Huyền thoại Yoga và nhà Yoga số 1 Việt Nam
Trong tác phẩm “Huyền thuật và các pháp sư Tây Tạng” của nhà thám hiểm người Anh David Neel mà ông Trường dịch một đoạn: “Vào lúc chiều tà, chúng tôi cưỡi ngựa qua miền cao nguyên rộng lớn. Bỗng tôi thấy ở phía xa xa một chấm đen nhỏ xíu. Qua ống nhòm, tôi nhận ra một người đang sải bước hết sức lạ lùng, nhanh khôn tả. Không thể nói rằng vị thiền sư ấy đang chạy. Cứ mỗi sải bước, nhà sư lại bay trong không trung, bồng bềnh về phía trước giống như một quả bóng đàn hồi. Chúng tôi đã nhìn theo gần 3 cây số. Nhưng rồi ông rẽ ngoặt khỏi con đường ngựa chạy, bay vọt lên sườn núi và mất hút trong dãy núi trập trùng bao bọc cao nguyên... Một số minh sư cho tôi hay, sau nhiều năm tu luyện sẽ đạt đến mức: khi chạy chân các vị thiền sư sẽ không chạm đất và họ lướt đi trong không trung với độ nhanh kỳ lạ...”. Theo ông Trường, ở Tây Tạng, bí pháp này có tên là Loung-gom-pas.
Còn ở Trung Quốc, từ xưa đến nay, người ta nói quá nhiều đến thuật khinh thân. Trang Tử, trong “Nội thiên” đã ca ngợi tài khinh thân của Liệt Tử: “Liệt Tử đạp gió phiêu lãng trong không trung, dáng vẻ thanh thản nhẹ nhàng”. Tác giả Trung Ly Quyền cũng lưu lại trong hậu thế “Trung Ly Bát đoạn cẩm” - công pháp luyện khinh thân.
Giới võ lâm Trung Quốc đã bỏ nhiều tâm lực nghiên cứu phương pháp luyện khinh công. Có điều luyện khinh công gian khổ hơn các công phu khác rất nhiều. Vì vậy, người học đã ít, người đạt đến công phu tuyệt kỹ lại càng hiếm hoi, vả lại họ thường mai danh ẩn tích, ở những nơi thâm sơn cùng cốc, nên người đời hiếm khi gặp mặt.
Tuy nhiên, các tu sĩ ở phương Tây lại thường xuyên thể hiện tài nghệ bay trước mặt bàn dân thiên hạ. Người có khả năng khinh thân được nhắc nhiều nhất trong sách báo là Josef Desa. Ông sinh ra trong một gia đình mộ đạo ở miền Nam Italia. Ngay từ bé, Josef đã phải chịu đựng mọi khổ hạnh để luyện đến trạng thái xuất thần theo phương pháp yoga. Và Josef đã luyện được khả năng khinh thân. Giới khoa học đã quan sát Josef khinh thân 100 lần và ghi chép những nhận xét trong tài liệu chính thức. Và cũng chính tài khinh thân đã đẩy cuộc đời ông vào chốn long đong, tuyệt vọng, do một số kẻ cho rằng ông là phù thủy. Ông mất vào năm 1663 ở một tu viện xa xôi.
Ông Trường đang luyện Yoga.
Danil Douglas Hewm cũng là người có thuật khinh thân nổi tiếng nhất thế kỷ XIX. Trong trạng thái nhập thiền, ông có khả năng nhấc mình trôi bồng bềnh lên tận trần nhà. Hewm đã biểu diễn năng lực đặc biệt này trước hàng nghìn khán giả, trong đó có cả những người nổi tiếng như Thackeray, Mark Twain, Napoléon III, cùng những nhà chính trị, bác sĩ, khoa học gia. Người ta không phát hiện ra sự lừa đảo nào cả.
Bản thân tác giả cũng đã từng được nghe rất nhiều người Dao ở bản Thành Công, xã Lãng Công (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) kể cho nghe câu chuyện thần bí về ông thầy mo có khả năng bay lơ lửng trên không. Người Dao ở bản này còn lưu giữ nhiều phong tục nguyên sơ, trong đó có tục làm lễ “xưng tội”. Trong khung cảnh thành kính, người “xưng tội” ngồi đối diện với bàn thờ treo trên tường. Thầy mo ngồi ngay dưới bàn thờ, quay mặt về phía người “xưng tội”. Sau khi thực hiện một số nghi lễ, người “xưng tội” sẽ kể hết những điều xấu xa mình đã làm trong năm qua. Nếu người đó kể sai, hoặc không kể hết thì ông thầy mo cứ từ từ lơ lửng bay lên phía bàn thờ. Còn nếu kể thật lòng mình thì ông thầy mo lại từ từ hạ xuống (?!).
Mặc dù hầu hết người Dao ở Thành Công đều kể chuyện này nhưng tôi không tin lắm vì chưa được tận mắt chứng kiến. Tuy nhiên, chuyện người Dao Đỏ ở Xín Thầu (Hoàng Su Phì, Hà Giang) có thể nhảy múa trên đống than đỏ rực thì tôi đã tận mắt chứng kiến. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết âm lịch, người Dao Đỏ ở xã Xín Thầu lại tổ chức lễ hội nhảy lửa. Sau khi đọc những câu “thần chú” rất kỳ lạ, cả chục người cứ chân đất nhảy múa trên đống than đỏ rực như không biết nóng là gì. Phải chăng người Dao Đỏ ở Xín Thầu cũng là những yoga thực thụ?
Theo một số nhà nghiên cứu phương Tây, khả năng khinh thân là sản phẩm của trường sinh học, tạo ra bởi một dạng năng lượng tinh thần đặc biệt phát ra từ não người. Trường sinh học được tạo ra một cách có chủ ý bởi người khinh thân, do đó họ có thể kiểm soát và thay đổi hướng khi lơ lửng trên không.
Theo ông Trường thì tập luyện khinh công chủ yếu gồm hai phần: Một phần gồm những công pháp tập luyện nhằm mục đích làm cho cơ thể linh hoạt, nhẹ nhàng, bước đi nhanh nhẹn, thân pháp khinh linh trong giới võ lâm Trung Quốc, người ta luyện tập từ khi 6 tuổi bằng cách bọc mo sắt vào chân, rồi tập nhảy trên những cây cọc. Khi tháo bọc sắt, đi lại thấy nhẹ nhàng như gió. Phần khác gồm các công pháp khơi gợi tiềm năng trong cơ thể, khiến cơ thể sản sinh ra sức nổi hướng lên. Kết hợp hai phần đó, con người sẽ đạt đích khinh thân.
Kinh nghiệm cuộc sống đã từ lâu cho thấy và sau đó đã được khoa học khẳng định là: khi não ở trạng thái thiu thiu, chập chờn, thì nhạy cảm khác thường, tạo cho con người có khả năng ảnh hưởng đến những chức năng cơ thể mà ta không thể nào bắt nó tuân theo trong những lúc bình thường. Những người trong trạng thái mộng du nhìn vẻ ngoài xem chừng như họ vẫn tiếp tục ngủ, mắt họ thậm chí vẫn nhắm, thế mà họ có thể đi đứng, leo trèo thoăn thoắt trên những nóc nhà cao, có thể chuyền từ cành cây này sang cành cây khác rất nhẹ nhàng.
Thì ra, trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê, gần giống như khi thiền định, con người có thể đánh thức những khả năng tâm lý sâu ẩn tiềm tàng. Chính vì lẽ đó mà có những phát minh khoa học, những sáng tác thơ văn bất hủ đã đến với con người trong lúc mơ màng, ngủ gà ngủ gật: Nhà hóa học Đức Kekule đã tìm ra công thức cấu tạo của benzen trong lúc nửa tỉnh nửa mơ. Nhạc sĩ Italia Tartini nằm mơ thấy một con quỷ đang chơi một giai điệu kỳ diệu, tỉnh dậy ông đã ghi lại những nốt nhạc đó...
Ngay như nhà thơ Hoàng Cầm, khi sáng tác bài “Lá diêu bông” cũng ở trong trạng thái nửa ngủ nửa mơ. Ông kể: “Tôi đang ngủ, nhưng cứ như có ai nâng cuốn sách trước mặt. Tôi cầm bút, nhưng cứ như có ai đưa đẩy”. Chuyện đó, người ta giải thích là do ý thức thăng hoa, nhưng theo ông Trường cái ý thức thăng hoa đó là do yoga khơi gợi nên. Ý thức con người như một tảng băng, phần ta nhận ra chỉ là phần nổi, còn tiềm thức là phần chìm. Yoga có những phương pháp khai thác được phần tiềm năng tuyệt diệu còn chìm lặn ở trong mỗi con người.
Chuyện khó tin về nhà Yoga số 1 Việt Nam
73 tuổi, ông Nguyễn Thế Trường vẫn vác bao tải gạo nặng 80kg leo cầu thang băng băng. Mùa đông rét căm căm vẫn tắm nước lạnh và cởi trần ngồi thiền mấy tiếng đồng hồ ngoài ban công. Ông hà hơi vận khí. Đường khí chạy khắp cơ thể như có con chuột chạy dưới lớp da. Những u thịt tròn như quả bóng bàn lằn lên ở ngực, đùi, sống lưng.
|