Chiếc xe đò khịt khịt vài hơi rồi đứng khựng dưới con mưa như thác đổ. Đám hành khách chật cứng trên xe nháo nhào phản ứng rồi lo lắng nhìn nhau khi máy xe ngừng nổ hẳn. Gã phụ xe có hàng ria mép con kiến vội dầm mưa chui xuống dưới gầm xe. Hắn vừa xem xét vừa chửi thề rần trời làm Thiên Di càng sốt ruột hơn.
Đã ba giờ chiều, nếu xe không chạy được tiếp, làm sao cô có thể tới cái thị trấn ấy. Mà nếu không tới nơi, cô sẽ ở đâu đêm nay?
Kéo cao cổ áo gió lên. Thiên Di đảo mắt nhìn những người đồng hành với mình. Đa số họ là dân địa phương nên dù mưa bão, dù hư xe, họ vẫn giữ vẻ bình thản, kiên nhẫn để chờ đợi. Có lẽ với họ, đây không phải là chuyện lần đầu gặp phải, nên vừa ồn ào la ó đó, họ đã tiếp tục nghiêng ngã dựa vào nhau ngủ. Bà khách còm nhom ngồi kế Di cũng ngáy o o làm cô bớt bồn chồn hơn.
Mười phút, mười lăm phút trôi qua, xe vẫn không nổ máy. Cái không khí ẩm ướt nồng gắt mùi xăng dầu, mùi người xông lên khiến Thiên Di cứ muốn buồn nôn. Lục trong túi xách, cô tìm chai dầu gió bôi lên thái dương, lên mũi cho tỉnh táo.
Đây là chuyến đi xa đầu tiên trong đời cô. Nhưng xem ra không suôn sẻ chút nào. Từ sáng đến giờ, cô đã đổi hai lượt xe, mà chuyến nào cũng nhồi lắc cô bầm dập. Đến thị trấn, Di còn phải sang một chuyến xe nũa mới tới trại Thùy Dương. Chẳng biết trang trại có cái tên thơ mộng ấy có phải là nơi dừng chân tốt nhất cho Thiên Di không? Dầu sao cô cũng đã vượt mấy trăm cây số để tới đây, cô sẽ khônng quay về đâu.
Giọng gã tài xế rổn rảng vang lên làm Di giật mình:
- Xe pan rồi, mời bà con xuống đón xe khác. Nhanh nhanh lên kẻo tối là ở lại đây luôn đó.
Hắn chưa dứt lời, cả đám hành khách đã ồ lên phẫn nộ. Người đòi trả tiền xe, kẻ mắng mỏ, bát nháo cả khỏang không gian chật chội, nhớp nhúa, hôi hám, ẩm ướt. Thiên Di ôm túi xách ngồi lọt thỏm giữa đám người đang phẫn nộ ấy với tãm trạng hoang mang tột cùng.
Ba giờ ba mươi phút rồi. Giữa con đường xuyên rừng ngang núi này làm sao mà đón xe. Mưa vẫn tuôn ào ào. Bà khách ngồi kế bên kéo vai cô:
- Nào! Xuống mà đón xe, chậm chân là ở lại làm bạn với.... cọp đó.
Nghe nói thế, Di vội bật đứng dây, đầu chạm vào mui xe ê ẩm. Xòe tay nhận lại phân nữa tiền vé như bồi hoàn, Di trùm cái áo đi mưa rồi lúp xúp chạy theo bà khách.
Đã qua mấy đợt xe rồi, nhưng Di không thể nào chen chân kịp với bọn đàn ông và các phụ nữ sung sức, cô đành rớt lại với các ông già, bà lão. Càng đứng, Di càng lanh run, cơn mưa núi rừng làm người ta rét tận cùng xương tủy.
- Có xe tới nữa rồi kìa
Người đàn ông vừa nói vừa chạy ra giữa đường, giang hai tay chặn xe.
Chiếc xe tải nhỏ chồm lên rồi dừng lại. Một gương mặt đàn ông ẩn dưới cái kết ló ra, giọng nặng trịch:
- Đón xe mà giống ăn cướp vậy huh? Coi như mấy người gặp xui rủi. Xe này không cho quá giang đâu.
Nghe nói thế, đám khách liền bu quanh đầu xe, mỗi người một lời van xin, năn nỉ nghe thật thảm.
Gã tài xế gọn lỏn:
- Mười một người thôi. Xe này kỵ số mười ba. Ai lên không được thì chờ xe khác.
Dứt lời, gã từ cabin nhảy xuống, mở thùng xe sau ra. Mọi người vội vã chen lên theo tiếng đếm của gã tài xế. Quên cả lịch sự kính trên nhường dưới, Thiên Di xô dạt hai ba người yếu hơn mình, chui tọt lên ngồi một góc. Tay khư khư giữ túi hành lý, cô thở phào nhẹ nhõm khi gã tài xế xoa tay và phán:
- Thôi. Đủ rồi.
Di và đám khách trên xe nhìn xuống đường. Chỉ còn lại một.... bà bầu. Bà ta đang năn nỉ hết lời, nhưng gã tài xế vẫn dửng dưng lắc đầu:
- Không được là không được. Coi như chị xui. Chờ chuyến khác mà quá giang.
Vừa nói, gã vừa kéo bửng lên. Thiên Di mủi lòng trước cặp mắt tuyệt vọng của người phụ nữ đang co ro dưới mưa.
Tự dưng cô buột miệng:
- Khoan đã. Cho tôi xuống để chị ấy lên. Hừ! Người ta mang bụng thế kia mà ông nỡ nhẫn tâm bảo chờ chuyến nữa.
Thiên Di cắn môi khi bắt gặp cái nhìn dữ dội ẩn sau vành nón kết của gã tài xế.
Gã hầm hừ nạt:
- Xuống lẹ đi, chị cả. Tài khôn chỉ thiệt thân mình và tốn thời gian của người khác.
Thiên Di nghênh ngang nhảy xuống. Người phụ nữ chụp lấy tay cô, cảm ơn rối rít:
- Còn một chuyến xe nữa. Cô ráng đợi nha.
Di hiên ngang gật đầu rồi lủi thủi đứng nép vào một bên đường mà hai hàm răng đánh bò cạp. Chuyến xe còn đó có thật hay không? Chừng nào nó chạy qua? Thiên Di không biết, thế mà cô dám....
Vòng hai tay ôm ngực, cô ngồi xuống đường. Dưới chân Di, nước mưa chảy ào ào, màu đỏ chạch của vùng đất ba-dan. Di uất hận nhìn chiếc xe từ từ lăn bánh và thầm rủa gã tài xế ác độc không tiếc lời.
Gã mê tín ngu ngốc ấy chở bà bầu đã quên rằng, nếu tính người, gã đang gánh số mười ba trên vai. Hừ! Cầu trời cho hắn mắc dịch, mắc toi hay chột bụng, nhức răng cho bõ ghét. Nhưng dù lời rủa của Di có linh nghiệm, chắc cô cũng chết trước gã vì lạnh, đói và vì cọp tha, hổ bắt quá.
Bất giác, Thiên Di rùng mình khi nhớ tới lời hăm dọa của bà khách lúc nãy. Lẽ nào trên đoạn đường này có cọp? Nghe nói chúa sơn lâm sắp tuyệt chủng rồi. Chẳng lẽ.... Ông ta lại xuất hiện ở đây thay vì ở trong sách đỏ? Di chợt thấy tay chân rụng rời. Cô đúng là... tài khôn y như lời gã tài xế ấy nói. Qua phút làm người hùng rồi, bây giờ hãy đối đầu với thực tế khủng khiếp đi con ngốc!
Bàng hoàng nhìn màn mưa của đoạn đường đã đi qua, Di thấy trừ chiếc xe đò bọ pan nằm chình ình ra, không còn ai là khách ngoài cô. Nếu đón xe không được, chắc cô phải qua đêm với ông tài xế và tên phụ xế có bộ râu be he mở mồm là văng tục ấy quá.
Đang suy nghĩ lung tung, Thiên Di bỗng nghe có tiếng người gọi.
Quay lại, cô thấy gã mê tín kỵ số mười ba đang chạy ngược về phía mình. Vừa chạy, gã vừa gào to trong mưa:
- Lên xe đi bà. Tôi nể bà thật rồi. Hừ! Định làm nữ anh hùng hy sinh vì người khác chắc?
Thiên Di mừng còn hơn bắt được vàng. Không kịp nói lời cảm ơn, cô ôm giỏ hớt hải chạy theo hắn. Tới xe, gã tài xế mở cabin phía trước rồi hất hàm:
- Lẹ giùm đi.
Xe chuyển bánh êm ả, ngon lành, chớ không ì ạch, già nua như chiếc xe đò lúc nãy. Thiên Di ngồi nép vào cửa, len lén nhìn gã tài xế hắc ám.
Gã vừa châm điếu thuốc vừa hỏi:
- Hình như cô không phải người ở đây?
Di ậm ừ:
- Vâng.
- Cô đi thăm bà con à?
- Vâng.
Thấy Di không muốn nói về mình, gã tài xế chuyển hướng:
- Cô biết tại sao cuối cùng tôi cho cô quá giang không?
Giọng Di kéo dài giễu cợt:
- Tại anh kỵ số mười ba chớ gì.
Gã tài xế gật gù:
- Hừ! Thì ra khi nhường chỗ cho bà bầu ấy, cô đã tính toán rồi. Khá lắm!
Thiên Di thản nhiên:
- Tôi chẳng tính gì hết. Cho đi nhờ xe hay không là quyền của anh mà.
Gã tài xế im lặng. Thiên Di bồn chồn nhìn về phía trước. Ở đây rừng núi bạt ngàn, chắc buồn lắm. Nhưng Di đâu có lựa chọn nào khác, chỉ hy vọng nơi đây là đất lành.
Ngập ngừng một chút, Di hỏi:
- Trại Thùy Dương còn xa không?
- Trại ấy cách thị trấn bốn cây số.
- Từ đây tới thị trấn còn mấy cây nữa?
Rít một hơi khói, gã tài xế nói:
- Tới rồi đó. Bộ không thấy phía trước bắt đầu có nhà rồi sao?
Liếc vê phía Di, gã tò mò:
- Cô quen ai ở cái trại tù ấy?
Thiên Di ngơ ngác:
- Trại tù nào?
- Chậc! Thì trang trại Thùy Dương đó. Dân vùng này quen gọi là trại tù, vì người trong đấy đa số ở tù ra xin vào làm nhân công.
Thiên Di phản ứng:
- Nhưng dì tôi không ở tù bao giờ.
Gã tài xế đáp gọn lỏn:
- Vậy thì tốt.
Thiên Di dò dẫm:
- Chắc người ở trại đó dữ dằn lắm?
Gã tài xế buông thõng:
- Đương nhiên. Tù mà, tội nào lại không có. Riêng lão chủ trại cũng không vừa đâu.
Di bỗng thấy hẫng với những điều vừa nghe. Vậy mà trong thư, dì Thủy đâu hề nhắc tới chuyến này. Nếu công việc cô sắp nhận hằng ngày phải tiếp xúc với họ, chắc phiền phức lắm.
Đang bần thần với suy nghĩ của mình, Di choàng tỉnh vì gã tài xế vừa vỗ vào thùng xe vừa hét:
- Tới rồi. Xuống lẹ lên.
Di đưa gã số tiền được trả lại lúc nãy:
- Gởi anh tiền xe.
Xòe tay đếm những tờ giấy bạc bèo nhèo vì ướt, gã khinh khỉnh:
- Có bấy nhiêu thôi sao? Tôi đâu rẻ dữ vậy.
Thiên Di ấp úng:
- Chớ anh muốn.... muốn bao nhiêu?
Dúi tiền vào tay Di, gã tài xế cười:
- Đùa thôi. Tôi cho đi nhờ mà.
Thiên Di lí nhí cảm ơn và hỏi:
- Tôi phải đón xe nào mới về trại Thùy Dương được?
Gã tài xế chưa kịp trả lời thì nhóm khách quá giang lúc nãy đã ùa tới cabin đua nhau cảm ơn rối rít.
Đợi họ đi hết, gã mới nói:
- Tôi chạy ngang đó. Nếu cô không ngại, tôi lại cho cô đi nhờ. Nhưng lần này thì tính tiền đó.
Thiên Di cắn môi:
- Nếu được vậy, còn gì bằng.
Xe lại khởi động, gã tài xế chỉ vào cánh rừng cà phê bạt ngàn hai bên đường:
- Từ đây trở đi là thuộc trại.... tù. Trang trại cô sắp tới lớn nhất nhì ở đây, nội công nhân cũng gần trăm người.
Nhìn Di, gã cười cười:
- Đừng nói là cô tới trại Thùy Dương để xin việc nha.
Thiên Di lấp lửng:
- Nếu thật vậy cũng đâu có sao.
- Cần việc làm, tôi sẽ giới thiệu cho cô chỗ khác. Ở đây, đâu phải chỉ mình trại ấy cần người. Những trại khác cũng trả lương như thế, nhưng về tinh thần chắc chắn cô sẽ được thoải mái hơn. Nhìn dáng vẻ thị thành của cô, tôi nghĩ khó phù hợp ở trại ấy lắm.
Thiên Di nhỏ nhẹ:
- Cám ơn anh. Nhưng dì tôi ở trại Thùy Dương, tôi phải tới đó.
Gã tài xế hỏi tới:
- Dì cô tên gì? Biết đâu tôi quen?
Thiên Di ngập ngừng:
- Dì tôi tên Thủy, làm quản gia cho gia đình ông chủ trại Thùy Dương.
Gã tài xế đập mạnh tay lên vô lăng:
- Bà Tư Thủy thì tôi rành quá rồi. Nhưng nè! Nhớ đừng khoe là quá giang xe của cậu Mười Ba, bả không thích tôi đâu.
Thiên Di hơi nhếch môi vì cái tên "cậu Mười Ba" được gã tài xế cố ý nhấn mạnh một cách phách lối.
Cô hấp háy mắt:
- Anh tên là Mười Ba à? Hèn chi kiêng cữ. Chắc anh sợ phạm húy?
Mười Ba nhún vai:
- Đó chỉ là biệt hiệu trong.... giang hồ đặt cho vì họ quý trọng tôi, chớ không phải tên.
Thiên Di le lưỡi:
- Eo ơi! Thì ra anh cũng là một đại ca. Thế anh có liên quan gì tới trại tù không?
Mặt đang hất lên trời đầy hãnh diện, nghe Di hỏi thế, Mười Ba xụ xuống, khó chịu:
- Không. Tôi và bên đó như nước với lửa, liên quan quái gì chớ.
Di kéo dài giọng:
- A! Vì thế nên anh xúi tôi đừng vào trại Thùy Dương xin việc. Thật ra, trại ấy tạo công ăn việc làm cho những người hoàn lương thì có gì xấu chớ?
Mười Ba nói:
- Trại ấy không xấu, nhưng trại của tôi lại tốt hơn. Nếu cô về làm cho tôi, tôi sẽ trả lương cho cô gấp đôi công nhân ở đấy.
Thiên Di khịt mũi:
- Chưa biết khả năng, con người, tánh tình tôi ra sao, anh đã hào phóng như vậy. Thật đáng suy nghĩ.
Mười Ba huênh hoang:
- Tôi nhìn người bằng giác quan thứ sáu. Khó sai lắm. Cô là người thông minh, tốt bụng and tự tin. Có một nhân viên như thế ở cái xứ khỉ ho cò gáy này là niềm mơ ước của tất cả chủ trại. Cô tên gì vậy?
Di lẩn tránh:
- Đi nhờ một chuyến xe, cần chi bận tâm đến tên tuổi.
Mười Ba nói chắc nịch:
- Vì nhất định tôi sẽ gặp lại cô.
Thắng xe gấp đến mức Di chúi nhủi về phía trước, Mười Ba chỉ vào con đường bên trái:
- Tới rồi đó. Ráng đi bộ vài trăm thước sẽ tới trại. Tiếc rằng tôi không thích lăn bánh trên con đường này, nên cô chịu khó vậy.
Thiên Di bước xuống, Mười Ba vẫy vẫy tay:
- Rồi tôi cũng sẽ biết tên cô. Nhất định là thế.
Tần ngần nhìn theo chiếc xe của Mười Ba, Di xốc túi xách và bắt đầu đi dưới mưa. Vài trăm thước của đoạn đường dốc sao mà dài đến thế. Càng đi, Di càng mệt. Cho đến khi nhìn thấy cái cổng sắt cao nghệu của một tào biệt thự sừng sững dưới mưa thì cô đã hoàn toàn đuối sức.
Đứng bên ngoài cổng, cô ráng sức hét lớn tên bà dì mình, nhưng hầu như không ai nghe, vì khoảng cách từ cổng đến nhà khá xa. Càng gọi, sức Di càng cạn, âm thanh càng nhỏ. Cô tuyệt vọng đứng tựa vào cổng, người run lên vì lạnh.
Trời càng lúc càng tối, nhưng mưa không bớt chút nào. Thiên Di đuối sức đổ gục xuống. Ngay lúc đó, cô thấy có ánh đèn xe hơi loá sáng trước mắt, tiếng bóp còi inh ỏi. Thiên Di gượng dậy không nổi. Cô nghe có người gọi mình, lay mình thật mạnh, nhưng Di không mở mắt ra được.
Thiên Di cuộn tròn mình trong chăn, lắng nghe những âm thanh vọng lại dưới sân nhà.
Trời vẫn còn âm âm tối, nhưng một ngày ở trang trại này đã bắt đầu. Công nhân đã chuẩn bị tới các vườn cà phê trải dài gần hai ngàn mẫu. Ông chủ cũng chuẩn bị đi xem xét cơ ngơi của mình.
Ôm siết cái gối, Di thắc mắc. Chẳng biết ông ta ra sao, mặt mũi thế nào muh quyền uy đến thế? Mấy hôm nay nằm bệnh trong phòng. Di chưa đến chào. Điều này làm cô áy náy, vì chính ông ta là người gặp cô nằm gục trước cổng nhà buổi chiều mưa dữ dội ấy. Nếu không, chắc Di đã chết cóng rồi.
Nghe dì Thủy kể: hôm sau, ông chủ liền sai người tức tốc gắn một chuông điện ngay cổng. Ông tỏ vẻ tự trách mình lâu nay không để ý tới việc nhỏ nhặt này và coi việc Thiên Di té xỉu là lỗi của mình.
Thiên Di cắn nhẹ môi, lòng dâng lên niềm cảm xúc kỳ lạ. Những lo lắng vu vơ trước những lời doạ dẫm của Mười Ba chợt biến mất. Ông chủ trại này cũng được đấy chớ. Nếu không, ông ta đâu quan tâm tới thân phận của những người làm công. Được làm việc với người như thế cũng tốt.
Lười biếng nhắm mắt lại, Di tiếp tục lơ mơ ngủ, đến lúc nghe dì Thủy gọi, cô mới vươn vai ngồi dậy. Lấy áo lạnh mặc thêm vào, Di bước ra ngoài. Phòng của cô sát phòng dì Thủy va nằm ở khu vực của nhà bếp, nên ra khỏi cửa, Di đã thấy dì đang loay hoay bên bàn ăn:
- Bữa nay con khỏe hẳn chưa?
Thiên Di vừa mở nước rửa mặt, vừa đáp:
- Nằm cũng cả tuần rồi, con muốn được làm việc. Nếu không, sẽ chẳng khỏe được như ý muốn. À! Bữa nay con gặp ông chủ được chưa dì?
Bà Thủy nói:
- Ông chủ đi vắng cả tuần nữa mới về.
Di trố mắt nhìn dì mình:
- Vậy việc mở lớp học thì sao?
Bà Thủy thản nhiên:
- Con vẫn chưa làm quen vơi hoàn cảnh, con người ở đây. Cứ từ từ tìm hiểu trước đã, cần gì phải vội vàng.
Thiên Di ậm ừ:
- Con sợ bị nói mình ăn không ngồi rồi lắm.
- Có dì kế bên, ai dám nói chớ. Thôi. Tới ăn sáng đã.
Thiên Di tò mò:
- Nghe nói công nhân ở đây trước kia từng ở tù hả dì?
Bà Thủy lừ mắt:
- Ai nói vậy?
Thiên Di ngập ngừng:
- Hôm ngồi trên xe đò, con hỏi thăm và được nghe như thế.
Bưng ly sữa lên, bà Thủy hỏi:
- Họ còn nói gì nữa?
- Dạ.... hết rồi.
Bà Thủy khó chịu:
- Đúng là nhiều chuyện.
- Nhưng họ nói đúng, phải không dì?
- Ai không có dĩ vãng. Trước kia, họ phạm tội và phải ở tù, nhưng bây giờ họ đã cải tạo thành người tốt và lo chí thú làm ăn. Ai vẫn coi họ là tù, kẻ đó mới xấu.
Thiên Di im lặng ăn hết phần điểm tâm của mình rồi uống hết một ly sữa to.
Nhìn cô, bà Thủy bảo:
- Ở đây một thời gian, con sẽ lên cân cho xem. Con gái phải có sức khỏe mới đẹp. Trại này nuôi heo, gà, bò, nên con tha hồ tẩm bổ bằng sữa hột gà. Dì không để con ốm đói như thế này nữa đâu. Sống ở đây, thể lực phải tốt mới chịu lạnh nổi. Dì sẽ mua thêm áo ấm cho. À! Ông chủ có đưa tiền lương cho con đây nè.
Thiên Di ngỡ ngàng:
- Nhưng con chưa làm việc mà.
- Đã tới đây, xem như đã bắt đầu làm việc. Bữa nay con có thể đi dạo vòng vòng cho thoải mái.
Thiên Di gật đầu. Cô lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Trời trong veo và xanh đến nao lòng. Những trận mưa úng đất đã dứt, nhưng trời vẫn còn lạnh. Di choàng thêm chiếc khăn ngang cổ, xỏ chân vào đôi giày cao rồi bước ra ngoài. Không khí ở đây trong lành và thơm lừng hương họa Di lững thững đạp lên cỏ ướt đi ra tận cổng, rồi quay lại nhìn ngôi nhà mình đang ở.
Trông ngôi nhà thật đồ sộ. Di từng thấy kiểu nhà này trong những tờ lịch treo tường. Cô cứ tưởng chỉ ở nước ngoài mới có các lâu đài như thế, không ngờ tại nơi rừng cao núi thẳm này người ta cũng xây dựng được.
Đây cũng là một cách thể hiện sự giàu có, quyền uy của mình. Nhưng ngôi biệt thự này trông vắng lặng làm sao. Di chưa dám hỏi dì Thủy về những người trong đó, cô có cảm giác ngôi nhà chẳng ai ở hết. Vậy họ xây làm chi cho to thế nhỉ?
Buồn chán, Di đá một trái phi lao và nhìn nó lăn lông lốc xuống dốc. Hai bên lề nở đầy hoa dại trông như tranh vẽ. Thiên Di đắm mình giữa thiên nhiên và phút chốc cô quên hết những phiền muộn đang chất chứa trong lòng lâu nay.
Đi hết con lộ lớn. Thiên Di bắt gặp nhiều công nhân đang làm việc bên những gốc cà phê. Họ nhổ cỏ, vun gốc, tỉa lá và nhìn cô chỉ trỏ. Không biết nói sao, Di chỉ mỉm cười đáp lễ.
Một người đàn bà mập mạp ngồi dưới gốc cà phê hỏi vọng ra:
- Cô là cô giáo mới phải không?
Di gật đầu:
- Dạ, phải.
Chị ta cười toe toét:
- Nghe nói cô giáo vừa tới đã bệnh. Hôm nay cô khỏe chưa?
Thiên Di khách sáo:
- Dạ, cảm ơn chị. Em khỏe rồi.
Vừa nói, cô vừa bước vào vuông cà phê. Người đàn bà vừa nhổ cỏ, vừa bắt chuyện. Qua câu chuyện, Di biết chị ấy tên Lang. Vợ chồng chị Lang đã làm ở trang trại Thùy Dương nhiều năm. Họ có hai đứa con ở tuổi đến trường, nhưng chưa đứa nào được đi học tới nơi tới chốn. Chị Lang kể rằng, trước đây trang trại có tới ba lớp học, nhưng giáo viên dạy được vài tháng là bỏ về vì nhớ nhà, vì không chịu cực nổi.
Chị Lang kết thúc câu chuyện kể bằng một câu:
- Lần này không biết cô ở bao lâu mới bỏ tụi nhỏ nữa đây?
Thiên Di gượng gạo:
- Điều đó phải xem đất có đãi người hay không.
Lang gật gù:
- Câu trả lời rất hay. Tôi nói thật, chỗ này đất lành, chủ lại tốt. Bỏ đi uổng lắm.
Thiên Di im lặng. Cũng mong cô sẽ được đất đãi, người đãi như Lang nói.
Di tò mò:
- Ông chủ là người thế nào hả chị?
Lang vọt miệng:
- Dĩ nhiên là rất tốt rồi.
- Thế.... trông ổng ra sao?
Lang ngạc nhiên:
- Ủa! Bộ cô chưa biết ổng à? Vậy sao tôi nghe kể hôm trước, chính ổng bế cô vào nhà, cạy miệng đổ rượu cho cô ấm người lại mà?
Mặt Thiên Di đỏ ửng lên. Những điều Lang kể thật bất ngờ. Vậy mà dì Thủy chả hề nói với cô lời nào. Chà! Xem ra đàn bà ở đây cũng giỏi hóng chuyện chuyện dữ. Chẳng biết họ có thêu dệt gì thêm không nữa?
Lang phá ra cười khi thấy Thiên Di xoa mặt. Chị ta dài giọng:
- Nè! Ông chủ chưa có vợ. Nếu ổng cưới cô giáo thì con nít ở trại này đâu sợ dốt nữa.
Thiên Di ngượng ngùng:
- Chị khéo đùa quá. Đùa làm sao em bỏ về trước khi gặp ổng thì đùa.
Lang vội xua tay:
- Ấy ấy! Cô mà bỏ về, tôi gánh tội hổng nổi đâu.
Rồi chị ta hạ giọng:
- Nói vậy chớ ổng thiếu gì bồ. Có tiền là có tất cả mà. Mấy cô nhà giàu ngoài thị trấn, thậm chí ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, KomTum, Play- ku gì đó cũng mê ông chủ như điếu đổ. Ngặt một nỗi ổng khó quá nên lựa mãi vẫn chưa được cô vợ như ý. Nghĩ cũng tội!
Thiên Di lảng sang chuyện khác:
- Trường học gần đây không chị?
Lang đứng dậy, giọng nhiệt tình:
- Gần. Để tôi đưa cô tới.
Di ngập ngừng:
- Chị đang làm việc mà.
- Cô không phải lo. Ở đây, ai cũng rất tự giác. Lát nữa, tôi sẽ làm bù.
Thiên Di nhỏ nhẹ:
- Như vậy phiền quá. Một lát em sẽ phụ chị nha.
Lang xua tay:
- Cô mới khỏi bệnh, dầm nắng lâu đâu có tốt. Chỉ cần cô dạy tụi nhỏ biết chữ là tụi tôi mang ơn rồi, ai lại để cô phụ chuyện nặng chớ.
Vừa đi, Lang vừa chỉ cho Di những cánh đồng trồng khoai tây, bắp cải, su hào nằm xa xa trên những sườn đồi thoai thoải một màu xanh. Chỉ vào một dãy nhà ngói đỏ có ba phòng liên tiếp nằm sát lộ, Lang bảo:
- Trường học đó.
Thiên Di khen:
- Đẹp quá.
Lang xa xôi:
- Đẹp mà thiếu thầy cũng như không.
Thiên Di im lặng. Cô không thích hứa hẹn khi chưa nắm thực tế ở đây. Biết đâu chừng cô cũng sẽ chịu cực không nổi, và cũng sẽ bỏ về như những người đã tới.
Cô hỏi:
- Ở đây con nít đông không chị?
- Cũng mấy chục à. Không được học hành, tụi nó kết bè, kết phái quậy chịu không thấu. Ông chủ nói phải có ăn học mới nên người. Vì thế, ông chủ hứa cố gắng lo cho bọn trẻ được học hành. Ổng không để bọn nhỏ thất học đâu.
Thiên Di càng tò mò hơn về ông chủ trại Thùy Dương. Tiếc rằng cô vẫn chưa hình dung ông ta như thế nào. Ông ta đã trả lương dù Di chưa làm việc ngày nào. Với số tiền đó, cô sẽ gởi về cho mẹ. Bà đang rất cần tiền, rất cần tiền.
Đang đắm mình trong suy nghĩ, Thiên Di bỗng hết hồn vì một hồi còi xe vang lên chói cả tai. Quay ra đường, Di thấy Mười Ba đang thò đầu khỏi cabin xe, miệng toe toét cười:
- Chào.... em Thiên Di. Em đã hết bệnh rồi à?
Vừa bất ngờ vừa khó chịu vì giọng điệu cợt nhả của Mười Ba, Thiên Di làm thinh trước cái nhìn ngạc nhiên của Lang.
Thấy cô im lặng, gã nói tiếp:
- Biết em bệnh, anh sốt ruột muốn chết. Định tới thăm em, ngặt một nỗi.... Chậc! Dễ gì ông Trác đồng ý, anh đành hỏi người này, người kia tin của em. Bây giờ khỏe rồi, anh mời em ra chợ uống cà phê nhé.
Giọng Thiên Di thật nghiêm:
- Cảm ơn lòng tốt của anh. Nhưng tôi không có thời gian.
Chụp cái kết đội ngược lên mớ tóc quăn, Mười Ba gục gặc đầu:
- À! Em đang thăm nơi mình sắp dạy học chớ gì? Chỗ này tệ lắm. Về trại của anh, phòng ốc ngon hơn nhiều. Ở lại trại này, sớm muộn gì em cũng sẽ hối hận vì tiếp xúc với đám công nhân của ông Trác.
Không đợi Mười Ba nói hết, Lang sấn tới:
- Nè! Cậu nói gì khó nghe quá vậy?
Hất mặt lên, Mười Ba dài giọng:
- Sự thật lúc nào chẳng khó nghe. Ê! Tôi đâu hề nói chuyện với hạng người có tiền án như chị. Nè! Đừng bày đặt kết thân với cô giáo rồi cuỗm hết tiền của cô ấy đi nha.
Thiên Di đọc được trong mắt Lang sự căm phẫn cao độ. Không thèm nói thêm lời nào với Mười Ba, Thiên Di nắm tay Lang băng băng đi ngược trở về.
Lang hậm hực:
- Sao cô quen với nó vậy?
Di liếm môi:
- Hôm trước, anh ta cho tôi đi nhờ xe.
Lang chợt hỏi:
- Cô Tư Thủy có biết không?
Di lắc đầu. Lang thì thầm:
- Cô đừng cho cô Tư biết. Nếu không sẽ có chuyện đấy.
Thiên Di thắc mắc:
- Giữa dì Thủy và Mười Ba có xích mích à?
Lang ậm ừ:
- Không phải.
- Vậy thì là gì? Tại sao hôm trước hắn cũng nói với tôi như thế?
- Đại khái là cô Tư không thích gia đình bên đó, nhất là ba mẹ của cậu Thế.
Thiên Di tò mò:
- Cậu Thế nào vậy?
Lang bĩu môi:
- Thì là cậu Mười Ba lúc nãy đó. Gia đình họ giàu nhưng bất nhơn lắm. Trong mắt họ, ai đã phạm tội một lần thì vĩnh viễn không bao giờ được làm người tốt trở lại. Trước đây, cũng nhờ họ, tôi mới đi tù đó chớ.
Thiên Di ái ngại:
- Chuyện xảy ra thế nào? Chị kể cho em nghe đi.
Lang thản nhiên:
- Hồi đó đói quá, tôi ăn trộm bắp nhà cậu Thế. Họ bắt được, vậy là đi tù.
- Nhưng ăn trộm là phạm tội rồi.
Lang gật đầu:
- Đúng vậy. Tôi không đổ thừa hoàn cảnh, nhưng "bần cùng sanh đạo tặc". Bây giờ tôi có công việc làm, tôi đâu như xưa nữa, nhưng họ vẫn còn thành kiến với tôi. Cũng may trên đời vẫn còn người tốt như ông chủ. Nếu không, chúng tôi làm sao ngóc đầu lên được.
Thiên Di an ủi:
- Đừng nghĩ tới lời của Mười Ba. Chị hãy nghĩ tới các con của mình là tốt hơn tất cả.
Lang nhìn Di, cảm kích:
- Cô nói đúng. Tôi phải làm sao cho các con tôi không khổ như cha mẹ chúng hồi còn trẻ.
Thiên Di chớp mắt. Cô nghĩ tới bản thân và hít vào một hơi thật dài.
Tương lai vẫn đang ở trước mắt, ảm đạm hay tươi sáng là do nỗ lực của cô. Ngay từ bây giờ, Di nên bắt đầu cho ngày mai của mình....
Đang lau tủ, bà Hai bỗng hỏi:
- Ngày mai cậu Trác về, phải không cô Tư?
Buông viết xuống, bà Thuỷ gật đầu:
- Đúng vậy. Lần này cậu ây mời bạn bè đông lắm. Tôi và dì lại cực nữa rồi.
Bà Hai dễ dãi:
- Cực nhưng vui. Phải để cậu ấy nghỉ ngơi vui vẻ với bạn bè, chớ quanh năm suốt tháng cứ làm việc quần quật như vậy tội quá. Cậu chủ cần có vợ để đỡ đần quán xuyết mọi việc trong nhà.
Chống tay dưới cằm, giọng bà Thuỷ dài ra:
- Quán xuyến đỡ đần, chắc khó à. Tôi thấy những cô quen với cậu Trác, chả cô nào ra hồn. Toàn một lũ thích làm bà, nhưng lười làm việc. Thậm chí còn sợ cái trang trại này nữa. Bởi vậy, họ cứ rủ cậu chủ về thành phố hoài.
Giọng bà Hai vô tư:
- Con gái xứ này không ai xứng với cậu ấy hết. Cậu ấy phải tìm chỗ khác chớ sao nữa.
Thiên Di im lặng nghe hai bà bàn về ông chủ. Hầu như những lời này, ngày nào Di cũng nghe. Nếu không về tình duyên của ông chủ, thì cũng so sánh ông với những người khác. Trong mắt của dì Thuỷ, cậu chủ Khuất Duy Trác là một người hùng, một thần tượng thì phải. Suốt ngày cứ nghe hai bà lẩm cẩm lo lắng, thắc mắc, bàn tán về người mình chưa biết mặt mãi. Thiên Di phát chán. Từ tò mò về ông chủ, Di lại mang thêm vào lòng chút ganh tỵ vu vơ của con gái. Cô nôn nao muốn gặp ông ta va cũng ngại ngùng khi nghĩ tới lúc gặp.
Nhiều lúc Thiên Di tự trấn an mình. Chuyện có gì phải lo lắng? Người xin việc nào không phải giáp mặt để ông chủ phỏng vấn cơ chứ. Riêng cô đã được nhận vào làm, đã lãnh lương rồi, sao cư suy nghĩ lung tung mãi thế này? Tốt hơn hết nên tập trung cho công việc sắp tới, nếu không thì nên dành thời gian để đọc sách. Ngôi nhà vắng người này rất nhiều sách. Trong phòng đọc sách, Di thấy rất nhiều gói sách còn để nguyên trong bịch, chứng tỏ người mua sách vì thói quen hay vì một lý do nào đó, chứ không phải để đọc chúng.
Thiên Di nhìn bà Thuỷ, giọng ngập ngừng:
- Con ra chợ gởi thư nha dì?
Bà Thuỷ gạt ngang:
- Thôi. Con ở nhà đi. Ngày mai cậu Trác về rồi. Lỡ có chuyện gì mất công lắm.
Thiên Di ngạc nhiên:
- Dì muốn nói có chuyện gì chớ?
Bà Thuỷ chặc lưỡi:
- Dì lo xa vậy mà. Con phụ dì dọn dẹp, sửa sang nhà cửa cho tươm tất được không?
Định nói đó không phải phần việc của mình, nhưng Di kịp mím môi lại khi thấy gương mặt đăm chiêu của dì Thuỷ.
Gấp cuốn sổ ghi mọi chi phí linh tinh trong trại lại, bà càu nhàu:
- Thế nào lần này cậu Trác cũng đưa Phi Phụng về. Nghe nói cô ta kiêu căng, phách lối lắm. Tôi không muốn nhà này bị coi thường. Phải sửa sang lại tất cả cho thật sang trọng.
Bà Hai nheo nheo con mắt kèm nhèm:
- Nhưng mình dọn dẹp kịp không?
Giong bà Thuỷ chắc nịch:
- Phải xong, phải kịp, cho dù thức suốt đêm nay. Dì đi gọi vợ chồng con Lang, với năm sáu người nừa cho tôi.
Bà Hai ngơ ngác:
- Gọi ngay bây giờ à?
- Ờ. Ngay bây giờ.
Thiên Di đứng sớ rớ bên bà Thuỷ:
- Con sẽ làm gì đây?
Bà Thuỷ khoát tay:
- Ra vườn chơi cho dì lên kế hoạch, chừng nào nghe dì gọi thì vào.
Thiên Di lủi thủi ra vườn. Cô có cảm giác cậu chủ Trác là một ông vua mà dưới trướng đầy đủ bá quan văn võ, lính tráng phuc dịch. Ngày mai, vua đem mỹ nữ về cung thì bữa nay nữ tể tướng phải điều động bá quan lo việc tiếp rước.
Dì Thuỷ đúng là tể tướng đầy quyền hành trong ngôi nhà này. Dì ấy dưới một người, nhưng trên biết bao nhiêu người. Trước đây Di không khi nào nghĩ đì mình oai như vậy. Cô cứ tưởng dì Thuỷ chỉ giúp việc nhà như những người giúp việc ở thành phố không thôi, chớ cô đâu ngờ dì là quản lý kiêm kế toán trưởng, kiêm thủ quỹ của trang trại này. Di có cảm giác dì Thuỷ sống vì công việc. Khổ nỗi áp lực công việc quá nặng đối với dì. Bởi vậy, đôi lúc dì Thuỷ vừa nóng nảy vừa cộc cằn như đàn ông. Chắc dì ấy không biết yêu là gì đâu nhỉ?
Gạt thắc mắc vớ vẩn ấy qua một bên, Thiên Di đưa mắt nhìn quanh. Khu vườn rộng thênh thang không được chăm sóc nên cỏ mọc che hết họa Dọc đừơng đi, những nụ cúc trắng duyên dáng, Pensé yếu đuối đủ màu ẩn trong cỏ, trông đẹp nhưng buồn làm sao. Nếu khu vườn được sửa sang, hẳn là ngôi biệt thự sẽ được tôn lên rất nhiều. Thiên Di nhận ra, dường như chủ nhân của nó cố tình cẩu thả để ngôi nhà của mình trở nên hoang phế, đìu hiu. Tự nhiên Di lại liên tưởng đến những đống sách ngổn ngang, nhện giăng bụi bám trong phòng.
Dì Thuỷ từng nói với Di là cậu chủ nhà này tánh tình lập dị. Chẳng hiểu những điều cô cảm nhận có phải là một trong những cái lập dị của cậu ta không.
Vạch cỏ, Di tìm hái những nụ pensé, những nhánh mõm chó tím bó thành một bó. Một lát, cô sẽ mang về phòng, cắm trong ly nước, đặt trên bàn cho đẹp. Cô là người yêu hoa, mà xứ sở này thì hoa đâu có thiếu. Rồi trong sân trường, cô sẽ trồng thật nhiều hoa, thật nhiều hoa cho bù lại lúc còn ở Sài Gòn.
Đang miên man suy nghĩ, Di nghe bà Thuỷ gọi. Cô bước vào nhà, mỉm cười với Lang rồi nghe bà Thuỷ phân công.
Đúng là dì Thuỷ muốn thay đổi tất cả trong nhà. Nào là thay toàn bộ màn cửa, tấm trải bàn, quét màng nhện, rửa cửa sổ, cửa cái, cắt cỏ, tỉa cây.... Ôi! đúng là trăm công nghìn việc, ấy là chưa kể sửa soạn từng phòng trên lầu cho cậu chủ tiếp đón khách quý.
Ai cũng đã có việc và đã tản đi làm, duy chỉ còn mình Thiên Di. Cô thắc mắc:
- Con sẽ làm gì đây?
Giọng bà Thuỷ ngập ngừng:
- Con dọn phòng sách. Lau sạch kệ rồi cho tất cả những sách còn trong bịch vào. Nhớ làm cho cẩn thận, đừng làm hư, rách sách. Vì cậu Trác quý chúng lắm.
Thiên Di buột miệng:
- Nhưng ông ta có đọc chúng đâu mà quý.
Bà Thuỷ nạt:
- Con nít giỏi lắm chuyện. Người khôn ngoan phải biết giữ miệng. Là con gái, ít nói chừng nào tốt chừng ấy. Hiểu chưa?
Thiên Di gật đầu, cô không muốn bị nẹt oan uổng vì chuyện đâu đâu. Dì Thuỷ rất nguyên tắc. Lúc này đang làm việc, Di thuộc cấp dưới, đừng ngốc nghếch cãi bướng sẽ nghe mắng đấy. Nhân công trong trại này răm rắp nghe lời dì Thuỷ, họ sợ dì và đương nhiên cũng ghét dì.
Cầm bó hoa vào phòng sách, Di thấy trên chiếc bàn đầy bụi có một cái bình pha lê màu trắng. Di lấy hoa cho vô bình rồi nghiêng đầu ngắm. Như thế này, trông có phải có sinh khí hơn không?
Mở hết các cửa sổ xung quanh và kéo màn ra, Di thích thú nhìn nắng tràn vào phòng. Ở đây sách nhiều quá. Chỉ tiếc rằng nó không được nâng niu trong tay người đọc mà bị xếp xó với bụi thời gian.
Cầm chỗi lông gà, Di nhẹ nhàng quét. Cô lẩm bẩm đọc tên những tựa sách và thấy toàn bộ là sách văn học.
Quét cái kệ trống thật sạch. Di khệ nệ ôm những gói sách còn trong bao đến. Đang loay hoay cắt dây, lấy chúng ra, xếp lên kệ, Di chợt giật thót cả người khi nghe tiếng quát khá to:
- Cô làm gì vậy?
Thiên Di hồn vía lên mây khi thấy người đàn ông cao lớn, xăm xăm bước lại giật mạnh những quyển sách trên tay cô. Ông ta hầm hừ:
- Ai khiến cô vào đây lục lọi, phá phách hả? Cút ra mau!
Thiên Di tức đến xanh mặt. Nhìn thẳng vào đôi mắt đang long lên của người mà cô đoán là cậu chủ Trác, Di gằn từng tiếng:
- Tôi được dì Thuỷ nhờ vào đây dọn dẹp cho ngăn nắp sạch sẽ để ông chủ đón bạn về chơi, chớ không tự ý tới lục lọi phá phách như ông vừa bảo.
Dứt lời, cô đi như chạy về phòng riêng của mình. Trời không nóng, nhưng mồ hôi cô vã ra như tắm. Lần đầu tiên đối diện với đời, cô đã bị sỉ nhục như vậy. Thật quá đáng. Thiên Di giận dữ đấm tay vào gối và nghe bên ngoài giọng Trác vang lên gay gắt, cáu kỉnh:
- Mọi người định biến nơi này thành nhà hàng hay khách sạn đây? Dẹp lại như cũ, tháo ba cái màn ren rua diêm dúa ấy xuống và tái hiện lại mọi cái y như cũ cho tôi.
Bà Thuỷ ngập ngừng:
- Nhưng màn cũ, tôi cho đi giặt cả rồi.
Trác bực dọc:
- Chị Thuỷ à! Ai bảo chị vậy? Chị thừa biết tôi ghét tất cả mọi sự phô trương mà.
Bà Thuỷ nhẹ nhàng:
- Đây là lich sự, là tươm tất, là tộn trọng bạn bè, chớ không phải là sự phô trương. Chúng tôi đều muốn tốt cho cậu.
- Cám ơn. Nhưng tôi không cần và không thích. Nhất là chuyện lục lọi phá tung những nề nếp trong phòng sách của tôi. Hừ! Không phải ai cũng tùy tiện vào đó được đâu.
- Tôi hiểu, thưa cậu. Thế ý cậu muốn sắp xếp thế nào khi khách tới vào ngày mai?
Trác dửng dưng:
- Không có khách nào tới hết. Chị để mọi người trở về công việc cũ của họ đi.
- Vâng, thưa cậu.
Thiên Di bỗng thấy giận dì Thuỷ. Chính dì bảo cô dọn phòng sách, vậy mà vừa rồi dì không hề nói một câu cho cô. Trái lại, dì còn im lặng, xem như việc ông ta giáng tội cho cô tùy tiện vào phòng sách là đúng. Làm công cho người cao ngạo, quyền hành như vậy chắc khó dài lâu. Không hiểu sao dì Thuỷ và các công nhân ở đây lại ca ngợi ông chủ trại Thùy Dương đến thế.
Đang thắc mắc, Di lại nghe giọng Trác:
- Chuyện trường lớp tới đâu rồi chị Thuỷ?
- Dạ. Coi như đã chuẩn bị xong, chỉ chờ cậu về để khai giảng. Cậu định bao giờ đây?
Trác nhấn mạnh:
- Tuần sau. Thứ hai tuần sau. Mọi thứ phải chuẩn bị chu đáo. Sách, vở, bút phát miễn phí cho bọn trẻ. Chị bảo với cô giáo có khó khăn gì cứ gặp trực tiếp tôi.
Thiên Di bỉu môi khi nghe như thế. Cô sực nhớ tới bó hoa dại cô còn để trong phòng sách. Hoa ở đây nhiều vô số kể, nhưng nếu những cánh hoa của cô bị bàn tay thô bạo của lão chủ ném vèo qua cửa sổ thì tội lắm. Dù xót thương những đoá hoa cách mấy, Di cũng không dám trở vào phòng sách mang chúng ra. Với cô, càng tránh gặp lão chủ chừng nào càng tốt chừng ấy.
Thiên Di lắng tai nghe. Bên ngoài hình như sóng gió đã lặng. "Vùng tâm bão" đã di chuyển chỗ khác. Di ngọ nguậy không thôi trên giường, cô cảm thấy tù túng, ngột ngạt nếu phải tiếp tục ở lại trong căn phòng nhỏ hẹp này.
Hôm nay trời rất đẹp, nếu không được ra ngoài lang thang thì thật uổng.
Áp tai vào cánh cửa, Di ngần ngừ rồi bước ra. Trong bếp có mỗi dì Thuỷ và bà Hai.
Hai người đàn bà lại nói về ông chủ. Giọng bà Hai rầm rì như than:
- Thấy cậu Trác về bất ngờ là tôi biết ngay có chuyện không ổn rồi, nhưng còn chuyện gì thì phải hỏi thằng Thi tài xế mới biết được.
Bà Thuỷ vẫn còn ấm ức:
- Thay đổi ý cũng không thèm điện cho hay. May là chưa làm gà, mổ lợn. Thấy điệu bộ của cậu ấy mà phát tức.
Bà Hai móm mém cười:
- Tức, sao cô không phản đối cậu ấy? Bây giờ than với tôi có ích lợi gì.
Bà Thuỷ vênh mặt lên:
- Tôi sợ gì cậu Trác, nhưng cãi lại lúc cậu ấy đang bực bội là không phải cách. Tự động cậu Trác sẽ thấy cái sai của mình. Lúc ấy, tôi khuyên lơn vài ba câu là đủ rồi.
Bà Hai chép miệng:
- Chẳng hiểu cậu chủ đụng chuyện gì mà về nhà quát ầm ĩ như vậy. Chỉ tội nghiệp Thiên Di, mới đến vài ngày đã bị mắng oan.
Bà Thuỷ thở dài:
- Đã bao nhiêu năm rồi mà cậu Trác vẫn còn xem đống sách cũ ấy như bảo vật.
Đợi bà Hai đi khuất, bà Thuỷ nói:
- Cậu Trác bảo thứ hai tuần sau khai giảng. Con thấy được không?
Thiên Di nhếch môi:
- Lệnh chủ truyền rồi, con nói không được sao à dì hỏi?
Bà Thuỷ sa sầm mặt:
- Dẹp cái giọng trả treo ấy đi. Chính con nói đang rất nóng lòng được dạy mà.
Thiên Di làm thinh. Khi quyết định đến chỗ dì Thuỷ xin việc, mẹ đã dặn đi dặn lại cô phải ráng dẹp cái nết bướng. Cô đã hứa với mẹ rất ngọt, bây giờ quên rồi sao?
Cô nhỏ nhẹ:
- Xin lỗi dì. Nhưng thú thật là cách quát tháo của ổng làm con khó chịu quá.
Bà Thúy bênh:
- Cậu Trác có khuyết điểm là rất nóng nảy. Nhưng đàn ông, hết chín mươi phần trăm là nóng tính rồi.
Thiên Di lơ lửng:
- Nóng tính chưa hẳn là khuyết điểm, nhưng sử dụng tính nóng của mình để làm trời làm đất thì... thì....
- Thì thế nào hả?
Giọng đàn ông cáu bẳn vang lên khiến Di giật mình. Quay lại, cô thấy cậu chủ Trác đứng ngay ngưỡng cửa bếp, một tay chống nạnh, một tay cầm tách cà phê, mắt nhìn cô như toé lửa.
Trong lúc Di còn đang bối rối, Trác lại cao giọng:
- Sao? Nói đi chớ cô giáo.
Thiên Di mím môi nói đại:
- Thì khó khiến người khác tôn trọng mình.
Cô vừa dứt lời đã nghe bà Thuỷ rên rỉ:
- Trời ơi! Con nói bậy bạ gì vậy Di? Mau xin lỗi cậu chủ ngay.
Thiên Di hếch mũi lên:
- Con đâu muốn, tại ông ấy ra lệnh mà.
Trác khoát tay:
- Cứ để cô ấy nói tiếp:
Uống một ngụm cà phê, Trác nói:
- Ý cô trách tôi quát cô trong phòng sách phải không? Quát là đúng thôi. Chỗ đó là cõi riêng của tôi. Tôi không muốn ai vào phá phách, vì tôi rất quý sách.
Thiên Di nhấn mạnh:
- Ông quý những kỷ niệm thuộc về sách thì đúng hơn. Người quý sách, không ai xếp xó và để bụi phủ, móc meo như ông.
Mặt Trác đỏ bừng:
- Cô chỉ trích tôi à?
Thiên Di quệt giọt mồ hôi rịn ra trên trán:
- Tôi chỉ nói điều đang nghĩ trong lòng. Đây chẳng phải là phát hiện mới, tại không ai dám nói với ông thôi.
Trác vung tay:
- Tôi đâu phải nhà độc tài hay tên bạo chúa. Sao lại không ai dám nói chớ?
Thiên Di mai mỉa:
- Vấn đề đó ông rõ hơn tôi.
Dằn tách cà phê xuống bàn, Trác hừ lên khô khốc:
- Cô trở về phòng của mình được rồi đấy.
Thiên Di đứng lên:
- Tôi không phải con nít để bị nhốt vào phòng khi lỡ chọc người lớn giận.
Dứt lời, Thiên Di đi một mạch ra vườn, tai cô nghe giọng dì Thuỷ phân bua, xin lỗi Trác.
Ngồi phịch xuống bậc tam cấp bằng đá, Thiên Di nhớ lại những lời đã nói và thấy lo lắng. Vừa rồi cô thật quá đáng. Sao cô lại không biết nhún nhường kìa? Hỗn hào kiểu này, ông ta đuổi thẳng thì chỉ còn nước cuốn gói trở về khóc với mẹ. Nhưng chẳng lẽ bây giờ trở vào xin lỗi? Đúng ra, Di đâu có lỗi gì. Tại ông ta sỉ nhục cô trước chớ bộ.
Thiên Di rầu rĩ thở dài khi thấy dì Thuỷ hầm hầm bước tới:
- Mày không phân biệt chủ tớ thì cũng phải biết cao thấp, nhỏ lớn chớ. Tao thật không ngờ mày lại bướng một cách ngu ngốc như vậy. Mau vào xin lỗi cậu ấy, nếu còn coi tao là dì mày.
Di liếm môi:
- Bộ dì nghĩ ông ta sẽ chấp nhận lời xin lỗi của con vào lúc này sao? Người tự cao như thế không dễ tha thứ đâu.
- Biết nghĩ vậy, sao còn kiếm chuyện? Ổng cho mày nghỉ việc thì ráng chịu.
Thiên Di tự tin:
- Ở đây đang cần giáo viên. Ông ta không làm thế đâu.
Bà Thuỷ sùng lên:
- Mày đừng chủ quan. Tao sẽ đề nghị cậu Trác đuổi cổ mày đấy con tiểu yêu.
Thiên Di giận dỗi:
- Nếu dì làm thế thì còn gì để nói nữa. Con biết con tới đây đã làm phiền dì. Khi viết thư, dì chỉ toàn nói tốt về ông chủ của mình, về những người sống ở đây. Nhưng sự thật thì sao? Ông ta là người thô lỗ, mới gặp con, chưa hỏi han gì đã quát nạt, đuổi xua. Người tốt mà như vậy sao? Lỡ nhận tiền lương rồi, con sẽ nghĩ khi dạy xong một tháng, chớ không đợi bị đuổi đâu. Dì nói lại với cậu Trác, để cậu ấy lo tìm cô giáo khác.
Bà Thuỷ khoanh tay trước ngực:
- Hừm! Mày thật quá đáng! Rồi tao sẽ bảo cậu Trác tìm người khác. Lúc đó đừng năn nỉ nhé.
Thiên Di nhìn dì Thuỷ ngoe ngoẩy bỏ đi và tiếp tục thở dài. Cô lại sai nữa rồi. Hôm nay là ngày gì mà mở miệng là thất bại vậy kìa.
Buồn bã, Di lững thững bước ra khỏi cổng. Cô rẽ vào một đường mòn nhỏ dẫn lên đồi, nơi có một con suối trong vắt lúc nào cũng róc rách, róc rách. Ngồi dựa lưng vào gốc thông già bên suối, Di đắm mình vào những dằn vặt riêng tư.
Mới hơn một tuần mà Di tưởng đâu đã xa nhà lâu lắm rồi. Cô nhớ mẹ, nhớ mọi thứ ở thành phố. Giờ này, mẹ đang làm gì? Chắc đang còng lưng ngồi đan len gia công. Vái Trời cho mẹ đừng sơ ý đan lỗi để phải tháo bất cứ mảnh áo nào. Còn ba nữa? Mất xe rồi, chắc ông đang lè nhè bên chai rượu, chớ không ra khỏi nhà đâu.
Phải chi ba đừng nghiện rượu thì hoàn cảnh gia đình cô đâu phải thiếu trước hụt sau như vầy. Lẽ ra giờ này cô đang ngồi trong giảng đường, vô tư làm cô sinh viên chớ đâu phải lo đối đầu với cuộc sống thế này.
Nhưng mơ tưởng làm chi những cái không thay đổi được ấy. Mỗi người đều có một số phận mà dù xấu tốt thế nào cũng phải sống quyết liệt để đánh đổi số phận mình.
Di lại cười buồn. Từ Sài Gòn xách ba lô ngược lên miền rừng núi này để làm cô giáo vùng cao. Cô nhắm mình sẽ sống quyết liệt ra sao để đánh đổi số phận đây? Cô có thể lao động như nhân công ở đây à? Nếu không, cô sẽ làm được gì, nếu có tiền mua một mảnh đất để lập một trang trại như trang trại Thùy Dương này?
Đúng là ảo tưởng. Đang tự mai mỉa bản thân, Di bỗng nghe có tiếng chân người đạp trên lá. Quay lại, Di thấy một thanh niên. Anh ta đang nhìn cô với vẻ hết sức ngạc nhiên. Trông dáng vẻ bên ngoài, anh ta giống người sống ở thành phố nhiều hơn dân lao động ở đây.
Chẳng lẽ hắn là một trong nhiều người bạn của ông Trác?
Vừa thắc mắc, Thiên Di vừa tò mò nhìn anh ta.
Gã thanh niên ngập ngừng:
- Tôi không làm phiền bạn chứ?
Thay cho câu trả lời, Thiên Di chậm rãi lắc đầu. Gã thanh niên lại hỏi:
- Nghĩa là tôi có thể ngồi lại bên con suối nhỏ này?
Di lại gật đầu. Gã lich sự tự giới thiệu:
- Tôi là Cần, nhà ở gần đây. Còn bạn ở đâu? Sao trông lạ quá?
Thiên Di mím môi không trả lời. Hôm nay mở miệng câu nào là không ổn câu đó. Tốt nhất cứ giả câm cho yên thân.
Di nhặt mấy trái thông khô rồi tung nó trong tay. Cần lại hỏi tiếp:
- Bạn ở trang trại Thùy Dương à?
Di gật đầu. Cần thắc mắc:
- Sao tôi chưa gặp bạn lần nào? Bộ mới đến hả?
Thiên Di lại gật rồi chăm chú quan sát từng mắt trái thông khô. Thái độ của cô khiến Cần tò mò. Anh chàng ngồi xuống gốc cây đối diện:
- Sao không lên tiếng?
Môi Di hơi bĩu ra, cô tiếp tục xem xét trái thông trên tay. Hai người rơi vào im lặng. Cần lấy trong túi ra một quyển sách và tựa lưng vào gốc cây, chăm chú đọc.
Lại sách. Tự nhiên Di dị ứng với sách, dù cô đang thèm có một quyển để đọc như Cần. Ngồi một chỗ với cảm giác phải chịu đựng người khác kế bên mãi cũng chán, Thiên Di đứng dậy, đi dọc bờ suối. Dòng suối trong đến mức Di thấy cả từng xương lá mục, từng hòn cuội nằm bên dưới. Hoa tím mọc dầy đặc hai bên bờ. Di lom khom hái họa Đứng dậy, cô rởn óc khi thấy một người đàn ông đầu trọc lóc, mắt lờ đờ ngây dại đang nhe hàm răng cái mất cái còn cười với cô.
Thiên Di còn đang đờ ngời ra vì sợ thì gã đầu trọc đã tiến tới, đưa tay chộp lấy cô. Di vùng ra, la lớn:
- Á! Cứu tôi! Cứu tôi với!
Vừa la, Di vừa chạy ngược về phía Cần, trong khi gã đàn ông hùng hục đuổi theo sau.
Đang cắm đầu thục mạng chạy, Di vấp rễ cây, té nhào xuống, đúng lúc gã đầu trọc ập đến. Thiên Di sợ đến mức lết trên đất. Hàm cứng ngắt, cô không la được khi tay gã đầu trọc đưa ra bấu vào vai cô.
Ngay lúc ấy, Di nghe tiếng Cần quát:
- Buông ra!
Gã đàn ông giật mình rút tay lại. Cả thân hình dềnh dàng của hắn chợt co ro, rúm ró trông thật thảm. Dường như hắn sợ Cần thì phải.
Chỉ về phía đường lớn, Cần gằn từng tiếng:
- Về ngay! Nếu không, chú sẽ bị trói đó.
Gã đàn ông nhăn nhở cười rồi len lén nhìn Di trước khi bỏ đi.
Cần đỡ Thiên Di đứng lên. Anh tự nhiên phủi đất cát dính trên áo cô, giọng ân cần:
- Có sao không?
Di ôm ngực, lắc đầu. Ngồi rũ xuống gốc cây, cô để mặc nước mắt đầm đìa trên mặt. Và những giọt nước mắt ấy tác động ngay tới Cần.
Anh bứt rứt:
- Bạn nói gì đi chớ. Rõ ràng lúc nãy bạn la rất to mà.
Nghe Cần nói thế, tự nhiên Di bật khóc thành tiếng. Vừa khóc, cô vừa lẩm bẩm:
- Tôi ghét chỗ này. Tôi ghét chỗ này lắm.
Cần sốt sắng:
- Vậy tôi sẽ đưa bạn rời khỏi đây. Người bệnh lúc nãy đi rồi, bạn không phải sợ.
Thiên Di thút thít:
- Bữa nay là ngày đáng nguyền rủa nhất trong đời tôi. Muốn tìm sự bình yên, tôi đã rời khỏi ngôi nhà ấy. Để tịnh tâm, tôi đã cấm khẩu không hé môi lấy nửa lời. Vậy mà cũng không được. Sao tôi chán thế này? Híc. Híc.
Cần kiên nhẫn vỗ về:
- Giọng của bạn nghe hay lắm. Bạn cứ nói nữa đi, rồi buồn bực gì cũng vơi mà.
Di cười méo xẹo:
- Anh chọc quê tôi đó hả? Tôi không nói nữa đâu.
Cần tủm tỉm:
- Không muốn nói thì cứ.... la làng như vừa rồi. Ấn tượng lắm đó. Tôi có cảm giác mình là người hùng vừa cứu mỹ nhân thoát khỏi kẻ xấu.
Thiên Di ngập ngừng:
- Cái.... Ông đầu trọc lúc nãy bị tâm thần hả?
Cần thở dài, khổ sở:
- Ổng là chú tôi. Chắc chú ấy đi theo tôi tới đây.
Thiên Di tò mò:
- Sao ổng bị như vậy?
Cần đáp gọn lỏn:
- Thất tình.
Di buột miệng thật ngớ ngẩn:
- Thật hả?
Cần ngần ngừ:
- Chú ấy bị vợ bỏ ngay đêm tân hôn. Thế là điên, điên tới bây giờ.
Di rùng mình nhớ tới ánh mắt của ông ta, cô lẩm bẩm:
- Đã biết ổng có bệnh mà còn để đi lung tung. Lúc nãy lỡ ổng giết tôi thì sao?
Cần vội vàng bênh vực:
- Chú ấy điên.... hiền. Chưa đánh ai bao giờ.
Thiên Di bĩu môi:
- Làm sao tin anh cho nổi, khi vừa rồi ổng xô tôi té xuống đất.
Cần thở dài:
- Tôi sẽ nói gia đình để ý tới chú ý hơn. Chắc chắn không có chuyện như vừa rồi xảy ra nữa đâu.
Thiên Di ngồi co người lại:
- Dù anh bảo đảm, tôi cũng hết dám lang thang một mình rồi.
Cần bỗng hỏi:
- Chắc bạn là khách của trại Thùy Dương?
Di bật cười chua chát:
- Sao anh lại nghĩ vậy?
Cần nói ngay:
- Vì trông bạn có phong cách lắm.
Thiên Di tròn mắt:
- Phong cách gì?
- Phong cách của người từ thành phố đến.
- Tôi không hề cảm thấy cái phong cách ấy. Tôi không phải là khách mà chỉ là người công cho chủ trại.
Cần có vẻ không tin:
- Công nhân sao lại rảnh rỗi thế nhỉ?
- Thứ hai này, tôi sẽ bắt đầu công việc của mình. Nhưng bây giờ tôi đã thấy hối hận khi nhận lời tới đây.
- Tại sao bạn lại hối hận? Sợ lao động không quen à?
Thiên Di rầu rỉ lắc đầu. Cần ái ngại:
- Tôi có thể giúp gì cho bạn không?
Di xua tay:
- Cảm ơn. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người khi tới đây, và đó chính là điều làm tôi hối hận.
Cần tò mò:
- Công việc cụ thể của bạn là gì?
- Dạy học.
Hay đấy. Nơi này đang rất cần giáo viên. Nhưng trông bạn còn.... nhí lắm để có thể làm cô giáo.
Thiên Di ậm ừ:
- Biết sao đây, khi người ta không tìm ra cô giáo lớn hơn tôi.
Cần xoa cằm:
- Không dám gọi cô giáo là bạn nữa rồi.
Di có vẻ tự nhiên:
- Vậy gọi tôi là Di. Thiên Di.
Cần gật gù:
- Một loài chim di trú. Đã bay tới nơi này, hy vọng Thiên Di không bay đi nữa.
Thiên Di không trả lời. Cô lảng đi:
- Tôi về đây.
Cần luyến tiếc:
- Chúng ta sẽ gặp lại chứ?
Di ngần ngừ:
- Nếu có cơ hội.
Cần đứng dậy theo cô:
- Tôi sẽ đưa Di tới nhà. Như vậy vẫn an toàn hơn.
Di lo lắng nhìn quanh:
- Chẳng lẽ chú anh vẫn còn lẩn quất đâu đây?
Cần gãi đầu:
- Tôi không biết.
Thiên Di bước thật nhanh. Từ giờ trở đi, cô sẽ không tới những nơi vắng vẻ một mình. Nếu dì Thuỷ biết chuyện vừa rồi, cô sẽ bị mắng vì tội lang thang như một kẻ mộng du.
Tự dưng Di không còn hứng thú trò chuyện nữa, cô lặng thinh nghe Cần kể đủ thứ. Thì ra anh ta đang học đại học Đà Lạt, cuối tuần về thăm nhà. Cần là sinh viên năm thứ tư, nghĩa là học trên cô hai lớp. Giá như đừng gặp khó khăn, cuối năm nay cô cũng tốt nghiệp trung học sư phạm, chớ đâu phải bỏ học ngang xương để làm cô giáo không bằng cấp thế này.
Gần tới cổng nhà, Di đứng lại:
- Cảm ơn anh. Tôi tự về được rồi.
Cần mỉm cười:
- Hy vọng lần sau gặp lại sẽ nghe Di nói nhiều hơn.
Di đứng tần ngần nhìn Cần quay đi, lòng thầm nghĩ: sẽ không có lần sau, vì sớm muộn gì ông Trác cũng cho cô nghỉ việc. Tới lúc đó, chẳng biết cô sẽ ra sao? Nghĩ lại, cô thấy mình thật nông nổi. Bướng bỉnh với chủ đúng là bất lợi. Có lẽ Di phải sớm tìm cách xin lỗi ông Trác, may ra....
Khổ sở với suy nghĩ, Thiên Di co chân đá mạnh. Trái thông lăn ngược lên dốc, rồi lăn xuống trước mặt cô. Di không thể như trái thông đang rơi kia. Cô không thể tuột dốc được.
Sửa xong bài chính tả cuối cùng của học sinh trong lớp, Thiên Di xếp chồng vở trên bàn ngay ngắn lại và vươn vai đứng dậy. Chiều lắm rồi, Di nhìn bầu trời màu tím nằm gọn trong khung cửa sổ. Cô có cảm giác đang đứng trước một bức tranh hoàng hôn ảm đạm, buồn bã. Bức tranh ấy khiến Di thấy ngột ngạt, tù túng hơn.
Mở cửa, cô ra ngoài vườn, đi vòng vòng nhìn cây cỏ um tùm chen lẫn vào nhau. Di bước về phía cổng lớn. Giờ này ra khỏi là không nên, nhưng cô sẽ phát khóc mất nếu không được lang thang một chút. Di sẽ đi dọc đường, không rẽ vào suối hoặc những lối mòn chân rết hai bên, như vậy sẽ không gặp nguy hiểm như dì Thuỷ vẫn doạ mỗi khi biết cô lén đi dạo một mình vào buổi chiều.
Đường dẫn vào biệt thự của trại Thùy Dương là một con dốc khá cao. Chiều nào được thả bộ tuột dốc, rồi leo dốc trở về Di cũng ăn được nhiều cơm hơn. Nghĩ thật buồn cười. Mỗi buổi sáng đến lớp, Di cũng phải vượt qua con dốc này đi về hai bận. Vậy mà cô vẫn không ngán khi chiều chiều lại vượt qua thêm lần nữa. Có phải vì cô quá rảnh rỗi không?
Đang chúi nhủi đổ dốc, Di bỗng giật mình khi thấy một đống gì nằm lù lù ngay ngã rẽ vào con suối. Thiên Di chống tay vào gốc cây, định thần lại nhìn cho rõ. Dường như là người ta. Di đứng sững mất mấy giây rồi cất tiếng gọi. Người nằm dưới đất vẫn không nhúc nhích. Thiên Di hốt hoảng nhận ra chiếc xe Citi nằm chỏng chơ kế bên là xe của ông Trác. Chẳng lẽ cái đống lù lù đó là ông ta?
Quên cả sợ, Di chạy đến. Đúng là.... Ông chủ Trác rồi. Di lật đật xoay người Trác lên. Mặt anh đầy máu trông thật đáng sợ. Tháo chiếc khăn choàng cổ, Di bịt vào vết thương trên đầu Trác. Máu vẫn rịn ra ướt cả tay Di, cô vội vả liên tục vào mặt Trác và không ngừng gọi anh. Mãi đến khi nghe có tiếng rên, Di mới dừng tay hào hển thở.
Choàng ngồi dậy, Trác ôm lấy vết thương, giọng khá bình tĩnh:
- Tôi bị choáng vì té chớ không sao cả.
Thiên Di lo lắng:
- Nhưng máu chảy nhiều lắm!
Trác mím môi:
- Về nhà băng lại là xong. Giờ phải rời khỏi đây ngay.
Nói dứt lời, anh chống tay đứng dậy. Đi xiêu vẹo được vài ba bước, Trác loạng choạng quỵ xuống.
Thiên Di vội chạy tới đỡ anh lên:
- Tôi sẽ chở ông về bằng chiếc xe kia. Ngồi đây chờ tôi.
Rồi không cần biết Trác có đồng ý hay không, Di vội vàng đến bên chiếc xe, ráng sức bình sinh dựng nó lên. Chiếc Citi cứ như một khối sắt vô tri vô giác nằm ì ra ăn vạ. Đèn si- nhan bể nát, xăng chảy lênh láng. Thiên Di tuyệt vọng nhìn đống phế liệu trước mặt mình rồi nhìn Trác.
Trong lúc cô chưa nghĩ ra cách vực chiếc xe lên thì anh đã nói:
- Nào! Mỗi người một tay, chúng ta kéo nó dậy. Nhanh lên! Ở đây nguy hiểm đấy.
Di trợn tròn mắt:
- Ông.... được không đó?
Trác nhăn mặt, giọng khàn đi:
- Không được thì chết.
Thiên Di hốt hoảng khi nhìn thấy ánh mắt của Trác. Ánh mắt đờ đẫn nhưng đầy cương quyết của anh khiến Di vừa lo sợ vừa an tâm.
Hai người mím môi cố hết sức kéo chiếc xe lên. Khi chiếc Citi đã đứng dậy được thì Trác lại té ngồi xuống đất. Thiên Di không thể đỡ anh, cô cong lưng đạp máy, chiếc xe bị nghẹt xăng không chịu nổ.
Trời càng lúc càng tối, giờ này không ai qua lại nơi đây. Nếu chậm trễ, ông chủ Trác có thể chết vì mất nhiều máu.
Nghĩ tới đó, Thiên Di thấy nóng cả người. Cô quệt mặt vào vai áo rồi nghiến răng đạp thật mạnh. Cái bàn đạp bật lại đập vào chân cô đau điếng, nhưng may thay, xe chịu nổ.
Không dám buông tay ga, chân chống xuống đường. Di chờ Trác chệnh choạng lên ngồi phía sau. Cũng may, ba cô đã từng cho cô chạy xe này, nếu không, chưa chắc bữa nay cô dám liều mạng chở một nạn nhân gần.... hấp hối trên con dốc dài đầy lùm bụi không một ánh đèn thế này.
Di thấy càng lúc Trác càng ngã người về phía mình, người anh nặng trịch, nghiêng một bên làm tay lái Di đã yếu càng loạng choạng hơn. Mắt căng ra, hai tay kềm cứng, lưng gồng lên chịu nguyên tấm thân bồ sứt cạp của Trác, Thiên Di gần như đuối sức. Chưa bao giờ cô phải chịu đựng một áp lực nặng nề như vậy.
Rồi cũng tới cổng nhà. Thiên Di bóp còi xe inh ỏi, miệng gọi dì Thuỷ liên hồi. Từ trong, nhiều người ùa ra. Họ ngạc nhiên, hoảng sợ, xôn xao, hốt hoảng. Những câu hỏi dồn dập, những âm thanh chói tai làm Di muốn xỉu, cô ngồi phịch xuống thềm, mặc Thi tài xế đỡ Trác vào nhà. Nhìn lại mình, quần áo cũng nhơm nhớp máu đầy trên vai, Di bụm miệng muốn ói.
Chạy vội vào phòng tắm, cô gội đầu, tắm thật sạch và mặc một lúc hai ba cái áo ấm vì lạnh.
Đang cố lau khô tóc, Di nghe giọng bà Hai ngoài hành lang vọng vào:
- Cô Thuỷ gọi kìa Di.
Thiên Di lắc đầu. Cứu được ông chủ, nhưng chẳng hiểu phúc hay hoạ, lành hay dữ sắp ập tới nữa đây?
Ra tới phòng khách, Di thấy bà Thuỷ chắp tay sau lưng, đi tới đi lui, nét mặt hết sức nôn nóng.
Vừa thấy Di, bà hất hàm:
- Con gặp cậu Trác ở đâu?
Thiên Di ngắn gọn:
- Dạ, ở ngay dốc, gần đường mòn dẫn ra suối.
Bà Thuỷ lừ mắt:
- Đã dặn rồi mà mày vẫn lang thang tận đó. Đúng là vừa lì vừa bướng.
Rồi như nhớ tới mục đích chính của mình, bà hỏi tiếp:
- Lúc ấy, cậu Trác ra sao?
Thiên Di liếm môi:
- Đã xỉu, người một bên, xe một bên. Cứ y như chết rồi. Trông ghê lắm.
Bà Thuỷ gắt:
- Con gái mà độc mồm. Ngoài cậu Trác ra, còn ai nữa không?
Di uể oải lắc đầu. Lòng thắc mắc không hiểu dì Thuỷ hỏi thế là nghĩa gì. Ai là ai nhỉ? Chẳng lẽ ông Trác còn chở người nào khác? Nếu có, người đó đâu rồi? Tại sao ông ta lại té chớ?
Dường như dì Thuỷ cũng đang thắc mắc như Di. Bà tiếp tục chắp tay đi tới đi lui, miệng lẩm bẩm:
- Lái xe chuyên nghiệp, không say rượu mà lại té. Đúng là khó hiểu.
Từ trong phòng Trác đi ra, Thi nói:
- Mạng cậu Trác cũng lớn lắm, nếu không có cô Di, chắc cậu ấy tiêu đời vì mất máu.
Bà Thuỷ kêu lên:
- Có nghiêm trọng dữ vậy không?
Thi bảo:
- Chị Tâm y tá nói, chớ không phải tôi. Vết thương trên đầu chảy máu hết biết. Đã chích hai mũi K, nếu chưa cầm được phải chở xuống bệnh viện đó.
Bà Thuỷ nhảy nhỏm:
- Trời ơi! Vậy thì chở cậu ấy đi cho rồi. Lỡ có chuyện gì thì sao?
Thi nhún vai:
- Dễ gì cậu ấy chịu đi bệnh viện.
Rồi Thi hạ giọng:
- Công nhận cậu chủ lỳ thiệt. Đầu tét một khúc dài thòng. Chị Tâm đang may chỗ tét ấy lại đó. Ít nhất cũng tám mũi. Có thẹo để đời rồi.
Bà Thủy cau mày:
- Cậu Trác có nói tại sao té không?
- Có.
- Tại sao vậy?
Thi không trả lời, ánh mắt hướng về phía Di. Cô lờ đi, vờ như không hiểu, không hay gì hết. Tội gì phải tự ý rút lui, khi cô đang tò mò muốn biết vì sao cậu chủ té hơn ai hết.
Bà Thuỷ tằng hắng:
- Về phòng ủ ấm đi Di, nếu không bị cảm lạnh bây giờ.
Thiên Di miễn cưỡng đứng lên. Cô chậm chạp kéo lê từng bước để câu giờ. Tới bếp, Di nép nào ngạch cửa, lắng nghe.
Giọng Thi xù xì như muỗi kêu, Di chẳng nghe được gì ngoài những tiếng "Trời ơi!" đầy sợ hãi của dì Thuỷ liên tục vang lên.
Chuyện quái gì vậy kìa? Chẳng lẽ cậu chủ bị cọp hay heo từng tấn công? Vô lý. Nếu thế, bọn ác thú ấy đã xơi cậu ta rồi, chớ đâu bỏ đi khi miếng mồi nằm một đống ở đó.
Giọng bà Hai vang lên làm Di giật mình:
- Ủa! Cháu làm gì vậy Di?
Di gượng gạo:
- Dạ, có gì đâu ạ. Cháu đói lắm rồi.
- Để dì dọn cơm cho.
- Dì Thuỷ và cậu Trác chưa ăn, làm sao cháu dám.
Bà Hai gạt ngang:
- Nhằm nhò gì. Xơi tạm chén xúp trước đi. Để dì lên trển xem cậu Trác ra sao rồi.
Thiên Di nói với theo:
- Nhớ kể lại cho con nghe với nhé.
Nhưng sau đó, không ai kể cho Di nghe lý do cậu chủ bị té hết. Chỉ biết rằng hầu như suốt đêm, Trác không ngủ. Di nghe có tiếng lịch kịch cả đêm trong phòng sách. Vết thương không làm cậu chủ nằm một chỗ, trái lại, nó khiến Trác dằn vặt thâu đêm. Đi ngang phòng sách, Di ngửi được mùi thuốc lá và mùi rượu nồng nặc. Không ai, kể cả y sĩ của trang trại dám khuyên chủ mình một câu. Di cũng thế, cô đã khôn ra để biết.... chõ mũi vào chuyện của người khác, nhất là một người khó chịu như ông chủ Trác là ngu ngốc.
Sáng nay chủ nhật, Di không phải đến lớp, cô cho phép mình nằm nướng một chút. Đêm qua, giấc ngủ chập chờn đầy mộng dữ làm cô mệt đừ. Trong mơ, Di thấy minh chở Trác trên chiếc Citi không thắng, chiếc xe lao xuống dốc, phía sau là ông chú điên của Cần. Ông ta mặc áo choàng đen, răng nanh mọc dài như Dracula, vỗ cánh bay đuổi theo cô và Trác. Ông ta đuổi, cô lái xe chạy vòng vèo đổ những con dốc thắng đứng. Di cố hét thật to để thoát khỏi cơn rượt đuổi kinh khủng đó. Nhưng khi vừa thiu thiu ngủ, Di lại bị rượt nữa.
Ôm cái gối vào lòng. Di thắc mắc. Không hiểu sao ông chú bị điên của Cần lại xuất hiện trong giấc mơ của Di, trong khi lâu lắm rồi, cô chẳng hề nghĩ tới ông ta? Ngay cả lần bị ông ta làm hết hồn, Di cũng không hề mơ thấy. Có bao giờ ông ta làm cậu chủ Trác té xe không?
Bỗng dưng, Thiên Di thắc thỏm với thắc mắc của mình. Thử tưởng tượng một chút xem. Này nhé, giữa bóng chiều chạng vạng, một người quen chạy xe với tốc độ cao đang thả hết tốc độ thì phải thắng gấp vì một vật cản nào đó trước mặt.
Chà! Nếu vật cản ấy là ông chú bị điên của Cần, thì người lái xe buông tay vì khiếp đảm cũng chẳng có gì lạ. Nhưng cậu chủ Trác đâu phải hạng yếu bóng vía như Di, với lại cậu ta là người vùng này, chắc thế nào cũng biết chú của Cần. Nếu vậy làm sao có chuyện cậu Trác sợ đến mức lạc tay lái, đâm đầu xuống vực?
Mọi suy đoán của Di coi bộ trật hết chín mươi phần trăm rồi. Vậy thì đoán làm chi chuyện thiên hạ cho mệt.
Lười biếng, Di rúc vào chăn, lơ mơ ngủ tiếp. Nhưng có muốn cách mấy, cô cũng không ngon giấc được. Cuối cùng, Di tung mền ngồi dậy.
Trong nhà, mọi người đi đâu vắng cả rồi. Di làm vệ sinh cá nhân, ăn điểm tâm, uống hết ly sữa, tiêu chuẩn dì Thuỷ bắt buộc mỗi ngày rồi lót tót ra vườn.
Vừa tới chiếc ghế đá quen thuộc nằm dưới bụi tầm xuân um tùm, Di đã thấy cậu chủ Trác. Cậu ta đang trầm tư suy nghĩ chuyện hôm qua chắc?
Quay người, Di định trở vào thì nghe Trác cao giọng:
- Tới đây, Thiên Di.
Ngần ngừ một thoáng, Di bước đến, đứng trước mặt Trác:
- Thưa ông, có chuyện gì không ạ?
- Đương nhiên là có. Nhưng hãy ngồi xuống trước đã.
Nheo đôi mắt rất sắc, nhưng hơi mệt mỏi và thâm quầng, Trác nhếch môi:
- Cô là người thức dậy trễ nhất trang trại này đó.
Bất ngờ vì lời phê bình thiếu tế nhị này. Di ngơ ngác mất mấy giây, nhưng ngay sau đó, cô phản ứng liền:
- Vâng. Thưa ông, tôi có quyền sử dụng ngày nghỉ của mình mà.
Gương mặt vẫn bình thản trước phản ứng của Di, Trác nhỏ nhẹ:
- Thế đêm qua Di ngủ ngon không?
Di rùn vai:
- Toàn là mơ thấy ác mộng. Gần sáng, tôi mới ngủ được.
Trác lộ vẻ ray rứt:
- Tôi đoán thế nào Di cũng khó ngủ. Xin lỗi, cũng tại tôi làm ảnh hưởng.
Thiên Di khẽ cười:
- Sao ông lại nói vậy? Ông gặp tai nạn, và chuyện ấy đâu ai muốn xảy ra.
Trác trầm giọng:
- Tôi cảm ơn những gì Di đã làm cho tôi chiều hôm qua, cảm ơn cả giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị nữa.
Di chớp mắt. Thì ra ông ta cũng mồm mép gớm.
Trác chợt hỏi:
- Cô đã thấy gì trong cơn mộng dữ ấy?
Thiên Di nhíu mày:
- Ông muốn biết à?
Trác gật đầu:
- Có gì bất tiện không?
Thiên Di chống cằm:
- Đâu có gì. Nhưng giấc mơ rất kỳ cục và ghê sợ. Trong mơ, tôi thấy đang chở ông trên chiếc Citi, nhưng khổ nỗi chiếc xe ấy không có thắng. Xe đang đổ dốc, phía sau có một người điên đuổi theo. Tôi la muốn vỡ ngực, nhưng chẳng ai nghe để cứu chúng ta.
Trán Trác cau lại, anh ngắt ngang lời Di:
- Cô bảo sao? Có một người điên đuổi theo chúng ta à?
Thiên Di cắn môi:
- Vâng.
- Sao cô biết người đó điên?
- Tôi không biết nữa. Trong giấc mơ, tôi luôn nghĩ đó là một người điên.
Trác ngập ngừng:
- Chắc hôm qua cô nghe những người trong nhà xì xầm gì đó nên mới mơ như thế chớ gì?
Thiên Di ấm ức:
- Có ai nói với tôi đâu. Ngay cả lý do vì sao ông té, tôi còn không biết. Đã vậy còn bị dì Thuỷ mắng.
Trác ngạc nhiên:
- Chị ấy mắng chuyện gì?
Di tuôn một hơi:
- Dì Thuỷ mắng tôi tội hay lang thang. Nhưng ở đây, ngoài cái thú lang thang, tôi biết làm gì cho hết thời gian?
Trác nói:
- Tại chị Thuỷ lo cho sự an toàn của cô.
- Ở đây đâu có gì bất an. Từ ngoài đường dẫn vào nhà là đất của ông, trộm cướp nào dám phá phách chớ.
Thấy Trác im lặng, Di cũng làm thinh. Lát sau, Di dè dặt hỏi:
- Vết thương hành ông dữ lắm hả?
Trác lơ đãng:
- Ờ.
- Sáng nay đã đỡ chưa?
- Rồi. Thiên Di nè! Cô vào phòng sách lấy hộ tôi cái hộp quẹt và gói thuốc nhé.
- Vâng.
Di lẹ làng trở vô nhà. Tới phòng sách, cô đảo mắt một vòng và thấy trên bàn, bình hoa trước kia của cô nằm ở giữa với những nụ hoa khô quắt queo, dúm dó, đen đúa trông xấu làm sao. Kế bên bình hoa là một gạt tàn đầy ắp các đầu thuốc. Có lẽ đêm qua ông chủ đã hút rất nhiều thuốc, và sáng nay tiếp tục hút nữa. Một vết thương trên đầu lại có ảnh hưởng đến tận tim sao kìa?
Thiên Di nhún vai, cầm gói thuốc và cái hộp quẹt, trở ra.
Trác đỡ lấy và lịch sự hỏi:
- Khói thuốc không làm Di khó chịu chớ?
Thiên Di lơ lửng:
- Tôi nói có hay không thì cũng vậy thôi mà.
Trác gắt gỏng:
- Cô thích làm người khác bực mình lắm phải không?
Di liếm môi:
- Tôi thích nói thật. Và sự thật nhiều khi làm người khác bực mình, chớ không phải tôi làm họ bực mình.
Trác hừ trong mũi:
- Có cá tính lắm. Dường như các cô gái xuất hiện quanh tôi, cô nào cũng cố tìm cách gây ấn tượng bằng nhiều kiểu để tạo sự chú ý. Thật là chán ngấy! Tôi tưởng cô phải thông minh hơn người chớ.
Mặt Di đỏ ửng lên, cô gằn giọng:
- Nếu tôi nghe được câu này sớm hơn, chiều hôm qua tôi đã mặc kệ ông rồi.
Dứt lời, Thiên Di giận dỗi bỏ vào phòng. Cô chưa gặp người đàn ông nào cao ngạo, lố bịch như Trác. Ông ta nghĩ mình là ông chủ lớn, là trung tâm của đàn bà con gái, nên muốn nói gì thì nói sao chớ. Hừ! Vái trời cho lão ta thân bại danh liệt, tán gia bại sản để biết thế nào là.... là.... thế thái nhân tình. Hừ! Lúc ấy thì có ma nào thèm vây quanh lão ta. Nhưng tới lúc đó cũng vái trời cho mình đã tìm được một công việc ngon lành hơn, nếu không lại chết chùm với lão thì khổ.
Vái xong, Di khoan khoái nằm dài trên giường. Cô tưởng như lão chủ Trác đã sạt nghiệp, và cô đang làm giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn oai phong lẫm liệt. Nhắm mắt lại, Di tưởng tượng ra cảnh lão chủ Trác thất sở thân sơ, đang gõ cửa phòng giám đốc của cô để xin một chân bảo vệ mà tủm tỉm cười. Cuộc đời khốn khổ quá, ai cấm cô tưởng tượng cho vui chớ?
Đang thả hồn lên chín tầng mơ mộng, Di nghe có tiếng gõ cửa thật mạnh. Lòng vẫn còn lâng lâng, Di tằng hắng:
- Vào đi.
Thi thò đầu vào khiến cô hết hồn:
- Anh làm gì vậy?
Thi cười nhe hàm răng vẩu:
- Biểu vào thì tui vào chớ có làm gì đâu. Cậu Trác gọi kìa.
Thiên Di kêu lên:
- Hôm nay chủ nhật, tôi được nghỉ mà. Chắc cậu chủ quên rồi đó.
Thi nhún vai:
- Vậy cô lên nhắc cho cậu ấy nhớ. Xì! Đi làm công mà câu nệ từng chút. Cô tưởng mình là ai vậy? Tiên mắc đọa chắc.
Rồi không đợi Di kịp phản ứng, Thi đóng mạnh cửa lại. Cô ngao ngán chống tay dưới cằm. Chết rồi! Lão chủ nhỏ mọn đang muốn hành xác cô đây. Đúng là lấy ơn trả oán. Đàn ông gì mà nhỏ mọn dữ vậy nhỉ?
Vuốt lại quần áo, chải sơ mái tóc, Di bước ra với trăm mưu ngàn kế trong đầu. Hừm! Ở đâu có áp bức, ở đó có vùng lên. Di phải thực hiện triệt để điều này mới được. Đừng hòng bắt Di làm thêm việc vào ngày chủ nhật.
Thấy cô, Thi nói trỏng:
- Trong phòng sách ấy.
Thiên Di gõ nhẹ vào cửa. Trong lúc chờ nghe tiếng: "Vào đi!" quyền hành, Di chợt nhớ tới điều mình tưởng tượng lúc nãy và ê chề nhận ra người đứng trước cánh cửa chờ chủ gọi vào là cô, chớ không phải ông chủ Trác....
Đợi mãi chả nghe mời, Di đành đẩy đại cửa. Trên chiếc ghế mây to tướng, Trác đang ngồi, đầu tựa ra lưng ghế, mắt nhắm nghiền. Dường như ông ta ngủ rồi thì phải. Vậy mà gọi mình vào. Đúng là.... là....
Vừa quay đi, Di bỗng ngửi có mùi khét. Cô căng mắt tìm và thấy khói bốc ra từ cái áo len Trác đang mặc. Di rón rén lại gần và nhặt mẩu thuốc lá rơi trên áo anh. Nhưng cô vừa cầm mẫu thuốc lá còn cháy đỏ thì Trác đã nhỏm dậy, nắm lấy tay cô và bóp mạnh.
Thiên Di kêu lên đau đớn. Cô đau vì tay bị bóp và vì mẩu thuốc lá làm phỏng.
Nghe Di la, Trác giật mình buông ra, Anh vỗ vào đầu, mặt nhăn nhó:
- Cô làm gì vậy?
Xoa chỗ tay đang ửng đỏ lên, Thiên Di nói một hơi:
- Áo ông bị cháy vì tàn thuốc. Tôi vừa nhặt mẩu thuốc lên thì ông…..
Trác phân bua:
- Tôi xin lỗi. Lúc nãy nhờ Thi mời cô tới, nhưng mệt mỏi quá, tôi lỡ ngủ thiếp đi. Cũng may nhờ có cô. Tôi phản xạ hơi mạnh. Chậc! Bị trặc tay rồi à?
Thiên Di không trả lời.
Trác ân cần:
- Để tôi xem.
Vừa nói, anh vừa cầm tay Di. Cô rút lại thật nhanh:
- Cảm ơn. Tôi không sao. Ông gọi tôi có chuyện gì?
Chỉ cái ghế gần bàn, Trác la lệnh:
- Chuyện gì cũng ngồi xuống trước đã.
Thiên Di miễn cưỡng tuân lời. Cô cố đoán vẫn chưa nghĩ ra lý do cậu chủ cho gọi mình.
Đốt điếu thuốc mới, Trác rít một hơi dài rồi trầm giọng:
- Tôi đang mơ thấy một gã điên, bất ngờ Di lại đến gần. Thế là.... Thật đáng tiếc....
Môi Di nhếch lên:
- Tiếc cho gã điên đầu trọc, hay tiếc cho tôi?
Trác cười xoà:
- Còn ấm ức sao?
- Không. Nhưng rõ ràng làm ơn mắc oán.
Trác phát một cử chỉ chịu thua:
- Tôi xin lỗi thêm một lần nữa và cảm ơn thêm lần nữa vậy.
Thiên Di máy móc nhắc lại câu hỏi:
- Ông gọi tôi có chuyện gì không?
Trác xoa cằm:
- À! Tôi nghe nói ngoài cái thú lang thang ra, ở đây cô không biết làm gì cho hết thời gian?
- Thì đúng là như vậy.
- Cô không thích xem tivi sao?
Thiên Di ậm ừ:
- Đâu phải chương trình nào trên tivi cũng thích hợp với mọi người.
- Nhưng ít ra nó cũng làm cho hết thời gian của một kẻ nhàn rỗi. Di có thích đọc sách không? Trong phòng này nhiều sách lắm.
- Nhưng đó là những kỷ vật của ông. Tôi không dám đâu.
Trác nhỏ nhẹ:
- Kỷ vật gì chớ. Nếu Di thật sự thích sách, từ giờ trở đi tôi giao phòng sách này cho cô. Hãy sắp xếp và chăm sóc chúng theo ý mình. Nếu có thể biến nó thành một thư viện cho trang trại càng tốt.
Thiên Di chăm chú nhìn ông chủ. Rồi không dằn được tò mò, cô buột miệng:
- Sao tự nhiên ông lại.... lại thay đổi.... tư duy vậy?
Chỉ vào đầu mình, Trác hóm hỉnh:
- Có lẽ tại hôm qua nó bị va chạm mạnh.
Rồi anh trầm ngâm:
- Vả lại, tôi thật sự muốn quên đi những gì không vui. Hãy mở hết cửa sổ giùm tôi!
Thiên Di gật đầu. Ánh sáng từ những khung cửa lâu nay vẫn đóng kính ùa vào phòng. Nắng trôi trên sàn, nhảy nhót trên những kệ sách khiến căn phòng ấm áp hẳn lên.
Di nghe Trác cất cao giọng:
- Bắt đầu từ bây giờ, mọi thứ sẽ khác đi. Nhất định là như vậy.