Người đàn bà ấy đến bệnh viện trước tôi mươi hôm. Chị ta là người tôi lưu ý đầu tiên khi tôi đặt chân tới đây. Không phải chị là người miền Nam mà tôi ngợ đã gặp lần nào, hoặc đã nghe ai kể chuyện về chị. Song dáng vẻ của chị mấy ngày gần đây đã để lại trong tôi một cảm tưởng hơi đặc biệt. Dạo đó mùa đông đã đến. Xung quanh bệnh viện, những thân cây to cứ mỗi chiều tới hình như lại thu mình đứng im sừng sững. Vòm lá xanh sẫm của cây cao những chiều này vẫn chưa hóng lấy được một tia nắng mặt trời. Chị ngồi đấy, trên chiếc băng đá cạnh đường sỏi. Lúc chị tựa lưng vào thành ghế, tôi thấy vóc người chị dong dải, cặp mắt hiền dịu. Đôi mắt nhìn vật gì cũng như muốn tươi đón, hỏi han. Thoạt trông, tôi đoán chừng tuổi chị độ hăm bảy, hăm tám. Làn tóc chị hãy còn đen nhánh, vài sợi xòa nhẹ xuống mép trán. Cằm chị thon thon và đôi gò má hãy còn hây hây ửng đỏ như gò má một cô con gái. Toàn thể gương mặt chị lộ vẻ hiền hậu và nỗi buồn thầm kín.
Tôi đinh ninh chị là một bệnh nhân thường, bệnh trạng chưa đến nỗi nào. Một buổi chiều nọ sau khi ăn cơm xong, tôi cầm quyển sách định ra ghế đá ngồi đọc thì đã gặp chị lặng lẽ ngồi ở đấy. Không muốn làm động đến sự yên tĩnh của chị, tôi vội rời gót đi. Thấy tôi đi, chị vội vàng thu người lại:
- Chết, có một mình tôi mà choán cả ghế. Anh ngồi đi, anh! - Chị nói và nhường chỗ cho tôi. Không lẽ bỏ đi, tôi liền ngồi xuống. Nhìn cái khăn rằn xanh cũ choàng trên cổ chị, tôi mỉm cười nói:
- Thấy chị tôi biết là Nam bộ rồi!
- Vậy sao?
Cái tiếng "vậy sao" nửa như hỏi, nửa như đùa, nghe rất đỗi quen thuộc. Tôi hỏi chị trước ở tỉnh nào. Chị đáp:
- Tôi ở Long Châu anh à. Còn anh?
- Tôi tỉnh nào cũng có ở. Tình quê tôi trước thì cũng ở Long Châu.
- Thiệt sao? ở miệt vườn hay tại chợ?
- Tôi ở vườn hồi bé, sau thì lên tỉnh. Thế còn chị?
- Tôi ở biển.
Giữa lúc đang nói chuyện, trời chuyển mưa to. Gió thổi mạnh đập vào các cửa kính bệnh viện. Vài ánh chớp xanh loé lên giữa bầu trời đang tối sầm lại.
Người đàn bà đồng hương với tôi che trán nhìn trời, lẩm bẩm bảo:
- Có lẽ sắp mưa. Trồi nổi giông thế này ở biển là sắp động. Mùa này ở chỗ tôi, biển không lúc nào chịu yên, cứ động luôn thôi.
Tôi nói:
- Được ở biển thật là thú quá. Từ thuở nhỏ, tôi hằng ao ước được đi biển một chuyến lâu, nhưng không có dịp, thường là chỉ đi ngang qua thôi.
- Anh nói phải, sống ở biển thích lắm. Nhưng gian khổ, kể cũng gian khổ lắm.
Nói dứt câu, vẻ mặt người chị đồng hương mà tôi vừa quen đó trở nên xa vắng. Tầm mắt chị không nhìn thẳng một cái gì hết. Chừng như chị đang hình dung lại vùng biển của chị. Có lẽ chị đang nhớ lại tháng ngày cũ, khi tôi với chị nhắc tới quê hương. Cái quê hương mà trong thực tại này lắm lúc gợi cho tôi và những người đồng hương tôi bao nhớ nhung day dứt. Nhưng ở ngoài vẻ mặt, thực tình lâu nay tôi chưa hề thấy người nào biểu lộ cách xúc cảm rõ rệt như thế.
Tôi bắt đầu quen chị, biết được chị thứ tư, tên Hậu. Chị vừa mới ở nhà máy dệt lên đây. Nghe đâu chị là người thợ dệt đứng bốn máy loại giỏi. Và tôi mới rõ ra chị không phải là một bệnh nhân thường. Trong bệnh viện cái bệnh như chị kể ra hiếm lắm. Những hạch trong cổ chị bị nhiễm trùng lao sưng to lên. Theo lời ông bác sĩ ở bệnh viện thì hạch lao ấy là kết quả của những chịu đựng, những gian khổ tích lũy trong nhiều năm. Hồi cuối tháng, cơn bệnh bạo phát. Giữa một đêm chị đang đứng máy bỗng thấy người xây xẩm khó chịu. Cố làm xong kíp, khoảng ba giờ sáng chị về đến khu nhà tập thể liền bị sốt nặng.
Sau đó, mấy lần chị bị ngất đi. Xí nghiệp liền đưa chị đến bệnh viện thành phố. Nhưng ở đấy, sau khi xem xét bệnh tình, người ta đề nghị đưa chị về Hà Nội. Từ hôm về đây, bệnh chị giảm xuống. Nghe nói là chị đòi về xí nghiệp ngay. Nhưng bác sĩ không chấp thuận, bảo là bệnh chị giảm bớt như thế không có nghĩa là hết hẳn, cần ở lại để điều trị.
Buổi chiều tôi ngồi bên chị, chốc chốc lại thấy chị ho lên những hồi dài mệt nhọc. Như những bệnh nhân khác thì có lẽ cơn bệnh đã làm họ bực dọc, cau có. Nhưng chị thì không thế. Cơn bệnh chưa áp chế nổi tâm tính chị. Chị vẫn tỉnh táo. Lúc nào cũng như lúc nào, đôi mắt chị vẫn hiền dịu.
Nơi chị có nhiều cái khiến tôi phải chú ý, ngạc nhiên. Lắm lúc tôi muốn hỏi về đời chị, nhưng vì chưa thật quen, hỏi thấy không tiện. Lại thấy chị ít nói quá, hoặc có nói thì mỗi lời nói ra đều vừa vặn, dè dặt. Cách mấy hôm sau, có một việc nhỏ làm tôi nhớ mãi. Cũng vào một buổi chiều, lúc tôi và chị ngồi nói chuyện thì ngoài cổng có một người bộ đội dắt hai con gái nhỏ vào thăm vợ. ở bệnh viện, vợ chồng vào thăm nhau là sự thường. Nhưng đang nói chuyện với tôi, bỗng nhiên chị Hậu dừng lại. Đôi mắt chị sáng rực lên. Thật tôi chưa từng thấy ánh mắt nào sáng lạ lùng như thế. Chị Hậu nhìn đau đáu hai đứa bé đi bên cha chúng. Chị nhìn cách tha thiết, chăm chú, và lúc đó chị coi như không có tôi bên cạnh chị nữa. Tôi lấy làm lạ quá. Chị quen với người ấy chắc. Nhưng không, đồng chí bộ đội đâu có tỏ ra điều gì quen thuộc với chị. Mãi cho tới khi đồng chí bộ đội và mấy đứa bé gái vào phòng bệnh nhân, chị Hậu cũng chưa quay lại tiếp lời với tôi. Rồi khi bệnh nhân là một người mẹ ra hành lang gặp chồng con, ôm con mình hôn hít từ đứa bé chí đứa lớn, tôi thấy chị Hậu nhìn cảnh ấy không rời. Hồi sau, tôi bắt gặp từ khóe mắt chị, nước mắt chảy đọng quanh mi...
Tôi cứ tưởng là cơn đau lại xông lên đầu chị. Mãi về sau này, tôi mới biết rằng chiều hôm đó chị đã khóc. Đâu độ nửa tháng sau, lúc đã quen thân hơn, mấy lần tôi gợi để chị kể cho tôi nghe về đời chị, nhưng chị vẫn thoái thác. Câu chị thường trả lời tôi là:
- Tôi nói cho anh nghe cái gì bây giờ. Anh bảo tôi kể đời tôi. Anh à, đời tôi có gì đặc biệt đâu kia chớ. à, thôi tôi biết rồi. Anh làm nghề văn nghệ, chắc anh muốn viết tiểu thuyết chớ gì.
Nói vậy, rồi chị ta ngó tôi mà cười. Cười xong, chị bơi bơi nhẹ hai bàn tay:
- Thôi đi anh, đừng... đừng, không nên đâu.
Mãi cho đến sau đó nữa, chừng như cũng không lâu lắm, khi giữa tôi với chị thân thiết hơn, một buổi chiều trên chiếc ghế đá trước bệnh viện, chị nhìn tận mắt tôi giây lâu, rồi bắt đầu nói về đời chị:
- Tôi trước là một đứa con gái mồ côi. Mẹ tôi mất trong lúc sinh nở vì đã quá lao lực và lúc sinh, không có được một bà mụ thành thạo chăm sóc. Cả đứa em tôi cũng chết theo. Nhưng theo lời kể của bà tôi, lúc tôi lên chín, thì tôi cứ hình dung ra được mẹ tôi. Một người đàn bà nghèo khó, hàng ngày gánh thuê đội mướn ở bến tàu. Trong trí tưởng tượng của tôi, mẹ tôi có lẽ giống bà tôi, cũng có khuôn mặt khoan hậu nhưng lúc nào cũng lặng lẽ và nhẫn nhục như bà tôi. Tôi không hề thấy mặt mẹ tôi, và cho đến nay tôi cũng chưa từng biết về sự vỗ về trìu mến của tình mẹ là gì. Còn về cha tôi thì tôi biết được, nhưng cũng không rõ lắm. Cha tôi là một người có sức khỏe, làm nghề khuân vác ở bến tàu. Người đã nhiều lần ôm tôi trên cánh tay gân guốc của người đi lang thang suốt buổi trên bến, những ngày tàu không vào, phu cảng thiếu việc. Cái hình ảnh cuối cùng mà tôi còn nhớ nhất về cha tôi là lúc người chết. Trong lúc khuân hàng, một thùng át-xít vỡ ra đã giết cha tôi cùng ba người cu-ly khác. Người ta khiêng cha tôi từ cảng về đặt trước sân nhà lầy lội của xóm cu-ly. Cha tôi nằm trên một chiếc cáng làm bằng mảnh bao tải. Khắp thân thể cha tôi bị phồng lên, da nơi gối chân, khuỷu tay đều tuột ra cả. Vẫn nói là tôi hãy còn bé, tuy chưa biết được nhiều, nhưng hình ảnh đau đớn đó đã khắc sâu vào trí óc non nớt của tôi... Cha tôi mất đi, người ta trả cho bà tôi một món tiền bảo hiểm. Nhưng món tiền đó chỉ vừa vặn đủ chôn cất cho cha tôi. Và còn lại bao nhiêu thì người chủ hiệu chạp-phô ở phố cảng giật lấy trên tay bà tôi để trừ các khoản nợ mà cha tôi đã vay trước... Bà ngoại tôi làm mướn cho một nhà bảo sanh nuôi tôi cũng không được bao lâu. Cũng may là khi bà tôi chết, tôi đã thay được bà tôi trong công việc giặt gia quét tước trong nhà bảo sanh ấy. Từ đó tôi sống một mình không còn ai thân thích, làm mướn để chỉ được ăn cơm. Suốt ngày giặt giũ những mảnh tã trẻ con, những tấm quần của bọn đàn bà vợ ông thông thầy ký. Có thể nói là trọn thời con gái, tôi đã sống lại cái cuộc đời đầu tắt mặt tối mà mẹ tôi đã sống qua thuở trẻ. Dạo ấy, lúc nào tôi cũng cảm thấy đời toàn chỉ có buổi choạng vạng, ít khi tôi có được cảm giác nhận ra một ngày sáng. Nhưng vậy mà có người còn để ý tới tôi. Tôi nghĩ mãi không ra. Khi tình cảnh khốn khổ như vậy mà còn có một người con trai tỏ ý muốn lấy tôi làm vợ. Và tôi đã cảm động, đã đi đến yêu thương. Tôi xây dựng gia đình trong cái thời kỳ đó. Chồng tôi là một người mạch-lô lưu lạc. Anh ấy làm tàu "Phước Lợi" chạy Sài Gòn - Hải Nam. Anh ấy gặp tôi cũng tình cờ thôi, nhân cùng đi với một người mạch-lô bạn vào thăm chị vợ đẻ. Cái mối tình của chúng tôi giờ nói ra thì dài dòng quá. Đại để là hồi chưa cưới, chúng tôi rất mực thương nhau. Mỗi chuyến tàu đi, tôi xuống tận bến đưa ảnh. ở Hải-Nam về lần nào ảnh cũng mua cho tôi một món quà.
Làm trong nhà bảo sanh cực quá mấy phen tôi đòi trốn theo ảnh. Anh không chịu, bảo tôi rằng: "Ráng thêm ít tháng qua đi mấy chuyến nữa dành dụm tiền rồi qua rước em ra". Ngờ đâu cuối năm bốn tư, trong một cuộc đình công không chịu trở lính sang Pháp thì ảnh bị bắt. Trước khi vào nhà tù, ảnh có về biển nhắn hẹn ảnh lên rước tôi về biển. Năm bốn lăm, ảnh ra tù, có về biển một lần, kế đó lại đi. Tôi có thai và sinh một cháu gái...
Đám người dắt díu nhau chạy đổ xuống bãi biển đông như một đàn kiến. - Chị Tư Hậu khởi đầu câu chuyện với tôi như thế. - Tôi còn nhớ rất rõ cái mùa nắng ráo đó. Trên bãi Sao và những làng đồng dâu chúng tôi thực là oi bức. Trời tháng năm chưa đứng bóng mà bãi cát khô bỏng, chói chan.
Tôi ôm con nhỏ đứng nép bên cha chồng. Cũng như mọi người, tôi mở to mắt ngoái nhìn trở lại. Những ruộng dâu bị khói và lửa táp tới, màu xanh trở nên úa sẫm. Rồi những bựng khói bốc lên, cuốn theo tiếng nổ lốp bốp, cuốn theo tàn đen bay tơi tả. Cơn nắng tháng năm hừng hực, giúp cho các đám cháy càng cháy thỏa sức, điên cuồng. Một lát sau, tàu bay đầy trời đầy đất. Cho đến những ngọn sóng nhào lượn trên bờ bãi cũng tỏa khói và nuối lấy tàn đen đưa tới. Tôi áp sát con tôi vào ngực, kéo chăn phủ kín mặt nó. Ngoài bãi, bà con ì ạch đẩy ghe. Phần lớn là đàn ông. Họ không định chạy trốn ra khơi, mà là sợ chúng nó tràn tới phá ghe của họ. Đám đàn bà con nít như chúng tôi đứng đầy trên bãi cát. Những người mẹ vẻ mặt đầy lo âu, giữ chặt lấy con mình. Trẻ nhỏ nhiều đứa vùng khóc ré, có đứa lại cứ cười, chạy tung tăng. Tôi cảm thấy cái cảnh đau thương đã đến rồi, bắt đầu từ buổi này. Nhưng đau thương sẽ còn đi đến đâu nữa thì tôi chưa lường được. Nhìn những ngọn lửa rần rật bốc lên quá đọt sao, nhìn đứa con thiêm thiếp ngủ trên tay, tôi phân vân nghĩ bụng: "- Từ giờ phút này trở đi nó sẽ ra sao đây".
Súng nổ từng chập, nổ dồn xuống tận bãi. Một chốc sau trên gò cát, lũ giặc lố nhố hiện ra. Chúng tôi nhốn nháo, từng tốp bồng bế dắt díu nhau rùng rùng kéo chạy. Trên bãi diễn ra cảnh hỗn loạn.
- Đưa con nhỏ đây cho ba, chạy đi con!
Cha chồng tôi vừa đón lấy cháu vừa thét. Tôi trao con cho cha tôi, vừa chạy vừa kéo khăn che mặt con cho nắng không rọi vào. Con bé tôi không chịu, ngúc ngắc đầu vị ngột, nhưng cũng không khóc. Nó chỉ mới vừa được ba tháng. Mới hôm qua tôi bàn soạn với cha tôi định mua đậu, ngâm nếp làm bánh để ăn tuổi tôi cho nó. Tôi định làm mấy món ngọt thôi, đợi anh ấy về mới làm đàng hoàng. Thế mà bây giờ tôi đã phải ôm con chạy giặc, bữa ăn tuổi tôi cho con không thành rồi. Tôi chạy, mồ hôi ướt đẫm cả mặt. Cha tôi bế cháu chạy đằng trước. Bãi cát thì rộng mênh mông, súng nổ như là xé gió, lan đi rền trên đầu ngọn sóng. Bọn giặc không bắn vào tốp người đang chạy. Chúng bắn xả về phía những ghe lưới sửa soạn trốn ra khơi. Nhiều ghe ra được một quãng thì bị bắn chìm. Số người đang đẩy ghe liền bỏ chạy. Bọn giặc ùa tới những ghe còn trên cạn, châm lửa đốt. Đám cháy của những ghe lưới làm cho mọi người không chịu nổi. Đang chạy, họ đứng dừng lại. Đó là những bà con bãi Sao, có cả cha tôi. Cha tôi ôm cháu đến đứng bên chiếc ghe lưới của mình. Những tên lính ngụy, Tây trắng đi nghễu nghện khắp bãi. Trừ những đứa lo đốt ghe, cả bọn ngồi trên bãi cát hút thuốc. Tên Pháp chỉ huy đeo súng lục và máy ảnh bên hông, đi rảo từng bước một, nhìn sát vào mặt từng người. Đó là tên quan hai Tô-ma, đồn trưởng Hiệp Hưng. Người ta đồn đại rằng thằng quan hai này là một đứa có học thức. Khi nó mới đổi về đây, người ở Hiệp Hưng thấy hắn tải theo về không biết bao nhiêu là sách mà quyển nào cũng dày cộp cả. Ngoài ra có đem theo tới đồn mới một chiếc đàn gió nữa. ở đồn hắn rất siêng đọc, lính ai muốn học tiếng Tây hắn cũng chịu để công dạy. Và chiều chiều, sau buổi cơm, hắn kéo đàn một cách say mê. Thằng Tô-ma đi ngang qua chỗ tôi đứng, nhìn tôi chăm chắm. Sau đó hắn quay về thì thào nói gì với một tên ngụy đóng cai. Tôi biến sắc, có cảm giác là nó đang nói gì về tôi. Chốc sau, chợt hắn tháo máy ảnh, bước tới mấy bước, giơ lên ngắm thẳng vào tôi. Tôi day mặt đi. Ba tôi trông thấy thế liền quay sang bảo tôi:
- Tư, con đi đi...
Tôi vội vàng lùi lại, đi như chạy về phía những trại lưới trên gò cát. Tôi đi không dám ngoái lại, và cảm thấy như có người đuổi theo tôi. Đi và chạy một quãng xa, lên tới gò rồi, tôi ngó lui không thấy có ai cả. Tôi mới bình tĩnh lại, đứng nhìn đám ghe cháy. Tôi có dè đâu là trong lúc đó chúng nó đã cho người theo tôi. Tôi nhìn thấy rõ ràng bóng hai tên ngụy thấp thoáng ở phía bên trái gò. Tôi liền chạy đi. Hai tên ngụy không rời tôi một bước, càng ngày càng theo gần đến sau lưng tôi. Tôi nghĩ không còn cách nào tốt hơn hết là trốn vào một cái chòi chứa cá khô. ở trên gò có nhiều chòi như thế, mới ngó qua giống như những chòi bỏ hoang.
Tôi chạy vào một cái chòi nhỏ, kín đáo nhất, và thu người nấp kín sau một đống khô cá gộc lớn. Tim tôi đập mạnh. Lâu lắm vẫn không thấy động tĩnh gì. Càng không thấy động tĩnh gì tôi càng lo. Gò cát im vắng, bà con coi chòi đều đã bỏ chạy. Tôi cứ nằm như vậy rất lâu. Chốc sau khó chịu quá, định chỗi dậy, bất ngờ nghe tiếng chân chạy lên. Hai tên ngụy xông vào chòi. Tôi nằm yên chịu trận. Thoạt tiên bọn nó không trông thấy tôi. Một đứa đã định bỏ đi. Nhưng đứa kia bước qua đống khô. Chúng nó bắt gặp tôi nằm đấy. Tôi liệu không trốn tránh được nữa, liền đứng dậy. Tên cai ngụy hỏi:
- Phải chị tên Hậu không?
Tôi bảo là không. Tên cai cười nói:
- Ông Hai có lệnh đòi chị ra bót.
Tôi nghe nó nói thì lùi lại. Tên cai bước tới, và tôi cứ lùi. Mãi đến lúc chân tôi phải một đống khô gộc sau lưng, loạn choạng khuỵu xuống! Tôi vội đứng dậy ngay được. Lúc đó tôi biết rõ là tôi đang đứng trước nỗi nguy đe dọa ghê gớm. Tôi không biết tại sao từ chỗ hết sức hoảng hốt, tôi trở nên gan góc. Tôi đứng thẳng người lên, hất mớ tóc lòa xòa trước trán và nói như thét:
- Muốn làm gì tôi, dang ra!
Tên cai nhìn thẳng vào mặt tôi, nói lớn:
- Đi theo tôi, mau!
- Tôi bảo là tôi không đi đâu hết. Y thét:
- Thiệt dữ hả? Muốn bỏ mạng hả?
Vừa thét y vừa đưa mắt ra hiệu cho tên ngụy xông tới. Tôi vớ ngay lấy một con khô gộc to tướng cầm tay. Khi tên ngụy xông vào, tôi vung con khô quất mạnh vào người nó. Nó gạt qua. Tôi quật tiếp một con khô thứ hai. Nó cướp lấy vất sang một bên rồi ôm quàng lấy người tôi. Tôi vật lộn với nó. Nhưng anh nghĩ, tôi mới sinh ba tháng, còn nó, nó là một thằng giặc có sức lực cường tráng. Nó đè tôi xuống đống khô mấy lần, tôi đều cố ngoi dậy được. Nhưng lần sau, cái tên cai lại phụ sức với nó ghì chặt tôi xuống. Tôi vùng vẫy la hét. Chúng nó bảo:
- Cứ la lớn nữa đi, la chừng nào đã thì thôi.Với lại không có ai ở đây để nghe mày la đâu.
- Đồ chó!
- Phải, cứ chửi đi. Muốn êm thấm không chịu. Chốc nữa ai là chó cho biết.
Tôi lừa miếng, nghiến răng cắn mạnh vào tay tên ngụy. Nó thét lên đau đớn, dang tay vả vào mặt tôi rồi kêu:
- Nó cắn tôi... làm sao kiếm dây trói nó lại.
Tên cai buông tôi ra chạy đi tìm dây, nhưng trở vào nói là không có dây. Vừa lúc đó bên ngoài có tiếng giày dẫm cát thình thịch. Tên cai nói:
- Ông Hai lên tới.
Tôi nghe nói tối tăm mặt mày. Tên quan hai Pháp Tô-ma xông vào. Hắn thở hồng hộc. Bây giờ tôi mới nhìn kỹ được mặt hắn. Cái tên xếp đồn mà tôi nghe mọi người bảo là có học thức ấy, giờ đứng trước mặt tôi, vóc người nhỏ thó chớ không to lớn, đôi mắt kính nhốp của hắn nhìn tôi như một con chim đêm nhìn mồi. Tôi không hiểu là lúc hắn đọc sách thì đôi mắt của hắn ra sao, chứ lúc hắn nhìn tôi, cặp mắt của hắn đúng là một cặp mắt của con vật rừng đang đói. Thấy tên ngụy đang ngồi xổm ghì chặt tôi, hắn thét tên ấy buông tôi ra. Tên ngụy liền bỏ tôi ra, đứng dậy. Tên cai ngụy bảo tên ngụy ra ngoài rồi hỏi tôi:
- Có nhớ ra tôi không?
Tôi làm thinh, lấy tay kéo chỗ vai áo vừa bị rách lại. Tên cai nghiêm giọng:
- Chắc cô quên rồi. Thằng chồng của cô thì biết tôi. ở thị trấn mọi người đều biết tôi, bây giờ thì cô ở trong tay tụi tôi, tôi bảo gì phải nghe, hiểu chưa? à, nghe nói cô có con rồi phải không, khá quá. Sao? Dạo này thằng chồng cô có về thường không?
Tôi lặng yên. Tên cai tiếp lời:
- Nếu nó về, nói có tôi là Tư Bửu ở đồn Hiệp Hưng, bây giờ tôi làm phó đồn trưởng, có lời mời nó ra nhậu chơi một bữa. Bảo với nó đừng sợ, cứ ra chơi, không sao đâu, không hề gì hết.
Tôi nói: - Đừng động tới chồng tôi!
- à... thôi, tôi xin lỗi. Làm vợ quý chồng như cô thiệt đáng khen. Tôi không dám động tới thằng Tư Khoa, nhưng tôi chỉ cần để thằng xếp nó động tới cô thôi...
Dứt lời tên cai lùi ra. Tôi thét lên một tiếng khủng khiếp. Tên Tô-ma đứng bên đã lột tính hung bạo của hắn ra một cách bất ngờ. Đôi bàn tay hắn đưa tới trước bíu vào người tôi. Tôi tát một cái đốp vào má hắn. Song hắn hình như không thấy đau, lại còn cười. Tiếng cười thật là ghê rợn. Tôi đánh hắn liên tiếp hai cái, rồi dựa lưng sát vào vách chòi. Hắn kéo tôi ra. Tôi cưỡng lại. Cứ thế mà tôi giằng co, chống cự, cấu xé, gào thét. Tôi thở hổn hển, lòng bàn tay đẫm ướt mồ hôi. Tên giặc ghì được tôi. Cuối cùng người tôi rã rời và mọi vật chung quanh đều quay lộn trước mắt.
Cơn dục vọng sôi lên trong đôi mắt, trong cánh tay run bây bẩy của tên giặc. Khi hắn sắp xô đổ lên người tôi, thì ngoài cửa tên lính ngụy thò đầu vào:
- Ông Tư, có thằng cha già nó lên!
Tư Bửu thét: Giữ nó lại!
Tôi gào lên: - Buông tôi ra. Trời ơi! Ba ơi... ba...
Tôi lấy hết sức mà gào. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng kêu cứu của cha tôi. Cuối cùng, có tiếng con tôi khóc thét.
Tôi ngồi gục đầu trên đống cá khô khóc nức. Sau khi mọi việc đã xảy ra một cách nhanh chóng và tàn nhẫn trong túp chòi chứa khô nhỏ hẹp này. Bọn giặc đã bỏ đi. Cha tôi bước vào chòi. Hai tay cha tôi nâng cháu đứng lặng nhìn tôi. Biết cha tôi đã đứng trước mặt, nhưng tôi vẫn gục đầu khóc. Hình như cha tôi muốn mở miệng với tôi một câu, nhưng lại thôi. Chừng con tôi khóc rúc trong lòng, cha tôi mới bước lại gần. Bước chân dè dặt của người cha chồng già nua ấy như không muốn gây ra một cái gì kinh động cho tôi trong lúc này.
- Thôi, đừng khóc nữa... Con của con nó cũng khóc đây. Hai mẹ con cùng khóc, giờ ba biết dỗ ai. Con nhỏ hồi sáng tới giờ mới bú có một lần. Nó khát sữa rồi. Con cho nó bú đi.
Bây giờ tôi mới sực nhở. ở hai đầu vú tôi, sữa căng chảy rịn ra. Nhưng đồng thời lúc ấy tôi cũng chợt nhận thấy khắp người tôi rất bẩn, áo quần bị rách toạc. Xung quanh tôi, những thứa khô cá gộc, văng bừa bãi. Cá khô nồng lên mùi hôi hám và vị tanh của cá biển. Mọi vật quanh tôi còn ghi rõ sự thể khủng khiếp ban nãy. Bỗng chốc nó gợi lại làm tôi xót xa tủi nhục. Như một đứa trẻ bị đòn đau, sau khi bớt khóc, cha chồng an ủi một câu, tôi lại tủi thân mà vùng khóc, thấm thía. Rồi vùng nhỏm dậy, tôi thu người chạy lao ra cửa. Tôi chạy trên bãi cát mênh mông. Nơi bóng chiều đã ngả, mặt trời đang thu về những tia nắng cuối cùng. ánh nắng mang sự oi nồng cho trọn một ngày, giờ trước khi tắt hẳn đang đọng lại trên biển đỏ sẫm như máu.
Cha chồng tôi cất tiếng gọi tôi trong khi tôi lảo đảo chạy. Một chốc sau cha tôi đã theo kịp tôi. Bấy giờ tôi không chạy nữa. Rồi như một cây sao con bị bão gió đánh bật gốc, tôi chấp chới ngã nằm sóng soài trên bãi cát. Cha tôi lần này kéo vai tôi giật lia lịa:
- Con Tư, bộ con khùng rồi sao. Dẫu gì thì cũng đã lỡ rồi. Không phải lỗi ở con. Có chăng là lỗi ở ba đây. Ba dại quá, ngần tuổi này như ba mà dại quá...
Cha tôi nói xong, cặp mắt mờ ướt. Chòm râu của người bị gió chiều thổi bay tơi tả mà người cứ để yên không màng vuốt lại. Cố giữ không cho tôi thấy rằng mình đã khóc, cha tôi tiếp lời:
- Tao sẽ nói với thằng Khoa, nó sẽ không buồn oán gì con đâu... Còn bây giờ thì con Tư ngồi dậy đi, ngồi dậy mà bồng lấy con nhỏ. Có chồng có con rồi, đừng làm liều. Làm liều chỉ tội cho chồng cho con. Đây, bồng nó... Nó muốn khóc nữa rồi đây nè, phải cho nó bú liền đi. Tội nghiệp, con nhỏ khát sữa quá chừng.
Những lời nói của cha chồng làm cho tôi phải ứa nước mắt. Mỗi giọt nước mắt trong lúc đó làm thấm dịu nỗi khổ cực trong lòng tôi. Nhất là mấy lời sau, cha tôi nói về chồng tôi, về đứa con gái bé bỏng của tôi khiến tôi bàng hoàng. Tôi nấc lên mấy tiếng khóc nhỏ rồi ngẩng dậy đỡ lấy con. Con tôi sau một lúc khóc vì quá cữ bú, giờ đã ngủ thiếp. Tôi cúi nhìn con, trào nước mắt. Đứa con mới ba tháng của tôi từ ngày sinh ra cho đến nay thật ngoan và dễ dãi. Thường ở nhà cho nó bú xong, tôi đi hái dâu, hoặc có khi đi giúp đỡ để về, nó đã thức dậy và nằm cười với ông. Giờ đây trước khi đánh thức nó dậy cho bú, tôi lặng lẽ nhìn nó và thầm nghĩ: "Má khốn khổ mà má muốn cho con gái cưng của má khốn khổ nữa sao. Thôi, thôi, con ơi, đừng giận má nghe con...".
Dưới ánh chiều tà, đôi gò má của con tôi mũm mĩm ửng hồng. Cặp mắt nó vẫn nhắm cách ngoan ngoãn. Tất cả châu thân của con tôi lừng lên mùi sữa thơm dịu. Chiều đã xuống thấp. Súng không còn nổ nữa. Nhưng những làn khói trong mạn đồng dâu và các vạn lưới vẫn âm ỉ bốc lên. Tiếng bìm bịp kêu từng hồi dài. Không lâu sau đã thấy nước biển dâng lên từ từ. Và những làn sóng tới tấp vượt qua mực nước ròng ban trưa, chồm lên phủ mất những đống than ghe còn nhuốm đỏ. Nghe tiếng bìm bịp kêu, cha tôi đứng xổng lưng lên. Bìm bịp kêu nước lớn cho ghe lưới ra khơi, nhưng hôm nay khi những tiếng kêu ấy đã im dần, thì trên mặt biển không còn thấy một cánh buồm nào động đậy nữa. Tôi biết cha tôi đau đớn. Là vì lần đầu tiên trong đời một người chài lưới già như cha tôi mới chịu tai họa đến nhanh mà tàn nhẫn như thế.
Mắt tôi xốn lên, dõi nhìn tốp lính giặc đang rút đi trên đầu bãi. Sau khi đốt phá hãm hiếp, chúng cướp cá tươi của bà con đánh được ban sáng rồi bắt bò đóng cộ vất cá lên. Cảnh bãi biển tối mờ, nhưng tôi vẫn còn nhìn thấy bóng những cộ xe bò đó chạy lướt trên gò cát xa. Cha tôi với tay kéo tôi đứng dậy:
- Thôi, đi con!
Tôi bế con đi sau cha tôi. Đứa con tôi sau khi bú nó đã ngủ lại. Tiếng ngáy của nó nghe rất êm và khẽ. Mặt trời đã tắt hẳn. ánh nắng của mặt trời cũng chìm dưới mặt biển. ở mạn đồng dâu vẳng lên tiếng khóc, tiếng gọi nhau ơi ới. Lại có cả tiếng của những con bò sút chuồng ban sáng, giờ mò về, rống lên những hồi dài lạc lõng...
Đấy, anh thấy đấy... Mùa nắng của chiến tranh đã tàn phá thôn xóm và vùi dập tôi như thế. Ban đầu tôi có ý nghĩ muốn chết. Nhưng khi bình tĩnh lại, tôi thấy không lý nào lại đi tự treo cổ mình hoặc đâm đầu xuống biển. Chết không hại được chúng nó, chỉ thiệt thân mình, làm khổ cho con và mắc tội đối với chồng. Gần suốt một năm tôi dằn khổ nhục xuống. Một đêm nọ tôi vào vùng du kích nặng Hiệp Lộ đỡ đẻ cho một người vợ lính. Lúc trở về, đêm đã khuya, nhưng vừa đặt chân lên hè nhà tôi chợt nhận ra tiếng nói chuyện bên trong. Tôi nhận ngay ra tiếng chồng tôi đang nói chuyện với cha tôi. Anh ấy đã về. Tim tôi đập mạnh. Tâm trạng của tôi bấy giờ thật là rối rắm. Nỗi mừng xen lẫn với âu lo. Tôi mừng nhà tôi sẽ gặp con. Đứa con mà anh ấy chưa biết mặt. Với lại, chúng tôi xa nhau đã lâu quá. Nhưng liền đó nỗi lo lắng xâm chiếm lòng tôi. Khi nghĩ đến chuyện đau đớn cũ tôi đâm ra sợ hãi. Mấy lần định nhấc liếp cửa bước vào tôi lại bỏ tay xuống. Bên trong, tiếng chồng tôi hỏi:
- Vợ tôi nó đi đâu ba?
- Lên Hiệp Lộ đỡ đẻ cho người ta.
Rồi tôi nghe cha tôi hấp tấp kéo chồng tôi vào buồng:
- Vén mùng ra mà coi mặt con mày đi!
Tôi đứng nghe, lòng hồi hộp. Có lẽ ảnh cũng hồi hộp như tôi. Và rồi ảnh sẽ rạo rực vì ảnh đã trở thành một người cha thật sự. Có lẽ ảnh đang nhìn con và sung sướng. Đứa con tôi trong giấc ngủ, tôi đã từng ngắm nó hàng giờ không chán. Anh hãy hình dung một đứa bé nằm cuộn trong chăn tơ, đôi mắt nhắm êm, gò má mũm mĩm đỏ hồng, đôi môi lúc ngủ mà chúm chím muốn cười. Con tôi xinh lắm, không chê được một chỗ nào...
Lúc đó tôi vẫn đứng ngoài, tưởng tượng đến nỗi sung sướng của chồng tôi. Chợt nghe tiếng con bé khóc. Rồi tiếng nó dẫy nẩy đòi ông. Tôi biết là chồng tôi đang bế nó, chắc nó thấy lạ nên khóc. Kế đó cha tôi cười lớn:
- Thôi, tôi không bồng đâu. Thằng cha nó bồng mà nó không biết, ha ha...
Con bé đòi nội không được khóc vang. Hồi sau nó chịu yên không cự nự nữa. Có tiếng hôn chùn chụt vào má nó. Tôi ghé nhìn qua khe liếp, thấy nhà tôi bế con ra ngoài và đang hôn. Hôn mãi mà hình như anh vẫn không thỏa.
- Nó bò khá rồi. Vợ mày để nó bò luôn, có bữa lại bò ra cát, tao rày quá. Nó nói là tập cho con nhỏ quen với đất, với biển.
- Vợ tôi đặt tên nó là gì ba?
- Chưa, chưa đặt tên hẳn hoi. Nó nói là đợi mầy về đặt, nó không dám tự ý. Sợ đặt ra gọi quen đi rồi sau khó sửa. Thành thử cứ kêu tạm là con Hai.
Tôi nghe chồng tôi phì cười về cái tiếng con Hai. ý tôi muốn gọi là con gái lớn, con gái đầu lòng.
- Vợ tôi nó đi chừng nào về ba?
- Đỡ cho người ta xong là về liền.
- Ai ở Hiệp Lộ sanh vậy?
- Có một con vợ lính ở trển chuyển bụng mà không kiếm được mụ, mới sai đứa em xuống kiếm vợ mầy. Nghe nói vợ lính là tao thù chí tử rồi. Tao cản con Tư biểu nó đừng đi. Thứ đờn bà chồng theo Tây mà không biết ngăn cản trì níu, để chồng đi làm bậy. Đến nỗi mấy trận bố rồi, có nhiều con vợ lính còn vác bị theo chồng đi hôi. Thứ đó cứ cho đẻ ẽn lấy. Con Tư thì nói là nên đi, không nên bỏ người ta đẻ một mình. Chập này có cả mấy ông chi bộ xã ở đây. Mấy ông giải thích cho tao nghe, nào là mình phải nhân đạo, nào là lấy tình nghĩa mà địch vận...
- Lên tận Hiệp Lộ à?
- Nghe đâu là mình biểu đưa con vợ lính đó vô ấp trong.
- Vợ tôi nó đi như vậy là phải. Mà mình phải làm như vậy, cho tụi lính bót nó thấy mình đối xử tốt với nó, nó động tâm, dần dần một ngày kia mình kéo nó theo mình.
- Nó ác với mình thì mình ác lại với nó.
Trong nhà im lặng một lúc lâu. Kế nghe chồng tôi chép miệng thở dài. Cha tôi hỏi:
- Hồi nãy ai đưa mầy về đây Khoa?
- Chú Tư Bường. Hồi chiều ăn cơm ở nhà chú ấy.
- Mày đã hay tin gì về vợ mày chưa Khoa?
Chồng tôi đáp gọn lỏn: - Hay rồi, hay trước khi về đây.
Rồi hai người ngồi im rất lâu. Đứa con tôi hình như đã ngủ lại. Chồng tôi bế nó vào buồng. Cha tôi nói:
- Mày mệt ngủ đi, ngủ trong buồng đó. Giấc nầy vợ mày chưa về thì chắc sáng nó mới về.
Tôi đứng ngoài nghe thế, đã định vào. Nhưng lúc ấy sao lạ quá. Tôi cảm thấy mình vào như là mang theo sự phiền muộn vào cho chồng vậy. Tôi ngồi ghé xuống bộ vạc tre ngoài hè nhà. Đợi chồng và cha tôi đã ngủ hẳn tôi mới khẽ nhấc cửa, rón rén bước vô. Chiếc đèn mỡ cá trên bệ đất cháy mờ mờ. Tôi đến cửa buồng. Nghe rõ chồng tôi đang ngáy, tôi mới mạnh bước vào. Tôi không muốn làm động giấc ngủ của anh ấy. Nhưng tôi muốn nhìn anh ấy đang nằm ngủ với con. Hai năm chúng tôi xa nhau. Bây giờ anh ấy về thế mà tôi vẫn không được mạnh bạo. Sự rụt rè đó anh hiểu cho tôi.
Khi tôi vén màn lên, trước mắt tôi, chồng tôi đang ôm con ngủ. Con gái tôi nằm ngoan ngoãn trong lòng cha nó. Gò má nó áp vào ngực anh ấy. Thỉnh thoảng nó lại liếm đôi môi chút chút. Tôi đứng cận đấy, có thể ngửi được từ đôi môi nó cả cái mùi sữa thơm dịu. Nhìn vẻ mặt chồng, tôi thấy anh rắn rỏi hơn trước nhiều. Gương mặt của ảnh không khác trước mấy, nhưng đen sạm đi. Tôi đứng như thế có tới năm mười phút. Đáng lẽ phải là lên ngủ với chồng con, nhưng tôi vẫn cứ không lên được. Sau cùng thấy anh ấy không đắp chăn, tôi tìm chăn khẽ đắp cho cả hai cha con. Bỗng anh ấy cựa mình. Tôi vội bỏ nhẹ chéo màn xuống và đi ra.
Trong nhà không còn chỗ ngủ nào nữa. Tôi đến tựa lưng vào đống lưới chất trong góc nhà. Vì thức gần trọn đêm, ngồi một chốc tôi ngủ lúc nào không hay. Cho đến lúc trời rực sáng. Con tôi trong buồng thức trước tôi. Nó ú ớ lên tiếng trong giấc ngủ của tôi. Thường thế đấy anh ạ. Tôi nghĩ thật không có tiếng gì đánh thức tôi nhanh chóng bằng tiếng con nó khóc gọi. Cái tiếng "ma... má" của nó vừa cất lên đã lay tôi tỉnh ngay. Tôi dụi mắt chỗi dậy. Lúc mở mắt ra, tôi bỗng thấy nhà tôi đã ngồi bên cạnh tôi từ bao giờ. Tôi tưởng là tôi chiêm bao. Chợt nhớ tới đêm qua mới tin rằng đó là thật. Im lặng một lúc, tôi mấp máy.
- Anh...
Nhà tôi nhìn thẳng vào tôi, rồi nói với tôi:
- Tư à. Anh mới về hồi đầu hôm. Nghe ba nói Tư lên Hiệp Lộ, anh đợi hoài mà không thấy Tư về.
- Dạ...
Tôi "dạ" một tiếng nhỏ nhắn. Cảm thấy câu đáp chưa trọn, tôi nói tiếp.
- Em đi sanh cho một chị trên đó, mới về hồi gần sáng.
- Sao không vô buồng ngủ mà ngủ ở ngoài này?
Tôi cúi đầu không đáp. Tư Khoa lấy tay rẽ mấy sợi tóc trước trán tôi, khẽ hỏi:
- Có thấy anh nằm ở trong buồng không?
- Dạ có.
Đáp xong, tôi cúi đầu thấp hơn một chút nữa, như là người phạm tội. Không dằn được nỗi tủi thân chất chứa bấy lâu nay trong lòng, tôi nấc lên. Rồi nhoài người sang đống lưới bên cạnh, tôi bắt đầu khóc mùi mẫn. Tưởng như lúc ấy tự mình không có cách gì ngăn lại được. Tôi mang trong lòng nỗi khổ nhục, sáu tháng qua đã nhiều lần khóc, nhưng giờ đây trước mặt nhà tôi, cái khóc nó mới thấm thía làm sao. Nhà tôi lúc đó không nói gì cả, lúc thì nhìn tôi, lúc day mặt chỗ khác. Khi đó hình như anh cứ để cho tôi buông hết nỗi tủi hờn. Mãi sau ảnh mới đặt bàn tay lên đôi vai đang rung lên của tôi. Đứa con chúng tôi trong buồng sau khi khóc gọi, nằm nín một chập, giờ nhận ra tiếng khóc của tôi, liền rọ rạy khóc theo. Tình thế đó làm nhà tôi luống cuống, anh quàng tay kéo tôi vào lòng. Một tay ảnh rút chiếc khăn trên đầu tôi xuống, chùi những giọt nước mắt đang ướt đầm trên má tôi.
Vừa lau nước mắt cho tôi ảnh vừa nói:
- Thôi, đừng khóc nữa. Con nó cũng đã khóc rồi kìa.
Biết rằng khi chồng đã khuyên dỗ, rất không nên khóc nữa. Nhưng tôi vẫn chưa nín ngay được, cứ ngồi mà sùi sụt. Nhà tôi khẽ nới tay tôi đứng dậy. Anh ấy vào buồng bế con ra. Con bé được bế, nó nín khóc, nhưng chợt nhận ra người lạ, lại nhoài người không chịu. Qua một giấc ngủ dài, con bé đã quên hồi đầu hôm nhà tôi đã bế nó một lần. Anh ấy chùi nước mắt cho nó, với chiếc khăn mà anh ấy đã lau nước mắt cho tôi.
Bây giờ tôi đã bình tĩnh hơn. Tôi với hai tay sang chồng, vừa liếm môi vừa nói nho nhỏ hơn:
- Anh... đưa con đây cho em.
- Thôi nó nín rồi.
Quả thật con tôi đã nín, sau khi tôi đã dịu cơn khóc. Nhà tôi cứ giữ lấy con nói:
- Tư à. Tư tưởng tôi về đây hành hạ Tư nữa sao. Lần này tôi về đâu có phải để mà dằn vặt Tư. Tôi không muốn Tư khổ thêm và tôi đau đớn nữa. Bọn chúng nó đã làm cho mình khổ, giờ tụi mình phải làm dịu mối đau khổ đó.
Nhà tôi nói chuyện mà xưng bằng tiếng "tôi" như thế thường là lúc bị xúc động nhất. Anh ấy dừng lại, ngó mông ra biển, rồi nói tiếp, lần này lại xưng "anh":
- Hồi trước Tư cũng biết. Anh đi đây đi đó. Đi nhiều nơi, khi sung sướng khi cực khổ, cực khổ là phần nhiều. Rồi anh gặp Tư, lần Tư ở trong nhà bảo sanh đòi trốn theo anh, Tư nhớ không, lúc đó anh không muốn cho Tư trốn, coi sự bỏ trốn là hèn quá. Cái chuyện nó bắt mình phải thoát ra khỏi chỗ tù túng để được tự do mà không thoát ra là mình dại. Cho tới lúc vô tù, anh em giác ngộ cho, anh mới biết. Chẳng những biết cách đòi tự do, mà còn phải biết yêu thương những người cùng đi một đường với mình. Người chí thiết nhất trong số người đi cùng đường với anh là Tư. Trên con đường đi đó, chẳng may Tư bị thương. Vết thương xuyên qua người Tư, và cả anh. Nếu không cùng rịt dấu cho chóng lành thì cả hai sẽ chết, người nào cũng như thế thì người đó cũng sẽ chết...".
Anh ấy nói luôn một hơi. Nói xong đôi mắt anh hấp háy. Tôi lắng nghe không sót một tiếng. Lòng tôi chan hòa mối xúc cảm. Tôi ngước mặt lên, khóe mắt ráo đọng. Như thể được chắp cánh, tôi ngã người tới trước gục đầu vào chân anh ấy. Tôi để mặc những giọt nước mắt mình tha hồ giàn giụa chảy.
Sáng đó cha tôi bỏ đi biệt tới trưa mới về, lúc về vác trên vai một bị tôm, cua. Nhà tôi giữ con cho tôi nấu nướng. Thấy tôi làm bếp thoăn thoắt, cha tôi có ý mừng lắm. Có lẽ người đoán biết nhà tôi đã an ủi tôi nên tôi mới vui vẻ như vậy. Với cái sung sướng ấy, cha tôi biểu lộ ra bằng chỉ âu yếm với cháu. Từ trong nhà đi ra cha tôi vờ như không thấy con bé. Người cất tiếng gọi:
- Con Hai, con Hai đâu rồi!
Con tôi nghe tiếng gọi của ông nội, ngó quanh quất tìm. Cha tôi thụp trốn sau lưng nhà tôi. Con bé tìm mãi không được. Sau cùng cha tôi mới nhô lên kề miệng mà hôn nó. Con bé bị râu của ông nội cà nhột, dấu đầu vào ngực nhà tôi cười rúc rích từng chập. Nhà tôi cũng cười, rồi bế con đi vào bếp ngồi bên cạnh tôi. Anh ấy nói:
- Lâu lắm mới được ăn một bữa tôm.
- Chỗ anh không có tôm sao?
- Không có. Thỉnh thoảng mới được ăn một lần.
- Ba với em ăn hoài cũng ngán.
Anh ấy ngồi một chốc, và sực nhớ ra điều gì, ảnh hỏi tôi:
- Tư à?
- Dạ.
- Tên con đặt chưa?
- Dạ chưa.
ảnh cười hỏi: - Ai đặt tên con nhỏ là Hai vậy?
Tôi lúng túng đáp: - Dạ... kêu đỡ vậy thôi, chứ có kêu thiệt đâu!
Anh ấy tắc lưỡi nưng cằm con gọi nhại "- Con Hai, con Hai". Làm tôi không nhịn được cười.
Sau bữa cơm trưa đó, còn có chú Chín Tốt là một người đi lưới trong xóm đến đi khơi với cha tôi. Quên nói, sau trận bố, cha tôi góp nhóp tiền cố sắm được một chiếc ghe lưới khác, lại tiếp tục đi làm nghề.
Những chiếc ghe lưới cắm tận ngoài xa, nước lớn lên bồng bềnh muốn trôi. Cha tôi lội ra kéo vào. Chín Tốt vất lưới lên khoang. Tôi và nhà tôi cũng từ trên bế con xuống. Tôi đem theo bật lửa, thuốc hút và hai chai nước đặt trước mũi ghe. Những thứ đó bao giờ tôi cũng chuẩn bị sẵn mỗi khi cha tôi sắp ra khơi. Cha tôi đứng trên ghe lấy tay ngoắc ngoắc cháu:
- Cho nó xuống đây!
- Con ra biển với nội nghe.
Tôi vừa nói với con vừa cầm tay nó giơ lên vẫy. Con bé liền giơ hai bàn tay nhỏ xíu ra ngoắc lia lịa. Cha tôi gọi với lại:
- Tối con Tư nhớ đem đèn ra cắm nghe. Nếu gặp cá bầy ba sẽ đi khuya, sợ gió đổi hướng.
Nhà tôi nghe nói nói cũng tỏ vẻ biết ngay. Tuy rời biển đã lâu, nhưng thuở nhỏ ảnh cũng đã từng cắm đèn trên bãi như thế. Người ở vạn lưới chúng tôi ra khơi khuya, sợ lúc về gió đổi chiều quên hướng nên thường dùng một chiếc đèn lục lăng tháp kính đỏ, mắc lên một cây tre cao rồi cắm trên bãi. Nếu có lạc hướng, ghe lưới sẽ theo ánh đèn ấy mà vào.
Tôi bế con đến bên nhà tôi nói:
- Dạo chưa tổ chức du kích, ban đêm hễ thấy đèn là bọn lính bót rõn vô ngồi đợi. Những chuyến ghe lưới đêm về là tụi nó xổ ra giựt lấy cá.
- Bây giờ nó có thường vô nữa không?
- Nó hết dám đi rồi anh à. ở trong bót còn bị du kích bắn huống chi ra ngoài.
Nhà tôi kéo tay tôi ngồi xuống cát. Trời đã xế bóng. Nắng chiếu chênh chếch trên bãi cát trắng phau. Về phía vàm Hiệp Lộ, một đàn cò lượn mấy vòng rồi đáp xuống bãi. Bãi cát ở vàm Hiệp Lộ chúng tôi trắng lạ. Cát trắng đến nỗi những đàn cò như thế, với sắc lông trắng toát của nó, khi đáp xuống là như hòa biến trong cát không còn phân biệt được nữa.
Nhà tôi hỏi:
- Tư à, một tháng trung bình Tư đi sanh cho bà con mấy lần?
Tôi đáp: - Không biết chừng, khi nhiều khi ít, nhưng cứ đi luôn. Ba xã mà chỉ có một mình em.
- à, hồi đêm qua cái chị vợ lính đẻ ra sao?
Tôi lắc đầu nói:
- Cũng bình yên. Nhưng tội quá, không có ai chăm sóc. Đứa em thì khờ quá. Còn chồng thì ở ngoài bót. Anh ta có trốn về nhà, nhưng lúc đó thì chị vợ đã được người ta chở vô ấp trong để gặp em. Anh ta định theo vào, nhưng lại sợ đằng mình. Rốt cuộc thằng xếp cho lính vô lôi anh ta về bót.
- Đi làm như thế ủy ban xã cấp cho em mỗi tháng bao nhiêu?
- Mỗi tháng ba giạ lúa.
Nhà tôi ái ngại nhìn tôi nói:
- Anh chỉ lo Tư với con sống thiếu thốn.
- Không đến nỗi nào đâu anh à. Lúa của em cả nhà ăn dư, ba thì đi lưới bán được cá luôn. Lúc rảnh thì em lại dệt.
Tôi than thở về cái khung cửi bị đốt, đến nay chưa đóng cái khác được, cứ phải đi dệt nhờ trên Hiệp Hưng.
Nhà tôi hỏi tôi về chuyện học hành. Tôi nói là không có ai dạy thêm, chỉ đọc sách mượn của ủy ban và của mấy chị phụ nữ Huyện gởi về cho.
- Tư đã đọc những cuốn gì rồi?
Tôi hơi lúng túng:
- Có cuốn nào coi cuốn đó, không kể là cuốn gì.
- Anh ở đơn vị có nhiều sách, chừng nào về dưới anh gởi cho Tư.
Gió biển lùa vào bãi. Tôi kéo con vào lòng. Chồng tôi lại chợt hỏi:
- à, Tư này, từ giờ đừng gọi con nó là Hai nữa nghe!
- Vậy đặt con tên gì?
- Anh định đặt cho nó tên Thủy, lót chữ Ngọc. Như vậy được không? Tên con gái đặt thế được chứ?
Tôi lặp lại: Ngọc Thủy à?
Anh ấy gật đầu. ảnh lại hỏi tôi lần nữa là có đồng ý không. Tôi nghĩ bụng thấy cái tên cũng dễ nghe, vừa đẹp lại vừa thùy mị, nên đáp: "Được". Như vậy là chúng tôi đã đặt tên chính thức cho con gái đầu lòng của chúng tôi trong buổi chiều đó. Trên bãi biển nắng dịu và gió lộng thổi. Những luồng gió từ biển thổi tới, ve vuốt, làm khô ráo cát ướt ở mé bãi. Nhà tôi bồng lấy con trên tay tôi. Hai chúng tôi đứng lên trước gió. Chim nhạn liệng từng đàn trên đầu chúng tôi. Ngoài khơi, cánh buồm ghe lưới của cha tôi bấy giờ chỉ còn thoáng hiện bằng ngón tay út. ở dưới chân chúng tôi, sóng biển vẫn ào ạt cuốn vào.
Chồng tôi về nhà được ba ngày. Tối hôm ấy ảnh sửa soạn đi. Tôi lấy một bộ đồ tơ mới xếp vào ba lô anh ấy, không quên coi lại những sợi dây ba lô đã thật chắc chưa. Từ ngày trước, quần áo anh ấy có cái nào sờn rách tôi đều vá mạng lại cẩn thận. Tôi lấy bớt ra năm mươi đồng bạc xanh trong số tiền dành dụm được đưa cho anh ấy. Biết chồng sắp sửa xa con, không hẹn chừng nào lại được về nữa, cho nên suốt cả ngày hôm đó, trừ những lúc cho con bú, tôi cố để ảnh được bế và chơi với con. Khi nỗi đau đớn và lo lắng của tôi được anh ấy làm dịu đi thì hy vọng và niềm vui lại rào rạt trong tôi. ở anh ấy, tôi thấy vẻ đau đớn, nhưng anh ấy cố dằn, lấy nghĩa tình một người đàn ông biết suy nghĩ mà làm dịu nỗi xót tủi của người vợ khốn đốn như tôi.
Ngày hôm kia, cả ngày hôm qua, tôi thấy ảnh không nhắc lại chuyện buồn đó nữa. Trong mọi lời nói và cử chỉ. Tôi thấy rõ ràng ảnh muốn cho tôi quên đi. Đêm qua nằm ngủ với nhau, anh ấy âu yếm ôm tôi một cách thật lòng. Rồi sau đó anh ôm quàng cả hai mẹ con tôi mà hôn, hết hôn tôi lại hôn con Thủy. Trong những phút ấy, tôi ứa nước mắt. Làm sao không khóc được khi chồng thấu hiểu nỗi đau xót của mình, vẫn hết lòng tin cậy yêu thương mình. Không thể quên được là sau khi hôn tôi và con xong, ảnh nâng đầu tôi áp vào ngực ảnh mà bảo rằng: "Tư ráng làm việc và thay anh nuôi nấng con Thủy. Cái nghề của Tư có thể giúp cho bà con, có thể làm được công tác. Nếu các đồng chí đó đặt vấn đề kết hợp đẻ với công tác ngụy vận thì Tư cứ nhận. Anh đã nó với ba rồi, nhà mình không đến nỗi chật vật lắm. Nhưng anh dặn Tư phải cẩn thận mới được. Con thì còn nhỏ, anh thì đi xa, chỉ trông vào một tay Tư chăm sóc nuôi nấng nó. Con Thủy là hy vọng của anh và Tư, đáng lẽ anh phải trực tiếp lo cho con, lo cả cho Tư, nhưng bây giờ thì anh chưa lo được nên anh giao nó cho Tư.
Lúc anh ấy nói xong, tôi ngước mắt trong bóng tối tìm cặp mắt của anh ấy và run run cất lên một tiếng dạ. Tôi nghĩ rằng tiếng dạ của tôi lúc đó thật không phải là một tiếng thường, mà là lời nhận thừa hành bổn phận của tôi đối với xã hội và gia đình. Trong lòng tôi chan hòa nỗi sung sướng với lo lắng. Tôi nghĩ bụng: "Một đứa con gái mồ côi như mình, gặp được anh ấy thật đã may mắn như vậy. Từ đây chẳng lẽ lại không làm được gì để đáp lại một tấm lòng tốt như thế hay sao?"
Trời sụp tối, tôi tiễn chồng ra bãi. Tôi mang ba lô, nhà tôi thì bế con. Cha tôi theo ra tới cửa. Chồng tôi nhìn thấy cặp mắt của cha tôi nhấp nháy và hơi đỏ, ảnh nói:
- Ba nhỏ thuốc con mắt cho thường, hết thì bảo vợ con nó gởi mua chai khác.
Chúng tôi ra tới bãi thì sương đêm đã xuống. Tôi lấy khăn phủ lên đầu con Ngọc Thủy. Xuồng liên lạc chưa đến. Chúng tôi ngồi xuống trên một mỏm đá. Sóng biển cũng như mọi ngày, không ngớt vùng vẫy. Những ngọn sóng thi nhau cất đầu đùa rỡn với làn sương xuống sớm. Nhà tôi chỉ ra ngoài xa, một hòn cù lao tím mờ, nói:
- Hòn Con Nghê, hồi nhỏ anh có theo ba ra đó một lần.
Tôi nghe nhà tôi nói, nhìn hòn cù lao ẩn trong sương, nghĩ đến phút chia tay đã gần kề, lòng bùi ngùi. Anh ấy biết tâm trạng tôi, một tay bế con, một tay kéo tôi vào vai:
- Anh đi rồi ít lâu anh lại về. Tư ở lại cố ráng nghe.
Anh ấy chỉ nói với tôi có bấy nhiêu lời. Vừa lúc đó từ phía nam Hiệp Lộ, một chiếc xuồng chèo tới. Tôi ngẩng dậy, chiếc xuồng chèo sát vào bãi. Trên xuồng vọng lên một tiếng hỏi: "- Ai đó? Có phải Khoa không?"
- Phải rồi, tôi đây!
Chồng tôi vừa đáp vừa đứng dậy. Anh ấy nâng mặt con Ngọc Thủy lên. Con bé ngủ yên trên tay ảnh từ lâu, đang ngáy đều và khẽ. Nhà tôi kề miệng hôn con mấy cái hôn dài. Hôn xong mà hình như anh ấy vẫn chưa thỏa. Tôi trao ba lô cho ảnh.
Chiếc xuồng rấn mũi lên cát. Nhà tôi vội vàng ôm lấy tôi, ghì mạnh. Có độ nửa phút mới buông tôi ra, chạy lại xuồng. Tiếng chú Tư Bường hỏi:
- Ai đứng đó, thím Tư phải không?
Tôi đáp: - Dạ phải!
- Cha chả, lặn lội đưa chồng ra tới đây, dữ ác hôn. Thôi bồng con nhỏ về đi thím Tư, coi chừng nhiễm sương đa.
- Dạ.
Nhà tôi ngồi trên xuồng không biết có nghe tiếng "dạ" cuối cùng của tôi không, tôi không rõ. Chỉ biết rằng lúc đó, xuồng từ từ lui ra, tôi bồng con đứng tại mỏm đá thấy anh ấy vẫn ngồi ngoái nhìn hai mẹ con tôi. Cho tới bây giờ mỗi lần nghĩ đến nhà tôi, cái mà tôi nhớ nhất là hình ảnh chiếc xuồng nhỏ nhảy nhót trên sóng rồi lẩn đi trong sương mờ mịt.
"- Hậu à, chị đã nói với em rồi, giờ em thấy thế nào?"
Chị Ba Dương vừa hỏi vừa ngước nhìn tôi. Đôi mắt của người bí thư phụ nữ huyện ấy chứa đựng một cái gì hy vọng vừa trìu mến. Chị ta bế con Thủy tôi trên tay, áp sát nó vào khổ người hơi gầy gò của chị, rồi lấy tay nựng cằm nó - cái bàn tay đã mất hết bốn ngón.
Tôi nói:
- Chị Ba, em không ngại gì hết, chỉ sợ con em còn nhỏ quá, đi như vậy rồi biết gửi nó cho ai. Với lại em đương có nghén. Bấy lâu nay em cũng vẫn đi đỡ cho bà con, em đâu có nề hà gì... em muốn... như vậy nè, chị Ba coi có được không nghe...
Thấy tôi ngập ngừng, chị Ba Dương hỏi:
- Sao? em cứ nói đi!
Tôi nắm tay chị ấy nói:
- Từ giờ em cũng đi đỡ cho bà con như thường... nhưng khoan lãnh nhiệm vụ mới. Khi em sanh rồi, em nhận.
Chị Ba nghe tôi nhận lời thì mắt sáng lên, ghì chặt tay tôi:
- Thiệt không?
- Tôi nói: - Em hứa với chị như vậy!
Chị Ba Dương đặt bàn tay trụi ngón của chị lên tay tôi, nói giọng sung sướng:
- Miễn em đồng ý là được rồi, còn chuyện con cái sanh đẻ của em, em đừng lo. Em sanh thì cũng như người khác sanh, chuyện đó phải vậy rồi. Công việc của trên giao đâu phải là chuyện một ngày một buổi. Nó là công việc trường kỳ Hậu à. Hậu coi, đây em đi vào địch hậu đỡ đẻ rồi em biết. Ban đầu phải làm cho họ đừng ngại mình. Sau khi họ dạn rồi thì mình phải làm sao cho họ mến mình. Chừng mình với họ có tình cảm khăng khít rồi, lúc đó mình tuyên truyền họ...
Tôi nghe nói rất lo. Tôi lắc đầu:
- Em biết gì mà tuyên truyền. Em dốt lắm.
Chị Ba Dương cười. Tôi càng lo lắng thêm, mới bảo:
- Thôi chị à, đừng giao cái đó cho em. Em cứ lo việc hộ sinh đỡ đẻ. Họ có cảm tình với mình, với kháng chiến là được rồi. Còn chuyện này khác, em dốt thiệt...
Chị Ba thôi cười. Nét mặt đứng tuổi và khắc khổ của chị vụt trở nên lặng lẽ. Hình như chị cảm thấy điều chị vừa nói với tôi hơi sớm quá. Chị bảo:
- Em không lo. Dần dà rồi em sẽ biết... như chị trước đây cũng vậy. Thiệt còn dốt hơn em nữa. Không lo, rồi sẽ quen dần em à.
- Chị nói thì em tin chị...
Chị Ba Dương lộ vẻ xúc động, nắm tay tôi rất chặt. Chị đưa mắt nhìn ra mạn biển và hỏi tôi:
- Em biết tại sao hồi trước chị bị đày đi Côn Lôn không?
- Tại chị đi biểu tình chống thuế ở huyện Long Hưng nên tụi nó bắt chị.
- Em nói sai rồi, kỳ đó nó đâu có bắt được chị... Nhưng đó chỉ là một việc thôi. Cái chính tại vì chị thấy bọn phụ nữ mình khổ cực quá.
Câu nói của chị Ba Dương khiến tôi rùng mình. Trong phút chốc, tôi thấy bồi hồi, vày như là nước mắt lại có cơ hội chảy ra. May mà nước mắt nó chỉ vừa đọng nặng ở quanh mi tôi thôi. Chị Ba Dương lại nói tiếp:
- Nhưng làm cách mạng thì phải chịu cực. Cực khổ hơn đời sống thường ở nhà mình nhiều. Có khi chết không ai biết, đổ máu phải bấm bụng chịu.
Chị Ba thôi nói, lại ngó mông ra biển. Hồi sau chị quay lại áp sát má vào làn tóc đen nhánh của con Thủy tôi. Tôi ngó chị Ba, thấy thương cho chị quá. Người chị có tuổi này, tôi quen hai năm nay. Mỗi lần gặp chị tôi cảm thấy chị thật là tốt, thật là một người chị lớn. Chị ta nói mấy câu làm tôi tủi thân quá chừng. Bấy lâu tôi cũng thấy cuộc đời của chúng tôi là cực, nhưng chỉ thấy một cách mang máng. Hoặc giả thấy thế rồi thì chỉ có trông cậy vào đàn ông thanh niên giải thoát cho, chứ có bao giờ nghĩ rằng chính mình có thể tự tháo gỡ ra được đâu. Khi ấy tôi để nguyên bàn tay tôi nằm trong bàn tay trụi ngón của chị Ba, bồi hồi nghĩ ngợi.
Thấy trời đã xế bóng, tôi hỏi chị:
- Chừng nào chị Ba về trên huyện?
- Chị tính về ngay bây giờ.
- ở lại ăn cơm với em rồi hãy đi, còn sớm lắm.
Chị Ba gật đầu. Tôi đi vo gạo nấu cơm. Tôi nói:
- Chị cứ để cháu xuống ván nó chơi.
Chị Ba đặt bé Thủy xuống. Con bé hí hửng dợm lần tới đầu vách, nơi đó có treo một hàng lục lạc làm bằng càng cua biển. ở bãi Sao, khi bắt được cua to lúc ăn, chúng tôi giữ cái càng lại. Rút thịt trong càng ra rồi xoi lỗ, bỏ vào đó một con ốc len nhỏ làm thành lục lạc cho con nít chơi. Lục lạc cua treo trên vách nhà ngoài. Gió biển thổi vô, những cái lục lạc bằng càng cua đỏ tươi cứ khua lắc cắc lụp cụp. Con Thủy thích lắm. Nó cứ lần đi từ đầu vách tới cuối vách, cố ngước đầu lên nghe tiếng lục lạc khua. Đi hết lượt nó ngoái nhìn chị Ba như để khoe. Chị Ba vỗ tay khen. Bé Thủy cười quýnh lên rồi chập chững đi nữa. Chợt nhớ ra điều gì, chị Ba hỏi tôi:
- Bác Bảy đi đâu rồi em?
- Ba em lên Long Hưng.
- Mắt bác Bảy dạo này có đỡ hơn trước không?
- Cũng không đỡ mấy. Hễ gió chướng thì mắt ba xốn lắm!
Chị Ba lấy trong túi ra một chai nhỏ đưa cho tôi:
- Chị mua cho bác Bảy chai thuốc đau mắt. Em cất để nhỏ cho bác, nhớ nhỏ trước khi đi ngủ nghe.
- Cảm ơn chị!
Vừa lúc ấy, ngoài nhà có tiếng chân ai bước vào. Kế đó có tiếng hỏi:
- Thím Tư có nhà không? Đi đâu mà bỏ con nhỏ một mình vậy kìa.
Tôi nhận ra tiếng chú Tư Bường, liền nói ra:
- Cháu có nhà đây, chú Tư ơi!
- Thím Tư có thơ đây.
- Dạ.
Tôi chạy ra. Chú Tư liên lạc trao cái thư cho tôi. Tôi nói:
- Chú Tư ở ăn cơm rồi hẵng đi.
- Tôi ăn rồi. Thôi, tôi đi... gấp quá.
Chú Tư Bường nói rồi liền đi. Tôi nhìn qua bao thơ, thấy không phải là chữ của nhà tôi, nhưng đúng là đơn vị của nhà tôi gởi. Tôi vừa xé thơ vừa nói với chị Ba:
- Lạ quá, thư của đơn vị anh ấy gởi.
- Đâu đọc coi.
Tôi rút mảnh giấy trong bao thơ ra. Mới nhìn lướt qua mấy hàng chữ đầu, mắt tôi hoa lên. "Chị Nguyễn Thị Hậu. Chúng tôi viết thư này cho chị thật là bất đắc dĩ. Chúng tôi biết chị sẽ đau đớn còn hơn chúng tôi đau đớn, nhưng chẳng lẽ chúng tôi lại giấu chị. Xin chị hãy giữ bình tĩnh và can đảm..." Tôi rùng mình và thấy lạnh gai người. Chân tôi như bắt rễ xuống đất. Tôi vội vàng đưa mắt đọc tiếp. Đọc chưa xong bức thư, tôi đứng hết vững. Tôi kêu trời và lảo đảo tựa người xuống bộ phản, không khóc được, không nói được. Chị Ba Dương hốt hoảng chạy tới đỡ tôi, một tay chị dằng lấy bức thư đọc. Đọc xong chị cắn môi lặng lẽ nhìn tôi và nhè nhẹ vuốt vai tôi. Tôi ngẩng mặt lên, mắt lóa đi không còn nhìn thấy gì nữa. Chị Ba cầm bức thư đọc lại cho tôi nghe. Đơn vị công binh xưởng báo tin chồng tôi chết trong một trận chống giặc nhảy dù, bảo vệ xưởng. Tôi cứ nghĩ là không khi nào lại như thế được. Nhưng những dòng chữ, con dấu và chữ ký của đồng chí xưởng trưởng rành rành ra đó. Sự thật quả là như thế đó. Đúng là nhà tôi đã hy sinh rồi. Chỗ nương tựa chắc chắn nhất của tôi giờ như bị lìa đứt, khiến tôi cảm thấy trơ trọi ghê gớm. Tôi vùng dậy khóc nức, quờ quạng tay bíu lấy chị Ba Dương như bíu lấy một cái gì có thể làm cho nỗi trơ trọi khủng khiếp kia bớt đe dọa tôi. Chị Ba ngồi ghé bên đầu phản. Bên ngoài con tôi lần vách cháu đang gọi: "Má... má..." Chị Ba đi ra bế nó vào. Chị ngồi bên vuốt tóc tôi. Con bé tôi vùng khỏi tay chị Ba, vụt ôm lấy tôi kêu "má má" liền miệng. Tôi ngước nhìn con, như nói với nó: "Con ơi, từ đây má với con sẽ sống ra sao đây?".
Chị Ba nói từng lời một:
- Em Hậu, việc đã xảy ra rồi. Chú ấy mất, có khóc chú ấy cũng không sống lại được nữa. Cố mà bình tĩnh... Chị khuyên em. Chị biết, em đau đớn... Nhưng chị khuyên em, lúc này cần phải có gan chịu đựng. ở bên em, còn có chị và bà con, còn có bác Bảy. Em nên nhớ là em đang có thai, em phải chịu đựng mà nuôi con Thủy, nuôi đứa con nhỏ mà em sắp sanh nó ra đây...
Tôi gục khóc lặng người. Lòng tôi nặng trĩu cô đơn. Chưa lúc nào nỗi đau đớn và cô đơn xâm chiếm lòng tôi cách cực mạnh như lúc này. Cha và mẹ tôi mất hồi tôi chưa biết khóc thương. Lớn lên tôi đã biết thế nào là số phận mồ côi, cái bơ vơ lạc loài của một đứa trẻ không cha không mẹ. Tôi đã sống qua những phút tê tái nhục hờn của một người vợ, một người mẹ, bị kẻ địch làm mất trinh tiết. Song tất cả từng ấy khổ não, chưa cái nào dằn vặt cấu xé tâm hồn tôi bằng cái tin buồn bất ngờ đến với tôi hôm nay. Là vì người vừa mất hôm nay chính là người đã dìu dắt tôi ra khỏi chỗ bơ vơ, là người đã làm an dịu được vết thương tủi nhục trên người tôi. Tôi vừa khóc nấc vừa gọi:
- Chị Ba, chị Ba... Mẹ con em biết làm sao bây giờ...
Chị Ba dỗ tôi:
- "Em nghe lời chị, gắng lên. Chú ấy mất em buồn là phải. Nhưng theo chị, em nên lấy làm vinh dự, vì chú Tư chết cách xứng đáng. Em thấy trong thư các đồng chí đó nói không. Chú Tư cùng với anh em thợ chiến đấu trọn ngày, giết trên ba mươi tên địch, cứu cả xưởng thoát khỏi vòng vây. Đó... như vậy đó. Hậu, em thấy chưa? Em không hổ thẹn có được một người chồng như thế. Con Thủy và cả đứa em nó sắp ra đời, em phải nuôi cho chúng nó khôn lớn. Sau này, em nói cho chúng nó biết rằng chúng nó có một người cha như vậy..."
Tôi càng nghe càng khóc. Không biết lúc ấy nước mắt của tôi ở đâu mà lắm thế. Đến chiều tôi bỏ cơm không ăn. Chị Ba cán bộ xới cơm đút cho bé Thủy. Đêm đó chị ngủ lại với tôi.
Chị Tư Hậu kể cho tôi nghe tới đây thì dừng lại. Chị không khóc, nhưng đôi mắt đỏ lên. Chị ngó đăm đăm về phía hàng cây xa. Chiều đông lạnh, lá cây se mình run rẩy. Tôi ngồi im trên ghế đá. Chị Tư Hậu cũng ngồi im rất lâu. Có đến mươi phút sau chị mới nói: - Những ngày sau khi nhà tôi chết, trời u ám quá. Ban trưa hết sức nồng nực, mồ hôi trong người cứ vã ra. Đến chiều cơn giông gió từ xa đi tới ù ù, nghe như tiếng hàng ngàn cái cối xay lúa đang xay cùng một lúc. Mặt biển tối đen như mực. Biển như đầy bụng, no căng lên. Trên trời những tảng mây màu trắng bấy giờ bị vẩn đục, quyện lại. Gió cứ nổi lên, thổi mây bay rất nhanh và thấp lướt qua đầu các ngọn sao. Đứng tại bãi biển chiều hôm giông tới, người yếu bóng vía có thể cuống lên mà bỏ chạy anh ạ. Lúc đó, con người trở nên bé nhỏ lạ lùng. Gió thổi trên những ngọn cỏ loại nhọn đầu và sắc, rít lên hu hú nghe thật dễ sợ. Chính gió ấy làm cho động biển. Rồi mưa sa đầy trời...
Tôi, tôi đã sống qua những chiều hôm như thế.
Cha tôi vốn không hay khóc, lúc hay tin nhà tôi chết, người từ thị trấn về tới nhà, thở ra mấy tiếng, rồi tiện đống lưới gần đấy người dựa lưng nằm vật ngửa. Tôi đến cha tôi khêu nhỏ ngọn đèn mỡ cá rồi thu người ngồi lặng lẽ như một cái bóng, còn tôi thì cứ ôm con ngồi giường trong. Trong đầu tôi hiện ra không biết mấy mươi lần, hình ảnh của trận ác chiến, chỗ chồng tôi hy sinh. Nghe nói nơi đó là một cánh rừng tràm láng nước, có những thân tràm to nhỏ mọc đứng và Tây nhảy dù trên đầu những ngọn tràm ấy... Cứ thế mà tôi hình dung, nghĩ ngợi. Bên ngoài cha tôi vẫn ngồi trên bộ vạt. Đêm trước cha tôi cũng ngồi thức như thế. Tới khuya người đem rượu ra uống khan một mình. Biết cha tôi đau mắt uống rượu có hại, nhưng tôi không dám can.
Đêm thứ ba, cảnh trời giông gió bên ngoài càng làm tôi tê tái, cô đơn. Con Thủy tôi hãy còn bé quá, nó chưa biết gì. Ngồi trên lòng tôi, hai tay nó cứ bíu tôi hoặc bò quanh quẩn ở góc giường. Mỗi lần sét đánh ầm một cái, con bé vùng nhào lại ôm choàng lấy tôi. Tôi ôm lấy con. Bên ngoài, giông gió ngày một lớn. Mặt biển gào thét dữ dội. Tiếng sóng cả vỗ bờ, tưởng chừng như không lâu sau nó sẽ tràn vào đến nơi mẹ con tôi. Đêm tháng mười động biển như đe dọa tôi, đe dọa con gái lên hai và cả đứa con sắp sửa ra đời của tôi. Trong tiếng gầm gào ấy, tôi nghe vẳng tới lời nói của nhà tôi: "... Con thì còn nhỏ, anh thì đi xa, chỉ trông vào một tay Tư chăm sóc nuôi nấng nó. Con Thủy là hy vọng của anh và Tư, nhưng giờ anh chưa lo được nên anh giao nó cho Tư..." Lời nói khiến tôi đầy xúc động cất lên một tiếng dạ trong đêm nọ, làm thấm thía lòng tôi bấy lâu nay, hóa ra là những lời trăn trối thật. Tôi không mê tín đâu, nhưng tôi tưởng rằng những người trước khi chết, câu nói của họ nó lạ lắm.
Tâm trạng đầy đau xót lẫn âu lo, tôi thầm nghĩ: "Số phận mình như thế rồi, từ nay đành chịu côi cút nuôi con. Xin miễn cho mình sống, sống cực khổ mấy cũng được, để nuôi con nó khôn lớa nghĩ tôi vừa áp đầu con Thủy vào mặt. Trong bóng tối, những giọt nước mắt của tôi ứa ra khóe, từ từ lăn qua gò má và rơi xuống mái tóc đứa con bé bỏng. Bấy giờ bé Thủy đã nằm yên, ngoan ngoãn nghẹo đầu ngủ. Tôi đặt nó nằm xuống giường, kéo chăn đắp lên người nó. ánh sáng chiếc đèn bên ngoài lọt qua kẽ vách, chiếu mờ vào gian buồng. Con Thủy ngủ say. Trên gương mặt nó từ đôi mi mắt đen nháy đến đôi gò má mũm mĩm đều không thấy gợn lên một chiều tư lự nào. Tôi ngồi nhìn con, thấy nó thật đáng tội nghiệp. Con gái đầu lòng của tôi càng lớn lên càng ngoan ngoãn tốt nết. Khổ nỗi, nó lại xinh xẻo nữa. Ngay khuôn mặt, đôi mắt của nó, trông tươi thắm lắm. Không phải vì quá thương con mà dưới mắt tôi con tôi hóa ra đẹp. Rõ ràng cái xinh xắn thơ ngây của nó đã bắt đầu đượm vẻ dịu dàng thùy mị. Nhưng nó còn nhỏ quá, chỉ biết bập bẹ nói cười, ăn và ngủ. Giờ đây nó chưa cảm biết nỗi khổ của tôi. Lúc nó mới bập bẹ nói tiếng nói đầu tiên, mỗi lần đút cơm cho con, tôi thường chìa muỗng cơm bảo: "Bé Hai, bé Hai kêu ba đi". Thế là nó vừa kêu "ba ba" vừa đón lấy muỗng cơm. Đút cho nó ăn một muỗng, tôi lại nói: "Bé Hai ăn cho mau lớn, ba về ba bồng bé Hai nghe!" Cứ thế tôi tập cho con. Đại để cũng như bao nhiêu người mẹ khác tập con gọi cha gọi mẹ. Giờ tôi thấy thật là hoài công quá. Phải chi ban đầu đừng dậy như thế, để tránh được những tiếng gọi gợi thành tủi xót cho tôi và chỉ đem tới thất vọng cho con từ đây trở đi. Nhớ lại một lần, con bé nghe nói ba, nó ngơ ngác tìm, một cô em lối xóm đến chơi liền trỏ ra biển: "Kia, kìa". Con tôi nó quay nhìn ra. Ngoài khơi nó chỉ thấy sóng chao lượn chớ không có người nào là ba nó. Tôi rày cô em nọ và ôm con nói: "Không có đâu, chừng nào ba về thì má bảo". Tôi không muốn nói gạt con, dù là một việc nhỏ, khi nó bắt đầu tiếp xúc được với sự vật xung quanh.
Đứa con mà nhà tôi giao phó cho tôi ấy vừa lớn lên một chút thì mầm thai đứa con thứ hai đã tượng hình trong người tôi. Nó là cái kết quả, cái kỷ niệm sâu sắc của những ngày hạnh phúc trong đau thương - những ngày anh ấy về biển, an ủi khuyến khích và tỏ nghĩa tình đối với tôi. Sau ngày nhà tôi đi, lâu sau tôi thấy trong người có sự thay đổi, sự thay đổi mà tôi đã trải qua một lần. Tôi có viết thư cho anh ấy. Một tháng trước khi nhận được tin anh ấy chết, anh ấy còn gởi thư về căn dặn tôi đủ điều. Khuyên tôi ráng giữ gìn sức khỏe cẩn thận tránh mọi tai vạ bất ngờ để sanh con và nuôi con. Bức thư ấy tôi hãy còn cất đây. Nhưng tai họa không đến với tôi mà lại đến với chồng tôi. Tôi thấy như nhà tôi đã gánh lấy cái chết cho mẹ con tôi vậy.
Trong lúc tôi nghĩ ngợi lan man, bé Thủy đã ngủ được một giấc dài. Nó cựa mình quờ tay tìm tôi. Tôi nằm xuống với nó, nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Bên ngoài mưa không ngớt hột. Và biển vẫn gào thét mãi không thôi. Hết nghĩ tới cái chết của nhà tôi, tôi lại nghĩ về những ngày sắp tới. Tôi suy tính và lo lắng trước gánh nặng từ nay đè trĩu trên vai. Người cha mà tôi phải phụng dưỡng thay cho chồng, con cái tôi phải nuôi dạy, nhiệm vụ mà tôi phải lo cho những người mẹ. Bằng từng cái ấy, tôi phải làm tròn. Lại thêm cái việc mới mẻ của chị Ba, bí thư phụ nữ huyện, bàn với tôi hôm trước mà tôi đã nhận lời nữa. Nhưng thôi... có lẽ là tôi sẽ nói với chị Ba cho tôi thôi việc ấy - tôi định thế. Nhưng tính thế rồi, đâu đây những lời của chồng tôi lại vẳng tới"... Cái nghề của Tư có thể giúp cho bà con, có thể làm được công tác, nếu các đồng chí trên có đặt vấn đề đỡ đẻ kết hợp với ngụy vận thì Tư cứ nhận..." Thế là tôi đâm băn khoăn nghĩ lại. Có nên thoái thác không? Nếu tỏ ý thoái thác với chị Ba, chẳng hóa ra mình sai hứa với chính mình, sai hứa với người thân yêu đã khuất. Nỗi cay đắng thân thể bị ô nhục, cái đau đớn chồng chết, hai sự kiện đó như nung như đốt tim tôi - thứ lửa cháy âm ỉ không bốc ngọn, nhưng nóng bỏng lạ lùng. Thực tâm tôi muốn nhận việc, cả trước và sau khi hay tin chồng chết. Tôi biết công việc chị Ba nói với tôi là một công việc hệ trọng, mà tôi có nhiều thuận lợi để làm. Cái trở ngại cho tôi là bận con mọn, không biết bỏ nó cho ai... Qua hai đêm không chợp mắt, mải suy tính lo nghĩ, tôi mỏi mệt ngủ thiếp đi...
Ngủ được một chốc, không biết bao lâu, tôi chợt giật mình bởi một tiếng ngựa hí dài... Trong mơ màng, tôi nghe tiếng một người nào đó đang nói chuyện với cha tôi ngoài nhà. Hồi sau tôi nghe rõ hơn, tiếng một người đàn ông, giọng nói vội vã:
- Bác làm ơn... cho tôi gặp thím ấy một chút.
- Có chuyện gì vậy? - Tiếng cha tôi hỏi.
Người đàn ông vừa thở vừa nói:
- Vợ tôi nó chuyển bụng, nó sắp đẻ. Không nói dấu gì bác, tôi ở Hiệp Mỹ lên đây. Đêm hôm khuya khoắt tôi sợ làm phiền thím ấy. Nhưng tội nghiệp cho con vợ tôi... khổ thân nó.
Cha tôi bảo người đàn ông:
- Anh nên đi mời một cô mụ khác... ở gần chợ, thiếu gì. Con dâu tôi nó ngủ rồi, với lại...
Người đàn ông van lơn:
- Bác à, bác làm ơn giúp tôi... nói với thím ấy. Tôi biết bây giờ đi thì cực lắm, giông gió lớn... Nhưng tôi sẵn có xe ngựa, tôi sẽ đưa thím ấy đi. Tôi đánh xe... à, quên, tôi quên chưa nói với bác là tôi làm nghề đưa bộ hành... bác không lo, tôi để thím ấy ngồi trong mui... tôi đưa thím đi, bác làm ơn...
- Anh nè... nếu như mọi bữa thì tôi kêu nó dậy đi liền. Còn bữa nay... anh lạ nên không biết, chớ chồng nó mới chết, nó đang buồn bực thái quá, nó không muốn đi đâu hết.
- "Ra vậy..." Người đánh xe nói xong thở ra một cái. Hình như sau đó anh ta ngồi phịch xuống đống lưới một cách thất vọng. Bên ngoài, con ngựa của anh ta đập vó xuống cát kéo nhích gọng xe nghe ken két. Giông gió vẫn thổi vù vù. Cứ một chốc con ngựa lại vùng cất tiếng hí vang. Lát sau tôi lại nghe người đánh xe năn nỉ cha tôi, lần này giọng đầy vẻ lo sợ và đau đớn:
- Vậy thì tôi đành về... Tôi e vợ tôi nó không sống được, cả đứa con tôi nữa. Bác nghĩ coi, vợi tôi hôm trước dắt ngựa đi cho ăn cỏ. Thằng xếp bót ra giựt ngựa cưỡi chơi. Sợ nó lấy thiệt, vợ tôi chạy theo đòi. Giữa lúc thằng xếp bị con ngựa tôi hất rớt xuống đất. Đương bị đau, nó lồm cồm bò dậy áp lại đánh vợ tôi...
Nói tới đây giọng người đánh xe như có đọng nước mắt:
- Đá vô bụng... vợ tôi đang có chửa tám tháng, có ác không? Bác coi, bà mẹ nó, nó đánh vợ tôi sao không đánh ở đâu, nhè bụng mà đá... Tôi hỏi bác, như bác thì bác có tức không. Bây giờ vợ tôi sắp sanh, kiếm một con mẹ mụ không ra, thiệt chó đẻ... chó đẻ quá sức!
Trong buồng tôi vùng ngồi dậy. Tim tôi như bị bóp mạnh. ở ngoài anh đánh xe ngưng lại một chút rồi nói tiếp:
- Bác biểu tôi kiếm mụ ở gần chợ à? Đêm hôm mò ra đó đặng ăn đạn của nó sao? Tôi chạy xe vô đây còn phải năn nỉ thằng hương chủ tề thiếu điều gẫy lưỡi nó mới cho đi. Đi còn phải treo đèn, không thời bót nó bắn... Mà vô tới đây rồi cũng như không. Thôi vậy thì thôi, tôi về.
Nói xong, người đánh xe đứng dậy xô cửa. Anh ta còn nói với lại:
- Chồng thím ấy chết, thì bề nào cũng là chết rồi, còn người ta chưa chết mà nỡ để người ta chết luôn sao. Thôi, tôi đi... từ đây tôi biệt có vô đây nữa!
Cánh cửa khép lại một cái rầm đầy vẻ hằn học. Tôi không còn nghĩ ngợi gì nữa, liền chạy xổ ra. Lách mình khỏi cửa, tôi kêu giật giọng:
- Anh ơi! Đợi tôi với... Tôi đi, tôi đi!
Rồi tôi trở vô quờ quạng tìm túi đựng dụng cụ, chạy vụt ra. Tôi nói với cha tôi:
- Phải đi cho họ ba à!
Dứt lời tôi chạy lao ra bóng tối. Xe ngựa mới quay đi mấy bước. Anh đánh xe chưa kịp ra roi, nghe tiếng gọi của tôi thì gò ngựa lại. Anh ta sững sờ nhìn tôi chạy tới. Tôi nhờ anh cầm hộ túi thuốc, rồi đặt chân nơi bàn đạp xe leo lên. Anh đánh xe kinh ngạc nhìn tôi suốt từ đầu tới chân. Nỗi bực dọc của anh ta dịu ngay xuống. Bằng một giọng nóng ấm, anh ta khẽ bảo:
- Thím ngồi nới vô trong không thôi ướt.
Rồi quay mặt ra trước, anh ta vút roi. Con ngựa nhích lui mấy bước, cất vó phóng đi. Chiếc xe mang ánh đèn treo mầu đỏ, xồng xộc chạy trong cơn mưa và trong những luồng gió thổi loạn.
Xe ngựa đến nơi vào lối nửa đêm. Cái nhà anh đánh xe rất hẹp. Nói là nhà không đúng, nó giống như một cái chòi giữ dưa. Trận giông vừa rồi bới nóc nhà tung lên, và vách lá cũng xơ xác cả ra. Tôi nhảy xuống xe vào nhà. Một cảnh tượng đáng thương hiện ra trước mắt tôi. Trên chiếc chõng tre ọp ẹp, chị đàn bà vợ anh đánh xe nằm rũ ra, miệng méo xệch. Chị ta oằn người như bị vật gì phang trúng xương sống. Đầu chị vật sang một bên, tóc xổ tung rũ rượi. Tôi vô cùng bất nhẫn khi nhìn thấy đôi môi chị bặm lại. Cái đôi môi mà bấy giờ những chiếc răng trên cắn chặt môi dưới vẫn không thấy hằn lên một dấu máu. Còn bên dưới, đứa bé đã lọt ra từ bao giờ. Bé em ở giữa hai chân mẹ và mình chưa rời khỏi dây rốn. Miệng em nhóp nhép khóc, nhưng khóc không thành tiếng nữa rồi. Trên người em, nhau nhớt đã khô lại, tóc như bị một lượt hồ đắp lên. Thân thể bé bỏng của em càng trông càng đáng tội nghiệp. Nghe tiếng khóc đã khản và nhìn nhau nhớt dán khô trên mình em bé, tôi biết là em lọt khỏi lòng mẹ đã lâu, có thể ngót hai tiếng đồng hồ, khi chúng tôi bắt đầu ở bãi đi. Anh chồng tái mặt đứng líu díu bên tôi. Việc đầu tiên là tôi vuốt sợi giây máu nơi cuống rốn cho máu sang hết qua người đứa bé. Sau đó tôi mở túi lấy một lưỡi dao, thứ lưỡi dao cạo râu, cắt rời đứa bé và người mẹ ra. Tôi thét bảo anh chồng đi nấu nước. Anh ta vâng lời tôi ngay. Lúc đó tôi ra lệnh gì anh ta cũng phải làm.
Chị vợ càng kêu thét tợn, và chị giương cặp mắt lờ đờ nhìn tôi. Chị ta đang đau đớn, vì cuống rốn còn, nhau chưa ra được. Trường hợp này tôi biết, không lấy nhau ra kịp, có thể nhau sẽ dính vào tử cung, và tính mạng người mẹ mười phần chết chín. Lúc đó tôi thấy mồ hôi tháo khắp ra người. Anh biết tôi nghĩ gì không? Chắc anh sẽ tưởng là tôi kinh hãi trước tính mạng nguy kịch của người mẹ? Không phải. Tuy lúc tôi đến thì chị ấy đã đẻ rồi, nhưng nói muộn thì chưa muộn. Đứng trước cảnh đó, tôi sợ hãi vì tôi nghĩ rằng nếu ban nãy tôi không dẹp nổi cơn buồn bã để đi đến đây thì rồi chắc tôi sẽ phải mang tội và ân hận suốt đời.
- Trời ơi là trời! - Chị đàn bà lại kêu.
Tôi cúi xuống vuốt lại tóc chị:
- Chị đau lắm à! Cố chịu một chút. Có tôi đây, không sao đâu. Chị ta nghe tôi nói nhìn tôi một chặp. Rồi bỗng chị bíu lấy tôi. Anh biết để làm gì không. Chị ta véo ngắt vào tay vào sườn tôi. Véo ngắt đến đau. Nhưng tôi vẫn cứ để yên. Những cái ngắt véo của chị ta tôi đâu có lạ gì. Tôi đi đỡ gặp như thế là thường. Mà tôi đã trải qua, tôi biết. Đẻ đã đau rồi huống chi như chị ta đẻ xong hằng mấy tiếng đồng hồ mà nhau vẫn chưa lấy ra.
Anh chồng cho hay là nước đã sôi. Tôi bảo anh ta đổ nước sôi vào hai chậu. Thông thường một chậu để tắm em, một chậu để rửa ráy. Nhưng khổ nỗi trong nhà chỉ có một cái vịm.
- Làm sao bây giờ thím? - Anh ta quýnh quáng hỏi tôi.
Đàn ông gì mà vợ sắp đẻ lại khờ như thế, không lo trước để bây giờ cứ cuống lên. Tôi nửa muốn trách anh ta nửa muốn bật cười. Tôi sục vào bếp, lôi ra được một cái trã lớn, thứ trã nấu bánh. Tôi liền kỳ cọ sạch rồi đổ nước nóng vào pha với thuốc đỏ, lo khử trùng dụng cụ. Dụng cụ dùng vào việc đỡ đẻ của tôi hồi ấy đơn giản thôi. Một lưỡi lam cạo râu thay cho kéo để cắt rốn, hai cây kẹp, một cái "póc" để làm la-vơ-măng, một hộp bông băng với chai thuốc đỏ. Ngoài ra thì có chiếc ống tiêm với vài mũi uyn-cam-phrê.
Sau khi cắt nốt rốn và buộc chỉ nơi đầu rốn cho đứa bé xong, tôi sắp lo đem cái nhau ra, bỗng nhiên có tiếng súng nổ ran lên. Súng nổ rất gần nghe điếc cả tai. Tôi và anh chồng chị nọ hoảng quá. Anh ta dậm chân kêu:
- Mấy ông du kích ra khuấy lô-cốt Cầu Sắt rồi. Mưa gió như vầy mà mấy ông phá nó làm chi, khổ thân tôi, biết làm sao bây giờ!
Tôi cũng lính quýnh. Dứt cái loạt súng vừa rộ lên đó, kế lại có tiếng súng nổ tạch tạch đùng đùng. Anh đánh xe bứt tai:
- Động ổ nó rồi, trời!
Quả là bọn lô-cốt Cầu Sắt bắn trả lại du kích. Chúng nó bắn lung tung không ngớt. Đạn bay véo véo trong mưa. Thình lình nhiều viên đạn từ vách lá bên này lọt sang vách bên nọ, cắm chen chét xuống đất ướt quanh nền nhà. Tôi lúng túng không biết day trở ra sao. Cái chết kề bên tôi. Muốn sống có thể nhân tiếng súng vừa ngớt bỏ chạy may ra thì sống. Tôi run lên. Có thể một viên đạn nào đó sẽ ghim vào người tôi, bắt tôi phải bỏ con tôi được lắm. Mấy phen tôi dậm chân muốn chạy rồi anh ạ. Mà tôi không chạy được. Cái buộc chân tôi lại lúc ấy là lương tâm tôi, là người mẹ trên giường và em bé sơ sinh kia. Chị ta còn bị đe dọa hơn tôi gấp bội phần. Tiếng súng nổ ra giữa lúc cái nhau còn dính trong người chị. Đứa con chị thân thể vẫn còn nhầy nhụa tanh bẩn, ngóc đầu quờ quạng.
Tôi cố lấy lại bình tĩnh. Vả lại ban đầu thì sợ, nhưng sau hình như cũng dạn tai với tiếng súng nổ vậy. Liệu chừng hướng đạn đi xé vách ban nãy tôi tránh luồng đạn bằng cách thụp hai gối chân xuống. Tôi bắt đầu đè tay lên dạ con chị nọ, xoay xở tìm cách đem cái nhau ra. Bọn giặc ở lô-cốt vẫn bắn vãi chung quanh. Tiếng súng nổ bấy giờ không làm tôi lo lắng bằng tiếng kêu rên của người mẹ. Không thể chậm trễ được một phút nào nữa. Một tay tôi nắn nhẹ, một tay dùng kẹp kẹp lấy mép nhau. Cuối cùng tôi lấy cái nhau ra được. Tôi thở một hơi dài, nhẹ cả người. Lúc ấy tiếng súng cũng ngớt đi. Anh chồng nọ nói như khấn:
- Có lẽ mấy ổng rút rồi đa thím?
Tôi rửa ráy thay quần áo cho chị ta, đoạn tắm đứa bé. Em bé được tôi ủ chăn cho, xem chừng ấm áp, cất tiếng khóc oe oe. Anh chồng bưng bếp củi lên. Tôi dọn dẹp mọi thứ, thay chiếu, và lấy một chiếc chiếu khác vắt lên xà ngang che gió từ ngoài lùa vào. Anh chồng tuy dốt về việc vợ đẻ, nhưng được cái hết tình, tôi bảo gì cũng làm ngay. Khi tôi tỏ ý lo ngại về mấy chỗ vách bị gió giật rách, tức thì anh ta đi ôm một bó lá chầm lui cui che lại cho kín. Gian nhà nhờ vậy mới có vẻ yên ổn, ấm cúng lên. Qua ánh lửa than riu riu cháy và qua tiếng khóc oe oe của em bé, vẻ mặt của người mẹ trên giường cũng khác trước. Đôi mắt chị ta ướt sáng, gò má chị ta mới hồng lên được một chút.
Tôi đến ngồi bên, kéo chăn đắp lên ngực chị. Tôi hỏi chị có thấy bớt đau chưa. Chị gật đầu. Kế đó chị mở mắt nhìn tôi không chớp, nhếch miệng muốn nói gì, nhưng lại rụt rè cúi mặt xuống. Tôi bảo chị:
- Xong cả rồi. Bây giờ ngủ đi, cứ ngủ đi nghe!
Chính lúc tôi thốt bảo chị ta ngủ thì mắt tôi cũng cay xè. Do hai đêm qua tôi không chợp được mắt. Mới vừa đi xa, đến nơi bắt tay vào lại bị cái tiếng súng kia khủng bố, nên sau đó trong người rất mệt. Gà trong xóm đã gáy hiệp nhất. Anh chồng sửa soạn cho tôi một chỗ ngủ. Vừa đặt mình xuống, hai mắt đã híp lại. Trong lúc mơ màng vào giấc, mơ hồ nghe có tiếng gì kêu oác oác, và tiếng đập cánh phành phạch. Mệt quá, tôi ngủ thiếp đi.
Trời rực sáng tôi trở dậy. Chị đàn bà với em bé qua đêm bình yên. Tôi căn dặn anh chồng mấy điều coi sóc vợ con rồi sửa soạn ra về. Anh giữ tôi lại, bưng lên một nồi cháo và một đĩa thịt gà xé lớn, buộc tôi phải ăn. Thấy tôi đòi về bộ, anh ta nhất định không chịu, hè hụi dắt ngựa đi thắng xe để đưa tôi lên bãi Sao. Tôi phải cản lại:
- Nhà anh đơn chiếc không có ai, anh ở nhà mà coi sóc chị ấy với cháu. Tôi đi bộ về được rồi.
Nói mãi anh ta mới nghe. ảnh vò vò hai bàn tay nói:
- Tôi mang ơn thím lắm. Thế nào cũng có bữa tôi vô trả ơn thím. Chừng nào có đi ngang ghé nhà tôi nghe. Hỏi Mười Hợi xe ngựa ai cũng biết!
... Những ngày sau đó, lòng tôi không đến nỗi nặng nề sầu thảm như trước. Tôi thấy người hơi khỏe khoắn lại và lòng được vui lên một chút, khi tôi nghĩ đến cái đêm mưa trước, công việc tôi đã làm tại ngôi nhà nhỏ của người đánh xe ở Hiệp Mỹ.
Sau chuyến ấy tôi có trở lại nhiều lần. Đó là tôi bắt đầu thực hiện lời hứa của tôi với chị Ba. Tôi đến nhà vợ chồng anh Mười với cái ý định bấy giờ đã nung nấu trong đời tôi. Làm thế nào cho anh Mười chị Mười, cũng như tôi, hiểu được rằng một con người bị áp bức đánh đá mà cứ lặng lẽ cam chịu không chống cự lại thì con người ấy là dại. Bản thân tôi trước đã từng cam chịu đau đớn, nay cũng chưa phải là hiểu thấu mọi lẽ đâu. Nhưng khi tôi chớm hiểu, thì một sức mạnh trong người tôi trỗi dậy lấn át cả mọi đau thương.
Mặc dù đối với gia đình người đánh xe nghèo ấy, tôi có nhiều thuận lợi để ăn nói. Thuận lợi căn bản nhất là tình cảm của họ đối với tôi, sự hàm ơn của họ đối với tôi. Nhưng việc đời không phải dễ dàng đâu anh ạ. Khi tôi trở lại nhà anh Mười, việc đầu tiên là tôi tiếp tục chăm sóc cho vợ con anh ta. Chị Mười vốn là một người đàn bà làm lụng có sức khỏe, nên sau khi đẻ khổ đẻ sở như vậy, chị cũng không hề hấn gì. Ngày thứ tư chị đã trở dậy đi cho heo ăn, đi tắm ngựa. Chỉ có khổ thân cho đứa con chị. Ngay từ lúc chưa sinh, gót chân của tên Tô-ma đã thúc vào bụng mẹ em đã khiến em đau đớn. Lúc lọt lòng mẹ, em lại bị vất vả lăn lóc suốt ba tiếng đồng hồ. Cho nên những ngày sau đó em cứ khóc, và trong giấc ngủ hơi thở em cứ khọt khẹt không đều. Tôi cố coi sóc em bé, cố gìn giữ sao cho em qua khỏi những ngày đầu tiên gian khó nhất của đời em. Nhiều đêm tôi thức suốt từ đầu hôm cho đến sáng, cứ bế em trên tay mà đi đi lại lại ru cho em ngủ. Có đêm khi em ngớt khóc, giữa canh khuya, tôi vừa đặt em lên giường xong, rồi mệt quá tôi gục xuống góc giường ngủ thiếp đi. Chị Mười phải nâng tôi dậy, bế bổng tôi lên giường như bế một đứa trẻ.
Việc làm đó của tôi đã có ý định hẳn hoi và có coi công việc giúp đỡ ấy như là một phương tiện không. Nếu gọi đó là một phương tiện làm lợi cho công tác, tôi thấy cũng đúng thôi. Nhưng nếu ai bảo đó là thủ đoạn thì hoàn toàn không đúng. Là vì lúc ấy giữa mục đích công tác với lương tâm, hai cái ấy như hòa lẫn với nhau vậy anh ạ. Tôi ở nhà anh Mười lần đó độ một tuần lễ thì đã trở thành như người nhà. Hai vợ chồng cưng tôi hết sức là cưng. Có chuyện gì cũng hỏi tôi. Có miếng ngon nào cũng dành cho tôi. Thế là tôi bắt đầu lấy chuyện bệnh tình của con anh, khêu gợi những uất ức của anh trong đời sống cơ cực trước kia và hiện nay. Rồi tôi nói về kháng chiến, về ý nghĩa của việc cần đặt mầm mống cho cuộc đấu tranh ở vùng địch hậu như Hiệp Mỹ. Tất nhiên là tôi không nói được đầy đủ. Vì lúc đó tôi có giỏi giang gì lắm đâu. Đại để tôi nói là bà con mình ở đây không thể sống im lìm như thế này được, tới lúc phải ăn thua với mấy cái bót tại đây rồi. Anh Mười thì nghe ra. Cuối cùng tôi bảo anh:
- Sẽ có mấy đồng chí cán bộ về. Anh Mười có thể để các đồng chí ở nhà được không?
Anh đáp:
- Sao lại không được.
Tôi nói:
- Các đồng chí ấy là những cán bộ đầu tiên về Hiệp Mỹ để giúp bà con xây dựng phong trào. Tôi thấy không có chỗ nào ở tiện bằng đây. Tôi tin anh chị có thể giúp cho các đồng chí đó.
- Mấy anh em về thím?
- Có hai anh.
- Được.
Tôi hỏi:
- Nhưng rồi anh Mười sẽ giữ gìn anh em như thế nào, để họ ở đâu?
- Thím không lo. Tôi sẽ đào lại cái hầm kín trong nhà. Ban ngày anh em có thể ở tạm trong buồng. Có chuyện gì thì anh em xuống hầm. Còn ban đêm anh em chịu khó ngủ ở dưới thì chắc hơn.
Tôi đòi anh Mười dắt tôi xem lại hầm. Anh Mười dắt tôi vào buồng, rinh cái lu to trong góc buồng sang một bên. Cửa hầm lộ ra. Nhưng đó là một cái hầm kiểu cũ chứ không được bố trí ngách ngõ như kiểu hầm "rễ đước" ở bãi chúng tôi. ở Hiệp Mỹ lâu nay hầm bí mật chỉ để trốn tạm khi giặc nó lùng bắt cu ly, bắt lính. Coi xong, tôi nói:
- Không được đâu, cái hầm này không được đâu.
Và trọn ba ngày sau đó, tôi ở lại chỉ vẽ, cùng anh Mười đào lại hầm.
Chị Mười thấy thế lấy làm lo sợ. Tuy không nói ngay, nhưng tối đến chị cứ lẩn quẩn bên tôi mà hỏi. Tôi bảo chị:
- Chị Mười không ngại. Miễn hết sức cẩn thận là được.
Tôi nói tiếp:
- Chị Mười có muốn không bao giờ có thằng Tô-ma ở đây nữa không. Chị Mười có muốn cho cảnh con cái mình khỏi đau lên đau xuống vì tụi nó nữa không?
Chị nghe tôi nói lặng yên không trả lời gì tôi cả, nhưng tỏ vẻ rất suy nghĩ. Thật là không dễ đâu. Tấm lòng của một con người trước nay quen chịu nhẫn nhục, giờ muốn đốt cho nóng cháy lên thật khó như là nhóm lửa trong mưa sa, gió táp. Vậy đấy, anh à. Thế mà về sau, chính người đàn bà nông dân ấy lắm khi làm tôi phải khóc lên vì sự giúp đỡ tận tình của chị đối với chúng tôi...
... Mặt biển sau những ngày giông tố phũ phàng, nay cũng yên tĩnh trở lại. Buổi sáng, mặt trời như tự đáy biển, lần lần nhô lên trên đầu các ngọn sóng. ở biển chúng tôi buổi rạng đông rất đẹp. Bóng tối, theo khoảnh khắc mà nhợt dần, rồi mặt biển hiển hiện, chói lòa. Tôi thấy rất rõ ràng một ngày mới đến với tôi. Như bóng tối kia, nỗi đau lắng dịu xuống, và như ánh sáng, niềm vui mới rạng chiếu trong lòng tôi. Lâu nay trong bổn phận trợ lực cho những người mẹ, những đứa trẻ sơ sinh ra đời, đã có biết bao sung sướng, hạnh phúc đến với tôi như thế. Nhưng niềm sung sướng lúc chưa xảy chuyện khổ nhục và tang chế là niềm sung sướng toàn vẹn. Lần này, trong đau đớn, tôi cố gắng và nó trở lại an ủi tôi. Sau đó, tôi thấy như mình già dặn hơn. Tôi thấy công việc ấy có thể làm dịu cơn đau đi. Hình như nó là cái cánh tay giông giống như cánh tay của chị Ba đưa ra hôm nọ cho tôi bíu lấy lúc tôi rền rĩ "Chị Ba... mẹ con em biết làm sao bây giờ..."
Chính là buổi sáng ấy, chị Ba Dương sắp đến. Chị ấy đã hẹn với tôi như thế. Nghĩ đến chốc nữa gặp chị Ba, tim tôi đập gấp, hồi hộp. Con Thủy của tôi vẫn còn ngủ. Muốn đỡ hồi hộp hơn, tôi tìm một chuyện làm, liền đi thay nước lu tôm mà cha tôi vừa xịp được hồi đêm. Thay nước tôm xong, tôi bắt chục con đem làm. Đang làm tôm thì chị Ba Dương tới. Tôi nói:
- Em trông chị từ nãy giờ.
Vừa nói tôi vừa đưa mắt nhìn ra phía sau lưng chị Ba. Không thấy có ai cả, tôi hỏi:
- Mấy ảnh không tới à?
Chị Ba Dương ngồi xuống bắt một con tôm bẻ càng, khẽ bảo:
- Có, nhưng mấy thằng lính ở Hiệp Lộ đi đâu xuống bãi sớm quá!
- Đâu?
- Nó cà rà ở đằng cuối bãi. Không biết để làm gì. Thành ra chị phải đưa hai ảnh vô nhà chú Chín tránh tạm. Chốc nữa, nó đi rồi, chú Chín Tốt sẽ đưa hai ảnh lại đây.
Chị Ba nói xong cầm dao làm tôm với tôi. Tôi nhìn về cuối bãi rồi nhìn chị. Tôi thấy chị Ba bình tĩnh như không. Hình như cái chuyện như thế chị thường gặp hàng ngày. Tôi vừa lo vừa phục thầm. Quả nhiên một chốc sau chú Chín Tốt đến, theo sau có hai người. Tôi nhìn thoáng qua, mỉm cười. Nếu không biết trước, không thể nhận ra được là hai đồng chí cán bộ. Một người đứng tuổi và một người còn trẻ. Người đứng tuổi mặc áo đen, quần xá xị trắng. Còn anh trẻ vận một cái áo tiều đơm cúc vải cũ rích, nơi miệng có ngậm một cái ống vố bằng sừng. Gói đồ khoác sau lưng họ là chiếc khăn choàng kiểu hai thước buộc túm.
Hai người tiến đến. Chị Ba đưa mắt nhìn tôi, giới thiệu khẽ với họ:
- Đây là cô Hậu...
Hai người chào tôi. Chị Ba cho tôi biết người có tuổi tức là đồng chí Trương. Và chị vỗ vào vai người trẻ tuổi bảo.
- Đồng chí Dũng là đồng chí này!
Anh cán bộ trẻ khoác áo tiều đó so nhẹ vai cười, miệng bập bập cái ống vố. Khi vạt áo tiều anh ta bị gió thổi bay ra sau, cả người anh ta nổi lên cái dáng khỏe, nửa hơi vui tính nửa có phần hơi kiêu. Cha tôi lúc này đã trở dậy. Thấy họ, cha tôi rất vui, lật đật đi nấu nước. Chín Tốt đưa hai anh cán bộ tới đây rồi, mới xấp lưng quay đi được ít bước bỗng day lại hốt hoảng nói:
- Anh em, hai thằng lính nó lên!
Tôi nghe nói cũng hoảng:
- Chị Ba đưa hai anh vô nhà đi. Có gì thì xuống hầm.
- Được rồi, hai đồng chí vào đi. Còn em, Hậu, em bắt tôm ra, chị ngồi làm với em.
Chị Ba nói rồi, nhanh nhẹn xếp đặt ngay.
Lát sau, từ mé bãi, hai tên lính khệnh khạng đi lên. Trông bộ đi của chúng, tôi hơi yên tâm. Chúng nó đi thất thểu, chậm chạp, không có gì tỏ ra đi sục cán bộ cả. Đi ngang trước mặt chúng tôi; chúng nó bước quá luôn. Nhưng bỗng hai đứa thì thầm nói nhỏ gì với nhau rồi quay lại. Chị Ba tay bẻ càng tôm nhưng mắt không rời hai đứa. Chị nói nhỏ: "Em cứ tỉnh, để chị liệu..."
Hai tên lính đi đến trước mặt chúng tôi. Một tên muốn nói điều gì mà như còn ngại ngùng. Sau đó y trỏ vào mớ tôm dưới đất hỏi:
- Hai chị có dư tôm bán để tôi mua.
- Chị em tôi có đủ ăn thôi, không có dư để bán.
- Chị làm phước để lại ít con mà.
Chị Ba Dương hỏi:
- Anh muốn mua bao nhiêu?
- Để cho bao nhiêu cũng được. Nói thiệt, tôi chỉ còn có hai đồng bạc.
Chị Ba Dương ra vẻ ngần ngừ một lát, đoạn bảo tôi:
- Hậu, em lựa để cho hai ảnh một mớ đi em.
Tôi nghe lời chị Ba, bắt trong lu ra mấy con nữa, túm càng buộc chung lại một chùm đáng trên cân đưa cho tên lính. Song lúc đó, bỗng y không cầm lấy. Y đút hai tờ bạc một đồng trở vô cái túi to nơi bẹn quần của y. Chị Ba thấy thế nói:
- Bao nhiêu tôm tính hai đồng, cũng như cho anh phần nữa mà anh còn chê ít sao?
- Không... không phải tôi chê.
Người lính vừa lắp bắp vừa day ngó tôi trân trân. Mãi sau anh ta hỏi tôi:
- Có phải chị là cô mụ Hậu không?
Tôi không rõ tại sao anh ta biết tên tôi. Tôi chưa kịp chối, thì anh ta nói tiếp một mạch:
- Trời ơi... Tôi cảm ơn chị biết chừng nào.
Tôi với chị Ba sững sờ. Kế anh ta lại nhìn tôi, nói giọng xúc động.
- Chị sanh cho vợ tôi chớ gì... chị đừng giấu, tôi mang ơn chị lắm. Đêm đó, tôi tính vô... mà không vô đặng. Trời ơi, thằng nhó tôi tốt đứa lắm. Vợ tôi nó cứ nhắc tên chị hoài... nó biểu có dịp phải đền ơn chị.
Tôi nghe người lính nói, sực nhớ ra cái đêm nhà tôi về, tôi đi đỡ cho chị vợ lính, té ra là vợ người lính này. Bây giờ tôi đỡ lo, mới hỏi anh ta:
- Sao anh biết tôi:
- ấy, thì chị này vừa kêu tên chị, tôi mới biết. Trước vợ tôi nó cũng có nói chị ở bãi Sao.
Dứt lời anh ta bảo nhỏ người lính bạn:
- Thôi, Tám... đừng lấy tôm của mấy chị nữa.
Rồi anh nói với chị Ba và tôi:
- Tôi không lấy tôm đâu, tụi tôi không đủ tiền.
Chị Ba nói:
- Mới có giữa tháng mà mấy anh hết tiền rồi à?
- Hết rồi, vợ tôi nó đã phải đi mót lúa mấy bữa nay.
- Thôi, anh cầm lấy mấy con tôm đi. Chị em tôi không lấy tiền đâu.
Anh lính ngần ngừ không muốn lấy. Thì anh lính kia có ý tiếc, bảo:
- Hai chị cho thì cầm đi, mày!
Tôi đưa mớ tôm cho anh ta. Hai người cám ơn, chào tôi với chị Ba rồi đi.
Đợi họ đi khuất, tôi nói: "Thiệt hú hồn". Chị Ba nhìn theo bóng hai người lính, dường như nghĩ gì lung lắm. Hồi sau chị nói:
- Tụi nó nghèo quá, cùng đường mới đi làm lính làm lính rồi lại còn nghèo hơn. Trừ mấy đứa như thằng Tư Bửu thì không nói, chớ phần đông thì như vậy cả. Chúng nó cũng là con người, biết buồn, biết giận, biết suy nghĩ, biết hàm ơn... Chi bộ xã chủ trương để em đi đỡ đẻ cho vợ nó lần đó thiệt hay lắm. Nó mang ơn em tức là nó mang ơn kháng chiến... em thấy không Hậu?
Tôi lặng yên, chốc sau mới nói:
- Đã đi ngụy mà còn biết động lòng, sao không chịu trốn phứt cho rồi!
- Em tưởng muốn trọn dễ lắm sao, bao nhiêu cái ràng buộc chân cẳng tụi nó. Nhưng nó có trốn được không là do mình. Ngay từ bây giờ trở đi, mình phải thúc giục cho tụi nó trốn. Nghĩa là phải làm cho nó suy nghĩ, đạp bỏ lô-cốt mà đi...
Chị Ba Dương càng nói mắt càng sáng lên. Đối với vấn đề đó, tôi thấy chị ta rất chú ý, hăm hở. Dường như việc gặp gỡ bất ngờ hai người lính vừa rồi, khiến cho ý tưởng của chị càng nung nấu, cả quyết hơn.
Thấy bọn ngụy đã đi, cha tôi từ trong nhà chạy ra:
- Nó đi chưa?
- Đi rồi!
- Nó làm gì mà đứng cà rà lâu dữ, làm tao hết hồn.
- Nó hỏi mua tôm.
Tôi thuật lại cho cha tôi nghe câu chuyện. Cha tôi nói:
- Vậy cho đáng đời theo Tây!
Chị Ba Dương nghe cha tôi nói thế thì mỉm cười không nói sao cả. Cha tôi bảo:
- Tao tưởng thế nào nó cũng vô nhà nên đem hai anh em xuống hầm ngay.
Vừa nói cha tôi vừa đi vào buồng, thò tay vào gầm phản, khỏa lớp cát trên mặt nền nhà và gõ cộp cộp lên tấm ván hầm mấy cái. Hai đồng chí Trương, Dũng đẩy nắp thò đầu lên.
- "Nó đi rồi, lên đồng chí!" Cha tôi nói.
Hai người lên khỏi hầm. Chị Ba Dương cười bảo:
- Mới chân ước chân ráo tới bị dằn mặt rồi nghe.
- Cho quen dần đi.
Anh cán bộ trẻ thản nhiên như không, lặng lẽ đến ngồi bên đống lưới, rút cái ống vố ra nhồi thêm thuốc, đốt hút phì phà như không có xảy ra chuyện gì. Lát sau anh ta hỏi tôi:
- Chừng nào chị Hậu cho chúng tôi lên đường?
Tôi thấy anh ta rất chú ý nhớ tên tôi. Tôi đáp:
- Hai anh nghỉ một chốc rồi ăn cơm. Ăn cơm xong hai anh có thể ngủ một giấc, mới đi.
Đồng chí Trương xoa hai bàn tay:
- ầy, khoái chưa. Hôm qua ước ngủ, nay tha hồ mà ngủ.
Chị Ba Dương bảo:
- Phải rồi, các đồng chí tranh thủ ngủ hôm nay. Từ ngày mai, các đồng chí không còn được ngủ thoải mái nữa đâu.
Anh cán bộ Dũng nhếch miệng cười:
- Đồng chí Ba à, tôi đã từng ở quen trong những miệt đó, ở hàng tháng, ăn ngủ cứ như thường, có gì đâu mà đồng chí dọa chúng tôi thế.
Chị Ba Dương cười không đáp. Hai anh cán bộ nằm ra bộ vạt định ngủ. Nhưng lúc sau không thể ngủ được liền trở dậy uống trà với cha tôi.
Cơm chín, họ cùng cả nhà ăn, xong mới lăn ra ngủ. Cha tôi ra vạt lưới ngoài sân, vừa buộc lại chì lưới vừa gác chừng. Tôi dắt con Thủy ra ngoài hè, mặc thử cho nó chiếc áo mới may. Chị Ba Dương chuẩn bị đi. Trước khi đi, chị đến bên tôi hỏi:
- Sao, bây giờ chị giao hai đồng chí đó cho em, em có run không?
- Không, em không run. - Tôi đáp.
- Một lần nữa, em thấy cơ sở của em có chắc chắn chưa?
Tôi nói:
- Chắc chắn chị à. Em đã nói chuyện kỹ lưỡng với họ, và họ đã chuẩn bị đâu đó hoàn toàn. Chọn cái ấp đó nói chung phức tạp, nhưng có rất nhiều người tốt. Trước nay em vào đó đỡ đẻ, em biết...
Chị Ba Dương nói lại với tôi:
- Có gì cần nói để các đồng chí đó đề phòng trước.
Tôi nói:
- Không có gì lo lắm. Chỉ có nhà tên hương chủ ở cuối ấp, và cái quán rượu ở đầu cầu sắt. Tên hương chủ thì lừng khừng thôi, tụi bót bảo bắt dân nộp heo gà thì y về đốc thúc, bà con cự nự không nộp hoặc nộp ít thì y năn nỉ, năn nỉ không được y cũng thôi, tom góp từng ấy gà heo đem lên bót. Chỉ có cái quán, như em đã nói với chị, con mụ chủ là con vợ ba Tư Bửu, nó làm khó dễ bà con ghê lắm. Nghe đâu nó là chỉ điểm... Mới đây nó nói là không bao lâu nữa, nó sẽ được thăng chức không thua gì chồng nó.
- Con mụ đó chị biết rồi, không sao... Thôi được. Em ráng cẩn thận nghe, bây giờ chị phải đi. Chỉ có điều muốn nhắc lại với em, đây là chuyến đầu tiên mình đưa cán bộ vào Hiệp Mỹ, nhất định phải hoàn thành cho tốt. Chị tin nơi em.
- Em vẫn lo.
- Lo nhưng phải bình tĩnh. Bác Bảy có nói gì không?
- Ba em không nói chi hết.
- Khoảng chừng nào, ngoài đó vô tới?
- Xế chiều thì xe ngựa tới đây!
Chị Ba Dương đi rồi, tôi dặn cha tôi hễ có biến thì cứ rung chì chài lên. Tôi mang chiếc áo mới ra ướm thử cho con. Bé Thủy mặc áo vào, coi mặt nó sáng lên. Nó hỏi:
"- Má... áo má tâu, má có áo mới không... hả... má?"
Tôi vuốt nếp áo cho con thẳng thắn, bảo nó:
- Có, má may cho bé Thủy trước rồi bữa kia bữa kìa má may cho má.
- Nội ơi, nội...
- Đừng có kêu, để nội sửa lưới. Nội sửa lưới rồi nội đi biển đem cá về cho Thủy ăn.
Tôi vừa nói vừa mằn mằn bắp chân nó: - Cá bây to nè, bằng bắp chân của Thủy nè.
"A... á" - Con tôi nó kêu lên vui vẻ rồi ngả chúi đầu vào lòng tôi. Cứ như thế, hai mẹ con tôi thủ thỉ nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng con bé cứ cười rúc rích. Tôi nhẹ tay bụm miệng nó "Để mấy chú ngủ con!" Con Thủy im bặt. Tôi nhìn vào nhà, chợt thấy anh cán bộ trẻ mở mắt ngó đăm đăm ra. Lúc bấy giờ tôi thấy cặp mắt anh nọ khác hẳn ban sáng. ở trong đôi mắt đó, đang ánh lên vẻ tha thiết và hứng thú lây. Sau đó anh không nhìn nữa mà ngó mông ra biển, vẻ mặt trở nên buồn bã, nghĩ ngợi. Khi ấy gương mặt anh mất đi vẻ khinh đời. Hồi sau có lẽ không ngủ được, anh ngồi dậy hút thuốc. Hút thuốc coi mòi chán rồi, anh bước ra ngoài. Tôi rày con:
- Con cứ giỡn hoài, phá mất giấc ngủ của chú rồi!
- Không sao, tôi hết buồn ngủ rồi chị à.
Nói xong anh chìa hai tay về phía bé Thủy. Tôi nhẹ đẩy con ra:
- Con, lại chú bồng!
Con bé liền sang với anh. Anh ôm nó nhè nhẹ đu đưa rồi hôn trên tóc nó. Chốc sau anh trao lại cho tôi nói:
- Tôi cũng có một đứa con như thế này.
- Cháu với chị giờ ở đâu?
Anh ấy lặng thinh, ngồi ghé xuống một góc vạt. Lâu sau anh thở dài nói:
- Nó không còn mẹ nữa. Tôi gởi nó cho má tôi.
Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên muốn hỏi. Lần này anh cán bộ im lặng rất lâu, cứ ngồi nhìn xuống đất, hết nhìn xuống đất lại ngó ra mạn khơi. Mãi một lúc sau mới nói:
- Vợ tôi chết rồi.
Anh chỉ trả lời ngắn ngủi như thế rồi lại ngồi im. Tôi nghe nói lòng thấy xót lên, nhưng không dám hỏi tới nữa. Tôi ước chừng là anh đang bị mối khổ tâm nó dày vò. Ngay khi đó nét mặt anh trở lại lạnh lạt như trước. Anh trở vào giường nằm lại, không lâu sau, tôi nghe tiếng ngáy của anh cất lên.
Chiếc xe ngựa từ phía miễu Cá Ông ngày một hiện rõ ra. Tôi đứng đợi sẵn trên bãi tự nãy giờ liền lột khăn vẫy lên. Trong nắng chiều, đôi vành gỗ uốn cong của chiếc xe bóng ngời. Con ngựa ô hắt màu lông đen nháy, khỏe mạnh phóng nước đại, lôi cỗ xe vun vút chạy tới. Xe chạy quá chỗ tôi đứng, anh Mười đánh xe cho đảo lại. Con ngựa sau khi chạy hết một đoạn đường với chiếc xe không, hình như chưa phỉ sức, nện vó độp độp xuống cát mấy cái và nghiến hàm thiếc ken két. Đằng sau lối xe vừa qua, những vết chân ngựa nằm giữa hai lằn dấu của bánh xe, nổi bật lên một đường dài lượn thành hình vòng cung trên gò cát.
Anh Mười Hợi từ trên nhảy xuống, hăm hở hỏi tôi:
- Sao? Anh em tới chưa thím!
- Tới rồi. Tôi với mấy ảnh đợi anh nãy giờ. Anh Mười vô nghỉ uống nước một chốc rồi đi.
Anh Mười vừa theo tôi vào nhà vừa vung roi nói:
- Thím Tư, hồi nãy đi dọc đường, hai thằng lính gác hai lô cốt đầu cầu Cây Sao hỏi tôi đi đâu. Tôi nói vô Bãi Sao rước khách, nó tưởng thiệt. Mà thứ lính tráng gì như chết đói hồi đời nào vậy thím. Thím Tư coi, ở trên lô cốt nó thả dây thòng xuống một cái giỏ, thứ giỏ rộng cá trê, biểu tôi: "- ủng hộ tụi tôi một vài ngân, năm đồng, mười đồng tùy hỉ..." Tôi mới nói: "Rủi quá, tôi không sẵn tiền theo, khi khác tôi sẽ ủng hộ mấy thầy". Bỗng có một thằng từ trên chĩa súng xuống nói nửa giỡn nửa thiệt "Có ủng hộ không thì nói đặng tôi lãy cò!". Làm tôi phải lựa mấy đồng bạc rách bỏ vô giỏ, tụi nó mới cho đi. Thím coi, thấu trời chưa!
Tôi nghe nói thì không nhịn được cười.
Anh Mười Hợi vào nhà. Cha tôi cứ ngó anh ta châm bẩm.
- Hình như tôi có gặp chú này một lần ở đâu...
Anh Mười uống hết chén nước cười nói:
- Ông già quên tôi rồi sao? Đêm đó... cách đây một tháng tôi có tới đây.
- à... à... nhớ rồi, nhớ rồi?
Cha tôi bước tới gần, nói giọng hơi ngượng ngập.
- Đêm đó... chú bỏ quá cho tôi, đừng có giận nghe.
- Tôi còn mang ơn nhà bác nữa, chớ giận gì.
Nói rồi anh Mười Hợi giục đi sớm. Tôi cùng hai đồng chí Trương, Dũng ra xe. Tôi ngoái lại nói với con Thủy:
- Bé Thủy ở nhà với nội nghe?
- Dạ.
Mọi người lên xe. Mười Hợi dặn:
- Đi ngang qua mấy cái lô cốt cứ để tôi nói chuyện với nó.
Ai nấy gật đầu. Anh Mười vung roi. Chiếc xe chở chúng tôi quay lại đường cũ. Trời mát dịu. Xe ngựa quẹo ngang đầu voi. Trong miễu thờ Cá Ông có mấy du kích đang ngồi gác trên bệ đá. Họ giơ cao những chiếc tù và làm bằng những con ốc lớn màu đồng hun mà vẫy chúng tôi. Chiều xuống trên bãi cát mênh mông, vắng lặng. ở tít xa cao, những cái nóc lô cốt đỏ chót trông chỉ bằng ngón chân cái, nhô giữa rặng sao cao vút. Vạn lưới Bãi Sao tụt dần lại, và con đường sỏi độc nhất chạy Hiệp Mỹ trắng xóa đến gần, đến gần... Chốc sau xe đã lên tới đường cái. Bánh xe nghiến sỏi đường rào rạo. Tiếng vó ngựa từ đầu nện lộp bộp xuống cát giờ đổi sang tiếng lốp cốp, lốp cốp... nghe dòn và khô. Anh Mười ngồi phía trước, hai chân chảng hãng đặt trên dạ xe. Anh kẹp roi vào nách, luôn đưa mắt nhìn xa về phía trước. Hôm nay khác hơn những chuyến đưa khách thường, một chấm đen nhỏ hiện rõ ở cuối đường cũng làm anh chú ý. Cũng như tôi, lần đầu anh Mười Hợi nhận nhiệm vụ bí mật đưa cán bộ về. Trông anh có vẻ hồi hộp, nhưng đầy sự hăng hái. Vốn thuộc làu đường đất, biết rõ cách xét hỏi của địch, anh có tự tin và can đảm. Anh đang sung sướng - cái sung sướng của một người đánh xe nghèo ở vùng địch quanh năm bị đè nén, đánh đá, bấy lâu khao khát muốn ra tay.
Tôi ngồi sau, lòng rạo rực. Tôi nhận ra giờ đây tôi không đến nỗi trơ trọi cô đơn. Chung quanh tôi từ ngày này đã bắt đầu có bè bạn, có đồng chí. Cộng thêm nỗi lo lắng đối với công việc đầu tiên, khiến tôi chan hòa một thứ cảm giác hết sức mới mẻ. Tôi đăm đăm nhìn đoạn đường hun hút trước mặt. Sau những ngày mưa, đường sỏi được phẳng phiu rửa sạch. Gió đường mát mẻ lộng vào xe. Sau lưng tôi, hai đồng chí cán bộ mải mê nhìn cảnh vật bên đường, có vẻ như để mường tượng cái chốn họ sắp đến.
- Nghe nói ở Hiệp Mỹ trái cây nhiều lắm phải không chị? Anh Dũng bật người tới hỏi tôi. Tôi đáp: "Dạ, nhiều lắm"! Anh Trương nói:
- Lần này đồng chí Dũng định vào rồi ở luôn đó. Cô Hậu coi ở Hiệp Mỹ có đám nào khá giới thiệu cho đồng chí Dũng một đám.
Tôi nghe nói làm thinh cười. Dũng vẫn để người nhoài tới trước, nói:
- Anh có muốn thì nói với chị ấy đổ cho tôi làm gì. Còn tôi, tôi mà cưới vợ nữa à, cưới làm gì.
Anh nói hấp tấp mấy tiếng sau cùng, rồi giơ tay vuốt ngược mái tóc. Anh Trương hỏi:
- Có thật không, đã cam đoan như thế à?
- Tôi đã cam đoan với tôi.
Anh Trương ngưng nói, không đùa nữa. Câu chuyện đến chỗ ấy là thôi. Tôi nhận thấy tuy câu chuyện chỉ là thế, nhưng hình như nó khiến cho người cán bộ trẻ cũng có thể đau lên được. Nguyên do thế nào tôi chưa rõ, nhưng xuyên qua câu chuyện ban trưa và bây giờ rõ rệt là người cán bộ trẻ tên Dũng đã mang trong người nỗi thương tâm về vợ con, day dứt đêm ngày.
Xe chạy khỏi quãng đường trống, đi vào giữa hai hàng sao cao vút. Trời tối sẫm. Khói đốt đồng và bụi mờ hòa lẫn bay lên như sương. Anh Mười Hợi cho xe dừng lại, thắp đèn treo lên ngang chỗ anh ngồi. Tôi bảo hai người.
- Qua khỏi hàng Sao thì tới lô-cốt thứ nhất.
Xe qua khỏi rặng cây, chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy đèn măng-sông ở lô-cốt cây Sao chiếu sáng. Lát sau, xe chúng tôi đến gần lô-cốt. Anh Mười nói:
- Anh em cứ bình tĩnh như thường. Nó hỏi gì cứ để tôi ứng đối với nó.
Liền đó, trên lô cốt vọng xuống một tiếng hỏi to:
- Xe ngựa của ai đó, phải của Mười Tân không?
Anh Mười nhanh nhảu đáp:
- Dạ, tôi ở bãi Sao về, thầy Năm.
- Chở khách nào đó?
- Dạ, mấy người bộ hiền ở bãi Sao đi thị trấn.
- ở trong bãi ra có thứ gì nhậu được không?
Tôi nghe thế, khẽ bảo anh Mười: - Vốc cho nó một ít tôm khô, tôi có đem đây.
Anh Mười vờ lắp bắp:
- Dạ... Không có gì... có một ít tôm khô, mấy thầy có dùng tôi để lại mấy thầy một ít.
Những tên lính trên lô-cốt reo lên. Một đứa bảo:
- Có tôm khô phải không. Hay lắm. Tôi thả cái bơ lon xuống anh đổ vô cho tụi tôi nghe!
- Dạ!
Kế thấy trên lô-cốt lủng lẳng thòng xuống một cái giỏ. Anh Mười xuống xe, bước lại bợ lấy cái giỏ. Tên ngụy ở trên lại nói:
- Đó, cái bơ đó. Có hai đồng bạc trong giỏ trả tiền tôm nữa đó.
- Dạ, có cái ống bơ mà không thấy hai đồng.
- Chết rồi... thôi, chắc tiền lọt rớt mất rồi.
Anh Mười nói:
- Thôi, tôi ủng hộ mấy thầy, khỏi tiền bạc cũng được mà.
Dứt lời anh Mười cầm lấy cái ống bơ đi lại xe. Tôi vốc tôm khô vào bơ. Đầy bơ rồi, anh Mười đem lại đặt vào giỏ. Tên ngụi tóm dây từ từ kéo cái giỏ lên. Sau khi xem thấy đúng là tôm khô rồi, một thằng trên lô-cốt bảo:
- Thôi, đi đi. Ê. Cảm ơn nghe già Mười!
- Dạ, ơn nghĩa gì, một chút tôm khô có đáng bao nhiêu đâu... Thôi, xin chào thầy Năm, thầy Bảy tôi đi.
- Được rồi, cứ đi đi già Mười!
Anh Mười Hợi trở lại leo lên xe. Anh lập tức vụt roi.
Con ngựa kéo xe phóng nhanh qua bót. Đi một đỗi, tất cả chúng tôi đều cười rộ. Đồng chí Trương cười lâu hơn hết. Anh nói:
- Tôi ở địch hậu đã lâu, mà chưa gặp lính ngụy nào như tụi ở đây. Thiệt lạ đời. Nè, không biết ai dạy tụi nó kiểu đòi tiền mãi lộ kỳ cục vậy kìa!
- Nó truyền bá cho nhau.
- "Cái này nó mới bày ra, không biết học được của bót nào, trước thì xuống chận xin tiền thôi chớ không có lối đó".
Dũng khều vai Mười Hợi:
- Anh Mười, khi nãy nó kêu anh là già Mười anh nghe không?
- Có nghe. ối, có phải thân mật gì với mình đâu. Hễ có ăn thì nó kêu già, kêu bồ. Già Mười, bồ Mười. Bữa nào tôi chạy xe không đặng khá, nó hỏi xin tôi cà nhầy thì nó kêu tôi là thằng ngựa ô. Tụi lính chết bầm hơi đâu mà nói.
Mọi người lại cười phá lên. Không khí trên xe dẫy đầy vui vẻ. Non nửa tiếng đồng hồ sau, xe ngựa tới lô cốt Đầu Cầu. Chuyện qua lô-cốt cũng xảy ra tương tự như thế. Lần này lính trong cốt đánh bài sát phạt nhau ầm ĩ. Khoảng tám giờ tối thì xe về tới Hiệp Mỹ.
Chúng tôi vào nhà anh Mười. Chị Mười Tân gặp tôi thì mừng quýnh. Chị bế con ra khoe với tôi. Thằng bé tuy lúc sanh gay go, nhưng bây giờ rất cứng cáp.
Đêm đó bố trí hai đồng chí Dũng, Trương xong, tôi ngủ lại. Tới khuya tôi thức dậy sửa soạn về. Chị Mười đã thức trước tôi, hì hục nấu cơm sớm cho tôi ăn. Cơm nước xong, tôi dặn anh Mười:
- Anh Mười, giờ tôi giao hai đồng chí đó cho anh. Anh nhớ cẩn thận, mấy ngày đầu đừng để họ đi đâu nghe. Cứ để họ ở dưới hầm. Anh nói chuyện lại cho chị Mười rõ với.
- Tôi đã dặn vợ tôi rồi!
- Thôi, tôi về. Có chuyện gì thì cho tôi hay nghe anh Mười.
- Dạ!
Tôi đội khăn lên đầu định đi. Chợt trong buồng Dũng trở dậy hỏi sẽ:
- Chị Hậu về đó à?
- Dạ, hai anh ở lại mạnh khỏe nghe!
- Chắc chắn là mạnh khỏe rồi. Chị về cho tôi nhắn với bác Bảy, Tết này chúng tôi sẽ về ăn Tết với bác. Tết về chắc bé Thủy lớn dữ rồi. Thôi, chị đi đi kẻo sáng.
Tôi chào Dũng quay ra cửa. Tôi cảm thấy kính mến hai đồng chí công tác. Nơi họ, tôi nhận ra sự quyết tâm, lòng thành thực và cả vết thương đau nhói day dứt tinh thần họ. Chuyến đi đường ngắn ngủi và phút từ giã ngắn ngủi đó làm tôi thấy nao nao.