TP - Bác đã chỉ thị phải cứu chữa tận tình cho thương binh địch, không được để tù binh thiếu ăn trong lúc thuốc men lương thực ta không hề dư dật. Bác chỉ thị cho Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo cho phía Pháp rằng tựa sẽ trao trả tất cả số tù binh bị thương tại Thất Khê.
Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê
Giữa tháng 8 năm 1950, Ban Quân báo Mặt trận Biên giới triệu tập các cán bộ phụ trách chuẩn bị tài liệu về bố trí phòng ngự của Pháp ở Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê về Bộ chỉ huy chiến dịch nghe phổ biến chỉ thị.
Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh sẽ chọn tiêu diệt Đông Khê trước, đánh tiếp viện từ Thất Khê lên rồi sẽ đánh Thất Khê, Cao Bằng.
Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng thay mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trưởng chiến dịch, nói lại lời Bác Hồ dặn lúc ra trận là ở khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn địch bố trí nhiều đơn vị lính Âu Phi tinh nhuệ nên cần chọn cán bộ quân báo thông thạo tiếng Pháp, quán triệt chính sách chủ trương khoan hồng nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đối với hàng binh, tù binh địch đã hạ súng.
Vì ngoài một số tên chỉ huy nặng đầu óc thực dân, đa số binh lính địch là người lao động đi lính cho Pháp vì nhiều lý do khác nhau, giác ngộ cho họ mục đích chiến đấu chính nghĩa của chúng ta, để họ trở thành người chống chiến tranh phi nghĩa, người dân lương thiện khi được trả về nước sau này.
Tôi trở về làm Phó trạm trưởng quân báo Đông Khê, khẩn trương chuẩn bị cho các đơn vị chủ lực bước vào trận đánh quyết định đầu tiên. Tôi còn được lệnh chọn một mỏm núi đá cao gần Chỉ huy sở Bộ chỉ huy chiến dịch ở Nà Lạn, cách Đông Khê độ 10 km, có thể quan sát được tình hình các mặt trận từ Thất Khê lên Đông Khê và Cao Bằng. Vào buổi sáng ngày 16/9/1950, quan sát đài này được vinh dự đón Bác Hồ lên theo dõi trận đánh mở màn qua ống nhòm. Sự kiện này đã đi vào lịch sử qua bức ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An.
1. Với lòng khoan dung, chúng ta sẽ nhanh chóng giác ngộ cho tù hàng binh địch
Sau hai ngày chiến đấu ác liệt ta tiêu diệt hoàn toàn cụm Đông Khê, diệt và bắt sống trên 300 địch gồm toàn bộ Bộ chỉ huy phân khu. Tôi ở lại kiểm tra, xác minh lại các tài liệu mà trước đây ta chưa nắm được.
Lúc này Trạm Quân báo Đông Khê được giao trông nom khoảng 20 sỹ quan và binh lính Âu Phi bị thương nặng không thể chuyển về tuyến sau được. Chúng tôi cùng các y sỹ, y tá chăm sóc họ trên tinh thần khoan dung mà Bác Hồ và Bộ chỉ huy mặt trận đã chỉ thị.
Tôi chia tốp tù binh này ra thành từng nhóm: Binh sỹ riêng, sỹ quan riêng mỗi nhóm ở một góc hang Ngườm Khảm, bản Bó Bạch và cho họ ăn cháo nóng ngay.
Chính nhờ thái độ nhân đạo này, các lính Âu Phi báo cho chúng tôi biết có viên quan ba tên là Vô-le (Vollaire), chỉ huy phó Phong Khê, bị thương nặng, gãy 1 tay mất nhiều máu đang nằm lả ở góc hang đằng kia. Chúng tôi chăm sóc viên quan ba này chu đáo hơn, cho thêm thức ăn, thuốc lá làm cho y dần trở nên dễ gần hơn.
Và y bắt đầu tâm sự về gia đình, vợ con, việc từ một người tham gia giải phóng Paris (Pháp) sang Việt Nam đánh nhau ở chốn biên ải này. Cũng chính viên quan ba Vô-le này sớm lộ thông tin Chỉ huy Pháp ở Đông Dương đang có chủ trương rút khỏi Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê về củng cố tuyến bảo vệ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tôi liền cho liên lạc về báo cáo Ban quân báo mặt trận tin quan trọng này và được xác minh khớp với một số nguồn tin khác.
Sáng ngày hôm sau, khi Vô-le thấy chúng tôi uống trà sáng thơm thơm thì xin được uống một ca với thái độ thích thú, y khen nước trà gì mà thơm, uống vào thấy tim mình bớt rộn ràng, dễ chịu. Tôi giải thích đó là nước lá vối tươi mọc đầy ven suối quanh đây, Vô-le nói rằng đây chắc là một loại cây thuốc quý và xin được uống thường ngày.
Đang nói chuyện với Vô-le thì trinh sát ngoài đồn Đông Khê hớt hải về báo: Phi cơ địch vừa thả 2 quả bom có cột khói hình nấm đen lên cao và rất nóng làm nhiều chiến sỹ ta đang thu dọn trên Đồn Cao bị thương, bỏng rất nặng.
Tôi hơi hoảng, nghĩ rằng có lẽ Mỹ đã viện trợ cho Pháp loại bom nguyên tử chiến thuật như báo chí phương Tây rêu rao. Tôi đem tin này hỏi Vô-le, y lấy bàn tay trái còn lành lặn cầm bút chì tôi đưa viết nguệch ngoạch mấy chữ “NAPALM” và giải thích đấy là loại bom xăng đặc, tên là Napan rất lợi hại, phát minh mới của Mỹ.
Tôi liền viết báo cáo, cho người chạy ngay về Nà Lạn báo sự việc vừa xảy ra. Đồng chí Cao Pha, Trưởng ban quân báo cho biết Bộ chỉ huy chiến dịch gửi lời khen Trạm đã khai thác, báo cáo tình hình kịp thời giúp tìm ra biện pháp đối phó với bom Napan mới sau này.
Sau này Vô-le đã viết trong hồi ký của mình: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc của Cụ đã xem chúng tôi chỉ là những công cụ mù quáng, những quân nhân bị lừa phỉnh bởi những luận điệu tuyên truyền dối trá.
Sự giam giữ này không phải là sự trừng phạt mà là cơ hội cho những tù binh biến cải trở thành những chiến sỹ hòa bình…” (Theo tác giả Hữu Ngọc đăng trên báo Le Courrier du Viet Nam số 1857 ngày 27/2/2000).
Thế là đúng 50 năm sau, tôi ngẫu nhiên nhận được một phần thưởng thú vị, vì đã làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ.
2. Bác gặp tù binh Pháp
Đồn Đông Khê bị đánh tan, trạm quân báo Đông Khê kết thúc nhiệm vụ. Tôi phân công các trinh sát viên đi theo các đơn vị chủ lực chuẩn bị chờ đánh binh đoàn Le Page (Lơ-pa) từ Thất Khê lên đón binh đoàn Charton (Sác-tông) bỏ Cao Bằng rút chạy.
Tôi và hai đồng chí anh nuôi và liên lạc thu xếp gửi 5 thương binh nặng của địch cho đơn vị bộ đội địa phương để chờ trao trả, còn 15 tù binh đã khỏe theo chúng tôi về trại. Chúng tôi về Bộ chỉ huy nhận nhiệm vụ xuống trạm Thất Khê. Chúng tôi vừa mang vác tài liệu thu được của địch, vừa gồng gánh nồi niêu xoong chảo lại còn đèo bòng 15 “Ông Tây” to lớn thì quả là lúng túng.
Đồng chí liên lạc hiến kế lột giầy, tất treo lên cổ tù binh là hắn hết chạy chốn dọc đường, thấy hợp lý là chúng tôi thực hiện ngay.
Đoàn về qua Nà Lạn, gần Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới, Bác trông thấy một tù binh áo rách tả tơi, Bác bảo đồng chí phục vụ lấy một cái áo trong ba-lô đem ra cho.
Sau đó Bác gọi đồng chí Cao Pha – Trưởng ban quân báo đến bảo: “Sao chú cho lột giày tù binh rồi treo lên cổ họ? Đối với người phương Tây, không có giầy dép họ đi lại rất khó khăn, khổ sở. Nếu sợ tù binh chạy trốn thì chí ít chú phải cho họ đi tất chứ!”.
Qua chuyện này, tôi vô cùng ân hận vì Bác nhắc nhở rất đúng. Từ đó về sau tôi tự nhủ phải luôn sửa mình, sống cho nhân hậu với mọi người, kể cả họ là kẻ thù đã buông súng.
Một hôm khác, Bác muốn đi gặp tù binh. Để giữ bí mật, Bác hóa trang giống như một chiến sỹ bị thương. Bác đến trạm, ba sỹ quan gồm quan tư A-li-úc (Allioux), tiểu đoàn trưởng, trưởng đồn Đông Khê và hai quan hai đứng dậy khi Bác vào.
Bác nói ngay bằng tiếng Pháp: “Tôi tự giới thiệu, tôi là Việt kiều ở Pháp đã tham gia cùng nhân dân Pháp chống Phát xít Đức. Nghe lời kêu gọi của Chính phủ Hồ Chí Minh, tôi về nước cùng đồng bào tôi kháng chiến. Còn các anh đến đây làm gì?”.
Tên quan tư trả lời: “Chúng tôi đến đây theo lệnh của cấp trên”. Bác nhấn mạnh: “Các anh đều là những kẻ thực dân. Nhân dân Việt Nam chống đế quốc xâm lược để bảo vệ Tổ quốc của mình, cũng như nhân dân Pháp chống phát xít Đức trước đây…
Bây giờ các anh đã bị bắt làm tù binh, các anh phải tuân theo những quy định của trại. Sau này nếu các anh có thái độ tốt thì tôi sẽ đề nghị Chính phủ Việt Nam cho các anh hồi hương. Các anh có kiến nghị gì thì gửi lên cho tôi theo địa chỉ này: Nguyễn Thắng – Cố vấn Chính trị mặt trận”.
Các sỹ quan Pháp lặng lẽ cúi đầu suy nghĩ. Còn chúng tôi đứng xung quanh thì hớn hở, lần đầu tiên được nghe Bác Hồ nói tiếng Pháp vô cùng chuẩn xác với giọng Pa-ri trầm ấm và truyền cảm. Chúng tôi học được cách đối nhân xử thế của Bác vô cùng hợp lòng người, dù đó là kẻ mới vài ngày trước là kẻ thù không đội trời chung của chúng ta.
3.Đêm lửa trại chưa từng thấy
Sau chiến thắng Biên giới – 1950, số tù binh rất đông, có nhiều người bị thương rất nặng. Đó là một gánh nặng quá lớn với ngành hậu cần. Bác đã chỉ thị phải cứu chữa tận tình cho thương binh địch, không được để tù binh thiếu ăn trong lúc thuốc men lương thực ta không hề dư dật. Bác chỉ thị cho Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo cho phía Pháp rằng tựa sẽ trao trả tất cả số tù binh bị thương tại Thất Khê.
Đồng chí Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn 308, được phân công làm nhiệm vụ trao trả thương binh địch cho Hồng thập tự Pháp. Đồng chí triệu tập Ban chính trị – địch vận của Đại đoàn và Trưởng trạm quân báo Thất Khê đến bàn tổ chức một đêm lửa trại theo kiểu Hướng đạo sinh để bộ đội ta chào mừng chiến thắng giòn giã chiến dịch Biên giới và gây ấn tượng sâu sắc đối với thương binh địch mà đồng chí biết trong số họ thể nào cũng có nhiều người trước đây là Hướng đạo sinh Pháp (nguyên văn đồng chí nói là: Scout de France).
Đồng chí Cao Văn Khánh giao Trưởng ban chính trị –địch vận đại đoàn lo chuẩn bị và điều khiển nội dung chương trình cho sôi nổi, liên tục và hoành tráng; và giao cho tôi – Trưởng trạm quân báo (trước cũng là một hướng đạo sinh ở Huế cùng với đồng chí Cao Văn Khánh) lo vật chất, tức là chuẩn bị củi đủ cho một “đài lửa” thật lớn đảm bảo cháy suốt 4-5 tiếng đồng hồ.
Trong đêm lửa trại, hầu hết thương binh địch đều có mặt, kể cả thương binh nặng nằm trong lều nghe tiếng hát, tiếng đàn, tiếng vỗ tay vọng vào cũng xin các anh chị hộ lý khiêng cáng ra dự cuộc vui. Quanh đống lửa hồng bốc cao sáng rực, các chiến sỹ, bác sỹ, hộ lý, dân công hỏa tuyến ta hát vang các bài ca Cách mạng. Các thương binh địch hát các bài ca quê hương mình bằng tiếng Pháp và các thứ tiếng Âu, Phi.
Bất ngờ một tù binh bị thương nào đó hô to: “Vive Ho-Chi-Minh!” (Hồ Chí Minh muôn năm!) thì tất cả thương binh đồng loạt hô theo.
Một thương binh địch ôm cánh tay cụt đứng dậy nghẹn ngào nói bằng tiếng Pháp: “Tôi là người Đức bị Pháp bắt làm tù binh rồi ép sang đây làm lính Lê dương. Năm năm rồi tôi rất khổ mà không thèm khóc. Tối hôm nay tôi khóc vì sung sướng.
Tôi không bao giờ quên được buổi tối hôm nay. Mãi mãi khi nhớ tới buổi lửa trại này tôi sẽ lại khóc. Cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Những tiếng hô “Vive Ho-Chi-Minh!” lại rộ lên hưởng ứng câu nói của anh thương binh người Đức.
“Đúng thật lòng họ! Hay quá! Y dịch lại cho bộ đội mình nghe ngay đi”, đồng chí Cao Văn Khánh thốt lên. Tôi bật dậy dịch to, chậm rãi từng ý của anh thương binh người Đức vừa nói. Lập tức các đơn vị bộ đội dự lửa trại hô vang liên tiếp: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” và đồng loạt vỗ tay rần rần.
Hôm sau, trong lúc đang tiến hành trao trả tù binh bị thương cho phía Pháp, một tù binh nằm trên cáng xin được ở lại đi chuyến sau và xin được gặp người cán bộ quân đội Việt Nam phụ trách việc trao trả và nói:
“Tôi suốt đời sống cô đơn, xung quanh tôi chỉ là sự lừa gạt. Tôi căm ghét tất cả, kể cả đàn bà đẹp. Vì thế tôi vào lính Lê dương để bắn giết, để trả thù đời. Đêm hôm qua tôi không ngủ. Tôi kêu khát năm lần. Cả năm lần cô y tá đều mang nước đến cho tôi với vẻ mặt dịu hiền.
Tôi hỏi cô vì sao cô không căm ghét tôi? Cô trả lời: “Nếu gặp anh ngoài mặt trận, tôi sẽ bắn anh như bắn một con chó dại. Nhưng ở đây, anh là kẻ bại trận, anh đã bị thương, chúng tôi đối xử với anh như những con người”.
Tôi chỉ còn sống ít ngày nữa, nhưng thời gian ngắn ngủi đó là quãng đời đẹp nhất của tôi. Quân đội ông sẽ thắng quân đội Pháp. Ông hãy tự hào. Xin ông nhận lấy lời chúc mừng đầy kính trọng của một kẻ bại trận, bại trận mà sung sướng! Vĩnh biệt ông”.
Chúng tôi cảm nhận được những thái độ, những lời nói này của tù binh địch bị thương nặng là những cảm xúc thực sự xuất phát từ đáy lòng họ qua những ngày sống dưới sự quản lý của quân đội chúng ta đã thấm nhuần chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trước lúc ra trận, nhất là các lời dặn dò nhân hậu của Bác luôn vang vọng trong trí óc của chúng tôi cho đến tận bây giờ.
Hà Nội, ngày 5 tháng 7 năm 2007
Phạm Y
(Cựu chiến binh tại mặt trận Biên giới 1950
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: