Chương 13
Kiếm Hiệp
Nam thiên nhất tuyệt kiếm
Chương 13
Lòng mây trăm mối ngổn ngang
Một đêm lửa cháy, Trường Giang quặn buồn.
Ngày hôm sau, Nguyên Huân kể tất cả cho Long Điêu và Qui Loan nghe về hoàn cảnh cùng bước phong trần vạn dặm của chàng. Qui Loan kêu lên:
-Vậy mà...?
Rồi bà âm thầm đứng dậy bỏ đi không nói. Đêm ấy bà thức trắng đêm, lập bàn thờ riêng trong phòng mình, thắp hương lạy và khóc. Bà thức như thế suốt ba đêm, sang ngày thứ tư bà ngã bệnh. Nguyên Huân đến thăm viếng, săn sóc hết sức tận tình, Dương Long Điêu thấy thế rất hài lòng: Từ đấy, không biết có phải vì sự chăm sóc ân cần kia mà Dương Qui Loan xem Nguyên Huân như con đẻ. Những ngày bà đau ốm, bệnh không ra bệnh, chàng viếng thăm sớm chiều, duy có điều chàng phân vân nhưng không dám hỏi, chàng đã nhìn thấy bài vị thờ cha chàng, cùng với nỗi buồn héo hắt trong đôi mắt đẹp của bà. Qua mười ngày, bà có vẻ bình phục, nhưng mái tóc mây của bà bây giờ đã bạc trắng.
Dương lão nhân truyền thụ toàn bộ khẩu quyết võ công nhà họ Dương cho Nguyên Huân, ông tận lực chỉ dạy cho chàng, ông nói:
- Phượng Thánh, con không đủ thời gian học tập, ta truyền thụ khẩu quyết cho con. Với nội lực hiện có, con sẽ luyện thành công phu của nhà họ Dương ta, kết hợp với võ công của Châu lão tiền bối để lại, ngày ấy con sẽ nhận từ tay ta Độc Cô kiếm, con sẽ trở thành thiên hạ vô địch!
Ngừng một lúc, ông tiếp:
- Ta có điều này muốn nói với con, con trai ta ngày xưa có thu nhận một tên đồ đệ, y vốn người họ Tiêu của Khiết Đan, sau đổi làm họ Dương, lấy họ cũ làm tên, là Dương Tiêu. Y chỉ là một đệ tử ngoại truyền, chưa được vào chốn này, nhưng sau khi học toàn bộ võ công của Ly Cát con ta, y đã đầu độc sư phụ của y. Đáng lẽ ta không thể để cho y sống đến ngày nay, nhưng vì ta đã có lời nguyền không bao giờ ra khỏi nơi này. Bởi vậy, nếu công việc của con hoàn thành, con hãy mau trở về đây, ta truyền hết nội lực của ta cho con, con sẽ thay ta mà thanh toàn môn hộ, quét sạch cửa ngõ!
Nguyên Huân giật mình, thế là chàng đã biết rõ lai lịch của Dương Tiêu. Vậy thì Cửu âm Chân Kinh y đã luyện thành. Châu Bá Thông, lão ngoan đồng tiền bối, ngày về già, kết giao huynh đệ với Thần Điêu đại hiệp Dương Qua và truyền cho Cửu âm Chân Kinh, đến đời Dương Ly Cát, nhận Dương Tiêu làm đệ tử và truyền lại cho y. Vậy công phu âm hàn của y là do từ Cửu âm Chân Kinh mà ra.
Dương lão nhân lại nói:
- Tuyệt Tình Đàm này cả ngàn năm trước vốn là miệng của Hỏa Sơn, dãy núi này qua nhiều phen biến thiên thay đổi hình dạng, nên nay mới có vách đá phía Nam dựng đứng. Thân phụ ta khi đến đây khám phá ra một mỏ kim cương và hồng ngọc, chính vì vậy mà ta không muốn để bất cứ kẻ nào lạ mặt vào đây, lòng người tham lam sẽ tàn phá tất cả. Nơi này ngoài địa thế vô cùng hiểm yếu, còn có đàn ong hàng triệu con canh giữ. Tuy vậy, vẫn có một con đường ra vào từ hướng Bắc, con đường cực kỳ bí mật, được sắp xếp theo Cửu Cung Bát Quái trận đồ, ta phải chỉ dẫn cho con mới được.
Từ đó, ngoài buổi học khẩu quyết võ công, tôi luyện nội công tâm pháp, học cách điều khiển đàn ong, chàng theo Dương lão nhân quan sát, xem xét địa hình, kể cả những nơi tuyệt mật của dòng họ Dương.
Hai tháng đã trôi qua, Nguyên Huân nghĩ đến trách vụ nặng nề đang chờ chàng, chàng xin phép Dương lão và Cô Cô để ra đi. Dương Long Điêu khảo hạch tất cả những gì đã truyền thụ cho chàng lần cuối, và ông chấp thuận để chàng lên đường.
Riêng Qui Loan Cô Cô thì hết sức âu lo khi biết chàng đơn độc đối phó với những hiểm nguy bất trắc, và nhất là việc tương lai chàng sẽ không tránh khỏi, đó là phải trừ khử Dương Tiêu, kẻ giảo hoạt, thế lực tuyệt cao và võ công của y gần như không ai thắng nổi. Bà biết rõ bản lãnh Dương Tiêu, cha bà đã truyền thụ cho y toàn bộ công lực của ông, Nguyên Huân không thể là địch thủ của gã, ngay chính bà vị tất đã là đối thủ của Dương Tiêu, y hấp thụ toàn bộ Cửu Âm Chân Kinh, mà trong đó vì có một số chiêu số quá độc ác bà đã không luyện tập. Người duy nhất có thể khuất phục y, ngoài Nội tổ của bà, là một người họ Trương, ngoài ra chẳng còn ai. Trần Nguyên Lữ của bà đã chết trong tay y bây giờ đến lượt con trai của chàng. Bà dặn dò Nguyên Huân từng chút một, từng li từng tí, nhưng bà vẫn chẳng thể làm cho mình an tâm.
Nguyên Huân quỳ lạy Dương lão nhân gia và lên đường, Qui Loan đưa Nguyên Huân đến tận nơi mà tại đó bà đã thề không bao giờ bước thêm một bước để vượt qua từ mười lăm năm nay. Nguyên Huân giống cha như tạc, lòng bà quặn đau nhớ đến những hình ảnh và kỷ niệm đã xa vời trong quá khứ mà bà đã cố quên và đã chẳng thể quên.
Nguyên Huân biết Cô Cô thương mình, và chàng cũng mơ hồ thấu hiểu được từ ngày nhìn thấy bài vị của cha trong phòng bà, khi nghe chàng thuật lại thân thế và cái chết của cha chàng. Chàng cầm tay bà, quỳ xuống từ giã, Cô Cô ôm lấy chàng. Tự dưng chàng thấy bà như một người mẹ và chàng xúc động. Chàng lớn lên không biết mặt cha mẹ, chàng đã khao khát tình mẫu tử, khao khát sự dịu dàng, vỗ về mà chàng chỉ có trong giấc mơ, trong nỗi xúc động, chàng khẽ gọi bà, như trong những giấc mơ thuở thiếu thời:
- Mẹ, mẹ của con!
Dương Qui Loan nghe được tiếng gọi ân cần kia, nỗi đau buồn suốt cả một đời, bỗng dưng một phút tiêu tan như bọt nước.. "Ôi, con ta, con ta... con của chàng... ?"
Bà ôm đầu chàng vào người thì thầm:
- Nguyên Huân! Con của mẹ, con yêu thương của mẹ!
Trong suốt đời bà, bà khao khát có bấy nhiêu. Bốn mươi năm trôi qua trong đời bà, kể từ ngày còn là cô gái áo vàng đi lại trong võ lâm, kể từ khi bà gặp người con trai Đại Việt đó một Vương gia của Trần triều Đại Việt phương Nam, từ ấy suốt đời bà không còn thấy ai có phong cách hào hùng, uyên bác và anh tuấn hơn chàng. Bà khao khát có với chàng một người con, nhưng bà không thể có . Bà đã có cùng chàng tám năm trong hạnh phúc và ba mươi hai năm chia lìa, bây giờ tóc bà đã bạc, và chàng không còn trên cõi đời này nữa, thì giờ đây, niềm ao ước suốt bốn mươi năm kia mới hình thành, con trai duy nhất của chàng, và giờ đây là con của bà, đứa con trai như chính bà sinh ra:
- Huân nhi, con của mẹ, con đừng để mẹ lo lắng, con phải trở về cùng mẹ , mẹ . . . !
Nguyên Huân xúc động, chàng như thấy chính mẹ chàng vẫn còn sống trên đời, và đích thực tự trong tâm hồn chàng, bà là mẹ của chàng:
- Mẹ, con xin hứa, con sẽ về cùng mẹ!
Nói xong, chàng nhảy vút ra khỏi tay bà, chàng không muốn mẹ chàng khóc vì âu lo cho đứa con vừa gặp lại với khoảng thời gian đoàn viên thoáng chốc, chàng không muốn nhìn những giọt nước mắt vì chàng mà lả chả...
Phải hai tháng trời, Nguyên Huân mới đi qua khỏi dãy núi ngăn cách Bắc Nam. Đương dài còn trước mặt. Từ Ứng Thiên phủ, ngày ra đi đã năm tháng qua, mà đoạn đường đến Yên Kinh còn dằng dặc. Hai mươi ngày sau, chàng đến bờ Hoàng Hà, con sông lớn thứ hai sau Trường Giang chảy ra biển Hoàng Hải. Cứ xuôi theo dòng sông này chàng sẽ đến Yên Kinh, dòng sông chảy qua cực Bắc của tỉnh Hà Nam, một phần của Sơn Đông và đổ ra cửa biển. Từ đấy chàng phải đi một khoảng mấy trăm dặm nữa mới đến được Yên Kinh.
Trên suốt đường đi, chàng cố tránh không can dự gì đến chuyện ân oán của võ lâm Trung Thổ dù chàng đã chứng kiến sự thanh toán đẫm máu trong nội bộ Cái Bang, chàng đã chứng kiến những bạo tàn của quan lại triều Minh đối với thần dân của họ, và những cướp bóc, hãm hiếp, cả những khốn khổ của người dân gây ra bởi hai đạo võ lâm Hắc, Bạch.
Nguyên Huân dừng lại đợi chuyến đò xuôi vào chiều ngày mai, chàng thuê một căn phòng trong thị trấn sát bờ sông. Thị trấn Tam Lư trên hữu ngạn Hoàng Hà là một thị trấn sầm uất, thương thuyền xuôi ngược tấp nập. Các thương thuyền ngược xuôi Hoàng Hà phải đợi ra đi từng nhóm, và phải thuê các tay võ lâm hảo thủ làm nghề bảo tiêu, vì trộm cướp trên sông nước Hoàng Hà xảy ra thường xuyên.
Buổi chiều nay, chàng lang thang trong phố để tìm hiểu sinh hoạt nơi thị trấn cận giang này. Chưa đi được mấy con đường thì bỗng nhiên cả thị trấn nhốn nháo hẳn lên bởi tiếng tù và rúc lên u u và tiếng vó ngựa phi rầm rập. Chẳng nhẽ giữa ban ngày mà bọn cướp lộng hành đến thế ?! Nhưng chỉ một lúc sau chàng đã biết là triều đình đang chuyển quân. Bọn kỵ binh, bộ binh đông như kiến cỏ đang di chuyển vềhướng tây, binh lính rùng rùng kéo đi làm bụi bốc lên mù trời, tiếng vó của hàng chục ngàn con tuấn mã khiến mặt đất rung chuyển. Cũng may đại quân kéo đi cách thị trấn khoảng chừng hai dặm về hướng nam.
Nguyên Huân tự nghĩ, hẳn phải có cuộc biến động gì mới khiến triều đình điều động một đạo quân lớn như thế. Dân chúng xôn xao, thì thầm bàn tán, trên khuôn mặt của người dân thị trấn chợt hằn nổi âu lo.. Cứ mỗi lần có binh biến, thuế má nặng nề lại dồn dập đổ lên đầu đám lê dân nghèo khó.
Chiều hôm sau đoàn thuyền nhổ neo xuôi dòng, đi đầu là một con thuyền lớn, nối tiếp theo là dòng thuyền trên ba mươi chiếc, đi cách bờ chừng hai mươi trượng, những cánh buồm lớn kéo lên căng gió . Thuận dòng nên cả đoàn thuyền đi băng băng..
Trên khoang con thuyền lớn dẫn đầu, một bọn hảo hán chừng tám, chín người đang quây quần bên những vò rượu dưới ánh trăng thượng tuần. Tiết trời đang vào thu, gió mát từ mặt sông rộng lồng lộng thổi ngập thuyền, mặt nước lấp lánh dưới ánh trăng mênh mang huyền ảo, không gian tĩnh mịch. Nguyên Huân ngồi ngay đầu mũi thuyền, cách đám hảo hán chừng một quảng ngắn. Chàng ngồi im ngắm vẽ đẹp của Hoàng Hà mênh mông dưới ánh trăng dịu dàng. Sóng vỗ vào mạn thuyền như ru ngủ.
Ngoài đám hảo hán đeo kiếm trên lưng đang ăn uống, nói cười, có lẽ là bọn bảo tiêu do đoàn thuyền thuê mướn, còn có hai người đàn ông và một cô gái ngồi dựa mạn thuyền; cô gái này chàng đã thấy buổi chiều lúc lên thuyền, khoảng chừng mười chín,. đôi mươi, có đôi mắt sáng, gọn gàng trong bộ võ phục màu xanh dương, lưng đeo một thanh trường kiếm. Cô gái nằm gối đầu lên bọc hành lý, thanh gươm để sát cạnh xuôi theo thân người. Hai lão già vẻ người quắc thước ngồi gần về phía chàng đang to nhỏ nói chuyện. Tuy họ nói nhỏ, nhưng thính lực chàng rất cao nên vẫn nghe rõ. Lúc đầu chàng không muốn tò mò nghe chuyện người khác, nhưng đến khi họ nói đến cuộc chuyển quân ngày hôm qua Nguyên Huân chú ý lắng nghe..
Một người nói:
- Bọn Ngõa Thích hưng binh làm phản, lần này Triều đình lúng túng lắm!
Một giọng trầm hơn cất tiếng hỏi:
- Lão huynh nói lúng túng là thế nào? Chỉ cần đưa một đạo binh tiểu phạt thì đâu lại vào đó thôi!
- Sao lại không lúng túng. Phía Nam dân Đại Việt rùng rùng nổi lên, quan quân không lúc nào yên. Trên một mảnh đất Đại Việt nhỏ bé như thế, mà có đến hơn mười cuộc khởi nghĩa dấy. lên cùng một lúc. Tổng binh đại nguyên soái Lý Bân bị giết chết, nhưng nói thác đi là chết bệnh, Trần Trí phải lên thay, triều đình không còn tướng tá nào khác!
- Binh của Thành Tổ dư trăm vạn, tướng giỏi có ngàn viên, sao lão huynh lại nói là không còn ai .
- Hừ! Chỉ toàn là một lũ vô dụng, ức chế dân lành thì giỏi, vơ vét thì tài, mãnh tướng gì chúng nó. Còn quân, dẫu có dư trăm vạn thật, nhưng có phải là gom được cả đâu, trấn đóng các nơi, thì trăm vạn nào có là gì!
- Lão huynh nghĩ sao không biết, chứ cứ theo ý.của đệ thì Đại Việt là cái xương khó gặm, nhả quách cho rồi!
- Hà ! Đó bởi lão đệ không phải là Hoàng Đế đó thôi, chứ Đại Việt là miếng mồi ngon lắm đấy, nhưng nuốt trôi được hay không thì lại là đằng khác. Giống dân ở phương Nam này cương cường lắm, đàn bà cũng mấy phen đấy nghĩa làm vua. Lão đệ còn nhớ hai câu thơ thời Hậu Hán không:
Hoành qua đương hổ dị
Đôi diện Vương bà nan.
(Múa giáo diệt hổ dễ
Chống vua Bà khó thay. )
Và bao nhiêu đời kế tiếp nữa, anh hùng hào kiệt của xứ ấy đông như kiến, lại một lòng một dạ . Kìa như thời Mông Thát, sức mạnh như chẻ tre, khắp trong thiên hạ không nước nào chống lại, mà đến Đại Việt ba lần đều bị đánh cho tan tác đến nổi Thoát Hoan, Hoàng Thao phải chui vào ống đồng mà chạy trốn, danh tướng lẫy lừng như Toa Đô, Ô Mã Nhi đều bay đầu. Dân xứ ấy không thể coi thường được, đến như bọn quân lính tham dự những trận năm xưa ấy, mỗi lần nhắc đến cái thuở Nguyên Phong sợ quá đến bạc trắng đầu.
Nhưng cũng may, nếu dân xứ ấy mà lúc bình cũng như lúc chiến đều một dạ giống nhau, thì dân Trung Nguyên chúng ta chẳng còn đất chôn thây. Gần bốn trăm năm trước, họ đem quân đánh thẳng vào Trung Nguyên giữa lúc Tống triều đương thịnh, khiến mấy trăm dặm không còn thấy bóng người bởi quân dân ở đó sợ quá bồng bế nhau mà chạy hết cả. Họ tiến vào, kéo ra như chỗ không người. Ta thấy dân Đại Việt không thể đàn áp được, nên lấy vương lễ mà an ! Ta vừa nghe Trần Trí xin viện binh, nhưng tình hình đang rối ren lắm, lấy đâu ra quân binh mà cứu viện?
- Sao lão huynh biết rõ như vậy?
- Lão đệ không nhớ Từ Trung Ngoạn à ! Y làm việc trong Binh bộ, chức Thị lang nên việc gì y chẳng biết!
- Vậy tình hình rối ren là ra làm sao?
- Lão đệ suốt đời cầm gươm, chuyện giang hồ thì việc gì cũng rõ, mà chuyện đại sự quốc triều thì chẳng rõ việc gì. Để ta nói cho lão đệ nghe: Rợ Ngõa Thích ở phía Tây, chiếm cứ mạn Bắc, tù trưởng là Mã Cáp Mộc được Thành Tổ phong làm Thuận Minh Vương, hiện giờ y đang dấy binh tạo phản, xua quân vào chiếm lấn đất đai, thành trì, quấy rối biên cương vùng Ninh Hạ, Cam Túc. Triều đình phải cử Thế Thuận Hầu làm Bình Tây Đại nguyên soái mang mười lăm vạn quân đi tiểu trừ. Rồi mới đây hậu duệ của Nguyên Thuận đế là Qui Lực Xích tiếm xưng Đại Hãn xưng là Đạt Đát Khả
Hãn, rồi bị A Lỗ Đài giết đi, rước Bản Nhả Thất Lý tôn lên làm Đại Hãn, thường đem quân quấy nhiễu vùng Tuy Viễn. Thạch Thái Công là Khấu Phúc vâng mệnh đi đánh dẹp, liên tiếp bại trận. Quân Thát Đát vượt Trường Thành tấn công vùng Sơn Tây, đích thân Hoàng Đế phải thân chinh, dẫn bốn mươi vạn quân bộ chiến, năm vạn kỵ binh, xử dụng mười tám vạn cổ xe, ba bốn vạn lừa ngựa, ba mươi vạn dân phu cung đốn quân lương vũ khí.
|