Cơn mưa tầm tã tuốt dần đám lá mềm nhũn kiên trì níu các cành già từ cuối mùa hạ. Bọn trẻ ngỗ nghịch thử trèo tường gạch vô nhà, vịn cành khô đứa thì rơi xuống đất, đứa thì què tay. Người ta kháo nhau rằng ngôi nhà từng bỏ hoang không phải là chỗ ở cho người. Chủ nhà có cái xe du lịch cũ mèm để vạ vật trong sân chẳng ngó ngàng đến. Giữa hai cơn mưa, trời hưng hửng, kính cửa sổ và kính xe bắt nắng ngời lên, ngôi nhà cổ như cô gái già lén thử tấm lụa óng, xong vội vã cất đi.
Phai úp mặt vào cổng sắt cũ nhìn các bông hoa uốn tinh vi chảy xuống dòng nước vàng han gỉ. Đợi chán, nó tẩn mẩn tự mở khóa cài trong. Kính xe phản chiếu bóng đứa con gái môi dày, mắt dài nhỏ. Nó co chân nện vào phía đuôi co rúm. Cái xe giống thằng người quen bị hành hạ, chẳng buồn kêu to. Phòng khách không có điện. Một người co chân trên chiếc ghế vải như ngủ quên, mái tóc chải sát đầu sáng mờ mờ trong tối. “Cô nghe cháu về, nhưng không mở cửa được. Chân lại đau” - Tiếng lầm bầm phào ra từ bóng người bất động. Phai gặm móng tay: “Cháu đã đánh thêm chìa khoá”. Bật hộ đèn lên. Trông này!”. Nó nhìn lơ láo cẳng chân xanh xanh thọc vào vùng sáng gần cửa. Mùi tàn thuốc lá và cặn trà lưu cữu váng vất đột nhiên gây cảm giác buồn nôn. “Đèn hỏng cô ạ. Cháu biến đây”. Trong góc, cỏ lau cắm trong cái bình to tướng rung nhẹ. Sự chuyển động của những vệt trắng trên mặt buổi chiều. Người đàn bà hạ giọng, gần như van nài: “Ở đây một lát nữa thôi. Hôm nay trời đất là lạ thế nào ấy”. Phải không quay lại, hình dung nét sinh động lướt qua người cô nó than vãn những lời cũ kỹ nhàm tai. Nó chạy lên thang dốc, rên ư ử trong giọng bài ca mà chú nó thường hát váng lên lúc tắm. Khi ấy các thùng nước quanh bếp hay rịn nước ra ngoài vì chất diễm tình đẫm trong những lời ca thô lỗ.
Phai ở một mình trên gác. Nó thay áo, mở ô cửa gỗ nhìn ra đường tàu xam xám, trông tựa người bộ hành đội mũ phớt sau chặng đường dài đang nghỉ chân. Trong căn chòi ấy, anh chàng gác barie chán đời mỗi lần thấy nó đi qua hay tìm cớ ngăn lại, nói bâng quơ mấy chuyện tầm phào: “Đi học về muộn thế?” “Ừ muộn”. “Nhà cậu ban nãy có tiếng gì rất ghê?” Hắn gọi Phai là “cậu”. Phai gất đầu: “Cô tôi kéo viôlông”. “Cô à? - Hắn thờ ơ hỏi - “Đẹp không?” “Chả biết. Là nghệ sĩ”. Nó hơi buồn cười vì âm vang của từ cuối nghe vừa oách, vừa tầm thường lan trong căn chòi. Người gác lặng im, có cái gì gần giống sự mơ mộng trôi qua mặt hắn...
Phai ngồi trên cửa sổ đọc nốt quyển sách còn để dở từ tuần trước. Mây không xám nữa. Gió luồn qua đám cành khô răng rắc. Bầu trời vàng ệch từ lúc nào. Phai không nghe tiếng cô gọi khẩn thiết từ nhà dưới. Trong ánh sáng vô tri vô giác cuối ngày, bụi cây dại như bị rút kiệt nhựa, đám lá tím tái thở vào không khí mùi thơm ngập ngừng. Tiếng gọi dài hơn vẫn không chạm đến chỗ Phai. Một luồng tối chậm rãi dâng lên từ mặt đất, chẳng mấy chốc, mọi vật chìm vào trong bóng đêm căng phồng. Phai buông tay, đánh rơi quyển sách xuống sàn gỗ. Tiếng người vọng lên nghèn nghẹn làm nó thốt giật mình. Nó đi trên mũi chân. Tấm gương dựa tường hình như đi vòng quanh nhẫn nại của người vũ công chân vòng kiềng.
Trên cái nền rầm rì cơn mưa đêm, tiếng nghến cửa cổng sắt gỉ nghe rờn rợn. Ông chú nhai đầu mẩu thuốc, lầu bầu không rõ điều gì. Phai khóa cửa, đi phía sau lếch thếch. Nó sắp đá đuôi xe thì bị ông chú bất thần quay lại bợp vào đầu: “Để nó yên! Con rồ”. Phòng khách đèn tự sáng, mấy thứ đồ xô lệch xếp về chỗ cũ nhưng chưa hết vẻ bất an. Cô vẫn ngồi trong cái ghế thủng lỗ chỗ, mái tóc sạch tươi tỉnh thả xuống vai. Không có dấu vết mệt mỏi ban chiều. “Chuyện gì thế?” Người đàn ông nhìn quanh. Chẳng ai trả lời. Nước chảy thốc tháo vào hàng thùng xếp thẳng trong bếp. Người đàn bà với nụ cười ngưng đọng ngẩng lên nhắc: “Mình tắm đi!”. Cái dáng kênh khênh của ông ta bỗng mệt rũ: “Ừ!”, tự dưng Phai nhìn ra sân chờ nghe hát. Nhưng lẫn vào nước tung tóe, chỉ có tiếng khóc ùng ục như của một kẻ sắp chết chìm. Người đàn bà lặng thinh quan sát, Phai mân mê chuỗi hạt đeo cổ. Mỗi hạt gỗ hong khói kia đủ sức làm thức dậy một giấc mơ hoang dại nhất, nhưng sao xâu kết với nhau thì chúng chỉ là mớ dây xấu ghê người. Cô lướt mắt nhìn trên đầu Phai, bức sơn dầu cũ kỹ bị bỏ quên thường khiến cô thầm biết ơn chủ nhà cũ. Người thiếu phụ và con chó to, cơn mưa và rơm rạ... Chẳng đẹp đẽ gì. Nhưng ở đây nó là cuộc sống đồng quê có thực nhìn ra từ buồng tối. Ông chú lừ đừ bước vào, cái đầu ướt đầm che mờ ánh điện. “Tôi bị mất việc. Hôm nay” - ông buông thõng. Nước trên tóc ông rơi thành tiếng xuống nhà. “Chả sao đâu. Cái xe nhà còn tốt đem ra chở khách” - người đàn bà nói nhẹ nhõm, như thể cô nghe ai than phiền về chiếc răng sâu. “Ừ” - người đàn ông nhai thuốc bần thần rồi ngủ thiếp đi trong ghế. Phai lên gác. Lúc quay lại nhìn, cô nó đã khoanh tay quanh ngực, miệng cười. Nụ cười dễ dàng khuỵu xuống thành cơn lặng câm dài bất tận.
Phai trèo hẳn vào trong chòi gác. Người gác barie luống cuống pha trà bằng bình sứt sẹo.Hắn ta không nói giọng kẻ cả khi người khác xâm nhập căn chòi tạm bợ cố bày biện độc đáo chỉn chu. Hắn mời: “Cậu uống trà đi, thơm đấy!” “Ừ, ướp sen”. Nóng bỏng cả tay, Phai đánh đổ xuống bàn non nửa. Mặt bàn cạo lưỡi lam hàng trăm lần mỏng quẹt, hút nước nhanh. Người gác đờ đẩn. “Ngon quá! Ở đâu anh có thứ này!” - Nó uống nốt trà, hỏi lơ đãng. hắn thở ra nhè nhẹ. “Bố tôi gửi cho”. “Cô của tôi thường uống trà nóng đặc. Vâng như đàn ông. Tầng dưới nhà tôi đầy bã trà. Thoạt đầu cái mùi ẩm ướt ấy thật dễ chịu, nhưng dần dà nó khiến người ta muốn ngất đi”. Trời mưa lại. Môi người gác barie mấp máy, hắn muốn nói gì đấy nhưng thôi. Phai nhìn qua cửa. Mấy bộ quần áo bạc màu phơi gần barie có bộ dạng con người sắp bay lên mà bỏ cuộc. Xa hơn, sau màn nước trắng bạc, đường tàu run rẩy giữa những ụ đất vàng thở phập phồng. Hắn ta lấy xuống tấm áo xanh bộ đội: “Lạnh rồi. Cậu mặc thử!”. Nó lắc đầu, nhìn tiếp con bướm nhỏ tha thẩn dưới mái tôn, đôi cánh nó như cắt ra từ giấy thủ công vàng loại tốt. Người gác nói: “Khi ông béo nhà cậu đánh xe đi khỏi thì người đàn bà cũng đi tay xách va ly nhỏ”. “Cô tôi đi dạy đàn cho nhà chị em sinh đôi trên phố”. - Nó tiếp lời, thấy thật khôi hài. “Cô ấy đẹp thật!” Hắn gật đầu đoán chắc. Có một thời kỳ Phai đối xử với cô nó bằng thái độ hơi coi thường. Nhưng khi những bực bõ trẻ con qua đi, nó bắt đầu chùn lại, sờ sợ tính khí bất thường ở cô nó. Nó nói: “Nhà tôi chẳng ai nghĩ thế. Chỉ tại ở quanh đây anh nhìn quen các mặt người trôi qua quá nhanh”. “Bố tôi chọn mẫu vẽ giống như cô ấy. Toàn những con người bồn chồn”. “Bố anh là họa sĩ? Còn anh chọn sống ở đây?”. Hắn cười, để lộ hàm răng xấu. Hắn trở lại câu chuyện về người đàn bà đẹp. “Sáng nào tôi cũng đợi nhìn cô ấy đi qua..”. “Điên quá!” - Nó thầm nghĩ. Người gác đang nói gì nhỉ? Về một chi tiết lãng mạn phù hợp với mình... Tình trạng sống không cảm giác... Ước mơ khiêm tốn... Miệng hắn cười rộng thênh. Trời tạnh mưa sáng trắng. Phai để trôi qua các tâm sự ư ê khôn có gì mới mẻ. Nó đột ngột đứng dậy: “Hết mưa rồi. Cảm ơn anh cho vào trú. Tôi sợ ốm trong đợt thi”. Người gác cổng xe lửa ngước lên, đôi mắt mỏi mệt còn sót lại chút dễ chịu được bày tỏ. “À quên - hắn vội vàng - Cậu cầm thứ này về nhà”. Trà khô đổ rào rào trên giấy bản. “Vâng. Cô tôi thích lắm đây”. Phai đi thẳng, ngôi nhà nó trước mặt ống máng đã vỡ, nước âm ỉ chảy như những sông nhỏ trên tường.
Cây dừa cảnh phòng khách thiếu nắng quắt khô. Người chú đi tình đem về rọ hoa chi chít đỏ, sai nó thay vào chậu sành vẽ đám cưới chuột. Phai cẩn thận bóp chết vô số con cuốn chiếu lẩn trong đất xốp, thảm len, khăn bàn. Cô nó gập quyển tạp chí, giọng chợt run: “Gì thế mày?” “Xác chết!”. Nó không ngoảnh lại, đáp. Tiếng thét bất ngờ của cô tựa mũi tên sắc nhọn bay trong ngôi nhà lặng im. Người đàn ông bê bết dầu xe bước vô phòng thấp giọng giận dữ: “Con rồ!” Ông bợp mạnh lên đầu nó, bỏ đi. Phai soi vào cửa kính. Dưới cái mũi trắng bệch, rỉ máu đỏ. Nó nghĩ trông giống mà bụi hoa mới trồng. Vừa hất xác con cuốn chiếu vô đất, nó vừa khàn khàn nói với cô: “Có gì mà cô phải sợ. Cháu thấy như chảy máu cam” Người đàn bà ngồi yên, tiếng rên rỉ run trong lồng ngực. Phai ngủ lịm đi trên gác. Trong mơ, nó thấy mình đu trên cánh cổng ngoài vườn, của sắt nghiến âm u. Ở nhà dưới, cô nó kéo đi kéo lại vài hợp âm. Đôi khi tiếng búa gõ vào thùng xe.
Gần đến đường tàu, Phai đi chầm chậm chờ tiếng gọi. Căn chòi kín cửa, người gác đi đâu. Nó ngồi trên trụ vuông gắn barie nhìn quanh quẩn. Đường vắng, thi thoảng một chiếc xe gắn máy phóng qua, người lái cúi rạp như trên mình ngựa lướt ngang đồng cỏ. Về bây giờ không có ai, các phòng váng vất mùi của nhà bỏ trống. Cô nó hay về muộn, nói chuyện huyên thuyên rồi thiếp đi trong ghế. Một lần Phai pha trà, chiêu vào cái cốc men xanh cô nó rất ưa. Người đàn bà nhấm từng ngụm nhỏ, hài lòng: “Nhà mình đâu có thứ này?” Nó hỏi” “Cô biết người gác cổng xe lửa đằng kia chứ?” “Chắc là có”. Cô nó đáp mà không tin chắc. “Anh ấy cho trà. Và còn khen cô đẹp nữa” - Nó cười khẽ. Bông cỏ lau chờn vờn gò má trái cô nó, làm cho gương mặt thoáng vẻ thỏa mãn, nhưng khinh thị. Nó tiếp: “Anh ấy sống khổ. Hôm nào cho đến nhà được không?” - Nó hỏi lại. “Thôi...”. Cái cốc trà tuột tay cô rơi vỡ tan. Cả hai giật mình. Những mảnh sứ trên sàn xanh biêng biếc. Cô thở hắt: “Chẳng tiếc gì”. Sau câu chuyện vu vơ lần ấy, cô nó hay đi vắng hơn. Một người đàn bà đang ý thức lại vẻ đẹp của mình. Có đêm nó nằm sấp trên sàn, áp tai nghe dưới nhà nói chuyện. Những giọng nói trầm, những mùi ám ảnh của tàn thuốc và bã trà luồn qua khe ván. Đôi lúc cái giọng đàn ông đều đều chán nản lặng dần, khuất vào tiếng cô nó ân hận thổn thức. Trách móc và phân bua, lối rẽ muôn thuở của cuộc sống tẻ nhạt, câu chuyện trong các tuồng hát video. Phai trở mình, cố nghĩ sang chuyện mới. Ích gì khi lo lắng cho những việc mà sẽ không thể khác đi. Sáng dậy sớm, chú Phai đánh xe ra cổng, vẫy cho nó ít tiền và trách: “Tao thấy độ này mày lêu lỏng suốt. Ở nhà với cô hộ tao”. Nó cười. Trong nhà vô gọi, sai tìm dầu nóng. Góc bếp sực mùi mở cháy. Ngón tay trỏ bẹp của cô nó thấm dầu xoa lên các vết tím xanh vì tay người trên cổ... Boqng người gác barie xe lửa vắt ngang đường ray. Phai gọi: “U, u...”. Hắn rảo nhanh, từ xa hồ hởi: “Cả tuần nay mới thấy cậu”. Nó đứng hẳn dậy chợt thấy như vừa thoát nỗi lo âu: “Tôi chờ anh mãi”. Họ uống trà, nói chuyện vẩn vơ về xe cộ. “Trà sen nhà cậu còn không?” - Hắn nhìn Phai: “Ừ, còn kha khá”. Một con sẻ sà trên đường ray, chăm chú nhặt cơm vãi. “Tớ củng ít thấy cô của cậu đi về đường cũ. Cô ấy thế nào?” - Hắn khẽ khàng sau hồi lâu ngần ngại. “Có lẽ là chuyện một tình yêu khác”. Cảm giác như người nói chuyện với Phai rùng mình. “Có sao không?” - Hắn hỏi lại. “Chú tôi bóp cổ, muốn cô tôi chếp quách đi” - Phai thì thầm. “Cậu phải làm gì chứ?”. Nó nhún vai, lảng tránh: “Chùm hạt đeo cổ tôi đủ to để che những vết bầm. Nhưng cô tôi bảo rằng nó trông rất tởm”. Con sẽ phởn chí rỉa lông. “Muộn rồi, cậu về đi” - Hắn nhắc. “Ừ”. Phai hít nhè nhẹ cái không không ẩm ướt dễ chịu của đường phố. Chiều từ lâu, những mặt người cũng có bóng tối.
Xe chạy nhanh trên tỉnh lộ loang loáng nước mưa. Phai chỉ cho ông chú xem cái chỗ nó từng đứng một mình cả đêm vì xe hỏng. “Làm thế nào một đứa dở hơi như mày không sợ ngất đi nhỉ?”. “Cháu hát đến khản tiếng. Đếm sao. Rồi chuyển sang nhẩm thơ”. Chú nó cười trong họng khùng khục, ngoái lại phía sau: “Nó bịa chuyện thật tài!”. Có nó không đáp lới, khép kín vạt áo khoác. Ánh đèn vàng vọt trong xe chỉ đủ sáng phía dưới mặt cô nó, đôi môi nhạt bũi gần hợp với màu da. Đường xóc. Trên các ghế trống, những bao cá khô sứt chỉ tỏa mùi ngai ngái. Phai nói to: “Giá được đi tỉnh thế này thường. Lần sau có hợp đồng chở hàng cho cháu đi cùng chứ?”. Đôi mắt mệt mỏi nhìn vào gương chiếu hậu: “Để xem”. Cô nó nhắc: “Nói ít thôi, Phai”. Nó tựa má lên thành cửa. Trời tối nhưng chưa khuya. Mấy cái xe ngược chiều chiếu đ2n lên cánh đồng vừa gặt. Những cây rơm đánh cao đứng lưa thưa, vầng trăng non trôi giữa mây lành lạnh. “Bức tranh ở phòng khách, nhưng là buổi tối”. - Nó nghĩ thầm. Người đàn bà bẻ cổ áo, to son bồn chồn. Một thứ âm thanh mơ hồ dần sắc nét. “Sắp về thành phố” - Nó nhắm mắt. Chú nó hỏi vợ: “Giao hàng xong là khoảng chín giờ. Mình ở nhà luôn, đừng đi đâu có được không?” Phai không nghe cô đáp, nhưng nó nghe có gì đang nứt toác ra bên trong người lái xe vạm vỡ. Gần tới nhà, khi tiếng xe lửa trên đường ray rất rõ. Phai nhỗm dậy ngạc nhiên: “Sao không hạ barie?” Chú nó tỉnh táo: “Tao lao qua nhé!”. Ánh sáng chói rực. Sự va chạm mạnh. Bấc giác, Phai thấy nó cũng vở toang ra.
Căn phòng yên tĩnh quét vôi trắng. Người đàn ông nằm ngửa trên giường hẹp. Phai đăm đăm qua sát bàn tay có nhiều nốt chai sần vàng ệch vì công việc và khói thuốc, bàn tay thường bộp đầu nó khi chán nản. Phai kéo chăn che kín bàn tay. Ông chú mở mắt, cựa mình: “Mấy giờ rồi nhỉ? Cô đâu?”. Nó lùi ghế ra xa: “Cô không ngủ đã mấy ngày, cháu thay cô vào bệnh viện”. “Về đi. Tao muốn cô ấy ở đây”. Mắt người nói bềnh bệch nhìn như ra lệnh. Nó đến bên cửa sổ, mặc tiếng dằng dai độc thoại sau lưng, ngoài kia trời xanh sáng, màu xanh mà tất cả mọi mẫu vẽ chỉ là sự thất bại bắt chước vụng về. Cỏ bệnh viện cũng xanh óng thơm tho. Phai thấy mình bé lại, một ngày chủ nhật chạy trên bãi cỏ hoang. Cô của nó lúc ấy là cô gái nhỏ, cười đuổi đằng sau. Họ nằm trên cỏ ướt, hơi đất cỏ tươi mát đã thấm qua lưng, đầy tràn hai lá phổi. Gối đầu lên hộp đàn, cô hỏi nó nghê ra tiếng chim đâu đây. Nó chú tâm nhưng không hề nhận thấy... “Này, Phai!”. Nó giất thót mình khi người chú gọi. Ông dặn: “Nhắn cô vào đây nhé. Giúp tao!” “Nếu cô vắng nhà?” “Hãy đợi. Và bảo cô ấy là làm gì cũng được. Nhưng đừng bỏ đi”. Người đàn ông thở dốc, mắt dõi lên ván phủ trần nhà.
Chòi gác có người. Phai đứng nơi bậu cửa, ngó vào. Người gác đang cạo bàn gỗ bằng dao lam. “Xin chào!”. Hắn quay ra bối rối: “Vào đay. Tôi đi đun ít nước”. “Đừng. Tôi chỉ đến hỏi anh một việc”. Nó khẽ khàng. Những ngón chân anh ta ngọ nguậy trong dép: “Sao kia?” Nó nhìn thẳng vào mắt anh ta: “Vì sao anh không hạ barie?”. Sự im lặng khô khốc bám vào từng phân tử không khí. Cái xe đầu dúm đó bây giờ nằm lại trong sân. Ông chú với cánh tay dập nát. Bỗng nhiên Phai mệt ghê gớm. Nó tự kéo ghế ngồi, thấp giọng hơn: “Vì sao?”. Tiếng người kia khản đục: “Tôi chẳng cố ý. Tin tôi đi!”. Nó úp mặt vào lòng bàn tay hồi lâu. Lúc ngẩng lên, trên bàn có cốc trà khói nghi ngút.
Buổi chiều người đàn ông có một cánh tay sẽ ra viện về nhà. Cô của Phai đứng bên phòng khách, mái tóc thẳng thật điềm tĩnh. “Cô không đi sao?” - Nó hỏi “Hôm nay cần phải ở nhà” “Vâng” - Nó gật đầu thông hiểu. Cộ cụp mắt, chôn chân bên cái bình cỏ, tưởng cô sẽ không kìm được cơn khóc nếu ngồi im trong ghế cũ. Phai xốc lại cái túi len vai, cố bình thản; “Cháu về với bà đây. Sang hè cháu vào, tìm chỗ trọ học nốt năm cuối”. Tiếng nấc vang lên rất nhỏ. Nó dợm bước đi, nhưng ngoảnh lại: “Cháu buồn quá!”.