Sáng dậy trời vẫn lạnh và kèm theo mưa rây. Mẹ bắt chị Lương chở tôi đến trường. Từ hồi ba hay xa nhà mẹ cưng tôi hẳn. Lúc nào cũng làm như tôi còn bé hạt tiêu lắm.
Bọn con gái đạp xe phăm phăm trong mưa, gấu quần dính đất đen thùi lùi. Lúc đi ngang qua Nguyệt, Xuyến vẫy tôi rối rít: “Hôm nay bồ sướng nghen, có người đưa rước”. Tôi thanh minh: “Tại trời mưa chớ bộ” và cảm thấy cái lưng muốn gãy làm đôi vì không quen ngồi một bên. Tôi ngọ ngoạy, chị Lương gắt: “Ngồi yên không té xe giờ” – “Em mỏi” – “Thôi ráng chút xíu – Chị thương hại – Sắp tới rồi. Hai bạn em đó hả?” – Tôi quay nhìn tụi nó đang đạp xe chầm chậm phía sau. “Dạ. Con mập mập là Nguyệt. Đứa kia là Xuyến, bạn hơi thân của em” – “Mày sướng thiệt, lúc nào cũng có bạn thân – Chị tiếc nuối – Hồi đó tao cũng có nhưng giờ tan tác hết”. Tôi châm chọc: “Tại chị không biết giữ thôi. Còn than khổ cái nỗi gì”.
“Chết cha – Chị la làng – Mày không bận áo gió à?” – “Hì Út quên – Tôi cười cầu hòa – Nãy vội quá em quên” – “Coi chừng bệnh. Hay lấy áo chị mặc”. Tôi nhăn mặt: “Mắc gì em phải mặc. Chị lạnh chị mặc đi. Em hổng có sao hết”. Tôi khuỳnh tay, hùng dũng vô trường.
Lớp hôm nay như trổ bông. Đủ các loại áo ấm màu sắc sặc sỡ. Loay hoay cũng chỉ có mấy thằng con trai với tôi không bận áo gió. Nhìn ra ngoài trời bụi mưa phủ dày. Gió thổi lọt qua cửa sổ tốc hết sách vở, lạnh hun hút.
Lam dò hỏi: “Hồi hôm bánh ăn có được không?” Tôi đỏ mặt: “Lần sau muốn cười thì kiếm chỗ khác nghen”. Lam xịu mặt, lầm bầm: “Trời, ăn nói gì xóc hông vậy. Có ý tốt thôi mà”. Tôi hối hận vội vã sửa sai: “Cám ơn nhiều nhưng anh làm tôi sợ muốn chết”. Xuyến quay xuống góp chuyện: “Ly tưởng Lam thả con chuột lắt vô. Muốn cho thì cho trước mặt, còn vòng vo mãi”. Lam lấp lửng: “Ly ghê lẵm”. Tôi tròn mắt: “Là sao?” – “Ly hay chọc quê thấy mồ. Ai dám”.
Thâyg giáo gõ thước lên bảng đánh cách. Xuyến rụt cổ quay lên sau khi thè lưỡi trêu Lam: “Vậy Ly mới trị được Lam chớ”. Thầy ra lệnh: “Lấy giấy ra làm toán nhanh”. Mặt Lam vẫn thần ra. Tôi giục: “Kìa!” – “Cái gì?” – Lam ngơ ngác – “Kiểm tra toán nhanh. Mau lên”. Nó uể oải rứt giấy. Thầy đọc đề bài. Lớp im phăng phắc, tiếng viết cạ vào giấy loạt xoạt. Tôi liếc sang thấy Lam vẫn chống cằm nhìn tha thẩn cửa sổ. Tôi khều: “Sao không làm đi. Bài này dễ ẹc”. Từ đầu năm đến giờ, nói không phải kheo, tôi với Lam vẫn luân phiên giữ kỷ lục làm toán nhanh và chính xác nhất lớp. Chỉ có điều lời giải của Lam bao giờ cũng độc đáo và ngắn gọn hơn của tôi.
Lam thì thầm: “Coi mấy cái lá rơi kìa”. Tôi kinh ngạc nhìn Lam, thấy mái tóc bàn đinh của nó đã mọc dài ra, phủ lờm xờm xuống vầng trán rộng và phẳng. Tôi lẩm nhẩm… 36,5… Sao tính căn lại lẻ thế này nhỉ? Thôi chết cha, mải nói chuyện tính lộn ngay từ đầu. Tôi ngẩng lên: Một, hai, ba, bốn… Xuyến là người cuối cùng chạy lên nộp bài. Thầy lại gõ thước đánh cộc thông báo hết nhận bài. Tụi nó về chỗ mặt mày tươi tỉnh và vênh vào. Lam dòm tờ giấy tôi viết dở trên bàn, thắc mắc: “Chưa làm xong à? Sao bảo dễ”. Tôi cay cú: “Tại anh tui mới làm lộn tùm lum”.
Thầy phát bài, nhận xét: Hôm nay bài dễ. Thật tiếc năm bài không ai trúng cả”. Thầy nhìn xuống bàn tôi: “Sao Ly với Lam không nộp bài?” Tôi cúi đầu im thin thít. Lam bẻ đốt ngón tay lốp cốp, nhổm đít dậy: “Thưa thầy trời lạnh đàu em mít đặc”. Tôi lừ mắt nhìn nó. May Lam nói nhỏ nên thầy không nghe thấy.
Mười lăm phút nghỉ giải lao giữa hai tiết, lớp không ồn ào như mọi hôm. Đứa nào cũng co rúm vì lạnh. Lâu lắm rồi Sài Gòn mới lạnh và lây phây mưa như thế này.
Tôi bắt đầu cảm thấy cóng tay, da gà nổi dượn lên từng đợt. Cổ họng đau buốt như vừa ngậm cả tảng đá bự. Xuyến kêu hoảng hốt: ‘Trời, mặt Ly tái mét. Mệt à?” – Tôi cười gượng: “Hơi lạnh chút xíu”. Lam cởi phăng cái áo gió trên người dúi vào tay tôi: “Mặc đi cho ấm. Tớ quen rồi. Lạnh thế này thấm gì so với ngoài Bắc”. Tôi thật thà: “Có thật là không có gì không? Vậy cho Ly mượn héng”. Tôi tròng áo vô, người bắt đầu ấm ran. Máu chạy điều hòa trở lại. Tôi xuýt xoa khoan khoái: “Áo anh Lam ấm quá”. Lam tủm tỉm: “Chủ sao áo vậy mà!” Tôi giả đò không nghe thấy, đánh trống lảng: “Anh Lam hồi này bày đặt mơ mộng nữa ta” – “Không phải. Nhưng thấy nhớ Hà Nội quá”. Lam mân mê cán bút xanh đỏ trên tay: “Không khí này hệt gần chớm đông Hà Nội. Lá bàng rụng đầy ngoài đường. Tụi Lam hay trốn học, đi lang thang qua đường Thanh Niên ở Hồ Tây. Ly biết Hồ Tây lần nào chưa?” – “Chưa. Nghe bảo đẹp lắm” – “Còn phải nói. Trời xám mọng. Nước trong hồ như bốc khói. Ngồi uống chè chén là nước trà đựng trong tách nhỏ đó, thú phải biết”. Tôi cười đùa: “Ngồi bên cạnh người Hà Nội mà không biết chút xíu gì về hà Nội thiệt chán há?” = “Ờ - Lam đồng tình – Khi nào Ly đi ới một tiếng Lam dẫn ra cho. Bạn Lam ngoài đó vô khối” – “Giờ còn liên lạc không?” – Tôi tọc mạch – ‘Ban đầu một vài lá thư. Sau lâu lâu gọi điện. Xa mặt cách lòng mà” – Ánh mắt nó buồn hẳn. Nó lôi trong cặp ra một tấm ảnh nhỏ chụp nhóm người trai có gái có. Tôi nhận ra mớ tóc dựng ngược của Lam ở phía bên trái. Mơ hồ nhận ra một Lam tình cảm khác hẳn Lam lấc cấc của ngày thường.
Cô giáo dạy Văn vô lớp và chép tựa bài lên bảng. Lưng Xuyến ngọ ngoạy trước mặt tôi là một tấm bình phong che chắn tia quét của cô rất tuyệt. Tôi để ý một con bé mặc chiếc váy đầm đen để lộ cặp chân dài tắng muốt và khuôn mặt xinh như một cô người mẫu đứng e thẹn bên Lam nhưng đứng lạc lõng giữa đám vui nhộn và bụi đời, Tôi hỏi: “Ai thế?” Lam kín đáo liếc tôi: “Bạn thân của mình. Xinh không?” Tôi làm mặt tỉnh queo dù trong lòng có gì gợn lên một chút: “Ừ, đẹp. Nói chung là chấm được” – “Bạn cùng trường. Hơn Lam một tuổi nhưng trẻ con lắm”. Lam kể cặn kẽ: “Không thông minh bằng Ly”. Mũi tôi nở phồng lên lại xẹp xuống để lấy đà cho sự nở tiếp theo. Tôi giả bộ ho khan. Lam tiếp tục: “Nhưng con gái hơn Ly nhiều”. Mát Lam ánh lên vẻ chế giễu. Tôi giật mình, tự nhiên nổi cáu: “Mắc gì ông đi so sánh chỉ với tui. Hồi nào giờ tui là vậy đó”.
“Ly, Ly. Kìa Ly – Xuyến gọi giật giọng – Cô kêu đọc bài nãy giờ kìa “. Tôi hốt hoảng đứng dậy làm hộp bút đổ xủng xẻng xuống đất. Cô hỏi: “Lam với Ly nói chuyện gì vui vẻ thế?” Tôi ngượng ngập không biết trả lời. Cô lại bảo: “Lam ngồi xích ra bên trái. Cô nghĩ trời lạnh nhưng mọi người vẫn có thể ngồi đúng vị trí và theo dõi bài được”. Cả lớp cười rần rật. Lam cũng cười tỉnh bơ. Mặt tôi đỏ rần, cầu đất nẻ mà chui xuống được. Trong bụng tức tối nghĩ, sao lần nào dính vô chuyện cái ông quỷ con này là y như rằng có chuyện xảy ra. Thật tệ!
Mưa cuối cùng cũng tạnh. Đường phố lớp nhớp lá và nước bùn đen bẩn. Tôi lơ láo trước cổng trường gần mười ba phút có lẻ mà vẫn chưa thấy chị Lương tới rước. Đám bạn đã kéo nhau về hết. Tôi tự bảo, đến người đàn bà thứ mười đi một mình một chiếc Cub chắc chắn sẽ là chị Lương. Nhưng rốt cục đã mười chín người đàn bà như vậy đi qua mà bóng chị vẫn mịt mờ tăm tích. Tôi tủi thân chỉ muốn bật khóc. May có cái áo của Lam nếu không tôi đã chết cóng.
Một chiếc Cub phóng vọt qua rồi bọc vòng lại bấm còi nhặng xị. Tôi nhận ra Lam đang toe toét cười, phô hàm răng đều và sáng bóng với cái lúm đồng tiền con con bên khóe miệng. Tôi mừng rỡ: “Ủa anh Lam chưa về à?” – “Chưa. Tại biết hôm nay có thể kiếm thêm được một việc làm” – “Việc gì vậy?” - Tôi tiu nghỉu vì thấy cơ hội nhờ Lam chở về giùm đã tan thành mây khói, đành hỏi cho lấy lệ. “Thật không biết hả? – Lam háy mắt – Là làm tài xế đó. Nào, bây giờ thì xin mời quí cô nương lên xe”. Tôi leo tót lên xe, rụt cổ vào áo cho ấm và cố nén một tiếng thở vào nhẹ nhõm. Lát sau mới sực nhớ: “Anh Lam mặc áo nè” – “Thôi khỏi – Lam tăng ga cho xe chạy vù vù – Ly cứ giữ mà mặc cho ấm”.
Tôi gạ chuyện: “Vụ đánh nhau hôm trước hai người lỡ tay thiệt à?” – “Không, tai…” Lam im bặt rồi bối rối: “Ờ, ờ lỡ tay thiệt”. Tôi nằn nì: “Kể cho Lu nghe đi. Ly hổng có nói cho ai nghe đâu” – “Không được – Lam lúng búng – Bây giờ chưa được. Mai mốt Lam sẽ kể cho Ly nghe”. Tôi hậm hực: “Mai mốt là bao lâu. Người ta cần bây giờ mới nóng sốt chó bộ”. lam nhất định im bặt làm tôi cũng đâm ngại không hiểu mình có đòi hỏi quá đáng không, đành câm bặt.
Lam kêu: “Tới nhà Ly rồi kìa!” Tôi ngạc nhiên thật sự: ‘Ủa sao biết nhà Ly vậy?” – “Vậy mới là thám tử Sờlốc Lam chứ!”
Tôi xuống xe tức tối bấm chuông. Không thể nào tưởng tượng được, người ra mở cửa lại cính là chị Lương, mặt mày hớn hở, tai đeo phone, tay cầm quyển tiểu thuyết dày cộm. Vừa ngó thấy mặt tôi chị ớ người ra: “Chu cha chị quên. Đầu óc chị tệ thật. Chị cứ thấy thiếu thiếu cái gì”. Tôi giận dỗi: “Mẹ đâu?” – “Mẹ xuống dì” – “Hèn chi…” tôi nghẹn giọng, nước mắt bắt đầu chấp chới lên mắt. Chị rồi rít: “Cho chị xin. Tối nay chị đền Út một chầu chè nghen! Nghen!” Chị quay sang phân trần với Lam: “Út Ly ở nhà được cưng nhứt. Nhõng nhẽo như mít ướt vậy”. Tôi tự ái: “Nhõng nhẽo hồi nào đâu. Tại bụi bay vô mắt chớ bộ”. Tôi cởi áo gió đưa cho Lam, mặt vẫn còn nhăn nhó: “Đây là Lam, bạn ngồi cùng bàn với em” – “Chị nom em quen quen” – “Dạ chị gặp em ở nhà cô Nụ” – “À há. Cha, chút xíu chị quên, em vô nhà chơi” – “Dạ thôi em về. Trưa rồi. Chiều em còn phải đi học”. Tôi lí nhí: “Cám ơn nhiều nghe”. Lam tỏ vẻ bất cần: “Ôi ơn huệ gì. Vô tư đi. Tớ về đây. Em về đây chị”. Nó phòng vọt xe đi, phụt lại một luồng khói khét lẹt và bùn bắn tung tóe.
Chị Lương nhận xét: “Thằng đó có vẻ quậy ghê”. Tôi gân cổ cãi: “Hổng có đâu. Nó chơi cũng được, tốt bụng với bạn bè lắm. lại học toán có cỡ trong lớp đó”. Chị Lương nhìn tôi chằm chằm: “Sao tự nhiên bênh nó chằm chặp vậy”. Tôi mắc cỡ: “Chị Lương kỳ, người ta làm việc thiện cho mình mình phải nói tốt cho họ chớ”. Trong bụng hơi ngạc nhiên vì thấy mình có thể chấp nhận cái kiểu vọt xe hơi bất lịch sự ấy của nó được.
Mẹ ngồi may bên cửa sổ, tiếng máy đạp lè xè buồn bã. Tôi nằm chống cằm ngó chằm chằm vô mảnh gương trước mặt. “Sao hoài ba không về vậy mẹ?” – “Mẹ không biết – Giọng mẹ nghèn nghẹt như bị cảm – Chắc ba bận nhiều công việc không dứt ra được” – “Ba thiệt kỳ mẹ hén”. Tôi càu nhàu, ráng hết sức ép mớ tóc ngắn ngủn cứ chực dựng lên như đuôi con gà chọi. “Mẹ ơi, con để tóc dài có hợp không mẹ? Tướng con mặc đầm có kỳ không héng?”… Chị Lương đang ngồi coi tivi quay phắt lại, mừng như bắt được vàng: “A, cô Út nhà mình hôm nay người lớn rồi ta – Chị dựng tôi dậy, xoay tôi mòng mòng – Tóc dài được, mặc đầm được. Chỉ có điều tính tình phải dịu dàng chút, nghe chưa?” Mẹ góp chuyện: “Đúng rồi đó. Con gái lớn đi đứng phải đoan trang ăn nói dịu dàng. Lúc nào cũng hùng hục như con trai người ta cười chết. Mai mẹ cho tiền con Lương dẫn em đi mua áo đầm” – “Là con nói thế thôi. Chớ giờ hoc, diện đầm lúc nào mà mua cho uổng” – “Con nhà quê này – Chị Lương bẹo má tôi – Đi dự sinh nhật, đi chơi bao nhiêu dịp. Đừng có điệu rơi điệu rụng ra là được chớ gì”.
Tôi không trả lời, nằm quay mặt vô tường cười tủm tỉm một mình. Tưởng tượng mình xõa tóc dài, à không tết thành bím có nơ cột như của con Mây chắc xinh hơn, đỡ nóng bức hơn, đạp xe thong thả giữa phố đầy cây và người và nắng… Chỉ nghĩ đến đó tôi đã ngủ thiếp đi mất.
“Út ơi”. Tôi vùng dậy dớn dác: “Ba về hả mẹ?” – “Không – Mẹ xoa xoa đầu tôi – Vô nhà ngủ đi con, nằm ở đây muỗi”. Tôi ngáp chảy nước mắt, không muốn động tay chân. Bỗng nhớ ba quay quắt. Ngày xưa mỗi lần ngủ quên như vầy ba lại bồng tôi vô giường, lèn mùng mền cẩn thận rồi mới rón rén đi ra. Ba ơi, giờ ba ở đâu? Ba có nhớ con không?
Trúc đặt ly cà phê lên khay: “Ba Ly về chưa?” – “Chưa”. Tôi buồn bã vẽ những hình li ti trên mặt bàn đầy nước. “Cũng chả có tin tức gì” – “Rồi sẽ ổn hết – Trúc an ủi, già dặn như một cụ non – Chắc ở xa quá không liên lạc được. Đợi Trúc chút xíu nghen”…
Tôi lơ đãng nhìn Trúc bưng đồ tới bàn ăn số ba. Ở đó có một đám thanh niên loai choai nói cười ầm ĩ. Một đứa con gái chồm lên vuốt má Trúc. Mấy đứa còn lại cười hô hố. Chúng nó đổ đầy nước ra bàn và bắt Trúc phải lau bằng sạch, Trúc nhẫn nại làm và bình thản quay lại chỗ tôi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi bực: “Sao Trúc để thế được. Ai cũng là người” – “Nhưng bọn nó giàu. Mình chỉ là người phục vụ”. Tôi nhỏm dậy: “Giàu nghèo không phải là thước đo để coi thường nhau. Trúc không nói để Ly nói”. Trúc kéo tay tôi lại can: “Kệ họ, có mất gì”. Tôi chán: “Trúc thay đổi quá à!” Đám thanh niên đã kéo đi. Quán trở nên yên tĩnh hẳn. Trúc bảo: “Đi làm mới biết. Không tự do, sung sướng như đi học được”. Tôi dịu dàng “Dạo này Trúc có thì giờ để học không?” – “Không tồi – Trúc vui vẻ - Đang đợi kết quả thi học sinh giỏi. Mà khả quan lắm nghe”. Nói đến chuyện học Trúc tươi tỉnh và tự tin hẳn lên: “Năm bài làm được cả năm. Phần cuối hơi lừng xừng một tí nhưng không ăn nhằm gì” – “Chuẩn bị đập heo ăn mừng được chưa?” Tôi đập mạnh vai Trúc: “Ý quên…” Tôi kêu lên, sực nhớ lời mẹ dặn: “Con gái lớn…” – “Chuyện chi?” – Trúc hỏi. Tôi chối bay: “Không gì. Bà nội mạnh không Trúc?” – “Bà yếu xìu – Trúc buồn xo – Bà bệnh lại chẳng được thuốc men đầy đủ. Trúc làm vầy đâu có lo đủ tiền bồi dưỡng cho bà”. Nó nhìn ra ngoài trời đầy sao, mặt xanh xao nhưng hai mắt sáng long lanh: “Ước chi có ba hạt dẻ thần ở đây. Một hạt Trúc ước má Trúc về. Hạt thứ hai ước ba Ly không đi công tác xa nữa. Hạt cuối cùng Ly với Trúc là bạn thân mãi” – “Còn nội?” – “Má về, Trúc học giỏi lại ngoan là bà vui. Bà hết bệnh liền à!”
Chúng tôi cùng yên lặng. Trúc gục đầu xuống như đang cầu nguyện. Tôi không biết lời cầu nguyện của nó có đến tai được vị thần nào không mà chỉ một thời gian sau điều ước của nó đã thành sự thật, cho dù nó kéo theo bao nhiêu chuyện đau buồn khác.
Sài Gòn mưa nắng thất thường. Nhà nào cũng thủ sẵn một vỉ decolgen trong tủ thuốc. Mỏi mệt và uể oải len trong đời sống chỉ đợi có một sơ hở là kèn người ta ngã bệnh lăn quay.
Trúc tới, phờ phạc thông báo: “Nội bệnh nặng phải đưa vô cấp cứu hồi đêm. Trúc đi làm về thấy bà nằm té đập đầu xuống đất. Chắc bà bị trúng gió”. Tôi kéo Trúc ngồi xuống: “Từ từ đã. Bây giờ bà ở đâu?” – “Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bà chảy máu tùm lum, mê man từ đó tới giờ”. Trúc rân rấn nước mát. “Có ai trông nội không?” – “Giờ thì không. Trúc chạy về lấy đồ ghe qua báo cho Ly hay rồi vô liền”. – “Vậy đợi Ly chút xíu”. Tôi chạy lên thay đố. Đồng hồ xhir bảy giờ thiếu hau mươi phút. Hôm nay đành phải nghỉ học thôi. Một tiết Lý, hai tiết Văn, hai tiết Toán… không có tôi chắc Lam sẽ chịu chép bài đầy đủ hơn.
Tôi xuống nhà. Trúc ngủ gật trên divan, đầu ngoẹo sang một bên khổ sở. Tôi xách túi đồ, lay Trúc: “Dậy đi, Trúc ơi!” Trúc mở mắt ngơ ngác: “Đi đâu?” – “Vô với nội chớ đi đâu” – “Ờ hén, đêm qua Trúc thức trắng mệt quá”. Trúc vặn vẹo người cho đỡ mỏi: “Thôi vô lẹ không nội đợi”.
Tron phòng hồi sức Hiền, Thục, đứa đứng đứa ngồi vẻ mặt bồn chồn. Vừa nhác thấy chúng tôi, bọn nó đưa tay suỵt khẽ: “Bà vừa ngủ lại. Hồi nãy tỉnh dậy, bà đòi gặp Trúc miết”. Trúc lại gần giường cầm tay bà ấp lên mặt. Cái bàn tay lủng củng xương, nhăn nheo đầy gân xanh đã từng làm bao nhiêu việc, kể cả lượm bao nilon để nuôi Trúc lớn bằng này.
Tôi hỏi khẽ: “Sao bọn mày biết nhanh vậy?” Thục tự hào: “Bạn thân có gì là không biết”. Hiền cười khe khẽ: “Đùa thôi. Hồi sáng tụi tao ghe qua nhà Trúc thấy khóa cửa. Bà Năm chạy sang báo cho biết đó chớ”. Thục kéo áo Trúc: “Ông về nghỉ đi. Để tụi này trông nội cho” _ “Mấy bạn còn phải đi học” Trúc e dè. “Trễ rồi học gì nữa – Thục toét miệng cười – Lâu lâu mới được cúp học vì có lý do chính đáng chớ bộ. Bây giờ chia ca nghe. Sáng nay là tụi này. Chiều đến ông. Tối nay ai rảnh?” – “Ly rảnh”… “Ờ, vậy tối Ly với Trúc trực đêm” – “Chết cha – Hiền nhớn nhác – Tối nay tao cũng rảnh” – “Mày hả? Để khi khác. Tối nay hổng có duyệt”. Thục cười ranh mãnh. Tôi cáu: “Con quỷ. Vô đây còn quậy được” – “Thì cũng phải để cho ông Trúc tươi cái mặt lên chút chứ!” Thục chống chế. “Lo cho mày đi – Tôi lườm Thục – Cái miệng lép nhép hoài không kịp lên da non”. Hiền giục: “Trúc về nghỉ đi!” Trúc ra cửa còn nhóng lại: “Cám ơn mấy bạn nhiều nha” – “Ơn gì – Thục rúc rích – Hồi bà khỏi bệnh cho tụi này xơi một bữa là xong ơn huệ liền”.
Bóng Trúc đã khuất sau tấm kính chắn mờ vẽ chữ thập đỏ chót. Tôi ngắt mũi Thục: “Quỷ con. Mày lúc nào cũng ăn uống. Tiền nó lo chưa đủ cho bà nằm bệnh viện mày còn bóc lột” – “ Là tao ghẹo thế. Chớ tới lúc đó tụi mình hùn tiền vô chung mà” –“Đứa nào đòi ăn đứa đó bỏ tiền, Hiền há?”
Bà nội cựa quậy người. Vài sợi tóc bạc dính bết trên vầng trán nhăn nheo. Hai má bà tóp xọp. Cái miệng chấp chới há ra ngậm vô từng chút không khí. Hiền vuốt vuốt trán bà, thở dài thiểu não. Thục gắt: “Mày cứ âu sầu vậy càng làm thằng Trúc rối ruột thêm. Ra đây tao biểu cái này”. Ba đứa chụm đầu vô. Thuchj lào thào: “Đứa nào cũng có quỹ tiết kiệm phải không? Chịu hùn vô chữa bệnh cho bà nội không?” Hiền lo lắng: “Nhưng mờ Trúc hay mặc cảm lắm. Chắc chắn nó sẽ từ chối”. Thục láu táu: “Từ chối làm sao được. Tao có cách tụi mày khỏi lo” – “Cách chi vậy?” – “Bí mật cứ nộp đủ tiền cho tao đã rồi từ từ biết” – “Không phải mua bò bía với gỏi bò mời bà xơi chớ?” Thục liếc tôi một cái sắc lẻm: “Người ta đang bàn chuyện nghiêm túc chớ bộ”. Hiền xí xóa: “Xin can. Xin can. Ở đây là bệnh viện mà tụi bay làm như cái chợ” – “Ủa – Thục trợn mắt – Máy không biết ba người đàn bà họp lại với con vịt mới thành cái chợ à? Tụi mình còn thiếu con vịt, lo gì”.
“Tôi có thể biến thành con vịt được không?” Một giọng khàn khàn cất lên. Chúng tôi giựt mình ngoái ra sau. Ông bác sĩ già vô cùng bệ vệ dẫn theo một đám sinh viên thực tập. Ông ta yêu cầu: “Bây giờ chúng tôi khám bệnh cho bệnh nhân. Mời các cô ra ngoài kia”.
Ba đứa đứng chóc ngóc ngoài cửa hơn 15 phút. Lâu lâu Thục lại lon chon nhón người lên, xong lại thụt xuống thất vọng: “Tầm quan sát bị chặn bởi những hàng rào kẽm gai của những cái lưng quá phì nhiêu”. Hiền nhăn: “Mày nói khẽ không hị nghe thấy chửi chết” – “Đùa vui mà” Thục rụt cổ cười hi hi.
Cửa khính mở. Ông bác sĩ lại dẫn bầy sinh viên diễu qua trước mặt chúng tôi đến phòng khác. Tôi túm tay một anh chàng sinh viên tướng mập mạp: “Anh ơi, bà nội em có sao không?” Anh ta quay lại nhìn tôi vẻ khó hiểu, mặt cau có và câm lặng bước đi. Tôi không kịp tức, chỉ thấy buồn cười vì cái bộ dạng quan trọng đó hoàn toàn không hợp với cặp kính cận quá bé bỏng và tội nghiệp nằm chênh vênh trên khuôn mặt tròn xoay và ửng đỏ vì nóng bức. Một mẫu người không thể dành cho các bệnh viện miễn phí.
Hơn chín giờ Trúc đã vô, mang theo lỉnh kỉnh ly tách và một bịc bánh bông lan. Nó chìa ra mời, mắt viền hai quầng thâm tái xanh. Thục nửa đùa nửa thật: “Đang có chiến dịch chống tham ô hối lộ. Bộ muốn tụi này vô tù à?” Hiền giựt áo Thục: “Sao Trúc vô sớm thế?” – “Tại Trúc sốt ruột quá. Giờ mấy bạn về trước đi nghen”. Ba đứa ngần ngừ nhìn nhau. Tôi quyết định: “Ừ thôi về. Chiều đứa nào rảnh lại lên”.
Cả bọ lục tục kéo ra cổng. Trèo lên xe rồi Thục còn quay dặn dò kỹ lưỡng: “Nhớ chuyện hồi nãy nghen. Nhớ đừng cho thằng Trúc biết”.
Về nhà tôi chui tọt vô phòng, đóng chặt cửa. Tôi ngập ngừng nhìn con heo đất đỏ tươi có cái xoáy hồng hồng trên đỉnh đầu nằm phục phịch trên bàn học. Tôi cầm nó lắc nhẹ. Những đồng tiền giấy cạ vô nhau loạt xoạt. Lên quyết tâm, hạ quyết tâm mãi tôi mới đập được đít con heo, dốc ngược. Những tờ tiền gấp tư bay xòa ra đầy sàn. Gần hai trăm ngàn… Một bộ cọ và một hộp màu mơ ước từ lâu… Thôi nhé, tạm biệt chúng mày. Tao phải giúp đỡ Trúc, làm một việc gì đó có ý nghĩa hơn.
Tôi thở hắt ra vừa sung sướng vừa tiếc rẻ.
Mẹ gọi: “Út ơi có quà của ba nè”. Tôi hấp tấp chạy ra, vấp phải chân bàn đau điếng: “Ba về hồi nào vậy mẹ?” – “Lúc con vô bệnh viện. Xong ba lại phải đi công tác ngay”. Mẹ không biểu lộ một cảm giác gì. Bỗng nhiên tôi linh cảm một mối quan hệ bất bình thường đang diễn ra trong ngôi nhà này, mà chỉ riêng mình tôi là đứa mù tịt. Tôi gặng hỏi: “Ba mẹ có chuyện chi phải không?” – “Đâu có. Dạo này ba phải họp hành suốt mà”. Chị Lương ngồi ngoài xen vôi: “Phải đó. Hồi nãy ba về ba bảo phải họp liên miên. Ba còn nhắn tao kêu Út đừng có khóc nhè. Đó, đó mẹ thấy chưa? Mới nhiêu đó mà cái môi nó chảy thượt rồi kìa”. Chị cười hích hích. Tôi ngượng dụi đầu vào vai mẹ: “Đâu, quà con đâu?” Mẹ đưa cho tôi một hộp lớn. Ôi trời, một bộ cọ con sóc và hộp màu nước Lêningrat. Mẹ ơi, ba thật muôn năm! Tôi hôn mẹ đánh chụt, nhảy tưng tưng khắp nhà. Quên bẵng chuyện đặt dấu hỏi nghi ngờ hồi nãy. Dấu hỏi mà ngày lại ngày càng lúc nó càng to bự lên.
Tôi đến lớp mặt mày ngơ ngáo vì ngủ ít. Vừa đặt phịch cái cặp xuống chỗ ngồi, Nhật đã hối hả thông báo: “Có sự thay đổi lớn. Có một bé mới vào tên Như Oanh. Cô sắp nó ngồi chỗ Ly đó…” Nhật dừng lại nhìn tôi an ủi: “Tại con đó bự lắm” – “Vậy Ly ngồi đâu?” – “Trên kia, chỗ Nguyệt voi. Thằng Lâm xuống bàn chót ngồi với Thức Baganen” – Xuyến giả thích cặn kẽ.
Tôi nặng nề xách cặp lên. Không ừ hử không thắc mắc. Ngồi đây được cái xem bảng rõ, dễ tập trung nghe giảng bài và nhất là tránh được những cú va chạm không lấy gì làm tuyệt vời giữa tôi và Lam. Nhưng bù lại khung cửa sổ đã biến mất, thay vào đó là một mảng tường loang lổ những màu vàng, nhạt nhẽo và kìn bưng bưng.
Như Oanh nhẹ nhàng ngồi vô chỗ tôi. Phải công nhận là nó rất xinh. Tóc loăn xoăn, mắt to mũi cao, môi đỏ mọng. Nhất cử nhất động của nó đều yểu điệu thục nữ như người trong tủ kính. Ngay lập tức nó là tâm điểm để bọn con trai đổ dồn mát vào.
Lam đi ngang qua chìa cho tôi bịch ô mai to tướng “Cho Ly đó. Hôm qua mẹ Lam ở ngoài Bắc vào” – “Anh cho Ly nhiều vậy? Còn mấy bạn nữa” – “Tụi nó ăn rồi. Cái này phần cho Ly”. Nó ngần ngừ: “Hôm qua sao Ly nghỉ? Bị ốm à?” – “Không. Bà của Trúc đi cấp cứu. Ly vô phụ nó” – “Ngồi đây tốt hơn không?” – Nó hỏi dò. “Tốt hơn chớ - Tôi vênh mặt – Nhìn rõ bảng. Nhất là không phải nghe…” Tôi câm bặt. Lam hỏi buồn buồn: “Nhất là cái gì?” – “Ừm không…” Tôi luống cuống. May vừa lúc cô giáo vô, Lam phải chạy vội về chỗ. Tôi hết hồn, suýt nữa lại lỡ miệng chọc vô tổ kiến lửa. Sửa đi sửa lại mãi, tôi hoài không bỏ được tính châm chích người khác.
Suốt buổi học tôi không làm sao nhét được một chữ nào vô đầu. Miệng nhóp nhép muốn nói nhưng liếc sang bên Nguyệt voi hết cặm cụi chép bài lại chăm chú nghe giảng, mặt mũi đờ ra. Tôi xé giấy vẽ lăng nhăng mãi cũng chán. Mọi hôm cứ kiểu thế này là tôi với Lam lại rì rầm nói chuyện và sau cùng kết thúc bằng mottj cuộc tranh cãi kịch liệt (nhưng đã được giảm âm tối đa để tránh sự kiểm soát ngặt nghèo của thầy cô). Dù sao thì cũng vui hơn chán vạn lần thế này.
Tôi lén nhìn ra sau xem thử Lam đang làm gì bên cạnh cô bạn mới xinh đẹp. Như mọi hôm nó lại thì thào gì đó với Như Oanh. Lúc dừng lại nó nhón cổ nhìn lên bàn tôi, Bát gặp ánh mắt của tôi nó toe miệng cười, ngúc ngắc vẫy tay. Như Oanh lại kéo áo hỏi gì đó và nó cúi đầu xuống tiếp tục nói chuyện. Tôi chán chường quay lên. Cảm giác như người bị bỏ quên lâu ngày làm mũi tôi cay xè.
Tôi nhủ thầm, vớ vẩn. Chẳng có chuyện gì đáng buồn bực cả. Mọi chuyện sẽ trở thành thói quen. Cầu mong sao cho tiết cuối trôi qua thật nhanh để tôi còn về nhà đánh một giấc. Tôi thấy mệt và buồn ngủ quá!
Nhiên khều vai đưa tôi mảnh giấy nhỏ: “Của Lam gửi”. Tờ giấy xé lam nham chỉ vỏn vẹn hai chữ “Chán quá!” Tôi mủm mỉm cười, cắm mặt ghi nắn nót “Ừ, chán thiệt!” Tôi gấp tờ giấy định nhờ Nhiên chuyển lại. Nhưng khi nhìn xuống lại thấy miệng Lam nhóp nhép, mặt mày hớn hở. Rõ đò nói xạo. Có bao nhiêu chuyện để nói thế kia lại bảo chán được. Tôi bực bội vò nát tờ giấy ném mạnh vô hộc bàn, rồi để yên nó ở đấy hết ngày này sang ngày khác.
Dọc đường về tôi gặp Trúc đang băm bổ đạp xe về hướng bệnh viện. Tôi hỏi: “Nội sao rồi?” – Nó lắc đầu: “Không thấy đỡ chút nào – và thắc nắc – Hồi hôm lên coi thử viện phí bao nhiêu để Trúc về lo tiền trước, hổng biết ai đã tới thanh toán trước ba ngày. Trúc tưởng lộn, dò tới dò lui vẫn đúng là tên bà nội”. Tôi vẫn im lặng, cắm cúi đạp xe, Trúc lại kể tiếp: “Về nhà Trúc lại nhận được bao thơ tiền. Đề tên Trúc mà không thấy người gửi. Ai vậy hén?” – “Chắc người quen thôi”. Trúc tỏ vẻ phật ý khi thấy tôi hững hờ: “Người quen nào ngộ vậy. Đưa kiểu này ai dám xài, dù có cần kíp đi nữa” – “Dở hơi. Người ta gửi đến là có ý cho mình xài. Ông đừng có nghĩ lẩn thẩn nữa. Trán nhăn như ông già kìa – Tôi nhấn bàn đạp, buông thõng một câu – Của bạn bè cả mà!” – Và phóng vọt xe đi, để mặc Trúc đứng ở người phía sau.
Tôi nằm ngủ như chết trên divan. Trong mơ tôi nghe thấy tiếng chuông dồn dập, tiếng nói chuyện lao xao và có người đẩy tôi bước hụt xuống một cái hố lớn. Tôi giật mình tỉnh giấc. Hiền, Thục và chị Lương đứng vây quanh tôi. Hiền mếu máo: “Bà nội mất rồi”.
Tôi nghĩ mình nghe lầm nên hỏi lại: “Bà nội về nhà rồi à?” – “Không – Thục bặm môi, nước mắt tràn xuống má – Bà mất rồi!”
Tôi nghĩ tôi không là tôi nữa. Mọi chuyện diễn ra qua bất ngờ, như sét đánh ngang tai. Tay chân tôi nặng trĩu. Tôi đi ra cổng nghe tiếng chị Lương dặn loáng thoáng: “Thục chở bé Ly đi. Nó đang mệt lắm. Lát nữa chị ghé qua xem sao”.
Tới gần nhà Trúc, Thục bảo: “Mày nhớ bình tĩnh nghe. Trúc đang buồn đừng làm nó xúc động thêm”. Tôi im lặng, không nói nổi. Ngực đánh trống thùm thụp, tự nhiên thấy sợ hãi khi phải tới nói vài câu an ủi với Trúc.
Những người lớn ngồi trầm ngâm trên những chiếc ghế dài bằng gỗ kê sát tường. Bạn Trúc đến rất đông, túm tụm thành từng đám dưới cây mận, nhìn tôi tò mò. Tôi lẳng lặng đi ngang qua. Một vài đứa gật đầu chào tôi. Tôi cũng gật như một cái máy thấy quen lắm mà không thể nòa nhớ nổi đã gặp nó ở đâu.
Trong nhà ảm đạm, leo lét cháy hai cây đèn cầy cắm đầu giường. Nhìn bà nằm móp xọp trên giường tý hon như em bé mười ba tuổi quấn khăn trắng tôi òa ra khóc. Trúc từ từ quay lại, mắt mũi sưng húp mọng đỏ như trái cà chua. Trúc tiến lại gần tôi, quai hàm bạnh ra khổ sở. Rồi không kìm được, nó nấc lên, ôm chầm lấy tôi. Chúng tôi đúng ôm nhau rất lâu, chia sẻ nỗi đau đớn và hy vọng giúp nhau bình tĩnh lại, cho đến khi có một người đàn ông tới gần và bảo, giọn khản đục: “Đến giờ rồi. Con ra thắp nhang để liệm cho bà”.
Tôi lùi xuống sát tường. Hiền, Thục đứng đó từ lâu nắm vội tay xiết chặt. Những bàn tay thật hồn hậu và ấm áp.
Hôm đưa tang bà mưa sụt sùi, kéo dài lê thê mất hai ngày. Đường đi lép nhép bùn và trầy trật. Chiều nay Hiền phải đến trường học. Thục và tôi phụ Trúc dọn dẹp bàn ghế. Hôm nay đến Thục cũng im thin thít, không hó hé tiếng nào. Thỉnh thoảng nó lại liếc sang Trúc, mặt mày rầu rĩ.
Có tiếng lao xao ngoài ngõ. Con Mực xồ ra sủa cấm cẳn. Tiếng bà Năm xùy chó và gọi: “Trúc ơi! Ra có người kiếm bà nội mày nè con”. Trúc chậm rãi đi ra, cằn nhằn: “Sao bà không báo cho họ biết cho rồi” – Bà Năm vẫn vang vang: “Bả hỏi nhà bà Nhượng. Chèn ơi, cái xóm này hồi giờ đâu có ai tên dị. Một lúc tao nghĩ mới sực nhớ bà mày hồi còn con gái tên Nhượng, từ lúc lấy chồng đã đổi tên khác. May phước gặp tao… Đó, đó cháu nội bà Nhượng đó cô”. Chưa dứt câu bà Năm đã quảy quả đi mất. Thục kéo tôi thò đầu ra nhòm.
Một người đàn bà đứng lẩn vẩn giữa sân, có vẻ ngại ngần. Bà ta có lẽ là một Việt kiều vì trôn rất sang trọng trong bộ đầm đen khoét cổ hình trái tim khéo léo, cặp kiếng gọng vàng kẹp trên cái mũi cao và thanh. Tất cả đều chứng tỏ bà ta đã là một phụ nữ đẹp. Tôi nghĩ, chắc bả tới kiếm mua nhà. “Tầm bậy. Ai bán hồi nào đâu mà mua”. Thục lào khào trong cổ như con mèo hen.
Trúc bảo: “Mời dì vô nhà chơi”. Bà ta gật đầu, mắt vẫn đăm đăm nhìn lên tờ cáo phó chưa kịp bỏ xuống trên cánh cửa mốc xịt vì bụi và thời gian. Lúc sau bà ta gỡ kính, lấy khăn chấm mắt. Bà hỏi, giọng nghẹn cứng: “Bà con sao mất?” Trúc mím chặt môi: “Vì cháu không lo đủ tiền thuốc thang cho bà”. Tôi nghe nó nói mà như có muối xát trong lòng.
Bà ta bước vào nhà, đưa mắt quanh quất khắp nơi, hỏi han không như một người khách bình thường. Tôi lén quan sát thấy khuôn mặt xinh đẹp với những nếp nhăn nhỏ trên trán loáng thoáng giống người nào đó. Tôi thò đầu qua: “Ê Thục mày thấy bả có nét giống thằng Trúc không?” Thục khịt mũi làm tôi chưng hửng: “Có giống gì đâu. Tao thấy bả giống diễn viên kịch nói Hồng Vân”.
Trúc giới thiệu: “Đây là bạn thân của cháu”. Bà ta gật đầu, hơi kiểu cách. Và nhìn chúng tôi vừa lạnh lùng, vừa dò xét. Tôi khó chịu chẳng hiểu bà ta có quyền gì lại nhìn chúng tôi như thế.
Trúc hỏi: “Dì tới kiếm bà con có chuyện chi ạ?” Bà ta im lặng, không trả lời. Một cái gì đau đớn lóe lên trong mắt bà làm tôi rùng mình. Tôi bấm tay Thục đứng dậy: “Tụi này về đây Trúc ơi” – “Sao sớm thế?” – “Sớm sủa gì nữa, có cháo trên bếp, tí hồi ráng ăn cho lại sức nghen. Dì ngồi chơi với Trúc, tụi con xin phép về trước”.
Ra đến cổng tôi còn ngoái lại, thấy lòng trống trải. Thục kêu: “Nhớ nội quá Ly ơi! Giờ tới không gặp nội thấy buồn thế nào ấy”. Cả hai cắm cúi đạp xe, im lặng chạy đuổi theo ý nghĩ của mình nhưng không ai nghĩ rằng người đàn bà đó sẽ mang đến cho Trúc một cuộc sống khác.
Buổi tối Trúc tới rủ tôi đi uống cà phê. Không khí ngoài đường còn ẩm ướt và mát lạnh. Những lá cây đan xen vào nhau loang laongs ánh đèn như những con mắt tò mò nhìn chúng tôi không chớp. Tôi le lưỡi trêu ghẹo và thấy những con mắt lá cũng nheo nheo tinh nghịch.
Trúc hỏi, giọng hồi hộp: “Có biết chuyện gì chưa?” – “Chưa. Bộ trái đất sắp ngừng quay à?” – “Còn hơn cả thế nữa – Nó lắp bắp – Má Trúc về”. Tôi vội đưa tay lên sờ trán Trúc sợ mấy ngày nay mệt nó đâm nóng sốt mê sảng. Nhưng không, trán nó vẫn mát lạnh “Giỡn hay thiệt đó ông?” – “Thiệt mà. Má Trúc là cái bà hồi hôm đó!” – “Bà hồi nào?” – “Bà mặc đầm đen tới kiếm nội”. “À, thảo nào hèn…” – Tôi reo lên mùng rỡ: “Ly kêu bả giống Trúc mà con Thục hổng tin” – “ Đâu có, Trúc giống má chớ” – “Ờ há – Tôi phì cười – Chớ hồi giờ bả ở đâu không về kiếm Trúc?” – “Ở Mỹ. Bả mới về đây được một tháng. Tới nhà cũ không ai biết Trúc ở đâu, may nhờ có người bà con xa nhắn tin, má mới kiếm ra Trúc. Ly thấy sao?” – “Là sao?” – “Là Ly cảm thấy thế nào?” – “Vui muốn chết. Vậy là điều ước thứ nhất của Trúc thành rồi” – “Ờ mình đâu có ngờ đâu hén. Thiêng thiệt, chắc có nội phù hộ. Trúc thấy mình như ở trong mơ từ đó tới giờ”.
Chúng tôi yên lặng. Có tiếng nước róc rách chảy từ bồn cá và tiếng ghita bập bùng thoảng trong gió. “Có nên không Ly?” Tôi ngớ người: “Nên cái gì cơ?” – “Ly thiệt… - Trúc ngần ngừ - Má Trúc về bảo lãnh Trúc sang Mỹ. Có nên đi không?” Tôi ngẩn mặt: “Sao giờ mới về đón Trúc?” – “Tại trước chưa có điều kiện. Khó nghĩ quá há!” Tôi không kịp nghĩ gì. Sau cùng tôi chậm rãi, cảm giác mình như một bà cụ non mười sáu tuổi, đầu cắt tém, lúc lắc người trong cái ghế nhựa lạnh ngắt: “Ly nghĩ chắc Trúc nên đi. Phải như nội còn sống thì khác. Đằng này nội mất rồi. Trúc còn mỗi má là người thân duy nhất. Trúc không ở với má thì ở với ai? Còn nữa bạn bè tụi mình thân nhau thật. Nhưng biết đâu sang bên đó Trúc thân khối vạn người hơn tụi này sao”. Tôi nghe giọng mình lạc đi đành câm bặt. “Ly nói thế mà nghe được. Làm như Trúc là người dễ thay đổi lắm á. Trúc sợ đi không biết bao giờ Trúc mới về được” – “Ráng học giỏi, ráng làm việc là đủ tiền về liền” – “Để Trúc nghĩ kỹ lại – Trúc mân mê ly nước – Chỉ tội cho nội, lúc đỡ khổ thì lại không có mặt. Hồi đó Trúc gắt bà miết”.
Tôi nhắm mắt thật chặt rồi mở bừng mắt. Ánh đèn vàng mắc trên nóc dù chiếu xuống soi rõ niềm hạnh phúc đang tràn ngập trên mặt Trúc. Tôi nhủ thầm, như vầy còn suy nghĩ gì nữa. Mở ước đã cầm chắc trong tay ai lại nỡ vứt đi.
Cuối cùng thì Trúc cũng quyết định sau khi hỏi thăn ý kiến của bao nhiêu người và dĩ nhiên cả ý kiến của bản thân Trúc, sau bao nhiêu đêm Trúc vắt tay lên trán suy nghĩ. Nhiều lúc phải nhờ đến cả những giọt nước mắt van xin của mà Trúc.
Trúc đi vào nửa đêm. Chừng mười giờ Thục, Hiền và tôi kéo nhau ra phi trường. Tối ấy rằm. Trăng tròn vành vạch lơ đễnh chiếu xuống sân bay đông nghẹt người một thứ ánh sáng ngòn ngọt.
Mọi người chen lấn kêu gọi nhau í á. Cứ chừng một người đi lại kéo theo ba, bốn người tiễn. Tụi tôi len mãi mới tới được chỗ Trúc, mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển như trâu cày. Trúc lách đám bạn, vội vã nhào ra chỗ chúng tôi: “Trời, sao giờ mới tới vậy?” – “Tìm ông muốn hụt hơi mới lâu vậy. Chao đông dễ sợ”. Tôi giũ lưng áo ướt chèm chẹp mồ hôi. “Chu choa ông Trúc hôm nay đẹp trai quá hen – Con Thục la to – Áo vét nè, cà-ra-oách nè, lại xách cặp táp nữa chứ. Thiệt hệt ông bộ trưởng con”. Trúc rụt cổ cười, mặt đỏ như gấc. Nó lén giúi vô tay tôi một gói nhỏ: “Nè, tặng Ly đó. Nhớ viết thư cho Trúc nha” và nói to “Thục, Hiền có địa chỉ của Trúc chưa? Mấy bà đừng có lười viết thư đó nghen”. Thục cười hì hì: “Một mình con Ly viết đủ rồi. Cho tụi này ké vài chữ thôi, chịu hôn?”
“Ủa, Ly!” Tôi quay sang ngó thấy Lam đang đứng thọc tay vô chiếc quần jean bạc phếch cười toe miệng, tóc đã cắt bàn đinh lại trông ngổ ngáo. “Anh Lam đi đâu vậy?” – “Vào đâu còn hỏi… Tiễn người nhà đi Mẽo” – “À” – “Ly tiễn ai vậy?” Tôi kéo tay Trúc: “Đây là Lam bạn cùng lớp với Ly. Đây là Trúc, bạn thân. Hai người còn nhớ nhau không?” – “Ờ, nhớ chớ” – Trúc lúng tung. Vừa may má Trúc gọi: “Xong chưa con, mình vô trong”. Trúc gật đầu: “Chào Lam”. Lam xòe tay ra bắt, hồ hởi: “Bồ đi mạnh giỏi há!”
Trúc nói: “Tạm biệt mấy bạn nghen. Nhớ viết thư cho tui nghen!” và nhìn tôi đăm đăm: “Thôi chào Ly, Trúc đi đây. Chừng nào ba Ly không đi công tác xa nữa nhớ biên thư cho Trúc ăn mừng. Vì ba điều ước của mình sẽ thành hiện thực mà”. Nó cười méo xẹo. Tôi biết nó chỉ cố nói vui thôi. Nó đang buồn lắm. “Ly nhớ chăm sóc con Mực, nhớ thắp nhang mộ bà nội giúp Trúc nha. Chừng nào Trúc về…” Nó bắt tay từng người và ôm chầm lấy tôi. Như hai thằng bạn trai thân thiết chia tay.
Nó quay lưng đi, bàn chân vẫn hơi giằn mạnh về bên trái. Tôi cúi đầu nước mắt rơi lã chã.
“Về thôi Ly” – Hiền, Thục giục. Tôi giụi mắt băm bổ bước đi, quên cả Lam đang đứng lẩn vẩn gần đó.
Tôi ngồi vào bàn, mở giấy gói quà của Trúc. Một cái lá thuộc bài ép khô tuột ra khỏi bao băng cassette, đậu khẽ khàng lên chồng vở. Tôi bật cười, nhớ hồi học cấp một, hai đứa thi nhau hái lá thuộc bài ép vô vở vì nghĩ như thế sẽ không tốn công học bài mà vẫn thuộc như cháo. Có đâu ngờ đến giờ kiểm tra hai đữa tắc tị. Tháng đó cùng nhau tụt hạng, cùng nhau khôn lên dược vài phân.
Tôi bỏ cuốn băng vô máy. Một điệ nhạc nhẹ nhàng thoát ra. “Trở về mái nhà xưa” của Ý thật da diết. Trúc hiện ra và bảo: “Trúc sẽ về Việt Nam. Đi đâu mình cũng chỉ có duy nhất một quê hương thôi phải không Ly?” Tôi mơ màng, ngực bỗng đau nhói. Nhưng mà còn ba Ly, ba vẫn đi hoài à Trúc ơi!
Nghỉ tiết. Lớp im lặng được một chút rồi lại ồn như vỡ chợ, mặc Thục Anh đứng trên bục gõ thước vào bảng lộc cộc đề nghị giữ yên lặng. Tôi chui tọt xuống chỗ Xuyến ngồi tán gẫu vì mãi vẫn không hợp được chuyện với Nguyệt voi.
Lam nói trỏng rất to: “Tối qua mưa to dễ sợ”. Xuyến trợn mắt ngạc nhiên: “Mưa đâu mà mưa” – “Thật mà, Mưa ngập cả sân bay”. Xuyến vẫn thật thà gân cổ lên cãi: “Xuyến vẫn đi học có thấy gì đâu” – “Kệ nó - Tôi nhìn nó gườm gườm – Nó chọc Ly đó. Tối qua Ly tiễn Trúc đi Mỹ, cũng gặp hắn”. Xuyến cười: “Bộ ông tức à?” Lam giả lơ không nghe thấy, lui cui mượn Như Oanh con dao chuốt bút chì. Tôi nhéo Xuyến một cái ra dáng: “Rõ dớ dẩn”.
“Ái!” Lam la thất thanh. Tôi nghĩ Lam đùa. Nó luôn có những trò đùa kỳ cục làm người ta phải giật bắn mình như thế. Tiếp theo là giọng Oanh, véo von như chim: “Oanh đã biểu mà. Cái dao đó sắc lắm”. Nhật kêu hãi hùng: “Máu ra nhiều quá kìa”. Tôi tái mặt thấy máu từ tay Lam nhỏ tong tong xuống bàn. Tôi phóng ra cửa, chạy bổ uống ba tầng lầu. Phòng y tế khóa cửa. Vòng vèo mãi tôi mới gặp được cô y tá trong thư viện. Sau khi trả lời một tràng những câu hỏi quan tâm không cần thiết, tôi lại hì hục leo lên ba tầng lầu, thở hồng hộc.
Lên tới nơi mặt Lam đã bớt nhăn nhó. Ngón tay đã được buộc băng cẩn thận. Nó đưa ngón tay trước mặt săm soi vẻ rất hãnh diện. Bên cạnh nó Oanh đang cẩn thận lau đi những giọt máu vừa nhỏ xuống bàn.
Tôi cố lấy tay che đi lọ oxy già và cuộn băng to tướng, lủi thủi về chỗ ngồi. Nguyệt vội hỏi: “Nãy giờ Ly đi đâu vậy?” – “Đi toilet. Ai băng cho Lam vậy?” – “Như Oanh chớ ai. Con nhỏ lạ thiệt, lúc nào cũng có một bịch bông ở trong cặp. Nó bảo má nó bắt thế. Ngộ hén?” Tôi gạt mồ hôi tứa ra đầy trán: “Cũng chẳng ngộ lắm. Có khi phải thế thật” và lẩm nhẩm: đỡ phải tẽ tò như mình thế này!
Lam đi lên ghé vô nói: “Cám ơn Ly!” – “Vì cái gì?” Tôi nghi ngờ giọng điệu có vẻ rất thật lòng của nó. “Vì những cái Ly định làm cho Lam”. Nó nhấn mạnh hai từ cuối. Tôi nghĩ nó định chọc quê tôi nên làm mặt lạnh. “Tui chẳng định làm gì cho ai cả” – “Thật à?” Nó cười cười bỏ thẳng ra cửa làm tôi sượng trân người.
Tôi lục tủ lôi cái áo đầm xanh bông trắng cất kỹ từ năm ngoái đến giờ ra mặc thử. Khác hẳn con bé con loắt choắt với bộ mặt nhạu nhị dưới mái tóc cụt ngủn. Một cô nàng duyên dáng và xinh đẹp từ trong gương nhìn tôi không chớp mắt. Cô nàng diễu qua diễu lại như người mẫu thiệt ngộ.
Nghe tiếng động mạnh ở cửa tôi thụt vội vào bếp. Hóa ra chỉ là con Mực cào cửa. Hú hồn. Nếu không thì mắc cỡ chết với chị Lương.
Tôi ngầm so sánh mình với Như Oanh và con bạn thân của Lam. Quả thật tôi không xinh bằng, lại loắt choắt như con chim chích nhưng bù vào tôi có cái đầu không kém ai hết. Bắc lên cân cũng chỉ chòng chành tý chút rồi đứng yên.
Tôi cười tủm, ngường ngượng. Rõ đồ dớ dẩn tự nhiên lại bắt đầu đi so sánh hệt như Lam hồi kia. Mà cổ nhan đã từng khuyên nhủ “Sự so sánh nào cũng khập khiễng” đấy thôi.
Tám giờ tối chị Lương chở mẹ đi công chuyện chưa về. Tôi ăn tạm một tô mì ăn liền rồi ngồi bó gối trên divan, sách giở trước mặt mà không đọc chữ nào. Tôi nhớ quay quắt mỗi tối thứ bảy như vầy vào những ngày tưởng như xa xưa lắm. Lại ngồi bên nhau, cùng ăn bữa cơm thịnh soạn do mẹ nấu. Cũng chỉ là những món ăn bình thường nhưng vì có đủ ba mẹ, chị Lương và tôi, mọi người gắp thức ăn qua lại cho nhau nói cười vui vẻ làm căn phòng thêm ấm áp và bữa cơm ngon lạ lùng.
Bữa cơm cuối cùng đầy đủ thế là lâu rồi. Bây giờ chỉ có ba mẹ con trong căn nhà rộng. Ba thi thoảng mới ghé về nhà, cho tôi quà xong lại đi ngay. Vội vàng như sợ không kịp thời gian. Chú Biên lại đứng ngoài cửa bấm còi tin tin, lại hỏi câu hỏi muôn năm cũ: “Bé vui khỏe chứ bé?” mà không để ý mặt tôi đang xị ra.
Có con gì ướt nhẹp bò lên chân. Tôi giựt thột. A, Mực! Tội nghiệp mày, bị bỏ đói à? Nào đi theo tao. Tao sẽ ráng kiếm cho mày một chút gì đó lót bụng nha. Rồi đợi mè về tụi mình sẽ đánh chén no nê.
Tôi mở tủ lạnh, lục chạn chén bát. Trống rỗng. Tôi đưa tay lên nóc tủ lạnh lấy một hộp thiếc bự nhất. Hà, hy vọng trong này còn nhiều bánh bích quy, món ăn khoái khẩu ngoài sức tưởng tượng của con Mực. Hôm nay thứ bảy mày sẽ được xơi một bữa ra trò Mực ạ.
Một tờ giấy gấp tư từ nóc tủ bay xuống đất. Tôi lượm lên, thấy vẫn còn luộm nhuộm vết mỡ, một vài chỗ phủ bụi mờ mờ. Tôi giở ra đọc, lướt qua những dòng chữ gạch xóa nhằng nhịt. Tôi nghĩ mình đã hoa mắt nên mở tủ uống một cốc nước lạnh rồi mới định thần đọc lại. Không tôi không lầm. Đây chinhg là bản nháp đơn xin ly hôn của ba mẹ tôi. Với một lý do vô cùng đơn giản: Không hợp nhau.
Tôi ngồi bẹt xuống đất. Hộp bánh hộp bánh tuột khỏi tay bung nắp, bánh đổ tung tóe. Tôi nhìn như nuốt chửng tờ giấy, hoàn toàn không để ý đến con Mực đang hết nhìn tôi lại nhìn đống bánh, dãi dớt làng thòng. Đau đớn và thất vọng, mắt tôi bỏng rát. Ba mẹ đã lừa dối tôi. Chị Lương đã nói dối tôi. Tôi có còn là con nhóc nữa đâu. Tôi đã lớn rồi, tôi đã hiểu nhiều điều rồi, sao còn giấu tôi.
Con Mực áp mặt nóng hổi vào má tôi. Tôi cay đắng: “Chỉ có mỗi mày là hiểu tao. Ai cũng cho tao là một con ngốc. Họ coi thường tao”. Tôi chậm chạp dọn dẹp mọi thứ, chậm chạp khép cửa và chậm chạp chui vô giường. Tôi không muốn gặp mặt mẹ, ít nhất là trong lúc này.
Đồng hồ điểm chín tiếng. Tôi dỏng tai nghe tiếng mở cửa, tiếng con Mực rên ư ử và tiếng thì thào thẽ thọt của chị Lương. Tôi nghe thấy tất cả nhưng không muốn trở dậy.
Mẹ nhẹ nhàng đi vào phòng, khẽ mở mùng và nhìn tôi hồi lâu. Mẹ tưởng tôi đã ngủ nên chỉ hôn nhẹ vô trán tôi và âu yếm: “Con tội nghiệp của mẹ lần nào ngủ cũng quên tắt đèn”. Mẹ tấn kỹ mùng ròi bỏ ra. Tôi vùi đầu vào gối. Không nín được, tôi bật khóc.
Tôi dậy rát sớm, rón rén ra mở cửa. Chị Lương và mẹ vẫn không hay biết. Hôm nay tôi lại trở thành cậu bé gái. Tôi đánh cái quần jean, áo tắng phong phanh, túi xách tòng teng trên vai. Tôi trèo lên xe lang thang qua các phố.
Đường phố vắng tanh. Trời ửng hồng, lơ lửng mảnh trăng khuyết đêm qua bỏ quên bạc thếch trên đỉnh đầu. Cây cối sau mọt đêm ngủ dài trở nên bóng mướt. Một người đàn bà ôm giỏ ngồi trên ghế đợi xe lam, nhìn tôi tò mò, mặt tôi hốc hác vì thiếu ngủ, đuỗn ra phờ phạc.
Cô giám thị đứng sững trước mặt: “Hôm nay em ăn mặc lạ thế?” Tôi nghẹn giọng: “Dạ nhà em có chuyện”. Cô nhìn tôi từ đầu đến chân rồi từ chân lên đầu như nhìn người hành tinh lạ, giọng thông cảm: “Thôi được lần này tôi tha – và e hèm – Hừm, lầm sau bất cứ lý do gì cũng không được chấp thuận. Nghe chưa?”
Lớp ồn ào tiếng cười nói. Phan túm tay tôi, rối rít chỉ lên bảng: “Bé trai thấy gì không?” (Phan học chung cấp hai với tôi và là người duy nhất kéo lê cái biệt hiệu khốn khổ của tôi từ đó đến giờ). Trên bảng dán một tờ giấy trắng vẽ nguệch ngoạc người đàn bà và người đàn ông nắm tay nhau, ở giữa có quả tim xẹo xọ bằng mực đen: “Biết cái gì không? Đố vui của SV’96 đó. Cho bà một phút suy nghĩ”. Luận đứng chống tay chờ đợi. Tôi trả lời như một cái máy: “Hạnh phúc gia đình”. Phan cười hềnh hệch: “Hổng dám đâu bé trai. Là Lam và Như Oanh đi dạo trong công viên chiều chủ nhật đó!” Lớp nháo nhào phản ứng. Như Oanh cúi gằm mặt không phản ứng.
Tôi quay mặt đi. Tôi thấy mấy trò ghép đôi này thật nhảm nhí, ngớ ngẩn. Tôi lại sực nhớ có một lúc ba mẹ tôi đã thật sự hạnh phúc như tấm hình đó.
Lớp bỗng lộn xộn. Lam chạy huỳnh huỵch lên bảng giật tờ giấy xé tan. Nó hằm hằm như muốn ăn tươi nuốt sống thằng Phan. Nó đang há mồm lắp bắp: “Tao chỉ đùa. Thiệt mà…” Bọn con gái ầm ĩ đẩy Lam ra. Mặt nó vẫn nặng trịch. Tôi nói với Lam: “Có thiệt người ta mới làm dữ vậy. Chớ mắc gì…” Nó trừng mắt nhìn tôi tóc dựng đứng rồi đột nhiên xuôi xị, lủi thủi về chỗ.
Tôi muốn khóc.
Tôi không nghe thấy tiếng giảng bài. Tôi ngồi lẩn thẩn nghĩ lại hồi còn bé. Tôi vẽ chân dung ba, chân dung mẹ, chân dung chị Lương và tôi bằng màu nước mà nếu không đọc phụ đề thì không nhận ra ai được. Ba lồng tất cả trong một khung kiếng rồi trịnh trọng treo ở phòng khách. Mỗi ngày đi qua tôi lại nhòm lên đó, lại đem mình so sánh với Trúc và thấy sướng nhất vẫn là tôi. Một thời gian sau bức tranh bị gỡ ra để treo một tấm tranh phong cảnh to đẹp của ngước ngoài.
Bức tranh gia đình của tôi bây giờ ở đâu nhỉ?
“Ly, Ly”. Bức tranh ấy đâu nhỉ? “Không, tôi không biết”. Tôi lẩm bẩm. “Ly sao vậy? Đứng lên chào cô kìa”. Tôi uể oải đứng dậy, sực nhớ sau nhiều lần chuyển nhà bức tranh đã bị bỏ quên ở đâu đó trong một góc tối ẩm mốc.
Tôi nằm xoài ra áp má vào mặt bàn mát lạnh. Nguyệt voi ghé bên cạnh bảo: “Bữa qua coi tivi đài Sông Bé không? Phim “Người nơi biên giới” hay hé – Nó thất vọng – Không coi à? Uổng. Nguyệt mê Lê Minh dễ sợ”. Xong thỏ thẻ: “Tối qua tụi nó thấy Lam chở Như Oanh đi chơi. Ghê chưa?” Tôi bảo tôi không thấy gì ghê cả. Nhưng khi nhìn xuống chỗ Lam, tôi nhồn nhột.
Tôi muốn khóc.
Lam nhận ra tôi đang ngó nó. Nhưng lúc này tôi đã không còn thấy Lam nữa, ngoài mảng tường vẽ hình cái lá sau lưng nó. Lam đi lên, thọc tay trong túi, nghênh ngáo rút bịch ô mai cho rôi và phân trần: “Tối qua Như Oanh không có xe phải nhờ Lam chở đi học. Hai đứa học thêm chung lớp”. Chẳng có gì để nói cả nhưng tôi cũng bảo: “Thế à?” Lam phật ý: “Thế đây!” – “Vậy cũng tốt. Lâu lâu làm việc thiện hén”. Chưa nghe xong hết câu Lam cau mặt bỏ đi.
Ba mẹ hay cãi nhau về một cô gái trẻ nào đó mà không muốn cho tôi biết. Cãi nhau rất lịch sự và nhỏ nhẹ nhưng cuối cùng là chia tay. Tại sao tôi không hề biết, không nhận ra chuyện ấy từ sớm? Tôi thật ngốc ngếch. Giá như mỗi người nhường một ít, chắc khác.