TTCN - Đêm đen nghịt như cái đít nồi bếp than. Vườn cây kẽo kẹt tiếng cành khô cọ vào nhau và côn trùng rền rĩ. Trong ánh sáng xanh men mét của ống nhòm hồng ngoại chuyên dụng, mười mấy bóng đen đang áp bụng lặng lẽ trườn như con rắn giữa các luống mía. Vài người ngậm ngang miệng súng ngắn K54, còn lại đều trang bị tiểu liên AK. Trên lưng một bóng người to lớn, chùi chũi như con trâu cộ còn vắt ngang một khẩu súng lửa. Hỏa lực mạnh nhất này được tính toán sử dụng trong trường hợp bất khả kháng. Ống nhòm nhích lên trên một chút. Ở vòng ngoài, mấy chục bóng đen khác đã bố trí thành một vòng vây kín kẽ...
Vụ đấu súng kinh hoàng
Đó là đêm không thể quên trong lịch sử chống tội phạm đặc biệt nguy hiểm của Cục Cảnh sát hình sự và Công an Hải Phòng. Cách trước vài tháng, hoạt động của nhân dân địa bàn Đông Bắc, mà nhiều nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh, như chùng hẳn xuống với những trận cướp bóc tàn bạo có vũ trang của một băng cướp mang tên Phà Rừng.
Chúng gần chục tên, hầu hết đều xuất thân từ Hải Phòng, Quảng Ninh, trang bị súng ngắn, AK cưa nòng và lựu đạn. Đối tượng mồi của chúng là những con buôn phố cảng và người dân có xe máy Nhật là hàng hiếm lúc bấy giờ. Mỗi khi ra tay chúng thường mặc áo khoác dài, đội nón bộ đội sụp mặt, luôn lạnh lùng bắn thẳng trước khi cướp. Trong hồ sơ theo dõi nóng bỏng của lực lượng công an, ít nhất gần chục nạn nhân đã thiệt mạng và bị trọng thương vì băng cướp dã man này.
Từ bí mật, bọn chúng chuyển sang hoạt động công khai khi gốc tích từng tên bị trinh sát hình sự lật tẩy. Trong ba tên cầm đầu có hai tên Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Động là anh em ruột cùng ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Còn tên thứ ba là Lê Văn Tú ở Yên Hưng, Quảng Ninh. Tên Động lúc nào cũng kè kè khẩu K54 và hai quả lựu đạn, còn tên Đông và Tú lại không bao giờ rời hai khẩu AK cưa nòng giấu trong áo khoác. Bị lộ, truy bắt ráo riết, bọn chúng khi trốn lên rừng, khi ra biển giả ngư dân nhưng vẫn không dừng những vụ cướp đẫm máu...
Công an Hải Phòng phá vụ án ma túy lớn nhất Hải Phòng Tin trinh sát báo về: băng cướp Phà Rừng biết cùng đường đang tính toán vượt biên. Cùng lúc này lực lượng công an nhận một tin chấn động: chúng vừa cướp của và nổ súng giết chết cùng lúc năm mạng người ở huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Không thể chần chừ được nữa. Mệnh lệnh được ban bố: phải bắt sống hoặc tiêu diệt ngay băng cướp man rợ này. Tổng hợp các “kênh” thông tin cho biết tết này thế nào bọn chúng cũng lẻn về nhà trước khi đi xa. Một tổ đặc nhiệm trung ương do đích thân phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Đỗ Hùng dẫn đầu phối hợp với Công an Hải Phòng tung mẻ lưới cuối cùng. ...15 phút trước giao thừa, trong ống kính hồng ngoại của vòng vây đặc nhiệm, một bóng đen được xác định là tên Động đang men theo bờ ao lẻn về nhà ở xã Thủy Triều. Tất cả súng đã lên đạn. Nhưng mệnh lệnh là ưu tiên bắt sống. Tên Động như con chó dại vừa nghe tiếng hô “đứng lại” đã vãi đạn loạn xạ vào bóng đêm. Các xạ thủ đặc nhiệm buộc phải nổ súng. Gã tướng cướp ngã vật, một tay vẫn bóp chặt khẩu K54, còn tay kia đã rút quả lựu đạn.
Ngay tức khắc hiện trường được phong tỏa để không bị lọt thông tin ra ngoài. Toán đặc nhiệm lại lên đường qua Yên Hưng bắt tiếp hai tên tướng cướp còn lại. 22g05 đêm mồng 3 tết, tên Đông và Tú lẻn qua bãi mía để về nhà tên Tú. Trong lúc lực lượng đặc nhiệm đang tìm cách áp sát để bắt sống thì tên Tú giật mình vì tiếng gió, lia cả tràng AK giòn đanh vào bãi mía nơi toán đặc nhiệm đang ém quân. Các khẩu AK khạc đạn lại. Tên Tú quị xuống nhưng vẫn đủ sức bóp cò chống trả. Lúc này, tên Đông ở bên trong liều mạng vọt ra kéo đồng đảng bị thương vào cố thủ trong căn nhà bỏ hoang và lì lợm đáp trả lời kêu gọi đầu hàng bằng những phát AK khét lẹt.
Địa hình trống trải. Bọn cướp lại trang bị hỏa lực mạnh. Lực lượng đặc nhiệm không cách nào áp sát đành phải đấu súng từ xa. Tuy nhiên, bức tường gạch kiên cố đã che chắn cho bọn chúng. Hàng giờ đồng hồ điểm xạ qua lại không có kết quả, trời đã hửng sáng... Sợ nguy hiểm đến tính mạng người dân khu vực, phương án cuối cùng được đưa ra. Một cảnh sát đặc nhiệm cầm súng lửa được AK bắn hỗ trợ tiến gần đến ngôi nhà và... khai hỏa. Tiếng súng lẹt đẹt vọng ra rồi im bặt.
Những ngày dữ dội
Nhóm tội phạm vị thành niên cướp taxi, xe máy bị Công an quận Ngô Quyền, Hải Phòng bắt gọn Trận đấu súng ác liệt này xảy ra năm 1983, thời kỳ lộng hành của những “yên hùng” đất cảng. Băng Phà Rừng bể, ba tướng cướp đắp chiếu, đám “ong”(+) lần lượt tra tay vào còng “đi nhà mét”(+). Chùng hoạt động một thời gian ngắn, bọn cướp tiếp tục hoành hành trở lại. Những tên như Tiến “lợn”, Nhật “xoăn”... nổi lên không kém phần tàn độc. Cũng AK báng xếp, cưa nòng lận trong áo khoác, chúng bắn trước, cướp sau. Đã từng có thời gian những người đầu tiên đi xe máy Nhật ở Hải Phòng rất sợ phải ra đường ban đêm. Những tên cướp mặc áo mưa, đội nón bộ đội, lầm lì nhả đạn... ám ảnh họ như bóng ma. Rồi Tiến “lợn”, Nhật “xoăn”... cũng lần lượt gãy cánh. Kẻ bị cảnh sát bắn chết tại chỗ. Tên dựa cột pháp trường. Giang hồ đất cảng tưởng lắng xuống, nhưng rồi lại nổi lên những Cu Nên với tay súng tay dao bạt mạng, những Lâm “già”, Minh “sứt”, Dung Hà, Sơn “bình”... đi vào thập niên 1990 ở Hải Phòng bằng hoạt động buôn lậu đường biển, ma túy, tổ chức sòng bài và bảo kê... Chúng hiểu rõ sức mạnh đồng tiền để bôi trơn, giải tội, luồn lách vào những cánh cửa cần thiết.
Hải Phòng trở nên thật sự chật chội, ngột ngạt. Nhiều ”đại ca” đất cảng đã vươn ra tận Hà Nội, Sài Gòn mở “chi nhánh” xã hội đen. Khét tiếng nhất là trùm Minh “sứt” và nữ quái Dung Hà. Ả này đem luôn cả “ong chíp” bầy đàn của mình vào Sài Gòn quyết “di” Năm Cam để giành lãnh địa. Chơi không lại, ả chết hận với viên đạn bắn thẳng vào đầu. Nhưng nếu ả biết được ai bóp cò hạ mình chắc còn uất hận hơn nữa. Đó là hai sát thủ Hà Nội đã được ả tính mua để thanh toán Năm Cam, mà không hề biết “bố già” này đã mua đứt bọn chúng từ trước.
Cái chết đột ngột của Dung Hà làm rúng động giới giang hồ Hải Phòng. Nhưng đám ma ả còn gây xôn xao dư luận lúc đó hơn nữa. Minh “sứt” tung tiền thuê cả một chuyến “chuyên cơ” chở xác về, và hàng ngàn, “ong chíp” đất cảng đồng loạt mặc đồ đen đi vĩnh biệt “chị cả”. Một đám ma lớn có đông bảo vệ có một không hai từ trước đến nay. Trong một buổi sáng, nhiều con đường lớn của thành phố Hải Phòng tắc nghẽn. Cái mộ của ả cũng chẳng giống ai khi lúc nào cũng có... “ong” canh gác, hầu hạ.
Giang hồ lại một phen dậy sóng. Đại ca đắp chiếu. Trùm tướng đi tù. Kẻ thỏ đế rụt cổ. Nhưng cũng là cơ hội ngoi lên của những tay chiếu dưới. Trong đám “ong” Hải Phòng của Dung Hà, Sơn “bình” là đệ tử cưng được tin tưởng cho phò vào tận Sài Gòn. Khi chủ ngã ngựa, Sơn “bình” lép vế xứ người đành quay lại đất cảng xưng hùng. Gã vừa thâu nạp đệ tử vừa đích thân đâm chém, thậm chí nổ súng dằn mặt đối thủ ngay trên đường phố để “lấy số má” với đàn em. Chỉ từ cuối năm 1999 đến giữa năm 2002, gã cùng với đám “ong” lì lợm như Thủy “năm”, Chiến “hồng”, Hòa “ca”... hoạt động bảo kê, bài bạc và “xuống đường” đâm chém hàng chục vụ gây náo động Hải Phòng. Lẽ ra thời xưng bá đất cảng của Sơn “bình” không đoạn vận nhanh nếu đám đàn em của hắn đừng quá “đầu đất”.
Cùng thời hậu Dung Hà với Sơn “bình” còn có tên Giới “trâu”. Gã sinh năm 1972, ở quận Ngô Quyền, cũng một thời từng vào Nam theo phò các “trùm”. Khi biết không thể đấu lại các “bố già” trong đây, gã tự rút về đất cảng chiêu nạp đám bất hảo Cường “gà”, Hải “răm bô”, Hưng “híp”... Dù cũng bảo kê, đâm thuê chém mướn, nhưng Giới “trâu” được giang hồ nể trọng hơn Sơn “bình” một bậc vì gã rất ghét đám nghiện ma túy. Đàn em nào bị phát hiện chơi choác hàng đen đều được gã dùng “nội qui” dần một trận mềm như chuối nhũn và đuổi thẳng cổ. Tuy nhiên, “số má” giang hồ của gã lại chính là những lần “xuống đường” tranh hạng với các băng đảng khác. Chỉ trong mấy tháng, gã đã “di” nát ba băng và cho hơn 10 đầu gấu Hải Phòng ôm đầu máu. Nếu những kẻ bại trận này phục thì được một chầu nhậu chiêu quân, còn chưa gã tiếp tục cho nện đến khi nào thuần thì thôi...
Giã từ đất dữ?
Những tên cướp trẻ ở An Dương, Hải Phòng Những ngày tôi ở Hải Phòng thực hiện phóng sự này cũng là thời điểm nhiều người dân ở khu vực Cầu Rào mới phải một phen mất ngủ, đóng cửa cố thủ trong nhà. Hai băng giang hồ với hơn 40 “ong” của Tuấn “lùn”, Hồng “phong” huyết chiến từ hai hướng đường Lê Thánh Tông và Lạch Tray. Tên bịt mặt nạ, tên để mặt trần, tên đội nón bảo hiểm... cầm mã tấu, dao chặt nước đá, ống nước và giáo dài tự chế đâm chém điên loạn. Trận chiến mới diễn ra mươi phút thì lực lượng phản ứng nhanh 113 ập đến, nhưng hiện trường đã la liệt hai xác chết và hơn 10 tên bị trọng thương... Sau vụ thanh toán đẫm máu này ít hôm, tình hình giang hồ đất cảng lại nóng lên với vụ ông Hoàng Quốc Thái, viện trưởng Viện Qui hoạch, bị sát thủ dùng kiếm chém trọng thương ngay đỉnh đầu; rồi thiếu tá cảnh sát kinh tế Vũ Hoàng Chương, nguyên chánh tòa dân sự Nguyễn Văn Đoàn cũng bị lưỡi lê, dao găm hạ độc thủ mấy nhát... Trong vai một dân chơi dạt vòm từ Sài Gòn, tôi được một đại ca đã gác kiếm ở khu chợ Sắt tổ chức “kênh” tiếp cận một số tay có “số má” giang hồ. Sau mấy vụ “xuống đường” náo động, lực lượng công an chà xát quyết liệt, tình hình có vẻ lắng xuống. Tiếp tôi tại một quán nhậu ở Hải An, hai anh em nhà Cương “lỳ”, Thúy “điên” tiết lộ lúc này đang là thời điểm ngủ đông của các “đại ca”. Còn những tay trực tiếp xuống đường trong mấy vụ vừa rồi, kẻ đã bị công an cho đi “nhà mét”, tên dạt vòm, lẩn trốn khắp nơi. Tất cả hoạt động giang hồ đều co lại, luồn nhẹ, lặn sâu, kể cả hoạt động sòng bài và đánh “hàng phao” (buôn lậu đường biển) khá rầm rộ ở đất cảng lâu nay.
Anh em nhà Cương “lỳ”, Thúy “điên” đều chưa đến 30 tuổi nhưng Thúy “điên” đã mòn cả vân tay vì se bài mỗi ngày và hiện đang sống bằng việc gầy sòng di động. Trong thế giới bài bạc giai đoạn hậu Dung Hà, Thúy “điên” nổi tiếng chơi lớn và chơi liều. Sòng của gã thường không mở cửa đối với những kẻ “bần hàn lôm côm” trong túi có dưới vài chục “vé”. Ai muốn chơi đều phải đặt chỗ trước qua điện thoại. Địa điểm cũng chỉ được thông báo sau khi đã có sự xác nhận danh tánh. Đã từng chơi gian nên cũng nhẵn ngón nghề chơi gian, nhiều lần Thúy “điên” đã phải đổ máu để bảo vệ uy tín sòng. “Số má” của gã thần bài trẻ này càng nổi sau một trận gã hai tay hai vỏ bia, đụng độ nảy lửa với giới bài bạc Cầu Giấy, Hà Nội mà vẫn toàn mạng về đến Hải Phòng.
Không thích nói chuyện ân oán, nhưng cả hai đều khẳng định không thể rời những cây giáo. Sau chó lửa (súng), đây là loại vũ khí đặc biệt tàn bạo của giới giang hồ đất cảng hiện nay. Nó là ống nước bằng thép vát nhọn một đầu, được các sát thủ chuyên dùng để lao vào nhau từ trên xe máy. Kẻ nào bị dính đòn này, máu phun ra như vòi nước, nếu không chết thì cũng vĩnh viễn liệt giường... Thúy “điên” bóp chặt ly rượu, gằn giọng: “Các đại ca Cu Nên, Dung Hà ngã ngựa hình như đã làm cho giang hồ đất này mất đầu lĩnh. Chưa ai đủ số má để kiểm soát chung nên tất cả rơi vào tình trạng lộn xộn, thậm chí cắn nhau. Ai không đủ bản lĩnh thì cũng có nghĩa là rớt đài...”. Hầu hết các “kênh” tin khác mà tôi tiếp cận được cũng đều đồng tình “giang hồ Hải Phòng đang trong thời loạn”, đang nảy sinh đám giang hồ cát cứ, “đầu đất”.
Tiếp tôi tại phòng làm việc có cảnh sát cầm súng bảo vệ bên ngoài, thượng tá Dương Tự Trọng, trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Hải Phòng, lộ rõ gương mặt trầm tư. Người cảnh sát mấy chục năm chuyên trách hình sự và là khắc tinh của giới tội phạm này thừa nhận “danh tiếng” giang hồ Hải Phòng là hoàn toàn có thật. Nhưng ông cũng khẳng định lực lượng cảnh sát địa phương đã rất quyết liệt với bọn chúng. Đã có rất nhiều chuyên án, rất nhiều cuộc đánh dập đầu trước, truy bắt đến tận cùng. Bên cạnh hàng loạt tướng cướp, trùm buôn bán ma túy, bảo kê... khét tiếng bị hạ gục là mồ hôi và máu của không ít chiến sĩ cảnh sát. Tuy nhiên, điều đáng lo âu là lớp tội phạm sau ngoi lên có dấu hiệu trẻ hóa dần...
Đi tìm nguyên nhân, thượng tá Trọng ưu tư cho rằng chỉ có đáp án của ngành cảnh sát là không đủ, bởi vấn đề phức tạp này còn thuộc các phạm vi đạo đức, giáo dục... Và xem ra có lẽ Hải Phòng vẫn chưa thể bước qua khỏi tai tiếng là đất dữ?
--------------------------------
Phố Trạng Trình, nơi Dung “Hà” đặt sòng bạc.
.
Bị bắn chết ở giữa Sài Gòn, nơi mà người đàn bà này những tưởng không có kẻ giang hồ nào dám động đến gót chân, vụ án Dung "Hà" đã một thời làm xôn xao dư luận bởi nó chính là sự khởi đầu cho một chuyên án lớn: Chuyên án Z501 - điều tra về các hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam.
Lớn lên từ đám "ong", "ve" trên hè phố rồi tiếp tục trượt dài trong tội lỗi bởi những cuộc thanh toán sặc mùi máu và ớn lạnh đao, kiếm để tranh giành lãnh địa, lấy "số má", Dung "Hà" đã có lúc leo lên được địa vị của bà trùm, không chỉ trong giới giang hồ đất Cảng, nơi thị sinh ra mà còn cả ở Sài Gòn.
Nhưng rồi, như một sự trả giá, cuộc đời của trùm giang hồ Dung "Hà" đã phải kết thúc một cách đớn đau, ê chề bởi những phát đạn, cũng của chính giang hồ.
Từ “ong ve” bên lề đường chợ Sắt
Trạng Trình là một con phố nhỏ nằm bên này sông Lấp. Gọi là "sông Lấp" nhưng thực tế đó lại là một con sông quanh năm nước cả, dài dễ đến vài cây số chạy suốt từ Nhà triển lãm thành phố đến bến xe Tam Bạc. Ở bờ bên này sông, điểm mút cuối cùng là chợ Sắt. Còn ở bờ bên kia sông, điểm mút cuối cùng là... Trại tạm giam. Không biết có gì hữu ý không trong sự phân chia tự nhiên này, khi mà tất cả đám giang hồ cộm cán nhất ở Hải Phòng hầu như đều tập trung ở cả hai đầu mút này: chợ Sắt và Trại giam.
Bây giờ chợ Sắt đã được xây mới trở thành Trung tâm thương mại hoành tráng, ốp kính sáng choang bốn bề. Nhưng từ nhiều năm trước đây, khi chợ Sắt chỉ là một khu chợ lúp xúp thì nó đã là một địa chỉ kinh doanh sầm uất nhất Hải Phòng mà bằng chứng là khi nhắc đến TP Cảng là nhắc đến chợ Sắt. Người ta có thể tìm thấy tất tật những gì cần tìm ở đây: từ hàng may mặc đến hàng ăn - từ quần bò, áo phông đến mắm tôm, cá khô; từ cái cờ lê, con ốc vít đến cả những bộ dàn âm thanh mà giá cả tính bằng đơn vị cây vàng; từ món đồ chơi trẻ em đến những chiếc xe máy đắt tiền.
Và, trong những mớ hàng hóa hầm bà làng đó, đồ chôm chỉa cũng khá nhiều nên cũng chẳng phải là quá lời khi nói rằng chợ Sắt là trung tâm tiêu thụ đồ gian lớn nhất Hải Phòng. Suốt một dãy phố dài bên này sông Lấp phía chợ Sắt từ Quang Trung, Trạng Trình, Tam Bạc... không chỉ có những người kinh doanh buôn bán mà giang hồ Hải Phòng cũng tập trung về đây, kiếm sống bằng nghề chôm chỉa, bảo kê, lừa lọc ở cái con phố lúc nào cũng tấp nập người bán kẻ mua này.
Dung “Hà” sinh ra và lớn lên ở đây, trong một ngôi nhà nhỏ ở trong một con ngõ cũng nhỏ ở phố Trạng Trình. Dung (tên thật là Vũ Hoàng Dung) sinh năm 1965 là con gái út, trên Dung còn có 2 chị gái và một anh trai. Sự phức tạp của cuộc sống bên lề chợ Sắt, bước ra khỏi cửa nhà là nhìn thấy lừa lọc, trộm cắp, là chạm mặt giang hồ cộng với bản tính ngỗ ngược vốn có đã khiến Dung quăng mình ra lề đường từ rất sớm. Dân chợ Sắt thời ấy đã quá quen với hình ảnh một cô gái mặt còn non choẹt nhưng nom rất ngông nghênh.
Dù sở hữu một gương mặt khá xinh xắn với nước da sáng, mũi thẳng nhưng khác với những cô gái khác, Dung “Hà” toàn ăn vận theo kiểu đàn ông. Trong trang phục được coi là mốt của giang hồ thời đó với quần dõng (quần bộ đội) rộng thùng thình, áo mông-tơ-ghi cổ bẻ, dép đúc bộ đội, nhìn Dung “Hà” không ai tin được đó lại là một cô gái.
Trở thành "ong ve" (từ lóng chỉ đám giang hồ vặt) từ khi còn ở tuổi thiếu niên nhưng ở thời kỳ này, Dung “Hà” cũng chỉ bắt đầu cuộc đời giang hồ bằng những trò trộm cắp, giật đồ vặt vãnh ở quanh khu vực chợ Sắt chứ chưa liều lĩnh. Thế rồi, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Giữa năm 1986, trong một lần cướp giật đồ của người đi đường ở khu vực chợ Sắt, Dung “Hà” bị bắt và bị đưa về bên kia sông Lấp, tạm giam trong Trại tạm giam Hải Phòng. Khi ấy, Dung “Hà” mới 21 tuổi và bản án 12 tháng tù giam về tội cướp giật do Tòa án Nhân dân quận Hồng Bàng tuyên phạt là tiền án đầu tiên đánh dấu giai đoạn làm "ong ve” của Dung “Hà”.
Nhưng bản án tù đầu tiên không làm Dung “Hà” thức tỉnh mà trái lại nó lại được coi như một "điểm cộng" trong thang giá trị đen theo quan niệm lệch lạc đến bệnh hoạn của giới giang hồ. Ra tù, Dung “Hà” lại trở lại lề đường chợ Sắt nhưng lần này, khi đã lận lưng một tiền án, thì với đám giang hồ, địa vị của Dung “Hà” đã bắt đầu khác. Cũng vào thời kỳ này, theo đồn đại của giới giang hồ thì Dung “Hà” cũng đã bắt đầu yêu. Thì ra, giấu bên trong vẻ ngoài đàn ông, ẩn đằng sau sự ngang tàng, ngông nghênh vẫn là một trái tim đàn bà, cũng loạn nhịp khi gặp một "tri kỷ". Nhưng "tri kỷ" của Dung, tiếc thay, lại cũng là một giang hồ và là một giang hồ có số má ở Hải Phòng thời đó. Ấy là Hùng, biệt danh Hùng “cốm”.
Sau này, có người bảo rằng, giá như Dung Hà gặp được một người khác, không phải giang hồ thì biết đâu cuộc đời Dung sẽ khác, biết đâu cô ấy sẽ hoàn lương. Bởi tình yêu, với bản chất tốt đẹp của nó thường làm nên những điều kỳ diệu mà đôi khi vượt xa cả những tưởng tượng dù là hoang đường nhất. Nhưng mà, Dung “Hà” là một giang hồ nên tri kỷ với một giang hồ, âu cũng là điều khó tránh khỏi.
Nhà Hùng “cốm” trước đây ở đường Lạch Tray, gia đình lương thiện, chỉ có mỗi mình Hùng là hư hỏng từ nhỏ. Hùng vào tù ra khám nhiều như cơm bữa và giang hồ Hải Phòng những năm 1985 - 1990 chưa có kẻ nào qua mặt được Hùng. Là người yêu của Hùng, cộng thêm với bản tính ngỗ ngược vốn có, đương nhiên Dung được xếp vào chiếu trên, và tất nhiên được đám đệ tử coi như bề chị. Cứ thế, cùng với tình yêu kiểu trai tứ chiếng gặp gái giang hồ, Dung mỗi ngày một nổi tiếng hơn, đồng nghĩa với việc mỗi ngày càng dấn sâu hơn vào con đường tội lỗi.
Thế rồi Hùng bị bắt vì tội cướp và bị giam tại Trại tạm giam Hải Phòng. Là đại bàng ngay cả khi đã ở tù, Hùng cùng với một số tên khác đã đánh chết một phạm nhân cùng buồng giam và vì tội trạng này, Hùng bị tuyên án tử hình. Bị biệt giam, Hùng như con hổ lồng lộn trong chuồng, và một lần lợi dụng lúc được đi tắm, Hùng đã chạy vuột ra phía cửa hòng vượt ngục. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát bảo vệ trại giam ở tháp canh phía ngoài đã kịp thời nổ súng ngăn chặn.
Vụ vượt ngục không thành này của Hùng "cốm", sau này được giới giang hồ Hải Phòng truyền nhau rằng, do chính bàn tay đạo diễn của Dung “Hà”. Nếu trót lọt, Hùng “cốm” sẽ trốn sang Hồng Công bằng đường biển theo một đường dây mà Dung đã sắp đặt sẵn. Sau khi bị bắt trở lại, Hùng "cốm" đã tự tử trong buồng giam và mối tình của Dung “Hà” đã đi vào dĩ vãng nhưng nó đã đánh dấu sự trượt dốc không phanh của người đàn bà này xuống vực thẳm của tội lỗi. Sau vụ vượt ngục, dù là bất thành, của Hùng "cốm", tiếng tăm Dung “Hà” mỗi ngày một nổi như cồn và như thế, hy vọng hoàn lương của người đàn bà tội lỗi này ngày càng xa ngái...
Sau cái chết của Hùng "cốm", sau khi từ hàng “ong ve” được đẩy lên thành đàn chị, năm 1991, Dung “Hà” lại bị bắt giam một lần nữa bởi tham gia vào một vụ gây lộn, cũng ở chợ Sắt. Lần này, Dung Hà bị xử 7 tháng tù giam. Thêm một tiền án, lại thêm một "điểm cộng" trong giang hồ, đồng nghĩa với việc dấn sâu thêm nữa vào con đường tội lỗi...
Đến bà trùm của công ty cờ bạc
Dung "Hà".
Bấy giờ, ở Hải Phòng, cùng ở hàng “soái” như Dung Hà còn có 2 người nữa. Đó là Cu Nên (nhà ở đường Lạch Tray) và Lâm “già” (nhà ở đường Lê Lợi). Nhưng Cu Nên và Lâm “già” đã nổi trước Dung “Hà” một thời gian khá lâu, suốt từ thời Dung Hà còn ở hàng "ong". Thời đó, Cu Nên và Lâm “già” đối nhau như "nước" với "lửa", đám “ong ve” tay chân của hai bên lúc nào cũng trong tư thế đối đầu nhau để tranh giành lãnh địa hoạt động cờ bạc, bảo kê. Có lần, ngôi nhà của Nên ở đường Lạch Tray bỗng nhiên bị kẻ lạ mặt nào đó nhằm vào nhả đạn. Đoán chắc là đàn ong của Lâm “già” muốn đến gây chuyện, thế là chỉ ít phút sau Cu Nên cũng lập tức cho đám thuộc hạ vác súng đến nhà Lâm “già” ở đường Lê Lợi bắn trả. Cho đến khi Dung “Hà” nhoi lên hàng soái thì đối đầu nhau không chỉ có Cu Nên và Lâm “già” mà còn thêm cả Dung “Hà” nữa.
Tuy ít hơn Lâm già và Cu Nên đến gần chục tuổi, lại nhoi lên hàng "soái" sau nhiều năm nhưng về độ liều lĩnh, Dung “Hà” luôn tỏ ra vượt trội. Phần vì để chứng tỏ bản lĩnh giang hồ. Phần vì để tranh giành lãnh địa hoạt động của kẻ đến sau.
Cũng giống như tất cả các soái khác, lên hàng chị, Dung thôi mấy ngón nghề trộm cắp, giật dọc vặt vãnh ở lề đường chợ Sắt. Bởi lẽ, mấy thứ ấy chỉ đám "ong ve" mới làm. Từ trộm cắp, giựt dọc, khi đã có trong tay cả bầy đệ tử sẵn sàng đao búa, Dung bắt đầu chuyển qua làm trùm cờ bạc. "Con đường chuyển đổi" này của Dung cũng giống như tất thảy các soái khác. Cu Nên, Tin Palét và ngay cả sau này là Năm Cam, tất cả đều như vậy. Bảo kê và cờ bạc là đích đến của tất cả các ông trùm. Bởi, lợi nhuận thu được từ hoạt động này rất lớn.
Theo cách của Cu Nên lúc bấy giờ, Dung “Hà” cũng chơi bạc theo kiểu "công ty". Sở dĩ gọi là "công ty" là vì chơi bạc kiểu này "nhà cái" không chỉ có một người. Nhiều người sẽ cùng góp vốn, số tiền góp này gọi là "tiền tẩy" và được đựng vào trong một cái thùng gọi là "thùng tẩy". Khi thắng bạc, tiền thắng sẽ được gom vào thùng tẩy. Khi thua bạc thì rút tiền ở trong thùng tẩy ra thanh toán. Kết thúc canh bạc, thùng tẩy sẽ được mở, toàn bộ số tiền trong đó sẽ được chia cho những người góp tẩy theo tỉ lệ tiền tẩy đã đóng góp.
Vào thời điểm những năm 1994-1995 thì tại Hải Phòng đây là một hình thức tổ chức cờ bạc mới và chỉ có những giang hồ có số má mới dám làm. Lẽ vì, kết thúc canh bạc, nếu thắng mà thùng tẩy bị cướp thì cũng coi như những người góp tẩy mất trắng cả cơ nghiệp. Mà ác nỗi là sẽ phải ngậm đắng nuốt cay, không dám hé răng khai báo với công an. Phần vì sợ giang hồ trả thù. Phần vì, đánh bạc là phạm tội nên báo công an chả khác gì tự chui đầu vào rọ, chết cả lút.
Công ty cờ bạc của Bùi Văn Q. ở Kiến An đã có lần bị Phạm Đình Nên và đám đệ tử của ông trùm này cậy thế giang hồ để cướp tẩy kiểu này mà phải cắn răng chịu nhục. Số là vào quãng đầu năm 1995 cùng 7 người nữa cùng góp tẩy để mở công ty cờ bạc tại nhà Q. Công ty mở được độ chục ngày thì Phạm Đình Nên cùng 2 đệ tử sang xin góp tẩy. Lúc bấy giờ, tiếng tăm của Nên đã lừng lẫy trong giang hồ Hải Phòng nên dù thực bụng không muốn nhưng Q. vẫn phải đồng ý. Góp tẩy xong, Nên quay về Hải Phòng, để rồi 3 ngày sau lại quay lại. Nhưng lần này Nên mang theo súng. Khi ông trùm vén áo, rút khẩu súng K59 chẳng nói chẳng rằng, lạnh lùng vứt ra giữa chiếu bạc thì cũng là lúc hai đệ tử từ tốn bước vào, thản nhiên bê thùng tẩy ra ngoài, quẳng lên ôtô, chạy thẳng về Hải Phòng.
Mất sạch vốn liếng, Q. và đám góp tẩy căm lắm, tiếc tiền đứt ruột nhưng đành phải nuốt nước mắt vào trong. Công ty cờ bạc của Q., sau vụ cướp tẩy trắng trợn này phải ngậm ngùi đóng cửa. Cho đến khi Dung “Hà” xuất hiện. Đó là một buổi chiều muộn. Dung cùng một bầy “ong”, tất cả đều cưỡi RingBell, đen chấy và bóng nhẫy, sầm sập đổ vào nhà Q. Dung Hà dẫn đầu, thò tay vào túi quần dõng rộng thùng thình lôi ra một bọc tiền vứt xuống giữa nhà, hất hàm bảo Q: "Tiền tẩy của tôi đấy". Thấy bọc tiền, mắt Q. sáng lên nhưng nghĩ đến khẩu súng của Nên hôm trước là Q. lại run bần bật: "Em không dám nhận tẩy đâu. Công ty em từ bữa anh Nên qua, đóng cửa rồi! Em sợ...". Không đợi cho Q. nói hết câu, Dung “Hà” phẩy tay, mắt long lên sòng sọc: "Cứ mở lại công ty, thằng nào muốn cướp tao thách sang đây mà cướp".
Biết uy của "chị", Q. thoát khỏi mối lo bị mất thùng tẩy nên thành lập lại công ty. Công ty này mở được chừng vài ba ngày thì đám chim lợn đánh hơi thấy sòng bạc này có dấu hiệu bị lộ nên đã chuyển về Núi Đèo, Thủy Nguyên, một địa điểm cách đó chừng chục cây số để hoạt động. Góp tẩy vào đây, Dung Hà thắng lớn vì số lượng con bạc đến chơi rất đông, ngày ít khoảng chừng 20 con bạc, ngày nhiều lên tới 40. Cũng nhờ vào "uy" của Dung “Hà” mà Q. và đám góp tẩy trong công ty vớ bẫm.