, Nhĩ Khang vỗ mạnh lên vai Vĩnh Kỳ như trách.
Ngay lúc đó vua Càn Long đã bước vào cửa, hỏi:
- Ai làm gì gọi Yến Tử vậy? Trẫm cũng muốn gặp con a đầu đó đây. Mau đem bàn cờ ra chỉ có buổi tối trẫm mới dạy nó đánh cờ được thôi!
Mọi người vội quỳ xuống thỉnh an, chỉ có Vĩnh Kỳ lòng đầy rối rắm, nên quên cả chào. Hàm Hương vội bước tới thi lễ.
- Hoàng thượng.
Vua nhìn thấy Hàm Hương giật mình, nhưng vui ngay.
- Thì ra khanh cũng có mặt ở đây. Trẫm mới bảo đưa món thịt nai sang cho khanh, chắc khanh không để ý?
- Vâng, thần thiếp xin tạ ơn hoàng thượng.
Rồi vua lại quay qua nhìn mọi người, thấy thái độ mệt lả của mọi người, ngạc nhiên:
- Các ngươi làm sao vậy? Còn Yến Tử đâu?
Tử Vy lúng túng.
- Cô ấy... Cô ấy... đang ở trong nhà ạ.
- Bảo nó ra đây, càng ngay càng chẳng biết phép tắc kỷ cương gì cả. Nghe Hoàng a ma đến mà chẳng ra nghênh đón ư?
- Dạ... dạ...
Tử Vy quay qua nhìn Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang cầu cứu. Trong khi hai người này cũng không biết ứng biến thế nào vua Càn Long thì ngạc nhiên chờ đợi. Ngay lúc đó Hàm Hương chợt kép lấy tay áo, với nụ cười thật tươi.
- Hoàng thượng mới ban thịt nai nướng cho thiếp ư? Vậy thì ta cùng sang Bảo Nguyệt lầu thưởng thức đi? Thần thiếp chưa ăn tối, định sang đây ăn chung với Yến Tử nhưng bọn họ đã ăn rồi. Nghe nói món nai nướng này là do đầu bếp Hồi trổ tài, phải không?
Vua Càn Long thấy bỗng nhiên Hàm Hương có vẻ thân mật như vậy, hơi bất ngờ nói:
- Phải đầu bếp Hồi mà lại làm thức ăn theo cách Tân Cương nữa, có điều không biết là có hạp khẩu vị khanh hay không?
Hàm Hương kéo vua đi.
- Vậy chúng ta đi ngay, kéo không thức ăn nguội lạnh sẽ ăn không ngon.
Vua Càn Long hơi chựng lại một chút, rồi cười nói:
- Thôi được! Thôi được! Ta đi!
Rồi quay đầu lại nhìn đám đông phía sau.
- Còn cờ! Để hôm khác vậy!
Ðám Vĩnh Kỳ vội quỳ xuống quên cả lời cung tống Hoàng a ma. Vua Càn Long đi rồi, Vĩnh Kỳ nói:
- Nếu không tìm ra Yến Tử là tôi sẽ chết mất!
o0o
Ðám ở Thấu Phương Trai sầu thúi ruột, Yến Tử ở quán đánh cờ cũng nào có hơn gì. Cô nàng bị bắt làm lao công, đầu tắt mặt tối, phải ngồi bên bếp đốt lò. Bà chủ quán chắp tay sau lưng, đứng canh chừng phía sau.
- Cái con chết tiệt này, lửa cháy quá rồi thấy không? Đốt phải biết nhìn chứ?
Yến Tử lòng đầy căm thù, nhưng chẳng làm gì được, nghiến răng nói thầm:
- Thật xui xẻo, vào nhầm cái quán đen đủi hết gặp tay đại gian ác lại gặp mụ quỷ dạ xoa. Tất cả đều giỏi võ công, làm sao ta cự lại! Xui thật! mà tất cả cũng tại Vĩnh Kỳ cả thôi!
Ðang nghĩ ngợi đã nghe mụ chủ quán hét:
- Lửa sắp tắt rồi, đốt thêm một chút, nghe không?
Vừa nói, mụ ta thẳng chân đá một cái vào đít Yến Tử đau điếng, khiến Yến Tử suýt chui đầu vào lò. Yến Tử tức quá hét:
- Bộ bà muốn thiêu sống tôi hử?
Mụ chủ quán lại đá cho Yến Tử một đá, Yến Tử phóng mình lên định trốn, nhưng làm sao trốn được. Mụ ta chỉ cần quét chân một cái Yến Tử té nhào, Xong việc mụ xoa xoa tay nói:
- Này cục cức chó đẹp đẽ, muốn thử thêm nữa không nào?
Yến Tử đau quá nói:
- Thôi khỏi! Thôi khỏi! Đủ rồi, ngu sao lại để ăn đòn! Tôi đốt lò vậy!
Yến Tử nói rồi tiếp tục đốt lò, quạt lửa thật mạnh, để tro lại bay tứ tán, khói mịt mù, mụ chủ quán thấy vậy hét:
- Ngươi muốn chết hả?
Vừa nói mụ vừa thò tay nhéo Yến Tử một cái, Yến Tử đau quá hét lên:
- Ui da! Mẹ đại vương ơi hãy tha mạng, Yến Tử này không dám đâu!
- Vậy thì ngoan ngoãn mà chụm lửa.
- Vâng!
Yến Tử quỳ xuống tiếp tục chụm lửa. Lửa nóng làm đỏ cả khuôn mặt vừa sưng, vừa lem luốt của Yến Tử. Sau khi chụm lửa xong, mụ chủ lại bắt Yến Tử gánh nước. Ngày xưa khi còn ở viện cô nhi, Yến Tử cũng đã từng làm cực khổ như vậy, có điều lúc đó còn được người này người kia phụ giúp nên Yến Tử cũng không cực như bây giờ. Bây giờ phải nhúm lửa, phải xách nước, Yến Tử thấy đầu nhức như búa bổ. Chuyện xách nước nào có đơn giản, Yến Tử lại xách thau. Lúc nào cũng múc cho đầy thùng, nên lúc xách nước cử đổ tràn ra. Có lần nước tràn ướt cả giày mụ chủ.
- Cái con chết tiệt này!
Và một cú đấm trúng đầu, Yến Tử loạng choạng té chỏng giọng, Yến Tử hét:
- Ui da! Rõ là xui xẻo, cứ gặp quỷ không à!
Nhưng Yến Tử vừa dứt lời thì một bàn chân đã đặt lên ngực Yến Tử.
- Ngươi vừa nói gì đấy? Lập lại coi?
Yến Tử nỏi:
- Tôi nói bà có thể cùng Dung ma ma kết bạn được rồi đó!
Mụ chủ nhà nhấn mạnh chân lên ngực Yến Tử.
- Ngươi nói gì ta không hiểu, nhưng ta biết chắc một điều là ngươi đang nói xấu ta.
- Ui da! - Yến Tử kêu lên - nhẹ một chút, bộ bà muốn dẫm chết tôi ư? Tôi mà chết thì bà phải đi chôn, có phải là cực thân không? Làm chi vậy hở nữ vương, đại nữ vương?
Mụ chủ nghe Yến Tử tán dương mình mới lơi ra. Sau đó mụ lại bắt Yến Tử đi rửa chén dĩa. Chén dĩa dơ lại chất thành từng đống, rửa đến độ nhức cả lưng. Vậy mà Yến Tử vừa mới lơi ra là đã bị mắng.
- Siêng lên nào, đừng có làm biếng chẳng có lợi cho ngươi đâu!
Yến Tử mím môi nhịn nhục. Rửa xong chén mụ ta ném một chiếc khăn vào mặt Yến Tử.
- Lấy khăn lau cho khô nước đi!
Yến Tử lấy khăn lau từng chiếc chén, vừa lau vừa lẩm bẩm niệm chú.
- Ky li cu lu ba bu na ki li cu lu, cấp cấp như luật lệnh. Yến Tử này đang làm phép đây. Ma đầu bự, ma không đầu, ma chết oan, ma thắt cổ. Tất cả bọn bây hãy đến giúp ta, bắt con mụ dạ xoa này đem xuống địa ngục đốt thành tro.
- Ngươi lẩm bẩm gì trong miệng vậy?
- Không có... không có...
- Xong chưa, bây giờ chất hết chén dĩa lên kệ đi.
- Vâng, nô tài tuân lệnh!
Yến Tử ôm một đống chén dĩa đến bên kệ tủ, hơ hỏng sao để tuột tay, rơi cả xuống đất vỡ tan.
Mụ chủ thấy vậy hét lên:
- Mi cố tình phải không? Đồ thối tha? Đồ ăn trộm, ta đánh chết ngươi!
Nói xong mụ ta xông lại Yến Tử sợ quá hét lên:
- Bớ người ta cứu tôi với! Tay đại gian ác muốn giết tôi nè.
Mụ chủ đè Yến Tử xuống đất, cỡi lên người nàng. Hai tay liên tục vã vào mặt vào má Yến Tử.
Yến Tử vừa đau vừa giận nói:
- Mụ coi chừng đấy! Ta sẽ báo thù, đồ chết tiệt, đồ quỷ dạ xoa, đồ cọp cái... dồ gấu ngựa... ta rồi sẽ cắt ngươi ra từng mảnh đem phát cho chó ăn. Ta sẽ cho người đốt cửa tiệm ngươi. Bắt ngươi cột lại, đưa đi bêu rêu ngoài đường.
Mụ chủ quán thấy Yến Tử la hét dữ quá, gõ mạnh lên đầu nàng một cái. Thế là Yến Tử không còn biết gì nữa.
|