Kỳ 4: Những ngày ở Việt Nam
TT - Hun Sen và bốn người lính - Nhek Huon, Nuch Than, San Sanh và Paor Ean - lẩm bẩm khấn vái và bắt đầu đoạn đường dài vất vả của mình sang VN lúc 9 giờ tối 20-6-1977. Khi họ vượt qua biên giới VN thì đồng hồ của Hun Sen chỉ đúng 2 giờ sáng. Điểm băng ngang của họ ở phía Campuchia là Koh Thmar, một ngôi làng nhỏ, là một phần của xã Tunloung ở huyện Memot trong tỉnh Kompong Cham, và nằm ngay phía trước huyện biên giới Lộc Ninh thuộc tỉnh Sông Bé.
Tù nhân
Lúc 2 giờ chiều, họ đến một ngôi làng VN, cách biên giới khoảng 20km. Họ gặp phải một nhóm công nhân VN làm cho nông trường cao su đang trên đường về nhà. Hun Sen tiến đến gần họ và biết được họ có thể nói một chút tiếng Campuchia. Các công nhân cao su dẫn năm người Campuchia tới văn phòng ủy ban xã. Sau ít phút, khoảng 20 chiến sĩ thuộc lực lượng dân quân tự vệ có trang bị súng trường đến hiện trường.
Những người điều tra liên tục tấn công Hun Sen hàng loạt câu hỏi. Họ dễ nổi cáu khi không khai thác được. Các câu hỏi luôn được lặp đi lặp lại: Tên thật của anh là gì? Anh thuộc trung đoàn Khơme Đỏ nào? Nó đồn trú ở đâu? Tại sao anh sang VN? Có phải anh đang do thám cho Pol Pot không? Sau hàng mấy giờ thăm dò chẳng thu lượm được gì, họ bắt đầu tin Hun Sen không còn trung thành với Khơme Đỏ.
Ngay sau cuộc điều tra, năm người Campuchia được đưa lên một chiếc xe tải GMC chở đi khỏi Làng Xinh tới huyện Lộc Ninh. Sau bữa cơm, Hun Sen được tách ra khỏi bốn người kia và lại bị thẩm vấn. Dù còn có vẻ nghi ngờ, nhưng người cán bộ VN này đã chấp nhận rằng Hun Sen có cấp bậc chỉ huy cao.
Hun Sen đã bị giam ở Sông Bé 22 ngày cho tới khi đổ bệnh sốt rét nặng. Được chuyển vào bệnh viện là điều may mắn bất ngờ. Hun Sen được cho các khẩu phần ăn ngon hơn nhiều, vì lúc bấy giờ phía VN chấp nhận cấp bậc của Hun Sen là trung tá. Hun Sen vẫn lo ngay ngáy không yên. Liệu cứ bị cầm tù mãi chăng? Hay liệu họ có bị trả về cho Pol Pot để rồi bị phanh thây không? Tin đào ngũ của Hun Sen nhanh chóng tới tai các chính ủy Angkar. Khi ấy họ biết Hun Sen đã trốn sang VN, họ trả đũa bằng cách buộc Bun Rany phải lao động chân tay cực nhọc. Cô bị bắt phải đi đốn hạ các cây to và khai hoang đất.
Sau khi trải qua 22 ngày trong tù ở Sông Bé, Hun Sen còn bị giam thêm ba tháng nữa ở tỉnh này. Rồi sau đó xin được tị nạn chính trị. Năm người Campuchia ấy được di chuyển tới một trại giam khác trong khi vấn đề xin tị nạn chính trị đang được cứu xét. Sau hàng tháng sống trong bồn chồn lo lắng, cuối cùng Hun Sen đã vượt qua được.
Hun Sen kể: “Lúc ấy tôi thường hay bị bệnh phải nhập viện. Tôi là người trẻ nhất được phép ở tầng bốn của bệnh viện vốn được dành cho các tướng lĩnh. Tôi đã phải cải trang thành một người Lào”. Tại bệnh viện, gần như tất cả mọi người đều không tin một người trẻ như thế có thể là một sĩ quan cấp cao. Các bạn bè VN gọi Hun Sen bằng danh tánh mới vì thế Hun Sen không gây ra sự chú ý hoặc tăng thêm sự nghi ngờ.
Hun Sen kể: “Họ đặt cho tôi cái tên là Mãi Phúc (có nghĩa là hạnh phúc mãi), 26 tuổi, cán bộ cao cấp quân khu X. Chẳng ai biết quân khu X ở đâu. Những người trong bệnh viện có điều nghi ngờ, vì bình thường ở VN chỉ những người 60 tuổi trở lên mới có thể được xem là cán bộ cao cấp. Những người ở tầng 4 biết cấp bậc của tôi, nhưng khi tôi được đưa tới phòng chụp X quang, ở đó họ thắc mắc “Cán bộ cao cấp sao chỉ mới 26 tuổi, ông ta ở đâu đến?’”.
“Cơ hội vàng” cho Hun Sen
Trong thời gian tị nạn chính trị, Hun Sen đã được tạo cơ hội gặp các sĩ quan quân đội cao cấp tại TP.HCM. Họ nói chuyện trung thực và Hun Sen đã thẳng thắn cởi mở ý định tìm kiếm sự giúp đỡ. Hun Sen đã được chấp nhận nơi xin tị nạn, nhưng Chính phủ VN từ chối ủng hộ quân sự cho Hun Sen vì họ không muốn can dự quá nhiều. Nhưng Hun Sen không đến VN để tìm kiếm nơi tị nạn chính trị; Hun Sen chỉ muốn họ giúp giải phóng đất nước của mình.
Hun Sen kể: “Khi yêu cầu sự trợ giúp của họ, tôi đã bị từ chối. VN cho biết nếu họ đồng ý yêu cầu của tôi xin giúp đỡ, họ sẽ bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia dân chủ”. Hun Sen không dễ dàng thuyết phục được phía VN giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng của Khơme Đỏ bằng cách ủng hộ ít nhất 50.000 quân thiện chiến. Hun Sen kể: “VN luôn tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của Campuchia, các vị lãnh đạo của VN đã từ chối lời thỉnh cầu giúp đỡ của tôi và nói điều đó có thể làm phương hại đến mối quan hệ giữa hai nước”. Thay vào đó, họ đề nghị Hun Sen sang Thái Lan, sau đó sang nước thứ ba. Hun Sen nói dứt khoát với họ là mình sẽ không đi sang Thái Lan.
Nhưng một “cơ hội vàng” với Hun Sen đã xuất hiện khi Pol Pot tấn công biên giới VN năm 1977. Thái độ gây hấn của Pol Pot đã đánh dấu thời kỳ bắt đầu thay đổi chính sách của VN. Hun Sen kể: “Nếu Pol Pot không tấn công VN, tôi nghĩ chúng tôi sẽ không có được sự ủng hộ của VN để lật đổ chế độ Khơme Đỏ. Pol Pot đã vướng phải sai lầm là đã giết người dân của chính ông ta (kể cả những người gốc Việt) và phát động các cuộc tấn công vào biên giới VN”.
Các sự kiện chính trị bắt đầu nhanh chóng diễn ra theo chiều hướng vô tình có lợi cho Hun Sen. Sau khi bị Pol Pot tấn công, VN cảm thấy bị xúc phạm và xét lại thái độ trung lập của họ đối với người láng giềng bặm trợn. Khi Pol Pot tái bố trí các lực lượng của ông ta từ tây nam Campuchia tới phía đông Campuchia để sẵn sàng tấn công VN, điều đó đã buộc một số lớn người dân Campuchia trốn sang VN.
Nổi giận bởi các cuộc tấn công dã man do Pol Pot phát động, các lực lượng của ông ta đã đốt nhà cửa làng mạc của người Việt và chiếm một số nơi ở tỉnh Tây Ninh vào tháng chín, bộ đội VN đã chống trả các lực lượng Khơme Đỏ ở Svay Rieng, Prey Veng, Kompong Cham, Kratie và một số khu vực của Kandal. Khi những người cầm đầu Khơme Đỏ càng liều lĩnh hơn phát động các cuộc tấn công vào sâu trong tỉnh Tây Ninh của VN vào tháng giêng và tháng hai năm 1978, bộ đội VN đã đánh trả lại bằng hỏa lực gây kinh hoàng.
Nhiều thanh niên VN đã viết đơn bằng máu tình nguyện ra tiền tuyến chống lại quân Khơme Đỏ tiến công tàn sát dã man bà con ở biên giới VN năm 1977
Hun Sen kể: “Tôi rất biết ơn họ đã cho phép dân chúng Campuchia di tản sang các khu vực của họ khi đang bị tấn công và đến sống ở VN. Điều đó đã tạo cho tôi cơ hội tuyển mộ lính cho các lực lượng của mình”. Chính sách tuyển mộ của Hun Sen đã đem lại được lợi ích. Hun Sen bắt đầu xây dựng được cơ sở ủng hộ. Khi thành lập lực lượng chiến đấu trong số những người lánh nạn tùy theo năng lực, Hun Sen đã nổi bật lên như người lãnh đạo đứng đầu của họ.
Bằng trình độ được nâng dần, Hun Sen đã xây dựng được các lực lượng của mình từ con số không.
HARISH & JULIE MEHTA
(LÊ MINH CẨN dịch)
________________________
Cơ quan thông tấn của quân nổi dậy Campuchia đưa tin “Bè lũ Pol Pot - Ieng Sary độc tài quân phiệt đã hoàn toàn sụp đổ”. Chiếc máy bay cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất bay thẳng sang phi trường Pochentong. Hun Sen được chào đón.