Đầu năm 2010 đến nay, lần lượt một số băng nhóm xã hội đen cộm cán như băng Long Thanh - Hưng "vườn điều" ở Đồng Nai, băng Hùng "trắng", Oanh "hà" ở TP HCM…đã bị Công an triệt phá. Các băng nhóm này đều quy tụ toàn những tên giang hồ gốc Bắc, hoạt động liều lĩnh, quyết liệt, quy mô tổ chức có phần chặt chẽ, quy củ hơn so với đám lưu manh bản địa.
Đã có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ giang hồ "Trà Bắc" đang ngóc đầu dậy trở lại, chuyển địa bàn hoạt động phạm tội vào TP HCM và một số tỉnh lân cận.
Kỳ I : Những kẻ tiên phong
Danh xưng "giang hồ Trà Bắc" chỉ trở nên quen thuộc từ sau vụ thanh toán băng đảng giết chết nữ quái Dung "Hà" năm 2000, khi cả kẻ tổ chức hành quyết, người đóng vai đao phủ lẫn nạn nhân đều là những tay anh chị gốc Bắc. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cách gọi thì đã có từ lâu.
Trong dòng người di cư từ Bắc vào Nam sau năm 1954 cũng có không ít tên anh chị, lưu manh chuyên nghiệp nhưng không nổi tiếng. Bất ngờ, Hỏi Phôồng Kin, một gã vô danh tiểu tốt bỗng ngang xương thách đấu tay đôi với Tín Mã Nàm - vua Hắc Đạo quân 5. Điều kiện: Ai thua sẽ phải nhường "sao, nút" và lãnh địa cho kẻ thắng.
Tên gọi sặc mùi "Chệt" khiến giang hồ Sài Gòn đoán non đoán già: chắc vừa có thêm một tay anh chị thứ dữ sẩy chân từ đâu Hồng Kông, Ma Cao hay Bến Thượng Hải chi đó lạc qua Sài Gòn mưu định bá đồ vương. Hỏi Phôồng Kin, nghe cũng sặc mùi thảo khấu, giống biệt danh của một loạt tay anh chị người Hoa như Sú Há, Quẩy Thầu Hao, Hắc Quẩy Chảy…
Đã vậy, bị thách đấu lại là Tín Mã Nàm (Con ngựa điên, tên thật là Trần Hà Tư), đầu lĩnh của tất cả các đầu lĩnh giang hồ gốc Hoa vùng Chợ Lớn. Năm 17 tuổi, Tín Mã Nàm đã từng hạ đo ván vô địch võ thuật Ma Cao, sau đó lại hạ gục luôn cả thầy võ của mình ngay trên lề phố trong một chiều mưa bụi, dù trước đó ông thầy đã ưu ái truyền nghề, lại còn gả cả cô con gái rượu tên là Cắm Lìn (Cẩm Liên) cho hắn.
Võ nghệ thượng thừa, lại tàn bạo, lạnh lùng, ngôi vị "ông trùm", của Tín Mã Nàm nghiễm nhiên được thừa nhận và trở nên độc tôn. Dám khiêu khích, kẻ thách đấu nếu không phải là một thằng điên không biết sống chết là gì thì phải là một tay võ nghệ siêu quần, bản lĩnh cái thế. Hồi hộp, giang hồ Sài Gòn nín thở chờ kết quả.
Năm Cam (giữa) và Trường xoăn (trái), Hưng "phi nhon" (phải), 2 giang hồ Trà Bắc trực tiếp hành quyết Dung “Hà”.
"Bé cái lầm"! Hỏi Phôồng Kin nghĩa là Kim Hải Phòng đọc trại theo giọng Hải Nàm như mấy chú Khách bán mì gõ, phá xa ở đất Cảng mà thành, chẳng liên quan quái gì đến cả Hồng Kông nhượng địa lẫn Trung Hoa lục địa. Gã chỉ là một thằng oắt con trốn lính, không bạch diện thư sinh gì lắm nhưng cũng chẳng hề to cao hơn ai, tuổi mới xấp xỉ 25, "cố hương" nằm đâu đó bên sông Cấm.
Vào cuộc, đấu tay không, Tín Mã Nàm cho Hỏi Phôồng Kin ăn đất. Đấu với binh khí tự chọn, Tín Mã Nàm tỏ ra tay trên, không dùng những thứ dễ sát thương như đao hay thương mà dùng trường côn và suýt …mất mạng.
Hỏi Phôồng Kin "sử" một thứ đồ chơi lạ mắt là một cặp dùi sắt, trông như hai cái que cời lửa được vót nhọn. Ba lần, cặp dùi đều gí sát vào cổ, ngực và bụng Tín Mã Nàm rồi dừng lại. Dù rất giỏi võ, Tín Mã Nàm cũng phải "kinh" cặp "đoạt mệnh song tiêu" và phẩm chất "thích khách" của đối phương. Càng đáng nể hơn, kẻ thách đấu chỉ đơn thương độc mã, xong chỉ cười khì khì, chẳng tỏ ra căng thẳng hay hồi hộp chút nào.
Hoà, nhưng nể, Tín Mã Nàm lưu khách lại khách sạn Hào Huê đãi đằng, hỏi muốn gì để nhường. Hỏi Phôồng Kin chỉ cười, rất xách mé: "Nghe tiếng "ông anh" võ công thâm hậu, đến đấu chơi… cho vui, sợ bị từ chối nên thách thức mạnh mồm chứ có cần quái gì đâu!".
Những năm sau đó, dù tiếng tăm vang dội, Hỏi Phôồng Kin cũng chỉ là một tay du đãng…lo chơi là chính, không màng đến chuyện tranh quyền đoạt lợi hay đấu đá băng đảng.
Vai trò khuếch trương nhãn hiệu giang hồ Bắc thuộc về anh em Sơn Đảo - những thằng trai du đãng con một gia đình gốc Hải Dương chuyên nghề làm giò chả ở khu vực chợ Ông Tạ, Tân Bình. Sơn Đảo tên thật là Vũ Đình Khánh, ngồi tù khổ sai Côn Đảo 5 năm vì tội chém người. Cả 4 anh em Khánh, Cương "võ sĩ", Tiềm, Hoàng Bệu đều là môn sinh của võ đường Hổ Bạch Ân nổi tiếng khu vực Tân Bình.
Năm 1965, mãn hạn tù, Sơn Đảo tổ chức cho toàn bộ anh em trai trong gia đình "chuyển đổi cơ cấu ngành nghề", bỏ truyền thống giã thịt quết chả sang buôn bán bạch phiến (cocain). Phất nhanh, Sơn Đảo đã bỏ tiền ra bảo trợ cho võ đường Hổ Bạch Ân, đồng thời xây phòng tập riêng trong trại lính dù Hoàng Hoa Thám.
Đổi lại, anh em Sơn Đảo nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, độc quyền cung cấp bạch phiến trên một khu vực rộng lớn quanh khu vực Chợ Ông Tạ - Lăng Cha Cả và hai trục đường lớn là Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ) và Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám).
Sóng bước cùng tay anh chị mới phất trong những trận ăn chơi đập phá là những tấm lá chắn mà dân chơi Sài Gòn nghe tên là phải "ớn ba sườn, không dám đụng": Trung tá Lê Quang Lường, Trung tá Be (ban 2 Dù),Thiếu tá Đường (Sư đoàn 3 Dù), Trung uý Nguyên, con nuôi tướng Cao Văn Viên v.v...--PageBreak--
Thế cao, lực mạnh, nhưng lại lụn bại trong thảm kịch. Cuối năm 1972, Vũ Đình Cương bị nhốt vào Trại Chí Hoà. Giỏi võ, ít nói nhưng rất uy tín, Cương trở thành "hiệp sĩ trong bóng tối" chuyên đứng ra dàn xếp những xích mích giang hồ ở trong tù. Định ra tay trừng trị Lâm Chín Ngón (cũng là một giang hồ Bắc gốc Sơn Tây, kẻ sau này bị Năm Cam sai Dung "Hà" tạt axit) vì "can tội" tranh quyền cung cấp ma tuý trong tù, Cương đã bị Lâm dùng chiêu "hai tay ba đao" bất ngờ đâm chết tại chỗ.
Lồng lộn, Sơn Đảo đã bỏ tiền thuê một Nguyễn Văn Hoàng, biệt danh Hoàng "đầu lâu", đai đen tứ đẳng Taekwondo dùng "khổ nhục kế" cố tình gây án để được vào tù ngồi chung buồng với Lâm Chín Ngón, rình cơ hội giúp Sơn Đảo giết Lâm để trả thù cho em. Sớm phát hiện, Lâm Chín Ngón đã nhờ tướng Lam Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm huấn luyện Thủ Đức, lỡ tay bắn chết quản gia nên phải vào tù mua giúp một chai Remy Martin đưa vào buồng giam.
Không nghi ngờ, Hoàng "đầu lâu" đã nốc cạn chai rượu khi được đàn anh khoản đãi và say mèm, nằm thẳng cẳng. Lâm Chín Ngón đã nấu nước sôi, đổ ụp lên mặt Hoàng và dùng dao lá lúa chuẩn bị sẵn đâm liên tục giết chết Hoàng.
Nợ cũ chưa thanh toán, Sơn Đảo lại dính vào một cuộc tranh chấp giang hồ khác. Y "Cà-lết" (Phạm Bá Y, sau giải phóng bị tử hình vì cướp của giết người) là đại lý "hàng đen" (thuốc phiện) khu Xóm Đạo, quận I (sau Bệnh viện Từ Dũ), cạnh tranh quyết liệt với Sơn Đảo. Một lần, khi đến thăm nhân tình cũ là Trang Barcaras, cô vũ nữ thoát y nổi tiếng của vũ trường Barcaras, Sơn Đảo bất ngờ chạm trán Y "Cà-lết" cũng đang ve vãn người đẹp. Cậy thế đàn anh, Sơn Đảo đã giáng cho Y "Cà -lết" mấy bạt tai và đuổi ra khỏi nhà để hạ nhục. Y "Cà -lết" găm hận vào lòng.
Cuối tháng 1/1975, khi vừa cùng đám sĩ quan dù rời khỏi vũ trường Crystal, kết thúc một đêm ăn chơi tới bến, Sơn Đảo đã bị hai sát thủ chở nhau trên Honda 67 xoáy nòng phóng vút tới xả nguyên một băng đạn vào lưng. Kẻ cầm lái là Ba Tiến, còn kẻ bóp cò súng lấy mạng Sơn Đảo là Xã Xệ, tức Phạm Bá Tiến, em ruột Phạm Bá Y!
Sau giải phóng, giang hồ Bắc gần như biến mất. Mãi đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, theo chân những "dân chơi" xuất thân thuỷ thủ tàu viễn dương bỏ nghề, lác đác bóng dáng dân chơi đất Bắc mới bắt đầu xuất hiện ở TP HCM. Đầu tiên có T. "mắt cá", N. "râu", H. "bụi", sau đó là Nhơn "Bạch Đằng", (ra toà vì liên quan đến khẩu súng trong vụ bắn Dung "Hà"), Thuỷ "té", Thành "chân", Mơ "chân", Cường "híp" rồi anh em Bình "kiểm" (vụ bắt cóc Trầm Trọng Ngân đòi 10 triệu USD tiền chuộc)….
Hầu hết giang hồ Bắc đều tụ tập quanh các trục đường vây quanh chợ Bến Thành, quận I. Ban ngày, có một tủ thuốc lá kiêm xăng lẻ nằm lẻ loi ở góc công viên 23/9, sát bùng binh Quách Thị Trang do N. "râu" làm chủ. Đó chính là "Trung tâm thông tin giang hồ Trà Bắc".
Tuỳ mức độ thân quen và khả năng chịu chung chi, dân chơi có thể moi được đủ loại thông tin, từ chuyện tên nào mới "chuyển hộ khẩu" (vào tù), chỗ nào có thể "chống móm" (cho vay lãi nặng), đang "vã" (cần ma tuý) kiếm ở đâu, có phi vụ muốn làm ăn, tìm "tay" để "hợp cạ" (lập băng đảng)... Thay vì đặt cục gạch ống, chụp vỏ tút thuốc lá lên trên làm dấu hiệu như dân Sài Gòn, cây xăng Trà Bắc thay bằng một vỏ chai nước ngọt loại 1,25 lít. Nếu cái chai lật úp thì nghĩa là "biến đi em giai, Công an đang theo dõi".
Khu Đồng Khánh xưa, một phần lãnh địa của Tín Mã Nàm.
Ban đêm, khi các tiệm buôn bán trên đường Phạm Hồng Thái kéo cửa sắt kết thúc một ngày bận rộn thì lập tức, hàng loạt chiếc chiếu cạp được trải ra trên lề đường, kéo một đoạn dài từ cửa chợ Bến Thành đến gần hết ranh giới công viên 23-9 (khách sạn New World hiện nay).
Dưới ánh sáng leo lét của đèn dầu, ba thứ phong vị Bắc không thể thiếu là chè chén, thuốc lào, kẹo lạc được bày ra. 100% khách thượng tọa đều nói tiếng Bắc, đều hoặc là mối (chỗ thân quen) với giới giang hồ hoặc chính hiệu giang hồ. Khách đến Trà Bắc đều đi nhẹ, nói khẽ, có ho thì cũng chỉ húng hắng. Thắng "Tài Dậu" cũng đã từng ngồi nhẵn quần trên những tấm chiếu cạp này.
Giang hồ Sài Gòn lúc đầu chẳng thèm chú ý. Có chăng, chúng chỉ cười khẩy thói sĩ diện, vì giang hồ "Ba-ke" thằng nào cũng áo sơ mi cài măng sét, áo pull đóng thùng, đeo thắt lưng cẩn thận như công chức, không khét mù, bặm trợn như mấy chú giang hồ - bốc vác -xe ôm khu chợ Cầu Muối cách đó chừng nửa km. Đã thế, cái gã N. "râu" lại còn để ria mép rất oách, đẹp trai như tài tử Clark Gable (vai nam chính trong siêu phẩm "Cuốn theo chiều gió" của điện ảnh Mỹ) lúc… về già và gầy đi 25kg!
Một đêm giữa tháng 8/1995, dân chơi bỗng kéo đến Trà Bắc đông lạ thường. Rượu cuốc lủi nút lá chuối, giò, nem, ninh, mọc… không biết từ đâu bỗng được bày ra chiếu thay cho thuốc lào, kẹo lạc, chè chén rồi sẽ dùng sau. Thật sự, đó là đêm giang hồ Bắc ra mắt chính thức, tổ chức cái gọi là "Đại hội giang hồ Trà Bắc tại Sài Gòn lần thứ I". Một giai đoạn bung ra, tranh giành đẫm máu giữa giang hồ Bắc với giang hồ sở tại, từ đêm đó đã chính thức bắt đầu
|