TUỔI XUÂN TÀN KHỐC của Miên Miên, ma túy, rượu và rock
MIÊN MIÊN
Sinh ngày 28-8-1970 tại Thượng Hải. Là nhà văn Trung Quốc tiêu biểu cho thế hệ nhà văn mới, thuộc nhóm “Người đẹp viết văn”. Chưa tốt nghiệp cấp ba, từ 17-25 tuổi, sống phiêu bạt ở nhiều thành phố, làm nhiều nghề.
1995, về chữa bệnh tại Thượng Hải.
1997, bắt đầu sáng tác. Các tác phẩm tiêu biểu như: La La La, Kẹo, Người tình chua cay, Điệu vũ xã hội, Trắng trên cả màu trắng, Gấu mèo,…đã được dịch và xuất bản trên mười mấy nước như Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Mỹ, Tây Ban Nha, Brazil, Bồ Đào Nha, Hy Lạp,…Tác phẩm của chị phản ánh các mặt trái của xã hội hiện đại, những góc tối trong cuộc sống đô thị và thường mang tính nổi loạn.
KẸO
(TUỔI XUÂN TÀN KHỐC)
Tác giả: Miên Miên
Người dịch: Sơn Lê
A
Tại sao bố tôi đưa tôi đến trước bức tranh Mona Lisa và cho tôi nghe nhạc giao hưởng? Tôi cứ nghĩ, đấy là số phận. Đến năm hai mươi bảy tuổi, tôi mới dám hỏi bố tôi về chuyện này (Thậm chí trước đây tôi vẫn sợ nhắc đến tên người con gái trong tranh). Ông bảo, Chopin rất hay, khi tôi khóc quấy, ông nhốt tôi vào phòng và cho nghe nhạc Chopin. Hồi ấy, chung quanh chưa có ai có máy hát và ti vi như chúng tôi, thịt, vải, dầu còn phân phối theo tem phiếu, nhiều người phải nhặt lá rau ở chợ để sống qua ngày, mà chúng tôi là gia đình trí thức duy nhất trong khu chung cư, bố tôi muốn tôi cảm thấy may mắn.
Bố tôi bảo, ông không nghĩ tôi lại sợ bức tranh phiên bản trên tường kia. Ông nói, tại sao con không xem tấm bản đồ thế giới, hay bản đồ Trung Quốc treo bên cạnh, hoặc bản vẽ của bố? Tại sao con phải nhìn bức tranh ấy? Cuối cùng ông hỏi, tại sao con lại sợ cô ta?
Nhiều người hỏi tôi về chuyện này, hỏi nhiều lần, đã có lần tôi đỡ sợ hơn. Tôi không có cách nào để trả lời. Giống như tôi không rõ hồi tôi còn bé, chừng như chưa biết nói, bố tôi đã dùng cách ấy để làm tôi không khóc nữa.
Vì tôi rất sợ. Thật ra, cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa nhìn kỹ người con gái ấy. Nhưng ký ức tuổi thơ tôi, chỉ có bức tranh người con gái ấy là rõ nét.
Lớn hơn một ít, tôi bắt đầu xác định: đôi mắt cô ta, giống như vừa xảy ra một vụ tai nạn xe cộ; mũi cô ta, giống như một mệnh lệnh đen tối, là cái thang dựng đứng trong tối; khoé miệng cô ta, là vực xoáy tai nạn; cô gái này chừng như không có xương, ngoại trừ xương trán, xương trán nhẵn nhụi; chỗ nào cũng đáng để châm biếm; áo cô ta giống như một cái ô lớn có thể lôi tôi đi; còn má, còn ngón tay cô ta, không nghi ngờ gì nữa, giống hệt một bộ phận cơ thể đã thối rữa.
Cô gái này cực kỳ nguy hiểm, mà tôi lại sát gần với nguy hiểm, chừng như không còn sợ gì nữa, chỉ sợ cô ta thôi. Trong giờ lịch sử, trước tấm phim đèn chiếu hình cô gái này, tôi có lần kêu thét lên, họng căng ra, bởi vậy thầy giáo coi tôi là học sinh hư và phạt đứng, tiếp theo còn bị gọi lên phòng giáo vụ để phê bình, giáo dục, đồng thời còn bị hỏi xem phải chăng tôi đọc bản chép tay truyện vàng Trái tim thiếu nữ?
Từ đấy trở đi, tôi rất căm ghét cô gái trong bức tranh ấy, tôi căm giận tất cả những ai tự xưng là trí thức, căm giận là căm giận, thế thôi! Khi tôi mở rộng cánh cửa trái tim, sự phẫn nộ cứ co giật trong mạch máu, tôi gọi cảm giác ấy là “căm giận”.
Nỗi sợ đối với bức tranh ấy, không nghi ngờ gì nữa, đã lấy đi tất cả những gì thân yêu của tôi đối với bố *** đồng thời quá sớm để tôi nhận ra rằng, không thể hiểu nổi thế giới này.
Dần dần, tôi tìm được sức mạnh để chống lại nỗi sợ ấy. Đó là mặt trăng, là ánh trăng, hoặc thứ ánh sáng giống như ánh trăng, đôi mắt, làn môi giống ánh trăng; hoặc tấm lưng con trai giống như ánh trăng.
Những lúc trời mưa, tôi thường nhớ đến Linh. Linh nói với tôi có một bài thơ viết thế này: Mùa xuân trời hay mưa, ấy là trời và đất làm tình với nhau. Chúng tôi đã từng bị mê hoặc vì điều đó. Hồi ấy, chúng tôi thường bị những chuyện vớ vẩn ám ảnh, ví dụ như bệnh nhiễm khuẩn, chứng sợ hãi tình yêu là sự tưởng tượng khi hút điếu thuốc thứ ba. Linh là bạn ngồi cùng bàn với tôi hồi học trung học phổ thông, nó trắng như một trang giấy, cái trắng của nó là một trạng thái, trạng thái xuất thần.
Tôi nhớ rất rõ, hồi ấy tôi phân chia đám bạn thành những đứa đã làm tình rồi và những đứa chưa, tôi là một đứa con gái thích ăn chocolate, buồn rầu, học kém, thích sưu tập giấy kẹo, dùng giấy gói kẹo và hộp đựng thuốc để làm kính râm.
Vào năm thứ nhất bậc trung học phổ thông được ít lâu, Linh để mái tóc lởm chởm, chỗ ngắn chỗ dài, mặt nó hay có vết móng tay cào xước. Nó vốn là đứa con gái yên lặng, yên lặng biến nó thành kỳ quái. Về sau, nó bảo với tôi, nó nhận ra một bạn trai chú ý đến nó, nó bị ánh mắt cậu ta thiêu đốt. Tôi nhớ, nó nói thiêu đốt. Nó nói, ánh mắt của cậu kia cứ thiêu đốt nó không thôi, khiến đầu óc, tâm tư nó rối bời. Nó bảo, ngoài học tập ra, nó quyết không phân tán tư tưởng bởi bất cứ sự việc nào. Linh cho rằng, cậu kia thấy nó đẹp, mà nó cũng cho rằng nó đẹp. Linh cho rằng đẹp là một vấn đề, vì thế nó xấu hổ, nó phải làm cho mình xấu đi. Nó nghĩ, làm như thế nó có thể phát triển theo chiều hướng tốt. Nó nhận định, nếu nó xấu thì chẳng ai thèm để ý, có thể học hành tử tế. Linh bảo, nó phải học cho thật giỏi.
Suốt cả một học kỳ, Linh cố làm cho bản thân thay hình đổi dạng. Nhiều bạn khó hiểu cho nó và không chơi với nó nữa. Tôi không thấy Linh đẹp. Tôi hiểu nó, chẳng qua vì nó quá căng thẳng, vì trường chúng tôi là trường trọng điểm, những trường ấy học sinh rất dễ phát điên.
Nhưng tôi không biết làm thế nào để giúp nó. Nó rất bằng lặng, dao súng khó dọa.
Bỗng một hôm, Linh không đến lớp. Từ đấy về sau, chỗ nó ngồi vẫn để trống. Nghe nói, nó có dấu hiệu bạo lực, bị bố trói đưa đến bệnh viện tâm thần.
Mọi người đều bảo cái Linh điên rồi. Tôi ra sức ăn chocolate. Từ đấy đến nay, mười một năm ròng, tôi có chứng mỗi khi căng thẳng lại thèm chocolate. Vì thế, tôi bị bệhn đường trong máu rất nghiêm trọng.
Tôi đã lén đến bệnh viện tâm thần thăm Linh. Một buổi chiều, tôi mặc chiếc áo trượt tuyết đỏ chót, chui qua hàng rào dây thép gai vào bệnh viện. Thật ra, tôi có thể đi qua cửa lớn để vào. Mùa đông, tôi đem cho Linh kẹo búp bê tuyết, ô-liu hương thảo và ô mai mơ. Tôi liên tục nhai chocolate, nó ăn kẹo búp bê tuyết và ô-liu hương thảo. Bệnh nhân nằm cùng phòng với nó đều là người lớn tuổi. Chỉ có tôi nói chuyện, dù tôi nói chuyện gì đi nữa, mỗi khi kết thúc câu chuyện, Linh đều cười, tiếng cười nghe như tiếng chuông bạc.
Linh nói chuyện gì đấy, nó cứ nhắc đi nhắc lại: ở bệnh viện, được uống thuốc, ăn nhiều, béo thế này đấy!
Nghe nói nó được ra viện. Gia đình đề nghị với thầy giáo thông báo cho bạn bè đừng đến thăm nó.
Một buổi chiều mưa, có tin Linh chết. Nghe đâu, có một cậu học sinh, nhân lúc bố mẹ Linh vắng nhà, cậu ta đem hoa đến thăm nó. Hồi ấy ở Thượng Hải rất ít người mua hoa tươi. Thế rồi đêm ấy, Linh cắt cổ tay tự sát trong nhà vệ sinh. Nó chết trong tư thế đứng.
Câu chuyện kinh hãi ấy khiến tôi trượt nhanh vào vũng lầy “vấn đề con gái”. Tôi bắt đầu không tin vào bất cứ ai, ngoại trừ những thứ ăn vào miệng, còn nữa tôi không thể tin vào bất cứ thứ gì khác.
Tôi không tin tất cả, có nghĩa là đã hết! Hơn nữa, tôi mới mười sáu, mẹ kiếp, coi như xong! Những ngày kỳ quái đến với tôi. Vì quá kích động, giọng nói của tôi mỗi ngày một vỡ ra. Tôi soi vào gương hoặc soi lên mặt bàn để đùa nghịch cơ thể tôi. Không phải tôi muốn tìm hiểu, mà tôi muốn chơi với tôi. Soi vào gương, tôi thấy nỗi khát khao xa lạ của tôi. Tôi dựa sát vào góc bàn bộ phận bí ẩn của cơ thể. Lần đầu tiên tôi hiểu rằng, tôi không thể kiềm chế nổi cái “khoái cảm”.
Tuổi xuân tàn khốc của tôi bắt đầu từ đấy. Tiếng cười như tiếng chuông bạc rất đặc biệt của Linh từ mùa đông năm ấy cứ văng vẳng bên tôi, nó hối thúc tôi đi vào vùng đen tối mênh mông để không bao giờ trở lại.
Tôi bỏ học ngay học kỳ Linh tự tử. Tôi được giới thiệu vào làm ở một ban nhạc tự do, bắt đầu cuộc đời ca sĩ ngôi sao nhỏ ngắn ngủi. Tôi thích hát, hát có thể làm tôi thoải mái. Tôi mặc bộ đồ Đài Loan những năm tám mươi trông thật buồn cười, đứng trên sàn diễn cố làm ra vẻ thương cảm. Hồi ấy, tôi thích tô lông mày thật đậm, hồi ấy tôi thích Tô Nhuế và búp bê.
Trong đoàn chúng tôi có một cậu chuyên múa minh họa bé hơn tôi mấy tuổi, hai chúng tôi thân nhau, thường hút thuốc lá Phượng Hoàng với nhau. Cậu ta có tên là Sâu nhỏ, biết làm mọi việc, không giống con sâu nhỏ chút nào. Một lần, chúng tôi biểu diễn ở Tây Ninh, Sâu nhỏ thích lắm, bước đi của cậu ta rất đặc trưng, giống như đang tập thể dục buổi sáng vậy. Sâu nhỏ lớn lên ở Tây Ninh, rất thích bình minh vùng Tây Bắc. Cậu ta bảo bình minh Tây Bắc hàm chứa ánh sáng.
Trên tàu đi Tây Ninh, Sâu nhỏ kể về Bạch Kiểm, bạn của cậu ta: thầy giáo thể dục đánh bọn mình, thầy người lùn tịt, Bạch Kiểm đột ngột nhảy từ mái nhà xuống ngay trước mặt thầy, cho thầy cái tát. Mọi người cùng phá lên cười. Thầy giáo không có cách nào trị cậu ta, ai cũng phải sợ cậu ta, cậu ta không học cùng trường với mình, nhưng rất nổi tiếng. Hồi ấy mình chưa biết cậu ta là ai, chỉ biết tên là Bạch Kiểm. Bố mẹ mình từ Thượng Hải lên Tây Bắc, mình chỉ là đứa trẻ nơi khác sinh ra ở Tây Bắc, cho nên hay bi bắt nạt. Một lần, có người chặn mình lại ở đường sắt, đòi tiền, mình không có tiền, mình biết mình sẽ bị đánh. Trẻ con Tây Bắc và trẻ con Thượng Hải không giống nhau, chúng thường hay đánh nhau. Trong lớp mình có một cậu luôn luôn bị lừa. Một hôm, có một cậu học sinh rất hung, lột quần cậu kia ra trước mặt mọi người. Lúc tan học, cái cậu bị lừa lấy lọ mực, ném cậu kia, cậu kia lăn ra chết. Ném lọ mực? Chuyện ấy bọn mình vẫn làm. Nhưng không ai ngờ cậu kia chết ngay được. Cho nên mình rất sợ trẻ con vùng Tây Bắc. Hôm ấy, mình sắp bị đánh, bỗng có người đến, tóm lấy thằng đang bắt nạt mình, dạy cho hắn ta một trận, Bạch Kiểm, “đại ca” của lớp, chú ý bảo vệ mình, lúc ấy mình mới biết Bạch Kiểm là bạn mình hồi nhỏ, hồi nhỏ cánh mình vẫn đánh bi đánh đáo với nhau. Mình đi tìm cậu ta, hai đứa lại chơi với nhau. Bạch Kiểm có năm chị em gái, mẹ cậu ta chết sớm, cậu ta được chiều, đâm ra hư hỏng. Nhưng với bạn bè, cậu ta rất tình cảm, sẵn sàng hy sinh vì bạn. Cậu ta có rất nhiều bạn gái, cậu ta đã từng chơi em gái của “Mảnh vỡ”, chơi đấyt rồi vứt người ta đấy. Cậu ta còn một mực đòi tìm bạn gái cho mình, đưa con gái vào rừng cho mình xem mặt, nhưng hồi ấy mình còn nhỏ lắm.
Tôi đã gặp Bạch Kiểm. Bạch Kiểm rất trắng, làm tôi hơi bất ngờ, mắt hai mí, rất đen, ánh mắt trống trải, để đầu đinh, tóc hơi quăn, rất đen, tôi phát hiện chân cậu ta rất nhỏ. Bạch Kiểm mời tôi và Sâu nhỏ đi khiêu vũ. Hồi ấy chưa ai nhảy Disco, chỉ có khiêu vũ cổ điển. Trong sàn khiêu vũ có đủ độ tuổi. Sàn khiêu vũ ở Tây Bắc rất lộn xộn, hay xảy ra đánh nhau vì tranh bạn nhảy, đó là chuyện lạ với người Thượng Hải chúng tôi.
Hôm ấy, Bạch Kiểm đi với bạn gái, cô này có nét đẹp cổ điển, xem ra ít tuổi hơn tôi. Ngay trước mặt chúng tôi, Bạch Kiểm nói đổi bạn nhảy với Sâu nhỏ. Tôi không thích cách ấy của cậu ta. Tôi nghĩ, nếu cậu ta muốn nhảy với tôi, cậu ta có thể đến lịch sự mời. Lúc ấy tôi nghĩ, có thể đó là sự khác nhau giữa người Thượng Hải và người Tây Bắc chăng? Nhưng Sâu nhỏ lại vui vẻ nhận lời. Tôi nghĩ, mình phải giữ sĩ diện cho cậu ta. Tôi nhảy với cậu ta đúng lúc bản Tình bạn dài lâu vang lên. Mọi người đều nhảy rất nghiêm túc, kể cả Bạch Kiểm, điều này khiến tôi thấy làm lạ. Tôi chỉ cười.
Ngay hôm sau chúng tôi biểu diễn buổi thứ hai, Bạch Kiểm đến mời riêng tôi đi khiêu vũ. Tôi hỏi, tại sao anh mời tôi? Nhưng lúc ấy giọng nói của tôi không được thoải mái bởi anh chị em trong đoàn vừa cãi nhau về chuyện chia chác tiền nong. Cũng có thể, câu nói của tôi làm cho Bạch Kiểm hiểu nhầm. Cậu ta cáu lên. Bạch Kiểm nhìn tôi, hỏi tại sao cậu ta không mời tôi đi được? Tôi bảo, không phải là không được, mà tôi chỉ hỏi tại sao? Cậu ta bảo, có đi hay không? Tôi nói, bạn ấm đầu hay sao đấy? Đâu có cách mời như thế? Cậu ta bảo, có đi hay không? Giọng nói của Bạch Kiểm không chút tình cảm, âm lượng cứ đều đều không lớn không nhỏ. Tôi bảo không đi!
Bạch Kiểm đến, tôi đang ngồi tựa thành giường trong nhà khách, đọc tập thơ Người thành phố, khi tôi nói không đi, tập thơ bị tôi vứt xuống giường. Tiếp đấy, nhanh như chớp, tôi bị ngay một nhát dao. Tôi không rõ Bạch Kiểm lấy dao từ đâu ra, không thấy cậu ta chĩa dao về phía tôi, cũng không thấy tay cầm dao của cậu ta rụt lại như thế nào. Tôi chỉ thấy cậu ta cầm dao đứng trước mặt tôi, mặt tái nhợt, chừng như run run, điều lý thú là cậu ta không nhìn vào tôi, mà nhìn ngoài cửa sổ. Cậu ta rạch tôi, toàn thân tôi lạnh toát, có cảm giác cơ thể rời khỏi mặt đất và rơi xuống khi cảm thấy đau đớn, theo đó tinh thần tôi trở nên phấn chấn, sống lưng gai lên, đầu óc trống trải, nước mắt vô cớ trào ra. Tôi bắt đầu run lên, điều này giống như tôi xúc động khi đọc một bài thơ nào đấy, hát một bài hát nào đấy, nghe một câu chuyện nào đấy, nhưng nhanh và mạnh hơn nhiều.
Bạch Kiểm tiếp tục hỏi tôi có đi không? Cậu ta vẫn không nhìn tôi. Tôi hỏi đi đâu? Cậu ta bảo đi khiêu vũ. Tôi bảo đi, nhưng phải chờ tôi vào nhà vệ sinh rửa sạch máu đã.
Tôi xuất hiện lại trước mặt Bạch Kiểm. Khi cậu ta ngước lên nhìn tôi, con dao trong tay tôi đâm thẳng vào sườn cậu ta, con dao tôi đâm vào và không rút ra. Con dao này của bố tôi cho, một con dao Tân Cương. Tôi không hiểu tại sao bố tôi lại cho tôi con dao này, điều này cũng kỳ lạ như bố tôi đồng ý để tôi thôi học. Nên nhớ bố tôi là một trí thức.
Bạch Kiểm đứng bất động trước mặt tôi, hai chúng tôi cứ đứng nhìn nhau, ánh mắt trống trải của cậu ta khiến tôi bị mê hoặc, bỗng người tôi nhũn ra, chừng như muốn ngã. Cuối cùng tôi bay, bay đi. Mọi người đổ xô đến. Hai con dao, hai người bị chảy máu. Sâu nhỏ cũng đến, cậu ta cũng như Bạch Kiểm, đứng ngây nhìn tôi. Không biết ai đã đi báo công an, vậy là tôi bị bắt. Công an vùng Tây Bắc rất hung. Tôi nghĩ, Bạch Kiểm là người địa phương, vậy là tôi coi như xong! Cứ mỗi sáng, tôi và những phạm nhân khác, hai tay chắp sau lưng, quỳ trước khẩu hiệu “Thành khẩn được khoan hồng, chống đối bị phạt nặng”. Trong tù có nhiều khẩu hiệu có nội dung hung hăng đến quái dị, tất cả được khắc bằng vật nhọn. Tôi không nói chuyện với bất cứ ai, tôi không nói chuyện vì tôi sợ. Khi tất cả được đúc thành sự thật, tôi không còn làm được gì. Tôi cứ nhìn xuống chân mình, tôi xác nhận đó là cặp chân đẹp. Sâu nhỏ đến thăm tôi. Cậu ta hỏi, khi đâm dao vào có cảm giác gì không? Tôi suy nghĩ, không nói gì. Thật ra tôi cảm thấy như đâm vào cái chăn bông. Sâu nhỏ hỏi tôi có hối hận không? Tôi bảo, tôi không biết mình đã làm gì, mà cũng không biết tại sao lại cho Bạch Kiểm một nhát dao, chỉ biết tôi phải làm như thế, tôi không nghĩ mình làm cái việc giống như giết người, tôi xin nhận tội. Nhưng ở đây quá bẩn! Chỗ nào cũng đầy nước đái, bên ngoài tốt tuyệt vời, dù có phải nhịn đói. Sâu nhỏ bảo, bạn đừng nói, đừng khóc nữa, không sao đâu. Mình đi tìm Bạch Kiểm, cậu ta đồng ý giúp, bạn sẽ được tha sớm thôi mà.
Trên tàu về Thượng Hải, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình tự do như một con chim, rời bỏ nơi ấy thật sung sướng. Tôi có cảm giác rằng, mọi chuyện lý thú sắp đến rồi. Tôi nhìn ngoài cửa sổ tàu hồi lâu, cánh đồng mênh mông là cảm giác của tôi, những cành cây trụi lá là tư duy của tôi. Về đêm, tàu chạy xuyên đêm tối, tôi rất yêu cái âm thanh ấy, tôi ghi vào sổ tay: tôi muốn bay lên bằng đôi cánh.
Chợt tôi bắt đầu thích Bạch Kiểm, tôi nghĩ mình thích cậu ta, khuôn mặt cậu ta cứ loang loáng, lòng tôi đầy hiếu kỳ. Có thể vì con người Bạch Kiểm có sức hấp dẫn mà không có ở tôi, có thể vì lần đầu tiên cậu ta cho tôi cái cảm giác “bay triệt để”. Tôi bắt đầu viết thư cho cậu ta, nhưng tôi không gửi những lá thư ấy đi. Về sau, có Trại Ninh, tôi quên hẳn Bạch Kiểm.
Nghe Sâu nhỏ nói, sau đấy Bạch Kiểm can tội ăn trộm đồ tùy táng trong mộ, bị kết án mười mấy năm tù, được giảm án, cậu ta bây giờ mở một cửa hiệu nhỏ ở Tây Bắc.
Một buổi chiều mười năm sau, tôi đốt những lá thư kia đi. Tôi tìm thấy những chuyện cũ, sờ lên vết sẹo vui sướng trên cánh tay phải, tôi nhớ lại cảm giác mình đâm lưỡi dao kia, chừng như cảm thấy hư không vô hạn. Tôi không có phản ứng gì với việc tôi làm. Nhưng những bức thư kia lại có chút hơi hướng của tuổi xuân.
Trước năm mười chín tuổi, tôi rất thích Trái táo, bạn học hồi trung học, tôi còn thích Bạch Kiểm. Khi nhớ đến những người bạn này, tôi bắt đầu làm thơ. Trước đấy tôi đã từng đọc Đóa hoa tình yêu, đọc Từ Tinh, đọc Trần Tiên Phát.
Có lúc, tôi rất thích những bài thơ của tôi, cảm thấy thơ của mình không là gì, nhưng nghĩ mình phải có một vài câu chuyện.
Buổi hoàng hôn mùa đông năm ấy, Sâu nhỏ bảo tôi đi với tôi đến nhà một cô gái. Chúng tôi vừa sợ vừa phấn khởi, vì cô gái kia đang có mang. Cô ta không có nhà, chúng tôi ngồi ngoài cửa hút thuốc. Tôi lấy thơ của tôi ra đọc cho Sâu nhỏ nghe. Cuối cùng tôi hỏi: cậu thấy đấy có phải là thơ không?
Sâu nhỏ đưa ra năm đồng, bảo mua tập thơ của tôi. Cậu ta bảo, mình mua, sau này sẽ phát tài to. Bạn sẽ là một nhà thơ cách mạng, hoặc là một nhà văn, hoặc hy sinh oanh liệt trong một trận chiến đấu nào đấy. Tóm lại, thơ của bạn lúc bấy giờ rất có giá trị.
E
1.
Anh cởi giày, chỉ đi đôi tất trắng. Tôi cởi đôi dép nhựa, đi chân trần. Thảm đỏ, thảm nhung đỏ, màu đỏ trong căn phòng của anh. Cuối cùng tôi đã được thấy căn phòng của anh. Tôi nói, phòng của anh đẹp quá! Cặp môi dày của anh đột ngột áp vào ngực tôi. Đó là người con trai đầu tiên hôn ngực tôi. Anh đem đến bức tranh này, bức tranh vô cùng kích thích tôi. Khi tôi đưa tay lên mái tóc anh, anh vội cởi áo tôi. Cặp môi dịu dàng của anh hôn trái tim tôi đang đập mạnh, khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi vuốt mái tóc anh, tóc anh đẹp lắm.
Khi anh đột ngột kéo tôi vào sát người anh, chợt tôi có cảm giác ớn lạnh. Anh tỏ ra hứng thú với cái cổ của tôi, cảm giác như anh sắp vặn đứt cổ tôi. Tôi chưa cởi xong áo, cái ấy của anh đã đâm vào người tôi rồi. Đau quá! Vậy là anh đã cho vào thân thể tôi, tôi không dám động đậy, cảm giác đau đến tận tim phổi. Tôi cứ đờ đẫn cả người, không sao động đậy nổi. Mái tóc anh rẽ đôi, cứ thế rủ xuống, quệt sang hai bên, khiến tôi cảm thấy như có hai người đang đồng thời vận động trên người tôi, đầu tóc hai người đang quệt sang hai bên phải và trái người tôi. Một lúc lâu, mẹ kiếp, dần dần tôi không còn nhận biết cơ thể mình. Anh không hôn ngực tôi nữa, khiến tôi thất vọng, anh kêu lên một tiếng cuối cùng, tôi thấy thật hài hước.
Cơ thể anh lần đầu tiên áp sát vào tôi. Anh hôn, anh nói em là cô gái Trung Quốc đầu tiên của anh. Đấy là cặp môi khốn kiếp lần đầu tiên hôn tôi. Rồi anh cười, cặp môi dày nhếch lên, ánh mắt ngọt ngào. Lúc này, khuôn mặt anh trở lại như cũ, khuôn mặt mà tôi quen biết trong quán bar, khuôn mặt này hoàn toàn khác với khuôn mặt lúc anh làm tôi.
Tôi nói, anh nói những lời chó chết gì vậy? Trước đây anh ngủ với những hạng con gái nào?
Anh ta bảo, anh lớn lên ở Anh quốc.
Tôi nói, anh là người con trai đầu tiên của em. Em mở mắt để nhìn anh cưỡng bức em, anh làm nhanh đến độ em chưa kịp cởi áo quần.
Anh ta không cười nữa. Anh ôm lấy tôi, mái tóc dài của anh xõa lên ngực tôi, không động đậy gì. Trong máy có tiếng hát của một nam ca sĩ, tiếng hát như vuốt ve trên da thịt mà tôi chưa bao giờ gặp. Những tiết tấu đơn giản mà vẫn không ngừng tuần hoàn, cả thế giới biến thành mặt phẳng trong tiếng nhạc, tôi không nghe thấy anh ta đang hát gì, nhưng những nốt nhạc kia như con quỷ hút máu, không ngừng hút tình cảm của tôi.
Anh bảo, đây là bản nhạc mà anh thích nhất.
Tôi nói, em phải vào nhà vệ sinh, anh làm em rối tung cả lên.
Tôi ngồi trên bàn cầu, không biết ngồi bao nhiêu lâu, chỉ cảm thấy chỗ ấy của mình bị trọng thương. Trong tấm gương nghiêng nghiêng kia là một khuôn mặt xấu xí, chưa bao giờ tôi thấy tự ti đến mức này.
Máy hát đang phát ra bài The Doors. Sự thiếu hiểu biết của tôi trong cái đêm đầu tiên này chừng như có liên quan đến bạo lực. Điều này đã trái với những mơ ước của tôi về tình dục trong những năm qua. Tôi không dám nhìn cái bộ phận ấy ở người con trai. Tôi thích làn da của anh, cặp môi của anh sao mà dịu dàng, đầu lưỡi của anh làm tôi ảo tưởng. Tôi nhìn mà không sao hiểu nổi cái hưng phấn kỳ quái trên khuôn mặt anh. Tôi không có cách nào để tìm được điều mà tôi đã tưởng tượng. Tôi như một con mèo buồn, im lặng khoanh tròn trong lòng anh.
Năm tôi mười chín tuổi, anh chôn tôi trong đau đớn, phủ chụp lên tôi là một thứ vật chất xa lạ, đường đột ép buộc tôi. Những gì trong cơ thể tôi chảy ra, không phải là của tôi. Tôi dùng nước nóng để xoa dịu cơ thể mình. Trong tấm gương mơ hồ kia là một khuôn mặt mơ hồ. Anh là một người xa lạ, chúng tôi quen nhau trong quán bar. Tôi quen lắm những con sóng trong mắt anh, tôi không biết anh là ai.
2.
Đó là một quán bar tồi tàn đến đau lòng, ánh đèn vàng vọt, trông nó càng tồi tàn hơn. Tôi ngồi ở quầy, giống như một vầng trăng đơn côi tỏa sáng. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi ở quầy, có phần căng thẳng, thỉnh thoảng lại ngó nhìn chung quanh, chừng như đang chờ ai. Tôi không biết nơi đây gọi là quán bar. Tôi vừa từ Thượng Hải đến cái thành phố nhỏ ở miền nam này. Hồi ấy Thượng Hải chưa có bar, cả thành phố chỉ có vài quán cà phê vỉa hè, trong các khách sạn có thể có quầy bar, nhưng chưa bao giờ tôi vào đấy.
Lúc này, ngoài kia trời đang mưa to, thùng loa đang phát ra những âm thanh nào tôi không còn nhớ nữa. Không hiểu tại sao tôi lại trông thấy anh đang đi đi lại lại, trên khuôn mặt là nụ cười vô cớ, mặc quần nhung kẻ in hoa, quần rộng thùng thình như cái váy, nhưng rõ ràng là quần. Anh một mình đi lại, tay trái là ly rượu Whisky, tay phải cứ đung đưa, bước chân anh di động về phía tôi ngồi. Tôi không trông rõ mặt anh. Anh cứ nhìn xuống chân mình, anh đi đôi giày thể thao màu xanh nhạt, đế giày rất mỏng, điều này khiến bước chân anh không vững chắc. Anh mặc cái áo pull trắng, ngắn tay. Mái tóc dài của anh bóng mượt, thẳng, ngọn tóc cứ lay động ngang vai. Mặt anh trắng bệch, tôi không nhìn rõ khuôn mặt anh, nhưng tôi biết khuôn mặt anh đang nở nụ cười, tôi không rõ có phải anh đang nhìn tôi không.
Tôi tiếp tục ăn kem. Lát sau, bên phải tôi xuất hiện một bàn tay con trai đang cầm ly rượu, bàn tay to, đầu ngón tay mạnh khỏe, thoáng nhìn có thể biết anh có thói quen cắn móng tay. Ngọn tóc anh rủ xuống trước mặt tôi, tôi ngửi thấy mùi thơm nhè nhẹ trên tóc anh. Tôi ngước lên nhìn anh.
Tôi thề rằng, đấy là khuôn mặt thiên sứ.
Ánh mắt ngây thơ trần trụi của anh đã mê hoặc tôi. Từ đấy, tôi không có cách nào rời ánh mắt mình khỏi khuôn mặt thiên sứ kia. Thậm chí tôi cho rằng, sống cho đến ngày hôm nay vì tôi tin ở khuôn mặt kia. Anh có khuôn mặt quanh năm đẫm nước mưa. Tôi yêu cặp mắt đen của anh, tôi yêu cặp mắt đen của tôi.
Nụ cười của anh thật kỳ lạ. Về sau tôi mới biết, lúc bấy giờ anh đang hút thuốc.
Cái cảm giác đơn thuần đến dần. Anh bắt đầu ở bên tôi nói mãi không thôi về các thương hiệu kem (lúc bấy giờ tôi đang ăn kem hương thảo không biết thương hiệu gì). Anh bảo với tôi, anh thích ăn chocolate. Mẹ anh ta bảo, đứa trẻ nào thích ăn ngọt là đứa trẻ cực khổ. Vì thích ăn ngọt, anh đoán đến năm ba mươi tuổi, anh sẽ phát phì, bốn mươi tuổi sẽ hói đầu.
Tôi cảm thấy cái anh chàng Trại Ninh đang tự nói về mình, chừng như rất thích tôi. Trên người anh rất nhiều màu sắc, màu nào cũng làm tôi vui. Qua cách nói chuyện thiếu liên tục của anh, tôi biết anh là tay chơi guitar, anh muốn có một ban nhạc của chính mình, anh mong có một quán bar có sân khấu.
Với vẻ khâm phục, tôi hỏi anh ở Trung Quốc nơi nào có những quán bar như thế? Anh bảo anh không biết, nhưng có thể tìm thấy. Tôi yêu cặp mắt đen của anh, cặp mắt ngây thơ làm đau lòng người, cặp mắt to long lanh đầy nước. Ngay lúc bấy giờ tôi mơ hồ dự cảm tuổi xuân sống gấp chết trẻ để lại một thi thể đẹp sẽ là số phận của anh. Dự cảm ấy lập tức bất ngờ đem đến cho tôi một niềm vui chưa từng có trong đời.
Tôi nói, anh kể chuyện của anh cho em nghe với nào.
Anh nói, em muốn hiểu thế nào là cuộc sống không? Anh kể chuyện của anh xong, em phải theo anh về nhà nhé?
Nhìn mắt anh tôi hiểu anh định nói gì. Đấy là người con trai đầu tiên cầu xin tình yêu của tôi. Có trời mới biết tại sao tôi đồng ý ngay với yêu cầu của anh. Điều tôi mong đợi rất mơ hồ và giàu chất thơ, ảo tưởng của tôi ẩn nấp trong bóng tối.
Anh nói, anh rất thích người con gái nào đến từ những gia đình tan nát, ăn nhiều chocolate, thích trời mưa, anh vẫn đợi chờ người con gái ấy. Đấy là câu chuyện của anh.
Tôi kêu lên: Trời ơi! Người đến từ một gia đình tan nát, ăn nhiều chocolate, thích trời mưa là em rồi!