Hai người đàn ông là công nhân trong điền trang, Bill Short và Luuther Wilcox. Còn người ngồi thẳng đuỗn trên lưng ngựa là Chad Faulkner, anh ta đi ngựa bên cạnh Tom Rawlins. Hawk nhận ra nói dối hoặc thanh minh với Tom Rawlins chẳng có ích gì, chắc chắn chú ấy đã nhìn thấy quá đủ rồi. Nếu Rawlins có điểm yếu thì đó là con gái của ông ta. Dưới con mắt của ông ta, cô gái không thể làm được điều gì xấu. Hawk biết rằng chuyện này sẽ đảo lộn hoàn toàn kế hoạch của mình. Ngay trong mùa hè này anh phải cưới Carol. Hawk kính nể người đàn ông đã tiếp nhận anh, dạy cho anh tất cả những hiểu biết về gia súc và điền trang.
Nhưng lúc này gương mặt lạnh lùng, tức giận của người đàn ông không biểu lộ sự bình thản lắng nghe mọi lời giải thích.
- Chuyện gì ở đây thế này? – Rawlins gầm lên – Mày đã làm gì với đứa con gái bé bỏng của tao?
Hawk đã chuẩn bị đối phó với những cơn tức giận như vậy, làm như không để ý tới:
- Chú Tom ạ, cháu… - Anh không có cơ hội nói ra hết.
- Bố ơi, con không muốn! – Carol òa lên nức nở - Anh ấy cưỡng hiếp con. Anh ấy làm con đau quá!
Hawk như bị sét đánh, lặng người nhìn cô. Nước mắt chảy tràn hai bên má cô, cô đỏ mặt vì xấu hổ, dây choàng áo lót trắng của cô buông lỏng khỏi vai, cô cố giữ dây lại và giấu trong áo sơmi. Hawk cảm thấy rất khó chịu khi bị lừa dối.
- Tao đã đối xử với mày như đối với đứa con đẻ, đồ khốn nạn! – Rawlins nghiến răng, gần như nghẹt thở vì tức giận – Và mày đã trả ơn bằng cách cưỡng hiếp con gái tao.
Hawk lùi lại nhưng không còn cơ hội để nói thêm một lời. Một quả đấm thép đánh trúng bụng, hất bổng anh lên không. Miếng đòn thứ hai đánh trúng cằm và giáng anh xuống đất. Đầu anh đau như bị xuyên thủng.
Khi Hawk quỳ gượng dậy được, anh thấy Carol chạy về phía Chad. Một quả đấm mới đẩy anh ngã dúi xuống, mũi ủng đá tới tấp vào sườn anh, hất anh lăn đi lăn lại. Nhưng anh còn gượng quỳ dậy được lần nữa. Rồi tình hình còn xấu hơn trước. Anh cảm giác như bị hai người đàn ông giữ chặt, và Rawlins đấm đá tới tấp vào người anh. Quả đấm của ông ta như búa tạ đập vào mặt anh, cổ anh, trúng khắp mọi nơi. Hawk không nhìn thấy gì nữa, anh thấy bất lực, mọi sức lực mất dần. Những miếng đòn khác tiếp tục giáng vào anh, dây thừng quất xoắn vào người anh.
- Nó xỉu rồi, sếp ạ - Luther Wilcox nói.
- Dựng nó dậy! – Rawlins vẫn sôi sục vì căm giận, nhăn mặt nói.
- Ông không được giết nó, thưa sếp. Trời ơi, nó là… - Ánh mắt anh hướng về Chad. Anh lựa lời để nói, vì không muốn là người đầu tiên lưu ý về mối liên hệ máu mủ này.
Bill cũng cho rằng Rawlins không được phép quá tay đối với Hawk. Anh đã nhiều lần nhìn thấy cô con gái của Rawlins cùng cưỡi ngựa với Hawk. Nếu Hawk tận dụng cơ hội tốt thì rất có thể vì cô gái đã thúc đẩy anh. Anh không tin Hawk là người đàn ông duy nhất trong đời cô gái. Hơn hết mọi cái, phải tính đến phản ứng của J.B nếu Hawk bị giết chết.
Họ để Hawk ngã nhào xuống, thân thể anh lăn lộn trong bụi. Rawlins đưa mắt nhìn con gái. Với sự giúp đỡ của Chad, cô đã mặc áo. Tay Chad choàng ôm lấy cô, tạo cho cô sự bảo vệ, che chở và chỗ dựa. Cô giấu mặt mình trong áo anh ta, ngón tay cô bấu chặt lấy anh ta.
- Giữ chặt lấy em, anh Chad! – Cô thì thầm.
- Em đợi ở đây – Chad dịu dàng bảo – Anh chỉ đi tìm lại thật nhanh con ngựa của em.
Con ngựa nâu Hawk cưỡi nhếch mõm hí khi năm người cưỡi ngựa phóng đi. Không ai ngoái đầu nhìn lại.
Khi Hawk tỉnh lại, màn đêm đã buông xuống từ lâu. Không gian lạnh lẽo lấp lánh đầy ánh sao. Mọi cái chao đảo, mờ nhòe. Lúc đầu anh không hiểu mình nằm ở đâu và vì sao lại nằm trên mặt đất. Rồi anh gượng đứng dậy, cái đau như dao sắc xén vào người anh. Anh nhận ra xương sườn bị gẫy. Anh lảo đảo đứng dậy, đầu đau như búa bổ. Mặt anh sưng tấy, da toác tứa máu. Mũi cũng bị dập. Mí mắt sưng phồng, chỉ hé mở được tý chút. Chỗ nào trên người cũng đau ê ẩm, miệng anh khô rang. Hawk thử liếm môi, anh thấy có bụi bẩn, máu và mồ hôi mặn chát. Hawk thấy con ngựa của mình ở cách đó mấy bước. Anh khật khưỡng đi lại phía nó.
Anh nắm yên cương, con ngựa bước lùi lại vì mùi máu tanh toát ra từ người anh. Hawk vỗ về, vuốt ve con ngựa rồi nói với nó bằng ngôn ngữ của người Navajos. Phải dùng hết sức lực anh mới trèo lên được lưng ngựa. Tay nắm chặt chuôi yên ngựa, anh để mặc nó tự tìm đường trở về.
Lúc con ngựa dừng lại, anh biết cả hai đã về tới chuồng. Anh tìm cách xuống ngựa sao cho đỡ đau nhất.
- Hawk! – Ai đó gọi, phải lát sau anh mới nhận ra giọng nói của cha anh – Cha nghe nói có ẩu đả và đang định đi tìm con. Ối trời ơi, con bị sao thế này? Chúng ta đưa con đến bác sĩ thì hơn. Frank Petro đâu, đến đây giúp tôi – Ông kêu lên.
- Không! – Hawk phản đối – Bác sĩ cũng không giúp được gì trong trường hợp bị dập mũi và gãy xương sườn – Ngoài những thứ ấy ra, anh không bị gì nữa cả.
- Cha sẽ nói chuyện với chú Tom để giải quyết ổn thỏa việc này – J.B nói.
Hawk nhìn cha cầu khẩn:
- Cách đây rất lâu, cha đã nói với con rằng con phải tự giải quyết mọi việc liên quan đến mình. Con không cần sự giúp đỡ của cha. Tự con sẽ giải quyết xong với chú Rawlins.
- Trong tình hình hiện nay, tốt nhất là con trở về trường ngay – Cha anh nói, mặt ông tái nhợt.
Hawk gượng mỉm cười, miệng anh rất đau:
- Đi khỏi đây ư? Người Navajos làm việc ấy sao, thưa cha? Con dám đánh cuộc là cả cha, chú Tom và Carol đều muốn như vậy. Có thể cha không thích con trở lại hơn, con sẽ làm cho mọi người dễ dàng hơn, phải không cha? Nhưng con không đi đâu hết! – Hawk nói chắc như vậy – Từ nay trở đi con sẽ làm những gì con muốn. Nếu cha không thích, không chấp nhận thì mặc kệ cha!
Hawk lần bước đi. Tiếng rì rầm bàn tán của những người chăn bò bám theo anh, còn người cha im lặng.
Cửa sổ nhà Rawlins vẫn sáng ánh đèn. Mười một năm qua đây đã là quê hương của anh. Bước vào sân sau, anh nhìn thấy mặt mình trong gương ở bồn rửa mặt. Da mặt tím bầm, sưng tấy và rách khá nhiều chỗ, giống như mặt của một con quỷ với bộ tóc đen nhánh.
Tom Rawlins ngồi bên bàn ăn, nhìn anh chằm chặp.
- Cháu về lấy mấy thứ đồ - Hawk nói.
- Lấy rồi cút đi – Tom gầm gừ.
- Chú biết cháu, chú Tom ạ. Chú biết cháu không bao giờ dùng vũ lực với con gái chú cả. Đúng là chú nuôi dạy cháu như đứa con trai của chú, nhưng chú không hề muốn cháu là con rể. Cái gì đã làm chú tức giận như vậy hả chú Tom? Hay là vì ý nghĩ con gái chú lấy một kẻ nửa da trắng, nửa da đỏ, hay lấy đứa con hoang của J.B? – Giọng Hawk như thách thức.
Vera Rawlins xuất hiện và rụt lại ngay khi thấy Hawk, nhưng anh đã nói tiếp:
- Vả lại, cháu không phải là người đầu tiên của con gái cô chú. Mặc dầu phải công nhận rằng nếu cô ấy còn trinh tiết thì điều đó cũng không ngăn cản cháu.
Anh đi về gian phòng nhỏ của mình và trải tấm chăn đệm lên giường. Đó là tấm chăn đệm anh mang theo cách đây mười một năm.
Tiếng động khẽ bên ngoài làm cho anh dừng lại nghe ngóng. Cánh cửa khẽ mở, chỉ có một người muốn gặp anh mà không muốn ai để ý thấy: Carol.
- Anh Hawk, em rất lấy làm tiếc – Cô thì thầm xin lỗi anh – Em không hiểu vì sao đã nói vậy. Em… em sợ hãi quá! Anh phải tin em, bố mẹ em sẽ giết chết em nếu thấy em ở đây.
Anh từ từ quay người nhìn cô. Mắt cô tròn xoe vì sợ hãi.
- Trông anh đẹp lắm phải không?
- Xin anh tha lỗi cho em! – Cô lẩm bẩm, không dám nhìn anh một lần nữa.
Đối với anh, đoạn đường đến khu nhà ở của công nhân rất dài. Chân anh nặng như chì. Khi anh bước vào, mọi câu chuyện tắt ngấm. Hawk quá mệt mỏi và quá đau đớn nên không nhận ra những ánh mắt đang dán vào mình. Con mắt sưng tấy của anh nhận ra một chỗ nghỉ còn để trống và anh nằm xuống, để túi đồ xuống đất.
Anh ngủ li bì 36 tiếng liền, lấy lại sức khỏe trong giấc ngủ. Khi anh tỉnh dậy, những vết máu đã được lau sạch, suờn đã được băng bó và một cái cốc bốc khói để bên cạnh. Anh nhận ra gương mặt của Luther Wilcox.
- Cái gì đây, thuốc độc à? – Giọng Hawk khàn khàn, cơ bắp cứng lại khi anh thử cử động.
- Cậu có định ở tạm chỗ các anh không? – Luther hỏi.
- Tôi cuốn gói đi thì hơn.
- Không cần phải thế - Luther làm anh yên lòng – Carol đã xa rồi. Cô ấy sống một thời gian với nhà Faulkner ở Phoenix.
Ba ngày sau, Hawk buộc yên ngựa đi vào núi. Anh sống một tháng với họ hàng thân thích của mình. Khi trở về, anh lại đến ở trong lán của những người công nhân. Sáng sáng anh cưỡi ngựa đi với họ, làm công việc của họ và sống với họ. Rawlins không bao giờ ra lệnh cho anh, và không hề để ý đến công việc Hawk làm, nhưng con mắt ông bùng cháy lửa căm giận mỗi khi họ gặp nhau.
Hai tháng sau ngày bị đánh đập như vậy, Hawk nghe tin Chad và Carol cưới nhau. Tin đó chẳng có ý nghĩa gì với anh.
Bảy tháng sau, cô đem lại cuộc sống cho một cậu bé. Đứa bé được đặt tên là John Buchanan Faulkner, theo tên ông nó.
Bầu trời thành phố Phoenix đầy mây đen, mưa như trút nước. Giao thông trên đường phố lúc 6 giờ tối tắc nghẽn. Cái gạt nước chiếc xe Volkswagen không quét sạch nổi dòng nước đang tuôn xuống.
Sau tay lái, Lana Marshall tập trung cao độ vào giao thông trên đường. Cô nghĩ người bản xứ nói mưa giông đột ngột có thể gây ngập úng. Nhưng cô không tin. Tất cả khô cằn và bụi bặm tới mức không thể tưởng tượng được nổi có thể có mưa lớn đến vậy. Bây giờ thì cô biết rõ hơn.
Nếu kéo kính cửa sổ xuống thì nước mưa sẽ xối vào. Đây không phải là lần đầu tiên cô muốn có hệ thống điều hòa trong xe. Ở thành phố Denver trang bị như vậy thật là xa xỉ, nhưng ở đây, ở Arizona cô đã thấy nhiều cái cần thiết đến đơn giản. Cô cởi bớt hai cái nút áo trên của bộ y phục trắng và bật quạt máy. Còn năm dặm nữa mới tới lối rẽ. Sau đó cô còn phải đi vài dặm nữa mới về tới nhà.
Trên đường, phía tay phải cô nhấp nháy đèn báo hiệu tai nạn của một chiếc xe đỗ ở đó. Giây lát sau, đèn pha ô tô của cô chiếu sáng một chiếc xe tải màu vàng đỗ bên lề đường. Khi cô chuẩn bị vượt lên, người lái xe chiếc xe vàng bước xuống xe. Lana nhìn ra đó là một người đàn ông vạm vỡ, vai rộng, mặc áo khoác nâu, tóc bạc uốn cong nhô ra dưới chiếc mũ cao bồi. Bên thành xe tải ghi dòng chữ Falcon Constructions và dấu hiệu của công ty là hình một con chim. Người đàn ông đi ngược chiều mưa.
Lana ngần ngừ chốc lát. Khi đi ngang tới ông, cô dừng lại quay kính cửa sổ xuống và hỏi:
- Bác có cần tôi cho đi cùng không?
Người đàn ông ngạc nhiên dừng lại, cúi xuống cửa xe, nước mưa chảy xuống từ mũ ông. Dưới đôi mi xám cô nhận ra đôi mắt xanh biếc. Thời gian và năm tháng đã để lại trên gương mặt sạm nắng mặt trời của ông những nếp nhăn nhỏ sâu.
- Bác lên xe đi – Cô vui vẻ mỉm cười mời ông.
Ông ngần ngừ trong chốc lát và mở cửa xe bước lên.
- Cảm ơn cô – Giọng nói lịch sự hoàn toàn trái ngược với vẻ ngoài của ông.
- Ở ngoài mưa to lắm, bác bị ướt thấm tận da còn gì – Lana nói. Có cái gì ở người đàn ông này làm cô nghĩ tới ông già Noel tốt bụng.
Ông quay về phía cô:
- Bố mẹ cô không dạy cô đừng cho ai đi nhờ dọc đường à? Đó là điều nguy hiểm đối với một cô gái trẻ.
Lana cười:
- Có chứ, bố mẹ cháu bảo đề phòng những người xin đi nhờ và đàn ông lạ - Cô nói – Nhưng cũng kể cho cháu nghe câu chuyện về những cứu nhân tốt bụng. Cháu thích câu chuyện đó hơn. Xe bác làm sao vậy?
- Bác nghĩ bugi bị ướt.
Lana nhìn đèn đường màu xanh báo hiệu lối rẽ tới:
- Cháu không biết ở đây có trạm xăng không, nhưng ở lối rẽ thì có – Đó là lối rẽ về nhà nên cô biết rõ – Cháu đưa bác tới đó, ở đó người ta sẽ giúp bác.
Ông nhìn đồng hồ:
- Gần đây có một văn phòng xây dựng. Cô có thể đưa tôi tới đó được không? Ở đấy tôi sẽ tìm được người xem giúp chiếc xe.
- Có phải công trình đang được xây dựng là trung tâm y học mới phải không bác? – Lana hỏi.
- Đúng thế - Ông gật đầu.
- Cháu đưa bác tới đó, đằng nào cháu cũng qua đó về nhà.
Cô liếc nhìn ông. Áo quần, tuổi tác và việc sau giờ làm còn phải đến công trường xây dựng khiến cô tin rằng ông là người gác đêm.
- Nếu trời cứ mưa thế này, đêm nay bác chẳng phải làm gì đâu.
- Cô nói gì cơ? – Ông nhăn trán hỏi lại.
- Thời tiết như thế này mọi người đều ở nhà, không ai đi lấy trộm vật liệu ở một công trường xây dựng, do đó bác sẽ không vất vả.
Ông quay đi, một nụ cười thích thú thoáng trên môi khi ông hiểu ra cô gái tưởng mình là người gác đêm.
- Đúng thế, đúng thế! – Ông nói.
- Bao giờ công trình xây dựng xong hả bác?
- Vào ngày một tháng mười, nếu không gì trở ngại và không bị trì hoãn nữa.
- Ước gì cháu được nhận vào làm việc ở đó, như vậy cháu không cần phải đi làm xa như thế này nữa – Lana thở dài.
- Cô làm việc ở một phòng khám bệnh à? – Đôi mắt xanh của ông quan sát bộ y phục của cô.
- Vâng, trong phòng khám bệnh trẻ em của bác sĩ Faichild – Cô trả lời – Tùy thuộc vào thời tiết và giao thông, cháu thường phải đi xe 30 đến 40 phút mới về tới nhà.
- Cô có gia đình chưa? – Ánh mắt ông nhìn xuống bàn tay cô gái. Nhưng cô gái không hề đeo đồ trang sức.
- Chưa bác ạ, cháu chưa lấy chồng – Cô gái nói giọng buồn buồn – Cháu chưa có ý định kết hôn với ai.
- Như vậy đã sao đâu. Đấy chưa phải là quyết định cuối cùng trong việc này – Ông đáp lại, làm như không nhận thấy gì – Khối đàn ông xếp hàng quanh một người phụ nữ xinh đẹp như cô.
- Trong suốt 25 năm đến nay của cháu, cháu đã nhận được vô số lời cầu hôn nhưng không có lời cầu hôn nào nghiêm chỉnh – Cô thú nhận, giọng hơi châm biếm – Có cái gì đấy ở cháu hấp dẫn những anh chàng chỉ thích trăng gió.
- Nghe cô nói tôi có cảm giác như nghe người vừa tan một giấc mộng – Người đàn ông mỉm cười – Điều đó thường nghĩa là một cuộc tình vừa mới chấm dứt.
Cô gái cười, ngạc nhiên thấy ông để ý chính xác tới âm điệu trong giọng nói của mình.
- Chuyện gì vậy cô gái? – Ông hỏi – Anh ta bỏ rơi cô vì người đàn bà khác hay sao?
- Có thể coi như vậy được bác ạ! – Lana công nhận – Nhưng người đàn bà kia là vợ anh ấy. Cháu đã đợi anh ấy ly hôn hai năm và cuối cùng cháu hiểu ra anh ta chẳng hề muốn ly hôn. Tại sao phải ly hôn khi có thể được cả hai?
Người đàn ông trông có vẻ buồn rầu.
- Cháu đã nói điều gì sai chăng? – Cô gái nhíu mày hỏi.
- Sao cơ? – Ông hỏi, như không hiểu ý cô gái – Không đâu! – Ông tiếp lời – Lối rẽ đây rồi.
Ông lái câu chuyện sang đề tài khác:
- Cách đây vài năm ở đây chỉ toàn cỏ dại và xương rồng. Bây giờ cô hãy nhìn xung quanh mà xem.
Lana hỏi:
- Bác sinh trưởng ở Phoenix à?
- Không, tôi sinh ra ở miền bắc Arizona. Thế còn cô?
- Cháu quê ở Colorado, thành phố Denver – Cô lượn chiếc xe vào lối rẽ.
- Cô ở đây lâu chưa? Tên cô là gì?
Cô gái ngập ngừng, nhưng sau tất cả những gì cô đã kể cho ông nghe thì cô cũng có thể cho ông biết tên cô:
- Tên cháu là Lana Marshall. Cháu đã ở đây sáu tháng rồi.
- Cô thích ở đây không?
- Ở đây nóng bức lắm – Lana thở dài thừa nhận.
- Nóng bức gần bằng trong địa ngục – Người đàn ông cười.
- Cháu nhớ núi đồi, tuyết và rừng cây – Cô thú nhận khi nghĩ về việc này.
- Cô đã tìm được bạn bè chưa?
- Có mấy người bác ạ - Thực ra không được bao, nhưng Lana không muốn nói về việc này. Bạn thường cô làm quen rất nhanh, nhưng ở thành phố này cô chưa ở đủ lâu để làm quen với nhiều người khác.
Công trường xây dựng hiện ra phía bên phải. Lana đi xe chậm lại.
- Cô cho tôi xuống cạnh túp lều kia.
Ánh sáng chiếu hắt qua cửa sổ. Dưới dòng chữ “văn phòng” lại hiện ra dòng chữ Falcon Construction Company với dấu hiệu con chim. Hai chiếc xe màu vàng và một xe Cadillac đen đậu ở đó. Lana dừng lại bên cạnh văn phòng công trường.
- Chúng ta đến nơi rồi – Cô gái mỉm cười với người đàn ông.
Tay ông đặt vào chốt mở cửa, ông đáp lại nụ cười của cô gái và nỗi buồn biến mất khỏi đôi mắt ông:
- Cảm ơn cô đã cho đi cùng, nhưng lần sau để cho người khác đóng vai kẻ cứu nhân tốt bụng nhé!
- Cháu sẽ cố nhớ điều đó! – Cô gái hứa – Bác không đem áo mưa à? Bác sẽ ướt hết lúc đi tuần canh phòng đêm nay.
Ông khẽ cười:
- Nếu bị cảm lạnh, tôi biết có người sẽ chăm sóc tôi bình phục – Rồi ông xuống xe – Cô đi cẩn thận nhé – Ông nói lúc đóng sập cửa xe lại.
Lana đợi tới khi ông mở cửa văn phòng công trường và biến mất sau cánh cửa.
Lana đặt sọt đồ vừa giặt xuống sàn, lục tìm chìa khóa vào nhà. Thứ Bảy là ngày giặt giũ của cô. Cô mở cửa và bước vào nhà.
Căn hộ của cô nhỏ, trưng bày ít đồ gỗ. Hiện tại cô không đủ khả năng để mua sắm thêm. Lần đầu tiên cô sống một mình. Từ trước tới nay, cô ở cùng với một cô gái khác. Cô thấy sung sướng khi không phải lưu ý đến người nào khác.
Đang xếp những cái khăn mặt sạch vào trong tủ buồng tắm, cô nghe tiếng chuông cửa rung. Cô cài xích bảo hiểm và mở cửa.
- Chào bác – Cô vừa ngạc nhiên vừa lo sợ, thận trọng khi thấy người gác đêm đang đứng ngoài.
- Bác rất mừng thấy ít nhất có xích bảo hiểm cài cửa – ông nói, cười thích thú.
- Bác làm gì ở đây? Cháu nói… cháu rất mừng gặp lại bác… nhưng bác để quên thứ gì trên xe cháu à? – Cô không tìm ra lời giải thích hợp để che giấu sự ngạc nhiên bối rối của mình.
Lần này, ông vận áo trắng, quần kaki, giày đánh bóng lộn, thắt lưng dây khóa bạc. Ông giấu vật gì đó sau lưng. Cô gái tròn xoe đôi mắt khi ông đưa ra bó hoa hồng.
- Bác muốn cảm ơn cháu – Ông nói.
- Hoa hồng đẹp quá. Nhưng sao bác có địa chỉ nhà cháu?
- Trong danh bạ điện thoại chỉ có một Lana Marshall – Ông giải thích
Lời giải thích đơn giản tới mức Lana phì cười. Cô gái vẫn chưa biết nói gì.
- Cháu vẫn chưa biết tên bác.
Ông ngập ngừng giây lát. Sau này Lana nghĩ rằng mình tưởng tượng như thế.
- Tên bác là John Buchanan.
Cô gái vẫn còn ngần ngừ không mở cửa.
- Bác John Buchanan, cháu có thể làm được gì cho bác?
- Bác nghĩ, bác muốn mời cháu đi ăn trưa với bác. Cháu có thích các món ăn Mexico không? – J.B nói tiếp luôn – Cách đây không xa có một quán ăn nhỏ, trông bề ngoài không sang trọng lắm nhưng các món ăn rất tuyệt.
Ông nhận ra sự ngần ngại của cô và mỉm cười:
- Nếu muốn và để cảm thấy an toàn hơn, cháu có thể đi xe của cháu.
Nỗi lo ngại của cô gái biến mất, cô mỉm cười:
- Okie, bác chờ cháu 10 phút thay quần áo.
- Còn bó hoa thì sao bây giờ? Cháu cắm nó vào một cái bình nào đó được không? – Ông nhìn bó hoa trên tay mình.
- Tất nhiên là được bác ạ! – Lana đóng cửa, tháo xích an toàn rồi mở rộng cửa ra để nhận hoa – Bác vào trong này đợi cháu một lát.
- Cháu nhẹ dạ quá đấy, dám mời đàn ông lạ vào nhà mình – Ông lắc đầu với vẻ sợ hãi rất hề - Cháu không bao giờ học hết được, cô Lana ạ. Bác đợi cháu ở dưới nhà.
Lana có cảm tình ngay với ông do cách cư xử này.
- Cháu không cần nhiều thời gian đâu – Cô nói và đóng cửa lại.
Quán ăn nhỏ không đông người mặc dù lúc này gần mộthai giờ. John dẫn cô tới một bàn ở góc phòng, ngồi quay lưng ra cửa. Đúng như ông đã nói, các món ăn ở đây tuyệt vời.
Cô phục vụ dọn đĩa ăn của họ sang bên và đem cafe lại. Lana ngả người ra sau:
- Bác kể cho cháu nghe về mình đi bác John – Cô nói – Cuộc đời cháu bác đã biết rồi.
- Cháu muốn biết gì? – Ông mỉm cười, nhưng hình như ông muốn tháo lui sau nụ cười.
- Bác có gia đình không? Bác được mấy con?
- Con trong hay ngoài giá thú? – Ông phản công lại.
- Bác đừng đùa nữa và trả lời cháu đi – Cô đề nghị.
- Được thôi. Bác đã có vợ, hai đứa con trai và một đứa cháu. Nó tuyệt lắm! – Ông rút một tấm ảnh từ ví ra – Không ai tin rằng thằng bé mới hai tuổi.
Lana nhận ra ngay nét giống nhau giữa ông và cháu, vẫn đôi mắt xanh ấy.
- Bác không có cháu gái à?
- Bác có một đứa con gái – Ông nhìn đăm chiêu và hơi thẫn thờ - Nó đã chết khi còn bé tý. Nếu còn sống, mùa hè này nó 23 tuổi, gần bằng tuổi cháu. Tóc nó cũng màu nâu như cháu. Có lẽ cháu làm bác nhớ tới nó – Miệng ông nhếch lên thành một nụ cười châm biếm – Nhưng cháu đừng nói bác làm cháu nhớ tới cha cháu nhé.
- Không như vậy đâu bác ạ, ít nhất về ngoại hình. Cha cháu không to lớn như bác, đầu không có nhiều tóc như bác.
- Chắc cũng không bằng tuổi bác – Ông tiếp lời – Cháu kể cho bác nghe về cha mẹ cháu đi. Họ sống thế nào?
- Me cháu mất năm cháu 11 tuổi. Cha cháu lại lấy vợ và hiện sống ở Calorado Spring.
- Và cháu có mụ dì ghẻ, phải không? – Ông hỏi.
- Không bác ạ - Lana lắc đầu – Dì Ann là một người phụ nữ tuyệt vời. Lần nào về cháu cũng được tiếp đón tử tế. Dì ấy cũng làm cho cha cháu rất hạnh phúc.
- Nhưng gia đình cháu ít khi gặp nhau phải không?
- Họ có cuộc sống của riêng mình. Dì Ann có ba con. Điều đó có nghĩa là học hành, thể thao và đủ thứ việc khác liên quan đến trẻ em đang lớn. Cha cháu vẫn yêu quý cháu như trước nhưng giờ mang trách nhiệm khác.
- Bác hiểu – John nói, tỏ ra thông cảm.
- Bác kể cho cháu nghe về vợ bác đi – Cô gái đề nghị và cô hình dung ra người đàn bà đã cưới người đàn ông này.
- Katheryn và bác sống cùng nhà. Ngoài ra không còn gì để kể cả.
Ông nhún vai và Lana tự hỏi, không biết có phải đó là lý do cho biểu hiện buồn rầu mà cô nhận thấy ở ông hay không?
- Bà ấy có mối quan tâm của bà ấy, hội hè phụ nữ với nhau… Còn bác có mối quan tâm của bác.
- Cháu hiểu – Lana nói, hối hận vì đã hỏi ông điều đó.
- Không, bác không tin – John cười khẽ, buồn rầu tư lự - Đó không phải là cuộc hôn nhân bình thường. Nhưng Katheryn và bác có được những cái gì mình cần. Bà ấy đối với bác là một người ngoan ngoãn và một người mẹ tốt.
Lana hiểu ra, ông không nói gì chứng tỏ yêu vợ mình. Cô nhấp một ngụm cafe:
- Vợ bác có lẽ là một người phụ nữ đặc biệt. Hy vọng cháu có dịp gặp bà ấy.
- Bác không nghĩ đấy là một ý hay – John nói, giọng châm biếm – Chỉ cần liếc nhìn cháu, Katheryn đã có thể nghĩ không hay. Phải công nhận rằng trong quá khứ bác đã từng gây ra nguyên cớ để cho bà ấy nghĩ như thế. Bác không bao giờ nghĩ mình là thánh cả. Có người nói bác là kẻ khốn nạn. Nhưng ai biết được, biết đâu họ có lý.
Hình như ông không quan tâm người khác nghĩ gì về ông.
Họ uống hết café rồi về nhà Lana. Cô gái mời ông vào nhà nhưng ông từ chối.
- Cháu cảm ơn bác về lời mời ăn trưa và tặng hoa – Lana nói – Cháu rất vui.
- Bác cũng vậy. Bác rất muốn gặp cháu Lana ạ. – Ông già nói.
- Cháu cũng rất muốn gặp lại bác, bác John ạ - Cô gái nói thật lòng.
Lana nghĩ cuối cùng đã tìm được người bạn giữa đại dương của sự xa lạ này.
- Bác không có nhiều người để trò chuyện được như với cháu. Bác sẽ gọi điện cho cháu – Ông hứa.
Tình bạn bền chặt thêm mỗi buổi John đến thăm Lana. Hai lần trong tuần ông đến thăm cô và họ ăn tối với nhau trước khi ông trở về chỗ làm việc của mình trong trung tâm xây dựng. Thỉnh thoảng họ đi ăn ở tiệm, trong một quán ăn không đắt lắm. Nhưng cô gái nấu cho cả 2 là chính vì ông để cô trả tiền mỗi khi đi ăn ở ngoài. Thỉnh thoảng ông cũng đến vào thứ Bảy, những buổi ấy họ đi vào thành phố xem triển lãm hoặc vào rạp xem phim.
Trong những tháng mùa hè này, Lana dần quen có ông. Công việc của cô trong phòng khám bệnh của một bác sĩ hầu như không tạo cho cô cơ hội gặp gỡ những người đàn ông chưa lập gia đình. Tình bạn của John giúp cô chống chọi lại nỗi cô đơn.
Hôm thứ Bảy cuối cùng trong tháng Tám, John đề nghị đi xem viện bảo tàng Heard. Ở đó đang trưng bày triển lãm về người da đỏ Mỹ, đặc biệt về những bộ tộc da đỏ ở miền Tây Nam.
Khi ra khỏi viện bảo tàng và đi về phía bãi để xe, họ còn trao đổi với nhau về những gì đã xem thì một bàn tay chạm vào cánh tay Lana. Cô nhìn xung quanh và ngạc nhiên thấy một gương mặt với đôi mắt tô đỏ rực. Người đàn ông bốc mùi rượu, một mớ lông đỏ cắm vào mớ tóc rối bù. Ông ta khoác ngang lưng tấm chăn bẩn thỉu.
- Chuỗi Ngọc Thông – Ông ta nói, giọng nghe không rõ ràng và chào mời John mua chuỗi hạt – Ông hãy mua cho bà. Giá một đôla thôi!
Người da đỏ này bốc mùi mồ hôi và rượu, John thương cảm nhìn ông ta:
- Không, cám ơn ông – Ông từ chối.
- Rẻ thôi mà, có 50 cents – Người da đỏ bám riết và đưa chuỗi hạt lại gần John hơn – Chuỗi hạt đeo cổ của người da đỏ thực sự.
- Không! – John trả lời.
Người da đỏ bước sang bên:
- Ta biết ông – Ông ta nói.
- Tôi cũng biết ông, ông Bobby Con Chó Sủa ạ - John công nhận và mỉm cười buồn bã.
Tri thức như trở lại trên khuôn mặt người da đỏ:
- Đôi Mắt Cười – Ông ta nói – Chồng của Mary Bông Hoa Trắng!
Rồi ông ta nói bằng thứ tiếng lạ. John trả lời bằng thứ tiếng ấy. Họ nói chuyện với nhau tới mấy phút.
- Ông nên trở về nhà đi – John nói.
Người da đỏ dàn dụa nước mắt:
- Nhà tôi ở đâu?
- Ông hãy cẩn thận giữ mình – John nói và bắt tay người da đỏ.
Lana nhìn thấy một miếng giấy xanh gập lại và biến mất trong đó. John cho ông ta tiền.
Bàn tay ông nắm cùi tay cô:
- Thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện như vậy. Ai đó nói về người bản xứ cao thượng, thế là xuất hiện ngay một người da đỏ say rượu bán những chuỗi hạt rẻ tiền.
- Cháu hiểu bác định nói gì. Nếu quen biết họ thì sẽ chẳng thấy thú vị gì – Cô thở dài.
- Đúng thế. Bobby Con Chó Sủa là một trường hợp đặc biệt, nhưng ông ấy cũng đặc trưng cho tất cả các vấn đề của người da đỏ. Cách đây 30 năm, Bobby đã đóng phim ở Hollywood. Giới làm phim đều công nhận ông ta có gương mặt của người da đỏ lý tưởng. Bobby luôn có việc làm và tiền trong túi, và cũng có nhiều bạn bè người da trắng. Không may ông ta mắc phải sai lầm là trở nên già nua. Đến một ngày nào đó không còn ai muốn thuê ông ta làm phim nữa, và Bobby không tìm thấy con đường quay trở về.
Họ đi ra xe. Lana hỏi:
- Có phải Bông Hoa Trắng là cái tên người da đỏ đặt cho vợ bác không?
Những giọt mồ hôi đã tụ trên trán ông, trông ông tái nhợt đi dưới lớp da sạm nắng. Ông cảnh giác nhìn cô gái:
- Đúng thế! – Câu trả lời ngắn gọn. Tay ông run rẩy khi mở cửa xe.
- Bác John, bác làm sao vậy? – Cô gái hỏi.
Cô gái nhìn theo ông nặng nề đi về phía bên kia xe và ngồi xuống. Giờ ông không còn toát nhiều mồ hôi hơn lúc trước. Ông lấy từ túi áo một hộp thuốc nhỏ và uống thuốc.
- Bác bị bệnh tim à? – Cô gái lo lắng hỏi.
- Ổn lại rồi cháu ạ! – John ngả người ra xe, mắt nhắm nghiền.
Theo bản năng, cô gái nắm tay ông xem mạch:
- Mạch hơi chậm – Cô kết luận như một nhà chuyên môn.
- Bác rất yêu cô ấy! – Giọng nói của ông do nỗi khổ đau gần như không nghe thấy được.
- Cháu hiểu – Cô gái nhất trí với ông, ngạc nhiên về lời công nhận này. Cô đã có ấn tượng là ông không yêu vợ lắm.
- Cháu đã từng yêu thật sự lần nào chưa, Lana?
Con mắt xanh dưới đôi lông mày xám của ông như nhìn xuyên thấu cô gái
- Bác John, bác đừng nói nữa, thuốc bắt đầu có tác dụng rồi.
- Trước đây bác chưa bao giờ có được niềm vui vô bờ bến như vậy – Ông thều thào – Bác đã thường chỉ luôn nghĩ đến mình, Lana ạ.
- Cháu không tin điều đó – Lana cãi lại.
- Nhưng đúng thế - Ông nhìn cô gái mỉm cười, và sức sống trở lại trên gương mặt ông – Bác đã luôn làm việc nhẹ nhàng nhất, đi con đường bằng phẳng nhất. Bác đã luôn chờ đợi người khác giải quyết những vấn đề của mình. Rồi sau đấy bác lại ngạc nhiên về những chuyện xảy ra.
- Nếu bác đã tự lên án bác xong, thì cháu đề nghị bác dịch lại kia để cháu lái xe – Lana cố làm ông quên đi.
- Cháu không hiểu mọi điều bác đã nói, phải không? – Ông lo lắng hỏi.
- Cháu chẳng hiểu gì! – Cô bước xuống xe và vòng ra sau – Bác dịch qua kia, cháu lái xe.
- Được thôi! – Ông cho phép cô gái lái xe – Cháu lái đi. Nhưng mọi cái ổn thỏa rồi, thuốc đã có tác dụng.
Khi về đến nhà cô gái, ông lại ngồi vào ghế lái xe:
- Nếu thứ ba cháu không có dự định gì đặc biệt, ta sẽ gặp lại nhau.
- Thứ ba rất thích hợp. Cháu rất vui nếu bác tới!
*
* *
Hôm đó, Lana chuẩn bị bữa ăn tối tại nhà mình:
- Bác muốn uống trà hay café?
Ông hỏi ngay:
- Trà gì vậy?
- Trà hoa quả. Loại trà này rất tuyệt, nó giúp hệ thống tuần hoàn trong cơ thể hoạt động tốt.
- Nếu vậy, bác không uống trà – John nói và lại cắm đầu vào tờ báo.
Trở lại phòng, cô thoáng đọc được dòng chữ lớn trên báo. Cô đứng sau lưng ông đọc cùng.
- Cháu tìm thấy cái gì đó thú vị, phải không? – John hỏi.
- Có bài báo này về Faulkner và vụ tranh chấp tới bệnh viện. Cháu nghe bác sĩ Faichild hôm nay nói trong điện thoại về việc ấy. Bác John ạ, bác làm việc cho công ty về J.B.Faulkner phải không ạ?
- Chính thế - Ông gật đầu.
- Theo cháu nghe được, khắp nơi trong thành phố này đều có bàn tay của Faulkner!
John quay người trên ghế bành, thích thú nhìn cô gái:
- Cháu không ưa người giàu à?
- Không phải thế. Nhưng cháu nghĩ ông ta làm hơi quá. Cháu cảm giác gã J.B này hơi bất chấp thủ đoạn.
- Ồ - Ông quan sát cô gái với nụ cười rộng lượng – Cháu vừa mới tới thành phố sao lại biết nhiều về người đàn ông này thế?
- Ông ta là một huyền thoại của Phoenix, có nhiều câu chuyện về ông ta lắm. Như ông ta mua đất rẻ như bèo rồi bán đi với giá gấp trăm lần, ông ta lừa lấy của những chủ đất hàng đống tiền.
John ngã người cười phá lên:
- Ông ấy không lừa ai đâu, ông ấy trả giá theo họ đòi. Sau đó ông ấy có thể bán đất thu lợi nhuận. Người đàn ông này tiên đoán thành phố sẽ lớn rộng thêm. Ông ta chấp nhận rủi ro và thắng cuộc. Đó không phải là tội lỗi!
- Cháu nghĩ có người sinh ra để gặp may. J.B. Faulkner chắc phải là một người như vậy !
- Bác không rõ điều đó - John công nhận - Có thể về phương diện nay đó ông ấy hạnh phúc. Bác... bác nghe nói ông ấy là một người cô đơn. Dùng tiền có thể mua được quyền lực và ảnh hưởng, nhưng không mua được bạn bè. Cả tình yêu và sự tôn trọng trong gia đình người ta cũng không mua được
- Đúng thế - cô gái nói - Nhưng ông ấy sẽ hạnh phúc.
Ông nhìn quanh phòng và thấy quyển mẫu giấy dán tường trên sàn nhà:
- Cái gì đấy? Cháu muốn dán lại tường à?
- Vâng, cháu phải dán lại tường phòng tắm. Cháu định tự tặng mình nhân sinh nhật. Bác thấy thế nào?
- Đẹp lắm. Bao giờ sinh nhật cháu? Cháu không hề đả động gì đến sinh nhật cả.
- Thứ sáu tuần sau bác ạ. Nhưng cháu thấy nên quên đi thì hơn. Cháu sẽ 26 tuổi, đấy là lúc nên ngừng không đếm nữa !
- Đến tuổi bác thì cháu mới có thể không đếm nữa - ông trả lời thẳng - Cháu định tổ chức sinh nhật như thế nào?
- Cháu rất muốn nghe ý kiến của bác. Bác đến ăn tối nhé.
- Bác có sáng kiến hay hơn. Bác sẽ dẫn cháu đi ăn tối đàng hoàng.
- Hay đấy bác ạ - Lana gật đầu đồng ý.
- Khăn bàn trắng, nến, champagne, toàn những thứ cháu không hề nghĩ đến bác John ạ! - Ngọn lửa chập chờn làm mái tóc nâu của cô óng mượt và cái cặp tóc màu vàng lóng lánh. Cô nâng cốc champagne vừa được người hầu bàn rót đầy và hướng về người đàn ông lớn tuổi cùng đi với cô hôm nay - Cám ơn bác!
- Hôm nay chúng ta liên hoan sinh nhật cháu mà! - Ông trả lời.
Lana chăm chú nhìn cái chân cốc mỏng manh. Rượu champagne trong cốc sáng hơn bộ váy của cô chút ít, lớp vải váy bó sát thân hình cô.
- Cháu cảm giác như cốc champagne này, lấp lánh với cái nóng rạo rực. Đúng đây là lễ sinh nhật đẹp hơn hẳn so với nhiều người. Sao bác biết quán ăn tuyệt vời này? Vị trí này chứa đựng trong đó tất cả: bầu không khí, lịch thiệp và riêng tư.
- Cháu biết tại sao bác chọn nơi này không? Bác mời tất cả các bạn gái của bác tới đây - Ông vui vẻ thú nhận - Những người đàn ông trong phòng này đều ghen tỵ với bác. Ai cũng tự hỏi cháu là cháu gái hay là người tình của bác.
- Cháu nghĩ phụ nữ rất thích quen thân với người đàn ông bề ngoài hấp dẫn như vậy - cô gái đáp lại.
Tóc bạc của ông cũng lấp lánh trong ánh nến. Trong bộ complet sẫm màu với chiếc caravat sang trọng, trông ông to mập, bệ vệ.
- Bác trông rất lịch sự trong bộ comple này. Bác biết không, cháu chưa hề nhìn thấy bác như vậy!
- Không phải suốt đời bác là người gác đêm. Nhưng chúng ta phải đặt món ăn đã.
- Cháu không muốn bác đi làm muộn - Lana vội nói và cúi xuống đọc thực đơn.
- Bác chưa nói với cháu hôm nay bác được nghỉ làm hay sao? - John ngả người trong ghế - Chúng ta không phải vội vàng gì.
- Nếu tối thứ sáu được nghỉ, người đàn ông nên về với gia đình - Cô gái chê trách.
Ông chưa hề nói chuyện với cô về các vấn đề gia đình của ông, nhưng cô biết có gì đó trục trặc.
- Vợ bác không có mặt trong thành phố, bà đi phương Bắc thăm con dâu và cháu. Còn con trai bác thì có cuộc hò hẹn khác. Nếu ở nhà bác sẽ cô đơn. Bữa ăn tối với cháu không hề ảnh hưởng gì tới gia đình bác.
- Nếu vậy thì cháu rất mừng - Đa số những người cùng lứa tuổi ông thường hay kể về con cháu mình. Còn ông không hề đả động tới họ - Bác không hợp với mấy anh con trai à? Bác chẳng bao giờ nói tới họ. Thậm chí cháu không biết cả tên họ là gì. Các anh ấy sinh ở Phoenix hả bác ?
- Cậu con cả của bác sống ở đây - Ông ngừng lời trong chốc lát - Rất khó tả những đứa con của chính mình. Cậu thứ hai rất thông minh nhưng không chí thú. Bố con không hợp nhau lắm. Bác cho rằng cậu con cả của bác giống bác chút ít - Ông ngẩng lên nhìn, trong đôi mắt có ánh lấp lánh đặc biệt - Bác chưa hề có người bạn gái nào như cháu, hay nói đúng hơn là chưa có người bạn nào là phụ nữ - Ông cười chữa lại.
- Đây là một lời khen đối với cháu - Lana nói - Trước đây cháu chưa bao giờ có mối quan hệ tinh thần với một người đàn ông. Thời gian bạn bè với bác là thời gian cháu thấy hạnh phúc nhất từ nhiều năm nay. Cháu phải nói với bác điều đó - Mắt cô gái ứa lệ.
- Thôi mềm yếu thế là đủ rồi. Đêm nay bác cháu ta ăn uống và vui vẻ với nhau.
*
* *
Khi xe dừng lại trước cửa nhà, Lana hỏi ông, vẻ hài lòng và hơi phấn chấn:
- Bác vào nhà uống cốc cafe nhé?
Ông ngần ngừ rồi gật đầu:
- Được thôi!
Nhưng Lana nghe ra vẻ mệt mỏi trong giọng nói của ông.
- Bác mệt à? - cô lo lắng hỏi.
- Bác đã quá già cho những hoạt động như tối nay - Ông đùa bỡn và xuống xe.
Chân Lana không tuân lệnh cô khi ông giúp cô xuống xe.
- Cháu cần nhiều thứ hơn là một cốc café.
- Bác có phương thuốc tuyệt vời chống chuột rút. Sáng mai bác sẽ cho gởi đến cháu - Ông nhìn cô gái với vẻ nghịch ngợm.
- Cháu chưa hề bị chuột rút bao giờ. Nhưng cháu cũng chưa bao giờ uống nhiều champagne như hôm nay! - Cô gái tìm chìa khoá trong túi xách tay
- Để bác mở khoá cho - John đề nghị khi cô gái cô gắng mà không đút được chìa khoá vào lỗ khoá.
Vào nhà, ông đi ngang phòng và nặng nhọc ngồi xuống chiếc ghế bành tay dựa bọc chrome bên bàn của cô gái.
- Đừng để phải đợi cafe lâu cháu nhé. Bộ xương già của bác cần phải làm cho khoẻ lại.
Lana biến vào nhà bếp. Cô cởi đôi giày cao gót. Cái lạnh trên sàn nhà làm cô thích thú, khoan khoái. Cô đổ nước vào ấm và đặt lên bếp. Suýt chút nữa cô bật nhầm bếp.
- Cháu kể bác nghe việc đã đặt giấy dán tường chưa nhỉ? - cô hỏi với ra ngoài lúc mở tủ lấy ra hai cái chén - Tuần tới người ta sẽ đem tới đây. Thứ bảy bác có thể giúp cháu dán tường nhà tắm được không?
Có cái gì đổ rầm xuống sàn nhà.
- Bác John? - Lana nhìn vào phòng.
Chiếc ghế bành nơi John vừa ngồi giờ trống rỗng. Rồi cô thấy thân hình ông đổ dài trên sàn. Cô tỉnh lại ngay lập tức.
- Ối trời ơi - cô thì thào.
Kinh nghiệm của một y sĩ giúp cô không hốt hoảng. Cô chạy vội lại với ông, đặt ông nằm ngay ngắn lại, nới caravat và cởi mấy cúc áo ra. Rồi cô kê đầu ông lên cái gối mềm. Cô xem mạch, thấy mạch ông đập rất chậm. Cô bàng hoàng thấy hộp thuốc mở đổ bên cạnh, những viên thuốc lăn vãi lung tung trên sàn nhà.
Cô chạy vội ra chỗ để điện thoại và gọi điện thoại cấp cứu. Giọng cô rõ ràng dứt khoát khi nói tên và địa chỉ của mình khi xin xe cấp cứu.
Cô cảm giác phải chờ lâu đến vĩnh cửu mới nghe thấy tiếng xe cấp cứu rú. Cô biết thực ra chỉ có mấy phút nhưng lại cảm thấy lâu hơn rất nhiều.
Cửa bật mở và mấy người cấp cứu lao vào.
Một người đàn ông hỏi cô:
- Chị họ hàng thân thích với ông ấy phải không?
- Không. Chúng tôi là bạn - cô mệt mỏi dựa vào bàn, thấy mình đang run lẩy bẩy.
- Tên ông ấy là gì?
- John Buchanan.
- Ông ấy bao nhiêu tuổi?
- Sáu mươi ba!
- Chị biết ông ấy mắc bịnh tim không? Ông ấy có dùng thuốc không?
- Có, thuốc của bác ấy rơi vãi ra sàn.
- Chị thấy ông ấy uống thuốc không?
- Không, lúc ấy tôi đang ở phòng bên. Tôi nghe tiếng bác ấy ngã xuống.
Người cấp cứu thứ hai đứng dậy:
- Chúng ta có thể mang ông ấy đi được rồi.
- Xin cho tôi đi cùng được không?
- Được chứ - hai người đàn ông khiêng cáng ông đi.
Lana chạy vào bếp, đi giày, tắt bếp và vơ vội túi xách. Những người cấp cứu cáng ông ra xe đi ngang qua bà Morgan, hàng xóm ở căn hộ đối diện trong hành lang đang tròn mắt đứng nhìn.
Lana trèo lên xe cứu thương. Cửa xe đóng ập lại và chiếc xe rú còi phóng đi
Cảnh cấp cứu đến bệnh viện rất quen thuộc đối với Lana. Nhưng chính vì thế, mọi cái không thật đối với cô. Cô cảm thấy tất cả những gì xảy ra đều như trong cơn ác mộng. Cô y tá tiếp nhận bệnh nhân giữ chân cô lại khi họ khiêng John đi.
- Chúng tôi cần biết vài điều, thưa cô - một bàn tay bám vào cánh tay cô
Cô đi theo y tá vào một văn phòng nhỏ, ngồi xuống cái ghế có tựa lưng cao. Những ngón tay cô co cứng lại để trên đùi lúc cô nhắc lại những gì đã kể cho những người đến cấp cứu nghe.
- Chị biết ông Buchanan ở đâu không? Địa chỉ của ông ấy ở đâu?
- Bác ấy sống ở Phoenix, địa chỉ cụ thể tôi không biết.
- Chị biết số điện thoại của ông ấy không?
- Không!
- Ông ấy có gia đình không? có ai đó để chúng tôi liên hệ không? - Giọng nói lạnh lùng, không biểu thị sự đồng cảm hay thương xót.
- Vợ bác ấy tên là Katheryn - Cô nhớ lại và nhận thấy cô y tá liếc nhìn mình. - Bác ấy có nói vợ đang đi xa, cùng với con dâu và cháu trai.
- Còn con trai ông ấy? có thể chị biết anh ấy ở đâu bây giờ?
- Không. Bác John nói tối nay anh ấy có cuộc hẹn. Tôi không giúp chị được nhiều, đúng không? - Lana thở dài. Rồi cô quay đầu lại - Khoan đã, tôi nhớ lại rồi. Bác John làm việc cho công ty Falcon Construction, một công ty xây dựng ở Phoenix. Bác ấy làm gác đêm ở đó, tại công trường xây dựng trung tâm y học.
- Có thế chứ. Chị đã giúp tôi đấy - cô y tá nói với một nụ cười khích lệ.
Một cô y tá khác bước vào phòng, đưa ra những đồ đạc cá nhân của John:
- Làm ăn như thế này đây - cô ta hốt hoảng kêu lên - Chị hãy nói với những người cấp cứu lần sau phải ghi đầy đủ tên họ của bệnh nhân. Chúng ta vừa đón John Buchanan Faulkner vào viện.
Cái tên này làm Lana ngạc nhiên:
- Chắc có sự hiểu lầm rồi. Bác ấy là John Buchanan. Bác ấy làm nghề gác đêm. Sao chị lại nghĩ...
- Ví của ông ấy đây, chị Marshall ạ. Khi tìm xem trong đó có đơn thuốc nào không, tôi tìm thấy chứng minh thư của ông ấy. Ông ấy là John Buchanan Faulkner - Ánh mắt cô ta trượt qua mặt Lana và bộ váy áo lịch sự của cô - Tôi cho rằng chị có lý do để dấu tên thật của ông ấy.
Lana đỏ mặt vì bị nghi ngờ. Nhưng cô can đảm đáp lại:
- Chị nhầm rồi, chị y tá ạ. Tôi chỉ biết bác ấy là John Buchanan. Vì thế tôi nói ra cho chị cái tên ông ấy.
Cô y tá tiếp nhận bệnh nhân tỏ ra thông cảm với Lana.
- Chị ra phòng chờ và ngồi lại đó. Tôi sẽ thông báo cho chị hay khi được biết về tình trạng sức khoẻ của ông ấy.
- Cảm ơn chị! - Lana khẽ thốt lên và đi ra ngoài.