Phần Mười Lăm
Túy Ngâm Tiên Sinh
Nguyên tác: Nguyễn Duy Cần
Ngâm tiên sinh là người quên cả họ và tên, quan tước, làng mạc, hồ đồ mình không biết là ai nữa. Làm quan ba mươi năm, gần già, lui về ở đất Lạc Hà. Chỗ ở có năm, sáu mẫu ao, vài nghìn cây tre với vài chục gốc cây cối. Lầu gác sân tường đủ cả mà nhỏ. Tiên sinh an tâm mà ở đấy. Nhà tuy nghèo, không đến nỗi đói rét, tuổi tuy già chưa đến nỗi lẩm cẩm. Tính thích rượu, hay nghe đàn, hay ngâm thơ. Phàm những khách đàn, thơ rượu, chơi bời với nhau rất nhiều. Ngoài sự chơi đó, đem lòng mộ đạo Phật, học thấu các phép tiểu thừa, trung thừa, đại thừa, cùng với nhà sư núi Trung Sơn làm bạn "không môn", với Vi Sở làm bạn sơn thủy, với Lưu Mộng Đắc làm bạn thơ, với Hoàng Phủ Minh làm bạn rượu. Mỗi khi gặp nhau thì vui vẻ mà quên về. Gần Lạc thành trong ngoài sáu bảy mươi dặm, phàm chỗ nào có chùa chiền núi non, khe suối, hoa trúc, chẳng đâu chẳng đến, nhà ai có rượu ngon, đàn hay, chẳng đâu chẳng qua, ở đâu có sách vở múa hát, chẳng đâu là chẳng xem. Tự khi ở Lạc Xuyên, có người mời đi ăn tiệc đâu, thường thường cũng đi. Mỗi khi mát trời, hoặc lúc có trăng, có tuyết, bạn bè đến chơi, tất cả là bạn hồ rượu, mở tủ sách, thơ rượu thích chí rồi vớ lấy đàn gảy một khúc "thu từ", nếu hứng nữa thì sai trẻ nhà hòa nhạc, cùng tấu một khúc "Nghê thường Võ y", nếu vui nữa thì sai con hát hát vài khúc "Dương Liễu Chi", phóng tình vui vẻ, kỳ đến say khướt mới thôi. Đôi khi thừa hứng đi bộ sang láng giềng, hoặc chống gậy đi trong làng, hoặc cưỡi ngựa chơi chốn đô ấp, hoặc ngồi song loan chơi ngoài đồng nội. Trong song loan để một cái đàn, một cái gối, vài quyển thơ của ông Đào, ông Tạ, hai bên đầu tay song loan, treo hai hồ rượu, tìm nơi có sông núi, tùy tình dạo xem, ôm đàn dốc bầu, hết vui rồi trở về. Như thế mười năm, trong khoảng đó ngâm thơ ước hơn nghìn bài, ngày nấu rượu ước trăm hộc, mà trước sau hơn mười mấy năm không kể. Vợ con thấy uống nhiều quá thì lo mà ngăn can hai ba lần. Tiên sinh nói: "Phàm tính người ta ít người được trung bình, tất có đam mê về một việc. Ta cũng không giữ được mực trung bình. Nếu chẳng may mà ta hám lợi, làm nên giàu có, của cải chứa nhiều, cửa nhà lộng lẫy, để mua lấy vạ làm hại cho thân mình thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta hám cờ bạc, trăm nghìn đổ đi một lúc, làm cho phá gia bại sản để đến nỗi vợ con đói rét thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta hám sự luyện thuốc, nấu cao luyện đan, để đến nỗi không thành thuật gì, có điều lầm lỡ thì làm thế nào? Nay ta không hám các sự ấy, mà chỉ thích chí ở trong cuộc rượu câu thơ, phóng túng thì phóng túng thực, nhưng có hại gì, chẳng còn hơn ba sự kia ư? Bởi thế Lưu Bá Luân thấy vợ nói mà không nghe, Vương Vô Công chơi ở làng say mà không về vậy".
Nói đoạn, đem vợ con vào buồng nấu rượu, ngồi xổm, ngửng mặt lên hú dài một tiếng rồi than rằng: "Ta sinh ra ở trong trời đất, tài và hạnh kém cổ nhân xa, song giàu hơn Kiềm Lâu, thọ hơn Nhan Uyên, no hơn Bá Di, vui hơn Vịnh Khải Kỳ, khỏe hơn Vệ Thúc Bảo, may lắm may lắm, ta còn cầu gì nữa. Nếu bỏ cái thích của ta thì còn lấy gì mà vui lúc già!
Bèn ngâm lại một bài thơ "vịnh hoài", ngâm xong tủm tỉm cười, rồi nhắc vò rót rượu, uống vài chén cho say tít cú lỳ. Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại ngâm, ngâm rồi lại uống, uống rồi lại say, say với ngâm cứ lần lượt mà theo nhau. Bởi thế mà coi cuộc đời như giấc mộng, coi phú quý như đám mây bay, màn trời chiếu đất, chớp mắt trăm năm, lúc nào cũng li bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến, chỗ mà người xưa gọi "hòa với rượu", nên tự đặt hiệu là "Tuý Ngâm tiên sinh". Bấy giờ là năm Khai thành thứ ba, tiên sinh sáu mươi bảy tuổi, râu đã bạc, đầu hói một nửa, răng khuyết hai chiếc, mà cái vui trong thi tửu vẫn chưa suy. Ngoảnh lại bảo vợ con rằng:
"Mình ta từ nay về trước sướng rồi, còn cái mình ta từ nay về sau chưa biết vui như thế nào nữa!".
Lời bàn:
Trang Tử bàn đến cái đức SAY của người "Say Đạo" đã viết.
Người say rượu té xe, tuy mang tật mà không chết. Gân cốt thì giống với mọi người, mà bị hại thì sao lại khác với mọi người? Là vì nó giữ toàn được cái thần. Lên xe cũng không biết, té xe cũng không hay! Tử, sinh, kinh, cụ không sao vào được trong lòng. Cho nên dù có chống lại với vật mà không biết sợ. Đó là kẻ đã hòa với rượu mà còn được thế, huống chi là kẻ đã hòa được với thiên nhiên".
Mở đầu, tác giả đã tự giới thiệu một cách trào lộng nhưng sâu sắc vô cùng "Túy Ngâm tiên sinh là người quên cả họ tên quan tước làng mạc... hồ đồ như mình không hiểu mình, là gì nữa". Đó là cái SAY của bậc "chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh".
Say mà luận việc đời TỈNH hơn người TỈNH. Tiếng cười giòn giã của thánh nhân đã bắt đầu!
"Phàm tính người ta ít được có người "đắc trung", tất có sự ham mê về một việc gì. Ta cũng không giữ được mực "trung". Nếu chẳng may mà ta ham mê lợi lộc, làm giàu chứa của, cửa nhà lộng lẫy để chuốc họa vào thân, thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta ham mê cờ bạc, trăm nghìn đổ đi một lúc, làm phá gia bại sản để đến nỗi vợ con đói rét, thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta hám mê ăn mặc, luyện đơn luyễn thuốc để đến nỗi không thành công gì cả lại gây thêm lầm lỗi, thì là thế nào? Nay may mà ta chẳng ham mê những việc ấy, chỉ thích ở trong việc câu thơ chén rượu, phóng túng thì quả có phóng túng thật, nhưng có hại gì? Chẳng còn hơn ba việc kia sao? Bởi vậy Lưu Linh vợ can mà không nghe, Vương Tích chơi ở làng say mãi không về"
Người ta trên đời, trong cái cõi phù du này, phải có vui thích một cái gì... để mà biết xem nhẹ cuộc đời. Cái "say" của Bạch Lạc Thiên cùng với cái "say" của Đào Tiềm là một, đó là cái say của bậc thánh nhân đắc đạo, cái say "coi đời như giấc mộng, phú quý như phù vân, lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, xem trăm năm như chớp mắt" tuy thấy là một khoảnh khắc nhưng mà là một khoảnh khắc của thiên thu.
Có cái tỉnh mà say, nhưng cũng có cái say mà tỉnh. Thế nhân tỉnh mà say, thánh nhân say mà tỉnh. Thế nhân "tỉnh" trong cái "tâm sai biệt" phân biệt chính tà, vinh nhục, thọ yểu, thị phi... trái lại thánh nhân "say" trong cái "tâm vô sai biệt" (tâm hư) trong đó vũ trụ là một xáo trộn cổ kim, kim cổ, dồn làm một khối: "Lúc nào cũng li bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến"... Cái say của thánh nhân là cái say của người tỉnh. Cái tỉnh của thế nhân là cái tỉnh của người say (mê muội): Trong cảnh giới nhị nguyên.
Phần Mười Sáu
Đức Uống Rượu
Nguyên tác: Nguyễn Đức Cần
Có một đại nhân lấy trời đất làm một buổi, lấy muôn năm làm một chốc, lấy mặt trời, mặt trăng làm cửa ra vào, lấy thiên hạ làm sân, làm đường, đi, không thấy vết xe, ở, không có nhà, cửa, trời, tức là màn, đất, tức là chiếu, ý muốn thế nào thì thế. Lúc ở nâng chén cầm bầu, lúc đi thì vác chai, xách mâm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không còn biết đến gì nữa.
Có một vị công tử và một ông quan, sang qua nghe tiếng tiên sinh như thế, bèn đến tận nhà, xăn tay, vén áo, trừng mắt, nghiến răng, kẻ thì giãi bày lễ nghĩa, người thì giảng giải thị phi, ầm ĩ như đàn ong.
Lúc đó tiên sinh ôm vò rượu, ghé vào thùng rượu, tợp cả chén, vểnh râu, ngồi dang hai chân, không nghĩ, không lo, hớn hở, say sưa, thoáng rồi lại tỉnh. Lắng tai, cũng không nghe thấy tiếng sấm sét, nhìn kỹ cũng không trông thấy hình Thái sơn, nóng lạnh đến thấu cả thân, cũng không biết, tiền của dục vọng cảm đến tình, cũng không hay, cúi xuống trông vạn vật rối rít ở trước mắt khác nào bèo nổi bồng bềnh trên sông Giang, sông Hán.
Hai vị kia đứng bên cạnh, tiên sinh thấy như con tò vò, như con sâu rọm mà thôi.
Lời bàn:
Bài văn này của Lưu Linh "mắng" nặng hạng người thích tách bạch thị phi, thiện ác...
Đối với người đã xem thời gian vô cùng của trời đất như một buổi, muôn năm là một chốc... thì cái bọn người câu chấp hẹp hòi trong những cái gọi là lễ nghĩa thị phi... còn có nghĩa lý gì...
Cái say của Lưu Linh là cái say Đạo, vượt khỏi nhị nguyên, cho nên tiếng sấm sét không làm kinh động con người, tiên sinh lắng tai cũng không nghe. Hình núi Thái cao to lớn là bao, vậy mà dưới con mắt tiên sinh dù đã hết sức nhìn kỹ cũng không thấy. Tả cái tâm cảm của người đắc Đạo như thế quả là tài tình và hài hước.
Còn gì hài hước nữa bằng cách tả hạng Nho gia hăng hái truyền cái đạo nhị nguyên của họ như một đàn ong vỡ ổ: "Có một vị công tử, và một ông quan sang qua, nghe tiếng tiên sinh như thế, bèn đến tận nhà, xăn tay, vén áo, trừng mắt, nghiến răng, kẻ thì giãi bày lễ nghĩa, người thì giảng giải thị phi, ầm ĩ như đàn ong". Quả là cái cười tàn nhẫn! Tàn nhẫn mà hài hước đến cực độ là câu chót: Hai vị kia đứng bên cạnh, tiên sinh thấy như con tò vò, như con sâu rọm mà thôi!".
Phần Mười Bảy
Ngũ Liễu Tiên Sinh
Nguyên tác: Nguyễn Duy Cần
Ông không rõ người ở đâu, tên họ gì, bên nhà có trồng năm cây liễu, nhân đó mà đặt tên.
Ông nhàn tĩnh, ít nói, không ham danh lợi. Tính ham đọc sách, lại không cần thâm cứu chi tiết, mỗi lần hội ý điều gì thì vui vẻ quên ăn. Tính thích rượu, nhưng nhà nghèo, không có được thường. Người thân cận cố cựu biết vậy, có khi bày rượu mời, ông lại uống hết, đến say mới thôi. Say rồi thì về, không lưu luyến gì cả.
Tường vách tiêu điều, không đủ che mưa nắng, bận áo vải thô vá, bầu giỏ thường trống không mà vẫn vui.
Ông thường làm ăn để tiêu khiển và tỏ chí mình. Đắc thất không màng, cứ vậy trọn đời.
Khen rằng: "Kiềm Lâu nói: Không đau đáu lo cảnh nghèo hèn, không vội vàng mưu cảnh giàu sang".
Lời nói ấy trỏ vào hạng người như này chăng?
Lời bàn
Lối văn u mặc của Đào Tiềm nhẹ nhàng hơn của Lưu Linh, nhưng đều cùng một mùi vị hư vô siêu thoát
Bài văn của Đào Tiềm có nhiều đoạn rất hay... "Ông, không rõ là người ở đâu, tên họ gì..." Những ai đã hiểu Thiền, đọc lên sẽ thấy thú vị vô cùng. Trong khi thiên hạ đua nhau tìm cách "lưu danh hậu thế" đánh trống thổi kèn để cho khắp thiên hạ được biết đến cái tên nhỏ bé của mình thì Đào Tiềm cũng như Bạch Cư Di khởi đầu nói đến một thứ con người "vô danh": Túy Ngâm tiên sinh và Ngũ Liễu tiên sinh
Đào Tiềm hiểu rất rõ những tâm sự của những con người háo danh trục lợi, họ nói rất hăng, họ nói rất nhiều... nếu không phải vì háo danh thì chắc chắn không còn cái gì thúc đẩy con người ham nói cả. Cho nên Ngũ Liễu tiên sinh là người "ít nói", và dĩ nhiên bởi ông là người "không ham danh lợi". Chỉ có một câu mà nói lên được tất cả nhân quả của cái trò hề bản gã (comédie du moi)
Lối đọc sách của Ngũ Liễu tiên sinh cũng khác đời. Người đời đọc sách thì đi moi móc từng chữ một, chết trong văn từ chi tiết, lặn hụp trong hình thức, chi ly phân tích. Ngũ Liễu tiên sinh đọc sách "không cần thâm cứu chi tiết, mỗi khi hội ý điều gì thì vui vẻ quên ăn". Đọc sách mà được như thế là nhập thầnÔng
Giàu nghèo bất kể, đắc thất không màng. Ngụ Liễu tiên sinh quả là người cách xa thiên hạ: Một con người Tự Do
Nếu trong hàng đệ tử Khổng Tử hỏi Ngài về cái con người quái dị này là hạng người thế nào, chắc chắn Khổng Tử sẽ bảo: "Người mà làm gì hiểu nổi. Hỏi Hồi, may ra nó mới có thể nói cho mà nghe!
Phần Mười Tám
Đánh Cá Với Như Lai
Nguyên Tác: Nguyễn Duy Cần
Ca vừa đến Linh Tiêu, bỗng nghe tiếng khí giới chạm nhau chan chát vang lên! Thích Ca liền bảo Lôi Công bãi chiến, và kêu Tề Thiên hỏi. Tề Thiên nghe kêu hiện nguyên hình bước tới hét lớn:
- Nhà người ở xứ nào, dám tới đây khuyên giải?
Thích Ca cười nói:
- Ta ở Cực Lạc, hiệu Thích Ca Như Lai, nghe tin ngươi ngang dọc náo loạn Thiên Cung, nên đến đây khuyên ngăn! Chẳng hay ngươi sinh ở đâu, thành đạo từ năm nào, vì sao lại phản Trời như vậy?
Tề Thiên nói:
- Trời đất khiến đá nứt sinh ta, lâu nay ở non tiên Hoa Quả, động Thủy Liêm. Từ thuở nhỏ theo thầy Tây Thổ, luyện phép trường sinh bất tử. Nay thấy trung giới thâm u, muốn ngự chương tòa, thay vì Thượng đế. Bởi Thiên tướng cản ngăn, nên ta loạn đả Thiên cung, quyết buộc Ngọc Hoàng nhượng chức.
Thích Ca cười nói:
- Chẳng qua ngươi cũng là một con khỉ thành tinh, sao dám lớn mộng cướp ngôi Trời? Vả, Thượng đế tu đến một ngàn năm trăm năm chục kiếp, mỗi khiếp có nhiều năm. Còn ngươi tu luyện bao nhiêu mà dám lên ngôi báu! Sao ngươi không biết lẽ phải, lo phần tu niệm, còn quen thói dọc ngang, gặp đạo cao e cho uổng khiếp!
Tề Thiên vẫn hiên ngang nói:
- Đi tu nhiều, để rồi làm vua cho được lâu sao? Hễ thiên địa tuần hoàn thì ngôi báu cũng phải thay đổi. Ngươi mau bảo Thượng đế nhường ngôi, bằng không ta phá nát Thiên cung.
Thích Ca trầm tĩnh nói:
- Trừ phép trường sinh và biến hóa của ngươi ra, ngươi còn phép gì cao siêu hơn nữa, mà dám giành ngôi Thượng đế?
Tề Thiên nói:
- Ta có bảy mươi hai phép huyền công, luyện đặng trường sinh bất lão, và cân đẩu vân không ai sánh kịp, nhảy hơn mười ngàn tám trăm dặm, tài phép như vậy ta thay ngôi Trời chẳng xứng sao?
Thích Ca bảo:
- Vậy người cùng ta đánh cuộc coi tài phép bậc nào?
Rồi Thích Ca giơ bàn tay ra nói tiếp:
- Nếu ngươi nhảy khỏi bàn tay hữu này, ta sẽ bảo Thượng đế nhường ngôi cho ngươi, để khỏi tốn công chiến đấu, bằng ngươi nhảy không đặng, phải sớm trở về trung giới tu thêm ít kiếp, mới đủ sức đoạt ngôi Trời!
Tôn Hành Giả nghe nói cười thầm: "Ta nghe tiếng Thích Ca từ lâu, sao còn quê mùa đến thế! Lão Tôn nhảy một cái có tới mười ngàn tám trăm dặm, sá chi bàn tay là bao lớn, mà bày chuyện đánh cuộc!"
Qua ý nghĩ ấy, Tề Thiên vụt hỏi:
- Ngươi hứa như vậy, có chắc không?
Thích Ca đáp:
- Chẳng lẽ ta dối ngươi sao?
Dứt lời Thích Ca xòe bàn tay hữu ra, bằng lá sen.
Tôn Hành Giả cất thiết bảng, co chân nhảy vọt qua và la lớn:
- Ta qua khỏi Thích Ca thấy rõ chăng?
Bỗng Tề Thiên đưa mắt nhìn quanh, thấy có năm cây cột màu đỏ như thịt, trên đầu có mây xanh bèn nghĩ thầm: "Ta nhảy xa quá! Dường như đã cùng đường rồi! Có lo chi Thích Ca không bảo Thượng Đế nhường ngôi! Nhưng ta phải làm dấu, đề phòng khi đối nại với Thích Ca". Liền nhổ lông hóa ra viết mực, đề lên cột tám chữ: "Tề Thiên Đại Thánh đáo thử nhất dụ". Viết xong đái vào cột thứ nhất rồi mới dùng phép cân đẩu vân trở lại, kêu Thích Ca nói:
- Lão Tôn đã nhảy qua khỏi tay, ngươi mau bảo Ngọc Hoàng nhượng chức.
Thích Ca nổi giận mắng:
- Con khỉ đái vất, chưa ra khỏi tay ta sao đòi nhượng chức?
Tề Thiên hiu hiu tự đắc đáp:
- Lão Tôn nhảy khỏi tay qua đến chân trời, thấy có năm cây cột, với vừng mây xanh. Ta đã làm dấu ngươi rồi, ngươi không tin thì đến đó xem.
Thích Ca nói:
- Ta không cần đến làm gì, ngươi hãy cúi đầu xuống coi nhà ngươi đã nhảy đến đâu.
Tề Thiên nhìn xuống, thấy ngón tay giữa của Thích Ca có đề tám chữ: "Tề Thiên Đại Thánh đáo thử nhất dụ" và nơi dưới ngón tay cái còn hinh hỉnh hơi bọt của nước đái khỉ!
Lời bàn:
Tây Du Ký là một pho tiểu thuyết hoạt kê tài tình nhất của Trung Hoa trong đó xen lẫn một cách hồn nhiên những gì sâu sắc nhất mà cũng tầm thường nhất, cao siêu nhất mà cũng ngu ngốc nhất. Bởi vậy nó đã thỏa mãn được mọi từng lớp con người trong xã hội, từ bậc đại trí đến những bậc bình dân: Già trẻ, bé lớn, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái không ai đọc đến mà không cười...
Tôn Ngộ Không là một con khỉ đá (thạch hầu) tượng trưng bộ óc thông minh, tài năng quán thế và đầy ngạo nghễ của lý trí, với tham vọng chinh phục tất cả ngoại vật không bao giờ biết dừng (ngày nay gọi là khoa học vạn năng chinh phục cả không gian và thời gian). Tam Tạng, tượng trưng tâm đạo, chất phác thật thà (đạo học). Cả hai đại diện cho Trí (Ngộ Không) và Tâm (Tam Tạng). Bát Giới, tượng trưng thị dục vô bờ bến của thú tính nơi con người. Sa Tăng thật thà chất phác hơn, là sức chịu đựng nhẫn nại của phần thể xác. Cả bốn thầy trò là bốn yếu tố chính trong con người: Bốn người ký thực là một. Thiếu một, tập đoàn này không sao đi đến Tây Phương cực lạc... Pascal ví người ta có hai phần: Một ông thánh và một con thú. Phần Thánh là Tam Tạng và Ngộ Không (Tâm và Trí). Thị dục là phần con thú trong người đó là Bát Giới. Cho nên, dù là bậc thánh như Tam Tạng thường cũng hay nghe lời thị dục hơn là lý trí. Tam Tạng thường hay thiên vị Bát Giới hơn Ngộ Không. Bản tính loài người là vậy.
Bài văn trên đây miêu tả một cách hết sức khôi hài và có duyên cái tính tự cao tự đại của con người sống bằng Trí và cái tinh thần u mặc tế nhị của Phật Tổ Như Lai
Nhà Phật chuyên về huyền tướng: Cân đẩu vân của Tề Thiên với một cái nhảy đến mười ngàn tám trăm dặm, vậy mà cũng không thoát khỏi bàn tay của Như Lai. Không còn gì khôi hài bằng
Ai kia bên trời Tây đã tự hào chủ trương "thủy tổ loài người là khỉ", nhưng lại bị người đạo đức hương nguyện trách cứ vì đã đánh mất nguồn gốc thiêng liêng của loài người, nghĩ thật oan uổng và hài hước! Phải nói, họ đã bắt chước người Đông phương mà không dè!
Người Đông phương sở dĩ có chỗ khác biệt với người Tây phương thì hài hước mà Tây phương thì trang nghiêm. Bởi vậy người Tây phương đọc Tây Du Ký thì cười mà đọc Darwin thì giận: Tổ tiên loài người lẽ nào là con thú? Nếu nói như Đông phương, con người là cả bốn thầy trò Tam Tạng, Ngộ Không, Sa Tăng và Bát Giới, hoặc nói như Pascal: "Con người không phải là một vị thánh, cũng không phải là một con thú, mà là cả hai"
Phần Mười Chín
Cầu Nước Trường Sinh
Nguyên Tác: Nguyễn Duy Cần
Đêm ấy, bốn thầy trò Tam Tạng đang yên giấc thì bỗng vào khoảng canh hai, có tiếng chiêng mõ vọng lại inh ỏi.
Tôn Hành Giả lén ngồi dậy, mặc áo, nhảy lên mây trông xuống, thấy bên mé Nam đèn đuốc sáng lòa, có một đạo sĩ đang đứng lễ bái trên điện Tam Thanh.
Ba vị tiên ông đang mặc áo bát quái đứng độc thần chú. Hai bên bảy tám tên đồ đệ đánh trống và dâng hương.
Tôn Hành Giả tức cười muốn hiện xuống tìm cách phá chơi cho bõ ghét. Nhưng một mình e làm không nên việc, liền vội trở về rủ Bát Giới, Sa Tăng.
Tôn Hành Giả lén vỗ Sa Tăng dậy nói nhỏ:
- Ngộ Tịnh! Mau thức dậy, ta có chuyện này hay lắm!
- Sư huynh không ngủ sao!
Tôn Hành Giả nói:
- Mau ngồi dậy lén cùng ta đi dự tiệc.
Sa Tăng hỏi:
- Tiệc gì lúc canh ba này?
Tôn Hành Giả nói:
- Tại miếu Tam Thanh, đạo sĩ đang lập đàn làm chay cúng tế. Trên bàn thờ có hơn bảy chục cân bánh in, còn bánh bao thì nhiều lắm. Đó là chưa kể đến các thứ trái cây bày la liệt! Sư đệ hãy cùng ta đến đó hưởng cho mau, kẻo chúng cúng xong, dọn hết.
Bát Giới nghe bàn, vụt ngồi dậy nói:
- Sao không kêu tôi đi với?
Tôn Hành Giả nói nhỏ:
- Đừng có om sòm mà thầy thức dậy. Muốn ăn thì lén đi theo ta.
Ba người bò ra khỏi phương trượng, đằng vân đến miếu Tam Thanh.
Bát Giới thấy bánh trái để trên bàn cúng nhiều quá muốn xáp vào làm hỗn. Tôn Hành Giả nắm lại, bảo rằng:
- Đừng có ham ăn làm liều hỏng cuộc! Cứ để cho nó tan lễ rồi sẽ tính.
Dứt lời bắt ấn, niệm chú, hớp một hơi gió bên hướng Tốn thổi ngay vào. Tức thì gió ầm ầm nổi lên làm tắt đèn, bay tượng hết.
Các đạo sĩ thất kinh hồn vía. Hổ Lực đại tiên nói:
- Trận cuồng phong to quá, làm đổ cả cỗ bàn. Thôi chúng ta đi nghỉ, ngày mai sẽ tụng kinh bổ khuyết.
Các để tử tuân lệnh, để cả đồ đạc y nguyên kéo nhau đi ngủ.
Tôn Hành Giả cười khúc khích, nắm tay Sa Tăng và Bát Giới kéo lại nói nhỏ:
- Bây giờ thì cứ tha hồ mà xơi!
Ba người nhảy phóc lên bàn, mò trúng món gì thỉnh món ấy.
Bát Giới lăng xăng chạy bên này, nhảy bên kia, Tôn Hành Giả nói:
- Đừng có bốc hốt như con nít, hãy ngồi ăn cho tề chỉnh.
Bát Giới nói:
- Đã ra thân ăn vụng mà còn nói gì đến lễ nghi. Ăn ngốn ngấu cho xong, chúng nó hay được, mất ăn cả lũ.
Tôn Hành Giả hỏi:
- Ba cái cốt Tam Thanh ở đâu?
Bát Giới đưa tay đỡ mấy pho tượng lên, nhìn mặt, rồi nói:
- Đây là cốt ông Nguyên Thủy, chúng ta đặt ngồi giữa, đây là cốt ông Thái Thượng Lão Quân chúng ta đặt ngồi bên hữu, còn đây là cốt ông Linh Bửu Thiên Tôn, chúng ta đặt ngồi bên tả.
Tôn Hành Giả nói:
- Chúng ta phải giấu ba cốt tượng này, rồi hiện hình ba vị Tam Thanh thì ngồi ăn mới yên ổn.
Bát Giới nghe nói đắc ý nhảy lên lấy mỏ ủi ngã cốt ông Thái Thượng xuống và mỉa mai nói:
- Thôi! Ông ngồi đã mãn tiệc rồi, xin tránh chỗ cho tôi làm ba miếng.
Sa Tăng cũng bắt chước Bát Giới xô ngã tượng Linh Bửu, rồi hiện hình ngồi trên đài.
Tôn Hành Giả nói:
- Không xong! Đừng làm biếng. Hãy giấu mấy cốt tượng kia đã, kẻo chúng thấy thì bể chuyện.
Bát Giới nói:
- Ba cái cốt to thế kia biết chỗ nào mà giấu?
Tôn Hành Giả nói:
- Ta thấy mạn bên trái gần đây có cái ao, đưa cả xuống tiện lắm.
Bát Giới nhảy xuống, hai tay rinh ba cốt tượng đem thả ùm xuống ao, rồi bôn ba trở về ngồi vào chỗ mình.
Tôn Hành Giả chỉ ăn toàn trái cây. Sa Tăng, Bát Giới thì món nào cũng hảo cả. Ba người làm một hơi, cỗ bàn sạch bách.
Giữa lúc đó, bất ngờ có tên tiểu đạo sĩ, vì bỏ quên cái đẩu trên bàn nên ra đó mà kiếm.
Vừa bước lên đàn, chợt nghe có hơi thở như hơi người và có tiếng chép miệng, tên tiểu kinh hoàng quay lưng lại, thì vừa giậm phải vỏ chuối trợt té chổng giò.
Bát Giới không nhịn được cười, phá lên cười ha hả.
Tên tiểu đạo sĩ hoảng vía, vừa chạy vừa la.
Ba vị đạo sĩ còn thức, nghe la, bước ra hỏi:
- Việc gì thế?
Tiểu đạo sĩ thưa:
- Thầy ôi! Không xong. Đệ tử bỏ quên cái đẩu trên đàn nên ra kiếm, nghe có tiếng người thở và tiếng cười sằng sặc ở trên bàn.
Ba đạo sĩ nổi giận, hét:
- Hãy thắp đèn lên, tà ma ở đâu dám lộng hành như vậy!
Trông thấy ánh đèn lấp loáng, Tôn Hành Giả đưa tay nắm lấy Sa Tăng, Bát Giới giữ lại.
Hai người hiểu ý, ngồi im không dám hành động.
Các đạo sĩ gọi đèn khắp nơi, tìm không thấy gì cả. Lộc Lực Đại Tiên nói:
- Không thấy người nào đến đây, cớ sao cỗ bàn đếu mất hết.
Hổ Lực Đại Tiên tức giận, rọi đèn khắp nơi, thấy vỏ trái cây lột bỏ ê hề, còn bánh bao chỉ còn mấy cái, lẩm bẩm:
- Lạ lắm! Ít ra thì cũng có kẻ nào lẻn vào đây ăn mới có dấu vết này chứ!
Dương Lực Đại Tiên nói:
- Sư huynh đừng nghi ngại. Có lẽ vì chúng ta lòng thành nên Tam Thanh tổ sư gián hạ nhậm lễ, sẵn dịp ngài còn đây, chúng ta lạy xin tiên đơn dâng cho trào đình, kẻo lâu nay ao ước.
Hổ Lực Đại Tiên khen phải, liền khiến các đệ tử gióng trống lên để cầu đảo.
Hổ Lực Đại Tiên quỳ trước bàn thờ van vái:
- Vua Xa Trì lâu nay ao ước được kim đơn, xin tổ sư ban ơn huệ.
Bát Giới bấm tay Tôn Hành Giả nói nhỏ:
- Biết như vầy lúc nãy đừng ăn ráng, cứ ra về cho sớm có hơn không. Ăn thêm một chút ít không thắm vào đâu mà mang họa!
Tôn Hành Giả bấm tay Bát Giới bảo im lặng, rồi lên giọng:
- Các tiểu tiên đừng lạy nữa. Chúng tôi vừa dự yến ở nơi bàn đào về đây không có đem theo linh đơn được. Dịp khác sẽ cho.
Các đạo sĩ nghe tượng Tam Thanh trỗi giọng sợ run lập cập. Nhưng khi nghe hết câu, mừng rỡ quỳ lại và nói:
- Thiên Tôn ít khi giáng lâm khó có dịp đệ tử được hầu, xin Thiên Tôn thương tình đệ tử.
Hổ Lực Đại Tiên quỳ lại, nói tiếp:
- Đệ tử hằng mong ước được vài giọt nước kim đơn uống để cho sống lâu, Thiên Tôn đã giáng lâm, lẽ nào không thương tưởng!
Sa Tăng bấm Tôn Hành Giả nói nhỏ:
- Bọn này có lẽ thích nước tiên đơn lắm, nên cầu xin mãi. Chúng ta tiếc gì mà không cho.
Tôn Hành Giả hiểu ý, cất giọng nói:
- Chư đệ tử đã thành tâm, lập đài cầu nguyện. Thôi ta cũng vui lòng để lại đây một ít cho chư đệ tử dùng.
Các đạo sĩ đồng quỳ lạy tạ ơn, và nói:
- Thiên Tôn rủ lòng thương như vậy, từ nay triều đình tất trọng đạo ta!
Tôn Hành Giả nói:
- Các ngươi hãy đem đồ đựng lạy đây!
Ba vị Tiên ông liền đứng dậy khiêng một cái ché lớn để trước bàn tượng, còn bọn đệ tử đứa thì bưng chậu, đứa thì rút bông lấy chân lạc bình để phụ vào.
Tôn Hành Giả nói:
- Các ngươi di tản hết, để ta dùng phép trao nước linh đơn. Nếu kẻ nào rình xem sẽ bị đui mắt.
Các đạo sĩ vâng lời lánh mặt nơi khác.
Tôn Hành Giả đứng dậy, với lấy chân lạc bình vén quần đái vào đấy đầy nhóc.
Bát Giới nói:
- Tôi cũng thốn bụng, cho tôi đái với, được chăng?
Tôn Hành Giả chỉ cái ché cho Bát Giới. Bát Giới xổ một hơi hơn nữa ché. Sa Tăng cũng phụ vào.
Xong, Tôn Hành Giả gọi các đạo sĩ đến lãnh "nước linh đơn".
Các đạo sĩ lật đật chạy đến cuối đầu lạy tạ, rồi bưng chậu, ché, và chân lục bình xuống dưới đàn.
Hổ Lực bảo đệ tử đem chén chung lại, rót uống một hớp.
Vừa nuốt khỏi cổ, Hổ Lực vừa chùi miệng và nhăn mặt.
Lộc Lực lấy làm lạ, hỏi:
- Kim đơn là thuốc tiên, uống ngon lắm, cớ sao lại cau mày?
Hổ Lực đáp:
- Không ngon! Hơi khai!
Lộc Lực không tin, lấy chén múc vào chậu uống một hớp, rồi cũng nhăn mặt, nói:
- Có hơi nước đái heo!
Tôn Hành Giả nghe nói biết đã bại lộ, liền hiện nguyên hình, nạt lớn rằng:
- Chúng bây là những đứa ngu muội. Đó là nước đái của ta, đâu phải kim đơn mà uống?
Ba vị tiên ông thất kinh, hét:
- Mày là ai lại đến đây vô lễ đến thế?
Tôn Hành Giả cười ha hả, nói:
- Ta là Tề Thiên, theo thầy ta đến Tây Phương thỉnh kinh, nhân qua đây thấy các ngươi thết tiệc, ghé vào ăn uống cho vui. Bởi vì các người khẩn khoản cầu xin kim đơn, nên ta mới cho một ít nước tiểu làm kỷ niệm.
Các đạo sĩ nổi giận, kẻ xách chổi đập, người vác gạch ngói liệng. Ba anh em Tôn Hành Giả vội vã đằng vân bay về.
Lời bàn:
Câu chuyện "Cầu thuốc trường" trên đây trong Tây Du Ký quả là một câu chuyện có tính cách u mặc thượng thừa có công dụng lập tức.
Tây Du Ký "cười" tất cả, không đề cao bất cứ thứ gì, Phật tổ cũng không tha, Đạo gia cũng bất kể. Trong nền văn học u mặc của Trung Hoa, riêng tôi cho nó là một kỳ quan hiếm có. Phải tinh thông Tam Giáo, uyên bác Tam Huyền mới có thể hiểu được những nghĩa sâu kín chứa đựng trong bộ truyện phi thường này.
Nhiều nhà phê bình của ta luận về tác phẩm này đã nhìn bằng cặp mắt thật thà của các nhà luân lý, như chê rằng Phật tổ mà còn nói láo v.v... họ làm gì hiểu nổi phần u mặc thượng thừa của Tây Du Ký. Thật đáng tiếc.
Phần Hai Mươi
Mã Tuấn
Nguyên Tác: Nguyễn Duy Cần
Tuấn, tên chữ là Long Môi, con một người lái buôn, phong thư đẹp đẽ, tính tình phóng khoáng, thích múa hát, thường theo bọn làm trò, lấy khăn buộc lên đầu, đẹp như con gái, nên lại có thêm tên hiệu là Tuấn Nhân.
Năm mười bốn tuổi được vào trường quận, nổi tiếng học giỏi. Cha già yếu, nên nghỉ buôn, một hôm gọi sinh đến bảo:
- Mấy quyển sách này, đói không thể thổi cơm mà ăn, rét không thể may áo mà bận, sao bằng học buôn bán, nối lấy nghề cha còn hơn!
Thế là Mã tập nghề buôn, theo người ta ra biển đi buôn. Một hôm thuyền bị gió bão cuốn đi suốt mấy ngày đêm đến một nơi đô thị, người xứ này xấu như ma lem. Nhưng khi thấy Mã, họ lại cho là yêu quái, kêu rầm lên, kéo nhau bỏ chạy tán loạn.
Thoạt đầu trông thấy hình dạng của họ, Mã sợ lắm. Nhưng sau mới biết là họ sợ mình, bèn làm cứng, bắt nạt lại. Gặp họ đang ăn uống, liền sấn đến, họ sợ chạy trốn, thì ngồi vào ăn nốt những thức ăn còn lại.
Lần đầu tiến sâu vào mấy làng trong chân núi. Ở đây có một số người mặt mũi cũng hơi giống người thường nhưng quần áo rách rưới như ăn mày. Mã ngồi nghĩ dưới gốc cây, người làng không ai dám đi qua, chỉ đứng đàng xa mà ngó. Lâu lâu, biết Mã không phải giống ăn thịt người, mới mon men lại gần. Mã lân la hỏi chuyện, tiếng họ nói tuy khó nghe, nhưng cũng lõm bõm hiểu được một nữa.
Mã liền nói cho họ biết mình từ đâu tới, mấy người kia mừng, phô khắp với mọi người trong thôn rằng: "Khách không phải định đến đây cắn xé ai đâu!". Ấy vậy mà có một người xấu xí nhất vẫn đứng xa xa, rồi lập tức trốn mất, không dám tiến lên.
Bọn người dám đến gần Mã là những người mồm, miệng, tai mắt mọc đúng chỗ của nó, trông cũng hơi giống với người Trung Quốc. Họ bày rượu thịt ra mời Mã ăn. Mã hỏi:
- Tại sao họ sợ tôi như vậy?
Bọn ấy trả lời:
- Trước thường nghe ông cha kể lại, cách phía Tây hai vạn ngàn dặm có nước Trung Quốc dân ở đó hình dạng kỳ quái. Nhưng chỉ nghe thế thôi. Bây giờ mới tin thật.
Mã hỏi:
- Sao các ông nghèo thế?
Đáp:
- Nước chúng tôi không trọng văn chương mà chỉ trọng dung mạo: Ai đẹp nhất thì làm thượng khanh, ai đẹp vừa thì làm quan cai trị các dân xã, hạng kém nữa cũng được ngồi trên yêu chuộng nên mới có lương bổng để nuôi vợ con. Còn bọn chúng tôi khi mới sinh ra, cha mẹ đều cho là xấu xa, phần nhiều đem vứt ra đường, trừ nhà nào hiếm hoi, không có con nối dõi, mới phải bất đắc dĩ mà nuôi vậy?
Hỏi:
- Nước này gọi là nước gì?
- Đại La Sát. Kinh thành ở phía Bắc, cách đây ba mươi dặm.
Mã nhờ dẫn đi xem cho biết. Hôm sau gà gáy đã trở dậy cùng đi, sáng ngày mới đến đô thành. Tường thành xây bằng một thứ đá đen như mực, lầu các cao gần trăm thước, nhưng ít có nhà lợp ngói, chỉ lấy đá đổ úp lên nóc, nhặt một mảnh đá vỡ, lấy móng tay cạo ra, thì không khác gì son tàu.
Lúc ăn, nhằm buổi tan chầu, có một vị quan lớn che lọng từ trong triều đi ra. Người làng trỏ bảo:
- Kia là quan Tướng Quốc.
Mã ngẩng lên trông, thấy hai tai quan Tướng Quốc đều mọc ngược trở lại, mũi ngài có ba lỗ, rèm mi rủ xuống che kín cả mặt như bức mành mành.
Kế đến mấy người cưỡi ngựa nối gót theo sau. Người làng lại nói:
- Đấy là các quan đại phu.
Rồi lần lượt chỉ khắp các mặt quan giới thiệu cho Mã coi: Ông nào ông nấy râu tóc lởm chởm, hình dạng quái dị. Kỳ nhất là hễ quan chức càng nhỏ thì mặt mũi càng đỡ xấu.
Một lúc Mã ra về, người đi đường trông thấy đổ xô mà chạy, ngã dúi vào nhau, như gặp quái vật. Người làng cố giải thích cho họ nghe, họ mới dám đứng lại, nhưng cũng chỉ đứng xa xa.
Từ bấy giờ, trong nước, từ lớn chí bé, ai cũng biết sơn thôn hiện có người quái ở. Thế là các quan khanh, quan đại phu muốn xem cho rộng tầm con mắt, tranh nhau sai người trong thôn mời Mã đến. Nhưng mỗi khi đến nhà nào, người canh cổng liền đóng ngay cổng lại, đàn ông đàn bà nấp trong cửa nhìn ra, thì thào bàn tán, đi suốt ngày không ai dám mời vào nhà. Người làng nói rằng:
- Ở đây có quan chấp kích đã được tiên vương sai sứ đi ngoại quốc, trông thấy người lạ cũng nhiều, hoặc giả ông ấy không sợ chăng?
Bèn cùng đến nhà chấp kích, quả thiên ông ta vui mừng, vái chào đón và tôn làm thượng khách. Mã ngắm nghía vị lão quan thấy tuổi trạc tám chín mươi, mắt lồi hẳn ra ngoài, râu ria tua tủa như lông nhím nói rằng:
- Kẻ hèn này lúc trẻ phụng mệnh vua đi sứ rất nhiều nước, duy có nước Trung Hoa là chưa đến bao giờ. Năm nay đã một trăm hai mươi tuổi, ai ngờ lại còn được trông thấy nhân vật thượng quốc thực là may mắn! Việc thế nào cũng phải tâu lên thiên tử mới được. Nhưng lão phu ẩn cư sơn dã, đã lâu không bước tới sân rồng, sáng mai xin vì ông đi một chuyến.
Liền sai mở tiệc, phân ngôi chủ khách mời ngồi, rượu được vài tuần, lão quan truyền đòi bọn nữ nhạc ra, tất cả tới hơn mười cô, thay đổi nhau múa hát, trông cô nào cũng xấu như quỷ dạ xoa, đầu bịt gấm trắng áo đỏ dài quét đất, giọng hát líu lường, không rõ ra câu gì, nhịp điệu thực là kỳ dị.
Chủ nhân ra vẻ vui thích lắm, hỏi rằng:
- Bên Trung Quốc các ông có đàn ca thế này không?
Thưa rằng: "Có!"
Lão quan xin Mã hát thử cho nghe, Mã bèn gõ vào bàn mà hát một bài, chủ nhân mừng, nói rằng:
- Lạ quá! Tiếng nghe như phượng hót rồng ngâm, lão phu quả thực chưa từng được nghe bao giờ.
Hôm sau lão quan vào triều tiến Mã lên quốc vương. Vương vui vẻ hạ chiếu vời. Có hai ba vị đại thần can rằng: Mã hình dạng quái dị e đức vua trông thấy sợ quá mà chết khiếp đi, có hại đến long thể chăng? Vua bèn thôi.
Lão quan về nói với Mã, có ý tiếc rẻ hộ chàng.
Ở nhà chấp kích được ít lâu, một hôm uống rượu say với chủ nhân, say, bèn rút kiếm đứng lên múa, lại lấy than bôi vào mặt, giả làm Trương Phi. Chủ nhân cho là đẹp, nói rằng:
- Xin khách cứ để nguyên bộ mặt Trương Phi như thế, ngày mai vào chào tể tướng, tất thế nào tể tướng cũng vui lòng dùng ngay, bổng lộc không lo gì thiếu.
Mã nói:
- Trời đất! Chỉ làm trò chơi chốc lát thì còn khả dĩ, chớ ai lại nhờ vào bộ mặt để cầu công danh bổng hậu bao giờ!
Chủ nhân nài mãi, Mã phải bằng lòng vậy. Rồi bèn truyền mở tiệc mời các quan đến uống rượu, dặn Mã vẽ mặt để ngồi chờ đợi. Một chốc khách đến gọi Mã ra chào. Khách kinh ngạc nói:
- Ô hay! Quái lạ thực! Sao ngày trước xấu xí thế, mà bây giờ lại đẹp đẽ thế này?
Bèn kéo cùng ngồi uống rượu rất vui. Mã đứng lên uốn éo hát một bài theo điệu thợ cấy, cử tọa không ai là không mê thích. Hôm sau tranh nhau dâng sớ tiến cử Mã lên Hoàng đế, vua mừng lắm, sai mang cờ tiết ra triệu Mã vào triều bái yết, vua phán hỏi đạo trị an ở Trung Quốc thế nào, Mã trình bày cặn kẽ, được vua khen lắm, truyền bày yến tiệc ở Ly Cung, ban thưởng cho. Rượu đã say, vua phán hỏi:
- Nghe đồn khanh múa hát giỏi lắm, có thể cho quả nhân nghe một bài được không?
Mã lập tức đứng lên múa, cũng bắt trước lấy gấm trắng bịt đầu, hát theo điệu cò lả. Vua bằng lòng lắm, ngay ngày hôm ấy xuống chiếu phong cho làm Hạ đại phu, luôn luôn cho ngồi hầu yến, ân sủng đặc biệt.
Lâu dần các quan trong triều đều biết là Mã khoác bộ mặt giả, đi đến đâu cũng thấy người ta thì thầm bàn tán, không vồn vã thân mật như trước, Mã tự thấy mình cô lập, trong bụng áy náy không yên bèn dâng sớ xin về hưu, vua không nghe. Lại xin nghỉ dưỡng sức ít lâu, vua bằng lòng cho nghỉ ba tháng.
Mã liền lấy ngựa chở vàng về sơn thôn. Người trong thôn quỳ xuống mà đón. Mã lấy vàng lụa phân phát cho mấy người quen thân từ trước, tiếng reo mừng vang lên như sấm.
Lời bàn:
Bài văn này, đọc kỹ mới thấy rõ phần u mặc độc đáo của nó
Trang Tử nói: "Có người bệnh hủi kia nửa đêm sinh đặng đứa con. Bèn lật đật kiếm cho đặng lửa để xem, chỉ nơm nớp lo sợ nó không giống mình."
Ông lại bảo: "Đồng với ta, cho ta là phải, không đồng với ta, cho ta là quấy". Ôi, lẽ Thị Phi của con người ta chỉ có thế mà thôi ư!
"Họ Tử xa có con lợn nái sắc đen huyền, đẻ một lứa ba con, hai con đen huyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình, thì ghét bỏ, sau cắn chết, xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi". Tình sử Trung Hoa cũng có câu chuyện u mắc như sau: Có một chàng si tình, yêu một ý trung nhân một mắt. Ra đường anh ta nhìn đàn bà chung quanh, hết sức bất mãn tại sao họ lại có dư một con mắt!
Có thể nói, nếu muốn tóm tắt ý nghĩa sâu xa của bài văn nầy, ta có thể mượn lời của Maurice Maeterlinck mà rằng: "Trong nhà thương điên, dưới con mắt của các người điên, kẻ điên nhất phải chăng là ông giám đốc bệnh viện"
Phan Sào Nam bàn về quẻ Bác có viết rất đúng: Quẻ Bác là quẻ âm cực trưởng, dương cực tiêu. Âm là tiểu nhân, dương là quân tử. Ở thời buổi này, tiểu nhân đắc chí hoành hành, người quân tử không còn chỗ nào mà hành động được nữa, chỉ nên ẩn dật mà chờ thời, may ra mới khỏi bị bọn tiểu nhân hãm hại".
Đúng là tâm sự của những bậc "ấn quân tử" thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sở cuồng Tiếp Dư khuyên ngăn Khổng Tử: "Phụng ơi! Phụng ơi! Lúc đời vô đạo, sao không ở ẩn? Đức sao mà suy thế! Từ nay trở về trước thì không sao can được! Nhưng mà từ đây về sau, còn có thể tự hối lại được! Nên thôi đi! Nên thôi đi! Ngày nay mà đi làm chính trị, nguy lắm thay!"
Lão đánh cá quả có lý khi khuyên Khuất Nguyên: "Thánh nhân tùy thời mà không câu nệ việc gì. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục thêm một thể? Loài người say cả sao. Ông không biết ăn cả men húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu đến nỗi phải bị phóng khí?" Chính là chỗ mà Trang Tử đã nói: "Ôi! Hạng thật mê, suốt đời không tỉnh. Hạng thật ngu, suốt đời không khôn. Ba người cùng đi mà có một người mê, thì chỗ mình định nói còn có thể mong đạt tới được, là vì kẻ mê ít, mà người tỉnh nhiều. Nếu ba người cùng đi mà có tới hai người mê, thì chỗ mình định nói đến không thể mong đạt tới được là vì người mê nhiều mà người tỉnh ít. Nay cả thiên hạ đều mê, ta dù có muốn chỉ đường cũng không thể được. Chẳng cũng xót xa lắm sao!... Biết là sự không thể được mà vẫn cứ gượng làm (tri kỳ bất khả nhi vi chi) đó lại còn mê hơn thiên hạ nữa!"
Câu chuyện Mã Tuấn trên đây của Bồ Tùng Linh quả là một thứ trào lộng u mặc thượng thừa... Hay nhất là đoạn chót: "Mã Tuấn làm trò, bôi mặt giả làm Trương Phi... Bấy giờ lại được người nước La Sát quý mến và yêu cầu giữ luôn bộ mặt giả ấy. Nhờ vậy mà Mã được giàu sang vinh hiển. Nhưng sau dần, người ta biết rõ là Mã mang bộ mặt giả nên không còn thích nữa, cũng chẳng ai ưa gì những con người giả dối ấy". Mã Tuấn quả là người sáng suốt nên đã biết lo xa mà xin về hưu trước.
|