Nhật ký của Mina Harker
Ngày 23 tháng 9
Sau một đêm bứt dứt không yên, hôm nay, trông Jonathan có vẻ đã khá hơn. Tôi cảm thấy vui khi thấy anh làm việc nhiều hơn, bởi chỉ có vậy anh mới bớt nghĩ ngợi lung tung... Quả thực tôi đã phấn chấn hẳn lên khi thấy anh bận bịu với những công việc mới, vì tôi biết anh sẽ tỏ ra là người xứng đáng, đủ năng lực đảm nhận những trách nhiệm mới, bất kể là trách nhiệm gì! Anh đi suốt ngày và dặn không ăn tra ở nhà. Sau khi làm xong mấy việc nội trợ lặt vặt, tôi hồi hộp quay về phòng đọc những trang nhật ký anh đã ghi lại trong suất cuộc hành trình tới Transylvanie...
* * * * *
Ngày 24 tháng 9
Tối hôm qua, tôi không thể viết được dòng nào, bởi cuốn nhật ký của Jonathan đã làm tôi choáng váng. Thật tội nghiệp cho chồng tôi! Dù là chuyện thật hay chỉ là một sự tưởng tượng, thì chắc anh cũng đã phải chịu rất nhiều cơ cực. Có một câu hỏi luôn ám ảnh đầu óc tôi: trong câu chuyện đó có phần nào là sự thật không? Anh đã mô tả những điều khủng khiếp sau khi mắc phải chứng bệnh sốt não, hay chứng bệnh ấy là kết quả của những điều tưởng tượng hãi hùng? Tôi sợ mình không tìm được câu trả lời, bởi có thể tôi sẽ chẳng bao giờ dám nhắc lại chuyện đó với anh. Nhưng có vẻ như Jonathan đã nhận ra gã đàn ông mà chúng tôi nhìn thấy hôm qua... Có lẽ cái chết đột ngột của người bạn lớn Hawkins đã gây ra cho anh nhiều ảo giác quái gở và mơ hồ, thế thôi... Nhưng xem ra vẫn có một mối liên hệ lờ mờ nào đó giữa các sự kiện mà tôi chưa thể nắm chắc... Lão bá tước đáng ngờ kia dường như đang thực hiện một mưu đồ ở Luân Đôn... Nếu đúng là lão đã tới Luân Đôn với hàng triệu bạc thì chắc chắn thành phố này đang lâm vào một cảnh cực kỳ tồi tệ mà người đứng ra giải quyết sẽ không phải là ai khác ngoài chúng tôi. Chúng tôi không được phép lùi bước trước nhiệm vụ bất khả kháng này. Vậy đấy! Tôi sẽ phải bắt tay vào chuẩn bị ngay từ bây giờ, tôi sẽ soạn lại nhật ký của chồng mình bằng máy chữ, vì làm như vậy thì khi cần, người nào vào cuộc cũng có thể đọc và hiểu được vấn đề. Tôi sẽ tự mình giải thích toàn bộ câu chuyện, bỏi tôi không muốn ai quấy rầy Jonathan.
Thư của Van Helsing gửi J. Harker
Ngày 24 tháng 9
“Thưa quý bà kính mến,
Tôi thành thực xin lỗi vì chuyện đột ngột gửi bà lá thứ này, song thực ra, ít nhiều tôi đã là người bạn của bà, bởi tôi chính là người mang một nghĩa vụ khó nhọc là phải báo cho bà biết về cái chết của cô Lucy Westenra. Với sự đồng ý thực lòng của huân tước Godalming, tôi đã đọc toàn bộ các giấy tờ và thư từ của Lucy, vì tôi đang rất quan tâm đến một số sự việc cực kỳ quan trọng có liên quan tới cô ấy. Trong số các giấy tờ có được, tôi thấy có cả thư của bà, những lá thư thể hiện một tình bạn cao cả mà bà và cô ấy đã dành cho nhau. Lạy Chúa tôi! Thưa bà Mina, nhân danh tình bạn trong sang ấy, tôi cầu mong bà hãy giúp đỡ tôi! Vì lợi ích của mọi người, tôi mạo muội đề nghị bà... để hàn gắn lại những nỗi đau mà tội ác đã gây ra, để ngăn chặn những bất hạnh khủng khiếp nhất, mà chắc chắn nếu có là người giàu trí tưởng tượng nhất, bà cũng không thể nghĩ tới được. Bà có thể dành chút thời gian vàng ngọc cho tôi gặp mặt được chứ? Tôi nghĩ bà có thể tin tưởng ở tôi. Tôi là bạn của bác sĩ John Seward và cũng là bạn của huân tước Godalming (tức là Athur của cô Lucy như bà đã biết). Nhưng một lần nữa tôi phải xin lỗi bà vì tôi chưa thể nói ra những gì tôi cần phải hỏi, ít nhất là trong lúc này. Tôi sẽ tới Exeter thăm bà ngay sau khi bà thông báo cho tôi biết ngay, giờ thích hợp nhất. Hy vọng bà sẽ thứ lỗi cho sự đường đột của tôi, thưa bà? Qua những lá thư bà gửi Lucy, tôi hiểu bà là một phụ nữ nhân hậu đến nhường nào, và tôi cũng rất hiểu người chồng yêu dấu của bà đang phải vật lộn với căn bệnh thần kinh ra sao! Nếu có thể được, tôi đề nghị bà đừng để cho ông ấy biết về chuyện này, vì tôi sợ rằng những gì tôi phải nói với bà sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của ông ấy. Một lần nữa xin bà thứ lỗi.
Van Helsing.”
Điện của bà Harker gửi tiến sĩ Van Helsing
“Ngày 25 tháng 9
Nếu không bận, ngài có thể tới ngay Exeter bằng chuyến tàu 10 giờ 15 ngày hôm nay. Tôi ở nhà cả ngày.
Wilhelmina Harker.”
Nhật ký của Mina Harker
Ngày 25 tháng 9
Tôi thật sự không thể ngồi yên khi chờ đợi Tiến sĩ Van Helsing. Tôi không biết tại sao mình lại sốt ruột như vậy, nhưng tôi hiểu rất rõ một điều: có thể ông sẽ hé mở cho tôi một chút ánh sáng về cái sự thực buồn thảm mà Jonathan đã phải trải qua. Hơn nữa, vì là một thầy thuốc trực tiếp chăm sóc Lucy trong suốt những ngày qua, nên thế nào ông cũng cho tôi biết những gì ông đã cảm nhận được về căn bệnh của cô. Ôi! Tôi đúng là một con ngốc? Có lẽ Van Helsing tới đây chỉ để nới cho tôi biết về Lucy và những cơn mộng du của cô, chứ đâu phải để nói về Jonathan. Vậy là tôi chỉ còn biết cam chịu, chẳng bao giờ biết rõ sự thật về cuộc hành trình của anh... Cuốn nhật ký anh viết ám ảnh tôi nhiều đến nỗi tôi đã tưởng tượng ra đủ điều, thậm chí tôi còn hy vọng bừa ở sự giúp đỡ của Van Helsing nữa chứ! Rõ ràng ông đến đây là để nói với tôi về Lucy! Chắc chắn trong thời gian qua, cô lại bị những cơn mộng du mới. Và có lẽ cuộc miên hành ra vách đá lạnh lẽo giữa đêm khuya hiu hắt ngày nào - một kỷ niệm thật hãi hùng đối với tôi? - đã làm cho cô đổ bệnh nặng. Quả thực trong những ngày qua, vì bận quá nhiều việc riêng, nên tôi đã quên khuấy mất là cô luôn có những trắc trở khiến chúng tôi không thể không quan tâm lo lắng! Chắc chắn Lucy đã kể lại cho Van Helsing nghe chuyện cô đã mộng du tới vách đá cheo leo nọ ra sao và chuyện tôi đã hốt hoảng chạy bổ đi tìm cô như thế nào. Có lẽ Van Helsing định tới đây để hỏi thêm một số chi tiết bổ sung cho hồ sơ bệnh án của ông. Hy vọng tôi đã làm đúng bổn phận của mình khi không nói cho bà Westenra biết cái đêm hãi hùng của cô con gái bà. Tôi sẽ chẳng bao giờ tha lỗi cho chính mình nếu như vì chuyện đó mà tình trạng sức khỏe của Lucy trở nên tồi tệ đi. Tôi cũng hy vọng bác sĩ Van Helsing không oán giận tôi vì những việc tôi đã làm. Dẫu sao thì trong thời gian vừa rồi, tôi đã có quá nhiều phiền muộn mà có đôi lúc tôi cảm thấy mình không thể chịu đựng nổi, nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn phải vượt qua! Hẳn là Lucy đã khóc nhiều lắm. Hy vọng là những giọt nước mắt đã làm cô nguôi ngoai đi phần nào nỗi buồn tủi và đau đớn trong những ngày cuối đời...
Sáng nay, Jonathan phải tạm xa tôi, anh chỉ trở về vào sáng ngày mai. Kể từ khi cưới nhau, đây là lần đầu tiên chúng tôi xa nhau lâu như vậy. Hy vọng anh sẽ bảo trọng sức khỏe và cầu mong anh sẽ không gặp chuyện rắc rối... Chuông đồng hồ vừa điểm hai giờ, chắc là bác sĩ Van Helsing cũng sắp đến. Nếu như ông không có lời đề nghị, tôi sẽ không nói cho ông biết về cuốn nhật ký của Jonathan. Về phần mình, tôi có thể dễ dàng sao lại cuốn nhật ký của chính tôi cho ông. Tôi sẽ để ông đọc nếu ông muốn biết thêm chi tiết về Lucy, điều đó sẽ giúp tôi khỏi phải có những lời giải thích dài dòng và phức tạp về cô.
* * * * *
Một lúc sau
Ông đến và lại đi rồi. Quả là một cuộc nói chuyện cảm động và thú vị?... Đầu óc tôi vẫn chưa hết quay cuồng, điên đảo! Tôi có cảm giác mình vừa trải qua một cơn mê. Có thể nào đó lại là sự thật, dù chỉ là một phần thôi? Nếu chưa đọc nhật ký của Jonathan, chắc chắn tôi sẽ không thể tin nổi một lời nào trong câu chuyện quái gở này! Tội nghiệp, tội nghiệp Jonathan quá? Bây giờ tôi mới hiểu đằng sau những cảm xúc vật vã kia, anh đã phải chịu đựng rất nhiều. Chúa muốn tôi không được phép gây thêm đau khổ ê chề cho anh sau những gì tôi vừa được biết. Tôi cần phải nén lòng để giấu kín những gì mà Van Helsing vừa nói. Với tư cách là một thầy thuốc, tiến sĩ Van Helsing hẳn phải là một con người rất tất bụng, vì ông là bạn của Athur và bác sĩ Seward, và chính họ là những người đã mời ông từ Hà Lan tới đây chăm sóc cho Lucy. Vả lại, chỉ cớ gặp ông tôi mới hiểu tấm lòng hào hiệp của ông. Ngày mai, khi ông trở lại, có lẽ tôi phải nói cho ông biết về tình hình của Jonathan và những chuyện đã xảy ra với anh. Cầu Chúa hãy ban phước lành để chúng tôi lại được sống những ngày thật bình yên. Lúc nào tôi cũng nghĩ nghề làm báo sẽ mang lại cho mình một niềm vui Một người bạn của Jonathan làm cho tờ Tin tức Exeter từng có lần bảo tôi rằng trong nghề làm báo, điều quan trọng là phải có trí nhớ, tức là phải có khả năng tái hiện lại một cách chính xác từng lời nói của người được phỏng vấn trước khi biên tập nội dung của vấn đề. Chắc chắn nội dung cuộc nói chuyện của tôi và bác sĩ Van Helsing không phải là điều bình thường, nhưng tôi sẽ cố gắng ráp nối lại từng chi tiết trong câu chuyện xem sao.
Hai giờ ba mươi, chợt nghe tiếng gọi cửa. Tôi hồi hộp chờ đợi. Vài phút trôi qua, người hầu Mary chạy vào báo với tôi Van Helsing đã tới.
Tôi cúi đầu chào vị khách quý. Đó là một người đàn ông tầm thước, khá khỏe mạnh. Con người ông toát lên một vẻ hoàn toàn đáng tin cậy với nét mặt hiền hậu, nhân từ, đôi mắt xanh thẳm, mở to, nghiêm nghị, sáng ngời và nằm không gần nhau, vầng trán cao, hơi vát như càng rộng thênh thang bởi mái mái tóc hung đỏ được vuốt ngược ra sau.
- Có phải là bà Harker?
Tôi gật đầu trả lời.
- Người trước kia vẫn được gọi là Mina Murray?
Tôi vẫn chỉ khẽ gật đầu đáp lại.
- Vậy là tôi đang đứng trước cô Mina Murray của ngày nào, một người bạn của đứa con khốn khổ Lucy Westenra.
- Vâng, thưa bà Mina, tôi đến đây là để nói cho bà biết về chuyện của Lucy.
- Thưa ngài, tôi thật không biết làm thế nào để diễn tả hết lòng tốt của ngài, một người bạn đã hết lòng chăm sóc, giúp đỡ Lucy Westenra để cô được sống an lành trong những ngày cuối đời.
Tôi rụt rè chìa bàn tay ra như một cử chỉ biết ơn tấm lòng của một con người luôn biết sống hết mình vì người khác. Ông nắm chặt tay tôi và nhẹ nhàng đáp lại :
- Ôi? Bà Mina, tôi biết rằng bạn của người con gái trong trắng ấy hẳn phải là một người có trái tim thật nhân hậu, nhưng tôi còn phải... nói cho cùng, tôi muốn biết...
Ông bỗng ngập ngừng cúi đầu như một cử chỉ lịch sự trước tôi và chỉ tiếp tục giãi bày khi tôi đề nghị :
- Thế này nhé, thưa bà! Tôi đã đọc tất cả những lá thư bà gửi cho Lucy. Mong bà đừng chấp, nhưng tôi không thể không bắt đầu bằng việc phải hỏi một ai đó, song tôi lại không biết phải tìm ai để mà hỏi. Qua mấy lá thư, tôi biết bà từng có thời gian sống với Lucy và bà Westenra ở Whitby. Tôi cũng biết rằng thỉnh thoảng cô ấy còn viết nhật ký, xin bà đừng ngạc nhiên, thưa bà Mina. Lucy đã viết nhật ký sau khi bà ra đi, tôi thấy dường như cô ấy đã làm theo gương bà thì phải. Đọc nhật ký của cô ấy, tôi cứ ngờ ngợ mình đã tìm thấy những lời bóng gió ám chỉ một cuộc dạo chơi lang thang trong lúc bị mộng du và bà chính là người đã tìm cứu cô ấy. Chính vì vậy nên tôi phải tìm tới đây với hy vọng là bà sẽ cho tôi biết thêm những chi tiết mà bà còn nhớ.
- Thưa bác sĩ Van Helsing, tôi nghĩ tôi hoàn toàn có thể kể lại cho ngài nghe một cách chính xác về toàn bộ cuộc lãng du đó.
- Sao, toàn bộ cuộc lãng du? Toàn bộ các chi tiết!... Nếu thế thì bà quả là người có trí nhớ tuyệt vời đấy, bà Mina ạ! Đó là điều hiếm thấy ở những phụ nữ lúc nào cũng tối mặt vì công việc.
- Thưa bác sĩ, thú thực tôi luôn có thói quen ghi lại những sự kiện hàng ngày mà tôi đã được chứng kiến. Tôi có thể cho ngài thấy điều đó... trong nhật ký của tôi... nếu ngài muốn.
- Ôi! Tôi thật không biết làm gì để cám ơn bà, thưa bà Mina! Bà đã giúp tôi một việc thật có ích?
Tại sao tôi lại phải kìm nén ý định đùa chơi ông một chút cho đỡ căng thẳng kia chứ? Việc gì cứ phải cục mịch như một hòn đất mãi? Tôi nghĩ phụ nữ chúng tôi đâu phải lúc nào cũng như vậy.
Tôi lấy cuốn nhật ký tốc ký của mình đưa cho Van Helsing. Ông lịch sự nghiêng mình cầm cuốn sổ và khẽ hỏi lại :
- Tôi có thể đọc được chứ ạ?
- Tất nhiên! - Tôi điềm nhiên trả lời.
Ông mở cuốn sổ liếc nhanh vài trang. Tôi nhận ngay ra vẻ bối rối trên gương mặt ông. Ông đứng bật dậy nghiêng mình đáp lễ tôi một lần nữa.
- Ồ! Bà quả là một phụ nữ gây cho tôi nhiều ngạc nhiên đấy! Tôi hiểu Jonathan đã ngưỡng mộ bà từ lâu. Thưa bà Mina, sẽ rất vinh dự cho tôi nếu bà giúp tôi đọc cuốn nhật ký này, bởi thú thực với bà là tôi không biết tốc ký?
Tôi thấy trò đùa của mình có vẻ hơi quá nên đâm ra hơi xấu hổ. Vì vậy, tôi chỉ còn cách đưa ngay bản đánh máy cho ông để chữa ngượng.
- Xin ngài thứ lỗi... Tôi biết ngài đến đây là vì chuyện của Lucy, và tôi cũng hiểu có lẽ ngài không có nhiều thời gian để nán lại đây lâu, vì vậy tôi đã chuẩn bị sẵn cho ngài bản sao của cuốn nhật ký.
Van Helsing cầm tập bản thảo đánh máy của tôi, nét mặt ông rạng rỡ hẳn lên.
- Bà quả là một người rất tâm lý và tốt bụng! Nhưng tôi có thể đọc ngay bây giờ được chứ? Bởi chỉ có vậy tôi mới mong bà giải đáp ngay giùm tôi một số thắc mắc.
- Chắc chắn rồi! Ngài cứ việc ngồi đọc, còn tôi sẽ đi kiểm tra xem mấy người giúp việc đã chuẩn bị cơm nước đến đâu rồi. Ngài có thể hỏi tôi tùy thích trong bữa cơm trưa nay.
Vị khách người Hà Lan rối rít cảm ơn tôi một lần nữa rồi tìm ghế ngồi, lưng quay ra cửa sổ. Tôi hiểu ông đã bị lôi cuốn ngay vào những dòng nhật ký kia. Tôi chỉ còn biết về ngay văn phòng để không làm ông cảm thấy bị quấy rầy. Khi quay trở lại phòng khách, tôi thấy ông đang đi đi lại lại khắp phòng, mặt đỏ tía như một chú gà chọi. Thấy tôi bước vào, ông vội chạy lại nắm chặt lấy tay tôi :
- Ôi! Bà Mina đấy à! Tôi biết nói với bà thế nào về bổn phận của mình bây giờ? Cuốn nhật ký này chẳng khác nào một tia nắng mặt trời rực rỡ tỏa sáng trong tôi! Nó đã mở ra trước mắt tôi một cánh cửa... Tôi đang bị chói lòa, thực sự bị chói lòa bởi tia nắng đó. Song không phải là không có những đám mây đen thỉnh thoảng lại lượn lờ đằng sau... Nhưng bà không hiểu tôi muốn nói gì đâu... bà sẽ không thể hiểu được... Chỉ biết rằng tôi còn mắc nợ bà - một phụ nữ thực sự thông minh rất nhiều. Thưa bà, - Ông tiếp tục bằng một giọng rất hệ trọng - tôi hy vọng chừng nào Abraham Van Helsing còn làm được một điều gì đó cho bà, hoặc những người thân thiết của bà, thì chừng đó bà còn có thể tin tưởng ở ông ta. Tôi thích... à, tôi luôn muốn giúp bà như một người bạn, vâng, như một người bạn, nhưng cũng xin nói thêm là một người bạn chân thành, không gì lay chuyển nổi. Vâng, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp bà và những người bà hằng yêu mến. Cuộc đời thật nhiều điều đen tối, nhưng cũng không vì thế mà mất đi nguồn ánh sáng. Bà chính là một phần của nguồn sáng đó. Bà rồi sẽ được hạnh phúc, được bù đắp tất cả cho những ngày buồn tủi đã trôi qua, và người chồng yếu dấu của bà sẽ tìm thấy ở bà một niềm vui trọn vẹn.
- Nhưng, thưa bác sĩ, có vẻ như ngài ca ngợi tôi hơi nhiều... Làm sao ngài biết được con người tôi kia chứ?
- Tôi mà lại không nhận biết được bà là người như thế nào ư? Tôi, một ông già đã dành cả cuộc đời để trải nghiệm, quan sát sự khác biệt của người đàn ông với người phụ nữ, để nghiên cứu bộ não của con người và tất cả những gì liên quan tới nó, lại không đủ khả năng để nhận ra bà là người như thế nào ư? Tôi, người vừa chăm chú đọc từng dòng nhật ký bắt nguồn từ hơi thở cuộc đời thực của bà, người đã đọc lá thư bà viết cho Lucy ngay sau khi ông bà làm đám cưới, lại không thể nhận biết được con người bà kia đấy! Hỡi ôi! bà Mina ạ, những người phụ nữ độ lượng không phải lúc nào cũng dùng câu chữ để kể về chuyện của riêng mình. Trong cuộc đời này, hàng ngày, hàng giờ và thậm chí là hàng phút trôi qua, các thiên thần bao giờ cũng chú ý đọc thấu câu chuyện mà họ đã viết. Còn những người đàn ông chúng tôi luôn có một khao khát cháy bỏng nhất là được quan sát để nhìn nhận vấn đề, vì vậy mà con mắt của chúng tôi cũng chẳng khác mấy con mắt của các thiên thần. Đức phu quân của bà hẳn phải là một người hào hiệp lắm. Cả bà cũng vậy, vì bà là người luôn có niềm tin ở cuộc sống, và để có niềm tin ở cuộc sống, con người ta cần phải có lòng nhân ái... Mà ông nhà sao rồi? Có lẽ bà phải nói cho tôi biết đôi chút về ông ấy đi. Ông đã hoàn toàn bình phục rồi chứ? Hy vọng là những cơn sốt vô lý ấy không còn hành hạ ông ấy nữa.
Tôi hiểu đã đến lúc phải nói cho Van Helsing biết rõ những gì liên quan đến sức khỏe của Jonathan để xem ông có nhận xét gì.
- Ông nhà tôi gần như đã bình phục, nhưng khổ nỗi cái chết của ngài Hawkins lại giáng cho anh ấy một đòn...
Bác sĩ người Hà Lan ngắt lời tôi :
- Chà? Vâng, tôi hiểu... Tôi hiểu... Tôi đã đọc hai lá thư mới nhất mà bà...
- Nhưng nói cho cùng, tôi tiếp tục, chính vì sự ra đi của người bạn già ấy mà ông nhà tôi đã bị xúc động rất mạnh... Và hôm thứ năm vừa rồi, khi chúng tôi đang ở Luân Đôn, hình như nhà tôi lại bị một cú sốc nữa thì phải.
- Lại một cú sốc nữa? Bị không lâu sau một cơn sốt não...
- Chà, chà! Tai hại thật đấy... Bà thấy ông nhà có biểu hiện như thế nào?
- Jonathan nghĩ anh đã trông thấy một ai đó khiến anh trở lại với một hồi ức khủng khiếp, một hình ảnh chính là nguyên nhân gây nên chứng bệnh hoảng loạn của anh.
Nói đến đây, người tôi chợt run lên như không còn đứng vững được nữa, rõ ràng là tôi cũng đang bị xúc động. Tình yêu tôi dành cho Jonathan, những lo sợ về những gì anh phải trải qua, điều bí ẩn hãi hùng mà tôi đoán già đoán non khi đọc nhật ký của anh, rồi cả sự lo lắng mơ hồ ngày càng lớn trong tôi sau khi đọc những gì anh viết... tất cả dường như đang hùa tới giằng xé ruột gan tôi, khiến tôi gần như bị mất trí trong giây lát, bởi tôi đã quỳ gối, giơ cao hai tay về phía Van Helsing để cầu xin ông cứu giúp chồng tôi. Trông thấy bộ dạng ấy của tôi, ông vội vàng chạy tới buộc tôi đứng dậy và dìu tôi ngồi xuống ghế. Ông bối rối ngồi bên cạnh, tay vẫn nắm chặt tay tôi như một cử chỉ vỗ về an ủi.
- Tôi luôn sống độc thân, - Giọng trầm ngâm của ông như chứa cả một tấm lòng cao cả - bởi cuộc sống của tôi luôn bị choán đầy những công việc, nên có thể nói rằng trước đây, tôi chẳng còn thời gian để mà hy sinh cho bạn bè, người thân. Nhưng kể từ cái ngày cách đây không xa lắm, khi anh bạn trẻ John Seward thân mến mời tôi sang đây, tôi mới chợt nhận thấy rằng cuộc đời có không ít người mang trong mình một trái tim cao thượng, một dòng máu cháy bỏng khát vọng được sống, được yêu và được hy sinh cho mọi người. Vậy mà bao năm qua, tôi chi biết sống cho riêng mình. Xin bà cứ tin rằng tôi đến gõ cửa nhà bà chính là vì sự tôn trọng tuyệt đối tự đáy lòng tôi đối với bà, bởi những lá thư bà gửi cho cô Lucy đáng thương đã mang tới cho tôi một hy vọng tràn trề. Những lá thư ấy không chỉ giúp tôi khám phá một điều gì đó tôi đang tìm kiếm, mà còn giúp tôi hiểu rằng trên đời này còn có những người phụ nữ luôn mang lại một ý nghĩa tất đẹp cho chính cuộc sống, những người phụ nữ mà sự hiện hữu của họ luôn là một tấm gương sáng người cho những đứa con mà họ sẽ sinh ra. Tôi thực sự hạnh phúc khi được tới đây, được làm một việc gì đó vì bà, bởi nếu ông nhà vẫn chưa qua cơn hoảng loạn, tôi tin là mình có thể làm được một việc gì đấy để chữa lành vết thương lòng trong ông. Tôi hứa sẽ dành tất cả kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình để giúp Jonathan nhanh chóng bình phục, chỉ có điều là bà phải... phải tin ở tôi...
Tôi chỉ còn biết lặng người nghe ông bộc bạch. Mọi cử chỉ, lời nói của ông đều mách bảo tôi rằng ông quả là một con người mẫu mực, một người bạn tận tụy và chân thành mà tôi hoàn toàn có thể tin cậy. Lời tâm sự của ông đã giúp tôi lấy lại bình tĩnh và cảm giác yên tâm.
Trong bữa cơm trưa, ông hỏi tôi rất nhiều về Lucy và nhiều hơn cả là về Jonathan. Tôi chỉ có thể nói cho ông biết thêm về chứng mộng du của Lucy, còn về những chuyện khác, hẳn là ông đã biết, thậm chí còn biết rõ hơn tôi nữa là đằng khác. Về chuyện của Jonathan, quả thực là tôi thấy rất khó trả lời. Nhưng những thắc mắc của ông dần dà đã gợi ra cho tôi một mối liên hệ nào đó, dù mơ hồ, giữa các sự việc tưởng như chẳng ăn nhằm gì với nhau. Chính cảm giác mơ hồ đó đã thôi thúc tôi quyết định cho ông mượn nốt cuốn nhật ký - mà tôi đã thảo lại bằng máy chữ - của Jonathan. Tôi nghĩ mình đã làm một việc hoàn toàn đúng đắn. Khỏi phải nói Van Helsing đã cảm động như thế nào khi cầm bản sao cuốn nhật ký trên tay trước khi ra về khách sạn.
Thư của Van Helsing gửi bà Harker
Exeter, 6 giờ chiều ngày 25 tháng 9
“Thưa bà Harker,
Tôi thực sự xúc động khi đọc cuốn nhật ký của ông nhà, Tội nghiệp ông ấy quá! Ông đã trải qua biết bao cơ cực với những điều hãi hùng và quái đản. Song thưa bà, xin bà hãy tin đó là sự thực, hoàn toàn là sự thực? Nhưng tôi cũng khẳng định với bà một điều rằng một người đàn ông đủ can đảm để leo xuống bức tường thăm thẳm của tòa lâu đài rùng rợn đó tới hai lần như ông nhà quả không phải là người để chúng ta phải lo lắng. Tôi rất muốn được tiếp kiến ông ấy vào sáng mai.
Chào thân ái.
Abraham Van Helsing.”
Nhật ký của Jonathan Harker
Ngày 26 tháng 9
Thú thực chẳng bao giờ tôi nghĩ mình lại có ngày đặt bút viết tiếp vào cuốn nhật ký. Vậy mà... Tối hôm qua, lúc trở về nhà, Mina đã kể cho tôi nghe cuộc viếng thăm của vị giáo sư người Hà Lan Van Helsing và chuyện cô đã đưa cho ông bản sao cuốn nhật ký của tôi. Tôi cũng đã đọc lá thư mà ông gửi cho vợ tôi chiều hôm qua. Lá thư ngắn ngủi ấy đã đem lại sức mạnh và niềm tin cho tôi. Vâng? Tất cả những gì xảy ra đối với tôi hoàn toàn là sự thật? Nhưng bây giờ tôi đã trở thành một con người khác hẳn: tôi không còn thấy sợ nứa, kể cả trước lão bá tước quái đản kia. Sự xuất hiện sáng nay của Van Helsing quả là một luồng sinh khí thổi vào con người bải hoải, yếu ớt của tôi. Ông đúng là người tôi mong đợi bấy lâu. Tôi đã thú thực với ông tất cả những gì tôi phải trải qua trong cuộc viễn du đầy ác mộng ấy.
Tôi nói với ông rằng đã có lúc tôi không còn biết phải tin vào cái gì và cũng chẳng biết phải hành động ra sao, trông cậy vào ai nữa. Lúc tỉnh táo, lúc mê muội, tôi cảm thấy mình như đang đi vào một vết xe đổ mà không thể thoát ra được. Mặt khác, tôi vẫn phải cam chịu cái mệt mỏi từ những công việc đang càng ngày càng lộ rõ là một lối mòn có vết xe đổ đó, và vì thế mà tôi bắt đầu không còn tin ở chính mình nữa.
- Thưa bác sĩ, chắc là ngài không hiểu nghi ngờ tất cả và nghi ngờ chính bản thân mình là một cảm giác như thế nào đâu? Không, ngài không thể hiểu được! Không thể và không thể? Tôi chẳng nhận ra bất cứ một biểu hiện gì trên vầng trán thanh tao của ngài cả.
Van Helsing phì cười đáp lại :
- Chà! Ông lại còn biết cá nhân tướng học nữa kia đấy! Từ khi tới đây, cứ mỗi giờ trôi qua là tôi lại biết thêm ít nhiều điều mới. Tôi cảm thấy thật vinh hạnh khi được cùng ông chia sẻ bữa điểm tâm ở đây. Ông bạn ạ, ông sẽ cho phép ông già này nói chuyện một cách chân thành nhất chứ? Ông thật hạnh phúc khi có được một người vợ như vợ ông bây giờ! Giáo sư Van Helsing đã không ngớt lời ca ngợi Mina trong suốt cả buổi trò chuyện, đến nỗi tôi chỉ còn biết gật đầu im lặng lắng nghe.
- Bà nhà quả là một người của Chúa. Chúa đã tạo ra bà bằng chính bàn tay của Ngài, để chứng minh cho chúng ta thấy rằng trên đời này thực sự có một thiên đường, một thiên đường mà một ngày nào đó, các con chiên của Ngài đều có thể bước lên. Thiên đường ấy quả thực đang tỏa ánh hào quang rạng ngời xuống cuộc sống trần trụi của trái đất này. Một người có lòng trung thành với Chúa và vôi mọi người, có lòng nhân từ, dịu dàng nết na, biết hy sinh tất cả vì những người xung quanh như bà nhà đâu phải là nhiều trong cái thế kỷ đầy rẫy những nghi kỵ và ích kỷ của chúng ta. Và cả ông nữa, ông bạn ạ... Tôi đã đọc tất cả những lá thư gửi Lucy của bà nhà, trong đó có cả những dòng kể về ông. Vì vậy, không phải đến bây giờ tôi mới biất về ông, song tôi cũng chỉ thực sự hiểu con người ông kể từ chiều tối hôm qua. Nào, ông bạn, tôi bắt tay anh được chứ? Chúng ta sẽ mãi là bạn của nhau.
Chúng tôi xiết chặt tay nhau, sự chân thành của Van Helsing một lần nữa làm tôi thực sự cảm động.
Còn bây giờ, ông tiếp tục tôi có thể đề nghị ông giúp đỡ được chưa? Trước mắt tôi còn một việc rất quan trọng cần phải giải quyết, nhưng để làm được như vậy, điều trước tiên mà tôi cần là phải biết. Tôi tới đây cũng là vì sự giúp đỡ của ông. Ông có thể nói cho tôi biết những gì đã xảy ra trước khi ông hành trình tới Transylvanie được không? Sau đó, có thể tôi sẽ còn phải tiếp tục nhờ cậy ở ông, nhưng là để giải quyết các vấn đề theo một trật tự khác. Chỉ cần ông trả lời câu hỏi đó ìà đủ đối với tôi trong lúc này.
- Nhưng, thưa ngài, tôi chẳng thấy có mối liên hệ nào giữa lão bá tước và câu chuyện mà ông đang bận tâm cả.
- Có đấy, ông bạn ạ! - Ông nghiêm nét mặt trả lời.
- Nếu vậy thì xin ngài cứ tin ở tôi.
Sau bữa điểm tâm, tôi tiễn ông ra ga. Lúc chia tay tôi, ông bảo :
- Nếu tôi mời, ông có thể tới Luân Đôn được không? Tất nhiên là cả bà Mina nữa?
- Chúng tôi sẽ lên đường ngay lập tức nếu ngài cảm thấy tiện.
Tôi mua tặng ông mấy tờ tin buổi sáng, và cả vài tờ tin buổi chiều số ra ngày hôm trước, để ông ngồi đọc trên tàu cho đỡ buồn. Ông vừa bước lên cửa toa xe vừa đọc lướt qua các tít báo. Tôi nhận thấy ánh mắt ông như vừa bị hút vào một hàng chữ lớn trên tờ Westmirlster Gazette; sắc mặt ông bỗng tái nhợt đi ngay sau đó. Tôi nghe rõ tiếng lẩm bẩm sợ hãi của ông :
- Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Đây rồi! Ra rồi!.
Tôi tin chắc rằng trong tâm trạng xúc động khó hiểu, ông đã quên khuấy sự có mặt của tôi.
Tiếng còi hơi bất chợt rú lên một hồi dài thê thảm trước khi đoàn tàu từ từ chuyển bánh. Van Helsing giật mình trở lại với thực tại, ông ngoái ra khỏi cửa vẫy chào tôi :
- Cho tôi gửi lời chào bà nhà nhé! Tôi sẽ gửi thư cho ông bà ngay khi nào có thể.
Nhật ký của bác sĩ Seward
Ngày 26 tháng 9
Nói cho cùng thì chẳng bao giờ có điều gì kết thúc cả. Kể từ hôm tôi viết chữ “hết” trong nhật ký đến nay vẫn chưa đầy một tuần, vậy mà tôi đã lại phải cầm bút tiếp tục ghi lại những ưu tư của mình, và điều tệ hại là tôi vẫn không thể tránh khỏi những chuyện mà với tôi tưởng chừng phải kết thúc rồi. Đúng là cho đến tận chiều hôm này, tôi chẳng có lý do gì để nghĩ về những gì thuộc về quá khứ cả. Bệnh nhân Renfield đã trở nên hiền hòa hơn bao giờ hết. Từ vài tuần nay, hắn chỉ biết chăm sóc cho đàn ruồi của hắn. Còn bây giờ, hắn như đang bị lũ nhện hút mất hồn, vì vậy tôi không còn bị hắn quấy rầy nữa.
Tôi vừa nhận được thư viết hôm chủ nhật của Arthur. Theo những gì anh nói trong thư, tôi hiểu anh đã dần khỏe trở lại. Quincey Morris đang ở cùng anh để giúp anh trở lại với cuộc sống bình thường sau những cú trời giáng vừa qua. Morris bao giờ cũng là một chàng trai năng động và đầy nhiệt huyết. Cậu ta cũng vừa gửi thư báo cho tôi biết Arthur đã ít nhiều tìm lại được niềm vui của cuộc sống. Như vậy thì tôi yên tâm rồi.
Về phần mình, tôi cũng cố gắng bắt tay vào công việc với sự say sa vốn có của mình. Tôi hoàn toàn có thể tin tưởng rằng vết thương do cái chết bi ai của cô bé Lucy tội nghiệp để lại trong tôi đang dịu đi từng ngày. Hôm qua, Van Helsing tới Exetel và chỉ trở về vào ngày hôm nay. Khoảng năm giờ chiều, ông tới tìm tôi với tờ tin chiều Westminster Gazette trên tay.
- Anh nghĩ thế nào về chuyện này? - Ông vừa nói vừa đưa tờ báo cho tôi rồi lùi lại vài bước, hai tay khoanh trước ngực.
Tôi chỉ đọc lướt qua tờ báo, bởi thú thực tôi vẫn chưa hiểu ông định ám chỉ điều gì. Nhưng ông đã bước tới khẽ giật lại tờ báo và chỉ cho tôi thấy một bài nói về chuyện những đứa trẻ bị mất tích ở khu vực xung quanh Hampstead song đều đã được tìm thấy. Tôi thấy chẳng có điều gì đặc biệt cho tới khi giật mình biết rằng tất cả những đứa trẻ bị mất tích đều bị một vết thương nhỏ, giống như những vết cắn ở cổ. Trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ khiến tôi phải ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Van Helsing.
- Anh nghĩ thế nào?
- Đó cũng chính là những gì đã xảy ra với Lucy.
- Thế anh giải thích như thế nào về điều đó?
- Rất đơn giản, tất cả đều có một nguyên nhân. Cái gì đã làm Lucy bị thương thì cũng làm cho bọn trẻ bị thương.
- Đúng... gián tiếp, nhưng cũng không phải là không trực tiếp?
- Ngài định nói gì vậy, giáo sư?
Thú thực tôi không hiểu giáo sư định nói gì sau câu trả lời ấy. Tôi định phàn nàn là đạo này ông hay nói khó, hoặc thần kinh của ông có vẻ như vẫn chưa ổn định sau những ngày căng thẳng vừa qua, nhưng khi nhìn nét mặt ông, tôi đã phải thay đổi ngay ý định của mình. Quả thực là chưa bao giờ, kể cả khi căn bệnh của Lucy đẩy chúng tôi tới tột cùng của tuyệt vọng, Van Helsing tỏ ra thất kinh như vậy.
- Thế giáo sư nghĩ như thế nào? Xin giáo sư giải thích giùm cho! Có lẽ tôi chỉ biết tưởng tượng chứ không biết lý giải ra sao cả.
- Anh bạn John ạ, anh sẽ không làm tôi tin rằng anh không hề nghi ngờ những gì có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Lucy chứ? Tất nhiên, tôi không chỉ đưa ra các sự việc, mà còn phải có cả những lời bình luận, những suy nghĩ day dứt bấy lâu nay để giúp anh hiểu ra vấn đề.
- Có lẽ là suy nhược cơ thể do mất quá nhiều... quá quá nhiều máu, có phải thế không ạ?
- Thế cái mất quá quá nhiều máu như anh nói đó là do đâu, anh có biết không?
Tôi lắc đầu chịu chết. Thấy vậy, ông ngồi xuống bên tôi, rồi tiếp tục câu chuyện của mình :
- Anh thông minh lắm, John ạ. Anh có lý lẽ thật đúng đắn và cũng rất thật thà, nhưng anh đã không tránh được các định kiến chủ quan. Anh không chịu để mắt, để tai đến sự việc, và rõ ràng điều đó đã không trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của anh, vì thế nên anh chẳng bao giờ nắm chắc được một điều gì cả. Chẳng lẽ anh không nghĩ trên đời này lại có những điều mặc dù anh không hiểu, nhưng vẫn tồn tại hay sao? Và rồi một số người trong chúng ta có thể thấy được những điều mà người khác không thể thấy nữa? Nhưng công bằng mà nói, trên đời này vẫn còn khối chuyện mà con người ta không thể hiểu nổi bởi vì họ biết hoặc là suy ngẫm, hoặc là nhận biết - những chuyện đó khác với những gì người ta đã dạy cho họ. Thế đấy? Đó chính là khiếm khuyết của khoa học: khoa học lúc nào cũng muốn giải thích tất cả, và khi không giải thích nổi, nó sẽ đưa ra một tuyên bố là chẳng có gì phải giải thích cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy ngày nào cũng có các học thuyết mới - hay nói đúng hơn là các học thuyết tự xưng là mới - ra đời ở đâu đó, thực ra chúng chỉ là những lý thuyết cũ mèm nhưng lại được biện bạch sao cho thật mới mẻ - kiểu như những người đẹp mà ta vẫn thấy trong các nhà hát kịch ấy. Nào, bây giờ tôi xin được hỏi tiếp nhé, anh có tin ở sự biến hóa của các cơ thể không? Anh sẽ trả lời là không chứ? Anh cũng không tin ở thuyết vật chất hóa? Cũng là không? Thế còn các vật chiếu mệnh? Có hay không? Và thuyết đọc được ý nghĩ? Lại không? Vậy anh nói thế nào về phép thôi miên?...
- Có chứ, nhà khoa học Charcot đã có khá nhiều bằng chứng cho chúng ta...
Ông mỉm cười và tiếp tục những lý lẽ của mình :
- Vậy là anh đã bị thuyết phục rồi nhé! Hiển nhiên là anh rất hiểu cơ chế của các thuyết và anh cũng đã để ý cách chứng mình của ông già Charcot! Vậy mà ông ta lại không còn nữa... Này, anh bạn John thân mến này, tôi có cần phải hiểu anh chỉ biết thừa nhận sự việc, hay kết quả của sự việc, một cách đơn giản mà chẳng cần đào sâu thêm vấn đề hay không? Không hả? Vậy thì tôi biết giải thích như thế nào? Xin đừng quên tôi cũng là một chuyên gia về bệnh tâm thần đấy nhé! - về việc anh thừa nhận lý thuyết của chứng mộng du, song lại phủ nhận hoàn toàn phép thần giao cách cảm? Anh bạn ạ, để tôi nói nhé: trong thời đại ngày nay, người ta thừa biết rằng dòng điện được sinh ra từ chính các vật chất mà ngày trước, những người phát minh ra nó đã phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Hồi đó, phát minh của họ bị coi là một trò phù thủy bịp bợm, một hành động báng bổ thần thánh, chính vì vậy mà họ phải chết trên giàn thiêu. Cuộc sống lúc nào cũng đầy những bí ẩn. Tại sao Mathusalem đã sống được chín trăm năm, trong khi cô bé Lucy đáng thương của chúng ta, mặc dù được bốn người truyền máu, lại không thể sống thêm được một ngày? Bởi vì chỉ cần sống được thêm một ngày nữa thôi là có thể cô ấy sẽ được chúng ta cứu sống! Anh có hiểu thấu đáo sự bí ẩn của sự sống và cái chết không? Anh cũng biết tường tận về giải phẫu học so sánh chứ? Nào, anh nói lại, tại sao có một số gã đàn ông lại có tính vũ phu, trong khi những người khác lại không như vậy? Anh có chắc mình đủ khả năng lý giải được hiện tượng là trong khi các con nhện khác đều chết trẻ, thì con nhện khổng lồ từng sống qua nhiều thế kỷ trong tháp một nhà thờ cổ của Tây Ban Nha ấy lại cứ lớn lên, lớn lên mãi cho tới khi đủ sức để bò xuống uống bằng sạch số đầu chứa trong tất cả các ngọn đèn ở đền thờ không? Còn nữa, anh làm thế nào để giải thích cho tôi tại sao, giữa một thảo nguyên mênh mông ở Nam Mỹ, và cả ở các nơi khác cũng vậy, đàn dơi không chỉ lần mò giữa đêm, đi hút máu của những con vật nhỏ bé, mà còn dám trích cả động mạch của những con ngựa to xác để thỏa thuê hút đến những giọt cuối cùng đây? Anh giải thích ra sao về việc ở một số hòn đảo thuộc Đại Tây dương, đàn dơi - vâng, vẫn là loài dơi - lúc nào cũng đậu lơ lửng trên các cành cây, đợi khi các thủy thủ ngủ quay ra trên các boong tàu vì thời tiết nóng nực chẳng hạn, sẽ lao ập xuống người họ, và thế là sáng dậy, người ta thấy họ không còn thở nữa, họ đã chết vì mất máu giống như những biểu hiện của Lucy?
- Chúa ơi! Thưa giáo sư, phải chăng giáo sư định nói rằng Lucy chính là nạn nhân của một con dơi nào đó? Và ở đây, trong cái thành phố Luân Đôn giữa thế kỷ mười chín này, cùng có thể xảy ra một chuyện tương tự?
Ổng khoát tay ra hiệu cho tôi im lặng và tiếp tục :
- Anh có thể giải thích tại sao giống rùa lại sống lâu hơn bao đời người, tại sao loài voi lại được chứng kiến sự suy tàn của hết triều đại này đến triều đại khác của con người, và tại sao con vẹt chỉ chịu chết khi bị cắn bởi một con mèo hay một con chó không? Anh có thể nói cho tôi biết vì lý do gì mà con người, ở mọi lúc và mọi nơi, đều muốn mình được sống vĩnh cửu không? Tất cả chúng ta đều biết - như khoa học đã khẳng định rằng loài cóc có thể sống hàng ngàn năm trong đúng một cái hang nhỏ nằm dưới các mỏm đá. Nào, anh giải thích đi, tại sao một đạo sĩ khổ hạnh Ấn Độ lại có thể tự hy sinh và tự chôn mình lại, rồi cho người niêm phong cửa mộ và gieo lúa mì lên đó. Tại sao người ta vẫn tiếp tục gieo mầm trên đó sau vụ gặt đầu tiên, và tại sao khi những ngọn lúa mới này được gặt đi rồi, người ta lại đến bỏ niêm phong ra và thấy đạo sĩ đang nằm dài trong mộ, không phải là không chết, bỗng lập tức đứng dậy để cùng bước đi với họ?
Ông chợt im bặt. Về phần mình, tôi thấy đầu tôi như sắp nổ tung ra đến nơi. Van Helsing đang bắt tôi chịu đựng toàn những chuyện kỳ quái của tự nhiên, những cái không thể bị biến thành những cái có thể mà trí tưởng tượng của tôi, dù rất phong phú, vẫn không thể hình dung ra nổi. Tôi ngờ rằng hình như ông đang định chứng minh cho tôi thấy một điều gì đó giống như ông đã từng làm ở Amsterdam ngày xưa, có điều là khi đó, ông chỉ muốn tìm cách nói cho tôi biết mục đích buổi lên lớp của ông để tôi có thể lĩnh hội một cách ấn tượng nhất bài giảng của ông mà thôi. Còn hôm nay, tôi không sao nắm bắt được cái điểm khởi đầu trong câu chuyện của ông, nhưng thú thực tôi cũng chẳng có ý định bám theo cái ý tưởng bác học và chuỗi các diễn biến sự kiện mà ông đã nêu ra.
- Thưa giáo sư, - Tôi nói - hãy cứ coi tôi là một học trò được yêu mến của giáo sư như ngày xưa. Xin giáo sư cứ nói thẳng vấn đề để tôi có thể liên hệ với các lý thuyết mà giáo sư đã truyền dạy cho tôi ngày nào, chỉ có vậy tôi mới mong hiểu được những gì giáo sư định nói. Lúc này, tôi chẳng khác gì một kẻ điên, đầu óc tôi hoàn toàn không được thông thái để chắp nối các ví dụ mà giáo sư vừa nêu. Tôi thấy mình như một đứa trẻ đang bì bõm nhảy từ bụi cỏ này sang bụi cỏ khác, giữa một đầm lầy đầy sương mù, mà chẳng biết mình phải đi về đâu.
- Được đấy, anh tưởng tượng cũng được đấy. Thế này vậy, tôi sẽ nói ngay lập tức điều tôi định nói: tôi muốn anh phải tin.
- Phải tin cái gì...?
- Phải tin những điều mà từ trước đến nay anh không tin. Hãy cứ để tôi giải thích. Có lần tôi nghe nói có một người Mỹ định nghĩa về niềm tin như thế này: “Đức tin là một bộ môn cho phép chúng ta tin ở những điều mà chúng ta cho là không đúng”. Tôi hoàn toàn hiểu ý của ông ta. Ông ta muốn nói chúng ta cần giữ cho đầu óc thông thái và đừng để một chân lý nhỏ cản trở sự tiến bộ của một chân lý lớn hơn. Điều quan trọng là trước tiên, chúng ta phải hiểu được cái chân lý nhỏ ấy, song chúng ta cần đánh giá đúng giá trị thật của nó và không được để mình bị thuyết phục rằng đó là chân lý của cả cái vũ trụ bao la này.
- Vậy giáo sư định nói rằng các ý niệm định kiến không thể biến thành chướng ngại cản trở việc thừa nhận các ý niệm khác đặc biệt hơn?
- Chà! Anh lúc nào cũng là một học trò xuất sắc nhất của tôi? Tôi chẳng cần mất nhiều thời gian để giải thích cho anh một điều gì cả? Bây giờ, anh đã sẵn sàng tìm hiểu vấn đề như một bước đi đầu tiên, và tôi tin là anh sẽ hiểu. Vậy thì anh có nghĩ các vết thương nhỏ trên cổ của bọn trẻ đều có chung một nguyên nhân từng gây ra các vết thương mà chúng ta đã thấy trên cổ cô bé Lucy không?
- Có, tôi cho là...
Van Helsing bỗng đứng bật dậy.
- Vậy là anh đã nhầm rồi, anh bạn John ạ. Ôi? Giá như sự thật đúng là như vậy thì đỡ biết bao! Nhưng, lạy Chúa? không phải... Sự thật còn khủng khiếp hơn nhiều, rất nhiều nữa là đằng khác...
- Lạy Chúa tôi! Thưa giáo sư, ngài định nói gì mà tôi không hiểu?
Ông thả người ngồi phịch xuống ghế, khuỷu tay đặt mạnh xuống bàn, hai tay bưng mặt, vẻ thất vọng đến tột độ. Tôi bàng hoàng khi nghe giáo sư nặng nề buông ra một câu :
- Thật đáng tiếc? Những đứa trẻ ấy lại chính là nạn nhân của Lucy?
Xem tiếp chương 15