Chương 11
Nhật ký của Lucy Wec
Ngày 12 tháng 9
Tất cả những người xung quanh tôi đều tốt với tôi quá!
Tôi rất quý ông bác sĩ già Van Helsing ấy, nhưng chỉ có điều là không hiểu tại sao ông cứ nhất thiết phải đặt những bông hoa như vậy. Quả thực ông đã làm tôi sợ ông có vẻ hơi độc đoán! Tuy nhiên, hẳn là ông phải có lý của ông, bởi bây giờ tôi đã cảm thấy trong người khỏe khoắn và nhẹ nhõm hơn. Buổi tối, tôi đã ngủ thật yên giấc và không còn sợ ở một mình nữa. Tiếng vỗ cánh cửa chim thú đập vào cửa kính cũng không còn là vấn đề đối với tôi. Ôi! Vậy là tôi không còn phải nghĩ đến chuyện ra sức cưỡng lại giấc ngủ như trước? Xin chào từ biệt nỗi cơ cực của những đêm chống lại cơn buồn ngủ, chào nỗi sợ chìm vào giấc ngủ cùng những cơn ác mộng đổ lên người tôi! Thật là hạnh phúc cho những người không sợ ai, không nghi ngờ điều gì bao giờ, những người hễ đặt lưng là chìm vào giấc ngủ bình yên với những giấc mơ êm dịu! Thật là hạnh phúc? Tối nay tôi cũng sẽ như họ, tôi sẽ gọi giấc ngủ đến với mình, tôi hy vọng mình sẽ đi ngay vào giấc ngủ! Tôi không biết rằng mùi tỏi lại có thể đem tới sự dễ chịu - trái lại... Cái mùi đã dịu đi của nó... Tôi cảm thấy mình đang thiếp đi. Chúc mọi người ngủ ngon...
Nhật ký của bác sĩ Seward
Ngày 13 tháng 9
Tới Berkeley, tôi thấy Van Helsing đã đứng đợi tôi từ lúc nào. Chiếc xe do khách sạn gọi hộ chúng tôi đang đậu ở trước cửa. Như thường lệ, hôm nay ông cũng mang theo chiếc túi đựng đồ lề.
Chúng tôi tới Hillingham vào khoảng 8 giờ. Một buổi sáng rạng rỡ ánh mặt trời mùa thu đang đón chào chúng tôi. Các tán lá đủ màu sắc vẫn e lệ lấp ló trên những hàng cây như chưa muốn buông rơi trước những cơn gió đầu thu mát lạnh.
Tới hành lang, chúng tôi gặp bà Westenra. Như thường lệ, bà luôn dậy từ rất sớm. Bà đón chúng tôi bằng một giọng rất hồ hởi :
- Hẳn các ngài sẽ rất vui khi biết tình hình của Lucy đã khá hơn nhiều! Tôi vừa hé cửa ra nhòm vào, nó vẫn đang, ngủ, tôi không dám vào vì sợ làm nó tỉnh giấc.
Giáo sư mỉm cười, rõ ràng là ông đang rất sung sướng. Một lát sau ông mới xoa tay nói :
- Hay! Chẩn đoán của tôi thế mà đúng! Vậy là phương pháp điều trị đã mang lại kết quả.
Bà Westenra cũng góp thêm lời :
- Sức khỏe của cơn gái tôi khá lên không phải chỉ do cách điều trị của ông đâu nhé. Nếu như Lucy có được một thể trạng khỏe khoắn như sáng nay, thì một phần cũng là nhờ công của tôi đấy.
- Bà muốn nói gì vậy, thưa bà?
- Có gì đâu! Tối qua, tự nhiên cảm thấy lo, tôi đã mò sang phòng con bé. Nó ngủ say đến nỗi tôi bước vào phòng mà nó vẫn không hề biết. Căn phòng thiếu không khí quá. Ai lại đóng kín mít phòng lại như thế bao giờ. Mà không hiểu con bé đã thưa ở đâu về toàn những bông hoa có cái mùi ghê thế không biết. Nó lại còn quấn hoa xung quanh cổ nữa chứ! Thật không thể nào chịu nổi! Nhìn cái thể trạng nhợt nhạt của nó, tôi thấy để mấy bông hoa ấy ở trong phòng là không ổn nên đã bỏ hết đi trước khi mở hé cửa sổ ra cho thoáng. Tôi tin chắc ông sẽ rất hài lòng về tình hình sức khỏe của con bé.
Nói chưa dứt lời, bà tủm tỉm bỏ sang phòng khác, nơi bà vẫn quen ngồi ăn sáng một mình. Trong lúc người đàn bà tội nghiệp này luyên thuyên kể về công trạng của mình, tôi quay sang quan sát thái độ của giáo sư: nét mặt ông càng lúc càng tái dại hẳn đi. Tuy nhiên, đứng trước bà chủ nhà vô tội, ông vẫn cố mỉm cười giữ cửa cho bà đi về phòng khách. Nhưng khi bà vừa khuất bóng, ông lập tức đẩy tôi vào phòng ăn rồi đóng sập cửa lại.
Quả thực đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy Van Helsing có những dấu hiệu mất can đảm như vậy. Ông giơ tay lên trời như muốn nói rằng mọi dự tính của ông từ lúc này trở đi sẽ chỉ là vô ích. Cuối cùng, ông buông người đổ vật xuống ghế, hai tay ôm mặt mà khóc. Vâng, ông đã khóc. Tiếng thổn thức của ông dường như được trào ra từ một cõi lòng tan nát, bất lực. Rồi ông lại giơ tay lên như muốn được thanh minh trước thế giới này.
- Chúa ơi! - Ông than thở trong tiếng thổn thức ấm ức - Chúng con đã làm gì, cô bé tội nghiệp ấy đã làm gì để đến nông nỗi này? Chẳng lẽ số phận lại cay nghiệt đến vậy ư? Người mẹ tội nghiệp vô tội ấy, chỉ vì những ý định tốt đẹp cho con gái mình, đã tình cờ đẩy linh hồn và thể xác cô bé vào chỗ nguy hiểm mà không biết. Nhưng chúng con lại không thể nói sự thật cho người phụ nữ ấy, bởi bà ta đang sống dở chết dở, cái chết của bà ta cũng đồng nghĩa với cái chết của đứa con gái. Ôi! Tại sao chúng con lại rơi vào cảnh ngộ như thế này, Chúa ơi?
Nhưng rồi ông bỗng đứng bật dậy bảo tôi bằng một giọng khác hẳn :
- Lại đây, chúng ta phải làm một cái gì đó mới được! Cho dù đó là một con quỷ, hay cả một bầy quỷ hùa nhau lại đây chống lại chúng ta thì cũng vậy thôi... Chúng ta sẽ chiến đấu sẽ đánh tan tát cả...
Ông chạy nhanh ra cửa lấy túi đồ rồi kéo tôi chạy lên phòng Lucy.
Cũng như lần trước, tôi bước ra kéo rèm cửa trong lúc Van Helsing hồi hộp bước lại giường cô gái. Song lần này ông không còn ngạc nhiên khi trông thấy một màu xám ngoét trên khuôn mặt của bệnh nhân. Trên mặt ông chỉ còn lại một nỗi buồn thê thảm lẫn nỗi lòng thương hại khôn cùng đối với cô gái.
- Tôi sẽ chờ ở đây! - Ông lẩm bẩm, giọng như rít lên.
Không nói thêm một lời, ông hối hả chạy ra khóa trái cửa chuẩn bị cho ca truyền máu thứ ba. Nhìn sự khẩn trương của ông, tôi tự giác cởi áo vét ra. Tuy nhiên, Van Helsing đã khoát tay ra hiệu dừng lại.
- Không được! - Ông nói. - Hôm nay anh sẽ là người thao tác, còn tôi là người hiến máu. Trông anh tiều tụy lắm rồi.
Vừa nói, ông vừa cởi phăng chiếc áo rét ra trước khi kéo cao tay áo sơ mi lên.
Lại truyền máu, lại tiêm thuốc an thần, và lại một lần nữa đôi má Lucy dần dần ửng hồng, hơi thở của cô đều đều trở lại trong lồng ngực không còn sức sống. Giấc ngủ của cô lúc này đích thực là một giấc ngủ tự nhiên. Và lần này đến lượt tôi trông nom cho cô, trong khi Van Helsing tranh thủ nằm nghỉ cho lại sức.
Trong cuộc nói chuyện sau đó với bà Westenra, giáo sư đã buộc phải nói cho bà hiểu rằng bà đừng bao giờ vứt bỏ bất cứ một thứ gì bày trong phòng Lucy khi chưa nói với ông, rằng những bông hoa đặt trong phòng có tác dụng chứa bệnh, và rằng phương pháp điều trị mà ông đang thực hiện đối với Lucy có cả phần hấp thụ hương thơm của những bông hoa này. Sau đó, ông bảo ông muốn tận mắt chứng kiến sự tiến triển trong thể trạng của bệnh nhân, và ông sẽ ở lại hai đêm nữa bên giường của cô.
Khoảng hai tiếng sau, Lucy tỉnh giấc, trông cô tươi như một đóa hồng. Nói tóm lại, dường như cô không hề cảm thấy mình vừa thoát khỏi một cơn nguy kịch.
Không hiểu cô đang mắc bệnh gì? Do sống quá nhiều với các bệnh nhân tâm thần, tôi bỗng giật mình tự hỏi không biết mình có điên hay không.
Nhật ký của Lucy Westenra
Ngày 17 tháng 9
Bốn ngày đêm bình yên - vâng, đã bốn ngày đêm trôi qua bình yên đến tuyệt đối! Tôi cảm thấy đã đủ sức để nhận ra chính mình. Tôi còn cảm tưởng như mình vừa trải qua một cơn ác mộng dài, rất dài để rồi được thức dậy trong một căn phòng chan hòa ánh nắng dưới cái không khí mát rượi của buổi sáng. Tôi bỗng nhớ, nhớ rất mơ hồ những kỷ niệm tăm tối, tuyệt vọng trong cảnh khốn cùng, sau đó là những lúc dài quên lãng. Còn một cảm giác nữa: tôi thấy mình đang vươn lên bề mặt của cuộc sống, giống như một người thợ lặn ngoi lên khỏi một vực thẳm ngột ngạt. Thực lòng mà nói, từ khi bác sĩ Van Helsing tới đây, mọi cơn mê khủng khiếp đối với tôi đều trở thành những chuyện xưa cũ Những âm thanh từng làm tôi hoảng hốt - tiếng chim thú đập cánh vào cửa kính chẳng hạn, hay những tiếng nói từ cõi xa xôi vọng về mỗi lúc một gần, rồi những tiếng gọi như ra lệnh cho tôi không biết từ đâu vọng tới - đã không còn xuất hiện trở lại. Bây giờ tôi cũng đã mất đi cảm giác sợ ngủ, vì thế tôi không cần phải ra sức giữ cho mình phải thức. Và đặc biệt là những bông hoa có mùi tỏi kia đã làm tôi thấy dễ chịu hơn nhiều. Ngày nào tôi cũng nhận được một thùng hoa từ Harlem gửi tới. Tối nay, bác sĩ Van Helsing tạm biệt tôi, ông phải về Amsterdam một ngày. Nhưng cảm giác khỏe khoắn, thoải mái trong người đã mang lại cho tôi một sự tự tin thực sự để có thể ở trong phòng một mình. Tôi mang ơn Chúa khi nghĩ tới mẹ tôi, tới Arthur thân yêu của tôi và những người bạn đã hết lòng vì chúng tôi? Cho dù có người trông nom tôi hay không thì tôi vẫn thấy không có gì khác biệt nữa, bởi vì tối hôm trước, trong hai lần thức giấc, tôi đều thấy giáo sư đang nằm ngủ trên trường kỷ, Và mặc dù vậy, tôi vẫn không cả thấy sợ chìm vào một giấc ngủ mới. Trong khi đó, không hiểu là các cành cây hay lũ rơi bay ngoài cửa sổ thỉnh thoảng lại đập lộp bộp vào các ô kính cửa sổ như đang tức giận.
“Pall Mall Gazette”, 18 tháng 9
Con sói trốn mất
Cuộc phiêu lưu mạo hiểm của một nhà báo phỏng vấn người gác vườn bách thú
Sau rất nhiều nỗ lực vô ích, và lần nào tôi cũng thích nhắc tới các từ Pall Mall Gazette như một thứ bùa may mắn, cuối cùng thì tôi cũng tìm được người trông coi khu vực dành cho chó sói trong vườn bách thú. Thomas Bilder trú ở một trong những lô nhà gần với khu chuồng voi. Tôi đến nhà ông đúng vào lúc ông đang ngồi uống trà. Ông và vợ ông tỏ ra rất mến khách. Hai vợ chồng đều đã luống tuổi, không có con và theo tôi nghĩ họ hẳn phải có một cuộc sống khá tiện nghi. Người gác vườn thú từ chối “nói chuyện công việc” khi chưa xong bữa như ông đã nói và tốt nhiên là tôi không định làm trái ý ông.
Dọn sạch bàn ăn, ông chậm rãi châm tẩu rồi mới bảo tôi :
- Bây giờ thì tôi có thể ngồi nghe được rồi, ông có thể hỏi tất cả những gì ông muốn! Xin lỗi vì đã không định nói với ông về chuyện nghề nghiệp khi chưa xong bữa ăn, nhưng cũng như lũ chó sói, chó rừng và linh cẩu thôi, tôi thường cho chúng ăn trước khi vặn vẹo chúng đủ điều.
- Sao cơ, ông cũng hỏi được chúng kia à? - Tôi hỏi cất để gợi chuyện ông chủ nhà.
- Hoặc là tôi gõ một gậy vào đầu chúng, hoặc là tôi gãi vào tai chúng để làm đẹp lòng những gã thanh niên mang người đẹp tới đây làm trò sau khi đã bỏ ra mấy đồng xu? Tính tôi không thích quấy rầy chúng trước khi cho chúng ăn, nhưng thực tình mà nói, tôi cũng thích cho chúng dùng tạm một tí chút cà phê hoặc chút rượu nhẹ trước khi cào vào tai chúng, ông hiểu những gì tôi nói chứ? Ông thử nghĩ mà xem ông nói như một triết gia - giữa lũ thú vật và chúng ta cũng có nhiều điểm giống nhau đấy chứ. Ông tới đây là để hỏi về nghề của tôi chứ gì? Nói thật nhé, nếu như không phải là ông còn trẻ thì chắc là tôi đã tống cổ ông ra khỏi cửa từ lâu rồi, chứ đừng hòng chờ đợi ở tôi một câu trả lời? Bây giờ, cũng như lũ cọp beo và chó sói ngoài kia, sau khi đã chén sạch khẩu phần ăn mà bà già tốt bụng đã dọn để được ngồi uống trà và ngậm tẩu như thế này, ông có thể gãi tai tôi tùy thích, tôi sẽ không còn khó chịu nữa đâu. Nào, bắt đầu đi. Hỏi đi! Tôi đang đợi đây? Tôi biết tỏng là ông đang định hỏi về con sói vừa bỏ trốn rồi.
- Đúng thế. Quả thật là tôi đang định hỏi xem ông nghĩ gì về việc này. Ông làm ơn kể cho tôi biết chuyện xảy ra như thế nào đi. Một khi ông đã kể cho tôi mọi tình tiết, tôi sẽ hỏi ông tại sao, theo ông, con thú này lại có thể trốn thoát như vậy và rồi mọi chuyện sau này kết thúc ra sao?
- Được thôi, thưa ông chủ. Nếu ông hỏi thì tôi cũng sẽ cho ông biết thôi. Con sói mà chúng tôi đặt tên là Bersicker ấy được chúng tôi bỏ tiền mua cùng với hai con khác cách đây bốn năm. Đó là một con vật từng được dạy dỗ rất chu đáo nên nó chưa bao giờ gây phiền toái cho chúng tội. Ấy vậy mà nó đã bỏ trốn! Đó là điều khiến tôi rất ngạc nhiên. Nhưng ông thấy đấy, rõ ràng là người ta không thể tin ở lũ chó sói như đã tin ở những người đàn bà được.
- Đừng có nghe lão ấy, thưa ông! - Bà Bilder vừa cười vừa nói với tôi. - Đã từ lâu lắm rồi, lúc nào tôi cũng thấy lão đâm đầu vào lũ thú vật ấy, đến nỗi có lúc tôi tưởng lão cũng đã biến thành một con sói già rồi cơ đấy! Nhưng ông biết đấy, lão không nguy hiểm chút nào đâu!
- “Ừ, ông chủ ạ, khoảng hai giờ chiều hôm qua, khi cho lũ thú vật ấy ăn, tôi chợt nhận ra một điều gì đó không bình thường. Lúc đến chỗ khu chuồng khỉ để trải đệm rơm cho một con báo sư tử đang bị ốm, tôi bỗng nghe thấy một chuỗi những tiếng tru man rợ. Tôi lập tức tìm đến xem đã xảy ra chuyện gì. Thì ra đó chính là tiếng gào thét của Bersicker. Con vật đang lồng lộn như điên dại, nó liên tục lao vào các thanh trấn song như muốn thoát ra ngoài. Lúc ấy không có nhiều khách tới tham quan, và ở gần chuồng Bersicker chỉ có một người - một gã đàn ông cao lớn, người mảnh dẻ, mũi dài và khoằm, chòm râu dài và có một vài sợi bạc trắng. Cái nhìn của lão thật tàn nhẫn và lạnh lùng, đôi mắt lão sang quắc lên như có ánh lửa. Trông thấy lão, tôi chỉ muốn đuổi đi ngay, bởi hình như con vật trong chuồng đang nỗi cơn điên vì sự có mặt của lão. Lão đeo đôi găng tay da màu trắng. Trông thấy tôi đến gần, lão chỉ tay vào con sói và hỏi :
- “Ông gác vườn này, ông có tin là có một cái gì đó đang làm mấy con vật này bị kích động không?”
- “Có lẽ là do ông đấy” - Tôi trả lời, bởi cử chỉ của lão đã thực sự làm tôi thấy khó chịu.
Thay vì nổi khùng lên như tôi nghĩ, lão bật cười sằng sặc, một nụ cười vừa ngạo mạn lại vừa quái gở, để nhe ra hai hàm răng trắng ởn, nhọn hoắt.
- “Ồ, không đâu” - Lão nhăn nhở đáp lại - “lũ thú vật này không thấy tôi hợp với khẩu vị của chúng đâu!”
- “Ồ. Có đấy, chúng đang khoái khẩu với mùi thịt của ông đấy. Vào cái giờ này, chúng rất muốn gặm một vài cái xương còm cho đỡ ngứa răng, và khi thấy ông...”
Có một điều thật lạ là khi trông thấy chúng tôi đứng nói chuyện, lũ chó sói bỗng im hẳn và khi tôi bước lại gần, con Bersicker vẫn để cho tôi vuốt ve nó như thường lệ. Nhưng ngay cả lão già kia cũng làm được như thế đối với con sói già mới chết chứ!
- “Cẩn thận”, - Tôi nhắc lão - “con Bersicker này dữ lắm đấy!”
- “Sợ gì chứ”, - Lão đáp lại - “lũ chó sói và tôi biết nhau hết mà?”
- “Thế à! Ông cũng có nghề giữ chó sói à?” - Tôi ngạc nhiên hỏi lại, bởi tôi luôn coi những ai làm nghề trông giữ chó sói, tức là những ông chủ, là bạn mình.
- “Không, không phải như vậy”, - Lão giải thích – “Không phải, tôi không giữ chó sói bao giờ... nhưng nói cho cùng, đôi khi cũng có một vài con có quan hệ khá thân thiết với tôi”.
Nói tới đây, lão bỏ mũ cúi chào với điệu bộ giống y như điệu bộ của một nhà quý tộc rồi bỏ đi.
Con sói già Bersicker đứng ngây ra trông theo lão cho tới khi lão già quái lạ ấy khuất bóng. Sau đó, nó lầm lũi đi vào góc chuồng và nằm lì ở đó suốt cả buổi tối. Nhưng thật kỳ lạ, khi ánh trăng vừa xuất hiện cũng là khi bầy sói lại bắt đầu thi nhau gào thét ầm ĩ mà không rõ nguyên do gì ở quanh đó chỉ có một bóng người đang lấp ló gọi một con chó nhà đằng sau mấy vườn hoa ở đại lộ Park.
Cũng có một hai lần tôi quay trở lại thăm lũ thú vật, nhưng khi ấy chẳng có chuyện bất thường nào xảy ra... Thế rồi bỗng nhiên, cả lũ đều im bặt... Sau đấy, trước nửa đêm khoảng vài phút, tôi lại quyết định quay trở lại kiểm tra chúng một lần nữa trước khi đi ngủ, và khi đến chuồng con sói già Bersicker, tôi đã giật mình vì nhận thấy các chấn song xung quanh chuồng bị vặn xoắn hoặc bị gãy ở một vài chỗ... và dĩ nhiên là trong chuồng chẳng còn gì cả! Đó là tất cả những gì tôi được biết, ông bạn ạ!”
- Thế ông có thấy ai đáng chú ý tối hôm ấy không?
- Cũng vào khoảng nửa đêm, trên đường trở về sau khi chia tay đội kèn, một người lính của chúng tôi chợt trông thấy một con chó sói lớn lông xám xịt bất ngờ lao ra khỏi một bờ rào. Nói gì thì nói, đó cũng chỉ là lời kể, còn tôi thì tôi không tin cho lắm, bởi khi về tới nhà, anh ta đã chẳng thèm kể cho cô vợ nghe lấy một câu, chỉ khi biết con sói già biến mất khiến chúng tôi phải lục xục tìm kiếm cả đêm, anh ta mới mở mồm kể chuyện. Theo tôi, có lẽ anh ta đã bị rối loạn đầu óc vì dư âm inh ỏi của những tiếng kèn đồng.
- Ông Bilder ạ, bây giờ ông có thể nói cho tôi biết tại sao, theo ý ông, con sói ấy lại bỏ trốn được không?
- Được chứ, tôi tin là có thể lý giải được. - Người gác vườn trả lời bằng một vẻ khiêm tốn. - Nhưng chỉ có điều tôi không biết lời giải thích của tôi cỏ đủ để làm ông hài lòng không thôi.
- Không sao, ông bạn ạ, cứ yên tâm đi? Nếu như ông, người biết rất rõ về tập tính của các con vật, không thể khẳng định được chính xác những gì đã xảy ra, thì xin hãy cứ nói đúng sự thật, được chứ?
- Xin nghe ông vậy? Thế này nhé: theo tôi nghĩ, con sói đã bỏ trốn... đơn giản chỉ là vì nó muốn về với bầu trời tự do.
Sau lời nói đùa ấy, cả Thomas và bà vợ cùng bật cười sặc sụa. Tôi hiểu đây không phải là lần đầu tiên ông già tốt bụng này làm như vậy. Tôi dùng cách khác mà tôi cho là hiệu quả hơn để moi tin ở ông.
- Thôi được, ông Bilder, như thế này vậy nhé, chúng ta cứ coi như đồng nửa bảng mà tôi vừa đưa cho ông đã thanh toán hết những gì xứng đáng với giá trị của nó, còn đây là nửa bảng nữa đang chờ đợi ông một khi ông chịu nói ra những gì ông có thể nói. Nào, theo ông nghĩ thì câu chuyện kết thúc như thế nào?
- Tuyệt! Ông bạn ạ, hy vọng là ông sẽ không cố chấp, nhưng lúc nãy, bà già này đã nháy mắt ra hiệu cho tôi khiến tôi phải...
- Tôi? Ông đừng phát ngôn bừa bãi như vậy? - Bà vợ phản đối.
- Thú thực nhé, tôi tin là con sói ấy đang trốn ở đâu đó. Thằng lính ấy bảo con vật đã phi như hóa dại về phía bắc, nó phi còn nhanh hơn cả ngựa. Tôi thì tôi không tin, bởi ông thấy đấy, lũ sói có khi chạy còn chậm hơn cả giống chó nhà ấy chứ. Thằng nhóc đó chỉ ăn nói bậy bạ. Giống chó sói có thể là những tạo hóa gây nhiều chuyện ghê người trong các cuốn truyện hoang đường, khi chúng bu lại với nhau để đuổi bắt một con vật yếu ớt nào đó. Nhưng cũng may có Chúa rủ lòng thương? Trong cuộc sống, lũ sói thậm chí còn kém cỏi hơn cả một con chó nhà: chúng ngu ngốc hơn và cũng kém liều lĩnh hơn nhiều. Con Bersicker ấy, vốn không được huấn luyện về cách cắn xé nhau hoặc cách bắt mồi, chắc bây giờ cũng chỉ đang loanh quanh ở đâu đó trong vườn bách thú này để chờ chết đói thôi. Cũng có thể là nó đang chui vào một hầm than nào đó ở xa hơn. Hoặc thế này nữa, có thể là do chẳng tìm thấy gì ăn, nó đã tới rình mò ở một cửa hàng bán thịt... và vậy đấy! Nếu không thì nó cũng bị tống vào hòm xe của một ông lính nào rồi. Chuyện này nếu xảy ra cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên, bởi ở đây đâu có vắng người. Đó, tôi thấy câu chuyện có thể có kết cục như vậy đó.
Tôi đang đưa cho ông già đồng nửa bảng như đã mặc cả thì có một cái gì đó bất ngờ xuất hiện ngoài sổ và đập bộp vào ô kính. Bộ mặt của ông già Bilder vốn đã dài lại càng dài hơn vì kinh ngạc.
- Lạy Chúa? - Ông thốt lên - Kia không phải con sói già Bersicker trở về thì còn là giống gì nữa?
Ông già đứng bật dậy ra mở cửa - một việc làm theo tôi nghĩ là vô ích. Tôi luôn cho rằng một con thú hoang chẳng bao giờ chịu đứng một chỗ khi nó nhận ra một chướng ngại vật ngăn cách giữa nó và chúng tôi. Kinh nghiệm đã giúp tôi khẳng định sự đúng đắn của ý nghĩ này.
Quả là ông già Bllder và bà vợ đã không hề sợ chó sói như tôi vẫn sợ chó nhà. Trái với dự đoán của tôi, con vật vẫn đứng yên ngoài cửa với một vẻ dịu hiền đến ngạc nhiên. Nó ngoan ngoãn đến mức khiến tôi phải nhớ lại ông tổ của nó trong câu câu chuyện cổ tích Cô bé quàng khăn đỏ lúc chưa lộ rõ bộ mặt thật.
Cảnh trở về tổ ấm của nó có một cái gì đó vừa khôi hài lại vừa cảm động mà tôi không sao diễn tả được. Con sói độc ác từng làm cho cả thành Luân Đôn phải lo sợ suốt gần một ngày trời là thế bỗng dưng lại xuất hiện ngay trước mặt chúng tôi với một vẻ khác hẳn. Ông già Bilder sốt sắng kiểm tra từ đầu xuống chân con vật rồi gào lên :
- Biết ngay mà, tôi biết là thế nào con vật này cũng gặp phiền toái mà; từ hôm qua tới giờ tôi đã chẳng bảo thế là gì? Nhìn mõm nó này, rách hết cả rồi, lại còn vẫn dính đầy mảnh thủy tinh nữa chứ! Chắc chắn là nó định lao qua một bức tường nào đó rồi. Thật xấu hổ cho nhà nào cứ thích cắm mảnh chai lên tường? Ông thấy chưa, tệ hại thế đấy... Lại đây đi, Bersicker...
Ổng già nhẹ nhàng lôi con vật vào trong một ngăn chuồng rồi khóa cửa lại.
Ông không quên quẳng cho nó một tảng thịt trước khi tìm đến nhà ông tổ trưởng báo cáo về sự trở về của con vật.
Nhật ký của bác sĩ Seward
Ngày 17 tháng 9
Ăn tối xong, tôi quay về phòng, định bụng sẽ lên lịch cho những ngày làm việc tiếp theo. Bất thình lình, cánh cửa phòng tôi bỗng bật mở, tiếp đó là sự xuất hiện đường đột của Renfield: hắn lao thẳng về phía tôi với bộ mặt thật hung tợn. Tôi sững sờ đứng nhìn, bởi một bệnh nhân bất ngờ đến tìm bác sĩ trưởng mà không xin phép ai là một việc làm rất ít khi xảy ra ở đây. Tay hắn lăm lăm một con dao sáng loáng. Tôi ý thức ngay được rằng trong cơn điên, hắn có thể trở nên rất nguy hiểm, bởi vậy tôi phải cảnh giác lùi lại, định bụng sẽ lấy cái bàn gỗ làm chướng ngại vật ngăn cách hắn với tôi. Nhưng hắn đã nhanh hơn tôi, trước khi tôi kịp lấy lại thăng bằng, hắn đã vung tay chém tôi một nhát khá sâu vào cổ tay trái. Tuy nhiên, không để hắn vung dao lên lần thứ hai, tôi lập tức lao vào đẩy hắn ngã ngửa xuống sàn nhà. Máu từ vết thương ở tay tôi chảy túa ra thành một vũng nhỏ trên tấm thảm. Renfield vẫn nằm im, dường như không định tấn công lần nữa. Tới lúc đó tôi mới có thời gian băng bó vết thương trong khi mắt vẫn không rời khỏi gã bệnh nhân. Khi mấy tay giám thị tới, chúng tôi mới xúm lại xốc hắn dậy và đẩy hắn trở về phòng, song hắn đã giãy nảy lên và quay ngoắt lại để làm một việc khiến tôi một lần nữa phải kinh ngạc: hắn bò sát xuống sàn nhà giống như điệu bộ của một con chó, và lè lưỡi liếm sạch các vết máu vừa chảy xuống từ vết thương của tôi. Hắn vừa liếm láp vừa luôn mồm lải nhải mãi một câu: “Máu là cuộc sống? Máu là cuộc sống!”
Đúng ra là tôi không được phép sơ ý để mất những giọt máu này mới phải, cho dù chỉ là một giọt. Những ngày qua, tôi cho máu như thế là đủ lắm rồi, biết đâu Lucy lại bị mất máu một lần nữa thì sao? Tôi không thể làm hơn được nữa, dường như tôi đang sắp lâm vào cảnh kiệt quệ nếu như tôi không được nghỉ một đêm. Ôi! Ngủ? Sao tôi muốn ngủ thế không biết! Cũng may là Van Helsing đã không cho gọi tôi, vậy là tôi có thể ngủ dài dài được rồi.
Điện của Van Helsing, Anvers gửi Seward, Carfax
Ngày 17 tháng 9
Tối nay, nhớ phải trở lại Hillingham. Nếu không thức suất được, thì cũng nên thường xuyên vào phòng cô ấy xem mấy bông hoa còn được đặt đúng chỗ không. Rất hệ trọng. Khi tới Luân Đôn, tôi sẽ cố gắng tới gặp anh sớm nhất trong chừng mực có thể.
Nhật ký của bác sĩ Seward
Ngày 18 tháng 9
Tôi sẽ lại đi tàu hỏa tới Luân Đôn. Bức điện của Van Helsing khiến tôi muốn rụng rời chân tay. Lạy Chúa? Kinh nghiệm mấy lần vừa rồi đã cho tôi thấy những gì có thể xảy ra trong một đêm. Có thể là mọi chuyện sẽ suôn sẻ, nhưng cũng có thể sẽ xảy ra một chuyện tồi tệ nhất? Chắc hẳn là phải có một lời nguyền nào đó đang đeo đuổi chúng tôi, bởi nỗ lực nào của chúng tôi cũng được đáp lại bằng kết quả ngược với mong muốn.
Bản ghi nhớ do Lucy Westenra để lại
Ngày 17 tháng 9
Tôi viết những dòng này trên những tờ giấy rời để còn có người tìm đọc được, bởi tôi muốn họ biết thật chính xác những gì xảy ra đêm nay. Tôi cảm thấy mình sẽ chết vì yếu sức. Cầm bút viết đối với tôi bây giờ quả là một việc vô cùng khó khăn, nhưng dù sao thì tôi cũng phải viết, kể cả khi thần chết rắp tâm giữ chặt tay bút của tôi.
Như thường lệ, tôi lên giường nằm sau khi quàng một tràng hoa quanh cổ theo lệnh của giáo sư Van Heling, và tôi chìm vào giấc ngủ gần như ngay lập tức. Nhưng tôi lại bị đánh thức bởi những tiếng cánh vỗ đập vào cửa sổ, đó cũng chính là những tiếng động tôi đã được nghe lần đầu tiên khi còn ở Whitby, chính xác là khi tôi bị mộng du rồi mò mẫm lên vách đá khiến cho Mina phải đi tìm và kể từ đó đến nay, tôi vẫn rất hay nghe thấy những tiếng cánh vỗ quái gở đó. Dù không sợ, nhưng tôi vẫn muốn có bác sĩ Seward ở phòng bên cạnh để có thể gọi khi cần. Tôi cố ngủ lại mà không được. Và rồi nỗi lo sợ bị chìm vào giấc ngủ lại ập đến trong tôi, buộc tôi phải quyết định không ngủ nữa. Nhưng thật kỳ lạ, tôi càng cố gắng thức bao nhiêu thì cơn buồn ngủ lại càng đè nặng lên người tôi bấy nhiêu. Cảm giác cô đơn làm tôi sợ. Tôi vùng dậy mở cửa và kêu lên: “Có ai ở đây không?” Không có tiếng trả lời. Tôi không dám gọi nữa vì sợ sẽ làm mẹ tôi thức giấc. Khi tôi vừa khép cửa lại thì ở đâu đó như là dưới những lùm cây, chợt vang lên một tiếng kêu như tiếng chó tru, nhưng nghe còn thê thảm và đáng sợ hơn nhiều. Tôi đến bên cửa sổ và nhoài người ra xem có cái gì dưới bóng tối ấy, nhưng chẳng thể phân biệt được một vật gì ngoài một con dơi to bự - có lẽ đó chính là con vật vẫn thường đập cánh vào cửa kính phòng tôi Tôi trở lại giường nằm nhưng không thấy buồn ngủ trở lại. Một lát sau, mẹ tôi hé mở cửa và thò đầu vào. Nhìn thấy tôi không ngủ, bà mới bước vào và ngồi gần giường tôi. Bà nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi và nói với tôi bằng một giọng rất dịu dàng, dịu dàng hơn so với thường lệ rất nhiều :
- Mẹ cứ phân vân không hiểu con có cần gì hay không, con gái yêu ạ, vì vậy mẹ phải mò lên đây cho yên tâm.
Sợ bà bị cảm lạnh, tôi bảo bà lên giường nằm cạnh tôi, song bà bảo bà chỉ định nán lại một lúc rồi sẽ về phòng mình. Nằm gọn trong vòng tay bà mà tôi vẫn bị giật mình, bởi cái tiếng động quái gở ấy lại bất ngờ vang lên một lần nứa. Mẹ tôi cũng giật thót người kêu lên: “Cái gì thế”. Tôi phải lựa lời trấn an bà. Cuối cùng thì bà cũng yên tâm nằm xuống bên tôi, mặc dù trống ngực vẫn đập thình thịch. Nhưng rồi tôi lại giật thót người một lần nữa, bởi có một cái gì đó vừa bất thình lình đập vào ô cửa kính khiến nó vỡ tan. Mảnh kính vỡ tung tóe khắp sân nhà. Bức rèm bị gió thổi bay phất phơ như một bóng ma. Người tôi bắt đầu run lên như cầy sấy khi nhận ra cái đầu của một con sói lớn, gầy đét, đang thò đầu qua ô cửa bị vỡ. Mẹ tôi buột miệng thất lên một tiếng khiếp sợ. Bà ngồi dựng dậy trên giường, hay tay vùng vẫy lung tung như muốn túm lấy một vật gì đó để tự vệ. Trong cơn hoảng loạn, bà đã giật đứt tràng hoa ở cổ tôi ném ra giữa phòng. Sau cái hành động tuyệt vọng ấy, bà ngồi đờ đẫn như mất hồn, trong khi tay vẫn không quên chỉ về phía con sói như một bức tượng. Được một lát, bà bỗng đổ vật xuống như bị sét đánh, đầu bà đập cả vào trán tôi. Tôi chết lặng đi trong giây lát. Căn phòng, rồi mọi đồ đạc xung quanh, như đang đảo điên trước mắt tôi, nhưng tôi vẫn cố dán mắt về phía cửa sổ, con sói đã biến mất từ lúc nào. Những chấm nhỏ li ti cuốn ào ào vào trong phòng qua ô cửa vỡ - cảnh tượng này gợi cho tôi nhớ tới những cột cát bị gió cuốn nơi sa mạc. Tôi cố gượng ngồi dậy nhưng vô ích, không hiểu sức mạnh bí ẩn nào đã cản trở tôi làm như vậy. Cơ thể mẹ tôi lúc này có vẻ như hơi lành lạnh... Tôi bỗng không còn ý thức được một điều gì nữa. Tất cả những gì xảy ra sau đó đều không đọng lại trong tiềm thức của tôi.
Mặc dù bị ngất không lâu, nhưng tôi vẫn rất mơ hồ về những phút giây khủng khiếp đã trôi qua. Khi tôi tỉnh táo trở lại, âm thanh đầu tiên vẳng đến tai tôi là tiếng chuông cầu hồn ngân xa, rồi tiếp đó là tiếng chó sủa xung quanh ngôi nhà, và trong các bụi cây giữa vườn, không xa cửa sổ phòng tôi, còn vọng tới những tiếng hót lảnh lót của một con sơn ca. Nỗi ưu phiền, sự sợ hãi, tình trạng sức khỏe suy sụp nghiêm trọng, tất cả như cùng hùa tới một lúc khiến người tôi đờ ra như một kẻ chết rồi. Tuy nhiên, nghe thấy tiếng hót của chim sơn ca, tôi có cảm giác như được nghe thấy giọng nói thân thương của mẹ tôi, giọng nói dịu dàng cất lên giữa đêm tối để an ủi tôi.
Chắc hẳn chuỗi tiếng động lạ tai đã làm những người hầu trong nhà thức giấc, bởi tới nghe rất rõ bước chân trần của họ nhẹ bước trên chiếu nghỉ cầu thang. Nghe tiếng tôi gọi phều phào, họ bước nhanh vào phòng. Tất cả cùng kêu rú lên sợ hãi, khỏi phải nhắc lại họ đã khiếp đảm như thế nào khi hiểu ra nỗi bất hạnh đã xảy đến với chúng tôi và trông thấy mẹ tôi nằm đè lên người tôi. Cơn gió lùa vào qua ô cửa vỡ làm cho cửa phòng thỉnh thoảng lại nghiến ken két. Những cô gái can đảm xúm lại đỡ mẹ tôi sang một bên để tôi có thể ngồi dậy. Biết họ đang rất xúc động, tôi bảo họ nên xuống phòng ăn làm một hớp rượu vang cho bình tĩnh trở lại. Họ mở cửa rồi lại đóng sập lại ngay sau khi bước chân ra khỏi phòng. Tôi còn nghe thấy tiếng họ thất lên một lần nữa, rồi tiếp đó là tiếng những bước chân lao vội vã xuống cầu thang. Lúc này, tôi chẳng còn biết làm gì ngoài việc đau đớn nhặt những bông hoa đặt lên ngực mẹ tôi và hồi tưởng lại những lời dặn bảo của giáo sư Van Helsing, nhưng nhớ chỉ là để nhớ thôi, chứ tôi cũng chẳng cần tới những bông hoa này làm gì nữa... Tôi sốt ruột đợi đám người hầu quay trở lại: chúng tôi sẽ cùng thức bên nhau. Song họ đã không quay trở lại. Tôi cất tiếng gọi: không thấy ai trả lời? Thấy lạ, tôi quyết định mò xuống phòng ăn.
Tôi suýt ngã quỵ khi bất ngờ chứng kiến cảnh tượng trước mắt: bốn người hầu nữ đều đang nằm sóng soài dưới sàn nhà với những hơi thở khó nhọc. Bình rượu vang cạn một nửa vẫn nằm ngay ngắn trên bàn, nhưng trong phòng lại bốc lên một mùi hăng hắc kỳ lạ. Tôi cầm bình rượu lên ngửi: toàn là mùi cồn cần sa. Mở tủ buýp-phê, tôi nhận ra bình thuốc mà người thầy thuốc vẫn dùng để chăm sóc cho mẹ tôi đã hết nhẵn nhụi. Phải làm gì bây giờ? Phải làm gì đây?... Tôi loạng choạng trở về phòng, đến bên giường với mẹ. Tôi không thể rời xa bà. Bây giờ tôi đang ở trong phòng có một mình nếu như không kể đến những nàng hầu tội nghiệp đang lăn ra bất tỉnh dưới nhà bởi thứ cồn thuốc phiện ai đó đã đổ vào bình rượu vang. Một mình với cái chết? Mà tôi cũng không dám ra ngoài, bởi tiếng tru man rợ của con sói ở đâu đó vẫn đang vẳng tới tai tôi qua ô cửa bị vỡ. Những chấm nhỏ li ti kia cũng không chịu dừng nhảy nhót, quay cuồng điên loạn trong phòng theo từng đợt gió lùa ở cửa sổ. Cả ngọn đèn cầy bây giờ cũng trở nên hiu hắt như đang báo hiệu một cảnh sớm lụi tàn... Tôi biết làm gì bây giờ? Đến nay, có lẽ cũng đã đến lúc tôi phải ra đi cùng người! Vĩnh biệt mọi người! Arthur ơi, nếu như phải chết trong đêm nay, thì em cũng xin được vĩnh biệt anh!
Xem tiếp chương 12