Khu vườn này có trồng nhiều hoa và cây cảnh đứng xúm xít cạnh nhau. Có cây đứng trong chậu, có cây trồng thẳng dưới đất. Dáng uy nghi sang trọng là cây Bách Tùng. Cao mà không gầy, thân thẳng đơn độc, cành không nứt ngẫu nhiên, rườm rà, mà có qui luật chặt chẽ. Cây như một bậc quân tử tự tại, biết tự kiềm chế, tự kiểm soát mình, biết phải làm gì để giữ phẩm cách độc lập của mình.
Cách chừng ba, bốn thước có cây Tường Vi dáng đứng cũng thẳng, cũng không nứt cành xum xuê, và chỉ nở hoa ở chót đỉnh. Hai cây có nét giống nhau nên kết bạn cùng nhau và thường trò chuyện với nhau. Khoảng giữa hai câu là những chậu cúc, thược dược, đinh lăng, mẫu đơn, tóc tiên... Có những chậu Bông giấy được ông cai vườn uốn thành hình vòng tròn. Có mấy cây Chùm rụm được uốn thành con kỳ lân, con rùa, con phượng.
Bách Tùng có nghe chủ nhà khoe với khách rằng gốc gác mình ở xứ Nhật Bản. Cũng qua lời chủ nhà mà biết đại cương những nét về phong cảnh, phong tục, sinh hoạt của cố hương nên nhiều khi Bách Tùng tưởng tượng cảnh núi Fuji tuyết phủ, cảnh trà đạo, cảnh phụ nữ Kimono đi lễ đến chùa. Thật thơ mộng. Nhưng mang cốt cách của dòng họ. Bách Tùng khiêm cung cẩn trọng. Cây Tường Vi thì vì có hoa đẹp và thơm nên hơi tự mãn kiêu căng. Trước đây có lần cây hoa Tứ quí cất lời hỏi:
- Chị Hường! Chị Hường! Hồi hôm gió to, chị có sợ không?
Tường Vi không trả lời. Làm như không nghe. Cây Tứ quí thiệt thà kêu to hỏi nữa. Ðành phải bực bội trả lời:
- Tên tôi không phải là Hường. Không phải là bông Hường. Tên tôi là Tường Vi.
Cây Tứ quí lí nhín xin lỗi:
- Tôi nghe quanh đây người ta kêu vậy, nên...
- Ðó là những người dốt nát. Người lịch sự hơn kêu là hoa Hồng. Chỉ người quí phái mới biết mà kêu đúng. Tường Vi. Khang Hi từ điển có ghi rõ: Tường vi.
Buổi tối, nhân có ngọn gió mạnh thổi nghiêng đọt Tường Vi lại gần. Bách Tùng khẽ nói:
- May mà Tứ quí ít thông chữ nghĩa, chớ gặp người thông thái thì cô bị chê đó. Người Trung Hoa, người Nhật Bản gọi cô bằng Tường Vi.Người Việt miền Nam gọi bằng bông Hường. Người Việt miền Bắc gọi là hoa Hồng. Người Mỹ gọi là X, người Nga gọi là Y, người Etxki-mô gọi là Z hay là W các tên gọi đó có tên nào là quí phái hơn tên nào.
Cây Tường Vi im lặng. Nể anh Bách Tùng có tổ tiên quí phái ở xứ hoa Anh Ðào chớ trong lòng vẫn còn nặng trọng khinh.
Một hôm nghe bụi Lài kề bên chắc lưỡi kêu đau và khóc thút thít. Tường Vi hỏi:
- Sao vậy?
Trả lời:
- Hồi chiều người cô của bà chủ ở từ quê Phước Lãnh xuống thăm. Ði ngang thấy mình nở hoa, hỏi ngắt xin để về uống nước trà. Thanh lam bứt nhiều, bức vội vàng, làm tướt da mình, đau nhức.
Tường Vi nổi giận:
- Học đòi! Trước khi đến với ông chủ này, tôi đã từng bị hành hạ bởi cái thói học đòi ngắt hoa Tường Vi bỏ vào bình trà của một tên xấu xí ngu độn. Nó bẩn thỉu, thô tục, tàn bạo... và xin hãy tưởng tượng mắt nó nhìn tôi sáng rực lửa thèm muốn. Chị chịu đựng nổi sự phũ phàng đó không.
Bụi Lài:
- Em dư sức chịu. Em bị ngắt hoa hàng ngày. Hoa em bị sấy khô ướp trà bán ngoài chợ.
Buổi tối Bách Tùng bảo Tường Vi:
- Hồi chiều nghe cô nói chuyện với bụi Lài, và tôi tự hỏi: có thật một người giàu sang quí trọng cô, thưởng thức cô hơn một người nghèo hèn dốt nát không?
Tường Vi:
- Hơn hẳn đi, phải biết giá trị của em, phải tinh tế biết cách thưởng thức em..., những cái “biết” đó đâu có phổ thông như những tờ giấy bạc?
- Nhưng cô không nghĩ rằng kẻ tinh tế kia có quá nhiều cái đẹp để thưởng thức, còn người dung tục này thì chỉ độc có cô làm mặt trời rọi sáng tâm hồn nó? Nhưng thôi, giải thích tâm lý thì đâu có luật nào tuyệt đối? Cứ để hai cách nghĩ nghịch nhau song song có mặt, bổ khuyết cho nhau. Như cô luôn luôn nở những cái hoa đẹp và tôi thì mãi mãi không hoa.
Im lặng một phút, rồi chợt giọng Tường Vi:
- Này anh Bách Tùng, anh thông minh mà đôn hậu. Nếu em không bị chôn chân dưới đất, nếu em đi lại được thì em sẽ tới hôn anh một cái.
Sau một tuần mưa dầm đầu mùa, một buổi sáng hánh nắng, ông cai vườn miệng ngậm thuốc lá phì phèo, tay cầm cái kéo lớn, thong dong bước giữa những lối hoa. Cái kéo, dụng cụ giáo hình vênh vang thấy giá trị của mình đang cao vọt: Khắp các loài hoa vội vã cúi nhìn xuống đất run sợ. Ðao phủ cai vườn đưa một cái nhìn bao quát rồi đi lại phía mấy chậu cây bắt hình phụng hình lân.
Những nhánh mới nứt đã dài trội khiến hình thù con vật không còn rõ. Con Rùa này đã um tùm phủ mai phủ đầu như sắp trở thành một tảng đá. Con Phụng kia nét cong uyển chuyển những ngày trước, nay dày ra, nặng nề, nhác trông không khác một cụ cá voi. Vậy là lưỡi kéo say sưa cắt xoạc xoạc, bén ngọt, chính xác, đầy tự tin.
Bách Tùng từ trên cao đưa mắt nhìn xuống đau lòng nhìn những nhánh nhỏ vừa rồi bị cắt rời ra, nằm ngổn ngang dưới đất. Những cuộc vĩnh biệt không có tang lễ!
Cái kéo có nhiều ngập ngừng khi đứng trước một chậu bắt hình con Két đang đứng. Ðao phủ đã khéo lấy một cái muỗng nhựa cong màu đỏ từ một lon sữa bột Hòa lan, cắt gọt làm thành cái mỏ. Hai hột cườm lắp làm hai con mắt. Gốc cây tẽ hai, vỏ sù sì, màu xám mốc thật giống hệt đôi chân của một con Két.
Buổi tối Tường Vi lại khẽ gọi Bách Tùng:
- Một ngày đau đớn, anh Bách tùng ơi!
- Ðúng vậy.
- Cái cây chùm rụm quỷ tha ở từ xó núi nào về! Nó đã làm cho bao nhiêu cây hoa hồi hộp lo sợ cả buổi.
Bách Tùng thầm nghĩ: “xó núi” thì đâu có gì là xấu? Thậm chí nếu muốn khen thì có dư yếu tố để khen. Nên Bách tùng chỉ nói:
- Xét cho công bằng thì dù không có chùm rụm, ông làm vườn cũng vẫn cứ đến. Nghề nghiệp sinh nhai mà. Có chùm rụm thì có thể là ông đến cần mẫn hơn, và vậy là làm phiền các bạn. Cô nói đúng. Nó cứ vui tay cắt cái chùm lá này của bụi Dạ Lý hương, xén cái cành kia của cây Vạn Thọ. Có tiêu chuẩn nào đâu? Cái gọi là nghệ thuật đâu có ranh giới để gọi là tôn trọng hay vi phạm?
- “Chùm rụm”, cái tên đã quê mùa.
- Ðừng nói vậy. Chị ấy không tự chọn tên.
- Nhưng em tức lắm, chị ta chịu cong lưng uốn mình. Ông cai vườn thử uốn cây Hồng môn coi thử! Cô ấy gãy ngay. Thử uốn cong Thổ lan coi thử! Cô ấy gãy liền tay.
Giọng Bách Tùng điềm đạm:
- Ðúng. Hồng môn, Thổ lan không chịu để bàn tay người uốn đâu. Hai cô ấy thà chịu gãy.
Nhiều cây hoa khác cũng vậy. Cây Hoàng mai đó, muốn chặt về cắm lọ thì chặt, nhưng đừng hòng uốn cành theo hình Phụng, hình Long. Cây Cúc đó, cây Thược dược đó, cây Huệ đó, cây Cẩm chướng đó... biết bao nhiêu cây đều như vậy, hầu hết các cây đều như vậy.
- Ðó, anh đồng ý với em rồi đó. Em trách chị ta là phải.
- Thì cũng đáng trách. Cong lưng uốn mình, chìu theo ý thích của người ta thì đúng là không hay.
- Như em, động đến em là em đâm lủng tay.
Bách Tùng phì cười:
- Nhờ cô có gai. Hơi nhiều gai là khác. Gai đã bén mà còn quấu cong lại, mà còn bám chắc vào vỏ cây, có đời nào chịu gãy đâu?
- Ðâu phải vì nhờ có gai mà em được miễn sự khuất phục. Do nơi tinh thần đó chớ. Giả như thân em không gai đi nữa mà bắt em uốn cong, em cũng gãy liền, chết luôn, không cần.
Thoáng thấy giọng Tường Vi có chút bất bình, Bách Tùng cười xòa:
- Dĩ nhiên. Dĩ nhiên. Tôi không nói trái lại ý cô là Chùm rụm không đáng trách. Và cô không đáng quí trọng.
Buổi xế chủ nhật vắng vẻ. Cả nhà ông chủ về quê, khóa cổng. Ðường phố cũng vắng. Có một con Két ở đâu bất thần bay ngang qua vườn hoa. Nhìn thấy con Két đứng dưới đất, nó quay lại, hạ cách đậu xuống. Hỏi:
- Sao đứng đó? Mát trời mà không bay chơi đây đó?
- Tôi thèm bay lắm, thèm bay hơn anh mà bay không được. Tôi bị dính chặt dưới đất.
- Tội hình gì vậy?
- Tôi là cây. Cây Chùm rụm. Ðược mang hình két nhưng đâu sống được đời Két?
- Két nhìn lại kỹ, biết hết sự việc.
- Như vậy thì mang hình Két để được gì?
Tôi đâu muốn mang? Tôi cứ muốn được sống đời Chùm rụm. Không phải chùm rụm đứng ở trong chậu kiểng có đất thịt, có phân, có nước tưới... mà muốn sống ở xó núi như ngày xưa, vật lộn với nắng gió, len rễ giữa sỏi đá mà sống, sống khốn khổ, sống nghèo đói, nhưng mà được thong dong.
- Lời chị hợp với ý tôi. Chính tôi đây cũng vừa từ giã cái lồng đẹp có đầy chuối, ổi mà chủ nhà cung phụng, có bát nước mát để tắm vào buổi trưa. Có cột đoạn cây nhiêu mắc nhiều cảnh để tôi dùng mỏ bâu vào mà leo xuống leo lên tiêu khiến. Nói chung, đó là một cuộc sống vật chất đầy đủ.
Cây chùm rụm ngăn lại:
- Tôi biết anh sắp nói gì, để tôi nói thay anh coi có đúng không. Anh thèm khoảng rộng, muốn bay muốn nghỉ tùy ý, cho dẫu kiếm được chuối để ăn không phải dễ, và kỷ niệm những bữa nằm nhịn đói cũng làm anh ngại ngùng. Nhưng cuối cùng cái ý muốn thong dong tự tại nơi anh đã thắng.
Két gật đầu:
- Ðúng. Sao chị biết rõ vậy?
- Vì đó là những ý nghĩ, những ước mơ, những thèm muốn... tuyệt vọng của tôi.
- Tôi cứ tưởng là chị thích được đứng trong một cái chậu to tráng men sứ vẽ hình bát tiên quá hải này. Có đất pha phân đạm phân lân, phân u rê này.
Chùm rụm thở dài:
- Nhiều cây đứng cạnh cũng tưởng vậy và có cây còn nặng lời khinh khi. Nhưng tôi biết giãi bày thế nào? Lòng mình đâu phải trái chuối, trái cam để lột vỏ ra phơi bày cái ruột? Tôi còn thêm mang tiếng là đứa quê mùa xó núi may về được nơi đây.
Két gật gù:
- Lại còn thêm chị cong lưng uốn cổ nịnh theo bàn tay người mà khoe hình Phượng, hình Long.
- Anh mà cũng nỡ nghĩ rằng tôi hãnh diện khoe khoang sao? Này anh Két, trẹo lưng trặc cổ, thân thể bị cắt xẻo, đứt thịt nát da, nhưng than thở có ích gì? Mấy lần tôi quyết định tự hủy hoại: khi người ta cầm cành tôi uốn cong, tôi mượn đà tự bẻ cho cong thêm, cong nữa, cho gảy tiện đi. Những lão làm vườn tưởng tay nó vụng về, nó nắn lại và mình không gãy được.
Có tiếng còi ô tô bấm gọi trước cổng và tiếng người nhà cầm chìa khóa chạy ra. Két vội nói:
- Thôi, mình bay đây. Ở lại nghe!
- Chúc anh mạnh khỏe. Có dịp bay qua đồi núi Lò gốm thôn Ngân sơn xin nhắm lời dùm với mấy bụi chùm rụm nơi đó rằng tôi nhớ bà con, thèm về ở cạnh bà con. Nhưng biết làm sao? Mang hình dáng lố lăng này về, bà con sẽ nghĩ sao, liệu có chấp nhận tôi không?
Nói tới đó, nước mắt Chùm rụm tuôn lả chả. Vừa lúc đứa con ông chủ đi giày sào sạo lại gần và Két vỗ cánh bay lên, bay vút.
Bách Tùng nghe rõ đầu đuôi cuộc chuyện vãn. Bách Tùng ân hận có lần mình đã nghĩ không hay về cây chùm rụm. Dẫu chỉ nhẹ nhàng là “... không hay... cũng đáng trách...” Mình vốn cẩn trọng, bao dung mà sao mình nỡ có nhận xét nông nỗi bất công như vậy. Mình dẫu, quá biết “không nên nhìn bề ngoài để định giá trị”, nhưng khi va vào thực tế mới thấy không dễ gì thực hiện. Mình vẫn bị cái dáng xấu xí của Chùm rụm ảnh hưởng. Dẫu không nhiều, thái độ im lặng bất chấp lời thị phi, nếu của cô Phong lan, bám nơi đọt cây cao thì mình sẽ tìm hiểu và giải thích một cách trân trọng. Còn đối với cô Chùm rụm, mình coi nhẹ không để ý. Bị xuyên tạc, bị chê bai, bị hiểu lầm mà không lên tiếng giãi bày, đính chính. Gặp tay dữ như Móc Ó, Móc Mèo thì sao tránh khỏi đôi co. Đằng này Chùm rụm cho qua đi những nỗi bất bình. Âm thầm lắng chịu. Một phẩm cách cao hơn mình. Cao hơn mình...
Có tiếng Tường Vi:
- Anh có nghe chùm rụm nó ba hoa triết lý không?
Lần đầu tiên Bách Tùng nói đối:
- Không.
Bách Tùng muốn được yên lặng suy nghĩ tự xét, tự vấn. Không nỡ làm phật ý Tường Vi, vừa tránh bị quấy rầy. Bách tùng nói dối thêm:
- Lúc nãy tôi mệt nằm ngủ lơ mơ. Nên không có nghe. Cô nghỉ đi. Tôi cũng cần một chút yên tĩnh để nghỉ ngơi một lát.