Năm 1941, ở Xibêri mùa thu đến sớm. Mới cuối tháng tám mà trời đã bắt đầu lạnh. Người già nói là chẳng bao lâu nữa sẽ được thấy băng giá thực sự. Ở Taiset, người ta thu hoạch khoai tây, cà rốt, cải củ trong vườn sớm hơn thường lệ. Chỉ có bắp cải non bên cạnh các bờ giậu là mỗi ngày một xanh thêm - chúng còn đang ở độ phát triển. Đêm đêm có thể nghe tiếng chúng uốn bắp răng rắc như có ai đang đi trên tuyết. Ở một số mảnh vườn bí ngô màu đồng thau, quả nào quả nấy trông như những mặt trăng. Người già bảo bí ngô có màu vàng là vì chúng mọc vào đêm trăng.
Bọn trẻ Xibêri đứa nào cũng biết từ bí ngô có thể làm được những món gì ngon.
Khi nấu các món ăn bằng bí ngô thì thường thường mọi người trong gia đình đều tham gia. Quả bí được bổ làm hai nửa bằng nhau. Nó tách ra một cách nhẹ nhàng nom thật ngon lành. Trong phần ruột dày màu vàng là những hạt trắng, tròn như những hạt đậu, long lanh như sương. Bọn trẻ lấy thìa gỗ múc hạt bí cho vào những chiếc bát lớn để sau này đem phơi khô và rang, còn bây giờ quả bí sẽ được cắt làm nhiều miếng nhỏ, cạo sạch vỏ và cho vào một chiếc chảo gang. Để bí ngô khỏi cháy, rót một ít nước vào chảo, đóng chặt nắp và cho vào chiếc lò sưởi vừa mới nhóm. Chẳng mấy chốc mùi thơm phức đã tỏa ra khắp nhà.
Người nội trợ có kinh nghiệm là người biết lôi chảo gang ra khỏi lò đúng lúc - những miếng bí xếp ngoài đỏ mọng, vỏ hơi bị xém vàng. Bí chín rồi, có thể lấy tiền xúc ăn, nhưng chỉ vào những ngày đầu mùa thôi. Sau này, mỗi người chỉ được ăn một miếng nhỏ, vì mùa đông kéo dài những bảy tháng và còn lâu mới đến ngày có rau quả ăn được.
Nhưng mùa thu năm nay bọn trẻ Taiset không được thưởng thức món quả của mùa hè Xibêri ngắn ngủi này ở nhà. Khai giảng vừa xong, chúng đã được báo là tất cả học sinh lớp 7, lớp 8 và lớp 9 đều sẽ đi tới làng Bairônôpca để giúp nông trang tập thể thu hoạch mùa màng. Còn học sinh lớp mười sẽ tập quân sự ở nhà.
Các cậu tới làng vào ban đêm. Bầy chó to như những con chó sói đón đoàn học sinh ầm ĩ bằng những tràng sủa giận dữ. Không một ai trong làng ra khỏi nhà. Rõ ràng là ở đây người ta đã quen nghe tiếng chó sủa như vậy. Ephim Grigôriêvich, thầy giáo chủ nhiệm lớp 7A, lau lau đôi mắt kính mờ hơi nước, dày như mặt đèn pin, rồi gọi lớp trưởng Côlia Xôcôlôp lại.
- Ở đây, em là trưởng lớp, Côlia nhé. Các em đứng gần lại với nhau đừng để chó cắn. Bây giờ thầy đi tìm đồng chí chủ tịch nông trường.
- Thầy Ephim Grigôriêvich, cầm lấy cái này! - Côlia đưa cho ông một cành cây làm gậy - Trong tối dễ tìm đường hơn…
- Em thật là một người biết lo xa - ông giáo khen. Ông vẫn chưa hết ngạc nhiên vì các cậu bé Xibêri biết lo xa, tỉnh táo và biết nhìn đời bằng con mắt người lớn như vậy.
- Đây là chiếc gậy Giamin nhặt dọc đường, nó bảo đề phòng khi gặp chó.
- Dù sao thì thầy cũng cảm ơn em.
Thầy chủ nhiệm bước đi mấy bước rồi biến mất trong bóng tối. Chó sủa ran theo ông.
Với đàn chó chạy theo sau, Ephim Grigôêvich gõ vào cửa sổ ngôi nhà ông gặp đầu tiên. Chó im tiếng.
- Ai thế? Vào đi, cửa mở đấy. Thì cứ vào ngay có được không, cần gì phải đánh thức người ta dậy - từ trong cửa sổ có tiếng nói còn ngái ngủ vọng ra, vẻ bực tức.
Ephim Grigôriêvích bước vào sân. Bầy chó ở lại gầm gừ ngoài cổng, nhảy lên ngồi bên bực cửa. Ông giáo chần chừ rồi đứng lại.
- Kìa, sao đứng một chỗ, không tìm thấy cửa à? - vẫn giọng nói lúc nãy, nhưng lúc này từ phòng ngoài vọng ra.
- Thưa không... Có con chó..
- Anh cứ đi, đi thẳng. Nó sẽ tránh. Người xấu mới không dám làm thế. Con chó ấy khôn lắm…
Mà thật vậy, chỉ cần Ephim Grigôêvich mạnh dạn bước lên mấy bước về phía cửa là con chó đã vội tránh sang một bên. Trong nhà một que diêm bật sáng, soi rõ bộ râu của một người nào đấy.
- Xin mời vào nhà, ông khách quý.
Chỉ lúc vào hẳn trong nhà ông giáo mới nhận thấy là ngoài đường rất lạnh.
- Tôi và các em học sinh đến đây giúp nông trang tập thể thu hoạch - Ephim Griôgêvich bắt đầu - tôi muốn gặp đồng chí chủ tịch.
- Chính ở đây là nhà của chủ tịch. Bây giờ không có ở nhà, đang ở chỗ chiếc máy nghiền bột bị hỏng. Đàn ông còn ai nữa đâu, chỉ rặt đàn bà là đàn bà. Việc thì nhiều mà người thì ít - ông già than phiền, chậm rãi đi lại giữa ngôi nhà rộng.
Cụ châm đèn, ngạc nhiên hỏi:
- Thế học sinh ở đâu, ông giáo?
- Đang đứng ở ngoài đường
- Ấy chết, chắc rét cóng hết cả rồi. Đêm chả buốt thế này mà - chủ nhà nói rồi vội vàng xỏ đôi chân không tất vào đôi ủng dạ.
- Nhưng các em đông lắm ạ..
- Không sao, rồi cũng tìm cách chứa hết. Thầy giáo ở đây một tý cho ấm. Lão đi về ngay bây giờ.
Xong ông lão vụt biến ngay sau cửa.
- Này, các cháu ơi, lại đây! Thày giáo ở đây, ở nhà lão - ông lão kêu vang phố.
Một lúc sau toàn lớp 7A đã ngồi chật cả căn nhà ấm áp. Ông lão lăng xăng đi lại, đề nghị mọi người ngủ một giấc đến sáng.
Lúc đầu bọn trẻ con còn ngần ngại từ chối, nhưng sau tất cả đều ngồi choãi ra, đứa trên ghế, đứa trên sàn nhà dọc bờ tường và nửa giờ sau, đứa nào đứa nấy lăn ra ngủ.
Đang thiu thiu ngủ, Giamin nghĩ là cụ chủ nhà có một cái gì đấy giống cụ Cudia. Nhưng cái gì thì cậu không biết. Cụ này cao hơn cụ Cudia nhiều. Tóc cụ dài, mượt, còn râu và ria mép thì đen một cách lạ lùng. Lạ nhỉ, sao lại như vậy? Cụ muốn hỏi Vichia và Côlia đang ngủ ngay cạnh, nhưng lười không muốn động lưỡi nên lại thôi. “Thôi, sáng mai sẽ hỏi vậy” - Giamin thầm nghĩ.
Sáng hôm sau, người dậy đầu tiên là Ephim Grigôêvich. Đang ngủ ông nghe chủ nhà thì thầm nói với một người nào đấy:
- Ấy khẽ chứ! Để chúng ngủ thêm một giờ nữa! Trông thì biết, những người giúp việc của con đi đường mệt lắm. Mà con cũng nên nằm chợp mắt một chút - ông lão dịu dàng nói - chắc con thức suốt đêm bây giờ mệt lắm, leo lên lò sưởi mà nằm cho ấm.
- Giờ con hết buồn ngủ rồi, bố ạ. Lúc gần năm giờ con buồn ngủ gần chết, lúc ngái ngủ sợ bị máy cuốn.
Đó là giọng phụ nữ hơi khàn.
Thầy giáo khẽ ho, cốt để báo cho họ là ông đã thức giấc.
Ông lão từ sau là sưởi bước ra. Sau ông là một người phụ nữ còn trẻ, cao không kém.
- Đã dậy rồi à? Sao không chợp mắt thêm tý nữa hả ông giáo? - ông lão lên tiếng - Đây là Épđôkia Gavrilôpna, con gái tôi, hiện đang thay chồng làm chủ tịch nông trang - ông lão nói tất cả những điều này với một niềm tự hào rõ rệt. - Nó là con gái út của tôi, đứa thứ mười một...
- Bố rõ khéo, người phụ nữ ngắt lời ông lão rồi chìa bàn tay của mình ra và tự giới thiệu: - Epđôkia Gavrinôpna.
- Ephim Grigôêvich, giáo viên dạy toán - bàn tay của ông lão chủ nhiệm lọt thỏm trong bàn tay to lớn và khỏe mạnh của chị chủ tịch.
Bỗng chốc cả hai đều thấy lúng túng. Nhưng chị chủ nhà đã vội mỉm cười, hỏi:
- Nghĩa là đồng chí đã đem những người giúp việc đến đây cho chúng tôi? Thế thì còn gì bằng. Vì nam giới bây giờ còn ai nữa đâu. Người làm thiếu lắm, mà mùa thu lại đến sớm.
Trong khi học sinh đang ngủ, chị chủ tịch và ông giáo đã quyết định là các em trai sẽ chuyển các bó lúa mì mới gặt về kho. Công việc này, theo chị chủ tịch, cần sức khỏe và nhanh nhẹn, vì dùng nạng mà lấy từng bó lúa từ đồng lúa bị đóng băng đâu phải là chuyện đơn giản, sau còn phải xếp chúng lên xe làm sao để khỏi tung ra từng bông, đấy là chưa kể việc phải biết điều khiển ngựa nữa. Còn các em gái sẽ dỡ khoai tây. Sẽ có bốn em trai giúp đỡ các em vì mặt đất đã bị đóng băng, không thể không cần sức nam giới được.
Gần mười giờ sáng, những tia nắng đầu tiên dọi vào cửa sổ làm khô dần mặt kính đẫm nước trong đêm.
Trên bàn là một chiếc chảo gang lớn, hơi nghi ngút như khói bốc từ miệng núi lửa ra. Mùi khoai tây và thịt rán chín tới thơm ngậy. Chính cái mùi này đã làm các cô cậu học sinh tỉnh dậy.
- Thế nào, các bạn giúp việc của tôi, ngủ tốt chứ? Tinh thần phấn khởi chứ? - chị chủ tịch niềm nở hỏi.
- Dạ, phấn khởi lắm ạ! - Nhu ra Mennhicôva, một cô bé tóc vàng, má đỏ trả lời thay các bạn.
- Còn các cậu trai sao lại im lặng thế? - chị vừa hỏi vừa bê từ phía lò sưởi ra một chồng bát gỗ lớn nhỏ.
- Nhưng các cậu ấy khi làm việc thì hăng lắm đấy - Ephim Grigôriêvich trả lời.
Khi ăn người ngồi cạnh bàn, người cạnh cửa sổ, bỗng ông già đêm qua bước vào, vóc người to lớn, đầu trắng xóa như một cọng bồ công anh. Các em cảm thấy ngôi nhà bỗng chật chội hẳn đi. Mùi tỏi bay ra nồng nặc.
- Này, các cháu, có hành muối để ăn với khoai tây đấy. Chữa bệnh sưng chân răng thì hay hết chỗ nói.
Các em ăn chung hai ba người một bát. Khoai tây nấu dừ ăn với thịt ngon tuyệt. Gôga cắm cúi ăn. Vừa nhồm nhoàm nhai một miếng thịt cậu vừa nói:
- Như thế là họ đã mổ một con bê non để đón bọn mình đấy nhé!
- Bê non nào? - Côlia chậm rãi hỏi, ngoáy ngoáy chiếc thìa - Thịt bê non mà thế này à?
- Thịt nào mà chẳng giống thịt nào. Giá được thêm ít nữa..
- Thịt bê non trắng hơn. Còn đây thịt màu sẫm. Bê non mà xương sườn thế này? - Côlia chỉ cho bạn xem một đoạn sườn to, hai đầu đập nát như bị đem dần.
Dù hai cậu nói khẽ thế mà cụ Gavrin vẫn nghe được.
- Có ngon không? - cụ hỏi
- Ngon lắm ạ! - cả bọn đồng thanh đáp.
- Thế thì được. Nghĩa là lão đã cố gắng không vô ích. Thịt gấu đấy các cháu ạ. Cậu ta mò lại đây nhé, chắc đoán được là thợ săn bây giờ không ở nhà mà. Trong vòng một tuần, cậu ta bắt mất hai con bò, tệ thật. Một con bắt ngay trước mặt người chăn bò, và anh ta cũng may lắm mới thoát được. Trước chiến tranh, một việc như thế này có bao giờ xảy ra đâu... Và rồi, lão đứng rình cậu ta ở một chỗ cách đây hai dặm. Cậu ta lấy cành khô phủ kín mồi của mình, lại còn lấy các khúc gỗ nặng đè lên trên nữa, để không ai đi được mà! Con vật này khôn thật. Lão chờ cậu ấy ba ngày, sáng ngày thứ tư thì cậu ta mò tới, to lắm, đồ quỷ. Cậu ta đứng phơi ngực ra rồi đảo mắt nhìn quanh xem thử có ai biết đến kho báu của mình không. Và lão nổ súng… Kể ra bắn thế cũng tiếc... nhưng biết làm thế nào. Một khi cậu ta đã tự mò vào làng thì thế cũng đáng. Cậu ta lảo đảo. Cách đây ba năm, lão cùng Andrrukha, chồng con gái và là rể lão, đi săn chồn gần làng Bratxcơ..
- Thôi bố - chị con gái hiền lành ngắt lời cụ - Chiều về hãy kể. Rồi bọn chúng sẽ tha hồ mà nghe chuyện bố. Bây giờ đã đến lúc ra đồng, phải không Ephim Grigôêvich?
- Tất nhiên, tất nhiên rồi! ông giáo vội đáp. Chính ông cũng mải nghe chuyện của cụ Gavrin.
- Còn xương, các cháu ạ, hãy mang cho con chó Benca - ông lão bảo. Để nó không còn sợ hơi gấu nữa.
Ngay sau bãi chăn súc vật được ngăn bằng những cành thông thẳng đã là cánh đồng của nông trang tập thể. Những cánh đồng giống như những hòn đảo nhỏ mọc giữa đại dương rừng taiga. Mỗi lần mùa xuân đến, nông trang lại phải cho người chặt bỏ các cây non không cho rừng lấn ra đồng. Việc này đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Thành ra đất thì nhiều mà đồng ruộng thì chẳng là bao.
Chị chủ tịch dẫn các em ra một cánh đồng làm khoai tây không rộng lắm. Còn các em trai thì được cô đội trưởng Pasa, một phụ nữ có đôi mắt buồn, dùng xe ngựa chở tới những đồng lúa đã gặt trông như những ngôi nhà cũ kỹ đen xạm vì thời gian.
Bọn con trai mang theo xẻng và nạng, bọn con gái thì mang giỏ và thùng.
- Đây là cánh đồng nơi các em sẽ làm việc, rộng một hecta rưỡi. Tôi nghĩ không cần phải dạy các em cách làm việc nữa. Các em đã lớn. Ai sẽ là trưởng nhóm ở đây?
- Các em nhìn nhau rồi trỏ vào Giamin, nói:
- Cậu này
- Tên em là gì?
- Giamin.
- Tên gì nghe kỳ quá. Tên lóng à?- chị chủ tịch hỏi
- Không, tên em là thế... - Không hiểu sao Giamin bỗng cảm thấy lúng túng, còn các cô bé thì cười khúc khích.
- Thôi được, Giamin, phải làm sao cho ở đây mọi việc đều tốt cả...- Giọng chị chủ tịch trở nên khô khan - Để tôi còn đi lo việc ăn uống, nghỉ đêm - vừa nhìn cánh đồng ảm đạm, chị chủ tịch vừa nghĩ thành tiếng - Giamin, đây là cánh đồng thứ nhất. Có mười một cánh đồng như vậy tất cả. Từ nay đến lúc tuyết rơi sẽ phải dỡ hết. Trưa nay tôi sẽ cho mang thức ăn và xe ngựa đến. Chở khoai đi đâu thì tôi sẽ báo sau.
Khi các em bắt tay vào dỡ khoai thì mặt đất đã bắt đầu bốc hơi, những vũng nước nhỏ bị đóng băng ở các rãnh đã lấp lánh những giọt nước chảy. Tuy thế, ngón tay các em vẫn còn tê buốt. Thấy các cô bé sơ tán xoa xoa đôi tay tê dại, Giamin nói:
- Côlia, đốt lửa sưởi lên cậu. Không thấy mọi người lạnh cóng à?
Côlia thành thạo nhóm lửa. Cái nghệ thuật nhóm lửa này cậu đã học được trong những lần đi câu cá. Bất kỳ thời tiết nào chỉ với một que diêm thôi, cậu cũng nhóm được lửa. Như bây giờ chẳng hạn cậu thong thả lấy hai cành thông khô nhỏ, vò vò những mảnh vỏ bạch mỏng như giấy quấn thuốc lá, lấy que đóm từ thân một cây thông bị sét đánh. Khi ngọn lửa đã cháy mạnh, cậu xếp chéo các cành cây lớn lên trên.
- Này, các cô bé, lại hơ tay đi - Côlia gọi.
Bây giờ thì công việc trở nên nhộn nhịp hơn. Các cô bé dỡ khoai tây nhanh hơn, và khoảng hai giờ sau mặt đất đã không còn lạnh nữa. Cậu Côlia giỏi giang đã đổ vào đống than rực hồng một thùng khoai tây.
- Trưa đến sẽ có khoai nướng để ăn - cậu giải thích
Mọi người hăng hái làm việc, cởi bỏ dần áo ấm. Đằng sau đã mọc lên hai đống củ khoai lớn. Dây khoai đỏ cạch nằm ngổn ngang giữa các luống. Vui mừng vì một ngày ấm áp, một con chim gõ kiến bắt đầu gõ cốc cốc vào một cây ở một nơi nào gần đấy. Từng đàn ngỗng trời bay là là trên cánh đồng, miệng kêu “cạc cạc”. Và sau đó một con gà rừng mắt đỏ nặng nề vỗ cánh bay sà xuống thấp như nó bị một người nào đó ném từ trên cây tùng lá rụng xuống.
- Chà, được một con như thế mà thịt nhỉ! - Gôga vừa nói vừa đưa mắt nhìn theo con chim. Và bỗng nhiên tất cả đều thấy đói bụng.
- Sao không ai mang cơm trưa ra nhỉ? - Nhura hỏi Giamin
- Có lẽ người ta đang bận. Cậu thấy đấy, cả xe ngựa để chở khoai cũng không tới - Giamin đáp - Ta cố đào thêm ba sọt nữa, có lẽ lúc ấy người ta sẽ mang đến.
Bây giờ thì mọi người làm việc uể oải. Đã thấm mệt. Các em cảm thấy lòng bàn tay nóng ran như bốc lửa, vì cọ xát nhiều với cán xẻng. Càng đào, càng thấy đất chắc hơn, rắn hơn. Các cô bé, thậm chí cả những cô bé Xibêri, nghỉ tay càng thường xuyên hơn. Chỉ có một mình Gôga là vung xẻng đào lia lịa và vượt xa hẳn mọi người. Theo sau cậu là Cachia lính thủy (chả là cô bé ước mơ trở thành thuyền trưởng, và học thuộc lòng tên gọi tất cả các loại tàu và thiết bị của chúng). Giamin thấy cô bé cứ loay hoay một cách vất vả nhặt củ khoai ở từng hố đào.
- Cachia, sao cậu tụt lại đằng sau thế? - Giamin hỏi, tay xách một thùng khoai ra đống đổ.
- Thì cậu lại đây mà làm thử xem - cô bé trả lời, vẫn hí hoáy dùng gậy moi các dây khoai.
Giamin lại gần và thấy Gôga đào nông, nhiều củ còn nằm sót dưới đất.
- Cậu làm ăn như thế à? - Giamin quay về phía Gôga - Làm việc như thế này thì ai cần đến cậu?
Nghe tiếng, Vichia, Côlia và một vài cô bé nữa đi lại.
- Các cậu xem cậu ta đã làm gì này! Giamin chỉ vào một vũng đất nông choèn Gôga vừa dùng xẻng đào lên.
- Thì đã sao! Bao giờ chẳng phải để sót lại một nửa! - Gôga cau có đáp lại - Mà cậu không được ra bộ chỉ huy với mình như thế!
- Giả sử trong vườn nhà cậu, cậu có đào thế này không? Cậu lại chẳng nhặt hết dây rễ cho bò ăn mùa đông đấy à!- Vichia vung nắm đấm trước mặt Gôga. Chẳng trách bác Xtêphan vẫn gọi nhà cậu là đồ khốn.
- Có mày mới là đồ khốn - Gôga xông vào Vichia.
Thường thì Vichia vẫn sợ Gôga vì cậu ta to, khỏe hơn và bao giờ Vichia cũng nhượng bộ. Nhưng hôm nay cậu co người, lao đầu vào ngực Gôga. Cả hai đều ngã xuống đất.
- Tao sẽ cho mày biết tay, đồ khốn! - Gôga vừa hùng hổ nói, vừa cố giãy khỏi vòng tay nắm chắc của Vichia.
- Thôi đi các cậu - Nhura kêu to. Cô bé dùng nắm tay khi thì đấm vào Vichia, khi thì đấm vào Gôga.
- Thế là đủ rồi đấy! Giamin nghiêm khắc nói - Cần phải làm việc. Gôga, bây giờ cậu sẽ đào với Côlia.
Như những chú gà trống hiếu chiến, hai cậu bỏ đi một cách miễn cưỡng. Mặt trời mùa thu đã xuống sau chân trời phía Tây. Cây cối bao bọc dày đặc quanh đồng đã ngả bóng dài xuống mặt đất. Trời bắt đầu trở lạnh. Các em lại mặc áo ấm. Vẫn chưa thấy xe ngựa và thức ăn tới.
- Hay ta ăn khoai nướng lót dạ đã? - Côlia đề nghị
- Đúng đấy- Giamin tán thưởng- Chén đi!
Côlia nhanh nhẹn dùng que khều từ đống lửa ra những củ khoai đã được nướng chín, Phủi phủi qua những chỗ cháy xém, mọi người ăn khoai một cách ngon lành.
Gôga ngồi im không nói chuyện với ai. Vichia vốn bao giờ cũng chịu nhượng bộ Gôga, thế mà hôm nay, trước mặt các cô bé lại dũng cảm như vậy. Mà kể ra cũng có cớ để dũng cảm lắm chứ. Xe ngựa thì mãi vẫn không thấy đến, khoai tây để suốt đêm thế này sẽ bị đóng băng hết. Thế mà cậu ta lại còn sinh chuyện đánh nhau...
Gôga rất muốn nói một điều gì đấy, nhưng lòng tự ái thầm bảo: “Thôi, kệ, cứ cho khoai tây đóng băng, mai mình sẽ nói với chúng hết mọi chuyện”
- Nếu họ không đến thì thế nào nhỉ? - Nhura bỗng hỏi, thậm chí ngừng cả ăn.
- Thì khoai sẽ hỏng hết - Côlia thở dài - Ta đi bẻ thêm cành thông che khoai đi!
- Và có thể sưởi khoai bằng khói nữa - Gôga lúng búng, miệng đang ngậm một củ khoai
- Đúng đấy. Nhura và các bạn gái lo dọn dây và rễ khoai. Bọn mình sẽ đi lấy củi đêm đốt và bẻ lá thông che khoai - Giamin nói
Các cô bé tản đi khắp cánh đồng, hồ hởi nhặt dây khoai như đi tìm những bông hoa mùa xuân đầu tiên. Mọi người mải làm việc không nhận thấy Epđôkia Gavrilôpna tới từ lúc nào. Các cô bé quay lại khi giọng nói khàn khàn của chị vang lên giữa trời chiều.
- Này các em, các bạn trai đâu rồi?
- Các bạn ấy đi bẻ lá thông che khoai, Nhura đáp
- Tốt lắm! Các em có mệt không? Chắc đói lắm rồi nhỉ - chị chủ tịch dồn dập hỏi
- Chúng em chờ lâu quá..
Các cậu bé ôm những bó lá thông từ trong rừng đi ra
- Giỏi lắm! - Chị chủ tịch khen - Còn tôi thì đã không giữ đúng lời hứa. Thế là không tốt. Cứ phải chạy suốt hết chỗ này đến chỗ nọ. Chả là một dây cua roa của máy đập lúa bị đứt, đập vào đầu cô Đunhia Egrôva, mạnh đến nỗi chảy máu... Đưa cô ấy tới y sĩ, chữa lại dây cua roa, cử người khác cho lúa vào máy thay cô ấy, chừng ấy việc cũng mất bao nhiêu thời gian rồi. Các em đừng giận cô nhé. Còn các em làm việc, thì theo cô thấy, tốt lắm.
Che xong khoai và dây khoai bằng lá thông, các em lấy các cây gỗ mục, củi khô bị ướt và cả những cành tươi nữa, nhóm các đống lửa xung quanh. Một làn khói dày đặc, khét lẹt, màu vàng nhạt trùm lên đống khoai.
Khi mọi người vừa mệt vừa đói bước ra trên con đường về làng, trên trời sao đã lấp lánh như những mảnh băng nhỏ, và sau rặng núi xa xa là mặt trăng màu vàng da cam với một vầng sáng bao quanh.
- Trời sẽ băng giá - Côlia nói
- Bây giờ thì không sợ nữa - Epđôkia Gavriôpna đáp, lòng mừng thầm vì có được những người giúp việc như vậy.
Hai tuần nay thời tiết tốt. Tuy thế đêm vẫn rét kinh khủng. Gió thổi rít qua bờ giậu, trong vườn cành khô đập vào nhau nghe não ruột, và bên cạnh là rừng taiga đang rên rỉ. Dân làng Baironopca ngủ say sau một ngày làm việc mệt nhọc. Thêm một ngày nữa của cuộc chiến tranh, ngày thứ 99.
Ở đây, tuy cách mặt trận năm nghìn kilômet, và người dân Baironopca không nghe thấy tiếng súng, nhưng họ biết là chồng con, anh em họ đang hy sinh ở vùng ngoại ô Matxcova, Lêningrat. Ở đó làng mạc đang bốc cháy, và hàng nghìn người tỵ nạn đang đổ về miền Đông.
Cạnh làng chiếc máy đập lúa đang chạy không nghỉ, tiếng máy nghe cô đơn, buồn bã, khác hẳn trước chiến tranh. Mà cũng có thể chỉ là cảm giác, điều đó thì ai biết được. Mặc dù mọi người vẫn ngủ rất say, tuy vậy, đêm ở đây vẫn là những đêm lo lắng, hồi hộp... Thường vẫn thế...
Khi mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng đầu tiên thì cả làng đã tỉnh dậy. Bò cái thò những chiếc mõm ướt vào những ô cửa nhỏ và rống lên gọi đàn. Từ các cổng, những con chó còn ngái ngủ, chạy ra vươn dài mình như mèo, đứng ngáp một cách lười biếng rồi cất tiếng sủa vu vơ. Những con bê ghếch mõm vào nhau, lim dim đôi mắt xinh đẹp một cách lạ lùng của mình, đứng sưởi dưới nắng ấm, một vài con thổi thổi vào những vũng nước nhỏ bị đóng băng rồi nhốp nhoáp uống một cách ngon lành.
Các em học sinh đã ra đồng từ lâu, cứ dỡ xong một gốc khoai tây lại chạy đến hơ tay trên ngọn lửa - đất rất lạnh và ẩm ướt. Bây giờ không còn như những ngày đầu, chẳng còn lúc nào mà nói đùa nữa. Thời tiết chẳng chờ ai - không phải là lúc cười đùa nữa, mà phải làm việc gấp. Cụ Gavrin chở khoai từ đồng về, những ngày gần đây thường nói với ông giáo:
- Chà, Ephim Grigôêvich ạ, học trò của thầy thật lớn lên trông thấy. Mới đến, có thể nói, chúng còn nhóc lắm, thế mà bây giờ, thầy xem, chúng rắn lên bao nhiêu.
Chúng hiểu mà... Thậm chí cả cô bé Tamara, người Matxcova, có lẽ hai tay đã ứa máu hết, thế mà ngày nào cũng ra đồng. Đôi mắt đen cứ ánh lên như muốn nói: “Sao cháu phải thua kém người khác? Cháu cũng sẽ ra đồng!” Đấy, cứ xem cô ta thì biết...
Hôm nay các em làm việc đặc biệt hăng hái. Một phần vì hôm qua chị chủ tịch về nhà sớm hơn thường lệ, tới ngưỡng cửa, chưa kịp cởi xong đôi ủng lấm bẩn, nói:
- Tôi biết là các em mệt lắm. Nhưng dù sao thì các em hãy cố gắng hơn nữa... Chúng ta không được để tuyết vùi lấp lương thực, các em ạ. Chúng ta không có quyền làm thế. Các em đã lớn và hiểu điều đó…
Nhưng dù các em có cố bao nhiêu, các bì khoai vẫn đầy lên một cách chậm chạp. Ngay việc đổ khoai từ giỏ vốn nặng vì đất bám cũng trở nên khó khăn hơn, như đổ hắc ín nấu quánh từ thùng ra vậy.
Cánh đồng có những cây cổ thụ cao vút trở nên xám xịt. Các em thấy rét lạnh. Các em có cảm giác như đang làm việc dưới đáy một chiếc giếng khổng lồ.Ai cũng co rúm lại vì lạnh và thỉnh thoảng lại đưa mắt buồn bã liếc nhìn những tia nắng như đang đọng trên các tháp nhọn của rừng thông và cây tùng lá rụng. Sức ấm của mặt trời chậm chạp xuyên qua các kẽ cây. Qua một đêm dài bị đóng băng, đất từ từ nhũn ra thành bùn nhão bám vào chân..
Tamara thậm chí cảm thấy xấu hổ nhớ lại cách đây không lâu cô còn là người sợ lạnh và sợ bẩn nhất. Ngay từ những ngày đầu mới đến, đôi giày màu nâu của cô trông đã giống như một đôi dép rơm bện vụng về, luôn bị đất dính kéo tụt. Giấu không cho các bạn biết, cô bé lấy rơm lót dưới đế và dùng dây buộc chặt lại. Nhưng một chiều nọ, Cachia lính thủy đã trông thấy:
- Giày thế này mà cậu còn đi ư? Cậu sẽ ốm đấy! Quẳng đi! Này các cậu ơi, lại đây mà xem! - Cachia chỉ cho các bạn mình xem đôi giày rách bươm của cô bé Matxcova.
Tối ấy mọi người suy nghĩ rất lâu tìm cách giúp Tamara. Có người đề nghị cho Tamara trông coi việc nội trợ ở nhà. Nhưng Tamara, không hiểu sao mặt ửng đỏ, nói:
- Không, các bạn ạ, mình có lạnh tí nào đâu..
Và cuối cùng, để kết luận, Ephim Grigôêvich nói:
- Tamara, ngày mai em sẽ trở lại Taiset. Chân đất thì ở đây không làm được gì cả. Hơn nữa cũng chẳng được nhiều việc. Thiếu em các bạn cũng sẽ làm xong. Dĩ nhiên là tiếc đấy, nhưng... - ông giáo đưa tay sửa lại cặp kính.
- Em sẽ không đi đâu cả..- Tamara nói như thì thầm.
Nhưng ngày hôm sau, cụ Gavrin đến gặp cô bé Matxcova, ôm ngang vai, nói:
- Thế nào cháu, sao buồn vậy? Không muốn về nhà một mình à?
Cô bé gật đầu.
- Thế là đúng. Cháu cứ ở đây. Ông đã tìm được cho cháu đôi giày này. Kể ra có hơi rộng một tý, nhưng lấy vải quấn vào chân đi cũng vừa. Đi nó sẽ ấm như nằm trên lò sưởi ấy, chẳng thua giày lông một tý nào.
Bày cho Tamara quấn vải vào chân xong, cụ Gavrin giúp cô bé xỏ giày, rồi lấy một sợi dây mềm quấn chặt ở bàn và ống chân.
- Trông cháu như một cô gái địa phương - cụ nói, một mắt nhíu mày lại, còn mắt kia nheo nhìn.
Từ hôm đó, Tamara đi đôi giày cụ Gavrin tặng, và chân không còn biết lạnh là gì nữa. Khi các bạn gái hơ những đôi giày sũng nước của mình bên ngọn lửa, cô bé Matxcova nói:
- Các bạn cứ sưởi đi để mình làm nốt chỗ này.
Giamin thấy Tamara làm việc tích cực, không hiểu sao bỗng mỉm cười.
- Còn khoảng ba ngày nữa là có thể ta sẽ về.
- Mà ba ngày này phải làm căng lắm! - Vichia tì người lên cán xẻng, nói.
Khi các cô bé đã bỏ đi dỡ khoai, Giamin lại ngồi gần đống lửa, cởi giày, giũ những cọng rơm ướt vào ngọn lửa, nhưng vừa thấy Tamara bước lại, đã vội vàng quấn lại mảnh dẻ bọc chân mà cậu mới bắt đầu cởi ra. Tuy giày khá rộng, nhưng cho được chân vào cũng khá vất vả.
- Ngón tay mình cóng hết cả rồi- cô bé nói và chìa đôi tay bám đầy đất về phía ngọn lửa.
“Sao cậu ấy im lặng thế nhỉ - Tamara ngạc nhiên nhìn Giamin đang định vội vàng bỏ đi - Hay cậu ấy ganh tị? Hãy xem cậu ấy nhìn vào đôi chân của mình kìa. Mà sao có thể ganh tị được cơ chứ?”
- Chân cóng rồi à? - Tamara hỏi
- Khô -ô-ô. Mình đi lại đôi giày. Giày mình tốt lắm - Giamin nói, vẫn không ngước lên.
- Giày của mình cũng tốt lắm. Bây giờ mình hoàn toàn không thấy rét nữa. Chỉ có tay là buốt cứng mà thôi.
- Vâng, các bạn vất vả hơn. Bọn mình chỉ có việc đào thôi. Tamara, sưởi đi, sưởi cho ấm. Không thì, như người ta nói, có thể bị tê thấp đấy - Giamin nói với vẻ thông thạo. Cậu cạo sạch đất bám ở lưỡi xẻng rồi lại lao vào làm việc.
Dưới chân, đôi giày kêu ọp ẹp, nghe đến phát ngán, nhưng Giamin vẫn như không nghe thấy gì.
Giamin, vốn bao giờ cũng ăn ngon miệng, nhưng bỗng dưng bỏ ăn tối.
- Để mình ăn thay cho cậu nhé? - Gôga nói ngay.
- Nhưng ít ra cũng phải chừa bánh mì lại, sáng mai cậu ấy sẽ ăn - Vichia giật áo Gôga
- Cứ để cậu ấy ăn - Giamin uể oải nó rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh lò sưởi
- Cậu không ốm đấy chứ? - Côlia hỏi
- Không, chỉ hơi lạnh một tí
- Thì sưởi đi, sưởi đi, còn bọn mình sẽ sưởi bằng thìa - Gôga vừa nói vừa khoái trí cười vì câu pha trò của mình. Bọn trẻ nghiêm khắc nhìn về phía cậu.
- À, mà người cậu nóng bừng lên thế này cơ mà - đặt lòng bàn tay khô của mình lên má của Giamin, Ephim Grigôvich nói- Em ốm rồi!
Theo lời dặn bảo của ông giáo, Giamin leo lên lò sưởi nằm, bọc mình trong chiếc áo ấm ngắn, cũ kỹ, sặc mùi hành và ngủ thiếp liền ngay lúc đó. Cậu có cảm giác như bị nâng lên, rất cao, rồi lại lao nhanh xuống đất. Cậu muốn kêu to nhưng không được..
Sau khi đã kể cho cụ Gavrin vừa từ đồng về nhà việc Giamin ốm, ông giáo khoa tay một cách ngạc nhiên, nói:
- Lạ thật, người khỏe nhất lớp lại bị gục. Mà cậu ta không hề than phiền một lần nào.
Để không đánh thức các em, ông cụ lặng lẽ cởi chiếc áo khoác dày không thấm nước và chiếc áo ấm mặc trong ra.
- Tội nghiệp cậu ấy - ông cụ nói rồi đứng lên ghế, với tay về phía người bệnh. - Đang sốt! Đúng là bị cảm. Được, bây giờ lão sẽ chữa khỏi ngay thôi, cháu ạ.
- Nhưng tại sao cậu ta lại ốm được?- ông giáo hỏi, vẻ không hiểu - Giày của cậu ta ấm hơn giày người khác. Ngay cả Tamara mà tôi lo nhất cũng không sao nữa là, thế mà, đùng một cái, cậu ta lại…
Ông cụ nhếch mép cười, lẩm bẩm một câu gì đấy trong chòm râu.
- Cụ có cần tôi giúp chứ? - ông giáo hỏi.
- Có, bây giờ để lão xuống hầm lấy ít củ cải đã. Ông giáo soi đường cho lão nhé?
Trong khi ông giáo xát nhỏ củ cải không cạo vỏ thì ông cụ lấy quả mâm xôi cho vào ấm để pha đặc.
- Bây giờ thì có thể đánh thức cậu ấy dậy được rồi - cụ chủ nhà nói.
Hồi lâu, Giamin không sao hiểu nổi ông lão rậm râu, giống ông già Tuyết và người đàn ông đeo kính kia muốn gì ở cậu.
- Này cháu, lão đây, cụ Gavrin đây - ông lão nói, giọng ngọt ngào
- Cháu khát, khát quá cụ ạ..
- Tốt lắm, bây giờ lão sẽ cho cháu uống nước chè nấu với phúc bồn tử nhé!
- Nóng quá! - Giamin ẩy chiếc cốc ra
- Không sao! Không sao! Cháu uống đi, uống đi! - ông cụ nói như dỗ một đứa bé, tay vẫn giữ cốc thuốc trước mặt.
Giamin chậm rãi uống, người nóng bừng vì cốc thuốc đang bốc mùi thơm. Xong cốc thứ nhất, ông cụ lại đưa tiếp cốc thứ hai rồi khẩn khoản nói:
- Cháu ạ, bây giờ sẽ trị bệnh cho cháu đây. Sáng mai bệnh cháu sẽ biến mất. Để lão lấy củ cải đắp vào người cháu.
Ngọn lửa trên mẩu nến trong tay ông giáo lung linh, nhảy nhót tỏa khói,lúc thì soi sáng khuôn mặt đỏ bừng nhễ nhại mồ hôi của Giamin, lúc thì soi tỏ ông già đang lấy những ngón tay to và cong cong đắp bã củ cải lên lưng và ngực người bệnh.
- Nóng quá! - Giamin khẽ rên
- Thế là tốt, xem này, cái lạnh đang ra khỏi người cháu đấy - ông cụ lấy lòng bàn tay vuốt những giọt mồ hôi lớn trên trán người bệnh.
- Cháu có thấy là tấm kính từ lạnh vào chỗ ấm thì khóc không? Hay như chiếc rìu cũng thế. Cháu biết không? Chúng tuy không có hồn nhưng biết ghét băng giá đấy
- Nóng quá! - Giamin lại khẽ nói.
- Có lẽ bây giờ thế là đủ - ông cụ nói và cởi bỏ miếng gạc
Giamin có cảm giác như vừa ở nhà tắm hơi ra, người nhẹ nhàng và dễ chịu hẳn lên. Có điều cậu thấy bải hoải khắp toàn thân.
Trong khi cụ Gavrin đang loay hoay lấy một chiếc áo sạch từ hòm ra cho cậu mặc thì cậu đã ngủ thiếp đi rồi. Tiếng thở đều và nhẹ của cậu làm ông lão yên tâm. Thậm chí Giamin cũng không tỉnh dậy cả khi người ta cởi chiếc áo đẫm mồ hôi và mặc cho cậu chiếc áo của ông cụ.
- Thầy giáo ở lại ăn cơm với lão nhé? - vừa ngồi xuống bàn, ông cụ vừa nói - Cậu ta cảm cũng khá nặng đấy.
- Nhưng sao lại thế được nhỉ, cậu ta là người Xibêri cơ mà?
- Bây giờ lão sẽ kể cho thầy giáo nghe vì sao cậu ấy bị cảm...
Và ông cụ kể như sau:
- Vào đúng ngày mọi người muốn để Tamara về Taiset, Giamin đứng chờ cụ ở phòng ngoài, ấp úng nói:
- Cụ không được cho ai biết, cụ nhé. Cụ lấy giày của cháu đây đưa cho cô bé Matxcova, cái cô có đôi bím tóc ấy… Giày của bạn ấy thủng, chân lúc nào cũng sũng nước…Thầy giáo bắt về nhưng cô ấy không muốn, nhất định không chịu thua ai. Cụ đưa đôi giày này của cháu cho bạn ấy, giày còn tốt lắm..
- Thế còn cháu? - cụ Gavrin nghi ngờ nhìn Giamin
- Cháu sẽ tự lo lấy... Cháu thấy trong thùng đựng dụng cụ của cụ có một đôi giày cũ. Nếu cụ cho phép...
- Nhưng đôi giày ấy thì còn đi thế nào được nữa! Cháu làm lão khó nghĩ đấy, cháu ạ - ông cụ khẽ vuốt bộ râu rậm - Thôi ra ngoài cửa ta bàn thêm.
Con chó Benca phấn khởi đón họ bằng những tiếng sủa ăng ẳng. Nó không ngớt nhảy nhảy như muốn liếm vào mặt Giamin. Còn đối với ông cụ thì nó có vẻ từ tốn hơn. Nó cà mình vào chân, rúc chiếc mõm đen vào tay cụ, kiên nhẫn chờ chủ vuốt lên người nó. Trong chuồng, bầy cừu kêu be be, con bò sữa chậm rãi nhai cỏ. Trên trời, trăng thượng tuần như chiếc câu liêm đang bơi giữa những tầng mây nhấp nhô như sóng.
- Đôi giày đã tã lắm rồi, cháu làm thế nào mà đi được? Khéo không lại ốm.
- Cháu sẽ vá lại. Miễn chỉ bền là được - Giamin nói, vẻ cương quyết - Cụ Cudia đã dạy cháu. Cháu khỏe lắm, không sợ gì đâu. Còn cô bé kia chưa quen… có thể ốm…
- Được, cháu đã quyết thế thì ta làm thế, có điều phải cẩn thận. Không được ốm đấy nhé! - cụ giơ ngón tay lên dọa- Hôm nay lão sẽ chữa lại. Không biết có đi được lâu không.
Trời sắp tối hẳn, Giamin không nhìn thấy đôi mắt của cụ đang lấp lánh và tay cụ đang xoa xoa đầu con Benca, làm nó sung sướng đến nỗi không dám ngọ nguậy đôi tai nữa...
- Thế mà thầy giáo còn bảo - người Xibêiri- ông cụ kết thúc câu chuyện của mình.
- Vâng, ra thế... - Ephim Grigôêvich kéo dài giọng, hai cùi tay tì lên bàn
- Người ta hay nói tâm hồn trẻ con là chiếc gương, trong đấy có thể soi thấy tất cả. Thì đấy, hãy thử nhìn vào chiếc gương này, thấy một cái gì đó...
Ngay sáng ngày từ Baironopca về, các cậu đã tìm đến cụ Cudia. Giamin mang theo người những chiếc bánh nướng còn nóng mà mẹ cậu đã làm nhân dịp cậu trở về. Thực ra bột đã hơi bị chớm mốc, có phần hơi thô và cứng, nhai cứ lạo xạo trong miệng. Thấy con trai cứ nhìn những hạt bột thô, mẹ cậu nói:
- Ăn đi, gì mà phải nhìn. Nghiền chưa kỹ đấy thôi. Bột bây giờ đắt ghê lắm. Được cái nhân bánh cũng ngon, củ cải nướng đấy.
Cụ Cudia chóp chép nhai bánh một cách chậm rãi, hỏi:
- Thế các cháu làm việc ra sao? Lão già này có phải xấu hổ vì các cháu không đây? - Rồi cụ lại tự trả lời ngay: - Lão nghĩ là không... Các cháu là những thanh niên có ý thức. Có đâu một tháng mà lớn lên bao nhiêu. Trà ngon quá.
Ông cụ thở dài, dùng những ngón tay gầy bẻ một chiếc bánh:
- Lâu lắm lão không được ăn thứ này. Ở nhà người ta gọi thêm nam giới vào quân đội, hầu như là những người cuối cùng còn lại đấy. Nghe nói sẽ phục vụ ở đoàn xe tải.
Thân hình gày gò của cụ cúi xuống. Cụ chớp chớp mắt, buồn rầu nói:
- Và người ta đã lấy cả con Tôđich nữa... Lão đã nói với các chiến sĩ Hồng quân rằng nó là một con ngựa có bản lĩnh. Phải biết đối xử với nó.
Câu cuối cùng làm các cậu ngạc nhiên. Các cậu nhìn nhau vẻ nuối tiếc.
Thấy các cậu buồn, cụ Cudia lấy giọng vui vẻ nói:
- Ấy, các cháu, mà sao hôm nay lão lại mềm yếu thế nhỉ? Được, để lão...Ừ để ta cho bọn Hitle biết tay mẹ Cudina! - Cụ Cudia nhếch mép cười ranh mãnh, tiếp tục nói như giải thích - Cudina là mẹ lão. Bà là người nhanh nhẹn, khỏe mạnh, không bao giờ chịu thua nam giới trong khi làm việc. Và bà cũng đi săn gấu với họ. Lão nói nhỏ với các cháu điều này nhé: cụ Cudia của các cháu đã quyết định vào xưởng cơ khí làm việc. Ngựa bây giờ không có mấy, mà có cũng toàn ngựa thuần và hiền như cừu cả. Dụng cụ thắng ngựa thì nhiều, mà có hỏng, lão sẽ chữa. Không có gì đáng ngại đâu. Trong khi đó thì ở xưởng cơ khí đang rất cần đàn ông làm việc… - Cụ Cudia vung hai khủy tay gầy, ưỡn người trông như con chim sẻ mới lớn đang lấy đà cất cánh lần đầu tiên - Giao thông vận tải bây giờ, các cháu ạ, cũng chẳng kém gì mặt trận. Tiếc là người ta không cho lão ra ngoài ấy đánh nhau. Chứ cụ Cudia của các cháu chiến đấu cũng chẳng kém gì cánh trẻ đâu...
Gôga bỗng cúi đầu ngập ngừng hỏi:
- Cụ Cudia, sao người ta không gọi bố cháu ra mặt trận? Cụ chẳng bảo là người ta đã gọi cả những người đánh xe ngựa tải cơ mà?
Ông cụ thoạt đầu bối rối, nhưng lập tức làm ra vẻ như không nghe thấy Gôga hỏi gì, vội vàng từ ghế đứng dậy, lúng túng nói:
- Đã đến lúc các cháu phải tới trường. Ngồi với lão lâu rồi đấy. Cho lão cảm ơn mẹ cháu về bánh nướng nhé. Cảm ơn các cháu đã không quên lão già này - Nói đoạn, ông cụ bỏ đi đến chuồng ngựa.
Côlia quay sang Gôga, thì thầm:
- Gôga, cụ Cudia thì làm sao mà biết được tại sao người ta không gọi bố cậu ra mặt trận. Sao không hỏi ngay bố cậu ấy? Tưởng rằng là được cưỡi ngựa, hỏi về mọi việc. Thế mà chẳng được gì cả. Thậm chí cụ ấy còn giận vì cậu ấy.
Các cậu chia tay, bực mình vì bỗng dưng câu chuyện bị cắt đứt như vậy.
Trước khi tới trường Gôga hỏi bố:
- Bố ơi, sao bố không ra mặt trận? Mọi người ai cũng ra cả, còn bố thì không...
- Mày nói gì? -Prôncan giận dữ quay lại - Tao lại cho mày... Xung quanh không có ai nói gì, thế mà mày, đồ chó con, lại dám chất vấn tao! Này, để tao... - Lúc ấy hắn đang ăn đĩa xúp đầy váng mỡ, nhảy từ bàn ra, túm lấy cổ Gôga - Ai cho mày ăn? Ai cho mày mặc? Xem đấy, bạn mày đứa nào cũng ăn theo phiếu, còn mày thì vẫn mặc sức nhét đầy ruột.
Nghe động, bà của Gôga đi lại. Vừa lau tay vào chiếc khăn vắt trên vai, mụ vừa khẽ đẩy vào lưng thằng con trai, nói:
- Có chuyện gì mà mày định đánh thằng bé thế? Thật chẳng khác gì con Pôncan được cởi xích. Mày bị bệnh, con ạ, bị bệnh bên trong ấy. Bác sĩ chẳng bảo thế là gì...- mụ già ôm cháu vào lòng, đưa tay xoa xoa đầu nó rồi dẫn vào phòng mình. Trong phòng treo đầy ảnh thánh và đèn chong nhấp nhánh - Còn cháu, đừng giận bố làm gì. Nó đang ốm mà. Các bác sĩ bảo thế, nếu không người ta chẳng gọi vào bộ đội từ lâu rồi à? Và hơn nữa, cháu ạ, trong trận chiến thì người ta có khác gì con thú… Khó gì mà không giết nhau. Cháu xem, bác Xtêphan nào có tin tức gì đâu. Còn cô Grunhia thì hết sức vất vả với đàn con nhỏ trên tay. Chẳng ai quan tâm đến cô cả. Cả người vô đạo kia nữa, bây giờ ở đâu thì họa có trời mà biết..
- Không phải vô đạo mà là người Baskir... Gôga chữa lại
- Thì cũng là một đồ phản chúa cả. Hai thằng làm ăn được lại bỏ ra đi, để bà mẹ với một thằng ranh còn chưa sạch mũi...À, mà hắn tên gì nhỉ, bà không nhớ.
- Giamin - Gôga nhắc
-Ừ, chính hắn. Ăn thì không có gì, mà con mụ, rõ ngốc, lại lấy làm sung sướng là chúng được ra trận. Trong khi đó thì nhà ta, ơn chúa, cả thịt lẫn bánh mì cũng không đến nỗi thiếu lắm. Và được như thế là nhờ bố cháu cố sức... Và rồi ở nơi trận tuyến thì khó mà giữ được cái đầu lắm. Không lẽ cháu muốn người ta giết bố cháu?
- Không, cháu không muốn - Gôga mếu máo đáp. Bây giờ cậu thấy thương cho mình, cho bố và bà nội.
- Bác sĩ ấy mà, cháu ạ, họ biết hết. Họ biết ai phải vào bộ đội, ai ở lại. Họ là những người thông thái - mụ nói tiếp, ra chiều âu yếm, tay vuốt đầu đứa cháu - Như cháu bây giờ đây, vừa được ăn xong, no nê. Cháu ăn bao nhiêu bánh?
Gôga nhún vai:
- Đúng, cháu không biết là đúng. Để bà nói cho mà nghe - không ít hơn một phun đâu. Còn bố mày thì chừng một phun rưỡi. Thấy không! Còn nếu sống theo phiếu lương thực thì mỗi ngày chỉ được một phun thôi, mà lại phải chia làm ba bữa...Đấy, cứ thế mà suy ra, một phun bánh mì giá bao nhiêu.
Gôga cảm thấy còn muốn ăn nữa
- Bà ơi, cháu ăn nữa được không?- cậu hỏi, và không cởi áo bành tô, chén hết nửa đĩa mì ống và một miếng bánh mì lớn. Ngày hôm ấy, Gôga mới hiểu được là một phun bánh mì trị giá đắt, rất đắt.
Trong năm đầu tiên của cuộc chiến tranh này, ngày lễ Cách mạng tháng Mười trôi qua một cách thầm lặng khác thường. Thậm chí cả diễu hành như thường lệ cũng không có nữa. Trước kia thường thì dân Taiset cả nhà kéo ra đường, và trong tiếng đàn phong cầm nhộn nhịp, họ cùng nhau đi về phía cửa hàng bách hóa, ngôi nhà gạch duy nhất của cả làng. Trước cửa hàng là quảng trường, trước đây vốn là địa phận duy nhất của nhà thờ. Mọi người chú ý lắng nghe các diễn giả phát biểu, mặc dù biết trước ai sẽ nói và nói gì. Bác công nhân Tikhôn Curơbat, cụt một chân, từng tham gia nội chiến, trong bất kỳ ngày lễ nào, cũng bắt đầu và kết thúc bài phát biểu của mình như nhau:
- Chúng ta đã tống cổ cái thằng cha Cônsac và đóng cọc liễu hoàn diệp xuyên họng nó ở chỗ này, nơi bây giờ chúng ta, nghĩa là các đồng chí, tôi, vợ con chúng ta, đang đi theo tiếng đàn, vừa đi vừa hát. Chỗ chúng ta đứng đây là chỗ ở của lão cha cố trước kia. Hắn là đầy tớ của Nga hoàng, và cả của ông kia nữa - của Chúa - bác ta chỉ ngón tay trỏ lạnh cóng lên trời.
Bác Tikhôn long trọng kết thúc bài phát biểu của mình, cố tình kéo dài những chữ cuối câu:
- Các đồng chí! Thắng lợi của chúng ta là chính đáng! Nào vui lên, vui lên nữa trong ngày lễ này! Bây giờ chúng ta là chủ nhân của đất nước chúng ta.
- Này, ông Tikhôn, làm gì mà rống lên như chó sói vậy - vợ bác trách.
- Làm gì à? Cho sướng cái bụng, Xôphia ạ. Cho bõ cái công đánh thằng địch chứ! Bà xem kìa, mọi người đang vui làm sao! - Tikhôn trả lời, giơ tay chỉ vào đám người dự lễ.
Nhưng năm nay thì không có diễu hành, buồn lắm, mặc dù từ sáng sớm cờ và khẩu hiệu đã được treo lên. Nhà nào cũng dọn sạch lớp tuyết vừa kịp lún xuống. Qua hệ thống truyền thanh địa phương, người ta báo tin là tối đến sẽ có mít tinh ở câu lạc bộ công nhân.
Hai giờ trước khi bắt đầu đã có người lục tục kéo đến ngôi nhà của câu lạc bộ lạnh cóng, phủ đầy sương muối. Các bà nội trợ mang theo trẻ con, và khi bà già là những người đến sớm nhất. Khi chiếc hành lang hẹp của câu lạc bộ không còn đủ chứa hết người nữa, ông giám đốc mới mở cửa cho mọi người vào phòng chính. Trước khi mở ông giang đôi tay gầy gò tì vào khung cửa và bằng một giọng khàn khàn báo trước với mọi người:
- Xin đồng bào giữ gìn sạch sẽ cho. Đừng để các cháu nhỏ trèo lên sân khấu. Trên ấy mọi thứ đã chuẩn bị sẵn cho buổi mittinh - Nói xong, ông húng hắng ho, tay ôm ngực.
- Hình như Xibêri của ta không thích hợp với ông giám đốc lắm thì phải - một phụ nữ trẻ, má đỏ ửng, tay bế con nhận xét - Trông ông ta chẳng khác gì Đức Chúa Giêsu bị đóng đanh trên thánh giá.
- Rồi cô cũng giống như thế nếu cô cũng mất hết cả gia đình, cũng đi đôi giày như của ông ta… Nếu ông ấy mặc ấm như cô xem..- Grunhia nói, tay giữ hai con, một trai, một gái.
Trẻ con và phụ nữ ùa qua cửa. Trong gian phòng lạnh ầm ĩ tiếng người, tiếng ghế đập lách cách. Sương muối bám như những tua viền trên trần nhà và trên những tấm rèm cửa sổ đóng chặt, kiên cố. Grunhia cùng con ngồi cạnh thím Samsura, không ngớt phàn nàn về việc ba tháng nay không nhận được thư của bác Xtêphan.
- Có lẽ anh ấy không được phép viết... Nếu không, đã viết rồi. Thì hai thằng nhà tôi cũng có thư từ gì đâu..
Một chốc sau cả phòng họp đã chật ních người. Nhiều người đứng ngay ở lối ra vào, trẻ con leo lên thành cửa sổ, líu ríu như một bầy chim sẻ và ngồi cả xuống cái bục dài, thấp ngăn sân khấu bé nhỏ hình móng ngựa với khán giả.
Cuối cùng màn được mở ra. Những người ngồi ở hàng ghế đầu cựa mình, mỉm cười. Bỗng cụ Cudia kêu lên:
- Bà con ơi, hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày cách mạng! Mà kỷ niệm ra trò chứ chẳng chơi! Đấy, điều chủ yếu chính là ở đấy! Thế mà cha Hítle chết tiệt lại mơ dạo phố ở Matxcova! Có cho hắn ít kẹo đồng vào miệng thì được chứ, Matxcova à?
Xung quanh mọi người cười phá lên, vỗ tay hoan hô. Có tiếng tán thưởng:
- Phải đấy cụ Cudia ạ!
- Nghĩa là chính quyền ta vững chắc!
- Quẳng Hitle vào rừng Xibêri cho hắn nếm mùi lạnh của ta!
Những công nhân được bầu làm chủ tịch đoàn buổi mít tinh đã lên bàn ngồi. Chủ tịch là Piốt Pêtrovich Xamarucop, đốc công xưởng cơ khí. Ông lấy bút chì gõ gõ vào miệng chiếc bình đựng nước uống, giọng hầu như bị đóng băng,rồi khẽ cất giọng khàn khàn, nói:
- Tôi xin tuyên bố khai mạc buổi lễ trọng thể kỷ niệm hai mươi tư năm Cách mạng tháng Mười vĩ đại!
Với chiếc kèn đồng trong tay, ông giám đốc câu lạc bộ đứng ra cạnh sân khấu, khập khễnh xách trống theo sau là Dưcốp cụt chân, trước chiến tranh chơi trong dàn nhạc của xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa. Chắc các thành viên của đoàn chủ tịch không biết trước kế hoạch của ông giám đốc, họ ngạc nhiên hết nhìn nhau lại nhìn hai nhạc công kia. Ông giám đốc khẽ liếm đôi môi mỏng, thổi thổi vào miệng kèn rồi gật đầu ra lệnh cho Vaxia. Những nốt nhạc đầu tiên của bài Quốc tế ca bay ra từ chiếc kèn đồng, và mọi người có cảm giác là bài hát mà ai cũng thuộc này đang như ngân dài dọc theo những đường đầy tuyết lạnh của làng Taiset..
Bản nhạc Quốc tế ca vừa bắt đầu, như cùng một mệnh lệnh, mọi người đứng dậy lặng im trong giây phút thiêng liêng, cảm phục liếc nhìn hai nhạc công. Ông giám đốc thổi kèn rất đúng nhạc. Chiếc áo khoác mỏng của ông không cài cúc như thể người mặc đang nóng lắm.
Còn Vaxia thì không ngờ được đón tiếp như vậy, lúc đầu hơi lúng túng, sau mạnh dạn dần và gõ đều chiếc dùi có hình một chiếc chùy lên mặt trống.
- Thật chẳng khác gì hồi trước chiến tranh! - Piôt Pêtrovich nhận xét khi hai người ngừng chơi.
Mọi người vỗ tay hồi lâu, sôi nổi bàn tán với nhau. Bọn trẻ con khoái chí huýt ầm ĩ, bị người lớn bạt tai nhưng không lấy thế làm khó chịu.
Tối hôm ấy dân Taisét được người báo cáo viên cho biết là tại Hồng trường thủ đô Matxcova, đã tổ chức duyệt binh lớn, có cả các đơn vị Xibêri tham gia và duyệt binh xong đã đi thẳng ra mặt trận.
- Nghĩa là ta sẽ đánh lớn, phải không nào! - Trên đường về nhà, cụ Cudia nói với các cậu - Phải suy nghĩ bằng đầu mới được. Bọn Đức tới được gần Matxcova, và cho thế là nước Nga đã đi đứt. Không, chúng nhầm rồi. Đấy, chúng ta vẫn duyệt binh ở Matxcova, và cánh mình ở đấy vẫn nghe Matxcova!
Nếu không bị thím Samsura ngắt lời thì không biết cụ Cudia còn tiếp tục bình luận đến bao giờ mới thôi.
- Giá cụ kiếm giúp cho thằng Giamin nhà cháu một việc gì đó thì hay biết mấy. Cụ xem, được thế thì nó sẽ có phiếu lương thực công nhân, và tám trăm gam bánh mì một ngày... Và nó sẽ có nghề nghiệp trong tay.
- Cả thằng Côlia nhà cháu nữa - Grunhia phụ theo.
- Cụ Cudia ạ, chính bọn cháu từ lâu cũng muốn thế...- Giamin nói
- Thế thì tốt lắm, còn gì bằng! Ngày mai tới xưởng nhé! Kể ra lão cũng chỉ mới làm ở phân xưởng dụng cụ hai tuần thôi, nhưng không sao. Đốc công xưởng, Piôt Pêtrovich, chủ tịch cuộc mít tinh vừa rồi, là bạn cũ của lão. Lão đã nói với bác ấy, chắc là bác ấy không từ chối.
- Cám ơn cụ - Grunhia vội nói.
- Biết đâu họ vẫn còn chưa muốn nhận... - Thím Samsura vẫn chưa tin hẳn
- Những chàng trai thế này mà không nhận à? Lão sẽ cùng đi với các cháu vào phòng tổ chức cán bộ.
Ba mẹ con nhà Xôcôlốp dừng lại trước cổng nhà mình. Côlia leo qua hàng rào, mở then cổng. Cả ba khuất vào sau chiếc cổng hình vuông...
Bóng Gôga như một quả bóng lăn tròn trên tuyết. Cái bóng đen ấy dừng lại trước một ngôi nhà cao. Tiếng leng keng của sắt thép vang lên trong không gian lạnh lẽo đầy ánh trăng.
- Mình cũng sẽ vào xưởng làm việc - Gôga thì thầm nói một mình.
- Ai đấy? Prônca hỏi, giọng ngái ngủ.
Và cũng như lên tiếng hỏi, con Pôncan sủa lên mấy tiếng.
- Con đây, bố ạ! - Gôga khẽ đáp.
Một lần nữa tiếng sắt thép chạm nhau xoang xoảng vang lên. Chiếc cổng nặng nề mở ra. Con Pôncan mừng rỡ rít lên...
- Lão đi gặp cánh đàn ông bây giờ, báo cho họ biết ông giám đốc thổi kèn hay ra sao. Còn Vaxia của chúng ta cũng khá lắm! Và duyệt binh nữa, duyệt binh! - Chân ngập trong tuyết, ông cụ rẽ về xưởng cơ khí.
Mẹ con nhà Samilep còn lại một mình.
- Mong sao cụ ấy lo được việc cho con - người mẹ thì thầm, áp má lạnh vào má con trai.
- Họ sẽ nhận con, mẹ ạ. Cụ Cudia đã hứa thế mà
- Được thế thì tốt lắm… Con xem kìa, yên tĩnh quá! Như là chẳng có chiến tranh..
Khi sắp ngủ, Giamin nghe mẹ thì thầm:
- Lạy chúa..
“Mẹ cầu khấn gì thế nhỉ - cậu nghĩ thầm. - Để sáng mai hỏi mẹ xem sao”
Một tuần sau, ở trường mọi người đã biết tin bốn cậu chuẩn bị vào xưởng cơ khí làm việc. Làm việc gì thì ngay chính các cậu cũng chưa hình dung nổi. Mà kể ra điều ấy bây giờ cũng không quan trọng… Các cậu thấy bạn cùng tuổi nhìn mình vẻ thèm thuồng thì lấy làm tự hào lắm. Tuy thế cậu nào cũng ngờ vực: “ngộ nhỡ họ không nhận thì sao?”
Sau giờ học các cậu sửng sốt khi thấy cụ Cudia đang sôi nổi nói gì đấy với ông hiệu trưởng ở hành lang.
- À, lão đang tìm gặp các cháu đây. Sáng mai ta cùng đi tới gặp bác đốc công. Ở phòng tổ chức, lão đã nói xong cả rồi - ông cụ nói, vẻ quan trọng và tạm biệt ông hiệu trưởng xong, cụ vội bước ra cửa.
Các cậu không ngờ mọi việc được tiến hành nhanh như thế.
Xưởng cơ khí là một cơ sở sản xuất không phức tạp lắm. Xưởng không có đủ động cơ điện, và thiết bị tốt nói chung cũng chẳng có nữa. Chỉ vẻn vẹn có ba máy tiện cổ lỗ sĩ, hai máy khoan có dây cu - roa và một máy làm định bu - long mà ai cũng có thể đứng máy được, vì dù sao sau nay đinh bu -long cũng phải gia công thêm nữa. Khi chạy, tất cả các bộ phận của máy làm đinh bu - long đồng thanh rung lên loảng xoảng như một chiếc máy khâu kếch sù. Xưởng còn chữa các xe dò đường, các bộ phận của tàu dọn tuyết, chữa tà vẹt - làm giũa..
Ấy thế mà xưởng vẫn có cái phức tạp của nó. Mỗi công nhân phải biết một lúc mấy nghề. Nghề nguội thì hầu như ai cũng biết. Nhiều người biết đứng máy tiện và máy khoan, hơn một nửa làm nghề rèn..
Vào phân xưởng rèn, tiếng sắt va chạm vào nhau, tiếng búa nện chan chát làm các cậu váng tai, và ngạc nhiên nhìn những tia lửa trắng trong bệ lò. Mùi sắt nung đỏ xông vào mũi dễ chịu.
Anh em công nhân kính cẩn chào cụ Cudia và hỏi đùa:
- Cụ tới giúp anh em làm đấy à, cụ Cudia. Tốt lắm, tốt lắm!
- Giá mà cậu quai búa liến thoắng được như cái lưỡi của cậu thì hay biết mấy - cụ Cudia không chịu thua, đập lại và vừa đẩy Giamin và các bạn, còn đang bỡ ngỡ về phía trước, cụ vừa nói: - Các cháu đừng để ý, bên ngoài trông họ chẳng khác gì quỷ sứ, nhưng tâm hồn của họ tốt.
Sang phân xưởng nguội, mùi dầu mỡ bốc lên sặc sụa, làm các cậu phải vội vàng lấy tay bịt mũi.
- Đây là Nunhikianốp đang làm phép. Thợ giỏi. Một mình anh ta cung cấp giũa cho cả tuyến đường - cụ Cudia nói và chỉ về phía một người có vẻ mặt ảm đạm, trông như một lão phù thủy đang ngồi chồm hổm bên chiếc lò nung ba tầng.
Ngập trong đám khói vàng, anh ta làm việc một cách hết sức bình tĩnh, không hề để ý tới những người công nhân đang qua lại và thỉnh thoảng lại trêu đùa không ác ý:
- Ấy, lại làm phép rồi!
- Phải cho cậu xuống địa ngục mới được, Nunhikianốp ạ!
- Sao bà con lại cho phép cậu về nhà thế nhỉ?
Nhưng Nunhikianốp chỉ im lặng mỉm cười, để lộ hai hàm răng trắng và đều tiếp tục làm việc một cách thành thạo với đôi tay gầy và dài. Đôi tay ấy thoắt đi thoắt lại trước mắt các cậu như đôi tay của một người làm trò ảo thuật. Anh ta đặt những chiếc giũa chưa tôi thành từng hàng vào một chiếc lò có lửa phụt cháy như trong đầu máy xe lửa. Một chốc sau, anh ta lôi từ lò ra những chiếc giũa trắng như nến và cho vào thùng dầu mỡ. Mỡ bám vào giũa, sôi chảy tỏa mùi dễ chịu. Vừa lẩm bẩm điều gì Nunhikianốp vừa rút những chiếc giũa bây giờ đã ngả màu xanh đen, cẩn thận cho vào một lò khác, lửa sáng chói đến lóa mắt.
Sau này các cậu được biết chỉ một mình anh ta là người có thể giữ được một nhiệt độ cao và đều như thế trong một chiếc lò nhỏ. Không ai có thể hơn anh ta về khoản tôi những chiếc đục, chặt nguội các thanh đường ray. Dao cạo anh ta làm còn tốt ơn dao bán ở hiệu. Hơn ai hết, anh ta còn biết tôi đủ tất cả các loại thép. Có nhiều người học anh ta, nhưng không ai có thể trở thành một người thợ lành nghề như thế. Thậm chí chiếc lò nung ba tầng cũng được gọi là lò Nunhikianốp, vì nó được đắp theo thiết kế của anh.
Bây giờ Nunhikianốp đang nung trắng giũa ở giữa tầng hai lò nung, rồi sau đưa chúng vào một chiếc thùng có chứa các mẩu xương và mảnh vụn thủy tinh. Khói đặc, vàng khét bao quanh anh ta. Những người công nhân lau bắt đầu càu nhàu. Các cậu say sưa ngắm nhìn, tuy cổ họng rất rát và mắt thì cay xè.
Một người đàn ông dáng to khỏe, mặc áo bu dông bước lại. Bề ngoài trông bác ta khoảng 50 tuổi. Đây là chủ tịch cuộc míttinh hôm nọ. Người đàn ông chìa tay cho cụ Cudia và nói điều gì đấy với ông cụ.
- Được, Piốt Pêtrovich ạ - cụ Cudia nói rồi dẫn các cụ ra đường
Chưa bao giờ không khí lại ngọt ngào như lúc này. Các cậu hít lấy hít để như uống vào lồng ngực.
- Đốc công xưởng đấy, các cháu ạ, bác Xamarucop. Một người đứng đắn. Một người chủ tốt. Bác ấy bảo sẽ chuyển lò nung của Nunhikiakôp sang phân xưởng rèn. Không thì mùi của nó không ai chịu được. Tám giờ sáng mai các cháu sẽ phải có mặt ở đây. Các cháu sẽ học nghề nguội, học cắt các thanh ốp đường ray. Chọn quần áo cũ mà mặc, hiểu chứ? Và ngày mai các cháu sẽ nhận phiếu lương thực.
- Chúng cháu hiểu, nhưng sao không thấy Piôt Pêtrovich nói gì cả - Côlia nói - nhìn cụ Cudia, vẻ không hiểu
- À, ra thế - ông cụ cười - Bác Piốt Pêtrovich vẫn thường hay mất giọng thế đấy, hồi trẻ bác ta là du kích hoạt động trong đội của ông Bisơ. Một lần bác ta bị bọn Cônsăc bắt được. Chúng tra tấn bác ta, đánh gẫy hầu như không sót một chiếc răng nào. Từ đấy, bác ta bắt đầu để râu và giọng cứ khản đặc như vịt đực. Chắc dây thanh quản nào đấy trong cuống họng bị đứt. Đấy bác ta là người thế đấy.
- Thế mà bọn cháu cứ nghĩ là bác ta không thích bọn cháu - Côlia nói.
- Một người như thế không thể không thích các cháu được, nhất là lúc đang thiếu người làm việc như hiện nay.
Cụ Cudia còn muốn nói thêm điều gì nữa với các cậu đang chăm chú nghe, nhưng sau lại khoát tay thở dài:
- Chà, các cháu đã lớn trước tuổi. Thôi, bây giờ về nhà đi. Sáng mai tám giờ bác đốc công sẽ chờ các cháu.
Cụ Cudia chắp tay đằng sau, khom lưng đi về phía phân xưởng dụng cụ của mình.
- Và thế là chúng ta đã thành giai cấp công nhân - Vichia cười to.
- Công nhân? - Gôga kéo dài giọng nói.
- Chứ không à? Chúng mình sẽ thành công nhân - Giamin liền đáp
- Công nhân là tốt. Như bố mình đấy, một công nhân lành nghề - Côlia nhìn các bạn nói
- Nhưng bố cậu là thợ rèn! - Vichia vặn lại.
- Thì mình cũng sẽ thành thợ rèn. Bố mình hứa sau chiến tranh sẽ dạy mình nghề này.
Các cậu bình tĩnh chia tay nhau ra về, không làm ầm ĩ như mọi lần. Có thể vì lúc ấy xung quanh mọi người đang bận, mà cũng có thể vì các cậu quả thực đã lớn rồi.