Ví dụ 5
Ở quận lỵ nhỏ bé này, mỗi tối tôi đều đến coi báo cọp ở quán sách của một anh bạn lớn tuổi, anh tuy không còn độc thân nhưng vẫn vui tánh như thường. Quán sách có tên là Kiến Thức nên dù đang mùa hè trời thường đổ những cơn mưa biến lòng đường thành dòng sông nhỏ tôi vẫn chịu khó lội nước đến đó để “mở mang kiến thức” cho bằng người ta.
Có một buổi tối, ông chủ bận việc đi đến nhà bà con, anh nhờ tôi đứng bán hàng giùm. Trời đang mưa bên ngoài nhưng quán chưa thể đóng cửa đi ngủ sớm vì vào giờ này học sinh mới thường đi mua “bút chỉ văn phòng”. Đợi mãi cũng không thấy khách khứa đến, để khỏi phải nhìn cảnh mưa rơi cho buồn lòng ai, phải nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn, tôi dở một tờ nhật báo xem mục Tử vi trong ngày.
Tuổi Song Nam. Công việc: Bạn không nên cho vay mượn. Tình cảm: Bạn sẽ không phải hối tiếc được quen với một người khác phái. Tôi bật cười vì lời tiên đoán của Lốc Cốc Mù tiên sinh. Ở đời có ai thích cho vay mượn bao giờ mà phải dặn nên với không nên và ở đời có ai không thích quen với một người khác phái bao giờ mà phải khuyên hối tiếc với không hối tiếc. Bói như vậy thì chẳng cần hội đủ điều kiện ắt có và đủ làm “mù” mới trở thành thầy bói hay.
- Ông bán cho em quyển “Một thời để yêu và một thời để chết”.
Tôi ngước nhìn cô bé đứng trước quầy. Em mặc chiếc áo mưa mầu xanh nhạt và tay cầm chiếc mũ sũng nước. Mặt em cũng đẫm nước, những sợi tóc ướt dính sát vào trán và hình như đôi mắt em cũng có những giọt mưa long lanh. Tôi đứng dậy, mở tủ kính lấy quyển truyện đưa cho em và hỏi :
- Chị em sai em đi mua truyện hả?
- Ông nghĩ em không biết đọc à?
- Quyển truyện này viết về “một thời để yêu”. Tôi nghĩ em chưa đến thời kỳ đó.
- Em rất yêu thương con Miu Miu của em, vậy em đọc được chưa? Còn ông mới tập sự bán sách phải không?
Chúa ơi. Chắc cô nhỏ này đã được Thượng Đế lầm lẫn nhét hai cái xương sườn đàn ông vào người nên em mới “lanh” như vậy. Tôi nhăn nhó trả lời :
- Phải, tôi mới bắt đầu bán từ tối hôm nay và em là khách hàng đầu tiên. Mà sao em biết rành quá vậy?
- Những ông bán sách chuyên nghiệp chỉ cần người mua sách chứ không cần biết người ta đã đến “thời kỳ” đọc sách chưa.
Em nhấn mạnh hai chữ “thời kỳ” một cách thích thú rồi cúi đọc tỉnh bơ những chữ in ở bìa sau quyển truyện. Đọc xong em lật bìa trong xem giá tiền.
- Bảy trăm đồng? Mắc quá trời mà còn đề “net” nữa chứ.
Chẳng phải là chủ quán sách nên tôi giải thích ẩu :
- Thì em cũng biết mọi thứ vật giá đều leo thang, quyển truyện này không leo thang nó đứng y nguyên một chỗ. Vậy “net” là rẻ rồi còn gì.
- Bộ ông không bớt hai chục phần trăm à.
- Nó đã không leo thang thì em bắt nó phải xuống thang làm sao được.
- Em chỉ có năm trăm đồng thôi, vậy ông cho em gởi trả quyển truyện.
Em để lại quyển sách trên mặt quầy và trong khi đội mũ áo mưa lên đầu mắt em vẫn không rời nó. Thấy em có vẻ tha thiết với “một thời để yêu” nên tôi cầm quyển truyện đưa cho em :
- Tôi tặng em đó.
Cô bé lắc đầu :
- Em chưa quen ông nên không thể nhận quà tặng.
- Ồ chúng ta là anh em họ Hồng Bàng với nhau nên đâu có xa lạ gì. Thôi được, tôi bán cho em với giá 500 đồng.
- Ông chỉ là người bán thuê nên em không muốn ông bị thiệt thòi.
Mặc cho Lốc Cốc Mù tiên sinh đã dặn không cho vay mượn tôi vẫn hăng hái đề nghị :
- Tôi cho em mượn hai trăm, khi nào có tiền em trả lại sau.
Cô bé gật đầu :
- Vâng cám ơn ông.
Tôi nhanh nhẹn lấy tờ giấy có in hoa nhiều màu gói quyển sách đưa cho em và hỏi :
- Em ở gần đây không?
- Ông kỹ ghê, sợ em trốn nợ à!
- Không phải vậy. Tôi muốn biết em phải lội mưa có lâu không.
- Nhà em ở cách đây hai mươi cây số. Em đến đây học trọ.
- Vậy em học lớp mấy rồi?
- Đố ông đó.
- Lớp bảy hả?
- Bộ em trông con nít lắm sao?
- Lớp tám chăng?
Em lắc đầu.
- Lớp chín? Lớp mười?
Em lắc đầu hai lần.
- Tướng em chưa đủ lớn để học lớp mười một hay mười hai. Vậy chứ em học lớp mấy?
- Lớp “mười và mười một”.
- Cái lớp gì mà kỳ cục vậy trời.
- Trường em đã nghỉ hè, như vậy em học xong lớp mười. Bây giờ em học hè lớp mười một và họ đang ôn bài lớp mười vậy em đang học lớp “mười và mười một” đúng không. Còn ông mới đến đây à?
- Đâu có, lâu rồi.
- Lâu rồi? Vậy ông có biết ở đây con gì là cá mà người ta không gọi là cá?
- Trời đất, ở đây làm gì có con kỳ cục đó.
- Vậy ông đúng là người mới đến đây. Nếu ở lâu ông đã biết đó là “con mắm”.
Tôi bật cười cái tính lí lắc của em và tự nhiên tôi muốn giữ em đứng lại nói chuyện thật lâu cho vui nhưng ông chủ quán đã về. Anh bóp còi xe gắn máy “tin tin” khiến cô bé giật mình. Em chào tôi và nói khi nào có tiền sẽ đem đến trả ngay rồi em kẹp quyển truyện trong áo mưa và bước vội ra ngoài. Ông chủ quán hỏi tôi bán được nhiều không. Tôi nói cái còi xe của anh đã đuổi khách hàng nếu không tôi bán thêm được một cây bút chì. Tôi móc túi đưa anh bảy trăm đồng. Anh cười nói cảm ơn và tôi vội chạy ra ngoài hy vọng sẽ đuổi kịp cô bé để hỏi địa chỉ nhà trọ của cô em.
Bên ngoài trời mưa lớn hơn khi tôi còn ngồi trong quầy sách. Con phố đã tắc điện và mọi nhà đều đóng cửa nên con đường tối om. Chạy đến một ngã ba tôi phân vân không biết em đã đi đường nào nên đành lủi thủi về nhà. Mưa lạnh buốt khiến tôi phải rùng người và chợt nhớ đã để quên áo mưa ở quán sách. Về phòng tắm rửa xong tôi nằm đắp chăn rên hừ hừ. Tôi vẫn thường bị “cảm” dễ dàng như vậy nhưng lần này không biết vì cô bé hay vì những giọt mưa.
Ở quận lỵ nhỏ bé này, vào những đêm trăng tôi không thích mở mang kiến thức bằng mở mang bao tử, nên thay vì đi đọc báo cọp như mọi tối tôi đã lần mò đến các nhà bạn để kiếm ăn. Bây giờ đang mùa “dông”. Đó là món nhậu tuyệt vời ở chốn đất cát này. Những con dông ram béo ngậy, thơm tho hơn thịt gà nhiều và chỉ cần tưởng tượng đến món gỏi dông ăn với xoài xanh là tôi chẳng thể nào ngồi yên trong nhà.
Tôi đang ở trên căn gát nhà Ngẫu trọ, bàn với anh em đem hũ rượu thuốc lên quán ông Võ ở gần quốc lộ để nhậu với dông thì có tiếng Kha gọi từ dưới nhà vọng lên. Tôi chạy vội xuống cầu thang. Kha nói có khách ở nhà. Khách khứa đến lúc này chẳng có giá trị bằng con dông nên tôi nói kệ họ và định chạy trở lên gác. Kha nói cô bé đó. Cô bé. Chỉ nghe hai tiếng đó tôi chẳng còn biết con dông là con gì nữa và ra sức chạy hết tốc lực về nhà.
Cả tuần này tôi đã nóng lòng nhờ Kha đi tìm cô bé. Tôi tả hình dáng em thật tỉ mỉ để Kha rõ và mặc dầu là thổ công ở đây anh cũng chịu thua. Anh đã hỏi thăm những người quen, đã đến các lớp hè nhưng chẳng ai biết em ở đâu. Tôi đã rầu muốn chết vì tài tìm kiếm khắp nơi của anh, không ngờ đêm nay chính anh lại tìm ra cô bé ở ngay nhà tôi.
Khi đẩy cổng vào sân tôi thấy cô bé đứng lớ ngớ trước căn phòng cửa sơn xanh đóng kín. Em mặc áo bà ba màu tím than, tóc chẻ đôi được cột bằng hai giải vải màu đỏ rực. Trông em rạng rỡ và tươi sáng hơn đêm mưa ở quán sách.
- Chào cô bé. Em cũng biết nhà tôi ở đây à.
- Ở đây ai mà chẳng biết nhau. Em hỏi thăm một lúc là biết nhà ông ngay.
- Vậy mà cả tuần nay tôi hỏi thăm lung tung nhưng chẳng có ai biết nhà em trọ ở đâu.
- Ồ, ông đừng đến nhà em trọ. Ông cậu em khó lắm, coi chừng ổng hay hiểu lầm đánh chết em.
Tôi ngạc nhiên hỏi :
- Hiểu lầm chuyện gì vậy kìa?
Cô bé cười :
- Em cũng đâu có biết.
Từ khi chúng tôi vào phòng, mặc cho tôi mỏi miệng mời, em vẫn đứng tựa lưng vào tường và để đáp lễ tôi cũng đứng tựa lưng vào bàn nhưng tôi không phải là nhà vô địch đứng lâu nên một lần nữa tôi lại lên tiếng mời em ngồi. Cô bé lắc đầu :
- Không phải em chê ghế có rệp đâu. Em đứng để nhìn những bức tranh kia. Tranh của ông vẽ phải không?
Té ra là như vậy. Em đứng để nhìn những bức tranh tôi vẽ nguệch ngoạc treo trên tường. Tranh cũng chẳng đẹp đẽ gì nên tôi chối :
- Của một người bạn ở chung phòng. Em thấy thế nào?
- Tưởng của ông thì em mới “phê bình” còn của người khác thì thôi. Không nên chê khen một người vắng mặt phải không ông?
Mô Phật. Chắc kiếp trước cô bé này là cô giáo bị học sinh ghét nên bây giờ được đầu thai lên làm học trò chăng?
Cô bé đi lòng vòng quan sát mọi vật trong phòng như quan thuế xét hàng rồi nói :
- Phòng này ấm cúng quá.
- Em muốn nói nó nóng nực vì thiếu cửa sổ?
- Không em nói thật mà. Em ước mơ có một căn phòng riêng như thế này để học.
Thật may, cô bé cũng không phải là vô địch đi lòng vòng nên sau cùng em đã kéo ghế ngồi xuống nhìn chăm chú tấm ảnh màu tôi cắt từ báo Life để ở dưới mặt kính bàn viết. Ảnh chụp một đôi tình nhân trẻ choàng vai nhau đứng trên cầu nhìn xuống một dòng sông có những đóa hoa forget-me-not. Phía dưới tấm ảnh có in hai dòng chữ.
Time never waits, they often say.
But for love, you know, it may.
Cô bé hỏi :
- Người ta viết gì vậy ông?
Tôi bèn trổ tài làm “thi sĩ” nhìn hình dịch thành thơ.
Thời gian như nước chảy trôi,
Tình yêu vẫn đợi người nơi chân cầu.
Cô bé vỗ tay :
- Hay ghê. Em muốn nói ý nghĩa hay câu đó chứ không phải em nịnh ông làm thơ hay đâu.
Chèng đéc quỷ thần ơi. Em làm tôi cụt hứng. Vậy mà xưa nay tôi cứ tưởng mình đã là thi sĩ vì mỗi lần có tiền rủ bạn bè đi nhậu họ đều khen tôi có “cốt cách thi nhân”.
Sau một hồi im lặng, cô bé nói :
- Em đến đây để trả nợ cho ông.
Tôi xua tay :
- Thôi dẹp chuyện nợ nần đó đi. Tôi bớt cho em trăm phần trăm.
Em cười nói :
- Vậy mỗi lần hết tiền em phải đến vay ông mới được nhưng tiếc quá ngày mai em phải dời khỏi đây rồi.
Tôi giật mình hỏi :
- Rời khỏi đây?
Em gật đầu cho tôi biết gia đình muốn gởi em vào học ở Sài Gòn trong niên khóa tới vì vậy em phải vào trong đó học hè để theo kịp các bạn và quen đường phố. Em nói Sài Gòn chắc vui lắm phải không ông. Em muốn được thay đổi không khí. Ở đây buồn chán quá đọc sách xong em chẳng biết làm gì, ở Sài Gòn em có thể đi xem chiếu bóng. Ông có thích xem chiếu bóng không? Tôi nói tôi cũng thích chiếu bóng lắm. Tôi thích mọi thứ ở Sài Gòn nhưng tất cả đều không bằng em. Cô bé tròn xoe đôi mắt hỏi :
- Tại sao không bằng em?
- Tôi thích chúng chứ không yêu chúng.
- Ông chưa đến thời kỳ đọc truyện “một thời để yêu” à?
- Không phải một thời để yêu con Miu Miu như em đâu. Tình yêu này khác.
Cô bé nhíu mày suy nghĩ rồi lắc đầu.
- Ông nói gì em chẳng hiểu.
Tôi muốn giải thích cho em biết tình yêu đã thấm vào người tôi như những giọt mưa ngay trong đêm tôi bị “cảm” rên hừ hừ. Nhưng khổ nỗi nhìn đôi mắt em, tôi chẳng thể nói lên điều đó. Đôi mắt kia quá ngây thơ, quá tinh khiết và tôi không đủ can đảm đầu độc nó bằng tình yêu của mình. Tôi đành nói :
- Rồi lớn lên em sẽ hiểu.
- Mỗi bữa em đều ăn hai chén cơm, bắt đầu từ ngày mai em sẽ ăn thêm bốn chén cơm.
- Để làm gì vậy, em muốn mập thù lù như cái lu hả?
- Em muốn mình lớn mau để có thể hiểu được điều ông nói.
Tôi thở dài :
- Khi đó tôi cũng già mau và mọi chuyện đều đổi thay.
- Mùa hè qua rồi mùa hè lại đến, mùa hè lại đến có gì đổi thay đâu.
Tôi biết mùa hè đang qua. Mùa hè sẽ còn qua dài dài. Time never waits... But for love. Tự dưng tôi nổi sùng vì lời tiên đóan của Lốc Cốc Mù Tiên Sinh: Bạn sẽ không hối tiếc vì quen một người. Không phải hối tiếc, thật vậy không?
Tôi buồn rầu nói :
- Em biết đó, mùa hè có nhiều đổi thay. Trời còn nắng mưa giông bão bất chợt huống gì lòng người.
- Ông sợ đổi thay?
- Phải, khi mà giữa chúng ta chưa có gì đáng để đổi thay.
- Quả đất tròn rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau.
- Nhưng hai đầu quả đất hơi méo nên chúng ta cũng dễ lạc nhau.
- Em sẽ nhớ mãi hai câu thơ ông đã dịch cho em nghe. Bây giờ khuya rồi, xin phép ông em về.
Tôi không muốn đưa em về tí nào nhưng vì lịch sự tôi đành lủi thủi theo em mở cổng. Khi em nói chào ông, tôi đã nhìn sững đôi mắt em. Đôi mắt to sáng lóng lánh dưới trăng trông đẹp lạ lùng, đẹp lạ lùng hơn cả những gì đẹp lạ lùng ở trần gian này và tôi đứng im chẳng thốt nên lời vì vẻ đẹp lạ lùng đó.
Người ta còn biết nói gì khi đã hiểu mùa hè có nhiều đổi thay.
----------------- Bài viết của đc ghép lại-----------------------
Ví dụ 6
Buổi tối khi tôi đến võ đường, cô bé đang tập nhảy dây cho dãn gân cốt. Em quay sợi dây theo hình số tám và càng lúc càng nhanh khiến người ngoài không còn nhìn rõ khuôn mặt. Đứng chung quanh em là các võ sinh đồng môn và một người đang to giọng đếm. Tiếng một trăm vừa dứt cô bé dừng lại, em trao sợi dây nhảy cho một người bạn rồi đến nơi treo quần áo lấy khăn lau mặt. Tôi gọi :
- Ê nhỏ.
Em đưa mắt tìm kiếm, khi nhìn thấy tôi đứng ở cuối phòng em chạy vội lại.
- Em đã nói anh đừng đến đây mà. Hãy đợi tối mai đến võ đài xem em đánh có hơn không.
- Tôi muốn tối nay đãi em một chầu cho thật no để lấy sức mai đánh cho hăng.
- Tối mai hãy đi ăn. Em muốn ăn mừng chiến thắng như vậy mới ngon.
- Nhỡ em bị đánh gục làm sao ăn được nữa.
- A! Anh về phe con nhỏ đó phải không, được rồi em chấp anh luôn. Em định đánh ăn điểm nó thôi giờ biết anh ở phe nó, em sẽ đánh nó gục.
- Tôi chưa biết đối thủ của em là ai nhưng tôi cá em sẽ thua vì em “hăng tiết vịt” quá.
Cô bé cười.
- Anh khỏi cần chọc tức em. Em đã quyết định đánh nó gục là nó phải gục. Mặc cho anh cỏ năn nỉ xin tha.
Có ai gọi lơ lớ giọng ngoại quốc vang lên.
- Kim Oanh.
Cô bé nói :
- Thầy em gọi, anh đứng đây đợi em nghe.
Ở giữa phòng tập một người cao lớn mặc võ phục đỏ, da sậm đen, tóc bạc trắng, đó là thầy cô bé. Ông là người Phi Luật Tân, tên là Bruno, trước kia là một võ sĩ quyền Anh hạng nặng nổi tiếng ở Đông Dương, bây giờ về già ông mở võ đường này để sinh sống. Ông cũng gần sáu mươi tuổi, có vợ người Việt và mặc dầu sống ở Việt Nam đã hơn ba mươi năm ông nói tiếng Việt vẫn theo giọng đa âm của người Phi. Ông đang nói gì với cô bé và em tỏ vẻ hết sức chăm chú lắng nghe. Trong khi nói chuyện em đưa hai tay cho hai người bạn quấn băng trước khi mang găng để khi đấm khỏi sai khớp xương hay gẫy ngón tay.
Mang găng xong cô bé đến đứng thủ thế trước một bao cát dài treo lủng lẳng trên một đà ngang ngoài sân tập. Vị võ sư già móc túi lấy một đồng hồ quả quít cầm tay. Ông bấm nút và hô “Tem”, cô bé nhanh như chớp lao vào bao cát đấm đá liên hồi. Đây là lối đánh mười giây để “nốc ao” đối thủ. Trong mười giây này em phải đem hết những cú ruột ra đánh như một cái máy để đối thủ không kịp trả đòn và chính em cũng không kịp thở.
Kim Oanh đánh võ tự do nên ngoài môn quyền anh học của thầy Bruno em còn phải tập đấm đá theo lối võ ta dưới sự chỉ dẫn của cậu Bảy có biệt danh là Sói Vàng. Quyền của em đánh ra chưa được mạnh nhưng em đánh rất nhanh và chính xác.
Tôi thích cú tạt cườm tay của em trông đẹp và độc. Đang đứng trước bao cát khẽ bước chân trái lên, lấy đầu chân phải làm trụ em xoay người thật nhanh tạt mạnh cườm tay phải vào bao cát, mượn đà dội ra, lấy đầu chân trái làm trụ em xoay người quật ngược cườm tay trái vào bao cát. Em xoay người như thế liên tiếp ba, bốn vòng rồi bắt đầu phang đòn ống quyển. Đòn này dùng đánh vào hông đối thủ, đòn dễ đỡ nhưng sẽ làm đối thủ mất thì giờ và dễ bị ăn đòn vào mặt.
Cú ruột thứ hai của Kim Oanh là cú “đá giò lái”, cũng dùng một chân làm trụ, em xoay người đá ngược gót chân kia vào đầu đối thủ, trúng cú này chắc đối thủ khó mà đứng dậy nổi.
- “Tem”.
Vị võ sư già nhìn đồng hồ bấm nút và cô bé ngừng lại. Mặt em ướt đẫm mồ hôi nhưng em cố giữ hơi thở bình thường. Một người bạn đưa khăn cho em lau mặt, vị võ sư vỗ vỗ đầu em nói good, good rồi chỉ lại cho em những cú quyền anh ruột của ông mà lúc nãy em biểu diễn chưa đúng cách. Sau đó ông đến chỉ dẫn một số võ sĩ khác. Tối mai lò của ông có ba người thượng đài. Một võ sĩ quyền anh hạng ruồi, một võ sĩ đấu quyền tự do và Kim Oanh đánh quyền tự do tranh giải thiểu nhi, giải này dành cho các nữ võ sĩ từ mười lăm đến mười bảy tuổi.
Kim Oanh đến chỗ tôi ngồi, tôi đứng dậy nhường ghế cho em. Em lắc đầu.
- Anh cứ ngồi đi. Võ sĩ cấm kỵ khi tập xong ngồi vì sợ to tim.
Tôi nói :
- Em cũng nên để trái tim em nó to ra một chút, con gái gì mà dữ hơn bà chằng ông nào dám lấy.
Nhanh như chớp em xoay người tạt mạnh cườm tay đánh văng điếu thuốc tôi đang ngậm trên môi rồi bật cười khanh khách.
- Nhỏ, em làm tôi sợ hết hồn. Nhỡ em đánh rụng răng tôi thì sao?
- Đáng kiếp, cho anh hết nói bậy.
- Tôi nói vậy không phải sao. Em đấm đá kiểu đó ông nào dám yêu em.
- Ông nào lỡ dại yêu em, em sẽ cho ăn đòn no.
Tôi bật cười.
- Tôi đang đói bụng đây, vậy mong em cho tôi “ăn no đòn” đễ đỡ tốn cơm.
Cô bé đỏ mặt nói :
- Xí, đòn chùa hay sao mà đem cho anh ăn.
- Vậy thôi, chúng ta đi ăn mì vịt tiềm đi.
- Anh đợi em dợt đấu với cô bạn một trận rồi chúng ta cùng về.
Chúng tôi dời khỏi võ đường khoảng mười giờ. Cô bé mặc áo thun vàng, quần nhung xanh, vai đeo xách tay có chữ PANAM. Tóc em thả bay lõa xõa trước mặt trông rất “yểu điệu thục nữ” và chỉ có trời mới biết em là một võ sĩ sẽ thượng đài vào tối mai. Chúng tôi đi bộ dọc theo bờ sông tìm một xe mì quen, mỗi lần đến đón em về tôi đều dẫn em đi ăn mì ở nơi này.
Thấy chúng tôi đến ông chủ người Tàu kéo ghế mời.
- Cậu hai cô hai ăn như mọi bữa hả?
Tôi gật đầu.
- Nhớ một tô có đầu vịt và nhiều hành nghe.
- Ngộ nhớ tô đặc “piệt” của cậu hai mà.
Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn kê trên bờ đá. Trời oi nóng. Mặt sông nước đen thui, phẳng lặng như mặt ao tù. Ở phía cầu tầu có một tàu hàng ngoại quốc đang cặp bến mở nhạc oang oang nghe điếc tai. Làm xong hai tô mì ông chủ đem đến đặt trên bàn. Tôi hỏi :
- Bà xã đâu mà ông bán một mình?
- Nó “pịng dồi”. Ngộ xui quá lấy nhằm con vợ gì “pịng” hoài, làm ăn không khá nổi.
- Còn cô gái xinh xinh, cười có đồng tiền giống Miêu Khả Tú đâu rồi?
- Tối nay nó phải ở nhà nấu thuốc cho vợ ngộ.
- Tiếc quá, có cô ấy ở đây tôi sẽ ăn luôn một hơi ba tô mì để được nhìn cô ấy cười.
Ông Tàu cười gãi đầu.
- Được “dồi”, tối mai ngộ sẽ nói nó ra đây “pán” hàng, cậu hai nhớ đến ăn. Giờ cậu hai uống gì để ngộ gọi cho.
- Hai 33.
Cô bé nói :
- Một chai thôi, cho tôi ly đá chanh xí muội.
Khi ông Tàu đi ra khỏi, tôi nói :
- Em hãy uống một chai 33 để hăng máu mai đánh cho hay.
- Em sợ uống vào hăng máu em sẽ đánh anh ngay bây giờ.
- Giỡn nhỏ, sao em đòi đánh tôi.
Cô bé trợn mắt quát :
- Ai bảo anh nhắc đến cô gái của ông Tầu làm chi.
- Ồ anh chỉ thương cho cô ta phải làm việc vất vả giúp đỡ gia đình. Nếu ở Hồng Kông cô ấy sẽ được chọn để đóng phim và tha hồ có tiền tiêu.
- Dẹp trái tim hay thương người của anh đi, coi chừng có ngày em đấm nó bể lắm.
- Thôi cho tôi xin đi cô nhỏ. Tim bể rồi tôi biết sống với ai.
Cô bẻ háy mắt.
- Đáng kiếp, cho anh khỏi thương lang bang.
Buổi quyền thuật được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổng hội võ thuật Việt Nam nên vé đã bán hết từ lâu. Sân Tinh Võ tối nay đèn thắp sáng choang và đông nghẹt người xem. Tôi vào ngồi hàng ghế mời dành cho thân nhân các võ sĩ, một lúc sau ông thầy Bruno đi vào ngồi ở ghế bên cạnh. Ông mặc áo vét xám, thắt cà vạt nhiều màu trông bệ vệ xứng đáng tư cách ông bầu của một võ đường lớn. Tôi nói chào thầy, ông cười đưa tay bắt tay tôi.
- Cậu là anh của Kim Oanh?
Tôi bối rối trả lời :
- Dạ phải.
Tối qua khi chúng tôi đi về, cô bé có dẫn tôi đến giới thiệu với ông thầy của em. Ông hỏi tôi là gì của cô bé và em đã nhanh miệng trả lời, anh hai của con đó. Anh Hai, cái tên nghe thật hàm hồ. Ra khỏi võ đường tôi đã phàn nàn với cô bé. Sao em không giới thiệu tôi là người yêu của em. Cô bé bĩu môi. Còn khuya, ai thèm thương anh yêu anh mà bắt người ta giới thiệu là người yêu. Giá em không biết võ chắc tôi đã cú lên đầu em một triệu cái cho bõ ghét.
Tôi hỏi :
- Cô bé đến chưa thầy?
Ông gật đầu.
- Nó đang ở phòng đợi dành cho các võ sĩ.
Mãi đến 8 giờ 30 buổi quyền thuật mới bắt đầu. Kim Oanh sẽ đấu ngay trận mở màn. Em nắm dây luồn lên võ đài nhanh như một con sóc. Tóc em cột thành hai bím gọn gàng, đong đưa trông thật đẹp mắt. Ở góc đối diện, đối thủ của em tóc búi cao đang chậm rãi bước lên. Tiếng máy phóng thanh oang oang bắt đầu giới thiệu.
- Kính thưa quí vị khán giả, trận đánh mở màn buổi quyền thuật tối nay chúng tôi xin giới thiệu hai võ sĩ tranh giải thiếu nhi. Người đứng bên phải chúng tôi mặc quần áo đỏ là Tiểu Phụng, mười sáu tuổi, nữ võ sĩ của võ đường Linh Phụng. (Cô bé đứng dậy đi quanh võ đài cung tay cúi chào khán giả rồi trở về ghế ngồi). Người đứng bên trái chúng tôi mặc quần áo vàng là Kim Oanh, mười lăm tuổi, nữ võ sĩ của võ đường Bruno. (Cô bé cũng đứng dậy đi quanh võ đài cung tay cúi chào khản giả. Khi em quay về hướng tôi, tôi gọi to Kim Oanh và giơ cao hai ngón tay tạo thành hình chữ V. Em nháy mắt cười rồi trở về chỗ ngồi). Trận đấu này sẽ gồm năm hiệp, mỗi hiệp kéo dài hai phút và dưới sự điều khiển của trọng tài Nguyễn Khôi.
Lời giới thiệu vừa dứt, trọng tài mặc quần áo trắng nắm dây tung người vào võ đài. Ông giơ tay ra hiệu hai cô bé đến gần tháo găng để khám băng tay, sau đó hai em đeo găng lại và trở về hai góc đối nghịch. Cả hai đều nắm dây chăng làm những động tác dãn gân cốt. Tiểu Phụng buông dây, xuống tấn múa một bài xà quyền, còn Kim Oanh đánh gió những đòn quyền anh căn bản.
Hiệp nhất bắt đầu. Chuông vừa reng lên cả hai em đều đã đứng ở giữa võ đài. Kim Oanh dơ tay đánh trước vào mặt đối thủ rồi em móc luôn tay trái vào cằm, Tiểu Phụng hơi ngả đầu về sau để tránh và trả đòn bằng cùi chỏ hất ngược lên. Kim Oanh xoay người tránh đòn đồng thời tạt ngay cườm tay phải vào màng tang đối thủ. Tiểu Phụng giơ tay đỡ, mượn đà dội Kim Oanh xoay người tạt luôn cườm tay trái vào màng tang bên trái của Tiểu Phụng rồi em lại xoay người tạt cườm tay phải. Khán giả vỗ tay ào ào. Lần này Tiểu Phụng trúng đòn, cô bé loạng choạng lui về sau, cũng may đòn của Kim Oanh còn nhẹ, nếu không em sẽ bị ngã. Kim Oanh xáp lại đánh tiếp, chuông reo hiệp nhất dứt em lui về ghế ngồi để các bạn săn sóc.
Ông thầy quay sang nói với tôi.
- Con nhỏ mới đánh lần đầu mà dạn đòn lắm. Chắc sau nó sẽ khá.
- Con không ham cô bé theo nghiệp này.
- Tại sao?
- Dữ dằn quá.
Ông cười :
- Ngó vậy chớ nó hay khóc lắm. Mỗi lần cải nhau với mấy cô bạn không xong là nó chạy đến tôi khóc nhờ phân xữ. Nhưng nó cũng lỳ lắm, có lần tập đánh bị lọi tay tôi phải xoa bóp nắn lại khớp xương đau chết người mà nó vẫn không thèm la một tiếng. Con nhỏ đó thật nhiều mâu thuẫn.
Tiếng chuông vừa reng lên báo hiệu hiệp hai. Tiểu Phụng đã lao người đến tấn công trước. Em đánh võ ta nhiều hơn quyền anh. Đòn độc của em là đánh cùi chỏ vào hông đối thủ và có cú đá cạnh bàn chân chém xuổng cổ đối thủ để dứt điểm. Kim Oanh bị một cú đá tạt trúng má, em nổi điên đánh đòn “nốc ao”. Xáp vào đối thủ em đánh liên tiếp như đánh vào bao cát bất kể đối thủ trả đòn. Lối đánh này gọi là “thí mạng cùi” một ăn hai thua. Tiểu Phụng hơi nhát đòn nên lùi dần để tránh né, đây chính là dịp để Kim Oanh đánh đòn ruột của em. Chân trái làm trụ hơi ngả người về phía trước, em quất ngược gót chân phải vào đầu Tiểu Phụng bằng một cú “đá giò lái” tuyệt đẹp. Khản giả vỗ tay ào ào khen thưởng. Tiểu Phụng trúng đòn đứng loạng choạng. Kim Oanh phang luôn đòn ống quyển vào hông khiến đối thủ ngã nhoài trên sàn. Kim Oanh nhào đến đánh tiếp, trọng tài kéo em ra vừa lúc chuông dứt hiệp nhì vang lên.
- Reng...
Hiệp ba bắt đầu. Kim Oanh xông vào đánh quyền anh dồn Tiểu Phụng vào dây đài để sử dụng cú đá ruột của em. Chân phải bật lên em giáng xuống trúng vai đối thủ, em xoay người đá móc chân trái lên cao, đột nhiên chân em hạ xuống và em loạng choạng lùi ra Tiểu Phụng được dịp ào đến trả đòn, Kim Oanh di chuyển chậm chạp bằng một chân phải nên bị trúng đòn hơi nhiều.
Ông thầy Bruno la lên :
- Chết rồi, con nhỏ bị chuột rút.
Tôi lo lắng hỏi :
- Có sao không thầy?
- Yếu điểm của nó là hay bị chuột rút, có thể nó phải bỏ cuộc.
Trên đài, Kim Oanh phải dựa lưng vào dây để giữ thế thủ. Hai tay em che kín mặt nhưng thỉnh thoảng vẫn bị ăn đòn vì thế thủ hay nhất là phải đánh trả đòn nhưng em không dám rời khỏi dây vì sợ Tiểu Phụng xáp lại đánh đòn “nốc ao” trong khi chân em không thể di chuyển tránh né dễ dàng. Cú đá của Tiểu Phụng tung lên, chém mạnh xuống cần cổ Kim Oanh, em giơ tay ra đỡ được nhưng cũng bị văng ra khỏi dây. Mất chỗ tựa, em đứng loạng choạng, Tiểu Phụng liền nhào đến đánh đòn dứt điểm. Khản giả vỗ tay la hét rầm rộ. Kim Oanh ngã dài. Trọng tài bắt đầu đếm. Đến tiếng thứ tám Kim Oanh cố gượng chống hai tay xuống sàn đứng lên, máu chảy ra ở môi dưới em.
Tôi hốt hoảng lay tay thầy Bruno.
- Thầy quăng khăn chịu thua đi.
- Không được đâu. Tính con nhỏ đó ương lắm, tôi bắt nó chịu thua về nhà tức mình nó dám đấm vào bao cát đến gẫy tay. Hãy để nó tự quyết định.
Kim Oanh vừa đứng dậy, Tiểu Phụng nhảy lên đạp mạnh vào vai em khiến cô bé ngã chúi xuống sàn cùng lúc chuông reng dứt hiệp ba. Một săn sóc viên chạy ra dìu Kim Oanh vào góc đài xoa bóp chân trái cho em. Tôi đứng lên định chạy đến nói Kim Oanh bỏ cuộc nhưng thầy Bruno đã giữ chặt vai tôi.
- Cậu ngồi yên. Đừng làm nó chạm tự ái, nó sẽ khỏc.
- Nhưng nếu tiếp tục đấu cô bé có thể bị đánh chết.
- Tụi nhỏ không đánh độc ác đâu, tụi nó chỉ cần hơn điểm là đủ. Để cho nó tập chịu đựng.
Chuông hiệp bốn vang lên. Kim Oanh uể oải nắm dây đài đứng dậy và tôi ngộp thở theo dõi từng bước đi khập khiễng của em ra giữa đài. Tiểu Phụng thừa thắng lao đến đánh dứt điểm. Như có phép lạ, Kim Oanh lanh lẹ tràn người qua một bên tránh đòn đồng thời em lên gối phải trúng ngay ngực đối thủ rồi xoay người đá móc gót chân trái vào đầu Tiểu Phụng. Khản giả vỗ tay vang lừng và tôi nắm tay thầy Bruno la lên :
- Cô bé hết bị chuột rút rồi.
Ông cười nói :
- Con nhỏ giả đò hay thiệt, đối thủ của nó bị lừa rồi.
Trên đài, Tiểu Phụng vừa loạng choạng ngã, Kim Oanh nhào đến đỡ đứng dậy và đấm liên tiếp dồn Tiểu Phụng vào dây đài rồi xoay người quất những cú bằng cườm tay vào đầu Tiểu Phụng. Không để cho đối thủ kịp nghỉ lấy sức, em phang liên tiếp những đòn ống quyển vào hông Tiểu Phụng và đánh dứt điểm bằng một cú đấm móc thật mạnh vào cằm. Chuông hiệp bốn dứt. Kim Oanh đi về chỗ ngồi và Tiểu Phụng ngã gục xuống sàn, săn sóc viên phải ra nâng em dìu đi.
Khi chuông hiệp năm vang lên, ông bầu Tiểu Phụng quăng khăn trắng ra đài. Trọng tài nắm tay Kim Oanh dơ tuyên bố thắng cuộc. Khản giả vỗ tay ào ào. Tôi cũng hét lên như điên vì mừng rỡ và chạy đến góc đài đón Kim Oanh đang leo xuống. Các đồng môn vây quanh em reo hò rồi công kênh em lên vai đi vào phòng dành cho các võ sĩ.
Kim Oanh được đặt trên giường nệm. Em nằm thẳng người, mắt nhắm nghiền. Một cô bạn lấy dầu nóng thoa bóp những chỗ trúng đòn trên thân thể em và một người băng vết thương ở môi dưới em. Một lúc thầy Bruno vào. Ông nói các đệ tử ra ngoài rồi đến đặt tay trên trán cô bé.
- Con mệt không?
- Con đã đánh Tiểu Phụng bằng đòn thù không cho cô ấy ngã nghỉ lấy sức, trái với tinh thần thượng võ. Con đã không ngăn được lòng tức giận vì cô ấy đánh con lúc con bị chuột rút.
- Ồ, con đâu có đánh trái luật. Trận đấu mà, con sẽ quen đi.
- Con rất ân hận. Con xin thầy tha tội, từ nay con nhất định không bước lên võ đài nữa.
Ông lắc đầu bước ra khỏi phòng, đến cửa ông quay lại vẫy tôi ra nỏi nhỏ.
- Cậu hãy ở lại khuyên nó, nó còn hốt hoảng vì bị đòn nhiều.
Tôi đóng cửa lại, trở vào nắm chặt tay em và nói thầm bên tai.
- Nhỏ, em đau không?
Cô bé mở mắt nhìn tôi khẽ nhếch môi cười.
- Anh thấy em giữ đúng lời hứa chưa. Em đã nói đánh gục nó là nó phải gục. Nhưng em hứa từ nay không đánh võ đài nữa, anh bằng lòng không?
Tôi vui mừng nói :
- Rất bằng lòng. Tôi không thể nào chịu đựng nổi một lần nữa nếu thấy em bị ngã.
Cô bé ngồi nhổm dậy đặt hai tay lên vai tôi.
- Bỏ tập võ em sẽ đi học lớp gia chánh, tập nấu mì đủ kiểu cho anh ăn.
- Vậy là nhất rồi còn gì nữa.
Em nắm tay đấm nhẹ vào ngực tôi.
- Nhưng anh coi chừng. Em vẫn còn dư sức đấm bể tim anh.
- Tôi không sợ em đánh. Tôi chỉ sợ em bắt tôi nhịn đói thôi. Bây giờ em đi thay quần áo rồi tôi thuê taxi chở chúng ta đi ăn mì.
Cô bé trợn mắt quát :
- Anh lại muốn đến gặp con gái ông Tàu phải không?
- Đâu có, tối nay chúng ta vào Chợ Lớn tìm một tiệm ăn thật sang gọi mì bồ câu tiềm, mì gà tiềm, mì bò tiềm, mì heo tiềm, mì ếch nhái tiềm, mì “tả pí lù” tiềm.
Cô bé ôm bụng cười.
- Được rồi, tối nay em sẽ uống với anh một chai 33.
Tôi xua tay :
- Thôi nhỏ, em uống đá chanh xí muội đi. Uống 33 vào lỡ “say men chiến thắng” em đánh luôn tôi thì sao?
Last edited by Memory; 08-08-2008 at 01:31 PM.
Lý do: Hệ thống tự ghép bài chống spam
|