Phần 1: "Tôi là Zlatan" của Ibrahimovic: "Thỏa hiệp với Pep là quyết định ngu nhất trong đời tôi"
Dịch: Lê Minh - BĐCS
Nguồn: Sưu Tầm
"Xin dành tặng quyển sách này cho gia đình và bạn bè, cho những người đã luôn ở cạnh tôi, trong những ngày vui và những ngày buồn. Tôi cũng tặng cuốn sách này cho tất cả những trẻ em ngoài kia, những người cảm thấy mình khác biệt nhưng không hòa nhập được với đời. Với những trẻ em như thế, tôi muốn nói là cứ việc khác biệt. Hãy là chính mình. Tôi đã tồn tại và thành công theo cách ấy".
Siêu sao người Thụy Điển đã mở đầu cuốn tự truyện bằng những dòng công kích đội bóng vĩ đại đang được cả thế giới ngưỡng mộ Barca. Qua lời kể của Ibra, những bí mật thâm cung bí sử ở Nou Camp được hé lộ: Ibra đã bị Pep dằn mặt, cấm đoán mọi sở thích cá nhân để đồng hóa với "đám học trò ngoan", phải phục vụ vô điều kiện cho Messi... đến mức tuyệt vọng, bế tắc và suýt phải giải nghệ.
BARCA LÀ NƠI BUỒN TẺ
Pep Guardiola, HLV của Barcelona, trong bộ vest xám và gương mặt trầm trọng, nhìn tôi với ánh mắt nghi ngại. Ngày ấy, tôi đã nghĩ Pep là một HLV ổn, tất nhiên không phải là một Mourinho hay Capello, nhưng cũng chấp nhận được. Nhưng sau đó tôi biết mình đã lầm.
Đấy là mùa Thu năm 2009 và tôi đang sống trong giấc mơ thời thơ ấu của mình. Tôi được chơi cho đội bóng hay nhất thế giới và được chào đón bởi 70.000 CĐV tại Camp Nou. Tôi đang đi trên mây. Nhưng không hoàn toàn như thế. Có những thứ rác rưởi được viết trên báo. Họ bảo tôi là một gã xấu xa và tôi đã thật sự khó khăn để chấp nhận nó.
Nhưng kìa, tôi đã ở CLB mà mình muốn. Helena và bọn trẻ cũng vui vẻ. Chúng tôi có một căn nhà dễ thương ở Esplungues de Llobregat và tôi cảm thấy tràn đầy sinh lực. Làm sao có chuyện gì được chứ?
"Chào cậu" - Pep nói - "Ở Barca, chúng tôi luôn giữ chân mình trên mặt đất".
"Vâng," - tôi trả lời - "Tốt thôi".
"Ở đây chúng tôi không lái xe Ferrari và Porsche đến sân tập".
Tôi gật đầu, cố không tỏ ra thô lỗ theo cái kiểu xe cộ thì liên quan quái gì ở đây? Nhưng tôi tự hỏi: "Rốt cục ông ta muốn gì? Thông điệp ông ta muốn truyền đi là gì? Tôi yêu những chiếc xe của mình, chúng là đam mê của tôi. Nhưng tôi lờ mờ nhận ra dụng ý của Pep. Kiểu như: Đừng nghĩ là mình đặc biệt".
Vào thời điểm ấy, tôi đã nhận ra Barca giống như một ngôi trường. Các cầu thủ đều rất dễ thương và tôi không gặp vấn đề gì với họ. Ở đây còn có Maxwell, người bạn cũ thời còn ở Ajax và Inter. Nhưng thật sự là không có ai cư xử như ngôi sao cả.
Ở đây, họ làm mọi thứ được bảo. Tôi không hợp với kiểu sinh hoạt ấy. Nhưng tôi nghĩ: Thôi thì chấp nhận vậy. Tôi học cách thích nghi, tôi cố tỏ ra hòa đồng và dễ thương. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình thật điên rồ. Mino Raiola, người đại diện và là người bạn, đã nói với tôi: "Chuyện gì xảy ra với anh thế? Tôi chả nhận ra anh nữa".
Mà đúng là không ai nhận ra tôi thật, kể cả những người thân nhất. Tôi đã trở nên tẻ nhạt, vâng lời và hoàn toàn khác với con người của chính mình từ thời còn ở Malmo. Suốt cả quãng đời trước khi đến Barca tôi chỉ có duy nhất một triết lý: đi con đường của riêng mình. Tôi chẳng mảy may quan tâm đến việc người ta nghĩ gì, tôi chán ghét những luật lệ và mọi sự áp đặt. Nói một cách dễ hiểu nhé: tôi thích những tay vượt đèn đỏ.
Thật là kỳ quặc. Messi, Xavi, Iniesta, nói chung là cả nhóm cư xử như học sinh vậy. Những cầu thủ hay nhất thế giới cứ gật đầu trước mọi lời HLV bảo. Ở Italia nếu HLV bảo nhảy lên, cầu thủ sẽ hỏi: "Việc quái gì phải nhảy".
THỎA HIỆP VỚI BỌN HLV NGU XUẨN
Nhưng giờ... tôi không còn nói những gì mình thích nữa. Tôi chuyển sang nói những gì tôi nghĩ mọi người sẽ thích. Tôi đến sân tập trên chiếc Audi của CLB cấp và đứng gật đầu vâng lời như hồi còn đi học. Tôi chẳng còn được chọc ghẹo đồng đội của mình. Thật chán. Zlatan không còn là Zlatan. Nhưng ngay cả như thế, tôi vẫn khởi đầu mùa bóng của mình rất tốt. Chúng tôi giành Siêu Cúp châu Âu. Tôi đã tỏa sáng, thống trị trận đấu. Nhưng tôi đã là một người khác.
Tôi đã cố im lặng làm như thể không có gì nghiêm trọng, nhưng tin tôi đi điều đó rất nguy hiểm. Phải khùng tôi đá mới hay được. Tôi phải la hét và làm những điều điên rồ. Giờ thì tôi phải ém tất cả những điều ấy trong người. Đó là quyết định ngu nhất của tôi trong đời. Trên sân tôi vẫn thi đấu rất bốc, nhưng chả còn vui vẻ gì.
Tôi thậm chí đã nghĩ đến chuyện từ bỏ bóng đá. Rồi Giáng sinh tới. Chúng tôi đến Are và thuê một chiếc xe trượt tuyết. Ngay cả khi cuộc sống như đứng lại tôi cũng muốn mình vận động. Tôi lúc nào cũng lái xe điên cuồng. Tôi hay phóng 325 km/h trên chiếc Porsche Turbo của mình, bỏ lại sau lưng đám cảnh sát đang cố bám theo. Tôi đã làm nhiều thứ khùng điên trong đời mà chẳng mảy may suy nghĩ về chúng. Giờ thì tôi đang ở trên núi, lái chiếc xe trượt tuyết thật nhanh và tận hưởng thời gian thoải mái hiếm hoi của mình.
Nhưng khoảng thời gian tuyệt vời ấy không tồn tại lâu. Khi trở lại Tây Ban Nha, thảm họa đã đến, một cách chậm rãi. Một đợt tuyết rơi đã đến. Cứ như thể là người Tây Ban Nha chưa từng thấy tuyết trước đây vậy. Ở khu vực tôi ở, ngọn đồi phía trước Barcelona, xe cứ băng qua trái rồi va phải suốt. Mino, tên mập đần độn, phải nói rõ hơn là tên mập đần độn tuyệt vời kẻo mọi người hiểu lầm ý tôi, rúm ró như con chó trong đôi giầy mùa Hè và cái áo khoác mỏng.
Chúng tôi lái chiếc Audi và suýt nữa thì toi mạng. Chiếc xe mất lái khi xuống đồi và tông vào một bức tường đá. Cả phần bên phải xe hư hỏng nặng. Nhưng chúng tôi đã cười vì không bị thương tích gì. Thế nhưng Messi lại lên tiếng phàn nàn.
PEP BIẾN TÔI THÀNH THỨ TỆ HẠI
Messi đã ở Barca từ khi 13 tuổi và được nuôi nấng trong văn hóa của CLB. Hắn không gặp vấn đề gì với cái môi trường rác rưởi ấy. Trong đội, lối chơi được vận hành xung quanh hắn. Messi tất nhiên chơi rất hay.
Nhưng bây giờ tôi đã đến và ghi bàn nhiều hơn. Thế là hắn đến gặp Pep và nói: "Tôi không muốn đá bên cánh phải nữa, tôi muốn vào giữa".
Nhưng trung lộ là vị trí của tôi và Pep thì chả cần hỏi han gì. Hắn đổi chiến thuật, từ 4-3-3 sang 4-5-1 với tôi đá cao nhất và Messi ngay sau lưng. Hắn ném tôi vào bóng tối. Mọi đường bóng đều phải qua chân Messi và tôi không còn được chơi thứ bóng đá của mình nữa. Trên sân tôi luôn phải được tự do như chim trời. Tôi là người luôn muốn tạo ra khác biệt. Nhưng Pep đã hy sinh tôi. Đấy là sự thật. Hắn nhốt tôi ở trên tuyến đầu.
OK. Messi là ngôi sao mà. Nên Pep nghe theo. Nhưng tôi cũng ghi hết bàn này đến bàn kia mà. Hắn đâu thể thay đổi cả đội bóng chỉ vì một cầu thủ được. Nếu hạ thấp giá trị tôi đến thế thì ban đầu chiêu mộ tôi làm gì? Hắn bỏ ra hàng đống tiền của CLB chỉ để trấn áp tôi hay sao? Pep phải nghĩ về cả 2 chúng tôi và bầu không khí trong đội chứ?
Tôi là bản hợp đồng có giá trị cao nhất đội. Tôi quá đắt tiền. Txiki Begiristain (giám đốc thể thao Barca khi ấy - PV) bảo tôi phải đến nói chuyện với HLV. Tôi không thích, nhưng tôi đã đến nói chuyện với Pep. Một người bạn đã bảo tôi như một chiếc Ferrari trong khi Pep lại dùng như một chiếc Fiat. Mà đúng vậy thật. Pep biến tôi thành một cầu thủ đơn giản hơn và tệ hại hơn. Cả đội bị ảnh hưởng bởi điều đó.
Khi chiếc xe tuyết lao đi, tôi lại cảm nhận được cuộc sống thật sự mà mình muốn, con người thật của Zlatan. Rồi tôi nghĩ: Tại sao phải chịu đựng thế này? Tôi có tiền mà. Tôi đâu phải thỏa hiệp với lũ HLV ngu xuẩn. Tôi có thể tìm niềm vui và chăm lo cho gia đình của mình.
Phần 2: Ibra & chiến tranh lạnh với gã Guardiola "rác rưởi"
Dịch: Lê Minh - BĐCS
Nguồn: Sưu Tầm
BỊ GHÉT BỎ VÌ KHÔNG DỄ THƯƠNG HIỀN LÀNH
Thế là tôi gặp Pep để nói chuyện. Tôi đến với thái độ hết sức rõ ràng là chỉ muốn đối thoại chứ không phải choảng nhau. Tôi nói: "Tôi không muốn chiến tranh, chỉ cần một cuộc thảo thuận". Pep gật đầu, nhưng trong ánh mắt có nét sợ sệt. Tôi bèn lặp lại: "Nếu ông nghĩ tôi đến kiếm chuyện thì cứ nói, tôi sẽ bỏ đi. Nhưng tôi thật sự muốn nói chuyện". Hắn đáp: "Tốt thôi, tôi thích thảo luận với cầu thủ".
"Thế tôi vào vấn đề nhé. Ông không sử dụng đúng năng lực của tôi. Nếu cần một trung phong ghi bàn, ông nên mua Inzaghi hay một ai khác. Tôi cần khoảng trống và được tự do. Tôi không thể chạy lên chạy xuống liên tục. Tôi nặng đến 98 kg và không có nguồn thể lực cho việc ấy".
Hắn suy nghĩ, hắn lúc nào cũng tỏ ra trầm tư như vậy, rồi nói: "Tôi cứ nghĩ anh đá được như thế". Tôi đáp: "Không, thà là cho tôi dự bị còn hơn. Nói thẳng nhé, tôi hiểu ông đang hy sinh tôi cho những cầu thủ khác. Điều này không ổn đâu. Giống như mua một chiếc Ferrari về và lái nó như một chiếc Fiat vậy". Hắn lại suy nghĩ, rồi đáp: "OK, có lẽ tôi đã phạm sai lầm. Hãy để tôi sửa chữa nó".
Nhưng không có gì thay đổi cả, chỉ có chiến tranh lạnh mà thôi. Sau buổi nói chuyện ấy, hắn gần như chả nhìn đến tôi. Tôi cũng không phải loại người quá để tâm đến những chuyện như vậy. Và bất chấp vị trí mới, tôi vẫn ghi bàn.
Làm khách của Arsenal tại Champions League, chúng tôi chơi lấn lướt hoàn toàn. Tôi ghi 1, rồi 2 bàn, đều rất đẹp. Khi ấy tôi nghĩ: "Mặc xác Pep, ta sẽ đi con đường của ta". Nhưng khốn kiếp, hắn thay tôi ra. Arsenal lội ngược dòng và gỡ lại 2 bàn. Đúng là rác rưởi, rồi chấn thương đùi xảy ra.
Bình thường một HLV sẽ phải quan tâm đến những điều như vậy, Zlatan mà chấn thương thì đấy phải là chuyện nghiêm trọng ở mọi đội bóng. Nhưng Pep vẫn lạnh đá. Hắn không buồn nói với tôi dù chỉ nửa lời trong suốt 3 tuần. Một lời chào cũng không. Một cái nhìn cũng không.
Việc quái gì thế này? Tôi đã làm gì sai chứ? Tôi quái đản lắm sao? Tôi nói gì khùng điên à? Đầu óc tôi quay cuồng với những câu hỏi. Tôi nghĩ về nó nhiều đến mức không ngủ được. Tôi có cần hắn phải yêu tôi đâu, thù cũng được, nhưng phải có lý do chứ.
Tôi hỏi Thierry Henry, khi ấy đang phải ngồi dự bị. Đấy là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử ĐT Pháp, rất giỏi và thông minh, nhưng cũng gặp vấn đề với Pep. "Ông ta không chào tớ, thậm chí chả thèm nhìn, chuyện gì thế nhỉ?", tôi hỏi. "Tớ cũng đếch biết", Henry đáp.
Rồi Henry bắt đầu trêu tôi. "Này Zlatan, Pep chịu nhìn cậu chưa vậy?"; "Chưa, nhưng tôi thấy được lưng của ông ta rồi"; "Thế là có tiến bộ rồi chúc mừng nhé". Tôi càng ngày càng mệt mỏi trong việc đi tìm câu trả lời. Tôi cố thử tiếp xúc, nhưng thấy tôi đến gần là hắn quay lưng đi. Trông có vẻ sợ sệt.
"MÀY CHẾT ĐI THẰNG KHỐN!"
Ngọn núi lửa tại Iceland phun trào khiến mọi chuyến bay tại châu Âu bị hủy. Khi ấy, chúng tôi phải làm khách của Inter tại bán kết Champions League. Barca quyết định đi xe bus theo ý kiến của một số thằng bại não ở đây. Tôi đã hoàn toàn khỏi chấn thương, nhưng hành trình thì rõ ràng là thảm họa. Chúng tôi mất 16 tiếng di chuyển đầy mệt mỏi.
Đấy là trận đấu quan trọng nhất của mùa bóng vào lúc ấy, lượt đi bán kết Champions League. Tôi đã sẵn sàng cho tất cả, những tiếng huýt sáo, la ó từ các Interista. Nhưng chẳng vấn đề gì, điều đó càng thôi thúc tôi đá sung hơn. Nhưng vấn đề là Pep dường như cực kỳ khó chịu với Mourinho.
Mourinho quả là một ngôi sao lớn. Ông ấy từng là HLV của tôi tại Inter. Lần đầu tiên gặp vợ tôi, ông ấy đã nói: "Helena này, cô chỉ có duy nhất một nhiệm vụ: cho Zlatan ăn thật ngon, để anh ta ngủ thật ngon và giúp anh ấy luôn vui vẻ". Mourinho luôn nói những gì ông ấy muốn và tôi thích điều đó. Trông như tướng lĩnh của một đội binh vậy.
Tại Milan, Pep mở mồm với tôi sau thời gian dài:
- Cậu chơi được chứ?
- Đương nhiên.
- Cậu chuẩn bị rồi chứ?
- Rõ ràng, tôi khỏe mà.
- Nhưng đã sẵn sàng chưa? - Hắn hỏi như một con vẹt vậy.
- Nghe này, tôi có phong độ tốt, chấn thương đã qua và tôi sẽ cống hiến hết sức mình.
Hắn lại nhìn tôi nghi ngờ. Chẳng hiểu nữa. Tôi lại gọi cho Mino Raiola, tôi rất hay gọi cho anh ta. Ở Thụy Điển, cánh nhà báo gọi Mino là hình ảnh xấu cho Zlatan. Nhưng bạn muốn biết sự thật không? Mino là một thiên tài đấy. Tôi hỏi anh ấy: "Gã HLV muốn gì thế?". Rồi chả ai trả lời được.
Nhưng rồi tôi cũng được đá chính và Barca dẫn 1-0. Nhưng hắn lại thay tôi ra phút thứ 60 và đội thua lại 1-3. Tôi thật sự nổi điên. Ngày trước tôi có thể chìm trong nỗi buồn thua trận nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Giờ thì tôi có Helena và bọn trẻ. Họ giúp tôi vượt qua. Tôi lại dành sự tập trung cho trận lượt về.
Trận ấy, chúng tôi thắng 1-0, nhưng không đủ và bị loại. Trong phòng thay đồ Pep nhìn tôi như thể đấy là lỗi của tôi vậy, hắn xem tôi là một vấn đề, một gã quái dị. Sau đó tôi không còn là một phần trong đội nữa. Trận gặp Villarreal hắn cho tôi chơi 5 phút. Có tin được không. Thà là nói: “Zlatan à, trình mày còn kém”. Thà là đàn ông như vậy đi.
Tôi điên quá. Phòng thay đồ khi ấy có nhiều người, tôi tia một cái thùng kim loại và đá thẳng về phía tên kẻ thù đang xoa cái đầu hói của mình. Chiếc hộp bay lên phải 3 thước rồi rớt xuống. Rồi tôi thét lên: "Mẹ kiếp. Mày không có bi. Mày đi chết đi thằng khốn".
Tôi điên như vậy đó, và bạn chờ đợi Pep sẽ nói gì đó đại loại như: "Bình tĩnh, cậu đâu thể nói chuyện với HLV theo kiểu đó được". Nhưng không, hắn vừa hèn nhát vừa yếu đuối, đến nhặt từng món cho vào hộp, như một tên lao công rồi rời khỏi phòng. Mọi người bắt đầu bàn tán xem chuyện gì đã xảy ra, nhưng làm sao họ biết được khi chính tôi cũng không biết.
Rồi tôi nghĩ, mình 28 tuổi, đã ghi 22 bàn và có 15 đường kiến tạo tại Barca, vậy mà vẫn bị xem như không tồn tại. Không thể chịu được, không thể tiếp tục. Rồi tôi nhớ lại câu nói ngày đầu hắn gặp tôi: "Ở đây người ta không lái Ferrari và Porsche đến sân". Tôi dẹp hết. Tôi nhảy vào chiếc Enzo và đậu ở cửa sân tập.
Báo chí xúm vào đập tôi, bảo tiền mua chiếc xe đủ trả lương cả tháng cho cả đội Almeria. Mặc xác, tôi chả quan tâm. Tôi phải trở lại là chính mình, là Zlatan Ibrahimovic. Bởi vì bạn phải nhớ đó: bạn có thể kéo đứa trẻ ra khỏi những điều xấu xa, nhưng không thể ngăn những thứ xấu xa ập vào đứa trẻ được.
----------------------------------------------
Mourinho cũng luôn để tâm đến cầu thủ của mình, trái ngược hoàn toàn với Pep. Mou là người thắp sáng một căn phòng, Pep là kẻ tắt đèn để mọi người sống trong tối.
Có vẻ như Pep không biết cách quản lý những cá tính mạnh. Hắn chỉ thích những kẻ dễ thương, hiền lành. Và khi đụng chuyện, hắn chạy trốn khỏi những vấn đề của chính mình. Hắn chả dám nhìn vào mắt đối phương và điều đó khiến cho vấn đề thêm tồi tệ. Với tôi, đúng là càng ngày càng tồi tệ.
Phần 3: Ăn trộm, nghịch phá & những sóng gió tuổi thơ
Dịch: Lê Minh - BĐCS
Nguồn: Sưu Tầm
KẺ TRỘM ĐỒ CHUYÊN NGHIỆP
Anh trai mua cho tôi một chiếc xe đạp BMX khi tôi còn nhỏ. Tôi gọi nó là Fido Dido. Fido Dido là một con quỷ nhỏ đáng yêu, y như một nhân vật hoạt hình vậy. Tôi từng nghĩ nó là thứ dễ thương nhất trên đời. Nhưng nó đã bị trộm mất bên ngoài một nhà tắm công cộng ở Rosengard.
Bố tôi đã đến đó với tay áo xắn lên và ngực áo phanh ra. Ông là kiểu người "Đừng thằng nào đụng đến con tao, đừng chạm vào đồ vật của nó". Nhưng ngay cả một người đàn ông rắn rỏi như thế cũng không làm được gì trong tình huống này. Fido Dido đã mất rồi và tôi đã rất đau khổ.
Sau khi chiếc xe thân yêu bị trộm, tôi bắt đầu... đi trộm xe người khác. Tôi phá khóa xe một cách lành nghề. Bang, bang, bang, thế là chiếc xe trở thành của tôi. Tôi đã trở thành một tên trộm xe chuyên nghiệp và làm việc ấy với trí óc ngây thơ.
Có một lần tôi mặc đồ đen và lẻn ra ngoài vào buổi tối y hệt như Rambo. Tôi rất kết một chiếc xe đạp quân đội và đã cắt khóa nó bằng một chiếc kìm lớn. Chiếc xe hết xảy. Tôi đã cùng nó chạy qua những khu phố vào ban đêm và ném trứng vào cửa sổ nhà người ta. Cảm giác rất tuyệt, tất nhiên thỉnh thoảng cũng bị tóm.
Rồi một sự cố đã xảy ra tại khu mua sắm của căn hộ Wessels. Trời đang giữa mùa Hè mà bọn tôi mặc áo lạnh dày. Mối đứa giấu trong đó 4 cây vợt bóng bàn và mấy thứ nhỏ nhỏ mà mình giấu được. Nhưng một bảo vệ đã thấy điều đó: "Bọn mày chưa trả tiền cho mấy thứ này". Tôi móc mấy xu lẻ ra và nói: "Trả nhiêu đây đủ heng".
Tên ấy không có khiếu hài hước và chúng tôi đã bị một trận ra trò. Sau lần đó tôi quyết tâm phải ăn trộm... chuyên nghiệp hơn nữa. Và quả nhiên tôi đã thật sự lành nghề trong lĩnh vực này.
NGHỊCH NHƯ QUỶ VÀ NHỮNG TRẬN ĐÒN CỦA MẸ
Hồi bé tôi bị nói đớt và được giao cho một giáo viên phát âm. Một người phụ nữ đến trường và dạy tôi cách nói chữ "S". Nhưng tôi thấy chuyện ấy nhảm nhí quá chừng, tôi chả chịu nổi và chạy đi mất. Khi chạy thật nhanh tôi có cảm giác là không điều tồi tệ gì có thể xảy ra với mình. Chúng tôi sống ở Rosengard ngoại ô Malmo và nơi đây đầy người Somalia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Ba Lan, nói chung là đủ loại dân nhập cư. Vì thế những người Thụy Điển như tôi rất vênh váo.
Cuộc sống gia đình tôi không hề chan hòa tình thương như những gia đình khác. Chả có ai hỏi: "Sáng giờ vui không Zlatan", không một người lớn nào giúp bạn làm bài tập về nhà và hỏi xem liệu bạn có gặp vấn đề gì không. Chúng tôi tự giải quyết vấn đề của mình, không làm nũng hay rên rỉ với bất kỳ ai. Đã vậy còn có những tiếng chửi rủa và những trận đòn. Sống vậy cũng quen, nhưng đôi khi bạn cũng cần cảm giác được che chở, thương yêu.
Có một lần tôi rớt từ mái nhà của trường mẫu giáo xuống đất. Vừa khóc vừa chạy về nhà với đôi mắt bầm đen, tôi cũng hy vọng được nghe một lời an ủi. Nhưng làm gì có, chỉ có một cái tát vào mặt. "Mày làm cái quái gì trên mái nhà thế? Ngu vừa thôi chứ" chứ không phải là "Tội Zlatan của mẹ ghê". Tôi đã ôm mặt chạy đi.
Những ngày ấy, mẹ tôi không có thời gian để ôm ấp vỗ về các con. Bà luôn dọn dẹp và làm đủ mọi cách để có tiền. Cuộc sống khiến mẹ tôi trở nên cứng cỏi, với cuộc đời và với chính con mình. Thay vì nói: "Cục cưng lấy cho mẹ miếng bơ nào", mẹ tôi sẽ nói: "Uống sữa cho mau đi thằng đần".
Mẹ hay đánh bọn tôi với cái muỗng gỗ và thỉnh thoảng nó bị gãy. Thế là tôi phải di mua cái mới cứ như cái muỗng gãy là lỗi của tôi vậy. Một lần tôi ném cục gạch vào trường mẫu giáo và làm bể cửa kính, mẹ tôi nổi giận (cứ tốn tiền là mẹ tôi giận). Thế là no đòn. Đôi khi mẹ đánh nhiều đến mức chả còn cái muỗng nào trong nhà, khi ấy mẹ thay thế bằng cái chày lăn bột. Những lúc ăn đòn, tôi hay chạy đến bên Sanela (chị ruột của Ibra).
Cũng có những lúc mẹ đóng sầm cửa lại và khóc một mình trong đó. Mẹ hay khóc. Tôi thương người mẹ phải làm việc 14 giờ/ngày của mình.
Ibrahimovic (phải) cùng các anh chị em trong nhà
GIA ĐÌNH TAN VỠ
Bố mẹ ly dị khi tôi còn chưa đến 2 tuổi nên tôi chẳng nhớ gì cả. Có lẽ vậy cũng tốt. Mọi người bảo đấy không phải là một cuộc hôn nhân êm đẹp. Bố mẹ hay cãi vã, đánh nhau và thậm chí ban đầu họ kết hôn cũng chỉ để cho bố tôi được phép cư trú hợp pháp (bố của Ibra là người Bosnia, mẹ là người Croatia nhập cư vào Thụy Điển - PV).
Chúng tôi sống với mẹ nhưng tôi cũng nhớ bố. Bao giờ gặp bố cũng vui. Tôi và Salena cứ cuối tuần là được gặp bố. Ông thường đến rước chúng tôi trên chiếc Opel Kadett xanh dương và chở chúng tôi đi chơi, ăn hamburger và kem.
Một ngày nọ bố chơi sang và mua một cặp giày Nike Air Max, rất đắt tiền. Của tôi màu xanh và của Sanela màu hồng. Cả Rosengard chả ai có, chúng tôi mê mẩn lắm. Chúng tôi càng thương bố hơn. Ông có việc làm ổn định và có duy nhất thêm một đứa con trai riêng nữa: Sapko.
Mùa Thu năm 1990, cuộc sống gia đình tôi bắt đầu hỗn loạn. Một người chị cùng mẹ khác cha của tôi dính vào ma túy và bị quản thúc tại nhà. Ngày nào cũng có những cuộc điện thoại đến kiểm tra. Một lần khác, mẹ tôi bị bắt vì tội tàng trữ đồ gian. Một vài người bạn đến và nhờ mẹ tôi giữ hộ mấy sợi dây chuyền. Mẹ tôi cứ giữ mà không biết đấy là hàng ăn cắp. Cảnh sát đã đến và bắt mẹ tôi đi. Lúc ấy chỉ là một cảm giác bất lực khó tả: "Mẹ đâu rồi? Vì sao họ lại bắt mẹ đi".
Tôi và chị Sanela học trường Varner-Ryden. Sanela lớp 5 còn tôi lớp 3. Trong lúc Zlatan là siêu quậy thì Sanela rất ngoan. Tinh thần trách nhiệm buộc chị phải luôn cư xử tốt. Vì thế tôi rất lo khi cả 2 chị em đều bị gọi lên phòng hiệu trưởng cùng lúc. Chẳng lẽ có ai trong nhà chết sao? Có chuyện lớn rồi sao? Bụng tôi như thắt lại khi bọn tôi bước qua những hành lang. Nhưng khi bước vào phòng hiệu trưởng và thấy bố ngồi trong đó, tôi lại cảm thấy vui vẻ. Lúc nào bố cũng đi liền với những niềm vui.
Rồi chúng tôi cũng biết lý do của cuộc gặp gỡ ấy. Bộ phận điều tra dịch vụ xã hội đã hoàn tất công việc của họ cho việc xử ly hôn. Kết quả là bố tôi giành được quyền nuôi con. Người ta xác định môi trường sống với mẹ là không tốt. Tất nhiên là chỉ có chúng tôi hiểu được thực hư thế nào. Nhưng đấy là phán quyết của tòa.
Mẹ tôi gần như sụp đổ vì mất con. Mẹ đã khóc, tất nhiên rồi. Mẹ đã dùng muỗng đánh chúng tôi, không lắng nghe chúng tôi nhưng chúng tôi chẳng bao giờ trách mẹ. Mẹ đã gặp bất hạnh với người đàn ông của mình. Mẹ không có tiền nhưng mẹ yêu những đứa con của mẹ dù cuộc sống của mẹ rất chật vật.
Trước sự kiện ấy, Sanela chỉ biết khóc, còn tôi thì chạy ra đường chơi bóng. Tôi chơi mọi lúc mọi nơi, cũng không ít lần đánh nhau với lũ bạn. Bóng đá chính là nơi để tôi xa lánh những vấn đề trong cuộc sống.
Ibra ký hợp đồng chuyên nghiệp với Malmo FF và lọt vào tầm ngắm của các tuyển trạch viên nước ngoài. Anh bắt đầu thâm nhập thế giới đầy chiêu trò trong nghề cò cầu thủ thông qua người đại diện đầu tiên là Hasse Borg, một kẻ mà bố của Ibra mô tả "đã xỏ mũi Ibra dù được Ibra coi như bố".
TỪ CHỐI ARSENAL
Mọi thứ xảy ra quá nhanh. Mới một phút trước tôi còn là đứa trẻ ngỗ ngược trong đội, vậy mà bây giờ, tôi và Hasse Borg (người đại diện đầu tiên) lại đang trên đường đến sân tập St. Albans của Arsenal ở Bắc London. Đó là một sân tập kinh điển, tôi được nhìn thấy Patrick Viera, Thierry Henry và Dennis Bergkamp.
Nhưng điều tuyệt vời là tôi sẽ được gặp Arsene Wenger, khi ấy hãy còn khá mới mẻ ở CLB này. Đấy là HLV không phải người Anh đầu tiên trong toàn bộ lịch sử Arsenal. Ngày được bổ nhiệm, báo chí Anh thậm chí còn giật tít: "Arsene là tay nào?". Nhưng ông ấy giành cú đúp ngay mùa thứ 2 và mau chóng trở nên vĩ đại.
Tôi cảm thấy mình như đứa trẻ khi bước vào văn phòng của ông ấy. Tôi, Hasse Borg và một tay trung gian nữa mà tôi đã quên tên. Cái nhìn của Wenger làm tôi run rẩy. Đấy là người luôn dõi theo từng chi tiết nhỏ nhất của cầu thủ. Tôi ngượng ngùng ngồi đó và cảm thấy mất kiên nhẫn đôi chút. Rồi Wenger nói: "Cậu có thể tập cùng chúng tôi để kiểm tra năng lực. Thử một phen nhé".
Tôi nói ngay: "Đưa tôi đôi giày, tôi làm ngay". Nhưng Hasse Borg đã chen ngang và nói: "Này, làm gì có chuyện đó. Đây đâu phải buổi thử giọng. Thích hay không thích thì nói". Rồi chúng tôi chào Wenger và ra về.
Từ bỏ một cơ hội ở Arsenal, nhưng tôi lại tin đấy là một quyết định chính xác. Chúng tôi xuống Monte Carlo, nơi CLB Monaco cũng bày tỏ sự thích thú, rồi Verona, một CLB chị em của Roma. Không có bản hợp đồng nào nhưng đó là một chuyến đi đáng nhớ. Tôi đã có những cái nhìn ban đầu về các CLB tại châu Âu.
Ibrahimovic và người đại diện đầu tiên Hasse Borg
RA MẮT TAY TỔ "SĂN ĐẦU NGƯỜI"
Rồi tôi được gọi vào đội U21 Thụy Điển, nhưng buộc phải bỏ trận đầu tiên vì bị cúm. Các tuyển trạch viên đã về không. Có rất nhiều tuyển trạch viên theo dõi tôi, tôi chỉ nhớ một tay người Đan Mạch, John Steen Olsen. Hắn hay đến xem đến mức tôi nhớ tên và thỉnh thoảng còn chào hỏi. Thế thôi, người như Olsen thì thời ấy có cả đống.
Rồi Malmo đến La Manga (thuộc bờ biển ở Đông Nam TBN) cho một đợt tập huấn. Đấy là đầu tháng Ba, bầu trời đang tỏa nắng. Buổi tập đầu tiên tôi thấy một gương mặt quen thuộc, John Steen Olsen chứ còn ai nữa. Đến ngày hôm sau thì Olsen không đi một mình nữa. Hasse Borg nói sếp sòng đội săn cầu thủ của Ajax đã có mặt: "Đến thời điểm rồi đó, chuẩn bị nhé". Tôi đáp: "OK, ngon lành".
Tôi cứ thi đấu thôi, dù không dễ dàng chút nào. Có cảm giác như Ajax đang thực hiện một cuộc xâm lăng vậy. HLV phó của họ đến, sau đó là HLV trưởng Co Adriaanse và cả GĐTT Leo Beenhakker. Ngày ấy tôi đã biết gì về Beenhakker đâu nhưng tôi nhận ra ngay đây là một nhân vật cỡ bự. Ông ấy đội mũ và hút một điếu xì gà to.
Nhìn người đàn ông trông rất mafia đó, tôi biết tại sao Beenhakker từng cầm quân cho Real Madrid và vô địch cùng CLB này. Beenhakker đã nhiều lần liên lạc với Borg để nói chuyện giá cả và lần nào Borg cũng từ chối. Ông ấy nhất quyết không ra một cái giá cụ thể nào. Beenhakker dọa: "Ông mà không ra giá, tôi sẽ không đến La Manga!". Borg đáp: "Thế thì đừng đến nữa!".
Nhưng rốt cục Beenhakker vẫn bay sang Tây Ban Nha và xem trận đấu của Malmo và Moss (một đội bóng Na Uy). Ngay đầu hiệp 1, tôi đã nhận được một đường chuyền từ cánh phải. Tình huống ấy thì chả có gì nguy hiểm cả vì đối phương thủ chặt cả rồi, thế nhưng tôi vẫn thấy một khả năng.
Bóng đá đâu phải chuyện lên kế hoạch, nó cứ xảy ra thôi. Thế là tôi tâng bóng qua một hậu vệ, tăng tốc qua 2 hậu vệ khác và thấy mình ở vào tình thế thuận lợi để tung ra một cú giật gót. Thế là tôi dùng gót tâng qua nốt một hậu vệ rồi tung ra cú vô lê ghi bàn. Tôi gào to: "Thấy chưa? Thấy chưa?".
BẢN HỢP ĐỒNG KỶ LỤC
Tôi có thể tưởng tượng ra Beenhakker nghĩ gì. Phê quá chứ sao nữa. Rồi tôi cảm nhận được ông ấy đang rơi vào tình thế khó khăn. Ông ấy đã tìm ra một trung phong cao lớn, có thể ghi bàn và lại sở hữu kỹ thuật tốt. Nhưng giá trị của tôi rõ ràng sẽ khác xa ông tưởng tượng sau pha ghi bàn ấy. Beenhakker tức tốc rời khỏi chỗ ngồi và bay đến chỗ Hasse Borg.
Beenhakker nói:
- Tôi muốn gặp chàng trai ấy ngay.
Hasse Borg nói:
- Để xem, coi bộ khó.
- Khó là khó thế nào?
- Thì không có thời gian chứ sao. CLB có nhiều hoạt động và kế hoạch quá mà.
Beenhakker như phát điên, rõ ràng ông có lý do để như vậy bởi thực tế làm gì có kế hoạch gì.
- Cầu thủ ấy còn quá trẻ, các ông cũng chỉ đang tập huấn chứ có đá giải gì đâu. Phải có thời gian chứ?
- Ừ, cũng có, nhưng nhanh thôi nhé.
Rồi cả hai đồng ý một cuộc hẹn tại khách sạn gần đó của phái đoàn Ajax.
Chúng tôi đến đó, bắt tay từng người và hỏi thăm nhau đầy ngoại giao. Diễn với nhau chán chê thì Beenhakker đền gần tôi và nói: "Này nhóc, cậu mà chơi tôi một, tôi sẽ chơi lại gấp đôi. Chớ mà giở trò nhé!". Câu nói ấy đã làm tôi ấn tượng bởi tôi thích kiểu nói chuyện như thế. Bẵng một thời gian dài không nghe đến Ajax, một hôm Hasse Borg gọi đến:
- Bận gì không nhóc? Chuẩn bị sẵn sàng chưa?
- Chuẩn bị gì cơ?
- Bọn họ tới rồi.
- Ai cơ?
- Bọn Ajax. Đến khách sạn St. Jorgen ngay, bọn này chờ.
Tôi đến đó, tim như muốn nhảy khỏi ngực, thời điểm ấy đã đến. Tôi bảo với Borg là tôi muốn mình là bản hợp đồng kỷ lục. Tôi muốn làm nên lịch sử. Có một cầu thủ Thụy Điển sang Arsenal với giá 40 triệu kronor (1kronor = 0,17 USD - tiền Thụy Điển). Sau đó John Carew sang Valencia với giá 70 triệu. Tôi muốn phá kỷ lục ấy dù chỉ mới 19 tuổi thôi.
Borg đưa cho tôi một giao kèo, ghi 160.000 kronor/tháng. Tất nhiên là rất nhiều, gấp 4 lần lương của tôi hiện tại, đã vậy còn được tặng một chiếc Mercedes mới nữa. Tất nhiên là tôi tự hào và đồng ý. Ngày ấy tôi đã biết gì về giá thị trường, biết gì về cách thương thảo đâu.
Tôi chỉ là một chàng trai ngơ ngác 19 tuổi và nghe theo mọi lời Hasse Borg, kẻ mà tôi xem như một người cha thứ 2. Sau này tôi mới biết một chiêu phổ biến: trả lương cho cầu thủ thấp để có nhiều tiền hơn cho vụ chuyển nhượng. Nhưng ngày ấy tôi thật sự không biết, tôi chỉ kể với bố và ông nói: "Chết tiệt, thằng khốn nó xỏ mũi con rồi".
Gã đại diện Hasse Borg tất nhiên đã biến mất sau khi làm cú áp phe hoành tráng mang Ibra từ Malmo sang Ajax. Ở đây, Zlatan thuê một người đại diện mới tên Anders Carlsson. Nhưng người làm thay đổi cuộc đời Ibra lại là người đại diện thứ 3 và cũng là người vẫn đang gắn bó với anh, Mino Raiola. Phần này sẽ cho độc giả biết cơ duyên Ibra gặp một trong những tay đại diện giàu ảnh hưởng nhất trong làng bóng đá thế giới và là người đặt dấu ấn lên những cuộc chuyển nhượng bom tấn của Ibra sau này.
LỜI KHUYÊN CỦA VAN BASTEN
Ở Ajax, ai cũng nói về Marco van Basten. Tôi mặc số áo của anh ta và được kỳ vọng sẽ trở thành một Van Basten mới. Nghe cũng thích thích, nhưng riết thì phát mệt. Tôi chả thèm làm Van Basten mới. Tôi là Zlatan chứ không phải ai khác. Tôi muốn thét lên là đủ rồi, đừng nói về Marco này nọ ở đây nữa. Nhưng khi trực tiếp gặp Van Basten thì cảm giác thật tuyệt vời.
Đấy là một huyền thoại, một trong những trung phong hay nhất từ trước đến nay. Chắc không được như Ronaldo đâu, nhưng cũng ghi hơn 200 bàn và là huyền thoại tại Milan. Gần 10 năm trước cũng là cầu thủ hay nhất do FIFA bầu chọn chứ thường à. Lúc đó Van Basten đang theo học một khóa huấn luyện và là trợ lý ở đội trẻ Ajax.
Đứng trước Van Basten, tôi như một đứa trẻ vậy. Nhưng riết rồi cũng quen, chúng tôi nói chuyện với nhau hàng ngày. Cứ trước trận đấu là chúng tôi lại gặp nhau:
- Ê nhóc, mày nghĩ mày ghi mấy bàn trận này? Tao thấy 1 bàn là ngon.
- Một? Điên à? Bét nhất cũng phải 2 bàn cho coi.
- Nổ. Cá độ không?
- Chơi. Bao nhiêu?
Cứ thế. Van Basten cho tôi nhiều lời khuyên bổ ích. Anh ta khuyên tôi không nên về AS Roma của Fabio Capello vì trình tôi chưa đủ. "Ở đây nhóc có 5, 6 cơ hội để ghi 1 bàn. Ở Italia thì chỉ có được 1, 2 cơ hội một trận thôi. Ở đây rèn cho ngon đã rồi hãy tính chuyện qua đó". Tôi cảm thấy lời khuyên ấy thật đúng đắn và tôi cố trui rèn khả năng dứt điểm của mình, đặc biệt là khi ở trong vòng cấm. Van Basten cũng khuyên tôi hãy là chính mình bất chấp HLV có nghĩ gì đi nữa. Anh ấy quả là một người hoàn toàn độc lập. Ngày ấy tôi cứ bị chấn chỉnh là không hỗ trợ phòng ngự. Nhưng Van Basten nói với tôi: "Nghe HLV làm gì? Tự nhiên đi phí phạm năng lượng cho việc phòng ngự trong khi nhóc có thể dùng hết nó cho việc tấn công. Gây áp lực, ghi bàn, vậy là giúp ích cho đội bóng rồi, phòng ngự làm chi cho mệt". Ừ nhỉ. Việc quái gì phải phung phí năng lượng.
CHỌC TỨC VAN GAAL
Chúng tôi đến Bồ Đào Nha cho một đợt tập huấn. Lúc ấy Beenhakker đã từ chức giám đốc thể thao và được thay bởi Louis van Gaal, một tay hợm hĩnh, giống như Co Adriaanse. Hắn muốn trở thành một kẻ độc tài và gần như chả có lấy một chút hài hước.
Thời làm cầu thủ thì Van Gaal có ra gì đâu, nhưng ở Hà Lan hắn được tán tụng bởi từng giúp Ajax vô địch Champions League và được người Hà Lan vinh danh cho việc ấy. Van Gaal thích nói về những hệ thống chiến thuật. Hắn mở miệng ra là những con số này nọ. Nào là 5 người đứng bên này, 6 người đứng bên kia, chán òm. Hên là tôi không gặp hắn nhiều.
"Van Basten bảo số 9 phải tiết kiệm năng lượng để còn tấn công và ghi bàn còn ông lại bảo phải biết chạy về sân nhà phòng ngự. Ông bảo tôi nghe ai bây giờ. Một huyền thoại như Van Basten hay Van Gaal đây". Tôi phang thẳng vào mặt Van Gaal, kiểu như ông nghĩ ông là ai thế? Hắn đang bối rối thấy rõ, tôi mặc kệ và đi ra.
Nhưng chạy trời không khỏi nắng. Ở Bồ Đào Nha tôi phải gặp Van Gaal và Koeman để nghe góp ý cùng lúc. Tôi bước vào phòng. Koeman thì cười trong khi Van Gaal có vẻ giận dữ. "Zlatan", Koeman nói. "Cậu cừ đấy, nhưng chỉ được 8 điểm thôi, ráng phòng ngự tốt hơn nhé".
"Vâng, 8 điểm cũng tốt mà", tôi nói và định đi ra.
Nhưng Van Gaal chêm vô: "Nhóc con muốn biết phòng ngự là như thế nào không?". Tôi trả lời ráo hoảnh: "Ừ, cũng muốn". Thế là một tràng quen thuộc xổ ra. Nào số 9 như thế nào, phải chạy đi đâu khi số 10 sang trái, rồi vẽ một lô những mũi tên. Kết thúc với một câu gằn giọng: "Nghe kịp không? Hiểu không nhóc?"
Tôi xem đó là một sự công kích, nên tôi trả lời: "Nè, tôi nói cho biết, ông không thể gọi giật ngược mọi cầu thủ dậy lúc nửa đêm rồi hỏi họ biết phòng ngự hay không. Bọn tôi biết hết và bọn tôi biết luôn là ông cố tỏ ra uyên bác thế nào. Nhưng tôi có nói chuyện với Van Basten rồi, anh ta nghĩ ngược lại hết".
BẮT ĐẦU MỐI LIÊN KẾT VỚI RAIOLA
Lời đề nghị của AS Roma cứ canh cánh bên lòng. Tôi cũng suy nghĩ nhiều về việc tìm một môi trường tốt hơn. Nên tôi gọi Anders Carlsson (người đại diện thứ 2 của Ibra sau Hasse Borg) và hỏi. Carlsson nói: "Ờ, Southampton cũng muốn có cậu đấy. Được không?". Tôi đáp: "Mẹ, bị hâm à? Southampton, trình tôi tới đó à?".
Thời gian ấy tôi đã mua một chiếc Porsche Turbo. Rất phê, chạy cứ như tự sát vậy. Tôi và bạn bè lên xe và đạp ga thoải mái. Phải 250 km/h. Khi dừng lại thì tôi nghe tiếng còi hú cảnh sát. Dừng lại, xin lỗi, trình bằng lái? Dễ quá. Tôi nhìn lại, cảnh sát phải cách chúng tôi 4 xe. Thế việc gì phải xoắn? Trả về số 2, tôi đạp ga lên hết cỡ. 300 km/h nhé. Tiếng còi hú cũng còn, nhưng nhỏ dần dần, nhỏ dần.
Có lần Anders Carlsson ngồi trong đó và sau đó than phiền đấy là điều tồi tệ nhất mà hắn từng biết. Nghĩ lại lời nói ấy, rồi nghĩ đến cái đề nghị Southampton mà hắn nói, tôi biết mình phải dẹp tiệm gã đại diện này cho rồi. Tình cờ Carlsson mở công ty đại diện và tôi lấy cớ bùng luôn.
Khoản thời gian ấy tôi hơi hoang mang vì không biết nói chuyện công việc với ai. Maxwell tốt, nhưng chỉ là bạn, thế là tôi nghĩ đến Thijs Slegers, nhà báo từng phỏng vấn mình cho Voetbal International. Tôi kết Thijs ngay từ sau buổi ấy và hỏi ý kiến anh ta.
- Tôi phải đổi người đại diện. Chọn ai giờ nhỉ?
- Để nghĩ coi. À, có 2 đại diện được nè. Một từ công ty làm việc cho David Beckham. Tên khác cũng ngon, nhưng...
- Nhưng sao?
- Ờ, hắn là Mafia.
- Ồ, nghe hay đấy.
- Tôi biết thế nào cậu cũng nói thế mà.
- Vậy tới luôn đi. Gọi cho tay Mafia ấy đi.
Thật ra tay ấy cũng không phải Mafia thực thụ đâu, nhưng anh ta có phong cách như thế. Đấy là Mino Raiola, một cái tên mà tôi từng nghe trước đó. Đại diện của Maxwell chứ ai. Thông qua Maxwell, Mino cũng cố tiếp xúc với tôi vài tháng trước rồi. Sau này tôi mới biết phương châm làm việc của Mino, không trực tiếp mà đi đường vòng. Mình mà trực tiếp đến gặp là yếu rồi, cứ thông qua trung gian dò hỏi xem sao.
Mino dò qua Maxwell. Tôi hỏi: "Có gì cụ thể không? Không cụ thể thì tôi chả quan tâm". Mino nghe thế và nói: "Bảo thằng Zlatan chết mẹ nó đi". Bạn nghĩ nghe xong tôi giận không? Không hề nha, tôi lại tò mò. Cứ ai mà nói chuyện có tiếng đệm "chết mẹ, chết cha" gì đó là tôi đều kết. Mối liên kết giữa tôi và Mino Raiola đã khởi đầu như thế.
"Tôi cần một người đại diện bỏ qua những luật lệ, dẹp hết những phép tắc".