CHƯƠNG VI
Một tuần đã trôi qua kể từ sau cái buổi sáng nắng nóng hôi hám ấy, nhưng cái gọi là “thử dò hỏi tung tích bả coi” của ông cựu đại tá tốt bụng vẫn không có gì hơn chính những điều ông đã nói. Không thật tin lắm, sợ rằng ông chỉ nói phướn đi để bứt tôi ra khỏi cái vòng quá khứ mê hồn trận đó nên tôi quyết định chính mình sẽ làm cuộc dò tìm… Nhưng lượng thông tin cũng vẫn dừng cứng ở đó, thậm chí còn mù mờ hơn. Tôi đã tới phòng thương binh xã hội, thị đội, tỉnh đội để hỏi về sự việc trao trả tù binh, tới ban tổ chức chính quyền, cả ban tổ chức tỉnh uỷ, thậm chí gặp cả hội phụ nữ, ban thanh niên, cả những ông già lăn lộn lâu năm với phong trào nay đã nghỉ hưu… Tóm lại tôi đã mò đến tất cả những nơi có thể đến được, có thể dính líu đến tiểu sử Cô Ta. Rút cuộc vẫn là một số Không to tướng như tôi đã nói.
Lần mò chán, tôi lại quay về cái ngôi nhà đồ sộ năm tầng đó. Mỗi ngày lót lòng một đĩa cơm bụi ngàn rưỡi, toàn bộ thời gian còn lại, tôi dành cho sự lảng vảng quanh nó. Suốt 7 ngày lơ láo, tôi chỉ hú họa gặp được cô ta không quá hai lần. Cũng vẫn là sau tấm kính cửa sổ cao vòi vọi. Và lần nào nhìn thấy tôi, khuôn mặt ấy cũng biến nhanh như hồn ma bóng quế. Không nản lòng, tôi tìm một chỗ thật khuất mai phục với hy vọng sẽ đón gặp được cô ta khi đi ra đường. Mai phục! Đó là sở trưởng của tôi. Ngày xưa mai phục trong đêm tối, trong muỗi mòng, trong chết chóc hàng tuần hằng tháng còn như không nữa là bây giờ. Chuyện vặt! Mai phục đến mọng nhức con mắt, đến chóng mặt, mai phục cũng chả để làm gì, thấy tự nhiên thích phục thì phục thôi. Nhưng kỳ lạ! Con người ấy dường như không có thói quen ra khỏi ổ dù chỉ là đi dạo buổi chiều sau giờ làm việc hay thực thi thú vui đi chợ búa theo bản năng đàn bà. Thảng hoặc nếu có phải đi đâu đó theo chức năng hiện hành, Cô Ta lại ngồi sẵn trong chiếc xe du lịch màu cà phê sữa cho lái xe bon thẳng từ ga-ra ra luôn cổng. Gã lái xe không ngờ lại chính là gã phản ngực! Vừa ngoáy vô lăng một cách điệu nghệ, cái thằng chắc chắn là đang ăn hại lương này vừa chém mắt lục soát khắp nơi về phía trước, hệt cái kiểu vệ sĩ trung thành cho một nữ hoàng phương Đông. Một nữ hoàng cấm cung. Chi tiết này càng bổ sung thêm cho niềm tin trong tôi. Độc thân, liêm khiết, buồn, không quan hệ, không lên đài địch truyền hình, không ra khỏi cửa… Tất cả những cái đó là cái gì nếu không phải là hành vi của một kẻ đang muốn giấu biệt đi tung tích của mình. Nhưng… rõ ràng cô ấy chết rồi, chết ngay trước mắt tôi, chính tay tôi đã cướp xác và chôn cất cơ mà? Cướp xác… Hay là… Thôi, nhức đầu lắm! Chỉ cần nghĩ đến chi tiết ấy là đầu óc tôi muốn nhão ra rồi, không còn hứng thú đi tìm nữa. Vậy mà vẫn đi. Đi như thể đi tìm lại chính mình, tìm lại một thời trai trẻ của mình.
Những ngày sau đó, tự dưng xe không thấy, người cũng không thấy nốt. Và trên cao, khuôn cửa sổ chỉ còn là một khoảng trống hoác, bẽ bàng. Tâm trạng tôi cũng trống hoác! Khuôn cửa sổ, dù khi có khi không nhưng những ám ảnh quá khứ, những tương tư kỷ niệm của tôi ít nhất cũng có cái chỗ để móc, để neo vào, nay bỗng dưng biến mất, tôi trở thành bơ vơ giữa đại dương ký ức. Buồn rời rã cả người. Vậy là Cô Ta, sau một thoáng hy vọng nhuốm màu cải lương về sự có thể có một chút mủi lòng nào đó chăng trước kẻ đi tìm tiều tụy ở tôi đã hoàn toàn khép kín. Thì ra, tiều tụy vậy chứ có tiều tụy nữa, thậm chí gục chết ngay tại trước cửa toà nhà cao tầng sáng choang ánh điện này, cái trái tim hãnh tiến của người đàn bà đang chất ngất chức kia đã dễ gì suy chuyển!
Ngày cuối cùng của chuỗi ngày làm vệ tinh bảng lảng quanh toà nhà quỷ ám, vào đầu giờ sáng, ông thường trực đi chéo qua mặt đường đến gặp tôi và ái ngại thông báo:
- Bả đi Sài Gòn họp rồi. Họp dài ngày, không biết chừng nào về? Cô thơ ký của bà ta có nhờ tôi đưa cho chú cái bọc này, không nói rõ là của ai… Theo tôi, chú nên trở lại miền Đông đi. Ở đó chú còn có bạn bè, có người quen, cũng đỡ cô quạnh. Sức khoẻ chú hiện tại tôi thấy rất tồi. Khi đã không khoẻ trong người, con người ta dễ tự kỷ ám thị, dễ ngộ nhận, chả xét đoán được một cái gì ra hồn đâu.
Tôi bần thần lần giở cái gói được bọc bằng họa báo ra: không có gì hết, không một dòng chữ, không một lá thư ngoài năm cọc một trăm ngàn đồng nằm trơ khấc bên cạnh hai bộ quần áo may bằng loại vải đắt tiền.
- Chỉ vậy thôi ư? - Tôi cười hấc lên một tiếng khẽ - Chỉ thế này là đủ để tiễn một bóng ma ra khỏi ký ức ư? Vâng! Với cái bọc này, bà ta có thể trốn chạy khỏi tôi, trốn chạy khỏi quá khứ nhưng còn tôi… Tôi cũng là một con người chứ đâu phải là một mặt hàng nhập khẩu hay xuất khẩu để bà ta đem ra đối lưu, trao đổi? Bác làm ơn trả lại hộ tôi cho bà ta, vâng, chỉ có thể là của bà ta, cái bọc này và nói rằng tôi tuy đang là kẻ đói khát, là đứa trắng tay thật nhưng không phải đến đây để xin ăn.
- Chú bệnh thật rồi! - Ông đại tá già nhìn tôi thương cảm - Nói điều này có thể không hợp tai, chú bỏ quá: Cho dù bà ta có đúng là cái cô Sương nào đó của chú đi nữa nhưng một khi họ đã cố tình ngoảnh mặt không nhận thì mình làm gì được? Nước đời khó lắm, chắc chú chẳng lạ. Huống chi đây…
- Không phải chỉ nhận hay không nhận - Tôi bỗng gắt lên - Nếu đúng cô ấy không chết thì tôi sẽ được cứu rỗi. Còn cô ấy đúng là chết thật rồi thì tôi sẽ tiếp tục bị ám ảnh như đã từng bị ám ảnh vì chính tôi, dù có biện minh thế nào đi nữa, cũng là kẻ phần lớn gây nên cái chết ấy. Lúc đó đáng lẽ tôi có thể quay lại, có thể giúp cho cô ấy được phần nào nhưng tôi lại nằm im…
- Đầu tiên câu chuyện tôi không thật hiểu. Là thằng lính cũng đã từng nếm trải đủ mùi khốn nạn đắng cay, tôi chỉ khuyên chú như thế. Còn chuyện chú nhờ tôi trả giùm cái bọc này, tôi sẽ làm. Nếu ở địa vị tôi, tôi cũng sẽ hành động như thế.
- Vâng ! Tôi xin lỗi bác. Tôi đã…
- Điều này nữa: từ lúc gặp bà ta, đã có khi nào chú tĩnh tâm lần giở đầu mối mọi chuyện chưa? Nhất là cái đêm cướp xác đem đi chôn ấy.
Cướp xác!... Động từ ghê rợn này đã điểm mạnh vào cái huyệt ngầm trong mạch suy nghĩ bấy lâu nay của tôi. Cướp xác… Mọi chuyện chỉ có thể có khả năng xảy ra trong cái đêm mưa gió kinh dị ấy. Như vậy, dù vẫn khuyên tôi nên quên nó đi nhưng chính ông lại thầm chia sẻ nỗi nghi ngờ của tôi có thể là đúng. Bằng câu nói ấy, ông đã khuyến khích tôi cứ quả quyết đi tìm, chớ nản lòng. Cuộc đời một thằng lính già còn có gì khác là không nguôi hướng về dĩ vãng và cầu mong cho cái dĩ vãng đó luôn luôn trong lành, chân thật.
Tôi nắm chặt tay ông và quay lưng đi ra bến xe. Liệu tôi có trở lại thành phố này nữa không? Điều đó chưa có thể nói trước được. Chỉ biết rằng, khuôn cửa sổ trên tầng năm, cho đến tận lúc tôi ngoặt ở đầu phố, nó vẫn đóng kín im lìm như ngàn năm nay chưa hề có ai ở đó.
Và cái bọc quà này là thế nào nhỉ? Phải chăng nó chính là một hành vi thú nhận mơ hồ, nằm ngoài ý thức của chủ nhân (?)
CHƯƠNG VII
- Ơi Khiển! - Một chiến sĩ thổi phù phù vào cái nòng M79 vừa thông xong - Thế cái lúc ba thằng biệt động to tướng như ba con trâu xô đến, mày làm thế nào mà oé một cái, ba thằng chúi sang ba hướng như ba con ngoé vậy?
Một chiến sĩ khác ngồi cạnh đó khum tay lên miệng nói khào khào để cho mấy cô gái không nghe được:
- Nó bóp ***. Hai tay ba củ, vừa bóp vừa dứt.
Tiếng cười bật lên khoái trá khiến cho mấy cô chẳng hiểu gì cũng cười theo.
- Tiếc quá! Mày lại có vợ rồi, nếu chưa, tao xin hứa nếu còn sống trở về, nhất định tao sẽ gả em gái cho. Em gái tao xinh nhất làng đó.
- Nó nói dóc đấy. Làm đếch gì có em gái, nó chỉ có bà chị gái sứt môi lồi rốn bán thịt chó sống ở đầu chợ thôi.
- Thôi, đừng giỡn nữa! Giỡn hoài, nó trạnh lòng, nó lại chảy nước (hạ giọng thật khẽ)… đái ra bây giờ. Có phải không chị Ba?
Sương thật thà ngẩng lên:
- Cái gì kia?
- Em bảo đừng giỡn nữa kẻo thằng Khiển nó buồn, nó lại chảy nước…dãi ra.
- Ừa, tôi đâu có biết.
Đám con trai cười rộ lên làm Sương tự dưng đỏ mặt. Cô lén nhìn sang Hùng, Hùng cũng đang ngoác miệng ra cười, khiến cô càng đỏ mặt hơn.
- Sướng chưa? Mày thử nhìn bà Sương mà xem, cứ như đứa trẻ lên mười, vậy mà có lúc lại nghiêm như bà má bốn, năm mươi. Thương bà ấy, ông Hùng vừa là con vừa là bố, tha hồ nhõng nhẽo, cái gì cũng được.
- Nói đùa, đi đã nhiều nơi, gặp đến lắm phụ nữ nhưng tao chưa gặp một ai có lối yêu… chết chóc, yêu hun hút, yêu không còn biết trời đất gì nữa như bà ấy.
- Cũng kinh! Không được đàn bà yêu cũng kinh nhưng bị đàn bà yêu quá, còn kinh hơn. Này nói nhỏ nhé! Người ta bảo bà ấy có số sát chồng, không khéo ông Hùng dính vào là toi mạng đấy. Kinh!
- Thôi đi ông bọ! Đừng số má lảm nhảm nữa. Thử nhìn thằng Khiển kia kìa! Mặt cứ đuỗn ra như rặn ỉa, trông nhộn không chịu được. Nói đùa, đúng ra sau trận này, nó đáng phong anh hùng hay chí ít cũng làm mấy cái huân chương quân công hay chiến công gì đó.
- Như mày thì ông Hùng phải anh hùng hàng chục lần rồi. Quân địa phương thiệt thòi thấy mẹ. Ông Hùng oánh đá đã có sỏi, tiếng tăm đến mức ba cái thằng ngụy cũng phải vì nể mà kêu là “ác ôn Việt Cộng” nhưng cho đến nay, sau gần chục năm vẫn chỉ là đội trưởng, quân hàm chuẩn uý như ngày mới vào. Nếu ở chủ lực, ít nhất ông ấy cũng phải đeo lon đại uý hay thiếu tá, nắm trong tay một tiểu đoàn, một trung đoàn ngon ơ. Cũng như thằng Khiển, nó mà nghe lời chiêu hồi chịu nhảy về chủ lực thì bây giờ chắc nó không chỉ là như thế.
- Ôi dào! Cả phân khu có độc một đơn vị đặc biệt, đánh kém thì xuống làm lính, đánh giỏi thì cũng chỉ lên đến đội trưởng là kịch. Chưa nói mấy cha trong này đánh giặc tài hoa nhưng không bền, mươi trận mà không thấy thắng lợi đâu là nản, là tút hết lên hậu cần, đường thồ, trông kho chờ thời, khi đó lại mấy chú ngoài kia nhảy xuống làm du kích, làm bí thư, làm kinh tài như người bản xứ. Ấy vậy mà lại còn phân biệt, còn cục bộ. Cứ làm như bọn mình là lính đánh thuê nhập ngoại hay bọn đại bá, tiểu bá vào đây tiếm đất tiếm quyền không bằng. Thì chính cái bà gì ở trên Bộ tư lệnh miền đã chả nói: “Mấy em ngoài kia sướng rồi, hãy khoan, nên tập trung đề bạt cho mấy em ở trong này…” đó thôi. Buồn cười! Nói thế mà cũng nói được. Và mấy ông ở cạnh đấy nghe thế mà cũng nghe được. Ai ngoài kia? Ai trong này?
- Khẽ chứ cha! Không cánh du kích nghe thấy họ lại nghĩ ngợi. Cái trò kỳ thị chết người này nằm ở các bố to đầu chứ làm thân phận thằng trực tiếp cầm súng cả thì Bắc hay Nam đều cơ cực như nhau hết. Thậm chí còn thương nhau hơn cả đồng hương, ví như ông Tám Tính đối xử với bọn mình, ví như bà Sương đối xử với ông… Hai Hùng.
- Tao e rằng, với cái tính khí cứng rắn kiểu sĩ phu Bắc Hà như ông Hùng, trước sau gì rồi cũng bị mấy cha ngứa mắt mà tiện ngọt. Chờ xem.
Đến đó thì Hai Hợi từ dưới suối ve vẩy đi lên. Mùi xà bông từ mái tóc bắt đầu để dài trở lại toả ra thơm ngọt như có buồng chuối chín phảng phất ở đâu đây. Kể từ ngày dính vào Tám Tính, hình dạng người con gái này đã dần dần làm một cuộc chuyển động ngược chiều để trở về cốt cách ban đầu. Như có phép lạ, như có một mùa xuân rực rỡ hiển hiện, tóc cô mọc dài hơn, tiếng nói trong trẻo trở lại, vào trận hầu như không còn nghe thấy tiếng quát lác, chiếc quần cụt bỗng dài dần ra và điều này mới thật hệ trọng, người ta bắt đầu thấy cô có những buổi chiều tư lự bên sông, mắt nhìn đi đâu xa vời lắm, có khi đến trăng mọc mới lặng lẽ trở về hầm. Mỗi buổi sáng ngủ dậy, dường như thấy khuôn ngực cô nhô cao hơn một chút, dáng hình thon thả hơn một chút và cũng dịu buồn hơn một chút. Người chị đang từng ngày tiến đến sự giống nhau với cô em họ của mình.
Đến sát gần mọi người, Hai Hợi vẫn quay tóc vun vút để văng ra những hạt sáng nhỏ li ti gợi nhắc một làn mưa phùn mùa xuân ở quê xa, giọng cô tươi rói mà không hề hay rằng một bi kịch đang sắp sửa đổ xuống một phần do giọng nói đó gây ra:
- Say sưa vừa thôi mấy cha! Không có cánh đàn bà bọn này nã cối nghi binh thì một Khiển chớ cả chục Khiển cũng ớ họng à! (Nếu tiếng nói chỉ dừng ở đây thì bi kịch chắc đã không xảy ra hoặc xảy ra ở một dạng khác đỡ ai oán hơn). Đừng cãi! Dẫn chứng hả ? Muốn dẫn chứng không?… Thì cái lúc cha nội giơ trái tạc đạn lên định giục, nếu không có bọn này tỉa gãy cái thằng đang chĩa súng vào gáy cha nội sắp nhể cò thì giờ này cha nội chắc đã nằm nhe răng cho kỳ đà rỉa thịt rồi. Đâu? Trái tạc đạn không kịp giục ấy đâu? Ông Khiển đưa ra cho mọi người cùng coi nào!
Bàn tay giá lạnh của số phận đã bắt đầu rờ rẫm vào cái túi áo ngực của Khiển, nơi anh nhét trái tạc đạn da láng phồng căng chưa kịp ném.
Cười hiền lành, hoàn toàn không có ý định tranh cãi, Khiển moi trái tạc đạn ra cầm trên tay giây lát. Sau này nghĩ lại, chính ở cái giây lát này, Hùng rõ ràng có nhìn thấy một vết chàm xanh lẹt, không hiểu do ánh tạc đạn phản chiếu hay màu tử thần sa tới, lướt nhanh qua vầng trán cậu ta rồi lặng lẽ đặt xuống cái mặt bàn ken bằng tầm vông ngay trước mặt. Trái tạc đạn tròn ủng, bóng láng, màu xanh *** ngựa lắc qua lắc lại ngồ ngộ như con lật đật một chút rồi dừng…
Đúng lúc ấy, Hùng thét giật giọng:
- Chết!… Nằm xuống…
Mọi người chưa hiểu gì nhưng cũng đã kịp quăng nhanh người áp sát mặt đất, chỉ trừ có Khiển. Cho đến tận khoảnh khắc cuối cùng ấy, Khiển vẫn không hiểu cái gì đang xảy ra với mình, giống một đứa bé còn đang ở trạng thái tiền vô thức sẵn sàng nhét đầu rắn độc vào mồm mút, anh ngơ ngẩn đưa tay ra cầm trở lại trái tạc đạn không hiểu với mục đích gì… Một thoáng cười lạnh lẽo chạy qua môi. Cặp mắt mở to ngỡ ngàng… Mọi người chỉ còn kịp nghe tiếng Khiển vang lên ú ớ: “Ơ!… Nóng! Sao nóng thế?… Nóng quá anh Hùng…” rồi tiếp liền là một tia chớp nhoáng lên cùng một tiếng nổ chát chúa… Và sau đó là hết. Là không còn gì cả. Mọi vật lại trở về vẻ tĩnh lặng ban đầu. Lác đác đó đây trong thinh không rờn rợn, nghe có tiếng lá, tiếng mùn đất rơi tinh tang… Tại chỗ Khiển ngồi, khi màn khói vàng tan ra, người ta chỉ còn nhìn thấy một vết lõm hình học bằng miệng nón ở dưới đất. Cả người, cả bàn ghế đã biến đi nhanh và gọn như vừa rồi ở đó chẳng có vật thể nào hiện diện cả.
Tiếng Hợi thì thầm: “… Tại tôi… Tôi không hề biết trái tạc đạn trong túi áo ảnh đã được rút chốt mà ảnh quên…”.
Cái tiếng nổ đó không phải chỉ giết đi một mạng người và làm bị thương vài ba người khác, tai ác hơn, nó còn báo động cho đối phương biết tại cái mảnh rừng lúp xúp tưởng như hoang hoá không thể tồn tại được thứ sinh vật gọi là người này lại đang có một lực lượng quân cách mạng ẩn nấp. Thế là càn. Một cuộc càn đánh đòn thù sinh tử của cả hải lục không quân vào chưa đầy một hecta đất rừng mỏng dính chạy dài theo triền sông. Trên trời là hàng đàn trực thăng quần đảo tựa hồ đám chuồn chuồn báo mưa, dưới đất, hàng trăm chiếc xe bọc thép của chiến đoàn 52 thiện chiến bò trùi trũi như cua đồng tháng nắng và ngoài sông, các loại bo bo, tàu chiến vút qua vút lại dềnh cả sóng, cả rơm rác lên bờ…
Thoạt tiên là một loạt cối chừng năm trăm trái thực hiện khúc dạo đầu ồ ạt nhằm đánh dập ý chí kháng cự của không đầy hai chục con người ngay ở phút thứ nhất.
Ngồi ở hầm trung tâm, Hùng lựa những khoảng thời gian cực kỳ ngắn ngủi giữa hai đợt cối thò đầu ra quan sát xung quanh. Tốt! Các hầm vẫn tạm thời nguyên vẹn chưa đến nỗi toang hoác như mình tưởng. Chao! Lá rụng mới khiếp chứ. Lại còn cái mùi tanh lờm lợm kia nữa? Lá gì mà tanh như máu người! Từ miệng hầm phẫu, qua những kẽ lá run rẩy, anh nhìn thấy một đôi mắt đen im lặng nhìn sang, cũng run rẩy. Đôi mắt của Sương. Không sao đâu cô gái ạ! Anh mỉm cười. Cái cười mỉm được nặn ra từ cõi mù mờ giá buốt của sự cảm nhận về một điểm gở trong cái nhìn chấp chới ấy. Sao giờ khắc này, em lại âm thầm nhìn tôi như vĩnh biệt vậy? Phải chăng những lời đồn quái dị về em lại đang ẩn náu trong chính cái đầu xinh xắn kia? Đừng thế. Tôi khó chết lắm! Chưa thể chết được. Mà dẫu có chết thì cũng đã sao nào? Luật chơi thời chiến mà. Trò đùa chiến tranh mà. Chiến tranh… Là cái quái gì ấy nhỉ? Phải chăng nó chỉ gói gọn trong một định nghĩa mộc mạc: Là ngày nào cũng nhìn thấy người chết nhưng lại chưa đến phiên mình? Đúng không cô đồng đội nhỏ bé? Tôi vẫn đang sẵn sàng chấp nhận tất cả đây. Thà đến phiên mình ngay đi còn hơn ngày nào cũng chờ đợi một kết cục không tài nào tránh thoát, như một định mệnh đã an bài rồi. Buồn cười! Được có em, được yêu em rồi chết, âu đó cũng là toàn bộ giá trị chiều dài của một cuộc sống con người nhưng cũng chính vì có em nên tôi không muốn chết, tôi sợ chết. Anh lại mỉm cười. Cô gái héo hắt cười lại. Cười mà không cười gì cả…
- Vẫn vững đấy chứ, chú mày?
- Vẫn! - Tuấn trả lời gọn nhưng mắt lại lảng đi nơi khác.
- Giá lúc này còn thằng Viên?
- Viên? Sao cứ lúc nào căng thẳng, anh… anh lại nhắc đến nó thế?
- Bằng đôi mắt buồn hay vui của nó, nó sẽ cho hay trận càn này sẽ kết thúc ra sao. Nữa rồi! Thụt đầu xuống!
- Trái thứ 365 - Tuấn lầm bầm - 366… 367… 36…
- Đừng đếm! Mày mà đếm, nó sẽ ăn tươi nuốt sống mày ngay. Kệ mẹ nó. Nhớ là dứt đợt, ló mặt lên ngay. Dứt lâu lâu một chút, dứt khoát thằng bộ binh sẽ vào, xả hết cơ số đạn.
Hơi nhô đầu lên, anh lại nhìn sang cửa hầm Sương. Khói trắng khói vàng đang bảng lảng quẩn trên nóc nhưng căn hầm vẫn còn nguyên. Một thoáng ngạo nghễ hiện lên trong cái cười nhếch miệng. Thì ra ở đời muốn thịt được nhau cũng còn là khó. Vẻn vẹn còn mấy sào đất ranh con mà động mãi vẫn chưa trúng cái hầm nào hả các chú? Anh lại nhếch mép cười, cái nhếch mép do sự ngạo nghễ trận mạc tạo ra thì ít mà do ánh mắt im lặng kia tạo ra thì nhiều. Một bên chết chóc, một bên em. Một bên đắng khét, một bên ngọt ngào. Có em, cuộc chiến đấu này bỗng nhẹ thoảng đi nhiều lắm, em biết không? Ầm !… Một trái cối 81 ly nổ tung ngay cửa hầm bên ấy, văng cả đất đá sang cửa hầm bên này! Bầu trời bỗng trở nên trống hoác, nham nhở ngay trên đầu em. Vẫn chưa sao! Đôi mắt em vẫn ràng níu nhìn qua những thân cây ứa nhựa. Anh gật gật đầu. Em cười. Cười hay mếu? Chao ôi! Giá như có thể bỏ vị trí sang bên ấy để được ngồi cạnh, để ghì siết, để che chở, dỗ dành, để nắn lại cái cười tội tình nơi em và rủi có một trái nào trúng ngay cửa hầm thì sẽ cùng ra đi, hôn chặt lấy môi nhau mà ra đi… Ra đi thật ngọt. Dường như thấu hiểu lòng anh, khuôn mặt lấm lem bụi đất của cô hơi rạng lên. Cô gật gật đầu trở lại. Kỳ lạ sao! Đúng vào giây phút mỏng manh ấy, anh bỗng tìm được câu trả lời cho cái điều đã ủ ấp từ lâu trong lòng: Hà cớ gì anh lại yêu cô, hà cớ gì hầu hết những đàn ông trong rừng đều chỉ chú ý đến cô chứ không phải một ai khác? Phải chăng từ cái khuôn mặt tồi tội đầy cam chịu kia? Phải chăng ở cô, tâm tính không hiển hiện một lần, đà đuột, dễ thấy dễ nhìn mà nó cứ dần dần bộc lộ, ẩn chìm tối sáng, yếu mềm đấy, rắn rỏi đấy, lúc đam mê ngơ ngác, lúc lại tỉnh queo dạn dày, thật là bé bỏng nhưng cũng thật là to tát, gần xa, xa gần, hiền dịu xiết bao mà đáo để cũng xiết bao, vừa im lìm cây cỏ vừa náo hoạt gớm ghê… Tất cả những điều trái ngược đó dường như đều được dồn tụ cả vào đôi mắt. Buổi sáng đôi mắt ấy nổ bùng dữ dội, tưởng như sắp nổi loạn, sắp trấn áp một ai nhưng buổi chiều lại tro tàn hiu hắt, mỗi nếp nhăn nhỏ ở khoé miệng là mỗi dấu vết khắc khoải đến nao lòng. Cô như bọt nước, như cánh lá lục bình, vươn tay ra là nắm bắt được, nắm bắt thật dễ dàng nhưng lơ đãng một chút, mở lòng tay ra, lại chả thấy gì ngoài mấy ngón tay co quắp của mình…
Ầm… ục! Trái cối này nổ ngay tại cửa hầm bên ấy. Nổ ngay trong lồng ngực Hùng. Khi định thần trở lại, trước con mắt nhoè nhoẹt của anh, căn hầm kia chỉ còn là một cái hố ngào trộn đủ màu xanh đỏ trắng vàng. Cái hố hụt xuống thành một miệng vực đen ngòm trong đầu anh. Không kịp dặn lại Tuấn nửa câu, anh bỏ hầm lao đến. Hai bàn tay đào bới mê cuồng. Sương…Sương ơi! Em còn sống không?… Em đang ở đâu? Miệng gọi khào khào đắng nghét nhưng trí não anh lại đã chập chờn một thi thể nát bấy, thịt da trộn đất đỏ lòm ở đâu đó dưới kia. Không! Em không chết ! Sao có thể chết một cách dễ dàng như thế? Trời ơi ! Chả lẽ thằng Viên nó nói đúng sao?…
Một trái cối nổ gần… Một trái nổ gần nữa… Gần nữa! Anh bị thổi giụi phía sau, đập mặt xuống đống cành lá sặc sụa mùi diêm sinh. Anh lại vùng dậy, nhè đất nhè lá, nhè cả một chiếc răng bị gẫy ra khỏi miệng, cào cấu mê hoảng hơn. Kệ! Nếu có trúng thì cũng là trúng cùng với em, chỉ chênh nhau vài phút để tiến đến cái kết cục… Chợt những ngón tay anh dội thuốn buốt trở lại. Hùng trố mắt: Dưới lớp đất tơi vữa dày ba tấc, xương thịt của ai không thấy, chỉ thấy lộ ra phần đất nện rắn đanh của mảng nắp hầm còn lại. Trời đất! Vậy là hầm chưa sập. Không kịp sập. Em chưa chết. Không chết. Bằng sự tuyệt vọng xen lẫn cả niềm hy vọng điên rồ, Hùng rút dao găm vận sức tìm lỗ cửa. Bực! Con dao đụng khoảng trống, mất đà, vuột khỏi tay tuột xuống. Tiếng gọi của Hùng tuột xuống theo: “Sương!… Em ở đâu? Em có sao không?… Hùng đây!”. Một trái cối quật anh bay ngang sang mép hố bên kia. Hùng giằng người trở lại. Miệng hầm lại bịt kín… Nhưng kìa! Rõ ràng lớp đất tươi rói trước mắt anh đang nhúc nhích… Nhúc nhích nữa… Giống như có một con tê tê đang đùn đất nhủi lên… Phồng lên… Toé ra và ở chính giữa chỗ đất phồng lên cao nhất ấy, bất thần hiện lên những đầu ngón tay… Rồi cả bàn tay. Bàn tay thiếu ngón quen thuộc! Buồn cười! Thay vì phải thực hiện tiếp những động tác bới móc ráo riết hơn, Hùng lại quỳ xuống, nước mắt trào ra, u mê cầm lấy những ngón tay vấy đất, vấy máu ấy áp lên môi, lên má…Bốn ngón tay nhỏ nhắn run rẩy, quờ quạng rờ rẫm vào mặt, vào hàm râu lởm chởm của anh rồi dừng lại… Chỉ đến lúc đó Hùng mới choàng tỉnh, anh gần như thọc cả hai bàn tay tím bầm của mình vào trong lòng đất… Lát sau, miệng hầm đã từ từ mở hoác và thật lạ kỳ, giống như trong chuyện cổ tích đồng dao, bay lên từ khoảng tối hun hút dưới kia không phải là mùi máu tanh nồng, mùi vải cháy khét lẹt mà lại là một thoáng hương sả gội tóc lãng đãng. Sương đang ngồi đó, xung quanh lèn chặt rui kèo đất đá, cặp mắt không thảng thốt kinh hoàng cũng không vui buồn, chỉ có một thoáng ngượng ngùng ngước lên. Hùng hiểu. Anh vội cởi áo rằn ri đẫm mồ hôi của mình phủ lên mình cô gái lúc ấy chỉ còn một mảnh nịt vú đeo bám ở ngực rồi gượng nhẹ đưa cô lên. Trắng quá! Gần kề chết chóc, sao thịt da con người ta có thể trắng được đến như thế này ? Thương quá! Anh đưa tay ra ghì siết lấy cái thân hình mềm lả đó như sợ rằng thả lỏng cái hơi tử thần hôi hám ở khoảng tối dưới kia lại hút tuột cô xuống đấy mất… Tiếng xương kêu… Hay tiếng cành khô đang gẫy?… “Đau em !...
". Hơi thở nóng hổi có lẫn cả mùi lưu huỳnh. Bàn tay máu lần rờ khắp cơ thể cô:
“Không sao chứ em?…Không có một mảnh nào vào người chứ em?”. Bật nên một tiếng cười thật nhẹ: “Kìa… nhột, nhột em!”. Thế là xong, Hùng ngã người ra đất. Tiếng cười trong con gái đã xoá đi tất cả những lo lắng, nhọc nhằn còn lại.
Dứt đợt pháo, không cần biết cô giật hay lắc. Hùng bế thốc lấy Sương khom người lao về hầm mình. Chao ôi! Em chỉ nhẹ như một chiếc dẻ khoai… Bốn trăm… Bốn trăm linh một… linh hai… linh hai … linh… Dù thực lòng không muốn Hùng vẫn lẩm nhẩm đếm theo như bị ma ám. Bốn trăm linh chín… Bốn trăm mười… Mười một… mười… Tiếng nổ nối đuôi, dằng dai dài bằng cả thế kỷ! Bốn mười ba… Thôi đừng đếm nữa! Bốn mười bốn. Đừng nghĩ đến nó nữa! Bốn mười bốn… Cứ coi như muỗi ruồi lặng nhặng bên tai. Bốn mười lăm… Thần kinh anh nở ra. Mỗi lần có một trái động xuống là thần kinh anh lại muốn nở ra một chút. Nở bao nhiêu trái rồi? Bao nhiêu trái nữa mới dứt? Cho tới năm nào mới xong? Đến tận lúc chết hay suốt đời? Trái nào sẽ thả cá cái vào căn hầm này? Miếng thép nào sẽ găm vào ngực em? Ngực tôi? Anh để bật lên một tiếng cười khô khốc.
Ngồi ở góc hầm, cô gái giật mình níu lấy tay anh:
- Trời!… Cười chi vậy anh Hai?
- Hả?… Cười cái bầy cối cứ như trò đùa của con nít ném đất chơi trận giả.
- Không phải! Trò đùa mà sao… lại cười thế? Em sợ… Như có có điềm báo gì đó! Bóp nhẹ bả vai chim sẻ đang co rúm, anh cười nữa, bớt khô lạnh hơn:
- Anh có phải thằng Viên đâu. Giá mà được là thằng Viên…
- Sao anh?
- Một là chủ động tiến nhanh đến cái kết cục. Hai là Trái cối quật sấp lời nói - Hai là anh sẽ dằn ngay em xuống đây… Và sẽ quên hết, quên cả vị trí, quên trận càn, quên chiến tranh, quên cái sống cái chết… để yêu em. Yêu tận cùng, yêu một lần rồi chết.
Bắp tay anh bỗng nhói nhức dữ dội… Trời đất! Răng đàn bà sắc hơn mảnh đạn. Anh ngồi lặng đi cho cái cảm giác nhói nhức ấy chảy ngọt ngào vào khắp các ngóc ngách thân thể.
- Đừng… Đừng nhìn em như thế. Em sợ… Mắt anh sao vàng rực như mắt thú ăn đèn. Kìa…
- Tiếng nói cô chìm nghỉm trong tiếng nổ ngày một cấp tập hơn. Triệu chứng sắp kết thúc màn dạo đầu màn dạo đầu để chuyển sang cao trào huỷ diệt.
- Tuấn! - Anh nói mà không quay lại - Tình hình các hầm thế nào? Có thêm thằng nào bị không?
Không có tiếng trả lời. Hùng giật thột, quay lại: Chưa có gì. Tuấn vẫn đứng đó, như hoá thạch, nửa người nhô lên khỏi miệng hầm, hai cẳng tay giơ cao, cứng đơ, tạc vào nền trời trống hoác hình thù một tượng đài oán thân. Mặt nó ngẩng lên, xám ngoét, mắt nhắm, miệng lắp bắp như khẩn nguyện, đợi chờ… Linh hồn nó đã tách khỏi thực tại để chơi vơi bay vào cõi phiêu diêu hay màng tai nó đã bị chọc thủng để trở thành vô tri, điếc lác? Nó muốn cái gì ở kiểu đứng khốn nạn và điên loạn này?
- Tuấn! Ngồi xuống! Ngồi xuống ngay! Thằng khốn…
Thằng khốn vẫn đứng im phăng phắc. Cái sống tay của người chỉ huy chặt mạnh vào vai chỉ làm cho nó lệch người sang trái một chút không đáng kể. Trời ơi! Nó đang không còn là nó nữa. Mặt mày vẫn thê thảm ngưỡng nhìn về cõi vĩnh hằng không có bom đạn. Muốn chết, tao sẽ cho chết… Hùng rít khẽ trong miệng rồi siết cổ chân nó kéo mạnh. Cả thân hình nó tuột trôi vào trong, thẳng đơ vô hồn vô cảm. Một cái tát trái bay bụi vào gò má rung giật, ngực áo nó bị kéo xếch lên, mặt gằm mặt…
Mày tính tự sát hả? Định hại anh em hả? Cái chuyện mày để đạn vào bụng thằng Bảo vẫn chưa đủ sao?
Có lẽ cái từ Bảo đã tạo ra phản ứng sinh học cực mạnh vào khối não đang xơ cứng kia? Cơ mặt nó mềm lại, con ngươi từ từ chuyển động trong cái vẻ ngơ ngác u tì của kẻ từ cõi chết trở về. Nó liếm đôi môi dính máu:
- Đừng… Đừng nhắc đến nó, thằng Bảo ấy. Em…Em chỉ muốn…
- Muốn gì?
- Muốn... cối nó tiện đứt đi hai cánh tay dể…
- Để sao? Hở?
- Để - Tuấn khẽ liếc nhanh sang Sương lúc ấy đang tế nhị quay nhìn chỗ khác - được cáng ra Bắc… Trở về nhà. Ăn mày, bơm xe, bới rác, trông kho… Làm gì cũng được, miễn là được trở về. Được sống. Nhà em chết hết rồi, còn lại mỗi mình em. Em chết, bố em chết theo mất… Anh Hùng!
Cậu ta chuyển giọng thì thầm tâm sự, như rủ rê - Anh cứ để mặc em đứng lên nhé! Đứng tí nữa thôi. Chỉ cần một trái nữa, trái thứ năm, trái cuối cùng… Khi đêm em nằm mơ thấy mẹ em về… bảo như thế. Mẹ em thiêng lắm! Nhé!
- Thằng hèn! Mày không đáng được chết.
Tiếng nói của Hùng tụt sâu vào trong ngực. Nhưng bàn tay màu đỏ của anh lại bay ra như tuột khỏi sự kiểm soát của ý thức… Mặt Tuấn vẹo sang bên, nhăn quắt, đau đớn.
Sương thốt kêu lên:
- Anh Hùng… Nếu anh còn làm như thế nữa, em sẽ…
Hùng làm như không nghe thấy câu nói đầy vẻ đe doạ và oán trách ấy, con mắt như mắt thú ăn đèn của anh vẫn xuyên thẳng vào mặt Tuấn. Cô tưởng rằng khuôn mặt méo mó đến tận cùng kia sẽ chắt ra những giọt nước mắt tủi hổ, vậy mà thật bất ngờ, nó bỗng rắn đanh trở lại, cái cổ gân ra trông rõ là du côn:
- Anh đánh đéo gì tôi? Mẹ anh chứ! Anh tưởng anh can tràng dũng cảm lắm à? Thế trận càn tháng trước, thằng con mẹ nào chúi đầu xuống hầm, một chân cứ giơ lên hứng đạn? Thằng nào? Thằng giơ chân tưởng oai hơn thằng giơ tay à? Lên mặt à?
Con mắt thú ăn đèn của Hùng dịu lại. Thế là được. Dầu sao nó cũng đã hoàn hồn lại rồi. Anh cười chua chát, ngồi xuống, móc gói thuốc rê từ trong túi sau quần xà lỏn ra…
CHƯƠNG VIII
Từ biệt sông nước miền Tây, tôi trở lại những cánh rừng đang được khai thác miền Đông, lòng dạ chả bịn rịn bao nhiêu, bởi chúng tôi chắc mẩm rằng, mai mốt không chóng thì chầy, cái thân tôi sẽ lại lê lết quay về chốn này. Khỉ thế!
Lần mò mãi, tôi mới tìm ra được nhà Ba Thành, tay bác sĩ đồ tể năm xưa đã từng chữa trị vết thương ở đùi trái cho tôi, từng là bạn tâm sự về mọi điều sâu xa trong những đêm rảnh rang không đánh giặc. Cứ tưởng rằng gốc gác người ở đây, được học hành đào tạo hẳn hoi, lại trải qua cả cuộc chiến tranh cầm dao mổ cứu sống bao mạng người, trong đó không ít người đã và đang là quan chức cao cấp, nhất định Ba Thành bây giờ không là giám đốc sở y tế thì mèng ra cũng giữ chân bệnh viện trưởng bệnh viện trung tâm nào đó. Vậy mà không! Giải phóng được ít ngày, chán cảnh gia đình, chán đoàn thể, chán cảnh đời và thói đời đen bạc, chán luôn cả nội dung công việc đã theo đuổi tới nửa đời người, sau một đêm nhậu say chửi vung tí mẹt, nóng lên tạt tai vài cái, ra đồn công an, ra hội đồng kỷ luật, ra khỏi Đảng, Ba Thành rũ áo từ quan.
Ngồi trong mái nhà lợp lá xập xệ giống như cái chuồng trâu nới rộng, tôi đốt hết cả một gói thuốc khét mù mới thấy Ba Thành khật khưỡng đi từ ngoài rẫy về. Cởi trần để hở những rẻ xương sườn cong vênh, vai vác cuốc, đầu quấn khăn rằn đã vàng ố, chân bước cà nhắc, thỉnh thoảng lại vấp một cái, mặt đen cháy, tóc nửa đen nửa bạc lam nham, trông hắn y hệt một lão nông cả đời lọm khọm cày cuốc. Nhìn thấy tôi, Ba Thành trợn mắt lên, mấy chiếc răng cửa ngày xưa làm cho cái cười hóm thế mà bây giờ bay đi đâu mất.
- Đồng chí hỏi tôi?
- Vâng! Anh là Ba Thành, bác sĩ?
- Bác sĩ con mẹ gì? Thế đồng chí là…
- Vất mẹ nó đồng chí đi! Mình đây, Hai Hùng đây! Chao ôi! Chả lẽ tớ già tới nỗi cậu không còn nhận ra nữa ư? Đầu viên đạn M16 cậu lấy ra từ đùi, gần bìu ***, tớ vẫn còn giữ.
- Từ đùi?
- Ừ, đùi.
- Bùi ***?
- Ừ, ***.
- Vẫn còn giữ?
- Giữ.
- Thế thì đù mạ! Nhớ rồi. Mày là thằng Hùng ác ôn, thằng Hùng trời gầm, đúng không? Nhưng sao lóng rày mày già dữ vậy mày? Nếu không nói tới viên đạn mắc dịch ấy thì ông cố nội tao nhận cũng không ra.
- Thì hai mươi năm rồi, một phần ba đời người rồi còn gì nữa.
- Ờ, lẹ hè! Tao nhớ ngày ấy mày ngon lắm kia mà. Cái giò của mày bự bằng cả khúc bằng lăng, nếu không viên đạn ấy nó cắt cụt cu mày rồi, lão khọm ạ.
- Thế bộ mày tưởng mày còn trẻ lắm ư? Nếu thằng con mày nó không nói ba cháu ở rẫy sắp về tới thì chắc tao nghĩ mày là ông già đẻ ra cái thằng Ba Thành ngày xưa quá!
- Khớ… Khá! Thằng khọm già vẫn còn giữ được cái giọng châm chọc đểu giả thuở nào. Khá! Với cái giọng này mà mày nẫng được con nhỏ Ba Sương trên tay ráo trọi bọn đàn ông trong này thì hận thật. Khá!
Sau phút ồn ào ban đầu, hai thằng lính cựu ôm nhau đứng lặng, cùng gắng gượng giấu đi những giọt nước mắt xúc động rất có thể chảy ra. Ba Thành là người lấy lại được sự bình thản trước cũng như trong những năm tháng khắc nghiệt, hắn bao giờ cũng giữ được sự trầm tĩnh hơn người. Hắn đẩy mạnh tôi ra, nói như chửi:
- Ở ngoải, mày có gặp mấy cha cựu chiến binh Mỹ vừa sang không?… Không à? Phước cho mày đó. Hôm qua tao vừa xuống thành phố. Mấy cha ở đó kêu tao xuống để hội thảo, để gặp gỡ gì đó nhưng chỉ ngồi được mươi phút là…
- Thôi! - Tôi cắt ngang - kệ thiên hạ. Không nói chuyện chính trị, nhức cái đầu lắm!
- Cái gì - Tấm thân thấp củn của hắn hơi kễnh lên - Nhức đầu cũng phải nói. Mấy cha không được giẫm lên xác đồng đội để làm trò tiến thân. Đấy là chưa kể cái chuyện các cha ấy dạo này còn sanh tật mơn trớn mấy anh trong chính quyền Sài gòn cũ. Họ làm được việc, họ thông minh thì cứ quý mến, cứ trọng dụng, tốt thôi. Thực ra, có ai sẵn sàng bỏ qua, sẵn sàng bắt tay kẻ thù cũ như cánh lính chiến bọn mình nhưng không thể vì họ dễ bảo, họ làm ra bộ ngoan ngoãn mà quay sang đối xử khắc nghiệt với những kẻ thật sự đổ xương đổ máu vừa qua. Họ sợ chúng ta phản trắc, chúng ta mới là một lực lượng đáng đe doạ quyền chức của họ à? Ôi! Sao ngây thơ thế mấy ông quan Cách mạng ơi. Để rồi xem…
- Thôi mà - Tôi phẩy tay đứng dậy- Vợ con thế nào?
- Tao bỏ nó rồi - Hắn cũng tự ngắt cụt dòng chảy ồn ào của mình.
- Nguyên do?
- Nó chê tao xấu mã mà lại không bằng bạn bằng bè.
- Tức là nó bỏ mày chứ?
- Cũng được. Nói ngược cho oai - Thành cười hiền lành - Mà đ.mẹ! Chiến tranh liên miên, không xấu mã thì đẹp cái con ** ngựa nó à? Còn bạn bè? Tao không thèm đi thua được với cái bọn đi bằng gối. Có thằng lúc này đã ngồi ghế đầu tỉnh. Biết vậy, hồi đó tao xục cha nó cái panh-sô vô ruột cho rồi. Còn mày? Cũng vợ bỏ hả?
- Đoán à?
- Đoán! Thằng đàn ông bị vợ bỏ dòm không lộn được. Ngơ ngơ như mắc bệnh sa đì. Đi không được, ngồi không được, chỉ nhe răng nhểu dãi như chó dại. Uống đi! Mẹ!
Đêm nay uống tới sáng luôn, ngày mai chết cũng được. Mà đáng lẽ chết mẹ nó rồi chớ đâu nghĩ còn sống để phải chứng kiến trăm thứ hầm bà lằng vậy nè!
- Chà!… Mọi việc thay đổi nhanh quá!
- Nói thiệt đi! Mày vô đây làm chi vậy? Vừa ở tù ra? Giết người, trấn lột? Tham nhũng lừa đảo? Hay âm mưu làm binh biến?
- Tất cả - Tôi phì cười.
- Dòm tướng mày cô hồn dữ lắm! Việc gì?
- Tao muốn đi tìm… cô ấy.
- Ai?
- Sương.
- Chui cha! Thằng này tâm thần rồi - Vỗ đùi - Mà đúng, tướng mày là tướng mới ở trại tâm thần ra. Mẹ nó! Hầu như đứa nào ra khỏi rừng cũng đều đeo theo người cái hội chứng chém giết hết trọi. Sương chết rồi! Con bồ mày chết rồi! Nghe nói chính tay mày cướp xác đem đi chôn kia mà! Tỉnh lại chưa?
- Đã đành. Nhưng vừa rồi ở…
Tôi dừng lại, chán, không muốn nói nữa. Tưởng thằng thổ công ma xó này biết thêm một điều gì đó về Sương khả dĩ mong manh cũng được, nhưng nó lại quát vào mặt tôi là điên thì tốt nhất là im lặng.
- Hai Hợi thế nào? Còn sống không? - Tôi hỏi cho qua chuyện.
Nghe hỏi, cặp mắt vốn không sáng sủa gì cho lắm vì nhậu nhiều của hắn càng ngầu đục lại, gò má hơi co thắt, bợt ra, tiếng nói toàn hơi:
- Hợi nào?…
- Cái cô xã đội trưởng lưỡng tính thích nhìn đàn ông mổ ruột đó, mày.
- À… Không biết! Không rõ! - Giọng nói hắn càng khàn hơn như bị sặc rượu - Thất tình, bỏ ra làm dân, điều này mày biết rồi. Nghe nói sau đó ở trở lại với thằng chồng hờ sĩ quan nguỵ cũ… Mở quán làm ăn khấm khá lắm!
- Còn bây giờ?
- Mày đi mà hỏi - Ba thành chợt quát lên nhưng ngay sau đó giọng lại ỉu xuống - Có thể giờ đây đang ở Sài Gòn hay… theo ai đi Mỹ rồi cũng nên.
Biết rằng mình đã chạm đến một cái gì đó sâu xa trong lòng hắn, tôi hỏi lướt đi:
- Còn thằng Tám Tính?
Chẳng ngờ câu hỏi này càng làm khuôn mặt của hắn tối sầm lại.
- Tám Tính nào?…
- Mày rơi ở đâu xuống vậy, Ba Thành? Quên hết rồi à?
- Quên được còn là may. Nhớ làm chó gì nhiều. Nhớ cả những thằng ngày xưa nhát như chó, bây giờ leo lên cưỡi đầu cưỡi cổ mình à? Mà thôi không hỏi nữa! Nhậu nữa thì nhậu, không thì cút lên giường ngủ. Hỏi! Hỏi! Hỏi cái con…
Giống như ngày xưa, tự dưng tôi lại thích nhìn hắn nổi quạu, thích nghe hắn văng tục như một thứ nghiện để quên đi mọi cơn vật vã tinh thần. Tôi càng làm bộ xoắn vào:
- Tám Tính đen, Tám Tính…
- Tính cọp chớ gì? Nhớ. Vậy thì sao nào? Có liên quan gì đến mày nào?
- Tao nghe nói nó chưa chết?
- Chết thế chó nào được! Mổ xẻ, vá vúi cho nó xong, tao chắc mẩm rằng nhất định nó sẽ nghẻo củ tỏi trên đường chuyển về phía sau, chín miếng đạn, toàn vào chỗ phạm chứ ít ỏi gì, vậy mà mấy tháng sau đã lại nghe nó đang vồ đàn bà con gái ở trên rừng già rồi. Chỉ tội nghiệp cho Hai Hợi…
- Biết chỗ nó ở đâu không?
- Ai?
- Tám Tính.
- Tao đang nói chuyện Hai Hợi, mày lại hỏi Tám Tính. Kiểu gì kỳ! Khi không muốn nói, lại cứ hỏi. Khi nói rồi lại xía ngang hông. Mẹ!
- Ừ thì thôi, gớm, độ này ông bác sĩ nổi tiếng là mát tay lại giở chứng hay nóng mắt thế?… Thế lúc này nó ở đâu nhỉ?
- Chịu! Đi mà hỏi ông trời!
- Còn thằng Tuấn? Tuấn cướp cò B41 xuyên thủng bụng cậu nuôi quân mà mày phải mò xuống tận nơi xác định pháp y đó.
Đến đây thì hắn cả cười, khuôn mặt to bản giãn nở ra nhìn đến ngộ.
- May cho mày lần ấy con nhé! Láo thiệt! Con người ta chưa chết mà dám đem chôn đi. Biên bản khám nghiệm tao chỉ cần ghi: “Nạn nhân tử thương sau khi hất đất xuống…” thì lúc này mày toi rồi chứ còn đâu mà ngoác mồm ra hỏi, hỏi, hỏi… Tuấn, Tuấn du côn, nhớ rồi! Còn sống, ở đây, ngay huyện bên. Thằng này được lắm nhưng cũng không gặp may. Giải phóng xong nó làm bí thư xã, cái xã chúng mày bám trụ bỏ con bỏ cái tùm lum đó, rồi làm chủ tịch huyện. Sau đó nhảy thẳng một phát… xuống làm dân. Mày muốn biết tại sao à? Tại nhất trụ, nhì khu, tam vùng, tứ kết! Rồi mới tới dân lai. Thằng Tuấn thuộc diện bám trụ, số rách! Nhưng lại dân lai nên hạ xuống bét cùng, ra làm dân là phải rồi còn gì nữa. Con mẹ họ!
- Buồn nhỉ? - Tôi hắt mạnh cặn rượu xuống đất, không muốn uống nữa - Cái chuyện kỳ thị này tưởng rằng hết chiến tranh thì nó cũng hết theo, không ngờ nó dằng dai đến tận bây giờ, ngày càng tệ hại hơn. Thật không hiểu ra làm sao nữa. Bản chất nông dân manh mún à? Thói quen thích cát cứ à? Hay chỉ là không thể chịu được nhau vè tính cách, tư duy, tâm hồn? Khốn khổ!
- Vậy mà lại hay cho nó đó, mày! Tháng trước tao vừa gặp nó ở thị xã, không nhận ra nữa! Bụng bự, to lớn, đỏ như tôm luộc, nón nỉ, ria mép, giày giôn… Tưởng thằng cha chủ hãng ba Tàu hay cha đại diện cho một công ty tư bản nước ngoài nào đi thăm thú chợ búa. Oách lắm! Sớm mai tao sẽ đưa mày tới nó, nhậu nữa, bia lon đàng hoàng… Ủa ! Sao thuỗn mặt ra vậy, cha nội? Giữa mày với nó trước kia có cái gì… không ổn à?
- Thế là… Không ai rõ thêm gì về Sương cả!
- Tao rõ!
- Cái gì?
- Đầu năm 1980 người ta gom về nghĩa trang liệt sĩ hết trọi rồi. Có muốn ra đó cắm nhang không? Ba chục cây số thôi. Hai thằng nhảy xe lam.
Tránh nhìn vào khuôn mặt phấn chấn có đôi nét thơ ngây của bạn, tôi chán nản đứng dậy, bỏ ra vườn. Chiến tranh mới đó, hơn chục năm chứ nhiều nhặn gì đâu mà sao cả người ngoài lẫn người trong cuộc đều chóng vánh quên đi quá thể vậy? Sao cái miệng lưỡi của thằng cha nức tiếng tốt bụng kia nhắc đến mọi kỷ niệm đau thương lại ráo hoảnh như nhắc đến cuộc chiến tranh của người khác? Hay là chính tôi lẩm cẩm, cứ vô duyên lội ngược dòng đời tìm về quá khứ mà thiên hạ đang quên đi, cố quên đi, để mình tôi lội đến đâu lại chỉ nghe thấy tiếng chân mình kêu lõm bõm đến đó? Có đúng thật như vậy không? Nếu đúng người đàn bà ấy là Ba Sương, một Ba Sương ngoảnh mặt đi với người tình cũ, vâng, cứ tạm gọi là người tình đi chứ lúc này kêu to lên hai tiếng đó nghe ngớ ngẩn lắm, thì hà tất tôi phải lụi hụi lội ngược dòng làm chi nữa? Cuộc vật lộn máu đổ chết người kia chỉ là trò đùa giễu cợt và tình yêu của tôi chỉ là thứ tình cảm tội nghiệp của đứa trẻ tâm thần mồ côi thôi ư? Nước đời đen bạc đến nỗi ấy thì cũng chả nên lưu giữ mãi cái hình bóng cụt ngón kia làm gì!… Quẳng mẹ nó đi! Vất cha nó quá khứ vào đống rác bên đường mặc cho ruồi nhặng kéo đến làm tình đẻ giòi đẻ bọ chơi!
Tôi leo lên chiếc võng mắc giữa khu rừng thoang thoảng mùi mít chín, nằm ngửa mặt nhìn lên cao xanh. Bầu trời hoà bình sao lại nhợt nhạt dường này? Không màu, không vị, không chuyển động đứng yên, chết lặng và toả ra cái hơi hướng ngai ngái của thời gian. Thời gian không sống. Thời gian chỉ còn lại cái xác mốc thếch. Trời ơi! Ấy thế mà ngày nào, mỗi khi đặt lưng xuống võng, ngước nhìn lên cao lại thấy lồng ngực bị nén chặt trong một cảm xúc thanh cao ngào nghẹn! Thời gian cũng giễu cợt, không gian cũng trêu đùa ư? Từng ấy năm… Mặt đất đã đổi thay, con người đã bị quên lãng, chỉ có mi vẫn nhởn nhơ trong một màu vô sinh đến khôn cùng. Hơ!…
- Cười cái gì vậy, khọm già? - Từ cái võng bên cạnh, Ba Thành ngóc đầu lên hỏi.
- Ngủ đi! Lấy vợ đi! Vẫn cái lối thức đêm như vạc, mò mẫm hết xó xỉnh này sang xó xỉnh khác, xét nét như dì ghẻ con chồng ấy à? Lạ nhỉ?
- Lạ cái cóc khỉ! Ngủ đi! Bắt đầu lên cơn đó hả?
- Chửi tục như ranh, chân tay lông lá thô kệch, lại chỉ với một cái đèn măng sông, vài ba cái kéo han gỉ từ đời Khang Hy còn sót lại, mấy miếng bông gạc bẩn như thứ đồ lót tháng của đàn bà mà sao mày mổ ai được đấy, ca nào cũng suôn sẻ, không nhiễm trùng, không sưng tấy gì hết ráo.
- Bởi vì tao thương lũ lính chiến lận đận chúng mày. Còn bây giờ ấy à? Tao cho chết luôn, chết cả đám, chết để cho khỏi phải sống khổ sống sở trong hiện tại hoặc chỉ bụng dạ thằng nào sạch sẽ, không có *** thối, ruột gan không quằn quẹo thì tao mới hâm dụng cụ.
- Lạ hơn là - Tôi vẫn ngửa mặt nói một mình, không cần biết hắn có nghe hay không - Trong tay có cả đống y sĩ, y tá nữ mập mạp ngon lành, tính nết mày lại hay mò mẫm đêm hôm, vậy mà tao hầu như chưa hề nghe nói mày đụng một con bé nào cả?
- Thế mới phí! Mới ngu như heo! Cứ tưởng rằng đầu óc thanh sạch thì bàn tay cầm dao sẽ thanh sạch theo, giờ nghĩ lại mới dại. Hoá ra cứ như thằng Tám cọp lại ra người. Vồ 10 con, được 1. Cả cuộc chiến vồ trăm đứa, trừ đi 90 cái tát cũng còn lại 10. Lãi chán! Nè! Ngủ rồi à?
- Chưa.
- Đi chơi gái đi! Mới nửa đêm. Gần thôi.
- Hả… Cái gì gái? - Tôi ngoảnh hẳn mặt sang võng hắn.
- Chơi gái. Ngoài thị trấn. Nhiều lắm! Tao bao. Tao có tiền. Nhiều tiền. Vừa bán được lứa mít trên hai trăm trái, chơi xả láng. Đi!
- Thế đấy - Tôi ngã lưng xuống - Ngày xưa nó thế nào thì bây giờ nó bù lại thế ấy, nguyên trạng.
- Bù, bù cái con khẹc! Ngày ấy còn lý tưởng, còn khát vọng, nó xua đi cái ham hố vặt vãnh. Bây giờ còn cái chó gì nữa mà phải giữ mình. Vả lại… đàn bà, dính vào mất việc. Sòng phẳng, ăn bánh trả tiền, đúng cơ chế thị trường, thế là xong. Tràn trề cảm hứng, lần nào cũng lạ, cũng háo hức như lần đầu. Đã!… Làm - ăn - chơi! Nội dung cuộc sống lúc này ở tao là vậy. Ấy, có khi còn lý hơn hồi ở rừng kia đó. Đi!
- Từ từ đã. Đi sục gái mà đùng rầm như đi đánh giặc, còn hứng thú nỗi gì.
- Hứng! Hứng chứ. Càng vội vàng hứng. Dòm cái bộ dạng mày lúc này là biết mày đang đói dữ. Đói ăn đói uống còn đỡ, thằng đàn ông đói cái khoản này nhìn bệ rạc lắm!
Tôi không trả lời, nước mắt lại chực ứa ra. Gần năm mươi tuổi đầu, đã sống cuộc sống của mình được bao nhiêu mà lâu nay đúng là không còn có khái niệm về đàn bà nữa! Một sinh lực còm cõi, một vỏ ốc tự ti còn chỗ nào dành cho một khái niệm đàn bà trú ngụ nữa. Không thèm. Không mộng mị. Gần như bị quên lãng. Khốn nạn! Cuộc đời quên tôi, không đủ sức quên lại cuộc đời, tôi lại đi quên đàn bà, cái nguyên do đã khiến tôi long đong những ngày này. Ngang trái não nề. Chả lẽ rồi đây, cứ cái đà này, tôi sẽ đánh mất họ, những vật thể thần bí làm cho đời trận mạc của những thằng đàn ông có lý, làm cho đời thường không nhàm tẻ, đến suốt đời ư?
- Ngủ đi! - Tôi thở dài - Tao liệt rồi! Loay hoay không đâu vào đâu nó cười, lại phí tiền.
- Hả? Vậy toàn bộ nội dung hoạt động sinh lý của mày lúc này chỉ còn là đái, tắm rửa?
- Cứ cho là như thế.
- Con khẹc!… - Tôi nghe rõ tiếng nó thở ra, nặng và sâu - Ngày xưa bom đạn chết chóc nhường ấy mà thịt da mày vẫn săn seo, thân thể trùng trục nặng 65 kg, vậy mà hoà bình mới có mươi năm, người ngợm mày đã hư hỏng đi như thế! Hư từ trong ra ngoài. Khốn nạn cho mày, thằng chỉ huy trinh sát đặc nhiệm quân giải phóng ơi!
- Thôi đừng nhắc đến giải phóng, đến trinh sát nữa! - Tôi rên rỉ.
- Sao lại không nhắc - Hắn như gầm lên - Mày mắc cỡ à? Mày nhục à? Cuộc sống bây giờ tuy khốn nạn thật nhưng thử đứa nào xúc phạm đến những chữ ấy coi. Tao bắn bỏ liền.
Cánh cửa bỗng kêu lên lạch xạch rồi từ trong nhà, thằng bé con hơn mười tuổi của hắn khệnh khạng bước ra, vừa đái tè tè vừa càu nhàu:
- Ba! Sao đêm nào ba cũng la lối um vậy? Ba vô nhà nằm đi, không sớm mai lại ho khụ khụ, mất công con đi kiếm thuốc!
Nói xong thằng bé lại khệnh khạng đi vào. Ba Thành im re, mặt mày trở nên ngoan ngoãn một cách kỳ lạ. Hắn thầm thì:
- Thằng nhỏ con tao ngon hông? Cứ như ông bố già nhưng mà… đúng. Mẹ, tí tuổi đầu mà nó cứ đi cự nự ông già nó hoài! Rồi, để đó, sẽ có ngày tao cho nó hay ông già nó vốn là người như thế nào!
“Sẽ cho nó hay” nhưng đôi mắt hắn lại ánh lên niềm tự hào và yêu thương đến khờ khạo. Tôi cười khẽ trong miệng:
- Thôi chứ! Thôi cái chuyện đi chơi gái rồi chứ?
- Mày có bỏ ngay cái kiểu cười ấy đi không! Tưởng tao thích cái trò ** điếm ấy lắm hả? Còn lâu. Đời thiếu gì gái goá chết chồng hay gái non chán đời? Tao biết mày đang nghĩ đến nhỏ Sương, đang ám ảnh khổ sở vì nó nên tao nói vậy cốt cho mày nổi khùng mà quên phứt nó đi. Hiểu chưa, khọm già? Tuy nhiên mày cũng nên sớm có lại một còn đàn bà đi. Đàn bà cỡ gì cũng được, miễn là đàn bà. Bởi lẽ, với một cái đầu bệnh hoạn như của mày, chỉ có một con đàn bà mới có thể làm quên được một con đàn bà. Tao nói thế vì… tao cũng đã có trải qua hoàn cảnh như mày, có khi còn thê thiết hơn.
- Gần đây à?
- Trong chiến tranh.
- Ai vậy?
- Hợi. Xã đội trưởng Hai Hợi.
- Hợi? - Tôi trố mắt, ngồi hẳn dậy.
Đợi cho tôi trố mắt hồi lâu, hắn thong thả cuốn một điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái, nuốt vài hơi thật sâu rồi mới lầm rầm:
- Hồi nãy mày hỏi, tao giả bộ lơ đãng để mày khỏi nhắc nhiều. Đau! Thực ra cho đến tận bây giờ tao vẫn nằm mê thấy cô ấy. Chắc mày nhớ cái lần thằng Vượng, lính của mày bị thương bể ruột đưa đến tao? Tao thoáng thấy con mắt của Hợi nhìn đăm đăm, nhìn như khóc… Một lát sau, khi ruột gan thằng nhỏ phòi ra trên bụng cả đống, cô ấy khóc thật. Tao, một thằng suốt ngày thọc tay vào thân thể đàn bà, máu mủ xương xẩu tùm lum, còn có cảm giác gì nữa, vậy mà tao lại đi… thương cái ánh mắt ấy. Thương dữ lắm! Rồi phải lòng. Lạ không? Nửa đêm, thằng Vượng được cáng về phía sau, còn lại một mình Hợi trong lán, không hiểu có cái gì xui khôn xui dại mà tao lại giữ cô ấy lại và nói vào tai cổ những lời mà đến bây giờ nghĩ tới vẫn còn đỏ mặt. Đ.mẹ! Mổ bụng mổ ruột thiên hạ đã quen, lúc ấy tính sờ mó vào tâm hồn đàn bà một tí mà sao nghe lóng ngóng dữ. Cô ấy ẩy tao ra và nói: “Anh Ba… Sau tất cả những chuyện máu me như thế này mà anh vẫn có thể nói đến chuyện đó dễ dàng được vậy ư?”. Tao đần mặt ra… Có vẻ thương hại, cô ấy bỗng ghì chặt lấy tao, cắn cấu đủ chỗ, vừa cắn vừa khóc… Đến khi toàn thân nổ phừng, đầu óc kêu long bong hết chịu nổi thì cô ấy lại bỏ đi, để lại một câu xanh rờn: “Anh Ba… Anh hiểu cho, đó là một cách Hợi cảm ơn bàn tay vàng tay bạc của anh. Vậy thôi! Làm tới nữa… không phải với những thương binh không biết chết sống thế nào của anh… Cảm phiền giùm em…”. Mấy bữa sau, tao nghe nói nó thương thằng… Cọp! Đau! Đau đến bây giờ. Còn đau nữa! - Chợt giọng hắn lại căng lên - Cười cái gì? Mày cười cái gì? Mày cho tao là thằng ngố, lại đi đau với đi phải lòng một con đàn bà không ra đàn bà, không một ai đoái hoài tới chứ gì? Ngu! Rất ngu! Chỉ có cái lũ háo gái người trần mắt thịt chúng mày mới nghĩ như thế, mới không thấy nổi cái vẻ đẹp kinh người từ bên trong cổ toát ra, cái vẻ đẹp mà phải có hàng trăm lần thọc tay vào thân thể đàn bà như tao mới có thể nhìn ra được. Rõ chưa?
- Ơ!… Thì tao có cười gì đâu. Tao vẫn đang nghe.
- Thế đó - Mắt hắn nhìn ướt rượt - Hai mươi năm đã trôi qua, tao đã đụng không ít đàn bà con gái, già trẻ, lớn bé, ốm mập, xấu tốt có cả, đã nhìn vào hàng trăm con mắt, mắt tròn mắt dẹt, mắt ngấn mắt dài, mắt sâu mắt nông… Nhưng dù có đập bể đầu, tao vẫn không tài nào quên được con mắt cổ, con mắt nhìn vào bụng thằng thương binh mổ ruột trong một căn lán nằm mấp mé mí nước sông Sài Gòn đầy tiếng bìm bịp kêu than… Lâu nay tao vẫn có ý hỏi thăm, đi tìm nhưng không thấy. Người bảo chết, đứa nói sống, tán loạn xà bù.
Tôi ngồi lặng đi một chút… Trước mắt tôi, Ba Thành đã biến thành một con người khác hẳn. Bất giác tôi chuyển chỗ ngồi sang võng hắn, hỏi như hỏi chính vào lòng mình bởi lẽ, hình ảnh của Hợi cũng là hình ảnh của Sương, câu chuyện về Hợi cũng thấp thoáng có câu chuyện về Sương trong đó.
- Mày có tìm đến Tám Tính để hỏi không?
- Đã định nhưng rồi lại thôi.
- Sao?
- Một là không biết hắn ở đâu. Hai là không muốn. Chả lẽ tìm đến để chứng kiến một thái độ dửng dưng, một hành vi phản phúc, một câu nói lãng xẹt: “Hợi à?… Hợi nào ấy hé? Quên mất rồi” à? Nó là thằng như thế. Sẽ như thế. Tao biết. Tao cũng là một thằng đàn ông. Tao không thể nhìn một thằng đàn ông khác, bằng sức vóc tình dục của nó, đã đẩy cô ấy trở lại ấp chiến lược một cách chả ra đâu vào đâu. Hiểu chưa?
- Hiểu! Nhưng còn tay sĩ quan, chồng hờ của cô ấy? Chắc mày cũng phải nghĩ tới chứ?
- Tất nhiên rồi, nhưng hắn nghe nói đi cải tạo chưa về hay không muốn về nữa gì đó. Hoặc đã về rồi cũng nên. Cũng ngại. Ngại khuấy lại mọi thứ mà tao đang tìm cách quên đi. Hiểu chưa? Nhưng hôm nay, nhân có mày nhắc, tới đây tao cũng đi tìm gặp hắn thử coi. Cứ gặp. Chết chóc gì. Hả?
Tôi lại im lặng nhìn Thành… Thì ra đằng sau cái vẻ thô rám, phớt đời đến khinh bạc kia, nó cũng có một trái tim rách nát như tôi. Dễ thường thằng nào còn sống sót ở trong rừng ra đều có cùng một trái tim thống khổ vậy sao? Thống khổ không phải vì riêng một người nào, một cô gái nào, nó còn vì một cái lẽ sâu xa hơn nữa kia. Ừ, thì có đâu riêng gì tôi, lão khọm già lẩm cẩm đang lụi hụi lội ngược lại dòng đời. Còn cả nó nữa chứ. Ít nhất là như thế.
- Không ngủ à? - Tôi hỏi - Tính đi đâu giờ này vậy cha?
- Sắp sáng rồi. Tao đi thăm bệnh cho mấy người cơ sở cũ. Đã chán nghề, bỏ nghề, khinh nghề, chỉ thỉnh thoảng đi thăm bệnh cho những cơ sở ngày xưa cùng đội bom đội đạn, đã chăm chút nuôi nấng cho bọn mình. Họ cũng đang bị quên lãng như tao với mày. Có khi bị quên lãng hơn.
|