- Mẹ nghĩ là không đâu! Cái sống, cái chết, đối với một người đã dấn thân vào chốn giang hồ nào có đáng kể. Nay y thân tàn ma dại, võ công chẳng còn, người đời khinh thường xa lánh, như thế chết còn hơn sống, một kiếp sống thừa đầy tủi nhục. Con xem, đối với một nhân vật quyền khuynh thiên hạ như y, thì có hình phạt nào đau đớn hơn nữa ! Con đã rửa được mối thù cho hai họ Dương, Trần một cách xứng đáng, mà vẫn được tiếng là nhân hậu, rộng lượng, làm sao mà Lão nhân gia lại trách cứ con được!
Quả đúng như lời Nghĩa mẫu, Dương lão gia nói:
- Ngươi quả xứng đáng với lòng kỳ vọng của ta. Con đã hài tội y một cách minh bạch, phế hủy võ công, tha chết cho y như một con chó ghẻ . Hương hồn con ta từ nay đã được rửa hờn, và ta, ta cũng thấy cuộc sống của ta cũng là quá đủ !
Nói xong, ông cất tiếng cười, tiếng cười dường xô dạt mái ngói, xao xác chim muông, vút tận trời cao, cao mãi, rồi bỗng dưng dừng lại đột ngột: Dương Qui Loan hết hoảng nhận ra ông đã viên tịch. Dương lão nhân đã sống dài hơn hai lần người khác. Ông chết trong tiếng cười thanh thỏa, hào sảng và bình yên, như một người trở về quê thật của mình. Lão nhân được an táng trong một thạch động nằm ẩn sâu dưới đáy Tuyệt Tình Đàm, nơi ngày xưa, Thần Điêu Hiệp Lữ Dương Qua đã đến đây tự trầm, nhưng đã tìm lại được người mà ông suốt đời yêu dấu, trong lòng thạch động thần tiên này. Từ đó, những người trong họ Dương lìa trần được an táng nơi đây, với tất cả kỷ vật trong suốt đời họ. Nơi này, vì thế được xem như một thánh địa.
Hai mươi ngày sau cái chết của Dương Long Điêu lão nhân, Dương Qui Loan thấy nghĩa tử của bà có vẽ bồn chồn, đứng ngồi không yên, bà gọi Nguyên Huân đến, nói cùng chàng:
- Con ạ ! Mẹ biết con còn nhiều nghĩa vụ với đất nước con, mẹ biết lòng con xốn xang, trăn trở lắm, mẹ thấy con không cần chờ đủ thất tuần của Thái gia nữa con ạ. Chúng ta là những người của võ lâm, không nên câu nệ tiểu tiết. Mẹ chỉ mong, khi thành toàn nghĩa vụ, con sớm trở về thăm mẹ. Mẹ không có quyền giữ con lâu hơn một ngày, khi đất nước con còn đang điêu linh, tổ quốc Đại Việt của con còn trong vòng xiềng xích!
Suốt đêm hôm ấy, hai mẹ con ngồi dưới gốc mai già, bà dặn dò từng chút; Nguyên Huân nhìn Nghĩa mẫu tràn ngập thương yêu, chàng hứa với bà, một ngày đất tổ phương Nam sạch bóng quân Minh, chàng sẽ quay trở lại...
Mờ sáng hôm sau, chàng lên đường theo ngã Nam đạo. Xuyên qua khỏi thác nước, Nguyên Huân trở về chốn cũ. Chiếc khăn chàng bỏ quên trên một nhánh cây vẫn còn đấy, nhưng theo thời gian mưa nắng đã mục nát. Bốn năm đã trôi qua, kể từ ngày chàng tình cờ bắt gặp thanh Trủy Thủ của nhà họ Dương bên bờ thác. Bốn năm trôi qua như một giấc mộng. Bao nhiêu điều đã xảy ra, bao nhiêu gian lao, hiểm nguy. Và chàng, bằng tấm lòng và ý chí, chàng đã vượt qua và đạt được trọn vẹn những ước mơ, mong mỏi.
Giờ đây, trên con đường ngược về đất tổ, lòng chàng nôn nao như đang đi đến chỗ hẹn với người yêu... Nguyên Huân mĩm cười khi so sánh điều ấy, vì rằng Tổ quốc chàng đang chờ chàng, và... và... cả Hoài Nam cũng đang chờ chàng...
Nguyên Huân ngậm ngùi nhớ đến Bảo Thư, những hình ảnh cũ sống dậy trong lòng. Mớ tóc mây của Bảo Thư, chàng đã đưa lại cho nàng trước lúc giã từ:
- Thư tỷ, đây là mái tóc của chị, chị hãy giữ lấy, dẫu sao cũng là một phần đời chị đã đi qua; dẫu đắng cay, dẫu hạnh phúc, cũng là một khoảng đời chị đã sống, như một tiền kiếp!
Hoài Nam sẽ buồn biết mấy, vì chàng biết Hoài Nam rất yêu quý Bảo Thư, nhưng mỗi người một cảnh đời, một kiếp nghiệp, làm thế nào khác được.
Nguyên Huân tìm đến nhà lão tiều phu, ông lão nhận ra chàng ngay, vồn vã lão nói:
- Ái chà, sao công tử đi lâu quá vậy? Con ngựa vẫn còn khỏe mạnh lắm!
Nói xong lão chạy ra nhà sau dắt ngựa lên, con Hoa Tâm nhận ra chàng, nó hí lên tỏ vẽ mừng rỡ. Bốn năm gặp lại lão tiều đã già đi nhiều. Cuộc đời như dòng nước, chảy càng lúc càng xiết. Nhìn căn nhà lụp xụp, hoang lạnh, chàng ân cần hỏi ông:
- Gia đình đi đâu hết cả rồi?
Lão tiều buồn bã trả lời:
- Năm ngoái, trời làm hạn hán, đói kém, lại thêm giặc giã, trộm cướp, dân tình đói khổ, gia đình lão phải ly tán mỗi người mỗi ngả kiếm sống qua ngày, Tiện nội không kham nổi đã qua đời!
- Sao lão trượng không bán con ngựa này để độ nhật?
Lão tiều trợn mắt:
- Công tử nói gì vậy! Công tử giao cho lão chăn giữ, có phải của lão đâu mà lão dám tùy tiện!
Nguyên Huân xúc động vì tấm lòng chân chính của lão tiều già nghèo khổ, chàng nói:
- Đây là một con ngựa, bề ngoài rất bình thường, nhưng nó thuộc loại ngựa kỳ, ngựa ký, Bạch Long Câu đấy. Lão trượng chăm sóc được đến nay, vãn bối cảm ơn lắm!
Nói xong chàng lấy ra một thỏi vàng, chừng trên mười lượng, và một viên ngọc, đưa bằng hai tay chàng nói:
- Tấm lòng của Lão trượng thật đáng quý, giữa lúc lòng người điên đảo, băng hoại, Lão trượng vẫn giữ được sự ngay thẳng, trong sạch. Có nhân tất có quả. Vãn bối gọi là cũng có chút lòng, không dám nói là trả công, mà là kính biếu Lão trượng chút đỉnh. Viên ngọc này cũng khoảng trăm lượng vàng ròng, xin Lão trượng nhận lấy, quần tụ gia đình lại!
Lấy thêm trong bọc ba viên ngọc nữa, chàng đưa cho lão tiều, nói:
- Ứớc vọng của văn bối thì lớn, mà cánh tay thì quá ngắn, xin Lão trượng nhận thêm ba viên này, chẳng là bao, nhưng vãn bối xin Lão trượng, vì nỗi khốn khổ của dân chúng trong sơn thôn này, tùy nghi trợ giúp cho họ, để gia đình được đoàn tụ, một ngày nào đó vãn bối sẽ trở lại thăm viếng Lão trượng!
Lão tiều họ Hạng run run đỡ lấy món quà tặng, cảm động nói :
- Công tử, xin công tử cho chúng tôi được biết Thần danh, để đời đời ghi nhớ!
Nguyên Huân cười bảo:
- Xin đừng bận tâm điều ấy, vãn bối người họ Trần ở phương Nam, nơi ấy cũng thống khổ lắm. Lão trượng ở lại bình an, vãn bối xin kiếu từ!
Nói xong chàng lên ngựa, phóng nước đại, đi thẳng...
Nguyên Huân đến Nam kinh vào những ngày đông giá. Chàng đã xa rời đất tổ bước qua năm thứ bảy. Mùa đông này, cũng là một mùa đông của bảy năm trước, ngày chàng ra đi. Hình ảnh Uyển Thanh tiễn chàng lên đường, đôi mắt nàng buồn vời vợi, ướt lệ trông theo, như mới hôm qua đây, vậy mà đã bảy năm, chàng đã trưởng thành sau bảy năm gian khổ, bảy năm đăng đẳng với bao nhiêu tang thương biến cải, vậy mà:
"Ôi khung trời cũ, hồn tôi cũ,
Để thấy như là mới sớm nay. . ."
Nguyên Huân tìm tới Bảo gia trang, chàng rất mừng khi gia nhân cho biết Thúc mẫu và Hoài Nam đã đến đây hơn mười ngày trước.
|