Alberto Blest Gana sinh ngày 04-05-1830 tại Chi Lê, trong một gia đình trí thức của thủ đô Santiago. Cha của Alberto – ông Giljermo Kanningem Blest, vốn là một bác sĩ gốc Scotland. Mẹ của Alberto – bà Maria De La Lus Gana – con gái của một gia đình quân nhân và luật sư, hai người anh đều là nhà thơ và phê bình văn học của Chi Lê thời bấy giờ.
Năm 1843, Alberto vào học tại trường Đại học quốc gia nhưng ngay sau đó vài tháng lại chuỷên qua trường quân sự và tốt nghiệp tại đây năm ông vừa 17 tuổi. Từ năm 1847 đến 1851, Alberto sống tại Pháp rồi trở về Chi lê dưới danh nghĩa giảng viên về toán học và ấn loát. Được ít lâu, chàng kỹ sư quân sự trẻ tuổi chuyển sang phục vụ tại Bộ chiến tranh và bắt đầu say mê văn học. Nhưng sự nghiệp văn chương của Alberto sớm bị gián đoạn. Từ năm 1864 ông bước vào nghề ngoại giao, được cử làm lãnh sự tại Mỹ rồi đại sứ tại Anh, tại Pháp cho tới năm 1887 mới về hưu. Từ đó, ông miệt mài "kinh sử" và trở thành một nhà văn nổi tiếng của Chi lê vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Alberto Blest Gana bắt đầu sáng tác từ năm 1853. Tác phẩm đầu tiên của ông là truyện dài El Museo sau đó là Lừa Dối và Tuyệt Vọng, Đôi Uyên Ương, Mối Tình Đầu, Sự Cám Dỗ…mà chủ đề chính tập trung vào những tình yêu vô vọng, những ghen tuông, lừa dối, những ước muốn nồng nhiệt đặc trưng cho trào lưu văn học châu Âu (đặc biệt của Pháp) nửa đầu thế kỷ 19. Cho tới 1860, Alberto mới thực sự trưởng thành với tác phẩm Số Học trong Tình Yêu, Trái Tim Không Cần Lý Lẽ (Martin Rivas – 1862) và Lý Tưởng Phù Phiếm (1863) đã vẽ nên bức tranh trung thực của xã hội tư sản Chi lê trong những năm 30 – 50 của thế kỷ 19. Bị gián đoạn bởi "sự nghiệp ngoại giao", mãi đến 1897 Alberto mới tiếp tục cho ra đời bộ tiểu thuyết lịch sử hai tập Thời Loạn – một trong những tác phẩm lớn của ông, trong đó bộc lộ tình cảm của nhà văn đối với đông đảo quần chúng nhân dân đã tham dự vào những cuộc chiến đâu nhằm dựng lên một nước Chi lê cộng hoà.
Trong tinh thần ấy, những tác phẩm cuối cùng của Alberto, trong đó phải kể đến Đất Người (1904) và Thằng Rồ Estero (1909), ngày càng mang tính hiện thực sâu sắc và cách mạng – tiến bộ. Ông đã chiếm được tình yêu và kính trọng của nhân dân Chi lê, xứng đáng với cái tên "Balzac của Chi lê" mà nhà văn Pablo Neruda đã tặng, xứng đáng với sự ngưỡng mộ của đông đảo độc giả Mỹ la tinh và nhiều nước khác trên thế giới.
Alberto Blest Gana mất năm 1920 tại Paris.
Một ngày tháng 7 năm 1850. một chàng trai trạc 22, 23 tuổi bước vào sân một trong những ngôi nhà đep nhất Santiago.
Chàng không có nét gì giống với những công tử thủ đô. Ở chàng, mọi thứ đều tố cáo một kẻ tình lẻ lần đầu đặt chân tới Santiago, chiếc quần da bê màu đen có sọc xuất hiện từ những năm 40, chiếc áo dài tay ngắn và hẹp may theo lối cổ, áo ghi lê dài vạt nhọn bằng tơ màu đen, đôi giày cổ cao chưa đến mắt cá chân, chiếc rũ rộng vành hình thù kỳ dị - tóm lại, toàn bộ trang phục của chàng gợi ta nhớ tới loại mốt đã quá lỗi thời. Trên các đường thủ đô ngày nay có chăng chỉ những kẻ quê mùa hủ lậu mới ăn vận như thế.
Một người hầu đứng bên chiếc cửa dẫn vào sân trong. Tựa vào cái gầm cửa, hắn chăm chú quan sát một cách sỗ sàng người khách lạ đang đi tới với vẻ rụt rè thường có ở những người lần đầu bước vào một ngôi nhà xa lạ mà không tin rằng sẽ được tiếp đón niềm nở.
Người hầu lập tức đoán ra khách là một người nghèo tỉnh lẻ và để đáp lời chào nhã nhặn, hắn chỉ khinh khỉnh gật đầu.
- Đây có phải là nhà ngài Damaso Ensina không? – Người khách hỏi, cố dẹp nỗi bực dọc do cái vẻ xấc xược của người hầu gây ra.
- Vâng.
- Làm ơn báo với ngày Ensina là có một ông muốn gặp.
Cái chữ "ông" làm cho người hầu hơi nhếch mép cười:
- Thế tên ông là gì? – hắn sẵng giọng.
- Martin Rivas – chàng tỉnh lẻ trả lời với sự sốt ruột cố che giấu nhưng vẫn lộ ra trong ánh mắt.
- Xin đợi một lát – người hầu ném một câu rồi không vội vã, hắn quay vào nhà.
Trong khoảnh khắc đó, đồng hồ điểm mười hai tiếng. Tranh thủ lúc người hầu vắng mặt, xin tả hết để bạn đọc rõ, Martin Rivas là người như thế nào.
Đó là một thanh niên rắn rỏi và tầm thước. Trong cái nhìn ưu tư của đôi mắt nhỏ màu đen đọng một nỗi buồn mà dấu tích còn in rõ trên toàn nét mặt. Đôi mắt bị thâm quầng hoà hợp một cách kỳ lạ với đôi gò má nhợt nhạt buộc ta phải chú ý. Mái đầu kiêu hãnh với món tóc dày đẹp rủ xuống từ dưới vành mũ tạo cho chàng trai một vẻ quả cảm và ấn tượng đó càng mạnh hơn nhờ đường nét sắc sảo của khoé miệng cùng cái cằm hơn nhô ra phía trước. Toàn bộ diện mạo của chàng trai toát lên một nội tâm cao nhã và giá như trang phục trên người thanh lịch hơn thì có thể nói chắc rằng chàng là một thanh niên đẹp – dĩ nhiên đối với những ai nhìn nhận vẻ đẹp không chỉ trên cơ sở sự hài hoà của nét mặt hay sự hồng hào của da dẻ.
Martin vẫn đứng ngay tại chỗ chàng đã nói chuyện với người hầu. Chàng mất chừng hai phút để ngắm kỹ các bức tường được sơn màu dầu của sân trong và các cửa sổ khung thiếp vàng có lồng kính sáng loà. Nhưng vì người hầu lề mề, chàng bắt đầu mất kiên nhẫn và đưa mắt lơ đễnh lướt từ vật này qua vật khác mà không dừng lâu ở cái gì.
Cuối cùng cánh cửa bung ra và người hầu xuất hiện.
- Xin mời vào nhà – hắn nói và tiến lên dẫn đường.
Đến cạnh một trong những cánh cửa, hắn dừng lại.
- Ông chủ đợi ông trong văn phòng.
Bước qua ngưỡng cửa, Martin trông thấy một người đàn ông oai vệ đã đứng tuổ. Không thể nói đó là ông già, nhưng ông đã xa với tuổi trẻ, người Pháp gọi những người như vậy là "entre deux ages" – trung niên. Bộ com lê màu đen, cái cổ áo hồ thật cứng, đôi giày ủng bằng da bê đánh bóng lộn – tất cả chứng tỏ rằng chủ nhân của chúng là con người cầu kỳ và cẩn thận mà cuộc sống tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ. Nét mặt của ông không hề biểu cảm, không hề có một nét nào đáng lưu ý cho phép một người quan sát, dù giàu kinh nghiệm, xác định được tính cách. Chỉ có đôi má cạo nhẵn nhụi cùng mái tóc được chải và bôi kem rất kỹ lưỡng nói lên rằng có lẽ công việc chính yếu của ông là chăm sóc dung nhan cho mình.
Khi thấy khách bước vào ông giơ tay vuốt mái tóc và tiến lên một bước, ông nhìn như dò hỏi. Martin khẽ nghiêng mình nói:
- Ngài có phải là Damasso Ensina không ạ?
- Vâng, thưa ngài. Chính là tôi.
Chàng trai lấy từ trong túi áo ra một phong bì và trao cho ông Damasso:
- Xin ngài đọc bức thư này ạ - chàng nói.
- À, thế ra anh là con trai của Rivas – ông nhìn lướt phong bì rồi thốt lên – còn cha anh sống thế nào?
- Ông mất rồi – người thanh niên khẽ lẩm bẩm.
- Mất rồi? – chủ nhà lơ đãng nhắc lại. Sau đó, sực nhớ ra, ông tiếp lời – mời anh ngồi, Martin. Xin lỗi vì tôi không mời anh ngồi ngay. Như vậy là, bức thư…
- Xin ngài đọc cho ạ - Rivas nhắc lần nữa.
Ông Damasso đến bên bàn và bắt đầu chậm rãi lau cặp kính. Sau khi gắn kính lên mũi, ông buông mình xuống ghế bành và chăm chú nhìn chàng trai.
- Thiếu kính tôi không nhìn rõ gì cả - ông khẽ nói như để thanh minh cho việc chuẩn bị quá mất thời gian của mình.
Cuối cùng ông bắt đầu xem thư, nội dung như sau:
"Thưa ngài quý mến và tôn quý,
Tôi bị bệnh và mong rằng, trong khi Chúa Trời còn chưa gọi tôi đến trước toà án của Người, được phó thác cho ngài đứa con trai mà không lâu nữa sẽ trở thành chỗ dựa duy nhất của cái gia đình bất hạnh chúng tôi. Gia tài của tôi chẳng đáng kể gì, vì thế tôi lo sao cho nó được sử dụng có lợi nhất để sau khi tôi chết, vợ con tôi có thể sinh sống cách nào đó bằng lợi tức từ số vốn này. Theo tính toán của tôi, phần của Martin ước chừng hai chục peso mỗi tháng, cho phép nó tiếp tục theo học ở Santiago để trở thành luật sư. Thế nhưng số tiền ấy quá ít ỏi, thậm chí không đủ cho những nhu cầu thấp bé nhất, bởi vậy tôi mạo muội cầu xin nơi ngài sự giúp đỡ lớn lao, cho con trai tôi được nương nhờ mái nhà của ngài cho đến lúc nó tự kiếm sống. Martin là nguồn hy vọng duy nhất của tôi! Xin đừng khước từ ban cho chúng tôi chút phúc đức mà tôi cúi xin ngài, và mẹ Martin sẽ mãi mãi cầu nguyện cho ngài ở đây, dưới trần thế này. Còn tôi, tôi sẽ cầu nguyện cho ngài ở trên thiên đường nếu Chúa Trời rủ lòng thương gọi tôi đến với Người.
Xin phủ phục dưới chân ngài,
Kính thư: Hoxe Rivas"
Ông Damasso gỡ cặp kính cũng cẩn thận như lúc đeo vào và đặt chúng vào đúng cái chỗ đã cầm lên.
- Anh có biết cha anh đề nghị cái gì không? – vừa đứng dậy, ông vừa hỏi.
- Dạ có, thưa ngài – Martin trả lời.
- Anh đi từ Copiano đến đây bằng cách nào vậy?
- Ngồi trên boong tàu thuỷ ạ - chàng trai nói khẽ pha chút kiêu hãnh.
- Này anh bạn – ngài Ensina nói với chàng – Hoxe Rivas là một con người đáng trọng, dù sao tôi cũng nợ ông cái gì đó và sẽ vui sướng được giúp đỡ con trai của ông. Trên nhà chúng tôi có hai phòng trống, chúng thuộc quyền anh sử dụng. Có lẽ anh có đem theo đồ đạc chứ?
- Vâng, thưa ngài.
- Anh để chúng ở đâu vậy?
- Ở khách sạn "Santo Domingo"
- Khi nào anh thấy tiện thì người hầu của tôi sẽ đem đồ đạc về.
Martin đứng dậy còn ông Damasso gọi người hầu:
- Hãy đi cùng ông đây và đem về tất cả những gì ông ấy sai bảo – ông ra lệnh.
- Thưa ngài – Martin thốt lên – Cháu không có đủ lời để cảm tạ ngài.
- Thôi đủ rồi, chàng trai thân mếnó – ông Damasso cắt ngang – hãy tự nhiên như ở nhà. Anh đem hành lý về và thu xếp trên tầng trên đi. Chúng tôi ăn cơm lúc 5 giờ. Anh hãy đến sớm hơn một chút, tôi sẽ giới thiệu anh với vợ tôi.
Rivas cám ơn lần nữa rồi bước ra.
- Hoana, Hoana! – ông Damasso gọi to sang phòng bên cạnh – bảo đem báo đến cho tôi.
Ngôi nhà trong đó chúng ta gặp Martin Rivas lần đầu tiên là nhà của gia đình ngài Damasso Ensina, bao gồm bà vợ, cô con gái 19 tuổi, cậu con trai 23 tuổi và còn ba cậu con nhỏ nữa lúc đó đang được dạy dỗ tại trường dòng Francis.
Ông Damasso cưới bà Engracia Nunhies từ khi ông 24 tuổi có lẽ do tính toán nhiều hơn là tình yêu. Người bạn đời mà ông lựa chọn về sắc đẹp thì không nổi bật nhưng bù vào đó đã có khoản thừa kế ba chục nghìn peso. Tài sản đó kích động chàng trai Ensisna đến mức không cần do dự lâu la gì cũng xin hiến người đẹp trái tim mình. Lúc đó chàng làm việc cho một nhà buôn ở Valparaiso và không có nguồn thu nhập nào ngoài số tiền công khiêm nhường. Thế là ngay sau ngày cưới, chàng trai tháo vát đã giành được số vốn liếng đáng kể kia và trong tâm hồn chàng đã nảy sinh những ý đồ đầy tham vọng. Sau đó một tháng, chàng có công vụ phải đến Copiano, ông chủ giao quyền cho chàng đi đòi tiền một trong những con nợ của mình. Khi Ensina gặp người này, anh ta nói:
- Ông có quyền tịch biên tài sản của tôi bởi vì tôi không có gì để trả nợ cả. Nhưng nếu như ông cho phép gia hạn, liều mạo hiểm món tiền không lớn đó thì tôi sẵn sàng trao cho ông một biên nhận nợ với số tiền gấp đôi số đã ghi trong hối phiếu. Ngoài ra, tôi sẵn sàng nhường lại cho ông một nửa khu mỏ mà chỉ trong một tháng nữa sẽ bắt đầu cho lợi nhuận.
Damasso là người thận trọng, vì vậy chàng không trả lời rõ ràng gì cả. Ngay chiều hôm đó, chàng tiến hành dò hỏi, tất cả không trừ một ai đều cùng khẳng định rằng con nợ của chủ chàng – Hoxe Rivas – đơn thuần là một gã khùng bị phá sản trong cuộc tìm kiếm các vỉa quặng tưởng tượng nào đó.
Ensina thận trọng đánh giá cả những tin tức nhận được, cả những lý lẽ cuồng nhiệt của Rivas, người có niềm tin sâu sắc đủ gây cho chàng một ấn tượng tốt lành.
- Chúng ta sẽ cùng xem xét khu mỏ - chàng đề nghị vào ngày hôm sau.
Họ lên đường và mải nói chuyện, đến nơi lúc nào không biết. Damasso chú ý lắng nghe, còn người kia cứ say sưa nói mãi vẽ những mạch quặng, những vỉa đá, vỉa quặng quý, những tầng sâu và nhiều điều thông thái khác. Linh cảm của một người thạo việc đã mách bảo cho Ensina rằng đàng sau tất cả những điều đó có ẩn chứa tiền rừng bạc bể. Hoxe Rivas nói thật hùng biện như thể một người có những ý tưởng luôn luôn ám ảnh trong đầu và hoàn toàn tin vào chúng, bất chấp hàng loạt thất bại đã ngốn hết tài sản của mình. Những diễn từ sôi nổi đã tác động lên trí tưởng tượng của Damasso mạnh tới mức ngay cả những viên đá trên đường đối với chàng cũng trở thành những thỏi bạc.
Thế nhưng chàng Ensina không đánh mất sáng suốt vì đó không phải là tính cách của chàng. Chàng đã cân nhắc từ trước xem sẽ nói gì với Rivas nếu như mình cảm thấy khai thác khu mỏ là công việc đáng làm. Chính vì thế, sau khi xem xét tất cả một cách kỹ lưỡng, chàng tự tạo một vẻ mặt quan trọng để tuyên bố với người đồng hành.
- Trong công việc này tôi không có hiểu biết gì đặc biệt nhưng khai thác mỏ là một việc tốt lành. Hãy nhường một vài khu vực và tôi sẽ làm cho ông chủ không những chỉ gia hạn thêm thời gian trả tiền mà còn hạ lãi suất xuống nữa. Việc khai thác khu mỏ chúng ta sẽ cùng tiến hành và ký với nhau một giao kèo, theo đó ông có nghĩa vụ phải trả 1,5% số vốn tôi bỏ ra cho công việc. Ngoài ra, tôi được quyền ưu tiên mua lại phần mỏ của ông khi ông muốn bán.
Hoxe đang bị đe doạ phải vào tù và khi đó vợ và đứa con trai một tuổi của chàng sẽ trở nên hoàn toàn vô vọng. Tuy thế, chàng chưa chấp nhận ngay mà vẫn phản đối. Nhưng thật ủông công, hội viên tương lai không hề thoái lui và anh chàng đáng thương buộc phải ký giao kèo theo những điều kiện đã được đặt ra.
Vậy là từ đó Damasso dọn đến ở Copiano, địa vị đại diện cho nhà buôn không cản trở chàng lao vào công việc mạo hiểm đáng lo ngại trong các vụ đầu cơ khác nhau và chàng kiếm lời không ít. Chỉ sau một năm, khu quặng đã bù lại chi phí và nhà doanh nghiệp tháo vát từng bước một đã mua hết phần của Rivas, người mà chàng đặt vào vị trí quản lý kiêm việc khai thác. Rồi sau đó chừng sáu tháng, khi Ensina đã trở thành chủ nhân toàn quyền của khu mỏ, chàng bắt đầu thu được những lợi tức khổng lồ. Vài năm trôi qua, Damasso tậu được dinh cơ tuyệt vời tại ngoại vi Santiago và cả ngôi nhà mà chính ở đó chàng ta đã làm quen với con trai của người mà ngài mang nợ hoàn toàn vì sự giàu có của mình.
Gia đình Damasso nổi tiếng là một trong những gia đình quý tộc nhất thủ đô. Ở Chi lê, tiền tạo cho chủ nhân của nó nhiều khả năng hơn cả ở châu Âu cổ xưa. Ở đó, giới quý tộc tài phiệt dù giàu có và thế lực đến đâu đi nữa thì xuât thân hèn kém của họ vẫn không bị lãng quên trong giới thượng lưu. Còn ở đây, tất cả đều nhường bước cho sự giàu có và trong ánh hào quang của nó, sự khinh miệt đầy ngạo mạn mà trước đây những kẻ dòng dõi trâm anh vẫn bộc lộ khi nhìn lũ người mới ngoi lên, bị xóa mờ dần. Thật đáng nghi ngờ khi chúng ta phải coi điều đó như là một bước tiến nào đấy tới nền dân chủ, bởi vì những kẻ chỉ nhờ số mệnh đui mù mới vênh váo được vẫn luôn luôn cử xử vô cùng xấc xược để bằng cách nào đó che đậy sự hèn mọn của mình. Họ biểu thị thái độ khinh mạn xấc xược đối với những ai không làm được như họ, không mua được sự kính trọng bằng sự xa xỉ hay bằng tiếng tăm về tài sản của mình.
Thế là, gia đình ngài Ensina – kẻ có một gia sản đồ sộ - được coi như một trong những gia đình quyền quý nhất Santiago và được hưởng đặc quyền của xã hội. Ảnh hưởng của ông Damasso lớn lên cùng với tài khoản nhà băng, hơn nữa ông không phải chỉ thu được lợi nhuận từ những thương vụ mua bán mà còn từ việc cho vay lấy lời theo gương của nhiều nhà kinh doanh ở Chi lê.
Trong ngôi nhà này lộ rõ sự đam mê đặc biệt đối với sự xa hoa, sự đam mê mà thời đó bắt đầu tràn lan trong tầng lớp giàu có của chúng ta. Chính sự xa hoa này đã làm lộng lẫy thêm sắc đẹp hiếm hoi của Leonor – người con gái cưng của ông Damasso và bà Engraciasia. Bất cứ người nào nếu bắt gặp cô gái 19 tuổi này trong một ngôi nhà nghèo nàn đều chắc chắn sẽ nguyền rủa số phận ác nghiệt nỡ cướp mất cái khung cảnh xứng đáng với một người đep như thế. Nhưng trái lại, ta sẽ cảm phục sự hào phóng của thiên nhiên xiết bao nếu như nhìn thấy dáng điệu yêu kiều của Leonor khi nàng nằm trên chiếc tràng kỷ bọc gấm màu thanh thiên, nếu như được chiêm ngưỡng nét mặt tuyệt vời của nàng in trong tấm gương chạm trổ thoe phong cách của các nghệ nhân thời phục hưng, nếu như được trông thoáng đôi chân nhỏ nhắn lạ thường của nàng lướt trên tấm thảm lông mềm mại một cách lơ đãng như thế nào. Vâng, không dễ gì thấy được sự hoà hợp may mắn như thế giữa sắc đẹp và sự giàu sang. Quấn mình giữa xa hoa, Leonor rực rỡ chẳng khác gì viên kim cương được nạm vàng và đá quý. Làn da hơi ngăm nâu, đôi mắt to xanh gợi cảm với hai hàng mi rũ xuống, cặp môi ướt có màu san hô, vầng trán bé nhỏ, mái tóc đen dày được chải bới tuyệt mỹ, nét lông mày uốn cong như cầu vồng, hai hàm răng trắng màu tuyết như cố ý sinh ra để so sánh với ngọc trai – tóm lại, toàn bộ đường nét trên khuôn mặt trái xoan mịn màng của nàng tạo nên bức ảnh lý tưởng của vẻ đẹp làm rạo rực trái tim các chàng trai và làm cho những người già phải hồi tưởng những ngày hạnh phúc của tuổi trẻ đã qua.
Như các bậc cha mẹ khác, ông Damasso và bà Engracia luôn mềm yếu trước đứa con gái đẹp tuyệt vời của mình là Leonor. Cô gái được cưng chiều ngay từ lúc mới sinh ra và nàng đã quen sử dụng sự kiều diễm của mình như thứ vũ khí tạo nên quyền lực vô biên đối với tất cả những người xung quanh. Dần dần, Leonor bắt đầu đối nghịch với bà mẹ tính tình nghiêm khắc do sự nũng nịu của nàng.
Bà Engracia về bản chất thật ra là một phụ nữ hách dịch và tuỳ tiện, hơn nữa bà luôn luôn phách lối với ý nghĩ rằng món hồi môn ba mươi nghìn pesos lừng danh của bà là khởi điểm của sự giàu sang trong gia đình. Thế nhưng, từng ít một, bà bị rơi vào ảnh hưởng của con gái đến mức hầu như không còn để ý gì đến các thành viên khác trong nhà nữa. trong quá trình đấu tranh dai dẳng và âm thầm của một gia đình, bà mệnh phụ này cứ mất dần vị trí, bà chỉ bảo toàn được niềm say mê đối với những chú chó trong phòng và nỗi căm ghét đối với những tấm mền ấm áp. Đó cũng là chiến lợi phẩm cho tính khí hiếu thắng của bà.
Không lâu trước khi bắt đầu thiên truyện này, gia đình ông Damasso tổ chức một vũ hội náo nhiệt kỷ niệm ngày chàng trai Agustin từ châu Âu về. Chàng công tử bảnh bao này chở từ đó về một kho áo quần sang trọng và hàng lô đồ trang sức quý giá để thay thế cho những tri thức mà chàng ta không có thời giờ tiếp thu. Ngoài ra, ở chàng trai duyên dáng lúc nào cũng chải đầu tươm tất và ăn vận đúng mốt này có sự hấp dẫn gì đó buộc ta dường như không muốn nhớ lại rằng trước mắt ta là một kẻ vô công rồi nghề đã từng cho bay theo gió ba mươi nghìn pesos chỉ với mục đích thoả ý muốn tự làm đỏm trên các đường phố ở những thủ đô châu Âu.
Chắc rằng bạn đọc chưa quên ngoài Agustin và Leonor, ông Damasso còn có những đứa trẻ khác, song chúng ta sẽ không nói tới chúng bởi lẽ chúng không giữ vai trò nào trong truyện này.
Chuyến trở về của cậu con trai lớn và một giao kèo có lợi đã giúp ông Damasso có trạng thái tinh thần cực kỳ sảng khoái, chính vì thế mà chúng ta đã được chứng kiến sự âu yếm của ông như thế nào khi gặp Martin Rivas và mời chàng trú chân trong nhà mình. Chính những sự kiện dễ chịu nói trên đã giải thoát cho ông một chút khỏi những lo âu thường nhật về sức khoẻ quý giá của mình để đắm chìm vào ý tưởng về nền chính trị cao cả, những ý tưởng của một nhà tư sản tự coi mình là nhà yêu nước chung quy chỉ nhằm đạt được một ước vọng cuồng nhiệt duy nhất: chiếm một ghế ở Thượng nghị viện.
Cũng vì thế mà sau khi đón tiếp nồng nhiệt và chàng trai vừa đi khỏi, Damasso đã lập tức ra lệnh mang báo đến cho ông.
Martin Rivas rời bỏ ngôi nhà ruột thịt đúng vào lúc các chủ nhân của nó ở trong tình trạng tột đỉnh của buồn đau. Sau cái chết của cha, thế giới đối với chàng chỉ còn lại hai thực thể gần gũi và yêu quý nhất, người mẹ, bà Salaxar và em gái, Mercedes.
Suốt mười lăm ngày đêm họ không rời khỏi giường người hấp hối. Nỗi đau buồn càng gắn chặt thêm tình ruột thịt trong gia đình và trong những giờ phút cuối cùng của Hoxe Rivas, cả ba đều tự nghĩ rằng mình có nghĩa vụ làm vững lòng nhau bằng sự kiên trì của mình để bằng cách đó, đánh lừa nỗi lo âu dằn vặt.
Linh cảm cái chết đến gần ,Hoxe gọi vợ con đến bên mình.
- Đây, di chúc của tôi đây – ông vừa nói vừa giở tờ giấy đã viết sẵn – Martin phải tự mình trao bức thư này đến tận tay ngài Damasso Ensina ở Santiago – người hấp hối âu yếm nhìn con trai – Kể từ nay số phận mẹ và em gái sẽ phụ thuộc vào con đấy. Hãy ra thủ đô và học tập cần cù. Chúa sẽ ban phước cho con nếu con cần mẫn lao động.
Cuộc chia tay với Martin một tuần sau khi người cha qua đời lại là một đòn nữa giáng lên những người thân, nhưng dần dần nỗi tuyệt vọng trong tim họ cũng được thay thế bằng sự an bài của số mệnh. Chàng trai mua vé tàu thuỷ đến Valparaiso. Cả ở hải cảng, cả ngay giữa thủ đô, không có thứ gì làm chàng chú ý. Chàng chỉ nghĩ tới mẹ và em gái, còn trong tai chàng vẫn mãi vang lên những lời trăn trối ngắn ngủi của cha. Kiêu hãnh và kín đáo, đã nhiều năm Martin sống đạm bạc và đơn độc. chàng sống tách rời khỏi gia đình, ở thành phố Kokimbo trong nhà ông bác, người dã gắng sức rất nhiều làm cho những năm tháng học tập của chàng bớt nặng nề. Chàng trai chỉ cảm thấy sung sướng trong những kỳ nghỉ khi chàng được sống giữa những người thân. Sống xa cách họ, nhưng Martin không một giây phút lãng quên và bây giờ, sau khi tới thủ đô, chàng tự thề sẽ trở về Copiano với bằng luật sư, sẽ thay đổi số phận cho những người dã đặt tất cả hy vọng nơi chàng. "Chúa sẽ ban phước cho con nếu như con cần mẫn lao động" – chàng cố ý nhẩm lại những lời trăn trối đầy tin tưởng của cha.
Đó à những ý nghĩ của Martin trong lúc xếp đặt đồ đạc của chàng trên tầng hai của dinh thự tráng lệ nhà ông Damasso.
Vào lúc bốn giờ chiều, Agustin Ensina gõ cửa buồng em gái. chàng khoác chiếc áo xanh lam bó sát cái quần màu sáng và đi đôi ủng đánh vec ni có những cựa nhỏ mạ vàng. Tay trái chàng cầm chiếc roi ngựa cán làm bằng xương voi cầu kỳ, còn tay phải là điếu xì gà lớn đã hút một nửa.
Đáp lại tiếng gõ cửa là giọng của Leonor:
- Ai đó?
- Có vào được không? – vừa hỏi Agustin vừa hé cửa, và không chờ cho phép, chàng ta bước vào buồng.
Leonor đang chải đầu trước gương, nàng ngoảnh đầu lại mỉm cười với anh trai.
- Sao thế? – nàng kêu lên – Anh lại xuất hiện với điếu xì gà ư?
- Đừng ép anh phải từ bỏ nó em à – chàng công tử van nài – mà đây là thứ "Imperial" giá 200 peso một nghìn điếu đấy.
- Chẳng lẽ anh không thể hút hết rồi hãy tới đây sao?
- Anh cũng đã định như thế. Anh đến nói chuyện với mẹ nhưng bị đuổi ra. Mẹ bảo ngạt vì khói.
- Hôm nay anh có cưỡi ngựa phải không? – Leonor hỏi.
- Ừ, và nếu em cho phép anh hút thuốc, anh sẽ đền ơn em bằng một thông báo dễ chịu.
- Cái gì vậy?
- Anh đi chơi với Clemente Valencia.
- Thế thì sao?
- Anh chàng bình phẩm em vẻ thán phục lắm.
Leonor cau mặt khinh mạn.
- Đừng có giả bộ - Agustin kêu lên – Em đâu có hoàn toàn thờ ơ với Clemente?
- Cũng như với nhiều người khác thôi.
- Có thể như thế. Có điều những người như anh ta không nhiều đâu.
- Sao lại thế?
- Ấy là vì anh ta có ba trăm nghìn peso.
- Tất cả những điều đó cũng hay đấy, chỉ phải cái anh ta ngu ngốc quá.
- Với khoản tiền ấy thì bất cứ ai cũng chấp thuận, em gái ạ.
Leonor mỉm cười. Ai biết nàng cười vì cái gì – vì câu châm ngôn thông thái của anh trai hay vì hài lòng với kiểu uốn tóc nàng vừa làm được.
- Trong thời đại chúng ta thì vàng là sự tiến cử tốt nhất đấy, em thân yêu ạ - vừa nói tiếp, chàng công tử vừa ngã người trong ghế bành.
- Chứ không phải sắc đẹp ư? – nàng phản bác.
- Như vậy là em ưng anh chàng Emilio Mendosa đẹp trai hơn chứ gì? Fi ma belle – chà, em thân yêu.
- Em không nói như vậy.
- Em nghe đây, hãy cởi mở với anh. Em thừa biết anh gắn bó với em như thế nào còn gì.
- Em chẳng có gì để cởi mở cả, em đâu có yêu ai.
- Thôi được, khó mà hoà hợp với em. Tốt hơn hết mình bàn về chuyện gì đó khác đi. Em biết không, nhà mình vừa có thêm người đến ở đấy.
- Em có nghe rồi, một chàng trai từ Copiano tới. Người thế nào?
- Rách như tổ đỉa [1] - Agustin khinh thị buông xõng.
- Em muốn hỏi chàng ta trông thế nào kia mà.
- Anh chưa gặp mặt. Chắc là một chàng tỉnh lẻ, da cháy đỏ vì nắng gắt.
Lúc đó Leonor đã sửa sang xong mái tóc và quay về phía anh trai.
- Em thật là kiều diễm [2] - Agustin thốt lên, sẵn lòng phô trương mớ tiếng Pháp để người khác tưởng rằng chàng ta am hiểu thật hoàn hảo thứ ngôn ngữ mà trong suốt thời gian ở châu Âu chàng ta không thể nào học nổi.
- Bây giờ em phải mặc quần áo – Leonor nói.
- Nói cách khác là em đuổi anh ra? Thôi được, anh sẽ ra, un baiser, ma chérie [3] - Agustin vừa nói thêm vừa tiến lại hôn em gái vào trán. Chàng ta còn lẩn quẩn ở ngưỡng cửa rồi quay lại nói với Leonor – như vậy là em xem thường anh chàng Clemente tội nghiệp ấy ư?
- Biết làm sao được – cô gái giả vờ buồn rầu đáp lời.
- Em chớ có quên đấy! Ba trăm nghìn peso chứ không phải đùa đâu. Em sẽ có thể đi Paris và từ đó quay về như một nhà sáng tạo mốt. Parole d honneur [4] trong tay em thì Clemente sẽ còn mềm hơn cả súp nữa – Agustin tiếp tục vở diễn bằng đủ kiểu tiếng Pháp những câu dân dã mà người ta chỉ dùng để nói về một kẻ dễ dãi trong tình trường.
Hiểu biết tiếng Pháp còn vượt xa Agustin, Leonor chỉ cười giễu cợt sự tự tin ngu ngốc của người anh trai cứ lảm nhảm xằng bậy với vẻ quan trọng. Nàng quay sang bàn trang điểm.
Những chàng trai mà Agustin vừa nhắc đến thuộc nhóm những người ái mộ con gái ngài Damasso Ensina nhất. Thế nhưng những kẻ ngồi lê đôi mách trong giới thượng lưu vẫn chưa xác định được ai trong số họ sẽ chiếm được trái tim của người đẹp kiêu hãnh.
Dĩ nhiên không thể giấu bạn đọc tò mò rằng những người tham dự cuộc quyết đấu trang nhã này đã sử dụng đủ loại vũ khí khác nhau.
Chàng trai 28 tuổi Clemente Valencia không có gì đặc sắc về vẻ đẹp và ngay cả trang phục hào nhoáng của một kẻ giàu có với tài sản ba trăm nghìn peso cũng không cứu vãn được tình hình. Vào thời đó, năm 1850, những chàng độc thân lịch lãm ở thủ đô vẫn chưa có cái mốt xuất hiện ở Alameda trong những cỗ xe hai chỗ ngồi hay xe ngựa bốn bánh như bây giờ. Nếu có kẻ nào đó muốn chơi trội như chú sư tử thượng lưu thì cũng thoả mãn với cỗ xe độc mã sang trọng ít nhiều giống những thứ mà Domin đã đưa vào nước Pháp. Các trang công tử chi lê vẫn rong rủôi trên cỗ xe như thế trên đường phố Santiago vào ngày 18 tháng 9 [5] và những ngày hội lớn khác. Chính một cỗ xe độc mã được Clemente Valencia đem từ châu Âu về đã phục vụ chàng như một tượng đài để làm duyên làm dáng mỗi khi phô diễn sự giàu sang giữa chốn đông người. Điều đó làm cho mấy nàng tiểu thư phải thán phục, thế nhưng lại làm cho những người già công phẫn. Ngồi trên mấy chiếc ghế đá ưa thích của mình ở vườn hoa Las Delicias, họ nhìn sự vung tiền phá bạc ấy với vẻ chí trích. Nhưng việc này ít làm cho chàng công tử của chúng ta bận lòng, chàng còn đang khát khao thu hút sự chú ý của phái yếu mà, khác hẳn mấy người gài đáng kính, họ không khi nào coi việc phô bày sự xa hoa là không hợp thời. Ai cũng biết tiền là thần tượng của thời đại chúng ta, chính vì vậy mà ở khắp mọi nơi, chàng tư sản trẻ tuổi được đón tiếp rất trọng vọng. Bậc hiền mẫu của các tiểu thư mới chàng ngồi trên chiếc ghế đẹp nhất trong phòng khách, còn các nàng thì sẵn lòng tặng cho vị hôn phu đáng ước ao những nụ cười trong trắng mê ly nhất và dành cho chàng ta ánh mắt thẫn thờ tin cậy mà họ luôn dự trữ cho người tình đã chọn. Về các bậc lão phụ, họ bàn luận công việc với chàng một cách trọng nể và lắng nghe, chăm chú như thể lắng nghe ý kiến của một nhân vật có thể trở thành người bảo lãnh trong một giao kèo béo bở nhất khi cần thiết.
Người thứ hai ái mộ Leonor là Emilio Mendosa mà Agustin cũng đã nhắc đến trong lúc nói chuyện với em gái. Chàng này có vẻ đẹp mà Clemente thiếu nhưng ngược lại chàng ta không có được phòng khách quý tộc ở thủ đô. Mendosa có ngoại hình rất đẹp, nhưng chàng không giàu. Song điều đó không cản trở chàng tranh đua với các chú sư tử thượng lưu về vẻ lịch lãm cho dù tiền nong không cho phép chàng ta cưỡi cỗ xe độc mã đã làm cho Clemente thoả mãn tính hiếu danh. Mendosa thuộc một trong những gia đình coi chính trị như một phi vụ đầy lợi lộc. Ngay từ lúc còn trẻ chàng đã chen chân vào trong giới quan chức chính phủ và thường xuyên giữ được một ghế béo bở trong văn phòng nào đó. Tại thời điểm lúc bấy giờ chức vụ đảm nhận đem lại cho chàng trai ba nghìn peso một năm và số tiền ấy cho phép chàng chưng diện chiếc sơ mi mỏng bằng vải gai cùng chiếc ghi lê thêu, làm cho chàng gần như trội hơn cả tình địch giàu có của mình.
Ngoài việc cùng yêu Leonor, cả hai chàng si tình đều có những khát khao danh vọng. Clemente Valencia tính đến việc nhân số vốn của mình lên nhờ vào khoản thừa kế, chàng còn nghĩ rằng sau khi cưới sẽ lập tức chiếm được sự đỡ đầu của ngài Ensina để leo cao hơn trong chính trường
Như vậy, những chàng đi săn của chúng ta có những lý do rất xác đáng đẻ quyết đấu. Cả hai đều thèm khát chiếm được trái tim người đẹp và mối cảm tình của cha nàng. Mục tiêu thứ nhất hay thứ hai không gì dễ mà đạt được – cái ho6 ngăn trở quá sâu chính là tính tình đỏng đảnh của cô con gái cũng như tư chất bất thường của người cha. Ngài Ensina khi thì bảo vệ chính phủ, khi lại theo phe đối lập, mà điều đó diễn biến theo ảnh hưởng của các bạn hữu cánh hẩu và các tác giả của những bài xã luận trong báo chí của hai đảng. Còn Leonor thì theo nhận xét chung, rất kiêu hãnh về sắc đẹp của mình tới mức không một ai trong số ứng cử viên vây quanh nàng được coi là xứng đáng để lấy làm chồng. Nếu như ông Damasso trong lúc nhăm nhe vào Thượng nghị viện bỗng dưng ngả theo đảng nào đó theo ông sẽ đem lại nhiều khả năng thành công hơn thì đối với cô con gái, không có gì đáng để nàng phải ban tặng niềm hy vọng cho một kẻ ngưỡng mộ vào buổi tối để rồi sớm hôm sau làm ra vẻ đã quên để biến nó thành mây khói.
Chính vì lẽ đó, trong khi thuộc phe đối lập do những mối liên hệ ruột thịt, Clemete Valencia bỗng không thể tin khi được biết vào một ngày đep trời ông Damasso lại quay về những quan điểm bảo thủ mặc dù mới hôm trước chàng đã thuyết phục được ngài tư sản đáng kính này thấy rõ những sai lầm của chính phủ và phải đấu tranh chống lại. Còn khi làm thân với Leonor, Clemente thỉnh thoảng được đón tiếp niềm nở chính vào những thời điểm mà chàng cảm thấy rằng Emilio Mendosa đã hoàn toàn chinh phục được trái tim người đẹp đỏng đảnh.
Một cái gì giống như thế xảy ra với đối thủ của chàng. Emilio bỗng dưng nhận thấy sự vô ích khi gắng công thuyết phục ông Damasso rằng con đường đúng đắn nhất để vào Thượng nghị viện là phải phục tùng vô điều kiện chính quyền đương thời và cũng bất ngờ như thế, chàng vấp phải sự khinh miệt của Leonor đúng vào lúc cầm chắc đã chiếm được tình yêu của nàng.
Những nỗi hoài vọng của các chàng trai cố sức giành giật nhau chiến thắng trong ngôi nhà ngài Ensina là như vậy.
Chú thích:
[1] Nguyên văn: nghèo như chuột nhà thờ [2] Tiếng Pháp nguyên văn: Charmante [3] Tiếng Pháp nguyên văn: Cho phép anh hôn một cái nào [4] Nguyên văn tiếng Pháp: - lời nói danh dự [5] Ngày tuyên ngôn độc lập của Chi lê
Sau khi thu xếp xong mớ đồ đạc nghèo nàn, Martin Rivas ngồi ưu tư trong căn phòng ông Damasso đã ưu ái dành cho chàng ở tầng trên. Những ý tưởng khác nhau vây bọc chàng trai. Vậy là cuối cùng chàng đã ở thủ đô, nơi mà người ta bàn tán quá nhiều ở Copiano quê hương của chàng. Giờ đây chàng đã đơn độc và số mệnh buộc chàng tồn tại một cách tẻ ngắt xa lìa những người thân. Trái tim chàng thắt lại khi nhớ tới những người mà chàng đã bỏ lại trong nước mắt và buồn khổ…nhưng liền lúc đó Martin nôn nao nghĩ đến việc chàng, một kẻ tỉnh lẻ quê mùa xa lạ đối với những lề thói thượng lưu, lát nữa sẽ xuất hiện ở giữa những người quá quen với xa hoa và lộng lẫy, trong ngôi nhà mà số mệnh đã vô tình đưa chàng tới. Khi ấy chàng từ bỏ hoàn toàn những niềm hy vọng mà bất cứ chàng trai nào cũng ấp ủ. Người hầu đã cho biết ngài Ensina là một trong những người giàu có nhất Santiago, rằng chủ nhân của dinh thự có một cô con gái đẹp như tranh vẽ và một cậu con trai diện bảnh nhất thành phố. Martin cay đắng hình dung mình thật thảm hại khi ở bên những con cưng lịch lãm và hào hoa của số phận. Bức tranh ấy làm tổn thương lòng kiêu hãnh bẩm sinh của chàng đến mức chàng quên cả nghĩ đến lời thề của mình trên đường tới thủ đô, quên cả những khát khao danh vọng đã từng ấp ủ trong tâm hồn.
Vào lúc bốn giờ rưỡi, người hầu gõ cửa báo rằng ông chủ đang đợi ngài Rivas ở phòng khách.
Martin liếc vội vào tấm gương treo trên bồn rửa mặt và nhận thấy khuôn mặt mình nhợt nhạt, bối rối. một nỗi sợ hãi trẻ con lan khắp cơ thể chàng, nhưng cũng đúng khoảnh khắc đó chàng thấy xấu hổ vì sự yếu đuối và đã bình tâm lại bằng nỗ lực của ý chí.
Khi người hùng của chúng ta bước vào căn phòng, nơi toàn thể gia đình Ensina đã tụ họp đông đủ, đôi má của chàng đỏ bừng chứ không còn vẻ nhợt nhạt mà trước đó chỉ khoảng một phút đã đưa chàng vào tâm trạng tuyệt vọng.
Ông Damasso lơ đễnh đáp lại lời chào của khách và giới thiệu chàng với vợ và con gái. Đúng lúc Agustin bước vào và ông bố cũng giới thiệu khách với cậu con trai, nhưng chàng công tử chỉ khẽ gật đầu. Sự đón tiếp lạnh nhạt quá đáng làm cho Rivas hoàn toàn chán nản, chàng đứng mà không biết để tay vào đâu và bối rối nhìn Agustin chểnh mảng vuốt mái tóc mượt. Lời mời ngồi nhã nhặc của ngài Ensina đã giúp cho Martin thoát khỏi tình thế khó xử. không nhìn qua ai, chàng lấy một cái ghế và ngôi xuống, cố ý hơi xa khỏi cái hội nho nhỏ của mấy mẹ con bà Engracia. Chàng Agustin say sưa ca ngợi vóc dáng tuyệt vời của chú ngựa – chàng ta vừa cưỡi ngựa dạo chơi về.
Với tâm hồn mộc mạc, Martin ghen tị với chàng công tử này khi chàng ta thao thao bất tuyệt lúc thì bằng tiếng Pháp, lúc thì bằng những châm ngôn nhạt nhẽo được khoa trương một cách nực cười. Martin bị choáng ngợp trước sự bài trí sang trọng của phòng khách. Cho đến giờ chưa khi nào chàng có được cơ hội nhìn thấy nào đồ gỗ nạm vàng, nào màn cửa sổ bằng nhung lớn hết cỡ, nào hằng hà sa số đồ trang trí trên các mặt bàn. Do non nớt trong cuộc sống, chàng coi tất cả sự vô vị ấy như bằng chứng của sự vĩ đại và ưu thế thật sự, trong tâm hồn đầy phấn khích của chàng vô tình trỗi dậy một khát vọng giàu sang mà những trái thơm non trẻ rất dễ đón nhận.
Ban đầu Martin chỉ kín đáo quan sát mọi thứ xung quanh, không nhận thấy mình trở lại rụt rè và cũng không có ý khắc phục tâm trạng đó như chàng đã làm được khi mới bước vào phòng khách không lâu trước đó.
Là người thích nói chuyện, Damasso bắt đầu hỏi chàng về tình hình các khu mỏ ở Copiano. Martin đã định trả lời, và chàng nhận thấy bà Engracia và hai người con bà đang nhìn chàng rất chăm chú. Thế nhưng tình thế ấy không những không làm cho chàng lúng túng thêm mà trái lại, bỗng dưng chàng thấy tự tin hẳn lên. Chàng bắt đầu nói một cách bình tĩnh và rành mạch, bình thản theo dõi những người đang nhìn mình với vẻ tò mò không cần giấu giếm.
Rivas đã quen với hoàn cảnh khó khăn, và chàng đã dùng ý chí để lấy lại sự minh mẫn trong suy tưởn. Giờ đây chính chàng là người bình tĩnh quan sát những người đang lắng nghe mình.
Bà Engracia ngồi trong góc tối nhất của phòng khách, bà mệnh phụ khả kính khó chịu vì ngạt thở nên luôn luôn lựa một vị trí ít chiếu sáng hơn. Con chó nhỏ nhắn lông trắng và dài như sóng lượng chễm chệ trên lòng bà. Những búp lông xoăn được chải bồng lên một cách tỉ mỉ chứng tỏ nàng vừa mới được bà chủ chăm sóc chu đáo. Thỉnh thoảng con chó lại nghểnh cổ khẽ gầm gừ nhìn Martin với đôi mắt như những hạt cườm và mỗi lần như thế, bà Engracia lại chặn "cô con cưng" của mình lại bằng lời nói khẽ khàng"
- Diamela! Diamela!
Những lời nói ấy được kèm theo những cái tát tai âu yếm như thể đó là cậu bé hơi nghịch ngợm được nuông chiều.
Tuy nhiên Martin không hề bận tâm về bà mệnh phụ cũng như về những cử chỉ không hài lòng của con chó, chàng cũng nhanh chóng dẹp nỗi bốc đồng do những cử chỉ cố tình lịch sự của Agustin tạo nên và chàng không rời mắt khỏi Leonor. Sắc đẹp của cô gái gây cho chàng một khoái cảm khó tả. Nếu như có ai đó muốn lý giải sự xúc động lạ lùng bỗng dưng tràn ngập tâm hồn người hùng của chúng ta trước mặt người đẹp kiều diễm Leonor, thì người đó hẳn phải gắng sức hình dung cái cảm giác của một du khách đang chiêm ngưỡng thác nước Niagar, hoặc của một hoạ sĩ đang thưởng thức một bức tranh tuyệt tác "biến hình" của Raphael – tiêu thư của ngài Damasso mặc chiếc áo dài trắng có thắt lưng theo mốt của La Mã cổ và dưới mép viền thêu có đường may lược rất khéo, hơi thấp thoáng những hình thêu ren của chiếc váy. Cổ áo được xẻ rất hẹp cho ta thấy cổ nàng thật nhỏ nhắn và hình dung được những đường nét tuyệt vời của bộ ngực thiếu nữ. Trang phục này thoạt nhìn thật giản dị nhưng thật ra không phải ít tiền, chính nó tạo ra một điều hầu như không thể ngờ được, sắc đẹp của Leonor càng lộng lẫy hơn! Như bị hớp hồn, Martin không rời mắt khỏi nàng làm nàng hơi chau mày, bực bội quay mặt đi.
Trong khi đó, Agustin mô tả vẻ huy hoàng của các phố phường Paris, còn Damasso trong ngày hôm đó ngả theo phe đối lập nên vừa lịch thiệp tiếp người khách tỉnh lẻ vừa nêu ra những quan điểm cộng hoà của mình. Đúng khoảnh khắc ấy, người hầu xuất hiện ở ngưỡng cửa báo đã chuẩn bị xong bữa ăn.
Chàng du đãng chìa khuỷu tay trái cho bà me, còn tay phải thì cố bế lấy chú chó nhỏ.
- Cẩn thận nào, con trai! – bà mệnh phụ kêu lên sợ hãi khi nhận thấy cậu con không thật trân trọng trong cư xử với "cô con cưng" của bà – Trời ơi, con sẽ làm đau nó đấy.
- Mẹ nói gì vậy – cậu ta cãi lại – làm sao mà con lại nỡ faire mal (làm cho đau đớn) một sinh thể mỹ miều dường này được.
Damasso chìa tay cho con gái và quay về phía Martin:
- Xin mời vào bàn, anh bạn quý! – Ông nói với chàng và theo vợ cùng con trai bước sang phòng ăn.
Cái cách gọi "anh bạn quý" lập tức nhắc cho chàng trai nhớ tới khoảng cách quá lớn giữa chàng và gia đình ngài Ensina. Chàng cúi đầu lặng lẽ bước theo và nhìn Agustin nện gót giày bóng láng một cách lịch lãm phô trương trên tấm thảm sặc sỡ và Leonor kiêu kỳ phô diễn sắc đẹp lộng lãy của nàng, người hùng của chúng ta hoàn toàn chán nản đến tận cùng.
Suốt bữa ăn chỉ nghe thấy tiếng nói của một mình Agustin.
- Ở khách sạn "Frères Movencaux" ngày nào tôi cũng ăn món súp tuyệt vời – vừa huyên thuyên chàng ta vừa vuốt hàng lông măng mờ mờ trên mép – còn bánh mì Paris mới sướng miệng làm sao! – rồi vội vàng chen vào diễn văn mấy từ tiếng Pháp chàng ta nói thêm: Divin merveilleux [1]
- Con học được tiếng Pháp nhanh quá chừng! – bà Engracia thán phục thốt lên. Trong khi múc cho Diamela thìa xúp, bà ngẩng cao đầu nhìn Martin, rõ ràng muốn nhấn mạnh ưu thế của con trai đối với chàng. Nhưng có thể do bà mệnh phụ đáng kính không được thận trọng lắm khi đưa chiếc thìa vào cái mõm quý hóa của con chó, hoặc có thể vì hơi nóng làm rát bỏng cái mũi thanh lịch của Diamela mà bỗng dưng nó sủa toáng lên làm cho chiếc đĩa trước mặt bà Engracia bị chao nghiêng và xúp chảy lênh láng ra khăn trải bàn.
- Đã thấy chưa, tôi đã nói với bà như thế nào rồi? tất cả chỉ tại cái trò cho nó ngồi cùng bàn ăn! – ngài Damasso nổi khùng.
- Tội nghiệp quá! – không thèm nghe chồng nói, bà mệnh phụ vừa vỗ về vừa âu yếm con chó dữ dội tới mức nó phải rên lên ai oán.
- Có im đi không, Polossone [2] - Agustin quát lên khi thấy Diamela tìm cách quẫy đạp rồi cuối cùng vuột thoát khỏi vòng tay bà chủ và nó lập tức im tiếng.
Bà Engracia mắt sáng rỡ như thể thán phục quyền năng siêu nhiên của tạo hoá, sau đó ngước nhìn chồng và nói với vẻ xúc động:
- Ông thử nghĩ xem, con nhóc này đã hiểu được tiếng Pháp rồi đấy.
- Ồ, chó là sinh vật thông minh nhất đời! – Agustin thốt lên – Hồi ở Paris con toàn nói với chúng bằng tiếng Tây Ban Nha và chúng lúc nào cũng chạy theo con mặc dù rất ít khi con giơ ra một mẩu bánh mì.
Đĩa xúp mới đã dẹp yên được Diamela và bàn ăn đã lập lại được sự yên tĩnh.
- Thế còn ở miền Bắc họ nghĩ thế nào về chính sách của chính phủ? – ông chủ quay qua hỏi Martin.
- Do bệnh tình của cha, cháu không được tiếp xúc với ai cả - chàng trai tiếp lời – và thưa ngài, vì thế cháu khó có thể nói được ở đó tình trạng ra sao.
- Ở Paris có nhiều đảng phái chính trị - Agustin xen vào – Những người theo phái Orleans, những người thuộc nhánh [3]Bourbon, rồi những người cộng hoà.
- Lại còn "nhánh" là cái thứ gì vậy? – ông Damasso ngạc nhiên.
- Con muốn nói là phái Bourbon – chàng công tử giải thích.
- Ở miền Bắc chỗ các anh tất cả đều theo phái đối lập – ngài Ensina lại quay về phía khách nói tiếp .
- Vâng, mà nếu không phải tất cả thì cũng đa số - Rivas thừa nhận.
- Chính trị là cái lò nấu trí não! – kẻ nôi dõi dòng họ Ensina lên giọng dạy đời.
- Lại còn có con gấu nào nữa thế hả - Ông bố sửng sốt nhìn lên.
- Không phải con gấu, mà là nấu [4]. Ý con muốn nói là trong chính trị thì các bộ óc bị nấu chảy ra như trong lò ấy – chàng trai trả lời.
- Nhưng dẫu sao thì mỗi công dân đều phải quan tâm đến công việc của xã hội – ông Damasso bác lại – còn quyền các dân tộc là thiêng liêng…
Như chúng ta đã biết, ngày hôm đó ngài Ensina tự coi mình là người theo phái đối lập, vì thế nhắc lại một cách sôi nổi khác thường một câu mà ngài vừa mới đọc được trong một tờ báo tự do.
- Mẹ ơi, mứt này là mứt gì vậy? – Agustin chỉ vào đĩa mứt hỏi bà mẹ hòng cắt ngang mạch chuyện về chính trị đã làm chàng ta chán ngấy.
- Quyền của các dân tộc – ông Damasso tiếp tục giáo huấn không cần để ý sự bất bình của cậu con trai – đã được ghi nhận ngay cả trong sách Phúc Âm.
- Đó là mứt mơ đã bỏ hột, con ạ - bà Engracia đáp lại câu hỏi của Agustin.
- Sao lại có "nhân" [5] là thế nào? – Ngài Ensina nổi nóng vì tưởng bà vợ ám chỉ quyền của các dân tộc.
- Ôi, không phải thế đâu ông ơi. Tôi chỉ nói về mứt mơ thôi mà – bà Engracia vội vã phân trần với ông chồng.
Câu chuyện cứ thế kéo dài, trong lúc đó Martin không rời mắt ngắm Leonor. Nét mặt nàng biểu hiện sự thờ ơ hoàn toàn và nàng không hề tham dự vào câu chuyện chung.
Sau bữa ăn, tất cả lại đi về phòng khách theo đúng trật tự đã có. Agustin kể cho bà mẹ nghe chàng đã dùng loại cà phê gì sau bữa ăn ở nhà Tortimi, còn ông Damasso nhồi nhét cho Martin đủ thứ ngôn từ dân chủ mà ông đọc được trong báo lúc sáng, nhưng dĩ nhiên, ông tự gán là của mình. Leonor lặng lẽ ngồi vào bàn và lơ đễnh giở cuốn album tranh khắc của Anh quốc. Mãi tới bảy giờ Martin dám rời phòng khách và bằng cách đó, chàng tự giải thoát khỏi diễn văn dân chủ của ông Damasso.
Chú thích: [1] tiếng Pháp: kỳ diệu, mê ly [2] tiếng Pháp: đứa trẻ ngỗ nghịch [3] Cách dùng sai tiếng Pháp của Agustin [4] Nguyên văn là "lò nung" và "con cọp", hai từ này trong nguyên bản phát âm hơi giống nhau. Ở đây dịch là "nâu" và "gấu" để phù hợp ý nghĩa do lơ đễnh mà Damasso nghe chệch đi. [5] Nhân và hột là hai nghĩa của một từ trong nguyên bản