Uyển Lan ngồi trước bàn học, nhìn trừng trừng vào chiếc đèn nhỏ trên bàn, lặng lẽ, xuất thần. Trên bàn, có một xấp giấy trắng, nàng định viết một chút gì đó. Cầm viết lên, nàng nghĩ đến nàng khi trước, nàng nghĩ đến nàng vào ngày sinh nhật hai mươi tuổi! Nàng đưa viết lên, nguệch ngoạc mấy hàng chữ một cách vô ý thức:
- Tôi là một áng mây,
Lấy trời cao làm nhà,
Đón nhìn ánh trời lên,
Đưa tiễn vầng dương xuống!
Tôi là một áng mây,
Tự do và phiêu bạt,
Thân theo hồn mộng tưởng,
Đi về chẳng vấn vương!
Nghe hào sảng biết mấy! Đón nhìn ánh trời lên, đưa tiễn vầng dương xuống! Nghe sao mà không ràng không buộc! Thân theo hồn mộng tưởng, đi về chẳng vấn vương! Thế mà nàng của hôm nay như thế nào rồi? Nàng lại viết:
- Tôi là một áng mây,
Gió nhẹ thổi tóc mềm,
Bay đi rồi bay lại,
Dấu tích ghi nơi nào?
Tôi là một áng mây,
Suốt ngày chẳng nghỉ ngơi,
Mộng mơ biết gửi đâu?
Mỏi mê nghĩ nơi nào?
Viết xong, nàng quăng viết xuống. Ồ! Tôi là một áng mây! Nghe sao mà hào sảng, nghe sao mà tự do phiêu bạt, nghe sao mà cao vút chín tầng mây, nghe sao mà phiêu du nhàn hạ! Tôi là một áng mây! Bắt đầu từ bao giờ, áng mây đó lại trở thành một sự châm biếm vô cùng to lớn! Nhà của mây ở đâu? Ổ của mây ở đâu? Mây đi mây về, có từng dừng lại? Tôi là một áng mây! Một áng mây không có nơi nương tựa! Một áng mây cô độc! Một áng mây lạnh lẽo! Một áng mây lẻ loi! Và cũng là một áng mây phiêu du mệt mỏi! Nàng tựa trán mình xuống xấp giấy trắng, nước mắt từ từ thấm ướt xấp giấy, những hàng chữ từ từ trở nên nhạt nhòa!
Phía dưới lầu, San San và Triệu Bôi đang cười cười nói nói, tiếng cười tiếng nói nhẹ nhàng của San San, tản mạn man mác khắp nhà. San San thật là may mắn! Không hề có những phiền muộn về gia đình, không hề có phiền muộn về tình yêu, không hề có phiền muộn về thân thế! Một lòng một dạ đi theo Triệu Bôi, chuẩn bị về làm dâu nhà họ Đoàn! Còn nàng thì sao? Nên đi theo “mối tình” ràng buộc với Mạnh Thiều? Hay là hướng về “lý trí” theo đuổi của Hữu Phong?
Hoặc giả, cắt đi mái tóc, vào chốn hoang sơn, nhà cũng không không, tình cũng không không, sao lại không sảng khoái bỏ hết tất cả qua một bên, đi làm một “áng mây” thật sự như đã muốn?
Có tiếng chuông cửa vang lên ở phía dưới, nàng không di động thân hình, chuông cửa chẳng liên quan gì đến nàng, cả thế giới này chẳng liên quan gì với nàng, nàng mong mình có thể xem mọi sự trở thành “không không”, nhà cũng không không, tình cũng không không, đi về chẳng vấn vương. Nàng mơ hồ nghĩ ngợi, nghe có tiếng bước chân đi đến cửa phòng của mình, tiếng bước chân mà nàng nghe đã quen thuộc từ khi còn bé: bước chân của mẹ! Mẹ? Mẹ của nàng là cái bà bác Niên kia mà!
Bà Sâm gõ gõ cửa phòng, mở cửa bước vào, nhìn thấy ngay đầu của Uyển Lan đang gục trên bàn, bà ngỡ rằng nàng đã ngủ. Nhẹ bước đi đến bên cạnh nàng, bà Sâm cúi đầu xuống nhìn, mới thấy rằng đôi mắt Uyển Lan đang mở to lên, trừng trừng nhìn thẳng về trước, những nét chữ trên mặt giấy, đã bị nước mắt làn cho nhạt nhòa không rõ.
Bà đưa tay lên vuốt ve mái tóc nàng, miệng kêu lên nho nhỏ:
- Uyển Lan, sao lại buồn nữa rồi? Con đã hứa với mẹ, không còn đau buồn, khổ sở nữa mà!
- Con không việc gì!
Uyển Lan ngẩng đầu lên, đưa tay áo ra quẹt đi những giọt lệ còn đọng ở đuôi mắt, trời đã rất lạnh, nàng đang mặc chiếc áo bông màu huyết dụ, lập tức, trên mặt vải mềm mịn của cánh tay áo, bị nước mắt làm cho thấm ướt một khoảnh thật lớn.
Bà Sâm nhìn Uyển Lan một cách trầm ngâm, bà mở miệng nói:
- Uyển Lan, có người tìm con!
Nàng hỏi:
- Ồ, Hữu Phong à?
- Không, Mạnh Thiều!
Uyển Lan rùng mình lạnh lẽo, cái gì mà yêu cũng không không, hận cũng không không? Thế giới của loài người lại trở về trước mặt nàng rồi đây! Mạnh Thiều, anh chàng Mạnh Thiều đáng ghét! Anh chàng Mạnh Thiều hồn phách vấn vương! Anh chàng Mạnh Thiều dây dưa không dứt! Anh chàng Mạnh Thiều vĩnh viễn không chịu buông tha nàng! Nàng hít vào một hơi thở dài:
- Mẹ, mẹ nói với anh ấy, là con không có nhà!
Bà Sâm nhìn thật sâu vào mắt con gái:
- Uyển Lan, không phải con thật sự muốn cự tuyệt hắn, phải không? Con mong nhớ hắn, phải không? Và, con yêu hắn, phải không?...
Bà dùng tay thương xót nâng chiếc cằm gầy guộc và tiều tụy của nàng lên, nhìn thẳng vào mắt nàng, đôi mắt bà long lanh ngấn lệ:
- ... Đi đi con! Uyển Lan, đi ra ngoài nói chuyện với hắn ta một chút! Đi dạo với hắn ta một chút, thậm chí... nếu như con cần khóc, hãy cứ khóc vùi trong lòng hắn một lúc, dù sao, như thế vẫn tốt hơn con cứ ở lỳ trong phòng buồn bã như thế này!
Uyển Lan nói bằng một giọng u uẩn:
- Mẹ, không phải mẹ muốn con kết đôi với Hữu Phong hay sao? Không phải mẹ thích Hữu Phong hơn Mạnh Thiều hay sao?
- Không, Uyển Lan. Mẹ chỉ muốn con hạnh phúc, mẹ không cần biết con thích ai, mẹ không cần biết con chọn ai, mẹ chỉ muốn con hạnh phúc.
- Mẹ cho rằng, Mạnh Thiều sẽ cho con hạnh phúc chăng?
Bà Sâm nói bằng một giọng bối rối:
- Mẹ không biết. Mẹ chỉ biết rằng, người con thật sự yêu là Mạnh Thiều, chứ không phải Hữu Phong. Cả cuộc đời con, không ai có thể đoán trước được sẽ ra sao. Thế nhưng, Uyển Lan tội nghiệp của mẹ, lúc đầu con đã không có cái quyền chọn lựa cha mẹ ruột của mình, cũng không có quyền chọn lựa cha mẹ nuôi của mình. Bây giờ, ít nhất con cũng phải có cái quyền tự lựa chọn người chồng của mình!
Uyển Lan ngẩn ngơ nhìn mẹ, lặng lẽ không nói một lời.
- Đi đi! Uyển Lan, hắn ta vẫn còn đang chờ con ở dưới kia!
Uyển Lan lại ngẩn ngơ thêm một vài giây, sau đó, đột nhiên nàng xoay người qua, chạy thẳng về hướng thang lầu. Bà Sâm lại kịp thời gọi thêm một tiếng:
- Uyển Lan!...
Uyển Lan đứng dừng lại.
- ... Nghe một câu nói của mẹ, con phải chịu khó nhường nhịn mẹ của Mạnh Thiều một chút, cả cuộc đời của bà ta, chỉ có một mình hắn, loại người đàn bà này mẹ biết, và mẹ cũng hiểu. Trong tiềm thức của bà ta, rất khó mà tiếp nhận một người đàn bà khác, để chia xẻ tình yêu của con trai bà ta. Do đó, bà ta sẽ làm khó con, bà ta sẽ phản đối con, sẽ cự tuyệt con. Thế nhưng, Uyển Lan, đó chỉ là chuyện xảy ra tạm thời, đợi đến khi bà ta đã trải qua giai đoạn tâm lý bất quân bình này rồi, bà ta sẽ tiếp nhận con mà thôi. Do đó, Uyển Lan, nếu như con đã yêu Mạnh Thiều, con phải có sự kiên nhẫn.
Uyển Lan nhìn mẹ trân trối hết một hồi lâu, bà Sâm cho nàng một nụ cười dịu dàng và khuyến khích. Thế là, Uyển Lan xuống lầu.
Dưới lầu, Mạnh Thiều đang bực bội đi đi lại lại trong phòng khách, Triệu Bôi ngồi tựa người vào chiếc ghế salon, dùng đôi mắt không chút thân thiện, lạnh lùng nhìn vào Mạnh Thiều. San San ngồi tựa nghiêng bên cạnh Triệu Bôi, chỉ dùng đôi mắt hiếu kỳ nhìn Mạnh Thiều từ đầu đến chân, lại từ chân nhìn lên đầu, sau đó, nàng kề miệng vào tai Triệu Bôi, nói nhỏ:
- Trông hắn ta đẹp trai quá! Và trông cũng có đầy cá tính đấy chứ!
Triệu Bôi trừng mắt nhìn San San một cái nên thân, San San vội vàng nói thêm một câu:
- Tuy nhiên, hắn ta không có đủ mùi vị như anh!
Triệu Bôi cười lên:
- Đó là tại vì anh không tắm đấy!
San San cấu cho Triệu Bôi một cái thật mạnh, chàng nhảy nhổm lên, kêu thật to:
- Ui cha! Em cần phải cắt móng tay đi!
- Em không cắt, phải để dành mà đối phó với anh chứ!
Mạnh Thiều nhìn hai người đùa giỡn với nhau, trong lòng cảm thấy kỳ lạ, tại sao giữa những đôi tình nhân khác chỉ có những mật ngọt, vui vẻ, còn giữa chàng và Uyển Lan, thì lại chứa đựng đầy những phong ba bão tố? Tại vì mình không đúng? Tại vì Uyển Lan không đúng? Hay là tại vì định mệnh không đúng? Chàng còn đang bồn chồn suy nghĩ, Uyển Lan đã từ trên lầu xuống đến phòng khách. Chiếc áo lạnh bông màu huyết dụ, chiếc quần tây màu xám sậm, trông nàng mảnh khảnh, yếu đuối, vòng eo thon nhỏ, chỉ vừa một vòng tay ôm. Trên gương mặt trắng mịn của nàng, dấu nước mắt vẫn còn, đôi mắt to đen như chìm dưới một làn sương lung linh, mờ ảo. Chỉ một cái chạm mặt nhau như thế, Mạnh Thiều đã cảm thấy trái tim của mình như thắt lại, xót xa, đau đớn, đau đến độ chàng cảm thấy cả người như muốn lịm đi, làn xương sống dâng lên một cảm giác lạnh lẽo khôn cùng. Sao vậy? Cô bé Uyển Lan lúc nào cũng cười nói hi hi ha ha đâu rồi? Cô bé Uyển Lan nhí nhảnh ngây thơ, vô tư vô lự đâu rồi? Cô bé Uyển Lan không biết đến những sầu muộn của nhân gian đâu rồi? Chàng bước từng bước chân thật dài đến bên nàng.
- Uyển Lan, chúng ta đi ra ngoài một chút, anh có chuyện muốn nói với em.
Nàng hơi khựng người lại, sau đó nói thật nhỏ:
- Em đi lấy thêm cái áo đã!
Nàng vừa mới quay người qua, bà Sâm đã cầm chiếc áo khoác màu trắng xuống đến dưới lầu, bà đưa cái áo cho Uyển Lan, quay mắt sang nhìn Mạnh Thiều, bà nói:
- Mạnh Thiều, cháu trông chừng Uyển Lan cho đàng hoàng nhé, đừng để cho nó bị lạnh, và... cũng đừng để nó bị thiệt thòi.
Mạnh Thiều nhìn bà Sâm một cách trang trọng:
- Thưa bác, xin bác yên tâm.
Đi ra khỏi nhà họ Đoàn, gió lạnh ở phía đầu đường đã kéo ùa vào mặt, trong làn gió lạnh lẽo còn có xen lẫn những giọt mưa nhỏ li ti. Bây giờ đã là mùa mưa rồi, khoảng thời gian này của những năm trước đây, suốt ngày mưa cứ đổ hột không dứt, năm nay mưa đến hơi trễ. Thế nhưng, trên mặt đường tráng nhựa, nước mưa cũng đã ướt đẫm, loang loáng. Mạnh Thiều đưa tay kéo Uyển Lan vào lòng, giúp nàng cài hết nút áo lại kín mít, lại kéo nàng đi về hướng lề đường. Chàng nói:
- Đừng dầm mưa.
Nàng bướng bỉnh bước đi dưới làn mưa nhỏ li ti:
- Em thích như vậy... anh nói là có chuyện muốn nói với em, anh nói nhanh đi!
Chàng chép miệng, thở ra một hơi dài nhẫn nại:
- Uyển Lan, sao em lạnh lùng quá thế! Khoảng thời gian sau này, em làm sao vậy? Em tránh anh, em không chịu gặp anh... chẳng lẽ, em cho anh là ma quỷ gì đó hay sao?
Uyển Lan nhìn xuống mặt đường đã được nước mưa rửa sạch bóng loáng, cùng chiếc bóng đổ dài của ngọn đèn đường mờ nhạt:
- Em đã nói với anh từ lâu rồi, giữa chúng ta coi như đã hết. Em không hiểu vì sao, anh lại cứ dây dưa, níu kéo em hoài chi vậy?
Chàng nhấn mạnh câu nói:
- Tại vì giữa chúng ta chưa hết chuyện, tại vì anh yêu em, tại vì anh muốn có em, tại vì anh muốn cưới em!
Nàng bàng hoàng chấn động. Giọng nàng hỏi mơ hồ:
- Anh nói gì?
Chàng lập lại, giọng nói quả quyết, khẳng định và dứt khoát:
- Anh muốn cưới em! Anh đã quyết định rồi, sau tết âm lịch, chúng ta sẽ làm đám cưới! Tòa báo phái anh đi Mỹ ba tháng, em cũng làm thủ tục xuất ngoại, chúng ta nhân tiện đi hưởng tuần trăng mật bên ấy luôn!
Uyển Lan đứng dừng lại, nàng nhướng đôi chân mày, nhìn trừng trừng vào Mạnh Thiều, những giọt nước mưa nhỏ li ti đó, đang lấp lánh trên đôi mi cong của nàng. Đôi con ngươi mang đầy nét u uẩn của nàng, trong suốt, xuyên thấu và thẳng thắn. Nàng hỏi bằng một giọng từ tốn, chậm chạp:
- Anh đã quyết định rồi à? Làm sao anh biết được là em có muốn lấy anh hay không?
Chàng nhìn nàng bằng đôi mắt cương quyết:
- Em muốn! Nhất định là em muốn, và em phải muốn! Em không có một sự chọn lựa nào khác, em chỉ có thể lấy anh!
Nàng hỏi bằng một giọng kinh ngạc:
- Tại sao?
- Tại vì em yêu anh!
Nàng mở to miệng:
- Đó là vì anh muốn thế đấy chứ!...
Chàng kéo nàng vào lòng, miệng nàng bị lớp vải thô của chiếc áo chàng bịt lại. Cánh tay chàng mạnh mẽ và rắn chắc, vòng ôm chàng rộng rãi và ấm áp. Thế là, trong thoáng chốc đó, nàng cảm thấy mình không còn muốn vùng vẩy, không còn muốn phiêu du, không còn muốn làm một áng mây, cũng không còn muốn làm công việc chọn lựa... đúng vậy, nàng muốn lấy chàng, nàng chịu lấy chàng, nàng bằng lòng đi theo chàng đến bất cứ chân trời góc bể nào! Chỉ có vòng tay mạnh mẽ như thế này, mới có thể cho nàng một nơi nương tựa vững chắc, an toàn, chỉ có trái tim cuồng nhiệt như thế này, mới có thể cho nàng một tình yêu tràn đầy, sung mãn, chỉ có lồng ngực rộng rãi như thế này, mới có thể ổn định cái đầu óc phiêu du, bồng bềnh của nàng. Đúng vậy, nàng muốn lấy chàng, nàng chỉ có thể lấy chàng, đúng vậy, nàng yêu chàng! Yêu chàng thật lòng thật dạ, yêu chàng toàn ý toàn tâm.
Nàng thở ra một hơi dài, kêu lên lẩm bẩm:
- Mạnh Thiều, anh thật sự muốn cưới em chăng? Thật vậy sao? Thậm chí không sợ sự phản đối của mẹ anh sao?
Chàng dìu nàng đi về phía trước:
- Mẹ anh đã đồng ý rồi!
Nàng giật nảy mình kinh hoảng, ngước đôi mắt lên nhìn chàng một cách ngờ vực:
- Cái gì? Anh gạt em? Mẹ anh không thể nào đồng ý được! Bà không thích em! Bà không thích em một mảy may nào cả! Làm sao bà có thể đồng ý cho được?
Chàng đứng dừng lại, nhìn thẳng vào mắt nàng:
- Bây giờ em theo anh về nhà ngay đi, chúng ta sẽ làm cho chuyện này rõ ràng minh bạch ngay tức khắc! Mẹ anh đã nói, bà không bao giờ không thích em, mà chỉ muốn làm cho em ổn định xuống, bà nói rằng em quá hoạt bát, quá ngổ ngáo, e rằng em sẽ không chịu đựng nổi những ngày tháng nghèo khổ với anh. Uyển Lan, em phải thông cảm cho mẹ của anh, đối với con dâu, có thể bà không tránh khỏi sự lựa chọn hơi khắt khe một chút, vì bà đã ở goá suốt hai mươi mấy năm, đem tất cả hy vọng đổ vào một mình anh! Những ngày tháng gần đây, bà tận mắt nhìn thấy sự đau khổ và dằn vặt của anh, do đó, cuối cùng bà cũng đã nói: lập gia đình đi, lấy Uyển Lan đi! Mẹ sẽ tận hết sức của mẹ để yêu thương Uyển Lan...
Uyển Lan nói như một người đang mộng du:
- Bà sẽ tận hết sức của bà để yêu thương em? Bà chịu nói những lời như thế sao?
Mạnh Thiều nói một cách nghiêm trang:
- Uyển Lan! Nếu như em còn không tin tưởng mẹ anh, anh sẽ giận đấy! Anh nói cho em nghe, bà đã đồng ý chuyện hôn nhân của chúng ta, em còn nghi ngờ gì nữa? Thật sự mà nói, không phải mẹ anh có thành kiến với em, mà là em có thành kiến với bà...
Đột nhiên, Uyển Lan có được cái cảm giác thật sự rồi, bấu lấy cánh tay chàng, ánh mắt nàng lóe lên những tia sáng long lanh, đã mấy tháng nay, nàng chưa bao giờ vui mừng cuồng nhiệt đến như thế, nàng nhướng cao đôi chân mày, hơi thở nàng hổn hển, phấn khởi, giọng nói nàng gần như lắp ba lắp bắp:
- Ồ! Mạnh Thiều! Em... em đã sai! Em đã... nghĩ sai về mẹ anh! Ồ, Mạnh Thiều! Chỉ cần... chỉ cần bà chịu tha thứ cho em, em... em...
Guơng mặt nàng đỏ bừng lên, cuối cùng cũng buột miệng nói ra:
- ... Em bằng lòng làm một đứa con dâu tốt nhất!
Chàng đưa tay kéo nàng thật nhanh vào chỗ tranh tối tranh sáng của lề đường, hôn nàng một cách cuồng nhiệt, đôi môi lành lạnh, ươn ướt, mang những giọt mưa của nàng, mềm mại, mật ngọt và đắm say. Thân hình nàng nhỏ bé, lung linh, như một cụm mây chiều rực rỡ, nhẹ nhàng. Đôi môi chàng lướt về phía tai nàng, thì thầm hỏi nhỏ:
- Có còn dám nói không thèm lấy anh nữa không?
Nàng trả lời thật dịu dàng:
- Không dám nữa đâu!
- Có còn dám nói không yêu anh nữa không?
- Không dám nữa đâu!
Chàng nắm chặt lấy tay nàng, cuồng nhiệt, thô bạo kêu lên:
- Như vậy, chúng ta còn đợi gì nữa? Về nhà gặp mẹ anh ngay đi nhé! Về nói với bà rằng, rút cuộc, em cũng đã muốn trở thành một phần tử của gia đình họ Mạnh rồi!
Nàng hơi run rẩy một chút. Chàng hỏi:
- Em lại sao nữa vậy?
Nàng vội vàng cười lên vui vẻ, nói:
- Không việc gì! Không việc gì! Em chỉ hơi lạnh một chút thôi! Mạnh Thiều, anh yên tâm, em sẽ rất cẩn thận, rất lễ phép, rất nhã nhặn mà gặp mẹ anh! Em sẽ không bao giờ tỏ ra trẻ con nữa đâu, em đã trưởng thành rồi, bao nhiêu ngày nay, nhà em xảy ra một chuyện...
Nàng hơi dừng lại, đối với thân thế của mình, nàng chưa bao giờ nói với Mạnh Thiều, không phải là vì muốn dấu chàng, mà là vì không có cơ hội. Bây giờ, nàng cảm thấy đây không phải là lúc để nói chuyện này, lắc lắc đầu, nàng lắc đi mất cái bóng âm u đó. Trước tâm tình vui mừng cuồng nhiệt như bây giờ, làm sao nàng có thể để cho cái bóng âm u đó tồn tại được chứ?
Nàng mỉm cười nhìn chàng:
- ... Em là người lớn rồi, em đã trưởng thành rồi, em đã chính chắn rồi, em không còn là một áng mây nữa, em không phiêu bạt, bồng bềnh nữa. Em sẽ rất ngoan ngoãn, sẽ rất biết chuyện. Anh an tâm đi, Mạnh Thiều, em sẽ không còn bướng bỉnh nữa!
Mạnh Thiều nhìn nàng trừng trừng, có còn nghe được những lời nói nào mật ngọt hơn những lời nói này nữa không? Có còn nghe được những lời nói nào dịu dàng hơn những lời nói này nữa không? Có còn hy vọng nàng càng khiêm nhượng, càng biết chuyện, càng dễ thương hơn thế này nữa không? Chàng ôm lấy nàng thật chặt, vẫy tay gọi một chiếc taxi.
Về đến nhà họ Mạnh, cả hai người đều đã gần như ướt mèm. Xông vào phòng khách, Mạnh Thiều cất cao tiếng gọi:
- Mẹ! Xem xem ai đến rồi đây này?
Bà Mạnh từ trong phòng ngủ đi ra, bà mặc chiếc áo dài bằng gấm bông, đầu bới gọn ghẽ về phía sau, bước chân bà ung dung, nhàn nhã, nụ cười trên gương mặt bà cũng ung dung, nhàn nhã, trông bà gọn gàng, tươi mát và tinh thần vui vẻ. Đối với việc xung đột hai lần trước với Uyển Lan, hình như bà thật sự không để trong dạ nữa. Bà đi thẳng đến bên Uyển Lan, hiền từ đưa tay ra, nắm chặt lấy đôi bàn tay của Uyển Lan trong tay bà. Uyển Lan vội vàng cúi gập người xuống, cung kính gọi lên:
- Thưa bác ạ!
Bà Mạnh mỉm cười nhìn Mạnh Thiều một cái:
- Thiều Thiều, sao con lại để cho Uyển Lan mắc mưa như thế này? Sao mà không biết lo lắng cho người khác gì hết, như vậy mà dám lập gia đình cưới vợ sao?
Uyển Lan vội vàng lên tiếng biện hộ cho Mạnh Thiều:
- Ồ, thưa bác, không phải lỗi của anh ấy đâu, tại tự con thích dầm mưa mà thôi!
Bà Mạnh đưa mắt nhìn nàng một cái thật sâu, nụ cười trên môi bà biến mất đi:
- Vậy sao? Sau này cái tật kỳ cục đó nhất định là phải sửa lại nhé!
Bà vừa nói, vừa đi về phía bộ salon, ngồi xuống, bà cất tiếng kêu Uyển Lan, đột nhiên giọng bà trở nên thâm trầm, nghiêm túc, chính chắn, trang trọng, đồng thời hoàn toàn là giọng điệu của một “bậc trưởng thượng”, không một chút cười nói, xuề xòa:
- Uyển Lan, con đến ngồi xuống đây!... Hôm nay, nếu như đã nói đến chuyện hôn nhân, cưới hỏi, bác cần phải nói chuyện đàng hoàng với con. Hôn nhân không phải là chuyện trò chơi con trẻ, cũng không phải là chuyện tình yêu trai gái, muốn gây là gây, muốn hòa là hòa, hôn nhân là cả hai người cùng nhận lấy trách nhiệm.
- Vâng ạ, thưa bác!
Uyển Lan trả lời thật dịu dàng, trong lòng nàng lại bắt đầu đánh trống trận thùng thùng liên hồi, nàng miễn cưỡng đi đến bên chiếc ghế salon, đối diện với bà Mạnh, khép nép ngồi xuống, đôi mắt nàng bất giác hướng về phía Mạnh Thiều, mang theo nét cầu cứu đầy tội nghiệp.
Bà Mạnh hơi chau đôi chân mày lại, nói như ra lệnh:
- Nhìn bác đây, Uyển Lan! Điều này cũng phải sửa.
Uyển Lan không hiểu, nàng hỏi:
- Sửa cái gì?
- Uyển Lan, không phải ta nói con, điều cấm kỵ nhất của người đàn bà, con gái là sự hời hợt, vô tâm, khi con nói chuyện với ta, ánh mắt không được nhìn hướng về người khác. Đó là một điều rất vô phép.
Cổ họng Uyển Lan như có nguyên một cái trứng gà nằm chắn ngang đó, nàng đành phải sửa thế ngồi lại thật ngay ngắn, đưa đôi mắt nhìn thẳng vào bà Mạnh, không dám liếc dọc liếc ngang, nàng lên tiếng trả lời, thanh âm yếu ớt, vô hồn:
- Dạ vâng, thưa bác!
- Nếu như con đã chịu về làm dâu nhà họ Mạnh, con cần phải biết một số những quy luật trong gia đình nhà họ Mạnh, cha của Thiều Thiều tên là Mạnh Thừa Tổ, ông cố là một Thượng Thư của Hàn Lâm viện, họ Mạnh là một gia đình thư hương nề nếp, chưa bao giờ có xảy ra một chút sơ sót nào, những cô con gái nhà họ Mạnh cưới về, cũng đều là những tiểu thư khuê các thuộc dòng dõi danh môn gia giáo. Thành thật mà nói, Uyển Lan, rất nhiều điều kiện của con, đều không thích hợp với những yêu cầu của ta.
- Ồ, thưa bác!
Uyển Lan lại đưa mắt liếc nhìn Mạnh Thiều một cái, Mạnh Thiều đã bất giác bước đến, ngồi xuống bên cạnh Uyển Lan, đồng thời đốt lên một điếu thuốc, thái độ chàng tỏ vẻ căng thẳng, lo lắng. Khi ánh mắt của Uyển Lan đưa sang phía chàng, chàng lập tức cho nàng một cái nhìn an ủi, khuyến khích.
Bà Mạnh nhìn Uyển Lan một cách nghiêm khắc, thanh âm bà vẫn đều đều, không cao không thấp, bà nói:
- Lại như thế nữa rồi! Uyển Lan, chuyện đầu tiên mà con phải học, là mắt nhìn cho thẳng! Con có biết không, cái khuyết điểm lớn nhất trong tướng mạo của con, chính là đôi mắt này đây...
Lồng ngực của Uyển Lan phập phồng lên xuống:
- Con biết, con có đôi mắt không an phận, lần trước bác đã có nói với con rồi!
Thái độ của bà Mạnh như thể rất nhẫn nại và khoan dung, độ lượng:
- Con biết được như thế là tốt lắm. Điều này cũng không quan trọng lắm, chỉ cần con lúc nào cũng tự nhắc nhở lấy mình, đừng nên tùy tiện liếc mắt đưa mày với người khác, nhất là đối với đàn ông...
Uyển Lan bất giác cất cao giọng lên:
- Thưa bác! Con không bao giờ...
Bà Mạnh trầm giọng nói:
- Uyển Lan! Điều này cũng cần phải sửa!
Uyển Lan càng cảm thấy mơ hồ, khó hiểu:
- Sửa cái gì?
- Khi người lớn nói chuyện, con không được tùy tiện chen vào, cũng không được ngắt ngang, đó là những sự lễ phép căn bản, chẳng lẽ cha của con không dạy con điều này hay sao?
Uyển Lan cắn chặt răng, đôi mi nàng cúi thấp xuống, đôi bàn tay nàng bất giác cung lại thành một nắm, miệng nàng bặm chặt lại, không nói một lời.
Bà Mạnh ra lệnh:
- Ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào ta! Ta đang nói chuyện với con, con đừng nên cúi đầu, biết không?...
Uyển Lan bị động ngẩng đầu lên.
- ... Ban nãy ta đã nói với con rồi, rất nhiều điều kiện của con, không hề thích hợp với yêu cầu của ta, thế nhưng, vì Thiều Thiều đã mê con quá độ, nên ta đành phải chấp nhận con, từ từ huấn luyện và đào tạo con vậy, ta nghĩ, thế nào thì ta cũng sẽ có thể mài dũa con từ một viên đá thô sơ, thành một viên ngọc quý, vì dù sao, cái tẩy của con cũng không đến đỗi tệ...
Uyển Lan buột miệng nói:
- Chưa chắc!
Bà Mạnh trừng mắt nhìn nàng:
- Con nói gì vậy? Con nhất định phải ngắt lời của ta hay sao? Nếu như bây giờ con vẫn không chịu an phận, thì làm sao có thể làm dâu nhà họ Mạnh cho được? Con xem, ánh mắt của con lại đưa sang chỗ khác rồi! Ta không hề muốn rằng, ta cưới một cô con dâu về, để làm cho nhà họ Mạnh bị nhơ nhuốc...
- Mẹ!...
Lần này, người mở miệng là Mạnh Thiều, chàng ngạc nhiên, cuống quýt, nóng nảy, căng thẳng và bực bội nhìn mẹ:
- ... Mẹ! Mẹ sao vậy? Uyển Lan nào đã có làm gì sai đâu, sao mẹ lại ở đó khuyên răn nàng...
Bà Mạnh kêu lên, trong thanh âm có chứa nhiều sự bi ai, trách mắng, thương cảm, và vô số những thê lương:
- Thiều Thiều! Mẹ chỉ muốn nói mọi chuyện cho rõ từ đầu, để sau này giữa mẹ chồng và nàng dâu không thể chung đụng với nhau. Mẹ không ngờ rằng, Uyển Lan chưa bước vào cửa, là mẹ đã không còn chỗ đứng nữa rồi. Được rồi, nếu như con đã không cho mẹ nói chuyện, thì mẹ còn nói gì nữa bây giờ! Thật không ngờ, từ nhỏ, mẹ nuôi con, dạy dỗ con, cho con ăn, cho con uống, bây giờ lông cánh con đã đủ rồi, con đã kiếm được tiền rồi, con có bạn gái rồi, mẹ cũng cần phải bị quét ra ngoài cửa...
Mạnh Thiều kêu to lên:
- Mẹ! Sao mẹ lại nói những lời như thế chứ? Thôi được rồi, được rồi, đó là lỗi tại con, con sẽ không chen vào nữa, mẹ muốn nói thế nào thì nói vậy! Mọi việc là do lỗi ở nơi con, được không?
Chàng nhìn mẹ bằng đôi mắt bực bội, lại đưa mắt thương hại nhìn sang Uyển Lan. Ánh mắt nhìn mẹ mang nét ngán ngẩm, ánh mắt nhìn Uyển Lan mang đầy nét van xin tha thứ.
Bà Mạnh không hề bỏ sót ánh mắt đó của chàng, nhẹ lắc lắc đầu, bà nói bằng một giọng bi ai:
- Mẹ không nói chuuyện nữa đâu, mẹ không hề có đủ tư cách để nói chuyện kia mà!
Giọng nói của Mạnh Thiều trở nên dịu dàng và cầu khẩn:
- Mẹ! Xin mẹ đừng nên giận dữ! Đêm nay, chúng ta đang bàn chuyện hôn nhân, đó là chuyện vui mà mẹ!
Giọng bà Mạnh vang lên u uất:
- Chuyện vui! Đúng vậy, đúng là chuyện vui! Gia đình của Uyển Lan là một gia đình trí thức, Uyển Lan là con gái của một giáo sư đại học danh tiếng, con có được một người bạn gái như thế, đó một sự may mắn cho con! Còn mẹ, một bà già thất học, làm sao có đủ tư cách để dạy cô ta cách xử thế ở đời?
Cuối cùng Uyển Lan cũng mở miệng ra nói chuyện, thanh âm của nàng lạnh lùng thanh thoát, gương mặt nàng đã trắng bệch không còn một sắc máu, đôi mắt nàng đen lay láy và bén nhạy, hơi thở nàng gấp rút và nặng nề, nàng nhìn thẳng vào bà Mạnh:
- Con thiết tưởng, bác cần nên hiểu rõ một chuyện, trước khi bằng lòng chấp nhận cuộc hôn nhân giữa con và Mạnh Thiều, con không phải là con ruột của Đoàn Lập Sâm! Con chỉ là con nuôi của họ mà thôi, cha ruột của con là ai, con không hề biết, mẹ ruột của con là một vũ nữ...
Bà Mạnh nhảy dựng lên, sắc mặt của bà cũng trở nên trắng như tuyết, bà quay đầu nhìn sang Mạnh Thiều, giọng bà kêu lên sắc nhọn, the thé:
- Cái gì? Thiều Thiều! Bạn tốt của con đấy à! Con không sợ vong hồn của cha con ở dưới suối vàng không yên hay sao? Mẹ ở góa suốt hai mươi mấy năm, nuôi con khôn lớn, thế mà con lại đem một đứa con gái hạ tiện, lai lịch không rõ ràng, dẫn về nhà, để cho nhà họ Mạnh phải chịu tiếng nhơ nhuốc...
Mạnh Thiều cũng cuống quýt lên, đối với thân thế của Uyển Lan, chàng không hề biết được một mảy may nào, do đó, phản ứng đầu tiên mà chàng nghĩ đến, là cho rằng Uyển Lan lại đang đặt chuyện, mục đích là để chọc tức mẹ cho bỏ ghét. Thế là, chàng vội vàng kêu lên:
- Uyển Lan! Em đừng nên nói bậy nói bạ như thế! Uyển Lan, tội gì mà em lại đặt ra câu chuyện hoang đường như thế làm chi...
Giọng nói của Uyển Lan, lạnh lùng như thể tiếng chạm nhau của những tảng băng miền Bắc cực:
- Ồ, Mạnh Thiều! Thì ra anh cũng giống như mẹ anh mà thôi! Anh cũng xem trọng vấn đề xuất thân và gia thế của em, còn hơn xem trọng chính bản thân em! Cả hai người là một cặp ngụy quân tử! Các người coi tôi không ra gì phải không? Các người làm sao biết được tôi có coi các người có ra gì hay không?...
Đứng phắt dậy, nàng quay qua bà Mạnh, không còn nhịn được nữa, tất cả những sự bực tức dồn nén từ bấy lâu nay, như thể một ngọn hỏa diệm sơn đến giờ bộc phát, nổ bùng lên, phun ra từng luồng dung nham nóng bừng bừng, nàng kêu lên thật to:
- Bà là một mụ phù thủy đeo mặt nạ người! Bà đáng ghét! Bà khả ố! Bà giả dối! Bà hám lợi, cầu danh! Bà ở góa hai nươi năm, có gì là hay ho đâu, mắc gì mà cứ suốt ngày kể lể! Nếu như bà không cam tâm phải ở góa, thì cứ việc đi tìm đàn ông, nào có ai cấm cản bà! Bà ở góa nào phải là cái tội của con trai bà, càng không phải là một ân huệ bà cho anh ấy, thế mà bà! Bà cứ muốn nắm giữ lấy con bà, bà muốn độc chiếm con trai bà, bà là một mụ già có một tâm lý bất bình thường...
Bà Mạnh bị nàng mắng đến choáng váng cả mặt mày, bà ngớ người ra, rối loạn, bà bắt đầu co rút người vào bộ salon, miệng không ngừng kêu lên:
- Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi...
Thân hình bà bắt đầu run lẩy bẩy, chỉ ngón tay vào Mạnh Thiều, bà kêu lên, giọng điệu lộn xộn:
- ... Thiều Thiều, Thiều Thiều, con lấy dao chém cho mẹ chết đi cho rồi! Con lấy dao chém cho mẹ chết đi cho rồi!...
Mạnh Thiều nhào đến, chụp lấy cánh tay của Uyển Lan, lắc lư nàng, miệng chàng kêu to lên:
- Uyển Lan! Em điên rồi! Câm miệng lại! Uyển Lan! Sao em lại có thể mắng mẹ anh như thế được? Em điên rồi! Uyển Lan! Câm miệng lại!
Uyển Lan đã đi đến nước liều, nàng bất kể mọi sự, giọng nàng kêu càng to hơn nữa:
- Em không câm miệng! Em không câm miệng!... Mẹ của anh là một mụ già có bệnh tâm thần! Là một mụ phù thủy quỷ quái yêu ma! Bà ta không hề muốn cho anh có bạn gái! Bà ta ganh ghét với tất cả những người đàn bà bên cạnh anh! Bà ta muốn dạy em, bắt em phải đoan trang, hiền thục, mắt nhìn thẳng hướng, không liếc xéo liếc ngang...
Nàng hỏi thẳng vào mặt bà Mạnh:
- ... Bà có dám thề rằng, suốt hơn hai mươi năm nay bà không hề nghĩ tới đàn ông chăng? Không hề nhìn một thằng đàn ông nào chăng? Bà là một người ngoài mặt đạo mạo đoan trang, thế nhưng trong lòng bà...
- Bốp!...
Một tiếng vang lên, Mạnh Thiều đã quất một tát tay vào mặt của Uyển Lan, tát tay đó đánh lên mặt nàng thật kêu, sức cũng thật mạnh, làm nàng đứng không muốn vững, suýt chút đã ngã nhào ra, đưa tay ra chụp lấy thành ghế salon, nàng gượng lại được. Quay đầu qua, nàng trừng to đôi mắt, nhìn Mạnh Thiều bằng ánh mắt không tin tưởng, ngẩn ngơ, rối loạn, miệng nàng lẩm bẩm:
- Anh đánh em? Anh đánh em?
Nàng lại quay qua, đưa mắt nhìn bà Mạnh vẫn còn đang rụt người trong bộ ghế salon, sau đó, nàng quay người, chạy ào ra phía ngoài cửa như một cơn gió lốc, hướng ra phía đường lộ như điên như cuồng. Mạnh Thiều đứng chết trân hết hai giây, mới định thần lại được, chàng kêu vói theo thật to:
- Uyển Lan! Uyển Lan! Uyển Lan!
Chàng rượt theo ra ngoài cổng, phía bên ngoài đang mưa như trút nước, trong làn mưa mờ mờ giăng phủ, chàng chỉ nhìn thấy Uyển Lan đang nhảy lên một chiếc xe taxi, chiếc xe rồ máy vọt đi thật nhanh. Uyển Lan ngồi cuốn rút trong lòng xe, toàn thân nàng run rẩy, cả người nàng ướt đẫm nước mưa. Nàng không muốn về nhà, trong giờ phút này, nàng không thể về nhà, trong lòng nàng như đang có một ngọn lửa thật to, thật nóng, đang ngùn ngụt cháy, bừng bừng sôi, thế nhưng, toàn thân nàng lại lạnh ngắt như một tảng băng, trắng xóa, vô hồn. Nàng nói cho ông tài xế một địa chỉ, ngay cả nàng cũng không biết rõ, cái địa chỉ đó là chỗ nào, của ai? Xe dừng lại rồi, nàng máy móc trả tiền, xuống xe, đứng dưới làn mưa, nàng mơ mơ hồ hồ đưa mắt nhìn dáo dác chung quanh, sau đó, nàng nhìn rõ ra, mình đang đứng trước cửa nhà của Hữu Phong.
Nàng đưa tay lên nhấn chuông cửa một cách điên cuồng.
Người mở cửa chính là Hữu Phong, vừa nhìn thấy Uyển Lan như thế, chàng ngớ người ra. Không hỏi một tiếng nào, chàng nhào đến nửa dìu, nửa ôm nàng vào phòng khách, cất tiếng gọi mẹ thật to, bà Sơn và ông Sơn, đều cùng lúc chạy ra, bọn họ lập tức lấy một chiếc khăn thật to, quấn lấy nàng thật chặt. Mái tóc nàng ướt mèm, dính lên mặt lên má, nước mưa hòa lẫn với nước mắt, nhạt nhòa cả khuôn mặt, cả người nàng run lẩy bẩy và lảo đảo như muốn ngã.
Hai hàm răng nàng đánh vào nhau lập cập, nhưng nàng hỏi thật rõ giọng:
- Bác Sơn, bác có vì con là con rơi của một vũ nữ, mà không muốn nhận con làm con dâu không?
Bà Sơn kêu to lên, giọng bà vừa tội nghiệp, vừa xót xa, vừa yêu thương, vừa tha thiết:
- Con nói gì vậy? Chúng ta yêu con, thương con, cưng con, không bao giờ chúng ta thắc mắc gì về lai lịch của con!
Nàng quay sang ông Sơn:
- Còn bác thì sao?
Ông Sơn nói:
- Con còn phải hỏi sao? Cả nhà chúng ta đều đợi con trưởng thành, chúng ta đợi đã bao nhiêu năm nay rồi!
Nàng quay đầu, nhìn thẳng vào Hữu Phong, đưa bàn tay ra cho chàng, nàng nói, giọng nàng trịnh trọng, nghiêm trang:
- Như vậy, Hữu Phong, em đã suy nghĩ kỹ rồi, bất cứ lúc nào, anh cũng đều có thể cưới em!... Đừng nghĩ rằng em đang bốc đồng trong nhất thời, cũng đừng nên nghĩ rằng thần trí em không tỉnh táo, em rất tỉnh táo, rất rõ ràng, Hữu Phong, em nguyện sẽ làm một người vợ hiền nhất, tốt nhất của anh!
- Uyển Lan!
Hữu Phong xúc động kêu to lên, chàng lập tức dang rộng vòng tay, ôm choàng lấy cái thân hình ướt mem đó của nàng, thật chặt, thật chặt.
Uyển Lan ngã bệnh hết một tuần lễ.
Bệnh của nàng chỉ có một nửa thuộc về phần sinh lý, từ lúc dầm mưa trở về, nàng mắc phải chứng cảm mạo rất nặng và bị viêm khí quản, bị sốt liên miên không dứt. Một nửa kia, thuộc về tâm lý, nàng không còn sức sống và tinh thần uể oải. Nằm trên giường, nàng không thể đi làm, chỉ mơ màng nhìn ra cửa sổ. Mùa mưa đã bắt đầu, phía bên ngoài cửa kính, từ sáng đến tối, lúc nào cũng lấp lánh những giọt nước long lanh, trên thềm dưới hiên, lúc nào cũng tí tách tiếng mưa không dứt. Và cây ba tiêu trong vườn, đúng là cũng “sớm tối tiêu điều ngẩn ngơ!”. Uyển Lan nằm trên giường, lặng lẽ, u sầu, ưu uất, buồn bã nghe tiếng mưa rơi.
Bà Sâm ở cạnh bên nàng từ đầu chí cuối, hết lòng hết dạ lo lắng cho nàng. Còn như chuyện gì đã xảy ra cho nàng, bà Sâm đã lục tục biết được đại khái từ miệng nàng. Đêm đó, nàng đi ra với Mạnh Thiều, nhưng lại được Hữu Phong đưa về trong chiếc khăn lông quấn chặt, vừa ướt, vừa lạnh, vừa bệnh, vừa yếu. Đêm đó, trong khi bị sốt, nàng chỉ mơ mơ hồ hồ nói với bà Sâm một câu:
- Mẹ, cả hai mẹ con họ đều không xem con ra gì, chỉ vì con là một đứa con rơi!
Bà Sâm không cần phải hỏi gì nhiều, cũng hiểu được rằng, với cái cá tính mạnh mẽ và bướng bỉnh của Uyển Lan, nhất định là nàng đã có một sự xung đột rất to với nhà họ Mạnh. Bà hối hận sao lúc đầu mình đã quên không dặn dò Uyển Lan một câu, tốt nhất là đừng nên tiết lộ thân thế của mình. Thế nhưng, nghĩ lại thêm một bước nữa, bà đã nuôi dưỡng Uyển Lan hơn hai mươi năm nay, bí mật vẫn có ngày bị bật mí, như vậy, trên cõi đời này, làm gì có bí mật nào giữ kín được mãi đâu? Nếu như đợi đến khi sau đám cưới, mới để cho nhà họ Mạnh phát giác ra sự thật này, cái bà già họ Mạnh khó khăn đó, nhất định là sẽ cho rằng mình bị gạt, thôi thì thà rằng bây giờ cứ “vung đao chặt cỏ”, cho mọi việc sạch sẽ, xong xuôi.
Sau khi nghĩ như vậy, bà bèn yên tâm săn sóc cho Uyển Lan, và tuyệt đối không mở miệng ra nhắc về Mạnh Thiều với nàng nữa. Tự nàng cũng không hề nhắc nhở gì đến chàng, làm như Mạnh Thiều đã biến mất trên cõi đời này, làm như nàng chưa bao giờ có quen với một người tên là Mạnh Thiều. Mà ngược lại, nàng thường hay nói về Hữu Phong, nói về bác Sơn trai và bác Sơn gái, nói về những ngày thơ ấu, những người của gia đình họ Cố đã săn sóc nàng như thế nào, mỗi lần, khi bà Sơn đến thăm nàng, nàng đều vô cùng mừng rỡ, chụp lấy bàn tay của bà Sơn, nàng vẫn thường ngây thơ hỏi rằng:
- Bác Sơn, bác sẽ luôn luôn yêu con như thế này chăng? Bác sẽ luôn luôn thích con như thế này chăng? Có bao giờ, sẽ có một ngày nào đó, bác không yêu con nữa chăng? Không thích con nữa chăng?
Bà Sơn vô cùng hiền từ, dịu dàng và dễ xúc động. Bà ôm lấy Uyển Lan vào lòng, vỗ vỗ vào lưng nàng một cách trìu mến và nói:
- Bé con khùng quá! Sao mà con lại nói những lời như thế này chứ? Bác Sơn chẳng những yêu con, cưng con, mà còn muốn lo lắng cho con suốt cả đời nữa! Bây giờ, con còn gọi ta là bác, vài hôm nữa, con phải sửa lại, gọi ta là mẹ rồi đó nhé! Ồ, Uyển Lan, ta có phước đức mấy đời để lại, mới có được một đứa con dâu như con!
Lúc đó, Uyển Lan mới rưng rưng ngấn lệ mỉm cười. Nhìn thấy tình trạng cười trong nước mắt của nàng, bà Sâm cảm thấy vừa đau lòng vừa tội nghiệp. Vì, từ những sự khao khát về “tình thân” còn nhiều hơn “tình yêu” đó của Uyển Lan, bà có được một thể nghiệm thật sâu xa về những tủi nhục mà Uyển Lan đã phải chịu đựng ở nhà họ Mạnh. Bà Mạnh, đó là một người đàn bà như thế nào? Mà bà ta lại có thể làm cho tất cả lòng tự tin của Uyển Lan, bị quét sạch không còn một mảy may nào.
Mỗi ngày, sau khi tan sở, Cố Hữu Phong đều đến thăm Uyển Lan, có khi đem theo một bó hoa, có khi đem theo một giỏ trái cây. Ngồi bên cạnh giường nàng, chàng nghĩ ra đủ thứ chuyện cười để nói cho nàng nghe, chỉ để cho nàng cười một tiếng. Uyển Lan nằm trên giường, lặng lẽ nhìn chàng, lặng lẽ lắng nghe, khi chàng nói đến chỗ buồn cười, nàng cũng sẽ khe khẽ mỉm cười, thế nhưng, nụ cười đó mang đầy nét rụt rè, mang đầy nét tội nghiệp, chứa đầy nước mắt, chứa đầy sầu khổ. Thế là, có một đêm, Hữu Phong không còn chịu đựng nổi nữa, chàng ngồi bệt xuống dưới đất ngay bên cạnh giường nàng, nhìn thật sâu vào mắt nàng, chàng hỏi:
- Uyển Lan, em làm sao vậy? Nói rõ ràng cho anh biết đi! Đừng xem anh như một thằng ngố, Uyển Lan, anh không đơn thuần và ngây thơ như em nghĩ đâu, sở dĩ em chọn anh, nhất định là phải có nguyên nhân gì đặc biệt lắm...
Chàng nắm lấy đôi cánh tay gầy gò, xanh xao của nàng, nói nho nhỏ:
- ... Cái tên Mạnh Thiều đó, hắn ta đã làm cho em đau khổ, phải không?
Uyển Lan cảm thấy trong lồng ngực mình có một luồng hơi nóng, xông thẳng lên tròng mắt, nàng vội vàng quay đầu vào phía trong giường. Thế nhưng, Hữu Phong không cho nàng trốn tránh, quay đầu nàng qua, chàng bắt nàng đối diện với mình, chàng nhìn nàng, thật bình tĩnh, thật dịu dàng, thật thành khẩn và cũng tâm sự trùng trùng, chàng nói:
- Uyển Lan, anh không mong mình là một món đồ thay thế! Thế nhưng, anh muốn có em, anh cũng yêu em, cái tình yêu đó, có thể vượt qua mức tưởng tượng của em rất nhiều. Anh không biết anh chiếm được bao nhiêu chỗ trong trái tim của em, nhưng anh biết rõ một điều là em không hề yêu anh một cách say đắm, điên cuồng. Uyển Lan, tình yêu là một vật rất kỳ lạ, anh có được yêu hay không, trong lòng anh tự biết lấy. Thế nhưng, Uyển Lan, cho dù em không yêu anh, anh cũng một lòng một dạ muốn có em, tại vì, anh biết rằng, sẽ có một ngày, em sẽ yêu anh, nhiều hơn cả tên Mạnh Thiều đó! Ít nhất, anh cũng sẽ tránh không làm cho em đau khổ!
Nàng chớp chớp đôi mi cong, không biết trả lời như thế nào, thế nhưng, nước mắt đã đoanh tròng.
Chàng hôn đi những dấu nước mắt trên mi nàng, khàn giọng nói:
- Đừng khóc! Uyển Lan! Anh sẽ vĩnh viễn không bao giờ hỏi em về chuyện của Mạnh Thiều nữa, anh tin rằng, mọi chuyện đã trở thành quá khứ rồi! Anh chỉ muốn nói với em rằng, anh hiểu được tại vì sao em lại ngã bệnh, tại vì sao em đau khổ, tại vì sao em chảy nước mắt, tại vì sao em lại trở nên yếu đuối và ưu uất như thế này... Uyển Lan! Anh sẽ trị cho em hết những triệu chứng đó! Thế nhưng, hãy hứa với anh một điều!
Nàng dùng ánh mắt dò hỏi, nhìn chàng.
- Nghĩ về anh nhiều một chút, nghĩ về Mạnh Thiều ít một chút!
- Ồ! Hữu Phong!
Nàng kêu lên, nước mắt cuối cùng cũng đã trào ra. Cánh tay nàng choàng qua, vòng lấy cổ chàng, kéo đầu chàng về phía mình, nàng chủ động dâng cho chàng đôi môi mình. Chàng hôn nàng nồng nàn, thâm sâu, cuồng nhiệt, quay quắt, khi ngẩng đầu lên, đôi mắt chàng đã ướt đẫm. Đưa ngón tay lên chạm nhẹ vào sóng mũi nàng, chàng cố ý làm ra vẻ vui vẻ, nhẹ nhàng:
- Ê! Từ đây về sau, em phải vui lên nhé, được không? Vì anh! Nếu như em biết rằng, chỉ cần em hơi nhíu mày một cái, là trái tim anh đau đớn biết mấy, thì em sẽ không nỡ nhẫn tâm mày chau mặt ủ như thế đâu!
Uyển Lan cười lên, tuy rằng nước mắt vẫn còn lấp lánh trong tròng mắt, nhưng nụ cười đó phát xuất từ trong tận cùng trái tim. Ôm chặt lấy cổ chàng một lần nữa, nàng nói nho nhỏ, thì thầm bên tai chàng bằng một giọng cảm kích:
- Hữu Phong, anh an tâm, em sẽ làm một người vợ hiền! Em sẽ dùng hết tâm trí mình để làm một người vợ hiền của anh, Hữu Phong, em sẽ không bao giờ phụ anh!
Đôi môi của Hữu Phong lướt qua khuôn mặt nàng, lại rơi trên đôi môi nàng một lần nữa, cánh tay chàng dịu dàng và tế nhị ôm vòng lấy nàng. Một lúc thật lâu, hai người cứ ôm nhau như thế, cùng nhau nghe nhịp đập của trái tim mình, cùng nhau nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên, cùng nhau nghe tiếng xào xạc chạm nhau của lá ba tiêu. Mãi đến khi phía dưới lầu có tiếng chuông cửa, làm cho họ giật mình, Hữu Phong buông nàng ra, định đứng dậy, thế nhưng, Uyển Lan vẫn nắm lấy bàn tay chàng thật chặt, nói thật nhẹ:
- Đừng đi!
- Anh không đi!
Chàng ngồi xuống bên thành giường, lặng lẽ đưa mắt nhìn nàng, chăm chú.
Phía dưới lầu, hình như có một thoáng huyên náo, tiếp theo đó, giọng nói thô lỗ và không có vẻ thân thiện cho lắm của Triệu Bôi, vang lên thoang thoảng:
- Nó bệnh rồi! Nó không gặp ai đâu! Tất cả cũng tại vì mấy người hại nó, hãy tránh nó cho xa đi!
Trái tim của Uyển Lan đập nghe đánh bình một tiếng, bàn tay nàng đang nắm lấy bàn tay của Hữu Phong bất giác hơi giật lại một chút, Hữu Phong trao đổi với nàng một ánh mắt, trong lòng cả hai đều đã cùng hiểu. Hữu Phong thấp giọng hỏi:
- Muốn anh đuổi hắn đi không?
Uyển Lan ngần ngừ, tiếng huyên náo ở phía dưới lầu càng to hơn, trong đó có xen lẫn tiếng khóc nghe có vẻ quen thuộc của một người đàn bà. Thế là, cái thần kinh bị kéo đến căng thẳng của nàng, hình như lập tức buông thả ra một chút, và một tình cảm khác, khó nói, mâu thuẫn và thương xót, lại tràn ngập vào trái tim nàng. Người đến không phải là Mạnh Thiều, mà là cái “bà bác Niên”! Nàng nghiêng đầu nghe ngóng, Hữu Phong đưa mắt nhìn nàng trân trối, ánh mắt thật sâu, thật sát, sau đó, chàng nhẹ lắc lắc đầu:
- Em vẫn còn đang sốt, em không thể nào chịu sự kích thích được đâu!
Nàng trầm lặng hết giây lát, bà Sâm đã đi lên lầu, gõ gõ cửa phòng, bà đưa đầu vào phòng, cất tiếng hỏi:
- Uyển Lan, bác Niên nhất định đòi cho gặp được con, ý con như thế nào?
Uyển Lan đưa mắt nhìn bà Sâm, nàng nhìn thấy ở đuôi mắt của mẹ, còn long lanh ngấn lệ, và đôi chân mày, cũng đang chau lại vào nhau thật chặt. Đột nhiên, nàng cảm thấy mình cần phải đối diện với vấn đề này, giải quyết vấn đề này. Đột nhiên, nàng hiểu ra, đây không phải chỉ là chuyện tranh chấp của những người lớn với nhau, mà đó cũng là những vấn đề cần thiết mà nàng không thể trốn tránh. Nàng nghĩ đến đêm hôm đó, đến những lời nàng đã nói khi quỳ trước mặt ông bà Sơn:
- Ba mẹ là ba mẹ duy nhất của con, không có một ai khác!
Thật vậy không? Tại sao cái “bà bác Niên” này vẫn làm dao động sợi dây thần kinh nào đó trong nàng, làm cho nàng cảm thấy đau đớn ngấm ngầm? Nàng hơi cắn cắn răng, ngồi dậy từ trên giường, tựa người vào gối nằm để tựa đầu giường, nàng nói bằng một giọng cương quyết:
- Mẹ, mẹ cho bà ấy vào đây, con muốn gặp bà ta!
Bà Sâm hơi do dự, nhưng vẫn quay người đi ra ngoài. Một lúc sau, bà Sơn đã đi cùng với “bà bác Niên” vào phòng, bà bác Niên vừa nhìn thấy Uyển Lan, nửa ngồi nửa tựa vào đầu giường, bà nhào tới như một cơn lốc, bất kể mọi sự, bà dang tay ôm lấy Uyển Lan vào lòng, khóc bu lu ba la:
- Uyển Lan, con sao vậy? Tại sao con lại bị bệnh thế này? Bác mời bác sĩ đến cho con, bác có nhiều tiền lắm, bác có thể cho con ở nhà thật đẹp...
Uyển Lan nhẹ nhàng đẩy “bà bác Niên” ra, nàng hơi nhíu đôi chân mày:
- Bác Niên, bác đừng nên lôi lôi kéo kéo như thế này. Hữu Phong, anh làm ơn kéo hộ em cái ghế qua cho bác Niên ngồi xuống, em muốn nói chuyện với bà một chút.
Hữu Phong nhắc ghế để cạnh giường, bà bác Niên e dè nhìn Uyển Lan một cái, hình như có vẻ sợ nàng, bà lặng lẽ quẹt đi giọt nước mắt còn đọng ở đuôi mắt, sau đó, bà ngồi xuống ghế, rất khép nép, rất hiền lành. Mang theo chút thần sắc bị động, bi thương, bà đưa mắt nhìn Uyển Lan trừng trừng. Bà Sâm đưa mắt nhìn họ, thở ra một hơi dài, bà nói bằng một giọng hiểu biết:
- Hữu Phong, chúng ta xuống dưới lầu một lúc đi, để cho hai người nói chuyện!
Uyển Lan kêu lên thật rõ:
- Không! Mẹ! Mẹ đừng bỏ đi, Hữu Phong, anh cũng đừng bỏ đi! Mẹ, ba đâu rồi?
- Đang đánh cờ với anh Hai con dưới lầu.
Uyển Lan nói bằng một giọng cương quyết:
- Con muốn ba và anh Hai cùng lên đây, hôm nay chúng ta nói chuyện với nhau cho thật rõ ràng! Hữu Phong! Anh đi mời ba và anh Hai lên đây dùm em!
Bà Sâm nói một cách hồ nghi:
- Uyển Lan, con muốn làm gì vậy? Con có tỉnh táo không? Con không bị sốt đấy chứ?
Uyển Lan nói:
- Con rất khỏe, mẹ! Con biết con đang làm gì, và cũng biết đây là việc mà con cần phải làm.
Hữu Phong đã đi xuống lầu rồi. Uyển Lan bắt đầu quan sát “bà bác Niên” này, đây là lần đầu tiên nàng cố ý và tỉ mỉ nhìn người mẹ đẻ ra mình. Trên gương mặt bà, nước mắt vẫn chưa khô, và cho dù son phấn đã bị nước mắt làm cho nhòe nhoẹt đi, thế nhưng, đôi mắt xinh đẹp đó, sóng mũi thẳng đứng đó, và gương mặt tuy rằng đã bị phì nộn ra, nhưng vẫn còn thấy được những đường nét thanh tú của ngày xưa, tất cả đều nhắc nhở cho Uyển Lan một sự thật. Khi còn trẻ, bà nhất định không phải là một người có nhan sắc khó coi, đồng thời, mặt mũi của mình cũng có nét hao hao giống bà. Bà không già lắm, nếu tính theo số tuổi, chẳng qua cũng chỉ mới bốn mươi, thế nhưng trên trán và đuôi mắt của bà, đã mang đầy nếp nhăn, ngay cả lớp phấn trang điểm thật dày trên gương mặt, cũng không che dấu đi được những vết hằn của thời gian. Dấu phong sương và nét dãi dầu mưa gió, đều in đậm dấu trên gương mặt bà. Ngay cả bộ váy đầm bằng nhung đỏ bó sát người mà bà đang mặc, cũng toát ra một thứ mùi vị nào đó không giống ai.
Uyển Lan nhìn bà chăm chú, mơ hồ cân nhắc cái khoảng cách khác biệt giữa nàng và bà. Nàng nghĩ đến những lời nói của Hữu Phong, cái nghiệp mà bà ta đã gây ra, bây giờ bà ta phải trả, chỉ tại định mệnh khắc khe, biết làm thế nào bây giờ! Trong nhất thời, trong lòng nàng nảy sinh ra một tình cảm mạnh mẽ, thương hại và dịu dàng đối với “người mẹ đẻ” ra mình.
Ông Sâm và Triệu Bôi đã vào phòng, Hữu Phong đi theo phía đàng sau. Triệu Bôi vừa vào đến phòng, sắc mặt chàng đã rất khó coi, chàng nhìn thẳng vào “bà bác Niên”, nói không một chút lưu tình:
- Gia đình chúng tôi vốn rất hạnh phúc, rất vui vẻ, bây giờ bà đã phá hoại nó hoàn toàn rồi! Chẳng lẽ bà không thể buông tha cho Uyển Lan hay sao? Bà phải biết rằng, bà không hề có tư cách đến đây để quấy nhiễu gia đình chúng tôi!
Uyển Lan nhíu mày kêu lên:
- Anh Hai! Anh nói ít đi một chút được không?
Triệu Bôi không nói gì nữa, chàng ngồi bệch xuống chiếc ghế bên cạnh bàn học, trừng mắt nhíu mày, bực bội một mình. Ông Sâm đi đến bên Uyển Lan, trông ông vẫn có vẻ bình thản, yên lặng, chỉ có điều là dưới đáy mắt đuôi mày, mang theo một nét ưu tư khó phát giác, ông cất tiếng hỏi thật dịu dàng:
- Uyển Lan, có phải con đổi ý rồi chăng?
- Dạ không, ba!...
Uyển Lan nói thật rõ giọng, nàng quay sang phía “bà bác Niên”:
- ... Con chỉ cảm thấy rằng, từ lúc chuyện xảy ra đến nay, chúng ta không hề cùng nhau họp lại để thảo luận, đưa ra cái nhìn từ ba phía. Đêm nay, “bác Niên” đã đến đây rồi, con muốn đem tất cả mọi chuyện ra nói cho thật rõ ràng...
Nàng nhìn thẳng vào “bà bác Niên”:
- ... Bác Niên, bác đã thấy ba mẹ con đây, hai mươi mốt năm trước, bác đã “tặng” con cho ông bà, ông bà cũng đã làm đúng theo lời yêu cầu của bác, hoàn thành chuyện tốt đẹp này một cách trọn vẹn, là nuôi cho con khôn lớn. Bác còn nhớ những lời bác viết trên tấm giấy kia không? Bồ Tát sẽ phù hộ cho họ, nếu như trên cõi đời này quả thật có Bồ Tát, thì người thật sự cần phải phù hộ cha mẹ con, vì ông bà đã tận tâm tận lực yêu con bao nhiêu năm nay, đồng thời, con tin rằng, từ đây về sau ông bà cũng vẫn còn tiếp tục yêu thương con. Do đó, bác Niên, tuy rằng bác đã sinh ra con, thế nhưng, bác chỉ có thể vĩnh viễn làm bác Niên của con, chứ không thể làm mẹ của con! Bồ Tát cũng sẽ không bằng lòng, cho hai mươi mốt năm sau của ngày hôm nay, bác lại đến đây giật lấy con trên tay của cha mẹ con như thế! Do đó, bác Niên, nếu như bác yêu con, xin bác hãy để cho con sự bình yên, xin bác hãy để cho con sống lại như những ngày tháng cũ! Con sẽ rất cám ơn bác!
Giọng nàng hạ xuống thật dịu dàng. “Bà bác Niên” rút ra từ trong ví tay một chiếc khăn tay nhỏ, bắt đầu hỉ mũi “rột rột rạt rạt” và khóc bù lu bù loa, bà vừa khóc vừa nói:
- Uyển Lan, bác yêu con mà!
Uyển Lan nói một cách trầm ngâm:
- Con biết. Trước đây, con cứ nghĩ rằng yêu là một sự cho ra, một sự vui vẻ, bây giờ con mới biết rằng, yêu cũng là một sự gánh vác, một sự đau khổ. Ồ, bác Niên, hôm nay trước mặt tất cả những người thân của con, con có thể nói với bác một điều rằng, con rất thông cảm với bác, con cũng yêu thương bác, thế nhưng, con chỉ có thể nhận công ơn dưỡng dục, chứ không thể nhận công ơn sinh thành.
Bà bác Niên khóc òa lên, nói:
- Ồ, Uyển Lan! Ý của con muốn nói là, con không bao giờ muốn gặp lại bác nữa hay sao?
Uyển Lan nói một cách trầm tư:
- Vấn đề là ở chỗ, gặp mặt nhau đối với chúng ta đều chẳng có ý nghĩa gì cả, mà chỉ làm cho cả hai bên cảm thấy ngượng ngập. Con vốn có nghĩ rằng, chúng ta có thể giữ sự qua lại, thế nhưng, bây giờ, con cảm thấy không biết làm sao để đối xử với bác, bác cũng không biết làm sao đối xử với con...
Bà bác Niên cuống quýt ngắt lời nàng:
- Ồ, Uyển Lan, bác biết, bác biết! Bác sẽ cho con một căn nhà lầu, rất nhiều châu báu, ngoài ra còn tiền...
Uyển Lan ngắt lời bà, thanh âm nàng dịu nhẹ như nước, ánh mắt nàng tỏ vẻ thương hại và bi ai:
- Bác Niên! Trước đây bác “cho” đi đứa con gái, bây giờ, bác không thể nào “mua” trở lại được nữa đâu! Giữa hai chúng ta, cái định nghĩa về tình yêu, đã có một sự khác biệt thật to lớn rồi!...
Nàng mệt mỏi ngã người xuống, đầu tựa vào gối, giọng nàng thật nhẹ:
- ... Nếu như bác vẫn yêu con, xin hãy giúp con một chuyện, đừng nên đến để làm tăng thêm sự khổ sở, lo lắng cho cha mẹ con! Mẹ con... vì chuyện này, mái tóc đã bạc hết rồi!
Nàng đưa tay nhẹ nhàng kéo lấy tay bà Sâm. Đôi mắt bà Sâm lập tức nóng bừng lên, bà nắm chặt lấy tay con gái, không nói một lời. Bà “bác Niên” đó, rút cuộc cũng đã hiểu được rằng, thời thế đã qua đi, bà loạng choạng đứng dậy, vừa khóc vừa quay người về phía cửa, định xông ra ngoài, Uyển Lan kịp thời kêu lên một tiếng:
- Đợi một chút, bác Niên!...
Bà bác Niên quay người lại.
- ... Bác đến đây, con muốn nói với bác một câu!...
Uyển Lan đưa một cánh tay ra, nắm lấy bà bác Niên, kéo bà đến thẳng bên người mình, ngẩng đầu lên, nàng kề miệng vào sát tai bà, nói nho nhỏ:
- Tạm biệt! Mẹ!
Nàng buông tay ra. Bà “bác Niên” đó dùng tay ôm lấy mặt, vừa khóc sướt mướt vừa xông thẳng ra ngoài. Do bởi mẫu tính và bản năng của một người đàn bà, bà Sâm vội vàng rượt theo bà, chạy thẳng theo bà xuống lầu. Ra đến cửa lớn, bà “bác Niên” đó rút cuộc cũng quay đầu lại, nắm lấy tay của bà Sâm thật chặt, bà ứa nước mắt, nói một cách ngậm ngùi:
- Tôi sẽ không bao giờ trở lại để đòi con bé nữa đâu. Bà Sâm, cám ơn bà đã nuôi nó đàng hoàng như thế, bây giờ, tôi cũng đã an tâm rồi! Tôi không hề biết rằng, nó yêu ông bà đến như thế, nó quả thật là một đứa con rất tốt, phải không?
Gương mặt của bà Sâm cũng chan hòa nước mắt:
- Đúng vậy, nó là một đứa con gái tốt nhất trên cõi đời này, còn tốt hơn cả sự mong muốn của tôi!
Bà “bác Niên” đó biến mất trong màn mưa bụi giăng giăng.
- o O o -
Cùng một lúc với cuộc “họp mặt ba bên” ở nhà họ Đoàn, Mạnh Thiều đang một mình trong phòng nuốt mây thổi khói. Đêm đã thật sâu, thật sâu rồi, chàng tan sở cũng đã lâu lắm rồi, ngồi trên chiếc ghế mây trong phòng, chàng chỉ vặn một ngọn đèn nhỏ ở đầu giường, không ngừng hút thuốc, nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên. Tư tưởng của chàng hỗn độn và mơ hồ, từ lúc chàng đánh Uyển Lan một tát tay làm nàng bỏ đi đến nay, chàng cảm thấy phần lớn ý thức và sinh mạng của mình, đều cũng đã bỏ chạy theo Uyển Lan mất rồi. Thế nhưng, mấy hôm nay, chàng lại không biết làm thế nào để bù đắp lại chuyện này, mẹ và Uyển Lan, tỷ trọng của cả hai trong cuộc đời chàng, ai nặng ai nhẹ? Chàng chưa hề bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ phải vùng vẫy giữa khe hở của hai người đàn bà như thế này. Mẹ! Chàng bất giác ngẩng đầu lên nhìn vào bức ảnh chụp chung cha và mẹ. Uyển Lan! Tận trái tim chàng thoáng qua một cảm giác đau nhói vô bờ, dùng tay chống lên trán, chàng nghe được tận đáy lòng mình, đang điên cuồng kêu lên từng nhịp: Uyển Lan! Uyển Lan! Uyển Lan! Thế là, chàng đã hiểu rồi, trong cái cảm giác phạm tội dâng đầy, chàng lĩnh hội được một điều là, tỷ trọng của Uyển Lan trong cuộc đời chàng, nặng hơn người mẹ đã chịu hy sinh ở góa vì chàng suốt hai mươi mấy năm nay rất nhiều!
Chàng hút hết một điếu thuốc, lại đốt thêm một điếu khác, khắp phòng, khói thuốc giăng đầy. Chàng nhìn ra cửa sổ, nước mưa đang lấp lánh trên cửa kiếng, đèn đường chiếu ánh sáng vào những giọt nước mưa, phát ra từng điểm sáng vàng vọt, yếu ớt. Dần dần, ánh sáng của những ngọn đèn đường càng lúc càng nhạt dần đi, chàng không biết mình ngồi bất động trong phòng đã bao lâu, thế nhưng, chàng biết rằng, bình minh đã từ từ đến với vạn vật.
Chàng nghe có tiếng bước chân, sau đó, có một bóng đen che trước cửa phòng chàng, chàng bất giác ngẩng đầu lên, dưới ánh sáng yếu ớt của buổi sớm mai, cùng với ngọn đèn vàng vọt trong phòng chàng, khuôn mặt của mẹ, mang đầy nét già cỗi và tiều tụy. Chàng nhớ, mẹ bao giờ trông cũng trẻ hơn tuổi thật của bà, đồng thời luôn luôn tươi mát, sung mãn, từ bao giờ, bà lại trở thành một bà lão già tiều tụy như thế này?
Bbà Mạnh cất tiếng nói, thanh âm mang đầy nét yếu đuối và vô hồn:
- Thiều Thiều, con lại suốt đêm không ngủ chăng?
- Dạ!
Chàng nhẹ lên tiếng trả lời, từ miệng lại phun ra một làn khói dầy đặc.
- Con đang làm gì vậy?
Giọng chàng buồn bực:
- Đừng để ý đến con!
Bà Mạnh vịn tay vào cửa, thân hình gầy gò của bà in hằn trên khung cửa, như một cái bóng cắt ra từ một mảnh giấy đen ngòm, không hiểu tại sao, Mạnh Thiều nghĩ đến những câu Uyển Lan dùng để mắng mẹ: bà ở goá đâu phải là trách nhiệm của con bà! Bà là một bà già có một tâm lý bất bình thường! Bà có dám thề rằng suốt hai mươi mấy năm nay bà không hề nghĩ đến đàn ông chăng? Bà muốn độc chiếm con trai bà... Chàng rùng mình lạnh lẽo, nhìn mẹ trừng trừng, chàng cảm thấy bà giống như một nhà độc tài màu đen tăm tối, bà đứng che khung cửa đó, như che đi cánh cửa dẫn chàng đi đến con đường hạnh phúc! Có thể, suốt cả cuộc đời này, mẹ sẽ luôn luôn đứng ở cánh cửa đó, dùng tình yêu của bà, kết thành một mạng lưới, bắt chặt lấy chàng...
Bà Mạnh cắt ngang dòng tư tưởng của chàng, thanh âm của bà bi ai và tuyệt vọng:
- Thiều Thiều, mẹ con mình làm sao vậy? Con có biết không? Mấy hôm nay, con không hề chủ động nói với mẹ một lời nào! Mẹ biết con đang nghĩ gì, con đang hận mẹ! Vì Uyển Lan, con đang hận mẹ!
Chàng chăm chú nhìn mẹ, không nói một câu nào, sự im lặng đó, như một sự chấp nhận thầm lặng, bà Mạnh nhìn con trai thật chăm chú, cả hai người cùng nhìn nhau hồi lâu như thế, trong ánh mắt nhìn nhau đó, cả hai cùng đang đo lường tâm lý của đôi bên, cuối cùng, Mạnh Thiều mở miệng một cách nhạt nhẽo:
- Con đang nghĩ, ít nhất Uyển Lan cũng đã nói một câu rất đúng, mẹ ở góa không phải là lỗi của con. Bao nhiêu năm nay, con không hề nghĩ ra được điểm này, con cứ nhận thấy rằng, mẹ hy sinh vì con, nhưng sự thật là, mẹ ở goá, thủ tiết vì cha đã qua đời, mà việc cha qua đời không phải là lỗi ở con.
Bà Mạnh vịn vào cánh cửa, cả người bà tựa vào khung cửa, bà lẩm bẩm nói, giọng bà như rên rỉ:
- Thiều Thiều, mẹ đã mất con rồi. Mẹ biết. Uyển Lan đã đem biết bao nhiêu là quan niệm tàn nhẫn rót vào cho con, đồng thời, nó lại ăn sâu vào đầu óc con...
Mạnh Thiều chú ý nhìn mẹ, giọng chàng rõ ràng và trầm thấp:
- Mẹ nói cho con nghe! Những lời nói của Uyển Lan, có phần nào đúng sự thật không? Có phần nào nói vào đến tận cùng tâm khảm của mẹ không? Mẹ bắt bẻ Uyển Lan trăm điều, có phải là tại vì bản năng ganh ghét tự nhiên của một người đàn bà, mẹ không chịu được chuyện con có bạn gái? Phải không? Mẹ? Phải không?
Bà Mạnh vừa rên rỉ vừa mò mẫm bước vào, bà ngồi té phịch xuống ghế, dùng tay ôm lấy đầu, vùng vẩy một cách đau khổ:
- Thiều Thiều, chỉ tại vì mẹ yêu con, chỉ tại vì mẹ yêu con!
Rút cuộc chàng cũng bật kêu lên được những lời thống thiết:
- Mẹ! Tình yêu của mẹ sẽ giết chết con! Mẹ có biết không? Uyển Lan đối với con, còn quan trọng hơn cả sinh mạng, chẳng lẽ mẹ không hiểu sao? Mẹ, mẹ yêu con, con biết. Thế nhưng, tình yêu của mẹ giống như một mạng nhện thật to, giăng mắc mọi nơi, nó làm cho con vùng vẫy mãi đến sắp đứt hơi rồi đây!
Chàng nhảy bật dậy, chụp lấy chiếc áo khoác ngoài, xông thẳng ra phía cửa, trời chỉ mới vừa tờ mờ sáng, những giọt mưa vẫn còn giăng giăng mờ nhạt. Bà Mạnh vừa giật mình vừa sợ hãi kêu lên:
- Con đi đâu vậy?
- Đi tìm Uyển Lan!
Bà Mạnh nói thật yếu ớt
- Bây giờ mới có năm giờ sáng!
- Con bất cần!
Khi Mạnh Thiều chạy đến trước cửa nhà Uyển Lan, trời vẫn chưa sáng hẳn. Mặt trời mùa Đông bao giờ cũng lên trễ, những giọt mưa và vầng mây âm u càng làm cho bầu trời tối tăm hơn. Chàng chạy một mạch đến trước cánh cổng to, đứng dừng lại, chàng định làm gì đây? Phá cửa xông vào chăng? Nhấn chuông gọi cửa chăng? Vào lúc năm giờ sáng như thế này chăng? Một trận gió lành lạnh thoáng qua, làm tỉnh lại một số thần kinh nào đó trong chàng, chàng đứng ở đó, lạnh đến độ tay chân cứng nhắc, sau đó, chàng đi đi lại lại ở trước cửa hết một lúc, bước đi rồi bước lại, đợi cho trời sáng. Cuối cùng, chàng đứng tựa vào vì tường ở phía đối diện, ngẩng đầu nhìn lên phía cửa sổ phòng Uyển Lan.
Không biết thời gian qua đã bao lâu, chỗ cửa sổ đó có bóng người thấp thoáng, màn cửa được kéo ra, trong màn sương mờ mờ giăng phủ, bóng dáng của Uyển Lan hiện ra, mảnh khảnh, yêu kiều, mái tóc dài như suối đổ... trái tim chàng đập lên từng nhịp loạn cuồng, chàng không kềm chế được tâm tình của mình, bất kể mọi chuyện, chàng dùng tay bắt loa kêu lên thật to:
- Uyển Lan!
Bóng dáng ngay cửa sổ biến mất, mọi thứ trở nên lặng lẽ.
- Uyển Lan! Uyển Lan! Uyển Lan!
Chàng kêu lên điên cuồng, những nhà lân cận, ùn ùn mở cửa sổ ra nhìn dáo dác, chỉ có cửa sổ của Uyển Lan, vẫn cứ đóng im ỉm, bóng dáng người hiện ra trên song cửa đó, cũng biến mất không còn một dấu vết.
Chàng xông qua phía bên cửa, bắt đầu bấm chuông như điên như dại.
Cửa mở ra, người xuất hiện là bà Sâm với gương mặt hiền từ và dịu dàng. Bà nói bằng một giọng bình lặng, nhẹ nhàng:
- Mạnh Thiều, tạm thời đừng nên làm phiền Uyển Lan, được không? Con bé ngã bệnh rồi, cháu có biết không?
Chàng chấn động bàng hoàng:
- Cháu muốn gặp nàng!
Bà Sâm nói thật từ tốn:
- Bây giờ chăng? Nó sẽ không gặp cháu đâu, nếu như cháu bắt buộc nó phải gặp cháu, cháu chỉ làm tăng sự bất mãn trong nó mà thôi. Bác không biết cháu đã làm gì với nó, thế nhưng, nó vừa nghe tiếng cháu là đã run lên như cầy sấy rồi, nó đang sợ cháu! Mạnh Thiều, hãy chịu khó nhẫn nại một thời gian vậy, để cho nó có chút thời gian phục hồi, nếu không cháu sẽ làm cho tình hình càng lúc càng tệ!
Trái tim chàng nghe đau như cắt, chàng hỏi:
- Nhẫn nại bao lâu?
- Một tháng?
- Cháu không có sự kiên nhẫn đến như thế, bác nói với nàng rằng, ngày mai cháu sẽ lại đến!
Ngày hôm sau, khi chàng lại đến, người mở cửa trở thành Triệu Bôi:
- Em tôi hả? Nó ở nhà của bạn rồi!
- Tôi không tin!
Chàng gầm lên, định xông vào nhà.
Triệu Bôi chận ngay cửa, chàng nói:
- Muốn đánh lộn hả? Hay là muốn tôi báo cảnh sát? Những thằng trồng cây si trên cõi đời này, chưa thấy ai dữ dằn giống như mi!
Chàng trừng mắt nhìn Triệu Bôi, giọng chàng dịu nhẹ lại, xuống nước:
- Tôi nhất định phải gặp cho được nàng!
Thanh âm chàng trầm thấp và tha thiết. Ông Sâm từ trong nhà đi ra, ông nhìn thẳng vào chàng, nói bằng một giọng thành khẩn và thẳng thắn:
- Mạnh Thiều, Uyển Lan quả thật đã đi dến nhà bạn ở rồi, không ai gạt cháu đâu! Nếu cháu không tin, cháu có thể vào nhà mà xem!
Chàng tin ông Sâm, mồ hôi lạnh đổ dọc theo lằn xương sống:
- Thưa bác, xin bác cho cháu địa chỉ của nàng.
Giọng ông Sâm ôn hòa nhưng cứng cỏi:
- Không được, Mạnh Thiều, trừ khi nào con bé đồng ý gặp cháu.
- Chẳng lẽ nàng không đi làm?
- Nó đã xin nghỉ việc rồi!
- Ngày nào cháu cũng sẽ đến.
Nói xong. Chàng quay đầu bỏ đi.
Quả thật, ngày nào chàng cũng đến, thế nhưng, không đầy một tháng sau, chàng nhìn thấy trước cửa nhà họ Đoàn dán hai chữ Song Hỷ thật to, Uyển Lan trở thành cô dâu mới của nhà họ Cố.
Đêm đã sâu.
Mạnh Thiều ngồi trước cây đàn dương cầm, đàn đi đàn lại một khúc nhạc giống nhau. Bà Mạnh ngồi co rút trong một góc ghế, ẩn dưới cái bóng âm u của ngọn đèn, lặng lẽ lắng nghe. Từ lúc Mạnh Thiều lên ba, bốn tuổi, bà đã dạy chàng đánh đàn, thế nhưng, tuy rằng sự lĩnh ngộ về âm nhạc của chàng rất cao, thế nhưng chàng lại không đủ sự kiên nhẫn, từ lúc mới mười mấy tuổi, Mạnh Thiều đã đàn rất khá, thế nhưng chàng lại không chịu cố gắng tiến thêm một bước nữa. Từ lúc làm ký giả cho đến nay, sinh hoạt của chàng vô cùng bận rộn, đối với đàn dương cầm, chàng không hề đụng tới nữa. Thế nhưng, đêm nay, chàng lại ngồi trước cây đàn dương cầm, đàn hết bốn tiếng đồng hồ không biết chán. Đàn tới đàn lui, chỉ có một khúc nhạc, bài hát “Ngẫu Nhiên” của Từ Chí Ma.
- Em là một áng mây,
Lơ lửng lưng chừng trời.
Bóng mây trời thỉnh thoảng,
Che phủ trái tim anh.
Anh đừng nên xao động,
Cũng chẳng cần reo vui.
Vì áng mây khoảnh khắc,
Đã mất dạng tăm hơi.
Em và anh gặp nhau ở vùng biển đêm bao la,
Anh có đường của anh, em có hướng của em,
Anh có nhớ cũng hay, tốt nhất là quên đi,
Ánh sáng giao nhau của phút giây gặp gỡ!
Không biết chàng đã đàn đến lần thứ mấy trăm, khúc nhạc đơn điệu lập đi lập lại này, làm cho màn đêm tịch mịch của vạn vật, hình như đã bị gõ cho tan nát thành từng mảnh vụn, như những giọt mưa ở phía dưới mái hiên, rơi xuống từng giọt từng giọt, đơn điệu, lập đi lập lại. Bà Mạnh bất giác đưa mắt nhìn vào đồng hồ, đã ba giờ sáng rồi. Chẳng lẽ thằng con si dại của bà lại ngồi ở đây mà đàn cho đến khi trời sáng hay chăng? Chẳng lẽ nó lại chuẩn bị suốt đêm không ngủ hay chăng? Bà chú ý nhìn vào phần lưng của con trai, nhưng lại không dám nói gì với chàng, không biết bắt đầu từ lúc nào, bà lại trở nên sợ Mạnh Thiều. Con trai của bà, thế nhưng, bà lại sợ nó! Sợ cái bóng âm u chứa đựng trong đôi mắt chàng, sợ sự lặng lẽ của chàng, sợ ánh mắt sắc bén của chàng, và sợ luôn cả sự cô độc tự dày vò của chính chàng đối với chàng. Trong tất cả những nỗi “sợ” đó, tự bà hiểu rất rõ, tất cả chỉ phát xuất từ một chữ: “yêu”.
Bà nghĩ đến những lời của Mạnh Thiều đã nói với bà khoảng hơn một tháng trước:
- Mẹ, tình yêu của mẹ giống như một mạng nhện thật to, giăng mắc khắp nơi, nó làm cho con vùng vẫy mãi đến sắp đứt hơi rồi đây!
Bây giờ, trong tiếng đàn lập đi lập lại đó, bà đã lĩnh hội thật sâu xa về sự vùng vẫy đó của chàng. Chàng không nói chuyện, không ngẩng đầu lên, không ăn, không uống, ngay cả thuốc cũng không hút nữa, mà cứ ngồi ở đó đàn mãi, đàn mãi:
- Em là một áng mây,
Lơ lửng lưng chừng trời
Bóng mây trời thỉnh thoảng,
Che phủ trái tim anh...
Từng đoạn rồi từng đoạn, từng đoạn rồi từng đoạn, từng đoạn rồi từng đoạn, chàng đã đàn đến như điên như cuồng.
Mạnh Thiều chú ý nhìn những phím đàn màu trắng dưới những ngón tay của mình, rồi những phím đàn màu đen. Chàng để cho những ngón tay mình lướt qua những phím đàn lạnh băng một cách thuần thục, từng lần rồi từng lần. Đầu óc chàng hình như trống rỗng, không còn một tư tưởng, chàng chỉ đàn bản nhạc này một cách máy móc, trong trạng thái mơ hồ, mông lung, cái ý thức duy nhất mà chàng cảm thấy được, là nỗi đau đớn cuồn cuộn, tiềm tàng trong từng tế bào tim óc, nhớ lại lần đầu tiên gặp Uyển Lan và giọng nói vui vẻ, hóm hỉnh, ngây thơ của nàng:
- Tôi là một áng mây!
Một áng mây! Một áng mây! Em đã bay đi phương nào? Một áng mây! Một áng mây! Em lúc nào cũng vời vợi trên cao! Một áng mây! Một áng mây! Ồ! Mình cũng đã từng chiếm hữu áng mây đó, mình cũng đã từng ôm lấy áng mây đó! Thế nhưng cuối cùng, vẫn giống như Từ Chí Ma đã nói:
- Anh đi rồi... không đem theo một áng mây màu!
Đúng vậy, chàng sắp được tòa soạn gửi đi ngoại quốc công tác, ba tháng! Có thể, trong ba tháng đó, chàng sẽ bị rớt phi cơ chết mất xác, như thế sẽ ứng nghiệm vào những lời nói của Từ Chí Ma:
- Anh đi rồi, ... không đem theo một áng mây màu!
Tiếng đàn của chàng đột nhiên trở nên gấp rút và nặng nề hơn, như tiếng mưa rơi cuồng loạn, như tiếng gió bão vần vũ thê lương, tiếng đàn đó đánh dội vào màn đêm tịch mịch, đánh dội vào ánh bình minh sắp sửa dâng lên. Chàng đập mạnh những ngón tay mình lên trên phím đàn, những ngón tay chàng chuyển động trong trạng thái nửa tê nửa dại, hình như không phải chàng đang đánh lên những phím đàn, mà chàng đang tự đánh lên định mệnh của chính mình, chàng càng đánh càng nặng, càng đánh càng nhanh, cả cuộc đời chàng gọp lại, hình như cũng không đánh đàn nhiều hơn đêm nay. Sau đó, một âm điệu bị sai đi, tiếp theo đó, nhiều âm điệu khác bị sai theo, khúc nhạc đã bị sai âm lạc điệu.
- Em là một áng mây!
Lơ lửng lưng chừng trời.
Áng mây trời thỉnh thoảng,
Che phủ trái tim anh...
Bài hát chỉ có thế, mà cũng không thể đàn hoàn hảo được, chàng đập thật mạnh lên trên phím đàn, cây đàn phát ra tiếng “ùm” thật lớn, tiếng đàn ngưng bặt, chàng đậy mạnh nắp đàn lại, gục đầu tựa trán lên trên cây đàn.
Bà Mạnh cảm thấy trái tim mình rúng động thật mãnh liệt, tiếng đập mạnh cuối cùng của Mạnh Thiều lên trên phím đàn, hình như đã hoàn toàn đập lên trên trái tim bà, bà cảm thấy, cả trái tim của mình hình như đã bị đập đến vỡ tan đi. Bà cảm thấy chấn động, bàng hoàng, kinh hoảng, sợ hãi và đau đớn khôn cùng, từ phía sau, bà nhìn thấy cái dáng ngồi gục lưng đó của Mạnh Thiều, phần lưng rộng mênh mang đó, mái tóc đen bồng bềnh đó, giống hệt như người cha đã quá cố của chàng. Chồng của bà đã chết đi rồi! Còn con trai của bà thì sao?
Bà từ từ đứng dậy, từ từ bước đi, từ từ lặng lẽ bước đến bên Mạnh Thiều, không một tiếng động.
Bà nhìn chàng chăm chú, đưa tay ra, bà định vuốt ve mái tóc của chàng, thế nhưng, bà rụt rè rút tay lại. Bà không dám đụng vào chàng! Bà thật sự không dám đụng vào chàng! Hít vào một hơi dài, bà đầu hàng rồi, bà khuất phục rồi, bà thật sự cảm thấy mình đành phải chịu đầu hàng thôi!
Thanh âm của bà vang lên, đơn điệu và thành khẩn:
- Thiều Thiều, ngày mai mẹ sẽ đi đến nhà họ Đoàn! Mẹ sẽ thân hành đến thăm Uyển Lan, thân hành đến thăm cha mẹ của nàng, thay con cầu hôn với gia đình nàng, nếu như thời gian còn kịp, con vẫn có thể làm đám cưới trước khi đi Mỹ.
Chàng vẫn ngồi gục ở đó, không một cử động. Giọng bà Mạnh thật nhẹ:
- Thiều Thiều, con không tin mẹ sao? Trời đã gần sáng rồi, mẹ không cần đợi đến ngày mai, hôm nay mẹ sẽ đi ngay! Mẹ sẽ thuyết phục Uyển Lan, nếu như nàng vẫn còn giận dữ, nếu như cần thiết, mẹ sẵn sàng xin lỗi nàng.
Cuối cùng Mạnh Thiều cũng chậm chạp ngẩng đầu lên, sắc mặt chàng trắng nhợt như những phím đàn màu trắng của cây dương cầm, đôi gò má của chàng đã hóp vào thật sâu, đôi mắt của chàng chứa đầy những sợi gân máu đỏ li ti. Thế nhưng, ánh mắt đó vẫn chứa đầy nét âm u, cuồng nhiệt và hừng hực nét bức bách người đối diện. Chàng nhìn thẳng vào mẹ, gương mặt không một chút biểu lộ tình cảm. Chàng chậm chạp mở miệng, thanh âm cũng không một chút biểu lộ cảm tình.
Giọng nói của chàng cứng nhắc, mệt mỏi, máy móc:
- Trễ quá rồi! Nàng đã lấy chồng từ ba hôm trước rồi!
Đứng dậy, chàng lảo đảo xông vào phòng của mình, không hề quay đầu lại, cánh cửa phòng đóng sầm thật mạnh trước mặt bà Mạnh.
Bà Mạnh bàng hoàng, ngớ ngẩn đứng nơi đó, thật lâu, thật lâu, bà không thể suy nghĩ, cũng không thể cử động, sau đó, bà cảm thấy toàn thân run rẩy và không còn một chút sức lực nào, không kềm chế được, bà ngồi phệch xuống chiếc ghế bên cạnh cây đàn mà Mạnh Thiều vừa ngồi ban nãy, xuất phát từ bản năng, bà mở nắp đàn ra, nhẹ nhàng, máy móc, bà đánh lên vài ba âm điệu, bà bàng hoàng phát hiện ra, mình đang lập lại bài hát mà Mạnh Thiều đàn lúc nãy:
- Em là một áng mây,
Lơ lửng lưng chừng trời.
Ánh mây trời thỉnh thoảng,
Che phủ trái tim anh!
Anh đừng nên xao động,
Cũng chẳng cần reo vui.
Vì áng mây khoảnh khắc,
Đã mất dạng tăm hơi...
Nước mắt rút cuộc cũng đã từ từ trào ra từ hai bên khoé mắt của bà, rơi lặng lẽ trên những phím đàn.
Một tuần lễ sau, Mạnh Thiều lên phi cơ đi công tác ở Mỹ.
- o O o -
Cùng với khoảng thời gian Mạnh Thiều xuất ngoại, Uyển Lan và Hữu Phong đang cùng nhau hưởng “tuần trăng mật” ở Nhật Nguyệt Đàm, thưởng thức sắc hồ màu núi.
Tuy rằng Nhật Nguyệt Đàm là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất của Đài Loan, thế nhưng, đây lại là lần đầu tiên Uyển Lan đến đó, chỉ tại vì nhà họ Đoàn không phải là một gia đình khá giả, du lịch từ trước đến nay đối với họ, là một chuyện vô cùng xa xỉ và khó thực hiện. Đến Nhật Nguyệt Đàm, họ ở Hàm Bích Lầu, vừa vào căn phòng ngủ sang trọng của khách sạn, mở tấm màn cửa sổ ra, trước mặt nàng là một trời đầy màu hồ sắc núi, Uyển Lan kinh ngạc và cảm thấy huyễn hoặc khôn cùng:
- Ồ, Hữu Phong, anh không nên tốn tiền nhiều như thế này, loại khách sạn như thế này nhất định là phải đắt khủng khiếp!
Hữu Phong tiến đến, ôm lấy vòng eo nàng từ phía sau lưng, cùng đứng với nàng trước cửa sổ, nhìn vào hồ nước và núi non trước mặt, chàng nói:
- Đừng nên lo lắng chuyện tiền bạc, được không? Chúng ta chỉ tốn có một lần này thôi, em biết đó, đời người chỉ có một lần trăng mật... Ồ... anh nói sai rồi...
Chàng hơi ngớ người ra. Nàng cũng hơi ngớ ngẩn:
- Sao vậy? Sao lại sai?
Chàng thì thầm bên tai nàng:
- Chúng ta sẽ có rất nhiều, rất nhiều tuần trăng mật! Chúng ta sẽ cùng nhau đi trên con đường đời này mấy chục năm, trong mấy chục năm đó, sẽ có hằng hà sa số những ngày tháng đếm không xuể, mỗi một ngày tháng đó, đều sẽ là tuần trăng mật của chúng ta! Đợi đến khi mái tóc của hai chúng ta đều đã bạc trắng phau phau, chúng ta vẫn còn cùng nhau hưởng tuần trăng mật!
Nàng quay đầu lại nhìn chàng, ánh mắt trong vắt và nhẹ nhàng, như nước, như mơ, nàng mỉm cười nói:
- Chưa biết chừng, đến khi em già đi rồi, anh sẽ không còn yêu em nữa!
Chàng nhìn nàng chăm chú, giọng chàng thâm trầm, tha thiết:
- Em hãy chờ xem! Ngày tháng thế nào rồi cũng sẽ từ từ qua đi, bây giờ chúng ta cảm thấy tuổi già là một chuyện vô cùng xa vời, dịu vợi, thế nhưng, thế nào rồi cũng sẽ có một ngày, nó cũng sẽ đến trước mặt chúng ta. Đến lúc đó, em đừng nên quên những lời anh đã nói hôm nay, chúng ta sẽ hưởng tuần trăng mật suốt cả đời...
Chàng hôn nhẹ lên chót mũi xinh xắn, nho nhỏ của nàng, giọng chàng dịu lại, nhìn thật sâu vào đáy mắt nàng:
- ... Uyển Lan, em lấy anh, có hối hận không?
Nàng nhìn trở lại chàng thật sâu, đưa tay choàng lên cổ chàng, nàng dùng nụ hôn thay câu trả lời. Thế nhưng, trong nụ hôn đó, có một hình bóng thoáng qua óc nàng, nhanh như điện chớp, nàng không thể không lập tức quay đầu đi, để trốn tránh ánh mắt bén nhạy của chàng.
Sau khi sắp xếp xong hành lý, bọn họ đi ra khỏi khách sạn, ánh mặt trời rất tốt, chiếu rọi chan hòa trên mặt đất, dịu dàng và ấm áp. Bây giờ đang là mùa nở rộ của Đỗ Quyên và hoa hồng, vườn hoa trước hội quán giáo sư, mang đầy sắc tím hồng rực rỡ, như một tấm thảm đầy đủ sắc màu. Bọn họ không lái xe, mà thả bộ về phía hồ nước, những chiếc du thuyền neo trên mặt hồ lập tức vây lại, bắt đầu kiếm khách. Có hai loại du thuyền, một loại chạy bằng máy, một loại chèo bằng tay. Hữu Phong quay đầu nhìn nàng:
- Đi loại du thuyền nào?
Nàng cố ý trắc nghiệm tâm ý của hai người:
- Anh thấy sao?
- Đi loại chèo tay nhé!
Nàng mỉm cười rạng rỡ.
Ngồi vào chiếc thuyền chèo tay nho nhỏ bằng cây, người lái thuyền chống mũi dầm xuống nước, chiếc thuyền rời bến, bắt đầu hướng về phía trung tâm hồ. Hữu Phong và Uyển Lan ngồi sánh vai nhau, chàng nhìn nhìn trời, nhìn nhìn mây, nhìn nhìn ánh nắng, nhìn nhìn dãy núi, nhìn nhìn mặt hồ, cuối cùng, ánh mắt chàng vẫn không thể không dừng lại trên người nàng. Nàng vẫn còn là cô dâu mới, thế nhưng, nàng đã trút bỏ lớp áo lụa là, vòng vàng trang sức. Nàng chỉ mặc chiếc áo sơ mi màu hồng phấn thật đơn giản, cùng chiếc quần tây màu trắng tinh, đúng với tác phong thường nhật của nàng, đơn giản và thanh nhã. Ánh nắng lung linh trên mái tóc nàng, lung linh trên đôi gò má nàng, lung linh trong đôi mắt nàng. Từ lúc thân thế nàng bị tiết lộ, trên người nàng lúc nào cũng như có một nét ưu uất không nguôi, quét không đi, vẩy không sạch! Bây giờ, nét ưu uất đó như đã được thu hồi lại. Có thể, nàng đang cố gắng tự kềm chế lấy nó, thậm chí ngụy trang đi, dù sao đi nữa, vào lúc này, chàng không thể nào tìm được bóng dáng của nét ưu uất đó... nàng đã cảm thấy được cái nhìn chăm chú của chàng, quay đầu lại nhìn chàng, gương mặt nàng đỏ hừng hừng.
Nàng vừa cười vừa như nũng nịu:
- Anh không nhìn phong cảnh chung quanh, mà chỉ lo nhìn em làm gì vậy?
- Em đẹp hơn phong cảnh!
Nàng vừa cười vừa mắng:
- Xạo quá!
- Thật mà!
- Như vậy chúng ta đến Nhật Nguyệt Đàm này để làm gì? Tại sao lại không ở nhà, anh chỉ cần nhìn em là đủ rồi!
Chàng đưa tay lên gải gải đầu, gương mặt như thể rất ngây ngô:
- Nhưng mà... như vậy đâu có được!
- Tại sao lại không được?
- Em quả thật là đẹp hơn phong cảnh, nhưng mà... phong cảnh đẹp hơn anh, anh có thể chỉ cần nhìn em là đủ rồi, nhưng em không thể chỉ nhìn anh không thôi!
Nàng không nhịn được tiếng cười.
Chàng nhìn nàng xuất thần, thu lại nụ cười. Thở ra một hơi dài mãn nguyện, chàng nắm lấy tay nàng thật chặt:
- Em có biết không? Uyển Lan? Đã lâu thật lâu rồi, anh không còn nhìn thấy em cười một cách rạng rỡ như thế này, em cần phải cười luôn như thế này mới được, em không biết là nụ cười của em dễ thương biết mấy!
Nàng hơi ngẩng người ra, phảng phất đâu đây, trong ký ức có một thanh âm đã từng nói với nàng:
- Chưa bao giờ tôi thấy có người con gái nào thích cười như cô!
Cùng một thanh âm đó cũng đã nói:
- Em thích cười vậy, mỗi lần em cười như thế, anh lại muốn hôn em!
Nàng không cười nữa, nàng cười không nổi nữa. Không hiểu tại sao, có một mối u uất nhè nhẹ, bắt đầu giăng phủ lên đầu mày đuôi mắt của nàng. Nàng quay đầu qua, tránh nhìn thẳng vào mặt Hữu Phong, cúi đầu xuống, nàng dùng tay khoát khoát nước hồ. Đột nhiên, nàng như ngẩn ngơ, bàng hoàng, nhìn trân trối vào mặt hồ, không một cử động.
Hữu Phong không hiểu chuyện gì đã xảy ra, chàng cũng vươn cổ ra, đưa mắt nhìn xuống nước, hỏi:
- Sao vậy? Trong nước có gì vậy? Có cá hở? Có cỏ dưới nước hở?
Không phải cá, không phải cỏ, mặt nước hồ đang in rõ ràng hình ảnh của đám mây lờ lững trên trời.
- “Em là một áng mây,
Lơ lững lưng chừng trời.
Áng mây trời thỉnh thoảng,
Che phủ trái tim anh!
Anh đừng nên xao động,
Cũng chẳng cần reo vui.
Vì áng mây khoảnh khắc,
Đã mất dạng tăm hơi!”
Trái tim nàng như bị bóp chặt lại, đau đớn. Hữu Phong kinh ngạc kêu lên:
- Ê, Uyển Lan! Em nhìn cái gì vậy? Trong nước có gì đâu!
Uyển Lan định thần lại, nàng dùng tay khuấy nước, đám mây vỡ tan đi:
- Vâng, trong nước chẳng có gì hết, em đang ngạc nhiên, tại sao trong nước lại chẳng có gì!
Hữu Phong bật cười lên, chàng nói:
- Không một ai có thể biết được, trong đầu em đang nghĩ những gì!
Nàng cảm thấy xấu hổ, liếc mắt nhìn chàng, nàng không biết trong lời nói của chàng còn có ẩn ý gì khác không? Gương mặt của nàng, bất giác cảm thấy nóng bừng lên.
Suốt một buổi chiều, họ chèo quanh hồ hết một vòng. Đi đến đảo Quang Hoa, cùng chụp hình với các cô gái miền núi. Đi đến Huyền Vũ Tự, leo lên mấy trăm bậc tam cấp. Họ đi hết “Nguyệt” Đàm, cũng không bỏ qua “Nhật” Đàm. Hữu Phong cũng không miễn được những tục lệ của người đời, chàng cũng đem theo máy ảnh, chụp hình cho nàng đủ chỗ. Khi thuyền đến một khu cỏ xanh rì trên bờ của Nhật Đàm, đột nhiên Uyển Lan muốn đi bộ một lát, họ cùng nhau lên bờ. Một khu đồng cỏ xanh rì nguyên thủy, hiện ra trước mắt họ, hoàn toàn không có sự khai thác của con người, cỏ mọc cao lên tới gối.
Uyển Lan không ngừng đi sâu vào trong, Hữu Phong kêu lên:
- Đừng vào trong sâu quá em ạ, coi chừng trong cỏ có rắn đấy!
Nàng cười cười, nhưng vẫn bướng bỉnh tiếp tục đi sâu vào, sau đó, hai người nhìn thấy hai căn nhà lợp bằng tranh của người miền núi, trước nhà, có hai con trâu nước, đang đứng ung dung ăn cỏ, một đứa trẻ người miền núi, làn da bị phơi nắng đen như mun, đang cưỡi trên lưng một con trâu, thằng bé cầm trên tay một chiếc lá mà hai người không biết tên, quấn lại đưa lên miệng thổi như thổi tiêu. Nhìn thấy hai người, thằng bé miền núi giương to mắt, nhìn họ một cách hiếu kỳ.
Uyển Lan thở ra một hơi dài cảm khái:
- Ồ! Em thật sự muốn ở lại đây vĩnh viễn, cất một mái nhà tranh, nuôi hai con trâu...
- Sinh một đứa con!
Hữu Phong tiếp lời nàng. Nàng trừng mắt nhìn chàng một cái, nói tiếp:
- Ở đây, đời sống đơn thuần biết mấy, bình lặng biết mấy, vĩnh viễn không có sự tranh dành với nhân thế, và vĩnh viễn cũng không có sự buồn phiền, không cần phải lo lắng, sợ hãi, cũng không có sự tự ti, tự ái, mặc cảm...
Chàng dịu giọng nói:
- Uyển Lan! Chẳng lẽ khi trở về Đài Bắc, em sẽ lại lo lắng, sợ hãi, sẽ lại đối diện với lòng tự tin và sự mặc cảm hay sao?
Nàng hơi ngẩn người ra, hình ảnh của người đó lại hiện ra trước mặt nàng, cái anh chàng Mạnh Thiều bướng bỉnh, tự phụ, nóng nảy và cuồng nhiệt như lửa đó! Chàng có chịu buông nàng ra chăng? Chàng có chịu tha cho nàng chăng? Chàng có cam tâm nhận chịu số phận như thế, không còn tìm cách dây dưa với nàng chăng? Nàng cắn cắn răng, im lặng không nói.
Chàng tiến đến bên nàng, dịu dàng ôm ngang eo nàng, giọng chàng thì thầm, tha thiết:
- Anh nói cho em nghe, em sẽ không bao giờ sợ hãi, sẽ không bao giờ còn mặc cảm tự ti nữa, em là tất cả của anh, là niềm vui, là hạnh phúc của anh! Là kho tàng quý báu nhất, to lớn nhất của anh! Uyển Lan, anh sẽ bảo vệ kho tàng của anh, sẽ không bao giờ có ai cướp được em từ trong vòng tay anh...
Đột nhiên, nàng rùng mình sợ hãi, vì muốn che dấu đi sự run rẩy bất thần đó, nàng cố ý vùng thoát ra khỏi vòng tay chàng một cách nhanh nhẹn, miệng kêu to lên:
- Hữu Phong, em muốn chụp một tấm ảnh với con trâu kia!
Hữu Phong nổi hứng, cầm máy ảnh lên, chàng nhắm về hướng con trâu:
- Được lắm, tấm ảnh này nhất định là sẽ tham gia được giải nhiếp ảnh toàn quốc đó, tựa đề của nó sẽ là “Thiếu nữ ngây ngô và con trâu cui”! Ê, đứng gần vào một chút, em cách con trâu xa quá, làm sao có thể chụp dính hết cả hai được? Tiến vào gần chút nữa, thêm chút nữa...
Uyển Lan bước từng bước đến gần con trâu, Hữu Phong không ngừng bảo nàng tiến đến gần, nàng tiến gần thêm hơn nữa. Con trâu đó bắt đầu thở phì phò ra từ hai lỗ mũi, hai con mắt trừng trừng nhìn Uyển Lan, trong lòng Uyển Lan bắt đầu đánh lô tô, một luồng cảm giác lạnh ngắt chạy dọc theo xương sống, nàng kêu to lên:
- Ê, anh chụp nhanh lên đi chứ! Con trâu này hình như nó hơi quạu...
Nàng nói chưa dứt lời, con trâu đó đột nhiên rống lên một tiếng to, nó xông thẳng về hướng Uyển Lan, bộ vó hung hăng như thể ra trận đấu nơi đấu trường. Uyển Lan kêu lên một tiếng “ui cha” thật to, co giò phóng chạy, thằng bé cưỡi trên lưng trâu phá ra cười như nắc nẻ. Uyển Lan loạng choạng chạy về phía Hữu Phong, con trâu đã đứng dừng lại rồi, mà nàng vẫn còn chạy, chân nàng vướng phải một nhánh cây khô nào đó, bước chân loạng choạng không vững, ngã nhào xuống đất. Hữu Phong hốt hoảng đưa tay ra đỡ nàng, cả người nàng ngã nhào ngay vào lòng Hữu Phong, vừa vặn trong vòng tay ôm của chàng.
Hữu Phong cúi đầu xuống nhìn vào đôi mắt đang mở to, xoe tròn của nàng, cùng gương mặt vẫn còn phảng phất nét kinh hoàng, sợ hãi của nàng, hồi lâu, hồi lâu, sau đó, chàng cúi sát đầu xuống, đôi môi chàng áp chặt vào đôi môi nàng, dịu dàng, đằm thắm.
Nàng vùng vẫy tránh đi, gương mặt đỏ bừng:
- Anh không sợ thằng bé người miền núi đó thấy sao?
Chàng hỏi:
- Thấy thì đã sao? Nó rồi cũng sẽ lớn lên, có một ngày, nó cũng sẽ làm chuyện giống như thế này thôi!
Chàng dùng sức kéo nàng vào lòng chàng, giọng chàng êm nhẹ như tơ:
- Đừng nên trốn chạy khỏi vòng tay anh, đừng bao giờ!
Nàng nhướng đôi mi cong, nhìn trừng trừng vào đôi mắt tràn đầy nét tinh anh, trí tuệ, hiểu biết và chan chứa ân tình của chàng, nàng cảm thấy ngẩn ngơ cả cõi lòng.
Buổi tối, hai người nằm với nhau trên giường, kéo màn cửa ra hai bên, cả hai cùng nằm ngắm những vì sao lấp lánh trên nền trời xa thẳm, cùng mảnh trăng lưỡi liềm cong cong. Thật lâu, thật lâu, cả hai người đều cùng không nói gì, sau đó, Hữu Phong cất tiếng hỏi lặng lẽ:
- Nói cho anh nghe, em đang nghĩ những gì?
Nàng nói thật thẳng thắn:
- Em đang nghĩ, đến lời anh nói lúc ban chiều.
- Lúc chiều anh nói rất nhiều câu, em đang nghĩ đến câu nào vậy?
- Đừng nên trốn chạy khỏi vòng tay anh!... Anh nghĩ rằng, em vẫn còn trốn chạy khỏi vòng tay anh chăng?
Giọng nàng hơi ngập ngừng. Chàng hỏi ngược lại:
- Em có không?
Nàng quay đầu nhìn chàng, đột nhiên, có hai giọt nước mắt lấp lánh trong đôi mắt của nàng.
- Khi bằng lòng lấy anh, em đã thề nguyền với lòng mình, em sẽ làm người vợ trung thành nhất, lâu dài nhất, dịu dàng nhất của anh. Như mẹ em đối với ba em, như mẹ anh đối với ba anh.
Chàng quay người lại, ôm chầm lấy nàng.
Chàng thì thầm bên tai nàng:
- Xin lỗi em, anh xin lỗi em về câu nói của anh lúc ban chiều. Em biết đó, nhiều lúc anh cũng rất ngu si, như con trâu hôm nay vậy đó, rõ ràng là em có ý thân thiện với nó, thế mà nó lại sửng cồ lên, định làm dữ với em. Anh chính là con trâu ngu si đó.
Nàng mỉm cười đưa tay vò vò vào cằm chàng, giọng nàng thật nhẹ:
- Không, anh không phải là con trâu ngu si. Anh thông minh và đa tình, từ nhỏ em đã quen biết anh, bây giờ em mới biết, anh là một người tinh anh biết mấy...
Nàng vùi đầu mình vào lòng chàng:
- ... Thấy chưa, em ở trong lòng anh đây, em không hề muốn trốn đi!
Chàng đằm thắm ôm chặt lấy nàng.
Ở Nhật Nguyệt Đàm được bốn hôm, bọn họ đều đã có hơi chán, tất cả những danh lam thắng cảnh gần đó, những vùng đất hoang sơ thôn dã, cùng những đồi nhỏ đường đèo mà người khác không đi, họ đều đã đi cùng khắp. Thế là, họ hoạch định sẽ lái xe tiếp tục đi xuống miền Nam, dọc theo ngõ xa lộ Hoằng Quán, còn đang thảo luận, nghiên cứu, thì có hai người khách bất ngờ đến thăm, đem đến cho họ một niềm vui mừng cuồng nhiệt, đó là Triệu Bôi và San San!
Triệu Bôi kêu lên:
- Ê, tụi này cũng đến để chung vui đây! Hy vọng là không làm cho cô dâu chú rể bực bội nhé!
Uyển Lan nắm lấy tay San San, nàng lại bi bi bô bô, vui vẻ nói:
- Thật là hay biết mấy! Tụi em đã bắt đầu thấy chán chỗ này rồi! Đi du lịch phải đông người mới vui, em xem... hay là anh chị hưởng tuần trăng mật ngay bây giờ đi! Dù sao thì cũng còn có hai tháng nữa là đám cưới rồi! Hưởng tuần trăng mật trước hay sau gì cũng vậy thôi!
Gương mặt của San San ửng đỏ lên:
- Uyển Lan! Đừng nói đùa kỳ cục vậy!
Triệu Bôi nhìn nhìn Uyển Lan, lại nhìn nhìn Hữu Phong:
- Ê, Hữu Phong, tao xem mày cũng có bản lĩnh lắm đấy chứ! Con em gái bướng bỉnh, ngang ngược này của tao, hình như đã khôi phục lại khuôn mặt thật của nó rồi đấy!
Hữu Phong cao hứng vỗ vai Triệu Bôi, giọng chàng dòn như pháo Tết:
- Đi! Tao mời hai người đi ăn cơm trưa!
Triệu Bôi nói:
- Phải uống rượu mới được à!
- Thì uống rượu, cho mày uống bao nhiêu cũng được!
San San xen vào:
- Không được, chúng ta đến đây để đi chơi, chứ không phải để uống rượu!
Uyển Lan nói:
- Chị Hai đã có ý kiến đấy, Hữu Phong, anh tiết kiệm lại chút tiền đi!
Triệu Bôi nói:
- Con bé này, vừa mới về nhà chồng, đã lo giữ cái hầu bao cho nó rồi nhé!
Đến phiên gương mặt của Uyển Lan đỏ bừng lên, Hữu Phong cười một cách thật đắc ý.
Sau khi ăn cơm xong, bọn họ cùng nhau đi đến một vườn nuôi công gần đó, nơi đó nuôi rất nhiều con công, sắc màu rực rỡ, những sợi lông vũ sáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, những màu sắc diễm lệ, rạng rỡ đó, tập trung trên mình một con công, làm cho người ta có cái cảm giác khó tin, huyễn hoặc, mơ hồ. Trong lúc bọn họ đứng nhìn những con công đang khoe sắc, Triệu Bôi nắm lấy cơ hội, kéo Uyển Lan qua một bên, nói nhỏ với nàng:
- Anh cốt ý đến đây để nói cho em nghe một chuyện, Mạnh Thiều đã xuất ngoại rồi!
- Hả?
Uyển Lan chấn động cả người, nàng nhìn Triệu Bôi với ánh mắt hỏi han.
- Tòa báo phái hắn đi ngoại quốc, anh nghĩ, hắn đi lần này chắc là cũng phải nửa năm, một năm gì đó mới về, đợi đến khi hắn trở về, thế sự đã biến đổi cả rồi, vật đổi sao dời, hắn ta đi ra ngoài một chuyến như thế, tâm tình cũng sẽ biến đổi. Thời gian và không gian là phương thuốc trị liệu vết thương lòng tốt nhất, cho dù hắn ta có từng bị thương, lúc đó cũng đã lành rồi, huống chi, rất có thể hắn ta không hề bị thương!
Uyển Lan ngẩn ngơ suy nghĩ, nàng bất giác ngẩng đầu lên nhìn trời, vừa đúng lúc có một áng mây trôi ngang qua, thật cao, thật xa. Nàng mơ màng nhớ đến một câu nói của mình:
- Mây là một vật bồng bềnh vô định, anh không thể nào bắt giữ được một áng mây đâu!
Có một thoáng khổ sở khó nói nào đó, đột nhiên úp chụp lấy nàng.
Bổng dưng Hữu Phong kêu to lên:
- Ui cha! Uyển Lan, có con công trống cứ xòe đuôi ra khoe với em kìa, hẳn là nó nghĩ em là con công mái đấy!
San San và Triệu Bôi đều phá lên cười ồ thật to, Uyển Lan cũng miễn cưỡng cười theo.
Mấy tháng đã trôi qua, lặng lẽ, lững lờ.
Ở nhà họ Cố, bà Sơn lúc nào cũng dành làm hết công việc nhà, thói quen đã bao nhiêu năm, bà đã làm mọi công việc một cách thuần thục, tuy rằng đã có con dâu, tuy rằng Uyển Lan và bà vô cùng thân mật, gần gũi nhau, và cũng rất muốn chia xẻ một phần công việc của bà, thế nhưng bà vẫn không quen đem một phần công việc giao cho Uyển Lan. Cộng thêm, Uyển Lan cũng không hề quen với công việc nhà, giao cho nàng xắt cải, thế nào nàng cũng bị đứt tay, giao cho nàng rửa chén, thế nào cũng phải có bị bể hoặc bị sứt mẻ, giao cho nàng ủi quần áo, quần áo thế nào cũng bị cháy, giao cho nàng xào thức ăn, nàng đổ nguyên cả một chảo dầu vào, ngay cả dùng nồi điện nấu cơm, nàng cũng quên cắm điện.
Thế là, sau khi thử được vài hôm, bà Sơn ôm Uyển Lan vào lòng, vừa cười hi hi vừa nói:
- Con ơi, con càng giúp mẹ càng bận, mẹ xem, tốt nhất là để mẹ làm hết cho rồi! Con cứ yên tâm, mẹ không vì con không biết làm công việc nhà, mà không thương con nữa đâu! Con gái thời của con bây giờ, từ nhỏ đã phải tập trung hết tinh thần vào việc học hành, nào Quốc ngữ, Anh ngữ, toán học, hóa học, vật lý, công dân... mọi việc đều phải biết, thế nhưng đời sống thực sự, thì lại không biết đối phó ra sao!
Mấy câu nói đó của bà Sơn, đã diễn tả thật thâm thúy về thế hệ phụ nữ ngày nay. Thật vậy, con gái thời bây giờ, người nào cũng được hấp thụ nền giáo dục, từ ba, bốn tuổi đã được vào học lớp mẫu giáo, sau đó là tiểu học, trung học rồi đại học... bài vở, sinh hoạt ở trường đã làm cho họ thở không nổi, làm gì có đủ thì giờ và tinh lực để học nữ công gia chánh?
Ở nhà làm một kẻ “ăn không ngồi rồi”, mỗi ngày Hữu Phong lại phải đi làm, do đó Uyển Lan cảm thấy thì giờ của mình trống trải, sinh hoạt tẻ nhạt một cách kỳ lạ. Lúc đầu, nàng cứ trở về nhà cha mẹ, nắm lấy áo mẹ theo thói quen cũ, sau đó, Triệu Bôi làm đám cưới, San San về ở chung, sự chung đụng giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng vô cùng vui vẻ, hòa thuận. Thế là, cái mặc cảm tự ti vô duyên kỳ cục của Uyển Lan lại cất cao đầu lên, nàng nghĩ, mình đã không phải là con ruột của bà Sâm, thì không nên tranh dành sự thương yêu của bà Sâm với San San làm gì. Với cái tâm tình kỳ lạ, ngay chính cả nàng cũng không hiểu được đó, số lần trở về nhà cha mẹ của nàng cũng dần dần giảm hẳn xuống.
Tháng sáu, khí trời đã trở nên vô cùng oi bức, buổi chiều hôm đó, đột nhiên Uyển Lan chạy đến công trường tìm Hữu Phong. Hữu Phong đang leo lên dàn chim ưng để kiểm soát dàn cốt sắt đang dựng lên của công trình xây cất đó, Uyển Lan dùng tay che ngang trán, che đi ánh nắng mặt trời, ngẩng đầu lên nhìn Hữu Phong lúc đó đang ở trên tầng lầu thứ 10. Từ dưới nhìn lên trên, thân hình của Hữu Phong chỉ là một chấm đen nhỏ, nàng gần như không thể nào nhìn ra trong những bóng dáng đó, cái nào là Hữu Phong, mà chỉ dựa vào bộ y phục Hữu Phong đi làm lúc sáng: chiếc áo sơ mi màu café sữa nhạt và chiếc quần tây màu kem, để đoán ra chàng. Đứng từ dưới nhìn lên như thế, trong lòng nàng mới hơi có chút khái niệm, nàng cứ nghĩ rằng công việc của Hữu Phong rất nhẹ nhàng, lương lại tương đối cao. Kỹ sư mà, ngồi văn phòng vẻ đồ án, viết kế hoạch là được rồi, ai ngờ, dưới ánh nắng chang chang của mặt trời mùa Hạ, chàng vẫn phải leo lên, tuột xuống, thảo nào mà càng phơi càng đen, ngó bộ, lương cao cũng có lý do của lương cao, trên cõi đời này không hề xảy ra chuyện không làm mà hưởng bao giờ! Mà cũng tội nghiệp Hữu Phong, ở nhà, chàng không bao giờ nói đến công việc làm, cũng không bao giờ oán than, càng không bao giờ kêu khổ. Thật sự mà nói, Hữu Phong quả thật là một thanh niên có đầu óc thực tế, có quan niệm ăn chắc mặc bền, và cũng là một người chồng không thể chê trách vào đâu được!
Hữu Phong đã tuột từ trên thang máy xuống rồi, cả người chàng bám đầy bụi, gương mặt chàng dính đầy đất, đầu chàng đội chiếc nón làm việc, trông thật buồn cười. Nhìn thấy Uyển Lan, chàng tỏ vẻ bất ngờ và mừng rỡ vô hạn, cởi nón ra, chàng chạy nhanh đi rửa mặt, rửa tay, sau đó vừa cười hi hi vừa chạy đến bên Uyển Lan.
- Uyển Lan, sao lại nghĩ đến chuyện đến đây đón anh vậy!
- Ở nhà vô tích sự, nên muốn đi chơi một chút, với lại em cũng có việc cần bàn với anh, do đó mà đến đây!...
Nàng ngẩng đầu lên nhìn dàn chim ưng:
- ... Anh lên trên đó làm gì vậy?
- Mỗi lần dựng dàn cốt sắt, anh đều phải lên trên để kiểm soát, cái dàn đó gọi là dàn chim ưng...
Chàng giải thích cho nàng nghe, một mặt đưa tay ra kéo lấy nàng, nói một cách vui vẻ:
- ... Đi, anh dẫn em đi xem, từ trên cao nhìn xuống, thấy người ta nhỏ như con kiến, xe hơi giống như cái hộp quẹt, vui lắm.
Nàng lùi lại một bước:
- Ồ! Em không đi đâu, em sợ cao lắm!
Hữu Phong nói:
- Bậy bạ, chưa bao giờ anh nghe nói, em mắc chứng sợ chiều cao! Lúc còn nhỏ, em leo lên nhánh ngang của cây to, đưa qua đưa lại, không chịu leo xuống, làm anh và Triệu Bôi cuống cả lên, bây giờ lại lòi ra chứng sợ chiều cao!
Uyển Lan cười cười, nàng nói:
- Bởi vậy khi lấy chồng, quả thật đừng nên lấy người bạn từ thời thơ ấu của mình!
- Tại sao vậy?
- Anh ta nhớ hết tất cả những chuyện đái dầm khóc nhè của mình, không sót một thứ!...
Nàng lại ngước mắt nhìn lên dàn “chim ưng”:
- ... Tại sao lại gọi là dàn chim ưng vậy anh?
- Anh cũng không biết, có thể là tại vì nó quá cao, chỉ có thể có loại chim ưng mới bay tới chăng?... Em thật sự không muốn lên xem à?
Chàng nhìn nàng soi mói. Nàng lắc lắc đầu, giọng nàng trầm tư:
- Khi còn bé, lúc nào cũng thích trèo cao, khi lớn lên rồi, cảm thấy bước trên đất bao giờ cũng vững vàng hơn.
- Em nói thế là có ý gì? Sao tự dưng lại mở miệng nói chuyện như một triết gia vậy?
- Ý em muốn nói là, em rất bình thường, em không muốn ở nơi cao, vì em sợ mình sẽ bị té xuống đất, em chỉ thích hợp làm một người đàn bà bình thường. Thế nhưng, lúc gần đây, em lại rất hoài nghi, hình như ngay cả hai chữ “bình thường” em cũng làm không được.
Chàng nhìn nhìn nàng, sau đó đưa tay ra dìu nàng, họ cùng nhau đi đến một chỗ có bóng râm của khu công trường, nơi đó có nguyên cả một đống cột sắt và nguyên liệu xây cất, chàng kéo nàng ngồi lên trên đám vật liệu xây cất đó. Giọng chàng nói có vẻ trầm tư và hiểu biết:
- Anh biết, lúc gần đây, em không cảm thấy vui, em rất cô độc, công việc trong nhà đã không làm được, lại không có gì có thể nói chuyện nhiều với mẹ. Uyển Lan, anh xin lỗi là anh đã quá bận, không có nhiều thì giờ cho em. Thế nhưng, lúc nào anh cũng chú ý đến em, anh hiểu được sự cô độc của em.
Uyển Lan nhìn chàng chăm chú, đôi mắt nàng long lanh ánh sáng, nàng thấp giọng nói:
- Hữu Phong, anh quả thật là một người chồng rất tốt! Do đó, em muốn bàn với anh một chuyện.
- Nói đi!
- Anh xem, ở nhà, ai cũng có việc riêng, mỗi ngày ba đều đi làm, tuy rằng chỉ là một công chức, lương không cao lắm, thế nhưng ông cũng hăng hái đến sở bao nhiêu năm nay, không biết mệt mỏi. Mẹ lo lắng công việc nhà thật chu đáo, việc lớn việc nhỏ, bà đều một tay bao hết, không cần tới sự phụ giúp của em. Còn anh, khỏi cần phải nói, anh là người bận nhất nhà. Còn lại có một mình em, hình như chỉ có mình em là người ăn không ngồi rồi!
Hữu Phong nhìn nàng, đôi mắt chàng dịu dàng, đằm thắm:
- Em nghĩ xem sao?... Chúng ta nên có một đứa con, như vậy, em sẽ không có cái cảm giác trống trải, cô đơn nữa.
Nàng hơi ngẩn người ra, trong lòng nàng bất giác dâng lên một cảm giác lạnh lẽo, nàng cuống quýt nói:
- Không không! Bây giờ chúng ta đừng nên có con, em còn quá trẻ, không thích hợp làm mẹ, để thêm vài năm nữa đã.
Chàng nhìn nàng thật chăm chú. Đưa tay ra nắm lấy tay nàng, chàng hỏi:
- Tại sao lại không muốn có con? Còn quá trẻ? Đó không phải là lý do! Uyển Lan, trong tận cùng tâm hồn em, em có cái cảm giác sợ hãi sinh mệnh chăng?
Nàng suy nghĩ giây lát, thẳng thắn nhìn chàng:
- Đúng vậy!
- Tại sao?
Nàng thấp giọng:
- Tại vì em là một đứa con rơi, anh Hai cũng vậy. Còn nhớ một câu anh đã nói với em không? Trong cô nhi viện có hằng hà sa số những đứa trẻ không được hoan hỉ tiếp nhận, em không muốn tạo ra một sinh mệnh...
Chàng chau đôi chân mày lại, ngắt lời nàng:
- Ồ! Uyển Lan! Em có thấy là cái thí dụ của em không được thích đáng cho lắm không? Con của chúng ta sẽ không được hoan hỉ tiếp nhận sao? Chúng ta yêu nhau, cha mẹ của chúng ta cũng mong muốn có được một đứa cháu, nếu như chúng ta có một đứa con, nó sẽ được sinh ra trong một gia đình vui vẻ nhất trên đời, sao em lại có thể đem nó ra so sánh với những đứa trẻ trong cô nhi viện cho được? Uyển Lan,...
Chàng nhìn thẳng vào đôi mắt nàng, nói thật nghiêm trang:
- ... đừng nên vì em là một đứa con rơi, mà phủ nhận hết tất cả mọi sinh mệnh. Như vậy, em sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, em cần phải cố gắng khắc phục cái tâm lý bất bình thường đó của em mới được.
Nàng nhìn chàng như cầu khẩn, nàng nói:
- Em biết rằng cái tâm lý đó có thể là bất bình thường, thế nhưng, em thật sự rất sợ có con, tự em cũng không hiểu tại vì sao. Em đã nhìn thấy đủ loại người mẹ...
Trong đầu nàng bất giác hiện lên gương mặt của bà mẹ Mạnh Thiều, và gương mặt của người mẹ đẻ ra mình, nàng hơi ngập ngừng một chút, rồi tiếp tục nói:
- ... Em sợ rằng mình yêu con quá, cũng sẽ có hại cho nó, không yêu con, cũng sẽ có hại cho nó. Em sợ có một ngày nào đó, con em sẽ nói với em rằng: Mẹ, con mong rằng mẹ không bao giờ sinh ra con! Ồ! Hữu Phong!...
Nàng dùng tay nâng cằm, giọng nàng trở nên buồn bã, bi ai:
- ... Xin anh tha thứ cho em, ngay bây giờ, em thật sự không muốn có con. Có thể, vài năm nữa, khi em đã chín chắn hơn, em sẽ muốn có con, lúc đó hãy sinh cũng chưa muộn mà, phải không anh? Dù sao thì cả hai chúng ta đều còn trẻ... cho em một chút thời gian, để em khắc phục cái cảm giác sợ hãi đó, được không?
Nàng nhìn thật sâu vào ánh mắt chàng. Chàng đón lấy ánh mắt nàng, một lúc thật lâu, chàng không nói gì, sau đó, cánh tay chàng vòng qua, dịu dàng ôm lấy bờ vai nàng, chàng đưa tay đùa đùa những sợi tóc vướng trên vai nàng:
- Được rồi, Uyển Lan. Em yên tâm, anh sẽ không miễn cưỡng em sinh con đâu... Chuyện em muốn bàn với anh, không phải là chuyện sinh hay không sinh con đâu hở?
Nàng cười cười, nhặt lên một nhánh cây, vẽ lung tung dưới đất:
- Em muốn bàn với anh, em muốn đi làm.
- Ồ! Đi làm ở đâu?
- Lúc sáng, mẹ em gọi điện thoại đến, nói với em là tờ tạp chí mà em làm lúc trước, có gọi điện thoại đến hỏi thăm em, nói rằng ban biên tập của họ đang thiếu người dữ lắm, họ mong rằng em sẽ trở về. Em nghĩ, em ở nhà cũng chẳng có gì làm, lại học hết năm năm về ngành truyền thông, thôi thì đi làm lại, có chút đỉnh tiền phụ vào chi phí gia đình, cũng tốt phải không anh?
Chàng nhìn nàng, cười lên:
- Chuyện phụ với chi phí gia đình, chỉ là nói để chơi thôi, gia đình không thiếu mấy đồng bạc đó của em đâu! Thế nhưng, có một công việc làm chiếm bớt thì giờ của em, cho dù thế nào đi nữa, cũng là điều tốt, huống chi em lại đã học suốt bao nhiêu năm, cũng cần phải thi thố tài năng chứ! Sự thật thì, em không cần phải bàn với anh làm gì, em hoàn toàn có thể tự mình quyết định được mà, đúng không?
Nàng cũng cười:
- Dù sao thì cũng phải bàn với anh chứ, anh là chồng em mà, là chủ gia đình mà!
Chàng càng cười to hơn:
- Chủ gia đình? Em mới là “chủ” của anh đấy chứ!
Thế là, chuyện đã được định như thế. Đầu tháng bảy, Uyển Lan trở về tòa soạn tờ tạp chí làm việc lại. Vì tòa soạn cách nhà không xa lắm, Uyển Lan vẫn thích đi bộ đến sở, dễ dàng hơn đi xe bus nhiều. Đôi khi, Hữu Phong cũng lái xe đưa nàng đi làm, thế nhưng, công việc của Hữu Phong ở công trường không có giờ giấc ổn định, nhất là buổi chiều, lúc nào cũng trễ hơn những cơ quan khác rất nhiều, do đó, chàng không bao giờ đến đón nàng khi tan sở. Dần dần, nàng cũng quen với việc tự mình đi bộ về buổi chiều, dưới ánh nắng hoàng hôn, chậm bước về nhà. Trong khoảng thời gian không có những áp lực của công việc bao quanh, chậm chạp đếm từng bước chân, tắm mình trong ánh nắng rực rỡ của buổi hoàng hôn, nhìn bầu trời chói lọi của một ngày sắp tắt đó, trở thành khoảng thời gian hưởng thụ thoải mái nhất của nàng, vì, trong khoảng thời gian đó, toàn bộ thời gian đều là của riêng nàng, nàng có thể lợi dụng khoảng thời gian này, suy nghĩ về rất nhiều chuyện.
Suy nghĩ về rất nhiều chuyện! Suy nghĩ về những chuyện gì? Nghĩ về cây hoa Kim Cấp Vũ, lại đã nở rồi tàn, nghĩ về những áng mây ở chân trời, đã mấy lần trôi đi trôi lại! Nghĩ đến năm nay và năm xưa, người việc tang thương, bao nhiêu biến đổi! Nghĩ đến đứa con gái đá trái banh bên vệ đường, bây giờ đã đi về đâu? Nghĩ đến đời người như một giấc mộng, chuyện cũ như một thoáng chiêm bao, quá khứ không bao giờ trở lại, tương lai không biết làm thế nào để nắm lấy?... Trong tất cả những tư tưởng đầy dẫy đó, hình như lúc nào cũng có một sợi dây thật nhỏ nào đó, từ trên óc não kéo xuyên xuống đến tận cùng sâu thẳm của trái tim, giờ giờ khắc khắc, lúc nào cũng như nhè nhẹ rung lên, rút lại. Cứ mỗi lần sợi dây nhỏ đó rút lại, nàng lại đột nhiên cảm thấy trái tim mình đau đớn, đau đến độ không thể nào đau hơn nữa! Lắc lắc đầu, nàng biết rằng trái tim mình không nên đau đớn như thế nữa, thế nhưng, nàng không lắc mất được nỗi đau đớn đó. Gục gặt đầu, nàng cũng không gặt mất được nỗi đau đớn đó. Thế là, trong khoảng thời gian đi bộ chầm chậm trong ánh hoàng hôn đó, nàng gần như để cho mình chìm hẳn trong nỗi đau đớn bệnh hoạn đó, mỗi ngày, mỗi ngày. Chỉ trong sự đau đớn đó, nàng mới biết “cái tôi” ẩn dấu của mình, vẫn còn đang sống, vẫn còn đang có sinh mệnh.
Như thế, có một hôm, nàng vẫn tiếp tục đi bộ chầm chậm trong buổi hoàng hôn, thần trí thảng thốt, bước chân tản mạn, cả người nàng như đang chìm đắm trong một thế giới cổ xưa, xa lắc, xa lơ nào đó. Đột nhiên, có một loạt âm thanh của chiếc xe gắn máy vang lên phía sau lưng nàng, thế nhưng, hình như nàng không hề bị kinh động, khi nàng chìm đắm trong khoảng thế giới hư vô đó, thế giới thật sự bên ngoài hình như cũng cách nàng thật xa, thật xa! Thế nhưng, chiếc xe gắn máy đó đột nhiên leo lên đường dành cho khách bộ hành, chận ngay trước mặt nàng, một gương mặt thuộc về thế giới cổ xưa cũ kỷ, thoắt cái xuất hiện ngay trước mặt nàng. Đôi chân mày rậm, đôi mắt to đen, cái thần sắc bướng bỉnh như con ngựa bất kham đó! Nàng kinh hoảng, đứng sựng lại theo bản năng.
Người đó cất tiếng nói, giọng nói chứa đầy một thứ đau đớn như châm biếm, giận dữ, âm u và cuồng bạo:
- Chào bà, bà Phong! Lúc gần đây bà khỏe không? Người bạn thời thơ ấu của bà tại sao không trị được chứng bệnh ưu uất cho bà? Thức ăn ở nhà họ Cố không đủ chất dinh dưỡng hay sao? Tại sao bà lại gầy gò như thế này? Bà đã tìm được niềm hạnh phúc cho mình chưa? Tại sao mỗi buổi hoàng hôn, bà lại cứ như một người đang mộng du thế kia?
Nàng ngớ người ra, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn. Thần trí của nàng, có một khoảnh khắc, như đang bồng bềnh, phiêu du ở cái thế giới xa lắc, xa lơ, cổ xưa, cũ kỹ đó, không kéo trở lại được. Mà cái sợi dây vô hình không nhìn thấy đó, đột nhiên từ trái tim nàng kéo căng một cái thật mạnh, trong nỗi đau đớn nhọn hoắt đó, đột nhiên nàng cảm thấy đầu óc choáng váng, mắt nàng như nổ đom đóm và trán vả đầy mồ hôi.
Và cũng trong cái khoảnh khắc đau đớn đó, nàng bừng tỉnh lại, từ cái thế giới hư vô, mơ hồ đó, nàng bừng tỉnh dậy. Mở to đôi mắt, nàng nhìn cái con người đứng trước mặt mình không chớp mắt, không dám chớp mắt, chỉ sợ nếu chớp mắt, ảo tưởng biến tan đi, tất cả lại trở về với hư vô.
Nàng lẩm bẩm kêu lên:
- Mạnh Thiều, tại sao anh lại ở đây? Em cứ ngỡ... anh... anh... anh từ một tinh cầu nào khác trở về đây?
Giọng nói nàng mơ hồ, thảng thốt, như đang mộng mị, như đang chiêm bao.
Chàng nhìn nàng chăm chú, cất tiếng nói:
- Anh trở về đã gần một tháng nay rồi. Anh theo dõi em cũng đã gần một tháng nay rồi, nghiên cứu em đã gần một tháng nay rồi, tranh đấu với chính mình cũng đã gần một tháng nay rồi, anh không biết là nên buông em ra hay không nên buông em ra! Bây giờ, anh quyết định rồi!... Leo lên xe anh!
Chàng nhìn nàng, giọng chàng chùng xuống và mang theo một thứ mệnh lệnh. Nàng giật mình, tỉnh dậy, thật sự tỉnh hẳn dậy. Nàng nói, giọng nói chứa đầy nét thống thiết, thê lương:
- Mạnh Thiều, anh muốn gì đây?
Giọng nói của chàng càng thêm trầm thấp và bướng bỉnh:
- Leo lên xe của anh! Anh có rất nhiều chuyện muốn nói với em, van em, xin em leo lên xe anh!
Nàng trừng mắt nhìn chàng, lại cảm thấy mơ hồ, lại trở vào cái thế giới hư vô đó. Đó là tiếng gọi đến từ một tinh cầu nào khác, nàng không có cách gì phản kháng lại tiếng kêu gọi đó. Cái lực lượng đó quá mạnh mẽ, sức “người” không thể nào phản kháng lại được. Nàng leo lên xe, hoàn toàn phục tòng, như thể bị thôi miên.
Mạnh Thiều nói:
- Ôm eo anh thật chặt! Anh không muốn làm em té!
Nàng ôm lấy eo chàng thật chặt, thật chặt. Cái thân hình thô thô, đầy nam tính đó của chàng, ép sát vào nàng, nàng bất giác, không thể tự kềm chế được, áp gương mặt mình vào phần lưng rộng lớn đó của chàng. Chiếc xe phóng tới trước, lao nhanh lên, cái lực lượng chấn động đó làm cho nàng nhảy dựng lên một cái, và trong tận cùng tâm khảm, trong cái ý thức mông lung, mơ hồ đó, đột nhiên thoáng qua một cảm giác hoan lạc đến độ gần như cuồng bạo. Mạnh Thiều, Mạnh Thiều, Mạnh Thiều, chẳng lẽ đây thật sự là Mạnh Thiều! Nàng xiết lấy chàng chặt hơn chút nữa, cái cảm giác hoan lạc cuồng bạo đó biến mất, mà thay thế vào đó, là cái cảm giác đau đớn đến lịm người. Mạnh Thiều, Mạnh Thiều, Mạnh Thiều, chẳng lẽ đây thật sự là Mạnh Thiều!
Xe dừng lại trước cửa quán “Nhã Hương”, chàng xuống xe, nàng cũng xuống xe theo chàng một cách máy móc. Nhã Hương, Nhã Hương, lại cũng là một di tích cổ xưa của thế giới! Như cổ thành Pompei, hẳn là nó được đào lên từ đất sâu nghìn trượng!
Mạnh Thiều nói:
- Anh dẫn em đến đây, vì đây là nơi chúng ta hẹn hò nhau lần đầu tiên!
Nàng không nói, mà chỉ bị động theo chàng đi vào “Nhã Hương”.
Chỗ ngồi cũ của hai người còn đang trống, do ở bản năng, họ cùng đi về phía đó, ngồi xuống chỗ góc phòng âm u đó. Trên tường, vẫn là ngọn đuốc, trên bàn vẫn là ngọn đèn dầu. Gọi hai ly café, họ lặng lẽ ngồi nhìn nhau. Mạnh Thiều đốt lên một điếu thuốc, chàng phun ra từng hơi khói thật sâu, hít ra thở vào thật sâu, nhìn trừng trừng vào nàng thật sâu. Nàng bị động ngồi tựa vào chiếc ghế salon, trắng bệch, gầy gò, thần sắc tiêu điều, buồn bã. Như một bức tượng điêu khắc. Đôi con ngươi đen lay láy đó, mơ mơ màng màng, mông mông lung lung. Chàng nhìn nàng chăm chú, nhìn mãi, nhìn mãi, nhìn mãi... mãi đến khi đã hút hết một điếu thuốc, dụi tắt tàn thuốc, ánh mắt chàng bị khói thuốc làm cho trở nên mông lung, mơ hồ. Thế nhưng, xuyên qua màn khói trắng mơ hồ đó, trong tận cùng đáy mắt mông lung đó, vẫn có hai đốm lửa nhỏ, phát ra những tia sáng nhảy múa lung linh, một cách bất an, nguy hiểm, âm u và ưu uất.
Chàng cất tiếng nói, rút cuộc chàng cũng đã cất tiếng nói, thanh âm dịu dàng hơn nàng đoán rất nhiều, dịu dàng đến độ gần như hạ mình khuất phục. Sự hạ mình khuất phục đó, so với sự mạnh bạo ra lệnh cho nàng lên xe khi nãy, còn có tác dụng làm cho nàng cảm thấy tình ý mình rối loạn hơn. Chàng nói:
- Uyển Lan! Anh biết, với địa vị của anh hiện nay, anh không hề có tư cách đến đây nói chuyện với em một lần nữa, xin em tha thứ cho sự cuồng bạo của anh khi nãy, và cũng tha thứ cho cái... tình cảm không thể kềm chế được của anh!
Những chữ cuối cùng chàng vừa nói ra, là những chữ được thốt ra từ trong tận cùng trái tim chàng, chúng đã kéo nàng trở về với hiện thực. Nàng mở to đôi mắt, trừng nhìn vào Mạnh Thiều, tất cả những “thực tế” trong đời sống, thoáng qua đầu óc nàng một cái thật nhanh như điện xẹt. Thế là, lễ giáo, đạo đức, truyền thống... tất cả đều theo cái lằn chớp đó thoáng qua thật nhanh trong óc nàng. Nàng hốt hoảng, vùng vẫy, mơ hồ nói lên một câu, thanh âm của nàng yếu ớt và vô hồn:
- Lẽ ra em không nên theo anh đến đây, ở nhà sẽ tìm em, họ vẫn còn đang chờ em về ăn cơm tối!
Ánh mắt chàng mang theo một lực lượng trấn tĩnh mạnh mẽ:
- Đừng nên lo lắng! Anh chỉ nói vài câu thôi, nói xong rồi, anh sẽ để cho em trở về nhà!...
Chàng tựa người về phía sau, bàn tay chàng sang qua sang lại chiếc bật lửa, sự biểu hiện trên khuôn mặt chàng, gần như vô cùng bình thản. Thế nhưng, khi chàng đốt thêm một điếu thuốc nữa, ánh lửa trên tay chàng, đã run rẩy tiết lộ bí mật trong lòng chàng. Chàng buông chiếc bật lửa xuống, ngước mắt lên nhìn nàng:
- ... Em có biết không, trước khi em làm đám cưới, anh đã từng đến nhà tìm em mỗi ngày, lần nào cũng đều bị anh Hai của em cản không cho vào?
Nàng quay ánh mắt mình sang chỗ khác, trốn tránh:
- Bây giờ ngồi ở đây nói về chuyện trước ngày đám cưới của em, có phải là đã quá trễ rồi không?
Chàng vẫn nói, một cách bướng bỉnh:
- Đúng vậy, đã quá trễ!... Nhưng anh chỉ muốn biết một điều, là em có biết chuyện đó hay không?
Nàng nói thật thẳng thắn, thanh âm càng thêm yếu ớt:
- Không biết lắm. Lúc đó, em đang ở nhà của San San, em nghĩ... em không hề muốn biết.
Chàng gật gật đầu, cắn cắn răng:
- Tốt lắm, em không hề muốn biết! Không hề muốn biết một người đàn ông, đã có thể bỏ đi tất cả lòng tự tôn của mình, chỉ để vớt vát lại những điều sai lầm mà hắn đã phạm phải! Không hề muốn biết, vì cái tát tay đó, anh đã phải trả một cái giá đến như thế nào! Em không hề muốn biết, vậy thì, hãy để anh từ từ nói cho em nghe...
Nàng kinh hoàng, thảng thốt nhìn chàng:
- Em... nhất định phải nghe sao?
Ánh mắt chàng nhìn vào nàng trừng trừng, giọng nói của chàng chắc nịch, trong sự chắc nịch đó mang theo nét thống khổ vời vợi:
- Đúng vậy, em nhất định phải nghe! Từ buổi tối hôm đó, em từ nhà anh giận dỗi bỏ đi, thế giới của anh đã hoàn toàn bị phá vỡ tan tành! Anh không bao giờ ngờ rằng, tình yêu đối với mẹ và tình yêu đối với em, lại có thể trở thành hai thứ lực lượng xung đột lẫn nhau như thế. Thế nhưng, khi em xông ra khỏi nhà anh, anh đã biết được một sự thật, lòng tự tôn và niềm kiêu hãnh của anh, thậm chí sự sùng bái và tình yêu của anh đối với mẹ, đều không thể nào địch lại được với một mình em! Anh đã từng tìm cách cứu vãn, tìm trăm phương nghìn kế để cứu vãn, thế nhưng, em đã lấy chồng!...
Khủy tay chàng chống lên trên bàn, những ngón tay chàng lùa vào trong tóc, bàn tay kia, lấp lánh ánh sáng âm u của đốm lửa lập lòe từ điếu thuốc:
- ... Em dùng một sự thật vô cùng tàn nhẫn, hủy hoại đi tất cả những hy vọng của anh! Cho đến bây giờ, anh không biết em lấy ông chồng em, là vì em yêu hắn, hay là vì em muốn trả thù anh? Dù sao đi nữa, em cũng đã lấy chồng rồi! Vĩnh viễn, em không bao giờ có thể hiểu được, em đã tạo nên một sự thương tổn như thế nào đối với anh! Từ lúc em lấy chồng, anh không hề nói một tiếng nào với mẹ anh nữa! Đối với mẹ anh, anh phải diễn tả như thế nào đây? Anh không hề hoàn toàn hận bà, anh cũng tội nghiệp bà, tội nghiệp tình yêu của bà đối với anh, tội nghiệp bà đã dùng cái tình yêu đó, để hủy hoại đi hạnh phúc của anh! Dù thế nào đi nữa, anh không có chuyện gì để nói với bà nữa.
Nàng lặng lẽ ngước mắt lên nhìn chàng, ánh đèn lấp lánh trong đôi con ngươi đen láy của nàng. Chàng tiếp tục nói:
- Khi anh xuất ngoại, anh đã nói tạm biệt với mẹ anh, anh nghĩ, suốt cuộc đời này, hẳn là anh sẽ không bao giờ trở về nữa. Anh không có can đảm, trở về để đối diện với mẹ hoặc em sau khi lấy chồng! Ở ngoại quốc, anh làm việc, anh đi phỏng vấn, anh viết bài, anh bận rộn suốt ngày, và anh cũng trụy lạc! Anh đi đến tất cả những nơi chốn ăn chơi, đàng điếm, bài bạc, say sưa, không chừa một thứ nào! Thế nhưng, suốt ngày suốt đêm, suốt đêm suốt ngày, anh không quên được em! Bao nhiêu lần anh say rượu, anh khóc, anh than, anh gọi người đàn bà bên mình anh bằng tên của em! Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, anh xin tòa báo, cho anh tiếp tục ở lại, anh không dám trở về, anh biết, nếu như anh trở về, anh sẽ rất có thể làm ra những chuyện mà chính cả anh cũng sẽ không biết trước được, những chuyện rất ngông cuồng! Anh sẽ bất kể mọi thứ quan niệm về lễ giáo, đạo đức và truyền thống, anh sẽ đến tìm em! Anh tự sợ lấy anh, sợ đến độ không dám trở về nước! Thế nhưng, mỗi ngày, mỗi đêm, anh nhớ em, nhớ một cách điên cuồng, nhớ một cách quay quắt! Nhớ đến những lúc em cười, nhớ đến những khi em khóc, nhớ đến nét ngông cuồng của em những khi vui vẻ, nhớ đến sự hoang dại của em những khi giận dữ, nghĩ đến những sự thương tổn em đã gây ra cho anh, nghĩ đến những sự tổn thương anh đã gây ra cho em... cuối cùng, sự tưởng nhớ điên cuồng đó đã chiến thắng tất cả những ý chí khác, anh lại trở về đây. Rút cuộc anh cũng đã trở về đây!...
Nàng nhìn chàng, chăm chú lắng nghe, lệ từ từ dâng lên đôi tròng mắt, đong đầy, mờ mịt, đôi con ngươi chìm đắm trong màn lệ mỏng đó của nàng, sáng long lanh như hai vì sao lạnh.
- ... Anh lại trở về, mẹ anh giống như người nhặt lại được một báu vật bị mất, bà dùng tất cả mọi phương pháp để làm vui lòng anh, bà không tiếc công dẫn về từng cô, từng cô học trò đẹp nhất trong đám nữ sinh ở trường bà đang dạy, về giới thiệu cho anh. Thế nhưng anh, anh mua một chiếc xe gắn máy, mỗi ngày anh bôn ba, chỉ để tìm biết về tin tức của em. Em đến sở tan sở, anh đều theo dõi em, anh cũng đã nhìn thấy chồng em...
Chàng cắn cắn răng:
- ... Sự ganh tỵ làm anh muốn phát điên lên được! Sau đó, anh phát giác ra những bước chân như người mộng du của em vào những buổi chiều, anh phải dùng cái ý chí thật mạnh mẽ của mình, để tự kềm chế, không cho mình đến tìm em, thế nhưng, đến hôm nay...
Giọng của chàng chùng thấp xuống:
- ... Anh đã thất bại! Em từ trong tòa soạn bước ra, ánh mắt mông lung như mộng ảo. Trông em nhỏ bé, cô độc, buồn bã, bi thương... em không biết, những biểu hiện trên khuôn mặt em, hình như lúc nào cũng như đang tiếc thương cho một cái gì đó. Thế là, anh tự hỏi mình: em có vui vẻ không? Em có hạnh phúc không? Tại sao trên người em không có những dấu tích của sự vui vẻ và niềm hạnh phúc? Do đó, anh đã xông đến bên em!...
Chàng nhìn nàng, thật sâu, thật sâu, thở ra một hơi khói thuốc, giọng chàng trở nên khàn đục, chàng hỏi:
- Bây giờ, anh cần phải hỏi em một câu, em có vui vẻ không? Em có hạnh phúc không?
Nàng cảm thấy mình bị rung động mãnh liệt bởi sự trần tình tách bạch đó của chàng, và nàng cũng cảm thấy rối loạn dưới ánh mắt hừng hực như hai đốm lửa đó của chàng, tuy nhiên, trong sự căng thẳng đó, nàng vẫn cố gắng muốn vũ trang mình:
- Lẽ ra, em phải rất vui vẻ, và cũng phải rất hạnh phúc...
- Anh không nói với em chuyện phải hay không phải, anh chỉ muốn hỏi em là em có vui vẻ hay không?
Chàng nhấn mạnh câu nói của mình, nhìn nàng không chớp.
- Em vui vẻ hay không vui vẻ, hoặc hạnh phúc hay không hạnh phúc, có còn liên quan gì đến anh nữa đâu? Đó đều là chuyện của riêng em rồi!
Nàng nói một cách vùng vẫy. Chàng đưa tay qua, chụp ngay lấy tay nàng, nắm thật chặt:
- Có liên quan! Anh cần phải biết, anh có còn cơ hội, để dành lại cái hạnh phúc mà anh đã để cho vuột mất!
Nàng nhẫn tâm nói, nước mắt long lanh chực chờ rơi xuống:
- Anh không còn nữa đâu. Anh đã không còn cái cơ hội đó từ lâu rồi!
- Thật không?
Bàn tay chàng nắm lấy nàng càng thêm chặt, hình như chàng muốn bóp nát nàng ra, ánh mắt chàng sâu thăm thẳm, trừng trừng nhìn nàng như hai ngọn lửa thiêu đốt bừng bừng. Hơi thở chàng nặng nề:
- Thật không? Đó là những lời nói rất thành thật của em chăng? Thậm chí em không thèm suy nghĩ một vài phút hay sao? Em có biết không?... Anh bây giờ không còn lòng tự tôn, không còn sự kiêu hãnh, không còn bướng bỉnh và tự phụ, anh... không còn gì hết! Anh đang van em, anh đang cầu khẩn em...
Đôi tròng mắt chàng ướt đẫm, trong giọng nói của chàng, mang theo sự run rẩy và kích động không thể kềm chế được:
- Anh biết là anh đã không có quyền yêu cầu em trở lại bên anh, anh đang làm chuyện vùng vẫy tuyệt vọng của con thú dữ bị lọt lưới! Anh chỉ van em nói ra những lời nói trong tận cùng trái tim em... có phải là anh đã thật sự không còn cơ hội? Không còn một chút cơ hội nào nữa hay sao? Thật không? Thật không?
Những giọt nước mắt long lanh chực chờ trên bờ mi cong, không còn kềm giữ được nữa, lăn dài theo hai gò má nhợt nhạt của nàng. Nàng cố gắng muốn rút bàn tay mình lại, thế nhưng chàng nắm lại thật chặt, không chịu buông. Nàng nói một cách vùng vẫy:
- Mạnh Thiều, anh làm em đau!
Chàng buông tay ra, nàng lập tức rút tay lại. Thế là, trong khoảnh khắc đó, chàng nhìn thấy ngón tay nàng đang chảy máu, chàng bất giác kêu lên kinh hoảng:
- Anh đã làm em bị thương, đưa anh xem!
Chàng lại chụp lấy tay nàng.
- Đừng, không có gì đâu!
Nàng định dấu đi, nhưng chàng đã chụp lấy nàng thật chặt. Thế là, chàng nhìn thấy, ngón tay nàng đang đeo chiếc nhẫn cưới có nhận kim cương, khi bóp mạnh bàn tay nàng, chàng không hề chú ý đến chiếc nhẫn cưới đó, mà chỉ xúc động bóp chặt lấy nàng. Bây giờ, góc cạnh của chiếc nhẫn đó hằn sâu vào da thịt của ngón tay ở hai bên, làm cho làn da bị rách, máu đang từ từ rỉ ra. Chàng nhìn chăm chú, đôi chân mày chau lại thật sát, chàng kêu lên đau đớn và áo não:
- Anh lại làm em bị thương rồi, anh lúc nào cũng làm cho em bị thương!
Nàng chú ý nhìn chiếc nhẫn đó một lúc, ngẩng đôi mi cong lên, ánh mắt nàng long lanh ngấn lệ. Hít vào một hơi thở dài thật sâu, cuối cùng nàng cũng buột miệng nói:
- Cái làm em bị thương, là chiếc nhẫn cưới này đây!
Đã hơn mười hai giờ khuya.
Hữu Phong ngồi trên chiếc ghế salon trong phòng khách, thở ra từng ngụm, từng ngụm khói thuốc dày đặc, có một khoảng thời gian rất dài, chàng không hề mở miệng ra nói một tiếng nào. Bà Sơn ngồi phía dưới ngọn đèn bàn trong phòng, đối diện với chàng, bà đang đan chiếc áo choàng bằng len - chiếc áo choàng cho Uyển Lan. Bàn tay bà thoăn thoắt đưa qua đưa lại, lâu lâu lại đưa mắt lên nhìn cái đồng hồ đang treo phía bên tường đối diện, sau đó lại liếc mắt nhìn Hữu Phong, chiếc đồng hồ đó vang từng tiếng tí tách, tí tách, thanh âm đơn điệu và buồn tẻ, mang theo một thứ lực lượng đè nén, thôi thúc từng bước chân đi của đêm khuya tịch mịch.
Cuối cùng, khi bà Sơn lại ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ, Hữu Phong không còn nhịn được nữa, chàng nói:
- Mẹ! Mẹ đi ngủ đi! Để con ở đây chờ Uyển Lan được rồi!
Bà Sơn đưa mắt nhìn Hữu Phong:
- Hữu Phong, con khẳng định là không hề xảy ra chuyện gì chăng? Tại sao cả một cú điện thoại cũng không chịu gọi về vậy chứ? Chưa bao giờ xảy ra chuyện như thế, mỗi ngày nó đều về nhà đúng giờ hết mà...
Hữu Phong nói ngắn gọn:
- Con đợi thêm đến một giờ, nếu như nàng không về thì con sẽ báo cảnh sát!
Chàng dụi tắt điếu thuốc, thanh âm chàng chứa đầy sự bất an, trên đầu mày đuôi mắt của chàng, không che dấu được dấu tích của sự bồn chồn và lo lắng.
- Đánh thêm một cú điện thoại sang nhà họ Đoàn xem sao!
- Không cần phải hỏi thêm đâu mẹ, đừng làm cho nhà bên ấy cũng lo lắng theo như mình, rất có thể là không có chuyện gì xảy ra, rất có thể nàng đi theo bạn đồng nghiệp đi chơi rồi, cũng rất có thể...
Phía ngoài cửa, có tiếng xe gắn máy, dừng lại, rồi vọt đi. Hữu Phong nghiêng tai nghe ngóng, bà Sơn cũng ngưng đan áo. Có tiếng chìa khóa mở cánh cửa lớn phía bên ngoài, tiếp theo đó, là tiếng bước chân thật nhẹ nhàng, băng qua khoảng sân, hơi dừng lại một chút ở phía ngoài phòng khách, Hữu Phong đưa đầu ra nhìn dáo dác. Cửa mở ra, Uyển Lan ngập ngừng, chậm chạp, bất an bước vào, đứng ở giữa nhà. Dưới ánh đèn, ánh mắt nàng sáng long lanh và mông lung huyền ảo, sắc mặt nàng tranh tối tranh sáng, bất định không chừng, thái độ nàng căng thẳng, ngượng ngập. Đồng thời, từ trên xuống dưới, cả người nàng như toát ra một vẻ lạc hồn lạc vía khó nhìn thấy.
Bà Sơn kêu lên, thanh âm chứa đầy sự trách móc:
- Ồ, rút cuộc cũng đã về rồi! Con sao vậy? Hữu Phong nó cuống cả người lên, suýt nữa là đã đi báo cảnh sát rồi! Con đi đâu vậy? Chúng ta đánh cả trăm cú điện thoại đi tìm con...
Uyển Lan cất tiếng nói lí nhí, ánh mắt nàng càng thêm mờ mịt:
- Xin lỗi mẹ! Con... con gặp lại một người bạn cũ...
Bà Sơn nói:
- Gặp lại bạn cũ cũng phải đánh một cú điện thoại về nhà chứ! Con thử tưởng tượng ở nhà cuống lên đến như thế nào, chúng ta cứ e rằng con tan sở, trên đường về gặp phải tai nạn chứ! Báo hại Hữu Phong đánh điện thoại đi khắp các trạm cảnh sát, xem có tai nạn xe cộ gì không? Lại lái xe đi dọc theo con đường con đi làm về mỗi ngày để tìm...
Uyển Lan đưa đôi mắt sang lặng lẽ nhìn Hữu Phong, lại cúi đầu xuống, nói lại thêm một lần nữa bằng một giọng thật thấp:
- Xin lỗi anh!
Hữu Phong dụi tắt điếu thuốc trên tay, chàng đứng dậy, từ từ đi về phía Uyển Lan, ánh mắt chàng đảo một vòng trên gương mặt Uyển Lan, sâu thẳm, thâm trầm, quay đầu sang mẹ, chàng hơi chau nhẹ đôi chân mày, mĩm cười nói bằng một giọng giả lã, cho qua chuyện:
- Thôi được rồi! Mẹ! Cô ấy đã bình an trở về rồi! Mẹ đi ngủ đi, mẹ ạ! Tính của Uyển Lan là như thế mà, chỉ biết lo phía trước mặt, chứ không biết lo chuyện sau lưng. Từ nhỏ đến lớn, không biết mất tích hết bao nhiêu lần rồi!...
Chàng dùng nguyên cả một vòng tay ôm, choàng qua vai Uyển Lan, âu yếm thấp giọng nói rằng:
- ... Tuy nhiên, lần này không thể để cho xảy ra hoài như thế nhé! Từ đây về sau, không cho em mất tích nữa đâu nhé!
Bà Sơn nhặt đồ đan của mình lên, nhìn vào hai người thật sâu, sau đó, bà gật gật đầu, bước đi vào phía trong:
- Thôi được rồi! Cả hai con hãy mau đi ngủ đi! Ai cũng phải đi làm, thức khuya quá cũng không tốt, ban ngày làm sao có tinh thần mà làm việc! Nhất là Hữu Phong, công việc nào có nhẹ nhàng đâu!
Nghe ra trong giọng nói của bà Sơn mang đầy nét bất mãn, đầu của Uyển Lan càng cúi thấp hơn nữa. Hữu Phong đưa mắt nhìn theo bóng mẹ khuất dạng, chàng lại đưa mắt nhìn Uyển Lan một cái, rồi đưa tay tắt đi ngọn đèn của phòng khách, chàng kéo Uyển Lan vào phòng ngủ của hai người. Cửa phòng vừa đóng lại, Hữu Phong dùng lưng tựa vào cửa, lặng lẽ nhìn nàng, không nói một tiếng, ánh mắt nghiên cứu, đợi chờ, nhẫn nại.
Uyển Lan ngẩng đầu lên, đón lấy ánh mắt của chàng, nàng từ từ bước lùi lại phía bên giường, ngồi xuống. Sắc mặt nàng thật trắng, thật trắng, đôi mắt nàng mở thật to, thật to, trong đôi mắt mở to đó không có bí mật, chúng chứa đựng một thứ tình cảm kích động nào đó làm cho người ta cảm thấy rúng động cả tâm hồn, chúng nhìn chàng, thẳng thắn và chân thành. Đôi môi nàng mấp máy thật nhẹ, thốt ra những tiếng thật nhỏ:
- Anh ấy đã đến tìm em!
Chàng đi đến bên nàng, cũng ngồi xuống bên thành giường, nhìn nàng chăm chú. Có một khoảng thời gian rất dài, chàng không hề mở miệng nói một tiếng nào, mà chỉ lặng lẽ nhìn nàng. Cái nhìn chăm chú và dài lâu đó làm cho nàng bắt đầu cảm thấy tâm ý rối loạn cả lên, đôi hàng mi dài cong vút của nàng hơi chớp chớp, đầu nàng bất giác cúi xuống thật thấp. Chàng dùng tay nâng cằm nàng lên, không để cho nàng trốn tránh, chàng bắt lấy ánh mắt nàng. Chàng hỏi:
- Em và hắn nói chuyện mãi cho đến bây giờ?
- Đúng vậy.
- Nói những gì?
Thanh âm nàng nhỏ hơn cả tiếng muỗi vo ve:
- Nói... nói những chuyện đã qua. Những chuyện rất xa xưa, những chuyện thuộc về quá khứ.
Chàng đưa tay vén một mảng tóc ngắn phủ lòa xòa trước trán nàng, nhìn nàng chăm chú, giọng chàng nói, thâm trầm và dịu nhẹ:
- Anh không thể cấm em và bạn nói những chuyện thuộc về quá khứ, phải không?... Tuy nhiên, có một buổi tối như hôm nay, cho dù hai người có bao nhiêu “quá khứ”, cũng đều đã phải nói hết rồi. Từ đây về sau, đừng nên đi nói chuyện quá khứ với hắn nữa nhé! Tại vì, em phải cùng anh đi sáng tạo tương lai chứ, phải không?
Đôi chân mày nàng hơi chau nhẹ lại, đáy mắt nàng nổi lên một thoáng mơ hồ và rối loạn. Dưới giọng nói ổn định và bình tĩnh đó của chàng, nàng bất giác cảm thấy trái tim mình rối lên như một mớ bòng bong. Trong tận cùng trái tim nàng, có một âm thanh đang ráo riết réo gọi: Không được! Không được! Không được! Mi cần phải có can đảm đối diện với sự thật! Ở Nhã Hương, mi đã cho Mạnh Thiều hy vọng, bây giờ, mi lại chịu phép đầu hàng Hữu Phong chăng? Mở miệng ra, nàng lẩm bẩm những tiếng không rõ:
- Hữu Phong, em... em nghĩ, em... em cần phải nói với anh là, em... em cảm thấy...
Nàng nói không nổi nữa. Chàng nhìn nàng, ánh nhìn chắc nịch, đưa tay ra nắm lấy cả hai bàn tay nàng, chàng cất tiếng nói thật dịu dàng:
- Em cảm thấy thế nào? Em cảm thấy lạnh chăng? Bàn tay em lạnh như tảng băng đây. Đừng sợ lạnh, anh sẽ không để cho em bị lạnh đâu. Em cảm thấy tâm tình bất an chăng? Gương mặt em hiện lên nét khổ sở vô cùng, trông em giống như một đứa trẻ đi lạc đường. Đừng nên để cho tâm tình bất an, anh sẽ làm cho em yên ổn trở lại. Em cảm thấy mâu thuẫn và bực bội chăng? Đừng, đừng nên như thế!...
Chàng kéo nhẹ nàng vào lòng, dùng vòng tay chàng, dịu dàng nhưng cứng cỏi ôm lấy nàng. Giọng nói của chàng dịu nhẹ, trầm thấp, nhưng lại chứa đựng một lực lượng thật to lớn, không để cho người ta kháng cự, vang lên bên tai nàng thật rõ ràng minh bạch:
- Nghe anh nói đây! Uyển Lan! Có thể anh không phải là một người thập toàn thập mỹ, cũng có thể anh không phải là một người chồng thập toàn thập mỹ. Thế nhưng, anh thật lòng thật dạ muốn cho em một vòng tay an toàn và ấm áp, muốn cho em xa lánh hẳn những tai nạn và phiền não, cho dù anh đã làm được hay chưa làm được, em cần phải hiểu rõ được trái tim và tấm lòng chân thành của anh. Uyển Lan, chẳng lẽ vòng tay của anh không đủ an toàn hay sao? Không đủ ấm áp hay sao?
Nàng cố gắng, phí sức vùng vẫy với những giọt nước mắt, trước mắt nàng là một màn sương khói vây quanh. Nàng kêu lên, thống khổ và yếu ớt:
- Không, vấn đề không phải là anh! Mà là em! Em không tốt, em không phải là một đứa con gái tốt!
- Nói bậy!...
Chàng nạt nhẹ nàng, đẩy nàng ra, chàng nhìn thẳng vào đôi mắt nàng thêm một lần nữa, giọng chàng nói ung dung và dịu nhẹ:
- ... Rất nhiều, rất nhiều năm về trước, có lẽ em chỉ khoảng năm tuổi, lúc đó, em là một cô con gái nhỏ vừa tinh nghịch, vừa bướng bỉnh. Có một hôm, anh và Triệu Bôi, cùng rất nhiều đứa con trai lớn khác, cùng nhau đi chơi ở vùng núi sâu bên cạnh Bích Đàm, em khóc, em la, nhất định đòi cùng đi với tụi anh, Triệu Bôi không có cách nào khác, đành phải dẫn em theo. Rút cuộc, tụi anh chơi ở trong rừng rất vui, rất cuồng, mọi người đều quên mất em, đợi đến khi đến giờ phải trở về nhà, mới phát giác ra rằng em đã mất tiêu rồi. Trời đã sắp tối, bọn anh chia nhau đi tìm em khắp cả khu miền núi rộng lớn đó, kêu tên của em lên, cuối cùng, anh tìm thấy em trong một đống rơm của những người miền núi, nước mắt đầy cả mặt, chui rúc trong đống rơm đó, mặt mũi lem luốc, dơ bẩn, đôi mắt láo liêng sợ hãi. Anh bồng em lên, em dùng tay vòng ngang cổ anh thật chặt, vùi đầu lên vai anh và nói: Hữu Phong, anh đừng để cho em lạc đường nữa!
Nàng nhìn chàng trừng trừng, đôi chân mày hơi nhướng lên, nàng hỏi:
- Có chuyện như thế xảy ra chăng?... Tại sao em không nhớ gì hết vậy?
Chàng nhìn nàng, hỏi một cách thâm trầm, gương mặt chàng thành khẩn:
- Thật sự là em không nhớ, hay là em không muốn nhớ?... Hãy thử nghĩ lại xem, có chuyện như thế xảy ra hay không?
Nàng suy nghĩ. Tuổi thơ! Tuổi thơ là rất nhiều những mảnh vụn muôn màu muôn sắc tụ tập trong ống kính vạn hoa, mỗi một đồ hình biến đổi, hình như đều có hình ảnh của Hữu Phong trong đó. Nàng hít vào một hơi thật dài. Nàng thành thật nhìn nhận:
- Đúng vậy, có chuyện như thế xảy ra, nhưng chuyện đó có quan hệ gì đến chuyện tối nay?
Chàng gật gật đầu, giọng chàng như khàn đi:
- Đêm nay, khi em mới vừa bước chân vào nhà, anh đã biết ngay. Em lại đi lạc đường nữa rồi! Uyển Lan, anh sẽ không bao giờ để cho em đi lạc đường nữa!...
Chàng đưa tay lên vuốt ve nhè nhẹ đôi má nàng:
- ... Thế nhưng, Uyển Lan, em phải hợp tác với anh, biện pháp duy nhất để em không lạc đường nữa, là đừng nên đi bậy! Uyển Lan, hứa với anh, em sẽ không đi bậy nữa! Như vậy, em sẽ thấy rằng, vòng tay của anh vẫn là nơi chốn an toàn và ấm cúng nhất!
Ồ! Hứa với chàng hay không? Hứa hay không? Đầu óc của Uyển Lan cảm thấy rối tung lên như một mớ bòng bong, mà trong đống bòng bông rối loạn đó của tâm tình và thần trí gần như mệt mỏi đó của nàng, nàng vẫn nhìn thấy gương mặt bình tĩnh của Hữu Phong, nghe được giọng nói bình tĩnh, chắc nịch của chàng, đầu chàng cúi sát vào nàng:
- Đừng nên bỏ chạy khỏi vòng tay anh! Uyển Lan. Em vẫn là của anh, phải không?...
Chàng nhẹ nhàng ôm lấy nàng, nhẹ nhàng đưa đôi môi mình áp nhẹ lên đôi môi nàng, nàng kinh hoàng, rụt người lại phía sau theo bản năng, ngã nhào lên giường. Chàng cúi đầu xuống, nhìn sát vào nàng, trong tận cùng đáy mắt chàng có một thoáng đau đớn của sự tổn thương, chàng hỏi:
- Thật sự nghiêm trọng đến như thế sao?... Anh là một người có chất độc chăng? Uyển Lan?
Ồ! Không! Nàng nhắm nghiền đôi mắt lại. Hữu Phong, em không muốn làm cho anh bị tổn thương! Em không muốn! Em tuyệt đối không muốn! Thế là, nàng nghe được tiếng nói của mình, đang yếu ớt, vô hồn, gần như giả dối vang lên rằng:
- Không! Hữu Phong, anh đừng để cho em đi lạc đường nữa!
- Như vậy, em hứa với anh là không đi bậy nữa?
- Vâng!...
Nước mắt nương theo hai bên khóe lăn dài xuống gối. Nàng cảm thấy trái tim mình tan nát! Vĩnh biệt! Mạnh Thiều! Vĩnh biệt anh! Mạnh Thiều! Tha thứ cho em, Mạnh Thiều! Anh hãy xem như em đã chết rồi, Mạnh Thiều! Nàng nhắm nghiền mắt lại, nói một cách máy móc, lẩm bẩm không ngừng:
- ... Vâng! Hữu Phong! Em hứa với anh, hứa với anh, hứa với anh!
Chàng cúi đầu xuống, hôn lấy những giọt nước mắt nóng hổi của nàng, giọng chàng thật bình tĩnh:
- Bắt đầu từ ngày mai, anh sẽ lái xe đưa em đi làm, rước em khi tan sở! Anh phải bảo vệ kho tàng của anh!
Nàng không nói chuyện, hai hàm răng cắn chặt lại, đôi mắt nhắm nghiền, trái tim nàng đang đau đớn như điên cuồng, đau đớn như mũi dao xuyên suốt, nhọn hoắt, buốt tim. Hữu Phong nhìn nàng trừng trừng, không một chớp mắt, chàng nghiên cứu nàng, nhìn nàng thật kỷ, cuối cùng, chàng nói như ra lệnh:
- Mở mắt ra, Uyển Lan!
Nàng bị động mở mắt ra, đáy mắt nàng là một mảng mông lung và thống khổ. Chàng thở ra một hơi dài não nuột, ôm nàng vào lòng bằng một cử chỉ thương xót vô vàn:
- Anh sẽ tin em! Uyển Lan! Tin những lời hứa của em đêm nay! Thế nhưng, em cũng phải tin anh, anh sẽ cho em sự ấm cúng, cho em sự an toàn, và cho em hạnh phúc! Anh bảo đảm!
- o O o -
Thế là, bắt đầu từ hôm đó, sinh hoạt đổi lại thành một phương thức khác. Mỗi ngày buổi sáng, Hữu Phong đều lái xe đưa nàng đến trước cổng tòa soạn, đưa mắt nhìn nàng đi vào phía bên trong xong, chàng mới bỏ đi, buổi chiều, chàng canh đúng giờ tan sở, lái xe đến trước cửa tòa soạn, rước nàng về nhà. Nàng để mặc cho Hữu Phong đưa đưa rước rước, trong lòng có cái cảm giác “mặc cho con tạo đẩy đưa”. Thôi thì như thế vậy! Vĩnh biệt anh, Mạnh Thiều! Trong cái nỗi đau xé nát con tim đó, trái tim nàng không chỉ kêu lên một trăm lần, một ngàn lần, một vạn lần... vĩnh biệt anh! Mạnh Thiều! Những người yêu nhau trong thiên hạ mà không được gần nhau không phải chỉ có mình chúng ta! Cuộc đời là như thế đó! Trong cái tâm tình “chấp nhận định mệnh” đó, nàng dần dần thể nghiệm được rất nhiều, rất nhiều sự “chẳng đặng đừng” của kiếp nhân sinh!
Sau khi quyết tâm xong, nàng viết cho Mạnh Thiều một bức thư ngắn gọn:
“Mạnh Thiều:
“Em đã từng trách anh, hận anh, bây giờ, em không còn trách anh và cũng không còn hận anh nữa, xin anh cũng hãy tha thứ cho em! Tha thứ cho em đã cho anh hy vọng, lại cho anh thất vọng. Định mệnh hình như lúc nào cũng đùa giỡn với chúng ta, em đầu hàng rồi, em khuất phục rồi, em mệt mỏi rồi, em thừa nhận em chỉ là một đứa trẻ bướng bỉnh và nhu nhược, em không còn sức lực để tranh đấu với định mệnh, lúc trước, em đã thua, bây giờ, em lại thất bại nữa!
“Em không muốn giải thích gì thêm cho mình, bất cứ một sự giải thích nào, đều có thể tạo thành sự tổn thương trầm trọng hơn cho anh. Em chỉ có thể nói được một câu: con người, ngoài tình yêu ra, còn có đạo nghĩa, trách nhiệm và tình thân. Cái lực lượng của ba thứ sau cộng lại với nhau tuyệt đối không thua cái thứ nhất. Do đó, em đã chọn cái sau, hãy tha thứ cho em! Mạnh Thiều! Tại vì, em cũng đã tha thứ cho anh rồi!
“Đừng nên đến tìm em nữa, Mạnh Thiều! Vĩnh biệt anh! Mạnh Thiều! Dù sao, em cũng chỉ là một áng mây, chỉ trong chớp mắt đã bay đi mất tăm biệt tích!
“Chúc anh: đừng gặp phải một áng mây khác nữa!
“Uyển Lan”
Thư gửi đi đến ngày thứ ba, chỉ mới khoảng hơn mười giờ sáng, Uyển Lan đang miễn cưỡng tập trung trí óc của mình, để sửa một bản thảo sắp được in ra. Bất thần, chuông điện thoại reo vang, điện thoại ở tòa soạn tạp chí gần như reo vang suốt ngày, do đó, nàng cũng không chú ý. Thế nhưng, cô Hương thư ký gọi nàng:
- Uyển Lan, điện thoại!
Nàng cầm ống nghe ở ngay bàn mình lên, nàng hỏi:
- Hello? Xin lỗi ai đó?
- Uyển Lan!...
Người ở bên kia đầu giây chỉ kêu lên một tiếng như thế, sau đó thở ra một hơi dài não nuột, trái tim của Uyển Lan gần như nhảy lên tới cổ họng của mình, nàng trừng mắt nhìn cái điện thoại, cả người nàng, trong thoáng chốc đó đột nhiên như bị hóa thạch. Tiếng thở dài não nuột đó của chàng đã xé nát trái tim nàng, và hơn cả thế nữa, tiếng thở dài đó của chàng đã xé nát cả quyết tâm và ý chí của nàng. Chàng lại kêu lên:
- Uyển Lan! Em ác lắm! Em thật sự nghĩ rằng em có thể vĩnh biệt được anh chăng?... Anh chưa chết mà!
Giọng chàng trong ống nghe trầm thấp và não nuột. Nàng cố gắng đè nén giọng nói run rẩy của mình:
- Mạnh Thiều, anh... sao anh lại nói những lời như thế? Bây giờ em đang làm việc, anh đừng quấy rầy em, được không? Anh bình tĩnh một chút, anh xử dụng lý trí một chút được không?
- Xử dụng lý trí!...
Giọng của chàng tuy rằng trầm thấp, nhưng vẫn không che dấu được nét đau khổ mãnh liệt trong đó:
- ... Nếu như anh có thể xử dụng được lý trí, thì anh đã không từ ngoại quốc trở về, nếu như anh có thể xử dụng được lý trí, anh đã quên em từ lâu rồi, nếu như anh có thể xử dụng được lý trí, bây giờ anh đã không điện thoại cho em! Nếu như anh có thể xử dụng được lý trí, thì ban ngày anh đã không đi rong ruổi ngoài đường như một thằng điên, ban đêm thì lại ngồi đó chờ sáng như một người mất trí... không, Uyển Lan, anh không có lý trí, bây giờ anh muốn gặp em!
Nàng dùng tay vịn vào đầu, tâm trí rối loạn, đồng thời, cả người nàng như bị đốt cháy hừng hực cả lên, nàng cảm thấy mình gần như thở không nổi nữa. Nàng hoảng hốt nói vào ống nghe như van lơn:
- Ồ, không được, Mạnh Thiều... xin anh đừng nên ép buộc em như thế, xin anh hãy để cho em sống một đời sống bình lặng...
Chàng ngắt lời nàng, trong thanh âm chứa đựng nét bi ai gần như tuyệt vọng:
- Em nói như thế sao, Uyển Lan? Nếu như anh không quấy rầy em, em có thật sự sống được một cuộc đời bình lặng hay không? Em có thật sự xóa nhòa hẳn được hình bóng anh trong tâm khảm của em chăng?... Nếu như vậy... anh xin lỗi là đã quấy rầy em! Chào em! Uyển Lan!
Thanh âm chàng phía bên kia đầu giây nghe như tiếng thở dài não nuột. Nàng cuống quýt kêu lên nho nhỏ, cảm thấy tất cả ý chí của mình lại bị tan vỡ cả rồi:
- Ơ... ơ... Mạnh Thiều! Anh đang ở đâu?
Giọng chàng trầm thấp, cố gắng đè nén sự sôi nổi trong lòng:
- Gặp anh chăng?
- Gặp anh!
Nàng buột miệng nói, không chút suy nghĩ, không kịp suy nghĩ. Phía bên kia đầu giây đột nhiên không còn một tiếng động, nàng cuống cuồng, trong khoảnh khắc đó, ý muốn được gặp mặt chàng vượt qua mọi thứ, nàng cuống quýt kêu lên:
- Ơ.. ơ... Mạnh Thiều, anh còn ở đó chăng?
- Vâng! Anh đây!...
Giọng chàng nghe cộc lốc, sau đó, nàng nghe được tiếng cười của chàng, ngắn ngủn, mang theo giọng mũi nghèn nghẹn; tiếng cười như tự trào, chứa đầy nước mắt. Tiếng chàng hít hít mũi, thanh âm như nghẹn ngào:
- ... Anh có hơi trẻ con một chút, anh nghĩ rằng mình đã nghe lầm. Uyển Lan... em xin nghĩ nhé, mười phút nữa anh đến đón em ở cửa tòa soạn! Anh đến ngay đây!
Tiếng chàng thở hào hển phía bên kia đầu giây. Buông ống nghe xuống, Nàng ngồi ngẩn người ra, có khoảng một vài phút, nàng không cử động được. Mình sao như thế này? Mình điên rồi chăng? Tại sao lại nhận lời gặp lại chàng? Thế nhưng, chỉ trong khoảnh khắc, tất cả những ý nghĩ tự trách đó đã bay đi mất, nỗi vui mừng, mong đợi gặp mặt chàng đong đầy trái tim nàng, đem tất cả mọi thứ lý trí đuổi ra ngoài chín tầng mây. Nàng cảm thấy mình giống như cái bong bóng chứa đầy hơi khí nhẹ, đang nhẹ nhàng bay về phía cuối chân mây. Nàng không còn do dự, không còn vùng vẫy, không còn suy nghĩ, không còn mâu thuẫn... tất cả những ý thức, đều hóa thành một khát vọng mãnh liệt: nàng muốn gặp chàng.
Mười phút sau, bọn họ gặp nhau trước cửa tòa soạn tạp chí.
Chàng vịn chiếc xe gắn máy, đứng ở đó, mái tóc bồng bềnh, rối loạn, gương mặt tiều tụy, hốc hác. Thế nhưng, đôi mắt hừng hực sáng ngời đó, vẫn lấp lánh như hai ngọn đuốc cháy bừng bừng trong đêm tối, mang theo một sức nóng mạnh mẽ, thiêu đốt, nhìn trừng trừng vào nàng. Nàng đứng chết trân ở đó, dưới ánh nhìn đó của chàng, hình như cả người nàng đã bị đốt cháy thành tro bụi. Đã bao lâu rồi, hai người không gặp mặt nhau? Một tuần? Hai tuần? Tại sao nàng lại có cảm giác như cả hai đã cách nhau cả một cuộc đời? Cổ họng nàng cứng nhắc, nàng muốn nói chuyện, nhưng lại không thốt được một lời. Chàng đưa tay lên, sờ thật nhẹ, thật nhẹ vào mái tóc nàng, nhẹ vô cùng, như thể nàng được làm bằng thủy tinh, chỉ cần hơi dùng sức, nàng sẽ vỡ tan ra từng mảnh. Chàng hơi nhướng đôi chân mày, cố gắng định thốt lên một lời nào đó, cuối cùng, lại chỉ thốt ra vài chữ rất đơn giản:
- Lên xe anh trước đi, được không?
Nàng ngoan ngoãn leo ngay lên xe, vòng tay ra ôm lấy eo ếch chàng, trong cái khoảnh khắc, khi vòng tay nàng choàng ngang qua eo ếch chàng, cả người chàng bất giác như bị chấn động mãnh liệt, chàng phát ra một tiếng thở dài gần như không nghe thấy được, hình như chàng chờ đợi giây phút này đã hàng nghìn, hàng vạn năm rồi. Nàng nhắm nghiền đôi mắt lại, cả tâm hồn nàng đều như vì đó mà bị rúng động mãnh liệt.
Xe bắt đầu nổ máy, nàng bướng bỉnh nhắm nghiền đôi mắt lại, không nhìn, cũng không hỏi chàng sẽ đưa nàng đi đâu. Chỉ vì trong tận cùng trái tim nàng đã hiểu rõ được một chuyện, đi theo chàng, chỉ có hai chỗ, không phải “thiên đường”, thì là “địa ngục”. Có thể, đó là một tổ hợp của cả hai nơi đó.
Chiếc xe gia tăng tốc độ, nàng cảm thấy chiếc xe đang lên dốc, chạy quanh co, cong quẹo theo chiều hướng của con đường, làn gió luồn vào mặt, dần dần mang theo hơi lạnh gây gây, trong không khí, mang đầy hơi hướm của đất mới và cỏ xanh ngay ngáy. Trong lòng nàng đã mang máng đoán ra, “chốn cũ nơi xưa, ta mong tìm lại!”, một câu thơ của ai đó, lúc này bất chợt hiện lên trong óc nàng. Chỉ có điều là, cuộc đời, có bao nhiêu chốn cũ nơi xưa, có thể tìm lại được bao giờ?
Xe vẫn tiếp tục chạy thật lâu, thật lâu, trên đường đi, chàng và nàng đều im lặng. Sau đó, gió càng lúc càng lạnh hơn, không khí càng lúc càng trong lành hơn, trái tim nàng càng lúc càng rối loạn hơn... cuối cùng, xe dừng lại. Chàng đưa tay ôm nàng xuống xe.
Nàng mở bừng đôi mắt, nhìn dáo dác chung quanh. Đúng vậy, công viên sơn lâm, đã lâu không gặp! Cây tòng vẫn cao vút đến tận mây xanh, lá tòng nhọn lễu vẫn rơi đầy trên mặt đất, trong không khí vẫn thoang thoảng mùi hương tòng nhàn nhạt, gió nhẹ vẫn vi vu xuyên qua cành lá, bên trời, từng áng mây vẫn lững lờ trôi, bốn bề, vẫn chơ vơ không một bóng người... Nàng ngẩng đầu lên nhìn nhìn trời, lại cúi xuống nhìn nhìn đất, rồi bị động tựa người vào một thân cây tòng gần đó, đưa mắt nhìn chàng trừng trừng, trân trối, không nói một lời.
Chàng đứng ở đó, bất động, không nói, ánh mắt cũng nhìn trừng trừng vào nàng. Cả hai cùng đứng nhìn nhau như thế, cùng nhìn vào đôi mắt nhau, cùng tìm vào trong tận cùng sâu thẳm của trái tim nhau, một thứ tình cảm thâm sâu, vời vợi, thời gian như ngưng đọng, không khí như lắng yên. Sau đó, không biết đã bao lâu, cuối cùng, chàng cũng đưa tay ra chụp lấy tay nàng, giọng chàng vang lên, trầm thấp, khàn đục, thống thiết, bi ai:
- Uyển Lan! Em đã giết chết anh rồi!
Nàng nhìn chàng trân trối, dưới giọng nói thống thiết đó của chàng, nàng cảm thấy rúng động cả tâm hồn, và cùng lúc với sự rúng động đó, có một thứ tâm tình khích động khác, cũng úp chụp lấy nàng thật nhanh, thật mạnh mẽ, làm cho nàng phẩn nộ và không thể nhịn được. Nàng mở to đôi mắt, ánh mắt nàng dần dần đốt lên những tia lửa bừng bừng, phẩn nộ, nàng cắn cắn răng, dùng một giọng nói giận dữ, rung rung, không ổn định, trầm thấp kêu lên:
- Mạnh Thiều, tại sao anh lại dám nói một câu như thế? Em đã giết chết anh? Hay là anh đã giết chết em? Anh có biết anh là gì không? Anh là khắc tinh của cuộc đời em! Nếu như anh đã muốn lấy em, tại sao anh lại cứ để cho mẹ anh làm nhục em hết lần này đến lần khác? Không phải anh đứng về phe của mẹ anh sao? Không phải anh chỉ nghe theo lệnh mẹ anh hay sao? Không phải anh không chịu được những sự chống đối của em đối với mẹ anh sao? Như vậy, thì anh còn tìm theo dây dưa với em để làm gì? Anh hãy suy nghĩ cho kỹ xem, chính anh đã đẩy em vào vòng tay người khác, chính anh đã bức em phải đi lấy chồng, thế mà bây giờ, sao anh còn không chịu để cho em yên? Anh nói em giết chết anh hay là anh giết chết em, Mạnh Thiều! Anh nói đi!... Em hận anh! Em hận anh! Em hận anh! Em hận anh!...
Nàng quay đầu sang một bên, nước mắt ràn rụa trên gương mặt trắng nhợt, những câu nói cuối cùng mang theo âm hưởng thống thiết, bi ai.
Chàng đưa tay kéo nhẹ cằm nàng, xoay gương mặt nàng về phía chàng, ánh mắt chàng trở nên hỗn loạn và cuồng nhiệt, như một con bệnh lên cơn sốt, chứa đầy những sự đau khổ và kích động như thiêu như đốt, chàng nói bằng một giọng rối loạn, mơ hồ:
- Em hãy mắng anh đi! Em hãy hận anh đi! Anh đã biết từ lâu rồi, nghìn lời vạn tiếng, cũng không thể nào diễn tả được tâm tình anh ngay bây giờ! Em hận anh, anh càng tự hận lấy anh! Hận anh đã không bảo vệ em trước khi mọi chuyện xảy ra, hận anh lúc đầu khi xảy ra sự xung đột giữa em và mẹ, anh đã không biết đứng vào vị trí của em mà suy nghĩ cho em!
Chàng tiếp:
- Thế nhưng, Uyển Lan, em cũng nên công bằng một chút, và cũng nên nghĩ dùm anh một chút, buổi tối trời mưa hôm ấy, giữa em và mẹ, anh có thể làm được gì bây giờ? Em có biết em cũng là một cô gái miệng lưỡi lanh lợi sắc bén lắm hay không? Em có biết là những lời phản kháng, công kích của em cũng sắc như dao, cũng bén như kéo hay không?
Nàng gật gật đầu:
- Em biết, do đó, em đã buông anh ra, để cho anh trở thành một vật sở hữu chuyên biệt của mẹ anh! Em đã rộng rãi biết mấy, phải không?
Chàng kêu lên đau khổ:
- Ồ, Uyển Lan! Thôi chúng ta đừng nên tính với nhau những món nợ cũ nữa! Anh nhìn nhận anh đã sai lầm, lỗi tại anh tất cả! Vả lại, trong thư em viết, là em đã tha thứ cho anh rồi!
- Anh đừng nên quơ quào mọi chuyện như thế, tha thứ cho anh, là để xin anh đừng nên quấy rầy em nữa!
- Không phải anh quấy rầy em, mà anh muốn cưới em!
Giọng nàng vang lên u uất:
- Cưới em?
- Đúng vậy, cưới em!
Nàng dùng tay che lấy mặt, sau đó, nàng buông bàn tay ra, đột nhiên, nàng bật cười khan:
- Anh thật sự muốn cưới em?
Chàng nói một cách quả quyết:
- Đúng vậy!
Nàng càng cười dữ dội hơn nữa, vừa cười vừa nói:
- Tốt lắm, chúng ta đi Phi Châu!
- Đi Phi Châu để làm gì?
Nàng cười to:
- Em nghe nói, bên Phi Châu có một bộ lạc, một người đàn bà có thể có rất nhiều ông chồng! Chúng ta kéo nhau đi Phi Châu vậy!
Chàng gầm lên thật thấp:
- Đừng cười!
Nàng vẫn cười nghặt nghẽo:
- Ngày xưa anh đã nói, em cười là anh muốn hôn em!
Tròng mắt chàng ướt đẫm:
- Em vẫn còn nhớ?
Nàng không cười nữa, tròng mắt nàng cũng ướt đẫm:
- Nhớ từng câu nói của anh! “Không được đá những viên sỏi bên đường, coi chừng đá ra cho anh một tình địch bây giờ!” Anh có biết không? Anh không hề có một tình địch nào hết, em mới có tình địch, tình địch của em là mẹ của anh, và đồng thời, trong trận chiến này, em là người đã thua to!
Chàng đưa tay vén những sợi tóc bị gió thổi bám lòa xòa bên má của nàng, nhìn thẳng vào đôi mắt nàng:
- Không, mẹ anh đã thua! Uyển Lan! Bà không còn là một người như trước nữa, bà không còn là một người chuyên chế, không còn kiêu ngạo nữa, Nguyện vọng to lớn nhất của bà bây giờ, là anh có thể tìm lại được hạnh phúc đã mất đi! Uyển Lan, bà cũng rất tội nghiệp, điểm xuất phát của bà không hề xấu, bà chỉ vì yêu anh! Em không biết, tình yêu đôi khi cũng giết được người!
Nàng hỏi:
- Anh cũng biết điều này nữa à?
Chàng gật đầu thật sâu:
- Anh biết. Hiện giờ, chúng ta đang tàn sát nhau, rất có thể, cả hai chúng ta đều không thể nào sống nổi!
Nàng nhìn chàng trân trối, khẽ lắc lắc đầu:
- Mạnh Thiều, anh hãy tha em đi!
Chàng cũng từ từ lắc đầu:
- Không phải anh không tha cho em, mà là... xin em hãy cứu anh!
- Em cứu anh như thế nào đây?
Giọng chàng nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ:
- Em biết làm như thế nào! Đừng nên do dự, đừng nên mâu thuẫn, em phải ly dị hắn, lấy anh!
Đôi mắt nàng nhìn trừng trừng vào chàng, u sầu, ảm đạm, sau đó, nàng bắt đầu lắc đầu một cách kịch liệt, một cách mạnh mẽ, nàng kêu lên:
- Không được! Em đã hứa với anh ấy, em sẽ không đi lạc đường nữa!
Chàng cũng kêu lên, dùng hai tay chụp lấy cánh tay nàng, lắc nàng một cách kịch liệt:
- Thế nhưng, em chọn hắn, đã là một con đường sai lầm rồi! Không phải bây giờ em mới đi lạc đường, mà em đã đi lạc đường từ lâu rồi, cuộc hôn nhân này của em, từ căn bản đã đi sai đường rồi! Bây giờ, anh đang dẫn em đi vào con đường đúng!
- Làm sao anh biết rằng cuộc hôn nhân của em là đi sai đường?
- Lá thư em viết cho anh, ít nhất cũng đã thừa nhận một sự thật, em chọn tình thân, mà bỏ đi tình yêu!...
Chàng nhìn nàng trừng trừng, giọng chàng gay gắt, trách hờn:
- ... Cuộc hôn nhân của em quyết định trên căn bản tình thân, mà không phải là tình yêu, em là một con bé ngố nhất trên cõi đời này!
Nàng nói bằng một giọng mê loạn và vùng vẫy trong mâu thuẫn:
- Có thể, đối với em, tình thân quan trọng hơn tình yêu!
Chàng kêu lên giận dữ:
- Nói bậy!
Nàng hơi nhướng nhướng đôi chân mày lên, như khiêu khích:
- Sao lại nói bậy? Anh căn cứ vào đâu mà cho rằng cuộc hôn nhân của em là một sự sai lầm tuyệt đối?
Chàng dùng tay nâng cằm nàng lên, để cho đôi mắt nàng đối diện với ánh nắng. Tia sáng chói chang đó làm cho đôi mắt nàng không mở ra được. Chàng nhìn vào gương mặt nàng trừng trừng:
- Tại vì, đôi mắt em không hề biết nói dối, tại vì sự biểu lộ trên khuôn mặt em cũng không hề biết nói dối, chúng đều đã nói lên cho anh biết được sự thật! Uyển Lan, em thề đi! Em thề rằng cuộc hôn nhân của em tuyệt đối không phải là một sự sai lầm, thì anh sẽ không bao giờ đến để quấy rầy em nữa! Em thề đi!
Nàng cắn răng, tàn nhẫn quyết định:
- Được! Em thề, em...
Thanh âm nàng nghẹn lại. Chàng nói như ra lệnh, trừng mắt nhìn nàng:
- Nói đi!... Nói đi!
- Cuộc hôn nhân của em...
Chàng lẹ làng dùng đôi môi mình úp chụp lấy đôi môi nàng, nàng gần như nghe được tiếng đập bình bịch của trái tim chàng. Giọng chàng khản hẳn đi:
- Đừng nói những lời trái ngược với lòng em, Uyển Lan! Em dám nói dối, anh sẽ không tha cho em!
Cuối cùng nàng cũng kêu lên, òa vỡ, tan tác:
- Ồ, Mạnh Thiều! Em thề là em đã sai lầm! Từ đầu chí cuối em đã sai lầm!...
Nàng vùi đầu vào lòng chàng, khóc sướt mướt, nghe tiếng trái tim chàng đập từng hồi mãnh liệt, mạnh mẽ:
- ... Em phải làm sao bây giờ? Chúng ta phải làm sao bây giờ?