Những mưa ngày lạ
Mưa nhỏ. Mọi năm mùa này không có những cơn mưa đột nhiên. Có thể không ướt sũng nếu băng qua đại lộ về trường nhưng cũng thật dễ chịu khi ngồi lại quán, tựa đầu song gỗ mắt cáo và nhìn xuyên bản nhạc bất hủ Mùa hè của ba trăm năm đang tỏa ra từ cái loa cũ trên tường. Vài sinh viên năm một trống tiết sang quán tập hút thuốc, nhìn mưa, mắt nhớ nhà. Một đàn kiến chạy rùng rùng trên nền gạch, dấu hiệu của cơn mưa dài và to. San uống cạn cốc nước, xốc lại cái túi đầy cọ lẫn màu, quyết định vào trường vẽ hết buổi chiều. Một chiếc xe tải suýt đâm sầm San khi cô chạy như điện qua đại lộ vắng xe. Tay tài xế thò gương mặt ngái ngủ qua cửa gào toáng lên: “Muốn chết hả?”. “Không. Đời thật đáng sống...” - Cô hét vọng theo. Sau câu nói nhảm nhí vô nghĩa, chợt bước chân trở nên khó khăn. San tấp vô trụ điện thoại vàng, ghìm cơn run rẩy. Lục tìm thẻ, San bấm vội dãy số thuộc lòng của Vinh nhưng chỉ vọng trả các hồi chuông dài. Có thể giờ này Vinh đang học bài trên giảng đường hoặc đến phòng máy. Cô gác ống nghe, cố nguôi ngoai cảm giác kinh hoàng. Mọi việc đều có thể chịu đựng một mình. Tại phòng vẽ, các anh bạn ngợi khen cách San trả đũa gã tài xế thô bạo. Từ cửa sổ, họ chứng kiến vụ va chạm, cười ngất ngư. San vẽ, im lặng. Nếu phơi bày sự hoảng sợ, cô sẽ phá vỡ trạng thái vui vẻ của mọi người. Quá năm giờ, lớp cho mẫu nghỉ. San rửa sạch cọ. Đi làm thêm buổi tối, cô cũng sử dụng bảy cây cọ thân thuộc. Chải qua loa mớ tóc thẳng, San liếc vội kính cửa chớp. Một bóng ma gầy gò, căng thẳng. Cô lao xuống nhà xe. Thật phiền toái nếu đến cửa hàng muộn. Chiều sau mưa xanh thẫm, như một quả bóng ướt thăng bằng trên mũi con cá heo vô tư và tự do.
Những ngôi nhà phố trung tâm bắt đầu sáng đèn. Cửa hiệu nơi San đến vẽ thuê các món hàng lưu niệm và ở đó suốt tối hôm nay treo những đèn lụa mới ngoài hiên. “Ánh sáng rực rỡ thu hút những kẻ mua hàng ngờ nghệch và mình sẽ chẳng cần phun ra mấy câu đàm thoại tiếng Anh thủng lỗ chỗ ghê người...” - Cô nghĩ thầm. Ông chủ hiệu nhìn cô qua gọng kính to, lẩm bẩm:
- Giá hôm nào cô cũng đến sớm thế này! Nhưng ban nãy có một thằng ngốc tìm cô. Hắn ta đọc một cái tên dài...
- Anh ta không hỏi mua gì sao? - San ngồi vào cái bàn vẽ, cười nhẹ.
- Không! Nhưng tên keo kiệt ấy bảo sẽ mua vài cái đĩa gỗ có vẻ hình chuồn chuồn. Hắn nhìn ra nét vẽ của cô - Ông chủ thở dài - Hy vọng đó không là lời hứa hão.
San kéo thùng đựng màu dưới chân, chìm vào công việc. Một con chuồn chuồn mới hiện trên mặt đĩa, đôi cánh mỏng như hơi sương nhẹ. San thở phì phò. Có bóng người cao lềnh khềnh loáng thoáng ngoài cửa gỗ. “Hắn ta kìa!” - Ông chủ rít lên khe khẽ. Là Toru Junichi, anh chàng thực tập ngôn ngữ và dạy thêm tiếng Nhật ở trung tâm trên góc đường. Thi thoảng rảnh. Toru đi lêu bêu dọc phố trung tâm, dừng trước hiệu gỗ, xem tẩn mẩn mọi thứ, nhưng chẳng bao giờ anh ta mua gì. San không rời mắt hình vẽ dang dở. Toru đứng sau lưng cô, nói to: “Chào!”. San ậm ừ chào lại, ý thức rõ cặp kính to bực bội sau lưng.
- Anh mua một món nào không? - Cô hỏi.
- Tôi thích chiếc hộp tre vẽ con ruồi xanh... - Toru thoáng ngập ngừng.
San cười phá lên: “Không phải ruồi!”. Toru nói tiếp:
- Tôi mua hộp. Và cô sẽ đi uống nước một lúc với tôi chứ?
Nụ cười cau có nở trên mặt ông chủ. San thả cọ vẽ vào đĩa nước: “Okay!”.
Họ ra quán vỉa hè, gọi hai cốc sữa nóng. “Mình ngồi quán quá nhiều nhưng lại làm quá ít trong một ngày” - San nói một mình. Toru nhận xét:
- Hôm nay thấy San có vẻ vui vui.
- Tại vì lúc chiều tôi vừa thoát chết - Cô giải thích - Tai nạn xe cộ.
- Người cảm thấy may mắn trong vụ này không phải là San đâu - Toru thì thào sau một hồi lâu im lặng.
- Nhưng có lẽ không ai quan tâm - San thản nhiên.
Họ xin thêm hai cốc trà nóng. Chiều nay mưa, lớp học của Toru vắng hoe, không ai. Anh cảm thấy thoải mái với thời gian tự do, và với cô gái hơi điên điên hay vẽ những sinh vật kỳ dị trên các món đồ gỗ. San tìm đồng hồ, giật mình: “Tôi phải về cửa hiệu. Ông chủ đang đợi. Và có thể ai đấy gọi điện cho tôi...”
- Bạn trai ư? - Toru tò mò - Nhưng San luôn đi một mình, cả các chiều thứ bảy.
- Hơi phức tạp một chút - Cô nói nhanh - Cảm ơn anh đã rủ tôi uống nước. Ngoài phố thích quá. Tôi căm ghét bị giam trong hiệu suốt tối, ngu ngốc chờ đợi một cú điện thoại.
- Thử bỏ qua mọi phiền toái trong vài ngày, San sẽ dễ chịu hơn.
- Không đơn giản như vậy khi người ta vừa đi học vừa phải kiếm tiền. Để mua màu vẽ. Để ngồi quán. Để khỏi thấy mình thối rữa... Okay! Tốt nhất là sắp xếp ổn thỏa với những phiền toái, nỗi nhớ nhung, các mong ước không thể thực hiện.
- Tôi hiểu - Toru mỉm cười - Nhưng cuộc sống vẫn đầy bất ngờ không biết trước, rồi những ân huệ dịu dàng... San tin không?
Họ chia tay vội vàng, hơi lãnh đạm. Ông chủ hiệu gỗ càu nhàu San bỏ đi quá lâu. Có một cú điện thoại của Vinh nhưng anh không thể chờ cô. Cửa hàng vắng khách. San lại vào bàn vẽ. Cô xếp bảy cây cọ trước mặt. Bảy cây cọ lớn nhỏ như bảy ngày trong tuần, bận rộn, không ngơi nghỉ. Ông chủ nhìn qua vai San, nhắc: “Đừng ngồi thẫn thờ nữa. Vẽ đi!”. Lâu lắm rồi cô chẳng quan tâm đến thời gian, đến những điều chưa làm. Thế mà chỉ một chiều, mọi thứ bỗng hiện ra, như nhìn qua cánh cửa mở hé. Vài cơn gió mạnh thổi làm mấy chiếc đèn lụa đỏ treo trước hiên quay tròn. Cơn mưa lớn sập xuống không ngờ. Ngoài phố rất tối, gần tám giờ, có lẽ không còn người khách du lịch nào ghé vào hiệu. Ông chủ lật sổ tính tiền kiếm được trong ngày, bắt chuyện cùng San. Ông hứa sẽ tăng tiền công cho cô một ngày gần đây. Ông hỏi: “Cô đến làm ở hiệu tôi hẳn không chỉ vì tiền?”. “Vì tiền!” - San khẳng định. Gọng kính đen chợt cáu kỉnh: “Nhưng dù thế nào thì cô đừng lang thang với khách hàng. Rất khó coi! Tôi không ưa bọn nước ngoài dù họ giàu sụ”. San cảm thấy đau đầu, cô sẽ thua cuộc khi tranh cãi về đạo đức. Cô ngồi im chờ những con chuồn chuồn và các nhành hoa dại khô trên mặt gỗ. Mình thật tồi tệ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền bạc và còn chẳng buồn che dấu điều đó - San tự nhủ. Lúc cô dắt xe về, Toru từ một quán cà phê sáng đèn vẫy cô. Anh ta đọc sách. Một người nhàn tản sung sướng. Đêm nay cô cần vẽ thêm phác thảo, giặt nốt chỗ áo cũ. Thật kinh khủng!
Vinh chờ San trước hành lang chung cư. Anh cũng vừa về từ cửa hàng máy tính mà anh làm chủ. Đã hai tuần rồi họ không gặp nhau. Từ dạo San đi vẽ thuê cho hiệu gỗ, họ thưa thớt hẹn, chỉ cùng đi ăn cơm và xem một bộ phim nhạt nhẽo nào đó mỗi cuối tháng. Đôi lần e ngại sự bạc màu vô hình, Vinh bảo người yêu thôi chỗ làm, anh đủ sức giúp cô sống đầy đủ nhưng San chối từ... Tóc và mặt Vinh bám đầy mưa. Anh theo cô bước vào căn hộ tối om, đầy mùi ẩm mốc.
San vặn đèn, mở tung cửa sổ, nói nhỏ:
- Đợi em một lúc. Em hâm lại nồi canh và ta có thể cùng ăn tối với nhau.
Hai người ngồi nơi bàn học của San, lặng lẽ ăn món súp rau lõng bõng, tránh nhìn vào mắt nhau. “Ban nãy anh gọi đến chỗ em làm nhưng ông chủ mách em ra ngoài với một người Nhật”. - Vinh mở lời. “À ha - San bật cười - Ông ta có nhiều việc cần quan tâm...”. “Đừng lảng tránh - Vinh buông thìa - Có thể mối quan hệ khác biệt hấp dẫn, và em sẽ gắn bó với nó đến mức nào không ngờ trước”. San hơi nhăn hơi nhăn mặt, đổi hướng câu chuyện: “Hồi chiều em suýt gặp một tai nạn khủng khiếp...”. Vinh thở dài. Câu nói rơi tõm vào khoảng trống lặng thinh. Hai người yêu nhau nhưng không nghĩ về nhau nữa, những con chim bay trong bóng đêm ngoài cửa sổ, tiếng chó sủa từ khoảng sân nào đó dội về... Quang cảnh hệt trong bài ca bất hủ Mùa hè của ba trăm năm. San dụi mí mắt khô rát, chợt hỏi:
- Anh tìm em thình lình thế này là do đâu?
- Mười ngày rồi anh không gặp em. Những trò chuyện trên điện thoại chẳng nói được gì cả. San, em nghĩ xem, chỉ vài tháng nữa anh ra trường, chính thức đi làm. Em không phải đi vẽ mấy thứ vớ vẩn nữa, hãy tập trung cho hai năm cuối đại học. Đâu cần em tự làm khổ mình.
- Anh hiểu vì đâu em đi làm mà, phải không? Em cần làm việc và tin mình không thừa thãi. Tiền kiếm được chẳng bao nhiêu, nhưng nó cho em cảm giác tự do.
- Em không giống San lơ mơ anh từng biết khi xưa...
- Không thể khác được - Cô thì thào. Tiếng gió thổi trong thành phố như vọng về từ rừng. - Tại em cả. Giá như em có thể thu xếp với chính mình. Nhưng Vinh, anh có thể rời xa em. Không trầm trọng lắm đâu.
- Tại sao là hôm nay? - Vinh cũng chùng giọng, nhưng hồ anh từng chờ đợi một gợi ý thế này.
San nhìn ra khoảng trời một lần nữa lại đựng đầy mưa. Cô xa lạ ngay với giọng nói mình: “Tại buổi chiều hôm nay mưa những bốn lần. Một ngày lạ thường”. Vinh nhìn cô: “San này, mọi thứ có thể đơn giản hơn nhiều. Tình yêu, hạnh phúc cũng thế...”. Anh về. Cánh cửa khép lại không tiếng động. San mở tập phác thảo cần hoàn tất. Cô rót cốc nước nóng, ghì co ro trong lòng. Ít ra mình có một công việc, và đi học - San tự nhủ - Nếu không, có thể hàng trăm, hoặc hơn, những buổi tối khủng khiếp mình nhớ về cơn mưa khuya này. Mấy sinh viên năm một chạy hối hả từ bên quán nước về trường. Họ đâm sầm vào San và cả bọn ngã quay ra đất. Những người đứng nhìn từ ô cửa sổ phá lên cười. Các cánh cửa kính phản chiếu nắng rực, những bạn đồng môn vô tư lự, vui vẻ... tất cả khiến những cơn mưa lạ hôm qua ngỡ rơi từ giấc mơ xa xăm. Một cậu lớp dưới nhặt trả San mấy cây cọ vung vãi, bảo: “Màu tóc đỏ của chị trông rất hay!”. “Cảm ơn” - San nhe răng cười. Cô rảo lên phòng vẽ thì máy nhắn tin rung trong ba lô. Ông chủ hiệu gỗ nhắc San chiều đến sớm trông hàng, và ông cho biết Toru vẫn lảng vảng một cách khả nghi ở phố trung tâm. Mọi việc đều có thể chịu đựng một mình, San biết. Tuy nhiên trong vô số người xa lạ, đôi khi ta có thể gặp một ai đó, kể buồn rầu hoặc khôi hài những vấn đề của mình, đón nhận sự cảm thông khác thường. Không hiếm các trường hợp như thế từng xảy ra.
----------------- Bài viết của đc ghép lại-----------------------
Nơi mặt trời đến
“Anh sẽ không nhớ em lâu đâu!” - Khi nói câu cuối cùng, Ninh mỉm cười. Nụ cười tỏa sáng thông minh mà sau ba năm quen nhau, nó vẫn khiến tôi choáng váng say mê pha lẫn căm ghét cay đắng. Tôi đưa cho cô hộp da đựng cây violin quý, nói khẽ: “Không có em, mọi việc với anh sẽ khó khăn”. Ninh khoác dây đeo lên vai, bước vào phòng cách ly sáng trắng, không ngoái đầu nhìn lại.
Tôi rời khu vực ga tiễn, thoát ra khỏi đám đông chia tay đang cười hoặc khóc, thấm đẫm mùi nước hoa. Trời nắng chói chang. Quầng mặt trời lơ lửng như một khinh khí cầu nóng bức, nhẹ nhõm mà nguy hiểm. Một chiếc taxi phóng vụt qua tôi, chẳng buồn dừng lại đón khách. Đột nhiên, tôi phát hiện cuộc đi bộ đưa mình đến một điểm khá xa sân bay trung tâm, trên con đường cao tốc thênh thang, dài bất tận. Tiếng rầm rì mê hoặc của chiếc Boeing 777 xâm chiếm không gian. Tôi ngước lên cao. Sải cánh rộng của sự chuyển động khổng lồ, trong khoảnh khắc, che khuất vầng mặt trời kỳ dị. Chiếc may bay mang Ninh ra đi. Có trạm chờ xe bus. Trừ một cô gái đội mũ ngược ngồi ngay cạnh tấm poster quảng cáo đỏ thắm, trạm xe hoàn toàn vắng vẻ. Cô gái lạ ngủ gật chỉ choàng tỉnh khi xe bus trờ tới, người bán vé đập tay vào cửa tạo nên âm thanh thô bạo. Tôi bước lên xe, đưa mắt nhìn hàng ghế trống trải. Người soát vé đang trao đổi điều gì với cô khách bỗng nói to :
- Nếu không có tiền mua vé, đề nghị cô xuống ở trạm dừng kế tiếp.
- Tôi chỉ để quên tiền thôi. Hãy cho tôi đi nhờ. Xe thừa quá nhiều chỗ! - Giải thích, nhưng giọng cô gái vang lên bướng bỉnh.
- Tôi không thích các lý do ngớ ngẩn - Người soát vé cau có, rồi gào lên nhắc tài xế dừng lại để tống khứ một kẻ đi nhờ vô tích sự.
Bỗng tôi nhận ra mình mệt nhoài. Trong lúc tôi và Ninh không còn cơ may gặp nhau, ngay gần bên, người ta vẫn cãi cọ về những điều ngu ngốc vụn vặt. Tôi trả tiền một chiếc vé nữa, cho cô gái. Cô ta nhìn tôi bằng cặp mắt lạnh lẽo. Xe bus chạy vào trung tâm thành phố. Hai bên đường, nóc các tòa nhà lênh khênh những tấm bảng quảng cáo sặc sỡ. Trong vòm cây, thình lình bay vụt ra một con chim, như viên đạn sẫm đen từ một khẩu súng vô hình bắn lên trời. Tiếng còi xe oang oang.
Tại trạm dừng trước một trung tâm thương mại, tôi quyết định xuống xe. Vào trong tòa cao ốc, tôi tìm nơi nào đó bán nước giải khát. Một bàn tay chạm nhẹ vào khuỷu tay khiến tôi quay phắt lại. Bước theo từ lúc nào, cô gái trên xe bus nhìn thẳng vào mắt tôi :
- Em đi cùng với anh một lúc nữa, được không?
Bây giờ tôi mới quan sát cô ta. Khoảng mười tám. Dễ dàng trộn lẫn giữa hàng ngàn kẻ xa lạ. Mái tóc ngắn kiểu Blink ánh nâu hạt dẻ. Mắt khuất dưới đôi kính xanh nhạt. Sơ mi kẻ ca rô khoác ngoài áo pull trắng cũ. Giày ba-ta bám bụi và cái ba lô du lịch trĩu nặng. Sự khó chịu ập đến. Tôi cau mày :
- Để làm gì? Chúng ta không quen nhau và tôi cũng không có ý định đó.
- Hãy ghé vào xe bán kem tươi đằng kia một chút thôi, OK? - Trong giọng nói khẽ khàng phảng phất sức mạnh khác lạ.
Vì là một ngày tràn đầy thất vọng và mệt mỏi, nên tôi đành gật đầu. Cô gái tháo kính, gài lên tóc. Lúc này trông cô ta hệ nữ phi công chiến đấu vừa trở lại mặt đất sau một trận đánh dữ dội. Khuôn mặt nhỏ, vầng trán phẳng trắng muốt và cái cằm nhòn nhọn gần như xinh đẹp. Cô ta gọi hai cốc kem chocolate. Trong mươi phút, cô ta ăn hết sáu viên kem to. Gương mặt tỉnh táo và hồng ửng lên. Cô bỗng mỉm cười, hơi vươn vai :
- Ồ, bụng em lạnh toát như Bắc Cực. Nhưng em sẽ không ốm...
- Cô chưa ăn kem bao giờ ư? - Tôi thật sự tò mò.
- Em ăn hằng ngày! - Cô ta ngoẹo đầu, điệu bộ tinh khôn láu lỉnh - Cứ gọi em là An. Em mới chỉ học năm thứ nhất. Còn anh đi làm bao giờ chưa?
Tôi gật đầu. Cô gái không giống sinh viên. Chưa kể cái ba-lô du lịch làm người đeo nó đượm vẻ lang bạt. Nhưng bận tâm làm gì. Chỉ chốc nữa thôi, cô gái kỳ quặc này sẽ tan biến vào đám đông. Còn tôi bắt đầu một nhịp sống mới. Tôi nói, thoáng châm biếm :
- Tôi đánh đàn thuê cho một quán bar các buổi tối. Còn ban ngày, tôi học piano. Năm cuối chương trình cao học. Hẳn là cô biết loại nhạc cụ ấy!
- Chưa bao giờ em đến gần nó trong mười mét - Tia mắt An trở nên rụt rè. Cô vặn các ngón tay gầy mảnh - Cái đàn khổng lồ khiến em khiếp hãi và nể trọng. Nhưng em vẫn nghĩ người chơi loại đàn ấy thường đeo nơ ở cổ, như một con thỏ..
Tôi đến quầy thanh toán nhưng An cười: “Để em trả!”. Cô mở túi da bé xíu như vật trang sức đeo trước ngực, thả xuống quầy một nắm đồng xu mới tinh leng keng. Cô thuộc type những kẻ nói dối bẩm sinh. Thế mà trên xe bus, tôi đã trả tiền vé cho cô ta. Một hành động hài hước lố bịch. An gọi to: “Không cần tạm biệt ư?”. Tôi sải nhanh. Câu hỏi tiếp sau bắn theo tôi như một mũi tên: “Anh muốn mắc kẹt giữa cô độc thật sao?”. Bước nhanh hơn, tôi muốn rời khu vực đông đúc tức khắc. Vài kẻ xa lạ đi mua sắm cười phá lên.
* * * * *
Mặc cho tôi chờ đợi khắc khoải, thường xuyên viết và kiểm tra các hộp thư, không có tin tức nào từ Ninh. Ở Nhạc viện, giáo sư hướng dẫn đề nghị tôi tham sự một cuộc kiểm tra. Sau đó, người ta thông báo tôi là người duy nhất được chọn biểu diễn mở đầu các chương trình biểu diễn mùa hè. Vậy mà tôi hoàn toàn hờ hững. Vì sao Ninh không liên lạc?
Cuối mùa xuân. Tôi dọp dẹp căn gác gỗ, phủi sạch bụi trên nắp đàn, lau chùi đĩa nhạc cổ điểm rơi dưới gầm giường. Vài tập chép nhạc còn lưu các ghi chú mờ nhạt của Ninh. Cô học violin, thường ngồi trên cửa sổ nghe tôi tập tiểu phẩm của Krenek rồi Schoenberg. Nhận xét chính xác của Ninh luôn khiến tôi thích thú. Cô không ngại ngần viết các suy nghĩ về từng phân đoạn trên sách nhạc. Khi đàn, tôi dễ mường tượng một Ninh vô hình nằm bên trong tôi, thông minh và bình thản. Tuy nhiên, giờ đây Ninh muốn xóa bỏ sự cần thiết đối với tôi. Mọi thứ xung quanh ngăn nắp, nhưng tôi không thể tập đàn. Tôi viết đơn xin giáo sư hướng dẫn cho nghỉ học ba tuần. Buổi sáng tôi đi xem phim, có khi ngủ quên trong rạp. Rồi lang thang qua những cửa hàng băng đĩa, sách cũ. Một ban mai, tôi mở cửa sổ nhìn xuống khoảng sân, bàng hoàng thấy một cái cây vô danh nở vô số bông hoa to trắng xoá. Tựa làn da người yêu tình cờ hé lộ giữa giấc ngủ yên tĩnh. Có lúc, tôi ngỡ Ninh sẽ bước qua bóng tối sót lại của vườn, ngước lên nhìn tôi. Nhưng không ai cả. Chỉ là các chi tiết vụn vặt sượt qua khiến nỗi nhớ Ninh trong tôi không ngủ, đau nhức.
Điện thoại gọi đến từ quán bar, nơi tôi làm việc hai ngày trong tuần hơn nửa năm nay. Hồ hởi mời tôi đến chơi nhạc tất cả các ngày còn lại, chủ quán lặng đi trước câu hỏi nghiêm trang: “Để làm gì chứ?” Ông ta hét lên: “Để kiếm nhiều tiền. Để thời gian không tiêu phí. Hiểu chưa, anh bạn điên rồ!”. Câu nói sỗ sàng làm tôi giật mình. Chiều, thay vì ngồi thừ trước màn hình máy tính, tôi thay chiếc áo pull ưa thích, đến quán chơi nhạc.
Phòng trà nằm trên con đường sang trọng khu trung tâm. Tối cuối tuần, khi mọi người nghỉ ngơi vui chơi, tôi phải đệm đàn cho ca sĩ. Công việc nhàm chán và lê thê. Nhưng các ngày còn lại, tôi có thể chơi jazz. Những bản blues buồn rầu phóng túng chơi lại trên piano thu hút đông cánh sinh viên từ các trường kiến trúc hay mỹ thuật. Họ ngồi tụ từng nhóm, gọi cốc nước ít tiền, nghe nhạc và mơ mộng. Tôi chơi mê mải, tự tin. Vì tôi thuộc về họ. Tôi nói chuyện trở lại với mọi người. Trạng thái chao đảo còn váng vất.
Một tối chớm oi bức, giữa những sinh viên mặc áo jeans bạc, đội mũ skin-head lạ lẫm, có cô gái đeo kính ngồi một mình trong góc, uống cốc chocolate to tướng. Tôi chơi bản Billie’s Blues của Holiday rồi chuyển sang Take Five của Desmond. Cô khách thích thú nhịp gót giày trên sàn gỗ. Vài khách lớn tuổi liếc nhìn, khó chịu. Nhưng cô ta vẫn lắc lư, thi thoảng búng ngón tay giòn giã. Quãng 10 giờ, tôi có thể giải lao một chút. Trong quầy, ông chủ quán cho tôi cốc chanh nóng pha chút rượu. Khi tôi uống hạt nước cuối cùng, một bàn tay kéo nhẹ áo tôi. Là cô gái gõ gót giày say mê.
- Cô nghe nhạc thật chăm chú! - Tôi khen, lục lọi trí nhớ nét quen biết lờ mờ.
- Người không đủ tiền mua vé xe bus! - An nhắc, cười rạng rỡ.
- Cô muốn gặp lại tôi? - Tôi thoáng cười chế giễu. Vì một lý do bí mật nào đó, nhiều cô gái ưa thích tôi. Họ không che giấu cảm xúc và khiến tôi chán ngán.
- Tình cờ em ghé thôi - An lắc mái tóc rối bù, le lưỡi nhạo báng - Anh không quan trọng đến mức em phải đi tìm!
- Người ta không đi một mình trong buổi tối bắt đầu mùa hè tuyệt diệu!
- Em nộp bản vẽ cho phòng thiết kế, được duyệt. Bài kiểm tra giữa học kỳ mới xong, khá ổn. Vậy thì tự thưởng một tối không làm gì hết, đi chơi, uống chút gì thật ngon.
Cảm giác nhẹ nhõm. An là dân Mỹ thuật ứng dụng. Học và làm thêm điên cuồng. Say mê Linkin’ Park và Schubert. Đọc truyện tranh và Đôts. Biết sửa xe máy và vẽ sơn dầu. “Quá nhiều mâu thuẫn!” Tôi ngờ vực. “Em không bỏ được thói quen thời niên thiếu” - An tháo cái mũ đội ngược, cào mái tóc ngắn rối tinh. Chợt, cô nhỏm dậy trên ghế, vươn cổ nhìn tôi: “Ví cớ gì anh như cái xác biết đi, cái hôm ở sân bay ấy?”. Hình ảnh mới hay ho làm sao. Tôi thành thật: “Cô gái tôi yêu nhất đã bỏ ra đi!”. “Yêu nhất ư? - An thì thầm - Sẽ có người khác khiến anh yêu hơn!”. Lặng đi vì ngạc nhiên, tôi lẩm bẩm: “Không ai nữa!”. “Tại sao bi quan?”. Tôi lắc đầu: “Không biết được!”. Cô gái vẫn nhìn sâu mắt tôi: “Anh không ghét em, dù em là kẻ nói dối?”. Tôi thừa nhận: “Hôm ấy, rắc rối với An khiến tôi tạm quên tình cảnh cay đắng”. An thả người xuống ghế, thở mạnh: “Em nghĩ nên bỏ lại sau lưng những gì chẳng thuộc về mình!”. Tôi đồng ý: “An nói đúng. Tôi sẽ tập trung vào một tâm điểm khác. Đêm biểu diến sắp tới chẳng hạn”. An lặng thinh. Sau đôi kính phi công xanh, cặp mắt to lơ đãng dõi theo điểm nhìn mơ hồ, tựa hai con cá vàng bơi lặng lẽ.
Hết giờ giải lao, tôi quay lại đàn piano. Bản nhạc quen thuộc Wannabe của Spice Girls được biến thành khúc phóng túng. Như lời cảm ơn gửi đến cô gái can đảm kỳ quặc.
* * * * *
Những trận gió mạnh khiến cây ngoài vườn vặn răng rắc. Các cơn mưa ập đến, ấm áp và mát lành. Giáo sư hướng dẫn đến nghe bài thể hiện của tôi, thở dài: “Kỹ thuật không chê trách. Thế nhưng vài đoạn cậu chơi u ám. Thêm những đoạn lại thiếu điều gì đó. Có thể là niềm đam mê, sự xúc động.. ”. Khi ông ra về, tôi ngồi bên cửa sổ, như bị rút cạn hết sinh lực. Các bông hoa trắng bắt đầu rữa nát dưới nước mưa dậy lên mùi thơm nao lòng. Tuần trước, tôi viết cho Ninh, nói về cuộc biểu diễn cá nhân đầu tiên của mình. Thế nhưng vẫn chẳng có hồi đáp. Ninh đang làm gì? Tại sao sự lãng quên có thể nhấn chìm người ta dễ dàng đến vậy? Các câu hỏi len lỏi cả trong những giấc ngủ ngắn. Tôi vào trường, kiên trì tập bản concerto trình diễn cùng dàn nhạc. Giống như cuộc chiến đấu của người thuỷ thủ đơn độc với các cơn sóng, khi trở về, tôi mệt nhoài, nhưng tràn đầy biết ơn âm nhạc. Những buổi tối, tại quán bar, tôi bỏ thói quen kén chọn, đàn tất cả bản nhạc khách yêu cầu, nhưng theo cách của tôi. Nghĩ tận cùng, sáng tác sâu sắc hay cạn cợt đều nói đúng tâm trạng con người, tuỳ từng khoảnh khắc.
Một khuya tôi rời quán, mưa vừa ngớt, mặt đường xanh thẳm lóng lánh. Ngoài cổng, An chờ tôi từ lúc nào, đứng một chân, còn chân kia gác lên hàng rào. Xe hết xăng tôi phải dắt bộ, cô gái vội vã chạy sau. Tôi quay lại, nổi giận vô cớ :
- An đừng đi theo tôi nữa, được không?
- Chỉ đến trạm đổ xăng thôi - Cái đầu đội mũ ngược bướng bỉnh - Nhưng sao anh thình lình giận dữ với em?
- Xin lỗi! - Tôi dịu xuống - Tại tôi tập đàn căng thẳng quá.
- Cuộc chia tay tại sân bay vẫn làm anh tê liệt sao?
- Đừng nhắc đến nó nữa. Nhưng này, An xen vào cuộc sống riêng của tôi nhiều quá!
Cô gái mím chặt môi, bước líu ríu cạnh bên. Tôi đặt câu hỏi tò mò: “An yêu ai bao giờ chưa?”. Cô gật đầu, quả quyết: “Có hai gã trong lớp cùng thích em”. “An chọn ai?”. Cô nhún vai, cau có: “Em luôn nhìn vào điểm tốt ở người khác. Có thể em yêu cả hai. Chắc sẽ hơi mệt!”. Tiếng cười phá lên giữa đêm tĩnh mịch. Đã lâu, tôi mới cười to. Sau khi đổ xăng, tôi đưa An về nhà. Cô ngồi sau, cách quãng xa. Tôi cho biết thời gian khai mạc đêm trình diễn cá nhân đầu tiên trong đời. “Em sẽ đến!” - An nói giản dị.
Giáo sư nhắc trước giờ mở màn: “Cứ đàn như cậu vẫn chơi, thoải mái và xúc cảm đầy đặn!”. Tôi nhắm mắt. Một cây violin đang chỉnh dây, âm thanh như giọng người chơi vơi. Tại sao tôi phải đương đầu thử thách khó nhọc? Tôi đứng lên, quyết định rời đám đông nghiêm khắc và kỳ vọng nặng nề. Ở cửa ngách, đôi kính phi công hiện ra.
- Anh đi đâu? - An hỏi khẽ, nguy hiểm.
- Tôi sẽ không biểu diễn - Tôi đáp nhanh - Mặc kệ tất cả..
Một cú thoi mạnh vào bụng khiến tôi gập người lại.
- Đừng hèn nhát trốn chạy. Hãy quay về chỗ và hoàn thành nhiệm vụ. Lúc này, chỉ có đêm diễn là đáng giá. Sau nó, anh sẽ nhìn cuộc sống dưới màu sắc khác.. - An thì thào, hối hả. Ánh mắt bỗng đen sẫm lại.
Sau lời giới thiệu, tôi bước ra sân khấu. Đèn sáng chói. Trút bỏ vướng bận, tôi đặt bàn tay lên phím lạnh. Đột nhiên, sonata của Debussy hóa thành mặt biển rực rỡ và các hành âm là những dải màu sắc rạch ròi. Từng bản nhạc day dứt, chắt lọc bao khoảnh khắc bừng sáng của tâm hồn. Các giai điệu êm ả hay cuộn xoáy báo hiệu những chặng đường mở ra trước mắt, âu lo nhưng hy vọng, đầy say mê. Đó là ký ức, là những ân huệ cuộc đời dành cho mỗi người, là ngày mai được sống.. Ngón tay tôi tan ra trên phím.
* * * * *
Sau khi tốt nghiệp cao học, tôi sẽ đi Châu Âu. Lời mời tham gia dàn nhạc ở một thành phố nhỏ đến với tôi sau đêm diễn thành công. Cơ hội khá tốt để làm việc chuyên nghiệp, và tiếp tục học lên. Tôi viết mail cho Ninh, như cách điểm lại những gì làm được trong từng chặng thời gian. Thật lạ lùng, tôi đã thôi chờ tin cô khắc khoải. An nói đúng, qua đêm diễn, suy nghĩ cuộc sống của tôi nhẹ nhõm và hy vọng. Tôi vẫn đến quán làm việc buổi tối. Mùa hè ấm nóng. Những chàng trai cắt tóc ngắn. Những cô gái trẻ mặc áo hở vai. Không khí sạch sẽ và tươi mới. Đôi khi tôi nhìn xuyên qua đám đông, tìm An. Nhưng sau cú đấm dữ dội bên cánh gà sân khấu, An biến mất. Ý nghĩ sẽ không gặp lại cô gái lạ lùng ấy khiến tôi thảng thốt. Tôi chơi Here come the sun của The Beatles, ngỡ mình đi qua một miền cỏ đang xanh dần lên, tìm mạch suối mới lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Đêm cuối cùng ở quán trước ngày lên máy bay khoảng một tuần, tôi đánh đàn lâu, chờ đợi. Rất muộn, tôi đành phải về. “Em thích cách anh chơi lại The Beatles!” Giọng nói vang lên bên hàng rào. Là An. Một điều gì đó khiến tôi lặng đi. Rồi tôi nói về chuyến bay. An vặn những ngón tay dính sơn dầu, tháo kính khỏi mắt, chợt nói: “Em sẽ nhớ anh khủng khiếp!”. Tôi khẽ khàng: “Còn hai gã họa sĩ ở trường em?”. “Không có ai cả. Em lại nói dối đấy. Anh không ghét em chứ?” - An hối hả. Một nụ hôn bỗng đặt lên trán tôi. Khoảng băng cuối cùng trong tôi tan vỡ. Tôi đưa An về nhà. Sau xe, cô dựa vào tôi, ấm áp và tin cậy. Tôi sẽ làm việc, sẽ học, và sẽ trở về với An. Cô là mặt trời nơi tôi cần phải đến...
Last edited by Memory; 11-08-2008 at 10:38 AM.
Lý do: Hệ thống tự ghép bài chống spam
|