Về Tháp Mười dự khoá đại đội
Hai Giỏi làm thư ký Nguyễn Bình
Vào cuối năm 49 trung tướng Nguyễn Bình có thư ký mới. Đó là một thanh niên hăm hai tuổi quê ở Long Điền Bà Rịa, tên là Dương Văn Giỏi. Hai Giỏi học tới năm thứ tư trường trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn thì đụng Cách mạng tháng Tám. Năm 1944 Giỏi đã gặp thầy giáo Dương Văn Xá viết báo ký tên Nam Dương là tay hoạt động cách mạng nổi tiếng trong tỉnh Bà Rịa. Tháng 7-1944, Nam Dương phổ biến chương trình Việt Minh cho Hai Giỏi. Hai Giỏi kéo nhóm học sinh Pétrus của anh ở Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ theo Việt Minh. Nhóm này gồm có hai anh em Trần Thượng Thu và Trần Thượng Thủ con của thầy giáo Trần Thượng Tứ, Hoàng Việt, Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Văn Tần, ở Vũng Tàu, Nguyễn Văn Tuấn ở Long Hương, Bà Rịa. Giữa 1946 Hai Giỏi gia nhập bộ đội lưu động Hoàng Thọ. Đầu 1949, trên đường từ Bến Cát về Phú Mỹ để rèn cán chỉnh quân, Hai Giỏi bị thương khi băng qua đường sắt cặp con lộ Đông Dương. Bộ đội lưu động Hoàng Thọ được bổ sung để trở thành Tiểu đoàn 303, đơn vị chủ lực của Khu 7. Lễ ra mắt của Tiểu đoàn là ngày 19-5-1949. Vài tuần sau, Hoàng Thọ tuy vẫn là chỉ huy trưởng bất mãn bỏ ra đi, kéo theo vài người thân tín như Tứ, Kính, Thảo, Giỏi. Kính là chính trị viên đại đội, Giỏi là trung đội trưởng, Tứ là thư ký đại đội, Thảo là trung đội trưởng. Riêng về Giỏi thì khi Hoàng Thọ rủ về Nam Bộ dự khoá đại đội, Giỏi vừa bình phục nên muốn xưống Khu 8 để an dưỡng. Anh thận trọng hỏi ý chính trị viên Tiểu đoàn là Trần Đình Cửu. Anh Chín Cửu khuyên Giỏi nên đi dự khoá đại đội ở Khu 8 đồng thời bồi dưỡng để mau phục sức. Việc ra đi bất ngờ của Hoàng Thọ và các cán bộ đại đội làm cả tiểu đoàn xôn xao. Đại đội trưởng Đoàn Duy Ngơi vội báo với anh Chính Cửu. Anh Cửu nói: “Chớ làm to chuyện. Hoàng Thọ không chạy ra thành đâu. Hoàng Thọ cũng chẳng lên Khu. Hoàng Thọ về Nam Bộ thôi”. Trần Đình Cửu biết rõ Hoàng Thọ hơn ai hết vì chính anh là người kết nạp Hoàng Thọ một tháng trước khi thành lập Tiểu đoàn 303 chủ lực của Thủ Biên. Anh em chọn cho Hoàng Thọ bí danh Hai Bằng với ngụ ý: Hai là anh Hai, là người anh cả của bộ đội bấy lâu mang tên Hoàng Thọ, còn Bằng là bằng lòng vô Đảng. Hoàng Thọ vô Đảng vì lý chứ không phải vì tình. Là một “tướng lĩnh” chuyên đánh đấm, Hoàng Thọ không khoái chính trị. Anh không ưa nói chuyện đảng. Anh cũng có lý do của anh: sự nghiệp đánh Tây cứu nước là của toàn dân. Bày ra đảng này đảng kia là làm suy yết lực lượng tác chiến. Sự vụng về của cán bộ chi viện Trần Văn Quán, lấy tên là Hoàng Trường, càng làm cho Hoàng Thọ tin rằng mình nghĩ đúng. Hoàng Thọ đi hội nghị một thời gian về thấy có chuyện lạ trong đơn vị mình. Chuyện lạ đó là một số đội viên sanh hoạt riêng lẻ, bí mật, khi Hoàng Thọ điểm danh thì vắng mặt. Hạch hỏi mới biết họ sinh hoạt Đảng. Hoàng Thọ càng tin chắc đơn vị có sự chia rẽ từ khi có Đảng. Tệ hại hơn nữa là Hoàng Thọ bắt gặp Hoàng Trường lục xét giấy tờ của mình. Thế là cơn giận bấy lâu dồn nén nổ tưng: “Hoàng Thọ này đi kháng chiến là vì dân vì nước, đâu có ngờ ngày nay lại có cái nạn đảng này phái nọ. Đem mà bắn cha nó hết ba cái đảng phái này cho nó rồi!”
Cơn thịnh nộ của Hoàng Thọ thấu tới tai tham mưu trưởng khu là Lê Đức Anh. Khi gặp Hoàng Thọ, ông Anh phê bình ngay: “Hoàng Thọ là công nhân mà phản lại công nhân”. Hoàng Thọ bực lắm, cạo đầu để biểu hiện cơn bực của mình. Nhưng hãy trở lại chuyện đi Nam Bộ của Hai Giỏi.
Tháng 6-1949 Giỏi cùng các bạn Thảo, Kính, Hổ dự khoá đại đội. Thời gian sau đó tin Hoàng Thọ được trung tướng Nguyễn Bình giới thiệu về Bắc nhưng Hoàng Thọ đi vài chặng thì đổi ý trở về Mỹ An, sang một quán lá kề bên trạm gác tại ngã tư kinh Nguyễn Văn Tiếp và kinh Tháp Mười. Với số tiền hai ngàn đồng Đông Dương ngân hàng, Hoàng Thọ sống như một Mạnh thường quân, cán bộ nào đi công tác ngang Mỹ An cũng được Hoàng Thọ mời vô quán ăn uống đãi đằng. Hai Giỏi biết Hoàng Thọ đã trở thành một tay bất mãn mà cả “đại huynh” Nguyễn Bình cũng bó tay uốn nắn được nữa. Anh lấy làm buồn cho một tay chỉ huy đã lập nhiều chiến công vang dội đang tự giết cuộc đời chính trị của mình bằng rượu và sự bất mãn.
Học xong khoá đại đội, Hai Giỏi được giới thiệu về văn phòng trung tướng Nguyễn Bình. Thấy Giỏi có trình độ văn hoá khá, anh Ba thu nhận ngay, giao nhiệm vụ thư ký ghi chép. nghe đài phát thanh tiếng Pháp để báo mỗi đêm. Đồng thời đảm trách luôn việc bảo vệ văn phòng trung tướng.
Không bao lâu văn phòng trung tướng dời về Khu 9 vào năm 1950. Thoạt tiên ở Cá Lốc, trong quận Long Mỹ, sau về sông ông Dẻo, gần Cầu Đúc, quận Gò Quào. Trong thời gian này anh Ba Bình giải phẫu con mắt trái đã hư từ năm 1935 lúc ở tù Côn Đảo - năm đó còn mang tên Nguyễn Phương Thảo, bị Quốc Dân Đảng thanh trừng về tội phản Đảng.
Bác sĩ Thân, một bác sĩ già theo kháng chiến, đã giải phẫu cho anh Ba. Có một chuyện vui: chị Thanh kề cận săn sóc anh Ba đã phải đút thức ăn tận miệng vì cả hai mắt đều bị quấn băng. Không rõ chị Thanh nghĩ ngợi điều gì mà đút muỗng vô mũi anh Ba làm anh Ba kêu lên: “Mồm ở đây này, sao cứ đút vào mũi người ta!”.
Tiếp theo đó là một chuyện bực: Khi vết mổ lành, anh Ba tiếp tục nếp sinh hoạt như thường lệ tức mỗi sáng tập thể dục rồi bơi lội dưới sông. Hai Giỏi có nhiệm vụ ở trên bờ nghe ngóng máy bay. Một hôm có tiếng phi cơ rất gần. Hai Giỏi báo động: “Máy bay nghe anh Ba”. Thay vì lên bờ mặc quần áo, anh Ba lại rầy: “Nó ở tận đâu đâu! Cạu nhát quá!”. Dân đánh giặc mà bị chê “nhát”, Hai Giỏi tự ái:
- Tôi có trách nhiệm bảo vệ anh Ba. Có hơi máy bay thì tôi phải cho anh Ba hay. Vậy thôi! Đâu phải nhát!
Đó chỉ là chuyện nhỏ, nhưng lại là giọt nước làm tràn tách nước. Từ lâu Hai Giỏi không khoái tác phong huynh trưởng của anh Ba. Chung quanh anh rất nhiều em út, mà phần đông là nữ. Có tin đồn là gián điệp trẻ đẹp trà trộn trong số em út ở thành.
Thực hư thế nào chưa biết, nhưng rõ ràng là không khí đó không hợp với Hai Giỏi. Đêm đó anh bỏ ra sóc Miên sau khi viết thư xin trở về đơn vị cũ. Nửa đêm có người của anh Ba đi tìm mời Hai Giỏi về. Anh Ba bắt tay Giỏi cười nói “Hồi sáng mình nóng nẩy làm chạm tự ái cậu. Mình xin lỗi cậu”. Hai Giỏi vuốt giận ở lại với anh Ba.
Không lâu sau, văn phòng trung tướng Nguyễn Bình lại lên miền Đông. Đi lòn khu vực Hoà Hảo thật gian nan, lại phải vượt hai con sông Hậu và Tiền. Hai Giỏi chịu trách nhiệm bảo vệ cả đại đội. Không thể nào quên được những đêm vượt trường giang, trong bóng đêm, bờ bên kia tăm tăm mù mù trong màn sương hơi nước. Hai Giỏi không quên hai anh Thới và Danh là trưởng và phó huyện đội Ô Môn đã bố trí những chiếc ghe đặc biệt bốn chèo, tám giầm để đưa văn phòng Trung ương qua sông. Những chiếc ghe này lướt sóng như ca-nô. Lúc đó Hai Giỏi có một ý nghĩ ngộ nghĩnh: nếu sau này mình còn sống, mình phải phục chế một chiếc ghe như thế để chưng trong viện bảo tàng kháng chiến cho con cháu mình xem cho biết kháng chiến ra làm sao.
Tới Đất Cuốc, Hai Giỏi tính xin trở về đơn vị cũ thì dịp may xảy đến: Có tin Trung ương gọi Nguyễn Bình ra Bắc. Đúng lúc đó Hai Giỏi gặp thiếu tướng Dương Quốc Chính. Anh nói:
- Anh Ba Bình đề nghị tôi cùng đi ra Bắc với anh. Nhưng tôi kém sức khỏe, sợ đi không nổi. Tôi tính xin trở về đơn vị cũ.
Ông Chính nói: “Vậy thì cậu cứ ở đây với tôi”.
Thế là nhưng ngày sống kề cận anh Ba Bình của Hai Giỏi chấm dứt vào lúc đó.
Trung ương gọi Nguyễn Bình ra Bắc
Bao nhiêu đêm thắc mắc suy tư
Giữa năm 1951 có tin Trung ương gọi trung tướng Nguyễn Bình ra Bắc. Bức điện rất vắn tắt. Những người ở ngay trong văn phòng anh Ba cũng không hiểu lý do triệu hồi một vị tướng mà Bác Hồ đã giao Nam Bộ trong những ngày “ngàn cân treo sợi tóc”.
Hai Giỏi là thơ ký kiêm bảo vệ của anh Ba cũng không nắm rõ nguồn cơn. Chỉ thấy anh Ba đăm chiêu nghĩ ngợi. Có lẽ anh Ba tính sổ những gì đã làm được và những gì chưa làm được cho Nam Bộ.
Dường như linh tính báo trước là chuyến về Bắc lần này là một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời của mình. Sau mấy ngày suy tư, anh Ba quyết định tuân lịnh thượng cấp. Nguyên tắc mà anh tuân thủ suốt đời chẳng phải là kỷ luật đó sao? Rất có thể mình về Bắc rồi lãnh một công tác khác ở đâu đó chứ không được trở vào Nam. Có lẽ Trung ương đã biết những va chạm mà mình đã gặp trong năm sáu năm hoạt động trong Nam. Đánh địch, mình đã lập nhiều chiến công, đặc biệt qua thành tích diệt ác trừ gian của mười đội công tác thành. Bọn bồi bút Hiển Sĩ, tên thực dân De la Chevrotière, tên gian Trần Tấn Phát, con cáo già Bazin lần lượt gục ngã dưới làn đạn của anh em Công tác thành và đội Công an Xung phong.
Rồi hàng chục sĩ quan hải quân, không quân của địch bỏ xác trong rạp chiếu bóng Majestic, các nhà hàng La Pagode, Impérial, Câu lạc bộ sĩ quan không quân... Rồi các trận đót kho đạn Thị Nghè, kho bom Phú Thọ... Tóm lại Mười Ban công tác Thành là một đội quân tinh nhuệ gieo kinh hoàng trong sào huyệt địch. Đúng là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Bình: đem chiến tranh du kích vào tận trung tâm Sài Gòn-Chợ Lớn. Nhưng bên cạnh những chiến công lại là những mất mát, những hy sinh lớn lao của nhiều đồng chí trung kiên ở cơ sở bí mật. Vấn đề thứ hai là việc thu phục giới giang hồ Bình Xuyên. Kéo được các bộ đội Ba Dương - Năm Hà, Tám Mạnh - Hai Vĩnh, Bảy Viễn, Mười Trí là cả một nghệ thuật, kết hợp bản lĩnh sáng tạo. Giang hồ là con dao hai lưỡi, không khéo sử dụng có thể đứt tay như chơi. Thế mà mình đã sử dụng được, Nhưng vấn đề Bình Xuyên chỉ hay có khúc đầu còn khúc đuôi thì thật đáng tiếc. Bảy Viễn đã đầu Tây. Việc này chắc phải có thời gian để đánh giá.
Còn gì nữa nào? À, còn vụ Hoàng Thọ. Mình đã quá nuông chiều cậu này. Nuông chiều vì một lẽ: Nó là thằng em út đồng hương có nhiều điểm giống mình: anh hùng hảo hớn, trung thực ăn nói ngay thẳng. Khi Hoàng Thọ bất mãn bỏ về tiểu đoàn 303 về tìm mình, mình đã khuyên nó về Bắc lập lại sự nghiệp. Mình đã ký giấy giới thiệu và cho tiền lộ phí.
Tưởng đã giúp được thằng em khỏi nghịch cảnh, nào ngờ đi vài chặng, gặp bạn bè xúi bậy, nó lại đổi ý, trở lại Mỹ An mở quán làm đủ thứ chuyẹn “ba-gai” trên đời. Đến khi nhận yêu cầu phải ký giấy bắt Hoàng Thọ, mình hết sức khổ tâm. Nó đã nhiều lần cứu mình thoát hiểm, vụ Sáu Section mưu sát mình ở Lò Đường, rồi vụ Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt, không có Hoàng Thọ thì Nguyễn Bình đã xanh cỏ từ lâu. Mình suy nghĩ mấy ngày trước khi hạ bút ký bắt Hoàng Thọ. Mình dư biết đó là hạ sách, vì với Hoàng Thọ, chỉ dùng tình cảm mới thu phục được nó. Cho nên ký giấy bắt Hoàng Thọ cũng đồng nghĩa với ký bản án tử hình Hoàng Thọ. Đau xót quá! Nỡ lòng nào đẩy một thằng em út như Hoàng Thọ vào chỗ chết!
Nhưng biết làm sao đây? Không ký thì càng mang tiếng Nguyễn Bình bao che đàn em, thậm chí xúi đàn em khinh thường và coi rẻ thượng cấp.
Chuẩn bị lên đường. anh Ba viết thư tạm biệt các bạn từng sống chết với nhau trên chiến trường miền Đông gian lao mà anh dũng. Anh nhớ ngay tới luật sư Nguyễn Thành Vĩnh và luật gia Lê Đình Chi. Ông Chi không may bị máy bay bắn chết, còn ông Vinh là người trí thức Sài Gòn đã tạo điều kiện cho anh Ba đột nhập Sài Gòn lần đấu tiên vào đầu năm 1946. Ông Vĩnh đã khiến anh Ba khâm phục khi nhà trí thức tư sản này đã yêu cầu anh cho một tiểu đội hộ tống ông về ngôi nhà tổ phụ ở Trung Lương đào hai trăm lượng vàng để làm công quỹ lúc Nam Bộ cạn tiền nuôi quân. Nhờ số vàng đó ta mở được các chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh... Anh Ba soạn một số ảnh có anh và ông Vĩnh - chụp trong các hội nghị lễ tấn phong trung tướng bên bờ kinh Dương Văn Dương, dán vào album nhỏ gọi là có quà mọn lúc chia tay. Trong thư anh Ba cũng nhắc vụ về thành ba ngày ở ngay trong nhà ông Vĩnh, 35 đường Pierre Đakao và không quên chúc sức khỏe bạn để tiến mạnh trên đường giải phóng dân tộc và nhân loại khỏi tham tàn bóc lột của tư bản đế quốc.
Người thứ hai được anh viết thư là ông Lâm Thái Hoà, phụ trách pháo binh. Anh Ba viết đến năm sáu trang, bày tỏ nỗi lòng của người đi xa mà không biết có hy vọng còn gặp lại những người thân.
Tất nhiên anh Ba không thể quên Tám Nghệ là vị “tướng trời” theo lối nói của người dân Tân Hoà, Mỹ Lộc, còn anh thì gọi Tám Nghệ là thi tướng vì Tám Nghệ có biệt tài vừa đánh giặc vừa làm thơ. Làm sao quên được bài thơ “Bờ sông xanh chiều hôm buộc ngựa, kiếm gối đầu theo gió thả hồn cao”. Khi quyết định về Bắc, anh Ba đã yêu cầu Trung ương cho Khu trưởng Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ cùng đi. Nhưng không rõ vì lý do gì đề nghị đó không được Trung ương chấp nhận. Người được chọn để cùng đi với anh là chánh văn phòng Bộ tư lệnh Nam Bộ Võ Bá Nhạc.
Với anh Ba thì ông Nhạc là người phụ tá thân thiết, làm việc với anh ngay từ đầu, lúc anh Ba tới Bến Vịnh là vàm Sông Bé đổ ra sông Đống Nai. Ông Nhạc bấy giờ là quản đốc sở cao su Bến Vịnh. Ông đã hiến sở cao su cho anh Ba làm văn phòng chỉ huy, còn ông thì phụ trách văn phòng đó luôn. Cũng được? Trên đường thiên lý có bạn tâm đồng thì đường dài cũng hoá ngắn...
Thấm thoát đã đến ngày lên đường. Bài thơ nhớ Bắc của Tám Nghệ lại vang vọng bên tai:
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Công tác thành về tận Sa Đéc
Diệt Chanson, thủ hiến Nam Phần
Tháng 7-1951, đúng vào lúc trung tướng Nguyễn Bình sửa soạn lên đường ra Bắc thì một chiểu công của Ban công tác Thành tới tai người anh cả của binh chủng tinh nhuệ này. Một cảm tử của ta đã diệt được Thủ hiến Nam phần Thái Lập Thành và tướng Chanson, uỷ viên cộng hoà Pháp (tương đương Thống đốc Nam Kỳ trước kia). Chiến công này xảy ra tại thị xã Sa Đéc, ngay lễ đài dựng trước toà hành chánh tỉnh.
Hãy nghe chị Lưu Hồng Cúc báo cáo nội vụ:
- Tôi là Lê Thị Chẳn sanh đẻ tại Phú Hữu, Cái Tàu Hạ, Sa Đéc nhưng quê nội ở ngã tư Long Hồ, Vĩnh Long. Mười sáu tuổi lên Sài Gòn làm mướn và được anh Bảy Khám gốc Vĩnh Long giới thiệu vô đội cảm tử thành. Về sau được điều về đội 963 hoạt động trong thị xã Vĩnh Long. Tại đây tôi lấy bí danh Lưu Hồng Cúc. Tôi thứ mười nên anh em gọi là Mười Cúc.
Tổ của tôi chỉ có bốn người. tôi là tổ trưởng; ba người kia là các anh Mười Kiên quê ở Trà Vinh, Hùng quê ở Vĩnh Long và Hạnh cũng ở Vĩnh Long. Chỉ huy đội 963 lúc đó là anh Võ Quốc Quân. người đồng hương với tôi (Cái Tàu Hạ). Khi anh Quân hy sinh, anh Trần Xuân Vỹ quê ở Bến Tre lên thay. Để tiện hoạt động, tôi dựa vào đạo Cao Đài. Tôi giao thiệp với lễ sanh Thanh Châu Ơn là người “có máu mặt” trong tỉnh Vĩnh Long. Ông này là chức sắc cao cấp trong đảng Việt Nam Phục Quốc Hội. Tôi thầu chở muối cho Cao Đài để bí mật chở súng giấu dưới muối đưa về Cái Tàu Hạ, từ đó đưa xuống ghe vô căn cớ. Một lần bị lính gác cầu Lẩu chặn xét, tôi cho người gọi lễ sanh Thành Châu Ơn can thiệp “qua truông” được.
Ba ngày trước vụ mưu sát, trinh sát ta được tin tướng Chanson và Thủ hiến Nam phần Thái Lập Thành đi kinh lý Sa Đéc để trấn an tinh thần dân chúng sau những tổn thất dồn dập: ngày 28-4-1951, tướng Harteman, tư lệnh không quân Pháp đi máy bay B26 bị mất tích ở Tiên Yên. Ngày 30-5-1951 con tướng De Lattre là trung uý Jean de Lattre tử trận ở Ninh Bình.
Hay tin này, anh Trần Xuân Vỹ bàn với tôi mưu sát hai nhân vật quan trọng này. Đơn vị có hai trái lựu đạn OF. Chỉ cần một người cảm tử dám mang hai trái lựu đạn này tới lễ đài. Anh Mười Kiên xung phong lãnh trách nhiệm này. Tôi bàn bạc mọi việc với “Kinh Kha” mấy ngày và lo kiếm bộ đồ sắc phục Phục Quốc với phù hiệu để anh Mười Kiên cải trang mà vô lọt khán đài danh dự tiếp cận tướng Chauson và Thái Lập Thành.
Ngày trọng đại đã đến. Cả tổ cùng đi để động viên anh Mười Kiên. Bất ngờ làm sao, vào phút chót anh Kiên “sọc dưa”, Hùng đi kèm bực mình nói: “Không dám làm thì đưa hai trái đó cho tôi”. Anh rút chốt cả hai trái thọc vô hai túi quần xăm xăm đi tới khán đài danh dự. Nhờ có bộ sắc phục Cao Đài mà anh Hùng không bị lính gác ngăn chặn. Cách tướng Chanson ba thước, Hùng đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Lựu đạn nổ tung tức khắc. Trái thứ hai nổ tiếp theo. Tất cả nhốn nháo. Cuộc lễ tự động giải tán. Thái Lập Thành chết tại trận còn Chanson chết trên đường bay về Sài Gòn.
Chúng lục xét các hồ sơ của Phục Quốc Hội thấy có tên Cúc, Kiên và Hạnh. Tôi bị bắt nguội. Chúng giải tôi về Toà Thánh Tây Ninh cột dưới gốc cau tra tấn ác liệt. Tôi cắn răng chịu đau, không hề khai rồi bí mật nhắn lễ xanh Thanh Châu Ơn lên Tây Ninh xin lãnh về “để giáo dục”.
Rất tiếc là về tráng sĩ Kinh Kha Việt Nam đã hy sinh vì đại nghĩa, chị Cúc chỉ biết anh tên Hùng, thậm chí họ của Hùng chị cũng quên. Đúng Hùng là một chiến sĩ vô danh mà thị xã Sa Đéc phải dựng tượng để hậu thế noi gương.
Trong lịch sử kháng chiến, chưa có một vụ ám sát nào mà cả Phòng Nhì lẫn Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đều mù tịt như vụ cảm tử thành tên là Hùng diệt tướng Chanson và thủ hiến Thái Lập Thành tại thị xã Sa Đéc ngày 31-7-1951. Báo chí Sài Gòn đều đổ tội cho Cao Đài và đảng Việt Nam Phục Quốc Hội.
Tin diệt tướng Chanson, uỷ viên Cộng Hoà Pháp ở Nam Phần đến với anh Ba Bình khi anh rời chiến khu Dương Minh Châu. Đây là một an ủi, là một món quà quý báu tiễn chân anh. Tướng Chanson là uỷ viên Cộng hoà Pháp thứ hai bị Ban công tác Thành “giũ sổ”. Uỷ viên Cộng hoà Pháp thứ nhất bị diệt là đại tá Hanh Imfelt, một người Pháp gốc Thuỵ Sĩ làm uỷ viên Cộng Hoà tại Lào nhưng lại lấy Sài Gòn làm trung tâm hoạt động. Anh thợ hớt tóc trẻ - chưa tới hai mươi tuổi - Võ Hồng Tâm đã diệt tên này trong phòng số 28 khách sạn Hôtel des Nations, đường Charner (Nguyễn Huệ), giữa Sài Gòn...
Với nhưng tin chiến thắng ấy anh Ba Bình ra đi trong niềm vui của người đã gieo hạt giống, tin tưởng mùa màng sẽ tốt tươi sau khi mình nằm xuống. Trước tình cảm cao đẹp ấy, các va chạm về nhân tình thế thái bỗng trở nên nhỏ nhen không đáng bận tâm.
Đêm cuối cùng vợ chồng ngăn cách
Chị Thanh buồn ông khách vô duyên
Đêm nay là đêm cuối cùng, sáng mai anh Ba sẽ lên đường. Đường xa vạn dặm, từ Nam ra Bắc, biết bao giờ mới tới? Và có được trở vào Nam không? Vợ chồng chẳng nào tái hợp? Đó là những thắc mắc lo âu của chị Thanh. Chị tính trong đêm sẽ nói tất cả những lo toan của mình, nhưng một sự kiện bất ngờ làm đảo lộn chương trình của chị. Có một ông khách tới thám bất ngờ.
Cuộc chia tay lẽ ra phải có rượn “tống hành” nhưng anh Ba khỏng uống được rượu nên đành uống trà vậy. Thấy chị Thanh có vẻ buồn ông khách nói:
- Chị Ba cứ yên tám. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo cho anh Ba. Có đội bảo về chăm sóc sức khỏe anh Ba, có ngựa cho anh Ba cưỡi. Có người đi tiền trạm từng chặng để nắm rõ tình hình. Sẽ không có bất trắc trên đường hành quân đâu!
Chị Thanh được dịp tỏ bày:
- Đường đi nguy hiểm, nhưng là tướng, anh Ba biết đi đứng an toàn. Tôi chỉ thắc mắc là ra Trung ương rồi anh Ba có trở vào Nam không? Vợ chồng tôi có còn gặp lại...?
Ông khách nói ngay:
- Chuyện đó do Trung ương quyết định. Phân công cho một vị trung tướng phải do Bộ Tông tư lệnh. Còn chuyện thứ hai thì chúng tôi sẽ bố trí cho chị Ba về thành để đi theo đường công khai ra Bắc. Chị có giấy tờ hợp pháp thì đi ra Hà Nội dễ dàng, từ đó sẽ bắt liên lạc về vùng giải phóng không khó.
Chị Thanh gật gù nghĩ ngợi, nỗi lo âu của chị đã được giải toả. Chị tính chừng ông khách ra về chị sẽ bàn thêm với anh Ba. Nhưng ông khách lại nẩy ra sáng kiến giăng võng nằm đàm đạo trong đêm với anh Ba. Nhiều lần chị nháy mắt làm ám hiệu nhưng anh Ba không có phản ứng, có thể vì mắt kém, mà cũng có thể anh Ba không tiện cắt đứt cuộc đàm đạo. Vì vậy ông khách vô tình nghỉ đêm tại nhà anh Ba. Chỉ tội cho chị Ba ấm ức không được tự do tâm sự với chồng trong đêm cuối.
Trong đêm chị nghe hai người trao đổi. Ông khách cho chị Ba biết về tiểu đội bảo vệ: Có Vũ Tùng trước ở Ban công tác thành. Vũ Tùng là người Bắc, một thiện xạ chuyên bắn súng Colt 12, ngoài ra còn thủ một tiểu liên Ý Mosqnito, nòng dài có nhiều lỗ hãm nhiệt, báng súng có khắc chữ “bộ đội Hoàng Thọ” chứng tỏ cây súng này do Vũ Tùng cướp được của địch lúc còn ở trong bộ đội Hoàng Thọ. Chỉ có bộ đội này mới có sáng kiến khắc tên vào chiến lợi phẩm: Kế đó là Nguyễn Văn Bổn. Chị Thanh nghe nói Bổn theo bảo vệ anh Ba thì yên trí. Bổn là thanh niên khả ái mà chính chị đã làm mai cưới con nuôi của ông bà luật sư Lê Đình Chi là Ngân. Ngân về ở với chị Thanh trước khi được ông bà Chi gả cho Bổn. Người thứ ba được chọn đi trong đoàn là y tá Liên, là người Miền Nam. Đó là ba người có trách nhiệm săn sóc anh Ba trong chuyến đi. Ngoài ra trong đoàn còn có ông Võ Bá Nhạc, chánh văn phòng của anh Ba trong nhiều năm. Ông Nhạc lớn tuổi nên cũng được cấp một con ngựa như anh Ba. Người được giao chức trưởng đoàn là ông Nguyễn Văn Sĩ cũng được gọi là Sĩ Kiếng. Ông còn là cán bộ trung đoàn được chọn ra Bắc học khoá quân sự trung cao cấp. Tiện dịp, anh Sĩ được giao nhiệm vụ trưởng đoàn với nhiệm vụ bảo vệ anh Ba...
Đêm trong rừng Đất Cuốc vào đầu thu khá lạnh. Chị Thanh cứ thao thức. Niềm kia nỗi nọ cứ ẩn hiện trong đầu! Bỗng chị nhớ tới Hoàng Thọ. Chị không thể nào quên ngày ấy có giấy bắt Hoàng Thọ, yêu cầu anh Ba ký. Lúc đó anh Ba vô cùng khổ tâm. Hoàng Thọ là đầu bò đầu bướu, tuy nói năng lung tung nhưng là người trung thực. Đã có lần cứu anh Ba tại Cần Giè, khi Vũ Tam Anh và Sáu Section mưu sát anh Ba tại Lò Đường. Anh Ba đã không ký và tìm cách cứu Hoàng Thọ. Anh khuyên Hoàng Thọ ra Bắc "làm lại cuộc đời”. Rất tiếc Hoàng Thọ đi được ba chặng, lại nghe lời bạn bè đổi ý quay trở về Đồng Tháp. Trong cơn phẫn chí, Hoàng Thọ đã làm lung tung lên, nói năng chửi bới bừa bãi. Đến nước đó thì khó thể bao che cho em út được nữa rồi. Lần nầy thì anh Ba phải ký giấy bắt Hoàng Thọ. Vào trại quân lao - gọi là đề lao binh - Hoàng Thọ lại đánh lính gác. Vậy là bị đưa ra toà. Với những tội ấy, không ai ngờ toà Quân khu 9 lại kết án tử hình. Tin này tới tai anh Ba vào tháng 4-1951, hai tháng trước khi có điện gọi anh Ba về Bắc. Anh Ba buồn vô hạn. Làm sao cứu được Hoàng Thọ? Anh đã nhiều lần uốn nắn Hoàng Thọ như có lần Hoàng Thọ lấy dao săn toan khử chánh uỷ Hai Trí mà Hoàng Thọ cho là "tay mưu sĩ không chơi được". Anh Ba đã quắc mắt điểm mặt:
- Chú đã nhiều lần làm cho tôi mang tai tiếng. Người ta đã tố tôi đung túng chú làm nhiều điều xằng bậy. Hãy bỏ tánh ngông muốn làm đao phủ ấy đi. Công việc đó đã có ngành tư pháp đảm trách, không phải việc của chú.
Hoàng Thọ thấy anh Ba nổi nóng, lặng lẽ bỏ đi. Nhưng sau đó Hoàng Thọ nói riêng với chị Thanh:
- Tôi đã nói với anh Ba là phải nhìn đời bằng hai con mắt mới thấy rõ kẻ tốt người xấu, kẻ nịnh người trung.
Chị biết anh Ba đã nghĩ ngợi nhiều về ngã rẽ quan trọng trong đời mình. Nhưng anh Ba không để lộ ra ngoài cho bất cứ người nào, kể cả chị. Anh chỉ nói mí mí thôi. Chị nhất định phải tìm hiểu đằng sau bức điện gọi anh Ba ra ngoài ấy là cái gì. Chị tính sẽ hỏi anh Ba trong đêm nay. Nhưng anh Ba và ông khách cứ mải miết trò chuyện như một đôi bạn chí thân trong đêm cuối cùng trước chuyến viễn du không hẹn ngày về.
Gà rừng đã gáy, đêm sắp tàn, ngày gần rạng. Chị Thanh ấm ức nuối tiếc cái đêm cuối cùng anh Ba ra Bắc vợ chồng không sao tâm tình được. Chị hoàn toàn không ngờ đấy là đêm cuối cùng chị sống bên anh Ba Bình.
Khởi thảo 1978 tại Tân Uyên (chiến khu Đ)
Hoàn chỉnh 1995 tại Đông Triều (Đệ Tứ chiến khu)
Nguyễn Bình tại An Phú Xã
Huỳnh Văn Một kể chuyện miền Đông
Tài liệu tham khảo
- Quần đảo Côn Nôn của Sơn Vương (Trương Văn Thoại)
- Lịch sử Đảng bộ Quảng Ninh - Tỉnh uỷ Quảng Ninh
- Đệ Tứ Quân Khu - Nxb Quân đội Nhân Dân
- Một trang đáng nhớ - Trần Cung.
- Tiếng Chuông Bắc Mã - Hải Thanh
- Nhớ về chiến khu xưa - Hải Thanh
- Tổng tập văn học Việt Nam (35) - Nxb Khoa học Xã hội
- Ai giết Nguyễn Bình - Trần Kim Trúc
- Mười Ban công tác Thành - Nguyễn Danh Khôi
- Thơ Đồng Nai - Huỳnh Văn Nghệ
- Lược sử Biên Hoà 9 năm kháng Pháp - Nguyễn Văn Lung
- Hồ sơ của Uỷ ban Hành Chảnh Nam Bộ (1945 - 54)
- Les guerres d Indochine - Philippe Franchini The Struggle for Indochina - Helen Hammer 1954
- Background to Betrayal - Hilaire du Berrier 1965
- Historia (Guerres d indochine (1945-1954)
______________________
Các nhân chứng lịch sử
- Trần Văn Trà, thượng tướng, thời kháng Pháp là khu trưởng khu 8
- Tô Ký, thiếu tướng, Chi đội trưởng Chi đội 12
- Đào Sơn Tây, thiếu tướng - Chi đội trưởng Chi đội 6.
- Huỳnh Kim Trương, Chi đội trưởng Chi đội 1
- Huỳnh Văn Một, Chi đội trưởng Chi đội 15.
- Dương Văn Hà, Chỉ huy trưởng Liên Chi 2-8
- Mai Văn Vinh, Chi đội trưởng Chi đội 7
- Nguyễn Văn Lung (Hai Lung), Chi đội trưởng Chi đội 3
- Nguyễn Văn Lung (Ba Lung), Chi đội trưởng Chi đội 10
- Hứa Văn Yên - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chi đội 6, 16
- Nguyễn Văn Bứa (Nguyễn Hồng Lâm), thiếu tướng, Chi đội 12.
- Hồ Thị Bi, đại tá, chi đội 12
- Nguyễn Văn Trân (Bẩy Trân), Chủ tịch tỉnh Chợ Lớn
- Lương Văn Trọng, Bí thư của Nguyễn Bình
- Nguyễn Danh Khôi, Trưởng ban công tác 10
- Vũ Hải Sơn; Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Quyết Tử.
- Kỹ sư Lê Tâm, Cố vấn phá hoại của Nguyễn Bình
- Dược sĩ Bùi Quang Tùng
- Dược sĩ Hồ Thu
- Bác sĩ Trần Nam Hưng, Quân y viện trưởng khu 8
- Bác sĩ Võ Cương, Chính trị viên Chi đội 10
- Bác sĩ Ngô Văn Quỹ, Thư ký của Nguyễn Bình
- Nữ Bác sĩ Ngọc Kha, Thư ký của Nguyễn Bình
- Võ Bá Nhạc, Chánh văn phòng BTL Nam Bộ
- Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, uỷ viên tài chinh Nam Bộ
- Giáo sư Phạm Thiều, uỷ viên Tuyên truyền Nam Bộ
- Giáo sư Hồ Văn Lái, uỷ viên Tuyên truyền Đặc khu Sài gòn-Chợ Lớn
- Nguyễn Xuân Diệu, Giám đốc Trường quân chính Khu 7
- Vũ Huy Xứng, Phòng chính trị Nam Bộ
- Nguyễn Đức Hình, Phòng chính trị Nam Bộ
- Trần Xuân Độ, Chinh trị bộ chủ nhiệm Khu 7
- Nguyễn Văn Sĩ (Sĩ Kiềng), thiếu tướng, Tiểu đoàn 307
- Trần Văn Đẩu (Tư Đẩu), Chi đội phó Chi đội 11
- Huỳnh Thế Phương Chi đội phó Chi đội Trần Phú
- Phan Trọng Tuệ, Chánh uỷ khu 7
- Cao Văn Bổ, Tỉnh đội trưởng Biên Hoà
- Lê Minh Xuân, Trưởng ty công an Tân An
- Vũ Đình Thiệp, Thư ký của Nguyễn Bình ở chiến khu Đông Triều
- Hoàng Thị Thanh, Liên lạc thành của Nguyễn Bình
- Vương Thị Trinh, Trưởng phòng mật mã Nam Bộ.
- Trần Văn Quới, Bộ đội An Điền (Chi đội 25)
- Ung Văn Khiêm, uỷ viên Nội vụ Nam Bộ
- Thanh Sơn Nguyễn Văn Tây, Trưởng ban quân sự Nam Bộ
- Nguyễn Đăng, Tham mưu trưởng quân Khu 8
- Dương Văn Giỏi, Tiểu đoàn 303
- Lưu Hồng Cúc, Cảm tử Thành
- Nguyễn Văn Tuồng, Quân nhu Khu 8
- Nguyễn Thế Trường (cháu gọi Nguyễn Bình bằng chú), Bần Yên Phú, huyện Mỹ Văn tỉnh Hưng Yên
______________________
Phụ lục
Nguyễn Bình, huyền thoại và sự thật là truyện dài tư liệu lịch sử hiện đại với những nhân vật và sự kiện có thật trên chiến trường Nam Bộ từ đầu đến cuối cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
Các tư liệu dưới đây được xếp theo thứ tự thời gian chung quanh vấn đề Bẩy Viễn đầu Tây:
1 - Biên bản hội nghị ngày 25 –3-1948
Về việc ông Mười Trí được cử đại diện Bình Xuyên trong UBKC-HC thành Sài gòn - Chợ Lớn
2 - Biên bản hội nghị ngày 26 -5 -1948 để giải quyết vấn đề Khu 7
3 - Bài nói chuyện của Trung tướng Nguyễn Bình về bộ đội Bình Xuyên ngày 26 -4 -1948
4 - Tuyên ngôn của chiến sĩ Bình Xuyên về việc Bảy Viền đầu giặc Pháp
5 - Thanh minh của ông Mười Trí
6 - Châu Tri của UBKC-HC Nam Bộ ngày 29-6-1948 về việc Bảy Viễn đầu Tây.
7 - Thông cáo của UBKC-HC Nam Bộ ngày 20-7-1948 về việc Bảy Viễn đầu Tây
8 - Thư gửi ông Nguyễn Thành Vĩnh số 688-QS của trung tướng Nguyễn Bình
9 - Thư từ biệt của Trung tướng Nguyễn Bình gửi ông Nguyễn Thành Vĩnh ngày 30-4-1950
Tác giả xin trân trọng cám ơn Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh nguyên là uỷ viên Tài chánh trong Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ đã cung cấp tư liệu trên để giúp tác giả hoàn chỉnh bản thảo này.
Nguyên Hùng
______________________
Thư Nguyễn Bình
Trung tướng Nguyễn Bình gửi thư từ biệt ông bạn thân Nguyễn Thành Vĩnh
Bạn Nguyễn Thành Vĩnh
Tìm bạn để chào bạn trước khi đi xa mà tiếc không được gặp.
Trong mấy năm trời trên đường cứu quốc, chúng ta quen nhau, hiệu nhau và kính nể nhau, quý mến nhau.
Xa bạn tôi không quên được những cử chỉ thanh cao và thành thật của bạn - và cũng không bao giờ quên được ngày đầu tiên gặp bạn tại nhà bạn ở Đa Kao Sài Gòn ngày Nam Bộ điêu linh và gian khổ nhất.
Hôm nay phải xa bạn, xin chúc bạn đầy sức khỏe và mạnh tiến trên đường giải phóng cho dân tộc và nhân loại khỏi ách tham tàn bóc lột của tư bản đế quốc
Thân ái siết tay bạn.
Bình
Nguyễn Bình
30-4-1950
T.B. Không có gì để lại làm kỷ niệm tặng bạn. Xin tặng bạn cuốn album nhỏ kỷ niệm ngày lễ thụ phong của tôi có bạn tham dự.
Bình