Một ngày đẹp trời, thám tử Poirot theo người bạn già Boniton đến ăn tối tại tiệm Galon trên đường Kinh Đô thuộc khu Trenci.
Boniton là một người rất sành ăn. Ông thường đến tiệm này vì bầu không khí ấm cúng và món ăn ở đây nấu theo kiểu Anh đơn giản nhưng rất hợp khẩu vị. Họ chọn bàn góc phòng, cạnh chậu cây kiểng có hoa lấm tấm màu hồng tươi. Boniton nói với bạn :
- Anh biết không! Đây là chỗ ngồi đặc biệt danh dự đấy.
- ...
- Nghệ sĩ lừng danh Augertus John thường dùng bữa tại chỗ này đấy.
Thám tử Poirot mỉm cười trước vẻ huênh hoang của Boniton. Ông bạn này chẳng nghệ sĩ chút nào nhưng lại rất khoái nhắc đến lĩnh vực này. Cô hầu bàn Molie tươi cười bước đến :
- Chào hai ông. Các ông muốn khai vị món canh hay cá? Hôm nay còn có món gà tây nấu đậu và phômai đặc biệt. Mời hai ông dùng thử.
Boniton nói :
- Poirot à, hôm nay chúng ta dùng toàn món Anh thôi nhé.
- Tùy ý anh.
Boniton chọn món ăn nhanh chóng, rồi nhìn theo Molie đang đi về phía nhà bếp :
- Cô bé này khá lắm. Đã có một thời đi làm người mẫu thời trang đấy. Cô ta phục vụ rất tốt, biết chìu khách, đón ý từng người. Chả bù với những cô gái khác, khi đi ăn với bạn trai chỉ biết chọn những món mình thích, chả quan tâm đến ai hết. Cũng may, đàn ông chúng ta thì khác.
Poirot nheo mắt :
- Có chắc không đó?
- Tôi không có ý khen tất cả đàn ông. Nhất là những chàng trai trẻ. Họ thường nông cạn, thiếu kiên nhẫn và tôi không chịu được lý luận đáng ghét của họ.
- Lý luận thế nào?
- Những người quá 60 tuổi chẳng có quyền tồn tại trên đời, bọn trẻ thật chả xem cha mẹ mình ra gì!
Poirot mỉm cười :
- Vậy thì chúng ta nên chú ý đến những vụ chết đột ngột của những người trên 60 tuổi.
- Thôi anh đừng méo mó nghề nghiệp nữa. Hãy để cho tội ác tự tìm đến anh thì hay hơn.
- Đừng nói lung tung nữa. Sao? Dạo này công việc làm ăn của anh có tiến triển tốt chứ?
- Chán lắm! Đi đâu cũng gặp những “thùng rỗng kêu to”. Giống như cá ươn được chan nước xốt để đánh lừa mùi tanh đấy. Tôi chỉ thích ăn một lát cá tươi thôi, khỏi cần ướp gia vị.
Molie mang đến đĩa cá thu tươi :
- Mời hai ông.
Boniton gật đầu hài lòng :
- Cô thật biết ý tôi. Cô có nghĩ là tôi sẽ đổi món không?
- Các ông thường trung thành với những món ăn quen thuộc, còn các bà thì không. Họ thay đổi thức ăn đến chóng mặt.
Boniton vỗ vai Poirot :
- Tôi nói đúng chưa? Phụ nữ luôn luôn rắc rối - Ông chỉ tay về phía góc đối diện - Anh hãy nhìn cái ông râu xia xồm xoàm kia kìa. Molie nói rằng, từ 10 năm nay, ông cụ luôn luôn đến đây dùng bữa vào tối thứ ba và thứ năm. Không ai biết tên, chỗ ở và nghề nghiệp của ông cụ.
Molie đem món ăn khác đến, Boniton hỏi :
- Ông cụ ấy vẫn đều đều đến đây dùng bữa phải không?
- Vâng. Đúng vào mỗi tối thứ ba và thứ năm. Nhưng có một ngoại lệ. Tuần rồi, cụ bất ngờ đến vào tối thứ hai làm cháu cứ tưởng hôm đó là thứ ba. Nhưng ngày hôm sau cụ vẫn đến, nghĩa là tuần đó, cụ đến thêm một ngày.
- Cụ vẫn gọi món ăn như thường lệ chứ?
- Rất lạ là không. Buổi tối thứ hai ngoại lệ ấy, cụ đã gọi hai món mà cụ ghét nhất. Đó là xúp cà chua thịt nạc và bánh ngọt nhân dâu tây. Cháu thấy kỳ nhưng đâu dám thắc mắc.
Poirot xoa hai tay vào nhau :
- Câu chuyện hấp dẫn quá.
Boniton hỏi :
- Anh nghĩ sao? Tôi đoán là ông cụ đã đi bác sĩ và bác sĩ đã khuyên ông cụ thay đổi thực đơn.
- Bác sĩ nào mà điên thế. Toàn là món ăn nặng bụng không thích hợp với tuổi già chút nào.
- Đã là bác sĩ thì làm gì chả được.
- Anh không còn cách phán đoán khác sao?
- À, có thể là ông cụ đang bị một cảm xúc nào đó, cảm xúc mạnh đến nỗi cụ không biết mình đã gọi món ăn gì. Anh nghĩ có đúng không. Có thể cụ đang suy tính một chuyện gì rất quan trọng...
Poirot không trả lời.
* * * * *
Ba tuần lễ trôi qua. Tình cờ, thám tử Poirot gặp Boniton trong một chuyến xe điện ngầm. Boniton nói :
- Có tin sốt dẻo cho anh đấy. Anh còn nhớ ông cụ đặc biệt ở quán Galon không? Molie cho biết cả tuần nay không thấy ông cụ đến ăn. Cô ta lo lắm. Tôi nghĩ là ông cụ đã thay đổi các món ăn uống, cụ bị sốc và ngã bệnh trầm trọng hơn. Điều này giải thích được sự đãng trí của cụ khi gọi các món ăn. Theo tôi, bác sĩ cần phải tế nhị với bệnh nhân mới được.
Về đến nhà, Poirot bỗng có ý định thử xem có bao nhiêu người chết được đưa tin trên báo. Ông lật tất cả nhật báo trong tuần xem mục “tin buồn”. Ngón tay ông dò tìm và dừng lại ở hàng chữ : “Henri Gatko, 69 tuổi, ở số nhà... đường Kinh Đô”. Ông quyết định, thử bắt đầu từ ông cụ này xem sao.
Chiều hôm đó, thám tử Poirot đến phòng khám bệnh của bác sĩ Mac ở đường Kinh Đô, hỏi thăm về cụ Henri Gatko. Bác sĩ trả lời rất nhiệt tình :
- Người này tôi biết. Đó là một cụ già kỳ quặc, ít tiếp xúc với ai. Cụ nghèo, sống trong một căn phố cũ kỹ. Tôi không phải là bác sĩ của cụ nhưng là người khám nghiệm tử thi. Cụ ở một mình nên gặp nạn chả ai hay. Nhờ anh chàng giao sữa thấy mấy chai sữa để y nguyên nơi cửa nhà ông cụ nên hô hoán lên, hàng xóm mới đi báo cảnh sát. Người ta tìm thấy xác cụ ở chân cầu thang, xương cổ bị gãy. Chắc là cụ té vì vướng chân vào vạt áo ngủ.
- Ông cụ có họ hàng bà con gì không?
- Cụ có một người cháu ruột, mỗi tháng anh ta đến thăm cụ một lần. Đó là George Lorimer, anh ta cũng là bác sĩ, nhà ở khu Wilberdon.
- Từ 48 đến 72 giờ trước đó, không thể lâu hơn. Người ta thấy xác cụ ngày mồng 6, nhưng trong túi áo ngủ lại có một lá thư viết ngày mồng 3 được gửi từ Wilberdon chiều hôm đó và đến nhà ông cụ vào 9 giờ tối cùng ngày. Chi tiết này giúp cảnh sát xác định tai nạn xảy ra sau 9 giờ tối và ông cụ đã dùng bữa hai giờ trước khi chết.
- Bác sĩ có biết, ai là người thấy cụ lần cuối cùng? Vào lúc nào?
- Tối hôm cụ mất, ngày mồng 3 và cũng là ngày thứ ba. Cụ vẫn đến quán Galon như thường lệ. Nhiều người đã thấy cụ.
- Ngoài người cháu, cụ còn ai thân thích nữa không?
- Có. Một người anh sinh đôi. Người này tên Antoni Gatko là một nghệ sĩ lớn, nhưng từ ngày lấy một bà vợ rất giàu, ông từ bỏ nghệ thuật luôn. Vì chuyện này mà hai anh em cãi nhau dữ dội đến nỗi từ bỏ nhau, không thèm nhìn mặt nhau nữa. Lạ một điều, hai người lại chết cùng một ngày. Cụ Antoni mất lúc 3 giờ chiều, còn cụ Henri thì 3 giờ tối.
- Bà Antoni còn sống không?
- Bà ta mất lâu rồi. Toàn bộ tài sản nằm trong tay ông chồng. Tiếc rằng họ không có con.
- Bác sĩ biết nhà của cụ Antoni không?
- Tôi sẽ cho ông địa chỉ.
Thám tử Poirot chợt trầm ngâm :
- Theo tôi, cụ Henri đã bị... đẩy xuống cầu thang.
- Một vụ án mạng ư? - Bác sĩ Mac cười nhẹ - Ông đã bị méo mó nghề nghiệp rồi. Nếu ông nghi người cháu là thủ phạm thì ông đã lầm. Bác sĩ Lorimer đã đánh bài cùng mấy người bạn tại nhà mình từ 8 giờ tối cho đến nửa đêm. Cảnh sát đã chứng thực điều này. Ông có biết điều gì liên quan đến người cháu sao?
- Thật ra, tôi đâu có biết ông cụ có cháu.
- Vậy, ông nghi một người nào khác chăng?
- Không, nhưng tôi thấy cái chết của cụ có điều gì không ổn. Có quá nhiều nước sốt để che mùi tanh của cá.
- Ông nói gì?
- Xin lỗi, tôi đã làm mất thì giờ của bác sĩ.
Bác sĩ Mac tiễn thám tử Poirot ra cửa :
- Theo tôi, cái chết của cụ Henri không có gì đáng nghi cả.
- Vâng, có thể là tôi cố chấp. À, tôi xin hỏi thêm một câu nữa, cụ Henri có mang răng giả không?
- Không, răng cụ rất tốt.
- Răng cụ trắng hay vàng? Có dính gì không, như khói thuốc lá chẳng hạn?
- Lạ một điều là răng của cụ trắng lắm. Không có một bợn khói thuốc lá. Chắc là cụ thường chải răng rất kỹ.
- Cảm ơn bác sĩ.
Rời phòng mạch, thám tử Poirot ghé lại quán Galon. Một cô hầu bàn lạ bước đến :
- Hôm nay cháu thay chị Molie vừa nghỉ phép. Ông dùng gì ạ?
- Nè cô, cô có biết ông cụ có râu nhiều, thường đến đây dùng bữa không?
- Dạ biết. Cụ thường đến vào tối thứ ba và thứ năm. Nhưng mới đây cụ không đến nữa. Cháu đã thấy hình cụ đăng trên báo. Thật tội nghiệp.
- Tối hôm đó là thứ ba, cụ vẫn đến như thường lệ.
- Cô có nhớ hôm đó, cụ gọi món gì không?
- Dạ, để cháu nhớ xem... hình như là xúp cà chua thịt nạc, bánh ngọt nhân dâu và phômai.
- Cảm ơn cô. Giờ cô cho tôi món cá thu chan nước xốt và một ít bánh mì.
Vừa ăn thám tử Poirot vừa suy nghĩ. Chà, anh chàng khôn ngoan vậy mà lại mắc phải những sai lầm không đáng có. Lão Boniton biết chuyện này chắc là thích lắm.
* * * * *
Ngày hôm sau, thám tử Poirot đến gặp ông trưởng ban điều tra vùng cụ Henri trú ngụ. Ông này nhận xét :
- Ông cụ này rất lập dị. Cụ sống khép kín, không ngao du với ai cả. Ông có điều gì thắc mắc sao?
- Ông có thể cho phép tôi được biết nội dung lá thư trong túi áo nạn nhân được không ạ?
- À, đó là bức thư của bác sĩ Lorimer, cháu của ông cụ. Lá thư giúp chúng tôi xác định ngày, giờ nạn nhân chết, rất phù hợp với báo cáo của bác sĩ pháp y. Tôi sẽ cho ông xem. Đợi một lát nhé.
- Rất cảm ơn ông.
Nguyên văn lá thư viết tay :
“Wilberdon, ngày 3 tháng 11 năm...
Chú Henri thân yêu,
Cháu rất buồn báo tin cho chú rõ, chú Antoni bệnh nặng lắm, sợ không qua khỏi. Tuy nhiên chú ấy vẫn không bỏ qua chuyện quá khứ như chú hy vọng và không muốn chú đến gặp, xem như trên đời này không có một người em ruột như chú. Thật đáng buồn.
Cháu đã hết sức cố gắng để giúp chú nhưng lực bất tòng tâm. Mong chú thông cảm cho cháu.
Cháu của chú: G. Lorimer.”
Con tem ngoài phong bì in dấu bưu điện 16 giờ 30 ngày 3-11. Poirot tự nhủ : “Mọi việc xếp đặt đâu ra đấy. Giỏi thật.”
Sau đó, thám tử Poirot tìm đến nhà ông anh sinh đôi của nạn nhân. Cụ Antoni cũng vừa mới mất. Chỉ còn một mình bà quản gia Marie ngồi rầu rĩ trong ngôi biệt thự khá lớn có vẻ lạnh lẽo. Bà cho biết, Antoni là một cụ già kỳ cục. Suốt 14 năm trời, bà tận tâm phục vụ, chăm sóc cho ông từng miếng ăn giấc ngủ, chịu đựng tính tình khó chịu của ông. Nhưng bà đã được gì ngoài hai bàn tay trắng? Đúng là con người vô lương tâm.Ông ta giàu vậy mà khi chết, chả để lại cho bà cái gì. Trong bản chúc thư làm từ đời nảo đời nao, ông ta để lại tất cả của cải cho vợ, nếu vợ chết trước thì người em sinh đôi tên Henri Gatko sẽ thừa hưởng. Thật là bất công!
Poirot an ủi :
- Bà yên tâm. Thế nào luật sư của cụ Antoni cũng chiếu cố đến trường hợp của bà. Tôi nghe nói cụ Antoni tuy giàu nhưng rất keo kiệt. Ngay đến người em ruột túng thiếu cũng không giúp đỡ cho nữa là.
- Hai anh em giận nhau từ lâu lắm rồi. Mới đây thôi, bác sĩ Lorimer có đến nói chuyện với cụ, trong câu chuyện cứ nhắc hoài đến tên Henri. Hình như cụ Henri nhờ người cháu đến hòa giải thì phải. Nhưng khi đó, ông cụ đã mệt lắm rồi.
Sau khi ăn tối, thám tử Poirot đến khu Wilberson tìm bác sĩ Lorimer. Đó là một chàng trai tầm thước, râu cạo nhẵn, cử chỉ nhanh nhẹn, tóc nâu nhưng lông mày lại có màu sáng khiến cho gương mặt trở nên nhợt nhạt. Poirot mở đầu câu chuyện :
- Tôi đến như thế này có hơi đường đột. Mong ông thông cảm.
Lorimer nhìn ông không mấy thiện cảm.
- Ông muốn gì đây?
Poirot đưa danh thiếp cho Lorimer, nói giọng thân mật :
- Thân chủ của tôi phần lớn là phụ nữ. Các bà thường không tin mấy ông cảnh sát, mà thích những cuộc điều tra riêng tư hơn. Cho nên họ thường tìm đến chúng tôi để giải bày tâm sự. Cách đây mấy hôm, có một bà già đến gặp tôi. Bà ta giận chồng nên sống riêng đã 3, 4 năm rồi. Chồng bà cụ chính là chú Gatko của ông, người vừa mới mất.
Lorimer lớn tiếng :
- Chú tôi. Ông nói sao? Thím tôi mất từ lâu lắm rồi!
- Không phải chú Antoni, mà là chú Henri cơ.
- Chú Henri? Ông lại càng lầm. Chú ấy không có vợ.
- Tôi chả biết, nhưng rõ ràng là cụ ông có làm hôn thú với cụ bà. Chính mắt tôi thấy giấy tờ hoàn toàn hợp lệ.
Lorimer gầm lên vì tức giận :
- Láo toét. Tôi không tin. Hoàn toàn không tin.
- Thật đáng tiếc phải không ông? Ông đã gây ra một án mạng mà chẳng được lợi lộc gì cả. Cũng chỉ tại thói quen tệ hại của ông. Ông thích ăn bánh kem nhân dâu lắm phải không? Hèn gì răng ông vàng hết. Dâu ngon thật nhưng ăn nhiều quá cũng đi đến chết người. Chính món bánh kem nhân dâu sẽ đưa ông ra tòa đấy.
Lorimer hốt hoảng, mặt mày tái mét, cặp mắt mở to nhìn thám tử Poirot.
* * * * *
Ba ngày sau, cũng tại tiệm ăn Galon, Poirot bảo Boniton :
- Lập luận của anh sai ngay từ căn bản. Một người tâm trí rối loạn không bao giờ làm những gì mà anh ta chưa hề làm. Anh ta chỉ làm theo thói quen mà thôi. Theo lời cô Molie kể, tối thứ hai ngoại lệ đó, cụ Henri đã gọi những món ăn mà xưa nay cụ rất ghét. Hành động này hoàn toàn phi lý và đã làm tôi nghĩ ngợi rất nhiều. Rồi sau đó, cụ không đến nữa. Cụ đã bỏ một thói quen mà cụ đã làm đều đặn suốt 10 năm qua. Tôi nghĩ đến một giả thuyết xấu. Đó là ông cụ đã chết. Và quả vậy. Cụ đã chết, chết một cách rõ ràng, minh bạch. Giống như nước sốt thơm rưới lên món cá ươn.
- Anh nói rõ hơn đi.
- Người ta thấy cụ đến ăn tối ở tiệm này vào lúc bảy giờ rưỡi, hai tiếng đồng hồ trước khi chết. Tất cả đều logic. Bức thư phát cùng ngày lúc chín giờ tối, tình trạng thức ăn trong bao tử. Trong thời gian cụ bị nạn, người cháu đang có mặt ở một nơi khác. Ai cũng nghĩ đây là một tai nạn, nhưng tôi thì không. Anh cũng biết ai sẽ được hưởng gia tài khi cụ mất!
- Anh lầm rồi. Hưởng cái gì mới được chớ. Cụ Henri nghèo rớt mồng tơi.
- Anh lầm thì có. Cụ Henri có ông anh ruột giàu sụ.
- Thì có liên quan gì đâu?
- Anh chưa thấy rõ vấn đề sao? Bà vợ giàu để của lại cho ông chồng. Chồng để lại cho em. Em không có vợ con, tiền của sẽ lọt vào tay người cháu ruột. Vậy là hợp lý.
- Hay thật. Anh đã suy nghĩ như thế nào? Tôi rất muốn nghe.
- Cụ Henri chết hai giờ sau bữa ăn, không phải bữa ăn tối mà là bữa ăn trưa. Anh cứ đặt mình vào địa vị của Lorimer. Anh ta đang cần tiền một cách tuyệt vọng. Ông chú Antoni bệnh sắp chết, cái chết đem lại sự giàu sang cho ông chú Henri. Mà ông chú Henri thì còn khỏe mạnh quá. Vậy thì phải làm sao cho ông chú này chết càng sớm càng tốt, nhưng phải sau cái chết của ông chú giàu. Và Lorimer đã hành động. Anh ta biết mỗi tuần, cụ Henri có thói quen đến ăn tối hai lần ở tiệm Galon. Nên một buổi tối thứ hai, anh ta đeo râu tóc giả, cải trang thành cụ đến tiệm ăn. Nhờ anh ta có dáng dấp giống cụ, lông mày lại bạc nên càng giống hơn. Sự việc diễn tiến tốt đẹp, ai cũng tưởng anh ta là cụ Henri đã phá lệ đến ăn vào tối thứ hai hôm ấy. Thành công bước đầu, Lorimer yên chí, chỉ cần dò xem ngày nào cụ Antoni hấp hối (cụ này bệnh đã lâu rồi). Đến lúc phải hành động, anh ta viết một lá thư cho cụ Henri vào chiều mồng hai, nhưng lại đề là mồng 3. Khoảng 3, 4 giờ chiều mồng 3, anh ta tới thăm cụ Henri. Chỉ cần đẩy mạnh tay một tí là ông chú tội nghiệp ngã lăn xuống cầu thang. Anh ta lấy lá thư trên bàn bỏ vào túi áo ngủ của ông cụ. Đến bảy giờ rưỡi tối, anh cải trang thành ông cụ, có mặt tại tiệm ăn Galon như thường lệ. Điều này chứng tỏ cho mọi người biết, lúc bảy giờ rưỡi ngày mồng 3, cụ Henri vẫn còn sống. Ăn xong, anh ta vào nhà vệ sinh và khi trở ra, đã biến thành bác sĩ Lorimer. Chưa tới nửa giờ sau, anh đã có mặt bên bạn bè tại Wilberson. Một chứng cớ ngoại phạm hoàn hảo.
- Thế thì dấu bưu điện trên phong bì thì sao?
- Dấu bị bôi tèm lem. Số 2 được sửa thành số 3. Tôi đã quan sát kỹ bì thư và thấy rất rõ. Còn nữa, bằng chứng rõ rệt nhất là những trái dâu.
- Những trái dâu?
- Lorimer chưa phải là diễn viên giỏi. Anh ta bắt chước ông chú y hệt nhưng chỉ bề ngoài thôi, vì anh ta đã không tập ăn như ông chú. Anh ta đã gọi món mà anh ta thích nhưng ông chú lại rất ghét, đó là dâu tây. Dâu làm vàng răng, khi khám nghiệm, răng của nạn nhân rất trắng. Vậy không thể nào chính nạn nhân đã ăn ở nhà hàng tối hôm mồng ba được. Tôi đã hỏi bác sĩ pháp y, dạ dày nạn nhân không hề có chất dâu. Người ta còn tìm thấy trong nhà Lorimer bộ râu giả để hóa trang nữa. Thật ra, có rất nhiều chứng cớ buộc tội tên cháu bất nhơn này. Tôi đã đến thăm hắn, kể cho hắn nghe một câu chuyện bịa đặt, và hắn đã lòi đuôi ra ngay. À, khi tiếp tôi, răng hắn vàng khè vì vừa ăn món bánh dâu xong. Đúng là một tên tham ăn.
Đúng lúc đó, cô hầu bàn mang đến hai đĩa bánh kem nhân dâu. Thám tử Poirot xua tay :
- Chúng tôi không dám gọi món này đâu. Cô mang đi cho...
- Nhất là... nhất là, ông đừng cho công bố trên báo chí!
Ông Marcus Hardman đã nhắc đi nhắc lại chắc có dễ đến hai chục lần lời van xin bằng giọng cao đã khàn tiếng như vậy. Ông vừa tổ chức một cuộc gặp mặt bạn bè theo thói quen. Ông tiêu pha rất nhiều trong số những thu nhập của mình cho việc tiếp bạn và việc sưu tầm những những khăn đăng ten cũ, quạt và những đồ trang sức cổ tầm thường, cũng không phải là hiện đại. Đáp lời yêu cầu khẩn thiết của ông Hardman. Poirot và tôi đã tới gặp và thấy ông đang trong tình trạng bồn chồn quá đỗi. Ông cho chúng tôi biết là ông quyết định không báo cho cảnh sát, nhưng ông cũng không muốn mất toàn bộ số đồ trang sức của mình. Cuối cùng ông phải cầu cứu tới Poirot.
- Những viên hồng ngọc của tôi, Ông Poirot! Chiếc vòng ngọc bích trước kia chắc chắn là của Catherine de Médicis, công chúa nước Pháp ở thế kỷ thứ IV. Ôi chiếc vòng ngọc bích của tôi!
Poirot cắt đứt những lời than vãn của ông bằng cách hói nhẹ nhàng :
- Hãy thuật lại thường hợp mất đồ vật quý giá ấy xem nào, ông Hardman.
- Đây! Đây! chiều hôm qua tôi đã tổ chức một buổi tiệc trà... bình thường, tôi chỉ mời sáu người bạn. Tôi đã tôi đã tổ chức một hoặc hai bữa tiệc như thế trong mỗi mùa. không phải là kiêu ngạo, nhưng những buổi gặp gỡ ấy rất thành công. Hôm qua tôi đã mời nhà chơi đàn dương cầm Nacora và nữ danh ca người Úc Katherine Bird tới giúp vui. Họ đã cho chúng tôi nghe những bản nhạc tuyệt diệu trong phòng nghe nhạc. Sau đó tôi đã đưa những đồ trang sức thời Trung cổ đựng trong một chiếc két sắt gắn vào tường mà ông thấy ở kia cho các bạn tôi xem. Bên trong chiếc két được lót nhung để đặt những viên đá qúy. Sau đó các bạn tôi đến xem những chiếc quạt được bày trong một tủ kính ở phía đối diện chiếc két. Cuối cùng chúng tôi trở lại phòng hòa nhạc. Chỉ đến khi họ ra về thì tôi mới nhận ra vụ mất trộm. Tôi cho rằng tôi đã quên không khóa két sắt, một kẻ nào đó đã lợi dụng việc ấy để lấy những của quý ấy đi. Một bộ đồ trang sức, ông Poirot! Tôi muốn lấy lại những thứ đó! Xin ông hiểu cho, ông Poirot, đây là những khách mời, những bạn bè thân thiết của tôi! Đăng tin trên báo chí có thể ngược lại thành một cụ bê bối.
- Ông có để ý ai là người rời khỏi phòng này sau cùng, khi mọi người đã trở lại phòng hòa nhạc không?
- Ông Johnston, nhà triệu phú Nam Mỹ. Có thể là ông biết ông ấy chứ? Ông ấy vừa thuê một ngôi nhà của Abbotbury ở phố Park Lane. Tôi nhớ rằng ông ấy đi ra sau chúng tôi một vài phút. Nhưng ông ấy không thể là tên ăn trộm được, ông biết đấy!
- Có người nào đã quay lại phòng này dưới một lý do gì đó không?
- Tôi đã nghĩ tời điều đó, ông Poirot, có ba người. Bà bá tước Vera Rossakoff, ông Barnard Parker và phu nhân Rucorn.
- Ông biết những gì về họ?
- Nữ bá tước Rossakoff là người Nga và là một phụ nữ xinh đẹp ngay từ dưới chế độ cũ. Bà mới tới sống ở nước Anh. Hôm qua bà đến chào tạm biệt tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy bà sững người trước bộ sưu tập quạt của tôi. Càng nghĩ, tôi càng thấy đó là việc lạ lùng. Quan điểm của ông thế nào, ông Poirot?
- Tôi cũng chưa thấy có chuyện khác thường. Nói sang hai người khac, thưa ông.
- Còn Parker thì đi tìm một chiếc cát-set nhỏ để tôi đưa cho phu nhân Rucorn xem.
- Thưa ông, bà ấy là người như thế nào?
- Phu nhân Rucorn là người có cá tính hào hiệp trong những công việc từ thiện. Bà ấy tới đơn giản chỉ là lấy cái túi xách tay bỏ quên trên ghế.
- Được rồi, thưa ông. Như vậy chúng ta có thể nghi ngờ bốn người: Bà bá tước người Nga, phu nhân người Anh, nhà triệu phú Nam Mỹ và ông Barnard Parker. Nhưng ông Parker là người thế nào?
Câu hỏi hình như làm ông Hardman bối rối, ông ngập ngừng trả lời.
- Đó là một người trẻ tuổi... một người trẻ tuổi mà tôi quen biết.
- Tôi cần hiểu rõ hơn. Người trẻ tuổi ấy làm nghề gì?
- Đó là người cũng như mọi người khác... và nếu tôi có thể dùng một khái niệm, thì đó là một “Con người mây gió”.
- Tôi muốn biết anh ta ra nhập nhóm bạn bè ông như thế nào?
- Thế nào? Hừ... đã một hoặc hai lần anh ấy giúp tôi trong một công việc nhỏ.
- Xin ông nói tiếp cho.
Hardman nắm chặt hai bàn tay lại. Đó là cách cuối cùng ông ta muốn làm thỏa mãn tính tò mò của bạn tôi. Nhưng Poirot vẫn yên lặng nên ông buộc phải nói tiếp :
- Ông thừa biết rằng tôi có điều kiện để trở thành nhà sưu tầm những của quý. Đôi khi thấy cần thiết phải bán bớt đi một vật gì đó mà không muốn quá lộ liễu hoặc bị rơi vào tay một kẻ mua đi bán lại, tôi thu xếp việc bán những thứ đó. Parker coi sóc những chi tiết về tài chính, quan hệ với người mua, tránh mọi lo ngại cho cả hai bên. Ví như nữ bá tước có một vài của quý từ nước Nga mang tới và đang muốn bán, bà sẽ nhờ Parker tìm một người mua.
- Theo tôi, thì ông hoàn toàn tin tưởng ở người trẻ tuổi ấy phải không?
- Cho đến bây giờ thì tôi không điều gì phải than phiền về anh ta.
- Thưa ông Hardman, trong bốn người ấy thì ông nghi ngờ ai?
- Ôi! Thưa ông Poirot. Một câu hỏi ác quá. Đây là những bạn thân của tôi, tôi đã nói rồi. Trong số họ tôi không nghi ngờ... hoặc nghi ngờ tất, đó là cách tốt nhất để trả lời ông.
- Xin lỗi. Chắc hẳn ông chỉ nghi ngờ một người trong số họ. Nếu không phải là bà bá tước Rossakoff, không phải là ông Parker thì chắc chắn là phu nhân Rucorn hoặc ông Johnston phải không?
- Ông hiểu cho, ông Poirot. Tôi cố gắng tránh một chuyện bê bối. Phu nhân Rucorn thuộc về một dòng họ lâu đời ở Anh quốc. Nhưng chẳng may bà thường bị tai tiếng vì bà có một người cô, bà Caroline, mắc một bệnh đáng sợ. Mọi người đều biết rõ bà này đi đâu cũng lấy cắp những đồ vật người ta để sơ sểnh. (Ông Hardman thở dài). Tôi ở trong một hoàn cảnh tế nhị, ông lưu ý giúp cho.
- Như vậy phu nhân Rucorn có một bà cô ăn cắp vặt. Hừ... Thú vị đây... Xin phép ông cho tôi quan sát chiếc két sắt được chứ?
Ông Hardman gật đầu và Poirot mở cánh cửa sắt để xem xét cái lỗ hổng trống hoác.
- Không hiểu tại sao cái cánh cửa lại khó khép lại thế này? - Anh ta lẩm bẩm tay lắc lắc cánh cửa - A! Cái gì đây? Một chiếc găng tay nằm ở khe. Một chiếc găng tay đàn ông. Anh đưa cho Harman và ông ấy trả lời ngay :
- Không phải của tôi.
- Này, tôi còn thấy một vật gì nữa đấy. - Anh cho tay vào két sắt và lôi ra một chiếc hộp đựng thuốc lá.
- Hộp đựng thuốc lá của tôi!
- Tôi cho rằng không phải như vậy, thưa ông, vì chữ khắc trên hộp không phải là tên ông. - Anh chỉ vào hai chữ lồng vào nhau trên hộp.
- Ông có lý. Chiếc hộp thì rất giống, nhưng chữ khắc thì khác. Xem nào “P” và “B”... Trời ơi... Parker!
- Vâng, đúng như vậy. Người trẻ tuổi đó thật là bất cẩn. Nếu chiếc găng tay cũng là của ông ta, thì ông ấy đã cho chúng ta hai chứng tích.
- Barnard Parker! - Hardman thở dài - Tôi thú nhận rằng việc tìm kiếm này làm tôi yên lòng. Thưa ông Poirot, tôi để tự ông tìm giúp số của cải ấy cho tôi. Nếu thấy cần thiết thì ông có thể nhờ đến cảnh sát... với điều kiện ông tin chắc rằng Parker là thủ phạm.
- Anh bạn, anh đã thấy - Poirot nói với tôi khi chúng tôi rời khỏi nhà người sưu tập của quý - có một luật pháp đối với tầng lớp quý phái và một luật pháp đối với những người bình thường. Tôi chưa được phong tước nhưng tôi thích con người bình thường và thấy khó hiểu về tay Parker. Toàn bộ việc này thật là lạ lùng, anh có thấy vậy không? Hardman nghi ngờ phu nhân Rucorn, tôi chỉ nghĩ về bà bá tước và Johnston, thế mà anh chàng bí ẩn Parker lại là thủ phạm.
- Tại sao anh lai nghi ngờ hai người ấy?
- Trời ơi! Muốn có danh hiệu nữ bá tước Nga và triệu phú Nam Mỹ thì đó là điều rất dễ dàng. Ai là người nói dối? Thôi bây giờ chúng ta đã tới phố Bury nơi ở của người bạn lơ đễnh của chúng ta. Chúng ta phải rèn sắt khi nó còn đang nóng chứ?
Một người hầu cho chúng tôi biết rằng ông Barnard Parker đang ở nhà. Chúng tôi thấy anh ta nằm dài trên đống gối đệm, đắp người bằng một chiếc áo mặc trong nhà màu đỏ tươi và màu da cam. Lập tức tôi có ác cảm mạnh mẽ với người trẻ tuổi mặt xanh xao, nhu nhược vừa nói ngọng, vừa làm điệu này. Poirot không chờ đợi, đi ngay vào cuộc chiến đấu.
- Chào ông.Tôi vừa ở nhà ông Hardman về đây. Hôm qua có một kẻ nào đó đã ăn trộm hết đồ trang sức quý giá của ông ấy vào buổi chiều. Thưa ông, xin phép ông cho hỏi, thưa ông... có phải đây là chiếc găng tay của ông không?
Ông Parker tỏ ra chậm hiểu. Anh ta nhìn chằm chằm vào chiếc găng tay như là để tập trung trí nhớ.
- Ông thấy nó ở đâu?
- Có phải nó là của ông không, thưa ông?
- Không, không phải của tôi.
- Và chiếc hộp thuốc lá này nữa?
- Cũng chắc chắn là không phải. Chiếc hộp của tôi bằng bạc kia.
- Rất tốt, thưa ông. Tôi đã không định báo việc này cho cảnh sát.
- Ở địa vị ông thì tôi không làm gì cả - Parker nói - Những con người ấy thật là lạ lùng. Tôi đi gặp ông Hardman đây, này, thưa ông... ông đợi cho một lát.
Nhưng Poirot đã rút nhanh. Trên hè phố, anh cười lớn với tôi.
- Chúng ta đã làm cho anh chàng phải trù tính công việc. Ngày mai chúng ta sẽ xem họ nói với chúng ta thế nào.
Buổi tối chúng tôi lại khám phá ra một việc mới trong vụ mất trộm ở nhà ông Hardman, một bóng người sột soạt, đầu đội một chiếc mũ lớn, đứng trước cửa nhà chúng tôi làm cho một làn gió lạnh ùa vào (trời lạnh như tiết tháng sáu của nước Anh). Chúng tôi nhanh chóng biết rằng đây là nữ bá tước Rossakoff có một nhân cách hơi lộn xộn.
- Ông là Hercule Poirot phải không? - Bà ta nói thành Poirrot - Thật xấu hổ! Ông đã làm gì vậy? Tố cáo một chàng trai khốn khổ. Thật là xấu xa, thật là bê bối! Barnard là một thiên thần, một con cừu... Anh ấy không hề ăn trộm. Anh ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Và tôi cần ở lại đây để nhìn thấy anh ấy bị hành hạ, tàn sát như là hoàng tử Zatkhoune dưới những con dao găm của bọn sát nhân.
- Thưa bà, có phải đây là hộp thuốc lá của anh ta không?
Poirot đưa cho bà vật tìm thấy trong két sắt bị mất trộm. Bà ta yên lặng ngắm nhìn nó rồi nói :
- Phải, đúng là của anh ấy. Tôi biết. Ông đã thấy nó ở nhà ông Hardman ư? Chúng tôi ai cũng thấy nó. Tôi cho rằng anh ấy đánh rơi nó. A! Các ông là cảnh sát, các ông cũng tồi tệ như bọn cảnh sát Nga!
- Đây có phải là găng tay của ông ta không, thưa bà?
- Tại sao ông muốn biết nó là của ai? Một chiếc găng tay thì giống mọi chiếc găng tay khác. Này các ông đừng cản đường tôi... Tôi muốn rằng anh ấy vô can! Vì tiếng tăm của anh ấy tôi có thể sẽ bán tất cả những đồ trang sức của tôi và đưa cho ông rất nhiều tiền...
- Thưa bà...
- Đã quyết định! Tôi đã nói! Không, không, xin đừng vật nài tôi nữa! Chàng trai khốn khổ! Anh ấy đã đến gặp tôi... Hãy cứ để Vera giải quyết công việc này. Bây giờ, tôi xin hứa với ông lời hứa của người quý phái.
Bà ta biến mất như lúc bà ta đến, để lại một mùi nước hoa thơm nức theo sau.
- Người đàn bà kỳ lạ! - Tôi kêu lên - Anh có chú ý tấm da lông thú quàng cổ của bà ta không?
- Phải, nó là loại thật. Một nữ bá tước giả hiệu liệu có quàng lông thú loại thật không? Một lời giải nhỏ, Hastings. Tôi cho rằng đúng bà ta là người Nga. Như vậy thì Barnard đã tới để khóc thút thít với bà ấy. Hộp thuốc lá đúng là của anh ra. Tôi còn đang tự hỏi có phải chiếc găng tay...
Poirot cười và lấy ra trong túi một chiếc găng tay thứ hai rồi đặt bên cạnh chiếc găng tay kia. Chúng thành một đôi.
- Anh đã tìm thấy chiếc thứ hai ở đâu vậy, Poirot?
- Nó bị để quên trên chiếc giá gỗ bên cạnh chiếc can trong ngôi nhà ở phố Bury. Đúng là Parker là một con người cẩn thận. Anh bạn... Chúng ta sắp sửa kết thúc vụ này. Về hình thức, tôi cần tới thăm một ngôi nhà khác trên phố Park Lane.
Không cần phải hỏi thêm gì, tôi đi theo bạn tôi. Johnston đi vắng nhưng người thư kí riêng của ông ta đã tiếp chúng tôi và cho chúng tôi biết rõ là ông ta vừa ở Nam Mỹ tới và đây là lần đầu tiên ông tới Anh quốc.
- Ông ấy thích tìm kiếm đá quý phải không, tôi cho là như vậy - Poirot hơi lấp lửng.
Người thư ký cười vang và trả lời :
- Nói đúng ra là những mỏ vàng!
Kết thúc câu chuyện, Poirot ra về với vẻ nghĩ ngợi. Đến tận khuya tôi còn thấy anh chăm chú đọc cuốn ngữ pháp tiếng Nga.
- Trời ơi, Poirot! Anh định học tiếng Nga để trực tiếp nói chuyện với bà bá tước ấy ư?
- Tôi cần nói rằng bà ta đã không chú ý lắm đến tiếng Anh của tôi.
- Nhưng những người Nga trong các gia đình quyền quý đều nói tiếng Pháp kia mà!
- Hastings anh là nguồn thông tin không bao giờ cạn. Thôi tôi cũng chẳng cần đi vào những chuyện phức tạp của bảng chữ cái của tiếng Nga nữa.
Anh ném cuốn sách đi với vẻ rất kịch. Tôi không tin câu nói ấy của anh vì tôi đã trông thấy mắt anh sáng lên. Đó là một dấu hiệu không thể chối cãi: Hercule Poirot hài lòng về việc làm của mình.
- Có phải anh nghi ngờ rằng bà ta không phải là người Nga không?
- Tôi hỏi bằng một giọng tin chắc - Anh sẽ thử thách bà ta chăng?
- Không, không, tôi không nghi ngờ gì về quốc tịch của bà ấy.
- Nhưng...
- Nếu anh muốn đi sâu vào việc này thì tôi khuyên anh nên đọc cuốn “Ngữ pháp tiếng Nga”, một cuốn sách có giá trị lớn.
Anh cười và từ chối không nói rõ hơn ý định của mình. Anh nhặt cuốn sách, lật từng trang và hình như không có ý định trả lời câu hỏi của tôi.
* * * * *
Sáng hôm sau chúng tôi vẫn không có tin tức gì thêm. Cái đó không làm cho bạn tôi phật lòng và sau bữa ăn sáng anh nói ý định của mình là tới thăm ông Hardman.
Chúng tôi ngồi ở gian phòng bên thường để tiếp khách. Gian phòng hình như yên tĩnh hơn là lúc chúng tôi rời khỏi đây hôm qua.
- Ông Poirot, ông đã tìm ra một dấu vết rồi chứ?
Nhà thám tử nhỏ người đưa cho ông một mẩu giấy.
- Đây là tên người đã lấy trộm những đồ trang sức của ông. Liệu tôi có nên giao việc này cho cảnh sát không? Hoặc ông muốn tôi lấy lại số của cải mà không cần báo cho các nhà chức trách.
Hardman nhìn tờ giấy với vẻ hốt hoảng. Khi trấn tĩnh lại, ông ta nói một cách kiên quyết :
- Tôi muốn tránh một vụ ầm ĩ. Tôi cho ông quyền tự do, ông Poirot. Tôi không nghi ngờ gì tính thận trọng của ông.
Khi ra khỏi nhà, Poirot gọi một chiếc tắc xi và yêu cầu người lái xe chở chúng tôi đến phố Carlton. Tới nơi, anh hỏi thăm phòng nữ bá tước Rossakoff. Một lát sau một nhân viên phục vụ dẫn chúng tôi đến nới ở của bà. Ăn vận mộc mạc, không trang điểm, người phụ nữ Nga tiến lại phía chúng tôi giơ tay ra.
- Ông Hercule! Ông thành công chứ? Ông đã gỡ cho chàng trai khốn khổ ấy những nghi ngờ đê hèn rồi chứ?
- Thưa bá tước phu nhân, ông bạn Parker của bà không có lý do gì mà sợ cảnh sát.
- Ông thật là một người tốt bụng kỳ diệu!
- Nhưng mặt khác, thưa bà bá tước, tôi đã hứa với ông Hardman là những đồ trang sức của ông phải được hoàn lại ông trong ngày hôm nay.
- Rồi sao nữa?
- Rồi, thưa bà, tôi phải yêu cầu bà, nếu thấy cần, bà giao chúng lại cho tôi ngay lập tức. Rất tiếc là phải thúc giục bà nhưng xe tắc xi đang chờ chúng tôi... trong trường hợp chúng tôi phải đến Sở Cảnh sát. Chúng tôi là những người Bỉ có bản chất tiết kiệm, tôi không muốn đồng hồ đo thời gian thuê xe chạy quá lâu.
Bà bá tước châm một điếu thuốc. Đột nhiên, bà ta cười vang, đứng lên, đi về phía bàn giấy, lấy ra một chiếc túi lụa màu đen. Bà ta ném nó cho Poirot. Bằng một giọng đùa cợt và hoàn toàn yên tâm, bà ta tuyên bố :
- Chúng tôi là những người Nga, ngược lại, chúng tôi rất hoang phí. Nhưng than ôi, cái đó đòi hỏi phải rất giàu. Không cần phải kiểm lại nữa, tất cả của cải còn ở nguyên trong đó.
Poirot đứng lên :
- Chúng tôi khen ngợi trí thông minh và tính nhạy bén của bà, thưa bà!
- Tôi không có sự lựa chọn nào khác, nhưng xe tắc xi đang đợi các ông.
- Bà thật đáng mến. Bà có ý định ở lại Londres lâu dài chứ?
- Than ôi, không... tại ông cả... con người đáng sợ.
- Xin bà nhận những lời xin lỗi của tôi.
- Có thể một ngày nào đó chúng ta lại gặp nhau.
- Tôi hy vọng điều đó.
- Còn tôi thì không! - Bà ta cười và kêu lên - Tôi xin tỏ lòng khâm phục ông, thưa ông Poirot, vì trên đời này có rất ít người khiến tôi phải hoảng sợ mỗi khi gặp gỡ. Xin tạm biệt, ông Poirot.
- Tạm biệt, bá tước phu nhân. A! Xin lỗi, tôi quên mất! Xin phép cho tôi gửi lại bà chiếc hộp thuốc lá. Anh cúi đầu đưa cho bà ta chiếc hộp thuốc lá. Bà ta không ngần ngừ lâu; cầm lấy chiếc hộp, hơi nhíu mày và khẽ lẩm bẩm: “Không có gì!”
* * * * *
- Một người đàn bà ghê gớm! - Poirot kêu lên khi chúng tôi rời khỏi ngôi nhà - Trời đất! Một người đàn bà ghê gớm. Không có một lời chối cãi nào. Trong chớp mắt bà ta đã thấy rõ tính chất nghiêm trọng của tình thế, dễ dàng chấp nhận thất bại. Nói cho anh biết, một người như thế thì còn tiến xa hơn nữa! Bà ta rất nguy hiểm, bà ấy có dây thần kinh bằng thép, bà... - Anh vấp phải một bậc thang và ngừng nói.
- Thôi hãy ngừng những lời khen ngợi, Poirot. Anh nghi ngờ mụ bá tước ấy từ lúc nào?
- Anh bạn, chiếc găng tay và hộp đựng thuốc lá là hai chứng tích, chúng ta đã nói như vậy, làm tôi suy nghĩ nhiều, Barnard Parker rất dễ dàng để quên thứ này, hay thứ khác, nhưng nếu quên cả hai thì phải là một người rất đãng trí. Mặt khác, nếu một kẻ nào đó đặt chúng vào đây để buộc tội chàng trai thì một thứ thôi cũng đã đủ. Hộp đựng thuốc lá hoặc chiếc găng tay chứ không cần đến cả hai.Tôi đi đến một kết luận một trong hai thứ đó không phải là của Parker. Trước tiên tôi nghĩ đó là chiếc găng tay nhưng chỉ khi tìm thấy một chiếc nữa thì tôi mới yên tâm. Thế nhưng ai là chủ của hộp thuốc lá? Không phải là phu nhân Rucorn, những chữ viết tắt ấy không phải là tên bà ta. Của ông Johnston ư? Chắc chắn ông ta tới Anh quốc dưới một cái tên mượn. Khi hỏi chuyện người thư kí của ông ta thì tôi biết ngay ông không liên quan gì tới vụ này. Người thư kí ấy không tìm cách che giấu quá khứ của ông chủ mình. Bà bá tước ư? Có lẽ bà ta sẽ mang những đồ trang sức ấy về Nga để bán. Một khi những viên đá quý được lấy ra khỏi cái khung của nó thì rất khó chứng minh chúng ở chiếc két sắt của ông Hardman mà ra. Rất dễ dàng đánh cắp chiếc găng tay của Parker và ném nó vào két sắt sau khi lấy hết của cải trong đó. Nhưng chắc chắn rằng bà ta không có ý định để lại chiếc hộp thuốc lá của mình trong chiếc két ấy.
- Nếu hộp thuốc lá đúng là của bà ta thì tại sao nó lại khắc hai chữ “B.P”? Hai chữ đầu tiên của bà ta là “V.R” kia mà.
Poirot nhếch mép cười với tôi.
- Anh bạn, đúng là như vậy, nhưng trong bảng chữ cái tiếng Nga thì B là V và P là R.
- Anh không thể hy vọng tôi đoán ra! Vì tôi không biết tiếng Nga!
- Tôi cũng vậy, Hastings. Chính vì vậy mà tôi từng đọc cuốn “Ngữ pháp tiếng Nga”... Và tôi đã yêu cầu anh đọc thử nó. - Anh thở dài.
- Bà bá tước ấy là một người đáng chú ý. Anh bạn, tôi có cảm giác, cũng có thể nói là tin chắc nữa, rằng tôi sẽ gặp lại bà ta. Ở đâu? Tôi chưa nghĩ ra...
Anh nhún vai: “Không có gì!”
- Số lượng những vụ đánh cắp trái phiếu hồi này xảy ra nhiều quá - Tôi nói và đẩy tờ báo ra - Poirot, chúng ta hãy bỏ việc nghiên cứu để khám phá những vụ loại này. Anh đã đọc những tin tức cuối cùng chưa? Những tờ trái phiếu “Liberty” giá trị tới một triệu đôla mà Ngân hàng Londres - Ecosse gửi tới New York đã bị mất một cách không ngờ trên tàu Olympia.
- Nếu không bị say sóng và không bị ám ảnh bởi cái cách đi lại của tàu Laverguier khi vượt Đại Tây Dương thì tôi sẽ rất vui lòng lên một trong những con tàu lớn - Poirot nói với vẻ mơ màng.
- Anh yên tâm - Tôi nhiệt thành trả lời - Một vài con tàu có đầy đủ tiện nghi và những bể bơi, phòng khách, khách sạn,... Nhưng... cũng rất đúng lúc là người ta rất khó quen thuộc với biển cả.
- Còn tôi, bao giờ thôi cũng biết tôi sẽ ra sao khi đi trên biển - Poirot nói giọng buồn rầu - Tất cả những thứ anh vừa kể, với tôi thì chúng chẳng có nghĩa lý gì cả. Nhưng, anh bạn, nếu có lúc nào đó những nhân tài vi hành đi trên những con tàu anh vừa kể thì rất có thể họ gặp được nhà quán quân trong thế giới tội phạm.
Tôi cười :
- Đó là lý do của những lợi ích trong những chuyến đi biển của anh ư? Anh muốn đọ kiếm với những kẻ đã chiếm đoạt những trái phiếu Liberty ư?
Bà phục vụ của chúng tôi bước vào làm câu chuyện ngừng lại.
- Có một cô gái muốn gặp ông, thưa ông Poirot. Đây là danh thiếp của cô ấy.
Tấm thiệp ghi: Cô Esmée Farquhar.
Sau khi cúi xuống nhặt một vụn bánh mì dưới bàn và cho nó vào giỏ giấy bỏ đi, Poirot ra hiệu cho người hầu mời khách vào. Một phút sau, một trong số những cô gái kiều diễm mà tôi đã được nhìn qua bước vào. Khoảng hai mươi nhăm tuổi, mắt to, màu xanh và vóc người thật hoàn hảo, cô ta ăn vận rất sang trọng và có những cử chỉ thật dễ chịu.
- Thưa cô, mời cô ngồi. Xin giới thiệu với cô đây là đại úy Hastings, người đã giúp tôi trong những việc nhỏ.
- Thưa ông Poirot, tôi sợ rằng đây là một việc lớn mà tôi mang tới ông - Cô gái trả lời và nghiêng đầu về phía tôi trước khi ngồi xuống ghế. Chắc chắn rằng ông đã đọc báo. Tôi nói về vụ đánh cắp những trái phiếu Liberty trên tàu Olympia.
Poirot tỏ vẻ ngạc nhiên khi cô đi ngay vào câu chuyện :
- Chắc hẳn ông muốn hỏi tôi có quan hệ gì với Ngân hàng Londres - Ecosse? Theo một nghĩa nào đó thì không nhưng với một nghĩa khác thì lại có. Thưa ông Poirot, tôi là vợ chưa cưới của Philippe Ridgeway.
- A! Còn ông Philippe Ridgeway...
- ... Là người chịu trách nhiệm canh giữ những trái phiếu ấy, lúc chúng bị đánh cắp. Tất nhiên, anh ấy không có một lỗi nào để có thể bị truy tố và dù sao chăng nữa anh ấy cũng không liên quan gì đến vụ mất trộm này. Tuy nhiên vụ này đã làm anh ấy mất bình tĩnh và tôi biết là ông bác của anh đã biết anh là người áp tải số trái phiếu. Đây là một cú đánh ghê gớm vào nghể nghiệp của Philippe.
- Người bác của anh ta là ai?
- Là ông Vavasour, đồng tổng giám đốc Ngân hàng Londres - Ecosse.
- Cô Farquhar, cô hãy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đã xảy ra như thế nào.
- Vâng. Như các ông đã biết. Ngân hàng muốn mở rộng công cuộc kinh doanh sang châu Mỹ nên đã quyết định gởi một triệu đôla bằng trái phiếu Liberty tới đó. Ông Vavasour đã chọn người áp tải số hàng này là người cháu của mình. Anh là người đáng tin cậy qua nhiều năm làm việc ở đây và là người biết rõ những công việc về quan hệ giữa Ngân hàng với New York. Tàu Olympia nhổ neo ở Liverpool ngày 23 và những trái phiếu được ông Vavasour và ông Shaw là hai đồng tổng giám đốc của Ngân hàng giao tận tay Philipe ngay sáng hôm ấy. Trái phiếu được đếm, đóng gói và buộc chặt trước mặt anh và Philippe đã khóa chiếc két sắt.
- Chiếc két được khóa bằng một chiếc khóa thông thường ư?
- Không, ông Shaw đã bắt buộc phải dùng khóa của hãng Hubb. Như tôi đã nói chính tay Philippe Ridgeway đã đặt gói hàng vào trong két và hàng đã bị mất vài tiếng đồng hồ trước khi tới cảng New York. Một sự lục soát gắt gao trên tàu đã không mang lại kết quả gì. Những tờ trái phiếu hình như đã biến thành hơi bay vào không khí.
Poirot nhăn mặt.
- Nhưng chúng không mất, vì như tôi biết, chúng đã được bán từng ít một nửa tiếng đồng hồ sau khi tàu cập bến. Thế đấy. Tôi thì không nghi ngờ gì anh Ridgeway. Tôi gợi ý là mời các ông tới dùng bữa ở cửa hàng Chestire Cheese! Philippe đợi tôi ở đấy, nhưng anh chưa biết là tôi đã nhân danh anh để mời các ông.
Chúng tôi nhận lời và thuê một chiếc tắc xi để tới chỗ hẹn. Philippe Ridgeway đã có mặt ở đấy và rất ngạc nhiên thấy vợ chưa cưới của mình đi tới cùng hai người lạ mặt. Cao, hơi gầy, vẻ lịch sự, Ridgeway có những sợi tóc đốm bạc ở hai thái dương tuy anh chưa đến ba mươi tuổi. Cô Farquhar đi tới và đặt tay lên vai anh.
- Tha lỗi vì em đã làm mà không hỏi ý kiến anh, Philippe. Xin phép giới thiệu đây là ông Poirot mà chắc chắn rằng anh đã biết tiếng và đại úy Hastings, bạn ông.
Ridgeway chào chúng tôi mà không che giấu vẻ ngỡ ngàng.
- Chắc chắn là như vậy, tôi đã nghe nói về ông, ông Poirot. Nhưng tôi không nghĩ đến việc Esmée đã tới hỏi ông nhân danh... câu chuyện của chúng tôi.
- Em sợ rằng anh không để em làm như vậy, anh Philippe - Cô Farquhar dịu dàng giải thích. Anh ta cười :
- Tôi hy vọng ông Poirot có thể làm sáng tỏ câu đố lạ lùng này vì tôi thành thật thú nhận là tôi đã gần phát điên lên vì lo lắng.
Đúng là vẻ mặt đang nhăn nhó nói lên những lo ngại đã day dứt anh.
- Được - Poirot nói - Chúng ta hãy ngồi vào bàn, vừa ăn vừa nói chuyện xem chúng ta có thể làm được những gì. Tôi muốn anh Ridgeway tự kể lại chuyện này.
Trong khi chúng tôi thưởng thức món thịt bò rán và món bầu dục xào của nhà hàng thì Phillipe Ridgeway nói về những hoàn cảnh xung quanh vụ những trái phiếu bị mất cắp. Câu chuyện của anh cũng giống như chuyện kể của cô Farquhar. Khi anh nói xong, Poirot đặt câu hỏi đầu tiên :
- Ridgeway, ai là người đầu tiên thấy gói trái phiếu đã bị mất?
Người được hỏi trả lời bằng giọng cay đắng :
- Điều đó làm tôi lo lắng... ông Poirot. Tôi không thể đề phòng được. Chiếc két đã bị kéo ra một phần khỏi gầm giường tôi nằm. Tôi đã đặt chiếc két vào đấy và ổ khóa có những dấu vết bị phá.
- Nhưng tôi nghe nói ổ khóa đã được mở bằng chìa cơ mà?
- Đúng thế. Đầu tiên là chúng định phá khóa nhưng không kết quả. Sau đó chúng phải dùng cách khác.
- Thật là lạ lùng - Poirot lẩm bẩm, mắt ánh lên một tia sáng mà tôi rất quen thuộc, rất lạ lùng - Bọn kẻ trộm đã để mất một thời gian đáng kể để phá một ổ khóa và cuối cùng... đồ chết giẫm! Chúng biết là chúng có chìa khóa trong túi lúc ấy... vì chìa khóa của hãng Hubb chỉ có độc một chiếc thôi.
- Chính vì vậy mà chúng không thể có một chiếc nữa được. Chìa khóa luôn ở trong người tôi ngày cũng như đêm.
- Anh tin chắc như thế chứ?
- Chắc chắn. Hơn thế nữa, nếu chúng có chiếc chìa khóa tôi luôn giữ, hoặc chiếc thứ hai, thì tại sao chúng lại để mất thời gian quý báu để phá ổ khóa khi biết rõ là không thể nào phá nổi?
- Đúng đây là câu hỏi chúng ta cần đặt ra. Nếu chúng ta không tìm ra lời giải thì chúng ta mãi mãi quanh quẩn bên cạnh sự việc lạ lùng và ngược đời này. Tôi yêu cầu anh trả lời câu hỏi cuối cùng này: Anh có tuyệt đối tin chắc là không lúc nào anh để chiếc két không khóa không?
Philippe Ridgeway trợn mắt nhìn Poirot và sau đó anh đã có một cử chỉ xin lỗi.
- Chuyện đó cũng có thể xảy ra, tôi đảm bảo với anh như vậy. Được, những trái phiếu đó đã bị mất cắp. Bọn ăn cắp sẽ làm gì? Làm như thế nào mà chúng có thể mang số hàng đó lên bờ được?
- Làm thế nào ư? Tôi không hiểu. Cơ quan hải quan đã được báo tin và họ đã khám xét kỹ từng hành khách khi tới New York.
- Và những trái phiếu được đóng gói thành một khối lượng lớn chứ, tôi hình dung như vậy?
- Đúng. Chúng không thể giấu cái gói ấy trên tàu được... Và dù sao thì cũng không thể có chuyện này, vì chúng xuất hiện trên thị trường nửa tiếng đồng hồ sau khi tàu Olympia cập bến, sau khi tôi đánh điện tín thông báo con số những tờ tín phiếu đó. Một nhà buôn còn khẳng định là ông ta đã mua tín phiếu ấy khi tàu chưa tới bến nữa. Chắc chắn rằng người ta không thể gửi tín phiếu trên đường điện tín được.
- Đúng là không được, nhưng có thể có một chiếc thuyền con nào bám theo tàu của anh không?
- Chỉ có thể là thuyền của các nhà chức trách sau khi lệnh báo động được loan ra và người ta đã tìm kiếm ở mọi nơi... Tự tôi, tôi cũng kiểm soát các con thuyền ấy xem có ai đưa bọc hàng từ tàu xuống thuyền không. Trời! Ông Poirot. Việc này làm tôi phát điên lên! Người ta đã bắt đầu thì thào rằng chính tôi là tác giả của vụ cướp này.
- Nhưng người ta cũng lục soát anh, cả anh nữa, khi rời tàu chứ?
- Vâng. - Chàng trai nhìn Poirot với vẻ ngỡ ngàng.
- Tôi thấy anh không hiểu ý tôi - Poirot mỉm cười một cách bí ẩn - Bây giờ tôi muốn có những ý kiến của Ngân hàng.
Ridgeway lấy ra một tấm danh thiếp và viết lên đó một ít chữ.
- Ông đưa cho người bác tôi cái này và sẽ được tiếp chuyện ngay.
Poirot cám ơn anh và chào Farquhar và chúng tôi đi tới phố Treadneedie, nơi có trụ sở chính của Ngân hàng Londres - Ecosse. Theo tờ danh thiếp của Ridgeway chúng tôi được dẫn qua một lối hành lang phức tạp có những bàn giấy nơi các nhân viên bận rộn nhận và trả tiền. Hai ông đồng Tổng giám đốc tiếp chúng tôi trong một phòng giấy nhỏ trên lầu một.
Hai ông già nghiêm trang đã làm việc nhiều năm trong ngành Ngân hàng. Ông Vavasour có bộ râu trắng bạc. Ông Shaw mặt mày nhẵn nhụi.
- Theo tôi hiểu thì ông là nhân viên đi tìm kiếm những của cải bị mất trộm, đúng không?- Ông Vavasour hỏi - Đồng ý, đồng ý. Chúng tôi đã được Scotland Yard giúp đỡ. Thanh tra Mac Neil đảm trách việc này. Một cảnh sát rất khôn khéo, tôi cho là như vậy.
- Tôi tin chắc là như thế - Poirot lễ phép trả lời - Nhân danh người cháu của ông, xin ông cho phép được hỏi một vài điều được không? Có đúng là chiếc két sắt đó các ông đã đặt mua ở hàng Hubb phải không?
- Tự tôi đi mua nó - Ông Shaw nói ngay - Tôi không giao việc này cho ai cả. Còn về chìa khóa thì ngoài chiếc anh Ridgeway cầm, còn hai chiếc tôi và ông đồng sự của tôi mỗi người giữ một chiếc. Tôi có thể khẳng định với ông là những tờ trái phiếu vẫn nằm trong két cho đến ngày hai mươi ba. Bạn tôi đã bị ốm trước đó mười lăm ngày... Cho đến ngày Philippe lên đường ông mới bình phục.
- Bệnh sưng phổi không phải là một trò đùa với một người ở tuổi tôi - Ông Shaw tiếp lời - Nhưng tôi lo ngại là ông bạn tôi khổ tâm không do làm việc quá sức khi tôi vẵng mặt mà do cái sự cố không lường trước được này.
Poirot đặt ra một vài câu hỏi phụ. Tôi cho rằng anh đang thăm dò về tình cảm giữa người bác và người cháu. Những câu trả lời của ông Vavasour đều ngắn gọn và chính xác. Cháu ông là một nhân viên đáng tin cậy, theo ông thì anh không hề nợ nần, không hề túng bấn. Từ trước tới nay người ta vẫn giao cho anh những công việc tương tự. Cuối cùng thì chúng tôi xin phép tạm biệt hai ông.
- Tôi rất thất vọng - Poirot nhận xét trong khi chúng tôi ra ngoài phố.
- Anh không còn hi vọng điều tra vụ này nữa à? Đó là những ông già thô lỗ.
- Không phải là thái độ thô lỗ của họ mà tôi thất vọng. Tôi không chờ gặp một ông chủ Ngân hàng, một nhà tài phiệt với cặp mắt sắc sảo như trong tiểu thuyết của các anh. Tôi thất vọng vì chính bản thân việc này... nó quá dễ dàng!
- Dễ dàng ư?
- Phải, anh không thấy sự việc đơn giản gần như chuyện trẻ con à?
- Anh đã biết ai là kẻ ăn cắp những trái phiếu ấy rồi chứ?
- Tôi biết.
- Nhưng... chúng ta phải... Tại sao...
- Anh đừng quá bối rối và xúc động, Hastings. Lúc này thì chúng ta không thể làm gì được.
- Tại sao? Còn chờ gì nữa?
- Con tàu Olympia. Nó sẽ từ New York trở về vào thứ ba tới.
- Nếu anh đã biết kẻ ăn cắp trái phiếu thì tại sao anh còn trùng trình như vậy? Hắn có thể trốn thoát.
- Trốn tới một hòn đảo phía Nam để khỏi bị trao trả lại ư? Không, anh bạn, hắn sẽ thấy cuộc sống ở đấy không dễ chịu chút nào. Còn về lý do khiến tôi phải chờ đợi...
Này, đối với trí thông minh của Hercule Poirot thì câu chuyện đã quá rõ ràng, nhưng đối với những người không được Thượng đế phú cho tài trí ấy như Mac Neil chẳng hạn, hắn sẽ theo đuổi đến cùng việc điều tra cho đến khi các bằng chứng tìm được phù hợp với sự việc. Cần phải khoan dung cho những người ít tài năng hơn mình.
- Trời ơi! Anh Poirot? Anh có biết là tôi có thể sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để một lần xem anh giở trò ngu ngốc. Anh hợm hĩnh quá mức!
- Đừng bực bội, Hastings. Đúng ra, tôi nhận thấy lúc đó anh ghét bỏ tôi! Than ôi, tôi đau đớn vì chính sự vĩ đại của mình!
Con người thấp lùn ấy cúi người thở dài một cách khôi hài khiến tôi không thể nhịn cười được. Ngày thứ ba đến, chúng tôi ngồi trên toa tàu hạng nhất đi Liverpool. Poirot khăng khăng không làm cho tôi sáng tỏ điều gì... Anh tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi không nắm được những tình huống. Tôi không muốn thảo luận với anh và cố giấu sự tò mò của tôi sau một bức tường đã tính toán trước. Tới bến cảng, đứng trước con tàu xuyên Đại tây Dương. Poirot tỏ ra rất tinh nhanh. Anh liên tiếp hỏi chuyện bốn người phục vụ trên tàu về một người bạn đã ở trên tàu này để tới New York vào ngày hai mươi ba :
- Một ông sang trọng, đứng tuổi, mang kính che một con mắt bị hỏng, ít khi rời khỏi chỗ nằm trên tàu. Việc mô tả của anh phù hợp với một hành khách tên là Vantnor trên cabin C24, bên cạnh cabin của Philippe Ridgeway. Tôi rất thích thú tuy không hiểu tại sao Poirot lại biết được sự có mặt của ông Vantnor ấy trên con tàu này.
- Xin cho biêt - Tôi ngắt lời - Ông khách lịch sự ấy có phải là người đầu tiên rời khỏi tàu khi tàu cập cảng New York không?
- Thưa ông, không, trái lại ông ấy là một trong những người cuối cùng rời khỏi tàu. Tôi rút lui, bối rối nhìn Poirot đang nhăn mặt cười với tôi. Anh cảm ơn người phục vụ, và nhét vào tay người ấy một tờ giấy bạc và chúng tôi ra về.
- Tất cả những cái đó rất hay - Tôi cáu kỉnh nhận xét - Anh có thể càu nhàu bao nhiêu thì tùy anh, nhưng câu trả lời cuối cùng ấy đã phá hỏng toàn bộ lý thuyết quý báu của anh, đúng không?
- Bao giờ cũng vậy, anh chẳng nhìn thấy gì cả. Câu trả lời cuối cùng ấy, ngược lại đã khẳng định lý thuyết của tôi là đúng. Tôi giơ tay lên trời như là một dấu hiệu thất vọng.
- Thôi cho qua!
* * * * *
Trên chuyến xe lửa trả chúng tôi về Londres, Poirot tập trung chú ý đến viết một bức thư rồi cho thư vào phong bì.
- Thư này gửi cho thanh tra Mac Neil! Chúng ta sẽ chuyển nó khi đi qua Scotland Yard, sau đó chúng ta đi thẳng tới khách sạn Cheshire Cheese. Tôi đã mời cô Farquhar cùng ăn với chúng ta.
- Còn Ridgeway thì sao?
- Thế nào? - Poirot hỏi với cái nhìn tinh quái.
- Đúng là như thế... Anh không nghĩ tới... Anh không thể...
Sự tập trung tư tưởng của anh đã trở thành một thói quen. Tôi nghĩ đến Ridgeway là kẻ đánh cắp, chuyện này cũng có thể xảy ra, thì việc này sẽ rất tế nhị... Một việc làm tốt đẹp.
- Nhưng cũng rất “tế nhị” đối với cô Farquhar nữa chứ?
- Anh có lý. Như vậy tất cả cho cái tốt nhất. Bây giờ, Hastings ta trở lại câu chuyện. Tôi cảm thấy anh rất sốt ruột. Gói hàng đóng gói đã được lôi ra khỏi két sắt và “bốc hơi”, theo cách nói của cô Farquhar. Chúng ta hãy bỏ qua lý thuyết về sự bốc hơi mà khoa học thời nay đã lên án để xem xét thực tế nó như thế nào. Mọi người không thừa nhận đây là một vụ gian lận...
- Nhưng chúng ta biết rằng...
- Anh thì có thể chứ không phải tôi, Hastings. Tôi cho rằng vì là cái thước kia đã không thể thì ngày nay vẫn không thể xảy ra. Có thể có hai cách có thể tính đến: hoặc là người ta giấu nó trên tàu (như thế tôi thấy là rất khó khăn), hoặc là người ta ném nó xuống biển.
- Với một chiếc phao, anh muốn nói như vậy chứ?
- Không có phao. Tôi hoảng hốt nhìn anh.
- Nhưng nếu những trái phiếu ấy ở trên tàu thì chúng không thể được mang bán ở New York được!
- Tôi khâm phục trí xét đoán logich của anh, Hastings. Những trái phiếu đã được bán ở New York thì chúng ta phải bỏ khả năng ấy đi. Anh đồng ý như thế chứ?
- Từ lúc đầu chúng ta đã thỏa thuận như vậy rồi.
- Chưa bao giờ! Nếu gói hàng được ném xuống biển và những trái phiếu được bán ở New York thì gói hàng ấy không phải là trái phiếu. Có lý do gì mà chúng ta tin chắc là các tờ trái phiếu được đóng gói trong đó? Anh nên nhớ: Ridgeway chưa mở két sắt một lần nào kể từ lúc người ta giao cho anh chiếc két ấy từ Londres.
- Đúng, nhưng có thể là...
- Xin để tôi nói tiếp, lần cuối cùng người ta nhìn thấy những tờ trái phiếu ấy là vào sáng ngày hai mươi ba, tại Ngân hàng Londres - Ecosse. Sau đó chúng xuất hiện ở New York một tiếng dồng hồ sau khi tàu Olympia cập bến, và theo ý kiến của một người thì chúng xuất hiện ngay cả lúc tàu chưa cập bến. Giả định là trái phiếu chưa bao giờ có mặt ở trên tàu Olympia thì liệu chúng có thể tới New York bằng cách nào nữa không? Có, tàu Gigantic rồi vượt qua Đại Tây Dương. Được gửi trên tàu Gigantic, trai phiếu tới New York một ngày sớm hơn! Từ đấy, mọi cái sẽ rõ ràng và vụ việc bắt đầu tự giải thích. Gói hàng chỉ là một gói hàng giả và sự thay thế ấy cần được tiến hành nhanh chóng tại Ngân hàng ở Londres. Một trong ba người ấy dễ dàng tạo ra một gói hàng giống như gói hàng thật. Rất tốt. Nhưng trái phiếu thật được gửi cho một kẻ tòng phạm ở New York với lệnh ra là bán chúng khi tàu Olympia cập bến, nhưng phải có một người nữa đi trên tàu Olympia để tạo ra vụ mất trộm đó.
- Vì sao?
- Vì chỉ cần Ridgeway mở chiếc két đó, phát hiện đây là những trái phiếu giả, thì những nghi ngờ sẽ nảy ra ở cơ quan Ngân hàng tại Londres.. Không, con người trên tàu, trong cabin, bên cạnh cabin của Ridgeway, đã làm công việc của mình. Người ấy định phá ổ khóa để lôi kéo sự chú ý đến một tên kẻ trộm đáng ngờ, sau đó mở chiếc két bằng chiếc khóa thứ hai, ném gói hàng xuống biển và đợi đến phút cuối cùng để rời khỏi tàu. Tất nhiên hắn đeo kính để che con mắt bị hỏng vì hắn không muốn gặp Rigdeway. Hắn xuống New York để trở về ngay bằng chuyến tàu đầu tiên gặp được.
- Nhưng hắn là ai?
- Cái người giữ một trong ba chiếc chìa khóa, người đi mua ổ khóa và người chưa bao giờ bị sưng phổi tại nhà hắn ở nông thôn... cuối cùng đó là lão già “thô lỗ”, ông Shaw! Nhiều khi kẻ phạm tội lại là những người giữ chức vụ quan trọng, anh bạn ạ. À! chúng ta tới nơi rồi... Thưa cô, tôi đã thành công. Xin phép cô!
Và hớn hở, anh đặt một nụ hôn nhẹ lên má của cô gái đang quá đỗi ngạc nhiên.
Thám tử Poirot là bạn vong niên của tôi. Đó là một ông già hơi thấp, gương mặt phúc hậu, da dẻ hồng hào, đặc biệt, đôi mắt ông sáng quắc dưới vầng trán cao, ẩn chứa bên trong một trí thông minh tuyệt vời.
Tối nay, Poirot mời tôi đi ăn tại nhà hàng khách sạn Bồng Lai. Hình như tất cả quí ông bà sang trọng nhất thành phố đều tụ tập ở đây. Vừa bước vào tôi đã choáng ngợp trước những bộ quần áo đắt tiền, nữ trang lấp lánh và cả mùi hương của nước hoa sực nức không gian. Poirot kéo tôi ngồi xuống chiếc bàn đặt cạnh một chậu kiểng lá răng cưa rất đẹp. Ông đưa mắt nhìn quanh :
- Nơi đây thật là lý tưởng cho bọn trộm cắp ra tay. Chà, thiên hạ sao mà giàu thế, anh có thấy cái bà mập mập kia không, châu báu đeo thấy mà khiếp.
Tôi nhìn theo hướng ông chỉ và kêu lên :
- Ờ, bà Opasson đó mà.
- Anh biết bà ấy sao?
- Tôi quen với chồng bà ta. Ông ấy kinh doanh dầu hỏa và đang phất lên như gió.
Sau bữa ăn, tôi gặp vợ chồng Opasson trong phòng khách, liền giới thiệu với Poirot. Chúng tôi làm quen rất nhanh. Câu chuyện lan man dẫn đến việc bàn luận về các viên ngọc quý. Poirot nói với bà Opasson :
- Nghề nghiệp của tôi bắt buộc phải rành phân biệt các loại nữ trang. Thưa bà, chuỗi ngọc bích bà đang đeo rất đẹp và hiếm.
Bà Opasson sung sướng :
- Thưa ông, trên phòng tôi còn có chuỗi ngọc trai đẹp và đắt hơn chuỗi này bội phần. Đối với những người sành ngọc như ông, ông phải được xem nó.
Nói xong, bà nhanh nhẹn bước về phía thang máy. Ông Opasson nhìn theo, cười mãn nguyện :
- Phải mất nhiều tiền tôi mới mua được chuỗi ngọc trai quý giá đó. Rồi các ông sẽ thấy, thật tuyệt vời.
Thời gian trôi qua. Ông Opasson sốt ruột đứng dậy :
- Xin lỗi, tôi phải lên chỗ nhà tôi, không biết ở đấy đã xảy ra chuyện gì!
Một lúc sau, không thấy ông bà Opasson trở lại, tôi bảo :
- Tôi nghĩ là đang có sự cố xảy ra.
- Đương nhiên. Anh nhìn xem kìa, ông giám đốc khách sạn vừa chạy lên cầu thang trông rất xúc động, rồi cậu coi chỗ thang máy kia, mọi người nói chuyện huyên thuyên đến nỗi không nghe tiếng chuông gọi, rồi đến mấy anh hầu bàn nữa, cứ túm tụm vào nhau... A, cảnh sát đã đến.
Hai người đàn ông bước vào, một mặc đồng phục cảnh sát, một mặc đồ dân sự. Anh giúp việc đưa họ lên lầu, một lát, anh xuống, đi về phía chúng tôi :
- Ông Opasson mời hai ông vui lòng lên gặp ông ấy.
Thang máy dừng ở lầu một. Chưa bước vào phòng, Poirot và tôi đã nghe tiếng khóc nức nở của bà Opasson từ bên trong vọng ra. Chồng bà ta chờ chúng tôi sau cánh cửa, báo tin xâu chuỗi ngọc trai đã bị mất. Tôi đưa mắt quan sát. Bà Opasson đang ngồi gục nơi ghế bành, cạnh đấy, cô giúp việc đang xoắn hai tay vào nhau, mặt tái xanh, nước mắt chảy dài trên má. Cuối phòng, một cô gái khác mặc đồ hầu phòng, tựa lưng vào thành lò sưởi, vẻ lo lắng. Hai người của sở cảnh sát đứng giữa phòng, một người ghi chép vào cuốn sổ tay, người kia giương đôi mắt cú vọ soi mói khắp nơi. Thấy Poirot, bà Opasson lau vội nước mắt, bước đến :
- Đúng là định mệnh đã đưa ông đến đây. Tôi linh cảm rằng chỉ có ông mới tìm lại được chuỗi ngọc trai cho tôi.
Poirot dịu dàng nắm tay bà :
- Bà yên tâm, mọi việc sẽ ổn cả thôi.
Ông Opasson nói với viên thanh tra cảnh sát :
- Chắc ông không phiền lòng khi tôi nhờ thám tử Poirot giúp đỡ thêm?
Viên thanh tra lạnh nhạt :
- Không sao - Rồi ông nhìn bà Opasson - Giờ mời bà bình tĩnh kể lại mọi sự việc.
Bà Opasson bắt đầu nói :
- Thưa, hồi nãy tôi lên phòng định lấy chuỗi ngọc trai cho ông Poirot xem, nhưng khi mở ngăn kéo, hộp nữ trang vẫn còn nhưng xâu chuỗi bên trong đã biến mất.
- Lúc đó trong phòng có ai không?
- Có cô hầu phòng Marie đang dọn dẹp trước sự giám sát của Célestine, người giúp việc thân tín của tôi.
- Bà trông thấy xâu chuỗi lần cuối cùng vào lúc nào?
- Trước khi xuống phòng ăn tối, tôi đã phân vân không biết nên đeo chuỗi ngọc trai hay ngọc bích. Cuối cùng, tôi để chuỗi ngọc trai lại.
- Hộp nữ trang của bà có khóa không?
- Có. Chính tay tôi đã khóa và luôn giữ chìa khóa bên mình.
Viên thanh tra xem kỹ chiếc chìa khóa rồi nói :
- Cái chìa khóa này rất thường, có thể làm giả dễ dàng. Bà đã làm gì sau khi khóa hộp nữ trang?
- Tôi để vào ngăn kéo bàn phấn.
- Bà có khóa ngăn kéo lại không?
- Không. Thường Célestine luôn ở trong phòng tôi để coi sóc Marie dọn dẹp.
Viên thanh tra nghiêm nét mặt :
- Chị người làm của bà không lúc nào rời khỏi phòng? Như thế thì đã rõ.
Célestine chợt khóc thét lên, cô chạy đến ôm chầm lấy cánh tay Poirot :
- Ông không nên để người ta buộc tội tôi một cách oan ức như thế! Tôi chắc chắn Marie đã lấy chuỗi hột của bà chủ. Tại sao mấy ông cảnh sát không lục soát người của nó chứ?
Cô hầu phòng Marie trợn trừng đôi mắt, run cả tay chân :
- Im đi, đồ láo khoét, tôi chưa bao giờ trông thấy chuỗi hột ấy. Chính chị mới là đồ ăn cắp, chính chị mới ở trong phòng này suốt buổi, còn tôi, tôi lúc nào cũng làm việc trước mặt chị, chị luôn luôn rình rập tôi như một con cú.
Viên tranh tra nhìn Célestine :
- Lúc nào cô cũng có mặt ở đây à?
- Vâng, bà chủ muốn như vậy nhưng vừa rồi, tôi đã về phòng riêng hai lần để lấy cuộn chỉ và cái kéo.
Marie đưa tay chùi nước mắt :
- Nhưng chị ta chỉ đi rồi quay vào rất nhanh. Không tin, các ông cứ cho lục soát tôi, tôi là người vô tội.
Viên thanh tra đứng bên máy điện thoại :
- Được rồi, tôi sẽ gọi một nữ nhân viên đến xét các cô.
Poirot đi đến bàn phấn, thử mở đóng ngăn kéo, rồi chỉ một cánh cửa lớn đóng chặt, hỏi viên thanh tra :
- Cửa này thông ra đâu nhỉ?
- Thông ra phòng bên cạnh. Nhưng bên kia đã cài then, bên này cũng vậy, chúng ta chẳng cần quan tâm đến làm gì.
Sau cuộc khám xét, người nữ cảnh sát báo tin là không tìm thấy gì cả trong người Marie lẫn Célestine. Mặt viên thanh tra nhăn lại, ông nhìn chầm chặp vào Célestine rồi quay sang bà Opasson :
- Xin lỗi bà. Tôi bắt buộc phải nghi chị này. Chuỗi ngọc trai không có trong người chị ta, có nghĩa là nó được cất giấu tại một nơi nào đó.
Célestine lại kêu thét lên, níu tay áo Poirot cầu cứu. Poirot nhìn ông thanh tra :
- Xin phép ông cho tôi được làm một thí nghiệm nhỏ.
- Mời ông, nhưng tôi vẫn giữ vững lập trường đấy.
Poirot hỏi cô người làm :
- Hồi nãy, cô nói cô có ra khỏi phòng này hai lần để lấy cuộn chỉ và cái kéo? Bây giờ, cảm phiền cô lặp lại hành động ấy với tốc độ không thay đổi.
Poirot chăm chú quan sát Célestine với chiếc đồng hồ quả quít trên tay. Rồi ông nói :
- Bây giờ tôi xin làm thêm một thí nghiệm nữa. Xin bà chủ vui lòng cho tôi mượn chìa khóa hộp nữ trang.
Poirot đưa chiếc đồng hồ cho tôi :
- Khi nào tôi nói “bắt đầu”, thì anh tính giờ giùm tôi nhé. Nào, bắt đầu.
Nhanh như chớp, Poirot chạy đến bàn phấn mở mạnh ngăn kéo, lấy hộp nữ trang ra, đút chìa khóa vào, mở nắp, rồi đậy lại ngay, khóa hộp, đóng ngăn kéo lại. Rồi ông hỏi tôi :
- Thế nào?
- Bốn mươi sáu giây.
Ông bỏ chiếc đồng hồ vào túi, nói một mình :
- Célestine vắng mặt trong phòng lần đầu mười hai giây, lần sau mười lăm giây, như vậy Marie không đủ thì giờ để lấy xâu chuỗi.
Viên thanh tra cười :
- Điều này càng chứng tỏ Célestine là thủ phạm. Xin phép ông bà chủ cho tôi đưa Célestine sang lục soát tại phòng cô ta.
Chỉ còn lại ông bà Opasson và chúng tôi. Poirot dè dặt hỏi :
- Thưa ông, chắc là chuỗi ngọc trai đã được bảo hiểm?
Bà Opasson ngắt lời :
- Điều đó đối với tôi không quan trọng, không có tiền bạc nào thay thế được chuỗi ngọc trai của tôi.
Tiếng reo của viên thanh tra làm mọi người nhìn về phía cửa. Ông ta đi vào, tay đưa cao xâu chuỗi ngọc trai :
- Célestine đã nhét nó vào dưới tấm nệm giường.
Bà Opasson giật lấy xâu chuỗi, ôm vào ngực :
- Ôi, xâu chuỗi của tôi. Célestine đúng là con phản phúc.
Viên thanh tra để tay lên vai bà :
- Chúng tôi xin giữ xâu chuỗi làm tang vật để điều tra thêm. Chúng tôi sẽ trả lại trong thời gian ngắn nhất.
Ông Opasson nhíu mày :
- Có cần thiết không, thưa ông thanh tra?
Bà Opasson âu yếm nhìn chồng :
- Cứ giao cho ông ấy anh ạ. Như vậy là em yên tâm rồi.
Poirot đưa tay ra :
- Thưa bà, tôi muốn xem một tí.
- Ý chết, tôi quên mất là tôi muốn khoe với ông chuỗi ngọc của tôi mà. Ông cứ xem tự nhiên.
Poirot quan sát xâu chuỗi một lát rồi đưa cho viên thanh tra. Ông nghiêng mình chào mọi người, xin phép rút lui.
Nhưng Poirot không rút lui, ông kéo tôi sang phòng bên cạnh. Phòng này còn để trống, bụi phủ một lớp lên đồ đạc bên trong. Poirot cúi xuống quan sát một vết hằn lờ mờ hình chữ nhật in lên mặt chiếc bàn đặt cạnh cửa sổ :
- Khách sạn này dơ dáy quá. Dù chưa có khách cũng phải quét dọn đàng hoàng chớ.
- Anh đưa tôi vào đây làm gì vậy?
- À, tôi muốn xem cái cửa ăn thông sang phòng bà Opasson có cài then hay không? Đúng là có thật.
Thấy Poirot có vẻ nghĩ ngợi, tôi nói :
- Sự việc đã kết thúc, anh cũng không nên buồn vì đã vuột mất cơ hội tìm thủ phạm.
- Ồ, vụ này chưa kết thúc đâu, nếu chúng ta chưa tìm ra kẻ đã lấy chuỗi ngọc trai.
- Anh làm sao thế? Chính Célestine đã lấy chuỗi ngọc...
- Không, đó chỉ là đồ giả. Rõ ràng là thanh tra tài ba của chúng tôi chẳng biết gì về nữ trang. Rồi đây, ông ta sẽ tẽn tò.
Lời khẳng định của Poirot làm tôi sững người. Tôi nắm tay ông :
- Vậy thì ta phải cho ông bà Opasson biết ngay.
- Không nên, hãy để cho bà Opasson yên giấc tối nay.
- Còn tên trộm?
- Tôi đã có cách.
Chúng tôi ra khỏi phòng, đi về phía hành lang. Nơi đây, cô hầu phòng Marie đang đứng phân bua với nhiều người về câu chuyện vừa xảy ra. Poirot bước tới :
- Xin lỗi - Ông rút trong túi ra một tấm thiệp trắng bóng, có hình dáng kỳ lạ đưa cho Marie - Có bao giờ cô thấy cái này chưa?
Marie cầm lấy, lật qua lật lại :
- Thưa ông, tôi chưa nhìn thấy nó bao giờ.
- Vậy cô không dọn dẹp những phòng gần đây sao?
- Thưa không, đó là bổn phận của anh bồi phòng.
- Phiền cô gọi anh ấy đến cho tôi hỏi một việc.
Một phút sau, anh bồi phòng chạy đến. Poirot lại đưa cái thiệp trắng ra. Sau khi quan sát, anh nói :
- Thưa ông, tôi chưa hề thấy tấm thiệp này.
Chúng tôi trở về nhà. Trước khi chia tay, Poirot nói :
- Tôi phải đi Luân Đôn ngay để xác minh một điều nghi ngờ. Không ai qua mặt được ông già này đâu.
Mãi đến chiều hôm sau, Poirot đến tìm tôi :
- Mọi chuyện kết thúc hoàn toàn tốt đẹp. Họ đã bị bắt.
- Họ? Họ là ai thế?
- Marie và tình nhân của cô ta là anh bồi phòng chớ còn ai nữa. Lợi dụng khi quét dọn phòng bà Opasson, Marie đã lấy dấu khóa ngăn kéo bàn phấn cho anh bồi phòng rèn chìa giả. Này nhé, sự việc xảy ra như sau: Phòng bà Opasson có cánh cửa ăn thông với phòng bên cạnh, đến giờ ông bà Opasson đi ăn cơm, anh bồi phòng thường đợi sau cánh cửa chờ cơ hội. Tối hôm qua, cơ hội đã đến khi vô tình, Célestine rời phòng hai lần. Lần thứ nhất, Marie mở ngăn kéo lấy hộp nữ trang ra, mở cửa thông đưa cho tình nhân, anh này dư thì giờ mở hộp lấy xâu chuỗi rồi khóa lại như cũ. Lần thứ hai, Marie mở cửa lấy chiếc hộp để vào ngăn kéo. Còn chuỗi ngọc trai giả thì được giấu trong phòng Célestine từ trước. Đây là thâm độc của bọn nhà nghề nên tôi cần phải xác minh lại. Cái thiệp màu trắng mà anh thấy là một loại đặc biệt dùng để lấy dấu tay tội phạm. Sáng nay, tôi đã đến cục cảnh sát Trung ương nhờ người bạn xem lại hồ sơ và đúng như tôi dự đoán, đây là dấu tay của hai tên chuyên ăn trộm nữ trang đang bị truy lùng. Người ta đã tìm thấy chuỗi ngọc trai thật tại nhà tên bồi phòng. Kể ra, tụi nó quỷ quyệt nhưng lại thiếu thông minh. Đã xin được chân bồi phòng lại không chịu làm việc cho chu đáo, để bụi bám khắp nơi. Cũng vì vậy mà khi tên bồi phòng đặt chiếc hộp lên bàn đã để lại một vết hằn rất rõ.
- Đúng, tôi nhớ ra rồi.
- Khi thấy cánh cửa thông sang phòng bên, tôi hơi nghi. Nhưng từ khi thấy vết hằn ấy, tôi tin chắc là mình đoán đúng.