Lại có một chút quá trớn rồi ! thật là không có ý tứ ! nhưng mà mĩ nữ từ xưa luôn là một điều mà nam nhân lúc nào cũng canh cánh trong lòng, đã nhắc đến là không thể ngừng được. Bản thân tác giả cũng hận không lấy được Nguyệt Quang Bảo Hạp để quay ngược thời gian, trở lại những năm tháng trong quá khứ, để lén nhìn diện mạo của Thánh Nữ, dù có chết cũng không hối tiếc. Bây giờ tiếp tục nói về Thái Sơn Thần Kiếm Môn.
Do Đổng Minh Uyên là một tượng đài của Nho học, bí kiếp trấn môn của Thần Kiếm Môn (Đại Thanh Minh Dịch Kinh) cũng là ngộ ra từ kinh điển của Nho giáo (Kinh Dịch), vì vậy môn hạ đệ tử của Thần Kiếm Môn từ trên xuống dưới đều tôn sùng Nho Đạo, đệ tử không tu luyện võ đạo thì cũng phải học văn đọc sách. Từ xưa đến nay môn hạ của Thần Kiếm Môn đa phần là các học giả uyên thâm, đó chẳng phải là nói chơi. Cũng vì tôn sùng Nho Đạo mà danh xưng của các vị chưởng môn Thần Kiếm Môn luôn có một chữ “Nho”. Môn hạ đệ tử tùy theo trình độ võ công mà phân biệt thành “Lão Phu Tử”, “Phu Tử”, “Công tử”, “Ấu tử”.
Hiện nay, chưởng môn của Thần Kiếm Môn là Cao Nguy Nhiên Cao Nho có một thân võ công siêu phàm nhập hóa, uy danh vang lừng trong thiên hạ. Cao Nho có thể nói là một người hoàn thiện, võ công quán tuyệt thiên hạ. Môn hạ đệ tử của ông không cần nói cũng biết, tất cả đều là nhất đẳng cao thủ (thiên hạ đệ nhất thần kiếm Trần Trì Hiên nghe nói chính là đệ tử bế môn của ông ấy), phần đông những người này hiện nay chính là Lão Phu Tử, Phu Tử có thể thay mặt sư phụ dạy dỗ môn nhân trong Thần Kiếm Môn. Cao Nho không chỉ được người ngoài ngưỡng mộ kính trọng, mà hơn nữa trong môn phái uy vọng càng cao không ai sánh được.
Dưới quyền chưởng môn Thần Kiếm Môn tả hữu có hai vị cùng giúp chưởng môn quản lý các sự việc bên ngoài và bên trong Thần Kiếm Môn. Tả thừa Gia Cát Minh phụ trách Chú Kiếm Chi và cái sự việc đối ngoại, hữu tể Thiết Vô Nhai quản lý sự việc nội vụ Thần Kiếm Môn bao gồm cả việc trừng phạt các đệ tử làm trái môn quy. Tả thừa, hữu tể hai người đều có võ công cao tuyệt, trong môn phái cũng là hai vị Lão Phu Tử, được võ lâm đồng đạo xưng là “tả Gia Cát, hữu Vô Nhai”.
Ngoài ra còn có một số vị Lão Phu Tử và Phu Tử đã thoái vị, cư trú trong Hiệp Ẩn Các phụ trách việc sắp xếp soạn thảo võ công tâm pháp, thư tịch môn phái. Trong đó phải kể cả chưởng môn nhân tiền nhiệm của Thần Kiếm Môn là Diệp Thiên Phong, nghe nói Diệp Thiên Phong đang bế quan tu luyện tuyệt thế thần công. Điều này thật sự khiến người đời phải kinh hãi, với uy vọng và võ công của lão, lại tiếp tục bế quan tu luyện chẳng lẽ lại muốn thành tiên hay sao ?
Dưới quyền của hai vi tả thừa hữu tể có tất cả mười Trai, mỗi Trai có một vị Trai chủ phụ trách truyền thụ võ công cho các đệ tử trong Thần Kiếm Môn. Trần Trì Hiên năm nay ba mươi hai tuổi cũng là người đứng đầu trong mười vị Trai chủ này. Năm mười sáu tuổi Trần Trì Hiên đạt đến danh hiệu Công Tử, năm mười tám tuổi đã là Phu Tử, năm hai mươi hai tuổi ở Tào Châu luận kiếm được thiên hạ xưng tụng là thiên hạ đệ nhất thần kiếm, năm hai mươi bảy tuổi trong cuộc chiến tuyệt đỉnh ở Hoàng Sơn đánh bại Ma Môn tứ đại trưởng lão, từ đó Ma Môn không thể gượng dậy, thiên hạ thái bình. Công lao to lớn của Trần Trì Hiên có thể nói là quán tuyệt thiên hạ. Thần Kiếm Môn phá bỏ tiền lệ đã có từ ngàn năm trước, ngoài chín Trai đã có từ hồi khai môn lập phái, mở thêm “Cổ Sư Trai” để cho Trần Trì Hiên thu nhận đệ tử truyền thụ tuyệt học. Ngày nay Thái Sơn Thần Kiếm Môn có thể nói là nhân tài cực thịnh.
Thảo Căn hằng ngày đều mơ ước được làm anh hùng, vừa mới mua được “Thượng cổ bí tịch” lại lập tức được bái làm môn hạ của một vị truyền kỳ anh hùng, trong lòng tự nhiên là hưng phấn không có cách nào tả được. Sau khi hắn nói muốn trình thư của Ngụy Tử Thành, Thái Sơn môn hạ lập tức dẫn hắn lên núi. Thái Sơn đúng là danh bất hư truyền, sơn thế to lớn, khí thế hùng vĩ. Những cây cổ thụ ngàn năm cành lá tươi tốt, sức mạnh của thiên nhiên như ẩn hiện trong từng thân cây cao vút. Hai bên sơn đạo có rất nhiều chữ viết trên bia đá, chữ viết rồng bay phượng múa như chào đón khách từ xa đến thăm quan nơi đây, ba bước có một cảnh văn, mười bước là một tầng thơ.
Càng lên cao giấc mộng trong lòng Thảo Căn càng bay bổng. Chỉ hận không thể ở giữa đất trời mênh mông mà cất cao giọng, hát một khúc, múa kiếm một hồi cho thỏa thích. Trong lòng lại tự nhủ : ” Cái uy thế hào hùng của một bậc đại hiệp không phải có thể trải rộng khắp trời đất hay sao ? Lý Anh Hùng ta đến đây, nhất định sẽ có một ngày trở thành anh hùng đỉnh thiên lập địa, để cha mẹ vốn không tán thành ta học võ sẽ tự hào về đứa con này của mình, để cho những kẻ đã từng khinh thường ta phải mở to mắt ra mà thán phục, để những người ta yêu thương được vui vẻ tự hào, để thiên hạ chúng sinh phải luôn nhớ đến và yêu kính ta ! Để cho Tiểu Thanh Tử thấy được sức mạnh vô địch của ta…. À không biết bây giờ Tiểu Lăng ra sao nhỉ ?” Nhớ đến Tiểu Lăng trong lòng Thảo Căn liền dâng tràn một cảm giác ấm áp, cho dù hào khí của hắn đang hừng hực bao phủ tâm trí, nhưng trong lòng cũng không tránh khỏi những đợt sóng tình cảm khác lạ.
Để không làm du khách bỏ lỡ việc du ngoạn thắng cảnh ở Thái Sơn, Thần Kiếm Môn có một tòa kiến trúc ở chân núi phía tây Thái Sơn. Trần Trì Hiên văn võ song tu thích ở những nơi yên tĩnh, Cổ Sư Trai chính là ở phía tây chân núi Thái Sơn trong một khe núi tràn ngập hoa đào. Đi giữa một rừng hoa đào, không khí thật yên tĩnh, không hề có một âm thanh náo động nào của loài người, chỉ có những tiếng suối róc rách cùng tiếng chim hót du dương trầm bổng, phong cảnh xanh tươi đẹp đẽ. Trong những khe suối phủ đầy rong rêu từ vách đá sừng sững chảy xuống, thường xuyên xuất hiện Xích Lân ngư, là một loại cá chỉ có ở nơi đây, rất nhiều thân ảnh linh xảo nhẹ nhàng ẩn ẩn hiện hiện trong làn nước trong veo. Thảo Căn chưa từng thấy qua cảnh đẹp như thế này, vẻ mặt như ngây dại hết nhìn phía đông rồi lại ngó phía tây, cũng không biết mình đã tiến vào Sư Cổ Trai vào lúc nào.
Tại chính sảnh của Sư Cổ Trai, Thảo Căn đang nhìn vị sư phụ mà hắn tôn sùng như thiên thần. Trong tưởng tượng của Thảo Căn, Trần Trì Hiên nhất định là một người thân hình to cao vạm vỡ, sự thực không ngờ người hắn gặp lại khác xa một trời một vực so với trí tưởng tượng phong phú của hắn. Trần Trì Hiên vóc người trung bình, cơ thể cân đối, da dẻ trắng ngần, ngũ quan đoan chính, mày kiếm mắt sáng, dưới cằm có ba chòm râu dài. Lúc Thảo Căn đến gặp mặt, trên tay đang cầm một quyển sách. Nếu không có vị đệ tử Thái Sơn ở bên cạnh kính cẩn lễ phép giới thiệu, Thảo Căn tưởng rằng mình đang gặp một văn nhược thư sinh, thật là không thể đoán biết một người thông qua tướng mạo bề ngoài được !
Chỉ nhìn bên ngoài làm sao có ai nghĩ được người này chính là vị anh hùng trong truyền thuyết kiếm thuật cao tuyệt, uy chấn Thần Châu cơ chứ ? Chỉ có điều văn nhược thư sinh này lại có phong thái, khí phách của một bậc vương giả tỏa ra từ bên trong trấn nhiếp người khác.Trần Trì Hiên thân trải qua trăm trận chiến, kiến thức rộng lớn, kinh nghiệm phong phú, phong phạm tuyệt đối không phải là người thường.
Trần Trì Hiên sau khi xem qua bức thư của Ngụy Tử Thành thuận tay nhét vào trong áo, cùng cha mẹ Thảo Căn nói chuyện một hồi lâu. Cha mẹ Thảo Căn thực đều bị phong thái của vị đại sư phụ này thuyết phục. Thảo Căn thì khỏi cần nói đến, hắn sùng bái vị sư phụ anh hùng này sát đất. Sau đó Trần Trì Hiên để cho cha mẹ Thảo Căn nghỉ ngơi rồi dẫn hắn vào thư phòng của ông là Luyện Tâm Các.
Là thư phòng của thiên hạ đệ nhất thần kiếm Trần Trì Hiên, thế nhưng trong đó không hề có lấy một thanh bảo kiếm, ngược lại chỉ có một kệ sách trải rộng ra hai phía, sách tuy nhiều nhưng không hề bừa bộn, cảnh trí được bài trí rất thanh nhã thể hiện chủ nhân là một người đức độ. Thảo Căn mặc dù tuổi còn nhỏ cũng không thông minh cho lắm (so với Tiểu Thanh Tử thì hơn xa, Tiểu Thanh Tử học một đoạn văn thì phải đọc lui đọc tới cả trăm lần) nhưng chỉ trong chốc lát đã bị phong độ, khí chất cùng tình cảm của Trần Trì Hiên khắc ghi trong tâm linh non nớt một cách sâu đậm, soi sáng cho hắn trong suốt cuộc đời còn lại. Đúng là có thầy giỏi dạy dỗ một ngày còn hơn học với thầy dở cả trăm năm !
Trần Trì Hiên thấy Thảo Căn có vẻ rất sùng bái mình, mỉm cười nói : “Lý Anh Hùng, ta thấy nghĩa đệ viết trong thư là ngươi rất thích xem Du Hiệp Liệt Truyện nên từ nhỏ đã lập chí quyết tâm học tập võ công có đúng không ?” Thảo Căn mi thanh mục tú, cho dù không cười cũng làm cho người ta có ba phần vui vẻ, thân toát ra một lực lượng kỳ bí làm người ta có cảm giác dễ gần, hơn nữa hai tròng mắt trong suốt thuần chân vô tà. Trần Trì Hiên trông thấy trong lòng cũng không khỏi nảy sinh một cảm giác yêu mến phi thường.
“Dạ… con cũng muốn như sư phụ là một đại anh hùng !” Thảo Căn thấy Trần Trì Hiên hòa nhã dễ gần, trong lòng cảm thấy rất vui sướng tự nhủ : ”Chừng nào mình mới có thể trở thành một vị đại nhân vật như sư phụ đây ?”
Trần Trì Hiên cười nói :
“Ha ha … anh hùng không phải muốn làm là được, phải nổ lực cố gắng rất nhiều mới được, ngươi có tin tưởng mình làm được không ?”
“Xảy ra sự tình gì mà người có vẻ cao hứng vậy ?” từ cửa thư phòng xuất hiện một vị thiếu phụ như ánh sáng rực rỡ chiếu rọi căn phòng cười hỏi.
“ Cha, cha dẫn con đi bắt cá nghen.” Một bé gái khoảng tám, chín tuổi theo sau chạy đến bên cạnh người đó líu lo nói.
“Sư phụ khỏe a !” cuối cùng là một nam tử chừng hai mươi ba tuổi bước vào ôm quyền thi lễ.