Bán một quốc gia như thế nào? (kỳ 2)
Tiếp theo số ra ngày 29-7-2007: “Hãy để yên cho Kasavubu!”
TTCT - Trong lúc hai người đang chuyện trò, bộ trưởng ngoại giao Justin Bomboko, người mà Devlin biết rõ và xem như thuộc hạ của mình, bất ngờ xuất hiện. Trước khi ngồi bên cạnh đại tá Mobutu, ông ta nhét vào tay Devlin một mẩu giấy xếp nhỏ trong đó viết: “Xin hãy giúp anh ta!”.
Yên tâm, thủ lĩnh CIA trả lời: “Tôi bảo đảm với anh Hoa Kỳ sẽ công nhận chính phủ chuyển tiếp dân sự”. Mobutu đưa ra yêu cầu cuối cùng: “Tôi cần 5.000 USD cho các sĩ quan thuộc cấp. Nếu đảo chính thất bại, gia đình họ sẽ chẳng có xu nào dính túi”. Devlin trả lời: “Đồng ý, sáng mai anh sẽ có!”.
Justin Bomboko không giấu được vui mừng: “Ngài sẽ không phải thất vọng đâu. Đó là một người yêu nước. Ngài có thể tin tưởng anh ta”. Bất ngờ, Larry Devlin nhớ ra rằng mình đến để gặp tổng thống Kasavubu, và ông ta yêu cầu được gặp! Bomboko la lên: “Ô! Ông ta đang ngủ! Ông ta đã ngủ lâu lắm rồi!”. Trở về văn phòng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Devlin gửi đi nguyên văn cuộc nói chuyện về tổng hành dinh Langley. Dulles trả lời: “Tôi tin ở anh”. Nói khác đi: nếu êm xuôi thì rất tốt, còn nếu hỏng bét thì anh phải chịu trách nhiệm.
Ngày 14-9-1960, lần đầu tiên Mobutu đã chiếm lấy quyền lực. Lumumba bị bắt, một chính phủ dân sự ra đời trong đó Bomboko vẫn giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao. Quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc bị cắt đứt. Nhưng có một trục trặc. Mobutu đã cho lính canh giữ tổng thống đương nhiệm Kasavubu, và như thế là trở thành nguyên thủ quốc gia mất rồi. Lập tức, Larry Devlin đến tìm Mobutu: “Chính phủ của ngài gặp rắc rối to về tính hợp pháp rồi bởi ngài đã giải thể quốc hội. Phải tái lập Kasavubu!”.
Được lính Mũ nồi xanh bảo vệ
“Hợp pháp ư? Phải nói là giả đạo đức thôi!” - Mobutu hét lớn. Nhưng ông ta vẫn tuân lệnh. Có chọn lựa nào khác? Ít nhất là ba lần, suốt trong mấy tuần sau cuộc đảo chính, CIA đã giúp ông ta phá vỡ những âm mưu ám sát từ phe Lumumba, do Pierre Mulele tổ chức. Chính bản thân Devlin sau này cũng suýt mất mạng khi vật lộn với một tên sát thủ định sát hại Mobutu lúc đi thăm một người bạn tại trại Kokolo. Từ đó, mối quan hệ giữa họ ngày thêm khăng khít. Và Mobutu được bao quanh bởi những kẻ rất trung thành. “Nhóm Binza” thân CIA ra đời, trong đó dĩ nhiên có mặt Bomboko, Cyrille Adoula và tân giám đốc an ninh Victor Nendaka, một kẻ thân cận với Lumumba, đã trở cờ đi theo chủ mới.
Dĩ nhiên, cái gai Lumumba vẫn còn đó. Dù bị bắt, cựu thủ tướng vẫn không rời dinh thự của mình. Tệ hơn nữa, dưới con mắt của CIA từ nay ông ta được lính mũ nồi xanh của LHQ bảo vệ. Đại diện của tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjold tại Léopoldville, ông Rajeshwar Dayal, người Ấn, mà Mỹ rất nghi ngờ, đã giành được quyền thay thế quân Congo bằng lính mũ nồi xanh. Lumumba đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ và nảy lửa. Tóm lại, theo CIA, phải dứt điểm ông ta.
Ngày 19-9-1960, Larry Devlin nhận một thông tin mật từ Langley: “Một người tên Joe tại Paris sẽ đến Léopoldville ngày 27-9. Sẽ đến tiếp xúc và các ngài cùng làm việc với nhau”. Hôm đó, Joe và ông ta gặp nhau tại một quán rượu, rồi trong một căn nhà an toàn. Joe là một nhà hóa học, làm việc cho CIA, và mang theo một “bộ sưu tập” độc chất để khử Lumumba. Devlin hỏi: “Ai ra lệnh làm chuyện này?”. “Đích thân tổng thống Eisenhower - Joe trả lời và nói tiếp - Và chính ngài sẽ phải ra tay”. Anh ta đưa ra một cái hộp trong đó chứa đầy thuốc bột và nước, để pha vào trong thức ăn, nước uống và cả một ống kem đánh răng đặc biệt. “Nếu hắn đánh răng với loại kem này sẽ mắc bệnh viêm tủy xám khủng khiếp, dẫn đến bại liệt. Chẳng ai hay biết cả”.
Larry Devlin vốn không tin là cần phải diệt Lumumba. Ông ta nghĩ: “Dù sao cũng chẳng phải là Hitler”. Tuy vậy, ông ta vẫn tiếp xúc với gã điệp viên “người Âu” thân cận Mulele, từng báo cho ông ta biết trước những âm mưu ám sát Mobutu. Nhưng gã này từ chối: “Không thể nào tiếp cận được nhà bếp hay nhà riêng của Lumumba, vốn được canh phòng ngày càng nghiêm ngặt”. Suốt mấy tuần lễ sau, Devlin cố “câu giờ” trong lúc Langley nóng ruột: “Ngài đang ở đâu, hở Larry?”.
Ngày 27-11-1960, một đêm mưa bão, Patrice Lumumba bí mật rời thủ đô để đến Stanleyville (ngày nay là Kisangani), lãnh địa riêng của mình. Mấy ngày sau, ông bị bắt tại Kasai, bị đánh đập và chở bằng máy bay về Léopoldville, trước khi bị giam tại trại lính Thysville. Đặc phái viên LHQ Rajeshwar Dayal yêu cầu tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjold cho phép đạo quân Ghana của LHQ tấn công vào trại lính để giải cứu Lumumba. Ông lo ngại điều tồi tệ sẽ xảy ra. Nhưng do áp lực trực tiếp của Mỹ, tổng thư ký LHQ không dám bật đèn xanh. Dù sao kế hoạch đầu độc cũng bị bãi bỏ.
Trong lúc từ các tỉnh phía đông đến bắc Katanga, qua nam Kivu, Antoine Gizenga, Pierre Mulele, Anicet Kashamura cùng nhiều thủ lĩnh thân cận của Lumumba... phát động cuộc nổi dậy, người Mỹ lại đưa ra một kế hoạch để người Congo “trị” người Congo: quân đội sẽ đảm nhận cuộc nồi da xáo thịt này.
Ngày 13-1-1961, trại lính Thysville, nơi đang giam giữ Lumumba, nổi loạn. Rất nhanh, CIA biết rằng các binh sĩ bất mãn đã thả cựu thủ tướng và nghe theo lệnh ông ta! Tại Léopoldville, cả chính phủ kinh hoàng, ngoại trừ Mobutu và Nendaka. Sau khi lôi Kasavubu và Bomboko đi theo mình, họ bay đến Thysville. Đứng trước hàng quân Mobutu thuyết phục họ đi theo mình và... bắt trói Lumumba! Lumumba bị trói gô như con heo, bị ném lên máy bay trực chỉ Elisabethville (nay là Lubumbashi), thủ phủ tỉnh ly khai Katanga, nơi kẻ tử thù Moise Tshombe đang chờ đợi!
Khuôn mặt sưng phù, Patrice Lumumba xuất hiện ngày 17-1 tại đường băng phi trường. Ông bị xử bắn cùng ngày. Ngày 20-1 tại Washington, tổng thống John Kennedy nhậm chức. Tại Langley, người ta vui mừng vì chính phủ mới không phải lo lắng vấn đề Lumumba nữa.
Quí 1-1961, Larry Devlin có nhiều lý do để hài lòng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gây áp lực khiến tổng thư ký LHQ Hammarskjold thay thế Rajeshwar Dayal bằng một nhà ngoại giao Thụy Điển “mềm dẻo” hơn. Ngoài ra, tổng thống Kasavubu, theo yêu cầu của LHQ, phải thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia, có sự tham gia của phe Lumumba, với người cầm đầu là Cyrille Adoula, một thành viên của “nhóm thân CIA Binza”.
Sai lầm của phi công hay tai nạn?
Nhưng vụ án lớn nhất lúc đó mang tên Katanga. Được tình báo Pháp và Bỉ hỗ trợ từ một năm qua, Moise Tshombe đã tuyên bố ly khai, với một đội quân đánh thuê gồm mấy trăm cây súng hỗ trợ. Đứng đầu đội quân này là Mike Hoare, Bob Denard, Jean Schramme... Trên danh nghĩa chính thức, Mỹ chống việc Katanga ly khai, nhưng trên thực tế còn đang ngần ngại. Dù Tshombe là tên “khó chơi” nhưng lại chống cộng triệt để. Phần LHQ có thái độ rất rõ ràng: chống ly khai, nhưng bất lực và quân mũ nồi xanh đang rơi vào tình thế hết sức khó khăn.
Chính vì muốn thương lượng với Tshombe, tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjold bay đến thành phố nhỏ ở biên giới Ndola, xứ Rhodésie, nơi hai người sẽ gặp nhau vào ngày 18-9-1961. Ông đã chẳng bao giờ đến được, bởi chiếc máy bay nổ tung không xa phi trường lúc dự định đáp xuống. Lỗi của phi công? Trục trặc kỹ thuật? Âm mưu ám sát? Đến nay, lý do của vụ nổ vẫn còn là một bí ẩn, dù chính Larry Devlin trong quyển hồi ký có nêu giả thuyết là phi công ngủ gục, vì hai ngày trước đó anh ta không hề chợp mắt.
Kết thúc bi thảm của tổng thư ký LHQ giáng một đòn nặng nề vào các chiến dịch quân sự của quân mũ nồi xanh tại Katanga. Năm 1962, lần lượt các vị trí đóng quân đều bị rút bỏ. Moise Tshombe ra qui thuận và được tổng thống Kasavubu bổ nhiệm làm thủ tướng qua sự vận động ngầm của “nhóm Binza”. Nhưng CIA không hề tin kẻ “sớm đầu tối đánh” này.
Bởi thế Larry Devlin bí mật hợp tác với các thủ lĩnh quân đánh thuê mà Tshombe dắt về Léopoldville, để họ tấn công quân của Pierre Mulele ở phía đông tỉnh Léopoldville. Để hỗ trợ bộ binh, Hoa Kỳ chi viện lần đầu tiên sáu máy bay T6. Sau đó là T28, oanh tạc cơ B26, vận tải cơ C46 và báy máy trinh sát. Tổng cộng 30 chiếc với phi công và chuyên gia kỹ thuật. Họ oanh tạc Stanleyville, qua một cuộc chiến được mô tả là bí ẩn nhất trong lịch sử của CIA...
ĐINH CÔNG THÀNH (Theo La Revue 7&8-2007