Tiết trời mát mẻ. Đó là một buổi sáng mùa thu năm 2865 trước Công nguyên. Chuyện xảy ra tại làng Vỹ Phong, một làng nhỏ ven sông, thuộc nước Xích Quỷ[1] dưới triều Kinh Dương Vương. Sự việc bắt đầu với thái độ bất bình của một chàng tiều phu trẻ tuổi:
“Ai lại trồng cái cây ở giữa đường đi thế này? Điên thật!” – Chàng tiều phu gắt lên.
“Làm sao tôi biết được? Sáng tinh mơ vừa mở cửa quán tôi đã thấy nó ở đấy rồi. Anh hỏi cái cây ấy xem ai trồng nó, tôi có trồng đâu mà lớn tiếng với tôi chứ.” – Chị hàng nước phản đòn và ném cho chàng trai cái liếc mắt sắc lẹm.
“Trời! Tôi có nói gì chị đâu. Chị muốn gây sự à?”
“Thôi! Thôi được rồi.” – Một giọng nói trầm trầm cất lên – “Chỉ là một sinh linh bé nhỏ mưu cầu sự sống, chẳng có gì to tát. Đáng để lời qua tiếng lại sao?”
Bị ông cụ nhắc nhở, hai người nuốt giận lùi lũi lảng đi. Họ hết thảy đều không thể hình dung đại họa gì sắp giáng xuống làng Vỹ Phong.
Làng Vỹ Phong là một ngôi làng trù phú thuộc hữu ngạn sông Phú Lương[2], ứng với vị trí bộ Giao Chỉ[3] của Văn Lang sau này. Làng Vỹ Phong tuy nhỏ nhưng được sự bao dung ưu ái của tự nhiên. Nhờ vậy mà bá tánh chỉ cần siêng năng là an cư lạc nghiệp. Con đường làng nâu vàng màu đất, uốn mình quanh co qua những lều tranh, quán nước. Đoạn đường nối với cổng làng là hẹp nhất, chỉ rộng chưa tới bốn sải tay người. Đây lại là nơi hưởng bóng mát lũy tre làng nên người ta hay họp chợ, khiến đoạn đường vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Vậy mà nay lại có một cái cây mọc gần như chường ra giữa đường thì quả là không còn gì chướng mắt hơn. Khó trách người ta phát cáu vì điều ấy. Lẽ ra đã có ai đó bứng phăng cái cây vô phép vô tắc kia. Nhưng dân làng này vốn đôn hậu. Cái đôn hậu khiến người ta ghê tay khi phải kết thúc một cuộc đời, dù đó chỉ là cuộc đời của một cái cây. Người ta chỉ tặc lưỡi tự nhủ rằng cứ kệ đi rồi lượng người xe lưu thông nhộn nhịp qua cổng làng mỗi ngày ắt sẽ vô tình xéo chết cái cây non yếu kia.
Khi những ánh nắng cuối ngày dần trở nên mong manh, chàng tiều phu bước về làng với bó củi to trên vai. Vẻ mặt hân hoan cho thấy anh chàng khá hài lòng với thành quả ấy. Vậy nhưng niềm phấn khởi đó ngay lập tức phải nhường chỗ cho nỗi sửng sốt khi chàng nhìn thấy cái cây ban sáng.
“Trời ơi! Phải nó không vậy?” – Chàng tiều phu tròn mắt thốt lên.
“Nó đấy.” – Chị hàng nước đáp.
“Sao... sao... có thể như vậy được? Chuyện này... không bình thường chút nào.” – Chàng trai há hốc mồm kinh ngạc.
“Tôi cũng thấy chuyện này không hề bình thường.” – Chị hàng nước gật đầu.
“Sáng nay nó chỉ mới cao chưa đến gối tôi kia mà, sao giờ đã...”
“Thật ra đầu ngày tôi cũng không để ý gì thêm đến nó. Nhưng trưa nay tôi không tin vào mắt mình khi vô tình nhìn đến thấy nó đã cao ngang vai người đi đường.”
“Ngang vai đâu mà ngang vai, cao hơn đầu tôi rồi nè!” – Anh chàng vừa nói vừa lia lia bàn tay bên trên búi tóc.
“Thì tôi đang nói về lúc trưa mà. Còn bây giờ thì nó cao hơn đầu người rồi.” – Chị hàng nước trả lời.
Những người xung quanh thấy họ bàn tán sôi nổi cũng xúm lại góp lời, khiến cho đám đông càng lúc càng nhốn nháo. Kích thước nhóm người gia tăng có lẽ còn nhanh hơn sự tăng trưởng của cái cây kia. Một phụ nữ trung niên thì thào với giọng nghiêm trọng :
“Không ổn đâu, tôi thấy không ổn chút nào.”
“Phải đó, sáng nay thân cây chỉ ốm như cáique, giờ đã to gần bằng cổ tay tôi rồi nè.” – Một bác thợ săn góp lời.
“Làm sao mà trên đời lại có thứ cây lớn nhanh như thổi thế này được! Rõ ràng có gì đó quái lạ ẩn sau hiện tượng này.” – Một người khác nắn cằm đăm chiêu.
Bầu không khí lo âu nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ đám đông. Người ta cứ xì xầm bàn tán, một đôi vợ chồng quả quyết :
“Phải bứng nó đi thôi!”
“Đúng vậy, để lại sao được?” – Bác thợ săn gật gù
“Vậy anh mau bứng nó đi!” – Chị hàng nước thúc giục.
“Sao lại là tôi? Đốn cây chẳng phải việc của chú em này sao? Đốn nó đi chú em!” – Bác thợ săn vỗ vỗ vai chàng tiều phu ra chiều thân thiện. Đám đông lại nhao nhao lên: “Phải đó” – “Đúng rồi, cậu làm đi.” – “Sẵn rìu trong tay đốn nó là tiện quá rồi” – “Còn chờ gì nữa, chàng trai?”
“Ơ! Tự dưng mọi người đẩy việc này cho tôi là sao?” – Chàng trai ngơ ngác.
“Thì anh đốn nó như khi anh đốn củi mỗi ngày ấy, có ai giỏi việc ấy hơn anh chứ!” – Một thiếu phụ động viên.
“Anh phẩy tay một cái là... xong mà, giúp được... mọi người... đấy, không thôi... qua một đêm chắc nó... bít hết cổng làng mình cho xem.” – Bà lão bán rau nói đứt quãng trong tiếng ho khù khụ.
Người tiều phu đắn đo liếc nhìn cái cây. Chàng linh cảm nhiệm vụ này chỉ đơn giản khi nói suông, còn thực hiện thì... Mà cũng thật khó hiểu, chàng đốn củi bao năm qua có khi nào run tay, sao giờ đây lại rùng mình trước cái cây cỏn con này. Người tiều phu không lý giải được linh cảm lạ trong chàng. Chỉ biết là nghĩ đến việc vung rìu đốn cái cây kia là tim chàng không tránh khỏi đập liên hồi thình thịch. Thế nhưng mấy mươi cặp mắt đang nhìn chàng, xoáy vào chàng với vẻ cậy nhờ tha thiết, làm sao chàng còn đường thoái thác.
Chàng trai vác rìu bước đến bên cái cây, mắt đăm đăm nhìn nó. Thân cây khẳng khiu, không quá láng cũng chẳng quá xù xì. Nói chung cây này chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ phần lá. Lá của nó khá dày và hình thù rất cổ quái, tựa như lát cắt dọc một quả lê mà ai đó ăn dở để lại những vết cắn nham nhở. Chàng tiều phu tiến lên ba bước và bắt đầu cảm thấy trống ngực thúc từng hồi thình thịch. Anh chàng liên tục tự nhủ: “Vớ vẩn, run cái gì, có gì mà phải run chứ?” Phía sau chàng, dân làng dõi trông không chớp mắt. Có vẻ linh cảm đáng sợ đã không dừng lại ở chàng tiều phu, nó lan rộng ra mọi người. Có người kìm hơi thở, có người vò đuôi tóc, có người nắn ngón tay, có người cắn đầu móng... Tất cả chìm trong một bầu không khí căng như dây đàn.
Chàng trai khom người ướm ướm lưỡi rìu ngang thân cây. Bất chợt chàng cảm nhận một luồng khí lạnh buốt chạy dọc sống lưng, miệng chàng cứng đơ và hai mắt trợn trắng. Chàng tiều phu thấy đôi tay mình bỗng dưng như tay ai. Và đôi chân chàng cũng thế, mọi thứ tê rần. Ngay cả cổ chàng cũng không thể quay sang hướng khác. Chỉ còn thần trí chàng là tỉnh táo. Thần trí ấy mách bảo rằng chắc chắn có một thế lực siêu linh nào đó đang khóa chặt toàn thân chàng trong tư thế này, tư thế khom người như hạ nhân vái chào bề trên. Trước mặt chàng, cái cây kỳ lạ kia đứng thẳng sừng sững kiêu hãnh. Vị trí gương mặt chàng hiện giờ hướng thẳng vào thân cây, đôi mắt chàng giương lên nhìn nó. Có âm thanh thì thầm văng vẳng trong thớ vỏ. Chàng tiều phu nghe thấyrất rõ ràng. Âm thanh ấy đến với chàng không phải qua tai mà qua một giác quan nào đó nằm ngoài năm giác quan thông thường. Đó là tiếng khóc ư? Cũng không hẳn. Tiếng cười ư? Chưa chắc. Hay phải chăng đó là tiếng gầm gừ đe dọa? Không rõ. Tất cả đều mơ hồ nhưng có một điều chàng trai biết rõ đó là tiếng người phát ra từ thân cây. Hơn nữa, rất nhiều người.
Phía sau chàng đám đông bắt đầu sốt ruột. Những lời thúc giục lại vang lên: “Nhắm gì mà nhắm lâu thế?” – “Đốn nó đi, anh còn chờ gì nữa?” – “Mau lên đi chàng trai!... Nhưng cũng có vài người nhận thấy sự chẳng lành: “Hay... hay là anh ấy bị làm sao.” – “Ừ, sao đơ ra vậy kìa?” – “Liệu có bị... trúng gió không nhỉ?”...
Tất cả những lời ấy chàng tiều phu đều không nghe thấy gì. Vì tiếng xầm xì văng vẳng kỳ lạ đã choáng ngợp quanh chàng, xoáy vào tâm trí chàng. Như thể có cả một quân đoàn những âm binh đang hợp xướng vào tai chàng bao ca từ ma mị. Tuy vậy thần trí tỉnh táo của chàng tiều phu vẫn luôn nhắc rằng phải chấm dứt chuyện này, phải lấy lại quyền làm chủ cơ thể, phải phá tan lớp băng lạnh vô hình đang đóng cứng quanh chàng, phải thôi ngay dáng đứng đớn hèn như bái lạy cái cây láo xược kia.
Chàng trai nghiến răng, huy động toàn bộ sức mạnh lý trí, vận hành mọi nguồn năng lượng trong cơ thể nhằm lay tỉnh từng khớp xương, từng búi cơ đang mê man vô giác. Cơ thể chàng bắt đầu cựa quậy được. Hông chàng nhích nhẹ, cột sống dần thẳng lên, những ngón chân bấm lún xuống mặt đất, và các ngón tay chàng bấu chặt cán rìu. Chàng trai hét lên một tiếng lớn xé toạc bầu không khí tĩnh lặng trì đọng, vận hết sức bình sinh vung rìu bổ mạnh vào thân cây. Đám đông sau cú giật nảy mình bởi tiếng hét bất ngờ đã được phen vui mừng khi thấy chàng tiều phu thực sự hành động. Có ai ngờ cả nhóm người lẫn chàng trai đều đánh giá quá thấp vị khách không mời kia.
Ngay khi lưỡi rìu được vung lên vị trí cao nhất, chàng tiều phu xám hồn khi bất chợt đôi tay chàng lại mất hết cảm giác. Chàng quyết định lập tức hạ rìu xuống nhưng mọi việc đã quá muộn. Vẫn là cái tê bại ban nãy, nhưng thay vì đơ cứng như vừa rồi thì lần này hai tay chàng trai lại mềm nhũn tựa bún. Các ngón tay chàng chẳng khác nào mười khúc dồi nhũn nhão chẳng thể nào nắm giữ cán rìu. Nguyên cây rìu to nặng bị buông lơi rơi thẳng xuống đỉnh đầu chàng tiều phu. Vài chục cặp mắt kinh hãi đành bất lực chứng kiến chàng trai trẻ thọ nạn. Thần thánh còn không đỡ nỗi pha đột biến trong chớp mắt của sự việc, nói chi đến những con người phàm trần kia. Nhóm người lao tới đỡ lấy chàng trai vừa khuỵu ngã. Chàng tiều phu không còn nhìn thấy gì ngoài một màu đỏ ối. Máu từ trên đầu chảy đầm đìa xuống hốc mắt chàng. Rồi màu đỏ kia cũng dần đen sẫm lại và chàng trai mất dần tri giác. Trong một khoảnh khắc trước khi ngất lịm, chàng còn nghe thấy một tiếng cười ma quái đắc thắng cứ khanh khách văng vẳng bên tai. May cho chàng trai là sống rìu quay xuống nên chỉ là trọng thương, nếu lưỡi rìu quay xuống hẳn đầu chàng đã bị bổ đôi sâu đến gáy.
***
Đêm đã khuya mà mọi người còn thao thức. Không ai ngủ được. Một cảm giác bất an bao trùm lên ngôi làng bé nhỏ. Nhà nhà đèn thắp sáng, người ta muốn bám víu vào ánh lửa hòng chống lại kẻ thù mơ hồ nào đấy mà họ không biết rõ. Thỉnh thoảng có người lại ra cửa nhìn sang những nhà khác để thấy mọi gia đình vẫn thức, để thấy mình có đồng minh, để thấy chút yên tâm khi người người còn sát cánh bên nhau. Cánh cửa nhà chàng tiều phu hé mở, một ông cụ bước ra. Vài người quan tâm chạy tới.
“Sao rồi cụ? Anh ấy ổn chứ ạ?” – Người ta hỏi tới tấp.
“Bị thương nặng lắm, nhưng giờ ổn rồi, lão đã đắp thuốc. Cậu ấy cần nghỉ ngơi.” – Ông cụ chậm rãi đáp.
“Ơn trời, vẫn còn phúc đức lắm.” – Người ta thở phào nhẹ nhõm.
“Sự tình của anh ấy mọi người cũng chứng kiến cả rồi, ma quỷ, hẳn là ma quỷ chứ chẳng chơi.” – Một người tỏ ra tức giận khi nghĩ về việc ban chiều.
“Bây giờ tính sao cụ, vụ... cái cây quỷ quái kia... kìa?” – Một người ấp úng hỏi, nỗi lo lắng ứ nghẹn trong cuống họng.
“Cô hỏi lão thì lão biết hỏi ai? Lão là thầy thuốc chứ nào phải thầy pháp.”
“Cụ là cây đa cây đề của làng này, tụi cháu nghĩ cụ có nhiều vốn sống nên...” – Một người khác nói khéo.
“Lão cũng như các cô các chú thôi,…” – Ông cụ đáp – “…cũng đang rối tung đầu óc lên đây này. Chẳng biết phải làm sao.”
“Thôi mọi người đừng hoang mang nữa!” – Một giọng nói trầm ấm từ xa vọng lại – “Chuyện gì cũng có giải pháp của nó.”
“Ôi, Bồ chính[4]. Bồ chính đến kìa.” – Nhóm người mừng rỡ.
“Bồ chính, ông có cao kiến gì không?” – Ông cụ thầy thuốc bước đến hỏi ngay.
“Tôi cũng có vài ý.” – Bồ chính đáp – “Nhưng để ngày mai mời cả làng đến miếu Thành Hoàng[5], tôi sẽ trình bày xem mọi người có tán thành không. Bây giờ mọi người hãy về nhà, dẫu không ngủ được cũng hãy ráng nghỉ ngơi đôi chút.”
Sáng sớm hôm sau, khi nắng còn chưa đủ sức làm hồng mây, dân làng đã lũ lượt kéo đến miếu Thành Hoàng. Đến đoạn cổng làng ai nấy không tránh khỏi rùng mình ớn lạnh. Người ta lấm lét liếc nhìn cái cây kia theo cách mà những nô lệ liếc nhìn bậc quý tộc. Chỉ sau một đêm thứ quỷ quái ấy đã cao gấp đôi lũy tre làng. Thân cây có lẽ đã vừa một người ôm và nổi gân vằn vện. Rễ cây như xé toạc đoạn đường làng, mở ra những vết nứt rộng chằng chịt tối đen.Không một ai dám bước đến nhìn xuống các vết nứt ấy xem có gì bên dưới.
Dù ban ngày mà miếu Thành Hoàng vẫn đèn đuốc sáng trưng. Bồ chính đứng trên tam cấp giơ hai tay vỗ vỗ ra hiệu cho mọi người chú ý. Rồi ông chậm rãi trình bày:
“Dân làng bình tĩnh nghe lão nói nhé. Mình sống ở đời nên lấy hòa hảo làm đầu. Có an mới có lạc. Cho nên việc gì cũng vậy, giải pháp hòa bình luôn là lựa chọn hàng đầu. Dân làng thấy có đúng không?”
“Đúng ạ.” – “Bồ chính nói rất phải” – “Cháu cũng nghĩ thế”... – Người ta nhất loạt đồng ý. Nhưng rồi một người chợt hỏi như vừa sực tỉnh: “Nhưng điều ấy thì liên quan gì đến chuyện cái cây thưa Bồ chính?”
“Hôm qua dân làng đã tuyên chiến với cái cây ấy.” – Bồ chính đáp – “Hậu quả là một người bị trọng thương. Chúng ta đã làm ngược lại với tinh thần hòa hảo, không may gặp phải cái cây có tính linh nên mới ra cớ sự.”
“Ý Bồ chính là chúng ta nên nhượng bộ cái cây ấy sao?” – Một người lên tiếng.
“Đúng vậy! Xét cho cùng nó chỉ muốn mưu cầu sự sống. Con trâu con bò ta nuôi đôi khi còn nằm ì ra giữa đường, huống hồ gì cây xanh chỉ là loài vô tri vô giác.” – Bồ chính ôn tồn.
“Nhưng nó lớn lên sẽ lấp hết cổng làng, làm sao để như vậy được?” – Một người trung niên hỏi vặn.
“Mình đừng nên hẹp lượng.” – Bồ chính giải thích – “Ta có cả ngôi làng. Cái cây ấy chỉ cần một chỗ đứng. Mình cần gì hơn thua với nó. Khu vực cổng làng đất rộng nhà thưa, thiếu gì khoảng trống.”
“À, ý Bồ chính là chúng ta dời cổng làng né khỏi cái cây ấy?” – Người nọ vừa nói vừa nhìn quanh thăm dò ý đám đông.
“Không sai.” – Bồ chính khẳng định – “Chỉ cần các thanh niên trong làng bỏ ra vài ngày lao động, xây lại cổng làng dời sang bên trái khoảng bốn mươi sải tay người là ổn thôi.”
“Bốn mươi sải tay người! Ôi Bồ chính, ông liệu có còn tỉnh táo?” – Một bà lão thốt lên.
“Tôi hoàn toàn tỉnh táo.” – Bồ chính bình tĩnh đáp – “Bốn mươi sải tay không có gì là quá nhiều. Hãy nhìn tốc độ tăng trưởng của cái cây. Tôi chỉ dự trù kích thước phi thường mà nó có thể đạt đến sau này. Hẳn chúng ta không muốn phải dời cổng làng nhiều lần. Mọi người thấy sao?”
Đám đông xôn xao hồi lâu, nhưng nhìn chung đa số tán thành. Họ đều công nhận đất ở cổng làng quá thênh thang, lâu nay bỏ phí cho lau sậy mọc tràn. Giờ chỉ cần dốc sức phát quang thì họ xây hai ba cái cổng làng cũng đủ chứ nói chi một cái. Đừng nói là bốn mươi sải tay, tám mươi sải tay cũng thừa chỗ. Hơn nữa ai ai cũng khiếp sợ điều đã xảy ra với chàng tiều phu. Nên họ chẳng dại gì liều lĩnh chống lại cái cây kia. Có những người còn lạc quan: “Cái cây mọc khỏe thế, biết đâu sau này cho ta cả đoạn đường rợp bóng mát còn đáng kể hơn lũy tre hiện nay ấy chứ. Tha hồ mà họp chợ!” Thậm chí có người hí hửng: “Đất lành chim đậu, cây kia đầy linh khí, nó đã chọn làng ta để nảy mầm chắc làng này là đất phúc đấy bà con ơi!” Những ý kiến trái chiều tuy thưa thớt nhưng không phải là không có: “Có câu mềm nắn rắn buông, ta nhượng bộ nhỡ nó được nước làm tới thì sao?” Nhưng quan điểm ấy lập tức bị số đông phản bác: “Ôi trời, sao mà anh nói về cái cây như nói về một con người thế?”, rồi thì “Vậy bác đốn nó đi giúp, chúng tôi biết ơn nhiều.”, hoặc là “Hiếu sinh chút đi, nó cũng chỉ muốn sống thôi mà!” Thế là cuối cùng mọi người nhất trí dời cổng làng. Họ không bao giờ ngờ được rằng chỉ ít lâu sau đó, không ai còn có thể nói về cái cây kia bằng câu: “Nó cũng chỉ muốn sống thôi mà!” Câu ấy hoàn toàn sai, nó muốn nhiều hơn thế.
***
Cổng làng mau chóng được xây lại, nhích sang bên trái bốn mươi sải tay người. Cuộc sống bình yên của bá tánh làng Vỹ Phong, và có lẽ là của rất nhiều ngôi làng khác nữa, duy trì thêm một thời gian ngắn cho đến khi những tai ương dồn dập kéo đến.
Những tai ương này giáng xuống không phải là không có điềm báo trước. Dân làng Vỹ Phong đã sớm nhận được những thông điệp mơ hồ mà rõ ràng. Mơ hồ vì không ai lý giải được chúng, nhưng rõ ràng vì nỗi hoang mang chúng đem lại thì thật sự ngự trị sắc nét trong tâm trí mỗi người dân, đủ để khiến họ mất ăn mất ngủ.
Điều đầu tiên phải kể đến là hình thù cái cây kia. Nó vẫn lớn nhanh như thổi, và vì người ta đã chừa cho nó khá nhiều khoảng trống nên nó tăng trưởng không làm phiền ai. Tuy vậy càng lớn nhìn nó càng đáng sợ. Sẽ chính xác hơn nếu gọi nó là “đại thụ” thay vì “cái cây” như trước đó. Nó to lớn hơn bất kỳ gốc đa cội đề nào. Một người phải mất trên dưới trăm bước để đi giáp một vòng quanh thân cây. Không hề ngoa khi ví đại thụ này như một công trình điêu khắc cổ quái trồi lên từ địa ngục.Thân cây đồ sộ không phải một khối liền lạc, nó như được bó lại từ muôn vàn con trăn khổng lồ. Những khúc cuộn to khỏe cứ quấn quít lấy nhau theo một nhịp điệu kỳ dị. Bất cứ ai nhìn thấy thân cây này đều liên tưởng ngay đến bộ ruột lòng thòng của một con quái thú bị mổ bụng. Điều khiến người ta lạnh sống lưng là lớp vỏ cây đằng sau những khúc cuộn. Lớp vỏ cây này xù xì hằn rõ nhiều đường gân nổi cộm như họa tiết phù điêu, một bức phù điêu chạm trổnhững hình nhân trần truồng kêu gào đau đớn trong tiếng rú câm lặng.
Không ai ngờ được trên đời lại có thể xuất hiện một lớp vỏ cây hiện rõ bao hình nhân như vậy. Hơn nữa lại là những hình nhân cong vẹoghê rợn với bộ mặt chằn chịt nếp nhăn như xác khô ngàn năm trong hầm mộ. Những bộ mặt ấy có cặp mắt hõm sâu nhắm nghiền như trẻ sơ sinh chưa biết hé mi, nhưng lại hằn sâu vẻcằn cỗi già nua của cụ già xa trời gần đất. Lũ hình nhân mỗi đứa một tư thế, há hốc khoang miệng móm mém và oằn mình khít rịt sau những khúc cuộn thân cây, như thể các tội đồ chen chúc nhau dưới hố chôn tập thể. Dân làng qua lại đoạn đường này luôn sải bước thật nhanh, họ kinh sợ đến mức luôn bị ám ảnh rằng những hình nhân bất động và câm lặng kia có thể đột nhiên chui qua các khúc cuộn để nhảy bổ vào người họ bất cứ lúc nào. Càng lên cao mớ khúc cuộn chằn chịt trên thân cây càng thưa dần. Và lớp vỏ xù xì với vô vàn hình nhân kỳ dị
nhờ đó càng lộ ra rõ nét. Lên đến độ mười trượng thì không còn khúc cuộn nào, lớp vỏ cây được phơi bày hoàn toàn. Những người thận trọng khi đi ngang đều không ngừng ngước mắt quan sát trên cao vì lo sợ các hình nhân có thể bất ngờ buông mình đáp xuống đầu họ.
Đại thụ này có một chiều cao ấn tượng. Nó cao đến nỗi thị lực một con diều hâu cũng không thể nhìn thấy mặt đất khi đậu tại ngọn cây. Vì đặc điểm khác thường mọi mặt như vậy nên đại thụ này bị người ta gọi là thứ dị mộc. Nhìn từ dưới lên dị mộc này như một trụ đá chống trời, vút cao đâm thẳng vào mây xanh. Rồi từ mây xanh nó lại buông xuống những búi rễ dài rậm rạp quăn tít xen lẫn từng chùm quả dị hợm, quả nào quả nấy đỏ ối đậm nhạt loang lổ. Trên nền đỏ ối ấy là những phần lõm đen khoét sâu, tựa hồ khoang miệng, hốc mắt hay hố mũi của những chiếc sọ người lột da bê bết máu. Mặc dù dân làng đã cố gắng làm chủ ánh mắt của mình sao cho không nhìn vào những chùm quả ấy, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài người tò mò liếc thử để rồi ba ngày ba đêm không ăn được một chén cơm nào vì bị ám ảnh bởi hình ảnh tởm lợm kia.
Hình hài đã vậy, thán khí[6] của đại thụ ấy càng ghê gớm hơn. Không phải khi nào cây này cũng hôi thối, nhưng một khi nó đã bốc mùi thì con ruồi bay ngang cũng phải sùi bọt mép rồi rớt ngay xuống đất. May thay thời gian “tỏa hương” của dị mộc này là nửa đêm gần sáng nên không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bá tánh. Riêng những nhà sống gần cổng làng thì phải che chắn cửa nẻo kín đáo cẩn thận mỗi đêm nhằm ngăn chặn thán khí bay vào. Người ta đoán rằng đấy là mùi hoa của nó. Có rất nhiều loài cây chỉ nở hoa phong nhụy vào ban đêm, như dạ lý hương hay thiên lý chẳng hạn. Dị mộc này có lẽ cũng vậy, khổ nỗi mùi hoa của nó là thứ thán khí độc địa nhất đẳng, hôi thối vô song. Vào lần đầu tiên nó nở hoa, vài chục bá tánh suýt chết ngạt vì chưa hề biết trước để phòng bị. Người ta kể lại rằng đêm ấy dân làng đang say giấc, tự dưng cảm thấy lồng ngực nặng trĩu, khó thở đến mức phải choàng thức. Mắt chưa mở hẳn thì mũi họ đã như bị khoan xoáy vào bởi một luồng khí hôi thối cực độ. Tựa hồ có hàng trăm chiếc xe chở đầy ruột trâu lòng bò trương sình diễu hành qua ngõ. Không ai biết hoa của dị mộc này tròn méo ra sao vì chúng luôn nằm khuất trong làn mây. Sáng ra người ta thường thấy đám mây xung quanh ngọn cây ố vàng như vùng vải dưới nách của tấm áo quanh năm lười giặt. Rõ ràng thán khí đại thụ này tiết ra là loại cặn bã hàng đầu trong danh mục những thứ ô uế nhất. Và kể từ khi biết ra hoa, dị mộc ấy bắt đầu thực sự gây phiền nhiễu cho đời sống của bá tánh làng Vỹ Phong. Tuy nhiên người ta vẫn còn có thể xoay sở để chung sống hòa bình với nó.
Cuộc chung sống hòa bình ấy kết thúc khi một thợ săn phát hiện có gì chuyển động dưới lớp đất quanh gốc đại thụ.
“Bà con ơi, mọi người có cảm thấy gì không? Dưới đất đây này!” – Người thợ săn kêu to.
Dân chúng quanh đấy nghe kêu liền kéo đến, xôn xao hỏi: “Có chuyện gì vậy?” – “Anh ấy nói dưới đất có gì ấy.” – “Tôi có cảm thấy gì đâu!” – “Bình thường mà, đây này chỗ tôi đứng này, hoàn toàn bình thường.” – “Xem nào, chỗ tôi đứng cũng vậy, không có gì.”
“Bà con yên lặng giùm!” – Người thợ săn giơ hai tay làm hiệu – “Mọi người huyên náo thế sao nghe được gì. Bây giờ mọi người tập trung cảm nhận xem tôi nói đúng không.”
Thế là đám đông im lặng, có người còn nhắm nghiền đôi mắt, có người nghiêng cả đầu để hướng vành tai về phía mặt đất. Nhóm người tập trung hồi lâu, không ai nói gì. Sau một lúc có người hết kiên nhẫn liền lên tiếng:
“Thôi đủ rồi, anh tưởng tượng giỏi quá đấy, chẳng nghe thấy gì cả.”
“Đúng vậy, có gì đâu!” – “Ừ, làm gì có.” – Đám đông lập tức huyên náo trở lại.
“Thôi thôi, chúng ta đi thôi. Tự dưng lại đứng đây lâu như vậy, thích ngắm lũ hình nhân kia lắm sao, chúng nhảy ra thì miễn có chạy kịp đấy.” – Một người nóng lòng muốn giải tán.
Người thợ săn thấy không ai tin mình đành lầm lũi quay đi. Nhưng vừa bước được ba bước người này lại giật nảy mình, kêu lên: “Ối, nó lại thế, dưới đất, lại là cái sự động đậy ấy.” – Nhóm người vừa tản ra lập tức quay đầu nhìn lại khi nghe tiếng kêu.
“Chắc phải mời thầy lang khám bệnh cho anh ấy. Hoang tưởng nặng rồi!” – Một phụ nữ tỏ vẻ thương hại người thợ săn.
“Không, tôi không bệnh. Rõ ràng dưới đất có gì đó. Mọi người đừng tìm kiếm kiểu dao động nhô lên hụp xuống, không phải vậy đâu.” – Người thợ săn cau mày phân trần.
“Chứ anh nói kiểu dao động gì?” – Một cụ già hỏi.
“Là sự cọ sát, hình như có gì đó trườn ngang dưới lòng đất, mài thân vào lớp đất đá nên tạo tiếng lạo xạo của sự cọ sát. Mọi người để ý kỹ mà xem.” – Người thợ săn mô tả.
Đám đông lại tập trung nghe ngóng. Nhưng lần này họ không thể chế giễu người thợ săn nữa. Tất cả đều cảm nhận được chuyển động ấy. Nó quá nhẹ nhàng và quá lặng lẽ, có thể người thợ săn kia có giác quan đặc biệt nhạy cảm nên phát hiện trước nhất. Kể từ thời khắc đó, dân chúng qua lại cổng làng không chỉ lo sợ những hình nhân nhảy ra hay đáp xuống, hoặc các chùm quả man di kinh rợn. Giờ đây họ còn ái ngại thứ gì đó có thể bất ngờ trồi lên từ lòng đất. Và với chừng ấy nỗi ám ảnh thì còn đâu một cuộc sống an lạc.
Chỉ một ngày sau khi người ta phát hiện tiếng sột soạt kỳ lạ dưới mặt đất quanh gốc cây, lũy tre làng gần đó không biết vì lý do gì ngã nhào như thể vừa lãnh một cú đấm thôi sơn. Dân chúng chưa hết bàng hoàng về tình cảnh của lũy tre thì chỉ nửa ngày kế tiếp, cây đa ngàn tuổi bên bờ giếng làng cũng đổ rạp xuống. Đến buổi tối cùng ngày sân miếu Thành Hoàng xuất hiện một tiếng động vang dội. Khi người ta kéo đến thì thấy cội bồ đề cổ thụ trước miếu đã tróc gốc. Sáng hôm sau, cây si bao năm xanh mướt cũng bật ngã đè nát cả lò nấu rượu gần đấy. Khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc cây gạo đỏ rực ven ruộng lúa cùng cây dầu to khỏe bên kia cổng làng không hẹn mà cùng nhau đổ sấp. Dân chúng chưa kịp họp mặt bàn cách đối phó hiện tượng kỳ lạ này thì chiều hôm ấy hàng cau thẳng tắp ven ao cá cùng tổng cộng bảy cây cổ thụ còn lại trong làng Vỹ Phong và năm cây cổ thụ khác thuộc làng Phúc Nghiệp lân cận đồng loạt chịu chung số phận. Vì phạm vi địa lý của sự việc quá rộng lớn nên trong cuộc họp của hai làng Vỹ Phong cùng Phúc Nghiệp đêm ấy không ai nghi ngờ thứ dị mộc kia. Bởi lẽ giang sơn của nó cũng chỉ vỏn vẹn có mẩu đất nơi cổng làng. Cho đến khi có người thợ săn đề cập một chi tiết trùng hợp kỳ lạ:
“Bà con hai làng có để ý điều gì không?” – Người thợ săn ấy hỏi – “Tất cả cây đổ đều hướng ngọn về phía cổng làng Vỹ Phong.”
“Tôi đã thấy cách mà lũy tre và cây bồ đề trong sân miếu Thành Hoàng bị đổ, quả đúng như anh nói” – Một người khác lên tiếng – “Nhưng các trường hợp cây đổ còn lại thì tôi không rõ.”
“Với hàng cau và cây gạo thì cũng đúng như vậy, ngọn cây ngã thẳng về phía cổng làng” – Một phụ nữ khẳng định.
“Cây si gần nhà tôi cũng vậy. Tôi đã thấy rõ, đúng là đổ về phía cổng làng.” – Chàng tiều phu góp lời.
“Nhà tôi ở gần bờ giếng, cây đa quả là cũng đổ về phía cổng làng.” – Chị hàng tơ cũng đồng ý.
“Cây dầu và năm đại thụ khác trong làng chúng tôi đúng là cũng ngã về phía cổng làng Vỹ Phong của các vị.” – Các đại diện của làng Phúc Nghiệp khẳng định.
“Thông tin của các vị đều không sai.” – Người thợ săn lên tiếng – “Tôi dám đặt vấn đề này ra vì nguyên ngày nay tôi đã đi khảo sát tất cả vị trí có cây đổ. Trăm lần như một, cây đổ đều hướng ngọn về phía cổng làng Vỹ Phong.”
“Chi tiết này nói lên điều gì?” – Bồ chính làng Vỹ Phong hỏi.
“Nghĩa là các luồng lực xô đổ những cây này đều đồng quy về cổng làng của các vị.” – Bồ chính làng Phúc Nghiệp nhận xét.
“Vậy phải chăng mục tiêu tấn công của các luồng lực ấy là thứ dị mộc mọc tại cổng làng?” – Ông cụ thầy thuốc hỏi lại.
“Có thể lắm, có thể lắm chứ. Có lẽ thần linh muốn tru diệt thứ quái gở đó. Các cây bị đổ chỉ là nạn nhân bất đắc dĩ trên đường di chuyển của các luồng lực này.” – Bồ chính làng Vỹ Phong đáp.
“Vậy thì vì sao dị mộc ấyvẫn đứng sừng sững kia kìa, không rụng đi dù chỉ một cái lá?” – Chị hàng nước thắc mắc.
“Về điểm này quả là khó lý giải. Khó lý giải thật!” – Chàng tiều phu nhận xét.
“Có lẽ nó quá mạnh, nó là đại thụ có tính linh mà, chúng ta đều biết.” – Một ông lão nói – “Nó không như những cây xanh thông thường kia, các luồng lực hẳn đã thất bại.”
“Trong một trận chiến dù thắng dù bại thì đôi bên khó tránh khỏi những thương tổn.” – Người thợ săn lên tiếng – “Theo cái cách mà những đại thụ của hai làng bị bật gốc thì rõ ràng lực tác động không hề tầm thường. Nếu tất cả những luồng lực mạnh như ngăn sông dốc biển liên tiếp hội tụ về thì dị mộc kia dù vững vàng cách mấy cũng khó tránh một phen điêu đứng. Lẽ nào một cái lá cũng không rụng.”
“Anh ấy nói đúng lắm.” – Chàng tiều phu tán thành.
“Vậy là chúng ta lý giải vấn đề lạc hướng rồi sao?” – Một bà cụ lo lắng.
“Vâng ạ, cháu nghĩ vậy.” – Người thợ săn đáp. Rồi bất chợt chàng rút ra một lưỡi dao dài, vận lực cắm phập mũi dao xuyên qua chiếc bàn gỗ, trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
“Anh... anh... làm gì thế?” – Một phụ nữ hỏi, giọng run run.
“Tôi muốn mời mọi người đoán thử.” – Người thợ săn nói dõng dạc – “Nếu bây giờ tôi đẩy mũi dao ra xa tôi, thì chuôi dao sẽ nghiêng về phía nào?”
Ai ai đều thấy rõ, con dao cắm xuyên qua mặt bàn. Phần giữa con dao bị mặt bàn giữ chặt. Mặt bàn này chỉ dày độ một phân, nên dù toàn bộ chuôi dao nằm lại bên trên nhưng toàn bộ lưỡi dao đã thòi xuống bên dưới. Trẻ con cũng đoán được nếu đẩy mũi dao bên dưới nghiêng ra xa thì chuôi dao bên trên sẽ nghiêng vào gần. Tựa như hai đĩa cân của một cán cân, đĩa này hạ xuống thì đĩa kia hẳn phải nâng lên. Câu đố của người thợ săn quá dễ trả lời.
Nhưng dân làng không ai trả lời.Chẳng phải vì họ ngốc nghếch đến mức không đáp được, mà vì môi miệng họ đã cứng đờ vì câu trả lời vừa xuất hiện trong đầu khiến họ lạnh toát toàn thân. Người thợ săn đảo mắt nhìn quanh, chàng đọc được nỗi sợ hãi trong mắt người dân hai làng, đoạn chàng chậm rãi nói:
“Dị mộc kia không hề hấn gì vì nó không phải mục tiêu của các luồng lực, mà nó là nguồn gốc.” – Người thợ săn đi thẳng vào vấn đề – “Những thân cây đổ đều không có thương tích, nếu chịu lực tác động hẳn phải có vết dập nát. Trong khi đó rễ cây lại nát nhừ. Điều này cho thấy những luồng lực xô đổ các cổ thụ không nằm trên mặt đất. Cũng như chuôi dao nghiêng đi không phải vì một cú đẩy trên mặt bàn, nó nghiêng đi vì cú đẩy dưới mặt bàn.”
“Ý anh... ý anh là...” – Đám đông ấp úng run rẩy.
“Không sai.” – Người thợ săn đáp một cách cực kỳ nghiêm túc –“Rễ của các cổ thụ đâm sâu xuống mặt đất, như lưỡi dao lún ngập xuống mặt bàn. Có gì đó đã tung những cú đánh cực mạnh vào các bộ rễ này. Và vì mọi cổ thụ đều đổ ngọn về phía cổng làng, nên hẳn mọi cú đánh đều phát ra từ phía cổng làng.”
Người thợ săn nói đến đây, dân chúng hai làng thinh lặng nhìn nhau, mặt mày tái mét. Họ đã mơ hồ nhìn ra vấn đề, một vấn đề nghiêm trọng ngàn lần hơn mức họ có thể dự trù. Người nào người nấy lo lắng đến quên cả nuốt nước bọt, không hẹn mà cùng nhau tháo mồ hôi lạnh. Bầu không khí yên ắng kéo dài hồi lâu, cho đến khi một chàng trai run run hỏi khẽ.
“Nhưng... nhưng các cổ thụ bị đổ nằm khá xa nhau, phạm vi có cây đổ phủ rộng trên cả hai làng, trong khi dị mộc kia chỉ đứng một chỗ. Lẽ nào khả dĩ...”
“Tôi và vài người nữa đã nghe được những tiếng sột soạt kỳ lạ dưới mặt đất quanh gốc dị mộc.” – Người thợ săn trả lời – “Và vì phạm vi có cây đổ là rất rộng lớn, nên ta có thể đoán rằng thế giới ngầm của dị mộc kia còn ghê gớm hơn bội lần so với những phần chúng ta thấy trên mặt đất.”
“Vậy bây giờ ta phải làm sao?” – Chàng tiều phu hỏi.
“Phải chiến đấu hoặc để nó thôn tính toàn vùng này.” – Người thợ săn đáp.
Chị hàng nước nói: “Có đến nỗi như vậy không? Chỉ là vài cây đổ...”
“Không thể nói như vậy được.” – Người thợ săn lập tức cướp lời – “Cách đây ít lâu chúng ta cũng đã chủ quan nói rằng nó chỉ muốn sống mà thôi. Giờ đây thì thế nào, và sau này sẽ thế nào, liệu chuyện này sẽ còn đi đến đâu?”
Toàn miếu Thành Hoàng mọi người im lặng nhìn nhau, ắt hẳn ai ai cũng đều hiểu rằng khoanh tay đứng nhìn không phải cách tốt. Nhưng cách thức chiến đấu sao cho thắng lợi vẫn như vầng trăng đêm mưa, chẳng thể nào trông thấy được. Người thợ săn lại tiếp:
“Phải đốn đổ nó, trước khi nó đốn đổ chúng ta. Sáng sớm ngày mai tôi sẽ chờ ngay tại miếu này. Thanh niên trai tráng hai làng Vỹ Phong và Phúc Nghiệp ai muốn cùng tôi thảo phạt dị mộc xin cứ đến đây. Khi bóng lá cờ trước miếu che đúng vào miệng giếng, dù đã tập hợp được bao nhiêu chàng trai, chúng tôi cũng sẽ rời miếu tiến thẳng đến cổng làng.”
***
Như đã định, sáng hôm sau người thợ săn đến đợi từ sớm tại miếu Thành Hoàng, trên tay chàng lăm lăm một lưỡi giáo dài và cây rìu to. Khi bóng lá cờ treo trên chiếc cột trước miếu Thành Hoàng dịch chuyển đến miệng giếng, đã có hai mươi lăm tráng sĩ làng Vỹ Phong và hai mươi bốn tráng sĩ làng Phúc Nghiệp đến hưởng ứng. Tính cả người thợ săn thủ lĩnh thì đoàn người có tròn năm mươi thành viên. Năm mươi tráng sĩ căng tràn sức trai, hừng hực dũng khí, lăm lăm rìu rựa tiến thẳng đến cổng làng Vỹ Phong. Họ đã lựa chọn tự mình chiến đấu thay vì cầu việnhoàng triều. Sự lựa chọn ấy là đúng hay sai? Chỉ có kết quả trận chiến mới cho ta câu trả lời chính xác.
HẾT HỒI 1
[1] Quốc hiệu đầu tiên của nước Việt Nam, hàm ý nói đến ngôi sao đỏ rực rỡ nhất trong Nhị thập bát tú.
[2] Ngày nay là sông Hồng.
[3] Một bộ tương đương một quận ngày nay.
[4] Người đứng đầu một làng thời công xã nguyên thủy, tương đương già làng.
[5] Ông tổ sáng lập nên một ngôi làng.
[6] Hơi độc