Trần Kim Trắc là một người lính 307, theo những gì tôi biết thì cuộc đời ông cũng có nhiều truân chuyên. Tuy nhiên những truyện ngắn của ông luôn toát lên sự hóm hỉnh nhẹ nhàng mà sâu sắc, tràn đầy tinh thần lạc quan, vui tươi một cách tự nhiên và giản dị, ko hề gượng ép, ko hề "hô khẩu hiệu".
Sưu tầm được một vài truyện ngắn của ông, post lên đây, trước là chia sẻ với mọi người, sau là kiếm ít tiền chơi xì zách, hà hà :D
Tôi tháp tùng theo đoàn nhà văn, nhà báo đến thăm trại cải tạo để tìm đề tài sáng tác. May mắn lại được gặp anh Năm Ngôn là bạn kháng chiến ngày xưa, nay phụ trách giám thị ở đây nên được tiếp xúc chung và riêng đối với phạm nhân rất dễ dàng.
Anh Năm đưa chúng tôi đến từng trại, đầu tiên là một trại nữ phạm - đa số là chị em bán phấn buôn hương khi còn ở ngoài đời.
Theo nề nếp, khi được báo trước có khách đến thăm chị em đứng dậy chào, nghiêm chỉnh như một lớp học. Đột nhiên, tất cả kêu thét lên, người cúi mặt xuống, người ngoảnh đi che tay, còn bao nhiêu dồn vào một góc, túm tụm vào lưng nhau khi một anh phóng viên nâng máy ảnh quay phim chỉa ống kính vào họ.
Duy chỉ có một cô - tuổi trên dưới ba mươi, suối tóc mềm, ánh mắt lung linh, nếu ở ngoài đời có chút lụa là son phấn khối kẻ phải điêu đứng - bình thản nhìn vào ống kính mỉm cười pha chút mỉa mai. Không vội vàng đánh giá cô là hạng lõi đời nhưng tôi có cảm giác cô này sống nội tâm đây.
Sau nửa tiếng giao lưu, mọi người bước ra, tôi chậm lại. Khi đi qua gần một cô trẻ tuổi xinh đẹp, tôi ghé tai nói khẽ:
- Sao cháu không đi thi hoa hậu?
- Cái bác này! Cháu xấu như ma ấy!
Nói xong cô đi vào một góc ngồi xuống có vẻ thẫn thờ. Tôi lại ái ngại tự trách đã để lời khen không phải lúc.
Khi các chị em ra ngoài phân phối cuốc xẻng, quang gánh để đi làm, tôi lân la đến gần cô gái không che mặt khi nãy:
- Có thể làm quen được không (mỉm cười đáp lại), tên của cô?
- Dạ cháu tên Tươi, Nguyễn Thị Tươi! Đó là tên cúng cơm. Trong "giới" quen gọi là Mimô.
-Sao lại thiếu một âm (xa)?
- Lỡ chừng xuân mà bác!
- Tôi tò mò một câu được không: lúc quay phim tôi thấy cô rất thản nhiên?
- Nghĩa là tại sao không che mặt như chị em phải không? Vì mỗi con người trong họ ít ra cũng còn chút nhân phẩm...
Tôi nói trống không: "Vậy là tôi tìm đúng địa chỉ rồi...".
- Cuộc đời cô ít ra cũng bằng một quyển tiểu thuyết.
- Vậy ra bác là nhà văn.
- Sao cô biết?
-Vì con mắt bác đa tình lắm... Xin lỗi bác đừng hiểu theo nghĩa vớ vẩn - năm ngón tay cô bơi trong không khí - mà theo nghĩa có nhiều tình cảm như thương hết mọi người, chẳng hạn!
- Cô học đến lớp mấy?
- Dạ đại học năm thứ hai dở dang... Chữ nghĩa trả thầy hết rồi bác ạ!
Chiều hôm ấy đội bóng của trại thi đấu với đội bóng lâm nghiệp, đá chân đất nhưng mặc áo mayô màu có in số cầu thủ, đến đêm lại tổ chức liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn. Hội trường trang hoàng rực rỡ, điện máy nổ phát sáng trưng, sân khấu của hội trường trên thành phố chưa hẳn là hơn. Tôi chọn chỗ ngồi lẫn giữa chị em phạm nhân, tất nhiên là bên cạnh Mimô.
Nhạc trỗi lên, một cô áo dài đứng cao bên trong lĩnh xướng, một đoàn diễn viên cầm quạt múa theo và liên tiếp thay phiên nhau các đội hình khác biểu tượng cho các giới trí thức, lao động ngoài đời, nam có, nữ có. Bao nhiêu y trang đẹp nhất xếp kỹ trong gói để chờ ngày được tự do đều đem ra diện, phấn son và cả nước hoa nữa.
Anh phóng viên tha hồ bấm máy. Cũng chiếc máy quay phim ấy lúc ban sáng, cũng người cầm máy ấy, đối tượng ghi hình vẫn là những chị em ấy nhưng ai cũng nhoẻn miệng cười làm duyên trước ống kính, muốn phóng viên đến gần mình hơn, muốn ánh sáng rọi chiếu hình ảnh thật rõ dáng hình.
Mimô hỏi tôi:
- Bác biết rồi đó! Vì sao hồi sáng chị em che mặt giấu mình, bây giờ cũng người ấy, máy ấy chị em lại phô diễn rất vui vẻ hồn nhiên.
- Vì sao?
- Vì ông nhà báo và cái ống kính hồi sáng là tò mò, soi mói. Còn ống kính ấy, nhà báo ấy bây giờ lại tình cảm và ca ngợi...
Tôi thầm nghĩ: "Cảm ơn cô gái! Cô cho tôi thêm một bài học nghề nghiệp quá ư sáng giá...".
- Ngày mai cô có vui lòng tiếp chuyện với tôi được không, tất nhiên tôi sẽ xin phép giám thị, nhưng quan trọng nhất vẫn là khách mời có tin cậy và coi nhau bình đẳng, không ngăn cách bằng bức rào mặc cảm tự ti.
- Vậy hả bác? Lâu nay cháu chưa được gặp đối tượng nào để rửa óc cho hả nên ngứa miệng lắm. Cháu đồng ý nhưng buổi sáng thôi. Buổi chiều cháu phải dạy văn hóa cho anh chị em phạm. Bác Năm Ngôn bảo ở tù một năm mà không học thêm một lớp văn hóa coi như uổng công cải tạo...
Sáng sớm, tôi ra vườn rau nơi hiện trường lao động cải tạo, bảo vệ cho phép cô đến tiếp chuyện tôi dưới bóng cây râm mát.
- Cô có hút thuốc không?
- Còn gì bằng.
Tôi moi túi xách lấy bao thuốc lá "ba số".
- Bác hút "Sài Gòn", sao lại mời "ba số"?
- Gu của tôi là "Sài Gòn", cái này dành cho khách.
- Ông già điệu đàng quá!
Tôi tỏ ra quan tâm:
- Dịp lễ này cô chắc có trong diện được ân xá?
- Sao bác đoán chắc thế?
- Tôi luôn luôn ước ao chuyện tốt lành.
- Xét về chấp hành nội quy, biểu hiện tốt, lao động tốt, không nói năng bừa bãi, không bè phái mất đoàn kết thì xứng đáng đặc xá... Nhưng thấy bác vui tính cháu chẳng giấu, về mặt tự giác thì có lẽ cần xét lại... Mà cháu thật lòng hỏi bác, đối với một người có lịch sử như cháu, trước mắt là một phạm nhân, ngoài đời là một gái bán thân, cảm nhận hay nói đúng hơn là sự đánh giá của bác thế nào?
- Nếu cháu bảo bác tự đánh giá mình có lẽ bác có nhận xét đúng về mình, còn đánh giá người khác có lẽ người lớn tuổi chủ quan hơn cả. Người già mà là nhà văn càng dễ dại dột hơn bất cứ ai, vì họ để cái đầu sai khiến nhưng lại nhầm lẫn đó là trái tim. Trăm năm của một đời người đúng hay sai, tòa án là một điểm dừng chân để nhận sự phán xét, còn bước tiếp của cả cuộc đời tự thân mỗi con người chọn lấy hướng mà đi, đâu có ai dắt tay mình mãi được.
- Nếu bác đã nghĩ vậy, cháu ngại gì mà không kể cho bác nghe.
Last edited by khungcodangcap; 04-10-2008 at 11:04 PM.
Nhà cháu có ba chị em. Cháu là lớn, khi trưởng thành làm lý lịch để đi học mới hay cha cháu họ Phạm mà chúng cháu lại mang họ Nguyễn.
Thắc mắc hỏi mẹ.
Cha cháu mất sớm. Mẹ cháu một nách ba con như cây mất gốc. Mẹ cháu đành đi bước nữa với ông giáo làng. Ông nội cự tuyệt thẳng thừng, cho rằng thuyền theo lái gái theo chồng, chồng chết theo con, đi bước nữa là trái đạo. Mẹ cháu không vâng lời nên bị truất quyền thừa kế nhà chồng, ruộng chia lấy lại, nhà cửa dỡ đi. Mẹ cháu nách con về quê cũ. Ông ngoại cháu cả giận nên đoạn giao, ngày khai hộ tịch ông xóa họ nội, ghi thành họ ngoại nên tên cháu trong chứng minh là Nguyễn Thị Tươi. Nghe đâu trước khi nhắm mắt, ông nội cháu có nghĩ lại muốn giải oan để được thanh thản về bên kia thế giới, có trối lại dặn dò hằng năm người con út, là chú ruột của cháu, đã thừa kế phần ruộng đất của cha cháu, ngày tết phải có mâm quả làm quà cho ba mẹ con cháu đến hết đời.
Từ lúc cháu bắt đầu hiểu, cứ sắp tất niên năm nào như năm nào, một chiếc xuồng cập bến, cháu thấy chú út bê lên một thúng nếp, trên xếp đầy cam sành. Mãi sau này mẹ cháu mất rồi, cháu lưu lạc lên thành phố có nhà cửa rồi, giáp tết chú út vẫn khệ nệ bê lên một thúng nếp đầy cam và hai con vịt.
Người cha kế của cháu, nhà giáo nghèo nhưng chuộng chữ nghĩa học vấn. Nhờ ông mà ba chị em cháu đều học tới đại học. Tiếc rằng ông mất sớm nên mẹ cháu như mất một cánh tay. Nếu không có cái tang ấy, có thể cháu không rẽ vào bước ngoặt định mệnh đưa đẩy cuộc đời đến sự thể như ngày nay.
Bảo là đổi họ nhưng làm sao thay được giống dòng. Kiến họ với nhau sao dứt được sợi dây ràng buộc. Nên họ hàng bên nội, bên ngoại, người lớn kèn cựa với nhau ra sao đi nữa, cháu con hậu duệ đâu thể coi nhau là người dưng. Ông nội cháu khó tính nên hai người cô của cháu đều quá lứa lỡ thì. Cô Năm cháu, gái già cô độc, lại giống tính ông cháu đạo đức quá độ nên rất thích dây vào chuyện của người khác. Đã thế còn suy phận mình nên nhìn đứa cháu gái nào bà vừa lo bom nổ chậm, vừa sợ chúng ế chồng, phải kiếm chỗ gả tống đi để nhà khác khỏi xí mất phần.
Cháu học hết năm thứ hai đại học, về quê nghỉ hè là phải nghỉ luôn. Không còn ba kế cháu nâng đỡ tinh thần lại vì kinh tế thúc bách, bà cô lại làm áp lực theo quan niệm thiển cận của bà, tự dắt mối đến.
Đám dạm hỏi như trên trời rơi xuống. Họ nhà trai đi một xe lam đầy, ba bà cô bắt cháu phải chải gỡ tươm tất, bưng nước ra để người ta xem mặt. Nhận thấy vẻ hợm mình hớn hở, đầu chải sáp thơm láng coóng của hắn cháu đã thấy không ưa. Tình yêu là ưng phải không bác? Vừa bụng thấy là ưng liền đâu có đợi xét nét này nọ. Không hiểu sao lúc ấy tự dưng cháu khôn thế! Cháu giở cái trò xét tiêu chuẩn ra để phá đám. Nào tại sao anh chọn tôi, nào điều kiện nào để có hạnh phúc...? Anh ta khoe học vấn, khoe chức danh, khoe tiền của, khoe đối xử bình đẳng... Cháu bất ngờ xỉa cho một câu hỏi: "Anh có tật xấu gì không? Nhược điểm của anh là gì?". Tất nhiên anh chàng cà lăm không đáp được. Bọn con trai có bao giờ xét tật xấu của mình phải không bác! Cháu phăng teo ngay cho một câu: "Anh chưa hiểu được mình làm sao hiểu được vợ, tôi khó tính lắm anh khiển không nổi đâu. Đi tìm đám khác đi!".
Các cô giũa cho cháu một trận nên thân, bảo già kén là chết giá. Nhưng các bà không chịu thua, lại đưa đến một đám nữa. Lần này có kinh nghiệm, cháu hỏi ngay một câu: "Anh đã từng yêu ai chưa?...". Tất nhiên hắn ta nói dối rằng "còn trinh", cháu bồi cho anh ta cụt hứng ngay: "Sao anh hèn vậy? Hai mươi tám tuổi chưa hề yêu cô nào. Tôi con gái chưa quá hai mươi tuổi đã qua mấy đời bồ rồi!".
Mấy bà cô tức điên lên được, còn cháu dư biết rằng khó sống nổi với nếp nghĩ của các bà, ngày hôm sau cháu xách gói vù luôn cho đến bây giờ.
*
* *
- Tôi tiếc cho cháu quá - Nói xong câu này tôi biết ngay mình lỡ lời, hơn nữa tôi đã méo nghề, nhà văn phải lắng nghe đối tượng đến cùng, không nên sớm bộc lộ thái độ, ai dám nói hết sự thật sâu kín để mình khai thác. Tôi đổi hướng - Trước cháu học về môn gì?
- Dạ khoa học xã hội. Cháu lại là con mọt sách. Nghề của chúng cháu, ngoài việc cho đàn ông mua vui còn có làm gì ngoài đọc sách. Không có chúng cháu, sách của các bác chắc phải in ấn ít hơn. Cháu nói vui bác đừng giận. Hồi còn đi học, thầy cô bảo học và hành. Nhưng nhờ có đi ở tù bây giờ cháu thấy thêm: còn nghiệm nữa! Học - nghiệm - hành mới đủ nghĩa. Bác cho cháu điếu thuốc nữa đi, cháu sẽ nói cho bác viết một quyển tiểu thuyết.
- Cháu có chồng chưa?
- Cháu có! Một cục cưng giỏi, hiền lành và rất bô trai (mỉm cười), đi với một trăm người đàn ông không bằng một đêm với anh ấy! Anh ấy có đặc điểm mà Võ Hậu ngày xưa ưa thích nên còn có biệt danh là Hai Nạng.
- Xem ra cháu yêu chồng lắm?
- Dưới mắt của thế giới đạo đức, bọn buôn phấn bán hương như cháu làm gì có tình yêu. Nhưng thật ra cũng có đấy bác. Cháu sống với anh này, tình bạn ngày càng được củng cố. Nghe ngược đời lắm phải không bác, nhưng mà đích thực có đấy. Anh ấy đến với cháu thường xuyên, đôi ba ngày, cao lắm là năm ngày, ăn bánh rồi trả tiền thôi. Với kẻ khác xong rồi là vất xuống lề đường, đi đâu thì đi, có khi không cần biết tên, không buồn nhớ mặt, nhưng với anh ấy thấy vắng lại mong, còn về phía ảnh hết tiền không dám tới thôi mà. Một dạo khi lâu không thấy anh ấy đến, tình cờ gặp ảnh trên đường tự dưng cháu thốt lên tự đáy lòng: "Sao anh không đến? Không có tiền cũng được, không sao đâu!".
Sau lần ấy, chúng cháu đến với nhau như đôi bạn tình. Ba bốn năm sau cháu mua được nhà, anh ấy không có đóng góp xu nào đâu nhưng thật ra là tiền của ảnh, vì từ khi nghĩ đến vấn đề chung sống, cháu không bạt mạng buông thả tiêu xài mà bắt đầu biết dành dụm. Thiên hạ khởi đầu bằng tình yêu, kết thúc bằng sự ham muốn. Vợ chồng cháu khởi đầu bằng sự ham muốn, kết thúc bằng tình yêu... Sao bác lại thở dài? Bác muốn bố thí cho cháu tí xót thương ư? Không cần đâu bác, cháu rất hạnh phúc. ba mươi sáu cửa chừa một cửa để lấy chồng mà! Với cháu, cái cửa ấy đã có người bước vô rồi, tin cậy và bảo đảm, mặc dù bây giờ cháu đang ngồi tù. Xét cho cùng, bọn bán phấn buôn hương như cháu còn hơn khối kẻ dơ dáy khác, từ anh chánh văn phòng cất công xách xe đi Vũng Tàu thuê khách sạn cho sếp chơi gái để hưởng phần trăm hoa hồng bỏ túi, anh có cỡ hơn được món hối lộ, anh thương gia giỏi lừa được một cú phe, cho đến cả mấy anh nước ngoài mang đầy ngực cái mác kinh doanh đầu tư đều phải đem tiền nộp cho bọn cháu không cần sổ sách... Bác lại thở dài rồi, cho cháu điếu thuốc nữa đi! Trông bác giống ông ngồi ở tòa án quá. Ông ấy xử cháu mà ông ấy không vui. Cũng thở dài...
- Vừa rồi cháu nói là học - nghiệm - hành, vậy có thể nói cho bác nghe cho đến bây giờ cháu nghiệm được gì?
- Đàn ông họ bỏ tiền ra, người nào cũng đặc đầu óc đầu tư có lãi, xài cho đáng đồng tiền nên có kẻ muốn chiếm trọn thân xác, linh hồn mình để chà đạp, để hưởng thụ. Cầm được đồng tiền của họ sau đó là triền miên lo âu sợ hãi không biết có dính thai hay không, họ có đổ bệnh cho mình không? Tinh lực hao mòn, nhan sắc tàn phai nhanh chóng... Kẻ nào trong bọn cháu may mắn lập được gia đình rồi lại day dứt nhớ câu nói của người xưa: "Cưới ** làm vợ, không ai cưới vợ về làm **", nhưng đâu dễ dàng kiếm nghề gì để làm ăn khi có một dĩ vãng chẳng ra gì!
Kẻng đổ hết giờ nên phải đứng dậy, lấy cái nón lót ngồi đội lên đầu, cô tranh thủ nói thêm:
- Bởi vậy làm sao nghiệm đúng được nếu không có xã hội ra tay vớt. Có gì bác hỏi thêm ông Năm Ngôn.
Tôi nói với anh Năm Ngôn rằng tiếc cho cô gái có hiểu biết, không biết rồi đây trở lại ngoài đời làm sao thoát được cái thiên la địa võng của đồng tiền cám dỗ.
- Anh đừng lo, nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là trừng phạt mà đưa họ trở về vị trí làm người lương thiện. Trưa nay anh đi với tôi!
Anh Năm Ngôn đưa tôi xuống một chiếc xuồng gắn máy phóng toé nước trắng xoá. Gió của biển của rừng mát rượi. Nhọc mệt quên đi theo cảm giác như đang lao tới tương lai. Xuồng rẽ vào một con kênh mới đào thẳng tắp. Trên bờ đất là nhà cửa mới mọc lên khoảng cách đều nhau, cột tràm mái lá đơn sơ thôi nhưng có trẻ em nô đùa, trên sân có gà, có heo, có máy công nông cày đất, nhà nào cũng có ăngten trời.
Anh Năm Ngôn đưa tay ra hiệu cho máy chạy chậm lại để nói:
- Anh đừng tưởng ở đây chúng tôi chỉ có phạm nhân, phía bên trái này là công nhân tự do của chúng tôi. Anh chị em nào hết án, ra trại nếu lưu luyến với mảnh đất này, muốn ở đây làm lại cuộc đời lương thiện, tôi cấp đất cho làm nhà, sản xuất tự túc rồi làm giàu. Có những gia đình muốn được ở gần thân nhân phạm trọng án, kéo lên xin lập nghiệp tôi cũng xin Nhà nước cấp đất. Nhà này của Bảy Rỗ, anh chị khét tiếng Cây Da Xà. Nhà này là tay anh chị trấn lột xe khách trên đường 4. Nhà này chủ hụi vỡ nợ bạc tỉ. Nhà này là tay kế toán xí nghiệp ghen tuông giết vợ. Thằng này hiếp dâm... Hàng trăm nhà như thế, mỗi nhà tám mươi thước đất mặt tiền, còn sâu vào trong sức tới đâu làm tới đó, đất rừng thiếu cha gì! Còn phía bên phải này công sở và nhà máy sẽ mọc dài dài đến lập làng - Anh cười hề hề - Để rồi anh xem! Nghe nói Nữu Ước hồi xưa cũng khởi thủy từ những kẻ lưu đày mà! Đó, cái cụm mới xây này là trường học cho trẻ.
Ông Năm Ngôn ra hiệu cho xuồng cập bến một ngôi nhà. Nhìn lên vách thấy treo một bức ảnh phóng to, một cháu gái cỡ năm, sáu tuổi đang ngồi nhai khoai mì nướng xem tivi.
- Ba đâu?
- Dạ ba ngoài ruộng.
Chúng tôi theo chân cháu ra đường đi dọc theo hàng dừa tơ vừa xây tán. Có những liếp dây bí bò xanh um, những quả bí đỏ phơi mình đây đó đếm không xuể, xa nữa là những giàn bắt chéo thẳng tắp trồng khoai mỡ. Phần đất gần nhà lập vườn, đào ao nuôi cá, bên ngoài nữa là ruộng có cắm mốc nhưng không có đắp bờ ranh để cơ giới làm đất cày bừa chung. Ruộng ai nấy cấy, thu hoạch lấy, thanh toán tiền thuê máy móc xăng dầu bằng lúa khi cuối vụ.
Đang vớt đất lên liếp, trông thấy chúng tôi anh chàng trung niên buông xẻng khoát nước rửa tay vội vã bước lên mừng rỡ.
- Đây là chồng của cô Mimô, còn đây là vị khách tham quan - Ông Năm Ngôn giới thiệu. Tôi đưa tay, anh ngần ngại vì tay còn ướt nhưng rồi cũng bắt tay thật chặt. Tôi khen:
- Khá lắm! Dân Sài Gòn về quê làm ăn coi được lắm.
- Cũng vì tình thôi bác à! Cô ấy đang ở trong trại, cháu ở trên Sài Gòn làm sao yên. Cháu xuống đây là để chia sẻ với cô ấy.
- Vậy anh bạn tính ở đời luôn nơi đây sao làm dữ vậy, như anh dân cày chính cống?
- Quen đi bác ơi! Được hạt lúa củ khoai rồi cũng thấy ham đất lắm. Không có tình với đất lấy gì để có tình với người phải không bác.
- Nhưng sau này khi mãn hạn, cô ấy có bằng lòng ở đây với anh không?
- Hoàn toàn là ý kiến của vợ cháu, có bác Năm đây cố vấn. Sau lần thăm nuôi ấy cháu lập tức về bán nhà, có số vốn kha khá lên đây lập nghiệp. Lần sau bác về đây có nhà máy gạch của trại rồi, cả xóm này sẽ lên nhà ngói để rước bác. Nếu 2-9 năm nay cô ấy được ân xá, nhờ ơn bác Năm cô ấy sẽ là cô giáo dạy ở bên trường mới xây bên kia bờ. Còn cháu làm vườn, làm ruộng, chăn nuôi. Vợ chồng hủ hỉ với nhau nuôi con, cực một chút mà có tương lai, khỏi nơm nớp lo âu như trước. Còn chút nhân phẩm cần có đất mới để gieo trồng.
Tôi trở về trại, kể lại lời nói của chồng cho vợ nghe. Cô Tươi còn cắp quyển vở giáo viên trong lớp học trại viên ra, ngẩng mặt nhìn lên bầu trời bao la của vùng sông nước, chép miệng:
- Gần một nghìn ngày đêm suy ngẫm rồi không vỡ lẽ sao được hả bác. Hoàn lương khó lắm bác ơi! Nếu trở lại chốn phồn hoa nơi đồng tiền ngự trị làm sao tránh khỏi cám dỗ để đi theo vết cũ. Chẳng hóa ra ba năm cải tạo thành công cốc ư? Trở lại kiếp người đâu phải dễ.
- Vậy tôi mừng cho cách nghiệm của cô.
- Bác nên cám ơn bác Năm đây hơn. Chính bác ấy mới là người đưa tay dắt chúng cháu trở lại kiếp làm người, có ai làm nổi hở bác!
-/-
Last edited by khungcodangcap; 04-10-2008 at 11:20 PM.
Cháu bé nũng nịu. Để không làm phiền, ông đang có khách, mẹ vội vàng dắt tay ra đường. Lúc trở vào bé ôm chặt một chai Pepsi, vừa lẫm đẩm bước vừa hút ngon lành.
Ông khách nhà văn lắc đầu: "Trẻ bây giờ đứa nào cũng thích Pepsi - CoCa, thảo nào một nhà báo Mỹ hỏi ông cựu binh ta: "Ông nghĩ gì khi giới trẻ Việt Nam bây giờ uống nước giải khát Mỹ, mặc quần áo mang mác Mỹ?".
Ông nội cháu cười:
- Anh muốn nói là con cháu ta sẽ thành Mỹ hết phải không? Nhà văn anh khéo lo quá! Anh đừng lo! Đến hai lăm, ba mươi tuổi anh có cho nó cũng không thèm. Đến lúc ấy chúng sẽ chỉ thích cái này, hề... hề... ông vừa nói vừa đưa chai đế Gò Đen lên - Của ngọt để dụ con nít - con muốn lấy lòng một dân tộc như mình cần những thứ này: canh chua và cá kho tộ... Nào, vô đi! Năm mươi phần trăm!
Khách uống cạn dằn ly xuống bàn tỏ ý hòa đồng.
- Tôi phục thằng cha này! Luôn luôn có ý kiến lắc léo, rất độc đáo thảo nào hồi chín năm anh em bộ đội gán cho anh biệt danh là "NHà HIềN TRIếT".
Nhà hiền triết dân gốc Trà Ôn, tên cúng cơm là Nguyễn Văn Khoẻ vào bộ đội 307 lấy bí danh là Cần - Đến thời nằm vùng lúc Mỹ Ngụy tiếp quản Tỉnh ủy bí mật Bạc Liêu bảo đổi danh tánh sợ chọn tên đẹp dễ trùng tên với đồng bào nhỡ có lộ hành tung giặc truy tìm nhằm tên người khác khổ cho bà con, bèn chọn cái tên thật xấu là Cù, Tư Cù. Trước Cần giờ là Cù "Cần Cù" không kỵ úy với bất cứ tên ai.
Trong tiểu đội có hai anh trùng tên Lộc - Đơn vị bảo gọi Lộc A và Lộc B cho phân biệt. Nhà hiền triết thấy thiếu hình tượng bèn gọi theo ý mình: anh có nước da đen là Lộc Chà, anh thứ hai là Lộc Na vì mặt rỗ trông giống như hột na (mãng cầu). Vậy là con chữ "A" "B" biến mất - Thư ký văn phòng cũng ghi luôn là Lộc Chà và Lộc Na vào sổ bộ.
Trung đội vận động mỗi tháng ra một tờ bích báo, mỗi chiến sĩ phải có một bài - mọi người viết văn, thơ, hò vè, xã luận chính trị - Nhà hiền triết chuyên vẽ tranh châm biếm.
Anh vẽ một chiếc xuồng ba lá trên dòng nước ngược, đằng mũi một anh gầy nhom ngồi bơi nhưng khẳm đến líp be, đằng lái chỏng ngược lên trời dầm bơi không tới nước mặc dầu chở một anh chàng mập ú miệng toe toét cười - Tiêu đề ghi dưới bức tranh bốn chữ "SAU KHI Tự PHÊ BìNH". Ngược đời nhưng thuận tâm, nghịch lý nhưng thuận ý muốn nói rằng sau khi tự phê bình tâm hồn ta nhẹ tênh thoải mái như anh chàng ngồi sau lái vậy.
Bức tranh khác vẽ mẹ vịt xiêm (ngan) dẫn một đàn con đông đúc tìm mồi, diều hâu trên cao xòe móng lao xuống, vịt mẹ quyết hy sinh vì đàn con bất kể móng vuốt cắm sâu vào thịt da, cắn cổ diều hâu dìm xuống bùn cho đến nghẹt thở. Cảnh tượng này ai sống ở miệt vườn đều có dịp trông thấy, không lạ, nhưng rất có ý nghĩa khi họa sĩ ghi vào bãi bùn ba chữ "Đầm lầy Việt Nam". Ai xem cũng hiểu diều hâu là thực dân sa lầy.
Còn nữa, bức sau này chia làm ba ô liền ý vẽ một chiếc nóp dựng đứng che không thấy người, phía dưới thò ra hai bàn chân lò dò đi về phía bên trong kê một chiếc giường có cô con gái chủ nhà nằm ngủ xõa tóc. Bên ngoài cửa nhìn vào có anh lính gác cầm súng chĩa vào, miệng hô khẩu lệnh từng ô:
- Cái nóp đi đâu ?
- Cái nóp đứng lại !
- Cái nóp nằm xuống ! Cái nóp ngủ đi !
Ô thứ ba vẽ cái nóp lật mũi tàu nằm xuống từ trong tia ra mấy chữ Khò! Khò! Ngoan lắm, giả vờ ngủ.
Từ cụ La Fontaine ngày xưa chuyên viết ngụ ngôn đến WalDisney ngày nay chuyên vẽ cổ tích, đã từng có cái bình tích biết nói, con sói giở lý lẽ để ăn thịt cừu hoặc đe dọa thỏ "Hãy đợi đấy!", chưa ai nhân hình hóa cái nóp biết đi. Có lẽ chỉ vì duy nhất có dân Đồng Tháp Mười biết nằm nóp và chỉ độc quyền đời lính mới có chuyện cái nóp biết đi và biết ngáy. Văn học hay khi nào độc giả thấy mình giống nhân vật trong truyện, "Cái nóp biết đi" hay đến cỡ nào thật khó đánh giá chỉ thấy lính ta anh nào xem cũng cười.
Cái nhà hiền triết xưa nay ngoài những đức tính triết gia còn cần có đức tính lạc quan là vậy đó! Thánh hiền chẳng phải đã mơ ước cho chúng sanh được yên vui là gì? Lạc quan là lẽ sống.
Sau một trận đụng độ với ruồng bố nhỏ, tiểu đội có một anh bị thương nằm dưới xuồng. Nhà hiền triết được phân công chèo xuồng đưa thương binh về quân y viện. Xuồng rẽ nước qua ngang một ruộng cấy; chị em thợ cấy trông thấy chạy ra hỏi thăm, lời lẽ mộc mạc:
- Anh ơi! Ảnh bị thương xương cốt có sao không anh?
Nhà hiền triết vừa chèo vừa đáp:
- Không sao đâu ! Gãy xương nhưng còn cốt.
Chị em ngớ ra một lúc, chừng hiểu được, mới xô nhau chạy toé nước, đấm nhau cười rúc rích. Anh chàng bị thương đang méo mặt rên hừ hừ cũng phải phì cười.
Trước trận đánh đồn Bảy Ngàn nhà hiền triết được đề bạt lên làm Trung đội phó, nắm một mũi đột phá. Sau khi dẫn quân trầm mình xuống nước tiếp cận vị trí xung kích, súng, bộc phá đã nổ, nhà hiền triết bị rào kẽm gai ngáng đường. Khẩu súng máy Lewis của giặc từ trên "tua me" quét đạn xuống, người được phân công lên trước cắt rào không thấy ra. Giờ phút quyết định này, khẩu lệnh động viên của người chỉ huy rất quan trọng. Người viết bài này được dịp nghe nhiều vị chỉ huy chiến trường ra khẩu lệnh. Nào là vì truyền thống, vì Tổ quốc, vì nhân dân hoặc vì trả thù cho đồng bào... Tiến lên! Chưa hề được nghe kiểu động viên của nhà hiền triết - Tiểu đội trưởng dưới quyền con trai ruột của ông Năm Châu nghệ sĩ bậc thầy cả nước biết tiếng, tên là anh Trúc Sơn. Nhà hiền triết vỗ vai Trúc Sơn động viên theo kiểu riêng:
- Ê ! Con trai Năm Châu ! Lên đi !
Nghe nhắc đến tên Cha, Trúc Sơn rút mã tấu chồm dậy, dùng sức cả hai tay, đứng thẳng, chém suốt dọc theo thân trụ sắt, toé lửa. Giây thép gai đứt phăng theo từng nhát chém, tạo ra một cửa mở cho đội xung kích xông vào bắt được xếp đồn tây vốn là chủ đồn điền tên Gressier và buộc hắn kêu gọi người em là Remy từ trên "tua me" ném khẩu Lewis xuống đầu hàng.
Trên đường áp tải tù binh rút về bờ kênh Nàng Mao dưới cơn mưa tầm tã. Khi chặt lá chuối cho anh em che đầu, Trúc Sơn nói với nhà hiền triết:
- Hồi nãy, anh động viên ác quá !
Nhà hiền triết cười khá:
- Thì lâu lâu cũng phải cho ông già cậu (tức nghệ sĩ Năm Châu) tham gia trận mạc với chứ !
Last edited by khungcodangcap; 04-10-2008 at 11:23 PM.
Tập kết ngược nghĩa là ra đến gần tàu lớn của Liên Hiệp đình chiến để chuyển quân ra miền Bắc, một chiếc ghe bí mật quay lái, người nằm xuống lấy chiếu phủ lên giả dạng ghe thương hồ, chèo ngược với đội hình trở lại rừng U Minh. Từ đấy đơn vị cũ không còn biết tung tích.
Mười hai người chọn toàn chiến sĩ thi đua còn gọi là gạo cội ở lại bí mật, nghe phổ biến là ở lại để bảo vệ Trung ương Cục.
Nhưng chèo về Thới Bình, vào địa chỉ liên lạc trong rạch Bà Hội mới hay chủ trương đã thay đổi - Có chỉ thị chôn dấu vũ khí, đạn dược. Lợi dụng chủ trương quy hồi của Ngô Đình Diệm, cài người của ta vào hàng ngũ đối phương để làm công tác binh vận, mặc áo lính Cộng hòa, bí mật hoạt động cách mạng, ngủ một đêm tới sáng đã ngồi trong đồn giặc, cầm súng cho giặc.
Tất nhiên trước khi ra "quy hồi" phải học để đả thông tư tưởng. Lúc lên lớp, nhà hiền triết ngứa miệng hỏi: "Gà bịt cựa làm sao đá?".
Edốp ngày xưa nói : Ngon cũng lưỡi - dở cũng lưỡi là nói nói người khác, còn nhà hiền triết của chúng ta lại tự thè lưỡi mình ra giữa thời buổi nghiêm trọng, tư tưởng của từng người được theo dõi rất kỹ.
"Gà bịt cựa" lỡ lời chỉ bấy nhiêu mà bị tách ra, cho ở lại, không được cử đi làm lính Cộng hòa - Rủi hay là may? Trong khi mười hai anh em cùng thuyền vài hôm sau đó được "ăn cơm quốc gia làm ma cộng sản" giữ tương đương chức vị hồi kháng chiến trong đồn bót của Ngô tổng thống.
Riêng nhà hiền triết phải lội bộ trở vô rừng tràm trình diện lại với Tỉnh ủy bí mật tỉnh Bạc Liêu - gặp ông Năm Chờ đại diện thường vụ. Đoán biết được tâm lý mặc cảm của anh bị ám ảnh vì sự không tin tưởng của lãnh đạo, ông Năm Chờ mỉm cười, vỗ vai thân mật bảo: "Có sao đâu! Gà bịt cựa không chịu đá thì mình ôm gà mình về".
"Ôm gà về" tức là phân công việc khác: rút vào bí mật bám dân, bám đất nằm vùng ở địa phương. Bấy giờ không còn ai gọi là hiền triết nữa mà là Tư Cù - hoạt động bí mật vùng Khánh Lâm đến Kinh Xáng Bà Kẹo.
Chiến tranh ở miền Nam sau hiệp định Giơ-neo-vơ là chiến tranh từ một phía. Một bên là chính quyền mới do Mỹ ngụy tiếp quản vũ trang đến tận răng tha hồ bắn giết chặt đầu máy chém, giết nhầm hơn tha nhầm - Một bên tay không chống lại bằng ý chí - Không thể có định nghĩa nào hợp lý để mô tả hình thái đối đầu kiểu ấy trong định luật đấu tranh.
Giặc âm mưu tát nước bắt cá tách đảng viên ra khỏi nhân dân để dễ bề tiêu diệt, thành lập ngũ gia liên bảo, bắt dân tố cáo lẫn nhau, một nhà dấu cán bộ, năm nhà phải tội - Bắt dân chuẩn bị đèn dây, gậy trống, thấy ai tình nghi lập tức nổi trống mõ rượt bắt, ai không làm bị buộc tội ủng hộ cộng sản.
Tư Cù cay đắng trong nỗi đau chung khi chính các trai trẻ ngày nào đó là con em của vùng kháng chiến nay buộc phải hò hét rượt đuổi, lùng bắt chính mình. Con hổ ở rừng xanh gặp thợ săn còn có bản năng ra nanh vuốt vồ lại. Còn chạy mãi, cái chết cầm chắc, mặt khác còn phải nghiêm chỉnh thi hành hiệp định, trong khi đối phương bất cần tha hồ tàn sát.
Làm sao đây ? Để phá rã âm mưu giặc giành lại được dân ?
Một cán bộ bị rượt nà, chạy gần đứt hơi, có khẩu súng lục, bèn rút ra quơ lên trời để răn đe, bọn trưởng ấp ác ôn thấy súng biết là không dám bắn càng thúc dân rượt đuổi - Buộc lòng, người bị săn phải nhảy xuống sông, nhờ bơi lặn giỏi mới thoát chết.
Rút kinh nghiệm vụ ấy, Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ thị tuyệt đối cấm thị uy bằng súng.
Tư Cù được phân công về bắt liên lạc với các nội ứng trong đồn bót, vừa dưới ghe bước lên rủi chạm mặt với tên tề xã. Hắn tìm cách lẻn về nhà lấy súng nổi trống mõ.
Tư Cù đánh bài chuồn - chạy đến đâu cũng nghe trống mõ. Người trong các nóc gia tràn ra hò hét bám đuổi, băng ra đồng sẽ sa xuống ruộng, nhảy xuống sông, nước thủy triều xuống trơ bãi bùn, buộc lòng phải chạy đường độc đạo. Phía sau đuổi theo mỗi lúc một gần.
Vượt qua cây cầu khỉ, chạy thêm một đỗi, hùng khí thuở chín năm nổi dậy, Bác Hồ chẳng đã dạy "Dĩ bất biến ứng vạn biến" (lấy sự không biến ứng phó với vạn sự biến)? - Phải ăn thua đủ cho dù không cân sức.
Tư Cù đột ngột đứng lại, lượm cành củi khô bẻ lấy một đoạn, quay phắt lại vạch lên mặt đường một vạch ngang - dõng dạc thét lên:
- Thằng nào ngon bước qua khỏi vạch này !
Cả bọn khựng lại lấm lét nhìn nhau.
Không để mất một giây - Tiếng chửi thề đúng lúc có uy vũ riêng của nó:
- Đ. ! Sao chưa chạy đi ! Còn đứng đó !...
Khi nghe mệnh lệnh, mọi người quay lưng cắm đầu chạy, cúi mọp mà chạy, ớn xương rờn rợn sợ bàn tay giấu trong áo ấy rút súng từ sau bắn tới, xô đẩy kêu la đến nỗi tên tề ấp ác ôn cầm súng ở phía sau không rõ tai họa gì xảy đến cũng tháo chạy.
Trở về sâu trong rừng tràm, Tư Cù gặp lại Tỉnh ủy báo cáo, ông Năm Chờ vỗ vai bảo:
- Gà bịt cựa mà đá được lắm ! Đúng là dân ba lẻ bảy (307)!
Ông hóm hỉnh quan sát người đồng chí đến chân: "Nghe đâu hồi còn ở bộ đội anh em gọi cậu là "Nhà hiền triết"? Anh nghĩ thế nào mà dám đứng lại ?"
- Vì họ rượt theo tôi mà vẫn giữ khoảng cách - sức tôi làm sao chạy mau hơn bọn trẻ. Tôi chậm họ chậm, tôi nhanh họ nhanh - tôi linh cảm rằng họ miễn cưỡng hò hét theo sự bắt buộc.
Lúc cậu thét bảo họ chạy có lẽ giống Trương Phi án ngư cầu Trường Bản, thét một tiếng là cụ dậy ?
- Tôi làm gì mà có râu và xà mâu ? Nhưng tôn tin cái uy của kháng chiến vẫn còn - Không biết Tỉnh uỷ có đồng ý không ? Theo tôi cứ triệt mấy thằng tề ác ôn có súng ở phía sau là chúng rã đám. Anh xin ý kiến Tỉnh ủy đi! Tôi làm thử coi !
*
* *
Trống mõ lại nổi lên. Người gióng tiếng mõ đầu tiên là vợ Tư Cù. Các nhà khác nghe thấy đang ăn cơm phải bỏ đũa cầm dùi nện lên bất cứ vật gì khua được. Cả làng dậy lên không khí báo động. Không còn ai dám ở lại trong nhà. Già trẻ đổ ra đường gậy gộc cầm tay. Trưởng ấp lăm lăm súng chạy đến họ hét:
- Đâu đâu ? Nó chạy hướng nào.
- Dạ ! Hướng này !
- Sao còn đứng đó ? Rượt theo !
Chờ cho mọi người lướt qua gần hết hắn chạy đuổi theo sau chĩa súng vào lưng họ quát tháo. Từ trong ngôi nhà ven đường, một người mặc áo trắng, quấn khăn rằn che cằm lao ra phụ họa hò hét, tay cầm một đoạn củi tràm - Trên trời mây đen vần vũ, cành lá chao nghiêng theo gió, sấm chớp rung chuyển, đất trời ảm đạm một màu tang tóc.
Người áo trắng nối sát gót trưởng ấp hối hắn mau lên!
Đến đoạn đường vắng, thưa thớt nhà cửa, bất ngờ, trưởng ấp bị thộp cổ kéo ngược, khẩu súng chổng lên trời - Thanh củi tràm bổ mạnh vào cánh tay, hắn chưa kịp kêu, khẩu súng đã nằm gọn trong tay người áo trắng: "Oan gia gặp oan gia rồi con ạ!".
Đoàn người rượt đuổi khựng lại trông thấy chủ ấp nằm ngửa dưới đất lầy - Họng súng chĩa vào giữa ngực.
- Tao thay mặt cách mạng cảnh cáo mày! Tao coi như mày đã chết ! Tao không cần giết mày để mày còn sống nói với mấy thằng ác ôn nếu còn ép dân, cách mạng sẽ không tha đâu !
Nói với chúng nó, cách mạng nói là làm... biết chưa! Nằm úp mặt xuống !
Khi hắn dám mở mắt ngóc lên nhìn theo, hắn thấy gậy gộc, dao búa vẹt ra hai bên nhường đường cho Tư Cù cầm súng trở về căn cứ.
Chiều đến tàu sắt vào vào còng trưởng ấp giải về Cà Mau vì tội giao súng cho Việt cộng. Tung tích hắn không còn thấy nữa.
ít lâu sau đó, tiếng trống mõ săn người kiểu thời Trung cổ này im dần. Bọn tề ấp không dại gì ra mặt vì bên kia có chủ trương cứ nhắm vào kẻ chủ mưu cầm súng hò hét ở phía sau mà nện.
- Hồi anh Tư hét "Sao không chạy đi!" chị có chạy không chị Tư?
- Tôi làm gì phải chạy ! ổng chỉ có cái cù thoi dấu trong áo làm bộ ra oai, súng ống lựu đạn có cái đếch gì mà phải chạy! Có chạy luôn theo ổng thì có. Cái lần tước súng thằng Trưởng ấp đó, tôi đánh mõ báo động giả nên sợ bị lộ, tôi ôm con vô rừng theo ổng luôn.
Last edited by khungcodangcap; 04-10-2008 at 11:25 PM.