Đầu năm nay, tôi lại từ ngoại quốc trở về.
Mấy năm nay, xuất ngoại cũng đã nhiều lần, nên cũng không còn nhớ lần này là lần thứ mấy. Đời sống của tôi, từ lâu nay, là kết tụ của những chuổi ngày "sáng tác", "nghỉ ngơi", "du lịch". Khi sáng tác, luôn luôn bao giờ tôi cũng cắm đầu cắm cổ, viết ngày viết đêm, không ngủ không nghĩ, không gặp ai, không đi dự tiệc, không trả lời thư đọc giả, không nghe điện thoại... để hết tâm trí vào viết, do đó mà bị bạn bè và thân quyến đặt cho một biệt hiệu là "Lục thân bất nhận" (không nhận ai là người thân quen - chú thích của người dịch).
Khi "nghỉ ngơi", tôi hoàn toàn biến đổi, tôi đọc sách, kết bạn, gặp bạn bè quen biết nói chuyện phiếm, xem ciné, cố gắng buông thả tâm tình của mình, hoàn toàn không nghĩ gì đến việc sáng tác. Còn khi "du lịch", không những tôi hưởng thụ, mà còn bận rộn quan sát và thu thập, nghiên cứu và thể nghiệm, đối với những sự vật mới lạ, tôi thường hay dùng một tâm tình gần như cảm động để thưởng thức. Và như thế tôi đã sống một đời sống rất bận rộn, và cũng sống một đời sống rất đầy đủ.
Số lần xuất ngoại nhiều lên, tôi nảy ra ý nghĩ dùng bối cảnh ngoại quốc để viết truyện, thế nhưng, đó chỉ là một ý niệm, đối với bất cứ chỗ nào của ngoại quốc, nếu tôi có đến chơi, cũng chỉ như "cưởi ngựa xem hoa", không có được sự hiểu biết thật sự, muốn viết những gì mình không hiểu biết, không quen thuộc, thật sự là một điều rất khó khăn. Do đó, cho dù ý niệm đó có lóe lên trong đầu tôi, nhưng chưa bao giờ có một lực lượng nào đủ mạnh để hấp dẫn tôi bắt tay vào việc.
Nhiều năm về trước, lần đầu tiên tôi đến La Mã, tôi đã lập tức bị thành phố đó làm cho bàng hoàng, chấn động. Tôi mê thành phố La Mã một cách điên cuồng, lúc đó, tôi đã vô cùng xúc động nói một câu như thế này:
- Tất cả những câu chuyện thần thoại có liên quan đến nghệ thuật! Đều phải xảy ra ở chỗ này!
Không lâu sau, tôi lại đi La Mã lần thứ hai, ngồi trước Trevi Fountain, ngồi dưới cổng thành của đấu trường Colosseum, ngồi trên những bậc thềm của quãng trường Quốc Hội, ngồi giữa những dấu tích điêu tàn của phế thành La Mã, đột nhiên, tôi cảm thấy một nguồn cảm hứng thật to lớn, nắm chặt lấy tâm hồn tôi, tôi đã tự hứa với mình một tâm nguyện thật vĩ đại: nhất định là tôi sẽ dùng La Mã làm bối cảnh, viết một quyển tiểu thuyết!
"Tâm nguyện" đã có rồi, thế nhưng lại không có "cốt truyện". Tôi không thể tự mình tưởng tượng ra một câu chuyện tình yêu lâm ly bi đát, cũng không thể nào không có mà làm ra có, do đó, cái tâm nguyện đó đã bị chôn chặt trong tận cùng tâm hồn tôi, mãi cho đến bốn năm sau.
Đầu tháng giêng năm nay, tôi đi Mỹ, đến San Francisco, đi Los Angeles, đi Washington D.C.. Tiếp xúc với rất nhiều sinh viên du học và Hoa kiều ở những nơi đó, nghe được rất nhiều câu chuyện, bao gồm luôn cả những câu chuyện vô cùng ly kỳ, huyền hoặc, làm người nghe khó tin. Và trong tất cả những câu chuyện tôi được nghe đó, có một câu chuyện đã làm tôi vô cùng cảm động!
Cuối tháng giêng, tôi từ ngoại quốc trở về, vừa xuống phi cơ, đã bị cái không khí ấm cúng của "nhà" ôm chặt lấy. Thật là kỳ lạ, đi ngoại quốc càng nhiều, tình cảm đối với "nhà" của mình lại càng thêm thắm thiết, càng thêm nồng nàn, quan niệm về "quốc gia, dân tộc" lại càng thêm đậm đà. Nước ngoài, cho dù là thành phố rực rỡ ánh đèn màu như Paris - Pháp, chú thích của người dịch), cho dù là Golden Bridges (Cầu Cựu Kim Sơn ở San Francisco, Mỹ - chú thích của người dịch) với sương mù giăng giăng, cho dù là Washington D.C. (thủ đô Mỹ - chú thích của người dịch) với viện bảo tàng quốc gia, cho dù là Nhật Bản với Phú Sĩ Sơn, cho dù là ca kịch viện huy hoàng tráng lệ của Đông Kinh (Tokyo - Nhật Bản, chú thích của người dịch), cho dù là lâu đài chùa miễu ở Kinh Đô (Kyoto - Nhật Bản, chú thích của người dịch) v.v.. và v.v... đều không thể áp đảo được tiếng kêu gọi thiết tha của "nhà" và "nước" đối với tôi! Trở về Đài Loan, trở về đến nhà, tôi ngồi dựa vào salon một cách mãn nguyện, cảm khái mà tự nói với mình rằng:
- Bây giờ là lúc mình bắt đầu viết "Thương người xa xứ" rồi đây! Tại vì, mình đã có "cốt truyện", và cũng đã có "tình cảm", ngoài ra còn có cả "động lực"!
Thế là, tôi ngồi vào phòng làm việc, không chậm trễ một giây một phút, lập tức cầm viết lên viết "Thương người xa xứ". Tuy rằng tôi mới vừa trải qua một cuộc "du lịch" khá mệt mỏi, tuy rằng thời gian đang vào khoảng Tết ta, tuy rằng cô em gái Cẩm Xuân của tôi ở Mỹ lâu năm, lần đầu tiên trở về Đài Loan thăm nhà, tôi đều không có thì giờ nghĩ đến, tôi lại trở về với cái tôi "Lục thân bất nhận", vùi đầu vào tác phẩm của mình.
"Thương người xa xứ" tuy rằng có căn bản là cốt truyện thật, thế nhưng, một điều không thể phủ nhận, là tôi đã sửa dổi ít nhiều tình tiết, và cũng đã "khoa trương" ít nhiều tình tiết. Cốt truyện thật ngoài đời viết thành tiểu thuyết, muốn hoàn toàn viết "thật", là một chuyện không thể nào làm được, ngay cả "truyện ký" cũng không thể nào chân thật được 100%. Tôi đem câu truyện từ Mỹ dời sang Âu Châu, thứ nhất vì nó làm tôi thực hiện được tâm nguyện đã bốn năm của mình - dùng La Mã làm bối cảnh để viết một quyển tiểu thuyết. Thứ hai, tôi nhận thấy câu truyện này nếu xảy ở Âu Châu, sẽ làm cho người đọc thấy cảm động và hợp lý hơn ở Mỹ. Thứ ba, cho dù là ở La Mã, hay ở Thụy Sĩ, hay là ở Mỹ, đối với tôi mà nói, tất cả đều là "xứ người"!
Khi tôi cầm bút viết "Thương người xa xứ", đã có rất nhiều khó khăn xảy ra, trước khi viết truyện, tôi cho rằng hai lần đi Âu Châu, đồng thời có một quyển nhật ký ghi chú khá tỉ mỉ, viết truyện này sẽ không có vấn đề gì to lớn lắm. Ai ngờ một khi bắt tay vào việc, mới biết rằng những gì mình hiểu biết, dù sao cũng chỉ là bề ngoài. Đối với điêu khắc, đối với nghệ thuật, tôi cũng chỉ có thể thưởng thức chứ không hề nghiên cứu, quyển sách này đã được viết một cách thật khổ sở. Vì sợ có nhiều sai lầm, tôi đã trực tiếp hoặc gián tiếp thỉnh giáo nhiều vị âm nhạc gia và nghệ thuật gia đã từng đi du học Âu Châu. Ở đây tôi cũng xin đặc biệt cám ơn tất cả những bạn bè đã giúp đỡ tôi. Nếu như quyển truyện này viết được đúng với sự thật, đó là nhờ các bạn bè giúp đỡ, nếu như có sai lầm, là do sự ghi nhận lầm lẫn của tôi, cho dù thế nào đi nữa, nếu như có những chỗ sai lầm, mong rằng quý vị đọc giả tha thứ cho.
Tuy rằng có nhiều bạn bè giúp đỡ, quyển sách này cũng có nhiều vấn đề. Thí dụ, học viện nghệ thuật ở Âu Châu học theo niên chế hay tín chỉ, đã có hai cách nói khác nhau, người thì nói rằng học theo niên chế, người thì nói rằng học theo tín chỉ. Theo như kết quả thăm hỏi của tôi, "Học viện nghệ thuật quốc gia" của La Mã, học theo niên chế, những học viện nghệ thuật khác ở Âu Châu, phần lớn học theo tín chỉ, thế là, trong câu truyện, tôi dùng cách học theo tín chỉ. Lại thêm vấn đề học vị, sau khi tốt nghiệp ở học viện nghệ thuật ra, là Thạc sĩ? Hay Bác sĩ? Học vị cao nhất là gì? Có rất nhiều cách nói khác nhau, không biết đâu mà theo. Cuối cùng, tôi tổng hợp tài liệu của tất cả các nơi, nhận thấy cái học vị đó dù sao cũng chỉ là một lối "xưng hô", chứ không hề có sự tồn tại của danh xưng "Bác sĩ nghệ thuật". Lại như những cuộc triển lãm nghệ thuật ở Âu Châu, mỗi năm bốn mùa đều có? Hay là chỉ có mỗi năm một lần? Tất cả, tất cả những điều tôi đã viết đó, có thể có sự sai lầm, tuy rằng đối với tình tiết câu truyện và chủ đề, không hề có quan hệ gì lớn lao cho lắm, thế nhưng không thể không nói rõ ra ở đây.
Nghĩ lại tất cả bao nhiêu năm nay, từ lúc tôi bắt đầu viết truyện đến nay, đã có hơn mười lăm năm, đây là lần đầu tiên, tôi viết loại đề tài như "Thương người xa xứ". Tôi vẫn thường nói, tôi không cầu "biến đổi", thế nhưng, theo cùng với sự gia tăng tuổi tác, gia tăng sự nghe thấy, sự thể nghiệm khác nhau, những tác phẩm của tôi có thể đã dần dần có sự "biến đổi". Quyển sách này, so với những tác phẩm trước đây của tôi, hẳn là có một khoảng cách khá xa. Tôi không biết các đọc giả của tôi, có thích nó hay không?
Vì thời gian gấp rút, những ngày gần đây, tôi không ngủ không nghĩ, thức trắng đêm ngồi trước bàn viết đã không biết bao nhiêu đêm! (Trong đó có hai lần, chổ tôi ở bị cúp điện suốt đêm, tôi đành phải đốt đèn cầy lên mà viết, dưới ánh sáng chao đảo của ngọn đèn cầy, nét chữ nhạt nhòa, ngay cả những hàng gạch trên giấy cũng nhìn thấy không rõ, tuy rằng ánh sáng của đèn cầy rất thơ mộng, nhưng nó vẫn làm cho tôi thấy "mờ cả mắt", đối với việc cổ nhân chong đèn đọc sách, không thể nào không nảy sinh lòng thán phục!) Trong một tháng nay, đối với Chí Viễn, Chí Tường, Ức Hoa và Tiểu Lệ Chi, tôi còn cảm thấy quen thuộc hơn cả chính mình, chỉ vì cốt truyện có một phần rất thật, tôi đã viết một cách chua xót, viết bằng một tâm tình xúc động, viết với nước mắt nhạt nhòa!
Tôi yêu câu truyện này, tôi yêu từng nhân vật trong câu truyện này, nếu như câu truyện này không làm người khác cảm động, là sự thất bại của tôi khi viết, không phải là sự thất bại của câu truyện, nếu như nó có được một chút "cảm thông", ước nguyện của tôi đã đủ! Viết đến đây, tôi cảm thấy trong lòng mình có nghìn lời vạn tiếng, khó thể diễn tả hết trên giấy. Tôi chưa bao giờ giải thích gì về những tác phẩm của tôi, mười lăm năm nay, cho dù thành hay bại, tôi đều âm thầm chấp nhận. Đối với "Thương người xa xứ", tôi cũng không muốn nói gì thêm nhiều. Cho dù bạn có thích hay không thích, tôi đã "cố gắng", tôi đã "vun trồng", tôi đã "viết "!
Tối 5/3/1976