. SỰ THÀNH CÔNG
Quyền thuật Việt Nam cổ xưa không có một cấp bực nào rõ rệt từ khi bái sư cho đến lúc thành tài rời sư môn. Và một người được coi như thành tài thì mũi bàn tay đâm thủng chuối cây, lưỡi bàn tay chặt tróc vỏ cây lớn, tung chân đá vỡ bụng ngựa, trâu. Thân pháp có thể vượt qua rào cao, nhảy nóc nhà ngói, mượn sức vật nổi nhỏ qua sông rạch. Cọp beo đối với họ như đàn chó con đối với người thường. Lê Văn Khôi biểu diễn đánh cọp tại thành Gia Định (Phan An) là một bằng cớ dễ nhận nhứt.
Ngày nay, không còn mấy ai đạt đến trình độ khổ luyện như vậy, nhưng rồi đây cao trào võ học bừng dậy, môn võ dân tộc hẵn sẽ sản xuất ra nhiều nhân tài làm sáng mắt đồng đạo võ lâm. Về cấp bậc, cổ nhân quy định đại lược như sau : sơ cấp, trung cấp và cao cấp, trên nữa là khổ luyện tuyệt kỷ. Người mới tập hai ba năm gọi là trình độ sơ cấp, ở trình độ nầy một võ sinh có thể tự vệ với 3 hay 5 địch thủ tầm thường. Trình độ trung cấp từ 4 đến 8 năm, với cấp bực nầy cho phép võ sinh tự vệ hữu hiệu cùng một đối thủ có trình độ tương đương hoặc nhiều binh khí. Từ 9 đến 15 năm được gọi là cao cấp ; học đến cao cấp thì tinh thông quyền thuật, binh khí thập bát ban (Tàu) và Việt Nam có thể xuất sư lập nghiệp. Cao hơn nữa là khổ luyện những công phu, những võ sư, những cao thủ trong thiên hạ. Lắm khi một võ sĩ phải bỏ cả đời mình để luyện tập một công phu để đến khi thành công thì đời người cũng đã xế bóng.
4. ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN SINH
Xưa : Trẻ con phải được cha mẹ dẫn đến ra mắt ông thầy, vị thầy ngắm tướng mạo trẻ con xong mới có quyết định thâu nhận hay không. Song đạo đức của cha mẹ cũng cần thiết trong việc này, ông thầy sẽ không bao giờ nhận con một kẻ gian ác làm đồ đệ. Nếu được chấp thuận, cha mẹ con trẻ phải chọn gà trống tơ, một bầu rượu trắng ngon (rượu đế) cho con mang đến nhà thầy ra mắt Tổ (con gà phải luộc chín và còn đủ cả đầu, gan, mề, chân. Ông thầy sẽ coi chân gà để biết rõ tánh ý con trẻ). Trong lễ cúng tổ, con trẻ quỳ lạy trước bàn thờ tổ, sau đó lạy thầy và xưng danh với các anh chị đã học trước. Từ đó đứa nhỏ đã được coi là đồ đệ của thầy. Kể từ ngày hôm sau bắt đầu luyện võ, và mỗi năm có lễ tạ tổ một lần, thường thì võ sinh chung tiền mua sắm heo, gà, vv… làm thịt cúng tổ tại nhà thầy. Ngày hôm đó các môn sinh đấu với nhau kịch liệt để tổ chứng minh sự tiến bộ của họ, đồng thời để cho người làng xã nhận thấy võ nghệ của ông thầy là cao cường.
Ngày nay : Thời đại văn minh hóa nên hầu hết các võ sư đều không thâu nhận đồ đệ theo cách trên. Võ sinh cứ đến võ đường xin đơn, điền tên, họ, vv… dưới 18 tuổi phải có chứng minh của phụ huynh, đóng nguyệt phí vài trăm và luyện tập. Sự việc như vậy làm giảm đi vẻ uy nghi của nghề võ, và làm lạt lẽo tinh thần đồng môn, ý chí tập thể, tình thân thiết thầy, bạn. Thật tệ hại tinh thần văn minh sai cách, chính nó đã làm con người điên đảo, con quên cha mẹ, an hem không nhìn mặt nhau, thầy trò không tình nghĩa, tổ tiên bị bỏ quên. Sự cúng quảy, giỗ chạp là ngày nhớ đến cố nhân, là giờ phút tưởng niệm công lao tiền nhân, là ngày suy nghĩ lại cá nhân mình từ đâu mà có, từ đâu mà đến. Thế mà, vì ngu xuẩn chạy theo cái văn minh tiện nghi mà quên hết, mà vong thân, mà mất gốc, vv… Sự tệ hại ấy đã làm hư đi nên đạo lý cổ truyền dân tộc. Tuy thế còn nhiều vị tuổi tác vẫn giữ được nề nếp, tiêu biểu tại Saigon như trường Sa Long Cương vẫn giữ được lễ cúng tổ, sư trưởng vẫn coi giò gà mặc dù sư trưởng là tín đồ Công Giáo
|