Trong thời gian đầu ở Petersburg công tước Andrey đều cảm thấy tất cả những ý tưởng chàng đã hun đúc nên trong thời gian sống cô độc đã hoàn toàn bị lu mờ đi trước những lo âu vụn vặt của cuộc sống ở kinh đô.
Tối tối khi trở về nhà, chàng ghi vào sổ tay bốn năm cuộc gặp gỡ hay thăm viếng cần thiết đúng vào giờ này giờ nọ. Phải theo cho đúng nhịp sống, phải bố trí thời gian thế nào cho kịp đi đây đi đó đúng giờ đã định: việc ấy đã chiếm một phần lớn tinh lực của chàng. Chàng không làm gì, thậm chí cũng chẳng nghĩ gì, chàng không có thì giờ để nghĩ, mà chỉ nói, và chàng đã nói có kết quả tốt những điều mà chàng đã suy nghĩ khi còn ở thôn quê.
Thỉnh thoảng chàng lại khó chịu nhận thấy rằng cùng trong một ngày chàng đã nói đi nói lại y nguyên một câu ở hai ba nơi khác nhau. Nhưng suốt ngày chàng bận rộn đến nỗi không có thì giờ nghĩ đến chỗ mình chẳng nghĩ gì cả.
Xperanxki hôm gặp chàng lần đầu ở nhà Kochubey, cũng như hôm thứ tư sau tiếp riêng chàng ở nhà và nói chuyện lâu với chàng một cách tin cậy, đã gây cho công tước Andrey một ấn tượng mạnh mẽ.
Công tước Andrey vốn đã cho rằng quá nhiều người là những kẻ vô tài bất lực đáng khinh, nên muốn tìm một con người xứng đáng là hiện thân của cái lý tương hoàn hảo mà chàng vươn tới, vì vậy chàng dễ dàng tin rằng Xperanxki chính là cái lý tưởng của một con người thông tụê và có đạo đức. Giả sử Xperanxki cũng xuất thân từ cái xã hội của công tước Andrey, cũng cùng chịu một lối giáò dục và cũng có những tập quán đạo đức như chàng, thì Bolkonxki sẽ chóng thấy ông ta có những khía cạnh yếu đuối, thường tình, không có gì siêu việt. Nhưng bây giờ thì cái đầu óc logic kia, rất xa lạ đối với chàng, lại càng khiến chàng thêm kính nể.
Hoặc vì quý trọng năng lực của công tước Andrey, hoặc cần thấy phải lôi kéo chàng theo mình, Xperanxki đã đem cái lý trí vô tư và bình thản của mình, và đem dùng lối nịnh tinh vi thu hút công tước Andrey, đồng thời kết hợp với thái độ tự tin tự hào là mặc nhiện khẳng định rằng người tiếp chuyện mình cùng với mình nữa là hai người duy nhất có năng lực thấy hết được sự ngu ngốc của tất cả những người khác, cũng như sự sáng suốt và sâu sắc trong những ý nghĩ của mình.
Tối hôm thứ tư, trong buổi hội kiến với công tước Andrey, Xperanxki đã mấy lần nói: "Còn như chúng ta thì chúng ta chú ý đến tất cả những cái gì vượt ra khỏi khuôn khổ của những tập quán đã ăn sâu", hay vừa mỉm cười vừa nói: "Nhưng chúng ta thì lại muốn rằng sói cũng no mà cừu cũng nguyên vẹn", hay " Họ không hiểu được điều đó đâu…" - và tất cả những điều đó, Xperanxki đều nói với cái vẻ như muốn ngụ ý: "Ông với tôi, chỉ có hai người. Chúng ta hiểu được họ là những người như thế nào và chúng ta là những người như thế nào".
Lần nói chuyện lâu đầu tiên với Xperanxki hôm ấy chỉ làm cho công tước Andrey càng củng cố thêm cái cảm giác mà chàng đã thế nghiệm khi trông thấy Xpcranxki lần đầu. Chàng thấy ông ta là một người có trí tuệ phi thường, lý luận sắc bén, biết tư duy chặt chẽ, đã nhờ nghị lực và kiên nhẫn mà đạt đến quyền lực và chỉ vận dụng quyền lực để phục vụ nước Nga. Dưới mắt công tước Andrey, Xperanxki chính là con người biết giảí thích một cách hợp lý mọi hiện tượng trong cuộc sống, chỉ có cái gì hợp lý mới thừa nhận là hiện thực, và trong mọi việc gì đều biết dùng lý trí làm cái thước đo: chính chàng vẫn ước ao làm một con người như thế. Khi Xperanxki trình bày sự việc, tất cả đều có vẻ đơn giản và minh bạch đến nỗi công tước Andrey việc gì cũng bất giác đồng tình với ông ta. Chàng có phản bác và tranh cãi chăng cũng là vì cố ý muốn giữ độc lập tư tưởng và cố sao dừng khuất phục hẳn trước những ý kiến của Xperanxki. Mọi việc đều ổn thoả như thế cả, nhưng chỉ có một điều khiến công tước Andrey bối rối: đó là cái nhìn lạnh lùng, lãnh đạm của Xperanxki, cái nhìn không cho người ta đi vào tâm hồn mình, và bàn tay trắng, mềm của ông ta mà công tước Andrey thường bất giác đưa mắt nhìn, như người ia vẫn thường nhìn tay những người có quyền lực. Cái nhìn lãnh đạm và bàn tay mềm nhũn ấy không biết tại sao cứ làm cho công tước Andrey bứt rứt khó chịu. Còn một điều nữa khiến chàng khó chịu, là nhận thấy Xperanxki khinh người quá sức, và trong khi đưa luận chứng ra để xác minh cho ý kiến của mình, ông ta sử dụng quá nhiều thủ đoạn khác nhau. Xperanxki dùng phương pháp suy luận, trừ lối tỷ dụ ra, và công tước Andrey có cảm tưởng là ông ta chuyển từ phương pháp này sang phương pháp khác một cách quá táo bạo. Khi thì ông ta đứng trên lập trường của một người hành động thực tiễn mà công kích những người mơ ước viển vông, khi thì ông ta lại đứng trên quan điểm châm biếm và m** mai giễu cợt những người đối lập với mình, khi thì ông ta lý luận một cách chặt chẽ, khi thì ông ta lại đột nhiên bay bổng lên lĩnh vực siêu hình. (Đó là phương tiện chứng minh mà ông đặc biệt hay dùng). Ông chuyển vấn đề lên những đỉnh cao chót vót của siêu hình học, quay ra định nghĩa không gian, thời gian, tư tưởng, và rút ra những điều phản bác: rồi lại hước xuống lĩnh vực tranh luận như cũ.
Nói chung, nét chủ yếu trong trí tuệ của Xperanxki khiến công tước Andrey kinh ngạc là lòng tin chắc chắn không gì lay chuyển nổi vào sức mạnh và quyền hạn của lý trí. Có thể thấy rõ rằng không bao giờ Xperanxki thoảng có cái ý nghĩ mà công tước Andrey vẫn thường có là dù sao cũng không thể diễn đạt được tất cả những điều mình nghĩ, và không bao giờ
Xperanxki có ý nghi ngờ tự hỏi xem phải chăng tất cả những gì mà mình tin tưởng có thể là những điều nhảm nhí không đâu? Và chính cái phong thái trí tuệ đặc biệt này của Xperanxki đã hấp dẫn công tước Andrey nhiều nhất.
Trong khoảng thời gian đầu làm quen với Xperanxki, công tước Andrey thấy khâm phục ông ta một cách nhiệt thành say sưa, giống như cảm giác khâm phục trước đây của chàng đối với Bonaparte. Xperanxki là con một ông linh mục: những người ngu ngốc có thể vì thế mà khinh miệt những người thầy tu và con thầy tu như vậy, - và điều này khiến công tước Andrey càng thêm trân trọng cái cảm giác khâm phục của mình đối với Xperanxki và vô hình trung tăng cường thêm cái cảm giác đó trong lòng chàng.
Trong buổi tối đầu tiên mà công tước Andrey ngồi tiếp chuyện Xperanxki, trong khi nói về Uỷ ban soạn luật, Xperanxki đã m** mai kể lại cho công tước Andrey nghe rằng Uỷ ban soạn luật này tồn tại đã năm mươi năm nay, tốn của công quỹ hàng triệu bạc nhưng chẳng làm gì cả, rằng Rozenkampf đã dán nhãn hiệu lên tất cả các điều khoản của khoa lập pháp so sánh. Xperanxki nói:
- Nhà nước trả cho họ hàng triệu bạc chỉ để họ làm công việc ấy thôi đấy. Chúng ta muốn cấp cho Thượng viện một quyền tư pháp mới, nhưng chúng ta không có luật. Cho nên ngày nay những người như công tước mà không ra cáng đáng việc nước thì thật là có lỗi.
Công tước Andrey nói rằng muốn thế phải qua một quá trình học đào tạo về tư pháp, mà chàng thì không được đào tạo như vậy nhưng có ai được đào tạo gì về tư pháp đâu, cho nên còn biết làm thế nào được? Đó là một cái circulus viciosus (1) mà chúng ta phải cố sức vùng ra khỏi.
Một tuần sau công tước Andrey được cử làm uỷ viên trong Uỷ ban soạn thảo quy chế quân đội, ngoài ra - một điều mà chàng không thể nào ngờ được - còn làm trưởng ban soạn luật trong Uỷ ban nữa. Theo lời yêu cầu của Xperanxki, chàng nhận trách nhiệm nghiên cứu phần đầu của bộ luật hộ và tham khảo bộ luật Napoléon(2), và bộ luật Justiniani để soạn ra chương "Nhân quyền".
Chú thích:
(1) Vòng luẩn quẩn (tiếng La-tinh trong nguyên văn)
(2) Code Napoléon
Hai năm trước đây, năm 1808, trở về Petersburg sau khi đi thăm các điền trang, Piotr bất giác trở thành người đứng đầu hội Tam điếm ở Petersburg. Chàng tổ chức những hội quán tụ xan(1), kết nạp những hội viên mới, lo việc hợp nhất các chi hội và sưu tầm những hiến chương nguyên bản cho nó. Chàng xuất tiền ra xây dựng các đền thờ của hội và bù vào số tiền quyên cho hội, vì các hội viên phần nhiều đều rất bủn xỉn và nộp tiền chẳng mấy khi đúng hạn. Hầu như chỉ có một mình chàng bỏ tiền ra cung cấp cho nhà tế bần do hội lập ra ở Petersburg. Trong khi đó cuộc sống của chàng vẫn như cũ, chàng vẫn giữ nếp sinh hoạt say sưa và phóng túng ngày trước. Chàng thích ăn ngon, uống rượu, và tuy cho rằng như vậy là vô luân và nhục nhã, chàng vẫn không tránh khỏi những cuộc truy hoan của những nhóm thanh niên chưa vợ mà chàng thường lui tới.
Song trong khi say mê với công việc và những cuộc vui chơi, sau một năm Piotr đã bắt đầu cảm thấy rằng cái nền tảng Tam điểm trên đó chàng càng củng cố đứng vững bao nhiêu thì lại càng sụt xuống bấy nhiêu. Đồng thời chàng cảm thấy rằng nó càng sụt xuống bao nhiêu thì vô hình trung chàng lại càng gắn bó với nó bấy nhiêu. Khi Piotr vào hội Tam điểm, chàng cảm thấy mình như một người yên trí đặt chân lên bề mặt phẳng của một khoảng đồng lầy. Đặt được một chân xuống thì thấy lún. Muốn biết cho thật chắc khoảng đất mình đứng có vững hay không, người đó đặt chân kia xuống và lại càng lún sâu hơn, và thế là bây giờ người đó lội trong vũng lầy, bùn ngập đến đầu gối. Ioxif Alekxeyevich bấy giờ không ở Petersburg (gần đây ông ta không tham dự vào công việc của các hội ở Petersburg nữa và ở hẳn Moskva không đi đâu cả). Tất cả các "Anh em" hội viên trong chi hội đều là những người mà Piotr quen biết trong sinh hoạt thường ngày, và chàng thấy khó lòng quan niệm được rằng họ chỉ là những người anh em trong hội Tam điểm, chứ không phải là công tước B hay Ivan Vaxilievich D, là những người mà trong sinh hoạt thường ngày chàng biết là rất kém cỏi và yếu đuối. Dưới những tấm tạp đề che ngực và nhừng dấu hiệu của hội, chàng hình dung thấy họ mặc phẩm phục và đeo những chiếc huân chương mà họ đã kiếm chác được trong cuộc sống. Nhiều khi đi thu tiền quyên về chàng tính được cả thẩy hai ba mươi rúp về khoản thu chi trong số quyên, phần lớn là ghi chịu, ấy thế mà một nửa số hội viên đó lại giàu có chẳng kém gì chàng. Những lúc ấy Piotr nhớ lại lời thề của hội Tam điểm: mỗi người anh em trong hội đều thề sẽ hiến tất của cải của mình cho đồng loại; và trong thâm tâm chàng thấy nổi lên những mối ngờ vực mà chàng cố gạt đi.
Chàng chia tất cả các anh em hội viên mà chàng biết ra làm bốn loại. Loại thứ nhất là những người không tham gia các hoạt động của chi hội, cũng không tham gia vào các công việc thế tục, mà chỉ chuyên tâm nghiên cứu những điều bí ẩn của khoa học Tam điểm, chuyên chú các vấn đề như ba cách gọi Thượng đế, hay ba nguyên lý của mọi vật: diêm sinh, thuỷ ngân và muối, hay ý nghĩ của hình vuông và của các hình tượng trong đền Salomon. Piotr kính trọng loại hội viên này, phần lớn gồm các hội viên cũ trong đó có cả Ioxif Alekxeyevich, nhưng chàng không quan tâm đến những điều họ nghiên cứu. Lòng chàng vốn không thiên về mặt thần bí của hội Tam điểm.
Piotr liệt vào loại thứ hai chính bản thân chàng và những anh em hội viên giống như chàng, là những người đang tìm kiếm, đang do dự chưa tìm thấy trong hội Tam điểm một con đường thẳng thắn và sáng sủa, nhưng hy vọng là sẽ tìm thấy.
Trong loại thứ ba chàng xếp những hội viên (họ chiếm số đông nhất) chỉ thấy hình thức bề ngoài của hội Tam điểm, không biết gì ngoài những lễ nghi của hội, và trân trọng làm theo cho thật đúng cái hình thức bề ngoài đó, không hề nghĩ đến nội dung và ý nghĩa của nó. Vilarxki và ngay cả vị đại sư của tổng hội chính là thuộc loại này.
Cuối cùng loại thứ tư cũng gồm một số đông hội viên, đặc biệt là những người, mới gia nhập gần đây theo sự quan sát của Piotr thì đó là những người chẳng tin tưởng gì hết, chẳng ước mong gì hết, họ vào hội Tam điểm chẳng qua chỉ là để tìm cách gần gũi những hội viên trẻ, giàu có và có thế lực nhờ các quan hệ giao thiệp và dòng dõi quyền quý, vì trong chi hội số hội viên này rất đông.
Piotr bắt đầu cảm thấy không thoả mãn về hoạt động của mình. Nhiều khi chàng có cảm tưởng là hội Tam điểm ít nhất là cái hội Tam điểm mà chàng được biết ở đây chỉ có hình thức bề ngoài.
Chàng không có ý hoài nghi bản thân hội Tam điểm nhưng chàng ngờ rằng hội Tam điểm Nga đi theo một con đường lầm lạc và đã tách ra khỏi cỏi nguồn của nó. Vì vậy đến cuối năm Piotr ra nước ngoài để học hỏi những điều bí mật cao đẳng của hội.
Mùa hè năm 1809 Piotr đã trở về Petersburg. Qua những thư từ đi lại giữa các hội viên Tam điểm ở trong nước với các hội viên ở nước ngoài, người ta biết rằng trong thời gian ra ngoại quốc Piotr đã chiếm được lòng tin cậy của nhiều nhân vật cao cấp trong hội, đã hiểu thấu được nhiều điều bí ẩn, được thăng lên trật cao nhất và có đem về nước nhiều điều có lợi cho sự nghiệp của hội Tam điểm Nga.
Các hội viên ở Petersburg không ngớt đến gặp Piotr, họ đều tìm cách lấy lòng chàng và ai cũng có cảm giác là chàng đang có điều gì che giấu và đang sửa soạn một việc gì không rõ.
Hôm ấy là phiên họp trọng thể của chi hội đệ nhị cấp. Piotr có hứa trong phiên họp này sẽ truyền đạt lại những điều mà các vị lãnh đạo cao cấp của hội đã giao phó cho chàng chuyển về các anh em hội viên ở Petersburg. Cử toạ đã đông đủ. Sau các nghi thức thường lệ Piotr đứng dậy và bắt đầu nói.
- Thưa các dạo huynh thân mến, - Piotr nói lắp bắp, mặt đỏ ửng lên, tay cầm bài diễn từ viết sẵn. - Gìn giữ những bí mật của chúng ta trong cảnh im lặng của hội sở chưa đủ, cần phải hành động… hành động. Chúng ta đang ở trong trạng thái mê ngủ, thế mà nhiệm vụ của chúng ta là phải hành động. - Nói đến đây Piotr cầm quyển vở lên và bắt đầu đọc:
"Để truyền bá cái chân lý thuần tuý và góp phần làm cho đạo đức toàn thắng, ta phải làm sao cho con người thoát khỏi các thành kiến, truyền bá những quy tắc phù hợp với tinh thần thời đại, lãnh lấy trách nhiệm giáo dục thanh niên, liên hệ chặt chẽ với những người thông tuệ nhất, mạnh dạn và đồng thời khôn khéo khắc phục tình trạng mê tín, hoài nghi và ngu dốt, dào tạo những người tận tuỵ với chúng ta thành những con người gắn bó với nhau vì mục đích duy nhất và có quyền lực, có sức mạnh.
Để đạt đến mục đích nói trên phải làm sao cho đạo đức thắng thói xấu, phải cố làm sao cho người tốt được nhận trên thế gian này một phần thưởng vĩnh cửu về đạo đức của mình. Nhưng các chế độ chính trị hiện hành cản trở rất nhiều cho việc thực hiện những ý định lớn lao này. Trong tình hình như vậy phải làm gì? Có nên giúp sức cho cách mạng, lật đổ tất cả, dùng bạo lực để tiêu diệt bạo lực không? Không, việc đó rất xa lạ đối với chúng ta. Bất cứ một cuộc cải cách nào thực hiện bằng bạo lực cũng đều đáng chê trách bởi vì cái ác sẽ không được sửa chữa chút nào một khi mà con người vẫn như cũ, và bởi vì sự thông tuệ không cần đến bạo lực. Toàn bộ chương trình của hội phải nhằm làm sao đào tạo ra những con người cứng rắn, có đạo đức và gắn bó khăng khít với nhau vì một lòng tin duy nhất, một chí hướng duy nhất, đó là làm sao truy nã thói xấu và sự ngu dốt, nâng đỡ tài năng và đạo đức ở khắp mọi nơi và bằng đủ mọi cách: đưa những người xứng đáng ra khỏi tro bụi kết nạp họ với khối huynh đệ của chúng ta. Chỉ có như vậy thì hội ta mới có đủ quyền lực dần dần trói tay những kẻ gây sự rối loạn và chi phối mà họ không hề hay biết. Nói tóm lại, cần phải thiết lập một hình thức quản trị chỉ huy tôan thế giới, nhưng vẫn không phá vỡ các mối liên hệ công dân, và trong khi đó tất cả các hình thức cai trị khác đều có thể tiếp tục tồn tại và tiến hành như cũ, và có thể làm đủ mọi việc, trừ những điều ngăn trở mục đích cao cả của hội ta, là làm sao cho đạo đức thắng thói xấu. Mục đích này chính Cơ đốc giáo cũng đã đặt ra. Cơ đốc giáo dạy rằng con người phải thông tuệ và nhân hậu. Và để mưu đồ lợi ích cho chính bản thân mình phải noi gương và theo lời dạy bảo của những người thông tuệ và đạo đức nhất.
Vào thời mọi vật đang chìm đắm trong cõi tối tăm thì cố nhiên chỉ cần lời truyền giáo là đủ; sự mới mẻ của chân lý khiến cho nó có một sức mạnh đặc biệt; nhưng ngày nay thì ta lại cần có những phương tiện mạnh hơn thế rất nhiều. Ngày nay cần phải làm sao cho con người là kẻ đi theo tình cảm của mình, lại tìm thấy trong đạo đức những khoái lạc cảm quan. Không thể tiêu diệt dục vọng được, mà phải cố gắng hướng dục vọng đến một mục đích cao cả; cho nên cần làm sao cho mỗi người đều có thể thoả mãn dục vọng của mình trong khuôn khổ của đạo đức, và Hội của chúng ta phải làm sao cung cấp phương tiện nhằm thực hiện việc đó.
Hễ khi nào trong khắp các nước đều có một số người xứng đáng của hội ta, mỗi người như vậy lại dào tạo thêm hai người khác, và tất cả những người đó lại sẽ liên kết chặt chẽ với nhau, - đến lúc ấy hội có thể làm được tất cả, tuy trước kia trong bóng tối hội cũng đã làm được nhiều cho hạnh phúc của nhân loại".
Bài diễn từ này không những đã gây nên một ấn tượng mạnh trong chi hội mà còn làm cho chi hội xôn xao lên. Phần đông các hội viên thấy trong bài diễn từ này có những tư tưởng của chủ nghĩa khải phát nguy hiểm nên ngồi nghe với một thái độ lạnh nhạt khiến Piotr phải ngạc nhiên. Vị đại sư lên tiếng bác lại Piotr. Piotr liền phát triển ý kiến của mình, mỗi lúc một hăng. Đã từ lâu chưa có một buổi họp nào sôi nổi như thế này. Cử toạ chia ra làm nhiều phe: phe thì lên án Piotr, buộc tội chàng là ảo tưởng, phe thì lại bênh vực Piotr. Trong phiên họp này lần đầu tiên Piotr kinh ngạc nhận thấy trí tuệ của con người khác nhau vô cùng tận, đến nỗi không có một chân lý nào có thể được hai người nhìn nhận giống nhau. Ngay cả những hội viên tưởng đâu đứng về phía chàng, cũng hiểu ý chàng theo lối của họ, với những sự hạn chế, với những sự thay đổi mà chàng không thể chấp nhận được, vì yêu cầu chủ yếu của Piotr chính là làm sao truyền đạt tư tưởng mình cho người khác đúng y như chính mình quan niệm.
Đến khi buổi họp kết thúc, vị đại sư nhận xét một cách m** mai và không có thiện ý rằng Piotr đã quá nóng, và nói rằng trong khi tranh luận không phải chàng chỉ luân theo lòng yêu đạo đức mà còn tuân theo lòng hiếu thắng nữa. Piotr không đáp lại chỉ hỏi một câu vắn tắt là đề nghị của chàng có được chấp nhận hay không. Họ trả lời là không, và Piotr không đợi xong các nghi thức thường lệ đã bỏ chi hội ra về.
Chú thích:
(1) Những hội quán dùng để tiến hành nhưng buổi lễ có những hình thức ăn uống và chôn cất tượng trưng.
Piotr lại lâm vào cái tâm trạng chán chường mà chàng vẫn rất sợ. Ba ngày sau buổi đọc diễn từ ở chi hội Tam điểm, chàng nằm trên đi văng, không tiếp ai và không đi đâu hết. Vừa lúc ấy chàng nhận được một bức thư của vợ van xin chàng cho gặp mặt. Elen viết trong thư rằng vắng Piotr nàng rất buồn, và nàng chỉ muốn hiến dâng cả cuộc đời cho chàng. Cuối bức thư nàng báo tin nay mai nàng sẽ từ nước ngoài trở về Petersburg.
Tiếp theo bức thư lại có một hội viên Tam điểm trong số những người chàng coi thường nhất đến quấy rối chàng trong cảnh cô tịch. Hắn lái câu chuyện sang mối quan hệ giữa vợ chồng Piotr và lấy tư cách đạo huynh mà khuyên nhủ Piotr, nói rằng chàng đối xử nghiêm khắc với vợ như vậy là không phải, và không chịu tha thứ cho một người đã biết hối hận như vậy là đã vi phạm những quy tắc quan trọng nhất của hội.
Cũng vào hồi ấy bà nhạc của Piotr, vợ chồng công tước Vaxili, cho người đến mời chàng, van nài chàng đến thăm bà dù chỉ vài phút để thương lượng một việc hết sức quan trọng. Piotr thấy rõ ràng người ta đang âm mưu một chuyện gì đây, người ta đang tìm cách làm cho chàng tái hợp với vợ, và trong hoàn cảnh chàng hiện nay, điều đó không hẳn làm chàng khó chịu. Bây giờ Piotr cũng chẳng thiết gì nữa: trên đời này chàng chẳng thấy có việc gì là quan trọng, và trong tâm trạng buồn chán hiện nay. Chàng chẳng thấy quý sự tự do của mình nữa mà cũng chẳng muốn khăng khăng ý định trừng phạt vợ.
"Chẳng có ai phải, cũng chẳng có ai trái, thế nghĩa là nàng cũng chẳng có lỗi". - Chàng nghĩ thầm. Sở dĩ Piotr không tỏ ý tái hợp với Elen ngay cũng chỉ vì trong cái tâm trạng chán nản của chàng hiện nay chàng không đủ sức mưu toan một việc gì hết. Giá Elen đến với chàng lúc bấy giờ, chàng cũng sẽ không đuổi nàng đi. So với những điều đang làm cho Piotr bận tâm, thì chung sống hay không chung sống với vợ có nghĩa lý gì?
Không trả lời vợ, cũng không trả lời bà nhạc, một hôm đêm đã khuya Piotr sửa soạn hành lý để lên đường đi Moskva để gặp Ioxif Alekxeyevich. Đây là những điều chàng ghi trong nhật ký:
"Moskva mười bảy tháng Mười một.
Tôi vừa đi gặp ân nhân về và vội vàng ghi lại những điều tôi đã thể nghiệm trong cuộc gặp gỡ đó, Ioxif Alekxeyevich sống thanh bần và đã ba năm nay mắc một chứng bệnh ở bàng quang rất đau đớn. Chưa có ai nghe ông thốt ra một tiếng rên hay một lời than phiền bao giờ. Từ sáng sớm cho đến khuya, trừ những bữa ăn hết sức đạm bạc, ông làm việc khoa học, Ioxif Alekxeyevich tiếp tôi rất ân cần và bảo tôi ngồi xuống chiếc giường ông đang nằm; tôi làm dấu các hiệp sĩ Phương Đông và Jerusalem, ông cũng làm dấu đáp lại và dịu dàng mỉm cười hỏi tôi đã học hỏi thêm được những gì trong các chi hội Phổ và Scotland. Tôi cố kể lại thật rành rọt cho ông nghe tất cả mọi điều, trình bày cả những nguyên tắc của tôi đề nghị ở chi hội Petersburg và kể lại cách tiếp đón thiếu thiện ý của cử toạ và sự đoạn tuyệt xảy ra giữa tôi và các anh em.
Ioxif Alekxeyevich im lặng suy nghĩ hồi lâu, rồi trình bày cho tôi nghe quan điểm của ông về tất cả những việc trên, và quan điểm này phút chốc đã rọi sáng cả thời dĩ vãng và cả con đường tôi sẽ đi. Ioxif khiến tôi phải ngạc nhiên khi hỏi tôi còn nhớ ba mục đích của hội là gì không:
1. Là giữ gìn và tìm hiểu điều bí mật,
2. Gội sạch và tu thân để hấp thụ điều bí mật ấy, và
3. Sửa đổi nhân loại thông qua việc cố gắng gột sạch mình.
Trong ba mục đích ấy thì mục đích nào là quan trọng và chủ yếu nhất? Dĩ nhiên là gội sạch và tu thân. Chỉ có mục đích này là lúc nào ta cũng có thể vươn tới trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng đồng thời chính mục đích này đòi hỏi ta phải khổ công nhiều nhất, cho nên ta sẽ phạm vào tội kiêu căng mà buông lơi mục đích ấy, rồi hoặc quay vào điều bí ẩn mà chúng ta không xứng đáng được hấp thụ vì không trong sạch, hoặc quay ra sửa đổi nhân loại trong khi bản thân ta là một con người đê hèn và truỵ lạc. Chủ nghĩa khải phát không phải là một học thuyết trong sạch vì nó quá say mê hoạt động xã hội và đầy kiêu căng. Trên cơ sở đó Ioxif Alekxeyevich lên án bài diễn từ của tôi và toàn bộ hoạt động của tôi.
Tôi chân thành đồng tình với ông. Nhân nói chuyện về việc gia đình tôi Ioxif nói: "Bổn phận chủ yếu của một người Tam điểm chân chính, như tôi đã nói là tu thân, nhưng nhiều khi người tả cho rằng nếu gạt bỏ được tất cả những khó khăn của cuộc sống thì sẽ sớm đạt được mục đích này. Nhưng trái lại, ông ơi thật ra thì chỉ trong cảnh náo nhiệt của thế gian ta mới có thể đạt được ba mục đích chính: 1. tìm hiểu bản thân, vì con người chỉ có thể hiểu được mình qua sự so sánh, 2. tu thân: chỉ có đấu tranh mới đạt đến điều đó được, và 3. đạt đến cái đạo đức chính là yêu cái chết. Chỉ có những biến cố của cuộc sống mới cho ta thấy rõ cái vô nghĩa của nó và có thể giúp ta có được một tình yêu bẩm sinh đối với cái chết hay là yêu sự tái sinh để bước vào cuộc đời mới". Những lời này càng thêm quý giá vì Ioxif Alekxeyevich tuy đau đớn rất nhiều về thể xác nhưng vẫn không bao giờ tham sống mà lại yêu cái chết, mà người ta chưa thấy mình đủ sẵn sàng để đón lấy, mặc dù cuộc sống bên trong của người đã trong sạch và cao quý vô cùng. Sau đó ân nhân giảng giải cho tôi rõ hết ý nghĩa của hình vuông cao cả của vũ trụ và chỉ rõ rảng số ba và số bảy là cơ sở vạn vật.
Người khuyên tôi không nên cắt đứt quan hệ với các anh em ở Petersburg và trong chi hội chỉ nên giữ chức vụ đệ nhị cấp cố gắng làm sao cho anh em bớt khuynh hướng kiêu căng, hướng họ về con đường chân chính là tự tìm hiểu và tu thân. Ngoài ra, đối với bản thân thì người khuyên tôi trước hết phải theo dõi mình, và với mục đích ấy, người cho tôi một quyển vở, chính quyển vở tôi đang viết mấy dòng này và từ raỷ trở đi tôi sẽ dùng để ghi tất cả mọi hành động của tôi".
"Petersburg, hai mươi ba tháng Mười một.
Tôi lại chung sống với vợ tôi. Bà nhạc tôi đến khóc lóc bảo tôi là Elen hiện ở đây và cô ta van xin tôi nghe cô, rằng cô không có tội tình gì, cô rất đau khổ vì bị tôi ruồng bỏ, và còn nói nhiều nữa, tôi biết rằng chỉ cần thuận gặp cô thôi, tôi sẽ không còn đủ sức từ chối ý muốn của cô ta nữa. Trong khi đang phân vân tôi không biết nhờ ai giúp đỡ và khuyên răn. Giá có ân nhân ở đây thì Người đã bảo ban cho tôi. Tôi về phòng riêng đọc lại thư từ của Ioxif Alekxeyevich, nhớ lại những buổi tối nói chuyện với Người, và sau đó đi đến kết luận rằng mình không nên từ chối người đang van xin mình và đang tay ra nâng đỡ bất cứ ai, huống hồ đây lại là con người liên hệ gần gũi với mình như thế, cho nên dành phải vác lấy cây thập tự giá của mình vậy. Nhưng nếu vì nghĩ đến đạo đức mà tôi tha thứ cho cô, thì cuộc tái hợp này chỉ nên có một mục đích tinh thần mà thôi. Tôi đã quyết định như vậy và đã viết thư cho Ioxif Alekxeyevich như thế. Tôi nói với vợ tôi là tôi xin cố quên tất cả những điều qua, xin cô tha thứ những (cách cư xử không phải của tôi đối với cô còn cô thì không làm nên tội gì mà tôi phải tha thứ).
Tôi rất vui mừng khi nói với nàng như vậy. Thôi cô ta cũng không nên biết là phải thấy lại mặt cô ta tôi khổ tâm đến nhường nào. Tôi dọn lên ở trên các phòng trên của căn nhà lớn và sung sướng cảm thấy mình đã đổi mới".
Cũng như thường lệ, bấy giờ giới thượng lưu quý tộc thường họp mặt ở cung đình và ở các buổi vũ hội lớn, phân chia ra làm mấy nhóm, mỗi nhóm có một bản sắc riêng. Trong số đó thì rộng rãi, nhất là nhóm Pháp, nhóm của liên minh Napoléon - Tức của bá tước Rumiansev và Colanhcu. Một trong những người có địa vị tai mắt ở nhóm này là Elen, bấy giờ vừa mới về với chồng ở Petersburg. Ở nhà mình nàng thường tiếp các quan chức trong sứ quán Pháp và một số đông những người nổi tiếng thông minh lịch thiệp thuộc khuynh hướng này.
Elen đã từng ở Erfurt trong thời gian điễn ra cuộc hội kiến lừng lẫy giữa hai vị hoàng đế và ở đấy nàng đã kết thân với tất cả các nhân vật tiếng tăm của Napoléon ở châu Âu. Ở Erturt nàng rất được hâm mộ. Chính Napoléon có lần trông thấy nàng trong nhà hát liền hỏi xem nàng là ai và có khen ngợi sắc đẹp của nàng. Việc nàng được ca tụng là một người đàn bà đẹp và trang nhã không làm cho Piotr ngạc nhiên, bởi vì mỗi năm nàng lại đẹp thêm ra. Nhưng có một điều khiến chàng phải ngạc nhiên là trong vòng hai năm nay vợ chàng không biết làm thế nào mà lại được tiếng là "Một người đàn bà rất có duyên, vừa đẹp lại vừa thông minh. Công tước Đơlinnhơ - Nổi tiếng viết cho nàng những bức thư dài hàng tám trang. Bilibin thì để dành những câu dí dỏm của mình đến khi nào có mặt bá tước phu nhân Bezukhov mới đem ra nói lần đầu. Được tiếp nhận trong phòng khách của bá tước phu nhân Bezukhov tức là đã có một văn bằng về trí tụê; bọn thanh niên đều đọc sách trước khi đến dự những tối tiếp tân ở nhà Elen để khi ngồi trong phòng khách có chuyện mà nói, và các thư ký đại sứ quán, hay ngay cả các quan đại sứ nữa, cũng cho nàng biết những điều bí mật ngoại giao. Thành thử ra Elen cũng trở thành một thứ lực lượng nào đó. Piotr vốn biết rằng nàng rất ngốc nên đôi khi dự với cảm giác băn khoăn và kinh hãi lạ lùng trong những tối tiếp tân và những bữa tiệc của nàng, trong đó người ta nói về chính trị, thi ca và triết học. Những lúc ấy chàng có cảm giác giống như một người làm trò ảo thuật luôn luôn tự nhủ rằng lần này thế nào cái trò bịp bợm của mình cũng bị bại lộ.
- Nhưng phải chăng chính vì cái sự ngu ngốc lại cần thiết cho việc điều khiển một phòng khách như thế này, hoặc vì chính những người bị lừa cũng lấy làm thú vị rằng mình bị lừa như vậy, cho nên trò lừa bịp không bao giờ bị lộ, và cái thanh danh một người đàn bà có duyên và thông minh của Elen Vaxilievna Bezukhov đã quá ư vững chắc, đến nỗi nàng có thể nói ra những điều nhảm nhí và khờ khạo hết sức mà mọi người vẫn lấy làm khâm phục môi lời mỗi chữ của nàng, và thế nào họ cũng tìm thấy trong đó một ý nghĩ sâu xa mà chính nàng không hề ngờ đến.
Piotr chính là ông chồng cần thiết cho người đàn bà hào hoa phong nhã đó. Chàng đúng là anh chồng gàn dở và đãng trí, vị vương bá chẳng làm phiền ai và không những không làm hỏng cái ấn tượng trang nhã chung của phòng khách mà còn được làm cái nền tương phản để tôn vẻ lộng lẫy và thanh lịch của vợ mình lên. Hai năm nay Piotr chỉ chú tâm đến những công việc không dính dáng đến cuộc sống vật chất và hoàn toàn coi thường tất cả những chuyện khác, cho nên trong giới giao thiệp của vợ, chàng có được cái vẻ dửng dưng lơ đãng và hiền lành hoà nhã với mọi người một cách rất tự nhiên, không chút giả tạo, và vì vậy người ta bất giác thấy kính nể chàng. Chàng vào phòng khách của vợ như vào nhà hát, ai cũng quen, đối với ai chàng cũng vồn vã như nhau và đối với ai chàng cũng lãnh đạm như nhau. Đôi khi nếu câu chuyện làm cho chàng chú ý, chàng cũng tham gia góp chuyện vào, và những lúc ấy, chẳng cần biết các vị ở đại sứ quán có mặt ở đấy hay không, chàng lúng búng nói ra những ý kiến nhiều khi chẳng hợp một tí nào với không khí lúc bấy giờ.
Nhưng cái định kiến cho rằng chàng là ông chồng gàn của người đàn bà thanh lịch nhất Petersburg đã kiên cố đến nỗi chẳng ai lấy làm điều những lời đường đột của chàng.
Trong số những chàng thanh niên hàng, ngày đến nhà Elen có Boris Drubeskoy bây giờ đã tiến khá xá trên con đường công danh, sau khi Elen ở Erfurt về, và là người khách thân nhất của gia đình Bezukhov, Elen gọi chàng là thị đồng của tôi và nói năng cư xử với chàng như với một thằng bé. Nàng cũng cười nụ với Boris như cười nụ với mọi người: nhưng đôi khi trông thấy nụ cười này Piotr thấy khó chịu. Đối với Piotr, Boris có một thái độ kính nể đặc biệt, nghiêm trang mà lại buồn buồn. Cái sắc thái lễ dộ này cũng khiến Piotr lo lắng. Ba năm trước Piotr đã khổ tâm quá nhiều vì hành động sỉ nhục của vợ cho nên bấy giờ chàng cố tránh một sự sỉ nhục lương tự, trước hết là bằng cách tự xem mình không phải là chồng của Elen nữa, và thứ đến là không cho phép mình nghi ngờ vợ.
"Không, bây giờ đã là nữ sĩ rồi thì tất cô đã từ bỏ những thói ham mê trước kia, - Chàng tự nhủ, - Chưa bao giờ nghe nói một nữ sĩ lại có những chuyện yêu đương cả", - chẳng biết chàng rút ở đâu ra cái quy luật này, nhưng rõ ràng chàng tin nó lắm. Song, lạ thay, việc Boris có mặt trong phòng khách của vợ (và Boris hầu như lúc nào cũng có mặt) vẫn có tác động đến chàng ngay cả về cơ thể: nó trói chân trói tay chàng, chàng thấy cử động của mình chẳng tự nhiên và thoải mái chút nào nữa.
"Lạ thật, sao mình thấy có ác cảm với hắn quá - Piotr nghĩ thầm, - Trước kia mình còn có cảm tình với hắn nữa kia mà".
Dưới mắt giới thượng lưu Piotr là một vị vương công, là anh chồng hơi mù quáng và buồn cười của một thiếu phụ trứ danh, một anh gàn thông minh, chẳng làm gì cả, nhưng cũng chẳng làm hại ai, một anh chàng rất hiền lành và rất tốt. Còn trong tâm hồn Piotr thì suốt thời gian ấy diễn ra một quá trình phát triển nội tâm phức tạp và khó nhọc mở ra cho chàng thấy nhiều điều và đưa lại cho chàng nhiều tâm trạng, ngờ vực cũng có mà vui sướng về tinh thần cũng có.
Chàng tiếp tục viết nhật ký, và đây là những điều chàng viết trong khoảng thời gian này:
"24 tháng mười một.
Ngủ dậy lúc tám giờ, đọc Kinh thánh, rồi đi làm (bây giờ theo lời khuyên của vị ân nhân, Piotr đã vào làm trong một tiểu ban) trở về nhà ăn bữa trưa một mình (bá tước phu nhân đang tiếp nhiều người khách mà tôi không ưa), ăn uống có điều độ, và sau bữa ăn ngồi chép mấy văn bản cho các anh em hội viên. Đến tối xuống nhà với bá tước phu nhân và kể một câu chuyện buồn cười về B, và mãi đến khi mọi người đã cười phá lên, mới sực nhớ ra rằng mình không nên kể câu chuyện này.
Đi ngủ tinh thần sảng khoái, yên tĩnh. Xin đấng Thượng đế cao cả hãy giúp con đi theo bước Người: 1. Thắng sự giận dữ bằng sự dịu dàng, kiên nhẫn, 2. Thắng sự tà dâm bằng sự kiêng kỵ và lòng kinh tởm, 3. Xa lánh hư danh, nhưng không rời bỏ: a) công việc phụng sự nhà nước, b) công việc gia đình, c) quan hệ bạn bè và d) công việc kinh tế.
"27 tháng mười một.
Dậy muộn và khi tỉnh dậy nằm lười trong giường rất lâu. Xin thượng đế hãy giúp đỡ cho con thêm nghị lực để con có thể đi theo con đường của Người. Đọc Kinh thánh nhưng không có được cái cảm xúc lẽ ra phải có. Hội viên Uruxov nói đến những dự án mới của hoàng đế. Tôi toan công kích, nhưng sực nhớ đến những quy tắc của mình và lời ân nhân dạy rằng một hội viên Tam điểm chân chính phải là một người hoạt động hăng hái cho nhà nước khi quốc gia cần đến, và phải là người biết bình tĩnh nhìn những công việc mà mình không có bổn phận làm. Cái lưỡi là kẻ thù của tôi. Hai đạo hữu G.V và O đến thăm tôi, hôm ấy có buổi nói chuyện chuẩn bị kết nạp một người anh em mới. Họ giao cho tôi làm thuyết sư. Tự cảm thấy mình yếu đuối và không xứng đáng. Sau đó nói chuyện về cách giải thích bảy cột trụ và bảy bậc cấp của đèn, 7 khoa học, 7 đức tính, 7 thói xấu, 7 bản năng của đức thánh linh. Hội viên O, hôm đó rất hùng biện. Đến tối, làm lễ kết nạp. Cách xếp đặt mới của hội quán đã góp phần làm cho cảnh tượng của buổi lễ thêm phần tráng lệ. Boris Drubeskoy là người mới được kết nạp. Tôi là người giới thiệu, đồng thời cũng là thuyết sư. Một cảm xúc kỳ dị tràn ngập lòng tôi khi tôi cùng đứng với Boris trong thần miếu tối om. Tôi bất chợt nhìn thấy mình có lòng căm ghét Boris, tôi cố nén đi mà không sao nén nổi. Và chính vì vậy tôi ước ao thật sự cứu Boris ra khỏi sự xấu xa và đưa anh ta lên con đường chân lý, nhưng những ý nghĩ xấu về Boris vẫn không rời tôi. Tôi có ý nghĩ rằng Boris vào hội chẳng qua là muốn tìm cách gần gũi một số người, lấy lòng những kẻ có thế lực trong chi hội chúng tôi. Anh ta mấy lần hỏi xem trong chi hội chúng tôi có N, và S, không (tôi không thể trả lời cho anh ta biết điều này được), và theo những điều tôi quan sát thì Boris không thể có lòng tôn kính cần thiết đối với hội thánh của chúng ta, và anh ta lại quá chú tâm và hài lòng với con người thể xác nên không thể mong muốn trau đồi về đạo đức được.
Nhưng ngoài những điều này ra thì tôi không có cơ sở gì để nghi ngờ anh ta nữa. Nhưng tôi vẫn thấy hình như anh ta không thành thật, và suốt thời gian Boris với tôi đứng sát mặt nhau trong căn phòng tối. Tôi có cảm giác là anh ta mỉm cười ngạo nghễ khi nghe những lời tôi nói, và tôi muốn đâm thẳng thanh gươm mà tôi đang cầm sát ngực Boris vào người anh ta. Hôm ấy tôi không thể hùng biện và cũng không thể thành thật nói cho các anh em và vị đại sứ biết những mối ngờ vực của tôi. Hỡi đấng Kiến trúc sư vĩ đại của thiên nhiên, hãy giúp tôi tìm ra những con đường chân chính đưa tôi qua các ngõ ngách khúc khuỷu của sự dối trá"
Kế theo đó trong nhật ký thấy có ba tờ để trắng, rồi đến đoạn sau đây:
"Đã nói chuyện riêng dài và bổ ích với hội viên B. Anh ấy đã khuyên tôi nên gần gũi hội viên A. Tôi được biết thêm nhiều điều, mặc dù tôi không xứng đáng, Ađonai là tên của đấng đã sáng tạo ra vũ trụ. Elohim là tên đấng trị vì muôn vật. Tên thứ ba, cái tên không thể nói ra được, có nghĩa là TẤT CẢ. Những câu chuyện của B đã đem thêm nghị lực, thêm chí kiên quyết và soi sáng cho tôi trên con đường đi tới đạo đức. Bên cạnh anh ấy không thể nào hoài nghi được. Tôi đã thấy rõ sự khác nhau giữa các khoa học thấp kém của thế gian với cái khoa học thiêng liêng của chúng ta, là học thuyết bao trùm tất cả, các khoa học của loài người gặp cái gì cũng chặt khúc ra để mà hiểu, gặp cái gì cũng giết chết đi để mà xem xét.
Trong nền khoa học thiêng liêng của hội thì cái gì cũng thống nhất, mọi vật đều được nhận thức một cách toàn vẹn và sinh động. Ba nguyên tố của vạn vật là diêm sinh, thuỷ ngân và muối. Diêm sinh có thuộc tính của đầu và lửa; hợp nhất với muối, nó nhờ linh chất lửa mà gây ra sức hút đối với thuỷ ngân, hút được thuỷ ngân, giữ nó lại và cả ba chất đó kết hợp lại mà sinh ra các vật thể riêng biệt.
Thuỷ ngân là cái bản chất lỏng và bay bổng của tinh thần - là Cơ đốc là thánh linh, là Người.
"Ngày 3 tháng 12.
Dậy muộn, đọc Thánh kinh, nhưng không có cảm xúc gì. Sau đó ra ngoài, và đi đi lại lại trong gian phòng lớn. Muốn suy nghĩ, nhưng trí tưởng tượng chỉ hình dung ra một sự kiện đã xảy ra bốn năm trước đây. Ông Dolokhov sau trận đấu súng có gặp tôi ở Moskva. Ông ta nói với tôi là ông ta hy vọng rằng bây giờ tinh thần tôi đã yên tĩnh hoàn toàn, mặc dầu vắng mặt vợ tôi. Lúc đó tôi im lặng không đáp. Sáng nay tôi nhớ lại mọi chi tiết của lần gặp gỡ này và thầm nói với Dolokhov những lời hết sức hằn học và những câu trả lời hết sức chua chát. Mãi đến khi nhận thấy mình điên cuồng trong cơn giận, tôi mới sực tỉnh và vứt bỏ ý nghĩ này; nhưng tôi hối hận chưa đúng mức. Sau đó Boris Drubeskoy đến và bắt đầu kể chuyện này chuyện khác, còn tôi thì nghe nói anh ta mới đến đã thấy bực mình, và nói với anh ta một câu rất khó chịu. Boris cãi lại.
Tôi đỏ bừng mặt và nói với anh ta nhiều điều khó chịu và thậm chí còn thô bỉ nữa. Boris lặng thinh, còn tôi thì chỉ ghìm mình lại được khi đã muộn rồi. Trời ơi, tôi hoàn toàn không biết đối xử với Boris cho phải. Nguyên nhân gây ra điều đó là tôi tự ái. Tôi tự đặt mình cao hơn anh ta, và vì thế tôi đã thành ra kém cỏi hơn anh ta, và vì anh ta khoan dung đối với những lời lẽ thô lỗ của tôi, còn tôi thì lại khinh bỉ anh ta. Xin Chúa hãy giúp cho tôi khi có mặt Boris thấy rõ được sự hèn hạ của mình và hành động có lợi cho cả anh ta nữa.
Sau bữa ăn chiều tôi ngủ thiếp đi, và trong khi ngủ bỗng nghe rõ mồn một tiếng ai nói vào tai bên trái: "Mày đã đến ngày tận số".
Tôi chiêm bao thấy mình đi trong bóng tối, đột nhiên xung quanh chó xổ ra vây lấy tôi, nhưng tôi cứ đi không chút sợ hãi; bỗng một con chó nhỏ cắn vào bắp chân bên trái tôi và không buông ra nữa. Tôi lấy tay bóp cổ nó. Nhưng vừa đẩy được nó ra thì một con khác to hơn bắt đầu vào cắn người tôi. Tôi bắt đầu nhấc nó lên, và càng nâng lên cao thì nó lại càng to thêm và nặng thêm. Chợt thấy đạo huynh A đến khoác tay tôi, dẫn tôi vào một toà nhà.
Muốn vào đến nhà này phải đi qua một lấm ván hẹp. Tôi bước lện tấm ván. Tấm ván oằn xuống và sụt. Tôi khó nhọc lắm mới với tay lên một dãy hàng rào và bắt đầu leo lên. Chật vật mãi một lúc tôi mới trườn được lên trên hàng rào, mình vắt sang một bên, chân thì buông thõng ở bên kia. Tôi nhìn trở lại thì thấy đạo huynh A đang đứng trên hàng rào và đưa tay chỉ cho tôi xem một con đường rộng rãi dẫn vào vườn, chỉ khu vườn và toà nhà nguy nga ở phía trong.
Tôi tỉnh dậy. Lạy Chúa, đấng Kiến trúc sư vĩ đại của thiên nhiên.
Hãy giúp tôi thoát khỏi lũ chó, tức là những dục vọng của tôi và cái dục vọng cuối cùng gom góp sức mạnh của tất cả các dục vọng trước và hãy giúp tôi bước vào ngôi đền đạo đức mà tôi đã được trông thấy trong giấc chiêm bao".
"Ngày 7 tháng mười hai.
Tôi chiêm bao thấy Ioxif Alekxeyevich ngồi trong nhà tôi. Tôi mừng lắm muốn lấy thức ăn ra thết đãi ông ta. Tôi nói chuyện huyên thuyên với mấy người khác và chợt nhớ ra rằng điều đó có thể làm ông ta phật ý, tôi muốn lại gần và ôm ông ta. Nhưng ông nói nhỏ với tôi mấy lời về giáo lý của hội, nói khẽ đến nỗi tôi nghe không rõ. Sau đó tất cả chúng tôi đều ra khỏi phòng, và đến đây xảy ra một việc thật kỳ lạ. Chúng tôi người ngồi kẻ nằm trên nền nhà.
Ioxif Alekxeyevich nói với tôi một điều gì đấy. Nhưng tôi lại muốn tỏ ra cho ông thấy tôi đa cảm, và không lắng nghe lời ông nói, tôi bắt đầu tưởng tượng cái trạng thái của con người bên trong của mình và ơn Chúa đang chiều sáng tâm hồn tôi. Tôi ứa nước mắt và lấy làm hài lòng rằng ông đã để ý thấy thế. Nhưng ông nhìn tôi ra dáng bực tức và vụt đứng dậy, không nói chuyện nữa. Tôi đâm luống cuống và hỏi ông xem những điều vừa rồi có phải nói về tôi không; nhưng ông không đáp, chỉ nhìn tôi một cách dịu dàng, và sau đó bỗng thấy cả hai đều ở trong phòng ngủ của tôi ở đấy có một chiếc giường đôi, Ioxif Alekxeyevich nằm ở bên giường, tôi tha thiết muốn đến vuốt ve ông và nằm bên cạnh ông. Ioxif hỏi tôi: "Anh hãy nói cho thật, anh ham mê cái gì nhiều nhất? Anh có biết rõ không? Tôi chắc là anh đã rõ". Câu hỏi này làm cho tôi lúng túng. Tôi trả lời rằng lười biếng là dục vọng lớn nhất của tôi. Ông lắc đầu ra vẻ không tin. Tôi càng thêm lúng túng và trả lời rằng tuy ở chung với vợ theo lời khuyên của ông nhưng không phải ăn ở như hai vợ chồng. Nghe nói thế, Ioxif đáp lại rằng không được tước phần ái ân của mình đối với vợ, và cho tôi hiểu rằng đó là bổn phận của tôi. Nhưng tôi đáp lại rằng tôi lấy làm hổ thẹn về việc đó; rồi bỗng nhiên mọi việc điều biến mất. Tôi tỉnh dậy và trong đầu óc hiện ra một câu thánh kinh: "Sự sống là ánh sáng của con người, và ánh sáng soi rọi trong bóng tối và bóng tối không tiếp nhận ánh sáng".
Khuôn mặt của Ioxif Alekxeyevich bây giờ trẻ trung và sáng sủa.
Hôm ấy, tôi nhận được một bức thư của ân nhân trong đó nói về bổn phận vợ chồng."
"Ngày 9 tháng mười hai.
Tôi vừa nằm chiêm bao thấy những điều mà khi sực tỉnh đã khiến tim tôi đập rất mạnh. Tôi thấy tôi đang ở Moskva, ở nhà tôi, đang ngồi trong phòng lớn. Từ trong phòng khách tôi chợt thấy Ioxif Alekxeyevich bước ra. Tự dưng thấy ngay ràng ông đã trải qua quá trình tái sinh, tôi liền chạy ra đón ông. Tôi ôm hôn ông, hôn cả bàn tay ông, và Ioxif nói: "Anh có nhận thấy rằng bây giờ mặt tôi khác không?". Tôi nhìn ông, vẫn ôm ông trong lòng và thấy rằng, mặt ông rát trẻ, nhưng trên đầu không có tóc, và nét mặt khác hẳn.
Tôi bảo Ioxif Alekxeyevich: "Nếu tình cờ gặp ông, tôi cũng vẫn nhận ra" và trong khi đó tôi nghĩ thầm: "Có thật như thế không?" bỗng tôi thấy Ioxif năm xoài ra như một xác chết: sau đó ông dần dần tỉnh lại và cùng tôi đi vào căn phòng lớn, tay cầm một quyển sách to, khổ giấy lớn gấp đôi. Tôi nói: "Chính tôi viết đấy". Ông nghiêng đầu đáp lại. Tôi giở sách ra, trong sách trang nào cũng có một hình rất đẹp. Và tôi biết rằng những bức tranh này mô tả những cuộc ái ân của linh hồn với người yêu của nó. Và trên các trang giấy tôi trông thấy hình ảnh một cô gái đồng trinh rất đẹp mặc áo trong suốt, thân hình cũng trong suốt, đang bay lên các tầng mây.
Tôi biết rằng nàng trinh nữ chẳng phải cái gì khác hơn là hình ảnh của thiên "Thánh ca trong các Thánh ca"(1). Nhìn vào những bức tranh này tôi thấy đang làm một việc xấu xa, nhưng tôi không thể nào rời mắt ra được. Lạy Chúa! Hãy cứu giúp con! Nếu tình trạng con bị ruồng bỏ là do ý chí của Người, thì con cúi xin vâng mệnh Người, nhưng chính con gây nên sự đó, thì xin Người hãy chỉ bảo cho con phải làm gì. Con sẽ chết ngập trong vòng tay truỵ lạc nếu Người rời bỏ con hoàn toàn".
Chú thích:
(1) Một thiên hay trong Cựu ước gồm những lời dân ca trữ tình miêu tả và ca ngợi tình yêu nam nữ, nhưng lại được Giáo hội giải thích thành những hình ảnh tượng trưng cho khát vọng của lính hồn mãnh liệt vươn tới Thượng đế.