Ha ha...ta không biết và cũng không đọc mục Tunglam nói, vì có thời gian ta vào Vietphrase đọc hay có gì thì vào bình về PNTT.
Nhưng đạo hữu hỏi đến thì ta trả lời một chút về những gì ta biết và những gì ta đoán...
Trước hết phải nói rằng "trọng sinh" hay "trùng sinh", "linh sâm" hay "linh tham" cũng không quan trọng lắm. Lý do, như mọi người đều biết là trong tiếng Việt có rất nhiều yếu tố vay của Hán, có yếu tố vay hai, ba lần vào các thời kỳ khác nhau nên tạo ra cách phát âm khác nhau, như: mả, mồ, mộ; buồn, phiền; buồng, phòng... Do đó mà có chuyện như đạo hữu vừa nói.
Ta nhớ lần mấy vị gv ở ĐH Tổng hợp Hà nội biên tập để in lại bộ Tam Quốc diễn nghĩa, họ đã chữa "thất phu" thành "sất phu" (Như trong lời Khổng Minh mắng Vương Lãng: "Tên thất phu đầu bạc, thằng lão tặc râu trắng kia"...). Lúc đó ta cũng ấm ức, vì một phần ta quen với cách dịch của Phan Kế Bính và Bùi Kỷ, đồng thời ở nhiều sách khác ta cũng chỉ thấy "thất phu" chứ không thấy "sất phu" bao giờ cả. Ngoài ra trong hệ liên tưởng (có thể không chính xác) thì "thất" có thể mang nghĩa "mất", đối nghĩa với "đắc" > "được": "đắc thất thốn tâm tư"... (như "thất tiết", "thất thân", "thất vọng"...> "thất phu">không xứng đáng, không đúng là đàn ông), nếu đổi thành "sất" thì ta thấy khẹc khẹc...con mẹ nó chả có nghĩa chó gì.
Ngoài ra trong tiếng Việt còn phổ biến một hiện tượng ta tạm gọi là biến cận âm đi kèm với di cận nghĩa, như: "chuyên, chuyển, chuyền"; "dù, dầu, dẫu"...("chuyên" chỉ dùng trong vài địa phương miền bắc, như khi rót nước từ cái này sang cái khác, đối với nhiều người Việt khác là không tồn tại)...
Theo ta thì là "trùng" hay "trọng", "sâm" hay "tham"... có thể là thuộc về trường hợp thứ nhất. Có điều rõ ràng là dùng "trùng" thì sự liên tưởng nghĩa của phần lớn người Việt là dễ dàng hơn "trọng" nhiều ("trọng" dễ liên tưởng đến "nặng", "quan trọng" thực ra là "xem nặng", gần giống như "coi khinh" là "xem nhẹ" vậy thôi). Còn "sâm" thì dễ hiểu với nhiều người Việt, "tham" thì hầu như ít người Việt có đủ vốn hiểu biết để dễ dàng tìm ra nghĩa...)
Bên cạnh đó cũng nên lưu ý đến cái mà GS Phan Ngọc gọi là "âm hưởng trang trọng" của các từ Hán-Việt.
Theo ta đoán thì lý do dùng "trọng" hay "tham" là vì nó đúng với cách đọc Hán-Việt ban đầu của hai yếu tố này, chứ không phải cách đọc đã Việt hóa về sau này (có nhiều yếu tố Việt hóa đến mức mà nhiều người cứ nghĩ là gốc Việt chứ không phải gốc Hán, tuy không đúng với trường hợp đang nói, nhưng cứ thử so sánh "mả" và "mộ"; "buồn" (muộn) và "phiền"; "buồng" và "phòng"...thì có thể hình dung ra điều đó).
A a ta cũng dăm điều ba chuyện vậy, có gì sai lầm thì cũng mong các vị có chuyên môn hay hiểu biết hơn chỉnh sửa giúp cho. Sai đâu sửa đấy. Nếu bực lên thì sai cho sai luôn. Hắc hắc...
Last edited by phucvanphan021; 04-11-2009 at 12:16 AM.
|