Thấy mọi người bình luận trong topic “Tiên hiệp - Ngày càng đi vào con đường tự sướng?” rôm rả quá cũng muốn tham gia, nhưng rốt cuộc lại đi lập một topic mới. Một phần vì topic cũ có nguy cơ bị khóa, phần vì cũng muốn mở topic cho nó oách. Cũng là một dạng tự sướng. Dẫu sao mở một topic mới thì ít có nguy cơ bị đóng cửa hơn, dù gì thì mình cũng là (thiên) võng đứt quai, các cán bộ cũ cũng như mới hy vọng sẽ nể mặt. Lần này thì tự sướng đứt đuôi con nòng nọc đi rồi, có muốn chối cũng chẳng được.
Tôi phải nói ngay, ai mà chả thích sướng. Thiên hạ mà chậm cho mình sướng – mà thường thì đúng là như vậy – thì mình phải tự tìm cách mà sướng. Sướng ở đây không nên hiểu theo cái nghĩa cổ xưa và bản năng nhất của cái từ ấy. Sự công nhận, khen ngợi của độc giả đối với người cầm bút có lẽ phù hợp với ngữ cảnh hơn. Đó còn là cái thú cầm bút của những người mà với họ thật khó nói cái gì làm cho con tim đập rộn rã hơn: sự ngợi khen của dư luận hay bản thân niềm đam mê văn chương. Thật khó mà phân định rạch ròi hai khái niệm đó. Trong rất nhiều trường hợp thì chúng là hai mặt của một đồng xu.
Tôi xin đi trực tiếp vào điều đang gây tranh cãi trên diễn đàn: các nhân vật chính trong các truyện online nói chung quá hoàn hảo và điều đó làm độc giả chán ngán. Nhưng nếu họ cũng chỉ như những kẻ bình thường khác trong bối cảnh câu truyện thì còn làm độc giả chán hơn. Mâu thuẫn? Không hề! Mấu chốt ở đây chính là nghệ thuật kể truyện, còn nhân vật dù cho là siêu nhân hay chỉ là một người bình thường không quan trọng. Tôi nghĩ diễn đàn không nên hạn chế những cuộc tranh luận như vậy dù có thể khiến một số dịch giả phiền lòng. Dịch giả đứng giữa tác giả và độc giả, nếu cảm nhận của người đọc không được lắng nghe kỹ càng thì có nguy cơ công sức dịch truyện đổ sông đổ biển vì thiếu người xem.
Văn chương Internet là một trào lưu viết lách lớn hiện nay và nó bao quát hơn nhiều so với trào lưu việt truyện online. Nói vắn tắt khi bạn đang viết blog – dù chỉ vài dòng mỗi entry – hay comment một câu truyện nào đó, bạn đang tham gia trào lưu văn chương Internet. Đề tài để viết thì cũng muôn hình vạn trạng như chính cuộc sống mà trong đó Tiên Hiệp chỉ là một nhánh rất nhỏ. Nhưng nổi lên như một đặc điểm chung của trào lưu này đó là sự khẳng định cái tôi đặc sắc, nó xuất hiện ở hầu hết các bài viết, nhất là blog và truyện online. Các bạn có thể gọi nó là tự sướng nếu muốn, dẫu sao cũng chỉ là cách gọi khác nhau với những ý khen chê khác nhau mà thôi. Nhưng tôi không khỏi tự hỏi: tại sao?
Trước hết tôi xin lược qua một chút về văn học chính thống, hay chính xác hơn là dòng viết lách chính thống và những con người của nó. Họ là những nhà văn, nhà báo, nhà phê bình, v.v. Tác phẩm hay bài viết của họ được in hoặc đăng trên các phương tiện truyền thông đại chúng và dĩ nhiên là chính thống. Điều đó đúng không chỉ ở nước ta, cả thế giới này đều như vậy. Không cần mất thời gian để bàn về mức độ ảnh hưởng của những con người như vậy đối với xã hội. Họ là những con người chuyên nghiệp, viết những thứ có tính chuyên nghiệp cao và dùng những công cụ chuyên nghiệp để chuyển tải thông tin hay tư tưởng của mình đến xã hội. Viết lách kiểu truyền thống là gốc đại thụ mà so với nó trào lưu văn chương Internet chỉ như một mầm non mới nhú, nhưng là một cây non có tốc độ phát triển kinh hoàng. Sinh sau đẻ muộn nhưng chẳng hề an phận, văn chương Internet tấn công không thương tiếc vào thành trì của văn học truyền thống, chẳng hề ngần ngại khi xông vào gặm cái bánh quyền lực vốn chỉ dành cho các cây bút chuyên nghiệp. Nạn nhân đầu tiên là giới báo chí. Họ đã phải chuyển phần lớn sức lực sang mặt trận báo online, về bản chất có thể coi đó là những trang web của các blogger chuyên nghiệp. Họ phải công nhận sức mạnh của các mạng tin tức như Twitter, uy quyền của các mạng xã hội như Facebook hay vị trí của Second Life. Văn chương Internet thu hút một số lượng rất lớn độc giả trẻ tuổi và như vậy đã lấy bớt đi khách hàng tiềm năng của văn chương truyền thống. Và cơn bão đó được khởi xướng từ một cái tên mà những người vốn nắm quyền lực ngòi bút trong xã hội gọi có phần khinh thường: văn chương Internet.
Nói cho ngay các bậc lão làng hoàn toàn có lý khi chỉ ra tử huyệt của văn chương Internet: quá ít “chất” – hay phong cách – văn chương. Nếu tôi không nhầm thì họ đang chê văn chương Internet thiếu tính chuyên nghiệp và tất nhiên đi cùng với nó là chất lượng. Và đó là thực tế khó có thể phủ nhận. Bỏ qua trình độ chuyên nghiệp của những người cầm bút của hai trào lưu mới và cũ, rõ ràng những câu chuyện và lời văn được nghiền ngẫm kỹ càng trước khi được in phải có ưu thế về chất lượng. Tất nhiên cũng có cũng cuốn sách được viết và biên soạn cẩu thả, nhưng nhìn mặt bằng chung thì rõ ràng sách in vẫn có chất lượng tốt hơn văn chương Internet. Tại sao?
Theo tôi có những lý do chính sau đây. Trước tiên là tính chuyên nghiệp. Ngay cả trong giới viết văn Internet, phần lớn người cầm bút đều tự coi mình là các cây bút không chuyên, và văn họ viết không phải là cái cần câu cơm như những người viết lách kiểu truyền thống. Thứ hai là thời gian cho một bài viết. Dân viết văn Internet bị áp lực phải viết liên tục, gần như hằng ngày nếu không muốn bị bỏ rơi. Hằng ngày có biết bao nhiêu người viết blog viết văn, chậm ra bài mới là chìm mất tăm. Dưới áp lực phải viết liên tục như vậy mà lại không được sửa những gì đã post (bút sa là gà chết), các cây bút thời a còng khó mà bắt hai cái bánh xe tốc độ và chất lượng của cỗ xe văn chương quay cùng một tốc độ, và trong đa số trường hợp chất lượng bị bỏ lại xa tít đằng sau. Điểm thứ ba là trên cỗ xe văn chương internet không có bộ phận hãm phanh như đối với nhà văn hay nhà báo: nhà xuất bản và ban biên tập. Trong trào lưu văn học Internet, người người viết báo, nhà nhà xuất bản, chả phải xin phép xin tắc gì hết trơn! Và rất thường xảy ra chuyện chả ai chịu trách nhiệm cho những gì đăng trên blog của mạng toàn cầu. Cứ đọc đi và vui vẻ nhé! Còn nếu lỡ tin mà chết thì … rán chịu! Lắm nhược điểm như vậy nhưng văn chương mạng vẫn lan tràn với tốc độ ánh sáng, tại sao vậy?
Theo tôi, văn chương internet sở dĩ sống được vì nó dựa trên nguyên tắc bình đẳng trong kỷ nguyên tri thức và trong một thế giới ngày càng phẳng và thu nhỏ. Tư tưởng con người là thành trì đầu tiên chịu sự công phá. Giới trẻ ở khắc nơi trên trái đất vẫn thường cho rằng các bậc phụ huynh áp đặt tư tưởng của mình lên con cái thông qua nhiều hình thức, trong số đó có sách báo. Họ từ lâu muốn phản kháng nhưng ai lại cho đăng những câu chuyện ngây ngô của một anh chàng hỉ mũi chưa sạch kia chứ. Viết khác ý phụ huynh thì cứ coi chừng đó! Thời thế đổi thay, Internet trao vào tay lớp trẻ cái quyền lực mà trước đây họ chỉ biết mơ ước: cơ hội công bằng đưa tiếng nói của mỗi cá nhân đến tai hàng triệu người. Trước đây phải gò lưng viết rồi qua tầng tầng lớp lớp bản in mới đến được tay bạn đọc, bây giờ chỉ vài cái click chuột là hàng triệu người có thể nghe thấy bạn trên mạng toàn cầu. Chào mừng đến với kỷ nguyên Internet!
Văn chương Internet đáp ứng được một trong những khát khao cháy bỏng nhất của tuổi trẻ: chứng tỏ cái tôi đặc sắc của mình trước thế giới. Bất chấp những vụng dại, bất chấp những mặt còn hạn chế đi kèm, văn chương Internet không thể chết được với tư cách là cách bày tỏ bản thân và là công cụ để giới trẻ giao lưu trong kỷ nguyên số. Bất chấp những lời dè bỉu về chất lượng hay sự ngờ vực về độ chín chắn, trào lưu văn chương internet vẫn tiếp tục quá trình bành trướng của mình sang những lĩnh vực trước nay vẫn thuộc về cây đa cây đề. Và quá trình này đang gia tốc.
Đi một vòng thật to, chúng ta lại quay trở về điểm xuất phát của câu chuyện: tự sướng trong văn chương Internet. Đến giờ hẳn các bạn cũng đoán ra tôi muốn nói tới cái gì: tự sướng là cách nói dân dã của khát vọng bộc lộ cái tôi đặc sắc của mình thông qua nhân vật. Bạn không muốn cho tác giả tự sướng, tôi thấy thật vô kế khả thi. Tuyến người bình thường trong truyện giống như các quy luật xã hội có từ hàng ngàn năn và các tác giả cảm thấy nó trói buộc họ, họ muốn phản kháng thông qua các nhân vật chính. Chính vì vậy mà các nhân vật chính phải hơn người, phải khác đi, phải phá tung những trói buộc mà xã hội áp đặt lên họ. Dễ nhất là gán cho nhân vật chính những khả năng siêu phàm trong các tác phẩm “hành động”. Khó làm hơn – và yêu cầu về nghệ thuật miêu tả cũng cao hơn rất nhiều – là miêu tả những con người bình thường nhưng khát vọng của họ làm chúng ta cảm động trong các truyện thuộc tuýp “tình cảm”. Thuộc dạng thứ hai ít có tác phẩm thuộc dòng văn chương Internet nào sánh được với các tác phẩm văn học truyền thống như “Người Tình” (l’Amant – tác giả: Marguerite Duras). Đừng trách Ngã Cật Tây Hồng Thị viết tình tiết tình cảm không hay như trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Các tình tiết tình cảm rất khó viết hay, nhất là đối với loại truyện viết chương nào tung lên mạng ngay chương ấy, tuy nóng sốt nhưng thiếu hẳn cái nhìn toàn cục cho toàn bộ tác phẩm, một điều không thể thiếu để viết chuyện tình cảm cho đạt.
Các tác giả dòng văn chương Internet đang thử nghiệm các tác phẩm, nhân vật của mình và chính bản thân họ. Bọn đọc khen chê chính là động lực và cũng là trải nghiệm bắt buộc đối với một nhà văn, dù ở dòng chính thống hay Internet. Rất nhiều người lấy Internet làm bàn đạp để trở thành nhà văn chuyên nghiệp truyền thống, và đó là điều rất đáng khích lệ. Hãy cứ cảm nhận và khen chê như bạn vẫn làm, bạn đọc thân mến. Nhưng hãy khen chê cùng với sự đồng cảm với những con người tuổi trẻ tràn đầy khát vọng tìm chỗ đứng cho mình.
T.B. : từ lâu định viết một truyện về 4vn mà mãi vẫn chỉ là dự định, ngại quá chẳng dám gặp Mây và lão Thúi Sình nữa. Truyện mình viết về 4vn thì dĩ nhiên phải có mình trong đó, tuy có hơi tự tư tự lợi một chút Nói trước, không cho tôi tự sướng thì chả có viết lách gì đâu đấy
lão động vật về nhà mèo và đàn con đang khóc kìa
ly hôn cũng phải đưa tiền nuôi con chứ
Theo phong trào người người viết tiên, nhà nhà viết tiên mà
Yên tâm đọc 100 truyện thể nào chả có vài truyện hay có cái là có thời gian và có chịu đọc hay ko