Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 07-04-2008, 08:53 PM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 35 phút 40 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
Talking Năm Thân - Nhân vật - Sự kiện trong lịch sử Việt Nam

- Năm Giáp Thân 144, nhân dân châu quận Nhật Nam và Cửu Chân (miền Trung) khởi nghĩa, đánh chiếm các thành ấp, làm lao đao chính quyền đô hộ của nhà Hán.

- Năm Mậu Thân 468, tháng 4, Lý Trường Nhân lãnh đạo người Việt ở Bắc Bộ nổi dậy chống Tống thắng lợi, giành được quyền tự trị và xưng là Thứ sử Giao Châu.

- Năm Giáp thân 984, triều Tiền Lê cho đúc tiền “Thiên Phúc trấn bảo”, củng cố quốc phòng và mở mang bờ cõi, xây dựng kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình.

- Năm Bính Thân 1056, tháng 5, vua Lý Thái Tôn ban chiếu khuyến nông, bắt đầu thực thi chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp.

- Năm Giáp Thân 1224, tháng 11, công chúa Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) lên nối ngôi lúc mới 7 tuổi, trở thành nữ hoàng trẻ nhất và duy nhất trong lịch sử Việt Nam.

- Năm Nhâm Thân 1272, tháng 7, Lê Văn Hưu soạn xong bộ sách Đại Việt sử ký đồ sộ gồm 30 quyển, là công trình sử học toàn diện, quy mô nhất thời kỳ cổ trung đại Việt Nam.

- Năm Giáp Thân 1284, tháng 10, Trần Hưng Đạo công bố Hịch tướng sĩ đầy nhiệt huyết và tiến hành tổng duyệt binh, gấp rút chuẩn bị chống 50 vạn quân Nguyên - Mông sắp sang xâm lược.

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442): Sinh năm Canh Thân, quê Hà Tây, nhà văn hóa, nhà thơ, danh sĩ thời Hồ và Lê, bút hiệu ức Trai. Mẫn cảm, nhân hậu, đa tài, làm quan triều Hồ (1400 - 1407) sau khi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) lúc mới 20 tuổi. Năm 1418 vào Thanh Hóa, tạo dựng chiến lược quân sự và đường lối ngoại giao, phò tá Lê Lợi lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh toàn thắng. Từ năm 1428, trở thành đại thần nhà Lê (Lê sơ), đảm trách lĩnh vực chính trị văn hóa. Ngoài Bình Ngô đại cáo oai hùng như 1 bản tuyên ngôn độc lập, ông còn là tác giả của hàng trăm bài thơ thấm đẫm tinh thần yêu nước thương dân và nhiều tác phẩm giá trị về triết học, tư tưởng, văn luận, lịch sử, địa lý: Quân trung từ mệnh tập, Văn bia Vĩnh Lăng ở Lam Sơn, Quốc âm thi tập, Dư địa chí, ức Trai di tập, Ngọc Đường di cảo, Gia huấn ca.

- Năm Bính Thân 1416, tháng 3, Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai (Thanh Hóa), cùng 18 người kết làm anh em và dựng cờ khởi nghĩa, nguyện chung lòng đánh giặc cứu nước.

- Năm Mậu Thân 1428, tháng 1, khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Tháng 2, Bình Ngô đại cáo được công bố như một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Ngày 29 tháng 4, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở đầu thời Hậu Lê (1428-1786), đặt lại quốc hiệu là Đại Việt; đại xá, khen thưởng và miễn giảm tô thuế cho dân, ban hành luật lệ, thiết lập bộ máy nhà nước trung ương tập quyền.

Giai đoạn sau Minh thuộc

- Đào Duy Từ (1572 - 1634): Sinh năm Nhâm Thân, quê Thanh Hóa, nhà văn hóa nghệ thuật và quân sự, danh thần thời chúa Nguyễn. Giỏi văn thơ, tinh thông sử sách, lý số và binh pháp, nhưng xuất thân dòng tộc làm nghề ca xướng, theo luật triều Lê - Trịnh không được đi thi, ông bỏ vào Đàng Trong lập nghiệp. Tài đức dần bộc lộ, được chúa Nguyễn chiêu dụng, phong làm Nội tán. Tận tuỵ giúp chúa về quân sự, chính trị, văn hóa, đương đầu với chúa Trịnh Đàng Ngoài, ông từng thiết kế, chỉ đạo đắp các công trình phòng thủ quân sự quan trọng và là tác giả của bộ binh thư Hổ trướng khu cơ. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác hai khúc ngâm trường ca Ngọa long cương vãn (136 câu) và Tư Dung vãn, trở thành người đầu tiên làm thơ lục bát, một thể loại thơ có câu chữ hài hòa, vần điệu nhịp nhàng, dễ đi vào lòng người, sau này phổ biến trong nền thi ca Việt Nam. Ông cũng sáng tác nhiều văn thơ, ca khúc, biên đạo một số điệu múa được lưu truyền rộng rãi. Ngoài ra, ông còn có công truyền bá, phát triển nghệ thuật hát bội ở miền Nam, khởi thảo vở tuồng Sơn hậu nổi tiếng và được coi là ông tổ của nghề hát tuồng.

- Năm Nhâm Thân 1632, chúa Nguyễn ở Đàng Trong bắt đầu cải cách mạnh mẽ việc quản lý, phân loại quan chức, quy hoạch địa giới, làm sổ hộ tịch và ấn định chế độ thuế khóa.

- Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767): Sinh năm Bính Thân, quê Thừa Thiên Huế, nhà thơ, danh thần thời chúa Nguyễn, bút hiệu Đạm Am. Văn võ song toàn, đỗ hương tiến (cử nhân), làm quan đến Thượng thư Bộ Lại. Ông rất được trọng vọng bởi am hiểu chính trị, doanh điền, ngoại giao, lập công lớn trong việc mở nước, an dân, có bản tính liêm khiết và tài năng thơ phú; từng gia nhập Chiêu anh các - một hội thơ quy tụ những cây bút nổi tiếng ở Đàng Trong, được nể phục bởi bút pháp độc đáo và phong thái tao nhã. Thơ văn ông còn truyền tụng nhiều, cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, đặc sắc nhất là bài vè Sãi vãi. Tác phẩm này dài tới 340 câu, đề cao Nho giáo, châm biếm tà đạo, được viết với phong cách hoạt kê đa dạng, vừa trang nghiêm vừa hài hước, hùng biện mà dí dỏm, mang tính triết lý nhưng rất sinh động, có ảnh hưởng lớn đến nhiều sáng tác văn học dân gian nước nhà.

- Năm Mậu Thân 1788, ngày 22 tháng 12, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (Quang Trung), đóng đô ở Phú Xuân (Huế), rồi xuất binh thần tốc ra Bắc đánh 29 vạn quân Thanh vừa tràn sang xâm lược.

- Năm Canh Thân 1812, tháng 8, soạn xong bộ luật tổng hợp lớn nhất trong lịch sử phong kiến nước ta là Quốc triều Luật lệ hay Luật Gia Long gồm 22 quyển với 398 điều.

- Năm Bính Thân 1836, tháng 2, triều Nguyễn cử Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đến đo đạc và cắm mốc, xác định chủ quyền toàn vẹn trên quần đảo Hoàng Sa. Tháng 7, khuyến khích người Việt học ngoại ngữ và tiến hành cải cách giáo dục sâu rộng, định rõ kỳ sát hạch cho cả thầy lẫn trò.

- Phan Chu Trinh (1872 - 1926): Sinh năm Nhâm Thân, quê Quảng Nam, nhà thơ, nhà văn, chí sĩ yêu nước thời cận đại, bút hiệu Tây Hồ, Hy Mã. Năm 1901 đỗ phó bảng, được bổ nhiệm làm Thừa biện Bộ Lễ. Hoạt bát, nhạy bén, sớm giác ngộ cách mạng, năm 1905 ông từ quan, cùng các bạn đi khắp Việt Nam cổ vũ đấu tranh và liên kết trí thức, văn sĩ yêu nước. Năm 1906 bí mật sang Nhật Bản gặp Phan Bộ Châu, khởi xướng duy tân, cải cách nước nhà. Năm 1911 sang Pháp, gặp Nguyễn ái Quốc và Phan Văn Trường, thảo luận vấn đề độc lập, tự do, dân chủ. Năm 1925, ông về Sài Gòn, sôi nổi tham gia những hoạt động tiến bộ. Ông để lại nhiều tác phẩm thơ văn đầy nhiệt huyết cách mạng và gây tiếng vang lớn, đóng góp tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước: Tây Hồ thi tập, Santé thi tập (gồm hơn 200 bài thơ); Thư thất điều (thư vạch 7 tội của vua bù nhìn Khải Định); Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, Quốc tỉnh hồn ca (thơ hiệu triệu, thức tỉnh đồng bào, tạo dân khí mạnh, đề cao dân quyền).

- Trần Ngọc Diện (1884 - 1944): Sinh năm Giáp Thân, quê Tiền Giang, nhà văn bút danh Hồ Biểu Chánh, Thứ Tiên. Năng động, thạo ngôn ngữ, làm ký lục, thông ngôn, được thăng dần đến chức Đốc phủ sứ. Vốn liêm khiết, thương người nghèo khổ, lại ham mê văn chương, ông chán ghét chính trị, từ quan rồi sống với nghiệp văn đến cuối đời. Ông sáng tác rất nhiều, để lại hơn 100 cuốn tiểu thuyết và các thể loại: nghiên cứu, phê bình văn học, dịch thuật, biên đạo hát tuồng. Ông cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết đầu tiên trong văn học Việt Nam: Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, Cười gượng, Khóc thầm, Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ gió đùa, Tình mộng, ở theo thời, Đoạn tình còn, Vườn xưa ghé mắt...

- Trần Khánh Giư (1896 - 1947): Sinh năm Bính Thân, quê Hải Phòng, nhà báo, nhà văn, bút danh Khái Hưng (tạo bởi sắp xếp đảo lộn các chứ cái trong trên Khánh Giư). Là thành viên sáng lập và cây viết trụ cột của nhóm Tự lực Văn đoàn, chủ bút hai tờ tuần báo Phong Hóa, Ngày nay. Ngoài làm báo, viết truyện với văn phong đầy nghệ thuật, thơ mộng, hào hoa, ông còn hăng hái tham gia các đảng phái chính trị chủ trương chống Pháp. Ông góp công lớn trong việc truyền bá, sử dụng chữ quốc ngữ, đồng thời là người tiên phong của trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam với nhiều tác phẩm đặc sắc, các truyện dài: Hồn bướm mơ tiên, Trống mái, Gia đình, Đợi chờ, Thoát ly, Nửa chừng xuân, Tiêu Sơn tráng sĩ...; các tập truyện ngắn: Tiếng suối reo, Dọc đường gió bụi... và tập kịch thơ Tụy lụy.

- Vũ Đình Long (1896 - 1960): Sinh năm Bính Thân, quê Hà Tây, nhà soạn kịch. Yêu nghệ thuật, sôi nổi hoạt động văn chương, báo chí và say mê viết kịch. Làm việc tại Sở Học chánh Hà Nội, chủ trương thành lập hàng loạt tờ báo văn hóa và mở Nhà xuất bản Tân Dân từ năm 1925. Sau Cách mạng tháng Tám, tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và năm 1954 được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Hội nghệ sĩ Sân khấu. Ông là nhà soạn kịch Việt Nam đầu tiên và sáng tác được nhiều vở kịch rất giá trị: Tổ quốc trên hết, Toà án lương tâm, Tình trong khói lửa, Chén thuốc độc, Đàn bà mới, Thờ nước, Tây sương tân kịch, Công Tôn nữ Ngọc Dung...

- Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1973): Sinh năm Bính Thân, quê Hà Nội, nhà nghiên cứu văn học, bút danh Song An. Tốt nghiệp trường Sư phạm Đông Dương, tham gia truyền bá quốc ngữ, viết văn, dạy học nhiều nơi và nổi tiếng ngay khi cho xuất bản tác phẩm đầu tay là tiểu thuyết Tố Tâm (1925). Sau Cách mạng tháng Tám, giữ các chức Giám đốc của Học khu Bắc Ninh (1945 - 1951), Khu Giáo dục XII (1947 - 1948), trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (1951), rồi về công tác tại Bộ Giáo dục, chuyên viết sách nghiên cứu văn học. Ông có nhiều tác phẩm công phu (Thời thế với văn chương, Giai đoạn văn học Việt Nam...), góp phần công lớn trong việc hình thành, gìn giữ, phát triển tiếng Việt; là nhà văn lãng mạn tiền phong viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của văn học nước ta.…

- Nguyễn Khoa Văn (1908 - 1954): Sinh năm Mậu Thân, quê Thừa Thiên Huế, nhà văn cách mạng, bút danh Hải Triều, Xích Nam Tử. Tháng 6-1930, ông trở thành đảng viên lớp đầu Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngọn bút sắc bén của ông từng áp đảo đối phương trong những cuộc bút chiến, tranh biện rầm rộ về nghệ thuật trên diễn đàn văn hóa đương thời. Vào Sài Gòn, gia nhập Thành ủy, hoạt động sôi nổi nên bị Pháp bắt giam năm 1931. Tháng 7-1932 ra tù, bí mật hoạt động cách mạng, đồng thời công khai viết trên các báo, tạp chí hợp pháp để truyền bá chủ nghĩa Mác và quan điểm của Đảng về nghệ thuật vị nhân sinh. Tháng 8-1940 lại bị giặc bắt an trí ở Huế đến tháng 3-1945. Sau Cách mạng tháng Tám, tham gia kháng chiến chống Pháp, làm Giám đốc Sở Tuyên truyền và ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ của Liên khu IV. Ông là nhà văn cách mạng tiêu biểu, với bút pháp sắc sảo, mạnh mẽ, ái quốc đã tạo nên nhiều chuyên đề văn luận gây tiếng vang lớn: Duy tâm hay duy vật, Văn sĩ và xã hội, Về văn học và nghệ thuật... Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

- Lê Hằng Phương (1908 - 1973): Sinh năm Mậu Thân, quê Quảng Nam, nhà thơ, bút danh Hằng Phương. Thuở nhỏ học ở quê nhà, sau ra sinh sống với cha đang làm việc tại trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội. Từ năm 1929, bà bắt đầu sáng tác thơ và viết báo, rất được mến mộ bởi bút pháp đằm thắm, hồn hậu mà trong sáng, tự nhiên. Sau năm 1945 hoạt động trong Hội phụ nữ Cứu quốc, rồi về làm ở Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa. Bà là tác giả của hàng loạt bài thơ hay trên báo chí, sau được thu thập lại và xuất bản thành các tập: Hương xuân, Mùa gặt, Hương đất nước.

- Lê Long Vân (1908 - 1988): Sinh năm Mậu Thân, quê Bến Tre, nghệ sĩ sân khấu, nghệ danh Ba Vân. Có năng khiếu và say mê ca múa nhac, từ nhỏ đã dày công luyện tập, năm 12 tuổi gia nhập gánh hát Đồng Bào Ban, rồi lần lượt hoạt động các gánh hát Tái Lập Ban, Tân Hưng Ban, Nghĩa Hiệp Ban, Phước Cương, Đại Phước Cương, diễn xuất lão luyện, tinh tế đủ các vai: hề, lão, độc, văn, võ... Suốt 60 năm nhiệt tình với nghề sân khấu, tài năng của ông nổi bật, không nghệ sĩ nào sánh kịp trong những vai mình thủ diễn, nhất là ở các vở kịch Men rượu hương tình, Vó ngựa truy phong, Người ven đô, Khi người điên biết yêu, Tây Thi gái nước Việt... Tiếng tăm lừng lẫy trên toàn quốc, ông được khán giả nhiệt liệt ca ngợi với biệt hiệu thân mật “Quái kiệt” và Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân.

- Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993): Sinh năm Mậu Thân, quê Hà Tây, họa sĩ sơn mài. Năng động, tự chủ, tài hoa, năm 1929 vào học trường Mỹ thuật Đông Dương và trang trí, thiết kế phụ bản cho nhiều tờ báo đương thời. Sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội, ông sang Trung Quốc rồi về định cư ở Sài Gòn từ năm 1950. Vẽ rất nhiều tranh triển lãm trong và ngoài nước, được giới hội họa hết sức tán thưởng, khâm phục về nghệ thuật tạo hình mới lạ, độc đáo. Chính quyền Việt Nam và Pháp sưu tập tranh ông, trưng bày tại Phủ Chủ tịch, Dinh Tổng thống, các viện bảo tàng mỹ thuật ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Paris, Toulouse. Ông là bậc thầy ngành sơn mài Việt Nam, để lại ấn tượng khó quên cùng những bức tranh đặc sắc: Chải tóc, Cảnh thiên thai, Vườn xuân Trung Nam Bắc, Khi tỉnh rượu lúc tàn canh…

- Năm Canh Thân 1920, ngày 25 tháng 12 lãnh tụ Nguyễn ái Quốc tham dự đại hội Tour của Đãng xã hội Pháp, bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

- Phan Ngọc Hoan (1920 - 1989): Sinh năm Canh Thân, quê Quảng Trị, nhà thơ, bút hiệu Chế Lan Viên, Chàng Văn. Thông minh, linh động, nghị lực, làm thơ từ nhỏ, sớm sáng danh bởi bút pháp kiêu hùng, mạnh mẽ mà nhân hậu, sâu sắc, tài hoa. Ông đi nhiều nơi ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, học, dạy văn, viết báo, tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 tập kết ra Bắc, hoạt động sôi nổi, giữ nhiều cương vị quan trọng trong các tổ chức văn hóa (ủy viên Thường trực kiêm ủy viên Ban thư ký của Hội Nhà văn, ủy viên Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội...), được giới văn học nghệ thuật trong và ngoài nước ngưỡng mộ. Với hàng loạt tác phẩm đầy suy tư mà sắc sảo, nhạy bén: Điêu tàn, Những bài thơ đánh giặc, Vàng sao, Những ngày nổi giận, Phê bình văn học, Suy nghĩ và phê bình..., ông là nhà thơ trí tuệ và triết lý xuất sắc nhất trong nền thi ca hiện đại Việt Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

- Năm Nhâm Thân 1932, ngày 10 tháng 3, mở đầu cuộc tranh luận rộng rãi và quyết liệt giữa trào lưu thơ cũ với thơ mới, dẫn đến thắng lợi của phong trào thơ mới, tạo bước ngoặt quan trọng cho tiến trình nền thi ca nước nhà.

- Năm Giáp Thân 1944, ngày 7 tháng 5, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về chuẩn bị khởi nghĩa trên toàn quốc. Ngày 22 tháng 12, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - và ngày này được vinh dự chọn làm ngày Quốc phòng toàn dân.

- Năm Bính Thân 1956, ngày 1 tháng 5, hơn 20 vạn công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn xuống đường đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Ngày 8 tháng 6, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam. Ngày 8 tháng 10, khai mạc Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

- Năm Mậu Thân 1968, ngày 29 tháng 1, mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân chống Mỹ - ngụy đồng loạt trên khắp miền Nam. Ngày 31 tháng 10, Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải tuyên bố chấm dứt vô điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.

- Năm Canh Thân 1980, ngày 23 tháng 7, anh hùng Phạm Tuân cùng các phi công Liên Xô thực hiện chuyến du hành đặc biệt, trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngày 18 tháng 12, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Năm Nhâm Thân 1992, ngày 5 tháng 4, tại Hòa Bình, khởi công xây dựng hệ thống tải điện 500 Kv Bắc - Nam. Ngày 15 tháng 4, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới 1992. Ngày 22 tháng 7, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam á (Hiệp ước Bali) và nâng quan hệ ngoại giao lên cấp đại sứ với nhiều nước trên thế giới.

- Phùng Quán (1932 - 1995): Sinh năm Nhâm Thân, quê Thừa Thiên Huế, nhà văn, nhà thơ. Thuở nhỏ học ở Huế, rồi vào bộ đội chống Pháp nơi chiến trường miền Trung. Sau năm 1954 ra Hà Nội, làm công tác thông tin tuyên truyền và văn học nghệ thuật. Bằng văn phong mạnh mẽ, tràn trề nhiệt huyết, lại ngộ nghĩnh, lạ kỳ, ông tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc qua các tác phẩm: Vượt Côn Đảo, Tiếng hát địa ngục Côn Đảo, Trên bờ Hiền Lương, Tuổi thơ dữ dội, Tiếng đàn trong rừng thẳm, Trăng hoàng cung, Thơ Phùng... Ông được coi là thi sĩ độc đáo bậc nhất cả về lối sống lẫn bút pháp trong làng thơ Việt Nam.

- Năm Giáp Thân 2004, cả nước bước vào xuân mới với sự ổn định chính trị cùng những thành tựu to lớn, chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ. Cũng năm nay, chúng ta ghi nhớ và vui mừng tiến hành nhiều lễ kỷ niệm trọng đại: 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004), 60 năm thành lập Quân đội nhân dân (1944-2004), 200 năm quốc hiệu Việt Nam được chính thức tuyên bố và công nhận (1804-2004)...

Nguyễn Anh Hùng



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
�����

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™

Tự độngTELEXVNITắtChính tảKiểu cũ