Người ta thường nhân danh tập thể này để áp đảo, đánh bại tập thể khác. Nhưng thực ra, tập thể chỉ là một danh từ rỗng tuếch; nó chỉ là sự gá hợp gượng gạo của nhiều cái bản ngã nhỏ nhen. Những bản ngã nhỏ nhen này vì không chịu giam mình trong cái vỏ hạn hẹp, đã tự đồng hóa mình vào cái tập thể lớn hơn để thỏa mãn nhu cầu vùng vẫy chiếm hữu của chúng. Danh dự của một tập thể chỉ là danh dự của cá nhân phóng đại ra chứ không gì khác. Cho nên, khi chiến thắng hay thất bại, tập thể vẫn cứ là tập thể, chỉ có từng cá nhân riêng lẻ kia mới thọ nhận đuợc hạnh phúc hay đau khổ mà thôi. Nỗi khát khao hay ước vọng của tôi nhân danh một tập thể vẫn cứ là khao khát hay ước vọng của tôi: một sự vươn dậy của bản ngã.
Tôi đến chỗ ông Dự, định nói đôi lời gì đó để an ủi ông. Nhưng khi đến rồi, tôi chẳng biết phải mở lời thế nào để ông khỏi hiểu lầm là tôi chọc tức, hoặc sự việc tôi đến chỉ là muốn đuợc xác nhận thêm rằng tôi đã thắng từ chính miệng ông ta. Quả nhiên ông ấy nghi vậy. Ông không thèm ngó tôi. Tôi hối hận là đã bước đến chỗ ông dù là với thiện ý. Ông vẫn chưa chịu thua. Ông không tin rằng lối đánh cờ rừng rú của tôi lại có thể thắng đuợc kỹ thuật tinh vi trường lớp của ông. Ông nói:
"Chưa đâu ông thầy ạ. Ông tưởng rằng qua mấy ván cờ đó ông có thể đuợc coi là thắng tôi sao? Chỉ tại tôi chưa quen cái lối đánh lung tung không có chủ đích, không hợp binh pháp của ông mà thôi. Đánh cờ nhiều năm hẳn ông phải biết rằng khi người ta đã quen thuộc nước cờ của nhau rồi thì sự thế sẽ diễn ra trong một kết cuộc khác hơn chứ, phải không? Hơn nữa, sau lưng ông có mấy chục người ủng hộ, cổ võ, áp đảo tinh thần tôi."
"Dạ đúng, tôi đến đây để nói với chú cái ý đó. Rằng..."
"Không, không phải vậy. Ông đến đây để đuợc nghe những lời ca ngợi của tôi đấy thôi."
"Chú Dự à, chú hiểu lầm rồi."
"Ông đừng nói nữa. Tôi nói ông nghe này, có ngon thì tối nay đánh ba ván nữa. Đánh độ đàng hoàng."
"Đánh độ? Nghia là sao?"
"Là đánh cá đó! Ai thua thì nộp cho người thắng một gói thuốc Samit và thua rồi thì coi như thua suốt đời, không cần phải đấu với nhau nữa. Sao, dám không?"
"Đâu có cần thiết phải làm như vậy, thưa chú. Chú biết mà, tu si chúng tôi chơi cờ đã là quá trớn rồi, đâu nghi đến chuyện chơi bạc nữa!"
"Thấy chưa, ông sợ rồi. Điều đó cho thấy chuyện ông thắng tôi có vẻ như là may mắn, ngáp phải ruồi, chứ có hay ho gì!"
"Đúng, chó ngáp phải ruồi. Nếu chú cho rằng đánh cờ không phải để giải trí và chỉ có đánh độ mới phân đuợc cao thấp thì tôi xin chịu thua vậy."
Tôi nói với giọng bình tinh, pha một chút khinh bạc trong đó, rồi quay về. Nhưng, ngồi vào chỗ của mình rồi, tôi mới nghe máu nóng chạy trong người. Một cái gì đó bị tổn thương. Tôi tự nhủ: "Tầm phào! Chuyện có đáng gì để phải tự ái, bận tâm. Đâu có cần phải tranh đua với những tâm hồn cờ bạc tầm thường!" Tôi nằm xuống định ngủ, nhưng anh trưởng phòng lại trờ tới, to nhỏ với tôi:
"Này, ông làm sao mà để ông Bô nói xéo tùm lum vậy?"
"Kệ ông ấy, để ý làm gì."
"Ổng nói gì mà chó ngáp phải ruồi đó. Ổng còn nói gì mà vào chùa nghe sãi tụng kinh, còn ra trận thì chỉ nghe tướng chỉ huy thôi."
"Kệ ông, nói gì cung đuợc mà."
"Sao mà kệ, ổng còn nói là sáu mươi người hội đồng một mình ổng thì thắng là phải rồi."
"Ừ, là phải rồi."
"Tầm bậy! Ăn thua nguời cầm cờ chứ người ngoài đâu có tính."
"Tính cung đuợc, không tính cung đuợc."
"Không đuợc, ông phải làm cho rõ chuyện này. Ổng chưa phục, phải làm cho ổng phục. Ổng nói ổng thách cá độ mà ông thầy sợ không dám phải không?"
"Tôi mà đi choi cờ bạc với ông ấy à? Cho là ông ấy thắng đi, tôi thua. Vậy là xong."
"Không, ông không thể ngưng chiến. Phải đánh cho tới khi nào đối phương tâm phục mới thôi. Đối phương chưa phục thì cuộc chiến chưa ngã ngu."
Tôi ngồi bật dậy:
"Hay, nói hay. Tâm phục, tâm phục. Vậy mà tôi không nghi ra kìa."
"Ông thầy đồng ý rồi hả? Tôi nói với ổng nghe?"
"Khoan, để coi lại đã. Tôi không thích đánh độ."
"Không sao, ông thầy chỉ đánh cờ thôi, còn tôi đánh độ."
"Không độ không đuợc sao?"
"Ổng nói không độ ổng không đánh."
"Làm như là có độ mới kích thích đuợc tinh thần chiến đấu vậy."
"Chứ sao! Tự cổ chí kim, không cuộc chiến nào bày ra mà không nhắm vào chiến lợi phẩm cả."
"Trừ cuộc chiến của thầy tu," tôi tủm tỉm đáp.
"Niết bàn giải thoát không phải là chiến lợi phẩm của ông thầy sao?" anh trưởng phòng không chịu thua.
"Anh nói khéo lắm. Thôi đuợc, tôi nhận lời."
Anh trưởng phòng hí hửng đi trao chiến thư và sắp đặt giờ quyết đấu. Giao ước đuợc trọng tài đua ra là im lặng đấu cờ; người ngoài không đuợc mách nước hay hò reo cổ võ cho bất cứ bên nào; cầm quân cờ nào thì đi quân cờ đó, không đuợc đổi quân cờ khác; nước cờ đã đi rồi không đuợc đổi nước cờ khác; thời gian tối đa để suy nghi cho mỗi nước cờ là mười phút; ba ván cờ sẽ phân thắng bại; thắng hai ván liên tiếp coi như đã thắng, không phải đánh ván thứ ba; thắng bại đã phân thì không viện lý do gì để thách đấu ván khác nữa.
Bao cặp mắt chú mục ngó vào bàn cờ. Không khí trong phòng giam im lặng một cách đáng sợ. Tôi không ngờ cái im lặng này lại kích thích nỗi háo thắng và quyết tâm chinh phục của mình hơn là những hò reo ầm ĩ.
Tôi chọn quân cờ màu xanh như mọi khi để tỏ ra tôi xem ông Dự là kẻ cao hơn mình (vì quân cờ xanh đuợc quyền đi truớc ngay ván đầu, thường dành cho những kẻ thấp cờ hơn như mọi người thường nghi). Ông Dự có vẻ đẹp lòng trước thái độ lễ phép của tôi, nhưng không vì vậy mà cái vẻ đằng đằng sát khí của ông giảm đi. Ông tiến quân thần tốc, chặn đông đón tây, nuớc nào cung bí hiểm, độc địa.
Tôi lại bị rơi vào thế bị động, chỉ biết ứng biến theo thế công của ông. Nhưng thế cờ tôi như lò xo, ông càng ép mạnh thì nó càng bung xa, phản ứng tùy nghi, biến thủ thành công, biến nguy cơ thành lợi thế, đột kích chớp nhoáng. Tôi thắng ông ngay ván đầu. Trán ông lấm tấm mồ hôi hột. Ông kinh ngạc một lúc mới lấy lại đuợc bình tinh để sắp ván cờ khác. Ông nuốt nước bọt một cách khó khăn rồi đi nuớc cờ đầu.
Ván này, ông càng thận trọng hơn, đi những nước thật chắc nhưng e dè và thụ động. Ông thủ kín cung thành của mình khiến cho thế cờ của hai bên có vẻ như đang đình chiến để nghị hòa. Ngay lúc ấy, tôi bỗng thấy rằng không bao giờ, không bao giờ ông có thể thắng tôi đuợc.
Tôi đua quân mình len lỏi vào thế trận thủ thành của ông, thí cả pháo ngựa để mở đuờng. Đuờng trống, quân tôi ồ ạt tấn vào, khép chặt hai mặt công kích như hai cái càng bò cạp; mặt chính diện thì chọc thủng vào với cái đuôi mang đầy nọc độc. Ông Dự kinh hãi, mặt biến sắc. Nhưng tôi bỗng bật cười lên vì thấy rõ chỗ sơ hở của mình. Nếu không có cái cười đó có lẽ ông Dự đã ngỡ rằng ông thua rồi. Nghe tôi cười, ông trấn tỉnh, nhìn kỹ lại cờ một lúc rồi mắt ông sáng lên, vỗ đùi một cái, phản công. Thắng. Ông thắng ván đó. Ông thở phào một cái rồi cười rạng rỡ. Tôi chụp vai ông, tán thưởng:
"Chưa có nước nào hay tuyệt như vậy!"
Ông bàng hoàng, sửng sốt trước sự thích ý của tôi. Đôi nguoi ông có vẻ chết đứng trong vài khắc rồi lay động một chút trong nghi ngại.
Một huề. Phải có ván chung kết. Ván này sẽ là ván quyết định. Có vài tiếng xì xầm cho rằng tôi vờ thua để có một ván chung kết hồi hộp, gay cấn. Tôi biết không phải vậy. Tôi không vờ thua ván đó. Tôi chỉ không quyết chí thắng ván đó mà thôi. Trong một ván cờ mà cả hai bên đều không nhích đi đuợc một bước nào thì hẳn nhiên chỉ có kẻ đã thắng đuợc ván trước hoặc tự tin vào sức mình mới dám liều linh để phá nước mở đuờng mà thôi. Tôi không đánh liều ván đó thì ván đó có thể kéo dài hai ba tiếng đồng hồ với một không khí rất chán.
Ván chót này ông Dự lại thay đổi thế đánh. Ông đã lấy lại chút tự tin. Hơn nữa, thể diện của ông cung như sự cá độ - mà tôi nghe nói là rất cao - không cho phép ông đầu hàng. Ông tranh thế chủ động, tả xung hữu đột, tung cả một đội tinh binh hùng hậu tràn sang nước tôi. Nước cờ của ông mang đầy cơ tâm quyết thắng. Nhìn những quân cờ của ông, tôi thấy đuợc cả một đội quân quyết tử, hò hét vang trời với sự hỗ trợ của chiến xa, phản lực cơ và những cỗ pháo khạc lửa. Tôi thấy quân tôi, dân tôi gục xuống, ngã xuống từng mạng một. Tôi thấy nước tôi bị oằn xuống theo sức ép của ác tâm, rồi bị cày lên bởi những tàn phá kinh hồn của bom, của đạn, của lửa hận thù.
Nhìn lại thế cờ của mình, tôi thấy chỉ là nước. Nước. Nước của một con sông êm đềm, lững lờ trôi đi, chảy uốn khúc qua các luy tre xanh, chảy từ đầu làng đến cuối làng, chảy một cách nhu thuận, uyển chuyển và hiền hòa, chảy mãi mà bất biến, bất biến nhưng không dừng chết, không dừng chết mà lại đa hình, đa hình nhưng vẫn là một. Chỉ một thể đó thôi: chảy, chảy. Cờ tôi lẩn bên này, tránh bên kia, khi tiến tới, lúc thối lui, đều là để tự vệ và tự tồn. Không tấn công nhưng không tỏ ươn hèn; không tranh thế nhưng không bỏ thế đứng. Thế của nó là chảy, chảy bất tận.
Vậy mà cờ tôi lại dồn cờ ông vào một thế bí không sao gỡ nổi. Chỉ hai nước cờ nữa thôi là ông phải xếp giáo qui hàng. Và để thắng ván này, tôi chỉ có mỗi một cách đánh để chiến thắng chứ không có cách nào khác hơn. Tôi chỉ cần đi sai nuớc thứ nhất thì hỏng nước thứ hai; hỏng, không những không thắng đuợc mà còn thảm bại nữa vì cờ ông cung đang trong thế tranh thắng tối hậu với tôi. Nước cờ quả là độc đáo và hiểm hóc đến nỗi chỉ có ông và tôi, hai kẻ trong cuộc, mới nhìn thấy đuợc mà thôi.
Tôi không vội đi cờ. Tôi cung không cần nhìn vào bàn cờ nữa. Nước thắng đã quá rõ ràng. Tôi nhìn ngắm ông. Trong ánh mắt ông, tôi đọc đuợc sự xuôi tay, thất vọng. Hai má ông xệ xuống, đôi môi mấp máy run rẩy để lộ hai hàm răng đánh lập cập vào nhau. Nước da ông tái đi một cách bệnh hoạn. Con hổ hung tợn nay chỉ còn là một con thỏ già hấp hối. Danh dự của ông, một thời oanh liệt vẫy vùng của ông bây giờ tùy thuộc vào nước cờ quyết định của tôi. Tôi nói khẽ, vừa đủ cho ông nghe đuợc:
"Thắng bại đã rõ rồi."
Lời tôi buông ra làm ông xụi người xuống như thể nãy giờ ông vẫn còn hy vọng là tôi sẽ không đánh đúng đuợc nước cờ thắng. Tôi cầm ca nước uống một hớp thoải mái, xong tôi tằng hắng một tiếng, nói tiếp:
"Chà, khó xử quá há!"
Nghe vậy, mắt ông sáng lên thấy rõ. Ông vẫn còn hy vọng. Cái hy vọng này vừa lú lên thì đã phát triển theo cấp số nhân một cách hối hả để biến thành nỗi khát khao chiến thắng vừa bị đốn ngã trong ông. Sự hăm hở, ngoan cố của ông bỗng làm nẩy sinh trong tôi một chút nực cười và một chút ác ý. Tôi lại quên tôi là một tu si. Trong tôi cung có cái khát vọng chiến thắng như ông vậy. Trong một trận thư hùng quyết đấu, chỉ có sống hoặc chết, thắng hoặc bại.
Cái bản ngã của tôi không muốn bại trận. Và vì nó biết trước nó sẽ thắng, nó bước đến chung cuộc bằng những bước lững thững kiêu bạc. Nó cố ý kéo dài thời gian kết thúc để lắng nghe nỗi bập bùng thống khoái của khát vọng chinh phục đồng thời là để tra tấn, hành hạ kẻ chiến bại hầu thỏa mãn cái ác tâm hiếu chiến của nó. Tôi lấy ngón tay gõ vào con xe xanh của mình - con xe quyết định ván cờ - nói bỡn một câu:
"Mày đó nghe, đừng có đi bậy à. Ăn hay thua cung là mày thôi đó."
Ông Dự xanh mặt và đần người ra, rồi lẩm bẩm nói theo tôi một cách vô vọng:
"Ừ, ăn thua cung là mày thôi."
Cả phòng giam chết lặng, im phắc. Tôi nghe hơi thở đứt đoạn và dồn dập của ông. Tôi từ từ nhấc con xe lên, tỏ cho ông thấy là tôi không chọn con cờ nào khác nữa. Cái hy vọng cuối cùng còn sót lại trong ông là tôi đi sai con xe đó. Chỉ một nấc xê xích thôi là sai bét cả. Tôi bật cười lên ha hả, sảng khoái như khi một mình bước lên đỉnh núi chót vót, khám phá cái đẹp vô cùng của đất trời thơ mộng. Trong khi đó, ông Dự không kìm hãm đuợc sự run bấn của mình. Ông ngước mắt nhìn tôi. Đôi mắt lạ lắm: có một chút thù hận và một chút khẩn cầu. Tôi tức khắc nhận biết tôi không thể thắng đuợc ông bằng sự sát phạt sòng phẳng trong trận thế giữa hai cái bản ngã hiếu chiến và đầy khát vọng.
Tôi từ từ đặt con xe xuống một cách nghiêm trang, cẩn trọng, như bước chân đầu tiên chạm nhẹ trên nền đá phong rêu của một ngôi đền cổ. Nhưng, đó là nước cờ sai. Ông Dự chớp nhanh đôi mắt một cái, sững người, ngước nhìn lại tôi như muốn hỏi: "Thật vậy sao?" Rồi ông rơm rớm nước mắt trong một vẻ kinh ngạc khó tả. Ông không tin nổi rằng tôi có thể chủ định một nước cờ tất bại phi lý như vậy. Ông khiếp hãi và bối rối trong vài giây rồi bất chợt, nỗi sung sướng tột độ của ông bùng ra, ông hét lên:
"Thắng rồi, tôi thắng rồi!"
Tôi lặng lẽ trở về góc phòng giam. Qua song sắt, tôi thấy hoàng hôn kéo xuống thật nhanh. Ngày Tết đã qua. Tuổi đời chồng thêm một lớp. Cuộc sống diễn ra trên một bàn cờ. Có kẻ thắng, có kẻ bại, có người hơn, có người thua; nhưng, bất biến hay không mới là điều thiết yếu.
Không. Không phải là một ván cờ, không phải là một bàn cờ phân ly những con người và những dòng đời mâu thuẫn đối nghịch, mà là cuộc sống. Cuộc sống là sự trôi chảy của một dòng sông êm đềm. Đôi khi có gợn sóng vào những chiều thu quạnh quẽ, nhưng đó cũng vẫn là những cái gì tất yếu vẽ nên bức tranh muôn thuở của cuộc đời.
Ông Dự rón rén bước đến chỗ tôi như một tín đồ tội lỗi muốn xưng tội. Ông nói:
"Thầy đã thắng tôi."
Tôi cười, nói:
"Có ai thắng đâu."