Như trên kia tôi đã nói, tôi biết ba tôi quá chậm. Bảy năm một, ba anh em chúng tôi thi nhau ra đời, tài trí và tính tình khác nhau xa quá. Khi tôi bập bẹ biết nói thì anh Cả tôi đã đi làm, anh Hai tôi cũng đã bắt đầu giật sợi dây diều xuống cùng với cái tuổi bay lượn của anh để vào trường. Tôi lớn lên giữa sự chiều chuộng, nựng nịu của một gia đình có thể kể vào bực khá. Tôi là một đứa bé đầy nước mắt, và cái thân hình gầy gò được dễ dàng uốn xuống trên sự hèn yếu, do đấy, tôi thành ra tôi ngày nay. Thoạt đầu ba tôi làm thông ngôn cho một viên chức nhà Đoan, rồi sau xoay ra lập một công ty muối. Dần dần, vì công việc phát đạt, ba tôi mở đồn điền buôn gỗ. Những cuộc kinh doanh, hồi ấy, toé ra tiền, nẩy ra bạc, nhờ ở cái thời mà mọi người chưa bị ngạt thở về ạinh kế như bây giờ. Tôi không hiểu rằng ba tôi đã học chữ Pháp với ai, bằng cách nào, vì một người Tàu chưa nói sõi tiếng Việt Nam đã 'thạo' cái tiếng ngoại quốc ấy, kể cũng kỳ! Đó là một sự hân hạnh lớn lao cho nhà tôi. Công việc của ba tôi xưa, thường được mẹ tôi kính cẩn thuật lại, có khi đang thuật, người đưa mắt nhìn lên bàn thờ ba tôi... Ngày nhỏ, mỗi lần chạy chơi đâu về, tôi thường lò mò lên gác, nằm yên lặng bên cạnh khay đèn, mũi hít từng hơi dài làn khói xanh thơm phưng phức, như khi chạy ra đường cái đón lấy mùi 'ét xăng' dễ chịu tỏa lại sau chiếc ô tô. Tôi tò mò đưa mắt ngắm mấy quyển sách chữ Pháp đặt cạnh đấy, mà ba tôi ít khi rời ra. Ngoài cái sung sướng, hãnh diện có một người cha khác thường, thỉnh thoảng một vài cái xe ngựa đỗ lại ngoài cổng, đem đến nhà tôi những người Pháp, lại làm tôi nghĩ ngợi về cái gia thế hẳn không phải là tầm thường của chúng tôi. Tôi thấy ba tôi nói chuyện với họ một cách dễ dãi quá. Người luôn luôn gật đầu, mỉm cười, khiến tôi nghĩ đến sự dồi dào chữ nghĩa ở bên kia chiếc trán rộng mênh mang. Thường thường những buổi đàm luận rất thân mật kia đều được hết bởi một bữa tiệc có bánh bích quá và sâm banh. Hồi ấy, mái tóc tôi thường được xoa bù lên dưới mấy cái bàn tay hùng vĩ và tôi sung sướng đoán ra những tiếng gió xì xào bao nhiêu là lời khen tặng. Tôi thường hỏi anh tôi:
-Ba học ở đâu mà giỏi thế anh? Anh tôi vênh mặt lên:
-Mày tưởng ba vừa chắc? Ba giỏi gấp trăm tao kia! Chắc chắn là ba tôi phải giỏi, không còn ngờ gì nữa. Cái người Tàu ấy đã có thể vào làng Tây được rồi. Nhưng tôi còn muốn biết thêm nữa, tôi muốn biết về mấy quyển sách đẹp đẽ mà ba tôi hay đặt lên ngực, khi mắt người lim dim, môi người mấp máy. Nghe tôi hỏi thêm, anh tôi gắt với vẻ tự phụ:
-Lăng-ga făng-se, đích-ạon-ne, hỏi mãi! Nhưng những sự dẫn giải ấy không gạch được vào óc tôi một nét Sáng gì cả. Tôi đành phục ba tôi vậy. Cái con người kỳ lạ ấy là cả một sự khó hiểu với tôi, khó hiểu như cái ngôn ngữ xa lạ kia không biết nhờ ở một phép bí truyền gì, lại có thể kết được ý nghĩ trên đôi môi chỉ quen mấp máy thứ tiếng phương Đông. Sau này, đem chuyện ba tôi ra khoe với các bạn cùng lớp, tôi bị họ chế giễu:
-Ba mày có nói tiếng Tây...giả cầy! Mặc dầu, tôi vẫn tin ở tài trí của ba tôi, vì hằng ngày những bạn người Pháp vẫn đến, vẫn vui vẻ nói chuyện và vẫn vui vẻ ra về. Hai năm sau đấy, một chuyện phi thường vụt xảy ra trong gia đình tôi: Anh Hai tôi đậu bằng Cơ thủy Pháp
-Việt. Đậu được cái bằng Cơ thuỷ, vào hồi ấy, người ta có thể đi làm được ngay rồi. Anh tôi về nhà, tay xum xoe đốt một bánh pháo tép, đá vào đít tôi một cái, rồi nhảy thót lên gác báo tin mừng cho ba tôi. Thực là long trọng! Thực là vui mừng! Mấy người Pháp ngồi cạnh đấy rối rít xoa đầu anh, xì xồ nói những gì làm anh đỏ mặt. Tự nhiên tôi cảm thấy hổ thẹn, ghen tị, khi tôi thấy anh sung sướng chạy nhảy khắp nhà. Tôi bảo anh tôi:
-Anh cũng không giỏi bằng ba đâu. Ba sắp mua cho em cái xe đạp ba bánh kia! Anh tôi quay lại:
-ừ, thì mày có xe đạp ba bánh. Tao có tiền đây này. Đoạn anh dằn lên nền gạch cho tôi nghe tiếng kêu 'cong cong' của đồng bạc mới long lanh. Tức quá, tôi chạy lại bên ba tôi, khóc tấm tức:
-Bắt đền ba đấy. Ba không cho con tiền, ba cho anh Hai. Ba tôi bế tôi vào lòng, tát lên đôi má trứng gà bóc của tôi, rồi móc túi cho mấy đồng hào con mới tinh. Tôi nhỏ ở cái tuổi sung sướng và trưởng thành trong cái bắt đầu khổ của cuộc đời. Cái cơ nghiệp to tát của ba tôi, những người nối nghiệp là mẹ tôi và dì ghẻ tôi không giữ vững nổi. Chúng tôi sớm bị đuổi ra khỏi cuộc đời sung túc; cái bóng người mẹ già yếu đuối, và ba tấm lòng mồ côi là chúng tôi thực đã thấy rơi hoàn toàn cả một buổi chiều đời buồn bã. Có đặt tai lên dĩ vãng, chúng tôi cũng chỉ nghe thấy sự hờn trách mơ hồ vọng lại trong những ngày luân lạc, sự hờn trách ở bên kia nấm mồ, nơi nương giữ lấy nắm xương tàn của một người không bao giờ trở lại. Tôi nhớ từng mảnh sân, từng hòn ngói, từng chuồng chim, rành rọt như một con chiên xét lại tội lỗi mình trước Chúa. Nếu ba tôi sống lại, nếu người được thấy chúng tôi, thằng lớn chạy từng bữa cơm nuôi vợ con, thằng nhỏ đi những bước đường điên dại, bất chấp lề luật trong đời, thì cái ngao ngán, thất vọng của người sẽ đến bực nào! Cái làm tôi nhớ nhất, và tôi không hiểu tại sao lại nhớ đến thế, là con ngựa kim hoa trắng của ba tôi. Những buổi trưa hè oi ả, mệt nhọc mang ba tôi từ ở những cánh rừng xa về, nó vui mừng hí lên khi nhận thấy cái mái nhà thân thiết, trên đấy đậu mấy con chim bồ câu. Chân nó đập lên những lối đi quen biết, mồm nó ngoạm những cây cỏ ngon lành. Tôi chạy ra đón ba tôi và thường thường người giao cương cho tôi cột nó lại. Dưới cánh những con muỗi bay vo ve, nắng hoa xôn xao, da nó động đậy, mỡ mượt trong một vẻ đẹp đẽ oai nghiêm riêng. Rồi những buổi trưa không còn có trong đời tôi nữa, tôi theo người nhà dắt nó đi tắm, đánh nó bơi qua sông. Tôi sung sướng cười vang trên mặt nước lòa nắng, cưỡi trên mình con ngựa kim hoa mà tiếng hí quen quen, tôi chắc đã lâu ngày rồi, không còn rên qua cánh đồng ngập cơ nữa
Bây giờ đời tôi chỉ còn lại những chân trời quạnh vắng, những buổi trưa đột nhiên khởi một tiếng gà gáy lạ lùng. Tôi thoáng thấy bóng người cưỡi ngựa về sau hàng rào, đi ngược lại thời gian, run run như chỉ đợi một hơi gió mơ hồ là biến mất. Mẹ tôi bán dần nhà cửa, ruộng vườn để giả nợ, và cả đến con ngựa trắng cũng bị đổi lấy tám mươi đồng bạc. Hôm mẹ tôi định bán nó đi, tôi thấy lòng buồn vô hạn. Tôi không mấy lúc rời cái chuồng nhốt nó ra nữa, lưu luyến như đứa trẻ con bị đuổi khỏi căn nhà cũ, còn tiếc rẻ những chốn ăn nằm, đồ đạc quen thân. Tôi cầm một nắm cỏ đút vào mồm con ngựa trắng, vỗ vào mớ lông bờm trắng toát của nó. Từ ngày ba tôi mất đi, nó gầy gò thiểu não, mắt nó ướt vì có ghèn, thỉnh thoảng cất tiếng hí không nhất định, mà tiếng hí mới buồn thảm làm sao. Hôm người mua đến dẫn nó đi, tôi khóc bảo mẹ tôi:
-Mẹ đừng bán nó cho người ta. Mẹ để cho con. Mẹ tôi thở dài:
-Nhà còn chả tiếc nữa là ngựa. Không bán đi thì xé xác ra mà trả nợ à? Con ngựa ấy ngày nay đã chết. Cũng như ba tôi để lại cái danh vọng tàn của những ngày rực rỡ, nó cũng đã từng nổi tiếng một thời về nước kiệu hay. Anh Hai tôi thường trêu tôi:
-Đồ người không nhớ người, lại nhớ ngựa. Rõ dở hơi! Mà tôi dở hơi thật. Trên đường đời, tôi đã nhiều lần dở hơi như thế, và chắc sẽ phải dở hơi suốt đời...
* * *
Ngày nay, mỗi lần đi qua cánh đồng ngập cỏ, tôi vẫn còn phảng phất ngửi thấy mùi ngựa, nghe thấy tiếng ngựa, và hình tượng một bộ yên cương vắng chủ, ngơ ngác đâu đây...
2 Lòng Mẹ
Quê mẹ tôi ở Trung Kỳ.ở bên kia một dòng sông nhỏ, êm kín với hai bờ lau xanh. Chính ở nơi này, lúc người mới mười lăm tuổi, thì một tình duyên đẹp đẽ gây nên sự gặp gỡ giữa hai người xa lạ. Mẹ tôi thường thuật lại cho tôi nghe cuộc nhân duyên ngày nhỏ, thuật lại bằng một giọng rất thờ ơ, hình như cho sự kết hôn với ba tôi là một điều không đáng nói. Tôi lọt lòng năm mẹ tôi đã ngót bốn mươi tuổi, thế nghĩa là khi tôi biết tò mò hỏi đến chuyện tâm tình của người, thì người đã già. Câu hỏi luôn luôn của tôi là:
-Hả mẹ, mẹ lấy ba có xe ô tô đi đưa dâu không, mẹ? Mẹ tôi cười, một cái cười chua chát cực điểm:
-Có, con ạ. Mẹ lấy ba con có những ba mươi chiếc ô tô kia!
Tuy nhỏ, tôi hiểu ngay đó là một lời than kín. Thực ra, mẹ tôi lấy chồng trong một hoàn cảnh túng thiếu hết sức. Ba tôi hồi ấy còn nghèo; như phần nhiều những người bạn cùng nước mới sang đây. Người giang hồ theo chí nguyện, cái giang hồ nhằm một mục đích làm giàu, cố nhiên không như tôi bây giờ giang hồ cốt để thay đổi một khoảng không khí, một mảnh trời nhìn lâu đã chán mắt đi rồi. Như tôi đã có dịp nói đến, ba tôi làm giàu một cách mau chóng, nhưng là cái giàu mua bằng mồ hôi, nước mắt, bằng nghị lực, kiên nhẫn, không hổ thẹn, thẳng thắn như con đường cái quan. Sự sa sút của nhà tôi, lớp con cháu sau này không thể quá tội vào ai được, ngoài cách thầm trách số phận, như phần đông những người thất thế vẫn làm. Ngày nhỏ, tôi yêu mẹ tôi một cách bịn rịn. Người chiều tôi có lẽ vì người thấy ở tôi một cuộc đời đau khổ ủ gói lấy cái số phận thiếu êm vui. Tôi đòi gì là người cho. Tôi muốn gì là người chiều ý. Sự nựng nịu ấy rõ rệt đến nỗi ba tôi thường phải kêu:
-Cứ chiều nó như thế, thì chửa biết nó hư ngày nào. Câu nói ghẻ lạnh làm tôi tủi nhục, nhiều lần oà lên khóc. Mẹ tôi sợ tôi bị đòn, vẫy giấu tôi ra một nơi, ôm lấy tôi mà vuốt ve. Cứ thế, mỗi lần sự khắc khổ của người cha làm tôi đau đớn, thì một bàn tay âu yếm lại xoa dịu lòng tôi ngay.
Tâm tình của trẻ con rất đơn sơ mà cũng rất phức tạp. Tôi làm nũng mẹ tôi luôn để thấy cái thú làm lành của người sau những cơn thịnh nộ. Tôi chạy nhảy cùng nhà, la hét, cốt để mọi người biết tôi có quyền la hét, hay muốn làm gì thì làm. Năm lên tám, tôi cắp sách vào học tại một trường huyện, ở đấy, sự học êm ái tiếp tục trong năm năm. Nhà trường gần ngay chợ. Mẹ tôi, mỗi lần dọn hàng về, đều dừng lại trước cổng trường, đưa bánh cho tôi vào những giờ nghỉ. Có một lần, mẹ tôi vô ý gọi to lên, giữa khi tôi đang ngồi trong lớp học.
-Con ơi, ra lấy bánh, mau! Tôi giật mình nhìn ra thì thấy cái bánh giò đặt trên tay mẹ tôi, đưa qua hàng rào. Dưới nắng vàng vọt của buổi chiều hè, nhận thấy mẹ tôi vui mừng một cách đau khổ. Một tay người giữ chiếc nón, còn tay kia thì run run. Người lách mình, cho khỏi bị gai ở hàng rào vướng. Quần áo người tiều tuỵ nhuộm ánh nắng xế chiều:
-Mau ra lấy bánh cho mẹ về, con! Tôi đưa mắt nhìn thầy giáo rồi lại nhìn mẹ tôi. Sau cùng tôi đánh bạo lên xin phép:
-Thưa thầy, thầy cho con ra để mẹ con hỏi. Thầy giáo tôi đương mải xem quyển sách, gắt:
-Không đi đâu cả, ngồi đấy! Nói xong, thầy bình tĩnh lẩm nhẩm: c'eạt parfait! parfait! Tôi về chỗ, đưa tay ra hiệu cho mẹ tôi ném bánh xuống đất, vì tôi không ra được. Mẹ tôi không hiểu lại gọi to thêm. Lần 35 36 Prev Page 16 Next này, thầy giáo ngoảnh mặt lên, nhìn ra ngoài rồi hỏi mẹ tôi:
-Bà kia muốn gì? Tôi đứng ngay dậy thưa:
-Thưa thầy... mẹ con...
-Xin cho nghỉ à? Tôi cuống lên, run run đáp:
-Thưa thầy không ạ; mẹ con... mẹ con đưa bánh! Thầy giáo tôi buông dài một tiếng 'ối chào' như hơi gió và bảo tôi:
-Cút ra ăn đi, rồi vào ngay, nghe không? Tôi sung sướng suýt nhảy qua cửa sổ. Ra đến nơi, mẹ tôi hỏi:
-Sao lâu thế? Tôi phụng phịu:
-Mẹ gọi to làm thầy giáo gắt. Từ rầy có thấy con ra chơi mẹ hẵng đưa, còn không thì mẹ đem về cất vào ngăn kéo cho con. Mẹ tôi mỉm cười nhìn tôi
-ôi! cái mỉm cười của một người mẹ!
-dặn mấy câu rồi quay đi. Chiếc bánh hôm ấy, tôi ăn một cách ngon lành nhưng hơi vội. Lúc tôi vừa ném mớ lá xuống đất, thì tiếng trống bắt đầu báo giờ ra chơi.
-Mày ăn cái gì đấy? à, thằng này sỏ, nó ăn mau lắm anh em ạ. Câu nói sau cùng làm tôi vụt cười, sặc ra ngoài miếng bánh ngậm trong miệng. Thủa thơ ấu của tôi phần lớn là những ngày buồn bã, cái buồn bã vô căn đến bây giờ còn theo dõi tôi mãi, ghìm tôi lại trong lúc các chúng bạn vui vẻ ồ ạt rủ nhau tiến đến những phương trời đẹp đẽ hơn. Thỉnh thoảng tôi mới vui nhưng sự vui, ác hại! lại dồn dập như giông tố bỏ rớt lại một nỗi trống rỗng thiểu não trong lòng tôi sau khi tan đi. Tôi vui đấy mà buồn ngay đấy. Tôi lưu luyến một cái gì xa quá, hư huyền quá, nhưng không phải là thú vui tìm kiếm trong gia đình hay trong kiếp sống. Bạn bè tôi lại rất hiếm. Vài ba cái mặt phảng phất Sáng trong quá khứ thiếu tươi vui, vài tình cảm xưa cũ lẽo đẽo theo tôi trên đường đời. Có thế thôi, và thường thường tôi chỉ sống bằng mộng. Tôi không bằng lòng ai cả. Hình như tôi cũng không bằng lòng cả tôi. Cái đau khổ được tôi tự tạo lấy, dần dần trở nên mãnh liệt. Tôi phải kiếm cớ luôn luôn cho lòng mình thắc mắc, trong cái tin tưởng quái gở là mọi người không ai yêu tôi. Đó thực sự là một cực hình cho kẻ nào, như tôi, chịu ảnh hưởng sự khủng hoảng tinh thần do chính mình gây ra, do chính mình ham thích. ở xa, nhiều lần tôi bắt chợt được hình ảnh mẹ tôi, giữa lúc thâm tâm sắp bày ra một cảnh giết chóc ghê gớm của ý nghĩ, sự rào rạt của máu, và nước mắt ứa xuống từ một vết thương không tên. Cách mấy năm đây, có lần tôi đã chép một đoạn thơ của Baudelaire, dán ở bàn viết, ngay trước mặt: II me semble parfois que mon sang coule à flotạ Ainsi qu'une fontaine auz ráthmiques sanglotạ. Je l'entendạ bien qui coule avec un long ma-mure; Mais je me tâte en vain pour trouver la blessure. Đôi lúc hình như máu xối nguồn Tựa như lòng nước tiếng vang thương. Ta nghe máu chảy sầu rười rượi, Khốn nỗi, không tìm thấy vết thương. Mẹ tôi. Cái bóng mờ ấy, nguyên nhân sự chua xót ở tôi, tôi vùng đứng dậy, như một người trác táng đứng dậy, ra ngoài đường, hất đổ những tảng đau khổ trước mặt, chạy đến với nó, ôm lấy nó, hồi ạinh nó, như một bệnh nhân giằng cướp ngày sống khỏi phải sa vào đôi tay tàn ác của tử thần. Nhưng tôi càng chạy đến, bóng mẹ tôi càng xa đi. Giữa người và tôi, một sa mạc, trên đấy, để yên ủi tôi, những làn gió mát từ phương trời tản lại... Và đó là kỷ niệm tôi thành thực chép ra đây.