Hỏi: Từ bé tôi đã nhiều lần nghe câu ca dao “Dù cho ông ký ông cai, Ăn cơm no bụng thấy khoai cũng thèm” và hiểu theo nghĩa đen là: dân ta từ ngàn năm xưa là dân nông nghiệp nên nghèo và khoai lang vẫn là món ăn chủ lực, nên nội dung câu ca dao trên dùng để nhấn mạnh tầm quan trọng của củ khoai lang. Nhưng ông xã tôi thường trêu tôi rằng cái hay của câu ca dao trên là ở nghĩa bóng. Ông có thể giải thích dùm nghĩa bóng đó được không, tôi xin hậu ta. (Một độc giả nữ - Nha Trang)
Trả lời: Hậu tạ thì chúng tôi không dám, chỉ mong bà ủng hộ và quảng bá Kiến Thức Ngày Nay là đã quý hoá lắm rồi. Ông bà ta thường rất hóm hỉnh và sâu sắc. Ngày xưa các ông ký, ông cai thường nuôi các cô gái ở quê ra làm “ô-sin” giúp việc trong nhà. Do không phải lao động vất vả ngoài đồng ruộng, nên sau một thời gian các cô trắng trẻo ra, xinh hẳn lên và điều đó thường gây phiền toái cho những gia đình có các ông chủ “hào ngọt”. Đó chính là “củ khoai” đang đe doạ ngầm cho “nồi cơm” bà chủ, do đó mới xảy ra tình trạng “hôm nay ô-sin ẵm con cho bà chủ, nhưng năm sau bà chủ lại phải ẵm con cho ô-sin!” Chữ “khoai” ông bà ta dùng thật tài tình, vì nó gợi lên sự bụ bẫm, tròn lẵn, chất phác, không màu mè, và thường có sẳn trong nhà (!), khác với chữ “phở” mang tính “hiện đại” sau này. Cái hay nữa là ngày xưa người ta thích ăn “cơm độn khoai”, nghĩa là vừa có cơm vừa có khoai chứ không thích ăn khoai không hoặc cơm không! Dĩ nhiên câu ca dao dí dỏm trên đây ông nhà chỉ đùa với bà cho vui thôi chứ đâu có thực hiện. Chúc ông bà vui vẻ và hạnh phúc!
(KTNN số 633, ngày 10.03.2008)
|