Mồng bốn tháng năm, Dân quốc năm thứ tám.
Hạ Lỗi năm đó đang học năm thứ ba khoa sinh vật trường đại học Bắc Kinh. Mộng Hoa và Thiên Bạch đều học khoa văn. Hồi đó, trường đại học Bắc Kinh còn chưa thu nhận nữ học sinh. Nhưng Mộng Phàm và Thiên Lam là nhưng cô gái tiến bộ. Họ không an phận với kiếp nữ nhi thường tình mà mạnh mẽ đấu tranh với gia đình đòi được học hành như nam giới. Vì vậy hai gia đình Khang Sở sau một thời gian không ngăn cản nổi liền đưa hai cô vào trường nữ sư phạm, phụ cận đại học Bắc Kinh. Bởi thế, năm đứa trẻ, buổi sớm cùng đến lớp, buổi chiều cùng về nhà. Cuộc đời trẻ trung tràn đầy sức sống, tràn đầy tự tin và lý tưởng. Đương nhiên, ba trai hai gái nếu phối ghép thì thành hai đôi thừa một. Một người thừa ra ấy thường là người hay gây sự hoặc là nguyên nhân của sự xích mích trong thời kỳ thanh xuân.
Khang Bỉnh Khiêm thời đó đã sớm rời khỏi đường hoạn lộ, ủng hộ việc thành lập chính phủ mới. Khang Bỉnh Khiêm gắng sức muốn thích ứng với trào lưu nên ông mới để cho con gái tiếp thu giáo dục kiểu mới.
Nhưng, thâm căn cố đế, ở chỗ sâu thẳm trong lòng ông, ông vẫn là người đọc sách truyền thống Trung Quốc, vẫn duy trì rất nhiều quan niệm vững chắc không sao đả phá. Sau khi vương triều Mãn Thanh chấm dứt, ông bỏ chính trị theo nghề nông. May là ở nhà họ Khang còn có ruộng nương và vườn tược rộng lớn. Ngoài ruộng vườn ra, ở phía Nam Thành Bắc Kinh, ông cho mở hiệu thuốc "Khang Ký dược tài hàng". Cửa hiệu thuốc này do Khang Cần quản lý và trở thành nơi Hạ Lỗi thích lưu lại khi không phải đến lớp, Những thứ Xuyên khung, Bạch chỉ, Tham tu, Sạ hương, Cam thảo, Trần bì, Đương quy... đều là những thứ anh quen thuộc. Trong hiệu thuốc này có hương vị riêng, cứ khiến anh nhớ lại ngôi nhà gỗ nhỏ ở Đông Bắc. Hồi thơ ấu anh đã từng suốt đêm sắc thuốc cho cha, mùi hương của thuốc mãi mãi lan tỏa trong ngôi nhà nhỏ và rừng cây gần đó.
Hôm đó là ngày mồng bốn tháng năm Dân quốc thứ tám. Trong lịch sử Trung Quốc, ngày hôm đó chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Nguyên nhân xảy ra câu chuyện là quyết đình của cuộc hội đàm ở Paris về vấn đề Sơn Đông, đem Giao Châu Đài Loan giao cho Nhật Bản. Quyết định ấy thành mồi lửa lan nhanh chóng trong các trường đại học. Các sinh viên tức giận điên cuồng, ngọn trào yêu nước cuồn cuộn dâng lên mà trường đại học Bắc Kinh là mũi xung kích đứng đầu. Trong đám học sinh khẳng khái hiên ngang của Trường đại học Bắc Kinh, Hạ Lỗi lại là người cầm đầu.
- Các bạn đồng học! Chúng ta hãy đứng lên cứu lấy Trung Quốc, cứu lấy lãnh thổ chúng ta! Hạ Lỗi đứng trên một đài cao dựng tạm ở cổng trường, giơ cánh tay hô lớn. Dưới đài tụ tập đến hàng ngàn học sinh, cả những học sinh của trường sư phạm gần đó cũng đến. Tất nhiên có cả Mộng Phàm và Thiên Lam. Họ đứng lẫn trong đám người.
- Đại thế Sơn Đông một khi mất đi, ngay đến cả quyền tự do tự chủ lãnh thổ của chúng ta cũng không còn nữa! Mất lãnh thổ, liệu còn có quốc gia không? Hỡi đồng bào thân yêu nhất, có huyết chí nhất của tôi! Đó là lãnh thổ của chúng ta, đó là giang sơn tươi đẹp của chúng ta. Chúng ta làm sao có thể giương mắt để người Nhật Bản cướp mất. để chúng không ngừng lăng nhục chúng ta, coi chúng ta như nô lệ!...
Đám đông dưới đài bừng bừng khí thế. Họ rống lên, kêu lên, đồng tình căm phẫn.
- Để chúng ta đến Triệu gia lâu. Chúng ta hãy đến phủ Tổng thống Đoàn Kỳ Thuy! Để chúng ta lay tỉnh, những tên giặc bán nước sống say chết mộng! Hạ Lỗi càng lớn tiếng hét, nước mắt nóng hổi dâng đầy. Anh giơ cánh tay lên, lại thét: Đất đai Trung Quốc không thể bán đứng!"
- "Đất đai Trung Quốc không thể bán đứt" Dưới đài mọi người hưởng ứng như sấm. Tiếng la thét chấn động bốn phía, người người đều giơ cao cánh tay lên.
- "Nhân dân Trung Quốc quyết không chịu cúi đầu!" Hạ Lỗi lại thét.
- "Nhân dân Trung Quốc quyết không chịu cúi đầu!" Mọi người thét to, rất nhiều người không cầm được nước mắt.
Hạ Lỗi quá phấn khích. Trong cơn xúc động anh cởi chiếc đồng phục học sinh bên ngoài, xé áo sơ mi bên trong, cắn nát ngón tay, viết lên áo bốn chữ lớn "Trả ta Thanh Đảo". Viết xong, anh giơ cao mảnh vải trắng có dòng chữ máu lên, hô to:
- Nước mất rồi! Đồng bào ơi, đứng dậy!
Học sinh sinh viên càng đồng tình phấn khích. Có người khóc, có người thét to, có người đấm ngực, có người dậm chân. Mọi người đồng thanh hét to:
- "Trả ta Thanh Đảo! Trả ta Thanh Đảo! Trả ta Thanh Đảo!"
Hạ Lỗi nhảy xuống khỏi đài cao, giơ cao mảnh vải trắng, xông về phía "Triệu gia lâu" mà Tào Nhữ Lâm hồi đó đang ở. Mọi người kép theo Hạ Lỗi. Dọc đường họ không ngừng dựng những biểu ngữ mới, không ngừng hô những khẩu hiệu. Đội ngũ càng ngày càng lớn manh. Đến cửa Triệu gia lâu, đã có đến vạn cái đầu lúc nhúc. Tình cảm phẫn khích của các học sinh đã đến lúc không có cách nào khống chế nổi. Các thứ khẩu hiệu, cái này dâng lên cái kia xuống:
- "Trong trừ quốc tặc! Ngoại trừ cường quyền!"
- "Đầu có thể mất, Thanh Đảo không thể mất!"
- Thà làm quỷ tự do, hơn làm nô lệ sống!"
- "Đã đảo giặc bán nước! Trừng trị nghiêm giặc bán nước!"
Mọi người rống lên, thét lên, càng ngày càng phẫn nộ. Cuộc biểu tình đã đến lúc sôi sục. Họ bắt đầu kêu to tên Tào Nhữ Lâm, Chưởng Tôn Tường, Đoàn Kỳ Thuy, đòi những người này phải ra tạ tội trước quốc dân. Họ cứ rống, cứ thét, cứ náo động như vậy, làm kinh động cả thành phố Bắc Kinh. Cảnh sát chạy đến, súng ống giương ra, họ bắt đầu bắt những phần tử cầm đầu. Nghe tiếng còi cảnh sát ré lên, học sinh sinh viên càng thêm giận dữ không thể nén. Lúc ấy đã có người ném đá vào trong lầu, có người đập cửa kính, có người dộng cửa, có người đốt biểu ngữ... đúng là rối loạn thành một đám. Số đông cảnh sát ùn tới như ong, dùng bán súng đánh đập học sinh. Rất nhiều học sinh bị thương, rất nhiều người bị bắt. Cuối cùng Triệu gia lâu phát hỏa. Đội cứu hỏa hò hét mà đến. Cuối cùng đoàn biểu tình bị xua tan. Toàn bộ nhóm sinh viên cầm đầu đoàn bị bắt. Hạ Lỗi, Mộng Hoa, Thiên Bạch cả ba đều nằm trong số đó.
Hôm đó cả nhà họ Khang như ngồi trên tổ kiến. Vợ chồng nhà họ Sờ cùng chạy đến. Vịnh Tình nghe tin Mộng Hoa bị bắt liền ngất đi. Sau khi tỉnh lại kêu khóc thảm thiết. ở Thiên Lý giận đùng đùng nói với Khang Bỉnh Khiêm.
- Tất cả là do Hạ Lỗi! Tôi hiểu rõ hết cả rồi! Đó là do thằng Hạ Lỗi cầm đầu! Bỉnh Khiêm, việc anh nhận con nuôi không có sao, nhưng anh phải dạy bảo nó chứ!
- Hạ Lỗi? Khang Bỉnh Khiêm giật mình kinh ngạc. Lại là nó à?
Mộng Phàm không tự chủ được, dõng dạc bước ra:
- Cha, me, bác Sở, bác gái, chúng ta không thể trách Hạ Lỗi được. Nếu các người thấy tình hình lúc ấy, các người cũng phải cảm động! Hạ Lỗi là một người tràn đầy nhiệt huyết, có tinh thần yêu nước cao mới làm như vậy! Mọi người đều vì lòng yêu nước cả.
- Yêu nước? Khang Bỉnh Khiêm rống lên. Ở ngoài phố phất cờ la hét mà gọi là yêu nước à? Phóng hỏa đốt nhà mà lại coi là yêu nước à? Nó là người thích chơi trội, thích gây rối! Bây giờ liên lụy đến Thiên Bạch và Mộng Hoa, thử hỏi phải tính làm sao đây? Bị bắt vào nhà giam, nó còn yêu nước được không?
- Tôi biết mà! Tôi biết mà! Vịnh Tình vẫn chưa thôi khóc than. Cái thằng Hạ Lỗi ấy chỉ mang đến tai họa cho cái nhà này! Nó vốn dĩ là mối đại họa!
- Mẹ Mộng Phàm bi phẫn kêu lên.
- Đúng đấy! Đúng đấy! Sở phu nhân cũng khóc hổn hà hổn hển Thằng Thiên Bạch nhà tôi là một đứa bản chất lương thiện, nếu không theo Hạ Lỗi sao lại đi gây bạo động?
- Mẹ! Thiên Lam dậm chân, giận dữ nói - Các người không đi trách Tào Nhữ Lâm, Trương Tôn Tường, lại cứ trách mắng Hạ Lỗi. Các người quả là kỳ quái quá!
- Mày câm mồn! Sở Thiên Lý rống lên với con gái - Đã gây nên tại họa tày trời, mày còn ở đây cãi chày cãi bướng à? Đọc sách, đọc sách, đọc sách để làm những con người quấy rối à?
- Bác Sở! Mộng Phàm không nhịn đươc, tiếp lời - Hôm nay ngoài phố những con người quấy rối ban đầu có đến ba nghìn đấy!
- Mộng Phàm! Khang Bỉnh Khiêm giận dữ rống lên - Mày còn dám đối lời với bác Sở hả? Tao thấy chúng mày không những quấy rối mà còn không coi bậc tôn trưởng vào đâu!
Mộng Phàm nhìn thấy tình thế như vậy, trong lòng vừa bồn chồn vừa tức giận. Cô biết cha mẹ ngoài việc oán hận Hạ Lỗi, quả thức không tìm ra biện phái nào giải cứu. Cô kéo Thiên Lam chạy ra khỏi nhà:
- Thiên Lam chúng ta đi thôi!
Vịnh Tình hốt hoảng nhìn Mộng Phàm:
- Mày định đi đâu? Ngoài phố đang rối loạn, hai đứa con gái chúng mày không ở nhà cha tao. Nếu xảy ra chuyện gì nữa, tao không sống nổi đâu!
- Mẹ Mộng Phàm nóng ruột Con muốn đến trường xem sao. Lần này số người bị bắt toàn là học sinh, nhà trường không lẽ ngồi nhìn không cứu! Tuy các người không tán đồng anh em học sinh, nhưng mọi người quả thật là nhiệt huyết sôi sục, lòng căm phẫn không thể nén! Con tin rằng, đại học Bắc Kinh, Yên Kinh và mấy trường chủ yếu, các thầy hiệu trưởng, các giáo viên chủ nhiệm phải có biện pháp giải quyết! Cha, mẹ, các người đừng lo lắng, Con dám nói, dư luận sẽ ủng hộ chúng con! Rồi tất cả học sinh sinh viên đều sẽ được phóng thích. Mộng Hoa, Thiên Bạch, Hạ Lỗi chẳng bao lâu nữa sẽ trở về nhà!
Lời Mộng Phàm nói không sai. Ba ngày sau Mộng Hoa, Thiên Bạch, Hạ Lỗi đều được phóng thích. Mà cuộc vận động Ngũ Tứ cũng diễn biến thành cuộc vận động của toàn dân. Ở Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh, Vũ Hán mọi người đều lần lượt hưởng ứng, cuối cùng lan rộng ra đến hải ngoại, cả Hoa kiều cũng tham gia hoạt động.
Đối với Khang Bỉnh Khiêm, trong cuộc vận động toàn dân là chuyện của người khác, ông không hề quan tâm, mà điều bận tâm của ông là Hạ Lỗi, con người thích đấu đá và không chịu thần phục ai. Tuy bọn trẻ đã bình an trở về, ông vẫnn không nén nổi, mắng Hạ Lỗi tàn tệ:
- Mày không lo đến an nguy cho mình. Mày cũng không lo đến an nguy của Mộng Hoa và Thiên Bạch à? Đưa mày đến trường học, mà học hàng hay đấy! Sao lại đi đối lập với chính phủ? Mày muốn cách mệnh hay là muốn tạo phản?
- Thưa nghĩa phụ! Hạ Lỗi kinh ngạc hết sức, Khang Bỉnh Khiên cũng là thế gia thư hương, sao không hề động tâm trước việc cắt đất cầu vinh? Chẳng trách được Mãn Thanh sắp đem đất Trung Quốc bồi thường hết sạch. - Con bất đắc dĩ phải làm thế! Cái chính phủ hiện tại của ta quả thực tồi tệ quá rồi! Thế nào cũng có người đứng lên nói chuyện với họ.
- Mày chỉ có nói chuyện thôi ư? Mày còn diễn thuyết, còn tuần hành, phất cờ hò hét, xách động quần chúng! Hành vi của mày đúng là giống lưu manh thổ phỉ! Tao nói cho mày biết, bất luận thế nào mày cũng không nên hành động như vậy. Đó là hành động của những kẻ ngông cuồng! Tao nhìn không thuận mắt!
- Dưỡng phụ! Hạ Lỗi cố nén - Thời đại bây giờ đã không còn là thời đại Mãn Thanh nữa, rất nhiều chuyện quá bất hợp lý, rất cần cải cách. Dù cha thuận mắt hay không thuận mắt, việc phải xảy ra vẫn cứ xảy ra! Dù cho nhà này... Anh ngừng lặng.
- Nhà này làm sao? Khang Bỉnh khiêng càng giận.
- Nhà này cũng có nhiều cái không hợp lý. Anh buột miệng nói.
- A! Khang Bỉnh Khiêm trừng mắt nhìn Hạ Lỗi. - Mày nói thế à? Nhà tao có chỗ nào không hợp lý? Có chỗ nào khiến mày không bằng lòng?
- Thí dụ như nói phụ mẫu chi mệnh, môi chước chi ngôn.
Mộng Phàm bị chấn động, chén trà trong tay cô suýt rơi xuống đất.
- Thí dụ như lấy dì hai, mua tớ gái.
Tâm Mi tức tốc ngẩng đầu nhìn Hạ Lỗi phán xét. Nhỏ Ngân, Nhỏ Thúy đều kinh ngạc.
- Được rồi, được rồi! Vịnh Tình vội cản lại. - Mày nói đến đấy là đủ! Coi như mọi người bình an trở về thế là xong rồi. Phụ nữ trong nhà chúng ta rất đầy đủ, không cần mày vì chúng ta mà đấu tranh quyền lợi!
- Dưỡng mẫu, địa vị của mẹ đã hẳn nhiên rồi, đương nhiên không cần phải tranh cãi gì cả Hạ Lỗi nói gấp, mũi tên đã phát ra không thể dừng. - Nhưng Nhỏ Ngân, Nhỏ Thúy thì sao?
Nhỏ Ngân, Nhỏ Thúy đều giật mình sợ hãi. Nhỏ Ngân vội vàng tiếp lời:
- Chúng tôi không phiền Lỗi thiếu gia lo lắng dùm. Chúng tôi tự biết thế nào là đủ...
- Đúng thế, đúng thế! Nhỏ Thúy nói theo. - Lão gia, thái thái đối với chúng tôi tốt như thế, chúng tôi còn trách cái gì?
- Nhưng Hạ Lỗi không dừng được. - Như Vú Hồ thì sao?
- Cậu Lỗi! Vú Hồ sợ hãi kêu. - Cậu đừng hại tôi, tôi chưa hề có gì phải oán trách cả!
Hạ Lỗi nản chí, nhìn những phụ nữ trong nhà thấy người này so với người khác đều yếu đuối. Anh nhìn thẳng Tâm Mi:
- Còn dì Mi thì sao? Lẽ nào cũng chấp nhận số mệnh? Lẽ nào đối với cuộc đời dì đã không còn có yêu cầu gì? Quả thật được mình có sự tôn nghiêm, có tự do, có địa vị, có vui sướng?...
Khang Bỉnh Khiêm phất tay áo đứng lên:
- Đủ rồi đủ rồi! Mày là thằng trẻ ranh không biết trời cao đầy dày là gì. Mày vừa đốt Triệu gia lâu, bây giờ muốn đốt Khang gia lâu nữa!
Mộng Hoa cười thành tiếng. Mộng Phàm cũng cười theo.
Vịnh Tình, Tâm Mi, Nhỏ Ngân, Nhỏ Thúy... mọi người cảm thấy thoải mái, mặt lộ ra nét tươi cười.
Bỉnh Khiêm không muốn lại mở rộng câu chuyện, cũng theo mọi người cười. Trong hoàn cảnh đó, Hạ Lỗi dầu cho còn nhiều chuyện muốn nói, cũng đành gác lại. Nhìn mọi người đang cười, anh không thể không cười theo. Cơn sóng gió đến đây đã trở lại bình lặng. Nhưng đối với Hạ Lỗi, "Ngũ Tứ" giống như một mầm lửa nhỏ, thiêu đốt trong lòng ngực anh, khiến cho cách nhìn của anh với xã hội này, với cuộc đời, đối với mình, dĩ chí đối với tình cảm, đối với mục tiêu cuộc sống... đều "hoài nghi". Thứ 'hoài nghi" từ mầm lưa nhỏ cứ lớn dần, lớn dần. Cuối cùng giống như một ngọn lửa dữ dội thiêu đốt khiến toàn bộ tâm linh anh đều nhức nhối.
Người thứ nhất đề cập với Hạ Lỗi về vấn đề "thân phận" là Vú Hồ. Vú Hồ săn sóc Hạ Lỗi tất cả mười hai năm. Mười hai năm nay, bởi Vú Hồ không có con cái, bởi Hạ Lỗi không có cha mẹ, lại bởi Hạ Lỗi không hề làm ra bộ "thiếu gia" nên bà ta cứ nói cười tự nhiên, thoải mái, bàn bạc mọi vấn đề với Hạ Lỗi. Mối quan hệ của họ rất là thân thiết. Nói chung tấm lòng của Vú Hồ đều hướng về Hạ Lỗi. Trong tiềm thức, bà thương anh như con mình đẻ ra, lại sùng kính anh như cậu chủ.
Rất nhiều chuyện, Vú Hồ nhìn thấy trước mắt bối rối trong lòng. Trực giác của nữ giới cho phép bà nhìn nhận ra rất nhiều vấn đề. Trước mắt bà, Hạ Lỗi càng ngày càng buông tuồng, Mộng Phàm càng ngày càng thích lẻn đến phòng Hạ Lỗi. Cuộc "Ngũ Tứ" gì đó với diễn thuyết, viết huyết thư, rồi Hạ Lỗi thành một anh hùng. Nam nữ bình đẳng, tự do luyến ái, lật đổ chế độ bất hợp lý... gì gì đó rất khó chấp nhận. Càng khó chấp nhận hơn khi Mộng Phàm thường đem những lý luận đó thảo luận với Hạ Lỗi... mà lại thảo luận quá nhiều. Sự sùng bái Hạ Lỗi của Mộng Phàm cơ hồ cũng nhen thêm ngọn lửa.
- Lỗi thiếu gia! Tối hôm đó, bà ta nhịn khôn nổi nên mở miệng Cậu có thể không đụng chạm đến ông chủ nữa hay không? Cũng không dẫn Mộng Hoa và Mộng Phàm làm cái cuộc vận động động gì nữa hay không? Cậu nên nhớ đến "thân phận" của mình!
Hạ Lỗi nhạc nhiên:
- Thân phận của tôi làm sao?
- Trời! Vú Hồ thở dài quan tâm mà thành khẩn Cậu nên biết bất luận thế nào con mình đẻ ra và con nuôi dưỡng, nói đến cùng cũng có khác biệt. Bà chủ là người rất trung hậu, mới coi cậu như con đẻ, cậu không thể không biết cảm ơn! Con mình đẻ ra, nếu phạm sai lầm, mọi người sẽ ghi nhớ tận đáy lòng suốt đời!
Hạ Lỗi nghe đau nhói trong lòng. Lâu nay anh không hề nghĩ đến thân phận của mình. Giờ nghe Vú Hồ nhắc tới, anh bỗng thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương. Thứ mặc cảm tự ti lâu nay không biết trốn đâu giờ bỗng trỗi dậy. Anh nhìn Vú Hồ, bỗng hiểu tại sao trong thành ngữ Trung Quốc có bốn chữ "Khổ khẩu bà tâm"
- Nhưng tôi đã phạm sai lầm gì?
- Cậu phạm sai lầm chưa phải là nhiều hay sao? Làm hai cậu Mộng Hoa và cậu Thiên bạch bị giam! Bà chủ nhà giận đến như thế, cậm còn chưa nhìn thấy hay sao? Chuyện đã qua coi như là xong. Từ giờ trở đi, cậu không được phạm sai lầm nữa.
Hạ Lỗi không nói, im lặng suy nghĩ.
- Cậu chỉ cần từng giờ từng khắc nhớ đến "thân phận" của mình là rất nhiều việc sẽ không phạm sai lầm nữa! Thí dụ như... Vú Hồ vừa trải giường, vừa buột miệng nói Cậu và Thiên Bạch kết bái làm anh em!
- Thì làm sao? Anh ngẩng đầu lên Tôi có chỗ nào không phải với Thiên Bạch?
- Mộng Phàm là "vợ" của Thiên Bạch!
Vú Hồ kéo phẳng nệm giường, quay mình đi ra khỏi phòng.
Trái tim của Hạ Lỗi lại nhói lên, đau buốt.
Người thứ hai đề cập đến vấn đề "thân phận" của anh là Tâm Mi.
Tâm Mi là vợ kế của Bỉnh Khiêm. Ông cưới Tâm Mi về nhà này đã mười lăm năm rồi. Tâm Mi là một phụ nữ mắt rất to, lông mày dài, mặt tròn. Mười mấy năm trước, cô là một cô gái đẹp. Tiếc rằng cha mẹ đều mất sớm, cô theo anh chị sống qua ngày, rồi bị gả vào nhà họ Khang làm vợ nhỏ. Bây giờ anh chị của Tâm Mi đã trở về quê cũ ở Sơn Đông, cô ở Bắc Kinh. Ngoài nhà họ Khang ra, ở Bắc Kinh cô không còn ai là người thân thích.
Tâm Mi là người phụ nữ rất vô tư. Cô cũng chấp nhận số mệnh. Nỗi đau đớn lớn nhất trong đời cô là mất một đứa con. Dạo ấy, Hạ Lỗi đến nhà họ Khang đã được ba năm rồi. Anh vẫn còn nhớ, tình cảm của Tâm Mi đối với đứa con còn ở trong nôi ấy không giống thứ tình mẫu tử bình thường. Có lẽ sống trong nhà họ Khang, đó là thứ ruột thịt duy nhất, nên cô yêu nó hơn bất cứ thứ gì trên đời. Khang Bỉnh Khiêm sắp xếp con theo thứ tự, lấy tên Mộng Hoàn. Nhưng Mộng Hoàn lại không may mắn, nó chỉ sống được bảy tháng thì mắc bệnh chết non. Đên ấy, trong ngôi nhà lớn họ Khang, vang lên tiếng kêu gào thảm thiết của Tâm Mi.
- Mộng Hoàn! Nếu con phải đi, sao lại xuống cõi đời trên ghẹo làm gì? Con hãy mang cả mẹ cùng đi với! Mẹ cũng không còn muốn sống nữa! Không muốn sống nữa!
Nhưng Tâm Mi vẫn cứ phải sống, sống trong sự kỳ vọng lại có được đứa con. Nhưng cứ chờ đợi mãi mà không có tin gì. Tuổi xuân dần qua, nụ cười của Tâm Mi càng ngày càng héo hắt và ít đi. Trong ánh mắt cô chỉ còn lại sự nghi ngờ và ai oán. Đôi môi khô nứt, khuôn mặt bầu bĩnh trước đây biến thành gầy. nhưng cô vẫn rất đẹp, một cái đẹp thê lương, đẹp cô đơn.
Nếu không có cuộc "Ngũ Tứ", Tâm Mi vĩnh viễn chìm đắm trong cái thế giớio bị đóng cửa của nhà họ Khang. Nhưng Hạ Lỗi đã mang đến cho cô luồng gió mới: "Còn dì Mi thì sao? Lẽ nào các người quả thật chấp nhận số mệnh? Quả thực đối với cuộc đời đã không còn yêu cầu gì nữa? Quả thật thấy mình có được sự tôn nghiêm, có địa vị, có tự do, có vui sướng... " Những lời nói ấy làm Tâm Mi rúng động, khiến cô trong đêm dài không ngủ, khắc khoải không nguôi.
Quá trưa hôm ấy, cô ngăn Hạ Lỗi lại ở hành lang:
- Tiểu Lỗi, hôm đó cậu nói những gì tự do, vui sướng, tôi không hiểu? Cậu cho rằng, loại đì hai như tôi cũng có thể giành lấy được sự tôn nghiêm à?
- Đương nhiên Hạ Lỗi quá đổi kinh ngạc trước thứ quan niệm gì nua của xã hội Trung Quốc. Thứ quan niệm tước đoạt hết ý thức cơ bản về nhân quyền của một người phụ nữ Bất luận thân phận dì như thế nào dì đều có quyền được tôn trọng! Con người sinh ra bình đẳng. Mỗi người đều có quyền mưu cầu tự do và hạnh phúc.
- Không trách được... Tâm Mi chăm chú nhìn anh, nói lý nhí rồi nín bặt, chỉ cố nhìn anh trân trân như ngầm đánh giá con người anh.
Hạ Lỗi hỏi:
- Không trách được cái gì? Anh ngạc nhiên hỏi.
- Không trách được... cậu tuy chỉ là đứa trẻ được thu dưỡng, nhưng cậu cũng giống như Mộng Hoa, sống thẳng thắn, can đảm!
Trong lòng Hạ Lỗi lại bị vật gì đụng vào đau dữ dội. Anh vụt tỉnh ngộ. Cái gọi là "nghĩa tử","dưỡng tử" ở trong ngôi nhà lớn cổ xưa nhà họ Khang, cũng giống như "di thái thái", không có quyền hạn và địa vị gì cả.
Người thứ ba thức tỉnh anh về thân phận của anh là Khang Cần. Tối ấy anh đến cửa hiệu thuốc "Khang ký" để giúp đỡ công việc. Khang Cần đang thái nhung hươu. Anh giúp bác ta thu cất nhân sâm vừa chở về từ Đông Bắc. Ngồi ở trước cái bàn vuông, anh có vẻ ủ rủ.
- Sao thế? Khang Cần chăm chú nhìn anh. - Lại đấu khẩu với ai à? Cậu Mộng Hoa hay là cô Mộng Phàm?
Anh im lặng không nói.
- Tôi biết rồi! Khang Cần dò đoán. - Lão gia lại nói gì cậu chứ gì? Khang Cần thở ra. - Lỗi thiếu gia nghe tôi khuyên một câu này! Tục ngữ nói rất hay: "Nhân tại ốc thiềm hạ, bất đắc đê đầu". Nhà họ Khang người trên kẻ dưới, đối với cậu thế là tốt lắm rồi. Có những chuyện cậu nên nín nhịn.
Hạ Lỗi kinh ngạc nhìn Khang Cần, bất giác lẩm nhâm: "Nhân tại ốc thiềm hạ, Bất khả bất đê đầu".
- Không biết là tôi không đúng hay họ không đúng? Anh buồn bã nói. - Gần đây mỗi người đều nhắc nhở tôi về điều đó.
- Cần nghĩ thông suốt môt chút, sống ở đời là như vậy đấy!
Lại một người chấp nhận số mệnh! Hạ Lỗi như vậy đấy!
- Khang Cần, tôi muốn hỏi bác... tại sao bác lại làm việc cho nhà họ Khang trong lúc bác không phải là người tầm thường? Bác thông thiểu sách vở, đạt đạo lý, lại thông thạo y học. Một người giống như bác, căn bản là một "nhân tài", tại sao lại chịu cúi lòn người khác lâu như vậy?
Khang Cần giật mình. Tuy được Hạ Lỗi khen ngợi, bác có chút đắc ý, nhưng không khỏi có chút cảm hoài tự thương đối với thân thể của mình.
- Lỗi thiếu gia có điều không biết, tôi lấy họ của nhà họ Khang là bởi vì cả ba đời họ nhà tôi đều ăn cơm của nhà họ Khang mà lớn lên! Cậu đừng nói tốt cho tôi như vậy, tôi chẳng qua chỉ là tôi tớ mà thôi. Lão gia đãi tôi không bạc. Từ nhỏ, khi thầy giáo trường tư thục mở lớp, lão gia cho tôi được học ké. Nhờ vậy cũng biết đọc sách viết chữ, so với Khang Phúc, Khang Trung càng được ông chủ hài lòng hơn. Lại đem Kim Nữu hầu bên mình thái thái, cho tôi làm vợ. Tiếc rằng Kim Nữu bạc phước, mới vài năm đã chết... Lão gia mỗi lần đi công việc gì, cũng đều mang tôi đi theo. Bây giờ lại để cho tôi quản lý "Khang ký dược tài hàng"... Quả thật, quả thật là tôi không có gì đáng oán trách cả.
- Nhưng, Khang Cần Hạ Lỗi thành thật nói Bác sống thấy ổn thỏa ư? Ngoài chuyện Kim Nữu ra, trong đời bác, không có điều gì ân hận phải không?
Khang Cần tỉnh ngộ. Bác ta sợ hãi nhìn quanh:
- Tất nhiên là có, thậm chí rất nhiều vấn đề không dám nghĩ đến nữa!
- Nhưng bác có nghĩ đến hay không?
- Đương nhiên là... nghĩ đến.
- Rồi kết luận của bác là thế nào?
- Làm sao có được kết luận? Có một số cảm giác vụt qua trong óc, vụt qua thế là đã thấy nhức nhối, không dám đụng chạm đến nó, cũng không dám đuổi theo nó, để cho nó trôi qua!
- "Cảm giác" gì? Thứ "cảm giác" như thế nào?
Khang Cần không sao tránh né nổi. Bác ta nhìn thẳng Hạ Lỗi:
- Tựa như cảm giác "tịch mịch", cảm giác "đánh mất mình", cảm giác sẽ không "sống được thoải mái"... lại còn giống như mình bị giam hãm...
- Cảm giác muốn "tháo cũi sổ lồng" phải không? Hạ Lỗi tiếp lời.
- Đúng đấy! Khang Cần run run nói. - Đúng là như vậy.
Hạ Lỗi và Khang Cần đăm đăm nhìn nhau. Có một thứ tình thông cảm và tình bạn chảy trong lòng hai người, tuôn trào như nước vậy.
- Khang Cần. Hạ Lỗi ngập ngừng nói. - Năm nay bác bao nhiêu tuổi?
- Bốn mươi hai tuổi!
- Bác là cái gương của tôi! Hạ Lỗi buột miệng kêu lên. - Nếu tôi cứ an phận với hiện tại, không tranh giành cái gì, đến năm mươi bốn hai tuổi, tôi sẽ ngồi trong cửa hiệu thuốc "Khang ký" thay bác và nhớ tiếc tuổi thanh xuân đã mất! Anh đứng lên, lảo đảo đi ra cửa, vén màn cửa lên, chân cao chân thấp rời khỏi cửa hiệu.
Trong đời Hạ Lỗi có rất nhiều ngày u uất không vui. Sự kích thích mà cuộc vận động Ngũ Tứ mang lại và sự hoài nghi về thân phụ của mình, biết thành một thứ tâm trạng hết sức mâu thuẫn. Anh thấy mình bị một thứ lưới vô hình tầng tần lớp lớp vây bọc, không thể hít thở được, không thể sống được. Nhà họ Khang dần dần biến thành một thứ địa ngục. Anh không biết nên sống thế nào, sinh tồn thế nào, làm thế nào mới có thể "tháo cũi sổ lòng"?
Từ chỗ không biết sống như thế nào đó, chẳng hiểu sao anh bắt đầu lao vào làm việc như điên.
Anh bửa củi, anh sửa xe ngựa. Anh trèo lên nóc nhà sửa ngói lợp mái. Anh mua gạch, đắp thêm tường, đem cái cửa sổ xưa bao nhiên năm nay không tu sửa bóc gỡ xuống, xây mới lại... bận đến nỗi đúng là đầu váng mắt hoa. Mộng Phàm đuổi theo anh trước nhà sau nhà, trong vườn ngoài vườn, mà không sao nói nổi vài ba câu với anh. Bỗng nhiên chàng sinh viên đại học đã từng là thủ lĩnh của cả trường, toan làm chuyện quốc gia đại sự bỗng biến thành một tên nô lệ của nhà họ Khang.
Hôm đó, rốt cuộc Mộng Phàm cũng tìm được Hạ Lỗi ở chuồng ngựa.
Hạ Lỗi đang dùng bàn chải lông cho Truy Phong. Truy Phong hôm nay đã trở thành một con ngựa lớn khỏe mạnh. Hạ Lỗi dùng lược chải cho ngựa, chải hết sức chuyên tâm.
- Khang Phúc, Khang Trung đâu rồi? Mộng Phàm đột nhiên hỏi.
- Họ đi làm công việc khác rồi. - Hạ Lỗi không ngẩng đầu lên, đáp.
- Làm công việc khác? Mộng Phàm cất cao giọng. - Tất cả những công việc nặng nề từ trong đến ngoài, từ trên chí dưới của nhà họ Khang anh không thể một mình ôm đồm lấy hết cả được đâu. Hôm qua trèo lên nóc nhà sửa nóc nhà. Hôm trước xả rãnh thông nước. Hôm trước nữa sửa cửa lớn, cửa giữa, cửa bên, cửa nách... Anh còn việc gì để lại cho Khang Phúc, Khang Trung làm?
Hạ Lỗi không nói, cắm đầu chải lông cho ngựa, chải hết sức mạnh mẽ. Mồ hôi từ trán từng giọt từng giọt rỏ xuống.
Mộng Phàm nhìn mồ hôi rỏ, rất là bất nhẫn. Lấy từ trong lòng ra một cái khăn lụa, cô bước tới một bước, đưa tay lau mồ hôi cho Hạ Lỗi.
Hạ Lỗi giống như chạm phải điện, lùi lại một bước.
- Đừng đụng đến tôi! Anh nói giọng thô lỗ.
Mộng Phàm kinh ngạc, há mồm lè lưỡi nhìn Hạ Lỗi. Cách tay cầm chiếc khăn lụa dừng lại ở khoảng không, lúc sau lại yếu ớt buông rũ xuống. Cô lùi lại một bước, trên mặt lộ vẻ bị tổn thương sâu sắc.
- Anh làm sao mới được chứ? Cô nén giận hỏi. - Tôi có lỗi gì với anh? Có ai chọc giận anh? Tại sao anh lại cứ không ngừng làm việc khổ sở thế?
- Mặc kệ tôi! Anh càng thô lỗ.
- Tôi làm sao có thể mặc kệ anh được! Mộng Phàm dậm chân, mắt đỏ ngầu lên. - Từ khi anh mười tuổi đến nhà tôi, anh làm gì tôi cũng theo anh làm cái ấy: Anh cưỡi ngựa tôi cũng cưỡi ngựa. Anh phát khùng tôi cũng phát khùng. Anh trèo núi tôi cũng trèo núi. Anh đi học tôi cũng đi học... Bây giờ anh bảo tôi mặc kệ anh, tôi làm sao có thể mặc kệ anh được?
Hạ Lỗi vứt bàn chải xuống, ngẩng đầu lên, đăm đăm nhìn Mộng Phàm.
- Từ giờ trở đi, đừng theo tôi nữa! Anh khàn giọng nói, mắt mở càng lớn. - Lẽ nào cô không nhận được ra. Trong người tôi có vi trùng? Tôi là tai họa, là thức dịch hạch, là bệnh truyền nhiễm! Xin cô lánh xa tôi ra!
- Anh nói cái gì? Cái gì là dịch hạch, là bệnh truyền nhiễm? Mộng Phàm kinh ngạc. - Ai nói với anh những lời tàn tệ thế? Ai dám làm như vậy? Ai nói thế? Cô giận không thể nén.
Anh mở to mắt nhìn khuôn mặt vì giận mà đỏ bừng, nhìn con ngươi lóe sáng như sao, nhìn vẻ đẹp khiến người mê đám của cô, trái tim anh thắt lại: Này! Mộng Phàm, xin cô lánh xa tôi ra. Cô là người trong lòng tôi muôn ngàn lần nghĩ đến. Cô là nỗi đau khổ lớn nhất của đời tôi... Anh tung mình nhảy lên lưng ngựa, phóng đi như chạy trốn.