Nàng đang đứng trong phòng ngủ mãi chọn một bộ tóc giả để đội ở Dalton thì Karl xuất hiện. Anh ta thông báo có ai đó muốn gặp nàng.
“ Ai vậy ?”
“ Nhân viên điều tra.”
“ Ông ta muốn gặp tôi à ?”
Anh ta gật đầu. Xong, anh trao cho nàng một danh thiếp ghi chức vụ. Nàng thờ ơ nhìn qua tấm danh thiếp. WILLIAM F. KINDERMAN, tấm thiếp ghi: TRUNG ÚY ĐIỀU TRA, và nép dưới góc trái tấm phiếu như chẳng mấy liên quan là dòng chữ: Ban Điều Tra Án Mạng. Thiếp được in bằng co chữ nổi Tedor, hoa mỹ, cứ như được lựa chọn bởi một tay buôn bán đồ cổ không bằng.
Nàng ngước lên khỏi tấm thiếp với một mối nghi ngờ do linh tính. “ Ông ta có mang theo thứ gì đó giống như một kịch bản không ? Giống như một phong bì lớn hay cái gì đó ?”
Theo chỗ Chris đã khám phá ra, không một ai trên trần thế này lại không có một cuốn tiểu thuyết hay một kịch bản hoặc một ý niệm về một hay cả hai thứ đó cất kỹ trong một ngăn kéo hay một ngõ ngách tâm hồn nào đó. Nàng có vẻ hấp dẫn những người đó như thể các linh mục hấp dẫn bọn say rượu vậy.
Nhưng Karl lắc đầu. Chris đâm ra hiếu kỳ và đi xuống cầu thang.
Ông ta đang đứng nghiêng ngả nơi hành lang lối vào, vành mũ bèo nhèo, nhúm nhó gài chặt trong mấy ngón tay mập mạp, ngắn ngủn, vừa mới được cắt tỉa tinh tươm. Con người tròn trỉnh, giữa lứa tuổi ngũ tuần, đôi má xệ bóng nhẫy vì xà phòng. Nhưng quần thì lại nhàu nhò lên gấu và rộng thùng thình mỉa mai cho cái đức chăm sóc thân thể quá cần mẫn của ông chủ nó. Một chiếc áo khóac bằng vải túyt lùng thùng, lỗi thời, còn đôi mắt nâu ướt rượt xệ xuống hai bên khóe thì cứ nhìn đăm đăm vào những quãng ngày đã qua. Ông thở khò khè như người mắc bệnh suyễn lúc đứng đợi tại đó.
Chris đến gần. Người thám tử đưa tay ra với dáng điệu mỏi mệt và có phần giống cung cách một người cha, rồi nói lào thào bằng giọng khàn khàn của người mắc chứng khí thủng. “Tôi quá quen với vẻ mặt đó trong bất cứ cuộc điều tra cảnh sát nào, thưa cô MacNeil.”
“ Vậy là tôi bị điều tra chăng ?”
“ Trời đất, làm gì có thế, không có đâu,” ông nói, lấy tay gạt qua cái ý niệm đó như thể đập một con ruồi. Ông nhắm mắt, nghiêng đầu. Tay kia ông để hững hờ trên bụng. “Không, đây chỉ là vấn đề thủ tục thôi.” Ông trấn an nàng, “ thủ tục thôi mà. Kìa, cô bận sao ? Nếu thế thì mai vậy. Mai tôi trở lại vậy ?”
Ông quay lưng như thể chực bỏ đi, nhưng Chris đã nóng ruột bảo, “ có chuyện gì vậy ? Burke ? Burke Dennings chăng ?”
Cái vẻ thư thả bất cần và chán chường của viên thám tử không hiểu sao đã khiến nàng thêm căng thẳng.
“ Xấu hổ! Thật xấu hổ quá chừng!” Viên thám tử lẩm bẩm với đôi mắt nhìn xuống, đầu khẽ lắc.
“ Ông ta bị giết chăng ?” Chris hỏi với vẻ mặt chấn động. “ Ý tôi muốn nói có phải vì thế mà ông đến đây không? Ông ấy bị giết? Đúng thế ?”
“ Không, không, không, đây chỉ là thủ tục thôi,” ông lập lại, “thủ tục mà. Cô biết đó, một người quan trọng như vậy, chúng tôi đâu có thể bỏ qua được,” ông biện bác với cái vẻ chẳng đặng đừng. “ Ít nhất thì cũng phải nêu một hai câu hỏi. Có phải ông ấy đã ngã không ? Ông ấy có bị xô đẩy không ?” Lúc ông hỏi, đầu và tay ông cứ nghiêng từ bên này sang bên kia. Rồi ông nhún vai mà thì thầm, gọng khàn đặc. “ Ai biết đâu ?”
“ Ông ấy có bị cướp không ?”
“ Không, không bị cướp đâu, thưa cô MacNeil, không hề bị cướp, với lại thời buổi này đâu có ai cần đến một lý do như thế nữa. Tay ông cứ động đậy không ngừng, giống như một chiếc bao tay bèo nhèo dưới ngón tay của một người điều khiển con rối. “ Thời buổi bây giờ, thưa cô MacNeil, đối với một tên sát nhân, một lý do, một động cơ chỉ tạo thêm rắc rối thôi, đúng vậy, chỉ gây thêm trở ngại mà thôi.” Ông lắc đầu. “ Ba cái lọai ma túy đó, mấy thứ thuốc ma quỷ đó,” ông than thở. “ Cái thứ L.S.D đó.”
Ông nhìn Chris, mấy ngón tay ông cứ nhịp đều đều trên ngực. “Cứ tin tôi đi, tôi là một người cha, nên nhìn những trò đời điên đảo, tôi cứ đứt từng khúc ruột. Cô có con không ?”
“ Có một.”
“ Con trai chứ ?’
“ Một cháu gái…”
“ Chà…”
“ Này ta vào văn phòng đi.” Chris sốt ruột ngắt lời, quay lưng lại dẫn lối, nàng đã mất hết kiên nhẫn.
“ Cô MacNeil à, phiền cô một việc được chứ ?’
Nàng quay lại với vẻ mệt mỏi và lờ mờ ngỡ ông ta định xin chữ ký của nàng cho lũ con ông ta. Không bao giờ họ bảo là xin cho họ. Lúc nào cũng nói là xin cho con họ thôi. “ Được thôi, hẳn là được,” nàng đáp.
“ Cái bao tử của tôi,” ông phác một cử chỉ với vẻ mặt nhăn nhó. “Chắc cô có thứ nước Calso chứ, hy vọng ? Nếu phiền quá thì thôi khỏi. Tôi không muốn làm phiền.”
“ Ồ, có gì đâu mà phiền,” nàng thở dài. “ Kéo một cái ghế trong văn phòng mà ngồi đi ông,” nàng chỉ chỗ, rồi quay lưng đi xuống bếp. “Tôi nghĩ là có một chai trong tủ lạnh.”
“ Thôi, để tôi vào bếp luôn,” ông bảo nàng, đi theo sau. “ Tôi kỵ làm phiền ai lắm”
“ Không phiền đâu.”
“ Nhưng cô thật quá bận rộn, cứ để tôi xuống bếp. Cô có con cái gì không ?” Ông ta hỏi lúc hai người đang đi. “ Quên, à mà đúng rồi, có chứ, một cô con gái, cô đã nói với tôi rồi. Đúng thế rồi. Mỗi một cô con gái.”
“ Mỗi một đứa thôi.”
“ Và cháu bao lớn ?”
“ Vừa mới được mười hai.”
“ Vậy là cô chưa phải lo,” ông thì thào. “ Chưa, chưa đâu. Dù vậy, sau này thì phải coi chừng.” Ông lắc đầu. Chris nhận thấy dáng đi của ông ta là một dáng đi lạch bạch đã được cải biên. “ Lúc mà cô phải chứng kiến bao nhiêu những chuyện bệnh họan ngày một ngày hai,” ông nói tiếp. “ Thật không thể tin được. Khó mà tưởng tượng nổi. Điên khùng thật. Cô biết chứ, mới hai ngày trước đây – hay mấy tuần trước gì đó – tôi quên mất – tôi ngó bà xã tôi, tôi bảo: Mary à, cái thế giới này – tòan bộ cái thế giới này – đang bị khủng hỏang thần kinh ráo trọi. Tất cả. Tòan thế giới.” Ông phác một cử chỉ tòan cầu.
Họ vào bếp. Tại đó, Karl đang chà bóng phần trong lò nướng bánh. Anh ta không hề quay lưng mà cũng chẳng buồn biết đến sự có mặt của họ.
“ Như thế này thì quả thật là quấy rầy quá lắm.” Viên thám tử cứ cò cử giọng khản đặc, lúc Chris mở cửa tủ lạnh. Nhưng tia nhìn của ông vẫn dán lấy người Karl, lướt nhanh và đầy tra hỏi qua thớt lưng, qua đôi tay và cần cổ của người quản gia kia, y như một con chim đen, nhỏ lượn là là trên mặt hồ. “Tôi găp một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng,” ông nói tiếp. “ Thế mà tôi lại đi xin nước Calso. Trời đất.”
Chris đã tìm thấy chai nước đó, lúc nàng lo tìm đồ mở nút chai. “ Uống đá không ?” nàng hỏi.
“ Thôi, uống không, uống không tốt rồi.”
Nàng mở chai nước.
“ Cô biết cuốn phim cô đóng tên là “Thiên thần”chứ ?” Ông ta nói. “ Tôi xem cuốn phim đó sáu bảy lần đấy.”
“ Nếu ông muốn truy tìm tên sát nhân,” nàng thì thầm lúc rót chất nước Calso sủi bọt ra ly, “ thì cứ việc bắt nhà sản xuất và chuyên viên cắt cúp cuốn phim đó đi.”
“ Ồ không, không đâu, cuốn phim đó tuyệt tác, thật đó, tôi mê lắm !”
“ Ông ngồi xuống đi.” Nàng gật đầu về phía bàn.
“ Ồ, cám ơn cô,” ông ta ngồi xuống. “ Không mà, cuốn phim ấy tuyệt thật đó mà,” ông khăng khăng. “ Rất cảm động. Chỉ có điều là,” ông đánh bạo, “ một điều tí ti thôi. Ồ, xin cảm ơn cô.”
Nàng đặt ly nước Calso xuống và ngồi xuống bên kia bàn, hai tay chắp ra phía trước mặt.
“ Chỉ có một khuyết điểm nhỏ,” ông lại bắt đầu ra chiều biện bạch. “ Nhỏ thôi. Và xin cứ tin tôi đi, tôi chỉ là người không chuyên môn, một thường nhân. Cô biết chứ? Tôi chỉ là khán giả. Vậy thì tôi biết gì? Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm tưởng, cảm tưởng của một người thường, là bè nhạc đệm đã nhảy xổ vào một vài lớp cảnh. Nó làm rộn quá đáng.” Lúc này, ông ta đã hăng lên, sôi nổi. “ Nó cứ theo nhắc nhở tôi mãi rằng đây là một cuốn phim xi-nê. Bà biết chứ? Cũng giống hệt như bao nhiêu những góc độ thu hình tân kỳ gần đây vậy. Nó gây xao lãng quá sức. À này, thưa cô MacNeil, cái bản phối nhạc đó có phải tác giả đã “thuỗn tạm” của nhạc sĩ Mendelssohn không, có lẽ ?”
Chris khẽ nhịp mấy ngón tay lên bàn. Cái gã thám tử lạ lùng. Tại sao ông ta cứ nhìn Karl suốt ?
“ Tôi cũng không biết nữa,” nàng bảo. “Có điều tôi rất hân hạnh là ông thích cuốn phim ấy. Thôi, ông uống đi,” nàng nhắc ông ta, gật đầu về phía ly Calso. “ Thứ nước này có khuynh hướng làm mập đấy.”
“ Vâng, đã hẳn. Tôi quá sức ba hoa, mà cô thì lại bận rộn. Xin bỏ lỗi cho.” Ông nâng ly nước lên như thể chúc sức khỏe rồi uống cạn, ngón tay út của ông cong xa ra khỏi các ngón tay khác, ra dáng nết na. “Ái chà, ngon, ngon thật,” ông hít hà, mãn nguyện. Lúc ông đẩy chiếc ly qua một bên, mắt ông thóang bắt gặp bức tượng chim do Regan nặn. Lúc đó bức tượng là vật trang trí chính ở giữa bàn, chiếc mỏ chim trôi nổi như châm biếm suốt dọc chiều dài trên mấy lọ tiêu. “ Kỳ quặt,” ông mỉm cười. “ Hay.” Ông ngước lên. “ Nhà nghệ sĩ ?”
“ Con gái tôi đấy,” Chris bảo ông.
“ Ngộ lắm.”
“ Này, tôi không thích cứ…”
“ Vâng, vâng, tôi biết, tôi quấy rầy quá thể. Vâng, đây, chỉ một câu hỏi, hoặc hai câu, là chúng ta xong. Thật vậy, duy nhất chỉ một câu hỏi thôi rồi tôi xin kiếu ngay.” Ông nhìn đồng hồ tay như thể bồn chồn muốn cáo lui ngay để đến một cuộc hẹn nào đó. “ Xét vì ông Dennings xấu số,” ông nói một cách khó nhọc, hổn ha hổn hển, “ đã hòan tất việc làm phim của ông ta tại khu vực này, nên chúng tôi thắc mắc không biết rằng ông ta có thể đến thăm một ai đó vào cái đêm xảy ra tai nạn đó không? Dĩ nhiên ngòai cô ra, tôi muốn biết là ông ta có còn bạn bè nào nữa ở khu vục này hay không ?”
“ Ờ, đêm hôm đó ông ta đã ở đây,” Chris bảo ông.
“ Hả ?” Đôi mày viên thám tử nhướng lên như hai cái lưỡi liềm. “ Gần thời gian xảy ra tai nạn chăng ?’
“ Tai nạn xảy ra khi nào ?” Nàng hỏi ông.
“ Bảy giờ năm phút,” ông bảo.
“ Vâng tôi nghĩ thế.”
“ Chà, thế là xong rồi,” ông gật đầu, quay người trên ghế ra chiều chuẩn bị đứng lên. “ Ông ta say, ông ta cáo lui, rồi ông ta ngã xuống dãy bậc cấp. Phải, thế là xong. Rõ ràng quá. Dù vậy, thưa cô, để có tài liệu ghi vào hồ sơ, cô có thể cho tôi biết ông ta rời nhà này khỏang mấy giờ được không ?”
Ông ta quào vào sự thật như một gã độc thân ngắt véo vào rau cỏ ở ngòai chợ. Làm thế nào mà ông ta lên được chức trung úy nhỉ ? Chris thắc mắc. “ Tôi không biết,” nàng đáp. “ Tôi không có gặp ông ấy.”
“ Tôi không hiểu.”
“ Thế này, ông ta đến và đi lúc tôi vắng nhà. Lúc đó tôi đang bận ở văn phòng một bác sĩ ở Rosslyn.”
“ À, tôi hiểu.” Ông ta gật gù. “ Dĩ nhiên rồi. Nhưng thế thì làm sao cô lại biết ông ta có đến đây ?”
“ Ờ, thì Sharon nói.”
“ Sharon ?” ông ngắt ngang.
“ Sharon Spencer. Cô ta là thư ký riêng của tôi. Cô ta có ở đây lúc Burke ghé vào. Cô ta…”
“ Ông ta đến thăm cô ấy ?”
“ Không, thăm tôi.”
“ Vâng, hẳn thế rồi. Vâng, xin lỗi vì tôi đã ngắt lời.”
“ Con gái tôi bị ốm và Sharon bỏ ông ta ở đây để đi mua ít thuốc men theo toa bác sĩ. Tuy nhiên khi tôi về đến nhà thì Burke đã bỏ đi.”
“ Lúc đó là mấy giờ, xin cho biết ?”
“ Bảy giờ mười lăm hay khỏang đó, bảy giờ rưỡi.”
“ Cô rời nhà lúc mấy giờ trước đó ?”
“ Có lẽ vào khỏang sáu giờ mười lăm.”
“ Mấy giờ thì cô Spencer rời nhà ?”
“ Tôi không rõ.”
“ Và giữa khỏang thời gian cô Spencer ra đi và thời gian cô (Chris) về nhà, còn ai ở trong nhà này với ông Dennings, ngòai con gái của cô không ?”
“ Không còn ai.”
“ Không còn ai à ? Ông ta bỏ cháu bé lại một mình sao ?”
Nàng gật đầu.
“ Không có người giúp việc nào sao ?”
“ Không, Willie và Karl lúc đó…”
“ Họ là ai vậy ?”
Chris bỗng cảm thấy như đất sụt lỡ dưới chân nàng. Cuộc hội kiến lùng sục đánh hơi này, nàng nhận ra, thoắt đã trở nên màn thẩm vấn khắc nghiệt như sắt thép. “ Kìa, Karl đang đứng ngay đó.” Nàng hất đầu ra hiệu, tia mắt nàng đậu hững hờ trên lưng người giúp việc. Anh ta vẫn còn đánh bóng lò nướng bánh.
… “ Còn Willie là vợ anh ấy,” nàng nói tiếp. “ Hai vợ chồng là quản gia của tôi.” Anh ta vẫn tiếp tục đánh bóng… “Buổi chiều hôm đó họ được nghĩ việc và lúc tôi về đến nhà, họ vẫn chưa trở về. Willie…” Chris ngưng ngang.
“ Wille làm sao ?”
“ Ồ, không, chẳng làm sao cả.” Nàng nhún vai lúc nàng rứt tia nhìn ra khỏi thớ lưng rắn chắc của người gia nhân. Lò nướng đã sạch boong, nàng nhận thấy. Thế tại sao Karl cứ chà hòai vậy?
Nàng nhón lấy một điếu thuốc. Kindeman châm lửa cho nàng.
“ Như vậy là chỉ còn mỗi mình con gái cô biết được Dennings ra khỏi nhà lúc nào thôi.”
“ Thực sự đó là một tai nạn sao ?”
“ Ồ, dĩ nhiên. Đây chỉ là vấn đề thủ tục thôi, cô MacNeil ạ, thủ tục thôi mà. Ông Dennings không hề bị cướp và ông không có kẻ thù, theo chỗ tôi biết thì không có ai, nghĩa là, nội trong quận Columbia này.”
Chris ném một cái nhìn thoáng về phía Karl rồi đảo mắt ngay trở lại phía Kinderman. Không biết ông ta có để ý thấy không? Chắc là không? Ông ta đang bận sờ mó bức tượng chim.
“ Nó có một cái tên, loài chim này này, nhưng tôi không sao nghĩ ra được. Một cái tên gì đó. “ Ông nhận thấy Chris đang nhìn trừng trừng và có vẻ bối rối. “ Thứ lỗi cho tôi, cô đang bận quá. Vâng, một phút nữa thôi là chúng ta xong. Nào, con gái cô, cô bé hẳn là biết lúc ông Dennings rời khỏi nhà chứ ?”
“ Không, nó không biết đâu. Lúc đó nó đã được chích thuốc an thần với liều lượng mạnh.”
“ Ái chà, khốn khổ thân tôi, thật xấu hổ, xấu hổ quá.” Đôi mi mắt ủ rũ của ông rỉ ra vẻ quan tâm. “ Bệnh nặng à?”
“ Vâng, tôi e rằng thế.”
“ Xin phép hỏi là ...” ông thăm dó với một dáng điệu tinh tế.
“ Chúng tôi vẫn chưa được biết.”
“ Phải coi chừng gió lùa,” ông lưu ý một cách xác quyết.
Chris có vẻ lúng túng.
“ Một cơn gió lùa giữa mùa đông khi trong nhà đang hâm hấp nóng chính là một tấm thảm thần cho lũ vi trùng đó. Mẹ tôi thường bảo thế. Có lẽ đó là thần thoại dân gian. Có lẽ thế.” Ông nhún vai. “ Nhưng theo tôi, một thần thoại, nói đúng ra, cũng giống như một tờ thực đơn trong một nhà hàng Pháp sang trọng: một sự ngụy trang phức tạp, hào nhoáng che đậy cho một sự thật mà nếu thiếu sự ngụy trang đó, người ta sẽ không chịu nuốt trôi đâu, chẳng hạn như món đậu lima đó,” ông ta hăng say thuyết.
Chris thoải mái lại. Con chó lông xù này chạy rong túy lúy qua các cánh đồng bắp nay đã trở về đây.
“ Đích thị là phòng cô bé rồi, đúng là phòng cô bé,” ông trỏ lên trần nhà, “ với cánh cửa sổ lớn nhìn ra dãy bậc cấp đó?”
Chris gật đầu.
“ Nhớ đóng cửa sổ đó lại thì cô bé sẽ khỏe thôi.”
“ Vâng, thì cửa sổ đó lúc nào cũng đóng, cả các cánh cửa chớp của nó bao giờ cũng đóng thường xuyên.” Chris bảo lúc ông ta đút một bàn tay to bè vào túi áo vét.
“ Cô bé sẽ khỏe ngay thôi.” Ông lập lạl như dạy đời. “ Chỉ cần nhớ điều này, cẩn tắc vô áy...”
Chris lại nhịp mấy ngón tay lên bàn trở lại.
“ Cô bận quá. Thôi, chúng ta xong. Chỉ ghi chú một điều vào hồ sơ - thủ tục mà – là chúng ta xong hết.”
Từ trong túi áo vét, ông rút ra một tờ chương trình nhàu nát, quay rô-nê-ô quảng cáo buổi trình diễn kịch bản Cyrano Dennings Bergerac do trường trung học tổ chức, bây giờ ông lại mò mẫm trong các túi áo khoác, thuỗn được một mẫu bút chì số 2 màu vàng, đầy vết răng mà đầu bút có cái vẻ như đã được chuốt bằng lưỡi kéo. Ông trải thẳng tờ chương trình trên mặt bàn, miết cho hết những vết nhăn. “ Nào, bây giờ ta ghi một hai tên thôi.” Ông thở phì phò. “ Cái tên Spencer ấy viết với một chữ “c” phải không ?”
“ Phải, c.”
“ Một chữ c.” Ông lập lại, viết tên đó trên lề tờ chương trình. “ Còn hai người quản gia? John và Willie ?”
“ Karl và Willie Engstrom.”
“ Karl. Phải rồi. Đúng là Karl Engstrom.” Ông hí hoái ghi hai tên đó bằng nét chữ thảo đậm, đen. “ Bây giờ tới mục thời gian, tôi nhớ là...” Ông bảo nàng, giọng khản đặc, vừa lật qua bên kia tờ chương trình để tìm chỗ giấy trắng. “ Thời gian qua, tôi - Ồ không, hượm đã. Tôi quên mất. Ờ phải, hai người quản gia. Cô đã bảo là họ về đến nhà lúc mấy giờ nhỉ ?”
“ Tôi chưa nói điều đó. Này Karl, đêm qua anh về nhà lúc mấy giờ vậy ?” Chris gọi anh ta.
Người đàn ông Thụy Sĩ quay lại, gương mặt anh ta đầy bí hiểm. “ Đúng chín giờ ba mươi phút, thưa bà.”
“ Ừ đúng rồi, anh bỏ quên chìa khóa mà. Tôi nhớ là tôi đã nhìn đồng hồ trong bếp lúc anh nhấn chuông gọi cửa.”
“ Anh đi xem một phim hay đấy chứ ?” nhà thám tử ướm hỏi Karl. “ Tôi thì chẳng bao giờ đi xem phim theo nhận định của các mục điểm phim cả,” ông giải thích riêng với Chris. “Nghĩa là theo kiểu mà thiên hạ nghĩ, khán giả ấy.”
“ Tôi đi xem Paul Scofield đóng trong phim “Lear”, Karl tiết lộ với nhà thám tử.
“ À, tôi đã xem phim đó rồi, thật là tuyệt tác. Tuyệt tác. Tuyệt tác.”
“ Vâng, tại rạp Crest,” Karl nói tiếp. “ Xuất sáu giờ. Ngay sau đó, tôi lên xe buýt ngay trước rạp và..”
“ Xin cảm ơn, điều đó không cần thiết,” nhà thám tử phác một cử chỉ phản đối. “ Xin khỏi nói thêm.”
“ Tôi không thấy có gì phiền.”
“ Nếu anh cứ nhất định nói, thì…”
“ Tôi xuống xe tại góc phố giữa Đại lộ Wisconsin và phố M. Có lẽ lúc chín giờ hai mươi phút. Sau đó tôi đi bộ về nhà.”
“ Coi kìa, anh không cần gì phải khai với tôi cả,” nhà thám tử bảo anh ta, “ nhưng dù gì thì, cũng xin cám ơn anh, anh thật hết sức chu đáo. Anh thích phim đó chứ ?”
“ Phim rất hay.”
“ Đúng, tôi cũng nghĩ thế. Ngọai hạng thật. Chà, bây giờ thì…” ông ta quay lại Chris và tiếp tục hí hóay trên tờ chương trình. “ Tôi làm mất thì giờ của cô quá, nhưng công việc thì phải làm thôi.” Ông nhún vai. “ Vâng, chỉ một chút nữa là ta xong. Bi thảm…bi thảm thật…” Ông lắp bắp lúc ghi nhanh mấy đọan đứt khúc trên mấy rìa giấy. “ Thật là một tài năng. Một nhân vật hiểu biết con người, tôi tin như vậy, biết cách sử dụng họ. Với bao nhiêu là những yếu tố, những thành phần có thể khiến cho ông ta thành công hay, có lẽ, làm ông thất bại – như thể người quay phim, chuyên viên âm thanh, nhà sọan nhạc, bất cứ…xin sửa chữa giùm tôi nếu tôi nói sai, nhưng đối với tôi, hình như thời đại ngày nay một nhà đạo diễn có tầm cỡ cũng phải xếp súyt sóat ngang hàng với một Dale Carnegie. Tôi nói có sai không ?”
Nhà thám tử đảo tờ chương trình sang một vị trí khác. “ Chà, có lẽ các nhân vật lớn đều thế cả. Những người ở tầm cỡ ông ấy.” Lại một lần nữa, ông ta lại hí hóay viết. “ Nhưng điểm chủ yếu vẫn là đám thương nhân, những thằng ở con sen, những kẻ quan xuyến những tiểu tiết vụn vặt mà nếu họ quán xuyến không đúng cách chúng sẽ trở thành lớn chuyện. Cô có nghĩ thế không?”
Chris ngắm mấy đầu ngón tay và buồn bã lắc đầu. “ Khi Burke đã nổi nóng lên rồi thì ông ta chẳng phân biệt gì cả đâu.” Nàng thì thào với một nụ cười gượng gạo, héo hắt. “ Không đâu, thưa ông. Tuy nhiên, chỉ khi nào ông ta say thôi.”
“ Xong, chúng ta xong.” Kinderman viết một chữ “i” cuối cùng. “ Ồ, mà khoan đã,” ông chợt nhớ. “ Bà Engstrom. Họ đi và về chung với nhau à ?” Ông phát cử chỉ về phía Karl.
“ Không, chị ta đi xem một phim của ban Beatles,” Chris đáp ngay lúc Karl quay lại để trả lời. “ Vợ tôi về sau tôi vài phút.”
“ Tại sao tôi lại hỏi điều đó ? Chẳng có gì quan trọng.” Ông nhún vai lúc gấp tờ chương trình lại và đút vào túi áo vét cùng với mẫu bút chì. “ Vâng, thế đó. Chẳng là khi về đến sở, thế nào tôi cũng chợt nhớ ra một điều gì mà lẽ ra tôi phải hỏi. Với tôi, điều ấy luôn luôn xảy ra. Ồ, tôi có thể gọi điện thọai cho cô được mà.” Ông thở hầng hậc, đứng lên.
Chrsi đứng lên luôn với ông.
“ Chắc tôi sắp đi khỏi thành phố hai tuần lễ,” nàng bảo.
“Đợi được mà,”ông trấn an nàng. “ Đợi được mà.” Ông nhìn bức tượng chim với nụ cười âu yếm. “ Ngộ, ngộ thật,” ông nói. Ông nghiêng người nhấc bức tượng lên rồi lấy ngón cái cạo cạo dọc mỏ chim.
Chris cúi xuống nhặt một sợi chỉ trên sàn bếp.
“Cô có tìm được bác sĩ giỏi không ?” Nhà thám tử hỏi nàng. Bác sĩ để chữa cho con gái của cô ấy.”
Ông trả lại bức tượng lại chỗ cũ rồi chuẩn bị cáo từ. Vẻ mặt rầu rĩ, Chris theo sau ông, tay cứ quấn sợi chỉ quanh ngón tay cái.
“ Vâng, điều chắc chắn là tôi đã chán ngấy mấy ông bác sĩ rồi,” nàng thì thào. “ Dù sao, tôi cũng định đưa cháu vào một y viện nghe nói là rất nỗi tiếng về công việc như của ông đang làm đây, chỉ có điều là họ chỉ có điều tra xem xét các lọai vi-rút thôi.”
“ Ta cứ hy vọng là họ sẽ làm việc đó tốt hơn tôi bội phần. Nó ở ngòai thành phố phải không, cái y viện này?”
“ Vâng, ở ngọai ô.”
“ Một y viện tốt đấy chứ ?”
“ Còn phải xem.”
“ Nhớ tránh gió lùa cho cháu bé.”
Họ đã ra đến cửa trước. Nhà thám tử đặt tay trên núm cửa. “ Vâng. Phải nói là tôi rất thích thú, có điều trong những tình huống như thế này…” ông cúi đầu và lắc quầy quậy. “ Tôi rất tiếc, thật đó. Tôi thật rất lấy làm tiếc.”
Chis khoanh tay nhìn xuống thảm. Nàng khẽ lắc đầu.
Kingderman mở cửa bước ra ngòai. Lúc quay lại Chris, ông đang đội mũ lên.
“ Thôi, xin chúc con gái có nhiều may mắn.”
“ Cám ơn,” nàng cười mòn mỏi. “Xin chúc cả thế giới được may mắn.”
Ông gật đầu với một vẻ niềm nở dịu dàng xen lẫn buồn rầu, rồi lạch bạch bước đi. Chris cứ nhìn lúc ông ta đi nghiêng ngó đến bên một chiếc xe tuần cảnh đang đậu sẳn cạnh góc phố, trước mặt một vòi nước cứu hỏa. Ông khóac một tay lên giữ mũ lúc một cơn gió lạnh như cắt từ phương nam lồng lộng thổi đến. Vành mũ ông vỗ phần phật. Chris đóng cửa lại.
Lúc đã ngồi vào xe tuần cảnh cạnh tài xế, Kingderman quay lại ngắm ngôi nhà. Ông có cảm nghĩ là ông vừa trông thấy có sự chuyển động nơi cửa sổ phòng Regan, một hình dáng mềm mại, nhanh nhẹn lướt nhanh qua thành cửa sổ rồi mất dạng. Ông không dám chắc. Ông chỉ nhác thấy ở vòng ngòai lúc ông quay lại thôi. Nhưng ông nhận thấy các cánh cửa chớp đều mở toang. Quái thật. Suốt hồi lâu, ông cứ chờ đợi. Không thấy ai xuất hiện. Chau mày, bứt rứt nhà thám tử quay lại, mở ngăn đựng bao tay, lấy ra một phong bì nhỏ màu nâu và một con dao nhíp bỏ túi. Mở một lưỡi dao nhỏ nhất ra, ông chận ngón tay cái phía trong lòng phong bì, rồi như một bác sĩ phẩu thuật, ông nạo lớp sơn trên bức tượng do Regan tạc từ dưới móng ngón tay cái ra. Lúc đã nạo xong và niêm phong bì lại rồi, ông gật đầu về phía viên trung sĩ điều tra ngồi sau tay lái. Họ vù đi.
Lúc họ lái xuống phố Prospect, Kingderman bỏ chiếc phong bì vào túi. “ Cứ thong thả,” ông lưu ý người trung sĩ vừa nhìn cảnh xe cộ lưu thông đùn đống ở trước mặt. “ Đây là công việc chứ không phải đi chơi.” Ông dụi mắt bằng mấy ngón tay mệt mỏi. “Ôi, thật chán cho đời,” ông thở dài. “ Thật chán cho đời.”
-------------------------
Tối hôm ấy, trong khi bác sĩ Klein đang chích cho Regan năm mươi miligam Sparine để bảo đảm cho cô bé được an ổn trong chuyến hành trình đi Dayton, thì trung úy Kingderman đứng trầm ngâm trong văn phòng, hai bàn tay úp thẳng trên mặt bàn lúc ông nhìn chăm chú mớ dữ kiện còn manh mún, rời rạc chỉ làm rối trí ông. Luồng sáng hẹp của một ngọn đèn bàn cũ kỹ lóe trên một mớ hỗn độn các báo cáo phúc trình. Không cò một nguồn sáng nào khác. Ông tin rằng như thế dễ giúp ông thu hẹp được điểm tập trung.
Kinderman thở rất khó khăn nặng nhọc trong bóng tối lúc tia nhìn của ông cứ di chuyển khi chỗ này, lúc chỗ khác. Sau đó ông hít một hơi thở rõ sâu và nhắm mắt lại. Bán xôn trí tuệ đây. Mại dô! Ông tự nhủ mình, giống như cách ông hay làm cứ khi nào ông muốn sắp xếp lại đầu óc để đón nhận một quan điểm mới. Dứt khóat là Mọi Thứ Phải Đi Bằng Hết!
Lúc mở mắt ra, ông đọc kỹ bảng báo cáo của chuyên viên nghiên cứu bệnh lý về trường họp Dennings:
“…rách cột sống cộng với sọ và cổ bị gãy, thêm vào đó nhiều vết đập, vết rách và trầy da, bị căng da cổ, bầm tím vùng da cổ, bị lột cơ bám da, cơ ức chũm, cơ gối, cơ hình thang và nhiều cơ nhỏ khác ở cổ, gãy xương sống và đốt xương sống, bị lột các dây chằng phía trước và phía sau cột sống...”
Qua cửa sổ, ông nhìn vào vùng đen tối của thành phố. Ánh sáng từ điện Capitol có mái vòm sáng ngời. Quốc Hội đang làm việc khuya. Ông lại nhắm mắt, hồi tưởng đến cuộc đối thọai của ông với chuyên viên bệnh lý của Quận hồi mười một giờ năm mươi phút vào đêm Dennings chết.
“ Điều đó có thể xảy ra vì một cái ngã không ?”
“ Không, rất khó có thể như thế được. Nội các cơ ức chũm không thôi cũng đã đủ tránh được điều đó rồi. Rồi người ta lại còn có cả các khớp khác nhau ở vùng cột sống cổ cần phải bị khuất phục trước đã, cũng như các dây chằng nối kết các xương lại với nhau nữa.”
“ Thế nhưng nói trắng ra thì điều ấy có thể xảy ra không ?”
“ Dĩ nhiên lúc đó ông ta bị say rượu nên các cơ bắp này chắc chắn là có nới dãn phần nào. Có lẽ, nếu như lực phát sinh từ sự va chạm đầu tiên đủ mạnh và…”
“ Có lẽ ông ta phải rơi từ độ cao từ bảy đến mười thước trước khi chạm đất ?”
“ Đúng, chính thế, và nếu như ngay sau cú va chạm mà đầu ông ta lại kẹt phải một cái gì đó, nói một cách khác, nếu đã có sự can thiệp lập tức của động tác xoay đầu và thân mình xét như một đơn vị duy nhất thì có lẽ - tôi chỉ nói là có lẽ thôi – ta sẽ có được một kết quả gíống như thế.”
“ Có thể có một người nào khác đã làm điều đó không ?”
“ Có chứ, nhưng kẻ đó nhất thiết phải là một người có sức mạnh phi thường.”
Kingderman đã kiểm chứng lời khai của Karl Engtrom liên quan đến nơi chốn anh ta đang có mặt lúc xảy ra cái chết của Dennings. Về thời gian của xuất chiếu phim thì rất khớp, cũng như lịch trình của một chuyến xe búyt thuộc quận Columbia vào đêm hôm ấy. Hơn nữa, người tài xế chiếc xe búyt mà Karl khẳng định là anh ta đã bước lên bên rạp chiếu bóng lại hết phiên trực ngay tại góc Đại lộ Wiscosin và phố M. nơi theo lời khai của Karl, anh đã xuống xe vào chín giờ hai mươi phút. Việc thay đổi tài xế đã diễn ra, và người tài xế hết phiên trực đã ghi vào sổ thời gian anh ta đến tại điểm bàn giao: đúng chín giờ mười tám phút.
Thế nhưng trên bàn giấy của Kingderman là một hồ sơ buộc tội Engtrom đề ngày 27 tháng Tám năm 1963, tố cáo rằng trong suốt thời gian nhiều tháng trời, Engstrom đã đánh cắp một số lượng ma túy trong nhà một vị bác sĩ ở Beverly Hills nơi anh ta và Willie được mướn vào giúp việc lúc ấy.
“…. sinh ngày 20 tháng Tư năm 1921 tại Zurich, Thụy Sĩ. Cưới Willie nee Braun ngày 7 tháng Chín năm 1941. Con gái, Elvira, sinh tại thành phố New York ngày 11 tháng Giêng năm 1943, địa chỉ hiện tại không rõ. Bị cáo…”
Phần còn lại của hồ sơ nhà thám tử mới thấy điên đầu.
Vị bác sĩ, mà lời khai của ông là điều kiện tất yếu giúp cho việc khởi tố có kết quả, bất ngờ - và không một lời giải thích - lại bãi nại.
Tại sao ông ta lại làm như vậy ?
Chỉ sau đó hai tháng, cặp vợ chồng Engstrom lại được Chris MacNeil mướn giúp việc nhà, điều đó cho thấy rằng vị bác sĩ đó đã có lời giới thiệu thuận lợi, đã có nhận xét tốt về cặp vợ chồng này.
Thế sao ông ta lại làm thế ?
Engstrom chắc chắn là có đánh cắp thuốc thật, thế mà một cuộc giám định y khoa vào thời gian vụ án lại không thể đưa ra đựoc một dấu hiệu nhỏ nhất nào cho thấy là anh ta có nghiện ma túy, thậm chí là có dùng các chất ấy.
Tại sao lại không ?
Mắt vẫn nhắm, nhà thám tử khẽ đọc “bài vè” của Lewis Carrol “ Twa brillig and the slithy toves…” một trong những trò giải trí khác của ông.
Lúc đã đọc xong, ông mở mắt ra và dán tia nhìn lên điện Capitol có kiến trúc hình tròn, cố giữ cho đầu óc trống rỗng. Nhưng cũng như thường lệ, ông nhận thấy điều đó bất khả thực hiện. Thở dài sườn sượt, ông liếc xuống bản phúc trình của chuyên gia tâm lý học của sở cảnh sát về những vụ phạm thánh gần đây tại Thánh đường Ba Ngôi: “ …tượng… dương vật…phân người…Damien Karras…” mà ông đã gạch dưới bằng bút đỏ. Ông thở khò khè trong yên lặng rồi với lấy một tác phẩm biên khảo về thuật phù thủy, lật đến trang mà ông đã đánh dấu bằng một cái kẹp giấy:
“… Lễ Đen…một hình thức sùng bái quỷ dữ, lễ nghi thờ phượng, về đại thể gồm có (1) sự cổ vũ (bài “giảng thuyết” ) làm điều ác giữa vòng các tín hữu (2) giao hợp với ác quỷ và (3) hàng lọat các hành vi xúc phạm thần thánh khác nhau phần lớn đều mang tính chất tình dục vv..và vv…”
Kingdeman lật lướt qua một số trang, đến một đoạn có gạch dưới bàn về sự giết người trong lễ nghi thờ phượng của bọn phù thủy này. Ông đọc đọan đó chậm rãi, vừa nhấm đầu ngón tay trỏ, và khi đã đọc xong, ông nhìn trang sách cau mày và lắc đầu. Ông ngước tia nhìn trầm tư lên ngọn đèn. Ông tắt đèn. Ông rời văn phòng, lái xe đến nhà xác.
Chàng thanh niên phụ trách ngồi ở bàn giấy, đang nhấm nháp một miếng xăng-úych bằng bột hắc mạch có kẹp dăm bông và phó mát, tay phủi mấy vụn bánh mì khỏi một trang ô chữ thì Kingderman đến bên anh ta.
“ Dennings”, nhà thám tử thì thào, giọng khản đặc.
Người phụ trách gật đầu, điền xong năm chữ cái trên hàng ngang ô chữ, rồi đứng dậy cầm miếng xăng úych đi xuống hành lang. Kingderman theo sau anh ta, mũ trên tay, theo sau cái mùi hột gà (mù tạt) phảng phất, đến mấy dãy tủ ướp lạnh, đến một phòng không mộng mơ dùng để chứa những đôi mắt mù lòa.
Họ dừng lại ở hộc tủ số 32. Người phụ trách lạnh lùng kéo hộc tủ ra. Anh ta cắn bánh xăng úych, và một mếng ruột bánh lấm tấm sốt mayonnaise rơi khẽ khàng trên lớp vải liệm.
Trong một lúc, Kingderman cứ đăm đăm nhìn xuống, rồi chậm rãi và khẽ khàng, ông lật tấm vải liệm lên để phô bày ra cái mà ông đã thấy và vẫn không thể chấp nhận được.
Cái đầu của Burke Dennings bị vặn hẳn ra phía sau, mặt nhìn ra sau lưng!
8.
Lọt thỏm trong lòng chảo xanh tươi, ấm áp của khuôn viên trường Đại học, Damien Karras một mình chạy lúp xúp quanh một đường chạy hình thuẫn đầy đất mùn, chiếc quần soóc kaki và áo thun bằng vải cô-tông ướt đẫm thứ mồ hôi dính dáp lành mạnh. Phía trước mặt trên một ngọn đồi nhỏ, mái vòm trắng xóa của đài thiên văn nhịp rộn ràng theo sải chân của ông, sau lưng ông, trường y khoa khuất dạng sau lớp bụi và niềm ưu tư đang bị quấy động mịt mù.
Từ khi đựoc giải nhiệm khỏi chức vụ cũ, ông đến đây hằng ngày, chạy mấy dặm đường theo vòng chảo và săn đuổi giấc ngủ. Ông suýt bắt được nó, sắp lơi lỏng được khỏi móng vuốt của những nỗi muộn phiền đã xoắn chặt lấy tâm hồn ông như một vết xâm mình sâu đậm. Nỗi phiền muộn bấy giờ đã vương vấn ông nhẹ nhàng hơn.
Hai muơi vòng…
Dễ chịu hơn nhiều.
Nữa! Hai vòng nữa.
Càng dễ chịu hơn…
Các bắp thịt chân mạnh mẽ, căng máu và đau nhói, khẽ lay động với nét uyển chuyển thon thả của lòai sư tử, Karras đang chạy thình thịch qua một khúc quanh, thì ông chợt nhận thấy có ai đó đang ngồi trên chiếc ghế đá, phía ông để khăn lau và quần dài: một người đàn ông trung niên trong chiếc áo khóac lụng thụng, đội chiếc mũ ni bèo nhèo như nùi giẻ . Hình như người đó đang nhìn ông. Đúng không? Đúng quá rồi…đầu ông ta quay lại lúc Karras chạy ngang.
Vị linh mục tăng tốc, sải chân của ông nện xuống thình thịch làm vang động cả mặt đất ở vòng chạy cuối cùng, rồi ông giảm tốc độ xuống thành nhịp đi bộ, vừa thở hào hển vừa đi ngang qua ghế đá không buồn nhìn lại, hai tay ép khẽ xuống hai bên hông. Bộ ngực đầy ăm ắp những bắp thịt rắn chắc như đá tảng cùng triền vai của ông khẽ nhô lên làm căng cứng chiếc áo thun, làm biến dạng mấy chữ CÁC TRIẾT GIA in ngay trước ngực áo, các chữ cái trước đây đen tuyền nay đã phai hẳn màu, qua bao nhiêu lần giặt giũ.
Người đàn ông mặc áo khóac đứng dậy, bắt đầu tiến đến gần vị linh mục.
“Cha Karras ?” Trung úy Kingderman gọi, giọng khản đặc.
Vị linh mục quay lại, khẽ gật đầu, mắt nheo lại vì nắng lóa, đợi Kingderman bắt kịp mình rồi ra dấu cho ông ta đi theo lúc ông bắt đầu di chuyển trở lại. “ Ông không phiền chứ ? Tôi sắp cóng người đây,” vị linh mục hổn hển.
“ Có chứ, dĩ nhiên là phiền rồi,” nhà thám tử trả lời, vừa gật đầu với vẻ co rúm thiếu nhiệt thành vừa thọc hai tay vào túi. Màn đi bộ từ bãi đậu xe đến đây đã làm ông ta mệt đừ.
“ Ta, ta đã gặp nhau chưa nhỉ ?” vị linh mục Dòng Tên hỏi.
“ Chưa đâu, cha. Chưa, nhưng người ta bảo trông cha như một võ sĩ quyền Anh, một linh mục nào đó ở khu cư xá, tôi quên mất tên.” Ông đang mãi rút ví ra. “ Tôi rất dở ba cái vụ tên tuổi này.”
“ Còn tên ông ?”
“ Willie Kingderman, thưa cha.” Ông nhá chứng minh thư. “Ban Điều Tra Án Mạng.”
“ Thật sao ?”
Karras nhìn kỹ phù hiệu và thẻ chứng minh thư với vẻ chăm chú sốt sắng như một cậu bé. “ Chuyện này nghĩa là sao ?”
“ Này, chắc cha cũng biết đôi điều đấy chứ, thưa cha?” Kingderman đáp, vừa quan sát nét mặt phong trần của vị linh mục Dòng Tên. “ Đúng thật, cha giống y như một võ sĩ quyền Anh. Xin cha tha lỗi, cái vết sẹo đó - cha biết - cạnh mắt đó,” ông ta chỉ trỏ. “Gống Brando trong phim Waterfront quá, đúng là giống hệt Marlon Brando. Người ta cũng tạo cho nàng một vết sẹo.” Ông ta minh họa bằng cách kéo khóe mắt mình ra. “ Khiến cho mắt anh ta trông hơi hí một chút xíu thôi, khiến anh ta lúc nào trông cũng có vẻ mơ màng, lúc nào cũng buồn thảm. Đó, đúng là cha đó…” Ông ta nói, chỉ trỏ: “ Cha là Brando. Thiên hạ nói về cha như vậy, phải không cha ?”
“ Không, họ không hề.”
“ Có bao giờ cha đấu quyền Anh chưa ?”
“ Ồ, chút đỉnh.”
“ Cha người ở đây. Quận này ?”
“ New York.”
“ Golden Gloves, đúng không ?”
“ Ông xứng đáng lên đại úy lắm.” Karras mỉm cười. “ Nào, bây giờ tôi giúp gì được cho ông đây ?”
“ Làm ơn đi chậm hơn một chút. Bị bệnh khí thủng mà !” Nhà thám tử phác cử chỉ vào cổ họng mình.
“ Ồ, tôi xin lỗi.” Karras lơi bước.
“ Không hề gì. Cha có hút thuốc không ?”
“ Có.”
“ Không nên hút.”
“ Thôi, có chuyện gì thì kể cho tôi nghe đi.”
“ Đã hẳn. Tôi đang lạc đề rồi. À này, cha bận à ?’ Nhà thám tử hỏi dò. “ Tôi không quấy rầy đấy chứ ?”
“ Quấy rầy cái gì ?” Karras hỏi, vẻ sửng sốt.
“ Hừ, thì việc cầu nguyện thầm, chắc vậy ?”
“ Chắc phải phong ông lên đại úy,” Karras mỉm cuời bí hiểm.
“ Xin lỗi, tôi có sơ sót điều gì chăng ?”
Karras lắc đầu, nhưng nụ cười vẫn còn vương vấn. “ Tôi không tin là ông để sót điều gì hết.” Linh mục nhận xét, cái liếc xéo của ông về phía Kingderman đầy ranh mãnh và nhấp nháy một cách nhiệt tình.
Kingderman dừng lại, hết sức cố gắng trong vô vọng mong tạo đựoc một vẻ mặt ngơ ngác, nhưng nhìn đôi mắt đầy nếp nhăn của người tu sĩ, ông cúi đầu rầu rĩ. “ À phải. Dĩ nhiên…dĩ nhiên vậy rồi…một nhà tâm thần học mà. Tôi đâu có giỡn mặt được.” Ông ta nhún vai. “Cha thấy, điều đó đã thành thói quen đối với tôi, thưa cha. Bỏ lỗi cho tôi. Cái trò tình cảm ủy mị, đó là phương pháp Kingderman: thuần túy là tình cảm ướt át. Được rồi, tôi sẽ thôi quanh co và nói thẳng với cha là việc gì.”
“ Mấy vụ phạm thánh,” Karras nói, gật gù.
“ Vậy là cái trò vặt tình cảm ủy mị của tôi hóa ra công cốc,” nhà thám tử nói khẽ.
“ Rất tiếc.”
“ Không hề gì, thưa cha, thế cho đáng đời tôi. Vâng, những vụ xảy ra trong nhà thờ ấy.” Ông xác nhận. “Đúng thế! Có lẽ chỉ có một điều khác nữa ngòai lề, một điều nghiêm trọng.”
“ Giết người ?”
“ Phải, cha lại đá tôi một phát nữa, tôi khóai lắm.”
“ Chà, thì ban Điều Tra Án Mạng mà.” Vị tu sĩ Dòng Tên nhún vai.
“ Không sao, không sao, thưa tài tử Marlon Brando, không sao cả. Thiên hạ bảo là xét như một linh muc thì cha khá là ranh mãnh.”
“ Lỗi tại tôi mọi đàng,” Karras thầm thì. Dù lúc đó ông vẫn mỉm cười nhưng ông lấy làm hối hận vì có lẽ ông đã vô tình làm tổn thương tự ái của viên thám tử. Thực tâm ông không cố ý làm thế. Lúc này ông cảm thấy sung sướng có dịp bày tỏ một sự bối rối chân thành. “ Dù vậy, tôi không hiểu được ý ông.” Ông nói thêm, không quên cau mày một phát. “Hai điều đó có liên quan gì không ?”
“ Này thưa cha, ta có thể giữ kín điều này chỉ hai chúng ta biết được không ? Giữ mật ? Xem như một vấn đề xưng tội, có thể nói như vậy ?”
“ Dĩ nhiên là được.” Vị linh mục sốt sắng nhìn nhà thám tử. “ Chuyện gì vậy ?”
“ Cha biết nhà đạo diễn đã từng làm phim ở đây không, thưa cha ? Burke Dennings ấy ?”
“ Ồ, tôi có gặp ông ta rồi.”
“ Cha đã gặp ông ta rồi.” Nhà thám tử gật đầu. “ Cha cũng đã rành chuyện ông ta chết như thế nào rồi chứ ?”
“ Thì, báo chí…” Karras lại nhún vai.
“ Báo chí chỉ nói phần nào thôi.”
“ Thế nữa ?”
“ Chỉ phần nào thôi. Chỉ một phần không hơn. Này cha, cha biết gì về đề tài phù thủy ?’
“ Cái gì ?’
“ Nghe đây, cứ kiên nhẫn, tôi đang muốn phăng đến một điều nào đó. Bây giờ thì làm ơn nói về vụ phù thủy đi. Cha có rảnh không ?”
“ Chút đỉnh.”
“ Trên phương diện họat động của bọn phù thủy, chứ không phải về việc săn bắt họ đâu.”
“ Ồ, tôi đã có lần viết sách khảo cứu về đề tài ấy,” Karras cười, “ trên khía cạnh tâm thần học.”
“ Ồ, thật sao ? Tuyệt quá! Cừ quá đi thôi! Đúng là một phần thưởng cho tôi. Một điểm A cộng. Cha có thể giúp ích tôi rất nhiều, rất nhiều hơn chỗ tôi tưởng. Nào, cha, nói về thuật phù thủy…”
Ông với tay nắm chặt lấy cánh tay vị linh mục Dòng Tên lúc họ đi quanh một khúc rẽ và đến gần chiếc ghế đá. “ Như tôi đây, một kẻ tầm thường, và nói trắng ra, không được học hành nhiều cho mấy, xét về mặt giáo dục trường lớp, khoa bảng. Không thật. Nhưng tôi chịu đọc. Vâng, tôi biết người ta thường nói thế nào về những kẻ tự lập, người ta hay bảo rằng họ là những thí dụ điển hình đến khiếp về sự lao động không kỹ năng. Tôi không xấu hổ. Không hề. Tôi..” Chợt ông chận ngang trớn nói, nhìn xuống và lắc đầu. “Lại tình cảm ủy mị nữa rồi. Đúng là thói quen mà. Tôi không cách gì chữa được cái trò tình cảm ủy mị này được. Chà, xin bỏ lỗi cho, cha đang bận rộn quá.”
“ Vâng, tôi đang cầu nguyện.”
Câu nói nhỏ nhẹ của vị tu sĩ khô khốc và vô hồn. Kingderman dừng lại chốc lát mà ngó ông. “ Cha nói thật đấy chứ ?” “ Không ?”
Nhà thám tử lại nhìn ra trước và họ tiếp tục đi. “ Đây, tôi xin nói vào đề, những vụ phạm thánh. Chúng có nhắc cho cha nhớ tới điều gì liên quan đến thuật phù thủy không ?”
“ Có lẽ. Một vài nghi thức đã được sử dụng trong Lễ Đen.”
“ Một điểm A cộng nũa. Bây giờ tới Dennings. Cha đã đọc báo thấy ông ta chết ra sao rồi chứ ?”
“ Vì một cái ngã.”
“ Đây, tôi nói cha nghe, và xin giữ mật đấy nhé ?”
“ Dĩ nhiên.”
Nhà thám tử có vẻ đau khổ vì ông nhận ra là Karras không hề có ý muốn dừng ở ghế đá. “ Cha có phiền không ?” Ông hỏi, vẻ mong ngóng.
“ Gì cơ ?”
“ Ta dừng lại được không ? Có lẽ ngồi xuống ?”
“ Ồ, được chứ.” Họ bắt đầu vòng lại chiếc ghế đá.
“ Cha sẽ không bị cóng chứ ?”
“ Không đâu, bây giờ tôi khỏe rồi.”
“ Cha chắc chứ ?”
“ Tôi khỏe mà.”
“ Được rồi, được rồi, nếu ý cha đã quyết.”
“ Lúc nãy ông đang nói gì nhỉ ?”
“ Xin chờ cho một giây, một giây thôi mà.”
Kingderman đặt tấm thân mỏi nhừ của ông lên ghế đá với một tiếng thở dài mãn nguyện. “ Chà, khá hơn rồi, có khá hơn rồi.” Ông nói lúc vị linh mục Dòng Tên nhặt chiếc khăn lên lau khuôn mặt đẫm mồ hôi của mình. “Đang độ trung niên thật là một cuộc đời !”
“ Burke Dennings hả ?”
“ Burke Dennings, Burke Dennings, Burke Dennings…” nhà thám tử gật đầu, ngó xuống giày. Rồi ông ngẩng lên nhìn Karras, vị linh mục đang lau gáy. “ Thưa cha nhân lành, Burke Dennings đã được tìm thấy ở chân dãy bậc cấp dài dằng dặc ấy đúng bảy giờ năm phút, đầu vặn tréo ngoe ra đằng sau.”
Những tiếng la hét lóang thóang vẳng ra từ sân dã cầu, nơi đội bóng Đại học tập dượt. Karras ngừng lau, chịu đựng tia nhìn đăm đăm của viên trung úy. “ Điều đó đã không xảy ra trong khi ngã chứ ?” Rốt cuộc ông lên tiếng.
“ Cái chắc là có thể xảy ra trong lúc ngã lắm chứ.” Kinderman nhún vai. “Nhưng mà…”
“ Không có lẽ nào.” Karras suy nghĩ.
“ Vậy cha nghĩ sao về điều đó, trong nội dung của thuật phù thủy ?”
Vị linh mục chậm rãi ngồi xuống, lộ vẻ đăm chiêu. “ Chà,” cuối cùng ông nói, “ cứ giả thiết như là bọn quỷ dữ đã vặt gãy cổ các phù thủy theo cách đó. Chí ít thì thần thọai cũng đã kể lại như vậy.”
“ Một thần thọai ư ?”
“ Ồ, phần lớn là vậy.” Vị linh mục quay sang Kinderman. “ Mặc dù con người ta quả đã có kẻ chết y như cách đó thật, tôi nghĩ vậy, có thể lắm, đó là những hội viên của một ổ phù thủy đào thóat hoặc đã tiết lộ bí mật của tổ chức. Đó chỉ là một sự phỏng đóan thôi. Nhưng tôi biết rõ đó chính là dấu ấn của bọn sát nhân thờ quỷ dữ.”
Kinderman gật đầu. “ Chính xác. Chính xác lắm. Tôi nhớ lại một vụ giết người tương tự đã xảy ra ở London. Xảy ra vào thời đại bây giờ. Tôi muốn nói là mới dạo gần đây, mới bốn, năm năm trước đây thôi, thưa cha. Tôi nhớ là tôi đã đọc thấy việc đó trên báo chí.”
“ Vâng, tôi cũng có đọc, nhưng thiết tưởng chuyện đó hóa ra chỉ là trò đùa dai mà thôi. Tôi có lầm không ạ ?”
“ Không đâu, đúng như thế, cha ạ, hòan tòan đúng như cha nghĩ. Nhưng còn trong trường hợp này thì chí ít, người ta cũng thấy được đôi chỗ tương quan, có lẽ thế, giữa vụ đó và những việc xảy ra trong nhà thờ. Có lẽ một kẻ nào đó điên rồ, thưa cha, một kẻ nào đó đem lòng thù óan giáo hội. Một cuộc nỗi lọan từ tiềm thức, có lẽ thế.”
“ Một linh mục bệnh họan,” Karras thì thầm. “ Hẳn thế ?”
“ Này cha, cha là một nhà tâm thần học, cha hãy nói cho tôi nghe đi.”
“ Dĩ nhiên thôi, các hành vi xúc phạm thần thánh rõ ràng là có tính cách bệnh lý.” Karras trầm ngâm nói, vừa mặc vội chiếc áo len vào. “ Và nếu quả thật là Dennings đã bị giết chết thì, tôi đóan rằng kẻ sát nhân cũng là một kẻ bệnh họan mà thôi.”
“ Và có lẽ y có chút kiến thức về thuật phù thủy.”
“ Có thể.”
“ Có thể,” nhà thám tử lầu bầu. “ Vậy thì ai đó hội đủ tiêu chuẩn, chắc cũng chỉ sống nội trong vùng này thôi, và đã lẻn vào nhà thờ trong đêm hôm đó ?”
“ Một linh mục bệnh họan” Karras nói, rầu rĩ với tay lấy chiếc quần kaki đã bạc phếch ra vì nắng gió.
“ Xin cha hãy nghe đây, tôi nói điều này hẳn sẽ rất khó chịu đối với cha, tôi hiểu lắm. Nhưng đối với các linh mục đang sống trong khuôn viên trường Đại học này, cha là một bác sĩ tâm thần, một vị cố vấn về các vấn đề tâm linh, thưa cha, hẳn là cha…”
“ Không, tôi đã thay đổi nhiệm sở rồi.”
“ Ủa, thật sao ? Ngay giữa năm như thế này à ?”
“ Đó là lệnh Bề Trên.” Karras nhún vai lúc ông xỏ quần vào.
“ Dù vậy, cha hẳn biết vào thời điểm đó những ai là kẻ bệnh hoạn và những ai không chứ, đúng không? Tôi muốn nói là cái lọai bệnh đó. Cha đã biết rồi.”
“ Không, không nhất thiết đâu, thưa Trung úy. Tuyệt không. Sự thật là nếu quả tôi có biết đi nữa thì cũng chỉ là chuyện tình cờ. Ông thấy đó, tôi không phải là nhà phân tâm học. Tất cả công việc tôi làm là giúp ý kiến . Vả lại,” ông vừa bình luận vừa cài cúc quần, “ tôi thật sự không biết người nào khớp với điều mô tả trên cả.”
“ À phải, nguyên tắc đạo đức của người bác sĩ. Nếu cha có biết, chắc cha cũng chẳng nói.”
“ Đúng thế, có thể lắm là tôi không nói.”
“ Nhân tiện – Và tôi cũng xin đề cập đến để nghe chơi thôi – Cái nguyên tắc đạo đức này dạo gần đây đã được xem là bất hợp pháp rồi. Không dám quấy rầy cha vì những chuyện vụn vặt, nhưng xin thưa với cha rằng mới đây một bác sĩ tâm thần ở California ngập nắng, đúng thế đó, đã bị tống giam vì không chịu khai báo với cảnh sát những điều ông ta biết về một bệnh nhân.”
“ Một lời đe dọa chăng ?”
“ Đừng có nói chuyện điên. Tôi chỉ đề cập đến nghe chơi vậy thôi.”
“ Lúc nào tôi cũng có thể trình bày với quan tòa rằng đó là một bí mật của tòa giải tội được.” Vị linh mục Dòng Tên nói, vừa cười gượng gạo lúc ông đứng lên bỏ áo vào quần. “ Thẳng thắng mà nói là như vậy,” ông nói thêm.
Nhà thám tử ngước nhìn ông, có phần ảm đạm. “ Thưa cha, cha muốn ta bàn chuyện nghiêm chỉnh chứ ?” Ông ta hỏi. Rồi ông nhìn chỗ khác, vẻ buồn nản. “ Cha…Cha gì nhỉ ?” Ông hỏi như đánh đu với chữ nghĩa. “ Cha là một người Do Thái, mói gặp cha là tôi biết ngay.”
Vị linh mục cười khan.
“ Ừ, cười đi.” Kinderman bảo. “ Cứ cười đi.” Nhưng sau đó ông ta mỉm cười, có vẻ hài lòng với chính mình một cách ranh mãnh. Ông quay lại với ánh mắt rạng rỡ. “ Điều này làm tôi nhớ lại kỳ thi tuyển vào ngành cảnh sát, thưa cha, lúc tôi thi có một câu hỏi đại để như thế này: “ rabies là gì và các anh sẽ làm gì với chúng ?” Cha có biết một tên đầu bò hạ bút trả lời như thế nào không ? Anh chàng này tên là Emis thì phải ? “ Rabies” anh ta viết, “là các tu sĩ Do Thái giáo , và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ họ”, tôi nói thật đó !” Ông ta giơ một tay lên thề.
Karas cười. “ Nào, tôi đưa ông ra xe đây, xe ông đậu ngòai bãi phải không ?”
Nhà thám tử ngước nhìn vị linh mục, miễn cưỡng không muốn đi. “ Vậy là ta kết thúc sao ?”
Vị linh mục gác một chân lên ghế đá, nghiêng người tới trước, một tay tựa hẳn lên đầu gối. “ Thực lòng tôi không dấu diếm gì đâu.” Ông nói. “ Thật đó. Giá tôi biết một linh mục nào giống như kẻ ông đang tìm kiếm, chí ít tôi cũng có thể nói cho ông rằng có một người như thế..như thế…, mà không tiết lộ tên ông ta. Rồi kế đó, tôi sẽ phúc trình việc ấy lên Giám Tinh. Nhưng tôi không biết có ai thậm chí hơi giống như vậy.”
“ À, vâng,” nhà thám tử thở dài. “Trước hết, tôi chưa hề nghĩ đó là một linh mục. Thực sự là không.” Ông gật đầu về hướng bãi đậu xe. “ Vâng, xe tôi ngòai đó.”
Hai người cất bước.
“ Điều mà tôi thực tâm nghi ngờ,” nhà thám tử tiếp tục. “ Nếu tôi nói ra chắc cha sẽ bảo là tôi điên. Tôi không biết. Tôi không biết.” Ông ta lắc đầu quầy quậy. “Ôi chao, bao nhiêu kiểu hội kín thế này, những giáo phái kiểu này, nơi họ giết người một cách vô cớ. Nó khiến cho ta bắt đầu suy nghĩ đến những điều kỳ quặc. Để theo kịp thời đại, vào những thời buổi như thế này, ta còn phải điên một chút mới được.”
Karras gật đầu.
“ Cái gì trên áo thun của cha vậy ?” nhà thám tử hỏi vị linh mục, vừa hất đầu về phía ngực áo ông.
“ Cái gì đâu ?”
“ Trên ngực áo thun đó,” nhà thám tử nói rõ. “ Hàng chữ ấy, Các Triết Gia.”
“ À, có một năm tôi đã dạy vài khóa,” Karras nói, “ ở chủng viện Woodstock, bang Maryland. Tôi chơi trong đội dã cầu lớp dưới. Các cầu thủ được gọi là Các Triết Gia.”
“ À, còn đội lớp trên ?”
“ Các Nhà Thần Học.”
Kinderman mỉm cười và lắc đầu. “ Các Nhà Thần Học ba, Các Triết Gia hai,” ông ngẫm nghĩ.
“ Các Triết Gia ba, Các Nhà Thần Học hai.”
“ Dĩ nhiên.”
“ Dĩ nhiên.”
“ Những chuyện lạ lùng.” Nhà thám tử trầm ngâm. “ Lạ lùng thật. Này, thưa cha..” Ông bắt đầu một chiến thuật dè dặt. “ Này, bác sĩ ơi, …tôi có điên không, hay là có thể có một ổ phù thủy tại Quận này ngay lúc này đây ? Ngay hôm nay đây ?”
“ Ôi, nào.” Karras nói.
“ Thế là có thể có rồi.”
“ Tôi không hiểu ý ông.”
“ Bây giờ tôi sẽ đóng vai bác sĩ đây,” nhà thám tử tuyên bố với linh mục, ngón tay trỏ của ông ta vung vẩy trong không khí. “ Cha không nói là không, mà lại tỏ ra tinh ranh một lần nữa. Thế là cha thủ thế rồi, thưa cha nhân lành, đúng là cha thủ rồi. Cha sợ rằng cha sẽ trông ra vẻ cả thộn, dễ tin, có lẽ vậy, ra vẻ một ông cha mê tín trước mặt Kinderman nhà trí tuệ bậc thầy, nhà duy lý,” ông vỗ vỗ ngón tay lên trán. “ Bậc thiên tài bên cạnh cha đây. Thời đại của lý trí biết đi đây. Đúng không ? Tôi nói có đúng không ?”
Vị linh mục Dòng Tên nhìn chăm chăm nhà thám tử với vẻ ức đóan và sự nể vì càng lúc càng tăng. “ Chà, thật là hết sức sắc sảo, khôn ngoan,” ông nhận xét.
“ Được rồi,” Kinderman lầu bầu. “ Thế thì tôi xin hỏi cha một lần nữa, có thể có những hang ổ của bọn phù thủy ngay tại quận này không ?”
“ Chà, điều này thì quả thật tôi không biết,” Karras trầm ngâm đáp, hai tay ông khoanh trước ngực. “ Nhưng tại nhiều khu vực ở châu Âu, người ta vẫn cử hành Lễ Đen.”
“ Ngày nay à ?”
“ Ngày nay.”
“ Có phải cha muốn nói là cũng y như thuở xưa vậy, hở cha ? Này, tình cờ tôi có được đọc về mấy chuyện đó, nào là chuyện tình dục, chuyện tượng thánh, và cơ man những điều chẳng ai biết đâu mà lần. Tôi không làm cha ghê tởm, nhưng tiện thể xin hỏi cha là họ quả có làm tất cả những điều ấy không ? Thật không ?”
“ Tôi không biết.”
“ Vậy thì ý kiến của cha ra sao, thưa cha Phòng Thủ.”
Vị linh mục Dòng Tên bật cười. “ Thôi được rồi, tôi nghĩ là điều đó có thật đấy. Hay chí ít tôi cũng nghĩ là như vậy. Nhưng hầu hết các luận điểm của tôi đều căn cứ trên bệnh lý học. Chắc chắn như vậy, cái vụ Lễ Đen đó. Bất cứ kẻ nào làm những hành động đó đều là một con người hết sức rối loạn, và rối loạn hết sức đặc biệt. Thật vậy, thuật ngữ y học, có một cái tên gọi loại chứng rối loạn kiểu đó được mệnh danh là hội chứng quỷ xa-tăng – Satanism – hay là sự sùng bái xa-tăng, ý muốn nói những kẻ không thể nào đạt được khóai lạc nhục dục mà không kèm theo một hành động báng bổ thần thánh nào đó. Vâng, điều đó không phải là bất thường lắm đâu ngay cả trong thời đại ngày nay, và Lễ Đen được sử dụng đến chỉ như một cách biện minh đó thôi.”
“ Một lần nữa , xin thứ lỗi cho tôi, nhưng còn những hành vi dâm lọan người ta thực hiện trên tượng Chúa Giê-su và trinh nữ Marie thì sao ?”
“ Những hành động ấy ra sao cơ ?”
“ Mà chúng có thật không ?”
“ Vâng, tôi nghĩ là điều này có lẽ khiến ông quan tâm với tư cách là một viên chức cảnh sát.” Máu học giả của vị linh mục lại được kích thích sôi sục lên, cử chỉ của Karrsas trở nên hùng hồn một cách lặng lẽ. “ Tàng thư văn khố của Sở Cảnh sát Paris vẫn còn lưu trữ hồ sơ vụ hai tu sĩ thuộc một tu viện lân cận, để xem nào…” ông gãi đầu như cố gắng nhớ lại. “ À, phải rồi, tu viện ở Crépy, tôi tin như thế. Hay bất cứ tu viện nào,” ông nhún vai, “ ở vùng gần đó. Hai tu sĩ này bước vào một lữ quán, hung hăng đòi một chiếc giường ba người nằm. À, nhân vật thứ ba thì họ vác trên vai : một tượng Đức Mẹ lớn cở bằng người thật.”
“ Trời đất, kinh khủng quá,” nhà thám tử thở hào hển. “ Kinh khủng quá !”
“ Nhưng sự thực đúng như vậy, và đó là một chỉ dẫn khá rõ ràng những điều ông đọc đã được căn cứ trên thực tế.”
“ Chà, chuyện tình dục, có lẽ vậy rồi, có lẽ như vậy. Tôi có thể hiểu được. Đó lại là một chuyện hòan tòan khác. Không hề gì. Nhưng đàng này, xét đến những vụ giết người theo nghi lễ thì sao đây, thưa cha ? Có thật không ? Cha nói đi ! Cái vụ lấy máu trẻ sơ sinh ấy ?” Nhà thám tử đang ám chỉ đến một điều khác ông đã được đọc trong sách biên khảo về thuật phù thủy, chương mô tả thế nào trong cuộc Lễ Đen, thầy tế lễ không mặc áo dòng kia lắm lúc thường rạch cườm tay một trẻ sơ sinh làm cho máu nó chảy vào một chén thánh, sau đó chén máu được hiến tế và dùng trong nghi thức thông công. “ Điều đó giống hệt những chuyện người ta hay kể về người Do Thái,” nhà thám tử nói tiếp, “ thế nào họ bắt cóc những hài nhi Thiên Chúa giáo rồi uống máu chúng. Chà, xin thứ lỗi cho tôi, nhưng chính dân tộc cha đã kể các câu chuyện đó.”
“ Nếu họ đã làm điều đó, thì xin hãy tha thứ cho tôi.”
“ Cha đã được giải tội, cha đã được giải tội rồi mà.”
Một cái gì đen tối, một cái gì đó buồn thảm, lướt qua mắt vị linh mục, giống như cái bóng của một niềm đau được hồi tưởng lại trong chốc lát. Ông vội chú tia mắt mình vào lối đi ngay trước mặt.
“ Thực sự tôi không biết gì về chuyện giết người theo nghi lễ.” Karras nói. “ Tôi không biết thật. Nhưng có dạo, một bà mụ ở Thụy Sĩ đã thú nhận đã giết ba mươi hoặc bốn mươi trẻ sơ sinh để sử dụng tại Lễ Đen. Ồ, thì có lẽ bà ta đã bị tra khảo,” ông nói thêm. “ Ai mà biết được. Nhưng rõ ràng bà ta đã kể một câu chuyện hết sức thuyết phục, rất đáng tin cậy. Bà kể rằng bà thường dấu một chiếc kim dài, nhỏ, trong tay áo, để mỗi khi đở một hài nhi ra khỏi lòng mẹ, bà lại kéo cái kim ra, đâm suốt vào đỉnh đầu đứa bé, sau đó lại giấu cái kim vào chỗ cũ. Không hề có dấu vết.” Ông nói, mắt nhìn Kinderman. “ Đứa bé trông như đã chết trong bụng mẹ. Ông hẳn đã được nghe nói về thành kiến trước đây của giáo hội Công giáo Âu châu đối với các bà mụ rồi chứ ? Vâng, thành kiến đó bắt đầu từ sự kiện đó.”
“ Thật hãi hùng.”
“ Thế kỷ này đã không chặn đứng được thói điên lọan. Dù sao thì…”
“ Này, xin cha chờ cho một chút, chờ đã, xin cha thứ lỗi, mấy câu chuyện này, chúng được kể bởi những người đã bị tra tấn, đúng không ? Do đó, tự căn bản, chúng không có gì đáng tin cậy cho lắm. Họ ký trước những bản cung khai rồi sau đó, những kẻ hỏi cung điền vào chỗ trống theo ý muốn. Tôi muốn nói là, làm gì có những đạo luật như là luật habae corpus đâu, làm như có những trát tòa kiểu như là “ Hãy Để Cho Dân Tôi Đi” đâu có thể nói như vậy. Tôi nói có đúng không ? Tôi nói đúng đấy chứ ?”
“ Vâng, ông nói đúng, nhưng cũng xin thưa với ông rằng, nhiều bản cung khai đã mang tính chất tự nguyện.”
“ Vậy thì kẻ nào lại tự nguyện đối với những điều kinh khiếp như thế ?”
“ Chà, có thể là những kẻ rối lọan tâm thần.”
“ A ha, lại thêm một nguồn tin đáng tin cậy nữa đây.”
“ Vâng, đã hẳn là ông hòan tòan đúng, thưa Trung úy. Tôi chỉ đóng vai trò luật sư của quỷ đấy thôi. Nhưng có một điều, đôi khi chúng ta có khuynh hướng hay quên, đó là những kẻ đủ điên lọan để khai ra những điều như thế thì có thể cũng điên lọan để làm những điều đó, ta có thể quan niệm như thế lắm chứ. Ví dụ như những huyền thọai về ma sói. Vâng, đúng như vậy, những điều đó thực đáng nực cười, phi lý quá, có ai lại biến mình thành chó sói được đâu. Nhưng nếu có một kẻ tâm thần rối lọan cho đến nỗi chẳng những y nghĩ mình là một con ma sói, mà lại còn hành động giống như lòai lang sói thì sao đây ?”
“ Kinh khủng thật, thưa cha. Điều này nghĩa lý ra làm sao ? Lý thuyết chăng hay là sự thật ?”
“ Vâng, có một kẻ tên là William Stumpf, tôi xin nêu một ví dụ. Hay tên Peter gì đó. Tôi không nhớ rõ tên. Y là một người Đức sống vào hế kỷ thứ XVI, tự cho mình là một con ma sói. Y đã giết có lẽ phải đến hai mươi hoặc ba mươi em nhỏ.”
“ Cha muốn nói là y đã khai ra điều đó chứ ?”
“ Đúng vậy, nhưng tôi nghĩ là lời cung khai ấy có giá trị.”
“ Làm sao biết được như thế ?”
“ Thì khi người ta bắt y, y đang ăn óc hai người con dâu trẻ tuổi của y.”
Từ sân tập dã cầu, trong ánh nắng tháng Tư trong trẻo nhẹ nhàng, vọng lại âm thanh dòn dã của những tiếng chuyện trò, tiếng bóng dội lại từ chày quất.
Hai người đã ra đến bãi đậu xe, vị linh mục và nhà thám tử. Lúc này họ bước đi trong yên lặng.
Lúc họ đến bên xe tuần cảnh, Kinderman thẩn thờ với tay ra phía tay nắm cửa xe. Ông dừng lại một lúc, sau đó ngước lên nhìn Karras với ánh mắt ủ dột.
“ Vậy là tôi phải đi tìm ai đây, thưa cha ?” Ông hỏi vị linh mục.
“ Một người điên,” Damien Karras nhỏ nhẹ nói. “ Có lẽ một kẻ nghiện ma túy.”
Nhà thám tử nghĩ kỹ điều đó, rồi lẳng lặng gật đầu. Ông quay sang vị linh mục. “ Cha muốn đi một cuốc xe không ?” Ông hỏi, vừa mở cánh cửa xe tuần cảnh.
“ Ồ, cảm ơn, có một quảng đường ngắn thôi ấy mà.”
“ Hề gì, cứ thưởng thức,” Kinderman phác cử chỉ nóng nảy, vừa ra hiệu cho Karras leo lên xe. “ Cha sẽ có dịp kháo với bạn bè là cha vừa lả lướt trên xe cảnh sát chứ sao.”
Vị linh mục Dòng Tên cười tóet miệng rồi lách vào băng sau.
“ Tốt lắm, tốt lắm,” nhà thám tử lầm thầm, giọng khản đặc, rồi lúng túng len người ngồi cạnh vị linh mục, xong đóng cửa lại. “ Không có một chặng đường nào là ngắn cả.” Ông ta bình luận. “ Không hề.”
Với sự chỉ dẫn của Karras, họ cho xe chạy xuống khu cư xá hiện đại của Dòng Tên tọa lạc trên phố Prospect, nơi vị linh mục vừa dọn vào chỗ ở mới. Ông cảm thấy nếu ông cứ lưu lại túp nhà nhỏ kia, ông sẽ không thể nào tránh được những kẻ ông đã từng khuyên bảo còn tiếp tục đến tìm sự giúp đỡ chuyên môn của ông nữa.
“ Cha thích điện ảnh chứ, thưa cha Karras ?”
“ Rất thích.”
“ Cha đã xem phim Lear chưa ?”
“ Không đủ khả năng.”
“ Tôi xem rồi.Tôi có thẻ vào cửa.”
“ Thế thì tuyệt quá.”
“ Tôi có thẻ vào cửa để xem những phim hay nhất. Thế mà bà K. nhà tôi lại cứ mệt hòai, chả bao giờ thích đi xem.”
“ Thật đáng tiếc.”
“ Đáng tiếc thật ấy chứ, đúng thế đấy, tôi chúa ghét đi xem phim một mình. Cha biết đấy, tôi thích nói chuyện phim ảnh, thảo luận, phê bình.” Ông ta nhìn đăm đăm qua cửa sổ, tia mắt ngỏanh đi không ngó vị linh mục.
Karras lẳng lặng gật đầu, mắt nhìn xuống đôi bàn tay to lớn và thật mạnh mẽ của mình. Hai bàn tay chắp trên đùi. Một khỏanh khắc trôi qua. Sau đó Kinderman lưỡng lự quay lại với vẻ mong ngóng. “ Lúc nào có dịp mời cha đi xem phim với tôi, cha nhé ! Xem miễn phí…Tôi có thẻ vào cửa mà.” Ông vội nói thêm.
Vị linh mục nhìn ông, cười tóet miệng. “ Giống như cách Elwood P. Dowd hay nói trong phim Harvey, thưa Trung úy, khi nào ?”
“ Ồ, tôi sẽ gọi điện thọai cho cha mà, tôi sẽ gọi mà.” Nhà thám tử mặt mày rạng rỡ, xởi lởi.
Họ đã đến khu cư xá và đỗ xe lại. Karras đặt tay trên cửa xe, khẽ mở đánh “kịch” một tiếng. “ Xin ông cứ gọi cho tôi. Thật tôi rất lấy làm tiếc đã không giúp gì được cho ông mấy.”
“ Hề gì đâu, cha đã giúp ích rất nhiều.” Kinderman vẫy tay, vẻ ỉu xìu. Karras bước xuống xe. “ Nói thật mà nghe, nếu xét như một người Do Thái đang cố vượt qua cuộc thi, thì cha là một người rất dễ mến.”
Karras quay lại, đóng cửa, nghiêng người xuống cửa sổ xe với một nụ cười nhiệt thành phảng phất. “ Thiên hạ có bao giờ bảo ông là ông trông giống tài tử Paul Newman không ?”
“ Bảo hòai ấy chứ. Và cha cứ tin tôi đi, bên trong cái thân xác này, chàng Newman không ngừng phấn đấu để thóat ra ngòai, chứ ở trong đó chật chội quá,” ông bảo. “ Còn có cả Clark Gable nữa chứ.”
Karras tươi cười vẫy tay rồi bước đi.
“ Này cha, hượm đã!”
Karras quay lại, nhà thám tử đang chen người ra khỏi xe.
“ Này thưa cha, tôi quên khuấy đi mất,” ông ta thở hào hển, vừa tiến lại gần vị linh mục. “ Thật trí óc cứ mụ mẩm cả. Cha biết đấy chứ, cái tấm thẻ có viết những chữ nghĩa dơ *** ấy ? Cái tấm người ta tìm thấy trong nhà thờ ấy ?”
“ Ông muốn nói đến tấm thẻ trên bàn thờ phải không ?”
“ Bất cứ. Nó vẫn còn quanh quẩn ở đâu đây đấy chứ ?”
“ Vâng, tôi vẫn còn giữ nó trong phòng. Tôi đang thẩm định văn thể La tinh trên đó. Ông muốn xem chứ ?”
“ Vâng, có lẽ nó sẽ tiết lộ đôi điều. Có lẽ vậy.”
“ Đợi một giây, tôi đi lấy ngay.”
Trong lúc Kinderman đợi bên ngòai cạnh xe tuần cảnh, vị linh mục Dòng Tên đi đến phòng riêng của ông ở tầng trệt, nhìn ra phố Prospect, tìm thấy tấm thẻ kia. Ông vòng trở ra, trao thẻ cho Kinderman.
“ Có lẽ còn vài vết dấu tay,” Kinderman nói, giọng khò khè, lúc ông xem xét tấm thẻ. Thế rồi, “ không, hượm đã, cha đã cầm tới cầm lui tấm thẻ này rồi,” có vẻ như ông đã nhanh chóng nhận ra điều ấy. “ Suy luận khá đấy chứ , hở cha ?” Ông đang lúng túng, bận bịu với lớp nhựa plastic bọc ngòai tấm thẻ. “ Ồ, không được, hượm đã, được rồi, nó bong ra rồi, ra rồi.”
Rồi ông ngước nhìn Karras với nỗi thất vọng chớm nở. “ Mà cha cũng đã cầm vào cả bên trong luôn rồi, phải không Kirk Douglas ?”
Karras cười tóet miệng, vẻ trầm ngâm, gật đầu.
“ Không sao, có lẽ ta vẫn còn tìm được một điều gì khác không chừng. À mà, cha đã nghiên cứu nó chưa ?’
“ Rồi, tôi đã.”
“ Kết luận ra sao ?”
Karras nhún vai. “ Không có vẻ gì là công trình của một kẻ đùa dai cả. Thọat tiên, tôi nghĩ có lẽ là một sinh viên. Nhưng tôi nghi lắm. Bất cứ ai đã làm điều này phải là kẻ tâm thần bị rối lọan khá sâu sắc.”
“ Như cha đã nói rồi.”
“ Còn thứ tiếng La tinh đó…” Karras trầm tư. “ Chẳng những nó không chút khuyết điểm, thưa Trung úy, mà nó – chà – nó còn có một văn phong rõ rệt hết sức độc đáo. Có vẻ những kẻ viết ra nó đã quen suy nghĩ bằng tiếng La tinh vậy.”
“ Các linh mục có vậy không ?”
“ Thôi nào.”
“ Xin trả lời thẳng vào câu hỏi cho, thưa đức Cha Hoang Tưởng ?”
“ Được rồi, ở một thời điểm trong quá trình huấn luyện các linh mục, quả là họ có như vậy thật. Ít nhất là trong trường hợp các Cha Dòng Tên và một số các Dòng khác. Tại Chủng viện Woodstock, một số khóa triết học được giảng dạy bằng tiếng La tinh.”
“ Sao vậy ?”
“ Để cho tư tưởng được chính xác. Giống như trong luật học vậy.”
“ À, tôi hiểu.”
Karras chợt có vẻ hăng say, nghiêm túc hẳn. “ Này, trung úy, tôi có thể bảo cho ông biết là tôi thật sự nghĩ ai là thủ phạm của vụ này không ?”
Nhà thám tử nghiêng sát người lại. “ Không, ai vậy ?”
“ Bọn Dominicains đấy. Đi mà lùng sục họ đi.”
Karras mỉm cười vẫy, tay chào rồi bước đi.
“ Hồi nãy tôi nói dối đó,” nhà thám tử gọi với theo ông, sưng sỉa mặt mày. “ Cha giống hệt như Sal Mineo cơ !”
Kinderman nhìn lúc vị linh mục đưa tay vẫy chào một lần nữa và bước vào khu cư xá, rồi ông quay lại, leo lên xe tuần cảnh. Ông thở khò khè, ngồi bất động, nhìn xuống sàn xe. “ Ông ta cứ lúng ba lúng búng, lúng ba lúng búng,” ông thì thầm. “ Giống y như một âm thoa chìm dưới nước.” Thêm một lúc nữa, ông cứ đăm đăm trong dáng vẻ đó. Rồi ông quay lại bảo tài xế. “ Được rồi, ta về sở đi. Nhanh lên, bất chấp luật lệ.”
Chiếc xe lao vút đi.
---------------------------
Căn phòng mới của Karras đồ đạc rất đơn sơ, một giường chiếc, một ghế dựa, một bàn làm việc và kệ sách xây chìm vào tường. Trên bàn giấy là một bức ảnh cũ của mẹ ông, và như một lời thống trách câm lặng treo trên tường ở đầu giường là một chiếc thập tự giá bằng kim lọai.
Căn phòng chật hẹp đó đối với ông đã đủ là một thế giới. Ông không màng tới của cải riêng tư, có điều những thứ ông có đều sạch sẽ tinh khiết.
Ông tắm vòi sen, kỳ cọ qua quít, mặc vội chiếc quần kaki và chiếc áo thun, rồi thong thả đi dùng bữa tối ở nhà ăn của các linh mục. Ở nhà ăn ông nhận ra cha Dyer, với đôi má hồng đang ngồi một mình ở một chiếc bàn trong góc. Ông đến với ông ta.
“ Chào, Damien,” Dyer lên tiếng. Vị linh mục trẻ vận một chiếc áo thun thể thao dài tay.
Karras cúi đầu đứng bên một chiếc ghế, lầm thầm đọc kinh rõ nhanh. Sau đó, ông làm dấu thánh giá, ngồi xuống chào bạn
“ Thế nào chàng lang thang ?” Dyer hỏi lúc Karras trải chiếc khăn ăn lên lòng.
“ Ai lang thang ? Tôi đang làm việc đấy nhé.”
“ Mỗi tuần có một buổi diễn giảng thôi ấy à ?”
“ Quý hồ tinh bất quý hồ đa, đáng kể là vấn đề chất lượng.” Karras nói. “ Sao, bữa ăn có gì đây ?”
“ Cha không ngửi thấy à ?”
“ À, *** thật, lại một ngày của chó chăng ?” Có mùi xúc xích và dưa bắp cải.
“ Đáng kể là vấn đề số lượng chứ.” Dyer ung dung đáp.
Karras lắc đầu, đưa tay với lấy bình sữa bằng nhôm.
“ Tôi không uống thứ đó đâu.” Dyer lẩm bẩm, mặt không một nét cảm xúc, vừa phết bơ lên lát bánh mì làm tòan bằng bột mì. “ Có thấy sủi dầy bọt đấy không ? Tiêu thạch đấy ?”
“ Tôi lại cần chất ấy,” Karras bảo. Lúc ông lật ngửa chiếc ly ra để rót sữa vào, ông nghe có tiếng người đến gần bàn họ.
“ Chà, rốt cuộc tôi đã đọc xong cuốn sách ấy rồi,” người mới đến nói, mặt tươi hơn hớn.
Karras ngước lên nhìn và cảm thấy thất vọng ê chề, cảm thấy một sức nặng êm ái đè bẹp ngấu nghiến khi ông nhận ra vị linh mục dạo gần đây mới đến với ông để xin lời khuyên, vị linh mục không có khả năng kết bạn đó.
“ Ồ, thế cha có ý kiến ra sao ?” Karras hỏi. Ông đặt bình sữa xuống, cứ như thể nó là một tập cẩm nang trong một tuần kinh nguyện dang dở.
Vị linh mục trẻ chuyện trò, và nữa giờ sau đó, Dyer phá lên cười run cả bàn, làm nhộn cả phòng ăn. Karras xem đồng hồ. “ Có muốn khoắng một chiếc áo vét không ?” Ông hỏi người linh mục trẻ. “ Ta có thể băng qua đường ngắm cảnh hòang hôn.”
Chẳng mấy chốc, họ đã tựa người lên tay vịn ở đầu bậc cấp dẫn xuống dãy phố M. Ngày đã tàn. Nhưng tia sáng mượt mà của mặt trời lặn bùng cháy huy hòang trên các tầng mây ở chân trời phía tây rồi vỡ thành những đốm đỏ thẩm lăn tăn trên mặt nước sông đang dần tối. Có dạo Karras đã gặp Chúa trong cảnh tượng này. Xa xưa lắm rồi. Giống như một người bị tình phụ, ông vẫn y hẹn.
“ Thật là một cảnh tượng !” Vị linh mục trẻ thốt lên.
“ Phải, đúng như vậy,” Karras biểu đồng tình. “ Đêm nào tôi cũng cố gắng ra ngòai này.” Chuông đồng hồ Viện Đại học đang dõng dạc gõ giờ. Đúng 7 giờ tối.
Hồi 7 giờ 23 phút, Trung úy Kinderman đang suy nghĩ về bản phân tích quang phổ ký cho thấy chất sơn trên bức tượng chim của Regan khớp với chất sơn cạo được từ bức tượng Trinh nữ Marie bị xúc phạm.
Vào hồi 8 giờ 47 phút, trong một xóm nhà ổ chuột ở tiểu khu Đông Bắc thành phố, một chàng Karl Engstrom trầm mặc trở ra từ một ngôi nhà tập thể nhung nhúc chuột bọ; đi bộ ba dãy phố về hướng Nam đến một trạm xe búyt, đứng đợi một mình trong một phút đồng hồ, mặt đờ đẩn, sau đó quỵ người xuống, khóc nức nở bên một trụ đèn.
Cũng vào lúc đó, Trung úy Kinderman đang ở trong rạp chiếu bóng.