Câu hỏi bật ra trong trời đêm tĩnh lặng, hình như lơ lửng ở đó một chút rồi tan biến vào trong bóng đêm đạt về phía biển Chết.
Hercule Poirot dừng lại rồi đặt tay lên chiếc móc trên cửa sổ.
Hơi nhăn mặt, rồi bằng một động tác quyết đoán, ông giơ tay đóng cánh cửa lại, đó là cách để thoát khỏi cái khí trời chẳng mấy trong lành đêm nay. Hercule Poirot lớn lên và tin rằng khí trời chỉ thật tốt khi chúng còn ở bên ngoài cánh cửa mà không khí trời đêm đó thì lại đặc biệt có hại cho sức khỏe.
Ông mỉm cười độ lượng với chính mình khi đưa tay kéo chiếc rèm che gần kín hết cửa sổ rồi đi về phía giường ngủ của mình
“Em cũng biết là bà ta sẽ phải chết?”
Hercule Poirot , một nhà thám tử, đã tình cờ nghe được câu hỏi gợi trí tò mò này vào một đêm đầu tiên ông ở lại Jesusalem
“Chắc chắn rồi, bất cứ nơi nào mình đến, đều có một cái gì đó nhắc nhở mình về những tội ác!” Ông lẩm bẩm.
Trên môi vẫn nguyên nụ cười khi nãy. Hercule Poirot nhớ lại một câu chuyện mà ông đã từng được nghe về tiểu thuyết gia Anthony Trollope. Lúc đó Trollope đang trên một chuyến tàu vượt Đại Tây Dương và tình cờ nghe thấy hai hành khách đang bàn tán về một phần cuốn tiểu thuyết mới được đăng báo gần đây của ông.
- “Rất hay, một người tuyên bố, “Nhưng lẽ ra ông ta phải cho cái mụ đàn bà khó chịu đó chết quách thì hơn”.
Tiểu thuyết gia cười rất thoải mái và nói với họ:
- Thưa các ngài, tôi rất biết ơn các Ngài! Tôi sẽ đi giết bà ta ngay lập tức!.
Hercule Poirot băn khoăn không hiểu cái gì đã khiến ông cứ nhớ mãi cái câu nói mà ông tình cờ nghe được. Có thể đó là sự liên tưởng tới một vở kịch hoặc một cuốn sách nào đó.
Vừa vẩn vơ sưy nghĩ, ông vừa mỉm cười.
- Một ngày nào đó mình sẽ nhớ ra câu nói này, và chắc hẳn là nó còn bao hàm một ý nghĩ xấu xa nữa.
Đây rồi, Hercule Poirot đã nhớ lại, một giọng nói mạnh mẽ nhưng đầy lo lắng và rất kỳ lạ - một chấn động ám chỉ sự căng thẳng tột độ của cảm xúc. Giọng nói của một người đàn ông hay là của một cậu bé ….
Hercule Poirot tự nhủ khi đưa tay tắt ngọn đèn ngủ đầu giường:
“Mình phải nhớ ra cái giọng nói này một lần nữa …”.
*
Tì tay trên bậu cửa sổ, đầu cúi sát vào nhau, Raymond và Carol Boyton nhìn chăm chú vào bầu trời đêm xanh thăm thẳm. Một cách lo lắng, Raymond nhắc lại những gì mà anh vừa nói:
- Em biết là bà ta phải chết đúng không ?
Carol Boyton hơi động đậy. Cô nói, giọng cô trầm và khàn khàn
- Thật kinh khủng …
- Nó sẽ không kinh khủng hơn thế này đâu!
- Em nghĩ là không nên …
Raymond giận dữ nói:
- Không thể mãi như thế này được, không thể được … Chúng ta phải làm một cái gì đó … và chúng ta không thể có cách nào khác nữa đâu …
Carol nói nhưng lần này giọng cô tỏ ra không chắc chắn và cô hiểu là tại sao.
- Giá như chúng ta có thể trốn đi được nhỉ …?
- Nhưng chúng ta không thể. Giọng Raymond trống vắng và tuyệt vọng. Carol, em biết là chúng ta không thể mà …
Cô gái khẽ rùng mình.
- Em biết thế. Ray. Em biết.
Ray bỗng bật cười cay đắng.
- Mọi người sẽ là chúng ta bị điên, không thể làm được gì kể cả việc được đi chơi.
Carol chậm rãi nói:
- Có thể là chúng ta bị điên lắm chứ!
- Anh khẳng định như thế đấy. Đúng, anh dám chắc là chúng ta bị điên. Dù sao đi nữa, không sớm thì muộn kết cục cũng thế mà thôi … Mọi người ta cho chúng ta bị điên từ lâu tồi. Chúng ta ở đây, bình thản, lạnh lùng suy tính một kế hoạch để giết mẹ của chính mình!
Carol lạnh lùng nói:
- Bà ta không phải là mẹ của chúng mình!
- Không, đó là sự thật.
Cả hai bỗng im bặt và rồi Raymond lên tiếng, anh nói bằng cái giọng thản nhiên như không ?
Carol, em có đồng ý không?Carol chậm rãi trả lời :
- Em nghĩ là bà ta đáng chết. Đúng vậy …
Rồi cô bỗng bật nói :
- Bà ta bị điên … Em cho là thế … bà .. Bà ta không thể hành hạ chúng ta như thế này nếu như bà ta không điên. Nhiều năm qua, em và anh, chúng ta đã nói mãi rằng : « Việc này không thể cứ tiếp diễn ! » Nhưng rồi nó vẫn cứ tiếp diễn. Chúng ta nói rằng : « Rồi bà ta sẽ chết » Nhưng bà ta không chết ! Bà ta sẽ không chết đây, trừ phi …
Raymond chậm rãi nói thêm :
- Trừ phi chúng ta giết bà ấy …
- Đúng vậy.
Cô nắm chặt tay vào bậu cửa sổ trước mặt.
Anh trai cô tiếp tục nói, giọng lạnh lùng, hơi run run - sự run rẩy đó chỉ là khẳng định thêm một sự kích động mạnh mẽ đang cuộn lên trong anh:
- Em có biết tại sao một trong hai ta phải làm việc đó không? Nếu kéo Lennox vào thì Nadine cần phải có người chăm sóc. Và chúng ta cũng không để cho Jinny dính vào vụ này.
Carol rung mình.
- Ôi Jinny, Jinny tội nghiệp … Em sợ lắm …
- Anh biết. Mọi việc ngày càng trở nên tồi tệ hơn phải không em? Vì thế chúng ta phải tiến hành ngay lập tức, trước khi bà ta kịp đoán ra.
Carol bỗng đứng dậy, đưa tay vuốt lại mái tóc màu hạt dẻ đang lòa xòa trước trán.
- Ray, cô nói. Anh không nghĩ việc này là rất sai trái sao?
Anh trai cô trả lời vẫn bằng cái giọng bình thản như lúc trước.
- Không, anh không nghĩ như vậy. Việc đó đơn giản giống như giết một con chó dại. Bất cứ cái gì làm tổn hại đến thế giới này đều phải bị xóa bỏ. Và đó là cách duy nhất để chấm dứt mọi việc xấu xa.
Carol thì thào:
- Nhưng họ sẽ … Họ sẽ đưa chúng ta lên ghế điện giống như là … Em muốn nói là chúng ta sẽ không thể giải thích cho họ hiểu bà ta như thế nào … Vì như vậy nghe có vẻ rất quái gở …Dù sao đi nữa thì anh cũng biết đấy, chuyện này chỉ có mình chúng ta biết thôi!
Raymond trả lời em gái:
- Sẽ không ai biết cả. Anh đã có kế hoạch rồi. Anh đã suy nghĩ rất nhiều. Chúng ta sẽ hoàn toàn bình yên vô sự.
Carol bỗng quay mặt lại nhìn anh:
- Ray, không hiểu vì lẽ gì mà anh đã hoàn toàn thay đổi. Có chuyện gì đó đã xảy ra với anh … Cái gì đã khiến anh nghĩ tới tất cả những việc này vậy?
- Tại sao em lại nghĩ là đã có chuyện gì đó xảy ra đối với anh?
Ray quay đầu đi và nhìn chằm chặp vào màn đêm.
- Bởi vì thực sự là đã có chuyện gì đó … Ray, có phải là vì cô gái trên tàu không?
- Không, tất nhiên là không rồi. Tại sao lại phải như thế chứ? Ôi Carol, em đừng nói linh tinh như thế nữa. Chúng ta hãy quay trở lại với …. với …
- Với kế hoạch của anh ư? Anh có chắc rằng đó là một kế hoạch hoàn hảo không?
- Có, anh nghĩ thế … Tất nhiên là chúng ta sẽ phải đợi thời cơ hợp lý. Và rồi, nếu mọi việc suông sẻ, chúng ta sẽ được tự do. Tất cả chúng ta.
- Tự do ư? Carol khẽ thở dài. Cô ngước mắt lên nhìn những vì sao lấp lánh trên trời.
Carol bỗng òa khóc, cả người cô run lên bần bật.
- Carol, sao vậy?
Cô nức nở, giọng ngắt quãng:
- Tự do thật tuyệt vời. Màn đêm, bầu trời và những ngôi sao. Giá như chúng ta có thể là một phần của nó … Giá như chúng ta có thể sống như những người bình thường khác chứ không phải như chúng ta như bây giờ, toàn nghi ngờ, thiên lệch và sai trái.
- Nhưng chúng ta sẽ làm được như thế. Đúng rồi, khi nào bà ta chết đi!
- Anh có chắc không? Không phải là đã quá muộn rồi sao? Liệu chúng ta sẽ không bao giờ còn phải nghi ngờ nữa chứ?
- Đúng, đúng vậy.
- Nhưng em e là …
- Carol, nếu như em không muốn …
Cô đẩy cánh tay an ủi của người anh ra.
- Không, em sẽ ở bên anh. Chắc chắn là như vậy ! Bởi vì tất cả những người khác, nhất là Jinny. Chúng ta phải cứu Jinny ?
Raymond im lặng một lúc rồi anh nói.
- Thế nào ? Chúng ta sẽ tiến hành chứ ?
- Vâng !
- Tốt lắm, anh sẽ cho em biết kế hoạch của anh …
Và hai anh em cô cùng cúi đầu bàn tính.
Đứng cạnh cái bàn trong phòng khách của khách sạn Solomon, ở Jerusalem, Sarah King, một cử nhân y khoa đang lười biếng giở hết tờ bào này đến tờ tạp chí nọ. Cặp lông mày nhíu lại làm cô trông có vẻ rất bận rộn.
Một người Pháp to lớn, tầm trung niên bước vào phòng từ phía hội trường. Ông đã kịp quan sát cô trước khi rảo bước về phía bên kia của chiếc bàn. Khi mắt họ gặp nhau, Sarah hơi mỉm cười như một cử chỉ làm quen. Cô nhớ ra rằng chính ngưòi đàn ông này đã giúp đỡ cô khi họ đi tàu từ Cario tới và ông đã xách hộ cô một chiếc va li khi không một người khuân vác nào xuất hiện lúc đó cả.
- Cô thích Jesuralem chứ? Tiến sĩ Gerard hỏi sau khi họ đã làm quen với nhau.
- Cũng không hẳn vậy, đôi khi Jerusalem cũng không được đẹp cho lắm. Sarah trả lời, cô còn nói thêm:
- Tôn giáo ở đây thật kỳ lạ!
Người đàn ông Pháp nhìn cô thích thú.
- Tôi hiểu ý cô muốn nói gì. Ông nói bằng tiếng Anh, phát âm gần như hoàn hảo. Ở đây, mọi giáo phái mà người ta có thể tưởng tượng ra được đều xung đột, gây sự lẫn nhau.
- Và những thứ mà họ xây dựng ở đây thì cũng khiếp chứ. Sarah nói.
- Vâng, quả đúng là như vậy.
Sarah thở dài.
- Hôm nay họ đã tống cổ tôi ra khỏi một nơi chỉ bởi vì tôi mặc chiếc váy không tay. Sarah rầu rĩ nói: Rõ ràng là đấng toàn năng không ưa gì cái cánh tay của tôi cho dù chính ông ta là người đã tạo ra nó.
Tiến sĩ Gerard phá ra cười. Rồi ông nói:
- Tôi đang định gọi cà phê đây. Cô có muốn dùng một chút không, thưa cô … ?
- King, tên tôi là Sarah King.
- Còn tôi là … cho phép tôi.
Rồi ông đưa tay rút nhanh ra một tấm danh thiếp. Cầm lấy tấm danh thiếp, đôi mắt Sarah mở ta đầy vẻ vui mừng thán phục.
- Tiến sĩ Theodore Gerard ư? Ôi! Tôi rất sung sướng được gặp ông. Tất nhiên là tôi đã đọc hết các công trình nghiên cứu của ông. Quan điểm của ông về bệnh tâm thần phân liệt cực kỳ thú vị.
- Thế ư? Gerard nhướn lông mày lên vẻ dò hỏi.
Sarah rụt rè giải thích.
- Ông biết đấy, bản thân tôi cũng là một bác sĩ. Tôi vừa mới tốt nghiệp cử nhân y khoa.
- A, tôi hiểu rồi.
Tiến sĩ Gerard gọi cà phê và họ cùng ngồi xuống ở một góc phòng đợi của khách sạn. Người đàn ông Pháp tỏ vẻ quan tâm tới mái tóc đen rẽ ngôi rất thẳng và đôi môi xinh đẹp của Sarah nhiều hơn là những thành tích học tập y khoa của cô. Ông rất thích thú khi nhận ra cái vẻ thán phục lộ liễu của cô đối với mình.
- Cô ở đây có lâu không? Ông hỏi hoàn toàn xã giao.
- Chỉ ít ngày thôi ạ. Sau đó tôi sẽ đi Petra.
- Thế hả? Tôi cũng định đi tới đó nếu như việc đi lại không tốn quá nhiều thời gian. Cô biết đấy, ngày 14 này là tôi phải quay trở về Paris rồi.
- Tôi nghĩ nhiều nhất có thể là khoảng 1 tuần, 2 ngày đi, 2 ngày về và 2 ngày ở đó.
- Thế thì sáng mai tôi sẽ đến văn phòng du lịch xem có thể thu xếp như thế nào.
Một đoàn người rồng rắn tiến vào phòng đợi rồi ngồi xuống. Sarah nhìn họ với vẻ thích thú. Cô thì thào hỏi Gerah:
- Những người mới đến kia kìa. Ông có nhận ra họ cũng đi cùng chuyến tàu với chúng ta không? Họ cũng rời Cairo đúng hôm ấy.
Tiến sĩ Gerard gắn mắt kính lên và hướng cái nhìn của ông bao quát căn phòng.
- Người Mỹ à?
Sarah gật đầu.
- Vâng, một gia đình người Mỹ. Nhưng … gia đình này có cái gì đó không bình thường.
- Không bình thường? Không bình thường như thế nào?
- Ông hãy nhìn họ mà xem, nhất là người đàn bà kia kìa.
Tiến sĩ Gerard làm theo. Đôi mắt nghề nghiệp của ông thích thú lướt qua khuôn mặt của từng người một.
Ông chú ý đầu tiên tới một người đàn ông cao, nhưng hơi ẻo lả chừng 30 tuổi. Khuôn mặt dễ chịu nhưng yếu ớt, anh ta tỏ ra rất đỗi thờ ơ. Tiếp theo là hai thiếu niên rất dễ thương, cậu con trai có khuôn mặt của người Hy Lạp. “Chàng này chắc cũng có vấn đề gì đó”. Tiến sĩ Gerard nghĩ bụng. “Đúng, trạng thái thần kinh căng thẳng”. Còn cô con gái rõ ràng là em của cậu ta, họ rất giống nhau và cô ta cũng đang ở trong trạng thái kích động. Một cô gái khác nữa, trẻ hơn có mái tóc màu đồng như vầng hào quang. So với mọi người trong gia đình thì cô nổi bật nhất. Hai bàn tay cô gái vặn vẹo không ngừng, chúng đang giằng, xé, co kéo chiếc khăn tay nhỏ. Tiếp đến là một người phụ nữ trẻ trung nhưng trầm tĩnh. Cô có mái tóc đen với khuôn mặt điềm đạm phơn phớt màu kem rất giống Luini Madonna, chỉ có điều khuôn mặt ấy bây giờ đang tái nhợt. Ở người phụ nữ này không có gì đặc biệt. Và chính giữa đám đông – “Chúa ơi! tiến sĩ Gerard bật kêu lên, không thèm che dấu sự ghê tởm lộ liễu kiểu Pháp. “Bà ta thật quái dị”. Người đàn bà đó ngồi ngay giữa đám đông, không động đậy, già cỗi. Thân hình bà ta trương lên như một con nhện to béo nằm giữa cái mạng giang mắc chằng chịt của mình!
Quay về phía Sarah, tiến sĩ Gerard hỏi:
- La maman ( bà mẹ) kia không được xinh đẹp cho lắm?
Rồi ông nhún vai.
- Ông có thấy bà ta nham hiểm không? Cô hỏi.
Tiến sĩ Gerard lại chăm chú nhìn người đàn bà. lần này ông quan sát bà ta với con mắt nghề nghiệp nhiều hơn là đánh giá thẩm mỹ.
- Bị phù, tim có vấn đề. Ông đưa ngay ra chẩn đoán.
- Ồ, đúng rồi! Sarah không quan tâm tới lời nhận xét nghề nghiệp của người đối thoại. “Ông có cho rằng có cái gì đó không bình thưòng trong cách cư xử của họ với bà ta không?
- Họ là ai vậy, cô có biết không?
- Gia đình nhà Boynton tìm hiểu thế giới;
- Đúng, nhưng cái cách họ nhìn nhận thế giới lạ lắm. Họ chẳng bao giờ bắt chuyện với bất kỳ một người lạ. Họ không được làm bất cứ việc gì nếu như bà mẹ chưa cho phép!
- Bà ta thuộc típ phụ nữa ưa chỉ bảo, Gerard suy tư nói.
- Bà ta là bạo chúa thì đúng hơn. Sarah đưa ra nhận xét.
Tiến sĩ Gerard nhún vai. Theo ông, phụ nữ Mỹ mới chính là những người thống trị thế giới và điều này thì ai cũng biết.
- Đống ý là thế, nhưng bà ta còn hơn thế cơ. Sarah khăng khăng. Bà ta …ôi, « Bà ta biến họ thành những con bò ngu ngốc, chỉ biết tuân theo mệnh lệnh của mình bà ta mà thôi. Thật là, thật là quá quắt ! »
- Nắm quá nhiều quyền lực trong tay thật chẳng hay ho gì cho người phụ nữ. Tiến sĩ Gerard hưởng ứng với một vẻ nghiêm túc bất ngờ. Rồi ông lắc đầu nói tiếp : « Nhưng hiếm một người phụ nữ nào lại không lạm dụng quyền lực của mình ».
Ông liếc nhìn về phía Sarah. Cô đang mãi ngắm nhìn gia đình nhà Boynton – hay đúng hơn, cô đang chăm chú theo dõi một thành viên của gia đình đó. Tiến sĩ Gerard mỉm cười, một nụ cười Gô Loa ( Gauloise : Gốc người Pháp) hiểu biết. À, hóa ra là thế này đây.
Ông hỏi cô một cách thăm dò.
- Cô đã nói chuyện với họ rồi chứ ?
- Vâng, ít nhất là với một người trong số họ.
- Có phải là với chàng trai trẻ kia - cậu con trai thứ của bà ta phải không ?
- Vâng, trên chuyến tàu từ Kantara đến đây. Lúc đó anh ta đang đứng ở hành lang và tôi bắt chuyện.
Trong cách xử sự của mình. Sarah không hề biểu lộ có chút e dè, ngại ngùng. Hay nói đúng hơn, không hề có sự e dè nào trong thái độ của cô đối với cuộc đời. Cô quan tâm tới con người, luôn tỏ ra rất thân thiện cho dù tính khí có đôi chút nóng nảy.
- Thế cái gì đã khiến cô bắt chuyện với anh ta vậy? Gerard hỏi.
Sarah nhún vai:
- Tại sao không nhỉ? Tôi thường hay bắt chuyện với những người cùng đi. Tôi thích quan tâm tới họ, tới những gì họ làm và tâm tư của họ.
- Tôi có thể tuyên bố rằng, cô đã đặt họ dưới đôi mắt kính hiển vi quan sát của mình !
- Ông nói thế cũng được. Cô gái thừa nhận.
- Thế cô thấy chuyện như thế nào ?
- À, cô gái hơi lưỡng lự. câu chuyện nghe có vẻ kỳ cục … Lúc chúng tôi mới bắt chuyện với nhau, anh ta đỏ cả mặt mũi tía tai lên.
- Chuyện đó thì ấn tượng lắm à ? Gerard lạnh nhạt hỏi.
Sarah phá lên cười.
- Ý ông cho là anh ta sẽ nghĩ tôi là một đứa con gái trơ tráo đến mức cố tình làm quen với anh ta trước phải không ? Ồ không đâu. Tôi tin là anh ta không cho là như vậy. Có phải lúc nào đàn ông cũng mở mồm bắt chuyện trước đâu, phải không ?
Cô nhìn ông, một cái nhìn dò hỏi thẳng thắn. Tiến sĩ Gerard gật đầu :
- Tôi có ấn tượng là, Sarah nói chậm rãi, lông mày hơi nhíu lại : Anh ta … nói thế nào nhỉ ? Rất bị kích động và sợ hãi. Kích động một cách quá mức và sợ hãi tột độ. Điều này là không bình thường bởi tôi luôn thấy người Mỹ rất tự chủ. Ở tuổi 20, thanh niên Mỹ luôn luôn tự hào nói rằng hiểu biết của họ về thế giới, cách xử sự của họ hơn hẳn đám thanh niên Anh cùng tuổi. Còn anh chàng này thì chắc chắn phải hơn 20 hơn.
- Khoảng 23, 24 gì đó, tôi nghĩ thế.
- Nhiều đến thế ư ?
- Thì tôi cho là thế.
- Vâng, có thể là ông đúng … chỉ có điều trông anh ta trẻ quá …
- Ở anh ta có sự sai lệch về tâm tính. Tính cách con trẻ vẫn thể hiện rất rõ ở anh ta.
- Thế có nghĩa là tôi đúng ? Tôi đã đúng khi nói rằng ở anh ta có ciá gì đó không bình thường ?
Tiến sĩ Gerard nhún vai, mỉm cười vì sự sốt sắng của cô.
- Thưa cô tiểu thư yêu quý của tôi, ai trong số chúng ta hoàn toàn bình thường nào ? Nhưng tôi cũng phải thừa nhận với cô ở anh ta có biểu hiện loạn thần kinh chức năng.
- Chắc chắn là có liên quan tới cái bà già kinh khủng kia.
- Cô có vẻ rất không thích bà ta. Tiến sĩ Gerard nói và nhìn cô dò hỏi.
- Đúng vậy, tôi không thích bà ta. Bà ta có … đôi mắt rất ác !
Gerard thì thào :
- Thì bà mẹ nào chẳng thế khi mà con trai mình cứ dán mắt vào những cô tiểu thư quyến rũ cơ chứ.
Sarah nhún vai một cách nóng nảy. Người Pháp nào cũng giống nhau cả, cô nghĩ, luôn bị ám ảnh bởi chuyện tình ái! Dù vậy, với tư cách là một bác sĩ tâm lý tận tụy với nghề. Sarah cũng phải thừa nhận rằng tình dục luôn là yếu tố cơ bản trong hầu hết mọi hiện tượng. Sarah cứ lan man suy nghĩ như vậy.
Cô bừng tỉnh khỏi những suy nghĩ mông lung khi nhìn thấy Raymond Boynton đang đi ngang qua căn phòng tiến về phía chiếc bàn đặt ở giữa. Anh ta chọn lấy một cuốn tạp chí. Khi anh quay về ngang về ngang qua chiếc ghế cô đang ngồi. Sarah ngước nhìn anh ta và nói:
- Hôm nay anh đi thăm quan được nhiều chứ?
Cô ngẫu nhiên bật ra câu hỏi đó nhưng mục đích chính là để xem chúng đuợc tiếp nhận như thế nào.
Raymond đứng sựng lại, mặt đỏ lên, rồi đưa mắt sợ hãi liếc về đám đông gia đình mình. Anh ta nói khẽ:
- Ồ, ồ vâng … chắc chắn rồi. Tôi …
Rồi đột nhiên như bị ai chích, anh ta vội rảo bước, tay nắm chặt quyển tạp chí.
Người đàn bà kỳ quặc đang ngồi im như bức tượng Phật giơ bàn tay múp míp của mình ra đón quyển sách. Khi bà ta cầm lấy nó, Tiến sĩ Gerard để ý, bà ta nhìn chằm chặp vào chàng trai mồm khẽ lầm bầm cái gì đó, chắc chắn không phải là những lời cảm ơn. Đầu bà ta khẽ ngọ nguậy và tiến sĩ Gerard nhận thấy bà ta đang nhìn Sarah vẻ khó chịu. Khuôn mặt bà ta bất động, không một cảm xúc. Hoàn toàn không thể đoán được cái gì đang diễn ra trong đầu người đàn bà này.
Sarah cúi xuống nhìn đồng hồ và bật kêu lên:
- Ôi tôi bị muộn quá rồi. Cô đứng dậy. “Cảm ơn ông rất nhiều, Tiến sĩ Gerard, vì đã mời tôi cà phê. Còn bây giờ thì tôi phải viết vài bức thư.”
Ông đứng dậy bắt tay cô.
- Tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau. Ông nói:
- Ồ, vâng. Ông có thể sẽ đi Petra chứ?
- Tôi sẽ hết sức cố gắng.
Sarah mỉm cười với ông rồi quay đi. Cô đi ngang qua gia đình nhà Boynton.
Tiến sĩ Gerard dõi theo. Ông thấy ánh mắt bà Boynton chuyển sang nhìn con trai mình. Ông còn thấy chàng trai đưa mắt nhìn mẹ. Khi Sarah đi qua, Raymond Boynton quay đầu lại nhưng không phải về phía cô mà về phía hướng ngược lại … Cử chỉ của anh chậm chạp và miễn cưỡng, nó chứng minh một điều rằng, bà Boynton đã giăng một sợi dây vô hình vào đó giữa họ
Sarah King nhận thấyvẻ lảng tránh đó. Cô còn quá trẻ và quá nhạy cảm để không bị sự lảng tránh đó làm rầu lòng. Họ đã nói chuyện với nhau rất thân mật bên ngoài cái hành lang lắc lư trên tàu. Họ đã trao đổi thư từ với nhau về Ai cập, đã cười phá lên vì cái ngôn ngữ ngộ nghĩnh của cậu bé chăn lừa và những người bán hàng rong trên phố. Sarah đã kể lại chuyện một thằng bé chăn lạc đà đã ngạc nhiên ra sao khi nó trân tráo hỏi cô: “Cô tiểu thư Anh hay Mỹ” và nhận được câu trả lời : “ Không người Trung Quốc” của cô. Và cô đã vui vẻ như thế nào khi thấy nó nhìn cô chằm chặp vẻ cực kỳ bối rối. Cô nghĩ đến cái vẻ háo hức của nó như đứa trẻ được lần đầu tới trường – có cái gì đó thật cảm động trong cái vẻ háo hức chờ đợi của nó. Còn bây giờ, anh ta trỏ nên bẽn lẽn, vụng về, cực kỳ thô lỗ chẳng vì bất kỳ một lý do nào cả.
- Mình không thèm quan tâm tới anh ta nữa. Sarah nói đầy sự tức giận.
Nếu bỏ đi được cái tính tự kiêu tự đại quá mức, thì ở Sarah chẳng có gì đáng chê trách cả. Cô tự biết mình có một vẻ ngoài hết sức quyến rũ và cô cũng không định từ chối bỏ điều đó.
Có lẽ bởi cô đã tỏ ra quá thân thiện với anh ta chỉ vì những lý do rất mực mơ hồ, cô thấy thương hại anh ta.
Nhưng giờ đây, rõ ràng là anh ta chỉ là một tên Mỹ, tí tuổi đầu mà đã thô lỗ, ngạo mạn và quê mùa!
Thay cho việc viết thư như đã định, Sarah King lại ngồi xuống trước bàn trang điểm, chải lại mái tóc đen mượt của mình. Cô nhìn vào đôi mắt nâu buồn phiền trong gương và điểm lại quãng đời trước đó.
Sarah vừa trãi qua một cú sốc tình cảm sâu sắc. Một tháng trước đây, cô đã hủy bỏ hôn ước với một bác sĩ hơn cô bốn tuổi. Họ đã từng gắn bó với nhau nhưng lại quá giống nhau về tâm tính. bất đồng, cãi cọ thường xuyên xảy ra. Sarah thì quá độc đoán để có thể chịu đựng được một sự quyết đoán chuyên quyền khác. Cũng như bao người phụ nữ can đảm khác, Sarah tin rằng cô say mê sức mạnh. Cô luôn tự nhủ rằng cô muốn bị thu phục. Nhưng khi gặp được những đàn ông mà cô tin là có thể kiềm chế được mình thì cô lại nhận ra rằng cô chẳng thích điều đó chút nào! Đưa ra quyết định hủy hôn ước đã làm trái tim cô tan nát, nhưng bù lại cô nhận ra rằng trong tình yêu đích thực chỉ có hấp dẫn nhau thôi thì chưa phải là cơ sở vững chắc để tạo dựng nên một hạnh phúc vĩnh cửu. Cô đã thận trọng chọn cho mình một chuyến đi du lịch ra nước ngoài để quên đi tất cả trước khi thực sự bắt tay vào công việc.
Những suy nghĩ của Sarah quay trở về với thực tại.
- “Không hiểu,” cô nghĩ, “tiến sĩ Gerard có cho phép mình hỏi về công việc của ông ấy không nhỉ? Ông ấy đã làm được những điều kỳdiệu. Nếu như ông ấy để ý đến mình nhỉ … Có thể lắm nếu như ông cũng tới Petra.”
Rồi cô lại nghĩ đến chàng trai người Mỹ vụng về, xa lạ kia.
Không còn nghi ngờ gì nữa sự hiện diện của gia đình là nguyên nhân của những hành vi lạ kỳ của anh ta, biết vậy nhưng cô vẫn cảm thấy hơi khinh bỉ anh ta. Lúc nào cũng bị gia đình lấy quyền kiểm soát thì quả là lố bịch, nhất lại là đối với một người đàn ông!
Nhưng rồi …
Một cảm giác nghi ngờ lướt qua đầu Sarah. Có cái gì đó khác thường trong tất cả chuyện này?
Cô bỗng bất nói lớn:
- Anh ta muốn đưọc cứu giúp! Mình sẽ tìm hiểu chuyện này!
Khi Sarah đã rời khỏi phòng chờ đợi của khách sạn, tiến sĩ Gerard vẫn còn ngồi lại thêm một lúc nữa. Rồi ông tiến về phía chiếc bàn đặt ở giữa phòng, đưa tay lấy tờ Thời báo buổi sáng mới nhất lên và đi về phía chiếc ghế chỉ cách gia đình Boynton vài bước. Trí tò mò của ông nổi lên.
Đầu tiên ông thấy thích thú trước sự quan tâm thái quá của một cô gái người Anh tới một gia đình người Mỹ. Ông cho mối quan tâm này bắt nguồn từ sự chú ý đặc biệc tới một thành viên cụ thể của gia đình. Còn bây giờ thì ông quan tâm bởi có điều gì đó bất bình thường trong gia đình này. Ông cảm thấy rõ đó là mối quan tâm vế tâm lý.
Giấu mặt sau tờ báo, ông kín đáo quan sát từng ngườitrong gia đình Boynton. Đầu tiên ông chú ý tới chàng trai mà cô gái người Anh rất quan tâm. Đúng vậy, ông nghĩ, anh ta thuộc típ người dễ gây được cảm tình đối với một cô gái có tính khí thất thường như Sarah. Sarah King có sức mạnh – cô biết tự làm chủ, cô dí dỏm nhưng cương quyết. Còn chàng trai kia, Tiến sĩ Gerard đánh giá anh ta là một người nhậy cảm, ham hiểu biết, hơi rụt rè và không kiên định. Là một bác sĩ, ông thấy rằng anh ta có biểu hiệu của sự căng thẳng thần kinh cực độ. Tiến sĩ Gerard thắc mắc, không hiểu vì sao lâu như vậy. Anh ta rất bối rối. Tại sao một thanh niên trẻ có một sức khỏe dồi dào như thế lại đi nghỉ ở nước ngoài trong tình trạng sự suy sụp về tâm thần có thể ập đến bất cứ lúc nào?
Tiến sĩ Gerard quan sát những người khác trong gia đình này. Cô gái có mái tóc màu hạt dẻ rõ ràng là em gái của Raymond. Họ có vẻ ngoài quý tộc đặc biệt giống nhau, xương nhỏ và dáng đẹp. Họ giống nhau từ đôi bàn tay búp măng mảnh khảnh, hàm răng trắng đều tới cái đầu hoàn hảo trên chiếc cổ cao thon thả. Và cô gái cũng vậy, cũng có vẻ lo lắng … Cô cử động cứng ngắt, căng thẳng. Trong đôi mắt đang sáng rực lên kia là một sự u ám nào đó. Khi nói, cô nói rất nhanh và như bị hụt hơi. Con người cô toát lên sự cảnh giác, căng thẳng và gò bó.
-“Cô gái này cũng đang sợ hãi”. Tiến sĩ Gerard khẳng định. “Đúng, cô ấy có chuyện gì sợ hãi!”
Sau đó ông vô tình nghe được câu chuyện giữa họ, một cuộc đối thoại hết sức bình thường.
- Có thể chúng ta sẽ đi thăm cả chuồng ngựa của Solomon - Liệu đi như thế có quá sức cho mẹ không?
- Đi thăm bức tường Than khóc vào buổi sáng à? “Tất nhiên là có đi thăm Đền thờ rồi. Họ nói là nhà thờ Omar. Sao họ lại gọi thế nhỉ?” – “Bởi vì nó thuộc về một nhà thờ Hồi giáo, có thế thôi Lennox ạ.”
Một cuộc hội thoại chỉ xoay quanh các điểm du lịch thông thường. Tuy nhiên tiến sĩ Gerard vẫn có cảm giác nghi ngờ rằng những gì mà ông nghe được chỉ là giả tạo. Đúng, đó là những chiếc mặt nạ. Những chiếc mặt nạ để che giấu đi một cái gì đó đang trào dâng lên, đang vật vã trong lòng họ, một cái gì đó quá lớn lao, quá to tát để có thể diễn tả hết bằng lời…
Lại một lần nữa, từ sau tấm lá chắn là tờ Thời báo buổi sáng, Gerard đưa mắt nhìn về phía gia đình người Mỹ.
Lennox? Đó là tên của người anh cả. Người ta có thể nhận ra những nét giống nhau giữa những người của một gia đình. Nhưng ở con người này lại khác. Lennox không bị trói chặt, mà anh ta, theo Gerard, không bị quá căng thẳng. Nhưng anh ta cũng có gì đó bất bình thường cho dù không bị căng thẳng thần kinh tột độ như hai người em. Anh ta ngồi thoải mái và uể oải. Gerard bối rối, lục tìm lại trong trí nhớ một bệnh nhân của mình cũng ngồi kiểu ngồi như thế, ông nghĩ : « Anh ta kiệt sức. Đúng rồi, kiệt sức vì phải chịu đựng. Ánh mắt anh ta nhìn kìa. Ánh mắt mà người ta chỉ có thể thấy ở một con chó bị thương hay ở một con ngựa bị ốm. Một khả năng chịu đựng âm thầm chỉ tồn tại ở loài vật … Không bình thường, đó là … Nếu nói về mặt thần kinh thì anh ta chẳng có gì khác thường cả … Tuy vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, anh đã phải chịu đựng quá nhiều, chịu đựng sự tra tấn về tinh thần. Bây giờ anh ta không còn chịu đựng được nữa mà anh ta câm lặng cam chịu. Mình cho là anh ta đang chờ đợi một cú đấm giáng xuống … cú đấm nào nhỉ ? Có phải mình đang cố tình tưởng tượng ra những chuyện này không ? Không, người đàn ông kia đang chờ đợi một cái gì đó, chờ đợi một kết cục. Những bệnh nhân ung thư cũng thế, họ cứ nằm và chờ đợi, hy vọng một cái gì đó sẽ giúp họ giảm bớt được chút ít nỗi đau đớn khủng khiếp ... »
Lennox Boynton đứng dậy và nhặt cuộn len mà bà mẹ vừa đánh rơi lên.
- Đây thưa mẹ.
- Cảm ơn con.
Bà ta – cái mụ già bất động, trơ khấc như bức tượng kia đang đan cái gì nhỉ ? Một cái gì đó thật đầy và thật thô. Gerard nghĩ bụng « Chắc bà ta đang đan găng tay hở ngón cho cái trại tế bần của mình ! » và ông mỉm cười vì những suy nghĩ đó.
Ông chuyển hướng chú ý sang người con gái trẻ nhất của gia đình đó, cô gái có mái tóc màu đồng độ 17 tuổi. Cô có làn da mỏng trong suốt thường hay thấy ở những người tóc đỏ. Khuôn mặt cô thật xinh đẹp cho dù hơi quá gầy. Cô đang ngồi và mỉm cười một mình, cười với khoảng không gian trước mặt. Cả trong nụ cười của cô gái cũng gợi chút gì đấy khác thường. Nụ cười đó xa xăm quá, thật cách xa khách sạn Solomon, xa hẳn Jerusalem … Nụ cười gợi cho tiến sĩ Gerard nhớ lại một cái gì đó … mà bây giờ nó chỉ có thể vụt qua trong óc ông như một chớp sáng mà thôi. Đó là nụ cười thánh thiện, xa vắng, là nụ cười đã quyến rũ các cô gái đồng trinh của thành vệ Aten thời cổ đại. Một chút gì đó xa vời, đáng yêu và hơi độc ác … Nụ cười quyến rũ, vẻ tĩnh lặng trang nhã của cô gái khiến tim ông đau nhói.
Và ông gần như bị sốc khi nhìn xuống hai bàn tay cô gái. Chúng được giấu dưới gầm bàn như để xa lánh đám đông chung quanh, nhưng từ chỗ ngồi, ông vẫn có thể nhìn chúng rất rõ. Ẩn trong vạt váy, hai bàn tay cô gái đang giằng, đang xé chiếc khăn tay nhỏ xinh xắn ra thành từng mảnh.
Những gì được chứng kiến gây cho Gerard một cơn sốc khủng khiếp.
Một nụ cười xa vắng. Một thân hình bất động và hai bàn tay bận rộn giằng xé.
Một tiếng đằng hắng khò khè của người mắc bệnh hen suyển vang lên rồi cái bức tượng đang ngồi đan bật nói :
- Ginevra, con mệt rồi đấy. Con nên đi nghỉ thì hơn.
Cô gái giật mình, ngón tay thôi làm những động tác máy móc.
- Con không mệt đâu thưa mẹ.
Gerard hài lòng nhận thấy cô gái có một giọng nói trong vắt và du dương như tiếng nhạc. Nó ngọt ngào như lời hát làm tăng thêm vẻ huyền diệu của mỗi từ cô phát âm.
- Không, con mệt rồi. Mẹ luôn biết như vậy. Mẹ nghĩ là con không thể đi thăm quan ngày mai được đâu.
- Ôi mẹ ! Con đi được mà. Con không sao đâu mẹ.
Bằng một giọng nói khàn khàn nặng trịch, gần như là rít lên, mẹ cô gái nói tiếp:
- Không, con không đi được đâu. Con sẽ bị ốm đấy.
- Không, con sẽ không ốm đâu, con sẽ không sao cả.
Cô gái bắt đầu run lên dữ dội.
Bỗng nhiên một giọng nói bình thản, mềm mại vang lên:
- Chị sẽ đi cùng em, Jinny.
Đang tiến về phía cô gái là một người phụ nữ trẻ, ít nói có đôi mắt xám to đầy vẻ suy tư. Mái tóc đen của cô được buộc gọn đằng sau.
Bà Boynton ra lệnh:
- Không, để nó tự đi một mình.
Cô gái bật khóc:
- Con muốn Nadine đi cùng!
- Tất nhiên rồi, chị sẽ đi cùng em. Người phụ nữa trẻ tiến lên thêm một bước.
Bà Boynton ngọt nhạt xen vào:
- Trẻ con thường hay thích đi một mình. Đúng không con, Jinny?
Không khí bỗng dưng chùng xuống; Ginevra Boynton cất tiếng nói, giọng nói uể oải và trống rỗng.
- Vâng, thưa mẹ, đúng là con thích đi một mình hơn. Cám ơn chị Nadine.
Cô gái bước đi. Thân hình cô gầy gò là thế mà bước đi lại uyển chuyển đến không ngờ.
Tiến sĩ Gerard hạ thấp tờ báo xuống và liếc nhìn bà Boynton một cách thỏa mãn. Bà ta đang dõi mắt nhìn theo cô con gái, khuôn mặt phì nộm nhăn nhúm lại trong một nụ cười kỳ cục, một bức biếm họa của nụ cười đáng yêu mà vừa mới đây thôi đã làm thay đổi khuôn mặt cô gái. Sau đó bà ta hướng cái nhìn nhọn hoắt sang Nadine, người vừa mới ngồi lại xuống. Nadine nhướng mắt lên và bắt gặp cái nhìn của mẹ chồng. Vẻ mặt cô không chút bối rối trước cái nhìn độc ác của bà ta.
Tiến sĩ Gerard nghĩ:
“Một trò đùa ngớ ngẩn của một người đàn bà độc ác!
Bà Boynton bỗng nhiên quay ngoắt nhìn về phía Gerard, khiến bất giác tiến sĩ phải một lần thót tim. Hai con mắt bà ta đen và nhỏ nhưng từ đó thoát lên sức mạnh, quyền lực và sự độc ác giống như của một con quỷ. Tiến sĩ Gerard cũng biết ít nhiều sức mạnh tính cách của con người. Ông nhận ra rằng đó không phải là ý thích bất chợt của một người tàn tật được nuông chiều, coi sự tàn bạo của mình đối với người khác như một chiến lợi phẩm. Người đàn bà đó có một quyền lực rõ ràng. Sự thâm hiểm thể hiện qua cái nhìn giận dữ của bà ta giống như nọc của một con rắn độc. Bà Boynton có thể là già cả, yếu đuối và xám ngoét vì bệnh tật, nhưng con người bà ta thể hiện sức mạnh của quyền lực. Bà ta hiểu ý nghĩa của quyền lực, đã trải qua những quãng thời gian được thể hiện cái quyền lực đó, bà ta chưa bao giờ phải mảy may hoài nghi về sức mạnh thực sự của mình. Có lần tiến sĩ Gerard được xem một nữ nghệ sĩ chuyên biểu diễn những màn xiếc gay cấn và nguy hiểm với bầy hổ. Những con thú to lớn hung dữ phải cam chịu bò vào vi trí của mình, phải biểu diễn những trò mua vui làm thấp giá trị của chúng. Những con hổ thể hiện sự căm ghét - sự căm ghét hòa trộn với cay đắng qua ánh mắt và những tiếng gầm gừ khe khẽ. Nhưng chúng buộc phải tuân lời, buộc phải khúm núm. Người phụ nữ trẻ kia cũng vậy. Cô có vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy nhưng những gì thể hiện trong đôi mắt cô là sự căm thù giống như của loài hổ vậy.
“Une dompteuse – cô ấy có khả năng biến đổi mọi việc”, tiến sĩ gerard tự nhủ.
Và bây giờ thì ông đã hiểu ý nghĩa của những lần hội thoại tuởng như vô tội vạ của gia đình Boynton. Đó là lòng căm ghét, một dòng xoáy của sự thù hận sâu sắc.
Ông tự nhủ:
“Mọi người sẽ nghĩ mình bị dở hơi và ngớ ngẩn. Đây chỉ là một gia đình người Mỹ hết sức bình thường, đi du lịch tới, Palestine và mình đã thêu dệt lên những chuyện vớ vẩn chunh quanh họ!
Ông thích thú theo dõi người phụ nữ trẻ điềm đạm tên là Nadine. Tay trái cô đeo nhẫn cưới, và khi đang nhìn cô, ông nhận thấy cô liếc nhanh về phía người thanh niên tóc sáng, vẻ yếu ớt. Đó là Lennox. Ông biết. Nhưng sao …
Họ là một cặp vợ chồng. Nhưng những gì ông thấy trong ánh mắt của Nadine với chồng là sự quan tâm, lo lắng như của bà mẹ đối với đứa con thương yêu của mình. Và ông còn biết thêm một điều này nữa: không giống như những thành viên khác trong gia đình. Nadine Boynton không bị ảnh hưởng bởi quyền lực của bà mẹ chồng. Cô có thể không thích bà mẹ chồng của mình, nhưng cô không sợ bà ta. Quyền lực của bà ta không thể chạm tới cô.
Cô không hạnh phúc, lúc nào cũng lo lắng cho chồng mình, nhưng cô rõ ràng là một ngưòi hoàn toàn tự do.
Tiến sĩ Gerard tự nhủ:
“ Tất cả những chuyện này thật là thú vị.”
Trong cái thế giới tưởng tượng đen tối thì một hơi thở nhẹ cũng tạo ra những hiệu quả đáng buồn cười.
Một người đàn ông bước vào phòng đợi, nhận ra gia đình Boynton và đi về phía họ.
Đó là một người Mỹ ưa nhìn, trung niên thuộc tuýp người cổ. Ông ta có khuôn mặt dài nhẫn nhụi, ăn mặc chải chuốt. Ông ta nói nhỏ, giọng trầm, dễ chịu hơi đều đều.
- Tôi tìm mọi người ở khắp nơi, ông ta nói.
Ông bắt tay từng người trong gia đình một cách kỹ lưỡng.
- Bà thấy trong người thế nào thưa bà Boynton? Chuyến đi không làm bà quá mệt mỏi chứ ạ?
Gần như là yểu điệu, người đàn bà cất tiếng khò khè nói:
- Không sao đâu, cám ơn ông rất nhiều. Ông cũng biết đấy tôi thì có bao giờ khoẻ đâu.
- Ồ, sao vậy, vâng tất nhiên rồi, thật là tồi tệ, tồi tệ quá.
- Nhưng tôi cũng không tệ hơn thế đâu.
Mụ Boynton chậm rãi nở một nụ cười của loài rắn độc:
- Có Nadine ở đây luôn chăm sóc tôi chu đáo, phải vậy không con Nadine?
- Con chỉ làm những gì có thể thôi. Giọng nói của cô chẳng diễn đạt điều gì cả.
- Sao không, tôi cuộc là cô rất cố gắng. Người lạ nhiệt tình nói.
- Thế nào Lennox, anh nghĩ sao về thành phố của vua David?
- Ồ, tôi cũng chẳng biết nữa.
Lennox thờ ơ trả lời, không tỏ ra thích thú.
- Anh thất vọng vì thành phố này quá phải không? Tôi cũng xin thú thật là hồi đầu mới đến đây tôi cũng có cảm giác tương tự. Nhưng có lẽ bởi vì anh chưa đi thăm thú được nhiều đấy thôi?
Carol Boynton xen vào:
- Chúng tôi không đi được nhiều lắm vì sợ mẹ mệt.
Bà Boynton giải thích thêm:
- Đi ngắm cảnh vài giờ mỗi ngày đã là quá sức đối với tôi rồi.
Người lạ nồng nhiệt nói:
- Tất cả những gì bà cố gắng làm được trong vòng sức lực của mình đã là tuyệt vời lắm rồi, thưa bà Boynton.
Bà Boynton khò khè đằng hắng, gần như là hể hả.
- Cơ thể tôi chẳng quan trọng, mà quan trọng phải là cái đầu. Dúng, phải có cái đầu …
Giọng nói bà ta nhỏ dần. Tiến sĩ Gerard thấy Raymond Bounton giật mình lo lắng và anh cất tiếng hỏi:
- Thế ông đã tới Bức tường than khóc chưa, thưa ông Cope?..
- Tại sao lại chưa? Đó là một trong những nơi đầu tiên mà tôi đến thăm. Tôi hy vọng là trong vòng vài ngày nữa ở đây tôi sẽ khám phá Jerusalem được nhiều hơn. Đến Cook, tôi đã bỏ ngang hành trình sắp sẵn để khám phá vùng Thánh Địa này được kỹ lưỡng hơn – Bethlehem, Nazareth, Tiberias, biển Galie. Tất cả những địa danh đó có một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với tôi. Rồi Jerash; ở đó có những công trình kiến trúc thời La Mã cổ đại bị đổ nát nhưng cũng rất thú. Tôi rất muốn được chiêm ngưỡng thành phố Hoa Hồng Nhung Petra, đó là một trong những kiệt tác được thiên nhiên sáng tạo ra mà cho đến bây giờ vẫn chưa bị xuống cấp, tôi có thể nói như vậy. Nhưng mà để thăm quan kỹ lưỡng nơi đó thì chắc phải mất gần một tuần cả đi cả về.
Carol nói xen vào:
- Tôi rất muốn tới đó, thành phố nghe mới tuyệt làm sao?
- Vâng, phải nói là các vị rất nên đi thăm thành phố này. Ông Cope hơi ngập ngừng khi bắt gặp cái nhìn không mấy đồng tình của bà Boynton nhưng rồi ông vẫn tiếp tục nói tuy không mấy chắc chắn lắm. Gerard cho là như vậy.
- Tôi đang không hiểu là liệu có thuyết phục được ai trong số các vị đây đi cùng với tôi hay không? Tôi biết, bình thường ra thì bà không phải cố gắng nhiều như thế này đâu, thưa bà Boynton và theo lẽ đương nhiên thì phải có một ai đó trong gia đình sẽ ở lại với bà; nhưng nếu bà cho phép họ cùng đi với tôi thì hay quá, bà thấy thế nào?.
Ông Cope ngừng lời. Tiến sĩ Gerard thậm chí còn nghe được cả tiếng que đan của bà Boynton và vào nhau kêu lách cách. Rồi bà ta lên tiếng:
- Tôi không nghĩ là gia đình chúng tôi sẽ chia nhau ra để đi thăm quan đâu. Chúng tôi luôn luôn ở bên nhau. Bà ta ngẩng lên : Các con thấy thế nào?
Giọng nói của bà ta thật giả tạo. Và câu trả lời bật ra gần như ngay lập tức.
- Không, thưa mẹ - Không đâu ạ - Tất nhiên là không rồi.
Bà Boynton nói và nở nụ cười quái dị của mình:
- Đấy ông thấy không? Các con tôi không muốn xa tôi. Thế còn con thì sao Nadine? Con chả nói gì cả?
- Không, cám ơn mẹ, con sẽ không đi nếu Lennox không thích đi.
Bà Boynton chậm rãi quay về phía người con trai cả.
- Thế nào Lennox, con nghĩ sao? Sao con và Nadine không đi đi? Nadine có vẻ muốn đi đấy.
Anh ta ngước mắt nhìn mẹ, mồm lắp bắp:
- Con, à không. Con …nghĩ là tất cả chúng ta nên ở lại đây thì hơn.
Ông Cope vẫn nhẹ nhàng thuyết phục.
- Tôi biết các bạn là một gia đình rất đoàn kết, rất chu đáo! Nhưng trong giọng nói nhẹ nhàng của ông không giấu nổi sự gượng gạo và trống rỗng.
- Chúng tôi rất gắn bó với nhau. Bà Boynton nói trong khi tay cuộn tròn cuộn len lại.
- Nhân tiện đây, Raymond, mẹ muốn biết cô gái nói chuyện với con khi nãy là ai vậy?
Raymond lo lắng trả lời. Khuôn mặt anh ta vụt đỏ tía tai rồi chuyển sang tái mét.
- Con … con không biết tên cô ấy. Cô ấy … cô ấy cùng đi trên chuyến tàu hôm trước.
Bà Boynton ngọ nguậy, cố gắng từ từ đứng lên khỏi chiếc ghế.
- Mẹ nghĩ là chúng ta chẳng có việc gì dính dáng tới cô ta đâu. Bà ta nói.
Nadine đứng dậy và giúp bà ta chật vật đứng dậy khỏi ghế. Vẻ thành thạo khéo léo của cô khiến Gerard để ý.
- Thôi đến giờ đi ngủ rồi các con. Bà Boynton nói – Chúc ông ngủ ngon nhé ông Cope.
- Vâng, chúc bà ngủ ngon, bà Boynton. Chúc bà ngủ ngon, bà Lennox.
Rồi họ đi khỏi, trông như một đám rước nhỏ. Có vẻ như không một người trẻ tuổi nào trong cái gia đình đó muốn ở lại. Bị bỏ lại một mình, ông Cope nhìn theo họ. Vẻ mặt ông tỏ ra thật lạc lõng nơi này. Theo kinh nghiệm của riêng mình, tiến sĩ Gerard hiểu rằng, người Mỹ không có khuynh hướng thân thiện với người khác. Họ không có vẻ nghi ngờ, xét nét đến mức khó chịu như những người Brio di cư sống ở Anh thời La Mã đô hộ. Đối với một người tế nhị như tiến sĩ Gerard, làm quen được với ông Cope không phải là chuyện đơn giản. Người Mỹ thường cô độc và giống đa phần chủng tộc của mình, họ có khuynh hướng không thích sự thân thiện. Tấm danh thiếp của tiến sĩ Gerard lại được rút ra một lần nữa.
Jefferson Cope tỏ ra chẳng mấy ấn tượng với cái tên được in trên tấm các .
- Ồ, thật vậy sao tiến sĩ Gerard, vừa mới đây thôi, ông đã tới nước Mỹ rồi sao?
- Mùa thu nắm ngoái. Tôi đi giảng ở Ha Vớt.
- Tất nhiên rồi. Tiến sĩ Gerard là một trong những tên tuổi lừng danh trong giới y khoa. Ông là số một về chuyên môn ở Paris.
- Ồ thưa ông kính mên. Ông đừng nói quá như thế! Tôi không được như ông nghĩ đây.
- Không, không. Thật là một đặc ân đối với tôi được gặp gỡ ông ở đây. Thực ra, một số nhân vật có tiếng tăm khác cũng đang có mặt tại đây, tại Jerusalem. Ông là một, quận công Welldon và Nam tước Gabriel Steinbaum, một nhà tư bản tài chính. Rồi nhà cựu khảo cổ học người Anh, nam tước Manders Stone. Quý bà Westholme, một nhân vật lỗi lạc trên chính trường Anh Quốc. À, còn có thám tử nổi tiếng người Bỉ, Hercule Poirot nữa.
- Hercule Poirot bé nhỏ, ông ta cũng ở đây ư ?
- Tôi đọc thấy tên ông đăng trên tờ báo địa phương vừa tới khi nãy. Dường như cả thế giới đang tập trung hết về đây, tại khách sạn Solomon này. Một khách sạn đẹp, trang trí cũng rất vừa mắt đấy chứ ?
Ông Jefferson Cope rõ ràng là đang rất thích thú. Còn tiến sĩ Gerard thì tỏ ra là một người dễ gần. Ông có thể làm được như thế bất cứ khi nào ông ta muốn. Trước đó thì hai người đàn ông đã rời ra quầy rượu để nói chuyện.
Sau khi họ đã uống cạn vài ly whisky pha sô đa, Gerard mới hỏi :
- Cái gia đình mà ông gặp lúc nãy có được coi là một gia đình Mỹ điển hình không ?
Jefferson Cope suy tư nhấp một ngụm rượu. Rối ông chậm rãi trả lời :
- Không, không thể nói đó là một gia đình điển hình được.
- Không sao, cho dù họ rất gắn bó với nhau ?
Ông Cope chậm rãi hỏi :
- Có phải ý ông muốn nói là họ cứ luôn xoắn xuýt bên người phụ nữ đó chứ gì? Đúng đấy, nhưng ông cũng biết bà ta rất khác thường rồi còn gì?
- Thật vậy sao?
Ông Cope chẳng cần đợi gợi ý thêm, chỉ một mào đầu nhẹ nhàng của người đối thoại là đủ.
- Tôi chẳng ngại khi nói với ông chuyện này, tiến sĩ Gerard ạ. Gia đình đó luôn luôn ám ảnh đầu óc tôi. Tôi đã luôn đối xử tốt với gia đình này. Tôi luôn nghĩ đến họ. Nếu nói ra được điều này, đầu óc tôi chắc chắn sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Ông sẽ không phiến chứ, nếu tôi kể ra tất cả?
Tiến sĩ Gerard nói ông không phiền gì cả. Và Jefferson Cope từ tốn kể, khuôn mặt nhẳn nhụi ưa nhìn của ông nhăn lại, bối rối.
- Tôi sẽ nói thẳng với ông là tôi lo lắm. Bà Boynton, ông biết đấy, là một người bạn cũ của tôi. Có nghĩa là, không phải là bà mẹ đâu mà là ngừơi phụ nữ trẻ ấy, cô Lennox Boynton.
- À, đúng rồi. Cô gái trẻ có mái tóc đen quyến rũ.
- Đúng rồi; đó là Nadine, Nadine Boynton. Tiến sĩ Gerard ạ, Nadine là một người rất đáng yêu. Tôi biết cô ấy trước khi cô ấy lấy chồng. Lúc đó, cô ấy làm ở bệnh viện và đang cố gắng để trở thành một y tá có bằng cấp. Sau đó cô đi nghỉ phép với gia đình Boynton và cô đã đính hôn với Lennox.
- Thật vậy sao ?
Ông Jefferson Cope nhấp thêm một ngụm rượu, rồi nói tiếp :
- Tiến sĩ Gerard ạ, tôi muốn nói với ông một đôi điều về gia dinh Boynton.
- Vâng, tôi rất quan tâm đây.
- Ông biết đấy. Lúc sinh thời, ông Elmar Boynton quá cố là một người nổi tiếng rất quyến rũ, ông ta có hai bà vợ. Bà vợ đầu tiên của ông ta chết khi Carol và Raymond mới biết đi. Bà vợ thứ hai là bà Boynton mà tôi vừa nói. Khi mới kết hôn với ông Elmer, bà Boynton là một người phụ nữ đẹp cho dù không còn trẻ lắm. Điều này nghe hơi lạ tai phải không khi ông nhìn ta bây giờ. Nhưng đó là những gì mà tôi biết theo một một nguồn tin đáng tin cậy. Dĩ nhiên là bà ta rất được chồng yêu và chấp nhận ý kiến của bà ta trong hầu hết mọi chuyện. Ông Elmer bị ốm và phải nằm bất động mấy năm rồi mới chết. Bà ta thật sự làm chủ cái gia đình ấy. Bà ta là một phụ nữ năng động, có đầu óc kinh doanh. Bà ấy đồng thời cũng là một con người hết sức tận tâm. Sau khi ông Elmer chết đi, bà ta dành hết tình cảm của mình cho con cái. Ông bà cũng có một người con riêng. Đó là Ginevra, cô gái tóc đỏ bé nhỏ nhưng rất thanh tú. À mà tôi đang nói đến đoạn bà Boynton đã hy sinh tất cả vì cái gia đình đó. Bà hoàn toàn không quan hệ với thế giới bên ngoài. Tôi không hiểu là ông cho chuyện này như thế nào. Tiến sĩ Gerard ạ, nhưng tôi không cho đó là một việc làm tốt đâu.
- Tôi cũng đồng ý với anh. Làm như vậy quả là không tốt cho sự phát triển trí tuệ.
- Vâng, nói như vậy tôi muốn nói rằng bà Boynton đã giam hãm các con mình tách biệt khỏi thế giới bên ngoài và không cho phép họ có bất kỳ một liên lạc nào với bên ngoài. Kết quả là họ lớn lên nhút nhát. Họ luôn hoảng hốt, chắc ông hiểu ý tôi muốn nói gì. Họ không thể làm quen được với người lạ. Thật là tồi tệ.
- Đúng vậy, chẳng tốt đẹp tí nào.
- Tôi chẳng nghi ngờ ý tốt của bà Boynton. Đó là sự hy sinh rất lớn từ phía bà ta mà thôi.
- Thế họ ở nhà suốt ngày sao ? Tiến sĩ Gerard hỏi.
- Vâng.
- Không cậu con trai nào đi làm ?
- Không, tại sao phải vậy. Ông Elmer Boynton là một người giàu có. Khi chết đi ông ta để hết lại tài sản cho bà Boynton. Số tiền đó được hiểu là tiền dùng trong sinh hoạt gia đình.
- Thế có nghĩa là họ phải phụ thuộc tài chính vào bà ta ?
- Đúng vậy. Và bà ta khuyến khích họ ở nhà, không cần phải ra ngoài, không cần phải kiếm việc. Ồ, có lẽ điều đó là đúng đắn, họ có rất nhiều tiền. Họ không cần phải đi làm, nhưng theo tôi làm việc sẽ là một thang thuốc bổ đối với cánh đàn ông trong gia đình đó. Còn một điều này nữa. Chẳng ai trong số họ có một sở thích nào cả. Họ không chơi gôn. Họ không tham gia bất cứ câu lạc bộ nào. Họ cũng chẳng đi khiêu vũ hay tham gia bất cứ một hoạt động nào với những thanh niên khác. Ngôi nhà của họ ở đằng sau một hàng rào lớn trên đường ra thành phố, cách xa mọi thứ xung quanh đến hàng dặm. Tiến sĩ ạ, tôi thấy tất cả chuyện đó là rất sai trái.
- Tôi cũng thấy thế. Tiến sĩ Gerard nói.
- Chẳng ai trong số họ có một hiểu biết tối thiểu về xã hội. Họ thiếu cả cái được gọi là tinh thần cộng đồng. Họ có thể là một gia đình rất đoàn kết nhưng chỉ là họ tự khép kín mình lại mà thôi.
- Thế chẳng ai trong số họ có ý kiến gì sao ?
- Ngoại trừ những gì mà tôi vừa nghe thấy còn lại họ chỉ có ngồi suốt ngày.
- Thế ông đổ lỗi chuyện đó cho bản thân họ hay cho bà Boynton ?
Jefferson Cope khó nhọc chuyển động.
- Vâng, nói một cách nào đó, tôi cho rằng bà ta không ít thì nhiều cũng phải chịu trách nhiệm về việc này. Cũng vậy, khi một người con đến tuổi trưởng thành, thì tự bản thân họ phải vượt qua cái trở ngại của mình. Không một người con trai nào bị buộc phải bám váy mẹ. Tự anh ta phải chọn cách sống độc lập.
Tiến sĩ Gerard suy tư nói:
- Điều đó đối với họ có lẽ là không thể được.
- Tại sao là không thể được.
- Ông Cope ạ, người ta có những phương pháp để ngăn không cho một cái cây lớn thẳng.
Ông Cope trố mắt nhìn Gerard.
- Nhưng thưa tiến sĩ, họ hoàn toàn khoẻ mạnh mà.
- Tinh thần cũng có thể bị cằn cỗi và mắc bệnh giống y như thể xác vậy.
- Nhưng đầu óc họ cũng rất bình thường.
Gerard khẽ thở dài.
Jeffrson Cope tiếp tục:
- Không thưa tiến sĩ, hãy xem ngay bản thân tôi đây này, một người đàn ông phải biết làm chủ được số phận của chính mình bằng chính bàn tay của mình. Một người đàn ông biết tôn trọng bản thân mình thì cũng phải là người biết vượt ra khỏi chính bản thân mình và làm cái gì đó cho cuộc đời mình. Anh ta không thể chỉ có ngồi và vặn vẹo các ngón tay được. Không một người phụ nữ nào phải tôn trọng những người đàn ông như thế.
Gerard nhìn ông ta một cách tò mò. Rồi ông nói:
- Tôi biết ông muốn ám chỉ ai, ông muốn nói tới Lennox Boynton phải không?
- Đúng, tôi nói đến Lennox Boynton đấy. Raymond thì vẫn chỉ là một đứa trẻ, nhưng Lennox thì không, anh ta đã ba mươi tuổi, dù tuổi để anh ta làm được cái gì đó, chứng minh bản thân mình.
- Cuộc sống không mấy dễ chịu cho vợ anh ta phải không?
- Tất nhiên cô ấy chẳng sung sướng tí nào! Nadine là một cô gái tốt bụng. Tôi không biết phải thán phục cô ấy như thế nào. Cô ấy chưa bao giờ phàn nàn điều gì cả. Nhưng tôi biết cô ấy không hạnh phúc, tiến sĩ Gerard ạ. Cô ấy không được hạnh phúc đâu.
Gerard gật đầu.
- Tôi không biết là ông nghĩ gì, tiến sĩ Gerard, nhưng tôi nghĩ sức chịu đựng ở người phụ nữ cũng chỉ có hạn thôi ! Nếu là Nadine, thì tôi đã bỏ phéng Lennox từ lâu rồi cho dù anh ta có bắt tay vào làm việc và chứng minh được bản thân mình hay không. Cô ấy có thể làm được một điều gì khác nữa …
- Điều gì khác nữa, ông nghĩ là cô ấy nên bỏ Lennox ư ?
- Cô ấy còn phải sống cuộc sống của riêng mính chứ, tiến sĩ Gerard . Nếu Lennox không coi trọng cô ấy như cô ấy đáng được như thế thì, những người đàn ông khác có thể làm được điều đó hộ anh ta.
- Ví dụ như ông có phải không ?
Khuôn mặt của người đàn ông Mỹ phút chốc ửng đỏ. Rồi ông ta nhìn thẳng vào người nói chuyện với mình với một sự khẳng định giản dị nhưng chắc chắn.
- Đúng thế, ông ta nói. Tôi không cảm thấy xấu hổ vì những tình cảm mà tôi dành cho cô ấy. Tôi tôn trọng cô ấy và tôi rất, rất gắn bó với cô ấy. Tất cả những gì tôi muốn là cô ấy phải được hạnh phúc. Và nếu như cô ấy hạnh phúc với Lennox thì tôi sẽ rút lui và sẽ quên chuyện này đi ngay lập tức.
- Còn nếu không ?
- Còn nếu cô ấy không hạnh phúc, tôi sẽ đứng bên cạnh cô ấy ! Nếu cô ấy cần tôi, tôi luôn luôn bên cạnh cô ấy !
- Ông đúng là một người kỹ sĩ hào hoa tuyệt vời đấy. Gerard lầm bầm.
- Xin lỗi ông, nhưng sao cơ ?
- Thưa ông thân mến, thời bây giờ, những người hào hoa phong nhã chỉ có ở nước Mỹ mà thôi ! Ông hài lòng được phục vụ người phụ nữ mà mình yêu bất chấp việc cô ấy có yêu ông hay không ! Điều đó thật đáng ca ngợi ! Thế chính xác ra là ông muốn làm gì cho cô ấy ?
- Ý tưởng của tôi là sẽ ở đây, ngay cạnh cô ấy bất cứ khi nào cô ấy cần đến tôi.
- Thế, xin lỗi nếu tôi hỏi thế này, thái độ của bà mẹ đối với ông như thế nào ?
Jefferson Cope chậm rãi trả lới :
- Tôi chưa bao giờ hiểu được bà ta. Như tôi vừa nói với ông, bà ấy không thích giao tiếp với bên ngoài. Nhưng đối với tôi thì khác, bà ta luôn tỏ ra dịu dàng và đối xử với tôi như người trong gia đình vậy.
- Trên thực tế bà ta chấp nhận mối quan hệ của ông với bà Lennox ?
- Đúng vậy.
Tiến sĩ Gerard khẽ nhún vai.
- Điều đó nghe có lẽ là hơi không bình thường ?
Jefferson Cope cứng rắn nói :
- Tôi xin đảm bảo với ông. Tiến sĩ Gerard ạ, chẳng có gì là sai trái trong mối quan hệ của chúng tôi cả. Nó hoàn toàn thuần khiết.
- Thưa ông, tôi tin tưởng vào chuyện đó. Tôi xin nhắc lại, dù bà Boynton có khuyến khích mối quan hệ này thì đó cũng chính là một hành động không bình thường của bà ta. Ông biết đấy, ông Cope, bà Boynton làm tôi rất chú ý. Bà ta khiến tôi tò mò ghê gớm.
- Bà ta chắc chắn không phải là một con người dễ quên. Bà ta có một tính cách mạnh mẽ, một cá tính nỗi bật. Như lúc nãy tôi có nói, ông Elmer Boynton chẳng phải rất tuân theo mọi xét đoán của bà ta đó sao ?
- Ông ta chắc chắn hẳn đã hài lòng khi phó thác cuộc sống của những đứa con cho bà ta. Theo luật pháp ở nước tôi, ông Cope ạ, điều đó là hoàn toàn không thể được.
Ông Cope lên tiếng.
- Ở Mỹ, ông nói. Chúng tôi có quyền tự do tuyệt đối.
Tiến sĩ Gerard lớn tiếng đáp lại. Ông không quan tâm đến chuyện nước Mỹ. Ông đã từng nghe rất nhiều người ở nhiều nước khác nhau nói như thế. Cái ảo tưởng rằng tự do là đặc quyền của con người rất phổ biển ở bất cứ nơi đâu.
Tiến sĩ Gerard lớn tiếng đáp lại. Ông không quan tâm đến chuyện nước Mỹ. Ông đã từng nghe rất nhiều người ở nhiều nước khác nhau nói như thế. Cái ảo tưởng rằng tự do là đặc quyền của con người rất phổ biến ở bất cứ nơi đâu.
Tiến sĩ Gerard khôn ngoan hơn. Ông biết rằng không một chủng tộc nào, không một đất nước nào và không một cá nhân nào được coi là hoàn toàn tự do. Và ông cũng biết rằng ở mỗi nước, sự lệ thuộc cũng tồn tại ở các mức độ khác nhau. Ông đi ngủ với nhiều suy nghĩ thích thú trong đầu.