Sang đến Bắc Ninh, trước khi tìm đến nhà bạn, Chi ngồi trên một cái ghế trong công viên. Một luồng gió mạnh chạy qua quét những lá khô trong vườn lạt sạt.
Tần ngần ngắm những chiếc lá khô, trong óc Chi bỗng nảy ra bao ý nghĩ chua chát. Thân Chi nào khác chiếc lá rơi, một chiếc lá còn xanh đã rụng vì cơn mưa gió tơi bời, mà nay bỏ quăng trong vườn vắng.
Trời đã về chiều.
Nghe tiếng kèn nhà binh thổi ở đằng xa xa, Chi giật mình tỉnh mộng. Nàng mỏi mệt quá nhưng cố gượng đứng dậy đi ra ngoài đường.
Một người cảnh sát cưỡi xe đạp qua trước mặt khiến nàng lo lắng, vì biết đâu ông Bình lại không trình báo lôi thôi, nhờ ty cảnh sát bắt nàng về. Nghĩ vậy, Chi thở dài, rảo bước đi mau.
Đến nhà Tâm ở phố Ninh Xa, quen như mọi khi, nàng điềm nhiên đẩy cửa bước vào, nhưng nàng bỗng kinh ngạc, sượng sùng, vì thoáng trông đồ trần thiết trong buồng khách cũng biết là nhà đã thay chủ. Thấy một bà cụ ở dưới bếp đi lên, nàng gượng hỏi:
- Thưa cụ, cháu hỏi chị Tâm.
Bà ta ngơ ngác:
- Không, ở đây không có ai tên là Tâm.
Sau một tiếng "vâng", Chi lật đật chào bà cụ rồi trở ra, trong lòng chán nản, tuyệt vọng.
Rồi, đứng bơ phờ ở một góc phố, nàng chạnh tưởng đến cuộc đời mai sau, đến cái ngày đứa con nhỏ lọt lòng... Ôi! Mai sau thân nàng chửa biết còn điêu đứng đến đâu!
Bơ vơ trên đời không ai thân thích, tiền bạc cũng không, biết bao người đàn bà khốn nạn phải sống trong cảnh khốn cùng với đứa con thơ. Rồi một hôm con ốm không có tiền mua thuốc, người mẹ đành phải bán thân cho người vì lòng thương con quá nặng...
Cảnh đời trụy lạc ấy thoáng qua trí não khiến Chi rùng mình.
Bùi ngùi, nàng nghĩ đến mẹ, đến em rồi ứa hai hàng lệ...
Đang lúc băn khoăn lo lắng, Chi bỗng thấy một cô bạn học ngày xưa đi lại. Nàng thở dài tự nhỉ: "Chị này chẳng biết có lòng tốt chứa ta không? Thôi, ta cũng đành liều".
Khi người bạn đã đến gần, nàng cất tiếng hỏi trước:
- Kìa chị Yến.
Cô bạn ngơ ngác nhìn.
- Chị quên tôi rồi à?
Yến vẫn ngơ ngác:
- Vâng, tôi chẳng nhớ ra ai.
- Chi đây mà.
Nghe tiếng xưng tên, Yến bỗng reo lên:
- Ô kìa chị "Hoa khôi". Sao bây giờ chị khác hẳn đi thế. Lâu nay mới lại gặp nhau, chị vào chơi nhà tôi nhé!
Hai chữ "Hoa khôi" bỗng nhắc Chi nhớ lại những kỷ niệm ngây thơ ngày còn theo học ở trường con gái B. N. Vì khi đó nàng đẹp nhất trường, nên chị em bạn học vẫn tặng cho cái biệt hiệu ấy.
Yến hỏi:
- Bây giờ chị ở đâu?
- Hưng Yên.
- Chị lên đây chơi à? Thế tối nay chị ngủ nhà tôi nhé?
Chi thẫn thờ đáp:
- Vâng, cả tối mai, tối ngày kia nữa, được không chị?
Thấy Yến ngơ ngác nhìn, nàng nói tiếp:
- Nghĩa là tôi không thể trở về nhà được nữa. Chị có bằng lòng cho tôi ở trọ cho đến khi...
Hai chị em lặng lẽ đi bên nhau, thỉnh thoảng mới hỏi một câu vơ vẩn. Đến Vọng Cung, Yến đi trước, dắt bạn qua những khúc đường nhỏ hẹp. Một lúc đã tới nhà.
Thấy vườn tược tươi tốt, Chi ngắm nghía quanh quẩn một lúc rồi khen:
- Đẹp nhỉ! Chị ở đây chắc tĩnh mịch, hẳn không có sự gì khó chịu nữa.
Yến cười:
- ở chỗ này tu được.
- Nhưng chị có thể cho tôi...
- Được, chị không lo. Khổ! Chị có thể nói... cho tôi nghe được không?
Chi ngần ngừ một lúc, rồi cất tiếng buồn rầu thuật lại chuyện thương tâm của mình cho bạn nghe. Lúc nói đến sự tàn tệ của Tú, nàng ứa nước mắt khóc.
Yến cũng ngậm ngùi:
- Thực, sinh ra con gái cũng khổ! Sao ở đời lại có hạng đàn ông hèn mạt như thế. Nhưng thôi, sự đã rồi, chị cũng đừng nghĩ gì nữa. Thà coi nó là đứa khốn nạn không đáng để chị bận lòng.
Nói đoạn, Yến vào trong nhà lấy thau và khăn mặt mang ra cạnh bể ở trước sân. Múc nước xong nàng mời Chi rửa mặt.
Thấy bạn ân cần săn sóc đến mình, Chi tự lấy làm hổ thẹn. Vì khi xưa lúc còn đi học, thấy Yến mập mạp to lớn, nàng vẫn cho là người tục tằn thô bỉ nên có ý khinh, ai ngờ người mà nàng đã tặng cho cái tên "du côn" cay độc lại có tấm lòng quý hóa như vậy.
Rửa mặt xong, Yến mời bạn vào trong nhà. Ngắm gian buồng sạch sẽ với bộ ghế tối tân, Chi đoán là còn người đàn ông nữa nên sượng sùng hỏi:
- Yến ở đây với ai thế?
- Anh Tuấn.
Chi sửng sốt!
- Thế à? Anh ấy thường vẫn đến chơi với me tôi. Ra chị là em anh Tuấn mà tôi không biết.
Nói xong Chi mỉm cười, vì nàng lại nhớ đến thói nghịch tinh của mình, khi còn là cô học trò nhí nhảnh.
- Đời học trò thực đáng tức cười, chị nhỉ! Ngày chúng ta còn học với nhau, tôi với chị thường kình địch nhau luôn thế mà...
Yến mỉm cười nói tiếp:
- Nay lại ngồi thân mật với nhau. Nhưng ngày ấy Chi cũng tệ lắm kia. Chi đẹp... Chi học giỏi, được cô giáo yêu. Tóm lại cái gì Chi cũng hơn Yến nên mới khinh.
Chi cười gượng:
- Chắc bây giờ chị hãy còn giận?
- Chi nhầm! Đời nào lại thế. Chi có thấy Yến giận và ghét ai bao giờ không?
Cảm động vì lời nói âu yếm của bạn, Chi bỗng rầu rầu nét mặt. Yến lại thở dài nói tiếp:
- Cuộc đời biến đổi thực chẳng ra sao. Mới cách có ba năm nay chị đã...
Chi cướp lời:
- Đã già, xấu hơn trước nhiều rồi phải không chị?
Thấy bạn lặng im ra chiều ái ngại, nàng lại ngậm ngùi:
- Bây giờ Chi phải bơ vơ trên đời... Chi mới biết bụng Yến... Yến có tha thứ cho Chi không.
- Chị dạy quá lời. Tôi xin thề với chị rằng ở đây không có sự gì phiền cho chị. Hai anh em tôi ở đây trong "túp lều tranh" (nàng gạch ba chữ túp lều tranh bằng nụ cười) như hai người ở ẩn. Thú lắm chị ạ! Anh Tuấn sẽ coi chị như một người em vì từ ngày anh ấy...
Yến nói đến đây bỗng im bặt như không muốn đem chuyện riêng của anh ra nói với bạn. Nhưng Chi vốn thông minh nên hiểu ngay. Nàng mỉm cười trông ra ngoài vườn.
- Vâng, em xin cám ơn. Nhưng thưa chị, nhà này mà gọi là "túp lều tranh" thì cũng khí quá, vì mái ngói, tường gạch cửa lại có chấn song để phòng kẻ trộm.
Yến vui vẻ giảng nghĩa:
- Đấy là cái tên sáo của các anh ấy đặt ra cho có vẻ mơ màng đấy chứ. Cũng như nhà văn sĩ kiết ở gian nhà lụp sụp mà viết thư cho ai tả những nhà lầu, đệm thêu, chăn gấm. Với lại cứ xem cái giá tiền sáu đồng một tháng cũng đủ sợ cái "lều" của chúng tôi rồi.
Nghe những mẩu chuyện khôi hài của bạn, Chi cũng đoán được tính tình của Tuấn. Cái cảm giác nhẹ nhàng mà Yến vừa gieo vào tâm trí, khiến nàng ao ước cuộc đời khoáng đạt. Còn gì sung sướng hơn là cảnh một anh một em sống trong chiếc nhà cô tịch như anh em Tuấn ăn ở với nhau.
Lúc ấy Yến bỗng nghe tiếng thằng nhỏ gọi ở dưới bếp, nên bỏ bạn ngồi một mình, xuống bếp làm cơm. Chi cũng sực nghĩ đến cha nên vội vàng viết bức thư từ biệt. Xong, mỏi mệt quá nàng ngả lưng xuống chiếc ghế xích đu. Một lúc sau nàng thiu thiu ngủ.
Hai giờ sau Yến đánh thức nàng dậy ăn cơm. Bầng mắt ra trông thấy Tuấn ngồi đọc báo ở phòng ngoài, nàng bẽn lẽn đứng dậy, rồi rón rén đi sang, cố lấy giọng nhiên sẽ chào:
- Ông... Anh còn nhớ tôi không?
Tuấn tươi cười đáp:
- Tôi thì không bao giờ quên cô được. Từ ngày bà giáo mất đến nay tôi vẫn...
Chàng bỗng im bặt. Muốn che sự ngượng nghịu chàng quăng tờ báo xuống, lật đật sang buồng ăn.
Trước Chi còn e lệ dụt dè, nhưng tự biết ở địa vị mình mà do dự thì vô lý nên chỉ một lúc sau câu chuyện của chủ, khách đã có vẻ nồng nàn.
Ăn xong mọi người ngồi yên lặng trước những chén chè sen hơi bốc lên nghi ngút, Tuấn bỗng đứng dậy nhìn Chi se sẽ nói:
- Cô không ngại, chúng tôi là người xa lạ mà cô cho anh em chúng tôi biết chuyện riêng, đáp lại lòng tin của cô, tôi thề xin giữ kín. Từ nay cô cứ ở đây với em tôi. Tôi rất vui lòng.
Sau mấy hôm đầu, sự buồn bực ở đâu lại lặng lẽ kéo đến lấn áp tâm hồn Chi.
- Ta có thể nhờ một người đối với ta chỉ là bạn xoàng, một người đàn ông chưa vợ được không?
Chi tự hỏi như thế, trong lòng lại băn khoăn khó chịu. Sau nàng nghĩ: "Không thể được, Ta thế này nào còn có thể lấy ai được nữa. Thân ta ô uế mất rồi. Vậy ta chịu ơn mà không trả được ơn thì chả hóa ra vô sỉ lắm sao."
Nhưng lúc Chi ngỏ ý muốn ra đi lập thân ở một nơi xa lạ, chàng bàn:
- Cô ở đây mà tìm kế sinh nhai cũng được chứ sao? Chả hạn, cô có thể buôn thứ hàng gì đó; tôi sẽ vui lòng giúp cô. Bạn bè đối với nhau, cô cũng chả nên câu nệ, giữ gìn cho lắm!
Yến cũng tán thành ý kiến của anh nên cố nghĩ xem có thứ hàng gì buôn có lãi. Nhưng buôn bán nào phải là nghề dễ kiếm ăn, mà biết buôn thứ hàng gì cho hợp ý mình? Mở hiệu ư? Nàng làm gì có vốn.
Tuấn thấy bạn ngần ngừ, thì đoán là nàng không thuận nên lại bàn cách khác:
- Hay thế này. Cô thạo nghề thêu. Chi bằng làm tạm nghề ấy, tôi sẽ điều đình với ông chủ hiệu tôi quen để lĩnh đồ về làm. Nghề thêu xưa nay vẫn là gia tài của thành Bắc.
Yến can anh:
- Làm nghề ấy vất vả mà chẳng kiếm được là bao.
Nhưng Chi rất ưng lời bàn của Tuấn, vì cái lợi được ẩn trong nhà mà làm việc. Đối với nàng không còn gì khổ hơn là phải phơi mặt ra với công chúng.
Tuy vậy nàng cũng chưa quả quyết vì biết đâu Tuấn làm ơn lại không phải vì lợi, vì ái tình.
Nhưng nếu Chi biết là từ ngày nàng ở đó đến nay. Tuấn đã phải chịu nhiều tiếng xấu thì cũng không nỡ nghi oan cho chàng; hết người hàng xóm cười chê lại đến các bạn đồng sự, các cậu học trò nhạo báng. Song Tuấn chỉ lấy nụ cười ra đối phó.
Thế mà Chi vẫn nghi ngờ cho ân nhân. Hễ nói đến chuyện về đàn ông với bạn là thế nào nàng cũng len vào một câu: giả dối hết, họ nhỏ nhen hơn các sự nhỏ nhen trên đời.
Nhưng nửa tháng qua...
Lòng ngay thẳng của chàng đã thắng hẳn được tính đa nghi của người thiếu phụ... Thế là Chi bắt đầu làm việc.
ở nhà đã sẵn có khung, có chỉ, vải và kiểu mẫu Tuấn lĩnh ở trên hiệu mang về cho, nên nàng chẳng phải bỏ một xu nào làm vốn.
Bức thêu đầu, nàng cậm cụi làm trong năm hôm mới xong. Chiều hôm ấy Tuấn ở trường về thấy Chi đứng tần ngần trước khung thêu thì cảm động đến gần ngắm nghía một lúc, chàng khen:
- Đẹp lắm, cô thêu khéo lắm.
Tuấn nói không ngoa. Bức tranh khóm chuối vờn gió bên bờ ao về lúc hoàng hôn của nhà mỹ thuật đã dịu dàng hoạt động thêm cái tài khéo léo của cô thợ thêu lột được hết tinh thần và màu chỉ óng ánh lại càng thêm lộng lẫy.
Thấy Tuấn khen, Chi bẽn lẽn gượng cười:
- Bây giờ anh lại đi giả hộ em nhé!
Tuấn yên lặng rồi nói:
- Thôi, không trả họ nữa. Bức thêu đẹp như thế này mà vào tay người khác thì phí mất, ta phải giữ làm kỷ niệm chơi.
Khi bức thêu thứ hai đã xong, Tuấn đem lên hiệu trả lại chủ và lĩnh được hai đồng công nhưng chàng nói dối Chi được bốn đồng.
Được lĩnh số tiền kiếm ra lần thứ nhất, Chi cảm động nhìn ân nhân không nói.
Từ đó trở đi, nàng mới được an lòng. Thân thể nàng dần dần bình phục nhưng thấy bụng càng ngày càng to, nàng không sao quên được cái đêm khốn nạn, cái đêm mà Tú đã lừa gạt nàng. Nàng lại mong cho chóng đến ngày sinh nở để được tự do đi tìm Tú mà trả thù xưa.
Ngày nào cũng vậy, ngoài buổi giúp Yến làm cơm thì Chi lại cậm cụi ngồi thêu, chứ không bao giờ ra ngõ. Tuy vậy nàng làm việc rất điều độ vì nàng chỉ mong sao cho được no ấm thì thôi, chứ cũng chẳng mong gì suốt đời theo đuổi cái nghề thêu mướn. Mà giá không nhờ Tuấn lĩnh và trả đồ hộ thì nàng cũng không lấy gì làm vui vì nàng sẽ biết là mỗi ngày chỉ kiếm được độ hai hào hoặc kém hơn: Tuấn bao giờ cũng đưa gấp đôi số tiền công của chủ.
Thực là một cách giúp nhau kín đáo, âu yếm của một cặp tình nhân. Nhưng không, đối với Chi, Tuấn chỉ coi như một người bạn, bạn chơn mà Chi cũng chỉ coi chàng là ân nhân đáng kính, đáng phục mà thôi.
Vì vậy "túp lều tranh" thêm một người đàn bà nữa lại trở nên vui vẻ hơn xưa.
Ngoài công việc hàng ngày, cả ba đều ham đọc sách. Chẳng có tờ báo nào hay mà Tuấn không mua, chẳng có một cuốn sách nào được các nhà phê bình ca tụng là Yến không gửi tiền đặt trước. Cả ba đều là văn sĩ cả, nghĩa là cùng mắc một chứng bệnh: bệnh viết văn. Được cái, viết xong, các nhà văn sĩ chỉ xé đi hoặc để những hôm mưa dầm đem ra ngâm chơi, chứ không có can đảm gửi đăng báo.
Đang lúc mọi người đều sống vui vẻ như những người vô tư lự thì bỗng một hôm có khách ở Hà Nội về chơi.
Hôm ấy, một buổi chiều giữa thu...
Trước khi vào nhà, khách còn dạo quanh vườn để ngắm những cây xanh tốt. Đứng bên gốc nhãn già, khách dang tay hút gió, bỗng chợt nom thấy Chi ngồi thêu bên cửa sổ.
Trong buồng tối, bên ngoài bóng râm, ở giữa khoảng tranh tối, tranh sáng ấy, khách thấy hình ảnh Chi như in trên một bức tranh lụa mầu đen cực mỏng. Mà bàn tay trắng nõn của nàng đưa lên đưa xuống, làm cho bức tranh mỹ nhân ngồi thêu đó thêm phần hoạt động.
Người thiếu niên đang đăm đăm ngắm nghía, cố thu vào trong cặp mắt bức tranh tuyệt xảo, thì nàng bỗng chợt ngẩng lên. Bàng hoàng vì cái nhan sắc diễm lệ của người thiếu phụ, khách bẽn lẽn ngả mũ chào rồi đến gần cửa sổ:
- Thưa cô, anh Tuấn tôi có nhà không ạ?
- Dạ (Chi khẽ đáp) anh ấy đi chơi chưa về.
- Cô Yến?
- Chị tôi đi chợ.
Rồi lặng yên một lát, Chi dịu dàng hỏi:
- Có phải ông là ông đốc Lương ở Hà Nội không ạ.
Khách mỉm cười đáp:
- Vâng, sao cô biết?
Chi cúi mặt xuống khung thêu se sẽ trả lời:
- Anh Tuấn thường nhắc đến ông luôn!
Lương cười:
- Còn tôi, tôi cũng biết cô là cô Chi vì anh Tuấn cũng có viết thư nói chuyện.
Nhưng lạnh lùng Chi nói lảng:
- Mời ông vào trong nhà.
Sau một tiếng vâng, Lương vờ dạo quanh vườn, kỳ thực hai mắt vẫn không rời cái cửa sổ Chi ngồi thêu. Cái nhan sắc diễm lệ của nàng gợn nét buồn thương làm cho Lương say sưa như ngắm cảnh u sầu, thanh tĩnh.
Chàng nghĩ thầm: "Đáng thương! Con người đẹp như thế mà bị quân độc ác nó lừa. Trời! Giá như ta... Sao ta chẳng được ở địa vị anh chàng họ Sở ấy mà nâng niu chiều chuộng đóa hoa này!"
Lời tự nhủ văn hoa ấy, Lương nghe thấm thía đến tận đáy lòng. Nhưng không biết tại sao chàng lại lắc đầu như chán nản?
- Đây là cấm phòng, không được ngó vào, quan Đốc ạ!
Tiếng ai nói làm cho chàng thiếu niên tỉnh giấc mơ. Lương quay lại thấy Yến nhìn mình mà cười thì cũng gượng cười theo:
- Cô đi chợ về?
- Vâng, anh mới sang chơi? Anh ở đây ăn cơm với chúng em nhé. Anh vào trong nhà đi.
Lương lặng lẽ theo Yến vào phòng khách rồi táy máy đến chỗ Chi thêu thì, không biết cố ý hay vô tình, nàng bỗng vùng đứng dậy đi xuống bếp.
Cái cử chỉ khiếm nhã ấy làm cho Lương ngượng quá. Chàng thở dài nằm lăn xuống ghế xích đu nét mặt ngao ngán.
Một giờ sau, Tuấn đi chơi về. Đôi bạn thiết chào nhau bằng một nụ cười. Tuấn hỏi:
- Anh mới sang?
- ừ, sang thăm bệnh một bà cụ ở bên này. Mấy tháng nay bận quá chẳng lúc nào sang thăm anh được, buồn quá!
Nghe giọng nói dịu dàng của bạn, Tuấn hơi lấy làm lạ, vì ít khi Lương lại đứng đắn như vậy. Chàng mỉm cười bảo bạn:
- Có một việc quan hệ phải nhờ đến tay quan đốc mới xong đây!
Lương chừng mắt nhìn, sẽ hỏi:
- Việc gì mà bí mật thế?
- Thôi chả nói nữa!
Lương bĩu môi chế nhạo:
- Ê! Hay không.
Tuấn ngần ngừ một lúc rồi ấp úng:
- Việc... Chi ấy mà.
Lương bỗng vỗ tay cười rộ, nhưng lại im bặt, nhớn nhác nhìn ra sân như sợ có người nghe thấy tiếng cười mỉa mai của mình đối với người con gái khốn nạn.
Làm thày thuốc, Lương còn lạ gì việc hộ sinh, nhưng không hiểu tại sao lúc này chàng thấy ngập ngừng e lệ.
- Thế nào? Quan Đốc có thuận không?
- Khỉ, đùa mãi, ở bên này cũng được chứ sao?
Lúc ấy, thằng nhỏ đã bưng cơm lên buồng ăn. Yến mời:
- Nào mời các anh các chị ra chén đi cho.
Lương cau mặt nói đùa:
- Ai khiến cô mời đấy? Thực rõ khéo vô duyên!
- Đã đành! Nhưng chị Chi em hẳn là người có duyên!
Nói xong nàng cười rộ khiến Lương lo lắng tưởng cô em ranh mãnh đã nghi ngờ rồi, sợ Yến tưởng mình mỉa mai, chàng nói chữa:
- Yến có duyên ngầm thôi.
Chàng lại toan pha trò nữa, nhưng đưa mắt nhìn Chi thấy nàng có ý lạnh lùng với những câu bông lơn nên bỗng sinh ngượng, ngồi im thin thít, Tuấn nói:
- Nào ăn đi! Trong khi ăn, cấm nói chuyện.
Khi đã rót rượu xong, Yến đứng dậy mời:
- Em xin nâng cốc uống mừng anh.
- Không dám.
Tiếc thay những lời bỡn cợt, chào mời kia lại chẳng ở miệng con người nhan sắc; Lương nghe thấy nhạt nhẽo vô cùng. Cho hay cái nết tốt của người đàn bà chỉ khiến ta kính nể mà thôi.
Tuy đồ ăn thanh đạm, nhưng Lương ăn rất ngon miệng. Ngồi bên Chi, chàng cảm thấy một mối vui nhẹ nhàng, man mác. Nhất là lúc nàng sới cơm đưa cho, chàng cảm động bẽn lẽn, thẹn thùng.
Món ăn tráng miệng là một đĩa đào mới hái ở trước sân. Táy máy nhìn hai cô chủ gọt vỏ, Lương mỉm cười: chàng so sánh má hồng hồng với má Chi, má xanh với má Yến: gương mặt hồng hào bên cạnh mầu da tai tái lại càng thêm tươi.
Nhưng đang cười nói vui vẻ, Chi bỗng đứng dậy sang buồng bên cạnh khiến Lương buồn thiu. Hồi lâu chợt nghĩ ra một kế để gần nàng, chàng đứng dậy ấp úng:
- Nóng quá! Ra ngồi gốc nhãn cho mát đi.
Rồi không đợi để bạn bằng lòng hay không, chàng đã hai tay xách hai cái ghế mang ra vườn.
Cây cối về chiều ủ rũ... Không một hơi gió mát. Không một tiếng chim kêu. Duy, trên mặt đất xám, mấy tia nắng vàng nhạt in hình lốm đốm.
Sự yên tĩnh trong vườn bỗng nhiên gieo vào tâm trí Lương những mối buồn u uất. Chàng lim dim cặp mắt nhìn theo khói thuốc nhè nhẹ bay trên không, rồi thở dài bảo bạn:
- Sống an nhàn ở một nơi tĩnh mịch như anh thế này thực là sung sướng.
Thấy bạn không đáp lời, chàng lại tiếp:
- Giá những đêm trăng trong gió mát mà được ngồi dưới gốc nhãn này mà tình tự thì sung sướng biết chừng nào!
Câu sau, chàng nói to lên cốt để Chi nghe tiếng. Nhưng - ôi mai mỉa. Lúc quay lại nhìn vào cửa sổ thì chàng nào thấy bóng ai đâu. Nàng, vì chếnh choáng hơi men, đã bỏ đi nằm từ lâu.
Tình cảnh ấy làm cho Lương chán nản tuyệt vọng. Chàng ngồi tựa lưng vào ghế, ngửa mặt lên trời mà ngáp dài, ngáp ngắn. Tính bỡn cợt của Yến, vẻ mặt lạnh lùng của Chi và thái độ mô phạm của bạn lúc nào cũng như trêu cợt chàng. Nghĩ đến, Lương càng thêm ngao ngán. Chàng ngậm ngùi:
- Tôi như anh, tôi chẳng để Chi phải làmg lụng vất vả như thế.
Tuấn so vai đáp:
- Mình có lòng tốt với người ta dễ người ta không tự cao với mình! Phải chiều tính tự ái của người ta mới được chứ.
Một lúc sau, Tuấn vì mỏi mệt đã cáo đi nằm, mà Lương vẫn thẫn thờ trong vườn vắng. Chàng đi qua đi lại trước cửa sổ, Chi vẫn ngồi thêu, nhưng hai cánh sơn nâu vẫn khép chặt chẳng cho chàng nhìn giai nhân trong chốc lát.
Trời đã sâm sẩm tối...
Lương thấy mọi người đều như hững hờ lãnh đạm với mình thì tưởng như bị họ coi khinh. Tiếng còi xe hơi văng vẳng bỗng nhắc chàng nhớ đến giờ về Hà Nội. Ngậm ngùi, chàng thở ra một hơi thực mạnh rồi lẳng lặng đi ra ngoài ngõ.
Nhưng mười phút sau, không biết tại sao chàng lại quay về. Thì, lạ sao, ánh đèn ở trong nhà đã chiếu ra ngoài cửa sổ trước sân. Hồi hộp, Lương rón rén đến gần cửa sổ để ngó vào trong thì một cảnh xum họp dịu dàng bày ra trước mắt.
Trên cái giá đóng vào tường, chiếc đèn măng sông phủ rua xanh tỏa làn ánh sáng trong phơn phớt. Một bên Tuấn ngồi đăm đăm đọc sách, một bên, Chi lúi húi thêu. Còn Yến đang đứng vót tăm cạnh bàn.
Cảnh tầm thường ấy, Lương ngắm mãi không thôi... Chàng lại lắng tai nghe tiếng giun, tiếng dế rì rì dưới cỏ. Tiếng côn trung như than vãn bỗng reo vào lòng người cô độc những cảm giác tê mê...
Buổi chiều hôm ấy, không khí nặng nề như ngâm hơi nước. Trời tối sầm. Những đám mây đen trông gần ta hơn. Gió trước còn hiu hiu mát mẻ; sau bỗng ào ào kéo đến như tiếng thác chảy nghe tận đằng xa.
Đến nửa đêm, thì bốn phương trời đều như có gió nổi lên, họp thành những luồng mạnh gớm ghê. Thỉnh thoảng luồng đông nam gặp luồng đông bắc, rập nhau, rồi quay cuồng vật lộn, như giận dữ, như hò reo. Một lúc lại bẵng đi như trời đang mưa to bỗng tạnh.
Gió lại im như trốn đâu mất. Rồi đột nhiên lại ầm ầm kéo đến rất mau, chốc chốc lại rít lên những tiếng ghê sợ trên các ngọn cây. Nhờ cơ hội, những hạt mưa nặng trĩu cũng rào rào đạp vào mái ngói vào lá cây như sóng vỗ. Vạn vật đều như sụp đổ dưới cơn bão loạn cuồng.
Bỗng một luồng gió giật bóc mấy viên ngói ném xuống sân kêu loảng xoảng. Chi rùng mình ngồi nép vào cạnh Yến:
- Bão to lắm! Không khéo đổ nhà mất.
Yến cũng nơm nớp lo sợ, nhớn nhác nhìn anh. Nhưng lạnh lùng, Tuấn vẫn ngồi, lặng im hút thuốc lá hình như không thèm để ý đến cơn bão kinh thiên động địa. Khi điếu thuốc đã tàn, chàng mới sẽ bảo em:
- Trong lúc mưa gió thế này chẳng biết những người không nhà, không cửa họ trú ẩn vào đâu? Ta thử tưởng tượng xem cái cảnh người lỡ bước, tay bế con thơ đang lầm lội ở dọc đường tìm chỗ trú chân. Nước mắt lẫn nước mưa, khóc than đói rét.
Nhưng, cơn giông tố phũ phàng nào có nghĩ chi đến cảnh khổ của loài người. Gió vẫn ào ào thổi mạnh, mưa vẫn đập vào mái nhà như sóng vỗ. Nghe tiếng gió rít mưa rào mà rùng mình sởn óc, tưởng như trăm nghìn oan hồn đang thi nhau kêu khóc.
Mãi đến sáng hôm sau bão mới ngớt. Chi mở cửa trông ra sân thì một cảnh tang thương bầy ra trước mắt. Cây nào cây nấy, cành lá xác xơ; lá rụng đầy vườn. Gốc bưởi đào bên bể nước bật rễ lên nằm ngang trên mặt đất, quả lăn lóc khắp sân. Cây nhãn ở đầu hồi cũng bị tước làm hai mảnh.
Nhìn cảnh vườn tan nát, Chi ngậm ngùi:
- Đấy, mới có một đêm mưa bão.
Phải, chỉ có một đêm mưa bão mà thân Chi phải ngả nghiêng. Ngày nay mưa tạnh bão tan, đứng trước cảnh hoang tàn như thân thế, nàng thấy mình không khác gì những cây kia gẫy nát rồi đến khi hồi phục lại phải chống với cơn giông tố phũ phàng.
Là vì, ngày nay lại có người yêu Chi!
Sau hôm ở chơi với bạn, Lương thường luôn luôn sang Bắc, mà lần nào chàng cũng chỉ đứng sau bờ rậu để nhìn Chi ngồi thêu bên cửa sổ một lúc, rồi lại vui vẻ trở về.
Hôm nay, theo lệ thường, chàng cũng chịu khó sang thăm, nhưng lần này ra mặt chứ không thầm vụng như những hôm xưa.
Chi và Yến đang lúi húi nhặt bưởi rụng, thấy Lương vào thì đều quay lại, ngạc nhiên nói:
- Kìa quan Đốc!
Rồi dịu dàng, Chi tiếp:
- Mưa gió thế này mà ông cũng chịu khó sang.
Lương cười:
- ấy chỉ vì có bão tôi mới sang xem bên này có việc gì không. ở Hà Nội có mấy nhà đổ chết người, tôi sợ quá!
Yến reo lên:
- May mà nhà ta không đổ. Nếu bây giờ chị em mình chết bẹp thì anh Lương lại khóc chán.
Nói xong nàng cười rộ khiến Chi cũng cười theo. Lương nghĩ thầm: "ừ mà nếu em bị nạn thì ta đau đớn biết chừng nào. Em! anh đã vì em mà phải lặn lội, chẳng quản gió mưa, chẳng hay em có hiểu cho nỗi khổ tâm này không, em? "
Ngẫm nghĩ, chàng tủm tỉm cười rồi lững thững đi vào phòng khách. Yến theo sau tò mò hỏi:
- Anh đắc trí gì mà cười thế?
- Tôi cười cô nhìn trộm tôi đấy! Xấu lắm.
- Sao anh biết là em nhìn anh?
- Hình như thế thì phải.
Thấy hai người đùa bỡn với nhau như trẻ con, Chi ngoảnh ra sân cắn môi nhịn cười. Nhưng nàng cũng như lây cái tính vui vẻ của Lương nên bỗng quay lại cười nụ, bảo chàng:
- Cái gì ông biết hẳn hãy nói có được không?
Nghe lời trách âu yếm, Lương sung sướng nhủ thầm: "Cứ mỗi ngày được nghe một lời của em, ta cũng đủ nghị lực mà làm việc rồi."
Nghĩ vậy, chàng lại đưa mắt nhìn Chi. Thấy nàng đang ghé vào tai bạn mà thì thầm có vẻ kín đáo lắm, chàng đỏ mặt, tưởng chế riễu mình. Nhưng không, hai chị em chỉ bàn nhau đãi khách một quả bưởi chua.
Chi nói:
- Chị xuống bếp lấy muối ớt để em bổ cho.
Ngồi tựa cằm vào lưng ghế, Lương táy máy nhìn bàn tay trắng muốt của nàng in trên vỏ bưởi xanh, trong lòng vui thích.
Chàng âu yếm nói:
- ăn bưởi chua chấm muối ớt với các cô có lẽ thú hơn ăn tiệc.
Vừa nói buông miệng, Chi bỗng kêu lên vì con dao vấp phải tay. Nàng nhăn mặt bóp ngón tay bị đứt ra chiều đau đớn lắm. Lương vội vàng rút cuốn băng trong túi ra buộc cho nàng. Xưa nay mó vào da thịt đàn bà, Lương cũng dửng dưng như cầm một côn trùng để mổ xẻ. Thế mà không, lúc đụng vào tay Chi, toàn thân chàng rờn rợn, hình như cái hơi mát mẻ của mỹ nhân đã truyền vào cái giây thần kinh, mạch máu. Hơn nữa, thấy nàng để im cho buộc, chàng lại yên trí rằng nàng cũng một lòng, có biết đâu chỉ vì lâu nay sống trong cảnh đời lặng lẽ, nàng vẫn khao khát sự an ủi, vỗ về nên mới... Nhưng sực nhớ ra, nàng rụt tay lại rồi bẽn lẽn trách:
- Tại ông đấy nhé!
Lương cũng sượng sùng đáp:
- Vâng, thôi tôi xin lỗi.
Khi Yến đã mang muối ớt lên, Lương ăn luôn ba, bốn múi rất ngon lành. Còn thừa bao nhiêu chàng nhặt bỏ cả vào túi, nói khôi hài:
- Thày lang đi ăn cỗ chẳng lẽ lại không lấy phần! Thôi hai cô bằng lòng vậy, tôi về đây.
Yến nài:
- Anh hãy ngồi chơi thong thả, đi đâu mà vội!
- Khốn nhưng người ta còn chờ mình ở bệnh viện kia. Nếu ở chơi lâu được thì còn nói gì.
Chi cũng trông ra ngoài, tỏ ý thương hại:
- Trời mưa gió thế này mà phải về Hà Nội!
Lương cười:
- Nếu hôm nào sang chơi mà cũng được ăn bưởi như hôm nay thì đến bão đổ đình cũng chẳng ngại.
Chiều hôm sau giời đã quang, gió đã ngớt, Chi, Yến giúp thằng nhỏ, dọn vườn xong thì Tuấn cũng ở trường về. Nhưng khác hẳn với ngày thường, chàng có vẻ âu sầu mệt nhọc. Cất sách và cởi áo xong, chàng nằm lăn ngay xuống giường, chẳng tươi cười nói chuyện với hai em...
Từ ngày ở nhà bạn đến nay, lần này là lần đầu, Chi thấy Tuấn buồn. Vì đâu? Nàng nào có thể biết được. Nhưng tối hôm ấy, khi đã lên đèn, Tuấn bỗng lại vui vẻ như thường. Chi ngồi thêu được một lúc, thì chàng rút ở trong túi ra một tờ giấy gập tư rồi để lên trên bức lụa:
- Đây cô xem.
Chi hơi ngạc nhiên, lặng lẽ mở ra đọc:
Anh Tuấn,
Khổ lắm bạn ạ! Tôi thực không ngờ rằng ngày nay tôi lại phải sa chân vào vòng tình ái, tôi ngồi viết bức thư này cho anh mà trong lòng chứa chan hoài cảm. Đêm đã khuya rồi.
Từ ngày Lan chết đi tới nay thấm thoát đã năm năm. Trong năm năm bị sự hối hận dày vò, tôi đã hồ quên, nào ngờ đâu ngày nay Lan lại trở về dương thế, Lan tức là Chi đó bạn ạ.
Ôi! ở đời sao lại có sự khắt khe nhường ấy. Không biết ai khéo nặn Chi mà giống Lan của tôi như thế! cũng cặp mắt mơ màng, cũng đôi môi vạch thẳng.
Anh Tuấn ơi, chắc anh cũng biết rằng ngày xưa Lan đã vì tôi mà chết! Tôi đau đớn vì Lan bao nhiêu thì lại muốn chóng quên đi bấy nhiêu. Vì kẻ âm, người dương tôi làm thế nào mà chuộc được sự lỗi lầm.
Mà có lẽ cũng bởi quá thương người vợ khuất, nên lần đầu tôi trông thấy Chi tôi mới bàng hoàng ngây ngất, tưởng như cuộc đời mình đang sống đều là mộng cả, phải chăng là Lan lại hồi dương để người chồng khốn khổ này được chuộc những tội lỗi xưa!
Vẫn biết rằng ông trời éo le sinh ra tôi chẳng phải để được may mắn về ái tình, cho đến gái giang hồ cũng vậy vì cái lẽ rất đau đớn: tôi xấu. Nhưng anh ơi! Người tôi xấu nhưng nết tôi tốt, tưởng một người như Chi cũng chẳng còn câu nệ. Nếu nàng ưng, tôi thề sẽ không nghĩ đến dĩ vãng của nàng...
Tiếng gọi của sự thương yêu đầy vẻ nồng nàn tha thiết ấy đã chẳng làm cho Chi mảy may cảm động, thẹn thùng mà lại khiến nàng căm tức. Xưa kia Tú chả từng nói với nàng những lời tha thiết như vậy đó ư? Nào ngờ...
Hồi tưởng lại cuộc ân ái chua cay, Chi nhếch mép cười, tự nhủ:
"Tôi còn lạ gì các ông nữa. Miệng thì nói toàn những câu đường mật, tưởng chân thật, sâu sa lắm, kỳ thực chẳng có mục đích gì hơn là sự ích kỷ: hưởng độc quyền trong chốc lát hoặc năm ba tháng rồi thôi. "
Tuấn thấy nàng có vẻ suy nghĩ, vội hỏi:
- Thế nào, cô có...
Thì như căm tức nàng cười gằn:
- Được, để em nghĩ xem.
Rồi nàng cúi gầm mặt xuống lẩm bẩm một mình: "Hỡi bọn đàn ông bạc ác, ta thề sẽ làm cho mi điêu đứng mới trả được thù này!"
Hai hôm sau, khi đã tiếp được thơ phúc đáp, - vì trong bức thư gửi cho Tuấn, chàng có dặn bạn trả lời ngay cho biết thái độ của Chi, - Lương lại đến "túp lều tranh".
Vì năng qua lại nên chàng đã nhớ được những giờ mà Yến đi vắng. Chàng chủ ý muốn được gặp Chi trong trường hợp ấy vì muốn nói chuyện riêng với nàng.
Vào đến sân, thoáng thấy bóng nàng ngồi sau cửa sổ, lòng người thiếu niên bỗng rộn rã lạ thường. Chàng sượng sùng đứng nấp vào gốc cau để toan tránh mặt, nhưng thấy Chi đã ngẩng lên trông, chàng đành thờ thẫn bước vào như một cái máy.
Nhưng, chỉ qua cái giây phút hồi hộp đầu tiên là Lương lại trấn tĩnh được ngay. Chàng lặng lẽ đến chỗ Chi ngồi, cố lấy giọng tự nhiên hỏi:
- Thưa cô ngồi chơi!
Chi mỉm cười sẽ nhắc:
- Ngồi thêu chứ ạ!
Rồi, không để cho Lương nói khơi mào nàng thong thả đáp:
- Thưa ông, chắc hôm nay ông sang bên này là định hỏi tôi về bức thư hôm nọ. Nếu thế, tôi xin vui lòng trả lời ông.
Câu nói đột ngột, sống sượng bỗng làm cho Lương phải bồi hồi. Chàng thực không ngờ rằng Chi lại tự nhiên như thế.
Mà giọng nói khô khan, lưu loát của Chi đủ tỏ là nàng đã rắp tâm làm cho Lương phải đày đọa để trả thù xưa. Nhưng khách ái tình nào biết được lòng nham hiểm của bạn nữ lưu. Chàng thấy Chi nói trúng ý thì cảm động, im thin thít.
Chi lại hỏi:
- Thưa ông, có phải như thế không ạ?
Lương gượng cười:
- Vâng quả thế! Cô thực là người cao đoán.
Rồi chàng bẽn lẽn tiếp:
- Lòng anh, em đã rõ, còn em, em nghĩ sao?
Chi dừng kim thêu, thỏ thẻ đáp:
- Thưa ông, em thực khó nghĩ qua. Hẳn ông cũng đã biết là em bị người ta lừa dối một cách đáng thương. ấy cũng vì thế mà en sinh bụng nghi ngờ...
Thưa ông, như vậy em không thể nào tin lời ông được: khẩu thuyết vô bằng!
Lương sẽ cất tiếng dịu dàng:
- Thì cô thử thí nghiệm xem sao.
- Vâng, tôi cũng định... (Chi ngước mặt nhìn Lương, miệng tủm tỉm cười). Nhưng thử lòng nhau có nhiều cách, biết ông có ưng để em thí nghiệm như ý em không?
Lương đã hết thẹn nên quả quyết đáp:
- Anh rất vui lòng, mà dù em có thử bằng cách nào anh cũng thuận.
Chi cười:
- Vâng nếu thế thì... Xin lỗi ông, người ta đối với nhau mà lấy tình chân thật thì bao giờ vẫn hơn. Em nghi ngờ cho lòng tốt của ông thực cũng là sự bất đắc dĩ, xin ông lượng thứ cho. Người ta bao giờ cũng chỉ nhẹ dạ một lần thôi.
Nếu quả ông thực lòng, thì trước hết phải hứa với em. Điều thứ nhất: Sau ba năm thí nghiệm, nếu em hết nghi ngờ em sẽ vui lòng!... Điều thứ hai: Ông phải đem cả gia tài ra bảo đảm cho lời hứa đó!...
Nói đến đây Chi bỗng im bặt, vì nàng nhận thấy lời mình vừa thốt ra có vẻ tuồng. Nàng tưởng Lương sẽ cho mình là dở hơi, lố lỉnh, nhưng không, trái lại, chàng vẫn vui vẻ như thường.
- Có thế thôi, em? Nếu vậy, anh xin đem danh dự ra hứa với em như thế... dù phải xông pha vào chỗ hiểm nghèo để được lòng em, anh cũng chẳng ngại chút nào.
Nghe lời thiết tha, Chi mỉm cười chế riễu. Nàng cố lấy giọng âu yếm:
- Cám ơn ông, nếu được như vậy thì ông thực đáng cho em kính phục. Em sẽ vui lòng về ở...
Lương cảm động se sẽ nói:
- Thế bao giờ em sang?
Chi đứng dậy ngẫm nghĩ một lúc:
- Sáng mai, cũng giờ này anh mang xe hơi sang đón em. Bây giờ em còn phải làm xong bức thêu dở này và thu xếp công việc.
Đêm hôm ấy, khi mọi người đã ngủ yên, nàng rón rén trỗi dậy, đến bàn học của Tuấn viết vội cho chàng mấy lời từ biệt:
Thưa anh,
"Nhờ anh giúp đỡ cho trong mấy tháng giời, em đội ơn anh nhiều lắm. Em thực phục lòng anh cư xử.
"Nhưng nay em tự nghĩ nếu đời em cứ như thế này mãi thì vô nghĩa quá. Lẽ tất nhiên là em phải tìm lấy con đường có nghĩa hơn để mà đi,
"Em xin nói ngay rằng em đã bằng lòng về làm bạn với anh Lương, vì anh ấy quả thực là người quân tử.
"Như vậy có lẽ anh đã khinh em rồi. Nhưng anh ơi, anh khinh em cũng xin chịu, nếu anh rộng lòng tha thứ cho em, em rất cảm ơn."
Em anh
CHI
Viết xong mấy câu đó. Chi thở dài tự nhủ: "Chẳng biết anh có thấu cho nỗi khổ lòng của em không? Hay anh lại tin lời em là thật?"
Sáng hôm sau, Yến vừa đi chợ khỏi thì Lương đã vào đón tình nhân. Thấy nàng như có ý chờ đợi, chàng mỉm cười bẽn lẽn. Nhưng không do dự, Chi gọi thằng nhỏ lên coi nhà rồi tức khắc đi ngay. Lương tuy ngượng vì sự sỗ sàng ấy nhưng cũng lặng lẽ theo sau như một cái máy.
Mấy bác thợ thêu đứng nói chuyện với nhau trong sân đình thấy hai người đi qua thì chỉ trỏ, bàn tán, khiến Lương xấu hổ mặt đỏ bừng mà Chi vẫn điềm nhiên đi bên cạnh chàng như đối với người chồng chính thức.
Từ ngày vào ở trong làng Niềm đến nay, nàng ít ra khỏi ngõ nên họ giương mắt nhìn "vợ theo ông giáo". Lại thấy đi với người bạn vẫn năng qua lại nhà Tuấn, họ thì thào:
- ấy chết! Họ dắt nhau đi đâu thế này! Kìa họ cùng ngồi ở đằng sau ô tô mày ạ!
Rồi họ vỗ tay cười vang.
Nhưng tiếng xe mở máy rầm rầm át hẳn tiếng cười chế riễu.
Một lúc sau, Chi đã đi xa "túp lều tranh", nơi nàng trú ẩn bấy nay, nàng đưa mắt nhìn Lương thấy chàng có dáng buồn bã thì mỉm cười sẽ hỏi:
- Anh sao thế?
Lương thở dài:
- Phiền quá em ạ, anh chưa kịp nói gì với anh Tuấn.
- Em đã nói với anh ấy rồi.
- Thực không? Em chỉ được cái hay chế riễu.
- Lại chẳng thực! Ai đời, mình bỏ nhà người ta để đi chỗ khác lại không có thư từ biệt bao giờ; anh cứ yên tâm.
Nghe Chi nói, Lương mới hết lo. Nhưng từ đó hai người ngồi lặng thinh bên cạnh nhau, trong lòng vẩn vương những nỗi lo buồn.
Một lúc sau chiếc xe hòm lịch sự của Lương đã đỗ ở trước nhà lầu. Chi giật mình nhớn nhác:
- Nhà anh đây à?
Bây giờ Lương mới thấy trong lòng vững chãi. Chàng vội vã bước xuống xe rồi tười cười đưa tay cho người bạn gái. Không e lệ, nàng cầm tay Lương nhảy xuống xe một cách nhẹ nhàng. Vừa đi vừa ngắm tòa nhà đồ sộ, cây cối hoa cỏ tốt tươi, Chi tự lấy làm vui thích vì tưởng mình sẽ được phá phách hả lòng. Tươi cười nàng hỏi:
- Anh giầu lắm nhỉ? Người nào tốt phúc mới được làm vợ anh.
Lương cảm động nhìn nàng, âu yếm đáp:
- Đã đành rằng thế nhưng đem cả gia tài, tính mệnh ra đổi lấy em, anh cũng còn e không đủ...
Câu nói thiết tha chẳng làm cho Chi mảy may cảm động. Nàng cảm thấy một sự nịnh hót đáng khinh. Nhưng nàng cũng vờ hớn hở, cùng Lương dạo quanh nhà. Gặp vật gì đẹp nàng cũng lau chau hỏi, khiến Lương thích chí luôn luôn mỉm cười. Khi vào buồng khách, thấy hai chiếc ảnh lớn treo trên tường. Chi đoán là thầy me Lương nên dịu dàng hỏi:
- Thầy me đấy à?
Cảm động, Lương đáp:
- Vâng, thầy me đấy.
- Các cụ bây giờ ở đâu?
- Mất rồi.
Biết vậy Chi lại mừng thầm: hẳn không ai ngăn trở công việc của mình nữa.
Suốt ngày hôm ấy Lương không lên bệnh viện chỉ ở nhà soắn suýt bên nàng. Tối đến. Lương lại dắt nàng lên thăm bệnh viện rồi vào hiệu vải mua mấy thức hàng tơ lụa và phấn sáp, nước hoa. Muốn Lương phải tiêu một số tiền lớn nàng chọn những thứ thượng hạng.
Về nhà, Chi mới đem những đồ trang sức ra đeo và thoa phấn. Xong nàng quay lại nhìn Lương nũng nịu:
- Em có đẹp không anh?
Thì Lương thở dài như mê man:
- Em đẹp lắm!
Chi lại tươi cười:
- à ra em đẹp lắm kia đấy! Nhưng anh có thật lòng đối với lời hứa hôm qua không?
Lương không bối rối chút nào, bình tĩnh đáp:
- Anh đã bảo: em muốn thế nào anh cũng xin ưng theo, em còn phải hỏi gì nữa!
- Anh thực là người quân tử. Bây giờ em ra cái chương trình như thế này: ban ngày anh được tự do ở bên em, nhưng tối đến anh phải nghỉ ở bệnh viện, anh bằng lòng vậy nhé!
- Xin vâng.
Nói đoạn, Lương gọi hai tên đầy tớ lên trình diện và căn dặn chúng phải hầu hạ nàng cho tử tế. Xong chàng từ biệt Chi.
Lặng lẽ lên buồng ngủ, Chi bỗng cảm thấy hết nỗi hiu quạnh canh trường. Trong tâm trí nàng phảng phất bao sự lo ngại, hồ nghi không đầu mối...